Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

37. Tứ niệm xứ

24/02/201116:04(Xem: 9846)
37. Tứ niệm xứ

PHÁ MÊ KHAI NGỘ
Lê Sỹ Minh Tùng

37. Tứ niệm xứ

Tứ là bốn. Niệm là nhớ, nghĩ đến. Vậy Tứ Niệm Xứ có nghĩa là bốn điều mà kẻ tu hành phải dụng tâm nghĩ đến. Đó là:

¨ Quán Thân bất tịnh

¨ Quán Tâm vô thường

¨ Quán Pháp vô ngã

¨ Quán Thọ thì khổ

1) Quán Thân bất tịnh: Quán là tập trung tư tưởng để quan sát cho kỹ càng, còn bất tịnh là dơ bẩn. Vậy quán thân bất tịnh có nghĩa là tập trung tư tưởng để quan sát một cách kỷ càng về sự dơ bẩn của thân ta.

Ai dám bảo cái thân của chúng ta thì dơ bẩn?

Thử nghĩ trong đời nầy không có cái gì mà chúng ta quý hơn là cái thân của chúng ta. Hằng ngày chúng ta nâng niu cưng chìu nó. Nó muốn cái gì thì chúng ta thỏa mãn cho nó ngay. Chúng ta mua nhà đẹp cho nó ở, sắm xe sang cho nó lái và nấu thức ăn ngon cho nó thưởng thức. Chúng ta còn đi mall để mua sắm áo quần áo đẹp cho nó mặc. Đôi khi tệ hại hơn nữa là chúng ta còn giám làm những điều tội lỗi để cho nó được sung sướng. Nếu mà đã coi trọng nó như vậy mà nói nó là dơ bẩn, tanh hôi thì làm sao có thể tin cho được.

Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ lại là thân của chúng ta dơ bẩn ngay từ lúc chúng ta còn nằm trong bụng mẹ. Cái thai nhi thì đỏ lưởng và nằm lẫn lộn trong máu me nhơ nhớp. Đến khi chào đời rồi lớn lên thì cái thân này lại còn tệ hại hơn nữa. Thật vậy, nếu vài ngày mà không tắm thì ai dám lại gần. Còn lúc ăn uống vào và khi tống ra thì chẳng ma nào chịu nổi. Bên ngoài thì đã thế còn bên trong như ruột, gan, phèo phổi thì còn tệ hại hơn nhiều. Đến khi bệnh hoạn thì ho hen với nước mũi nước giải chảy ra phát ớn. Khi người đến lúc già thì má hóp, da nhăn, răng long, tóc rụng, nay đau, mai yếu. Thật là thê thảm.

Vậy Thân là bất tịnh chớ còn gì nữa. Nhưng thói thường thì con người lúc nào cũng quý yêu cái thân cả. Nếu thân thích cái gì thì mình thích cái đó còn thân ghét cái gì thì mình cũng ghét theo. Cũng bởi tại cái vô minh nên chúng ta làm nô lệ cho thân của chính mình và từ đó gây ra nghiệp báo để phải chịu quả đời đời không dứt. Do đó chúng ta phải sáng suốt quyết tâm không làm nô lệ cho cái thân này nữa để đừng cho tham, sân, si phát khởi và từ đó thân, khẩu, ý không có cơ hội tạo ra ác nghiệp.

2) Quán Tâm vô thường: có nghĩa là tri thức của tâm chúng ta thì thay đổi bất thường. Tâm thức của con người thay đổi vô cùng vô tận. Ý niệm nầy vừa phát sinh thì ý niệm khác đã thay thế. Từ khi thức giấc đến khi đi ngũ thì trong tâm thức chất chứa biết bao là ý niệm. Chánh có, tà có, thiện có, ác có làm cho tâm con người bất an và lo âu phiền não. Do đó, chúng ta phải hiểu rằng cái tâm thì biến đổi không ngừng và đó chính là nguyên nhân để sinh ra vô số vọng tưởng phiền não. Cái tham, sân, si, mạn, nghi… đều do nó tác sinh mà ra.

Vậy chúng ta phải đổi cái tâm si mê, ngu muội thành ra cái tâm giác ngộ để trừ ngã chấp và thoát ra vòng sinh tử luân hồi.

3) Quán Pháp vô ngã: Phàm cái gì tự nó có thể giữ được hình dáng để làm cho chúng ta khi nhìn thấy nó có thể biết đó là vật gì thì cái đó gọi là pháp. Trong thế gian vũ trụ nầy không có một vật gì mà tự nó có thể phát sinh và tồn tại mà không cần sự trợ giúp của những nhân duyên khác. Cái thân tứ đại của chúng ta là do đất, nước, gió, lửa, không gian và thức tạo thành nên tự nó không thể sống được mà con người cần phải ăn uống, hít thở…Vì thế tất cả vạn pháp trong thế gian không có tự tánh, chủ thể hay vô ngã. Đã là vô ngã thì nó không bền, không chắc, tạm bợ và sau cùng cũng bị hủy hoại bởi luật vô thường của tạo hóa mà thôi.

Cũng như trong giấc chiêm bao, một khi chúng ta nằm mộng thì cảnh nầy hay cảnh khác thay phiên nhau hiện ra làm cho chúng ta lầm tưởng những cảnh tượng đó là cảnh thật. Nhưng khi thức dậy thì chúng ta mới nhận ra đó chỉ là giấc chiêm bao mà thôi. Còn con người chúng ta vì bị mê lầm nên không thể nhận ra sự giả dối của sự vật. Trong khi tâm thì duyên với cảnh và cảnh thì duyên với tâm mà chúng ta cứ tưởng là có thật. Thật ra tất cả các pháp đều không tự tướng nên chúng được gọi là vô ngã.

Đã biết pháp là vô ngã thì bên ngoài chúng ta không bị hoàn cảnh kích thích, còn bên trong không bị phiền não lay động, quay cuồng theo sự múa rối của giả cảnh. Vì thế, chúng ta muốn tự tại cũng không đạt được cũng như muốn an vui, thường trú mà phải trôi lẫn vào vòng sinh tử.

Nếu chúng ta chứng được pháp vô ngã rồi thì cảnh cũng vô ngã và tâm thức cũng vô ngã do đó không còn cái chi để mà ghét, mà thương, mà phải chịu luân hồi sanh tử nữa.

Pháp vô ngã sẽ đem lại cho chúng ta tính vị tha và dĩ nhiên là không bao giờ làm tổn thương cho ai cả.

4) Quán Thọ thì khổ: thọ là nhận lãnh. Tại sao lại phải nhận lãnh cái khổ?

Trước hết ta thọ nhận cuộc đời. Nhưng cuộc đời không phải là một chuổi dài đau khổ thì là gì? Bởi vì sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ và đến lúc chết cũng còn khổ. Nói chung, hễ càng thọ nhiều trên cõi đời này thì chúng ta càng khổ bấy nhiêu. Khi đã biết “thọ thì khổ” thì chúng ta phải tìm phương pháp để đối trị với nó bởi vì thọ là do tham mà có và chính cái tham là nguồn gốc đưa đến sự phiền não đã ăn sâu trong lòng chúng ta từ lâu đời lâu kiếp.

Vậy phải làm thế nào để tránh nó?

Như trên chúng ta đã biết, hễ thọ nhiều thì khổ nhiều còn thọ ít thì khổ ít. Càng gánh công danh phú quý thì vai càng nặng và khổ càng nhiều. Trái lại, nếu chúng ta không lãnh thọ thì tâm không bị giao động. Nói một cách tổng quát là đối với mọi cảnh vật, chúng ta thấy không có gì đáng ưa, không có gì đáng ghét, không có gì đáng vui mừng thì sẽ không có gì đau khổ. Vì thế cuộc đời của chúng ta mới được an nhiên tự tại và không còn khổ đau nữa.

Sau cùng, chúng ta cố gắng chứng cho được bốn sự thật nầy thì sự chấp ngã, chấp pháp, tham, sân, si sẽ dần dần tan biến.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]