Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bằng cách nào Bát Chánh Ðạo là Con đường Giải thoát?

04/02/201107:49(Xem: 10618)
Bằng cách nào Bát Chánh Ðạo là Con đường Giải thoát?

CON ĐƯỜNG CŨ XA XƯA
(Bát Chánh Đạo)
Phạm Kim Khánh
Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ 1993

Phần 7

Bằng cách nào Bát Chánh Đạo là Con đường Giải thoát?

Bằng cách nào chúng sanh bị trói buộc vào những kiếp sống đau khổ trong vòng luân hồi?

Nguồn gốc của mọi đau khổ là ái dục. Ái dục vì vô minh, ái dục nằm trong vô minh. Vì vô minh và ái dục chúng ta không thấy đúng sự thật. Vì không thấy đúng sự thật chúng ta tự đồng hóa mình với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, xem ngũ uẩn là "Ta" là "Của Ta".

Với sự hiểu biết lầm lạc ấy chúng ta hành động, tức tạo nghiệp. Nghiệp quá khứ đưa đến quả hiện tại là thức, danh sắc, lục căn, xúc, thọ. Tùy thuộc nơi thọ ái phát sanh. Do ái thủ phát sanh, do thủ hữu phát sanh và do hữu có sanh, lão tử phát sanh. Vòng lẩn quẩn cứ thế trở đi trở lại, mãi mãi từ vô lượng kiếp.

Chúng ta tạo nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Trong ba đường lối ấy ý dẫn đầu, ý là chủ. Có ý nghĩ mới có việc làm và lời nói. Ý nghĩ phát sanh do lục căn tiếp xúc với lục trần và chịu ảnh hưởng của những khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm trong luồng nghiệp (anusaya). Khuynh hướng tâm tánh này nằm trên nền tảng vô minh.

Như vậy trong tiến trình đưa đến hành động chúng ta thấy có ba tầng lớp:

- Sâu dưới đáy là lớp tâm tánh ngủ ngầm trong luồng nghiệp mà ta đã mang theo với ta từ vô lượng tiền kiếp. Khuynh hướng tâm tánh này nằm trên nền tảng vô minh và gây ảnh hưởng đến tư tưởng.

- Lớp trên kế đó là tư tưởng, phát sanh do lục căn tiếp xúc với lục trần và chịu ảnh hưởng của khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm trong luồng nghiệp.

- Lớp cuối cùng, biểu hiện ra ngoài bằng hành động và lời nói.

Hãy lấy cây quẹt làm hình ảnh cụ thể. Trên đầu cây quẹt có chất diêm, chứa đựng tiềm năng phát hỏa. Nếu để cây quẹt nằm yên thì không có gì xảy ra. Nhưng diêm có thể phực cháy bất luận lúc nào khi có người cầm cây quẹt quẹt trên hộp diêm. Cũng giống như vậy, tiềm tàng sâu ẩn bên trong tâm tánh chúng ta có những năng lực ngủ ngầm như vô minh ái dục v.v... Những năng lực này ngủ ngầm, bất động nhưng có thể khởi phát trổi dậy bất cứ lúc nào hội đủ cơ duyên. Đó là tầng lớp dưới đáy sâu.

Khi lục căn tiếp xúc với lục trần tức có lục thức. Thí dụ mắt xúc với hình thể tức có sự thấy và từ đó phát sanh những tư tửơng. Bản chất của những tư tưởng này như thế nào tùy nơi khuynh hướng tâm tánh vốn sẵn ngủ ngầm trong luồng nghiệp mà ta mang theo từ các kiếp sống quá khứ. Như cùng trong một cảnh ngộ mà người bẩm tánh nóng thì giận dữ còn người tâm tánh từ ái nhu hòa thì có những tư tưởng dịu hiền. Cùng đứng trước một pho tượng Phật, người Phật tử thuần thành thì có những tư tưởng tôn kính, người thường, không phải Phật tử thì dửng dưng, còn người đã sẵn có ác cảm với Phật Giáo thì sanh tâm bất mãn. Dầu sao, ngày nào chưa chứng đắc Quả A La Hán thì tâm tánh vẫn còn nằm trong vô minh. Đó là tầng lớp thứ nhì, có thể so sánh với ý tưởng muốn cầm cây quẹt.

Cuối cùng, do sự thúc đẩy của những tư tưởng vừa phát sanh -- như những ý nghĩ thấm nhuần từ, bi, hỷ, xả hay những tư tưởng tham lam, sân hận hay ganh tỵ v.v... -- ta có những hành động thanh cao hiền đức hay hung ác bạo tàn. Hành động này cũng như ngọn lửa phực lên vì có người cầm quẹt quẹt vào hộp diêm. Người ấy sẽ dùng lửa để thắp đèn, nấu bếp hay thiêu dốt một vật gì. Đây là tầng lớp hiển hiện ra ngoài, lớp trên nhất, ví như băng tuyết trên mặt biển, chì để lộ lên trên mặt nước một phần nhỏ. Phần lớn thì chìm đắm trong nước, ta không thấy.

Giớiluật kỷ cương có khả năng kiểm soát những việc làm và những lời nói, tầng lớp trên hết. Chánh Ngữ kiểm soát khẩu nghiệp. Chánh Nghiệp và Chánh Mạng kiểm soát thân nghiệp.

Định thanh lọc tư tưởng, tầng lớp thứ nhì. Chánh Niệm, theo dõi và phát giác các pháp thiện hay bất thiện, chưa hoặc đã phát sanh, hay biết bạn hay thù, đã đến hoặc chưa đến. Chánh Tinh Tấn ngăn chặn và diệt trừ bất thiện pháp, đồng thời phát triển và củng cố các thiện pháp, tức ngăn chận quân thù chưa đến, diệt trừ quân thù đã đến, dồng thời đón mừng và cố giữ bạn lành. Chánh Định củng cố Chánh Niệm để phát huy trí tuệ.

Tuệdiệt trừ những ô nhiễm tiềm tàng ngủ ngầm trong luồng nghiệp, tầng lớp cuối cùng dưới đáy sâu. Ánh Sáng của Chánh Kiến và Chánh Tư Duy lấn dần bóng tối của Vô Minh cho đến ngày tuyệt đối chỉ còn hào quang rực rỡ của trí tuệ.

Với trí tuệ siêu phàm hành giả đã chứng ngộ thực tứơng của vạn pháp là vô thường, khổ, vô ngã. Nhận thức chắc thật rằng không có cái gì có thể gọi là "Ta" và "Của Ta" tự nhiên hành giả không còn ái và do đó chấm dứt tiến trình sanh tử, thoát ra khỏi vòng luân hồi, thành tựu trạng thái Vô Sanh Bất Diệt, Tịch Tịnh Trường Cửu, Niết Bàn.

Đứng về phương diện Thanh Tịnh Đạo, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng tạo nên Giới Tịnh, giai đoạn đầu tiên. Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định đưa đến Tâm Tịnh, giai đoạn thứ nhì. Cuối cùng, Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, làm cho Tri Kiến Thanh Tịnh, gồm Kiến Tịnh, Đoạn Nghi Tịnh, Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh và Kiến Tịnh.

Như vậy Bát Chánh Đạo thanh lọc chúng sanh trên suốt bảy giai đoạn của Con Đường Trong Sạch, Thanh Tịnh Đạo. Bát Chánh Đạo là Con Đường dẫn chúng sanh từ bờ mê đến bến giác, từ Phàm đến Thánh, là Con Đường Giải Thoát, Con Đường đưa đến hoàn toàn Tự Do. Đó là con đường lên từng bậc, tuy dài dẳng nhưng châu toàn.

Trong Kinh Mahã Parinibãna ( Đại Niết Bàn), để trả lời một câu hỏi của đạo sĩ du khất Subhadda, Đức Thế Tôn dạy :

"Trong bất luận giáo đoàn nào, nếu không có Bát Chánh Đạo thì cũng không có hạng nhất đẳng Sa môn (Tu Đà Hườn), cũng không có nhị đẳng sa môn (Tu Đà Hàm), tam đẳng sa môn (A Na Hàm) hay tứ đẳng sa môn ( A La Hán).

"Trong giáo đoàn nào có Bát Chánh Đạo, này Subhada, thì cũng có hạng nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng và tứ đẳng sa môn. Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất ".

Vì là Con Đường Duy Nhất (ekayana), Bát Chánh Đạocũng là Con Đường Cũ Xa Xưamà tất cả chư Phật và chưa vị A La Hán quá khứ đều phải trải qua. Bát Chánh Đạo là con đường, Đức Phật là người vạch ra con đường. Chư Tăng, những vị hội viên của Giáo Hội Tăng Già là những người rọi sáng và dẫn dắt ta noi theo con đường. Nhưng chính ta phải tự lực cố gắng. Chánh Tinh Tấn là yếu tố cực kỳ trọng yếu của con đường. Trong toàn thể Bát Chánh Đạo không có lời dạy nào khuyên ta van vái nguyện cầu để giải thoát.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]