Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 25: Kết luận

06/03/201118:30(Xem: 5881)
Chương 25: Kết luận

NHỮNG BÍ ẨN CUỘC ĐỜI
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG 25: KẾT LUẬN

Trong sách này, chúng ta đã cùng nhau đi qua một quãng đường dài, bắt đầu từ câu chuyện xảy ra trong một căn phòng khách sạn ở Dayton, Ohio, Hoa Kỳ, khi ông Edgar Cayce dùng thần nhãn trong giấc thôi miên để lần đầu tiên xác nhận rằng thuyết luân hồi là một điều có thật.

Câu chuyện ấy và những chuyện tương tự khác nối tiếp theo sau về vấn đề luân hồi nhân quả có vẻ như chỉ là một nền tảng chưa đủ vững chắc để xây dựng trên đó cả một tòa lâu đài tâm lý và triết học mà ta đã xét qua những nét đại cương trong sách này. Tuy nhiên, xét về lịch sử khoa học ta vẫn thường thấy những phát minh lớn lao làm đảo lộn cả một thế hệ cũng dường như chỉ luôn bắt đầu từ những chuyện rất nhỏ nhặt. Một cái đùi ếch bị điện giật và một mẩu bánh mì mốc meo dường như là những sự vật quá nhỏ mọn không đủ để phát minh ra bình ắc-quy điện và thuốc trụ sinh Penicilline, nhưng sự thật thì đó chính là những nguyên nhân đầu tiên đưa đến hai sự phát minh kỳ diệu kể trên. Một ngọn đèn lồng đưa lủng lẳng trong một nhà thờ cổ ở một làng nhỏ thuộc nước Ý đã đưa ông Galilée đến việc phát minh ra một đồng hồ thiên văn. Một bồn nước tràn đã giúp cho ông Archimede tìm ra một định luật quan trọng về sức đẩy của nước.

Lịch sử đã đưa đến cho ta nhiều thí dụ tương tự. Chúng ta phải nhìn nhận rằng sự thật có thể tìm ra được từ những khởi đầu giản dị tầm thường, và chúng ta sẽ không ngạc nhiên mà thấy một người học thức ít oi, không tài ba, thiếu văn hóa, khi rơi vào giấc ngủ thôi miên lại có thể đưa ra những bằng chứng quan trọng để chứng minh cho một lý thuyết căn bản về kiếp sống con người.

Bây giờ, chúng ta hãy tóm lại những gì đã được chứng minh qua những cuộc soi kiếp của ông Cayce, ngoài những bằng chứng hiển nhiên khác về sự thật của hiện tượng thần nhãn.

Có tất cả bảy điểm chính sau đây:

1. Sự phân tách tâm lý và diễn tả hoàn cảnh bên ngoài của những người hoàn toàn xa lạ ở cách xa hàng trăm cây số; và trong hàng ngàn trường hợp, đã được xác nhận là đúng với sự thật.

2. Sự tiên đoán về những thiên tư, khả năng và nhiều điểm khác của đương sự đã được chứng thực trong nhiều năm về sau, không những đối với những người lớn mà cả với những trẻ sơ sinh.

3. Những đặc điểm về tánh tình của đương sự được truy nguyên một cách hợp lý từ những kinh nghiệm thâu thập ở các kiếp trước.

4. Những lời tiên đoán đưa ra trong giấc thôi miên của ông Cayce đều chính xác và không hề trái ngược nhau, không những trên nguyên tắc đại cương mà cả trong từng chi tiết nhỏ nhặt, trong hàng trăm cuộc soi kiếp khác nhau vào những thời kỳ khác nhau.

5. Những tài liệu lịch sử chưa rõ ràng đã được kiểm chứng lại bằng cách tra cứu các văn khố; tên tuổi của các nhân vật đã được tìm thấy tại những địa điểm mà các cuộc soi kiếp nêu ra.

6. Những cuộc soi kiếp cùng những lời khuyên mà đương sự đã chấp nhận và nghe theo đã giúp cho nhiều người thay đổi cuộc đời về phương diện tâm lý, nghề nghiệp cũng như sức khỏe, thể chất.

7. Những lời khuyên nhủ và răn dạy có tính cách triết lý và tâm lý trong các cuộc soi kiếp đều phù hợp với những đạo lý cổ truyền đã từng được giảng dạy ở Ấn Độ từ nhiều thế kỷ trước.

Nói tóm lại, đó là bảy điều quan trọng chứng minh cho những cuộc soi kiếp bằng thần nhãn của ông Cayce, và xác nhận sự thật về thuyết luân hồi nhân quả.

Những người khắt khe có thể cho rằng bấy nhiêu đó chưa đủ là những bằng chứng cụ thể và tuyệt đối chắc chắn, nhưng họ vẫn không thể phủ nhận rằng chúng có một giá trị xác tín nhất định.

Xét cho cùng, vào những thời điểm đầu tiên khi khoa học chứng minh rằng trái đất tròn, thì người ta cũng chỉ dựa vào sự lập luận là chính chứ chưa thể tận mắt nhìn thấy hình tròn của trái đất như quả cam trong lòng bàn tay. Tương tự, những hiểu biết nguyên tử cũng được hình thành ban đầu từ sự suy luận chứ không ai có thể nhìn thấy tận mắt các hạt nguyên tử. Tuy vậy, căn cứ trên niềm tin vào những sự suy luận đó, người ta mới dần dần phát triển những kiến thức này, và đã có thể vạch ra những lộ trình cụ thể đi vòng quanh trái đất, cũng như đã chế tạo thành công bom nguyên tử và sử dụng năng lượng hạt nhân vào đời sống.

Những sự thật này không ai có thể phủ nhận được nữa! Như vậy, thật không phải là một điều quá đáng khi nói rằng người ta nên bắt đầu có những cuộc sưu tầm và nghiên cứu thật cụ thể về thuyết luân hồi nhân quả, với khởi điểm ban đầu là kết quả những cuộc soi kiếp bằng thần nhãn của ông Cayce.

Trong thực tế, cho dù thuyết nhân quả có được chứng minh cụ thể bằng những bằng chứng khoa học hay không, điều đó cũng không quan trọng. Chỉ cần chúng ta nhận hiểu và đặt niềm tin vào thuyết này, thì mọi tư tưởng, hành vi của ta chắc chắn sẽ lập tức được thay đổi theo hướng ngày một tốt đẹp hơn. Và điều này thì chắc chắn không một ai có thể phê phán hay phản đối. Khi mỗi người đều sống với thuyết nhân quả, luôn cư xử và hành động với sự cân nhắc về kết quả việc làm của mình, không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai lâu dài, thì điều chắc chắn là những sự tự xét mình đó sẽ giúp cho xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn.







[1]Ông tên thật là Claudius Ptolemaeus, sống vào khoảng thế kỷ 2 ở Alexandria, Ai Cập. Ông là nhà thiên văn học đầu tiên đề xướng lý thuyết về vũ trụ lấy trái đất làm trung tâm điểm và mặt trời, mặt trăng cũng như các tinh tú đều quay chung quanh trái đất. Lý thuyết sai lầm này tồn tại mãi đến thế kỷ 16.



[2]Tức Nicolaus Copernicus (1473-1543), nhà thiên văn học nổi tiếng người Ba Lan, đã đề ra lý thuyết về vũ trụ lấy mặt trời làm trung tâm điểm.



[3]Galileo (1564-1642), nhà vật lý và thiên văn học Ý, đã chứng minh rằng quan điểm của Aristote về vật rơi tự do là sai lầm. Ông cũng là người bị Giáo hội La Mã buộc tội vì ủng hộ quan điểm của Copernicus, vốn đi ngược lại sự truyền dạy của Giáo hội.



[4]Hertz: đơn vị đo tần số được gọi theo tên của nhà vật lý người Đức Heinrich Rudolf Hertz, có nghĩa là chu kỳ trong một giây đồng hồ. Một kilohertz (kHz) có nghĩa là một ngàn chu kỳ trong một giây, megaherzt (MHz) là một triệu chu kỳ trong một giây và gigaherzt (GHz) là một tỷ chu kỳ trong một giây.



[5]Emanuel Swedenborg (1688-1772), nhà khoa học người Thụy Điển, cũng là triết gia và một nhà thần học.



[6]Joseph Banks Rhine (1895-1980), nhà tâm lý học người Mỹ, sinh tại Waterloo, thuộc bang Pennsylvania, tốt nghiệp các trường Đại học Chicago, Harvard và Duke. Ông là giáo sư dạy môn tâm lý học ở trường Đại học Duke từ năm 1928 đến năm 1950.



[7]Franz Anton Mesmer (1734-1815), bác sĩ người Áo, tốt nghiệp trường Đại học Vienne và là người đề xướng thuật khả năng chữa bệnh bằng phương pháp thôi miên. Ông khám phá và mô tả một năng lực bí ẩn của con người giống như từ trường, về sau được gọi là nhân điện và đã được một số chuyên gia ứng dụng trong việc chữa bệnh.



[8]Heinrich Schliemann, nhà khảo cổ người Đức, sinh năm 1822 và mất năm 1890.



[9]Lafcadio Tessima Carlos Hearn (1850-1904), là nhà văn Hy Lạp gốc Ireland, là người đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu nền văn hóa Nhật Bản với phương Tây. Ông sinh ra trên đảo Levks thuộc Hy Lạp nhưng lớn lên ở Ireland, Anh quốc và Pháp. Năm 19 tuổi, ông di cư đến Hoa Kỳ rồi viết báo ở Cincinnati thuộc bang Ohio và sau đó ở New Orleans thuộc Louisiana.



[10]Thomas Edward Lawrence, cũng được gọi là Lawrence of Arabia, sinh năm 1888 và mất năm 1935, là một nhà thám hiểm người Anh, từng tham gia quân đội và cũng là một nhà văn nổi tiếng.



[11]Carl Gustav Jung, nhà tâm lý học Thụy Điển sinh ngày 26 tháng 7 năm 1875 và mất ngày 6 tháng 6 năm 1961. Ông là một nhà tâm lý học nổi tiếng, đã sáng lập một trong các trường phái mới của bộ môn tâm lý học. Ông vận dụng và phát triển các kết quả nghiên cứu của Sigmund Freud, rồi sau đó đi theo một hướng riêng của mình. Ông tốt nghiệp y khoa năm 1902 tại các đại học Basel và Zurich, nhưng đồng thời cũng có kiến thức uyên bác về các ngành sinh học, động vật học, nhân văn học và khảo cổ học. Ông đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa tâm lý học và đức tin trong tôn giáo.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]