Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương I: Thời niên thiếu

10/03/201111:37(Xem: 8353)
Chương I: Thời niên thiếu

CÁC BẬC CHÂN SƯ YOGI ẤN ĐỘ
Tác giả:Yogananda -Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG I: THỜI NIÊN THIẾU

Tôi sinh ra ở Gorakhpur thuộc miền Bắc Ấn Độ, trong một gia đình khá giả với cả thảy 8 người con. Ngoài tôi ra là 3 anh em trai và 4 chị em gái. Tôi là con thứ tư, với 1 người anh và 2 người chị. Tên cha mẹ đặt cho tôi từ thuở nhỏ là Mukunda Lal Ghosh. Ngày tôi sinh ra đã rơi vào những năm cuối của thế kỷ 19, và trong những năm đầu tiên của cuộc đời, tôi được sống yên ổn tại quê nhà.

Cha mẹ tôi đều sinh ra ở tỉnh Bengal. Các vị là những tấm gương sáng đạo đức không bao giờ phai mờ đối với tôi. Nhờ vậy, bầu không khí gia đình mà trong đó 8 người con chúng tôi lớn lên bao giờ cũng ấm êm và hòa thuận.

Cha tôi là một người tốt. Nhưng có lẽ cũng giống như nhiều người cha khác trên thế gian này, dưới mắt chúng tôi ông bao giờ cũng tỏ vẻ nghiêm khắc, cứng rắn. Dù thế, chúng tôi đều hết lòng thương yêu và kính trọng ông. Tên ông là Bhagabati Charan Ghosh, và là một trong những người sống theo toán học và lý luận, nghĩa là nghiêng về lý trí nhiều hơn cảm tính. Tuy vậy, từ ngày mẹ tôi qua đời, ông bắt đầu bộc lộ trọn vẹn tình thương yêu thắm thiết ông dành cho chúng tôi, mà có lẽ từ lâu ông đã cố đè nén chỉ giữ nó trong lòng. Khi ông nhìn chúng tôi, tôi thấy phảng phất trong đó nét trìu mến mà mẹ tôi vẫn dành cho chúng tôi khi bà còn sống.

Hồi đó, cha tôi là phó chủ tịch của công ty đường sắt Bengal Nagpur, một trong những công ty lớn của Ấn Độ. Công việc này đòi hỏi gia đình chúng tôi phải di chuyển chỗ ở khá thường xuyên, và vì thế, thời niên thiếu của tôi đã trải qua nhiều thành phố khác nhau.

Mẹ tôi là một người phụ nữ tuyệt vời. (Và tôi vẫn thường tự hỏi, trên thế gian này có người mẹ nào là không tuyệt vời đối với con cái họ?) Bà chăm sóc chúng tôi chu đáo, vì bà không phải làm gì thêm cho vấn đề sinh kế của gia đình. Công việc của cha tôi đủ nuôi sống cả gia đình một cách khá đầy đủ. Bao giờ mẹ cũng tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo tươm tất cho anh em chúng tôi vào mỗi buổi chiều khi đón cha về từ công sở. Bà làm như thế để tỏ lòng kính trọng cha tôi, mà cũng là biểu lộ tình thương yêu với chúng tôi nữa. Dĩ nhiên là cha tôi rất vui vì điều ấy.

Mẹ tôi luôn rộng lòng với những kẻ nghèo khó. Vấn đề là đôi khi bà vượt quá những khuôn thước, chuẩn mực mà cha tôi muốn cả gia đình phải tuân theo. Mặc dù mức thu nhập của cha tôi rất cao, nhưng ông không thích sống xa xỉ và chi tiêu tiền bạc bừa bãi. Ông muốn ngân sách gia đình được giữ theo một chuẩn mực điều độ và hợp lý. Có một lần, chỉ trong nửa tháng mẹ tôi đã chi ra cho việc giúp đỡ những người nghèo khó nhiều hơn cả số tiền cha tôi mang về trong một tháng. Cha tôi nói với bà:

– Tôi muốn bà hãy giới hạn việc bố thí, giúp đỡ trong một mức độ hợp lý.

Mẹ tôi là người rất nhạy cảm với mọi sự chỉ trích của cha tôi. Vì thế, bà không đáp lại gì, chỉ lẳng lặng mang hành lý đi ra cửa, gọi một chiếc xe ngựa và nói:

– Tôi về nhà mẹ tôi đây.

Phụ nữ Ấn Độ nói chung, chẳng riêng gì mẹ tôi, từ xưa nay vẫn thường hăm dọa chồng như thế mỗi khi gia đình có chuyện bất hòa. Nhưng chúng tôi chưa đủ lớn để hiểu điều đó, và òa lên khóc nức nở. Vừa khi ấy thì cậu tôi đến. Ông kề tai cha tôi nói nhỏ một điều gì, mà sau này tôi mới hiểu đó hẳn là một lời khuyên sáng suốt đã từng được chứng nghiệm tính đúng đắn của nó qua nhiều thế kỷ. Cha tôi xin lỗi mẹ, và bà mang hành lý vào nhà, cho chiếc xe ngựa chạy về trống không. Và như thế là chấm dứt cuộc bất hòa duy nhất mà chúng tôi được chứng kiến giữa cha với mẹ.

Những lần sau này, sự việc đúng là diễn ra theo cách khác hơn. Có lần, mẹ tôi bảo cha tôi:

– Có người đàn bà tội nghiệp đang chờ tôi trước cửa. Bà ấy rất cần 10 đồng ru-bi. Ông hãy đưa cho tôi số tiền ấy.

Cha tôi phản đối nhẹ nhàng:

– Sao đến những 10 ru-bi! Bà có thể đưa cho bà ấy 1 ru-bi cũng đủ tỏ rõ lòng tốt của bà rồi kia mà.

Và cha tôi tiếp tục thuyết phục mẹ bằng cách kể lại những giai đoạn khó khăn trong đời mình. Có lúc, ông chỉ ăn bữa trưa bằng một quả chuối nhỏ, vậy mà ông vẫn theo đuổi việc học. Khi ông vào đại học, ông đã phải van nài một vị thẩm phán giàu có để xin món tiền trợ cấp hằng tháng là 1 ru-bi, nhưng ông này đã từ chối với lý do một khoản tiền như thế là quá nhiều.

Mẹ tôi chăm chú lắng nghe ông, và cuối cùng bà nhoẻn một nụ cười thật tươi với vẻ đắc thắng, bảo cha tôi rằng:

– Ông thấy chưa? Sự từ chối đó đã làm cho ông cay đắng biết bao nhiêu, nên ông đã ôm ấp nó mãi cho đến ngày nay. Thế mà ông còn muốn lặp lại sự việc như thế với người đàn bà tội nghiệp này sao? Để rồi bao nhiêu năm nữa bà ta cũng sẽ không sao quên được ngày này hay sao?

Cha tôi bật cười xòa trước lập luận hết sức thực tế của mẹ tôi. Ông nói:

– Vâng, bà đã nói đúng. Và đây là 10 ru-bi, hãy đưa cho người đàn bà ấy cùng với lời chúc phúc của tôi.

Anh em chúng tôi được nuôi dạy trong khuôn khổ lễ giáo chặt chẽ của gia đình. Cha tôi áp dụng những kỷ luật nghiêm khắc đối với chúng tôi, và chính ông cũng nêu gương một đời sống biết tự chế và khắc khổ. Ông không bao giờ đi xem hát. Ông dành thời gian rỗi rảnh cho việc tu dưỡng công phu và đọc thánh kinh Bhagavad. Mặc dù không hề thiếu thốn về tiền bạc, ông không chấp nhận bất cứ sự xa xỉ, hoang phí nào. Ông mang những đôi giày cho đến khi chúng không thể nào sử dụng được nữa rồi mới bỏ đi. Khi xe hơi trở nên phổ biến với các gia đình giàu có ở Ấn Độ, anh em chúng tôi đều có, nhưng cha tôi thì vẫn đi bộ mỗi sáng đến trạm xe buýt và đi xe buýt đến sở làm.

Cha tôi chưa bao giờ bị lôi cuốn vào những ham mê vật chất. Sau khi ông góp sức thành lập được ngân hàng thành phố ở Calcutta, ông từ chối không nhận phần chia lãi của mình, và nói rằng đó chỉ là việc làm trong bổn phận. Khi cha tôi đã về hưu được khoảng 2 năm, có một nhân viên kiểm toán người Anh đến kiểm tra sổ sách của công ty ông. Người này kinh ngạc khi thấy rằng cha tôi vẫn chưa nhận phần chia lãi thuộc về ông. Sau khi xem xét tất cả sổ sách của công ty, ông ta kết luận là cha tôi đã làm được những phần việc bằng với 3 người khác, và công ty buộc phải trả cho cha tôi một khoản tiền là 125.000 ru-bi – một khoản tiền kếch sù vào thời điểm đó!

Công ty tuân thủ quyết định ấy và gửi cho cha tôi tấm ngân phiếu chi trả đủ số tiền trên. Nó được chuyển vào tài khoản của cha tôi ở ngân hàng, nhưng ông dường như không quan tâm mấy đến việc này và chưa từng một lần nhắc đến. Mãi về sau này, em trai tôi là Bishnu phát hiện thấy một số tiền lớn trong tài khoản của ông ở ngân hàng, mới mang sự việc ra hỏi ông và nhờ đó mà chúng tôi được biết. Khi ấy, cha tôi bảo chúng tôi:

– Tại sao người ta phải quan tâm nhiều đến của cải, vật chất? Người đi theo con đường sáng tâm linh không vui mừng vì được lợi lộc, và cũng không đau buồn khi bị thua lỗ, mất mát. Người ấy hiểu được một sự thật mà lẽ ra ai ai cũng phải hiểu, đó là con người sinh ra không có gì cả và chết đi cũng chẳng mang theo được gì.

Cha mẹ tôi đã quy y với thầy Lahiri Mahsaya ở thành Bénarès chỉ ít lâu sau đám cưới hai người. Và tính cách khắc khổ tự nhiên của cha tôi càng tăng thêm hơn nữa sau sự kiện này. Mẹ tôi đã có lần tâm sự với chị Uma của tôi rằng:

– Cha con và mẹ chỉ gần nhau mỗi năm một lần, với mục đích duy nhất là để có con.

Việc cha tôi đến với thầy Lahiri Mahsaya ở Bénarès là nhờ nơi chú Abinash Babu, một nhân viên thuộc quyền cha tôi, làm ở trạm Gorakhpur. Về sau, chú vẫn thường kể cho tôi nghe nhiều điều kỳ diệu về cuộc đời của các bậc thầy chứng ngộ trên toàn xứ Ấn, và cho rằng trong số đó thì thầy Lahiri Mahsaya ở Bénarès là cao cả hơn hết.

Một ngày đẹp trời vào mùa hè, khi chúng tôi ngồi chơi trước hiên nhà, chú Abinash Babu chợt hỏi tôi:

– Cháu có muốn biết về trường hợp kỳ diệu đã xui khiến ba cháu đến quy y với thầy Lahiri Mahsaya ở Bénarès hay không?

Tất nhiên là tôi rất tò mò muốn biết, và tôi biểu lộ điều đó bằng cặp mắt mở to tròn xoe nhìn chú. Chú bắt đầu kể cho tôi nghe:

– Hồi đó cháu còn chưa ra đời. Ba cháu lúc bấy giờ là trưởng phòng ở trạm Gorakhpur. Có một lần tôi xin phép được nghỉ một tuần để đến thăm thầy Lahiri Mahsaya ở Bénarès, là vị tôn sư của tôi. Khi ấy, ba cháu bảo tôi rằng: “Nếu chú muốn tiến thân trên đường sự nghiệp, hãy siêng năng làm việc hơn nữa và quên những chuyện cuồng tín vớ vẩn ấy đi.” Ngày ấy, tôi rất buồn. Sau giờ làm việc, tôi theo một lối đi nhỏ trở về nhà và gặp ba cháu cũng đi kiệu về cùng đường. Ông cho những người phu khiêng kiệu trở lại, và xuống kiệu đi bộ cùng tôi. Ông biết tôi đang buồn và muốn lựa lời an ủi. Ba cháu vẫn là một người luôn đối xử tốt với nhân viên như thế đó. Tuy nhiên, những lời an ủi của ông lúc bấy giờ chẳng lọt vào tai tôi, vì tâm trí tôi đang mãi nghĩ đến vị tôn sư của mình là thầy Lahiri Mahsaya ở Bénarès. Chúng tôi cùng đi qua một cánh đồng vắng lặng với ánh nắng chiều chưa tắt hẳn đang chiếu vàng trên từng ngọn cỏ. Không ai bảo ai, tự nhiên chúng tôi cùng dừng chân đứng lặng ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp đang trải dài trên đồng cỏ. Ngay lúc ấy, cách chúng tôi không đầy mười thước, bỗng thình lình xuất hiện thầy Lahiri Mahsaya. Thầy cất giọng ôn hòa từ tốn nói với cha cháu rằng: “Bhagabati, sao con quá khắt khe với nhân viên của mình đến thế?” Giọng nói của ngài tuy không lớn lắm, nhưng có gì đó rất khác thường và như vang rền ra khắp chốn. Chúng tôi đứng lặng cả người không kịp tỏ ra bất cứ một phản ứng gì. Và ngay khi ấy thì ngài biến mất. Cha cháu còn chưa hiểu gì, trong khi chú quỳ sụp xuống trên bờ cỏ và chắp tay gọi lớn: “Thầy Lahiri Mahsaya, thầy Lahiri Mahsaya tôn kính của con!” Khi ấy, cha cháu mới biết người vừa hiện ra một cách kỳ diệu trước mặt ông chính là vị thầy tôn kính mà tôi đang mong muốn được đến viếng thăm.

Chú Abinash dừng một chút, như để nhớ lại giây phút bàng hoàng, kỳ diệu mà một đời người không dễ có mấy lần được trải qua. Rồi chú chậm rãi kể tiếp:

– Sau khi cha cháu đã bình tĩnh trở lại, ông bảo tôi: “Này Abinash, chú sẽ được nghỉ phép theo như yêu cầu. Và chính tôi cũng sẽ nghỉ phép để cùng đi với chú. Tôi rất muốn được về nương tựa với bậc thầy tôn kính ấy, và tôi cũng muốn mang cả vợ tôi theo nữa. Tôi mong muốn được chú giới thiệu với thầy để ngài thu nhận chúng tôi làm đệ tử.”

Khi ấy, không chỉ ba cháu là chịu tác động mạnh mẽ từ sự hiện thân của thầy Lahiri Mahsaya. Chính tôi cũng thấy tâm linh mình ngập tràn niềm vui sướng và đức tin. Những suy nghĩ, mong muốn của tôi đã được đức tôn sư cảm nhận vượt qua không gian xa xôi, và ngài đã đáp lại lời cầu xin của tôi bằng một cách mà tôi không bao giờ ngờ đến.

Không hiểu sao, tôi cảm thấy có gì đó rất gần gũi trong chuyện kể của chú Abinash. Phải chăng những việc như thế này cũng đã từng xảy ra vào một lúc nào đó với tôi từ lâu xa trong tiềm thức? Tôi nôn nóng được nghe chú kể tiếp:

– Hôm sau, chúng tôi đáp chuyến xe lửa chiều, đến Bénarès. Tại đây, chúng tôi nghỉ lại một đêm, và qua hôm sau phải vất vả qua nhiều chặng đường gian khó, có lúc đi ngựa, có lúc đi bộ, mới đến được nơi tịnh thất vắng vẻ của thầy Lahiri Mahsaya. Khi chúng tôi bước vào sảnh đường để chào ngài, ngài vẫn còn đang ngồi trong tư thế kiết già như lúc thiền định. Ngài nhìn thẳng vào mắt cha cháu và nói: “Bhagabati, sao con quá khắt khe với nhân viên của mình đến thế? Ta rất vui khi thấy con đã đồng ý cho Abinash đến đây, và cũng rất vui khi có vợ chồng con cùng đi.” Cha cháu đã lặng người đi một lúc. Ông đã nghe lại chính xác những lời mà đức tôn sư đã nói với chúng tôi trên cánh đồng. Rõ ràng là với ngài, khoảng cách không gian có vẻ như không là gì cả!

Chú Abinash dừng một chút rồi chậm rãi tiếp:

– Ngay trong lần gặp gỡ ấy, cha mẹ cháu xin quy y và học phép tọa thiền với thầy Lahiri Mahsaya. Và cũng từ đó, ba cháu và tôi trở nên thân thiết như anh em một nhà, vì chúng tôi đã cùng nhau theo đuổi một lý tưởng tâm linh giống nhau. Tôi còn nhớ, thầy Lahiri Mahsaya đã rất chú ý đến cháu ngay từ khi cháu vừa mới sinh ra. Chú tin là đời cháu về sau sẽ có nhiều quan hệ với ngài.

Tuy nhiên, tôi không có đủ may mắn để trực tiếp học đạo với thầy Lahiri Mahsaya ở Bénarès, vì không bao lâu sau khi tôi chào đời thì thầy đã rời bỏ thế giới này. Điều gắn bó giữa tôi với thầy từ thuở bé là một bức chân dung thầy để lại, và hoàn cảnh ra đời của bức ảnh chân dung này cũng thật kỳ bí không thua kém bất cứ câu chuyện kỳ bí nào về các bậc minh sư đã chứng ngộ.

Bức chân dung được lồng trong một khung gỗ chạm trổ rất đẹp, đặt nghiêm trang trên bàn thờ của gia đình tôi, và được chúng tôi mang theo đến bất cứ thành phố nào mà chúng tôi chuyển đến. Mẹ tôi dâng hương hoa và lễ bái trước di ảnh của thầy mỗi ngày hai lần sáng chiều đều đặn, với một sự thành khẩn đã tác động không ít đến tâm hồn thuần thành và ngây thơ bé bỏng của tôi.

Càng lớn tôi càng nhận ra là bức chân dung thầy có một ảnh hưởng kỳ diệu đối với tôi. Càng ngày, tôi càng nghĩ nhiều về thầy, thậm chí đến cả trong giấc ngủ. Cha tôi dạy cho chúng tôi biết ngồi thiền từ thuở nhỏ, và trong những lần thiền định của tôi, có nhiều khi tôi cảm nhận thầy như một người sống đang tồn tại trước mắt tôi, không chỉ là một khuôn hình vô tri giác. Và tôi lấy làm lạ khi ra khỏi thiền định lại thấy ngài chỉ còn là một bức ảnh trong khung gỗ. Tuy nhiên, dần dần tôi có thể cảm nhận được sự hiện hữu của ngài mọi lúc, và tôi thường cầu nguyện trước di ảnh mỗi khi tôi thấy mình yếu ớt về tinh thần, hoặc gặp phải một khó khăn trở ngại nào cần phải vượt qua.

Xứ Ấn Độ từ ngàn xưa đã từng nổi tiếng với những bậc minh sư ẩn mình trên rặng Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Như một truyền thống nối tiếp qua bao đời, những chuyến đi gian nan để tầm sư học đạo trên vùng núi rừng hoang vắng, có khi sơ suất phải bỏ mình, hoàn toàn không phải là điều gì xa lạ đối với người dân Ấn. Và chính những thế hệ truyền nối nhau theo cách này đã giữ gìn cho Ấn Độ một nền văn hóa cao cả đặc thù mà không đâu khác trên thế giới này có được. Nền văn hóa đó được gầy dựng trên nền tảng của sự chứng nghiệm tâm linh, thay vì là bằng vào những công thức khoa học do lý trí con người sản sinh ra. Và kỳ diệu thay, những chứng nghiệm tâm linh này được tiếp nối không qua một sự truyền dạy trực tiếp nào, mà là thành quả đạt được bằng vào những cố gắng tự thân của mỗi người học đạo, với vị thầy chỉ đóng vai như một người dẫn dắt, chỉ đường.

Khi tôi nhớ lại những ký ức mơ hồ từ thời thơ ấu, tôi dường như cảm thấy phảng phất đâu đó hình bóng của những cảnh núi rừng hoang vu lạnh giá. Tôi như mơ hồ thấy mình đã từng sống ở đâu đó trên rặng núi Tuyết ngàn đời hùng vĩ của xứ Ấn, với những khát vọng mà ở tuổi thiếu niên tôi không thể hiểu được là gì, nhưng vẫn âm ỉ và cháy bỏng trong tôi mỗi khi có điều gì gợi đến. Và việc chiêm ngưỡng bức chân dung mầu nhiệm của thầy Lahiri Mahsaya dần dần trở thành một trong những sợi dây nối kết tôi với ký ức xa xăm mờ nhạt của chính mình.

Thầy Lahiri Mahsaya bình sinh không cho phép ai chụp ảnh ngài. Tuy nhiên, việc ngài có quá nhiều đệ tử đã làm cho không ít kẻ chú ý đến, và họ rất muốn có những bức ảnh của ngài. Mặc dù đó cũng là một ý tốt, để người ta có thể chiêm ngưỡng và nhớ đến những khi không được có mặt bên ngài. Nhưng chưa có ai đã từng làm được điều đó. Người ta chụp rất nhiều những bức ảnh ngài ngồi giữa các đệ tử vây quanh, để rồi vô cùng kinh ngạc khi nhìn vào ảnh và chỉ thấy chỗ ngồi của ngài trống không như không có ai đã từng ngồi nơi ấy. Và điều này đã gợi lên rất nhiều lời bàn tán xôn xao về những điều kỳ diệu khác nữa xoay quanh cuộc sống của ngài.

Ngày kia, một đệ tử của ngài là Ganga Dhar Babu, cũng là một nhà nhiếp ảnh có tài, quyết tâm chụp cho bằng được một bức chân dung của ngài. Vào buổi sáng, khi thầy Lahiri Mahsaya đang ngồi thiền trên một chiếc ghế dài, phía sau là một tấm bình phong, ông này bất thần xuất hiện với máy ảnh trên tay và chụp luôn một loạt đến 12 kiểu ảnh. Than ôi, khi ông ta hăm hở rửa hình ra, thì chỉ thấy có chiếc ghế trống không và tấm bình phong phía sau, ngoài ra không còn gì khác. Kinh sợ và xấu hổ vì việc cãi lời thầy của ông đã không mang lại kết quả gì, ông liền tìm đến quỳ trước tôn sư để xin sám hối. Ngài từ tốn bảo ông:

– Con đã đến đây với ta để cầu tìm một tinh thần giác ngộ. Con có thể nào chụp ảnh cái tinh thần giác ngộ ấy được sao?

– Bạch thầy, con đã biết là không thể được. Nhưng mong thầy từ bi cho chúng con một di ảnh thân xác phàm tục mà người đang sử dụng.

Thầy Lahiri Mahsaya cười hiền hòa và nói:

– Thôi được, như vậy con hãy trở lại đây vào sáng ngày mai, ta sẽ cho con chụp một bức ảnh.

Và như vậy là bức chân dung duy nhất của thầy Lahiri Mahsaya ở Bénarès được ra đời. Từ đó về sau không ai chụp được bất cứ một tấm ảnh nào khác của ngài nữa.

Năm tôi lên tám tuổi, một chuyện kỳ diệu đã xảy ra khiến cho từ đó về sau tôi càng thêm gắn bó với bức di ảnh của thầy Lahiri Mahsaya.

Vào năm ấy, tôi mắc phải một chứng bệnh hiểm nghèo mà các thầy thuốc đều đã lắc đầu bó tay, không sao chữa khỏi. Tôi nằm liệt giường, chỉ còn cử động được hai tròng mắt đờ đẫn để biểu lộ là mình còn sống. Mẹ tôi mang bức chân dung thầy Lahiri Mahsaya treo trên tường, nơi chỗ tầm mắt tôi nhìn đến. Mẹ ngồi bên giường tôi và bảo:

– Con hãy quỳ gối trước mặt ngài trong tư tưởng của con, và chiêm ngưỡng ngài với tất cả lòng thành. Ngài sẽ cứu con thoát khỏi bệnh tật.

Niềm tin nơi đấng tôn sư và tình mẫu tử sâu đậm đã khiến cho mẹ tôi xác quyết được điều ấy. Người tin tưởng chắc chắn không chút nghi ngờ gì về những lời người đã nói với tôi. Và niềm tin ấy như truyền thêm một sức mạnh kỳ lạ vào tư tưởng vốn đã yếu ớt đi vì bệnh hoạn của tôi. Tôi nhìn lên bức chân dung và để hết tâm trí vào việc chiêm ngưỡng, cầu nguyện. Đột nhiên, một vừng ánh sáng rạng ngời tỏa ra, bao phủ lấy tôi và lan tỏa khắp căn phòng. Cảm giác uể oải, mệt nhọc vì bệnh tật trong người tôi cũng bất chợt tiêu tan không còn nữa. Tôi nghiêng mình nắm lấy bàn tay mẹ tôi để tỏ cho người biết là tôi đã được cứu thoát khỏi căn bệnh nguy kịch nhờ nơi đức tin không lay chuyển của người. Tôi biết là mẹ tôi cũng cảm nhận được ánh sáng kỳ diệu tỏa ra vào lúc đó, vì tôi thấy người quỳ xuống, chắp hai tay và khấn nguyện thành lời:

– Lạy đức tôn sư cao cả, con xin tạ ơn ngài đã ban ân huệ cứu sống con của con.

Và từ sau lần vượt qua căn bệnh hiểm nghèo đó, dường như số phận cuộc đời tôi đã được định đoạt, bởi vì không một tài sản thế gian nào còn có ý nghĩa đối với tôi. Tôi đã xác định mình sẽ đi theo con đường soi sáng tâm linh, và dù sớm hay muộn, tôi vẫn chắc chắn mình sẽ trở thành một tu sĩ.

Sau khi tôi đã hồi phục sức khỏe, tôi càng thấy sùng kính bức chân dung thầy Lahiri Mahsaya như chính những gì tôi được nghe kể về cuộc đời của ngài. Việc tôi thoát chết một cách kỳ diệu cũng làm cho các thầy thuốc của gia đình tôi vô cùng kinh ngạc. Nhưng ngoài điều đó ra, nó còn để lại cho tôi những thứ khác đáng nói hơn nhiều.

Từ sau lần ấy, mỗi khi tôi chiêm ngưỡng bức chân dung, tôi hoàn toàn tin tưởng là tôi đang chiêm ngưỡng chính thầy Lahiri Mahsaya, mà không một trở lực không gian hoặc thời gian nào còn có thể ngăn cách được giữa ngài và tôi. Tôi thường cảm nhận được ánh hào quang rạng ngời tỏa ra và bao quanh tôi trong những lần tôi tọa thiền và suy nghĩ đến ngài. Lâu dần, trong vùng hào quang ấy, có khi tôi nhìn thấy hình ảnh của nhiều vị tu sĩ mà có vẻ như tôi đã từng quen biết. Các ngài đều xuất hiện lặng lẽ trong tư thế thiền định, và khi nhìn thấy các ngài, tôi nghe như tự trong tiềm thức mình dấy lên một khát vọng không sao kiềm chế được: niềm khao khát muốn dâng hiến trọn cuộc đời mình cho việc tầm sư học đạo!

Sau mỗi cơn thiền định đạt đến những hình ảnh kỳ diệu ấy, tôi thấy trong lòng khoan khoái và tràn đầy một niềm vui khó tả. Những khi ấy, tôi thấy cuộc đời mình tràn ngập hạnh phúc, an lạc vô biên, và tưởng chừng như không một tai ương, trở ngại nào có thể làm cho tôi nhủn lòng thoái chí được.

Đời sống tâm linh khởi đầu rất sớm của tôi còn được ghi dấu bằng một kỷ niệm rất khó quên, bởi vì nó còn để lại một vết sẹo trên cánh tay tôi.

Buổi sáng hôm ấy, tôi và chị Uma cùng ngồi chơi dưới một tán cây sung rất to, với những con két đậu trên cành cây mổ vào những trái sung chín đỏ và kêu inh tai. Chị Uma rên rỉ vì một mụt nhọt ở dưới chân, và dùng thuốc xoa bóp vào chỗ đau. Tôi đến bên chị và cũng lấy một chút thuốc xoa vào cánh tay mình. Chị tôi cười hỏi:

– Em không bị mụt nhọt, xoa thuốc vào làm chi?

Tôi cũng cười và nói một cách đùa cợt:

– Rồi ngày mai em sẽ có một mụt nhọt trên tay này đấy.

Chị tôi bỗng nổi cáu một cách bất ngờ và mắng tôi:

– Đồ nói láo!

Tôi thấy lòng tự ái bị chạm vào, liền nghiêm nét mặt trả lời:

– Vẫn còn chưa đến ngày mai, chị không được quyền mắng em như vậy. Rồi sáng ngày mai chị sẽ thấy mọi việc đúng như lời em nói.

Chị Uma càng thêm bực dọc và mắng tôi bằng những lời nặng nề hơn. Không hiểu sao lúc đó tôi cũng không kiềm được một cơn giận dữ kịch liệt, và buột miệng nói ra những lời đanh thép, chắc chắn như không thể nào sai khác được:

– Này chị Uma, vì đây là mong muốn của tôi, chị hãy nghe cho rõ đây. Trước buổi sáng ngày mai, trên cánh tay này của tôi sẽ có một mụt nhọt, và mụt nhọt của chị sẽ lớn lên gấp đôi.

Lẽ tất nhiên, chị Uma không thèm đếm xỉa gì đến lời nói ấy, và giận dữ bỏ đi.

Cho đến sáng hôm sau, trên cánh tay tôi quả thật mọc lên một mụt nhọt, và mụt nhọt của chị Uma thì sưng tấy lên thật dễ sợ. Nhưng chị Uma không sợ hãi vì cái mụt nhọt mà là vì sự ứng nghiệm dị thường của lời tuyên bố như một sự nguyền rủa của tôi. Chị run rẩy chạy đi tìm mẹ tôi và nói:

– Mẹ ơi! Em Mukunda hóa thành phù thủy rồi!

Và chị kể cho mẹ nghe chuyện của chúng tôi hôm qua. Mẹ tôi không tỏ vẻ ngạc nhiên. Dường như bà tin và hiểu được điều đó. Bà nghiêm khắc nói với tôi:

– Mukunda, con không được dùng ý chí của mình để nghĩ đến hoặc mong ước những chuyện chẳng lành.

Tôi rất hối hận và ghi nhớ lời dạy của mẹ từ đó cho đến mãi mãi về sau. Cái mụt nhọt của tôi sau đó phải đi mổ và để lại một vết sẹo trên tay tôi như một lời nhắc nhở điều không hay mà tôi đã mắc phải. Và phải lâu lắm sau này tôi mới hiểu được rằng những chú thuật được đọc lên với sự tập trung ý chí cao độ có thể có những quyền năng mạnh mẽ mà người ta không sao lường hết được. Và người ta cũng có thể vận dụng những quyền năng ấy như một sức mạnh chính đáng để giúp mình vượt qua những khó khăn trong cuộc đời.

Thời gian sau, gia đình tôi chuyển đến ở Lahore, thuộc tỉnh Punjab. Cha tôi cho đặt một trang thờ nhỏ ngoài hiên nhà ở tầng trên để thờ đức Phật bà Quán Âm. Không hiểu sao, tôi có một niềm tin chắc chắn rằng đứng trước bàn thờ nhỏ này, mọi điều cầu nguyện của tôi đều sẽ được ứng nghiệm.

Một hôm, tôi và chị Uma cùng đứng chơi trước hiên nhà ở tầng trên. Chúng tôi nhìn xuống thấy có hai con diều giấy của ai đó thả chơi đang vờn bay trên mái nhà ở phía bên kia đường. Chị Uma nhìn vẻ mặt suy tư của tôi và nói đùa:

– Hôm nay trông em có vẻ giống như một nhà hiền triết. Em đang nghĩ gì thế?

Tôi đáp lời chị, đôi mắt vẫn đăm chiêu nhìn vào khoảng không xa xăm:

– Em đang nghĩ đến tấm lòng bao dung vô hạn của đức Phật bà Quán Âm. Ngài lắng nghe và đáp ứng mọi lời cầu nguyện của chúng sinh.

Chị tôi không hiểu vấn đề một cách nghiêm chỉnh như tôi, nên nói với giọng đùa cợt:

– Không hiểu ngài có tốt bụng đến mức có thể ban cho em con diều giấy kia không nhỉ?

– Tại sao lại không chứ?

Và tôi bắt đầu cầu nguyện Phật bà Quán Âm hãy mang con diều giấy kia đến cho tôi.

Ở Ấn Độ, thả diều giấy là một trò chơi được ưa thích. Những người chơi diều được quyền tìm cách cắt đứt dây diều của người khác như một phần hào hứng của cuộc chơi. Khi con diều đứt dây, một cuộc rượt đuổi sôi nổi sẽ diễn ra, vì nó sẽ thuộc về bất cứ ai nhặt được khi rơi xuống. Chúng tôi đang đứng trên bao lơn của tầng trên nhà, nên dĩ nhiên là không thể tham gia cuộc rượt đuổi như những người khác đang ở dưới đường phố.

Những người chơi diều ở dưới kia đã bắt đầu cuộc chơi. Chỉ trong chốc lát, một trong 2 con diều đã bị cắt đứt dây và lảo đảo trên khoảng không. Khi con diều lượn ngang gần chỗ tôi đứng, gió bỗng nhiên ngừng thổi trong một lúc, và cánh diều rơi thẳng xuống. Sợi dây bị đứt của nó vướng quanh một cây xương rồng trên sân thượng của nhà bên cạnh, và nó bị giữ lại không bay tới được nữa, đảo nhẹ một vòng rồi rơi xuống ngay trước mặt tôi. Tôi đưa tay nắm lấy sợi dây, giật nhẹ cho nó đứt khỏi cây xương rồng, và cầm lấy con diều đưa cho chị Uma. Chị nói một cách ương ngạnh:

– Chỉ là một sự tình cờ thôi. Nếu lời cầu nguyện của em có thể lấy được cả con diều còn lại kia nữa thì chị mới tin.

Tuy chị nói vậy, nhưng ánh mắt chị lộ rõ sự ngạc nhiên và tôi biết là lòng chị không nghĩ thế. Tôi tiếp tục cầu nguyện với Phật bà Quán Âm để ngài ban cho tôi con diều còn lại, với một niềm tin chắc chắn là điều ấy sẽ được ngài đáp ứng. Một lát sau, con diều lại bị một người chơi cắt đứt dây. Khi nó đảo lượn trên không, tôi cảm nhận được ánh mắt hồi hộp của chị Uma dán chặt vào nó. Và kỳ lạ thay, nó gần như đi theo đúng lộ trình của con diều ban nãy, cũng quấn quanh nhánh xương rồng và rơi xuống trước mặt tôi. Tôi lại giật đứt sợi dây và đưa nó cho chị Uma. Chị lẩm bẩm như không còn biết có tôi đang đứng đó, cặp mắt chị nhìn chăm chăm vào pho tượng Phật bà Quán Âm trên trang thờ nhỏ:

– Lạ thật, lạ thật. Đức Phật bà đã nghe và đáp ứng lời cầu nguyện của em. Chị không thể hiểu nổi chuyện này.

Và chị hối hả chạy đi như để tránh né sự thật mà chị không sao hiểu nổi ấy!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]