Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 34: Con Ðường Trung Ðạo

25/03/201101:36(Xem: 9139)
Chương 34: Con Ðường Trung Ðạo

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG 34
CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO

Thưa đại chúng,
Hôm nay chúng ta bước vào Con Đường Trung Đạo, và cũng là chủ đề của chương Kinh ba mươi bốn nầy.

A CHÁNH VĂN.

Sa Môn dạ tụng Ca Diếp Phật Di giáo kinh. Kỳ thanh bi khẩn, tư hối dục thối. Phật vấn chi viết: “Nhữ tích tại gia, tằng vi hà nghiệp? Đối viết: Ái đàn cầm.” Phật ngôn: “Huyền hỗn như hà? Đối viết: Bất minh hỷ.” “Huyền cấp như hà? Đối viết: Thanh tuyệt hỷ.” “Cấp hỗn đắc trung như hà? Đối viết: Chưâm phổ hỷ.”

Phật ngôn: “Sa Môn học đạo diệc nhiên. Tâm nhược điều thích, Đạo khả đắc hỷ. Ư đạo nhược bạo, bạo tức thân bì. Kỳ thân nhược bì, ý tức sanh não. Ý nhược sanh não, hạnh tức thối hỷ. Kỳ hạnh ký thối, tội tất gia hỷ. Đản thanh tịnh an lạc, đạo bất thất hỷ.”

Có một thầy Sa môn ban đêm tụng Kinh Di Giáo của Đức Phật Ca Diếp, tiếng ông ấy nghe rất buồn bã như tiếc nuối thối lui. Đức Phật hỏi: “Xưa kia, khi ở nhà ông thường làm nghề gì? Đáp rằng: “Thích chơi đàn cầm.” Phật hỏi: “Khi dây đàn chùng thì sao? Đáp rằng: “Không kêu được.” Đức Phật hỏi: “Khi dây đàn căng quá thì sao”? Đáp rằng: “Tiếng bị mất.” Đức Phật hỏi: “Không căng cũng không chùng thì sao?” Thầy ấy đáp: “Các âm thanh đầy đủ dễ nghe.”

Đức Phật liền dạy: “Người Sa môn học đạo cũng như vậy, tâm lý được quân bình thì mới có thể đắc Đạo. Đối với sự tu tập mà căng thẳng quá thì làm cho thân mệt mỏi, khi thân mệt mỏi thì tâm ý sẽ sinh phiền não. Tâm ý đã sinh phiền não thì công hạnh sẽ thối lui. Khi công hạnh đã thối lui thì tội lỗi tăng trưởng. Chỉ có sự thanh tịnh và an lạc Đạo mới không mất được.”

B. ĐẠI Ý.

Người tu học phải điều tiết thân tâm theo con đường trung đạo.

C. NỘI DUNG.

1. Khéo thể nghiệm con đường trung đạo.

Chương Kinh ba mươi bốn nầy có hai câu rất quan trọng tôi dẫn ra đây xin các vị lưu ý. Phật ngôn: “Sa môn học Đạo, tâm nhược điều thích, Đạo khả đắc hỷ. Đản thanh tịnh an lạc, Đạo bất thất hỷ”: “Các thầy hay những người đam mê con đường thực tập, mà nếu điều tiết được thân và tâm một cách thích đáng, chừng mực, hợp lý thì có thể chứng nghiệm được sự an lạc, hạnh phúc hoặc giải thoát trong hiện đời. Chỉ cần có sự thanh thản, an bình, trong sáng vui tươi của tâm thức thì có thể chứng được Đạo.”

Thưa quí vị, tâm thức chúng ta khi mới vào đạo thường rất tinh tấn, nếu quá tinh tấn thì sẽ lạc vào cực đoạn của sự căng thẳng, và rồi một thời gian sau chúng ta sẽ lạc vào sự buông trôi. Khi nghiêng về bên nầy, khi nghiêng về bên kia ấy là chúng ta không chọn được con đường trung đạo để đi.

Con đường trung đạo là con đường thành tựu đạo nghiệp mà các bậc Thánh quá khứ từ Đức Thế Tôn, các vị Thiền sư cho đến các vị Thầy cận đại đều đi. Nhưng con đường trung đạo không đơn giản khi áp dụng vào thực tế.

Tôi muốn chia xẻ để chúng ta làm thế nào đừng lạc vào trạng thái căng thẳng của tinh tấn, cũng đừng lạc vào trạng thái của sự buông lung. Hai điều nầy khó cho chúng ta điều tiết tâm thức mình, khó thực tập đều đặn để đi vào con đường trung đạo. Đường tu thì rất là dài, mà sinh tâm lý chúng ta lại thay đổi từng ngày một; nay vui, mai buồn, khi khỏe, khi bệnh... nên đưa tâm ý chúng ta đi vào con đường trung đạo trên lý thuyết rất dễ, nhưng để áp dụng vào thực tế thì đi trọn con đường tu, không chán nản cực kỳ khó khăn.

2. Hãy học cách dạy đệ tử của Đức Phật.

Nội dung đoạn Kinh cho chúng ta thấy là Đức Phật đã thể hiện cách chăm sóc, nuôi dạy đệ tử rất chu đáo. Ngài đã vận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện để cho chúng ta những lời dạy áp dụng vào sự thực tập mà không đi vào phù phiếm của lý luận. Ta cũng thấy Đức Thế Tôn đã chăm sóc Thầy tỳ kheo khi nghe tiếng thầy tụng kinh rất buồn, Ngài đã đến thăm hỏi và nương vào cơ hội Thầy tỳ kheo là người thiện nghệ về gảy đàn, Ngài dạy cho cách gảy đàn thế nào để có âm thanh tao nhã, âm thanh hay và từ đó ứng dụng vào sự tu tập. Những cơ hội khác như trên đường đi gặp một khúc gỗ trôi trên sông, gặp một gò mối, gặp hòn đảo, gặp người bắt rắn... Ngài đều vận dụng, qui chiếu vào sự thực tập, dạy dỗ các tỳ kheo.

Điều đáng nhớ nhất là trong Phật giáo Nguyên Thủy chúng ta không tìm thấy các loại ngôn ngữ, triết lý gì cao siêu, trừu tượng. Phần nhiều lời dạy đồ đệ được Đức Phật xử dụng bằng tiếng địa phương rất gần gũi nhân tình và dẫn dụ rất cụ thể, giản dị.

Ngoài khả năng vận dụng cơ hội và lời dạy áp dụng vào sự thực tập, Đức Phật còn có đời sống thân cận, chăm sóc, thương yêu và chờ đợi. Chúng ta cần phải học hỏi tất cả điều nầy, học để nuôi dưỡng chính mình, để giúp đỡ người khác. Nếu không kiên nhẫn, không có sự đợi chờ thì chúng ta đánh mất cơ hội nếm được vị ngọt của trái cây đến độ chín muồi. Làm một vị Thầy lớn mà không có khả năng chờ đợi, kiên nhẫn có thể sẽ làm đổ vỡ đời tu người đệ tử mà mình nuôi dạy.

Trong cộng đồng Tăng chúng tâm thức của mỗi người đều rất khác biệt; có những người tuy lớn nhưng khi ta nói một lời họ tiếp nhận rất dễ, thì cũng có những người do môi trường sống tích tụ thành tính khí, tình cảm và sự cố chấp từ tuổi còn thơ nên khó nói một lời đến với họ. Thêm vào đó còn có vấn đề tâm sinh lý con người đột biến khôn lường, khi thì dịu dàng, ngoan ngỗn, khi thì ngang bướng lì lợm, khó dạy vô cùng cho nên sự kiên nhẫn đợi chờ rất quan trọng.

Chúng ta nhìn lại chính mình trên con đường tu phải biết thương yêu chính mình, phải kiên nhẫn với chính mình nếu không con đường tinh tấn của mình thụt lùi, con đường tu mình không đi hết được. Chúng ta tu mà cứ năm ba bữa bỏ truyền thống này nhảy qua truyền thống khác, thay đổi từ pháp môn này qua pháp môn nọ, điều này rất dễ xảy ra trong tâm thức của những người tu thiếu kiên nhẫn.

Chúng ta không cần phải học ai bằng học Đức Thế Tôn. Ngài chờ đợi đến một cơ hội nào đó có thể được mới dạy, và đọc vào lịch sử để thấy nhiều chuyện khó khăn xảy ra trong tăng đoàn ngày xưa nhưng Thế Tôn đã điều phục được bằng sự kiên nhẫn tột cùng của Ngài. Chúng ta là đệ tử của Ngài phải học điều này, không những chỉ đối xử với bên ngoài mà còn phải kiên nhẫn với chính mình. Và có được sự kiên nhẫn thì con đường trung đạo chúng ta mới đi được.

3. Quân bình thân và tâm khi thực tập.

Thưa đại chúng, Đức Phật từng nói đến con đường trung đạo trong Kinh đầu tiên Ngài thuyết là Kinh Chuyển Pháp Luân. Đây là kinh nghiệm đầy gian truân của Ngài.

Trải qua sáu năm khổ hạnh, tu hành đến kiệt sức trong rừng già không thấy kết quả, Ngài xả bỏ và khám phá một điều con đường thiền định không phải là con đường hành hạ thân xác.

Khi chứng ngộ sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định, điều đầu tiên Ngài nói có hai cực đoan nên tránh: cực đoan thứ nhất là thả trôi theo cuộc sống dục lạc thế gian, cực đoan thứ hai là hành hạ ép xác theo các truyền thống tu tập khổ hạnh.

Tôi xin lưu ý, người tu chúng ta phải rất thông minh, vì con đường trung đạo tùy theo cơ chế của từng hình hài. Ta phải sống thế nào để thích ứng với sức khỏe, tinh thần của chúng ta khi áp dụng con đường trung đạo nầy. Không có một tiêu chuẩn, định hướng chung nào cho mọi người vì căn bản quan trọng của người tu đặt ra là khi nào cũng phải đi con đường trung đạo của chính thân tâm, nghiệp thức, trí tuệ của từng cá nhân.

Đi vào thực tế đời sống để thực tập, dụng công người tu chúng ta cũng như vậy, phải thông minh. Khuynh hướng đầu của ta là hay dễ dãi với chính mình. Chỉ cần một lần dễ dãi thôi là lần sau nó có cơ hội lập lại và từ từ sẽ trở thành thói quen. Tâm thức chúng ta thường hay lừa gạt mình và chúng ta lại hay chìu chuộng theo nó để đi vào con đường giãi đãi. Con đường này dễ đi nhưng là con đường cực đoan, tác hại lên thân rất lớn về lâu về dài và khi đi vào công phu điều phục tâm thì chúng ta sẽ theo con đường lười biếng này. Hai con đường cực đoan: giãi đãi, lười biếng và ép xác khổ hạnh đều dẫn đến kết quả rất thiệt thòi là suốt một đời thực tập của chúng ta không đi đến đâu, không nếm được hương vị thật sự của pháp lạc.

Ngày nay, Đạo Phật đã có mặt ở vùng đất Tây phương. Đã có người Tây phương làm Tăng sĩ nhưng nhìn chung Tăng sĩ bản địa vẫn chưa thực sự bắt rễ sâu vào lòng Đạo Phật. Dĩ nhiên hòa nhập vào một tôn giáo sinh ra từ một nền văn hóa khác biệt với nền tảng văn hóa dân tộc mình không phải đòi hỏi chỉ trong một sớm, một chiều mà phải cần có thời gian và tuệ giác của cả hai phía; tùy theo mức độ đề kháng, kỳ thị tự nội và mức độ thâm nhập thông minh của tôn giáo xa lạ kia. Nên để áp dụng sự trung dung hay con đường trung đạo của đạo Phật vào tâm thức, đời sống người Tây phương là một điều rất khó.

Chúng ta đều biết tâm thức của người Tây phương rất thực tiễn và duy lý, điều gì cũng được họ tính bằng con số, và sự thành đạt cũng phải được tính toán rõ ràng bằng lý trí. Điều này là một trở ngại lớn đối với đời sống người tu, vì tâm thức duy lý thực tiễn, tính toán này chỉ để chinh phục thiên nhiên, vũ trụ, khoa học hay thành đạt học vị bên ngoài. Trong khi con đường tu là con đường quay ngược vào bên trong; càng đi vào trong ta phải càng loại bỏ chứ không có thành đạt thêm gì cả. Từ chỗ có đi đến chỗ không. Đây là điều khó thuyết phục cho niềm tin của họ và là một trong những nguyên nhân mà đạo Phật chưa cắm rễ sâu vào vùng đất này dù rằng các bậc Thầy cố gắng đem đạo Phật làm quà tặng tâm linh hiến dâng cho đất nước họ.

Con đường tu là con đường trở vào chinh phục chính mình, là sự rũ bỏ để trở về tự thể vô ngã. Và khó khăn nhất cho người Tây phương là không nắm được thế nào là sự thành đạt cụ thể nên không có gì để nuôi lớn niềm tự hào cho bản ngã kiêu mạn của mình. Càng tu tính cách cá nhân của mình càng mất đi, không còn nữa. Do vậy, nên khó thuyết phục họ đi sâu vào đời sống tâm linh vô ngã để phát triển Phật pháp ở nơi đây.

Thưa đại chúng, sự khác biệt của hai nền văn hóa Đông phương và Tây phương cũng rất lớn nên không dễ khắc phục. Nuôi dưỡng một Thầy hoặc một Cô người Tây phương để thành một Cao tăng là điều khó vô cùng.

Tự thân giáo lý đạo Phật là một đối nghịch với tâm thức của người Tây phương. Hai điều nghịch lý là giáo lý đạo Phật dạy cho con người quay trở lại bên trong, trong khi xã hội Tây phương dạy con người hướng ra ngoài chinh phục mọi lãnh vực.

Và điều quan trọng nhất là trở ngại của sự thực tập, cho dù mọi truyền thống đạo Phật như: Nhật Bản, Tây Tạng, Thái Lan, Tích Lan, Trung Hoa... đều cố gắng thành lập những trung tâm tu học nhưng vẫn chưa đưa được giáo lý tỉnh thức vào tâm thức người Tây phương một cách sâu sắc.

Yếu tố tâm lý của họ là một trở ngại lớn. Và quý Thầy của truyền thống Phật giáo Đông phương cũng không làm thế nào để chế tác những phương pháp thực tập giản dị, có màu sắc thực tế thích hợp với tâm thức, khẩu vị của họ để quý Thầy, Cô người Tây phương trẻ tiếp nhận đạo Phật vào trong trái tim mình.

Tôi xin chia xẻ chút ít cảm nghĩ và cái nhìn của mình, mong rằng quí Thầy, Cô người Tây phương phải chính mình hết lòng thực tập, hành trì. Đồng thời, với sự nỗ lực tinh tấn học hỏi, hiểu biết sâu rộng mọi truyền thống Phật giáo mà không hạn hẹp trong một truyền thống nào để có kinh nghiệm chứng ngộ sâu sắc hầu truyền đạt cho thế hệ tương lai, làm giàu có cho văn hóa phương Tây. Và giới thiệu đạo Phật đến với quê hương mình, cống hiến được tuệ giác, giáo lý chân thật mầu nhiệm cho mọi người trên miền đất màu mỡ nầy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]