Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 14 – 15: Hành Ðạo Thủ Chân

25/03/201101:36(Xem: 9531)
Chương 14 – 15: Hành Ðạo Thủ Chân

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG 14 - CHƯƠNG 15
HÀNH ĐẠO THỦ CHÂN

Thưa đại chúng,
Toàn bộ Bốn Mươi Hai Chương kinh chỉ có ba chương đặc biệt ở thể vấn đáp là chương mười ba, mười bốn và mười lăm.
Hôm nay chúng ta sẽ đi vào nội dung của bốn câu hỏi có những từ rất quan trọng mà các vị đệ tử đã tham vấn Đức Phật trong hai chương mười bốn và mười lăm.

A. CHÁNH VĂN.

CHƯƠNG XIV.

Sa Môn vấn Phật: “Hà giả vi thiện? Hà giả tối đại? Phật ngôn: Hành đạo thủ chân giả thiện. Chí dữ đạo hợp giả đại.”

Có một vị Sa môn hỏi Phật: “Điều gì là thiện, điều gì là lớn?” Đức Phật dạy: “Thực hành chánh đạo, giữ sự chân thật là thiện, chí nguyện hợp với đạo là lớn.”

CHƯƠNG XV.

Sa Môn vấn Phật: “ Hà giả đa lực? Hà giả tối minh. Phật ngôn: Nhẫn nhục đa lực, bất hoài ác cố, kiêm gia an kiện. Nhẫn giả vô ác, tất vi nhân tôn. Tâm cấu diệt tận, tịnh vô hà uế, thị vi tối minh. Vị hữu thiên địa, đãi ư kim nhật, thập phương sở hữu. Vô hữu bất kiến, vô hữu bất tri, vô hữu bất văn, đắc nhất thiết trí, khả vị minh hỷ.”

Có vị Sa môn hỏi Phật. “Điều gì là mạnh nhất, điều gì là sáng nhất?” Đức Phật dạy: “Nhẫn nhục là mạnh nhất, vì không chứa sự ác tâm nên tăng sự an ổn. Người nhẫn nhục không làm điều gì ác, được mọi người tôn kính. Tâm ô nhiễm đã được đoạn tận, không còn dấu vết gì gọi là sáng nhất. Vì tất cả mọi vật trong mười phương từ vô thỉ thuở chưa có đất trời cho đến ngày nay, không vật gì là không thấy, không vật gì là không biết, không vật gì là không nghe. Đạt được Nhất thiết trí như vậy gọi là sáng nhất.”

Câu hỏi “Hà dã tối đại?” Điều gì là lớn? Tôi xin nhắc lại cùng quí vị chữ “tối đại” thường có nghĩa là cực lớn, nhưng ở đây nên hiểu là Đạo.

B. ĐẠI Ý.

Sa môn thực hành điều lành, tu hạnh nhẫn nhục chứng đắc Đạo lý chân thật chính là điều lớn nhất, mạnh nhất. Diệt trừ hết mọi cấu uế, không còn dấu vết gì, tâm thanh tịnh thì đó là người sáng suốt nhất, trí huệ nhất là đại ý của hai chương Kinh nầy.

C. NỘI DUNG.

1. Thế nào là “Đạo.”

Giai đoạn đầu của Phật giáo Trung Quốc ngôn ngữ xử dụng để dịch kinh văn mang dấu ấn rất đậm của tinh thần Lão Trang. “Đạo khả đạo phi thường đạo.” là câu rất nổi tiếng trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử, nên khi gặp chữ “tối đại” thì chúng ta nên hiểu là câu hỏi của môn đồ hỏi Đức Thế Tôn thế nào là đạo chứ không phải là cực lớn. Suốt dòng chảy của Phật giáo Thiền Tông khi hỏi đến Đạo họ đều dùng chữ Đạo của Lão Trang.

Có một vị quan đến hỏi Ngài Dược Sơn thế nào là Đạo? Ngài Dược Sơn chỉ dưới đất, rồi chỉ trên trời. Ngài hỏi có hiểu không? Lý Cao thưa không hiểu. Ngài liền bảo: “Mây trên trời, nước trong bình”. (Vân hà thị đạo). Về sau Lý Cao làm một bài tụng ngắn:

Luyện đắc thân hình tợ hạc hình,
Thiên chu tùng hạ lưỡng hàm kinh,
Khách lai vấn Đạo vô dư thuyết,
Vân tại thanh thiên thủy tại bình.

Tạm dịch:

Thân gầy như hạc bạn pho kinh,
Dưới rặng tùng xanh ngẩng mắt nhìn
Khách hỏi Đạo mầu đưa tay chỉ
Mây ngủ trời xanh, nước tại bình.

Nếu có khách đến hỏi thế nào là Đạo, thì Thiền sư chỉ mây trên trời, nước dưới bình. Tôi dẫn chứng để quí vị ghi nhận chữ “tối đại” có nghĩa là Đạo, và chữ Đạo ở đây là tên khác của tự tánh Niết Bàn trong nhà Phật. Hay nói một cách dễ hiểu là tâm thể không sinh, không diệt, Phật tính bản nguyên của mình gọi là Đạo.

Ở đây vị Sa môn hỏi: “Thế nào là lớn?” (Hà dã tối đại), và Đức Thế Tôn trả lời: “Thực hành chánh đạo, giữ sự chân thật là thiện, và chí nguyện hợp với Đạo là cực lớn. Đó là chỗ tột cùng, đạt đến chỗ tuyệt vời.”

2. Những tầng vào Đạo.

Để trả lời câu “Hành đạo, thủ chân” của chương nầy. Đức Phật dạy đầu tiên là thực hành chánh đạo. Con đường Đạo dĩ nhiên không có nhiều, chỉ có một mà thôi. Và tột cùng của sự thể hội đạo thì duy nhất là làm thế nào quay trở lại nhận diện được thể không sinh, không diệt của chính mình là tâm Phật của mình. Nhưng trên con đường tìm về tùy căn cơ nghiệp thức của chúng sanh nên con đường đi vào Đạo có nhiều tầng lớp.

Tầng cạn nhất để hành đạo trước hết chúng ta cần hành thiện. Trong chúng ta đều có kinh nghiệm là khi nào tâm thức mình tích cực, nuôi dưỡng ý niệm thiện thì niềm vui có mặt. Chúng ta nên nhớ, tâm Phật là chỗ tột cùng của Đạo tương ưng với Chân Thiện Mỹ của cuộc sống nầy. Những gì đạt đến sự chân thật, cái đẹp, cái lành hoàn toàn thì hợp với đạo. Chân Thiện Mỹ là ba tiêu chuẩn để chúng ta hướng tâm về đạo.

Ở mức độ rất cạn, ta chưa đạt đến sự toàn vẹn, chỉ cần có trong tâm sự tri ân thôi, tự nhiên đã nghe lòng tràn đầy hạnh phúc. Lòng mình mà thương yêu mở rộng, có niềm kính trọng mọi người thì mình cảm nhận được hạnh phúc liền.

Tâm thức ta nếu nặng nề, ô uế ta đến với đạo rất khó. Lòng chứa chấp nhiều hờn giận, buồn phiền, kiêu ngạo không thể dung nạp, hòa hợp được với ai thì con đường đạo cũng rất khó tiến. Cho nên nếu chưa dọn lòng ta để làm một con người dễ thương trong đời hẳn sẽ khó cho ta tiến được trong đời sống tâm linh.

Đôi khi đến với đạo, tu tập lâu tự nhiên tâm thức ta từ từ đóng kín lại. Thường thường tu lâu thì chúng ta có bản ngã của người tu lâu. Hơn nữa, nếu ta là người giỏi, được thầy yêu, bạn quí; là người chịu trách nhiệm lớn trong già lam, tự viện thì bấy giờ bản ngã được nuôi lớn lúc nào không hay. Đó là những vụng về của người tu thường mắc phải. Khi chúng ta nhìn lại, những điều nầy xuất hiện là biết chúng ta đang chối từ đạo, đang rời xa định mức tiêu chuẩn của Chân Thiện Mỹ, và càng tu chúng ta càng chuốc lấy sự bất an nhiều hơn.

Có những người tu giữa cuộc đời, họ rất bình thường, không có thần thông cũng không có gì đặc biệt nhưng chỉ cần thấy đời sống họ giữa lòng đại chúng hài hòa, tình nghĩa, biết trân quí người chung quanh và sống vị tha thì ta biết người ấy là những vị Thánh đang tu mật hạnh.

Trước khi nói Thánh quả, đời sống tâm linh cao, ta hãy làm sao đối xử với nhau cho có tình người. Đây là những điều cạn nhất trên con đường hành thiện, xin quí vị lưu ý. Hãy đối xử với nhau thật đẹp bằng tình người. Nhiều khi ở trong Đạo lâu, chúng ta hà tiện nụ cười, hà tiện lời khen. Chúng ta xài rất là hào phóng tâm ganh tị, thói đố kỵ. Nhưng điều cần thiết như sự trân trọng, khiêm tốn, yêu thương hòa ái thì chúng ta giữ rất kỷ. Chúng ta không đủ thông minh để xử dụng những luồng năng lượng tích cực nhưng lại vận dụng những nguồn năng lượng rất ư tiêu cực, làm cho tâm thức mình đen tối thêm, thiện nghiệp bị bào mòn và cuộc đời bị chìm xuống.

Thưa đại chúng, tầng mức cao hơn là chúng ta thực hành chánh đạo của Phật dạy. Căn bản hành trì của chúng ta là năm giới, mười giới. Con đường tu với pháp môn của Đức Phật mở ra có ngàn vạn lối. Tám con đường tức Bát Chánh Đạo bao gồm hầu hết mọi pháp môn thực tập mà mỗi Chi nào khi chúng ta đi vào đều dẫn chúng ta đến chỗ an lạc, đều hoàn thiện và đưa đến đời sống Chân Thiện Mỹ.

Thường tâm thức có thuần thiện, ý niệm tu hành đủ mạnh thì chúng ta không có cái nhìn bài bác, kỳ thị bất cứ truyền thống tu tập nào cả. Tâm thức của người tu là bao dung và độ lượng.

Tôi xin kể câu chuyện: trong một Thiền viện lớn nọ, một vị đệ tử xin ra ngoài học thêm Kinh, Luận để sau nầy về làm giảng sư. Vị thầy nói: “Ồ, tốt lắm, ta nghĩ trong tương lai chùa cũng cần có người giảng kinh, thuyết pháp hay. Ta hy vọng sau nầy con trở về sẽ hoằng hóa đại chúng nơi đây. Vậy là đi hết một ông. Vài hôm sau, một đệ tử khác lên bạch xin ra ngoài để học môn Luật theo ý muốn của mình. Vị Thiền sư hoan hỷ chấp thuận không một lời ngăn cản.

Và tiếp tục như thế, những vị đệ tử lần lượt ra đi...

Chuyện cho chúng ta thấy độ lượng và bao dung trong tâm thức người tu không bao giờ vơi, không bao giờ thấy có sự đối nghịch, có sự phân biệt pháp môn nầy hay pháp môn kia.

Nếu chúng ta tu mà thấy cái gì cũng khó thương, nội kết với người nầy, người nọ, với những pháp môn tu khác biệt là lòng ta còn hạn hẹp, không có không gian. Tu là phải làm thế nào mở lòng ra ít nhiều mới chứng tỏ được rằng mình đang tu theo những pháp môn của Phật. Đến với đạo tu tập một thời gian mà lòng mình bó hẹp lại thì ta phải hỏi lại là mình đang tu pháp môn Phật hay pháp môn của tà ma, ngoại đạo.

Tầng thâm sâu hơn là sau khi nắm chắc một pháp môn, chúng ta sẽ lựa phương pháp hợp với cơ thể, tâm thức mình và hành trì một cách tinh tấn.

Tinh có nghĩa là ròng, không xen tạp một thứ gì. Tấn là khả năng phát triển một cách bền bỉ, không lui sụt. Ở đây có nghĩa là thực tập chuyên ròng một thứ, bền bỉ miệt mài nhưng không vội vàng. Chúng ta thực tập từng bước tuy chậm nhưng vững chắc và đi mãi hoài không biết mệt, không bao giờ dừng lại.

Con đường tu không bắt buộc chúng ta vội vàng, hấp tấp. Chúng ta nên nhớ điều gì không thuận với nhu yếu tự nhiên thì chỉ có tính cách giai đoạn, nếu cứ hành trì theo kiểu căng thẳng sôi sục, sớm muộn gì cũng bị bệnh hay mất bình thường.

Cho nên pháp tu của nhà Phật, tu càng giỏi thì chúng ta càng gần với sự tự nhiên. Bao giờ mà sự thực tập trở thành nhẹ nhàng, tinh tế, không biểu lộ ào ạt ra bên ngoài là tu giỏi.

Chúng ta phải cẩn trọng, đừng để mắc vào bệnh chạy nước rút. Trong những cuộc đua đường dài, người về nhất thường là những người chạy chậm, thong thả ngay từ bước khởi đầu. Tuy họ không bao giờ vội vàng chạy thật nhanh nhưng sẽ là người đến đích trước bao nhiêu người.

Hai trạng thái; một là thả lỏng, buông xuôi, hai là nôn nóng, vội vàng cho nhanh đều sai. Người tu chúng ta nên nắm vững điều nầy để thực tập.

Khi chúng ta đi vào thực hành chánh đạo, có ba tầng cho sự thực tập: Tầng cạn là hành thiện. Tầng trung bình là thực hành những điều Phật dạy. Tầng thứ ba là khi đạt được những pháp môn thực tập quí vị phải có niềm tin vững chắc và hành trì. Nên nhớ một điều là chúng ta cần hành trì nhẹ nhàng mà bền bỉ. Nếu ta tu giỏi hơn nữa thì “Ngoại hiện phàm phu chi tướng, nội bí Bồ Tát chi tâm.” Nghĩa là bên ngoài hiện tướng như một người phàm phu, bình thường nhưng bên trong nội lực rất sung mãn, từng sát na sống được với Đạo. Lòng thương yêu và tâm hạnh Bồ Tát mênh mông. Họ dấu cái tu của họ, không ai biết họ đã đến chỗ thâm diệu nhất.

Chúng ta mà có hình tướng tu, sự thực tập còn biểu hiện ra bên ngoài có thể chưa phải là người tu giỏi, chưa phải là hàng Bồ Tát Thập địa, chưa phải là Bồ Tát Đăng Địa, chỉ mới là Bồ Tát tập sự thôi.

3. Trở lại tâm ban sơ.

Thưa quí vị, thói thường đời người điều gì mà không chân thật thì đòi hỏi người ta vận dụng công phu rất nhiều mới làm được điều dối trá ấy. Trái lại điều gì mà chân thật thì không cần dụng công phu gì cả nhưng lại biểu lộ một cách tự nhiên, trôi chảy. Ví dụ khi ta lừa dối ai điều gì, ta cố tô vẽ vài nét đẹp về quá khứ để chứng minh mình là người thế nầy, thế kia. Và để làm được điều nầy phải là người thông minh, nhớ dai mới có thể nói dối được. Nếu không giỏi thì sớm muộn gì những điều dối trá cũng sẽ bại lộ vì những điều ta nói vô tình rơi vào ký ức người nghe, lần sau ta gặp lại, ta nói khác với lần đầu, họ biết. Vì vậy, tâm thức chúng ta nếu không đủ nhớ giỏi thì chớ làm gì, nói gì trái với sự thật. Hãy thật thà, không có gì dễ thương bằng sự thật thà. Sự chân chất không làm tổn thương diện mục của ta, không làm cho mọi người chán ghét và xa lánh ta. Nó mang đến tình bằng hữu tốt đẹp, mang đến sự kính trọng của mọi người.

Quí vị còn nhớ chuyện một vị Tổng Thống gần đây của nước Mỹ, dân chúng khắp nơi làm ầm ĩ về những điều ông làm, những điều ông nói dối (chuyện riêng bản thân của ông), nhưng ông đã lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi. Và chỉ cần một lời nhẹ nhàng của ông, ông vẫn là một vị Tổng Thống được mọi người quí mến.

Vì vậy, căn bản đầu tiên trong cuộc sống thường là đức thành thật. Đó là nền tảng và là yếu tố cho mọi thành công: trong gia đình, trong giao tế bạn bè, trong xã hội.

Bước qua đời sống đạo, điều quí nhất của người tu là làm thế nào càng tu chúng ta trở lại tâm nguyên sơ ban đầu, trở lại tâm thuần phác của trẻ thơ, hồn hậu đơn giản. Đôi lúc ở trong Đạo càng lâu, bản ngã, tự ái, danh vị vây quanh, chúng ta càng ngày càng bị lấp dày bởi những lớp sơn phết đầy màu sắc không thật. Chúng ta càng mặc nhiều lớp áo hoa hòe để che lấp bộ mặt thật của mình. Nếu có chút kinh nghiệm thì quí vị sẽ thấy những điều tôi trình bày không phải khó cảm nhận.

Tôi có một kỷ niệm lần đầu tiên tìm chỗ ở để đi học, và tôi đã đến xin tá túc tại một tự viện ở gần trường. Một buổi trưa nọ, tôi được cùng Thầy trụ trì đến dự một đám cúng cầu siêu. Lúc đó, tôi chỉ là một tăng sĩ nhỏ nhưng chùa không có nhiều thầy nên tôi được gọi đi theo. Thật là ngạc nhiên cho tôi khi đến, vì đây không phải là đám cúng nhỏ của một gia đình bình thường mà là buổi cầu siêu cho ông Viện trưởng của Trường Quốc Gia Hành Chánh, (trường QGHC là nơi đào tạo những Quận trưởng hay Phó tỉnh trưởng của chế độ cũ VNCH) và người đứng ra mời là người thân của vị viện trưởng vừa mất. Nhớ lại buổi cầu siêu hôm đó, vị Thầy ngoài cách ăn mặc rất xuề xòa, đơn giản đến độ luộm thuộm. Rồi đến cách cúng kiếng, thực hành nghi lễ hết sức tự nhiên, tùy tiện vô cùng thoải mái, hồn nhiên của Thầy (ông rải gạo, muối và vẩy nước cùng khắp trên bục của Đại giảng đường học viện QGHC), không vì trước mắt mình có những quan khách sang quí, chức tước lớn trong chính phủ mà e ngại gì. Tôi vô cùng mắc cỡ trong buổi cầu siêu, nhưng cách hành xử của vị Thầy nhà quê kia đã để lại trong tôi một bài học khó quên.

Thưa quí vị, điều tôi muốn chia xẻ ở đây là khi tu tập còn yếu, chúng ta bị vướng vào nhiều thứ: phải giữ gìn phong cách đàng hoàng, nói cười, ăn mặc đi đứng đoan trang... nhưng khi tâm thức đạt đến giai đoạn của trẻ thơ, có những bậc thầy hành xử giản dị vô cùng.

Cho nên, khi đạt đến cội nguồn của sự chân thật, lúc bấy giờ tâm ta thuần phác như một em bé, không có tự ái, kiêu ngạo hay phải chạy theo lề thói, yêu sách bên ngoài của xã hội, của nhân gian đặt ra. Những vấn đề như nghi lễ, giao tế bình thường chúng ta loại bỏ mà không cần đắn đo gì cả.

Sâu hơn một tầng là trở về sự chân thật, hồi phục được sát na tâm ban đầu.

Thưa đại chúng, khi quí vị tiếp xúc với bất cứ thứ gì, lúc ban đầu chỉ có sự nhận biết đơn thuần. Sát na đầu tiên ta chưa có khởi ý, chưa có ý của ta đặt vào nên ý thức phân biệt chưa sinh khởi. Nhưng khi ta đặt ý thức mình vào rồi thì gọi là tác ý. Tác ý là chú ý đến, và có ý thức đặt vào thì liền sau đó cảm thọ len lỏi đi vào, ta liền khởi tâm ưa thích, khó chịu, dễ chịu, vui, buồn... là ta có cảm thọ về nó. Nhưng nếu ta dừng ngay nơi sự nhận biết tỉnh sáng mà không để cho ý thức sinh khởi và nối dài. Tức ta cắt ngang chỗ tác ý về sau thì gọi là an trú nơi sát na tâm ban đầu. Và nếu ta có thể dừng được như vậy thì thật là tuyệt vời.

Trong cái nhìn, nghe, ngửi, nếm... nếu ta dừng lại ngay sát na tâm là ta đang an trú trong trạng thái tĩnh lặng bất động, an trú trong vùng trời chân thật của tự tâm, chưa khởi sinh diệt của ý thức lăng xăng. Và khi ta an trú trong sát na tâm ban đầu thì ta rất hồn nhiên, trong sáng; đó là tâm trẻ thơ.

Nếu tu giỏi thì ta có thể mời gọi tâm trẻ thơ về với ta. Tu giỏi hơn nữa thì ta dừng được tâm thức của mình không bước qua vùng cảm thọ, không để cho ý thức của mình bắt đầu tiếng nói thì thầm lôi kéo vào con đường của sinh diệt, vui buồn, sầu khổ, bất an... Và đây là cánh cửa mở vào vô sinh, bất diệt không biên giới, không có thời gian, không có không gian. Thưa, điều nầy rất dễ cảm nhận, chúng ta có thể thực tập không khó.

Trong pháp hội của Ngài Sùng Tín, có một đệ tử hầu thầy mười năm. Một hôm lên bạch Thầy xin đi tham học các nơi, vì tu học bên thầy đã lâu mà không được thầy dạy cho một điều gì cả. Vị Thầy ngạc nhiên, trợn mắt: “Con nói sao, con thấy mười năm nay thầy chưa hề dạy gì? Ồ, con nói vậy là oan cho thầy. Giáo lý liễu sinh thoát tử, cắt đứt luân hồi, thể nhập vào bản thể chư Phật lúc nào Thầy cũng dạy cho con cả.” “Con không thấy,” người đệ tử trả lời. Sùng Tín bảo: “Con đưa ly nước, Thầy đưa tay nhận, con chấp tay xá Thầy, Thầy chấp tay xá lại, con mời cơm thì Thầy gật đầu. Thầy chưa khi nào mà không đáp lời con cả. Rõ ràng là Thầy truyền giáo lý thượng thừa cho con từng phút, từng giây, từng sát na.”

Người đệ tử cũng khá thông minh, anh ngần ngừ. Sùng Tín tiếp: “Nếu con hiểu thì tức khắc hiểu, nếu ngay đây không hiểu mà vận dụng ý thức thì con càng chối bỏ đạo.” Ngay lúc đó người đệ tử sụp lạy: “Con xin thâm tạ ơn Thầy đã dạy đạo cho con.”

Đây là một công án nhà Thiền, nhưng đâu có gì khó hiểu? Có phải không? Cũng như công án Uống Trà Đi của Triệu Châu. Dĩ nhiên hai công án nầy trao cho ta một điều lý thú là thực tế chẳng có gì ghê gớm phía sau nó cả. Chúng ta thường hay nghĩ là chắc có gì bí ẩn ghê gớm nằm đằng sau. Nhưng đây chỉ là cách mời gọi ta làm sao sống được với sát na tâm ban đầu.

Tâm thức chúng ta thường mong mỏi, đón chờ nơi vị Thầy dạy cho mình một điều gì, nói với mình một câu gì. Chúng ta luôn nôn nóng, hướng ngoại, tìm cầu trong khi Thiền sư chỉ khai thị một điều duy nhất như đánh thức ta hãy biết quay trở lại chính mình nhận cho được tâm Phật sáng chói đang có mặt ngay nơi đây và giờ phút nầy. Người nhận được tự thể tâm của chính mình; nhận được nó và có niềm tin vững chắc thì thưa quí vị, con đường mở rộng thênh thang.

Dĩ nhiên, con đường nầy không phải là con đường chỉ dành riêng cho người xưa.

Chúng ta nếu có duyên với đạo, nắm được pháp môn miệt mài thực tập, đủ thông minh để sống từng sát na với tâm ban đầu và lúc nào cũng an trú trong vùng trời tĩnh lặng, chói sáng của tâm Phật bản nhiên thì thành tựu không khác gì người xưa cả.

Thưa đại chúng, sau đây chúng ta sẽ lần lượt đi vào từng phần nội dung bốn câu hỏi: “Điều gì là thiện? Điều gì là lớn? Điều gì là mạnh? Điều gì là sáng?” và Đức Thế Tôn đã trả lời như sau:

“Thực hành chánh đạo, giữ sự chân thật là thiện. Chí hợp với đạo là lớn. Nhẫn nhục là mạnh nhất. Đoạn tận tâm ô nhiễm là ánh sáng không có nhật nguyệt nào sánh bằng”.

4. Thực hành chánh đạo, giữ sự chân thật.

Chúng ta có thể chia “Thực hành chánh đạo” ra làm nhiều cấp độ.

– Cấp độ cạn nhất là chúng ta thấm nhuần được giáo lý của Phật dạy, hành xử với cuộc đời theo tiêu chuẩn của đạo lý, của chân lý tương đối nhân gian gọi là giữ gìn chánh đạo. Hiểu lý và thực tập sống trong đời bằng tâm hiền thiện như thực hành Tam qui ngũ giới, Bát chánh đạo... Và chúng ta không nên xem thường các điều ấy vì đó là căn bản của cuộc sống.

Ví dụ chúng ta là một người chưa từng thực tập những điều căn bản nhất trong cuộc sống đời thường mà bước vào đạo thì sẽ có nhiều trở ngại trên bước đường tu. Ác nghiệp rất lớn của mình sẽ biểu hiện ra nhiều sự ngăn trở làm cho ta khó đến với đạo, khó mở con mắt tuệ. Có rất nhiều chướng ngại, chướng duyên ngăn trở đường tu của mình. Cùng xuất gia như mình mà người ta thì an nhiên trong đạo, tu tập đàng hoàng; còn mình ở ngoài đời thường đang khỏa mạnh, đến lúc xuất gia mới năm, mười hôm thì bệnh lên, bệnh xuống. Đó là một loại trở ngại. Cho nên căn bản cho sự hành trì Phật pháp là xây dựng thiện tâm.

Đến khi bước vào đạo, bước vào thế giới nhà chùa điều tu tập nền tảng là sự khiêm tốn. Sống hài hòa, lòng yêu thương, sự rộng lượng là nền tảng phước đức vững vàng tạo sức đẩy cho ta tiến thẳng vào đạo. Nếu như tâm khiêm tốn không có thì trên bước đường tu học chúng ta chậm tiến, không phát triển trí tuệ được.

Nếu lòng yêu thương độ lượng, bao dung của mình không có mặt nhiều khi suốt cả đời tu không làm được điều gì để giúp ai tu tập. Chúng ta muốn truyền đạt tri thức Phật học, muốn dạy dỗ Phật tử, muốn nói cho người khác nghe, đều đòi hỏi “từ tâm” chúng ta phải lớn. Từ tâm với người, từ tâm với các loài động vật.

Trong giới sát, Đức Phật dạy: từ loài biết cử động nhỏ nhoi, đến động vật cao cấp cho đến sinh mạng con người chúng ta đều phải bảo hộ, đều phải cẩn trọng, chớ có sát sinh. Và do vậy, người tu chúng ta muốn đi trọn con đường tâm linh, mở rộng tâm từ thấm nhuần đại địa thì phải ăn chay. Đó là nguyên tắc không thể né tránh được.

Có những nghiên cứu rất chính xác cho thấy mỗi một tâm thức biểu hiện ra một loại hình hài. Loại tâm thức thấp kém, nhiều sân si thì biểu hiện ra hình hài nằm sát đất, bò loăng quăng trên mặt đất, không có chân như loài rắn. Nếu chúng ta ăn thịt những loài mà tâm thức có nhiều độc tính vào trong thân dĩ nhiên ta đã làm đời sống tâm linh của mình chùng xuống ngang loài động vật. Và hằng ngày chúng ta cứ thâu nạp loại thức ăn như vậy, vô tình chúng ta đưa tâm thức ta chìm xuống.

Hơn nữa những loại động vật trong quá trình bị đem ra giết thì sự hoảng sợ, tức giận, bất an, thù hận rất lớn có mặt trong từng tế bào thân thể nó và không dễ xóa được sau khi đun nấu. Thế nên ăn vào là chúng ta đã thâu nạp những loại tâm thức như thế đi vào cơ thể ta. Đó là điều cản trở sinh hoạt tu tập. Cho nên mức độ cạn trong nền tảng tu tập thì ăn trường chay, sống phạm hạnh, giữ gìn tâm hiền thiện là căn bản không thể chối bỏ được.

– Cấp độ thứ hai của sự thực hành chánh đạo là khi chúng ta đã nếm được hương vị Phật pháp thì yêu cầu của thực tập là thường xuyên, miệt mài, liên tục. Không có một hạt giống nào bỏ xuống đất, một ngày mưa, năm mười ngày nắng mà lên mầm tốt tươi được. Chúng ta tu là gieo hạt mầm trí tuệ để nở hoa giác ngộ nên sự điều tiết rất quan trọng. Không nôn nóng cũng không buông lỏng. Chúng ta tu bổ, sửa sang những gì bên ngoài rất dễ nhưng để sửa đổi tập khí một đời rất là khó. Nếu tu phất phơ thì cả một đời không làm sao chuyển được nghiệp? Nghiệp giận, nghiệp hờn, nghiệp sân si rất khó diệt trừ, nó có gốc rễ rất sâu. Nghiệp giận theo nguyên tắc thì càng già càng phải bớt, nhưng càng già mình càng giận hơn lúc trẻ. Tham đắm, giận hờn, đam mê; ba điều đó cho dù hình hài có già cỗi, mòn mỏi cũng không thể mất được. Thế nên những nghiệp thức nằm rất sâu trong tâm thức, chúng ta phải miệt mài công phu từng phút, từng giây, không buông lơi mới mong chuyển được.

Thực hành chánh đạo tới mức tột cùng là công phu của các vị Bồ Tát. Khi thực hành công phu viên mãn, đi vào đời làm đạo không phải chỉ cho cá nhân mình. Tùy theo công huân của sự tu tập, có đạo lực vững vàng mà con đường hành đạo mở ra rộng hay hẹp.

Ví dụ công phu thực tập của ta nằm trên bình diện học thuật, tri thức thì trong tương lai nếu hội đủ điều kiện làm đạo thì chúng ta sẽ dạy người về tri thức, học thuật. Nếu chúng ta đi vào chiều sâu của công phu thực tập thì cách ta dạy sẽ là sự thực tập. Chúng ta có thể thấy rõ hai hướng hoằng pháp nầy qua cách dạy đạo của các bậc thầy hiện tại. Những vị thầy dạy chúng ta học rất nhiều nhưng dạy chúng ta tu không có bao nhiêu.

Muốn dạy người ta tu đòi hỏi phải có trình độ tu chứng, thực nghiệm; có nghĩa là mình phải tu mới dạy người ta tu được. Chúng ta đừng tưởng cứ khoác pháp phục như Phật, hình tướng giống Phật, nói những lời kinh điển của Phật mà có thể dạy người ta tu được. Khuynh hướng của Phật học bây giờ đang đi trượt lên trên lãnh vực ngôn ngữ, chữ nghĩa, triết lý. Hầu như các trường Phật học bây giờ không có chương trình đào tạo chuyên tu.

Tôi xin chia xẻ để quí vị lưu ý một điều quan trọng của người khoác áo tu. Tuy con đường học Phật là sự cần thiết vô cùng thuở ban đầu, nhưng điều quan yếu hơn nữa là phải đi vào sự thực tập. Chúng ta có thực tập thì mới có khả năng truyền đạt cho người khác những gì họ cần. Nếu chưa thực tập, không thực tập, chỉ là người học Phật thì sự truyền đạt của ta nếu có cũng chỉ trên bề mặt kiến thức. Đó chỉ là mặt cạn và không thể giúp người ta chuyển hóa được những bất an, đau khổ...

Bản thân chúng ta nếu chỉ học Phật thôi, chưa thể giúp người được thì chưa phải là người tu thật sự. Nếu cứ y trên ngôn ngữ, chữ nghĩa lâu dần Phật giáo chỉ là môn triết học như mọi môn triết học khác, mà không phải là dòng suối tuệ giác cứu người, cứu đời. Đây là những nét từ cạn đến sâu trên con đường tu cho đến hoằng đạo của chúng ta.

– Điều thứ hai là giữ sự chân thật. Chân thật là một đức lớn nhất của người tu. Chưa phải người tu, chỉ là người thường thôi nhưng nếu có đức nầy cũng là một viên kim cương trong cuộc đời.

Khuynh hướng xã hội hiện tại càng ngày càng đi vào nẻo không chân thật, cho nên kiếm được một dòng tu chân thật, được một người chân thật trong đời không dễ.

Có hai điểm chúng ta cần lưu ý là có những hành xử chân thật mà không có trí tuệ thì đưa đến tình trạng rất vụng về. Chân thật nhưng phải có trí tuệ đi vào. Nếu có trí tuệ mà không có sự chân thật thì trở thành lừa dối, và chỉ là một nghệ thuật màu mè để thu phục lòng người, không có thực chất bên trong. Cho nên chúng ta phải thầm hiểu giữ sự chân thật tức là có mặt lòng yêu thương, hành xử thông minh lịch sự. Là vượt qua trình độ của sự vụng về bé thơ, chứ không phải là sự chân thật dại khờ của trẻ nhỏ.

Quí vị có thể qui chiếu lại tâm thức, và xin nhớ sự chân thật phải có nền tảng là trí tuệ bên trong. Khi có nền là trí tuệ thì sự chân thật nầy là sức hút rất lớn cho người tu chúng ta. Sức hút thứ nhất là đẩy chúng ta về hướng an lạc và giải thoát rất dễ. Thứ hai là chúng ta dễ dàng mở rộng con đường vào đời làm đạo. Trong Kinh Duy Ma Cật có câu: “Trực tâm thị đạo tràng” là tâm mà chân thật, đó là đạo tràng hoằng pháp rất lớn. Lòng chân thật nằm trên nền trí tuệ nên năng lực giáo hóa, năng lực tu rất mạnh đẩy chúng ta đến quả giải thoát rất nhanh.

5. “Chí hợp với đạo...”

Chúng ta có thể chia ra làm hai tầng trong câu nầy. Chí hợp với chân lý tương đối và chí hợp với chân lý tuyệt đối của cuộc đời. Như quí vị đã biết tương đối là bình diện Sinh diệt môn, là bình diện Tích môn. Và bình diện Bản môn là chân lý tuyệt đối (Chân như môn). Bình diện nầy đã được biểu đạt ra rất nhiều tên mà đôi khi chúng ta chưa hề biết. Như cách đây hai năm, tôi ghé thăm một Thiền viện Đại Hàn thấy họ để chữ “Đệ Nhất Nghĩa” nơi Đại Hùng Bửu Điện hay Bất Nhị Môn nơi cổng vào, tôi rất lạ vì chưa từng thấy Thiền viện nào để chữ như vậy. Cho nên trong văn học Phật giáo Đại thừa hay Thiền tông chân lý tuyệt đối nầy biểu đạt ra nhiều tên, nhiều dạng.

– Ở bình diện cạn, “chí hợp với đạo” có nghĩa là chúng ta phải vận dụng ý chí, năng lực của tự tâm. Điều gì mà cần cố gắng, đòi hỏi vận dụng ý chí thì bên trong đều có bản ngã. Khi chúng ta vận dụng ý chí làm đều nầy, điều nọ là còn thấy ta làm; còn cái ta, còn bản ngã trong đó nên gọi là tương đối và điều gì mà chúng ta vận dụng công phu, cố gắng thì không phải tự nhiên. Trong khi nguyên lý của đạo tuyệt đối là tự nhiên. Chân tâm, Phật tánh, Bản thể bất sinh, bất diệt của ta vốn tự có, là tự nhiên. Và chúng ta trở về sống với tâm chân thật của mình tức trở về với trạng thái yên bình, tĩnh lặng tỏa sáng cũng rất tự nhiên.

Mặt biển không phải tự nhiên sóng nổi ba đào, phải có năng lực bên ngoài xô đẩy mới hình thành sóng được.Ví dụ khi tay ta nắm cứng là ý chí có cố gắng, còn tự nhiên là tay buông lỏng thong thả. Như khi chúng ta thực tập đem tâm về an trú trong từng hơi thở, thì điều đầu tiên là chúng ta vận dụng ý chí để kéo tâm đặt vào hơi thở, nếu lơi lỏng là tâm bay khỏi hơi thở. Dù muốn, dù không thì lúc nầy hơi thở đã có sự mệt nhọc, cố gắng và mất tự nhiên rồi. Nhưng khi ta đã thực tập thuần thục thì hơi thở vào ra rất nhẹ mà không cần có sự cố gắng nào cả mà tâm ta luôn an trú trong hơi thở.

Ví dụ nhỏ nầy để quí vị biết rằng khi chí hợp với đạo mà ta phải vận dụng ý lực, công phu đem mình về, nuôi dưỡng mình bằng cái thiện, đó chỉ là ở bình diện tích môn thôi. Nhưng cũng từ bình diện tích môn nầy chúng ta mới có thể đi vào chiều sâu được. Bình diện nầy biểu hiện ra tâm thức thương đạo, tu tập học hỏi, đem công sức của mình giữ gìn Phật pháp, đền ơn Tam Bảo, nên có tích môn mới có bản môn. Nếu không có tích môn thì không có bản môn. Cũng như không có những cơ sở vật chất đi trước thì sẽ không có gì để đào tạo con người theo sau.

Thưa quí vị, trên lãnh vực tích môn, nếu không có những ông Thầy quê mùa giữ gìn Phật pháp trong thời buổi khó khăn, không có trường lớp để học hành, không có Già lam để tập trung chư tăng lại thì ai là người giữ gìn những trang Kinh, giữ gìn chùa chiền, tự viện... để cho Phật pháp có cơ hội phục hưng, trổi dậy, trường tồn?

Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng có điều rất hay là Tứ quy y tức là ngoài việc quy y Phật, Pháp, Tăng, họ còn quy y với vị Thầy bổn sư của mình. Vị Thầy thế phát cho họ ơn lớn ngang với Tam Bảo. Cuộc đời người tu cùng sinh mạng của người đệ tử trong truyền thống Mật Thừa thường được giao trọn cho vị Thầy của mình quyết định. Thế nên, thường Tăng hay phàm Tăng đều có những đóng góp tất nhiên đáng cho ta quí kính. Do vậy, với cái nhìn rộng hơn, bao dung hơn thì ta cảm thông được bình diện Tích môn nầy mà không bao giờ phê phán, đánh giá những vị thầy với Phật sự lao xao trong thế trần. Và dĩ nhiên mức độ của sự tu tập ban đầu là ta đi vào lãnh vực tương đối. Nếu chúng ta chưa đặt chân trên bình diện tương đối nầy tu tập, chắc chắn chúng ta không có thể đi xa hơn.

– Bước qua tầng thứ hai của chân lý tuyệt đối thì “chí hợp với đạo” là lấy trí tuệ làm sự nghiệp, và thành tựu Niết Bàn. Đó cũng là bản nguyện của người tu.

Con đường trí tuệ là con đường duy nhất đi vào quả Niết Bàn. Tuy vẫn có những con đường khác để chúng ta đi vào Niết Bàn nhưng thường hay có những cạm bẫy trên bước đường hành trì. Như con đường của bố thí, của thực hiện từ tâm... là con đường nhiều cạm bẫy. Sao gọi là cạm bẫy? Ví dụ khi chúng ta bố thí sẽ tạo được phước hữu lậu rất lớn, thông thường phước hữu lậu lớn thì cuộc đời ta sẽ giàu sang, danh vọng... Con đường đưa đến danh vọng nầy lạc dẫn chúng ta đi vào nhiều nẻo không thể tiến thẳng vào thành trì Niết Bàn được.

Khi con người leo lên đỉnh danh vọng, sự nghiệp vật chất thành đạt thì khó vẫy vùng để thoát ra được. Người tu mà lạc vào đó là bị chìm vào cạm bẫy. Nếu quí vị là những người đứng trên đỉnh của công danh, của sự nghiệp; là một ông thầy tu lớn được trọng thị và giàu có thì con đường trí tuệ không thể phát triển được. Trong bước đường vươn tới đạo quả Niết Bàn, nếu lạc vào nẻo của vật chất hữu lậu lớn lao, có lợi danh, tiền của thì chúng ta sẽ miệt mài đi rất xa trong danh sắc khó thành tựu Niết Bàn.

Cho nên chúng ta lưu ý chỉ có trí tuệ là con đường ngắn nhất để thành đạt đạo quả. Con đường nầy có thể trong một đời cắt ngang rất nhẹ dòng chảy sinh tử luân hồi.

Thưa quí vị, cái đích cuối cùng của người tu là phải thành tựu Niết Bàn. Trong pháp môn thực tập nếu chúng ta nhận ra được phương pháp chánh niệm, thì điều quan trọng nhất trong từng hơi thở làm thế nào để sống với chánh niệm từng phút giây một, tức chúng ta đang an trú trong vùng trời Niết Bàn tự tâm.

6. “Nhẫn nhục là sức mạnh.”

Điều đầu tiên tôi xin chia xẻ cách thế biểu lộ của Nhẫn. Thông thường dưới cái nhìn của chúng ta sự nhường nhịn giống nhau, nhưng thật sự rất khác biệt trong nội dung của nó.

Ở mặt cạn nhất, ta có thể nhịn vì yếu thế, vì thiếu quyền uy, yếu về tài chánh, yếu về nhiều thứ nên ta nhịn. Sự nhịn nhục nầy chưa phải là sức mạnh. Ta nhường nhịn nhưng trong lòng vẫn khốn đốn, bất an.

Thứ hai, thù hận rất lớn nên ta nhịn và trong sự nhịn nhục nầy ngầm hứa hẹn sự trả hận. Nhẫn nhục loại nầy bàng bạc trong sử sách, trong truyện cổ. Như chuyện Câu Tiễn Việt Vương bị Ngô Phù Sai bắt làm tù binh khi thất trận. Biết bao nhiêu cùng cực của tủi nhục đổ lên thân phận vị Vua sa cơ. Như một tên nô lệ, ông phải làm những việc thấp hèn nhất nhưng lòng vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Càng bị đọa đày Việt Vương Câu Tiễn càng nhẫn nhục đến độ đã nếm phân đoán bệnh của Ngô phù Sai để lấy lòng tin. Sự nhẫn nhịn nầy mang trong lòng thù hận rất lớn. Càng nhịn càng thù hận và nuôi trong lòng ý phục thù.

Có sự nhịn nhục vì tâm thức lợi dụng người nên nhịn. Tuy rất chán ghét, rất thù hằn nhưng nghĩ con người đó có thể trao cho ta điều kiện có thể lợi dụng được nên nhịn.

Ba sự nhịn nhục tôi vừa chia xẻ biểu lộ một tâm thức tiêu cực tàn phá chính chúng ta, không có sức mạnh như đạo Phật muốn nói. Sự nhẫn nhịn trong đạo Phật có nền là trí tuệ. Trí tuệ loại trừ sự yếu kém từ nên trong, loại trừ sự thù hận, loại trừ tâm thức lợi dụng người. Và nền tảng của nhẫn nhục là do lòng yêu thương rất lớn nên nhịn.

Chúng ta thường thấy có những người bị chọc giận thì họ biểu lộ liền sự bất mãn ra ngoài mặt, biểu lộ ra bằng hành động. Ấy là người yếu. Người có hùng lực là người trước những khó khăn, ngang trái của cuộc đời đổ lên vẫn mỉm cười, không có phản ứng tiêu cực.

Ở mức độ cạn của tâm lý thì những người mở miệng buông lời hùng hổ, nhưng thực sự lòng mềm như đậu hủ. Còn những người bên ngoài nói năng dịu dàng, mềm mại, dễ thương ta đừng tưởng là người yếu. Có khi đó là loại người rất cứng rắn. Bên trong rắn bao nhiêu, bên ngoài mềm dịu bấy nhiêu. Đó là nguyên tắc âm dương hỗ tương cho nên chúng ta hãy lưu ý.

Thưa quí vị, khi có trí tuệ, yêu thương làm nền bên trong người ta rất mềm, rất dịu nhưng cũng rất cứng khi cần, nên ta gọi đó là sức mạnh nhẫn nhục.

Nhẫn nhục là chúng ta không cần thanh minh, biện bạch khi bị hàm oan, không cần đề kháng với những bất trắc, khó khăn từ cuộc sống đổ lên ta. Chúng ta sống kiêu hùng vì biết việc mình làm được đặt trên nền tảng trí tuệ.

Thứ đến là lòng yêu thương bao la nên cảm thông với mọi người, chỉ biết hiến dâng cho người những lợi ích mà nhẫn nhục, vì không muốn làm tổn thương đến một ai mà nhẫn nhục. Cho nên sự nhẫn nhục mạnh nhất được đặt trên nền tảng quan trọng là trí tuệ và yêu thương. Đây là sức mạnh của nhẫn lực trong đạo.

Thành quả đầu tiên của sức mạnh nhẫn nhục là lau sạch oán thù, oan trái. Trong nhà Nho có câu: “Nhẫn, nhẫn, nhẫn, trái chủ oan gia tùng thử tận.” Có nghĩa “nhịn nhịn nhịn; những oan trái bao đời, bao kiếp, những oan gia đối đầu từ nơi sự nhẫn nhịn mà sạch hết.” Tại sao câu nầy có đến ba chữ nhẫn?

Thưa, có nghĩa là nhịn từ miệng, nhịn từ nơi thân, nhịn trong tâm thức. Thân, khẩu, ý đều phải thanh tịnh, êm dịu thì bao nhiêu oan trái hận thù của cuộc đời đều chấm dứt.

Hành tinh ta đang xáo trộn, bất an, khổ đau và chiến tranh hoạn họa liên miên do vì người ta nghĩ rằng vũ lực là sức mạnh và dùng nó để đàn áp đối phương mới là mạnh. Thực tế không phải như chúng ta tưởng mà thực tế là trí tuệ và yêu thương biểu hiện ra bằng sự nhường nhịn mới là sức mạnh. Sức mạnh nầy thu phục nhân tâm, xóa tan đi những oan trái thù hận đem tới an bình, tịnh lạc. Chỉ có những tâm hồn với nhẫn lực vô song mới làm được việc nầy. Không có một vị Đạo sư nào hành đạo, có sự nghiệp lớn mà không có đức nhẫn lớn cả.

Sự nhẫn nhục đem đến sức chinh phục dễ dàng. Như trường hợp Ngài Tinh Vân, là một bậc Thầy lớn của Trung Hoa. Hiện tại sự nghiệp và công trình hoằng pháp của Ngài trên thế giới hầu như nơi nào cũng đều có tên Phật Quang Sơn.

Ngoài lòng từ mênh mông, phải kể đến sự nhẫn nhục vô bờ của Ngài được ghi lại ít nhiều trong tự truyện.

Và thành quả của nhẫn lực ở mức độ cạn là dứt hết thù hận; lớn hơn là mở rộng con đường hoằng pháp, và lớn hơn nữa là ta thành tựu quả Bồ Đề, chứng được chánh giác.

Trong nhẫn nhục còn có đặc tính của năm Ba La Mật khác như bố thí, trì giới, tinh tấn, thiền định và trí tuệ hỗ tương. Nếu ta thiếu những yếu tố như từ bi, trí tuệ, tinh tấn thì chắc chắn chúng ta không tạo được sức mạnh của nhẫn nhục. Chúng ta nên lưu ý đây là hạnh rất khó thực tập mà công năng của nó lớn vô cùng. Để thực tập được sự nhường nhịn không phải là điều dễ. Ta thử làm một điều là nhường nhịn những đứa em của mình xem có dễ không? Nhường nhịn người lớn không khó, nhưng nhường nhịn người sinh sau, nhỏ hơn ta và thua ta khó hơn nhiều.

Hơn nữa, mình là thân phận một thầy tu lớn, một sư cô lớn... khi muốn mở rộng con đường hoằng pháp, truyền đạo để cho người ta học hiểu Phật pháp ta phải là người có đức nhẫn sâu dày.

Có khi tu khi càng lâu, bản ngã càng cao nên năng lực nhẫn của ta bị bào mòn.

Do vậy hãy thực tập nhẫn nhục nầy từ những điều thật nhỏ. Khoan nói đến làm những việc quan trọng, to lớn. Thử làm một điều nhỏ, ví dụ ta quy định là một ngày có một giờ đọc kinh, một giờ nghe pháp, một giờ đi thiền hành... dù có bận cũng phải giữ gìn đúng thời khóa đều đặn, bền bỉ từng ngày như thế. Hãy làm công việc nầy với chính mình trước, nếu làm được thì ta đã là người có năng lực nhẫn rất mạnh.

Chúng ta thường hay đánh giá sự thành tựu của tu tập là những gì lớn lao, nhưng kỳ thực không phải thế. Người xưa nhận định năng lực của từng người không phải ở việc lớn, không phải ở chuyện tài giỏi ta phô trương trước mặt ho,ï mà họ lượng định ta trong cung cách rất bình thường như uống một ly nước, bước một bước đi hay nói chuyện với người một câu... Ở đó biểu lộ tâm thức tự nhiên, không có ý chuẩn bị trước nên phơi bày rõ ràng đời sống bên trong của ta.

Chuyện xưa kể có Ngài Quan Tạng đến đảnh lễ Thiền sư Đông Vân xin cúng dường công đức khắc tượng Phật. Trước khi chấp thuận cho Quan Tạng ở lại khắc tượng, Ngài Đông Vân bảo Quan Tạng hãy ra giếng múc nước đổ vào thùng dùm Ngài. Nước múc chưa đầy thùng, Đông Vân truyền cho Quan Tạng hãy xuống núi, không được ở lại tự viện một đêm nào cả. Rất ngạc nhiên trước câu nói quá bất ngờ, Quan Tạng hỏi lý do nhưng không được trả lời. Một số đệ tử Ngài Đông Vân thấy trời tối thương tình năn nỉ xin cho ông ngủ qua đêm.

Sáng mai lại, Đông Vân mới cho Quan Tạng biết vì ông đã làm nước rơi đổ vung vãi khi múc từ gàu vào thùng. “Một giọt nước giếng của Già lam tuy nhỏ nhưng không phải là thường, một chút nước có thể cứu sống mạng con người, cỏ cây, cầm thú. Việc múc một gàu nước ông làm còn chưa xong huống hồ công việc điêu khắc Phật tượng là công việc đòi hỏi đức nhẫn nại, tâm khiêm tốn biết quý tiếc từng chút tài sản của Tam Bảo, thế nên ông đâu có đủ công đức lành khắc tượng Phật để lại cho đời sau.” Nghe xong Quan Tạng đổ mồ hôi, sụp lạy: “Lạy Thầy, con chưa bao giờ nghe ai dạy điều nầy.” Từ đó Quan Tạng được thu nhận vào làm đệ tử.

Câu chuyện nói lên cho ta một điều người xưa dạy dỗ, chăm chút cho môn đồ rất kỷ. Từ việc rất nhỏ cho đến việc lớn. Nhìn cách thế hành xử của đệ tử là họ đã đánh giá sự thiếu thận trọng, thiếu khiêm tốn rồi. Chúng ta nên lưu ý.

Thưa đại chúng, nhẫn nhịn là hạnh khó thực tập. Không những ta chỉ nhịn với người mà ta còn nhẫn nhịn với chính thân mình. Là người tu để đi trọn con đường hướng thượng đòi hỏi từng chút, từng chút thực tập; cẩn trọng trong cách giữ gìn của Tam Bảo, cẩn trọng trong cách thực tập uy nghi... Đây là những điều căn bản, nếu ta không xây dựng được những điều nầy thì đừng hòng nói đến việc lớn hơn. Nền tảng vững vàng cho ta, ta chưa bước được thì chúng ta không thể đi xa hơn.

Đời người không dài, ta không có nhiều thời gian để thả trôi cuộc sống một cách phí phạm. Chúng ta phải sống chân tình hết sức, hết lòng. Cẩn trọng trong cách hành xử và điều phục thân tâm, đừng cô phụ chính mình.

7. Tỏa sáng từng sát na.

Cuối cùng, chúng ta đi vào câu hỏi rất quan trọng của chương mười lăm: “Điều gì là sáng?” Đức Thế Tôn đã trả lời như sau: “Tâm cấu diệt tận, tịnh vô hà uế, thị vi tối minh.” Có nghĩa là tâm ô nhiễm đã được đoạn tận, không còn dấu vết gọi là sáng nhất. Vì tất cả mọi vật trong mười phương từ vô thỉ, thủa chưa có đất trời cho đến ngày nay không vật gì là không thấy, không vật gì là không biết, không vật gì là không nghe, đạt được nhất thiết trí như vậy gọi là sáng nhất.

Ở đây có một từ quan trọng chúng ta nên làm quen để đi vào là “Nhất thiết trí.”

Căn cứ vào Đại Trí Độ Luận của Ngài Long Thọ thì người thành đạt được đạo quả, loại trừ tất cả mọi cấu nhiễm của tâm sẽ chứng được ba loại trí. Một là Nhất thiết trí, hai là Đạo chủng trí, và ba là Nhất thiết đạo chủng trí.

Người ta phân định theo văn học Bát Nhã thì Nhất thiết trí là dành cho Thanh Văn, Duyên Giác, Đạo chủng trí dành cho các vị Bồ Tát và trí thứ ba dành cho Phật.

Từ giải thích của văn học Bát Nhã chúng ta nhìn lại thì người khi đã đoạn trừ được những nghiệp thức vi tế, chứng được Niết Bàn; không có cái gì không thấy, không có cái gì không biết, không có cái gì không nghe tức chứng được tam minh, lục thông. Nhưng giải thích nầy chưa đủ bao hàm nghĩa của văn học Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Sau đó người ta còn phân định thêm Nhất thiết trí ở một tầng văn học khác, đó là văn học của Bồ Tát tức là Bồ Tát Địa Trì Kinh: thứ nhất là Thanh tịnh trí, thứ hai là Nhất thiết trí, thứ ba là Vô ngại trí.

Theo Bồ tát Địa Trì Kinh định nghĩa tầng thứ nhất là đoạn trừ những tập nghiệp phiền não rất vi tế, tâm thức lắng sạch thì thành tựu được Thanh Tịnh Trí. Ví dụ người tu như chúng ta tâm hành giận được biểu hiện ra ngoài làm mặt đỏ gay đó là phần thô, ta loại trừ được. Nhưng nếu có ai xúc phạm, làm tổn thương, ta nghe trong lòng có gì bất an, hơi hờn hờn. Trạng thái tâm hành nầy ta có thể che đậy được với người nhưng tự trong tâm ta cảm nhận cái giận vẫn còn, sự tinh tế của giận vẫn chưa loại trừ tức chưa đạt đến sự thanh tịnh như định nghĩa của Kinh Bồ Tát Địa Trì.

Tầng thứ hai, Nhất Thiết Trí là trong tất cả thời, tất cả cảnh, tất cả việc, trong tất cả thể loại, trong tất cả tướng đều được trí tuệ soi sáng gọi là người chứng được Nhất Thiết Trí. Năng lực của trí tuệ nầy rất sáng, rất bén nhạy. Quá khứ, hiện tại, tương lai đều nhìn suốt thông. Trong mọi lãnh vực của không gian; không gian ở đây, không gian quá khứ hay của hành tinh xa xôi nào cũng đều thấy biết. Trong mọi chủng loại nhìn là biết không cần vận dụng tư duy gì cả. Trong tất cả tướng trạng của tâm thức, của thân và tâm, của mình và người... đều có sự sáng tỏ nhận biết gọi là người thành đạt Nhất Thiết Trí.

Tầng thứ ba là Vô Ngại Trí của các bậc Bồ Tát chứng đạt được Trí tuệ nầy trực tiếp, không cần nhờ phương tiện của tư duy bên trong, không cần đến vận dụng ngôn ngữ, học tập gì bên ngoài. Sự hiểu biết nầy bén nhạy, trực tiếp suốt thông và sáng tỏ khắp mọi lãnh vực gọi là Vô Ngại Trí.

Qui chiếu lại, Nhất Thiết Trí nầy giải thích được trạng thái chứng nghiệm của các vị đệ tử của Đức Thế Tôn, khi tâm cấu uế diệt trừ không còn dấu vết gì thì đạt đến Nhất Thiết Trí. Và Nhất Thiết Trí của văn học Bồ Tát tương ưng với giải thích của văn học Kinh Bốn Mươi Hai Chương.

Thưa đại chúng, khi trả lời câu hỏi: “Gì là sáng nhất?” của vị Sa môn, Đức Phật có nói đến hai chữ “tối minh”. Tối minh là loại trừ hết sóng thức nhỏ nhiệm đang trôi chảy. Tức những tập nghiệp ô uế, cáu bẩn không còn một dấu vết gì. Từ chuyên môn của Duy thức tông gọi là đoạn trừ sạch “chủng tử sinh diệt lưu chú” nơi đệ bát thức. Và chúng ta cũng nên hiểu “tối minh” là con đường thành đạt Niết Bàn.

Người xưa thường gọi tâm thức của mình là hằng chuyển như bộc lưu. Bộc lưu là suối nước. Trong mắt của chúng ta, suối nước như một dải lụa trắng treo từ trên không thả xuống, nhưng thực tế đó là sự kết hợp từ những phân tử nước thành dòng suối, không phải là dải lụa. Từ đó cho chúng ta thấy rõ tâm thức được ví như một dòng suối luôn chảy miên man không ngừng.

Dạng thô nhất của tâm thức cho chúng ta biết những tiếng thì thầm bên trong chưa bao giờ ngưng nghĩ, chấm dứt. Vào ban đêm khi ngủ, ý thức không làm việc, nhưng từ bên trong sâu thẳm sự vận hành của tâm thức, tiếng nói thì thầm vẫn có mặt liên tục. Thực tế khi ta nhắm mắt lại, ý thức của ta không biểu hiện lên bề mặt thành những tiếng thì thầm cho ta nhận diện, mà nó chìm như những đợt sóng ngầm và chảy liên tục trong tâm thức ta rất mịn khó nhận biết. Ta gọi đó là những vi tế hoặc nghiệp. Điều nầy đôi khi hiện lên rất rõ như khi ta buồn mà không biết mình buồn vì chuyện gì. Có những lúc ta giận mà chưa hiện hình thành những tiếng nói thì thầm của cơn giận, nhưng sự hầm hầm trong tâm, ta có thể nhận biết. Rõ ràng có một dòng nghiệp thức như thác trong tâm thức ta, nên gọi là “hằng chuyển như bộc lưu”,“chảy liên tục như thác đổ.” Và thành đạt con đường Niết Bàn tức là loại trừ tất cả ô uế, cấu nhiễm của tâm không còn dấu vết gì, là lúc ta đoạn trừ được dòng chảy tâm thức miên man như suối nầy.

8. Con đường Niết bàn gần hay xa?

Để có một khái niệm về con đường Niết Bàn là con đường gần mà xa, tôi xin kể chuyện chính cuộc đời của Đức Phật từ khi phát tâm cho đến khi chứng được tuệ giác, thành đạo đã từng trải qua hằng sa kiếp. Lúc Ngài còn bị đọa dưới ngục A Tỳ do tội Ngài đã bất hiếu với mẹ. Vì giận mẹ quá nên Ngài đã đưa chân đạp lên đầu mẹ mình và Ngài đã bị nghiệp là chịu một vành sắt nóng đỏ đầy gai nhọn trùm lên đầu đốt cháy, đau đớn vô cùng. Khi nỗi khổ đang thiêu đốt hình hài, ngay lúc ấy Ngài phát một tâm niệm lành nghĩ rằng nỗi khổ nầy quá lớn, không thể có một chúng sinh nào chịu đựng nỗi. Con xin phát nguyện là đừng có một chúng sinh nào bất hiếu với mẹ của mình. Con xin đời đời, kiếp kiếp đội vòng sắt nầy, để cho mọi chúng sinh trong nhân gian đừng có ai chịu khổ như con. Khi vừa phát tâm niệm lành như thế vòng sắt đang đội trên đầu rơi mất. Từ lúc phát tâm như thế về sau, mỗi kiếp có mặt trong cuộc đời Ngài đều thực hành Bồ Tát Đạo.

Câu chuyện trên trao cho chúng ta là đang trong lúc khốn khó, đau khổ cùng cực nếu ta phát tâm lành thì khổ não của thân, của hoàn cảnh lập tức chuyển đổi. Nhưng bên trong ý nghĩa nầy chúng ta nên nhớ lúc Thế Tôn thành đạo là đã trải qua vô vàn kiếp, cho nên con đường Niết Bàn xa vời vợi.

Chúng ta cũng có thể hiểu thêm là Niết Bàn tuy xa nhưng cũng rất gần. Từ trong văn học A Hàm Đức Phật tuyên bố: “Các ông nên biết là trong hình hài một trượng nầy cùng với tri giác của ta; Như Lai tuyên bố thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian.” Chúng ta có thể diễn dịch câu nầy bằng một ngôn ngữ gần gũi là Đức Thế Tôn tuyên bố hình hài nầy là đầu nguồn sinh khởi ra cuộc đời nầy. Chúng ta có thể hiểu khi chưa có ta, hình hài ta thì những sở hữu của ta cũng không có (nhà, xe, con cái, vật chất...), và ta chính là chủ của mọi sở hữu vật chất ấy cùng mọi sự hiện diện trên cuộc đời nầy.

Hai câu: “Chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến chấm dứt thế gian.” có nghĩa là cắt đi dòng chảy sinh tử luân hồi có mặt trong hình hài nầy, là con đường thành đạt Niết Bàn chứ không phải là hủy hoại thế gian. Hay nói cách khác là những bất an, khổ đau, phiền muộn, khốn khó... của con người được sinh ra từ hình hài nầy, và chấm dứt cũng từ con người. Ta là Thượng Đế của chính ta, ta tạo hạnh phúc cho ta cũng như đày đọa ta cũng trong hình hài và nhận thức nầy.

Con đường Niết Bàn tuy xa nhưng cũng rất gần là sao? Xa, nếu chúng ta thả trôi cuộc sống đi qua ngàn vạn kiếp thì không có cách gì thay đổi được. Nhưng rất gần vì nó nằm ngay trong đây, ngay trong hình hài nầy, trong tư duy nầy. Nếu ta chuyển đổi tâm thức ta thì có thể làm cho Niết Bàn hiện diện.

Có câu chuyện nói về Thiên đường và Địa ngục mang hàm nghĩa Niết Bàn ở ngay trong tâm chúng ta. Chuyện kể rằng hai giống người ở Thiên đường, Địa ngục rất giống nhau. Thức ăn trên Thiên Đường rất ngon và thức ăn ở Địa ngục cũng ngon giống như vậy. Nhưng ở Địa ngục tay của họ quá dài, không cân đối nên có thể lấy thức ăn, nhưng đưa vào miệng thì không được. Vì vậy họ ngồi nhìn thức ăn mà phải chịu đói, khổ vô cùng.

Khi lên Thiên đường thì thấy người ở đó cũng có cách cấu tạo hình hài như vậy; tay rất dài chỉ lấy được thức ăn và cũng không đưa vào miệng được. Nhưng đặc biệt, người trên Thiên Đường thông minh hơn. Họ đút cho người bên cạnh ăn, người trước mặt ăn, và cuối cùng họ đút cho nhau ăn. Nên không khí vẫn như thế, thức ăn vẫn như thế, con người vẫn thế mà người trên Thiên Đường hạnh phúc, no ấm. Tại sao? Vì họ không cần ăn, họ chỉ cho người khác ăn và người khác cũng cho họ ăn. Trong khi ở Địa ngục ta không ăn được thì không ai được quyền ăn. Do vậy, ai ở đó cũng đói khổ nên trở thành Địa ngục.

Từ chuyện vui nầy quay nhìn lại, chúng ta thấy rõ Niết Bàn rất gần, ở trong trái tim ta, và Niết Bàn cũng rất xa do vì tâm thức của ta đẩy Niết Bàn ra xa, nên gần mà xa là như thế. Và đây là Niết Bàn gần, xa theo tinh thần của Kinh văn giải thích.

Thưa quí vị, sau đây tôi chia xẻ một cái nhìn rất với gần chúng ta là cái nhìn của Thiền nhân về con đường Niết Bàn.

Một trong những Thiền sư nổi tiếng Trung Hoa là Ngài Phó Đại Sĩ đã làm bài kệ như sau:

Dạ dạ bảo Phật miên.
Triêu triêu hoàn cọng khởi.
Hành trụ trấn tương tùy.
Tọa ngọa đồng cư chỉ.
Phân hào bất tương ly.
Như thân ảnh tương tợ.
Dục tri Phật hà tại.
Chỉ giá ngữ thinh thị.

Tạm dịch:

Đêm đêm ôm Phật ngủ.
Sáng sáng cùng Phật dậy.
Đi đứng luôn theo nhau.
Ngồi nằm cùng một chỗ.
Không xa cách mảy may.
Như hình cùng với bóng.
Muốn biết vị Phật nầy.
Ngay nơi nói năng vậy.

Bài kệ nầy biểu hiệu cái nhìn của nhà Thiền đối với trạng thái Niết Bàn.

Nếu chúng ta đi vào những câu kệ của Ngài Phó đại Sĩ có thể nhận biết một điều rất dễ. Chúng ta thường nghĩ trong hình hài nầy chứa rất nhiều năng lượng xấu ác, nhưng quên một điều là cũng trong hình hài nầy chất Phật đã được cài sẵn. Mình mời được chất Phật có mặt là có khả năng cả một đời hạnh phúc. Cũng như trong tư duy nầy, ta có thể nghĩ xấu về người kia, và ta cũng có thể nghĩ đẹp về người kia. Cũng như Thiên đường hay Địa ngục, hạnh phúc hay bất hạnh đều do trong chúng ta có khơi mở được lòng yêu thương hay không mà thôi.

Thưa đại chúng, tôi nói điều nầy để xác định là năng lượng Niết Bàn tức khả năng thành Phật đã có trong ta. Vị Phật trong ta, ta chỉ cần mời gọi là Ngài có mặt. Điều nầy Thiền sư Lâm Tế đã nói rất rõ: “Xích nhục đoàn thượng, hữu nhất vô vị chân nhân, thường tùng diện môn xuất nhập.” nghĩa là “trong hình hài xương thịt phàm phu, có một vị chân nhân vô trụ thường từ cửa mặt ra vào.” Vô vị Chân nhân chỉ là từ dùng khác của tiếng gọi Phật mà thôi.

Và Ngài giải thích thêm hình hài nầy không biết nói, biết nghe. Con mắt nầy không biết nhận biết. Tất cả bộ phận con người không có cảm nhận, nói và nghe. Cái nghe được, cái nói được, cái nhận biết được là ở bên trong. Tất cả đều được biểu hiện từ vị Chân nhân nầy, từ con người thật nầy, từ đức Phật nầy.

Chúng ta vì không đủ thông minh để nhận biết, cũng không đủ niềm tin rằng đây chính là vị Phật nên cả một đời rong ruổi. Do vậy Niết Bàn rất gần mà vẫn cứ xa. Đang ở trong Niết Bàn mà vẫn cứ chạy đi tìm. Đó là lỗi lầm lớn nhất của chúng ta.

Thưa, muốn đi vào con đường Niết Bàn, điều gần nhất là ta làm chủ được vui buồn của chính mình. Nhưng muốn làm được điều nầy, chúng ta phải làm việc gần hơn nữa là lúc nào cũng làm chủ hình hài nầy. Muốn làm chủ được thân ta phải có một ước hẹn với thân; bất cứ một lay động nào của thân, ta đều nhận biết, ta đều ý thức sáng tỏ về nó thì chúng ta mới có cơ may làm chủ được vui buồn. Nếu vui buồn mà ta chưa nhận diện được thì ta chưa thể nhận diện được những tiếng nói thầm của ý thức trôi chảy miên man như một dòng sông. Nếu chúng ta nhận diện được tiếng nói thì thầm bên trong thì lúc bấy giờ tiếng nói thì thầm là cái bị nhận diện, là đối tượng để ta nhìn thấy; còn bản thân ta là năng lượng tỏa sáng, rạng ngời, lặng lẽ nhận biết đơn thuần đang hiện diện. Năng lượng ấy là Niết Bàn. Nó là trạng thái vô niệm của tự tâm có mặt trong hình hài ngũ uẩn nầy.

Tôi muốn lập lại một lần nữa để quí vị lưu ý: muốn đánh một bản nhạc hay, cần phải học từng nốt nhạc, muốn chạy được ta phải tập đi từng bước, từng bước thật vững chãi.

Muốn đạt được con đường Niết Bàn, điều đầu tiên là mời tâm ta về lại với thân. Tất cả những cử động của thân ta phải thức về nó, nhận diện nó, giám sát nó. Nếu từ những điều rất căn bản nầy chúng ta thực tập nghiêm túc, luôn mời sự nhận biết có mặt liên tục là từ đây ta đi vào biển Niết Bàn.

Tôi xin xác định là chúng ta có thể làm được. Ai cũng có thể làm được vì ai cũng có khả năng như nhau, có quyền năng như nhau, tài nghệ như nhau không ai thua kém ai, không phải chỉ những người tu mới làm được. Có điều là chúng ta có chịu thực tập, có đam mê thực tập hay không mà thôi.

Đời người cái chết đến rất tình cờ không ước hẹn, nên chưa chắc ta đã có mặt trên cuộc đời nầy vào ngày mai. Điều may mắn nhất của chúng ta hôm nay là đã gặp được dòng tuệ giác của Đức Phật khai triển trạng thái Niết Bàn có sẵn nơi tự tâm của mỗi chúng ta. Muốn chấm dứt kiếp phiêu linh sinh tử, an trú trong Niết Bàn hay không, xin hãy tự chọn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]