Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Tôi có nhân duyên với Hòa thượng Quảng Khâm

28/02/201114:05(Xem: 8685)
3. Tôi có nhân duyên với Hòa thượng Quảng Khâm

LƯỢC THUẬT HÀNH TRẠNG HÒA THƯỢNG QUẢNG KHÂM
Dịch giả: Ni chúng Tự Viện Vĩnh Minh Lâm Đồng
Hiệu đính: Giáo sư Phạm Phú Thành & Đại Đức Thích Giải Hiền

TÔI CÓ NHÂN DUYÊN VỚI
HOÀ THƯỢNG QUẢNG KHÂM

Lâm Giác Phi

Tháp Phi Lai chùa Thừa Thiên

Năm Bính Tuất (1966) sau tết Đoan Ngọ, tôi từ Vĩnh Xuân tỉnh Phúc Kiến đến Tuyền Châu thăm anh Vương bạn học cũ – báo cho anh biết tôi sắp qua Đài Loan bằng đường biển, Vương tán thành, đồng thời bảo là anh có chiếc thuyền buồm thừơng xuyên qua lại giữa Tuyền Châu và Đài Loan, tiếc rằng thuyền đã rời bến hôm trước, mời tôi hãy đến ở tạm nhà anh, đợi thuyền về rồi sẽ đi ; thế là tôi phải ở lại chờ .

Tôi vốn ưa thích phong cảnh, thích đi xem các danh lam thắng tích cổ kính. Sáng hôm sau tôi đến chùa Thừa Thiên, chùa này nằm trong thành Tuyền Châu. Hơi lệch về cửa đông thành có ba ngôi chùa lớn ( Thừa Thiên, Khai Nguyên, Sùng Phước ) là những chùa Phật cổ nhất. Tôi đi từ đại lộ phía nam đến chùa Thừa Thiên, tới trứơc cổng chùa thấy trên vách có bốn chữ lớn “ Nguyệt đài đảo ảnh ” (bóng trăng chiếu ngược), bên trong có nhiều con rùa đá lớn. Qua khỏi điện Tứ Thiên Vương, lần theo con đường đá xanh, qua khỏi cầu hồ phóng sanh, thì đến sân trứơc Đại Hùng Bảo Điện. Gần hai bên đừơng đi có hai cái tháp đứng đối diện, kiến trúc giống hệt nhau chỉ khác ở chỗ một tháp thì rất sạch, có thể nói “hạt bụi cũng không dính”, nghe nói ruồi đậu trên đó đều quay đầu xuống dưới, chẳng bao giờ quay đầu lên trên; còn tháp kia thì đầy dẫy phân chim, dơ bẩn vô cùng .

Theo truyền thuyết, xưa kia trong chùa có một vị tăng ngày ngày chuyên làm những việc lao động rất cực nhọc mà lúc nào cũng tươi cừơi vui vẻ. Một hôm bỗng có chiếu chỉ triều đình ( không rõ Triều nào) truyền đến chùa báo rằng : Đức vua nằm mộng thấy Thái Hậu bảo thỉnh vị cao tăng đắc đạo ở chùa Thừa Thiên thành Tuyền Châu – PHÚC KIẾN đến kinh thành để siêu độ cho Bà. Chùa liền tuyển chọn một số tăng đủ oai nghi đức độ vào triều siêu độ cho Thái Hậu. Lúc sắp lên đừơng, vị tăng lao công bỗng bước tới xin được cùng đi, chư tăng nói : “ Ông không biết gì về phật sự làm sao đi được ?” Vị tăng lao công đáp : “Tôi tuy không rành Phật sự nhưng có thể mang vác hành lý cho các vị”. Chư tăng cảm động vì ông ta hằng ngày nghiêm cẩn lao khổ, đồng ý cho đi .

Đến kinh thành, tới trước cửa Ngọ môn, nhà vua tuyên vời chư tăng vào triều. Các vị tăng đều vào hết, chỉ riêng vị tăng lao công đứng yên bất động. Vua hỏi vì sao không vào, tăng đáp : “ Dứơi đất có Phật không dám vô lễ bước qua”. Vua phán phải vào, tăng bèn chống đầu xuống đất, hai chân đưa lên trời, nhảy ngược mà vào. Vua lấy làm lạ sai người đào đất lên thì thấy có một bộ kinh Kim Cang. Đến lúc đó nhà vua mới biết Thái Hậu muốn thỉnh vị cao tăng này. Vua liền đích thân ra tiếp đãi một cách thành kính. Vua thỉnh ý tăng: Lúc làm pháp siêu độ cần chuẩn bị như thế nào? Đáp: “Trừ việc chư tăng làm đúng theo nghi thức siêu độ ra, nên lập riêng một cái đài, trên bày hương án, chính giữa có treo phương linh vị của Thái Hậu”.

Đang lúc cử hành pháp siêu độ, vị tăng lao công đột xuất mời nhà vua lên đài, còn mình thì cầm phướng phất ba lần mà tụng kệ rằng:

Ta vốn chẳng đến
Ngừơi có lòng thành

Một niệm không sanh

Siêu sanh thiên quốc

Nhà vua bổng thấy Thái Hậu hiện ra trong vừng mây, lạy tạ vị tăng rồi từ từ bay lên. Khi pháp sự hoàn tất, chư tăng từ giã ra về, vua riêng giữ vị tăng lao công ở lại, đồng thời đích thân đưa đi du ngoạn ở ngự hoa viên và các cảnh đẹp trong kinh đô. Một hôm đi ngang qua một tháp đá, tăng bỗng dừng lại chăm chú nhìn cái tháp, vua hỏi :

- Sư thích tháp này không ? Trẫm sẽ sai ngừơi bổ rời ra chở đến chỗ sư ở “. – Vị tăng đáp :

- Nếu bệ hạ bằng lòng tặng cho thì bần tăng xin tự lấy về. Nói xong phất tay áo một cái, tháp liền thu vào trong đó, rồi chắp tay chào vua mà đi… Vua sai ngừơi tìm theo tiễn đưa, nhưng chẳng thấy bóng dáng tăng đâu cả. Tăng đã về đến chùa Thừa Thiên rồi mà các vị tăng khác vẫn còn đang đi trên đừơng. Sau khi chư tăng về đến chùa, có một ngừơi biết, nói :

- Sư siêu độ cho Thái Hậu ắt là có ban thửơng, sư có thể chia cho đại chúng với? - Tăng đáp :

- Có chứ, nhưng chỉ sợ mọi ngừơi lấy không nổi. – Liền từ trong tay áo trút ra cái tháp, dựng nó bên cạnh con đừơng đá. Do đó mà đặt tên là “ Phi lai tháp ” ( Tháp bay đến ). Ngừơi sau thuê thợ xây một cái tháp tương tợ đứng đối diện. Chẳng bao lâu vị tăng lao công ấy bỏ đi mất.

Lại có truyền thuyết : Chùa Nam Sơn ở Chương Châu tỉnh Phúc Kiến có vị tổ sư tên Long Khố , sự tích cũng giống như câu chuyện trên, chỉ khác là lúc đi với vua, tổ sư nhìn chăm chú long bào của vua, vua hỏi: “Sư thích long bào này không ?” Sư nắm khố cười nói : “khố rách rồi !” Vua liền cởi long bào, sai thợ sửa lại thành khố rồi đưa tặng sư, sư mặc vào, từ biệt ra về, do đó ngừơi ta gọi sư là Long khố tổ sư. Không biết Long Khố tổ sư có phải là vị tăng lao công ở chùa Thừa Thiên chăng. Vì chưa tra cứu được nên không dám quyết đoán.



LẦN ĐẦU TIÊN CÓ TÚC DUYÊN GẶP
HOÀ THỰƠNG QUẢNG KHÂM

Đại Hùng Bảo Điện chùa Thừa Thiên có ba cửa, phía trên cửa giữa có treo tấm biển chạm rồng hai bên, chính giữa có sáu chữ vàng : “SẮC TỨ THỪA THIÊN THIỀN TỰ ”. Bên trong cửa chính trái là chỗ ngồi thiền của sư, bên trong cửa chính phải có vị sư già phụ trách về hương đèn. Nhìn thấy Hoà thượng ngồi kiết già mắt nhắm, tôi bỗng nhớ lại trong tiểu thuyết xưa thường có danh từ thiền sư mà mãi đến nay tôi chưa trông thấy một thiền sư tận mắt. Hôm nay thấy sư ngồi thiền bỗng nhiên lòng tôi phát sinh niềm vui mừng và sùng kính vô hạn. Cảm xúc còn hơn gặp đựơc bảo vật, tôi không dám gây nhiễu động, chỉ đến một bên im lặng đứng chờ. Lát sau, có một chú sa-di nhỏ từ bên trong gọi tên sư, cho biết sư “thủ quỹ” sai đem tiền chia cho sư, chú sa-di nói vài lời rồi đi.

Nhân cơ hội, tôi nắm hai tay lại vái chào ( lúc ấy tôi chưa biết chắp tay ), bứơc tới xin thỉnh ý.

Sư hỏi : “ Anh ở đâu ? đến đây làm gì ? ” Tôi nói rõ về quê quán và sự việc ở tạm nhà ngừơi bạn chờ thuyền để sang Đài Loan … Sư nghe đến đó hỏi : “ Anh chẳng mấy khi đến đây, chùa rất rộng, có thể đi đến các điện để tham quan ”. Tôi liền đi vào Đại Điện xem sơ qua một lần, trở lui… vẫn thấy sư tĩnh toạ, tự nhiên lòng tôi đối với sư như bị một lực hấp dẫn không thể diễn tả đựơc; tất cả hứng thú du ngoạn đều tập trung nơi sư, như không muốn rời nửa bứơc. Bỗng có vị tăng đến nói chuyện với sư, tôi lại được cơ hội đến gần sư lần nữa.

Khi ấy sư phụ có vẻ hơi phiền, bảo : bảo “Anh từ huyện Vĩnh Xuân đến, trong chùa có một vị tăng già, ông ấy là tú tài ở huyện gần với anh; anh là trí thức, tôi sẽ dẫn đến gặp ông ấy, anh có thể nghe ông nói chuyện Phật pháp để tăng trưởng trí tuệ”. Dứt lời sư liền đứng dậy dẫn tôi vào bên trong, đến phòng khách sư giới thiệu tôi với vị tăng tú tài, ( ngừơi họ Lại, gia đình giàu có, con cháu rất đông, xuất gia đã trên 20 năm, em trai ông là một nhà trí thức uyên bác mà tôi đã có vài lần tiếp xúc). Chuyện trò giây lát sư lại trở về Đại Điện. Lúc bấy giờ vị sư tú tài già tuổi gần 70, khi nói cười chỉ còn thấy một hai răng cửa, đem tặng tôi mấy cuốn kinh do chùa in ấn : kinh Kim Cang, kinh Di-Đà, kinh Phổ Môn … đồng thời giới thiệu sơ lược. Tôi cảm thấy sốt ruột, vâng dạ qua loa rồi vội cáo từ, cầm theo mấy cuốn kinh ấy trở lui. Ra tới Đại Điện tôi lại đến bên cạnh sư chờ dịp hầu tiếp chuyện, nhưng sư chỉ miễn cữơng đối đáp, đến trưa tôi mới rời chùa.

Chiều hôm đó, tôi đến vãng cảnh chùa Khai Nguyên (chùa lớn nhất thành Tuyền Châu) xem lại hai cái tháp đông – tây, (chùa Khai Nguyên phân chia tả - hữu hai bên, và đông – tây đối diện. Theo sách Tuyền Châu Phủ Chí thì tháp ấy cao hơn 21 trượng, xây bằng đá xanh, có tám mặt, năm tầng. Mỗi tầng đều có chạm những tượng Phật khác nhau vào chính giữa mỗi mặt tháp. Tương truyền đỉnh tháp làm bằng “đồng thất bảo”, khi ánh nắng chiều chiếu nghiêng, đỉnh tháp tỏa ánh sáng rực rỡ, thật là một công trình kiến trúc kỳ diệu.

Sáng hôm sau tôi lại đến chùa Thừa Thiên, sư vẫn ngồi chỗ cũ, thấy tôi đến vui vẻ ra tiếp tôi, thái độ khác hẳn hôm trước.

Sư cởi mở nói : “ Anh định đi Đài Loan, được đấy. Anh cũng nên đi, sau khi đến nơi anh nhớ viết thư cho tôi. Phật giáo ở Đài Loan chịu ảnh hửơng Thần giáo của Nhật Bản, làm cho tăng tục không còn phân biệt; tôi có duyên với Đài Loan, sẽ đến đó xây dựng đạo tràng hoá độ chúng sinh. Tôi đem thân này tu hành theo Phật để cứu vãn Phật giáo đang thoái trào trở lại con đường chân chính, đó là tâm nguyện của tôi. Anh nên nhớ rằng sau khi đến Đài Loan anh còn phải trải qua một giai đoạn gian khổ, e rằng anh không chịu đựng nổi ”.

Tôi thưa : “ Bạch Sư, nếu con đáng nên đi Đài Loan thì dù gặp muôn vàn khó khăn con cũng không từ bỏ, con sẽ vui lòng chấp nhận ” .
- Túc nghiệp của anh rất nặng, nếu không trải qua gian khổ để rèn luyện thì không cách nào tiêu trừ; anh đã nguyện ý chịu khổ thì có thể đi được. Ngừơi xưa nói “ có đắng ắt có ngọt ”. Mong anh dù gặp khổ nạn tột cùng cũng không thối chí .
- Con kiên quyết chẳng hề hối tiếc.
Liền đó tôi quyết định lạy sư làm thầy, sư cũng vui lòng chấp nhận, quả là có duyên thầy trò. Khi ấy tôi chỉ biết hết lòng cung kính, lấy lễ tạ ơn sư mà thôi, hoàn toàn không biết xin phép quy y.

Cùng Sư du ngoạn đến động Bích Tiêu

Từ đó, ngoài lúc phải ăn và ở nhà bạn ra, lúc nào tôi cũng ở bên cạnh sư đến gần 10 giờ đêm mới về. Qua một tuần, ngẫu nhiên sư đề cập đến việc tu khổ hạnh trên núi, tôi bỗng sinh lòng hiếu kỳ, hỏi sư con đừơng đi tới nơi ấy. Sư nói :
- Con muốn đến đó ? Vậy sáng sớm ngày mai thầy với con cùng đi.

Hôm sau trời vừa sáng tôi liền vội đến chùa. Sư đã rời thiền tọa đợi tôi trước thềm điện Phật rồi ! đầu đội nón rơm, lưng đeo đãy vải “tứ đại”, tay chống gậy bước ra khỏi chùa. Thầy trò đi ra bằng cửa bắc thành Tuyền Châu, theo một con đừơng nhỏ, già trẻ hai bên đừơng phố kêu lên “ Sư Quảng Khâm ! Sư lại lên núi sao ? ” – Sư đáp :

- Tôi đưa khách lên chơi, không ở lại núi đâu !

Trên đường đi nghe người ta nói với nhau :

“ Hoà thượng phục hổ ấy mà rời khỏi chốn này thì thật đáng tiếc ”.

Đi được vài chục bước, sư bỏ dép đi chân không, tôi cũng bắt chước cởi giày, sư đem gởi trong tiệm hớt tóc. Sư lại đến một quán nhỏ mua mì và rau cải xanh chuẩn bị cho tôi bữa ăn trưa. Sư bỏ vào đãy đưa cho tôi mang. Thầy trò ra khỏi cửa bắc thành, lần leo bậc cấp lên đến núi Thanh Nguyên.

Trước tiên đến động Di-Đà, rồi chuyển sang động Bích Tiêu nằm ở lưng chừng núi. Bên phải động là vách đá thẳng đứng cao ước một trựơng, ngoài động có một tảng đá lớn chắn, phía trong trống rỗng làm thành cái động nhỏ (rộng khoảng 5 thứơc [TQ], cao 6-7 thước), hai bên như hai cái cửa thiên nhiên có thể vào ra được. Cửa bên trái khá rộng, chỗ cao nhất tôi có thể thẳng người bước vào được. Cửa bên phải rộng khoảng 1 thước, cao gần 4 thước, khi ra vào phải đi cúi đầu. Trong động có một tấm phản vuông cũ kỹ, đủ chỗ đi vòng quanh được. Chính nơi đây sư đã ngồi quay mặt vào vách 12 năm (từ năm 1933 lúc sư 42 tuổi cho đến năm 1945 sư 54 tuổi). Đất phía ngoài động không rộng. Sư tự tay trồng một số cây ăn trái

Nghe nói động Bích Tiêu do ngừơi đời trước xây dựng, đã bỏ hoang từ lâu; khi sư đến và nhập định vài tháng trong động thì xa gần đều biết. Sau có một Hoa kiều về nước đến yến kiến sư, phát tâm trùng tu lại. Động chỉ chiếm một mặt bằng nhỏ chưa tới 20 mét vuông; vách đá, mái ngói, hai bên là cửa ra vào, chính giữa có một cửa sổ lớn; trong động, ngoài tấm phản vuông cũ ra , không có vật gì khác. Sư than với tôi: “Khi Thầy sắp xuống núi, có một “trai cô” xin đến ở , nhưng khi thầy xuống núi thì cô ấy lại không chịu đến, nên động mới hoang phế thế này. Người xuất gia mà không chịu kham khổ, thật đáng tiếc, đáng thương xót !”

Lại men theo bậc đá phía bên phải khoảng 10 bước thì đến động Thụy Tạng. Sư nói : “Động này nguyên là chỗ tu niệm của Thầy tôi là pháp sư Hoằng Nhân, nay Ngài đã viên tịch nên động cũng bỏ không”. Lại leo tiếp đến cái miếu nhỏ (thờ thần), có một ông từ trông giữ. Sư lấy mì và rau nhờ ông làm giúp bữa ăn cho tôi ; còn sư thì đem trái cây trong đãy ra dùng .

Ăn xong nghỉ ngơi một lát, thầy trò theo triền phải núi tìm đường về . Đi qua một động tiên, bên trong thờ một tựơng Tiên, đã lâu không hương khói. Xuống nữa thì đến hai nhà trai đừơng, cách nhau không xa. Có các trai cô đầu bịt khăn vải đang làm vườn, trong trai đường chỉ còn một hai cô cao tuổi ở lại nấu ăn. Các cô đều do chùa Thừa Thiên phái đến

Vị trai cô cao tuổi vốn quen biết sư nên mời vô uống trà . Lúc ấy trời đã xế chiều, các trai cô ở ngoài vừơn cũng nghỉ việc để chuẩn bị khoá công phu chiều. Sư cũng từ giã xuống núi. Xuống đến đất bằng, thuận đường đến thăm miếu Thành Hoàng Phủ Tuyền Châu, sau miếu có một viện dữơng lão do vị thân sỹ tên Diệp Thanh Nhãn ở thành Tuyền Châu sáng lập. Trườc kia Đại sư Hoằng Nhất có đến và ở lại đây (sau khi Ngài viên tịch di cốt đựơc đem thờ ở Công đức đừơng chùa Thừa Thiên). Đến lúc này trời sắp tối, thầy trò vội vàng quay về cửa Bắc, đến lấy giày dép đã gởi, rồi trở về chùa Thừa Thiên.

Cơn bão trợ duyên kết nghĩa thầy trò 

Vì chờ lâu mà thuyền của ngừơi bạn chưa về, lòng tôi nôn nóng đi Đài Loan bèn đến hãng tàu mua vé.

Ngày 17 tháng 06, hãng tàu thông báo 9 giờ tối khách lên thuyền. Tôi liền đến từ giã sư, lúc chia tay sư nói : “ Nếu như chưa đi có thể trở lại trò chuyện”. Tôi nghe sư nói vậy biết trong lời nói có ẩn ý, trong bụng nghĩ lần này chắc khó đi được. Nhưng công ty đã thông báo, tôi chỉ còn cách lên thuyền xem như thế nào .

11 giờ khuya, thuyền nhổ neo từ cửa nam bến Tân Kiều từ từ rời vịnh Tuyền Châu ra khỏi cảng. Đêm ấy trăng sáng như gương, trời trong vắt không một bóng mây. Trên thuyền ngoài 7, 8 thuỷ thủ ra, còn lại 36 hành khách đều vào ngủ trong khoang thuyền, chỉ mình tôi ngồi dưới cột buồm trên boong tàu, nhờ ánh sáng trăng mở kinh (thỉnh ở chùa Thừa Thiên) ra đọc.

Mờ sáng hôm sau, thuyền vừa mới ra khỏi hải cảng, phía đầu thuyền hai thủy thủ trẻ rút một cây sào tre bên hông thuyền cắm xuống nước nói với người cầm lái ở phía sau : “ Nứơc sâu 1 trượng 2 ”. Lại cắm một lần nữa, nói : “ 8 thứơc rồi !”. Bỗng dưới đáy thuyền có tiếng động như chạm vật gì, thuyền nghiêng về bên phải : thủy triều đang rút, nứơc cạn ! Thuỷ thủ vội nhảy xuống cầm gậy chống đỡ thuyền đang nghiêng. Đến khi trời sáng, hành khách ùa nhau nhảy xuống bãi cát, trẻ con được dịp đào bắt sò ốc trong cát. Khoảng 10 giờ thuỷ triều lên lại, người lái thuyền bảo làm cơm cho mọi ngừơi ăn no, chuẩn bị 12 giờ trương buồm ra khơi.

Đến giữa trưa, buồm lớn đã dựng xong, ngừơi lái thuyền ngẩng đầu quan sát khí tượng, bỗng la to : “ Đài Loan có bão, hôm nay không thể ra khơi đựơc !” Ông ta lập tức ra lệnh thu buồm, lái thuyền trở lại cảng, đến một trấn nọ tạm nghĩ. Khoảng 3 giờ chiều, ông lái thuyền lại bảo : “ Sợ gió lớn có thể kéo dài đến vài ngày, để tiện cho hành khách thuyền nên trở về Tuyền Châu ”. Bảy giờ chiều thuyền trở về chỗ cũ.

Rời thuyền, tôi đến ngay chùa Thừa Thiên báo cho sư hay, sư đã ngồi đợi trên sân trước điện. Thấy tôi đến ngừơi cười lớn : “ Thầy biết con sẽ trở lại ! Thầy trò mình nhân duyên chưa kết, con làm sao đi đựơc !” Sư chọn ngày hôm sau (19 tháng 6) tại điện Quán Thế Âm sau chánh điện làm lễ quy y cho tôi. 

Sáng ngày 19, tôi thành tâm chuẩn bị hương đèn hoa quả, đặt trứơc tượng đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Sư bảo tôi lạy Phật, sư giảng Tam quy y, và hoàn thành lễ quy y cho tôi (tôi là ngừơi đệ tử thứ ba đựơc quy y). Lễ xong tôi thưa : “ Lòng con rất tha thiết đi Đài Loan, không biết khi nào mới đi đựơc”. Sư nói : “ Cơn bão đã dứt rồi, chiều 20 có thể lên thuyền, 21 ra khởi, ngày 22 sẽ đến Đài Loan đựơc ”.

Ngày 20, sau giờ ngọ quả nhiên hãng tàu thông báo tối nay lên thuyền, 7 giờ tôi đến từ giã sư, ngừơi lại dặn kỹ : “ Con nhớ gởi thư liên lạc với thầy ”. Tôi đáp : “ Con xin vâng lệnh sư phụ ”.

Lúc tôi lên đường sư chúc “ Thuận buồm xuôi gió ” mấy lần. Tôi bái tạ ra đi, lòng đầy nỗi vui mừng lần này nhất định sẽ đến Đài Loan !

11 giờ khuya thuyền nhổ neo, ánh trăng sáng ngời, một mình tôi ngồi ở trên boong tàu xem kinh. Sáng ngày 21 thuyền đến cửa khẩu, ông lái cho thuyền ghé bờ , vào nhà ông ta (ở Hải Tân) để chất thêm hàng hoá, đến 12 giờ trưa giương buồm ra khơi. Hôm ấy biển lặng sóng êm, ánh nắng chói chang, thuyền nhấp nhô theo làn sóng biển, xuôi gió hướng về Đài Loan. Tối đến tôi lại ngồi dưới cột buồm đọc kinh, ánh trăng chiếu sáng, trời nứơc một màu. Bỗng nhiên tôi cảm thấy vũ trụ vô cùng bao la chiếc thuyền vô cùng bé nhỏ mà xót xa cho con đừơng mờ mịt, đời ngừơi huyễn ảo.

Rạng đông ngày 22, bóng dáng Đài Loan mờ hiện trước mắt. Đến gần trưa thuyền đến bến trạm thuộc Công ty miền trung; ngừơi lái thuyền la lớn : “ Tôi lái thuyền cho Công ty đã nhiều năm, tuyến Tuyền Châu – Đài Loan nếu xuôi gió cũng sau 24 giờ mới tới nơi, dù nhanh nhất cũng phải mất 23 giờ; nhưng chỉ đựơc vài lần trong cuộc đời đi biển. Đặc biệt lần này thuyền đi chỉ mất 22 giờ, thật là ngoài sức tưởng tựơng, điều chưa từng nghe nói bao giờ !” Tôi cảm niệm Phật lực vô biên và nhờ ân sư phù hộ. Tôi càng sùng kính sư phụ vô cùng.

Lên bờ, tôi vội đáp xe lửa đi Đài Bắc, đến tạm trú nhà ngừơi chú, rồi viết thư ngay báo cho sư phụ rõ. Mấy ngày sau tôi nhận được thư hồi âm của ngừơi cho biết là vẫn còn ở trong chùa Thừa Thiên. 

Ở đây tôi dự thi vào trừơng đào tạo giáo sư quốc văn cho các trừơng công lập Đài Loan. Sau khi trúng tuyển, tôi dạy thực tập hai tuần, rồi được bổ đi dạy tại Trừơng dân tộc Gia nghĩa . Tôi lại viết thư kính báo sư phụ rõ, ngừơi phúc đáp rằng sắp đến ở chùa Nam Phổ Đà – HẠ MÔN. Trong mùa đông ấy tôi gởi liên tiếp hai lá thư nhưng chưa được hồi âm. Mùa xuân năm 1974 tôi chuyển đến làm việc ở Đảng bộ Cục đường sắt tại Đài Bắc, tôi lại viết thư nhưng cũng chưa nhận đựơc hồi âm. Mãi đến tháng tư, bỗng nhận đựơc thư sư phụ cho biết người quyết định sang Đài Loan nhưng không có tiền đi đường, tôi lập tức gởi tiền đi thuyền cho người. Chiều ngày rằm tháng 5 sư phụ đến Cơ Long an toàn. Sau khi đến Đài Loan, sư phụ độ vô số chúng sanh, (sự việc này tôi xin không trình bày ở đây). Riêng nghĩ đến ơn Thầy chưa báo đáp, lòng tôi sớm tối không yên, nay chỉ xin được đem một phần nhân duyên dìu dắt hoá độ của Ân Sư, kính cẩn ghi lại vài dòng kỷ niệm.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]