Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Thứ Tư - Phần I: Bồ Tát Thọ Ký

01/03/201115:51(Xem: 6975)
Phẩm Thứ Tư - Phần I: Bồ Tát Thọ Ký

KINH BI HOA
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải, Nguyễn Minh Hiến hiệu đính Hán văn

QUYỂN III

PHẨM THỨ TƯ - PHẦN I: BỒ TÁT THỌ KÝ

Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng lại có ý nghĩ rằng: ‘Vô số chúng sinh ở đây đều đã đạt được địa vị không còn thối chuyển đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nay ta sẽ thọ ký cho từng người, đồng thời vì họ mà thị hiện cho thấy tất cả các cõi Phật.’

“Khi ấy, đức Thế Tôn liền nhập Tam-muội Bất thất Bồ-đề tâm. Ngài dùng sức của tam-muội ấy mà phóng ra ánh hào quang lớn, chiếu soi khắp vô số thế giới, khiến cho Chuyển luân Thánh vương cùng với vô số chúng sinh đều được nhìn thấy vô số thế giới của chư Phật.

“Bấy giờ, trong vô lượng vô biên thế giới khác ở khắp mười phương, mỗi một thế giới đều có các vị Đại Bồ Tát, được ánh hào quang của đức Phật chiếu đến, nương theo oai thần của Phật liền cùng hiện đến chỗ Phật, dùng những phép thần thông biến hóa mà mỗi vị đã đạt được để cúng dường Phật và chư tỳ-kheo tăng. Tất cả các vị đều cúi đầu lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng cung kính rồi ngồi xuống phía trước, mong muốn được nghe đức Như Lai vì chư Bồ Tát mà thọ ký cho sự thành Phật của từng vị.

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải lại thưa với Thánh vương: ‘Đại vương! Nay đại vương trước hết nên phát thệ nguyện nhận lấy cõi Phật vi diệu.’

“Thiện nam tử! Khi Thánh vương nghe lời ấy liền tức thời đứng dậy, rồi chắp tay quỳ xuống hướng về đức Phật, bạch rằng: ‘Thế Tôn! Nay con thật lòng muốn được đạo Bồ-đề. Như việc con đã cúng dường Phật và chư tỳ-kheo mọi thứ cần dùng trong vòng ba tháng, nay nguyện đem căn lành ấy hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nguyện cho chẳng bao giờ nhận lấy cõi Phật bất tịnh.

“Thế Tôn! Vừa qua trong vòng bảy năm con đã ngồi yên tĩnh tư duy về vô số những cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm khác nhau.

“Thế Tôn! Nay con phát nguyện khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì trong cõi thế giới sẽ không có những cảnh giới địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ; hết thảy chúng sinh sau khi mạng chung sẽ không phải đoạ vào ba đường ác. Toàn cõi thế giới và chúng sinh ở đó đều chỉ toàn một màu vàng ròng. Chư thiên và loài người không có gì khác biệt nhau, tất cả đều chứng đắc Sáu thần thông.

“Nhờ được Túc mạng thông nên biết được những việc trong cả trăm ngàn muôn ức na-do-tha kiếp đã qua. Nhờ được Thiên nhãn thanh tịnh nên thấy được trăm ngàn ức na-do-tha thế giới trong khắp mười phương, cũng thấy được trong các thế giới ấy mỗi nơi đều có chư Phật hiện đang thuyết giảng giáo pháp nhiệm mầu. Nhờ được Thiên nhĩ thanh tịnh nên nghe được tiếng của chư Phật hiện đang thuyết pháp trong trăm ngàn ức na-do-tha thế giới ở khắp mười phương. Nhờ có Trí huệ tha tâm nên biết được tâm niệm của tất cả chúng sinh trong vô lượng vô biên ức na-do-tha thế giới ở khắp mười phương. Nhờ có Như ý thông nên chỉ trong một khoảnh khắc có thể đi khắp trăm ngàn ức na-do-tha thế giới của chư Phật. Trong khi đến đi xoay chuyển đều khiến cho hết thảy chúng sinh hiểu rõ được ý nghĩa không có ngã và ngã sở, đều đạt được địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Nguyện cho thế giới của con không có nữ giới, cũng không có tên gọi nữ giới. Hết thảy chúng sinh đều chỉ hóa sinh một lần và có thọ mạng vô lượng, trừ khi có thệ nguyện khác. Không có hết thảy các tên gọi bất thiện. Thế giới thanh tịnh, không có mọi sự xấu xa nhơ nhớp, thường có hương thơm vi diệu của chư thiên tỏa khắp mọi nơi. Hết thảy chúng sinh đều được thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tự có chuỗi anh lạc trang sức quanh thân. Tất cả Bồ Tát ở thế giới của con đều đạt địa vị Nhất sinh, trừ khi có thệ nguyện khác.

“Nguyện cho chúng sinh ở thế giới của con chỉ trong khoảng thời gian của một bữa ăn có thể nương oai thần của Phật mà đi đến khắp vô lượng vô biên cõi thế giới, được gặp các vị Phật hiện tại, lễ bái, đi quanh cung kính, dùng những phép thần túc biến hóa đã đạt được để cúng dường chư Phật. Rồi cũng chỉ trong khoảng thời gian của một bữa ăn đó đã trở về cõi thế giới này để thường xuyên khen ngợi tán thán kho tàng chánh pháp của chư Phật.

“Những chúng sinh ấy đều được thân thể có sức mạnh như lực sĩ na-la-diên cõi trời. Những sự trang nghiêm tốt đẹp như thế ở cõi thế giới của con, cho dù là người đạt được thiên nhãn cũng không thể nói hết! Tất cả chúng sinh đều đạt được bốn biện tài. Hết thảy những cây mà các vị Bồ Tát ngồi bên dưới đều có cành lá tỏa rộng che khắp một vạn do-tuần.

“Thế giới của con thường luôn có ánh sáng thanh tịnh nhiệm mầu, khiến cho hết thảy mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của vô lượng cõi Phật ở các phương khác đều hiện ra trong ánh sáng ấy. Chúng sinh ở thế giới của con, mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, quyết chẳng bao giờ làm những điều bất tịnh, thường luôn là chỗ cung kính cúng dường tôn trọng của hết thảy chư thiên cùng với người và phi nhân. Từ khi phát tâm tu hành cho đến lúc thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thường luôn được sáu căn thanh tịnh. Ngay khi vừa sinh ra đã được niềm vui không phiền não, thọ hưởng sự khoan khoái vui sướng, tự nhiên thành tựu hết thảy mọi căn lành. Sinh ra rồi liền tự nhiên trên người khoác áo cà-sa mới, liền được phép tam-muội tên là Thiện phân biệt. Nhờ sức của tam-muội này nên có thể đi đến vô lượng vô biên cõi thế giới Phật ở khắp mười phương, được gặp chư Phật hiện tại, lễ bái đi quanh cung kính cúng dường ngợi khen tôn trọng, rồi mãi cho đến khi được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đối với phép tam-muội này quyết chẳng bao giờ thối thất.

“Tất cả các vị Bồ Tát ở thế giới của con đều theo như sở nguyện, tự mình tu tập trang nghiêm cho cõi thế giới thanh tịnh nhiệm mầu, nhìn vào trong cây quý bằng bảy báu liền thấy được mọi cõi thế giới Phật ở nơi xa cùng với hết thảy chúng sinh ở đó. Ngay sau khi sinh ra liền được phép tam-muội hóa hiện khắp nơi. Nhờ sức của tam-muội nên thường nhìn thấy chư Phật hiện tại trong vô lượng vô biên thế giới ở khắp mười phương, rồi mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, quyết chẳng bao giờ thối thất.

“Nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi thế giới của con đều có được cung điện, y phục, chuỗi ngọc anh lạc, đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp giống như ở cõi trời thứ sáu là cõi trời Tha hóa tự tại. Thế giới của con không có núi đồi gò nổng, các núi Thiết vi lớn nhỏ, núi Tu-di và biển cả, cũng không có những tiếng như năm ấm, năm sự ngăn che, các phiền não chướng ngại; không có tên gọi của ba đường ác, tám nạn xứ, không có những tên gọi để chỉ những cảm thọ khổ cũng như những cảm thọ không khổ không vui.

“Bạch Thế Tôn! Chỗ phát nguyện của con là như vậy, muốn được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh như thế.

“Bạch Thế Tôn! Trong đời vị lai, con nguyện sẽ tu hành đạo Bồ Tát nhiều đời nhiều kiếp, sao cho phải được thành tựu cõi Phật thanh tịnh như thế.

“Bạch Thế Tôn! Trong đời vị lai, con nguyện phải làm nên được những điều ít có, rồi sau mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Bạch Thế Tôn! Vào lúc con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, sẽ ngồi ở đạo tràng dưới gốc cây Bồ-đề lớn che khắp ngang dọc một vạn do-tuần, chỉ trong một khoảnh khắc là thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Sau khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hào quang chiếu sáng khắp vô lượng vô biên trăm ngàn ức na-do-tha cõi thế giới của chư Phật, khiến cho thọ mạng của con là vô lượng vô biên trăm ngàn ức na-do-tha kiếp, không ai có thể biết hết được, chỉ trừ bậc Nhất thiết trí, khiến cho thế giới của con không có Thanh văn thừa và Bích-chi Phật thừa, hết thảy đại chúng đều chỉ toàn các vị Bồ Tát, số nhiều đến vô lượng vô biên, không ai có thể tính đếm được, chỉ trừ bậc Nhất thiết trí.

“Nguyện sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, khiến cho chư Phật trong khắp mười phương đều xưng dương tán thán danh hiệu của con.

“Nguyện sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ cõi thế giới Phật khác, nếu có chúng sinh nào nghe đến danh hiệu của con rồi phát tâm tu các căn lành để cầu sinh về thế giới của con, nguyện cho các chúng sinh ấy sau khi xả bỏ thân mạng chắc chắn sẽ được sinh về, trừ ra những chúng sinh phạm năm tội nghịch, phỉ báng thánh nhân, phá hoại Chánh pháp.

“Nguyện sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ cõi thế giới Phật khác nếu có chúng sinh nào phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tu các căn lành để cầu được sinh về thế giới của con, thì vào lúc lâm chung con cùng với đại chúng vây quanh sẽ hiện đến ngay trước mặt người ấy. Người ấy được thấy con rồi, liền do nơi con mà được tâm hoan hỷ. Nhờ được nhìn thấy con nên lìa khỏi mọi sự chướng ngại, liền đó xả bỏ thân mạng, sinh về thế giới của con.

“Nguyện sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, nếu các vị Đại Bồ Tát nào muốn từ nơi con nghe được những pháp chưa từng nghe, vị ấy sẽ theo như chỗ phát nguyện mà được nghe.

“Nguyện sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ cõi thế giới khác, mỗi nơi đều có các vị Bồ Tát, nếu nghe được danh hiệu của con liền được ngay địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, được các bậc nhẫn nhục đệ nhất, đệ nhị, đệ tam. Nếu có phát nguyện muốn được các pháp môn đà-la-ni hay các phép tam-muội, liền theo như sở nguyện mà chắc chắn sẽ được, mãi cho đến khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, quyết không bao giờ còn có sự thối chuyển.

“Sau khi con diệt độ, trải qua nhiều kiếp vượt quá sự tính đếm, nếu có vị Bồ Tát nào trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới nghe được danh hiệu của con, trong tâm liền khởi lòng tin trong sạch, được sự hoan hỷ bậc nhất, liền lễ bái con và ngợi khen rằng: ‘Thật chưa từng có! Vị Phật Thế Tôn này khi còn tu hành đạo Bồ Tát đã làm các việc Phật sự trải qua nhiều đời nhiều kiếp rồi mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Các vị Bồ Tát ấy đã được tâm hoan hỷ với lòng tin sâu vững rồi, quyết định sẽ đạt được các bậc nhẫn nhục, từ đệ nhất cho đến đệ nhị, đệ tam. Nếu có phát nguyện được các pháp môn đà-la-ni cùng với các phép tam-muội, liền theo như sở nguyện mà chắc chắn sẽ được, mãi cho đến lúc thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, quyết không bao giờ còn có sự thối chuyển.

“Sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ cõi thế giới khác, nếu có người nữ nào nghe được danh hiệu của con, liền sẽ được sinh tâm hoan hỷ, khởi lòng tin sâu vững, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, rồi mãi mãi cho đến khi thành Phật quyết chẳng bao giờ còn phải thọ sinh thân người nữ một lần nào nữa.

“Nguyện sau khi con diệt độ rồi, tuy đã trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, nhưng trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ cõi Phật thế giới, nếu có người nữ nào nghe được danh hiệu của con, liền sẽ được sinh tâm hoan hỷ, khởi lòng tin sâu vững, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, rồi mãi mãi cho đến khi thành Phật quyết chẳng bao giờ còn phải thọ sinh thân người nữ một lần nào nữa.

“Bạch Thế Tôn! Chỗ phát nguyện của con là phải thành tựu được cõi Phật như vậy, chúng sinh như vậy.

“Bạch Thế Tôn! Nếu được cõi thế giới thanh tịnh và chúng sinh như vậy, thì con mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ đức Như Lai Bảo Tạng khen ngợi vua Chuyển luân rằng: ‘Lành thay, lành thay! Đại vương, nay sở nguyện của ông thật rất thâm sâu, muốn nhận lấy cõi Phật thanh tịnh và chúng sinh trong cõi ấy cũng có tâm thanh tịnh.

“Đại vương! Ông đã nhìn thấy về phương tây cách đây trăm ngàn muôn ức cõi Phật có cõi thế giới tên là Tôn Thiện Vô Cấu. Thế giới ấy có Phật ra đời hiệu là Tôn Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn, hiện nay đang vì các vị Bồ Tát mà thuyết giảng chánh pháp. Thế giới ấy không có những tên gọi Thanh văn và Bích-chi Phật, cũng không có ai thuyết giảng pháp Tiểu thừa, duy nhất chỉ có giáo pháp Đại thừa thanh tịnh không pha tạp. Chúng sinh trong cõi thế giới ấy chỉ hóa sinh một lần duy nhất, không hề có nữ giới, cũng không có cả tên gọi để chỉ nữ giới.

“Cõi Phật ấy có đầy đủ những công đức thanh tịnh trang nghiêm đúng như sở nguyện của đại vương, so với vô số những sự trang nghiêm tốt đẹp ở các cõi Phật đều hoàn toàn không khác, thảy đều đã thâu nhiếp và nhận lấy vô lượng vô biên những chúng sinh đã được điều phục. Vậy nay ta đổi tên cho ông là Vô Lượng Thanh Tịnh.’

“Bấy giờ, đức Thế Tôn liền bảo Vô Lượng Thanh Tịnh: ‘Đức Phật Tôn Âm Vương kia trải qua một trung kiếp nữa sẽ nhập Niết-bàn. Sau khi ngài nhập Niết-bàn rồi, chánh pháp sẽ trụ thế đủ mười trung kiếp. Sau khi chánh pháp diệt rồi, trải qua sáu mươi trung kiếp, thế giới ấy sẽ đổi tên là Di Lâu Quang Minh. Khi ấy sẽ có đức Như Lai ra đời hiệu là Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

“Đức Phật này cũng giống như đức Tôn Âm Vương Như Lai, thế giới cũng trang nghiêm tốt đẹp như thế giới Tôn Thiện Vô Cấu trước đây, không có gì khác biệt. Thọ mạng của Phật là sáu mươi trung kiếp. Sau khi Phật diệt độ, chánh pháp tiếp tục trụ thế sáu mươi trung kiếp. Sau khi chánh pháp diệt, trải qua một ngàn trung kiếp nữa, thế giới ấy lại lấy tên như cũ là Tôn Thiện Vô Cấu, lại có Phật ra đời hiệu là Bảo Quang Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

“Bấy giờ, thọ mạng ở thế giới ấy, cho đến thời gian chánh pháp trụ thế cũng đều giống như vào lúc đức Phật Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương ra đời, không có gì khác biệt. Sau khi chánh pháp diệt rồi, thế giới ấy lại đổi tên là Thiện Kiên, lại có Phật ra đời hiệu là Bảo Tôn Âm Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Khi ấy, sự trang nghiêm tốt đẹp của thế giới này vẫn như trước không có gì thay đổi.

“Đức Phật Bảo Tôn Âm Vương thọ ba mươi lăm trung kiếp. Sau khi Phật diệt độ, chánh pháp trụ thế đủ bảy trung kiếp. Sau khi chánh pháp diệt mất, lại có vô lượng vô biên chư Phật lần lượt ra đời. Vào thời các vị Phật ấy, cõi thế giới cùng với thọ mạng và thời gian ở đời của chánh pháp thảy đều như trước, không có gì khác biệt.

“Nay ta nhìn thấy rõ hết thảy các vị Phật ấy, từ khi bắt đầu thành đạo cho đến lúc diệt độ, trong lúc ấy thế giới này vẫn thường trụ không thay đổi, không có sự thành hoại.

“Đại vương! Khi tất cả các vị Phật như vậy đều đã diệt độ rồi, sau đó trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng. Khi bắt đầu trải qua số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng thì thế giới ấy đổi tên là An Lạc. Vào lúc ấy, ông sẽ thành Phật hiệu là Vô Lượng Thọ Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.’

“Khi ấy, Thánh vương nghe lời Phật dạy rồi liền thưa hỏi Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Còn hết thảy những người ở đây rồi sẽ thành Phật ở những cõi thế giới nào?’

“Phật bảo Thánh vương: ‘Những vị Bồ Tát hiện đang ở trong pháp hội này có số đông vô lượng, không thể tính đếm hết, tất cả đều từ nơi những cõi Phật khác trong khắp mười phương mà tụ hội đến đây để cúng dường ta và nghe nhận chánh pháp nhiệm mầu. Các vị Bồ Tát này trong quá khứ đã từng theo học với chư Phật, đều được thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Hiện nay lại đang theo học với chư Phật trong khắp mười phương, cũng được thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế, họ sẽ được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề trước ông.

“Đại vương! Những vị Bồ Tát này đã từng cúng dường vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na-do-tha đức Phật, trồng các căn lành, tu tập trí huệ. Đại vương! Vì những lý do ấy, những vị Bồ Tát này đều sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề trước ông.’

“Bấy giờ, vua Chuyển luân lại thưa hỏi Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Vị Phạm-chí Bảo Hải đây đã khuyên bảo được con và quyến thuộc cùng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vậy trong đời vị lai, vị Phạm-chí này sẽ trải qua bao lâu mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?’

“Phật bảo nhà vua rằng: ‘Vị Phạm-chí này đã thành tựu hạnh đại bi nên trong đời vị lai khi vị ấy thành Phật ông sẽ có thể tự biết được.’

“Khi ấy, vua Chuyển luân lại bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con được thành tựu như Phật đã thọ ký, thì nay khi con cúi đầu lễ Phật sẽ khiến cho các cõi thế giới trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng đều chấn động đủ sáu cách. Chư Phật trong các thế giới ấy cũng đều thọ ký cho con sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ, khi vua Vô Lượng Thanh Tịnh nói lời ấy xong liền ở trước đức Phật mà cúi đầu sát đất lễ kính.

“Ngay khi ấy, các cõi Phật trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng đều chấn động đủ sáu cách. Chư Phật trong các thế giới ấy cùng phát ra lời thọ ký rằng: ‘Tại thế giới San-đề-lam, trong kiếp Thiện Trì, con người có tuổi thọ tám vạn năm, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng, có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Lượng Thanh Tịnh, cai quản Bốn cõi thiên hạ, trong suốt ba tháng cúng dường đức Như Lai Bảo Tạng và chư tỳ-kheo tăng. Do nơi căn lành ấy, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, rồi khi bắt đầu số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng liền được thành Phật, hiệu là Vô Lượng Thọ, thế giới tên là An Lạc, hào quang tỏa ra quanh thân ngài thường chiếu khắp mười phương, mỗi phương đều soi thấu đến số thế giới của chư Phật nhiều như số cát sông Hằng.’

“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng liền vì đại vương mà thuyết kệ rằng:

Khắp mười phương thế giới,
Cõi đất đều chấn động,
Cùng những chốn núi rừng,
Nhiều như cát sông Hằng.
Nay ông hãy đứng lên,
Ông đã được thọ ký,
Là bậc Thiên nhân tôn,
Bậc Thắng pháp, Điều ngự.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương nghe được bài kệ ấy thì trong lòng sinh ra hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Thiện nam tử! Khi ấy Phạm-chí Bảo Hải lại nói với vị thái tử của Thánh vương: ‘Thiện nam tử! Hãy đem công đức cúng dường bảo vật này cùng với việc trước đây cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng đủ các loại trân bảo trong suốt ba tháng để hồi hướng cầu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Với công đức bố thí cúng dường hôm nay, chẳng nên cầu được làm Đao-lợi Thiên vương hay Đại Phạm thiên vương. Vì sao vậy? Hết thảy những gì có được hôm nay do phước báo cũng đều là vô thường, không có tướng nhất định, khác nào như cơn gió thoảng qua nhanh. Vì thế, hãy dùng những phước báo có được do công đức bố thí cúng dường này để khiến cho tâm được tự tại, mau chóng thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, độ thoát vô lượng vô biên chúng sinh, khiến cho đều được nhập Niết-bàn.’

“Bấy giờ, thái tử nghe lời khuyên ấy rồi liền trả lời Phạm-chí rằng: ‘Nay tôi quán xét thấy chúng sinh nơi địa ngục chịu nhiều khổ não. Chúng sinh trong hai cõi trời, người nếu có tâm xấu ác, liền vì tâm xấu ác đó mà phải nhiều đời thọ sinh trong ba đường ác.’

“Rồi thái tử lại khởi lên ý nghĩ rằng: ‘Những chúng sinh ấy đều là do thân cận với kẻ ác, khiến cho sự hiểu biết chánh pháp bị thối chuyển, phải rơi vào chỗ tối tăm u ám, mất hết các căn lành, lại chấp giữ đủ mọi thứ tà kiến, che lấp chân tâm nên mới làm theo tà đạo.’

“Thái tử liền bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nay con sẽ dùng âm thanh lớn để báo cho hết thảy chúng sinh đều biết: Hết thảy những căn lành của con đều xin hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nguyện khi con tu hành đạo Bồ Tát, nếu có chúng sinh nào đang chịu đựng các khổ não, sợ sệt lo lắng, sự hiểu biết chánh pháp bị thối chuyển, phải rơi vào chỗ tối tăm u ám, sầu đau buồn khổ, cô độc không người cứu giúp, không có nhà cửa, không nơi nương tựa, nếu có thể nhớ nghĩ đến con, xưng tụng danh hiệu của con, sẽ được con dùng thiên nhĩ mà nghe biết, dùng thiên nhãn mà thấy biết, khiến cho những chúng sinh ấy được thoát khỏi mọi sự khổ não. Nếu không được như thế, con quyết sẽ chẳng bao giờ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề!

“Bạch Thế Tôn! Nay con lại vì tất cả chúng sinh mà phát khởi nguyện lực cao trổi thù thắng.

“Thế Tôn! Nếu như con thành tựu được sự lợi ích bản thân, nguyện cho vị Chuyển luân Thánh vương đây trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng rồi, đến khi bắt đầu số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng, khi thế giới có tên là An Lạc sẽ thành Phật hiệu là Vô Lượng Thọ, thế giới trang nghiêm, chúng sinh thanh tịnh, làm vị Chánh pháp vương. Đức Phật Thế Tôn ấy đã trải qua vô lượng kiếp làm các Phật sự. Khi mọi việc đã hoàn tất, ngài sẽ nhập Niết-bàn Vô dư. Cho đến suốt thời gian chánh pháp còn trụ thế, con sẽ thường ở đó tu hành đạo Bồ Tát, thường làm các Phật sự. Khi chánh pháp của đức Phật ấy diệt mất vào lúc đầu hôm, thì ngay sau nửa đêm hôm ấy con sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thế Tôn! Nguyện đức Thế Tôn vì con mà thọ ký. Nay con cũng nhất tâm cầu thỉnh chư Phật hiện tại trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng. Nguyện mỗi vị đều vì con thọ ký.’

“Thiện nam tử! Khi ấy đức Phật Bảo Tạng liền thọ ký: ‘Thiện nam tử! Ông quán xét hết thảy chúng sinh trong hai cõi trời, người cùng với trong ba đường ác mà sinh tâm đại bi, muốn dứt trừ mọi khổ não cho chúng sinh, muốn dứt trừ mọi phiền não cho chúng sinh, muốn tất cả chúng sinh đều được trụ nơi an lạc. Thiện nam tử! Nay ta đặt tên cho ông là Quán Thế Âm.

“Thiện nam tử! Trong khi ông tu hành đạo Bồ Tát đã có trăm ngàn vô lượng ức na-do-tha chúng sinh được lìa thoát mọi khổ não. Trong khi tu hành đạo Bồ Tát, ông có thể làm nên những Phật sự to tát!

“Thiện nam tử! Khi đức Phật Vô Lượng Thọ nhập Niết-bàn rồi, về nửa sau của số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai nhiều như số cát sông Hằng, vào lúc đầu hôm chánh pháp diệt mất, thì sau lúc nửa đêm cõi thế giới ấy liền đổi tên là Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu. Mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của thế giới ấy là vô lượng vô biên, vượt hơn cả thế giới An Lạc.

“Thiện nam tử! Vào sau nửa đêm hôm ấy, ông sẽ tự có đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp, ngồi trên tòa báu kim cang dưới gốc cây Bồ-đề, chỉ trong khoảnh khắc một niệm đã thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

“Thọ mạng của Phật ấy là chín mươi sáu ức na-do-tha trăm ngàn kiếp. Sau khi nhập Niết-bàn rồi, chánh pháp trụ thế sáu mươi ba ức kiếp.’

“Khi ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm liền bạch Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con được thành tựu, thì nay khi con cúi đầu kính lễ Phật, nguyện chư Phật hiện tại trong số thế giới nhiều như số cát sông Hằng ở khắp mười phương, mỗi vị đều vì con thọ ký; lại khiến cho ở khắp các cõi thế giới trong mười phương nhiều như cát sông Hằng, đất đai và sông núi đều chấn động đủ sáu cách, phát ra đủ các loại âm nhạc, hết thảy chúng sinh đều được tâm xa lìa tham dục.’

“Thiện nam tử! Lúc ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm liền cúi đầu sát đất lễ kính đức Như Lai Bảo Tạng.

“Bấy giờ, các cõi thế giới nhiều như số cát sông Hằng trong khắp mười phương đều chấn động đủ sáu cách, hết thảy các chốn núi rừng đều phát ra vô số đủ mọi âm nhạc. Chúng sinh nghe âm nhạc ấy rồi liền lìa khỏi mọi tham dục. Chư Phật trong tất cả các thế giới ấy đều phát ra lời thọ ký rằng: ‘Tại thế giới San-đề-lam, trong kiếp Thiện Trì, con người có tuổi thọ tám vạn năm, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng, có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Vô Lượng Thanh Tịnh, cai quản Bốn cõi thiên hạ. Thái tử của vua ấy nay tên là Quán Thế Âm, trong suốt ba tháng cúng dường đức Như Lai Bảo Tạng và chư tỳ-kheo tăng. Do nơi căn lành ấy, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, vào nửa sau của số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng liền được thành Phật, hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai. Thế giới ấy tên là Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu.’

Khi ấy, đức Như Lai Bảo Tạng vì Bồ Tát Quán Thế Âm thuyết kệ rằng:

Bậc đại bi công đức,
Nay ông hãy đứng lên!
Cõi đất khắp mười phương,
Thảy đều đã chấn động.
Chư Phật lại vì ông,
Ban cho lời thọ ký.
Ông quyết sẽ thành Phật,
Hãy sinh lòng hoan hỷ.

“Thiện nam tử! Khi ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm nghe kệ rồi sinh lòng hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Thiện nam tử! Bấy giờ Phạm-chí Bảo Hải lại nói với vị vương tử thứ hai là Ni-ma: ‘Thiện nam tử! Nay hết thảy những nghiệp thanh tịnh phước đức mà ông đã làm, vì tất cả chúng sinh mà cầu được trí huệ hiểu biết tất cả, vậy nên hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Khi ấy, vương tử Ni-ma liền đến trước Phật chắp tay bạch rằng: ‘Thế Tôn! Nay tất cả những phước đức có được do trước đây con đã cúng dường đức Như Lai và chư tỳ-kheo tăng trong ba tháng, cùng với hết thảy những nghiệp thanh tịnh của thân, miệng và ý mà con đã làm, thảy đều xin hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, không nguyện được thế giới xấu ác bất tịnh, nguyện cho cõi nước của con, cho đến cây Bồ-đề nơi ấy, thảy đều giống như ở thế giới của Bồ Tát Quán Thế Âm; từ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp, cây báu Bồ-đề, cho đến việc thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng đều như vậy.

“Lại nguyện khi đức Phật Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương vừa thành đạo, con sẽ là người trước hết thỉnh Phật chuyển bánh xe chánh pháp. Con theo Phật ấy mà nghe thuyết pháp, ở nơi cõi ấy tu hành đạo Bồ Tát. Sau khi Phật ấy nhập Niết-bàn, chánh pháp diệt mất, con sẽ nối tiếp thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Khi con thành Phật, những Phật sự mà con làm, cùng với mọi sự trang nghiêm tốt đẹp của thế giới, cho đến việc nhập Niết-bàn, việc chánh pháp trụ thế, thảy đều giống như đức Phật Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương, không có gì khác biệt.’

“Bấy giờ, Phật Bảo Tạng bảo vương tử Ni-ma: ‘Thiện nam tử! Nay sở nguyện của ông là nhận lấy thế giới lớn lao, vậy trong đời vị lai ông sẽ được thế giới lớn lao như thế, đúng như sở nguyện.

“Thiện nam tử! Trong đời vị lai ông sẽ ở nơi thế giới lớn lao nhất mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Thiện Trụ Trân Bảo Sơn Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

“Thiện nam tử! Do sở nguyện của ông là được thế giới lớn lao, nên ta đặt tên cho ông là Đắc Đại Thế.’

Khi ấy, Bồ Tát Đắc Đại Thế liền bạch Phật: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con được thành tựu, được lợi ích bản thân, thì nay khi con kính lễ Phật, nguyện cho các cõi Phật nhiều như số cát sông Hằng ở khắp mười phương thảy đều chấn động đủ sáu cách, không trung mưa xuống hoa tu-mạn-na, và chư Phật hiện tại trong các thế giới ấy mỗi vị đều vì con thọ ký.’

“Thiện nam tử! Lúc ấy, Bồ Tát Đắc Đại Thế cúi đầu sát đất lễ Phật. Ngay khi ấy, các cõi thế giới trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng thảy đều chấn động đủ sáu cách, trời mưa xuống hoa tu-mạn-na, chư Phật Thế Tôn trong các thế giới ấy thảy đều nói ra lời thọ ký.

“Bấy giờ, đức Như Lai Bảo Tạng liền vì Bồ Tát Đắc Đại Thế thuyết kệ rằng:

Bậc công đức kiên cố,
Nay ông hãy đứng lên!
Cõi đất đã chấn động,
Trời mưa hoa Tu-mạn.
Chư Phật khắp mười phương,
Đã vì ông thọ ký.
Sẽ thành bậc tôn quý,
Đứng đầu trong Ba cõi.

“Thiện nam tử! Khi ấy, Bồ Tát Đắc Đại Thế nghe kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó, ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải lại nói với vị vương tử thứ ba là Vương Chúng: ‘Thiện nam tử! Nay hết thảy những nghiệp thanh tịnh phước đức mà ông đã từng làm, nên vì tất cả chúng sinh mà cầu được thành bậc Nhất thiết trí, hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Thiện nam tử! Lúc đó, vị vương tử thứ ba liền chắp tay trước Phật bạch rằng: ‘Thế Tôn! Hết thảy những công đức cúng dường Như Lai và chư tỳ-kheo tăng trong ba tháng, cùng với những nghiệp thanh tịnh về thân, miệng và ý mà con đã làm, nay con xin hồi hướng tất cả về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Sở nguyện của con không thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ở cõi thế giới bất tịnh, cũng không nguyện được mau chóng thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thế Tôn! Trong khi con tu hành đạo Bồ Tát, nguyện cho tất cả những chúng sinh mà con đã giáo hóa trong vô lượng vô biên cõi Phật thế giới ở khắp mười phương đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, dừng trụ vững chắc nơi đạo A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, và khuyến khích giáo hóa những chúng sinh ấy trụ yên nơi sáu pháp ba-la-mật.

“Nguyện cho trong tất cả các cõi thế giới ở mười phương, nhiều như số hạt bụi nhỏ trong các cõi Phật như số cát sông Hằng, có bao nhiêu chư Phật đã thành Phật, thuyết pháp trước con thì con đều có thể dùng thiên nhãn thanh tịnh để nhìn thấy tất cả.

“Nguyện cho trong khi con tu hành đạo Bồ Tát có thể làm nên vô lượng Phật sự. Trong đời vị lai con sẽ tu hành đạo Bồ Tát không có giới hạn. Những chúng sinh mà con đã giáo hóa đều được tâm thanh tịnh giống như Phạm thiên. Những chúng sinh ấy khi sinh về cõi thế giới của con đều sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, con dùng những chúng sinh như thế để trang nghiêm tốt đẹp cho cõi Phật.

“Nguyện cho các cõi Phật trong Tam thiên Đại thiên thế giới nhiều như số cát sông Hằng ở khắp mười phương hợp lại thành một cõi Phật, bao quanh cõi Phật ấy có một bức tường báu lớn, dùng bảy món báu lấp đầy những chỗ khuyết trũng. Bức tường ấy cao lớn lên đến tận cõi Vô sắc, dùng ngọc lưu ly màu xanh biếc trải làm mặt đất, không có các thứ bụi đất, cát đá dơ bẩn; không có các loài gai góc, cũng không có những sự xúc chạm xấu ác; không có nữ giới, cũng không có tên gọi để chỉ nữ giới.

“Hết thảy chúng sinh đều là hóa sinh, không ăn bằng cách nhai nuốt, chỉ dùng niềm vui của tam-muội mà làm thức ăn. Thế giới ấy không có Thanh văn thừa và Bích-chi Phật thừa, trong khắp cõi thế giới chỉ có rất nhiều những vị Bồ Tát đã lìa xa tham dục, sân khuể, ngu si, tu tập Phạm hạnh thanh tịnh.

“Ở thế giới ấy, ngay khi sinh ra thì râu tóc tự rụng, trên người có đủ ba tấm pháp y. Khi sinh ra rồi, vừa khởi ý muốn ăn thì liền có ngay bát quý trong lòng bàn tay phải, tự nhiên có đủ hàng trăm món ăn ngon lạ hiện ra trong bát.

“Khi ấy, các vị Bồ Tát vừa sinh ra liền tự suy nghĩ rằng: ‘Chúng ta không nên dùng những thức ăn thuộc loại nhai nuốt này. Nay chúng ta nên mang đi khắp mười phương, cúng dường chư Phật cùng với đại chúng Thanh văn và những người nghèo khó. Lại có những ngạ quỷ đang chịu đói khát khổ não, thân thể bị thiêu đốt, chúng ta nên đến đó để giúp cho họ được no đủ. Tự thân chúng ta nên tu tập hành trì, chỉ dùng niềm vui của tam-muội mà làm thức ăn.’

“Vừa suy nghĩ như vậy xong thì liền được phép Tam-muội Bất khả tư nghị hạnh của hàng Bồ Tát. Do phép tam-muội này liền được sức thần không ngăn ngại, hóa hiện ngay đến chỗ của chư Phật hiện tại trong vô lượng vô biên cõi thế giới, cúng dường chư Phật và chư tỳ-kheo tăng, cung cấp bố thí cho tất cả những người nghèo khó, xuống cho đến tận loài ngạ quỷ. Bố thí như vậy rồi lại vì những chúng sinh ấy mà thuyết pháp. Không bao lâu, vừa đến giờ ăn thì đã đi khắp mọi nơi và quay về cõi thế giới của mình.

“Cho đến y phục, trân bảo cùng với hết thảy những vật cần dùng cũng đều cúng dường chư Phật và bố thí xuống đến tận loài ngạ quỷ, tương tự như việc cúng dường bố thí thức ăn, rồi sau đó mới tự mình thọ dụng.

“Nguyện cho thế giới của con không có tám nạn, không có những điều bất thiện, khổ não, cũng không có những việc như thọ giới, phá giới, sám hối, không có cả tên gọi chỉ những việc như thế.

“Nguyện cho thế giới của con thường có vô lượng trân bảo các loại, dùng để lấp vào những chỗ khuyết trũng. Các thứ trân bảo, y phục, cây cối đều là chưa từng có ở các cõi thế giới trong mười phương, cũng chưa từng nhìn thấy hay nghe nói đến, thậm chí chỉ cần nói tên các thứ ấy thôi mà đến trăm ngàn năm vẫn chưa thể nói hết!

“Nguyện cho các vị Bồ Tát ở thế giới của con, khi muốn thấy màu sắc của vàng liền tùy ý được thấy, muốn thấy màu sắc của bạc cũng tùy ý được thấy. Trong khi thấy màu sắc của bạc cũng không mất tướng mạo của vàng, trong khi thấy màu sắc của vàng cũng không mất tướng mạo của bạc. Đối với các loại như pha lê, lưu ly, xa cừ, mã não, xích chân châu, đủ mọi loại trân bảo, cũng đều tùy ý được nhìn thấy như thế.

“Nếu muốn được thấy các loại hương a-kiệt-lưu, hương đa-già-lưu, hương đa-ma-la-bạt, chiên-đàn, trầm thủy, cho đến loại chiên-đàn đỏ, chiên-đàn Ngưu Đầu, hoặc muốn thấy thuần một loại chiên-đàn, cũng đều tùy ý được thấy. Hoặc chỉ muốn thấy trầm thủy, cũng tùy ý được thấy. Trong khi thấy trầm thủy cũng không mất chiên-đàn, trong khi thấy chiên-đàn cũng không mất trầm thủy. Hết thảy các loại khác cũng đều như vậy. Hết thảy mọi sở nguyện đều được thành tựu.

“Nguyện cho thế giới của con không có mặt trời, mặt trăng. Các vị Bồ Tát đều có hào quang sáng rực, tùy theo chỗ mong cầu mà tự nhiên phát ra, thậm chí có thể chiếu sáng đến trăm ngàn muôn ức na-do-tha thế giới. Do ánh sáng của hào quang nên không có sự phân biệt ngày đêm. Khi các loài hoa nở ra liền biết là ban ngày; khi các loài hoa khép lại liền biết là ban đêm.

“Thế giới ấy điều hòa dễ chịu, không có sự nóng bức hay rét lạnh, cho đến không có cả những việc như già, bệnh, chết. Nếu như có vị Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ nào sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ở cõi thế giới khác, vị ấy liền mang chính thân hiện tại mà đến ở nơi cung trời Đâu-suất của thế giới kia cho đến khi xả bỏ thân ấy mà thành Phật.

“Sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi sẽ không ở nơi thế giới ấy mà nhập Niết-bàn. Vào lúc con nhập Niết-bàn ở giữa hư không, các vị Bồ Tát có chỗ mong cầu đều sẽ tự nhiên thành tựu.

“Bao quanh thế giới ấy thường có trăm ngàn ức na-do-tha các loại âm nhạc tự nhiên. Các loại âm nhạc ấy không phát ra âm thanh của lòng ham muốn, thường phát ra âm thanh của sáu pháp ba-la-mật, âm thanh Phật, âm thanh pháp, âm thanh tỳ-kheo tăng, âm thanh của kinh tạng Bồ Tát, âm thanh của ý nghĩa rất thâm sâu. Các vị Bồ Tát đối với những âm thanh ấy đều tùy theo từng loại mà hiểu rõ.

“Bạch Thế Tôn! Trong khi con tu hành đạo Bồ Tát, hết thảy mọi sự trang nghiêm tốt đẹp mà con từng được thấy trong trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kỳ cõi Phật, cùng với mọi cách nghiêm sức, đủ mọi tướng mạo, hết thảy các trụ xứ, đủ mọi sở nguyện, nguyện cho thế giới của con thảy đều thành tựu được những sự trang nghiêm tốt đẹp giống như vậy, chỉ trừ ra không có các hàng Thanh văn và Bích-chi Phật, lại cũng không có những thứ như năm sự uế trược, ba đường ác... không có các núi Tu-di, núi Thiết vi lớn, núi Thiết vi nhỏ, đất cát sỏi đá, biển cả, cây rừng... Thế giới ấy chỉ toàn các loại cây báu, vượt hơn các loại cây báu cõi trời; không có các loại hoa nào khác, chỉ có các loại hoa cõi trời như hoa mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la. Thế giới ấy không có sự thối tha hôi hám, chỉ thuần có hương thơm mầu nhiệm lan tỏa khắp nơi nơi. Các vị Bồ Tát thảy đều là ở địa vị Nhất sinh bổ xứ, không có vị nào phải thọ sinh ở một nơi nào khác nữa, chỉ trừ những vị sẽ thành Phật ở phương khác thì sẽ đến ở nơi cung trời Đâu-suất của phương ấy cho đến khi xả bỏ thân ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Bạch Thế Tôn! Thời gian tu hành đạo Bồ Tát của con không có giới hạn, miễn là phải thành tựu được cõi Phật vi diệu thanh tịnh đúng như vậy. Các vị Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ có rất nhiều trong khắp cõi thế giới ấy, thảy đều là do con đã khuyên dạy từ lúc mới phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cho đến lúc trụ yên trong sáu pháp ba-la-mật. Thế giới San-đề-lam này nếu như sáp nhập vào thế giới của con thì hết thảy mọi khổ não liền dứt mất.

“Thế Tôn! Khi con tu hành đạo Bồ Tát, nhất thiết phải thành tựu cho bằng được những điều ít có như thế, rồi sau mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nguyện có cây Bồ-đề tên là Tuyển trạch kiến thiện trân bảo, che rộng ra chung quanh đến mười ngàn cõi Bốn thiên hạ, hương thơm và ánh sáng tràn ngập khắp mười cõi Tam thiên Đại thiên thế giới. Bên dưới cây Bồ-đề ấy, có đủ các loại trân bảo làm thành tòa báu kim cang, rộng lớn bằng năm cõi Bốn thiên hạ. Tòa báu ấy có tên là Thiện trạch tịch diệt trí hương đẳng cận, cao đến mười bốn ngàn do-tuần. Con ngồi kết già trên tòa báu ấy, chỉ trong một niệm đã thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Từ đó cho đến khi nhập Niết-bàn, con vẫn thường ở nơi đạo tràng dưới cội Bồ-đề ấy, ngồi trên tòa báu kim cang, chẳng hề tan rã, hoại mất. Lại còn hóa hiện ra vô lượng chư Phật cùng với chúng Bồ Tát, sai khiến đến các cõi Phật khác để giáo hóa chúng sinh. Mỗi một vị hóa Phật đều vì chúng sinh mà thuyết giảng chánh pháp nhiệm mầu chỉ trong khoảng thời gian của một bữa ăn. Trong thời gian ngắn ngủi ấy đã có thể khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Không bao lâu sau khi phát tâm liền được địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Những vị hóa Phật và chúng Bồ Tát này thường làm được những điều ít có như thế!

“Sau khi con đã thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, nguyện cho chúng sinh trong tất cả các cõi thế giới khác thảy đều nhìn thấy thân con. Nếu có chúng sinh nào vừa nhìn thấy thân con với đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, liền khiến cho chúng sinh ấy phát tâm kiên định không còn thay đổi đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, từ đó cho đến khi đạt đến Niết-bàn thường luôn được thấy Phật.

“Nguyện cho hết thảy chúng sinh trong cõi thế giới của con đều được đầy đủ sáu căn, trọn vẹn không khiếm khuyết. Nếu các vị Bồ Tát có ai muốn được nhìn thấy con, thì ngay tại nơi ở của họ, trong những lúc đi lại, nằm ngồi đều có thể được nhìn thấy. Các vị Bồ Tát này, ngay sau khi vừa khởi tâm muốn thấy, tức thời liền được thấy con đang ngồi nơi đạo tràng dưới gốc cây Bồ-đề. Trong khi được nhìn thấy con thì bao nhiêu những chỗ nghi trệ về pháp tướng từ trước đều được con giảng thuyết cho, thảy đều trừ dứt, lại còn hiểu sâu thêm ý nghĩa của pháp tướng.

“Nguyện cho thọ mạng của con trong đời vị lai là vô lượng, không ai có thể tính đếm được, chỉ trừ bậc Nhất thiết trí. Thọ mạng của các vị Bồ Tát cũng đều như vậy. Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề chỉ trong một niệm, thì ngay sau đó cũng chỉ trong một niệm liền có vô lượng Bồ Tát, râu tóc tự rụng, trên người có ba tấm pháp y, cho đến lúc nhập Niết-bàn cũng không có bất cứ một ai có râu tóc mọc dài ra hay mặc y phục thế tục. Tất cả đều chỉ mặc y phục của bậc xuất gia.’

“Bấy giờ, Phật Bảo Tạng bảo vị vương tử thứ ba rằng: ‘Thiện nam tử! Lành thay, lành thay! Ông thật là một bậc đại trượng phu thuần thiện, khéo thông hiểu rất sâu xa, có thể khởi nên đại nguyện rất khó khăn. Công đức việc làm của ông thật hết sức sâu xa, không thể nghĩ bàn. Đó chính là chỗ làm của bậc có trí huệ mầu nhiệm tinh tế vậy!

“Này thiện nam tử! Ông vì chúng sinh nên mới tự phát đại nguyện đáng kính đáng trọng như vậy, muốn có được cõi nước mầu nhiệm thanh tịnh. Do ý nghĩa này, nay ta đặt tên cho ông là Văn-thù-sư-lợi. Trong đời vị lai, trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát của hai con sông Hằng, vào số a-tăng-kỳ kiếp vô lượng vô biên lần thứ ba, về phương nam cõi này có thế giới Phật tên là Thanh Tịnh Vô Cấu Bảo Trí. Thế giới San-đề-lam này sẽ sáp nhập vào trong thế giới ấy.

“Trong thế giới ấy có đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp. Ông sẽ ở nơi thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Phổ Hiện Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Chúng Bồ Tát nơi ấy thảy đều thanh tịnh. Những sở nguyện của ông đều được thành tựu đầy đủ đúng như lời ông đã nói.

“Thiện nam tử! Khi ông tu hành đạo Bồ Tát đã từng ở nơi vô lượng ức các đức Như Lai trồng các căn lành, vì thế nên hết thảy chúng sinh dùng ông như phương thuốc quý: tâm thanh tịnh của ông có thể phá trừ phiền não, tăng trưởng các căn lành.’

“Khi ấy, Văn-thù-sư-lợi bạch trước Phật rằng: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con sẽ được thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện các cõi thế giới vô lượng vô biên a-tăng-kỳ trong khắp mười phương đều sẽ chấn động đủ sáu cách. Trong các thế giới ấy, chư Phật hiện tại đang thuyết pháp đều thọ ký cho con. Lại nguyện cho hết thảy chúng sinh được thọ hưởng sự hoan hỷ như Bồ Tát nhập cảnh giới thiền định thứ hai, được tùy ý tự tại. Không trung mưa xuống hoa mạn-đà-la, tràn ngập khắp thế giới. Trong hoa ấy thường phát ra những âm thanh Phật, âm thanh pháp, âm thanh tỳ-kheo tăng, và những âm thanh của sáu pháp ba-la-mật, sức, vô sở uý... Nguyện khi con kính lễ Phật liền xuất hiện đủ các tướng mạo như thế.’

“Nói lời ấy xong, Văn-thù-sư-lợi liền cúi đầu sát đất kính lễ đức Phật Bảo Tạng. Ngay khi ấy, vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới trong khắp mười phương liền chấn động đủ sáu cách, không trung có hoa mạn-đà-la rơi xuống như mưa. Hết thảy chúng sinh đều được thọ hưởng sự vui sướng khoan khoái như Bồ Tát nhập cảnh giới thiền định thứ hai, tùy ý tự tại. Các vị Bồ Tát khi ấy chỉ còn nghe thấy những âm thanh Phật, âm thanh pháp, âm thanh tỳ-kheo tăng, và những âm thanh của sáu pháp ba-la-mật, sức, vô uý...

“Bấy giờ, các vị Bồ Tát ở những phương khác thấy nghe việc này đều kinh ngạc, cho là chưa từng có. Mỗi vị đều thưa hỏi đức Phật ở cõi mình rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có điềm lành này?’

“Chư Phật đều bảo với các Bồ Tát rằng: ‘Hết thảy chư Phật trong khắp mười phương hiện đang vì Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho nên mới hiện điềm lành này.’

“Khi ấy, đức Như Lai Bảo Tạng vì Văn-thù-sư-lợi thuyết kệ rằng:

Bậc phát nguyện cao rộng,
Nay ông hãy đứng lên!
Chư Phật khắp mười phương,
Đã vì ông thọ ký,
Nên trong đời vị lai,
Ông sẽ thành Chánh giác.
Mặt đất khắp thế giới,
Đều chấn động sáu cách,
Hết thảy mọi chúng sinh,
Đều được hưởng khoái lạc.

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi nghe Phật thuyết kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.”

KINH BI HOA
HẾT QUYỂN III



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]