Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ðặc tánh của Con đường

04/02/201107:49(Xem: 9689)
Ðặc tánh của Con đường

CON ĐƯỜNG CŨ XA XƯA
(Bát Chánh Đạo)
Phạm Kim Khánh
Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ 1993

Phần 7

Đặc tánh của Con đường

Đến đây chúng ta đã tuần tự xem qua mỗi chi của Bát Chánh Đạo. Tám chi của Bát Chánh Đạo liên quan với nhau rất mật thiết và không thể phát triển riêng rẽ từng chi một cách khả quan. Trong khi hiểu biết chân chánh ta cũng suy tư chân chánh. Khi tư tưởng chân chánh tức nhiên lời nói, việc làm và lối sanh sống cũng chân chánh. Thân khẩu trong sạch giúp chú niệm dễ dàng. Khi quán niệm chân chánh hiểu biết và tư tương càng phát triển tốt đẹp hơn. Và cứ thế hành giả dần dần tiến bước trên con đường.

Bát Chánh Đạo không phải là tám con đường chánh, cũng không phải là con đường chia làm tám giai đoạn nối tiếp nhau từ xa đưa đến gần mục tiêu, mà giống như một sợi thừng do tám tao nhợ se lại.Người muốn nương nhờ dây thừng để leo lên cao, mỗi lần chỉ nắm chặt lấy một số tao nhợ. Khi bỏ tay kia lên lại nắm vào một số tao nhợ khác, cao hơn. Hành giả mỗi lần chỉ thực hành một số chi. Hiểu theo nghĩa cùng tột, mỗi chi của Bát Chánh Đạo là một tâm sở. Một loại tâm vương tại thế chỉ bao gồm một số nhiều hay ít các tâm sở này. Chỉ đến khi chứng ngộ Thánh quả thì toàn thể tám tâm sở đồng phát sanh cùng một lúc trong loại tâm siêu thế.

Đứng về phương diện thực hành, tức xem như một phương pháp tu tập, Bát Chánh Đạo có thể phân làm ba là:

1. Ba chi Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng đề cập đến những lời không nên nói, những việc không nên làm và những nghề không nên hành. Đó là giới luật, nêu lên nhưng sai lầm nên tránh. Nên hiểu rằng đây chỉ là khía cạnh tiêu cực, những gì không nên làm. Tuy nhiên, giới luật trong Phật Giáo cũng bao hàm phần tích cực. Thí dụ như không nên nói dối, nói đâm thọc, nói thô, nói nhảm cũng hàm ý nên nói lời chân thật, nói lời đem lại hòa hợp, lời thanh tao nhã nhặn, lời hữu ích v.v...

2. Ba chi Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định đề cập đến công phu thanh lọc tâm bằng pháp môn hành thiền, thiền vắng lặng và thiền minh sát.

3. Hai chi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, vừa là bảng chỉ đường đưa khách lữ hành vào đúng con đường chân chính lúc sơ khởi, vừa là đuốc tuệ soi sáng con đường theo từng bước một của hành giả, vừa là Ánh Đạo Vàng, Ánh Sáng Chân Lý cùng tột, sau khi hành giả đã hoàn mãn trải qua suốt Con Đường, là thành quả của công phu hoàn tất mỹ mãn cuộc hành trình. Ánh Sáng Trí Tuệ đến đâu thì đêm tối của Vô Minh lui dần đến đó. Mãi đến khi chỉ còn Chánh Kiến, và Vô Minh hoàn toàn tan biến.

Như vậy ta có thể sắp xếp tám chi của Bát Chánh Đạo vào ba nhóm như sau:

- Giới :Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng
- Định:Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định
- Tuệ:Chánh Kiến, Chánh Tư Duy.
Giới-Định-Tuệ là Con Đường Giải Thoát. Khi kể tám chi cuả Bát Chánh Đạo thì Chánh Kiến và Chánh Tư Duy đứng đầu. Đến lúc xem như một pháp tu tập thì ba phần của Bát Chánh Đạo được kể theo thứ tự Giới, Định, Tuệ. "Tuệ" gồm Chánh Kiến và Chánh Tư Duy lại được kể sau cùng. Như vậy nhìn vào toàn diện, có phải đây là một lối trình bày thiếu nhất trí hay không?

Không phải thiếu nhất trí mà hợp lý. Chánh Kiến ở mức sơ khởi, là hiểu đúng con đường. Như người kia lạc nẻo, bỡ ngỡ trước nhiều ngả đường vì không biết phải chọn ngã nào thì may thay, chợt thấy một tấm bảng chỉ đường bên cạnh một con đường mòn. Bảng chỉ đường là Chánh Kiến. Ở giai đoạn đầu tiên Chánh Kiến là ánh sáng rọi vào chánh đạo, là sự hiểu biết dẫn dắt hành giả sơ cơ vào con đường chánh, và người có Chánh Kiến là người đã nhận ra con đường. Chánh Kiến, sự hiểu biết chân chánh, hay khả năng phân biệt chánh tà, phải dẫn đầu, phải hướng đạo toàn thể các chi khác của con đường, vì Chánh Kiến giúp hành giả có sự hiểu biết về con đường, về khởi điểm và hướng đi của con đường, về những gì hành giả sẽ gặp dài theo con đường và về mức đến cuối cùng của con đường. Muốn thực hành Giáo Pháp mà không có Chánh Kiến cũng giống như người kia leo lên xe, mở máy cho xe chạy mà không biết đường đi vì chưa xem bản đồ, cũng không hỏi han ai trước. Người ấy sẽ gặp nguy cơ là sẽ không đi về hướng mà mình muốn đi.

Chánh Kiến cho hành giả một ý niệm về con đường. Chánh Tư Duy đặt hành giả vào con đường và chỉ hướng đi cho hành giả. Tuy nhiên vai trò của Chánh Kiến và Chánh Tư Duy không chấm dứt tại đó. Khi hành giả vững bước đi suốt con đường, từ Giới, Định đến Tuệ thì giai đoạn Tuệ cuối cùng này là Chánh Kiến Chánh Tư Duy cao siêu, có hiệu năng đưa hành giả thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Phương pháp tu tập được trình bày theo thứ tự ba giai đoạn Giới, Định, Tuệ có thuận lý không? Để giải đáp thắc mắc này chúng ta hãy tìm hiểu mục tiêu cứu cánh của toàn thể Giáo Pháp, nói chung, và Bát Chánh Đạo nói riêng là gì? Đức Phật dạy rằng nước trong đại dương tuy mênh mông nhưng chỉ có một vị là vị mặn. Cùng thế ấy, giáo lý mà Như Lai truyền dạy tuy rộng rãi nhưng chỉ có một vị là vị giải thoát. Vậy mục tiêu của Giáo Pháp cũng như của Bát Chánh Đạo là giải thoát, vượt ra khỏi mọi hình thức khổ đau của kiếp sinh tồn.

Tại sao đau khổ ? -- Vì ái dục; và có ái dục là vì có vô minh. Vậy, muốn chấm dứt đau khổ phải phá tan vô minh. Vô minh là tối tăm, không thấy, không biết thực tứơng của sự vật. Trí tuệ là tri kiến, là ánh sáng, là thấy và hiểu biết sự vật, thấu triệt sự vật như thật sự sự vật là như vậy, là thấu đạt thực tướng của vạn pháp. Do đó, phương pháp tu tập của Phật Giáo là phát triển trí tuệ để đối trị, phá tan vô minh.

Đây là công trình dai dẳng và cần phải kiên trì cố gắng, liên tục tinh tấn. Tuy nhiên, khi ánh sáng trí tuệ được phát triển đến đâu thì đêm tối của vô minh bị đẩy lui đến đó, và chỉ dầu một tia nhỏ bé lu mờ của trí tuệ cũng cần phải được phát triển do tâm an trụ, vắng lặng, không phóng dật, không xao lãng.

Muốn thành đạt trí tuệ phải có tâm định. Và muốn định tâm giới đức phải trang nghiêm. Một người tàn ác, gây tổn thương hay sát hại sanh linh, người trộm cắp, người tà dâm lăng loàn, người có lời nói giả dối, đâm thọc, thô lỗ, nhảm nhí, người có tật say sưa, tức nhiên không thể làm cho tâm an tĩnh. Tâm chao động không thể an trụ. Tâm không an trụ sẽ không định. Trí tuệ không thể phát sanh nếu tâm không định.

Bước đầu tiên của phương pháp tu tập là Giới. Nhờ có giới đức làm nền tảng hành giả trau dồi tâm trí, tiến đến Định và dùng tâm định soi sáng sự vật, phát triển trí tuệ. Trí tuệ phá tan Vô Minh, không vô minh tức không ái dục, và không ái dục tức không đau khổ. Vì lẽ ấy, Giới-Định-Tuệ là con đường giải thoát, là phương cách cởi mở mọi trói buộc, tận diệt mọi ô nhiễm, mọi hoặc lậu để thoát ra khỏi khổ đau, phiền lụy.

Pháp này có ai kinh nghiệm thực hành chưa, có công hiệu không, và có phải dành riêng cho một hạng người tốt số nào không?

Trong lịch sử được ghi nhận, Đức Phật là người đầu tiên khám phá và thực hành Bát Chánh Đạo. Ngài sanh ra là một người và không bao giờ tự xưng là Thần Linh hay hiện thân của Thần Linh. Một ngày tươi đẹp kia, tại Boddh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) Ngài tận diệt mọi ô nhiễm, chứng ngộ thực tướng của vạn pháp và thành đạt Đạo quả Phật.

Sau ngày thành đạo, trọn 45 năm trường Ngài đi từ làng này đến làng khác, từ tỉnh nọ đến tỉnh kia, trên những con đường lớn và các nẻo nhỏ, cùng khắp miền Bắc xứ Ấn Độ để mang lại cho nhân loại bức thông điệp hòa bình và phúc lợi và để truyền dạy Giáo lý cao siêu. Các môn đệ Ngài đã đến với Ngài từ mọi từng lớp xã hội, giầu sang quyền qúi cũng như nghèo nàn khốn khổ, học rộng hiểu nhiều cũng như tối tâm dốt nát, đạo đức thánh thiện cũng như tội lỗi hư hèn, cả nam lẫn nữ, từ lão đến ấu, tất cả đều được Ngài thâu nhận như nhau và nhiều vị, nhờ tinh tấn chuyên cần tu tập, đã thành đạt nhiều Đạo Quả cao thượng.

Bát Chánh Đạo là con đường cũ xa xưa mà bao nhiêu vị Phật đã trải qua trong quá khứ. Trên con đường ấy bao nhiêu vị Độc Giác Phật và bao nhiêu vị A La Hán đã trải qua. Đức Phật chỉ khám phá chứ không tạo nên con đường.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]