Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Minh hạnh

04/02/201107:49(Xem: 10520)
Minh hạnh

CON ĐƯỜNG CŨ XA XƯA
(Bát Chánh Đạo)
Phạm Kim Khánh
Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ 1993

Phần 7

Minh hạnh

Trước khi quyết định truyền bá Giáo Pháp Đức Phật dùng huệ nhãn quan sát thế gian xem có ai lãnh hội được Lời Dạy của Ngài chăng. Bài kinh Ariyapariyesana Sutta của Bộ Trung A Hàm, Majjhima Nikãya, ghi lại như sau :

"Như trong đầm có những loại sen trắng, sen hồng, sen xanh lẫn lộn. Có những ngó sen chớm nở khỏi bùn, mọc lên trong nước, có những cây khác vừa lém đém ngang mặt nước và cũng có những búp sen đã vượt hẳn lên cao, không còn vướng chút bùn nhơ nước đục. Chúng sanh trong thế gian cũng dường thế ấy dưới tầm mắt của bậc Chánh Biến Tri. Như Lai nhìn thấy chúng sanh đủ hạng, hạng đầy bợn nhơ và hạng tương đối trong sạch, hạng thông minh sáng suốt và hạng tối tăm mờ mịt, hạng tốt hạng xấu, hạng thiện tri thức và hạng cuồng si. Như Lai cũng thấy hạng chúng sanh đang gieo mầm xấu xa và hạng chúng sanh đang gặt quả dữ của nhân đã gieo từ những kiếp quá khứ."
Theo sách Puggala Pannati, Chỉ Danh Những Cá Tính của Tạng Luận bài 160 và bài số 153 của Bộ Tăng Nhứt A Hàm, Anguttara Nikaya, của Tạng Kinh, trong số những người có duyên lành được gặp Phật Pháp (Buddha sasana) có bốn hạng như sau :

1- Ugghãtitannu, người thấu hiểu tức khắc, là người gặp được chính Đức Phật và có đủ khả ngăn thành đạt Đạo và Quả tức khắc, sau khi chỉ nghe qua một lời dạy vắn tắt và ranh mạch. Đó là những búp sen đã vựơt ra khỏi bùn nhơ nước đục, là những búp sen trong trắng chỉ chờ tia nắng đầu tiên của buổi ban mai để nở tung ra một cách huy hoàng rực rỡ.

2- Vipancitannu,người thấu hiểu sau khi được nghe giải thích cặn kẽ, là người không có khả năng thành đạt Đạo và quả tức khắc sau khi chỉ nghe suông một lời dạy vắn tắt và rành mạch nhưng, nếu được giải thích dông dài và cặn kẽ thì sẽ chứng ngộ Đạo Quả.

3- Neyya, người cần phài được dắt dẫn, được chở đi v.v... hàm ý là người cần phải được dạy dỗ, là người không thể thành đạt Đạo và Quả sau khi nghe bài kinh vắn tắt và rành mạch, hoặc sau khi được nghe giải thích dong dài và cặn kẽ, nhưng cần phải chăm chú nghiên cứu, cần mẫn học hỏi và tinh tấn thực hành Giáo Pháp trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm mới có thể thành công.

Những người trong hạng Neyya này lại được chia nhỏ ra làm nhiều tiểu phân hạng, tùy theo thời gian cần thiết phải thực hành của mỗi người để đến mục tiêu. Và thời gian này dài hay ngắn lại tùy thuộc nơi vốn liếng Ba La Mật (Parami) đã được tích trữ của từng cá nhân và những ô nhiễm (kilesa) mà mỗi cá nhân cần phải gội rửa. Các tiểu phân hạng này bao gồm từ những cá nhân chỉ cần tận lực kiên trì tinh tấn trong bảy ngày đến những người phải cần đến ba mươi, hay sáu mươi năm mới đến mức.

Trong phân hạng này lại có những trường hợp khác nhau. Thí dụ như người kia có đủ duyên lành và đủ tinh tấn để chứng ngộ Đạo và Quả Tu Đà Hoàn trong bảy ngày. Nếu người ấy tận lực cố gắng trong khi tuổi còn niên thiếu hoặc lúc trung niên thì sau khi đắc Quả Tu Đà Hoàn còn thì giờ để cố gắng tiếp tục đến A La Hán Đạo và A La Hán Quả. Nhưng nếu để đến tuổi già mới đắc quả Tu Đà Hoàn thì lắm khi không còn đủ thì giờ để tiến đến tầng Thánh cùng tột trong kiếp sống hiện tiền.

Lại nữa, người kia có đủ khả năng để thành đạt Đạo Quả trong bảy ngày có nghĩa là người ấy phải hết sức nỗ lực trong bảy ngày để đến nơi. Nếu không tinh tấn đúng mức thì bảy ngày có thể trở thành bảy tháng, bảy năm hoặc lâu hơn nữa.

Những vị này, nếu không thành đạt Thánh Quả trong thời kỳ của vị Phật hiện tại, phải chờ đến thời kỳ của một vị Phật tương lai, nếu có duyên lành gặp được, mới có cơ may giải thoát. Giữa thời kỳ của vị Phật hiện tại và thời kỳ của vị Phật tương lai có mọt khoảng thời gian trống, không có Phật Pháp, và trong suốt thời gian ấy không thể có giải thoát vì không có Giáo Pháp, tức không có Bát Chánh Đạo. Bây giờ, vào thời kỳ của vị Phật tương lai chỉ có những vị đã được thọ ký -- niyata vyãkarana, những người đã được một vị Phật cho biết trứơc là sẽ đắc Đạo Quả -- mới chắc chắn là gặp Phật Pháp. Còn những vị khác, mặc dầu đã tích trữ đầy đủ Ba La Mật và đã gội rửa mọi bợn nhơ trong tâm, có thể gặp, có thể không gặp được Phật Pháp để nương nhờ đó giải thoát ra khỏi vòng đau khổ của những kiếp sinh tồn triền miên liên tục.

4- Padaparama, là người mặc dầu đã gặp Phật Pháp và đã hết sức cố gắng học hỏi và thực hành Giáo Pháp nhưng không thể thành đạt Thánh Đạo và Thánh Quả trong kiếp sống hiện tiền. Tất cả những gì mà vị này có thể làm được là tạo cho mình một đức tánh cao thượng và một năng lực tiềm tàng hữu dụng về sau.

Đó là những búp sen chưa sẵn sàng để nở trong ngày mai, khi mặt trời mọc. Họ là những ngó sen hoặc còn dưới sâu trong bùn non của vòng luân hồi, hoặc chưa lên khỏi mặt nước. Nhưng tất cả đều mang theo bên trong mình một tiềm năng để trở thành những đóa hoa tươi đẹp, màu sắc rực rỡ.

Khả năng thành đạt Đạo và Quả của chúng sanh khác nhau là vì trình độ " Minh" và "Hạnh" của mỗi cá nhân khác nhau.

Minh (vijjã)là sáng suốt, thấu đạt thực chất của đời sống, là tuệ Minh Sát, có Tri Kiến của bậc Giác Ngộ, hay chứng ngộ Tứ Diệu Đế. Minh cũng có nghĩa là thông suốt Thập Nhị Nhân Duyên, tức những yếu tố phát sanh do những yếu tố trứơc đó tạo duyên và trở lại làm duyên cho những yếu tố khác phát sanh. Và cứ thế mười hai yếu tố ảnh hưởng lẫn nhau trong một vòng lẩn quẩn của những kiếp sống, sanh tử, tử sanh triền miên diễn tiến, gọi là vòng luân hồi. Do sự phá tan những bí ẩn của kiếp nhân sinh bằng cách thấu hiểu trọn vẹn và đầy đủ mối liên quan giữa mưới hai yếu tố trên, bậc Thánh Nhân cũng đập vỡ tung cái kính ảo kiến mà từ vô lượng kiếp xuyên qua đó ta thấy giả ngỡ là thật, thấy vô thừơng là vĩnh cửu trừơng tồn, xem đau khổ là hạnh phúc và cái vô ngã là linh hồn trừơng cửu và tin có một Thần Linh Tạo Hóa trong khi chỉ có sự phát sanh của những yếu tố tùy thuộc và những yếu tố trứơc đó.

Hạnh (carana)là đức dộ của người luôn luôn trau giồi tâm tánh để ngày càng trở nên trong sạch và cao thượng.

Cái gì làm cho tâm ta nhơ bẩn và kéo ta xuống?

Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) dạy rằng nguồn cội của tất cả những tánh hư tật xấu là tham, sân, si. Ngưười Phật Tử thuần thành phải là một chiến si can đảm và bất khuất. Họ chiến đấu. Nhưng không phải bằng cách thả bom, nhả đạn. Họ giết chóc. Nhưng không giết đàn ông, đàn bà, trẻ con vô tội. "Họ chiến đấu chống chính họ, bởi vì con người là kẻ thù tệ hại nhất của con người. Tâm là địch thủ độc hiểm nhất mà cũng là người bạn tốt nhất. Không chút xót thương người Phật Tử tàn sát và tận diệt những khát vọng tham ái, sân hận và si mê trong tâm họ". Và võ khí của họ là Giới, Định, Tuệ. Giới làm cho việc làm và lời nói trong sạch. Định thanh lọc tư tương, Tuệ tận diệt những ô nhiễm (kilesa) và những lậu hoặc (asava) ẩn tiềm ngủ ngầm trong luồng nghiệp từ vô lượng kiếp. Giới và Định trau dồi Hạnh. Tuệ phát triển Minh.

Đối với con người, minh như cặp mắt sáng, hạnh như tay chân. So với loài chim, minh như đôi mắt, hạnh như cặp cánh. Hạnh mà không minh như người tay chân liền lạc mà mù cả hai mắt. Minh mà không hạnh như người mắt sáng mà chân tay qùe quặt. Có đủ minh và hạnh cũng như người đầy đủ tay chân và có cặp mắt sáng. Một trong những phẩm hạnh của Đức Phật là Minh Hạnh Túc, đầy đủ minh hạnh. Thiếu cả minh lẫn hạnh như người vừa mù mắt vừa thiếu tay chân và do đó không trọn vẹn là con người.

Trong số những người sống trong thời kỳ còn Phật Pháp (Buddha-sàsana), tức thời kỳ còn giáo lý của một vị Phật đang được lưu truyền, có người cố gắng thực hành giới và định, tức trau giồi hạnh, nhưng không tích trữ đủ hột giống trí tuệ, tức minh, như hiểu biết sâu sắc bản chất của đời sống. Nhờ hạnh cao, người này có nhiều cơ may được gặp Phật Pháp trong thời kỳ của vị Phật vị lai, kế sau Đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên, vì thiếu hột giống minh, dầu có gặp Phật hay Phật Pháp, không thể chứng đắc Thánh Quả. Bao nhiêu người, bao nhiêu chúng sanh đã có duyên lành được sanh vào thời Đức Phật còn tại tiền. Hơn nưã bao nhiêu người bao nhiêu chúng sanh được sống dưới chân Đức Phật, chẳng hạn như những vị Tỳ Khưu, những thân bằng quyến thuộc của Bồ Tát, những vua chúa thời bấy giờ và bao nhiêu người khác, đã được nghe chính bản thân Đức Phật dạy -- có người cũng cố gắng thực hành Giáo Pháp -- nhưng vì không tích trữ đủ mầm giống minh nên không thành tựu được Thánh Quả. Mặc dầu vậy, nhờ sự cố gắng này, các vị ấy sẽ thành công trong một kiếp sống tương lai.

Có người khác, đủ minh nhưng thiếu hạnh. Nếu được gặp một vị Phật và được nghe Giáo Pháp ắt có thể chứng đắc Thánh Quả vì có đầy đủ minh. Nhưng vì thiếu hạnh, người này có rất ít cơ may được gặp Giáo Pháp của một vị Phật. Trong hiện tại -- và trong thời gian dài dẵng giữa thời kỳ hai vị Phật -- vì không đức hạnh, người ấy không nghiêm túc trì giới, gây những nghiệp bất thiện, tạo cho mình một bản chất giống như bản chất của những chúng sanh trong bốn đường ác đạo và do đó, sau kiếp sống hiện tiền sẽ tái sanh vào bốn cảnh giới thấp kém ấy. Một khi đã lọt vào giữa đám những chúng sanh tội lỗi, tham lam, hung tợn dữ dằn ấy và phải tranh đấu để tồn tại, thật rất khó mà tự tạo một bẩm tánh thanh cao đạo đức hầu trồi lên trở lại những cảnh giới mà có thể hưởng được hương vị của Giáo Pháp.

Trên đây là hai hạng người, hoặc không thể gặp Phật Pháp, hoặc có gặp cũng không thể trọn vẹn thừa hưởng hương vị. Bây giờ, trong số những người có tích trữ đầy đủ mầm giống minh và hạnh cũng có nhiều mức độ khác nhau. Có những hột giống trửơng thành đúng mức, sẵn sàng nở mộng và đâm chồi để mọc lên thành cây con. Có những hột khác, ở vào thời kỳ đang trửơng thành. Cũng có những hột hư thúi. Khi đọc tụng câu kinh, có người để hết tâm trí vào, thông suốt ý nghĩa và thực hành đúng Lời Dạy. Có người chăm chú ít hơn và ít cố gắng thực hành hơn. Cũng có người không hiểu gì hết mặc dầu miệng đọc những lời vàng ngọc của Giáo Pháp, tay vẫn lần chuỗi Bồ Đề. Vì lẽ ấy chúng sanh trưởng thành có cao thấp khác nhau, giống như ngó sen trong đầm.

Có ai biết rõ số lượng Ba La Mật mà mình đã tích trữ? Dầu sao quá khứ đã trôi qua. Điều tốt hơn hết và cũng rất cần thiết là nên tích trữ đồng đều Minh và Hạnh bằng cách thực hành đầy đủ Giới-Định-Tuệ. Người thiếu minh, kém sáng suốt mà giới hạnh trang nghiêm sẽ có cơ may gặp Phật Pháp và nhờ đó, phất triễn trí tuệ để rồi dần dần, sẽ có ngày thành công giải thoát.

Lối sang Bờ Giác đã được rọi sáng. Chính tự mỗi người chúng ta phải đặt chân lên con đường và thận trọng tiến bước.

Hãy lắng nghe lời khuyên của Đại Đức Kassapa:

"Những bộ chân cừơng tráng dũng mãnh tiến bước trên con đường đầy gay go cam khổ, giữa đám giông tố bão lớn và trải qua bao nguy hiểm gian lao để lần hồi trèo lên đỉnh núi.

"Người yếu sức nghiêng ngả bên này bên kia theo chiều gió, vẫn còn quanh quẩn dưới chân đồi và, vì qúa mệt mỏi, dừng bước lại nhiều lần để nghỉ.

"Con Đường Tám Chi ( Bát Chánh Đạo) dẫn đến nơi an vui hạnh phúc cũng dường thế ấy. Người mạnh kẻ yếu, người cao thượng kẻ thấp hèn, chúng ta cùng nỗ lực lần hồi tiến bước trên con đường ấy. Có những bẩm tánh cương quyết, không ngại bão bùng giông tố. Cũng có những tâm hồn ươn hèn, mỏi mệt, dừng bước nghỉ chân bên đàng.

"Tất cả chúng ta đều có đủ tiềm năng vượt qua cơn giông tố để rồi một ngày kia bước chân lên tận đỉnh núi cao, nơi tuyết phủ trắng trong, rực rỡ chói lọi trong ánh sáng mặt trời."

[Hết]





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]