Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 20: Những thực tập của người Phật tử: Đạo đức (tiếp theo)

10/02/201115:17(Xem: 9347)
Chương 20: Những thực tập của người Phật tử: Đạo đức (tiếp theo)

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
GIỚI THIỆU ĐẠO PHẬT
Peter Harvey - Mỹ Thanh dịch - Nhà Xuất Bản Hải Phòng 2008

Chương 20
NHỮNG THỰC TẬP

CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ: ĐẠO ĐỨC

(tiếp theo)

Đạo đức trong liên hệ xã hội

Đạo Đức Phật giáo cũng bao gồm những nguyên tắc chỉ đạo cho những liên hệ tốt trong xã hội, tuy nhiên những điều được chấp nhận và thực tập phần lớn thay đổi tùy thuộc vào những nền văn hóa khác nhau. Một bài văn căn bản quan trọng trong vấn đề nầy là kinh Sigālovāda (D. III. 180-93), do vua Asoka miêu tả như là một kỷ luật (Vinaya) cho giới cư sĩ, song song với các tăng sĩ nam và nữ. Ở đây, Đức Phật tình cờ gặp Sigāla, đang lễ lạy sáu phương theo lời dạy của cha lúc cha sắp chết. Đức Phật khuyên là có một cách hay hơn để lễ lạy “ sáu phương”: bằng cách có những hành động tốt đối với sáu hạng người, để tạo ra một sự hài hòatrong liên hệ mạng lưới mà trọng tâm là chính mình. Một người cần phải chăm sóc cha mẹ, bằng cách lễ lạy ở “phương Đông” (nơi mặt trời mọc), lễ lạy các bậc thầy ở hướng “nam”, vợ mình ở phương “tây”, nhân công và nhân viên phương “dưới”, và các tăng sĩ và tu sĩ Bà-la-môn phía “trên”. Đổi lại, mỗi một người nói trên phải “biết quý mến” người nầy trong những trường hợp khác nhau.

Đối với cha mẹ, một người phải nghĩ rằng, cha mẹ nuôi nấng mình, bây giờ mình nên giúp đỡ cha mẹ; ta nên có bổn phận lo cho cha mẹ, gìn giữ và duy trì truyền thống gia đình, trở nên xứng đáng với di sản của mình, và nên bố thí hồi hướng cho cha mẹ khi các người nầy đã qua đời”. Đối lại, cha mẹ “ngăn cản con làm việc xấu ác, khuyến khích con làm việc tốt, chỉ dẫn nghề nghiệp tìm người hôn phối xứng đáng cho con, và lúc thuận tiện nhường gia tài lại cho con”. Chỗ khác nói rằng, những việc “giúp đỡ cha mẹ, và lo lắng cho vợ con không nên bị xung đột: Đây là phước lớn” (Khp. 3). Kinh nói rằng cha mẹ xứng đáng được quý trọng và tôn kính vì đã giúp đỡ con mình một cách tử tế. Luật nghiệp báo bảo đảm rằng cha mẹ có được những đứa con mà họ xứng đáng, và ngược lại.
Một số người có cha mẹ “xấu”, nhưng đây cũng là một cách để những đứa con trả nợ cho cha mẹ, vì cha mẹ đã lo lắng cho con từ lúc con còn nhỏ, dạy dỗ và giúp con tạo dựng niềm tin, đức hạnh, lòng rộng lượng hoặc trí tuệ (A. I.61). Kinh Sigālovāda- trừ bản dịch của Trung Hoa- không có phần bắt buộc con phải vâng lời cha mẹ như là một bổn phận, dù điều nầy đã được ghi nhận ở những trụ đá của vua Asoka. Một bài giảng khác về đời sống gia đình là một gia đình hòa thuận và đoàn kết đem lại sức mạnh, như một cái cây có thể chống lại bão tố nếu như nó sống trong rừng cây, hơn là đứng trơ trọi một mình (Jat. I. 329).
Những liên hệ khác cũng được nói đến trong kinh Sigālovāda như sau. Một người học trò phải kính trọng những vị thầy của mình, “bằng cách [đứng dậy chào], sẵn sàng nghe thầy sai bảo, ham học, và chú tâm nghe lời giảng của thầy”. Đối lại, người thầy “dạy dỗ học sinh đàng hoàng, làm cho học sinh học giỏi, chỉ dẫn học trò tận tâm về những môn học, nói tốt về học trò của mình đối với bạn bè, và giúp học trò cảm thấy an toàn trong mọi nơi chốn”. Một người chồng phải săn sóc vợ của mình, “bằng sự kính trọng, lịch sự, trung thành, và giao cho vợ quyền hành (trong gia đình), cung cấp cho vợ những đồ trang sức”. Đối lại, người vợ “làm tròn nhiệm vụ của mình, hiếu khách đối với dòng họ hai bên, trung thành, gìn giữ những của cải do chồng làm ra, và tỏ ra khéo léo và nghệ thuật trong lúc làm những công việc của mình”. Một người bạn cần phải giúp đỡ bạn mình, “bằng sự rộng lượng, lịch sự và nhân từ, đối xử với bạn như đối xử với chính bản thân mình, và nhã nhặn trong lời nói”. Đối lại, bạn hữu “bảo vệ cho nhau, chẳng hạn gìn giữ tài sản của bạn mình; là nơi nương tựa cho bạn đang gặp hiểm nguy, không nên bỏ bạn trong lúc bạn nguy khốn, và lo lắng cho gia đình bạn”.

Một người chủ phải đối xử với người làm công và nhân viên, “bằng cách giao việc thích hợp với khả năng của họ; cung cấp thức ăn và trả lương cho chọ, lo cho họ lúc họ ngã bệnh, và chia sẻ với họ những món ngon lạ miệng, và cho phép họ nghỉ vào những lúc cần thiết”. Đối lại, nhân viên và người làm công phải “thức sớm trước chủ và đi nằm sau chủ, hài lòng với công việc mình được giao phó, làm việc siêng năng, và nên khen và không làm mất danh dự của chủ mình”. Cuối cùng, một gia đình nên giúp đỡ các tăng sĩ, “bằng lòng từ thể hiện nơi thân, miệng và ý, bằng cách tiếp đón niềm nở các tăng sĩ vào nhà, và cung cấp cho họ những đồ dùng cần thiết”. Đối lại, các tăng sĩ “khuyên ngăn người cư sĩ tránh làm việc ác, khuyến khích làm việc lành, và thương mến họ với những ý nghĩ tốt lành, dạy dỗ họ những gì họ chưa biết, và sửa sai cho họ, thanh lọc những gì họ đã biết”. Mỗi một người đối với sáu liên hệ nầy có năm cách để xử sự thích hợp cho lợi ích cả đôi bên, nhưng các tăng sĩ có thêm một điều : chỉ dẫn cho người cư sĩ thấy “con đường đưa đến sự tái sinh ở cõi trời”.

Về vấn đề hôn nhân, Phật giáo không xem đây là một vấn đề “thiêng liêng”, nhưng mà là một hợp đồng của sự liên hệ. Các tăng sĩ không cử hành lễ thành hôn, nhưng các vị được mời đến để chúc phúc cho cặp vợ chồng sau đám cưới của họ. Một vị Phật tử Nhật lập gia đình theo nghi lễ của Thần Đạo (Shintō), trong khi một người Thái cử hành hôn lễ tại tư gia, nơi mà các vị tổ tiên được báo tin lễ kết hôn của cặp vợ chồng, như vậy họ sẽ không cảm thấy bị xúc phạm khi cặp vợ chồng giao hợp. Ngay lúc đầu buổi lễ thành hôn long trọng của người Thái, cặp vợ chồng là những người đầu tiên đem dâng thức ăn cho các tăng sĩ, chỉ dùng một cái muỗng. Bằng cách nầy, cặp vợ chồng chia xẻ “công đức” cho nhau, để kết hợp những phút giây hạnh phúc của hai người ở tương lai. Về việc nầy, người ta cho rằng một người chồng và một người vợ nếu được kết hợp trong sự tin tưởng chân thật, đức hạnh, rộng lượng và trí tuệ, họ có thể sẽ được tái sinh và gặp lại nhau nếu họ muốn (A. II. 61-2).

Trong khi Phật giáo không chống đối việc ly dị, với những áp lực xã hội phần lớn giới Phật tử ít ly dị. Không giống vài xã hội khác, những người với đạo đức xã hội của người Phật tử, một người đàn bà độc thân ( phụ nữ ở vậy, ly dị hay goá chồng) thường được kính phục. Trong Phật giáo Nam tông và Bắc tông, các luật liên hệ với việc ly dị, phân chia tài sản và con cái tương đối công bằng cho người chồng lẫn người vợ. Vào năm 1902, trong bài viết của ông Fielding Hall có nói đến việc ông xem phụ nữ Miến Điện rất là phóng khoáng hơn cả các phụ nữ phương Tây thời của ông. 5

Tuy nhiên, trong những đất nước Phật giáo Đông phương, đạo đức xã hội Khổng giáo đặt người vợ ở một địa vị thấp kém hơn người chồng.
Ở Thái Lan, phụ nữ có truyền thống và ảnh hưởng ngoài khuôn viên gia đình, trong việc buôn bán lớn và nhỏ. Về nông nghiệp, không có sự khác biệt về các công việc giữa hai giới tính, thường thì đàn ông làm những việc nặng hơn và nắm giữ những quyết định quan trọng. Không có sự chú tâm đặc biệt khi một người đàn ông làm những việc của “người đàn bà”, và ngược lại: một người phụ nữ có thể cày cấy và một người đàn ông làm “bà mụ”. Nơi đất Phật giáo Nam tông, phụ nữ có truyền thống nắm giữ những địa vị về mặt y học và luật pháp, và hậu cung của hoàng gia giữ một vai trò chính trị quan trọng. Ở Tích Lan, bà Bandaranayake là vị nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới. Nơi Phật giáo Bắc tông, phụ nữ được quyền hưởng tự do công bằng về mặt giới tính, quyền gìn giữ tài sản và hành động theo ý họ. Họ thường là chủ gia đình, và rất tích cực trong việc mua bán, nếu họ ít hoạt động về mặt chính trị. Tuy vậy, ngày nay có vô số phụ nữ nắm giữ những chức vị cao trong những người di dân Tây Tạng. Họ cũng có những vị nữ Lạt ma (bLamas) rất quan trọng. Ở Đông Á, nơi mà đạo đức Khổng giáo bành trướng sự phân biệt, trường Ch’an/ Zen đặc biệt nhấn mạnh sự công bằng về giới tính, dựa vào ý tưởng mọi người đều có Phật tánh.

Trong khi Phật giáo xem tất cả mọi người đều có những kiếp sống trước như là nam hoặc nữ, một sự tái sinh làm người nữ trong vài trường hợp được xem là thiếu thuận lợi. Bởi vì người phụ nữ phải chịu vài nỗi khổ mà người đàn ông không phải chịu: phải rời xa gia đình mình đến ở với gia đình chồng; bị kinh nguyệt; mang thai; sanh con; và phải phục dịch chồng (S. IV. 239). Điểm đầu và cuối không bắt buộc theo nguyên tắc, nhưng được trình bày ở đây theo tập tục cổ xưa của người Ấn Độ. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều có những sở đoản và sở trường; vậy mà người ta cho rằng một người đàn bà (trong khi làm đàn bà) không thể trở thành Phật hoặc một Marā (M. III. 65-6). Đức Phật lo lắng đồng đều cho cả hai phái, dù trong một đoạn văn, chỉ rõ rằng, Đức Phật nói Đức Phật sẽ không chết cho đến khi các tăng, ni, và cư sĩ đều thực tập tốt đẹp (D. II. 104). Những bài văn trước đó nói về vô số các vị ni trở thành A-la-hán (“hơn” 500 vị, trong M. I. 490), và một số trong những vị ni nầy đã giảng những bài pháp quan trọng. Quyển Trưởng lão ni kệ (Therīgāthā) [những bài kệ của các vị ni lão thành] ghi lại những bài giảng và kinh nghiệm của trên một trăm vị. Trong khi Đại thừa (Mahāyāna) không bao giờ có quan niệm về một vị nữ Phật, Đại thừa cũng dần dần nhấn mạnh về sự công bằng của giới tính, một phần bằng cách nói rằng “đàn ông” và “đàn bà” cũng là “rỗng không”, so với thực tại cố hữu. Kinh “Bát Nhã” (Perfection of Wisdom) được nhân cách hóa như là một vị nữ Bồ Tát và theo nghĩa bóng là “Mẹ của các vị Phật”; Phật giáo Mật tông cũng trình bày vô số những sinh vật thánh thiện giới nữ, liên quan đến trí tuệ.

Thực tập Phật giáo: Tăng đoàn (THE SANGHA)

Chương nầy nói về Tăng đoàn (Sangha) “theo tập quán” của các tăng ni, và một vài giáo sĩ có gia đình. Tăng đoàn (Sangha) gồm có bốn thành phần, tăng, ni, ưu bà tắc (upāsakas), và ưu bà di (upāsikās), và bất cứ người nào thuộc về tăng đoàn “Thánh Thiện” (xem tr. 178). Những từ Pali phiên dịch “tăng” và “ni” là tỳ kheo (bhikkhu,Skt bhitṣu) và tỳ kheo ni (bhikkhunī, Skt bhikṣuni), nghĩa đen là “nam khất sĩ” và “nữ khất sĩ”. Nguồn gốc khất thực của những vị nầy, vẫn còn thịnh hành với những phạm vi khác nhau, tượng trưng cho sự từ bỏ những hoạt động và liên hệ của thế gian; đây là một cách giúp trau dồi sự khiêm tốn, và cũng để giúp cho các vị nầy không bị tách rời khỏi giới cư sĩ. Liên hệ gần gũi giữa cư sĩ và tăng sĩ làm cho các vị tỳ kheo (bhikkhus) không giống những “tu sĩ” Thiên Chúa giáo. Tăng sĩ cũng khác tu sĩ là những nhiệm vụ thường không phải là sự chấp nhận vĩnh viễn, và như thế họ không chấp nhận nhiệm vụ vâng lời. Đức Phật đánh giá sự tự lực và để lại Tăng đoàn (Sangha) như là một cộng đồng của những cá nhân sống dưới sự hướng dẫn của Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya). Công việc của các hội viên trong tăng đoàn là tranh đấu cho sự phát triển tâm linh của chính họ, và dùng sự hiểu biết cũng như kinh nghiệm về Pháp (Dhamma) để dẫn dắt những người khác: không làm trung gian giữa Thượng đế và loài người, không chính thức hóa những tập tục thế gian. Tuy nhiên, với việc thực tập, các tăng sĩ phải hết lòng chỉ dẫn giới cư sĩ với tư cách một vị tăng, vị ni.

Vai trò của giáo hội

Các hội viên của Tăng đoàn (Sangha) có thể là số tăng sĩ đông nhất trên thế giới. Dù rằng thái độ thù nghịch của chính quyền Cộng Sản đã làm giảm con số trên một triệu người giữa thế kỷ thứ hai mươi, và ít nhất một phần ba con số nầy vẫn còn tồn tại. Cuộc sống của các tăng sĩ không phải là “trốn tránh” hay “ích kỷ”, như người ta đôi lần nghĩ. Một người cư sĩ có thể tự mình giải trí, rời khỏi những thực tại trong đời sống, lơ là với những yếu điểm cá nhân bằng những trò tiêu khiển, những thú vui giải trí, rượu và giới tính. Ngược lại, đời sống tăng sĩ được thành lập để không thể có sự sao lãng, như vậy sẽ ít cơ hội để làm lơ với tham lam, sân hận và si mê, và như vậy có nhiều cơ hội để làm giảm tham, sân, si và chỉ dẫn những người khác làm được như mình. Phần đông các tăng ni thực tập điều nầy, dù có một số ít cho rằng đời sống tu viện là cách kiếm sống lười biếng. Về việc “ích kỷ”, mục tiêu của đời sống tu viện là làm giảm sự bám víu vào cái ngã, và những ham muốn hay ác cảm sau đó.

Về mặt tâm linh, Đức Phật cảm thấy đời sống của một người có gia đình dường như là sự bó buộc, như vậy rất khó cho một người cư sĩ hoàn hảo “đời sống thánh thiện” (xem tr. 17). Khi một người sống đời sống tu viện “xa lìa gia đình để trở thành kẻ không nhà”, đời sống ở đây thiếu những tham đắm và giới hạn liên hệ với đời sống thế tục, và được xem là có nhiều cơ hội để phát triển và ít cơ hội bị cám dỗ, để họ luôn bền bỉ, kiên trì tiến triển về mặt thực tập tâm linh.

Những bài văn trước đó nói về vô số cư sĩ đạt quả vị Nhập lưu, hơn 1.000 người cư sĩ giữ tám giới đạt quả vị Một lần trở lại (M. I. 490-1), và một số ít cư sĩ với quả vị A-la-hán (A. III. 450-1). Thật vậy, trong khi hoàn cảnh của đời sống tại gia gặp nhiều trở ngại, những người cố gắng hết sức của họ, vẫn có thể đạt được những tiến bộ đáng kể về mặt tâm linh. Tuy nhiên, phần đông các trường Phật giáo xem đời sống tu viện như là một cuộc sống cao vợi, và là một cuộc sống mà mọi người nên kính trọng và ước nguyện được gia nhập tăng đoàn vào một lúc nào đó trong tương lai.

Nơi Phật giáo Nam tông, người ta cho rằng một vị Nhập lưu cũng cần phải cúi chào một vị tu sĩ chưa giác ngộ, là bày tỏ lòng kính trọng đối với một người đã xa rời thế gian và sống đời sống tu sĩ (Miln. 162-4). Hơn nữa, một người cư sĩ đạt quả vị A-la-hán cần phải được thọ giới ngay trong ngày đó (nếu vị đó vẫn còn sống), vì trạng thái tự nhiên cao thượng nầy không được trình bày trong nội dung của người cư sĩ (Miln. 264-6). Lòng kính trọng một tăng sĩ nơi Phật giáo Nam tông được phản ảnh trong những danh từ kính cẩn đặc biệt, được sử dụng khi nói chuyện với các tăng sĩ, và ở Đông Nam Á, một vị tăng sĩ “không ăn thức ăn”, nhưng “ca ngợi thức ăn bố thí”.

Trong truyền thống mà Mật tông (Mantrāyāna) Phật giáo Bắc tông chiếm ưu thế, một vị Lạt ma (bLama) thường là một vị tăng hay ni với niềm vui đặc biệt lâu dài, nhưng một người cư sĩ nếu đạt được những tính chất nầy trong lúc thiền định hay làm những nghi lễ Mật tông cũng được tôn trọng như một vị thầy khả kính. Các vị Lạt ma cư sĩ rất phổ biến nơi trường rNying-ma; những vị nầy sống xa tu viện trong vùng, nhưng vẫn tham dự vài nghi lễ được cử hành ở tu viện. Một số trường cũng cho phép các vị tăng sĩ có kinh nghiệm được tạm thời xả giới cấm giao hợp để cử hành những nghi lễ Mật tông du già giao hợp (sexual yoga). Các vị Lạt ma cư sĩ nói chung thường được xem là thuộc về tăng đoàn theo tập quán, như một số những vị ẩn sĩ tu tập thiền định chưa thọ giới hoặc những người chuyên môn đọc kinh .

Ở Nepal, qua bao thế kỷ dưới ảnh hưởng của Ấn giáo đưa đến sự tuyệt chủng của Tăng đoàn (Sangha) độc thân giữa những người Phật tử Newari (dù tăng đoàn nầy vẫn tiếp tục giữa những thiểu số của nền văn hóa Tây Tạng). Những vị tu sĩ Mật tông còn lại là con cháu của các tăng sĩ, và họ hình thành một giai cấp riêng biệt trong xã hội. Phần đông họ được gọi là tỳ kheo (bhikṣu), nghĩa đen là “tu sĩ”, trong khi những người được chọn lọc là vajrācārya, “những vị thầy vajra”. Cả hai loại tu sĩ nầy đều sống chung với gia đình của họ ở trong và chung quanh tu viện, và các thầy tỳ kheo (bhikṣus) thường là những thợ kim hoàn. Họ được “thọ giới” trước khi họ bảy tuổi như những người mới tu, và đi khất thực trong vòng bốn ngày trước khi được xả giới, mà bây giờ bị xem là quá khó để mà thi hành. Lễ nghi được xem là phần điểm đạo. Các vị tỳ kheo cũng vận áo tu khi làm những nhiệm vụ có tính cách tôn giáo, những vị nầy cũng bị giới hạn hơn là những vị vajrācārya đã được điểm đạo cao hơn, và là những người chuyên môn trong những buổi lễ khác, và gìn giữ những hiểu biết về kinh điển.

Ở Nhật Bản, sự khác biệt giữa cư sĩ-tăng sĩ thường bị giảm đi. Vào thế kỷ thứ chín, Saichō giới thiệu một luật của tu viện ít nghiêm khắc hơn cho các tăng sĩ Tendai, và không theo tập quán trước đó, các vị thánh thiện được biết đến như là hiriji bắt đầu từ bỏ áo tu sĩ và không màng đến những giới luật cấm ăn thịt trong khi truyền bá Phật giáo trong giới bình dân. Vào thế kỷ thứ mười ba, Shinram giới thiệu một đời sống tu sĩ có gia đình nơi trường Jōdo-shin, làm tiên phong cho các tu sĩ của những trường khác bắt chước. Bắt đầu từ lúc nầy, Phật giáo Nhật Bản cũng bắt đầu phát triển một chiều hướng nghiêng về thế tục nhiều hơn, mà thường được xem là thực tại tối hậu trong việc thâm nhập tất cả những hoạt động hàng ngày. Đây được xem là cách sống trong thế tục với thái độ chân chính, và đây là cách bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Phật Amitābha, một vị trường Nichiren giục mọi người hãy thanh lọc xã hội, hoặc có tính chất Zen là hiến mình trong công việc đang làm. Vai trò của tăng và ni lúc nầy ít được quan tâm, thiếu sức thu hút, và Phật giáo có chiều hướng nghiêng về giới cư sĩ, với lòng tôn kính được chú trọng ngay nơi bàn thờ tại gia, hơn là ở tu viện.
Sau sự trùng tu của Meiji vào năm 1868, chính quyền ra sắc lệnh là các tăng sĩ của các trường có thể lập gia đình, và điều nầy được áp dụng cho đến nỗi các tăng sĩ độc thân hiện nay phần đông là các thiếu niên đang trong thời gian thực tập. Trong khi đó, các vị ni vẫn giữ nếp sống độc thân. Sự thực tập ở tu viện bây giờ được xem là sự sửa soạn cho vai trò giáo sĩ, người cử hành các nghi lễ như tang lễ cho giới cư sĩ, và thường truyền trao ngôi chùa lại cho con trai của mình. Trong thời gian sau chiến tranh, các bà vợ của giáo sĩ được quyền đảm nhiệm vai trò của một vị giáo sĩ, nhưng những hoạt động gọi là “Tôn giáo Mới”có tính cách tỉnh thành rất phổ biến trong giới cư sĩ, và vì thế họ không cần nhiều đến các giáo sĩ cũng như tăng sĩ.

Ở Đại Hàn, vài vị “tăng sĩ” cũng lập gia đình, nhưng con số nầy gia tăng nhanh chóng trong thời Nhật cai trị (1904-45), vì muốn Nhật Bản hóa đời sống của người dân Đại Hàn. Từ lúc đó, cảm giác chống Nhật đưa đến việc thành lập lại sự độc thân cho tất cả các giáo sĩ, nhưng một phần lớn các nam giáo sĩ vẫn lập gia đình.

Khuôn mẫu cho việc thọ giới

Việc gia nhập vào tăng đoàn tu viện có hai cấp bậc. Bắt đầu lúc bảy hoặc tám tuổi, một đứa trẻ có thể được thọ giới ở cấp bậc thấp, hoặc được thọ giới pabbajjā, và để trở thành một nam sa di (sāmaṇera, nữ sāmaṇerī): một “vị sa môn” (Samana) nhỏ hoặc mới tu, đầu cạo trọc, như là một dấu hiệu từ bỏ sự phù phiếm. Tăng ni Trung Hoa cũng được nhận diện bởi những vết sẹo nhỏ từ việc đốt nhang trên da đầu như là lễ vật dâng cúng cho Đức Phật. Áo tăng sĩ được mặc thường là màu: cam, vàng hoặc nâu cam trong Phật giáo Nam tông; nâu đỏ nhạt nơi Phật giáo Bắc tông; thường là màu xám ở Trung Quốc hay Đại Hàn, và thường là màu đen ở Nhật Bản.

Nơi Phật giáo Bắc tông và Đông phương, những áo tràng Nguyên Thủymàu cam có thể được sử dụng trong những nghi lễ, trong khi ở Nhật Bản, các vị tăng sĩ cao cấp (và giáo sĩ) đôi lúc cũng mặc áo tràng bằng tơ lụa thêu kim tuyến tỉ mỉ. Một dấu hiệu khác của tăng, ni hoặc người mới tu là chén khất thực, thường là một đồ đựng sâu lòng tròn có nắp đậy.

Tăng ni cũng có những tên tôn giáo, chẳng hạn như tên Ānanda (tên của vị tăng sĩ thị giả của đức Phật ), Metteyya (Pali, nghĩa là “người thân thiện”, và là tên của một vị Phật tương lai).

Một vị tăng sĩ mới hay một người mới tu thường làm thị giả cho một tăng sĩ lớn hơn, một người thầy và là một người bạn đồng hành trong đời sống tu tập, một mối liên hệ rõ ràng như cha và con (Vin. I. 45). Ở Đông Nam Á, thời gian mới tu ngắn hạn rất thông dụng, kéo dài ít nhất là vài ngày hoặc vài tuần. Việc nầy là để tạo “công đức” cho bậc cha mẹ hoặc bà con thân thuộc đã qua đời, hoặc như ở Miến Điện, một loại nghi lễ quá giang cho các cậu con trai gần đến tuổi dậy thì. Đương nhiên có vài vị mới tu ở lại tu viện cho đến lúc trở thành những tăng sĩ thật sự. Ở Tây Tạng, Đại Hàn, và cho đến một phạm vi nhỏ hơn trong truyền thống Trung Hoa, người ta gia nhập tăng đoàn vào lúc còn nhỏ; ở Trung Hoa, sự thọ giới chính thức cho một người mới tu thường được chờ cho đến lúc người nầy được mười chín tuổi.

Những thí sinh được chấp nhận cho thọ giới cao hơn, cần không có bịnh truyền nhiễm, nợ nần, hoặc vừa phạm tội, và phải được phép của cha mẹ, và thường là sự đồng ý của người vợ nếu đã lập gia đình. Những người nầy cần phải biết đọc, viết và tụng một ít kinh. Việc thọ giới cho một vị tu sĩ, cần có một số đại biểu quy định là năm vị tăng sĩ đã được thọ giới một cách chính thức, mà uy tín của các vị nầy được xem là tiếp nối truyền thống không gián đoạn của tăng đoàn từ thời Đức Phật.

Lúc thọ giới, thí sinh nhận giới thấp hơn nếu như chưa bao giờ thọ giới, sau đó thì nhận lấy trên hai trăm giới luật để thực tập; trong truyền thống Bắc tông và Đông phương, vị nầy cũng thọ luôn những giới Bồ Tát. Đức Phật khuyên ngăn các tăng sĩ đừng xả giới, và việc thọ giới lúc ban đầu được chấp nhận với ý định là làm tăng sĩ vĩnh viễn. Tuy vậy, uy tín của tu viện chưa bao giờ bị hủy bỏ.

Nơi đất Phật giáo, một người trở thành tăng, ni hay giáo sĩ vĩnh viễn, nhưng hệ thống của việc thọ giới tạm thời đã tiến triển nơi các đất Phật giáo Nam tông của Đông Nam châu Á. Ở đây, có truyền thống là mọi thanh niên Phật tử phải gia nhập Tăng đoàn trong một thời gian hạn định, thường là trong mùa Vassa (lúc nầy con số tăng sĩ có thể tăng lên gấp đôi). Trong khi thực tập thì có khoảng năm mươi phần trăm gia nhập tăng đoàn, thường là nhiều lần trong cuộc sống. Trong khi sự tiếp nối đời sống tu viện được gìn giữ bởi một số tăng sĩ nồng cốt, hệ thống nầy tạo nên một liên hệ gần gũi giữa cư sĩ – tăng sĩ, và đào tạo nên một giới cư sĩ có trình độ và kinh nghiệm về mặt tâm linh.

Làm tăng sĩ trong một thời gian hạn định thường được xem là “sự trưởng thành” của một thiếu niên trước hôn nhân, và đây cũng là cách làm cho những người lớn tuổi tạo “công đức” cho cuộc sống ở vị lai. Đặc biệt nhất là ở Thái Lan, đời sống tu viện có thể chu cấp cho một người về học vấn thế học lẫn giáo học, như thế nếu một mai vị tăng sĩ bỏ tu, chức vụ của người nầy trong xã hội cũng cao hơn lúc trước, và người nầy cũng được kính trọng như là một vị cựu tăng sĩ. Tuy nhiên, ở Tích Lan, một người cựu tăng sĩ vẫn còn lại những dấu vết; và một vị tăng sĩ Colombo đã giới thiệu việc thọ giới trong thời gian là hai tuần lễ cho những người trưởng thành mới tu, và điều nầy gây ra một cuộc tranh cãi vào năm 1982.

Các vị ni

Ở xã hội Ấn Độ thời Đức Phật còn tại thế, có một số ít ẩn sĩ và tranh luận gia là phái nữ, nhưng việc thọ giới cho phụ nữ là một sự đổi mới rất tương đối. Thật ra Đức Phật cũng ngần ngại về việc nầy, có thể là vì sức ép của xã hội không cho phép người phụ nữ ở vào một địa vị được tôn kính, và phụ nữ có những yếu điểm khi phải đi theo cuộc sống rày đây mai đó, và có thể bị vu khống về việc giao hợp với các tăng sĩ. Cuối cùng thì Đức Phật cũng chấp nhận lời thỉnh cầu của người dì, người mẹ nuôi goá chồng, khi vị tu sĩ thị giả trung thành là Ānanda hỏi Đức Phật rằng nếu như người phụ nữ có khả năng trở thành những vị Nhập lưu và A-la-hán (Vin. II. 254-5).

Đức Phật chấp nhận là đúng như vậy, và Đức Phật thành lập một tăng đoàn gồm những vị tỳ kheo ni (bhikkhunī). Tuy vậy, với điều kiện là người ni phải giữ tám giới đặc biệt, như một vị ni luôn luôn phải cúi chào lễ phép một vị tăng, dù cho vị nầy có nhỏ hơn mình. Một tăng sĩ nhỏ tuổi giác ngộ vẫn phải cúi chào một vị tăng lớn tuổi chưa giác ngộ, cấp bậc thứ tự trong việc chào hỏi không chỉ định giá trị ở bên trong; tuy vậy nó cung cấp một cấu trúc rõ ràng nơi tu viện ai phải chào ai. Những giới luật khác làm cho ni chúng phải nương tựa vào các tăng trong lúc cử hành các buổi lễ, gồm có việc thọ giới, để bảo đảm cho hội đoàn phát triển một cộng đồng tâm linh hoàn toàn độc lập nơi xã hội thế tục. Để trở thành một vị cố vấn cho ni chúng, một tăng sĩ phải là một người có tuổi, sáng suốt, tánh tình tốt và danh tiếng, và cũng là một nhà hùng biện (A. IV. 279-80).
Bây giờ hội đoàn ni chúng chỉ còn sống sót ở Phật giáo Đông phương, nơi mà một phần của sự thành công là nhờ vào việc nâng cao địa vị xã hội của người phụ nữ nói chung. Ở Trung Quốc, các vị ni thường sống ở những tu viện không vào được, dành riêng cho ni chúng, vì Khổng giáo có những phê bình nghiêm khắc dành cho phụ nữ vì tính tình của họ. Năm 1930, Trung Quốc có 225.200 vị ni và 513.000 vị tăng. Ở Đại Hàn, ảnh hưởng của Khổng giáo làm cho các phụ nữ nản chí không muốn trở thành một vị ni, nhưng điều nầy đang thay đổi từ năm 1920, và Nam Hàn bây giờ có khoảng 15.000 vị ni so với 8.000 vị tăng (không tính những vị giáo sĩ lập gia đình). Những vị ni Đại Hàn gìn giữ các giới theo kinh luật (Vinaya) còn hơn cả những tăng sĩ và ni chúng cũng gần gũi với giới cư sĩ nhiều hơn : những buổi lễ và việc tụng kinh là rường cột chính hàng ngày của người Phật tử. Ở Nhật Bản, các vị ni có địa vị rất thấp, họ không thể sống trong những ngôi chùa đúng nghĩa, ( mà phải ở những nơi ẩn dật), tự cử hành tang lễ theo ý họ, hoặc được nhìn nhận là những vị thầy Zen. Những hạn chế nầy được thay đổi trong bầu không khí tự do từ năm 1945.

Ở Tây Tạng, việc thọ giới cho ni chúng không được giới thiệu từ Ấn Độ , dù các tăng sĩ thọ giới cho ni chúng bắt đầu từ thế kỷ thứ mười hai. Tuy nhiên, một hội đồng ý kiến có nhiều ảnh hưởng không chấp nhận điều nầy như một sự thọ giới có giá trị, vì thế “các vị ni” bây giờ thực hành mười giới như những người mới tu, và rồi thêm hai mươi mốt giới nữa, chứ không phải là một kỷ luật đầy đủ của một vị tỳ kheo ni (bhikkṣuṇī).

Nơi Phật giáo Nam tông, việc thọ giới cho các vị tỳ kheo ni (bhikkṣuṇī)bị tiêu diệt vào thế kỷ thứ mười một ở Tích Lan sau cuộc xâm lăng thảm khốc; ở Miến Điện, ni chúng vẫn hiện hữu ít nhất đến thế kỷ thứ mười ba. Một vị ni Phật giáo Nam tông bây giờ là một phụ nữ thường giữ tám hoặc mười giới, thường được gọi là sil māṇiyō (Tích Lan), thela-shin (Miến Điện) hoặc mae chi (Thái Lan). Đối với một vị tăng, đầu cạo trọc, và lấy một tên Pali, vận áo tràng: trắng, nâu, nâu hồng hoặc vàng. Việc thọ giới thường là “thường trực”, dù ở Miến Điện, có vô số cô gái trẻ được thọ giới trong vài tuần trước tuổi dậy thì. Con số ni chúng của Phật giáo Nam tông đang gia tăng trong thế kỷ nầy. Ở Tích Lan, có khoảng 3.000 vị ni (so với 20.000 tăng sĩ), và ở Thái Lan, 70.000 vị ni (so với 250.000 vị tăng trong mùa Vassa).

Ở Thái Lan, các vị ni thường làm những công việc nội trợ trong tu viện, và có ít thời gian để học tập so với các vị tăng. Phương tiện bão dưỡng của ni chúng đều nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình, tiền để dành, tự trồng trọt để ăn, và có thể có dư nhờ vào sự cúng dường của giới cư sĩ. Trong vài vùng quê, các vị ni thường đi khất thực. Trong khi ni chúng không có chút uy tín nào trong xã hội so với các vị tăng, việc làm của Hội Ni Chúng Thái Lan được thành lập vào năm 1969, đã giúp nâng cao phẩm giá của các vị ni đối với thái độ của dân chúng. Các vị ni bây giờ gia tăng học tập Pháp (Dharma) và tiếng Pali, và họ cũng giảng dạy trong những trường của tu viện, phục vụ trong các bệnh viện, hoặc lo lắng cho các thiếu nữ phạm pháp. Ở vùng nông thôn, vài vị ni có khả năng thành lập những ni viện độc lập, và dạy thiền cho những vị ni khác và những người nữ cư sĩ.

Ở Miến Điện, phần đông các vị ni sống trong những tu viện độc lập; họ được giúp đỡ bởi sự bảo trợ của giới cư sĩ, nhận thức ăn cúng dường lúc đi khất thực. Họ bỏ nhiều thời gian trong ngày để học tập, và vài người trong họ là những thiền giả có kinh nghiệm. Ở Tích Lan, theo truyến thống những vị ni thường trực là những người phụ nữ lớn tuổi giữ tám giới và sống nhờ vào sự bố thí hay từ thiện.

Vào năm 1907, một cơ sở của các vị ni giữ mười giới được truyền bá từ Miến Điện, và dần dần hấp dẫn các thiếu nữ. Bắt đầu từ năm 1945, các vị ni nầy cũng gia tăng các hoạt động của họ, thuyết pháp cho công chúng và phát triển thành một hội đoàn như hội đoàn của các vị tăng. Thời gian của họ là học tập và thiền định, và phục vụ cho giới cư sĩ bằng cách cử hành những nghi lễ và dạy Phật Pháp (Dharma) cho người lớn và trẻ em. Đổi lại, giới cư sĩ ủng hộ họ với sự cúng dường, v.v... Vì đời sống của họ giản dị và vì họ thực tập thiền định, giới cư sĩ thường thấy họ sống một nếp sống phẩm hạnh hơn là các tăng sĩ ở làng mạc hay thành phố. Vài vị ni hy vọng rằng Hội đoàn Tỳ kheo ni Nam tông (Theravādin Bhikkhunī Order) có thể được tái lập. Tuy vậy, việc thọ giới tỳ kheo ni cần có một đội ngũ tỳ kheo ni được thọ giới một cách xứng đáng cũng như một đội ngũ tăng sĩ, vì thế rất là cần thiết để tìm kiếm một cộng đồng tỳ kheo ni phái Đại thừa (Mahāyāna) đạt đến những tiêu chuẩn Phật giáo Nam tông về hàng ngũ thọ giới và kỷ luật. Có thể thực hiện được việc nầy, vì ở Đài Loan, Đại Hàn hoặc Mỹ quốc đã có hội đoàn ni chúng, như hàng ngũ ni chúng được thọ giới của Trung Hoa, một phần bắt nguồn từ thế kỷ thứ năm sau Công nguyên ở Tích Lan. Mười hai vị ni được thọ giới tỳ kheo ni (bhikkhunīs) ở Mỹ quốc vào năm 1988, nhưng một hoạt động như thế cần được chính thức chấp nhận. Để cho hàng ngũ tỳ kheo ni được chính thức tái lập, cần có sự đồng ý của các vị tăng sĩ lão thành ở những đất nước theo Phật giáo Nam tông, mà đây có lẻ là một điều rất khó thực hiện. Vô số ni chúng lại thích địa vị hiện tại của họ, vì như vậy họ ít bị lệ thuộc hơn vào các tăng sĩ so với lúc họ là những vị tỳ kheo ni. Các vị ni Tây Tạng cũng hy vọng tái thành lập một hàng ngũ tỳ kheo ni được thọ giới. Những ước vọng nầy đưa đến một cuộc hợp quốc tế của các ni chúng Phật giáo vào tháng hai năm 1987 ở Bodh-Gayā.

Kỷ luật tu viện

Cuộc sống tu viện dựa “theo nghi thức” của kinh Luật (Vinaya), có nghĩa là “đây là điều đưa một người ra khỏi (đau khổ)”. Những thành phần chánh của đoạn kinh nầy là những giới cấm (sikkhāpada) cho các vị tỳ kheo (bhikkhus), và tỳ kheo ni (bhikkhunis), với những quy định giúp cho sự điều hành trong đời sống tu viện, và trong những buổi lễ được trôi chảy. Mỗi một luật lệ được gọi là pāṭimokkha (Skt. prātimokṣa), và được tìm thấy trong kinh Sutta-Vibhaya. Đây cũng có giả thuyết diễn tả tình trạng đưa đến việc Đức Phật phải ra điều luật, và làm dịu bớt những tình trạng xóa bỏ hoặc giảm bớt những kết quả thông thường của việc xa lìa giới cấm. Những quy tắc của đời sống cộng đồng được gọi là Kamma-vācanā, chứa đựng trong Kinh Khandhaka.

Giới pāṭimokkha dần tiến hóa trong thời Đức Phật, và có thể là cho đến một thế kỷ sau đó. Theo nghĩa của từ “pāṭimokkha”, là “sự liên kết”: một cái gì mà “ngược lại với sự rải rác” của những trạng thái tâm linh và sự thanh tịnh của Tăng đoàn (Sangha). Trong tư cách chuyên môn, như là sự sửa soạn công phu của mười giới, nơi đây giới hạn một cách mạnh mẽ sự buông lung đối với những ham muốn, và làm tăng nếp sống tự chủ, an tịnh, cho lợi ích của các tăng, ni, và là một tấm gương để “gợi niềm tin” nơi giới cư sĩ (Vism. 19). Các luật lệ không phải là những điều cấm đoán, mà là những phương tiện để giúp cho việc thực tập tâm linh cho những ai gìn giữ giới luật và để luôn có được sự chú tâm. Bằng cách luôn đối diện với những lằn ranh có giới hạn, các vị tu sĩ có thể nhận thấy được “sự tham lam, sân hận, và si mê” của chính họ, và như vậy sẽ có khả năng để đối trị với chúng.

Giới pāṭimokkha được tụng trong những ngày lễ kỷ niệm hoặc trong những ngày trăng non và trăng tròn. Đầu tiên, lễ nầy là để công nhận trước mọi người nếu như phạm một giới, nhưng sau đó trở nên một lễ riêng biệt giữa hai tăng sĩ trước khi lễ được cử hành. Ở đây, luật được tụng bởi một vị tăng chủ xướng, bây giờ thường là một bài kinh ngắn gọn, và sự im lặng của những người khác được xem là một dấu hiệu nói lên tư cách của họ là thanh tịnh, và không có lỗi gì. Trong trường hợp nầy buổi lễ được xem là phương cách bày tỏ nghi thức tế lễ quan trọng của một tăng đoàn đặc biệt trong vùng và sự thanh tịnh của cộng đồng nầy. Theo đó, một vị tăng trong một hội chúng giới thiệu những giới luật (sīmā) của tu viện và phải có mặt trong buổi lễ nầy, trừ khi đang mang bệnh, và họ phải gửi thư báo về sự thanh tịnh của họ.

Hội đoàn huynh đệ tu viện buổi đầu phát triển những lời giải thích khác nhau về nguồn gốc của giới pāṭimokkha có lẽ là 150 giới luật, dù những giới luật nầy giống nhau về phương diện bản chất và phần lớn là những chi tiết. Có ba giới pāṭimokkha còn đang được sử dụng.

Phật giáo Nam tông có 227 giới luật cho tăng (311 cho ni) và một giới pāṭimokkha dùng ở Phật giáo Nam tông là Mūla-Sarvāstivādin, giới cho các tăng là 258 (366 cho ni) được sử dụng nơi Phật giáo Bắc tông, trong khi Dharmaguptaka có 250 giới cho tăng (348 cho ni) sử dụng trong Phật giáo Đông phương.

Các giới luật được sắp xếp theo thứ loại tùy vào mức độ của sự nghiêm trọng. Giới đầu tiên liên quan đến những hành động trong bốn tội nghiêm trọng (pārājika), đưa đến những khuyết điểm trong nếp sống tu viện và bị trục xuất luôn ra khỏi tu viện. Đối với các vị tăng, đây là những vi phạm nặng của bốn và mười giới: những ý muốn về giao hợp trong bất cứ loại nào; đánh cắp một vật nào đó có giá trị; giết một mạng người; và tuyên bố sai sự thật đối với giới cư sĩ như cho rằng mình đã đạt được trạng thái thiền na (jhāna) hoặc Nhập lưu (một cách để nhận được nhiều của cúng dường), vì những quả nghiệp quan trọng theo sau được thành hình khi một tăng sĩ phạm luật, và người nầy nên trở lại với đời sống tại gia thì tốt hơn là sống đời tăng sĩ mà đang trên đường phá giới.

Sự độc thân được xem là quan trọng vì sự giao hợp giới tính bày tỏ sự bám víu rất mạnh mẽ, và khi sử dụng năng lượng nầy cho việc khác sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Đối với các vị ni, có thêm tất cả bốn tội trọng (pārājika) vi phạm: (với ý muốn có tính cách giới tính) đụng chạm hoặc đến chỗ hẹn với một người đàn ông; không khai báo khi một vị ni khác đã phạm giới pārājika; và liên tục bắt chước tư cách của một vị tăng đã bị khai trừ. Những giới còn lại giải thích về những điều luật pāṭimokkha dành cho các vị tăng.

Phạm trù thứ hai bao gồm một sự tập hợp chính thức của Tăng đoàn (Sangha) đối với những sai lầm của kẻ lạc đường, họ bị đặt vào tình trạng thử thách, bị đối xử như một vị tăng nhỏ tuổi và trong nhiều ngày không được tham dự những việc quan trọng trong tăng đoàn, cho đến lúc họ công nhận lỗi lầm gây ra. Có khoảng mười ba điều luật như thế nầy dành cho các vị tăng. Năm điều về những hành động có tính chất nhục dục ngoài sự giao hợp. Hai điều liên quan đến nơi cư trú ở trong viện, không được quá lớn, hoặc không được xây nhà mà cần phải chặt hay đốn cây, vì như thế có thể làm tổn hại đến những sinh vật khác. Hai điều khác liên quan đến sự bắt tội sai lầm về sự xúc phạm có tính cách “thắng bại”; hai điều khác là làm chia rẽ hay ủng hộ sự chia rẽ trong tăng đoàn; đối với một vị tăng liên tục khó chịu khi bị phê phán lỗi lầm, và cuối cùng là đối với một vị tăng “làm hư hoại gia đình” bằng cách cho những vật nhỏ hầu mong được nhận lại sự cúng dường lớn hơn, nhiều hơn.

Phạm trù thứ ba gồm có hai điều luật cấm một vị tăng ngồi một mình với một phụ nữ ở nơi hẻo lánh. Đây là để bảo vệ danh tiếng của tăng đoàn, và cũng để tránh sự cám dỗ không cần thiết.

Phạm trù thứ tư gồm có mười ba điều luật, đối với những hành động cần chuộc lỗi (bằng cách nhận tội) và bị tước đi tài vật. Những vật sở hữu được cho phép chỉ có trọng lượng nhỏ tối đa, trừ khi trong thời hạn ngắn, và không được trao đổi nếu như đã cũ rồi. Không được nhận, cầm, hoặc sử dụng hay gìn giữ bạc tiền ( ở đây không ngăn cản sự nhận và sử dụng tiền bởi người cư sĩ làm quản lý trong tu viện).

Những vi phạm từ những luật của phạm trù thứ năm thì chỉ có chuộc tội. Ở đây có chín mươi hai điều (chín mươi cho Bắc tông và Đông phương) đối với những việc như:

Làm tổn thương đến những sinh vật bằng cách tự mình giết, đào đất hoặc hủy hoại cây cối;

Ngủ dưới một mái nhà có phụ nữ, hoặc ngồi với phụ nữ ở nơi riêng biệt;

Nhiều dạng của lời nói sai trái, tư cách không thân thiện đối với bạn đồng tu, và công nhận với giới cư sĩ là mình đạt được những trạng thái thiền cao thẳm;

Ăn sau giờ ngọ, uống rượu, và tiêu thụ thức ăn và đồ uống (trừ nước) không được dâng tặng một cách chính thức;

Thái độ giỡn cợt, không thích hợp, và xem đội lính đánh nhau hoặc diễn hành;

Không được ngủ quá ba đêm ở tại nhà cư sĩ, hoặc nằm giường cao sang;

Xem thường những giới luật nhỏ cho là phiền hà, giả bộ không biết một điều luật, hoặc biết mà che dấu sự vi phạm của tăng sĩ từ một cho đến mười bảy giới.

Phạm trù thứ bảy chỉ cần nhận biết sự vi phạm. Ở đây có bốn điều luật, chẳng hạn như một tăng sĩ không được nhận thức ăn từ một vị ni không có liên hệ với mình (vì các vị ni thường khó được cúng dường, và vì thế không nên chia xẻ thức ăn đó cho các tăng sĩ).

Phạm trù thứ bảy cũng được thực hành bởi những vị mới tu, nhưng họ không bị hình phạt. Những lời chỉ dẫn nầy – trong giới luật của Phật giáo Nam tông có bảy mươi lăm điều- để bảo đảm rằng các vị tăng sĩ thanh thoát và xứng đáng trong tư thế vận áo tràng, đi, cử động, nhận và ăn thức ăn cúng dường. Cử chỉ thanh thản trầm tĩnh nầy được giới cư sĩ đánh giá rất cao.

Bộ sau cùng gồm có bảy điều luật nói về những tiến hành để giải quyết những câu hỏi chính đáng về những vi phạm. Những luật nầy trình bày những phán quyết, như vô tội, không thể bị bắt tội vì điên, và là một lời phán quyết của đa số.

Sau giới luật pāṭimokkha được đóng lại, những luật lệ loại phụ được phát triển để che đậy những hành động không đến nỗi gọi là vi phạm hoàn toàn, nhưng được tính sổ, và làm giảm đi sự quan trọng của vấn đề, như “vi phạm nghiêm trọng”, “vi phạm những việc làm sai lầm”, hoặc “vi phạm trong lời nói”.

Ngoài những hình phạt được nói ở trên, một hội đoàn có thể áp đặt những luật như là chỉ trích hay bị đuổi. Sự trục xuất được áp đặt vì không chấp nhận là đã có vi phạm, không sửa chữa nó, hoặc không từ bỏ nhận thức sai lầm về thái độ nhục dục. Đây còn đi xa hơn sự thử thách, thí dụ, những vị tăng khác không được nói chuyện với vị nầy.

Mức độ mà pāṭimokkha được chấp nhận thay đổi trong khi thực tập. Nơi Phật giáo Nam tông, trong khi có một trình độ cao về việc giữ gìn giới luật, vô số thích nghi tùy vào hoàn cảnh được chấp nhận, và những hội đoàn huynh đệ tu viện hoặc hàng ngũ học trò khác tiếp nối với sự thông dịch của bộ Luật (Vinaya). Ở Thái Lan, thí dụ, trong khi phần đông tăng sĩ thuộc hệ phái Kinh Đại thừa (Mahā Nikāya), “Đại Hội Đoàn Huynh Đệ”, một thiểu số có uy tín thuộc về Kinh Pháp Tạng Bộ (Dhammayuttika Nikāya), một truyền thống cải đổi được thành lập vào thế kỷ thứ mười chín.

Cạnh đó, nhấn mạnh sự thực tập đối với bộ Luật (Vinaya), đây cũng nhấn mạnh sự hiểu biết kinh điển và thiền định, và ít quan trọng về việc giảng dạy giới cư sĩ so với phái Kinh Đại thừa (Mahā Nikāya). Ở Tích Lan, những hội đoàn huynh đệ phần lớn có những giai cấp khác nhau.

Đây là một điều đáng buồn, vì như Đức Phật đã nhấn mạnh rằng giai cấp xã hội không ích lợi gì trong nếp sống tăng đoàn. Hệ thống giai cấp phát triển giữa những người Phật tử ở Tích Lan là vì ảnh hưởng ở gần Ấn Độ , và sự có mặt của một thiểu số Ấn giáo đáng kể.

Ở Ấn Độ có tất cả bốn giai cấp chánh, cộng thêm một giai cấp “không được chạm vào” và có khoảng 3.000 giai cấp sắp xếp theo thứ lớp. Dù vậy, ở Tích Lan, chỉ có khoảng hai tá giai cấp; phần đông dân chúng thuộc vào giai cấp cao nhất (trồng trọt lúa goyigama), và có một nhóm nhỏ thuộc về “giới không được chạm vào”. Phần đông dân chúng lập gia đình với những người cùng giai cấp, trong khi cũng có vài trường hợp lập gia đình với những người giai cấp khác, nhưng một người hạ cấp phải luôn kính trọng một người ở giai cấp cao hơn, và một người ở địa vị cao không bao giờ nhận thức ăn và đồ uống từ một người hạ cấp. Từ lúc có sắc lệnh hoàng gia vào năm 1765 cho phép những người không giá trị được thọ giới, chỉ có những người goyigama là được thọ giới theo Siyam Nikāya, dựa vào hàng ngũ thọ giới được giới thiệu lần nữa vào năm 1753 từ Thái Lan (lúc đó được gọi là nước Xiêm). Những hàng ngũ thọ giới được giới thiệu từ Miến Điện: vào năm 1803, để thành lập một giai cấp thấp hơn là Amarapura Nikāya (mà có khoảng ba nhóm phụ), và vào năm 1865, đã hình thành một cải tiến với Rāmañña Nikāya, mà chính thức không có giai cấp nhưng nghiêng về sự kết nạp bắt đầu từ những giai cấp trung lưu. Những người nam cư sĩ hơi vùng vằng khi phải chào hỏi một vị tăng sĩ ở giai cấp thấp hơn, nhưng vô số tăng sĩ rất xấu hổ khi biết rằng trong tăng đoàn cũng có việc phân chia giai cấp, và những vị tân tiến đã mở lời chỉ trích công khai về điều nầy.

Vài vùng với văn hóa Tây Tạng, trường dGe-lung thường nghiêm khắc hơn về vấn đề tuân theo giới Luật (Vinaya) hơn là những trường khác. Vì những tu viện nắm giữ một vai trò quan trọng trong xã hội, nên cả những vị tăng sĩ hoàn tục cũng có chỗ đứng trong những tu viện. Trong khi họ không thể dự phần trong những buổi lễ ở tu viện, họ thường vận áo tràng của tu viện, và sống trong những gian nhà nối liền với tu viện, có thể là nắm giữ một chức vụ bàn giấy trong viện.

Ở Phật giáo Đông phương, trường Lu (Tr.h.) nhỏ hoặc trường Ritsu (Nh.b.) chuyên môn về việc giữ gìn nghiêm khắc những giới luật (Vinaya), và đã giúp làm tăng trưởng những căn bản cho những trường khác. Ở trường Ch’an, những cú đánh và việc phạt vạ được thêm vào trong những hình phạt trước đó. Những tăng sĩ Trung Hoa cũng thực hành một luật “Đại Thừa” (Mahāyāna) bổ túc gồm có “ba giới thanh tịnh” (xem tr. 200), và một bộ với những giới luật của Bồ Tát (Bodhisattva) được trình bày trong kinh Phạm Võng (Brahmajāla). Đây gồm có “mười đại giới” (xem tr. 200) và bốn mươi tám giới phụ. Vài điều luật nầy cũng được tìm thấy trong giới prātimokṣa, nhưng các giới khác nghiêng về chiều hướng lòng bi mẫn, bắt buộc việc ăn chay, giảng dạy Pháp (Dharma), lo cho người bệnh và thúc đẩy những người khác từ bỏ tư cách vô đạo đức. Ở Nhật Bản, ngài Saichō, người sáng lập trường Tendai, dẹp bộ Luật (Vinaya) truyền thống qua một bên, và cho rằng đây là việc quá khó khăn để thực hành trong thời mạt pháp. Ngài Saichō chỉ giữ lại những luật bổ túc, vì nó không đòi hỏi sự trinh bạch hoàn toàn. Dĩ nhiên, ngài Shinran sắp xếp quyết định cho các tăng sĩ trở thành những giáo sĩ có gia đình. Ngài Dōgen, người sáng lập trường Sōtō Zen, nhấn mạnh rằng một nếp sống giản dị nhưng nghiêm khắc là điều quan trọng.
Ông nhấn mạnh “ba giới thanh tịnh” và “mười đại giới”, nhưng đồng thời cũng phát triển một luật nhiều chi tiết tỉ mỉ cho vân thủy (unsui), những tăng sĩ đang thực tập. Ở đây trình bày làm thế nào những người nhỏ tuổi cần phải cư xử một cách lễ phép khi có mặt của những vị tăng lớn tuổi (62 giới), những người đang thực tập phải làm thế nào trong lúc thư giản, hoặc học tập chung với nhau, phải như thế nào khi ăn, kể cả lúc rửa tay và chải răng. Trong thực tập, những luật nầy ngăn ngừa bất cứ hoạt động giới tính nào. Trong khi những người thực tập Zen và các giáo sĩ phần đông đều ăn chay, những trường khác của Nhật Bản bây giờ đều được biết là họ đều ăn thịt và uống rượu.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]