Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trang 02

24/01/201106:15(Xem: 12440)
Trang 02


TIN TỨC TỪ BIỂN TÂM

Lâm Thanh Huyền - Người dịch: Minh Chi
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2003


SÁU PHƯƠNG PHÁP ĐỂ LẮNG NGHE TÂM

Chúng ta biết rằng, tất cả những gì chúng ta có, đều do tâm có nhu cầu, có khát vọng mà sinh ra. Bây giờ, tiếp theo, chúng ta hãy bàn phương pháp lắng nghe tin tức đến từ biển tâm của mình, cũng tức là phương pháp lắng nghe tự tâm của mình. Phương pháp thứ nhất là vĩnh viễn không được quên kiểm nghiệm thân, lời nói và ý nghĩ, phải giờ giờ, phút phút kiểm nghiệm; sự kiểm nghiệm đó trở thành tập quán, thì ngay trong giấc mơ cũng có thể kiểm nghiệm. Thí dụ, chúng ta trải qua một cơn ác mộng, chịu không nổi bèn lớn tiếng “A Di Đà Phật”. Đó tức là kiểm nghiệm có kết quả. Trước đây tôi từng đến học một vị đại sư tu hành rất tốt là Lão Sư Cống Hạt.

Xin lão sư dùng một câu giản đơn nhất để giải thích tu hành là thế nào? Lão sư nói: “Một khắc cũng là thân, lời nói, ý nghĩ; một phút cũng là thân, lời nói, ý nghĩ; một giờ cũng là thân, lời nói, ý nghĩ; Một ngày cũng là thân, lời nói, ý nghĩ; một tháng, một năm, một đời cũng là thân, lời nói, ý nghĩ. Vì vậy, chỉ cần nhớ ba chữ thân, lời nói, ý nghĩ. Đó là phương pháp tu hành tốt nhất?” Tức là thường xuyên kiểm nghiệm hành vi nơi thân, lời nói và ý nghĩ. Nỗ lực quan sát chúng thì tức là anh đã không ngừng thẳng tiến trên con đường Bồ đề. Phương pháp thứ hai là “Không chấp trước bất cứ một pháp gì.” Không cho rằng có một pháp nào là cố định; hay một người phải làm như thế này mới gọi là tu hành.

Thế thì không được chấp trước pháp hay là sinh hoạt. Hiểu được giá trị của sinh hoạt nhưng không chấp trước sinh hoạt. Trong Thiền Tông có câu: “Không cùng đi với hàng nghìn Thánh, không cùng làm bạn với vạn pháp.” Ý tứ không cùng đi bước đi của bậc Thánh nhân đời trước, không làm bạn với vạn pháp. Nghĩa là dù có một ngàn bậc Thánh hay một vạn pháp, cũng không chấp trước ở Phật Pháp. Mà tất cả mọi Pháp, đều là Phật Pháp. Không có một cái gì riêng biệt gọi là Phật Pháp. Khi anh đã có Phật Pháp rồi, thì đi đến đâu cũng là Phật Pháp. Khi anh đã không có Phật Pháp, thì đi đến đâu cũng không phải là Phật Pháp.

Thiền sư Triệu Châu đã từng giảng câu kệ: “Người chân chánh nói pháp tà, thì pháp tà cũng trớ thành chánh; Người tà mà nói chánh pháp thì chánh pháp cũng hóa thành tà.” Ý tứ là: Nếu anh đã là người chân chánh rồi, thì dù anh có nói gì cũng là chánh pháp; Nếu anh là con người tà, thì dù anh có nói gì cũng là tà pháp, dù anh có nói những câu, lời gọi là Phật pháp. Có suy nghĩ như vậy thì sẽ không có thái độ chấp trước đối với Phật Pháp cũng như đối với tất cả các pháp thế gian khác.

Phương pháp thứ ba là điều mà tôi hay nhấn mạnh, tức là một tâm một cảnh. Phật ở ngay trước mắt; Thường xuyên giữ vững một tâm, một cảnh; Một cảnh chỉ có một nội tâm. Như vậy, ý niệm của chúng ta mới không phân tán. Như vậy, đối với cảnh trước mắt, uống nước là uống nước, đó chính là một tâm một cảnh. Trái lại, khi đang uống nước, mà nghĩ tới năm này tháng nọ, ngày nọ cùng với bạn bè trai gái đi uống nước với nhau... thì nước uống sẽ trở thành đắng, khó uống. Tình hình đó là một tâm hai cảnh. Có những lần thì một cảnh mà sanh ra nhiều tâm, rồi không dừng lại được, do đó tạo thành hai loại tình hình, tức là lo buồn và tán loạn. Với tình hình một tâm nhiều cảnh hay là một cảnh nhiều tâm, thì tâm chúng ta thường sanh ra lo buồn và tán loạn, khiến chúng ta không thể nào sống trọn vẹn trong thế giới hiện tiền được. Nếu chúng ta thường xuyên cảnh giác, ngự trị được tưởng niệm như trói chặt con khỉ vậy thì có thể sống trong trạng thái định tĩnh không tán loạn.

Phương pháp thứ tư là “siêng tu Giới, Định, Tuệ để diệt trừ tham, sân,
si”. Đó là bài kệ để lại của lão Hòa Thượng Hư Vân. Siêng tu không phải là tu tập một cách khẩn trương, mà là thường xuyên cần mẫn tu tập giới luật, thiền định và trí tuệ. Vì sao phải siêng tu Giới, Định, Tuệ? Chủ yếu là để chúng ta đoạn trừ được tham, sân, si. Bởi vì tham, sân, si đều sanh khởi từ trong tâm. Không có tâm cũng sẽ không có tham, sân, si vì vậy mà cần phải thường xuyên đoạn trừ chúng.

Phương pháp thứ năm là cần nhận thức cuộc sống của mình có khả năng rất lớn. Rất nhiều người cho rằng, cuộc sống này của mình, không có hy vọng tu hành được, vì rằng, người ta thì ngồi thiền, mình lại ngồi ngủ gật. Tuyệt đối không được mất niềm tin. Vì tâm Như Lai và tâm chúng ta không có gì khác nhau. Chúng ta cũng có thể trở thành Như Lai. Nếu kiếp sống này không thành Phật được thì thế nào? Không quan hệ gì; Chỉ cần gắng sức tu được một phần là được. Đương nhiên, chúng ta cũng có thể thành Phật ngay trong kiếp sống này. Khi có thái độ như vậy, nội tâm chúng ta như lớn mạnh lên, có cảm giác được mở mang. Lúc bấy giờ, có đi ra ngoài đường, khí mạch chúng ta cũng đổi khác, không còn co ro cúm rúm. Khi chúng ta cảm giác, chúng ta có thể thành Bồ tát, thì tâm chúng ta sẽ được chú ý lắng nghe nhiều hơn và mở mang khai phát hơn.

Phương pháp thứ sáu là giữ vững nhiệt tình tìm cầu thực tướng. Chúng ta thường thường nói thực tướng, kỳ thực thực tướng là không thể nói lên được, cũng như vậy. Tâm là thực tướng của chúng ta. Trước khi chúng ta hoàn toàn hiểu biết được tự tâm mình, chúng ta phải nổ lực không ngừng nhìn cho rõ tự tâm mình. Khi chúng ta với thái độ nhiệt tình tìm hiểu thế giới tâm linh của mình thì sẽ sinh ra hai hiệu quả rõ rệt. Một là sức chuyển của vật chất đối với chúng ta giảm bớt đi; Hai là trí tuệ Bát Nhã được khai phát. Vì vậy, làm một người Phật tử hay một người tu hành, nhiệt tình rất trọng yếu. Khi chúng ta tự nhận là tu hành rất tốt, mà lại thiếu nhiệt tình thì sự tu hành của chúng ta có thể có vấn đề. Chúng ta thấy các bậc Bồ tát đều rất nhiệt tình. Như Bồ Tát Quán Thế Âm, một nghìn nơi cầu nguyện Ngài, thì có nghìn nơi cảm ứng? Bồ Tát Văn Thù thường xuyên có thái độ giúp đỡ chúng ta mở mang trí tuệ. Các vị ấy đều có nhiệt tình rất lớn. Nếu chúng ta để mất nhiệt tình thì sẽ không cách nào lắng nghe được tin tức đến từ trong nội tâm của chúng ta.



GIỮ VỮNG BIỂN TÂM BÌNH LẶNG, THUẦN KHIẾT

Tin tức từ biển tâm rộng lớn, vô biên một cách lạ lùng. Cũng như đại dương, trên mặt có thuyền bè, sóng nước biến hóa đủ các dạng, nhưng ở đáy sâu thì rất bình lặng. Chúng ta sở dĩ đi theo con đường Bồ đề, là vì hy vọng khiến cho cuộc sống chúng ta bình lặng, thuần khiết. Nhờ bình lặng thuần khiết, mà chúng ta sẽ như đại dương có thể phản ảnh màu sắc bầu trời. Cũng tức là nói: Thường xuyên giữ vững sự bình lặng, thuần khiết của chúng ta để thu nhận tin tức từ pháp giới đến.

Tôi thường dùng một ví dụ giản đơn để giải thích mối quan hệ giữa Người, Phật và Bồ tát. Chúng ta giống như có một chiếc máy thu thanh, có thể thu được rất nhiều đài. Những điện đài đều là tiếng nói của Bồ tát. Chỉ cần biết tần số là 24 trên 24 tiếng, có thể tùy nơi tùy lúc nghe được tin tức của điện đài phát ra. Đương nhiên, điều kiện tiên quyết là anh phải biết rõ tần số. Tần số ở đâu mà biết được? Tần số từ cuộc sống bình lặng, thuần khiết mà biết được. Nhờ tâm thuần khiết, cho nên không bị sự vật phức tạp chuyển động. Vì tâm có xu hướng đến sự bình lặng, cho nên tâm không dễ tán loạn. Khi ấy, chúng ta mới thu nhận được tin tức của pháp giới, thậm chí chúng ta dung hợp làm một với pháp giới, tiến lên mình cũng biến thành một điện đài phát tin tức, không ngừng phát ra các tần số.

Theo kinh Hoa Nghiêm thì tâm không có phân biệt. Tâm Phật là ở trong tâm ta. Tâm chúng sanh cũng ở trong tâm ta. Nói cách khác, chúng ta là điện đài, cũng là máy thu thanh, vì chúng ta đã biết rõ các tần số, tuy rằng các tần số đó thấy không được, sờ mó không được. Tôi chỉ có thể nói rằng, nếu anh không chấp trước, “một tâm một cảnh, sống ngay tại hiện tiền”, không ngừng tìm cầu Phật và Bồ tát, thì anh có thể vặn đúng tần số của pháp giới. Như vậy, có thể nói là khai ngộ và kiến tánh. Khai ngộ và kiến tánh không có gì đặc biệt, mà là tình hình khi chúng ta nắm bắt được bí mật rất sâu xa, nếu biết ngữ ngôn của pháp giới. Có người hỏi tôi đã nắm bắt được tần số đó chưa? Tôi nói đã nắm bắt được một điểm, nhưng còn chưa rõ ràng, hy vọng càng tìm, càng nghe rõ ràng, tương lai có thể nghe được những tin tức từ rất xa. Đó chính là biển tâm mênh mông rộng, không bờ bến.

Vì vậy, tôi cho rằng, đi tìm đạo Bồ đề, điều trọng yếu, không phải chỉ ở mục tiêu, mà là một quá trình khai phát không ngừng, dù là thành Phật, cũng là một quá trình. Thí dụ như Bồ tát Quán Thế Âm từ rất lâu trước đây đã thành Phật rồi, danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng Ngài đã trở lại làm Bồ tát. Cũng như cư sĩ Duy Ma Cật từ lâu cũng đã thành Phật rồi, danh hiệu Kim Túc Như Lai. Dựa vào kinh điển thì biết rằng, Phật Thích Ca đã thành Phật 9.000 lần rồi, đối với Ngài mà nói, tu hành là một quá trình tiếp diễn không ngừng, không có mục tiêu cuối cùng. Vì vậy, lâu nay ở thế gian này Ngài thị hiện cái gì? Ngài thị hiện sinh, già, bịnh, chết, thị hiện bệnh đường ruột, bệnh phong thấp v.v... Cho nên khi anh bị bệnh đường ruột, anh nên nhớ Phật Thích Ca cũng từng mắc bệnh đường ruột, nhờ đó, anh cũng cảm thấy hân hoan, an ủi. Hơn nữa, không những Phật đã lập gia đình, mà theo truyền thuyết thì có 3 vợ, sinh ra một con, rồi sau mới xuất gia. Tất cả những cái đó đều là sự thị hiện rất tốt, để chúng ta biết rằng quá trình tiến tới đạo Bồ đề là hết sức trọng yếu.

Tính trọng yếu đó như Thiền Tông nói: “Nhà là ở trên đường đi”, ý tứ là cạnh đường đâu đâu cũng là nhà, không có điểm kết thúc. Vì vậy, hãy trân trọng mọi quá trình. Quá trình này bắt đầu từ việc kiểm nghiệm tưởng niệm, ý niệm; Và không được chấp trước, phải luôn luôn khai phát, luôn luôn quý trọng nhân duyên đã dẫn chúng ta đến thế giới hiện tại. Tôi tin rằng, ngồi nghe tôi hôm nay, có rất nhiều bạn đã từng phát nguyện Bồ đề, mới được tái sanh ở thế giới này. Nhưng cũng có người không tin mà nói “sao có thể được. Nếu trước đây tôi là Bồ tát thì sao bây giờ tôi khổ thế này?”. Tôi muốn cảnh tỉnh các vị là đừng có tự xem thường mình; Bồ tát đến thế giới này cũng chịu thống khổ, cũng gặp cảnh ngộ không sao nói được. Cũng như có nhà âm nhạc giỏi nhất mà không được người nghe hoan nghênh vậy.

Vì vậy chớ có lo âu. Chúng ta phải thường cảnh tỉnh mình. Ngày nay được học Phật là vì từ kiếp vô thỉ đến nay đã từng phát nguyện Bồ đề. Vì vậy, vì sao cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết được lời nguyện xưa kia của chúng ta?
Bây giờ, chúng ta hãy lắng nghe tin tức đến từ biển tâm, xem thử có thể thấy được cái mà Thiền Tông gọi là “Bộ mặt vốn có của chúng ta, trước khi cha mẹ sinh ra”, tức là tâm của chúng ta. Hãy thường kiểm nghiệm và tu hành như vậy thì có một ngày chính ta sẽ đích thực thấy rõ được tâm của mình.



MŨI DAO VÀ CÁN DAO

CÁN DAO CÓ TÁC DỤNG GÌ?

Thiền Tông có công án sau đây:
“Một ngày Thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên cùng với học trò là Hòa Thượng Thạch Thất leo núi.
Thiền sư Thạch Đầu đi sau, lưng đeo con dao đốn củi. Hòa Thượng Thạch Thất đi trước, mở đường cho thầy. Đến lưng chừng núi thì đường bị tắc, vì có một cành cây lớn cản lối đi. Hòa Thượng Thạch
Thất quay đầu lại nói với thầy: ‘Sư phụ cầm hộ con dao ra đây.’
Thiền sư Thạch Đầu rút con dao đưa cho Thạch Thất. Thạch Thất giơ tay định cầm con dao bỗng thấy đó là con dao không có cán. Thạch Thất nói: ‘Sư phụ! Sư phụ hãy đưa cán dao cho con?’
Thiền sư Thạch Đầu hét to: cán dao thì dùng được gì?
Hòa Thượng Thạch Thất hốt nhiên đại ngộ, ngay ở trên đường giữa lưng chừng núi"

Tôi đọc công án này rất cảm động. Cán dao còn có tác dụng gì? Lời nói ấy bắt tôi phải suy nghĩ nhiều vấn đề. Trên thế giới này, có rất nhiều cái không dùng được, nhưng nếu không có những cái vô dụng đó thì những cái hữu dụng lại sẽ mất hết ý nghĩa.
Chúng ta sống nhiều nhất là khoảng 100 tuổi. Trong 100 năm của cuộc sống, thời gian chúng ta thực sự tu hành rất ít ỏi. Hãy xem thời gian tu hành ít ỏi đó như mũi dao. Còn đại bộ phận thời gian khác, chúng ta không tu hành mà chúng ta dùng để ăn cơm, làm việc để kiếm sống, ngủ, đi dạo, uống cà phê, xem phim, nghe nhạc v.v... ngoài ra làm một số việc, xem ra không có tác dụng gì. Nhưng sự thật, đối với một người tu hành mà nói, thì tất cả thời gian giống như “cán dao” đó, đều là có ích bởi vì tu hành và học Phật là sự thể hiện và phát triển của toàn bộ cuộc sống và nhân cách, chứ không phải quy gọn trong thời gian rất ít ỏi ở chùa Phật, khi mình có cảm giác rằng đang thực sự tu hành.

Có thể đưa ra hai câu chuyện tương tự như vậy nữa trong Thiền Tông:
“Có lần, Bồ Tát Văn Thù đang thuyết pháp cho đại chúng. Ngài gọi Thiện Tài đồng tử đến và nói với Đồng Tử rằng: ‘Nhà ngươi hãy đi nhổ một cây cỏ không phải là cây thuốc đem về đây cho ta.’ Đồng Tử Thiện Tài chạy đi tìm nửa ngày cũng tìm không ra loại cỏ nào không thể dùng làm thuốc.
Bồ Tát Văn Thù nói: ‘Tốt? Bây giờ nhà ngươi hãy đi nhổ một cây cỏ có thể làm thuốc, đem về đây cho ta.’

Lúc bấy giờ, pháp hội đang được tổ chức ở giữa trời. Đồng Tử Thiện Tài quỳ xuống, nhổ một ít cỏ, đưa cho Bồ Tát Văn Thù. Bồ Tát Văn Thù nói: ‘Khắp thiên hạ, mọi cây cỏ đều dùng làm thuốc được.’”
Khắp thiên hạ, cây cỏ nào cũng dùng làm thuốc được. Lời tuyên bố này làm chúng ta cảm động. Nó cho chúng ta biết, không có một cái gì đặc biệt gọi là thuốc. Nếu bất cứ một cái gì, có bịnh mà nó đối trị được, có đối tượng để đối trị thì đó là thuốc. Trái lại, một cây thuốc gọi là quý, nhưng lại không đối trị được bệnh, thì cây thuốc ấy cũng là vô dụng.

Còn truyện thứ hai như sau: “Có một ngày, Phật Thích Ca cùng các đệ tử đi tản bộ ở trên đồng. Đi theo, còn có thần Đế Thích và các vị Bồ Tát. Đến một nơi phong cảnh rất xinh đẹp, Phật Thích Ca nói với các đệ tử: ‘Ở đây mà xây lên một ngôi tháp thì thực là tốt đẹp!’
Nghe vậy, thần Đế Thích bèn cúi xuống, lấy một cây cỏ, cắm trước mặt Phật và nói: ‘Bạch Thế Tôn! Tháp báu đã xây xong rồi, ở đây!’. Phật Thích Ca tán thán cảnh giới của Thần Đế Thích thực là đẹp.”
Trên sự thật, giữa một cây cỏ và một tòa tháp báu có gì là khác nhau. Vấn đề là tùy thuộc thái độ chúng ta đối với cây cỏ.



THẤY ĐÚNG ĐẮN CẢNH GIỚI HIỆN THỰC TRƯỚC MẮT

Ba câu chuyện của Thiền Tông trên đây có thể giúp mở mang nhận thức của chúng ta. Khi những người học Phật bắt đầu tu hành, thì họ thường vướng mắc vào những cái gì gọi là “hữu dụng”, như lễ Phật, vái Phật, niệm Phật, tụng Kinh, niệm chú, siêu độ, in kinh, phóng sanh, bố thí v.v... Còn các việc khác như đọc sách, lên lớp, cầu mở mang kiến thức, xem phim, nghe nhạc, nghỉ ngơi, vận động, leo núi, đánh cầu thì người học Phật đều cho là chuyện vô dụng. Có một lần, tôi đến thăm Phật Quang Sơn, thấy các tu sĩ ở Phật Quang Sơn chơi bóng rổ. Mười tu sĩ chia làm hai đội, mỗi đội 5 người. Tôi xem họ chơi bóng rổ, trong lòng cảm động. Các tu sĩ cần đánh cầu để giữ gìn sức khỏe!

Người học Phật, khi bắt đầu tu hành, thường bị một số vướng mắc. Những vướng mắc đó là: “Phải làm tất cả những gì hữu dụng có ích.” Người tu Tịnh Độ chẳng hạn, có thể nói, tất cả những gì giúp cho sự vãng sinh là có ích, là hữu dụng. Còn tất cả những cái khác, thuộc về nhân gian, đều là chuyện vô ích.
Người tu Thiền Tông thì có thể nói: Tất cả những gì giúp cho sự khai ngộ là có ích. Mọi cái khác không giúp cho sự khai ngộ là vô dụng.

Ở đây, có một số vấn đề cần suy xét:

Thứ nhất, nếu tổ chức đám chay thì siêu độ là hữu dụng cho nên người giàu bỏ ra rất nhiều tiền để cầu siêu độ. Người có tiền, phải chăng nhờ người làm lễ siêu độ mà được vãng sanh cả hay sao? Thế thì những người nghèo, không tiền, sẽ mãi mãi chịu cảnh luân hồi sinh tử hay sao?
Nói như vậy sẽ không công bằng. Sự thật, không phải như vậy. Điều quan trọng nhất là ở chỗ dụng tâm. Tôi đã từng nói vấn đề bố thí. Bố thí cũng như pha trà. Khi một người pha một ấm trà, chúng ta bỏ vào ấm một lá trà. Bố thí như vậy là đủ. Vì lá trà ấy tuy ít nhưng hòa vào nước trà đun sôi, đem cho 100 người uống, người nào cũng hưởng được mùi vị của lá trà đó. Bố thí nhiều hay ít không phải ở chỗ bỏ ra nhiều hay ít, hay là làm ít hay nhiều công đức, mà quan trọng nhất là ở chỗ dụng tâm. Còn tất nhiên nếu dụng tâm đã tốt rồi thì bố thí càng nhiều càng tốt.

Thứ hai, nếu người học Phật mà còn chấp trước vào những cái mà anh ta gọi là “có ích, hữu dụng” thì sẽ không nhận thức được đúng đắn sự vật trước mắt. Mà nếu không nhận thức được đúng đắn sự vật trước mắt, thì làm sao bảo đảm sau khi chết, sẽ được tái sanh ở cõi sống tốt đẹp?
Có người hỏi tôi: Xin hỏi làm thế nào, khi lâm chung, giữ được chánh niệm, để cho việc trợ niệm (của người thân) đối với mình có hiệu quả? Anh ta tuy chưa chết, nhưng ngày nào cũng chuẩn bị cho việc giữ vững chánh niệm khi lâm chung, hy vọng khi chết sẽ có người trợ niệm cho anh ta.
Tôi trả lời rằng: “Từ bây giờ, hãy bắt đầu giữ chánh niệm. Từ bây giờ, anh hãy bắt đầu trợ niệm cho mình. Đó là biện pháp thiết yếu nhất.” Chúng ta hãy triển khai lối suy nghĩ này: Không phải, ngồi mới tập thiền, mới chuyên chú tâm. Tuy rằng tư thế ngồi cũng có ích. Từ bỏ tư thế ngồi và theo các tư thế khác cũng có ích, vì sự tu tập là thể hiện và phát triển toàn bộ nhân cách của con người.



HÃY TRÂN TRỌNG CUỘC SỐNG HIỆN TẠI

Có lần tôi đến hội quán Nghĩa trang ở đường Dân Quyền Đông để tham gia lễ tang cha một người bạn vừa quá cố. Vẻ mặt mọi người đều bi thương. Không khí trầm lặng. Mỗi lần dự tang lễ xong ở Hội Quán Nghĩa Trang và ra về đến cửa hội quán, tôi đều thở ra vào thật sâu để làm nhẹ bớt gánh nặng trong tâm.
Ôi! Mỗi lần tôi thở sâu như vậy, tôi đều cảm tạ là mình còn được thở không khí sâu như thế này, mình còn chưa phải từ giã cõi đời này.

Sau đó, tôi rời Hội quán Nghĩa Trang ở đường Dân Quyền Đông, đi tản bộ đến tiệm ăn Á Đông, để uống cà phê. Uống một tách cà phê để chứng minh rằng mình còn tồn tại. Phòng uống cà phê ở tiệm ăn Á Đông rất là tốt, được kiến trúc theo phong cách của Châu Âu thế kỷ XVIII. Ngồi ở đây thưởng thức một tách cà phê, lòng tôi tràn đầy sự biết ơn rằng, hôm nay còn được ngồi ở đây uống cà phê. Bởi lẽ sau đây 100 năm, tôi cũng như thân phụ người bạn kia, sẽ không còn sống ở cõi đời này nữa. Chỉ suy nghĩ như vậy thôi, đã thấy tình hình ở nhân gian này chuyển thành tương đối tốt đẹp hơn rồi.
Uống một cốc cà phê ngon, đọc một cuốn sách hay, nghe một bản nhạc, thậm chí hít thở không khí, đều là những chuyện đáng cảm ơn tất cả!

Nếu bây giờ, cũng không hít thở không khí một cách khoan khoái, không thưởng thức một tách cà phê ngon, thì sau 100 năm nữa, sẽ hối tiếc. Chúng ta đều nghĩ rằng thế giới Cực Lạc rất xa xôi, phải kinh qua rất nhiều không gian và thời gian mới đến được Thực ra, xa hay gần không thành vấn đề. Có người ở xa nhưng lại đến nhanh. Có người ở gần lại đến chậm. Nhớ lại ngày tôi còn học tiểu học, anh học trò đến lớp chậm nhất là anh học trò ở cái nhà ngay trước cổng trường, chính vì anh ta nghĩ, chỉ cần đi một phút là đến trường, cho nên anh ta thường ngủ quá cái phút ấy. Còn bọn chúng tôi đều ở rất xa trường, chúng tôi phải đi 40 phút mới đến cho nên mọi người đều lo đến trước 20 phút. Vì rằng, chúng tôi biết là đường xa, cho nên ai cũng đều ra đi sớm hơn một giờ.

Xa hay gần không thành vấn đề! Cho nên hãy biết rất trân trọng những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta. Đường Dân Quyền Đông rất có ý nghĩa. Bên cạnh Hội quán Nghĩa Trang là vườn hoa Vinh Tinh. Ngày nào cũng có nhiều đôi trai gái đến đây chụp ảnh kỷ niệm ngày tân hôn. Đi thêm vài bước nữa thì đến một nơi gọi là Cung Hành Thiên, là nơi dân chúng đến lễ bái để cầu cho có nhiều tiền, cầu thi đỗ, cầu thành vợ thành chồng êm đẹp, cầu bình yên, cầu con v.v... Đúng là một đoạn đường có đủ sinh, lão, bệnh, tử mà chỉ cần đi có 10 phút?!
Nếu nhìn vấn đề từ một giác độ rộng lớn, thì cuộc sống con người ngắn ngũi như thời gian mươi phút. Làm thế nào để trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, với thái độ nhanh nhất, đạt tới mục tiêu dự định?

Chỉ có một cách là dùng toàn bộ nhân cách trong suốt 24 tiếng đồng hồ để tu hành. Nếu chỉ chú trọng thế giới Cực Lạc mà bỏ quên cuộc sống hiện thực thì đó là một loại tướng đoạn diệt. Trong kinh Phật, có nói tướng đoạn diệt là không tốt. Ngược lại, chỉ chú trọng cuộc sống hiện thực mà bỏ quên quá khứ và vị lai, thì cũng là một loại tướng đoạn diệt khác. Loại tướng đoạn diệt ấy, từng nơi, từng lúc, thường xuất hiện trong cuộc sống chúng ta, khiến chúng ta phải phát sanh cảm giác. Ôi! Cái xa xôi thì tốt đẹp hơn? Thế giới Cực Lạc thì tốt đẹp hơn? Ở đây không tốt đẹp. Cũng như chúng ta xem quảng cáo mì ăn liền trên màn ảnh truyền hình. Chúng ta có cảm giác mì ăn liền rất ngon, bèn đi mua ngay một gói về ăn, mới thấy rằng không ngon như mình đã cảm giác thấy trên màn ảnh truyền hình. Đây là do quảng cáo truyền hình thúc đẩy chúng ta hướng tới mục tiêu khiến mình có cảm giác là tốt đẹp. Nhưng sự thực thì không được như vậy.
Có lần tôi biếu một người bạn cuốn Kinh A Di Đà. Trong kinh có mô tả nhiều cảnh tượng của thế giới Cực Lạc, nói đất ở thế giới Cực Lạc lát bằng vàng, có những hoa sen to bằng bánh xe, nhà lầu làm bằng bảy báu, có tiếng âm nhạc thường xuyên réo rắt trên hư không, tiếng chim hót là tiếng thuyết pháp, trên trời mưa xuống toàn hoa!

Bạn tôi đọc xong cuốn kinh bèn nói: “Tôi không muốn sang thế giới Cực Lạc, vì tôi muốn sống ở nơi có cây cỏ. Nếu đến ở thế giới Cực Lạc lát toàn bằng vàng thì thực dễ sợ. Vì đi trên đường lát vàng, sẽ phát ra tiếng kêu leng keng, làm cho tâm hồn sinh ra khẩn trương. Tôi cũng không muốn nghe tiếng âm nhạc réo rắt từ sáng đến tối. Thỉnh thoảng khi cần có tiếng nhạc mới hay. Cũng không muốn tiếng chim toàn là tiếng thuyết pháp, bởi vì chim chỉ cần hót ca là tốt.”

ó cũng là một quan điểm. Chúng ta không thể lấy phong cảnh ở cõi Cực Lạc phương Tây thay cho cuộc sống hiện thực được. Cũng vậy, chúng ta không thể lấy cuộc sống hiện thực thay thế cho thế giới Cực Lạc được. Đó là một đạo lý hết sức đơn giản. Hôm qua ăn no làm sao giúp chúng ta đỡ đói khát ngày hôm nay được. Hôm nay đói cào bụng, càng nhớ bữa ăn thịnh soạn ngày hôm qua lại càng có cảm giác đói thêm. Càng nhớ, càng tưởng tượng lại càng đói. Tưởng tượng thế giới Cực Lạc cũng là như vậy. Ngày hôm qua, ăn uống no đủ, đối với tình cảnh đói khát ngày hôm nay, là không có ý nghĩa gì. Hôm nay, ăn uống no đủ, đối với tình cảnh đói khát ngày mai cũng là hoàn toàn vô nghĩa. Cái quan trọng nhất là sự no đủ ở thời điểm này, giờ này, phút này. Nghĩa là phải sống trong hiện tại.



CHẤP THỦ LÀ ĐÁNG SỢ

Người học Phật vì chăm chú mặt trí tuệ, cho nên thường coi nhẹ phần tri giác của cảm quan. Sự thật, phần tri giác cảm quan cũng là hết sức quan trọng. Chính tác dụng của sáu thức giúp chúng ta mở mang trí tuệ. Mở mang trí tuệ như thế nào?
Chính là nhờ đoạn trừ vô minh và chấp thủ. Vô minh và chấp thủ là hết sức đáng sợ. Hãy lấy một câu chuyện xảy ra trong nhà tôi để minh họa.

Một ngày, con tôi từ ở trường đem về nhà một hộp đựng các con tằm, khiến tôi phải lo lắng không biết phải nuôi những con tằm như thế nào. Bởi vì lúc còn nhỏ tôi đã từng nuôi tằm thất bại. Tôi hỏi con tôi: “Con đem các con tằm về nhà nuôi chúng thế' nào? Có lá dâu cho chúng ăn không?” Con tôi nói: “Có lá dâu. Hợp tác xã Phúc Lợi của nhà trường có bán, 10 đồng một bao.” Tôi nghe mà giật mình. Bây giờ tiến bộ tới mức lá dâu cũng có bán! Tôi lại hỏi: “Ngày Chủ nhật hợp tác xã không bán lá dâu thì làm thế nào?” Con tôi trả lời: “Không lo, ngày thứ bảy mua thêm một bao đem về bỏ tủ lạnh.” Thế là việc nuôi tằm ở trong nhà bắt đầu. Tôi thường hỏi con tôi: “Nếu chẳng may, hợp tác xã của trường thiếu lá dâu thì thế nào?”

“Không sao đâu! Làm sao thiếu được nế'u thiếu hàng thì thiên hạ sẽ đại loạn. Bởi vì, ở nhà trường, hầu như học trò nào cũng nuôi một hộp dâu tằm.” Quả nhiên, có một ngày, điều tôi lo lắng đã biến thành sự thật. Trời mưa to, hợp tác xã Phúc Lợi của trường thiếu lá dâu bán. Con tôi đi học và nói với tôi: “Ba ơi, thiên hạ đại loạ n rồi, không có lá dâu biết làm thế nào đây!” Tôi chỉ còn cách lái xe hơi đưa con tôi đến các nơi có thể có lá dâu ở Đài Bắc như Bắc Đầu, Nội Hồ, nhưng cuối cùng cũng không tìm ra. Thực là bi thảm? Chắc là các con tằm phải chết mất!

Con tôi bỗng có suy nghĩ độc đáo: “Này ba, con không tin rằng con tằm lại chịu chết đói mà không ăn một lá cây gì khác hay sao? Chúng ta hãy thử xem.” Tôi nói: “Được chứ!” Con tôi bèn đi hái về 10 lá cây thật tươi, mềm rải trong hộp nuôi tằm. Thế nhưng, lá nào chúng cũng không chịu ăn!

Lúc bấy giờ, cả con tôi cũng cảm thấy mấy con tằm chấp trước quá đáng. Con tôi nói với các con tằm rằng: “Chúng mày ăn một cái lá rồi chết lăn cả ra hay sao? Tao không tin!” Mấy con tằm vẫ n không chịu ăn. Con tôi lại nói: “Nhất định bọn tằm ăn lá dâu thành thói quen rồi. Nếu khi chúng mới sanh ra mà bắt chúng ăn một loại lá khác thì chúng sẽ chịu ăn ngay.” Tôi nói: “Đúng như vậy sao? Vậy chúng ta hãy thử xem!”

Để tìm ra đáp án, chúng tôi ngày nào cũng ra sức nuôi tằm. Tằm biến thành ngài, sanh ra trứng. Trứng chuyển màu đen vài ngày thì chúng tôi khẩn trương đi hái các loại lá khác cho tằm ăn, hy vọng các con tằm mới sẽ bỏ được tập quán ăn lá dâu.

Đáp án thì chắc các vị đã biết rồi. Các con tằm nhất định không chịu ăn các loại lá khác. Kỳ lạ thật, chúng chưa có tập quán ăn lá dâu mà vẫn không chịu ăn các loại lá không phải lá dâu. Cuối cùng đành phải đem lá dâu về cho chúng ăn. Lá dâu vừa rải ra, các con tằm tranh nhau ăn rạo rạo, như là chúng khiêu vũ, nhảy múa vậy! Lúc ấy, tôi cả m khái nghĩ rằng, sự chấp thủ thói quen thực là đáng sợ.



PHÁ CHẤP TRƯỚC, MỞ MANG TRÍ TUỆ

Con tằm, đời này qua đời khác, đều ăn lá dâu không chịu ăn lá khác. Tằm xưa nay, trong nước, ngoài nước đều như vậy, không có ngoại lệ. Do chấp trước mà chúng không thể biến thành vật tiến bộ hơn, không thể tiến trên một con đường khác tốt đẹp hơn. Con bướm, một loại động vật rất gần gũi với con tằm, cũng chỉ hút mật hoa, không chịu ăn cái gì khác, từ khi sanh ra cho đến khi chết đi cũng chỉ ăn như vậy mà thôi.

Tôi bèn nghĩ rằng: “Con bướm kiếp trước chắc là không chịu ăn đồ đắng, chỉ muốn ăn ngọt, cho nên mới phải luân hồi làm bướm. Vì chấp trước, như vậy cho nên nó cũng không tiến hóa được.” Cùng một loại bướm thì các chấm trên thân cũng không thể nhiều hay ít hơn!. Lúc nhỏ tôi cũng có nuôi bướm. Một loại bướm có chín chấm đen trên mình thì tất cả con bướm cùng một loại cũng đều có chín chấm đen, không nhiều hơn hay ít hơn, và cũng không có ngoại lệ. Con ngài cũng vậy, mỗi đêm vào mùa hè, con ngài đều hay đâm đầu vào lửa, đời đời kiếp kiếp cũng như vậy.

Những hiện tượng như thế đều do chấp trước mà thành, nếu phá được bệnh chấp trước thì có thể tiến bộ nhanh. Tôi nghĩ rằng, nếu có một con tằm nào đó chịu ăn loại lá khác, và phát hiện: A! Loại lá khác ăn cũng rất ngon! Rồi chúng bắt đầu ăn loại lá khác đó, không ăn lá dâu nữa. Nhất định trong nội tâm con tằm đó, sẽ nổ ra một cuộc cách mạng, phá trừ chấp trước và con tằm sẽ phát triển nhanh trên con đường tiến hóa.

Không kể là loài động vật lớn hay bé, đều có bệnh chấp trước như vậy. Có con thú gọi là gấu mèo, loại gấu mèo này chỉ ăn măng ống, không ăn một loại thức ăn nào khác. Vì cây măng ống ngày càng ít đi, cho nên giống gấu mèo bị đe dọa tuyệt chủng. Nếu một ngày nào đó, gấu mèo chịu ăn dưa, thì giống gấu mèo sẽ có thể tồn tại và phát triển, trí tuệ gấu mèo có thể được mở mang. Chấp trước là cái bệnh rất đáng sợ. Tôi thường ví chấp trước với nước đọng, nước ao tù, càng để lâu càng có mùi thối. Nước thì phải chảy, thường xuyên chảy sẽ không có mùi thối. Nước mà bị chấp trước, ở yên trong ao tù thì sẽ sanh ra mùi thối. Vì vậy phá chấp trước là việc làm rất cấp thiết đối với chúng ta trong cuộc sống hiện nay. Chỉ cần nhận thức được sự chấp trước của mình hiện tại là thế nào thì có thể đoạn trừ nó một cách dễ dàng.

Cũng như chúng ta cần một quả dưa để ăn, bổ quả dưa ấy ra, thấy rõ trong quả dưa có bao nhiêu hột. Vì đó là quả dưa chúng ta đang ăn. Nhưng chúng ta sẽ khó đoán biết, trên một cây dưa sẽ sanh ra bao nhiêu quả dưa. Ăn dưa xong rồi, đem hột chôn xuống đất, hột mọc lên thành cây. Cây ấy sẽ sinh ra bao nhiêu quả dưa, đó là điều chúng ta không thể dự đoán được cái mà chúng ta nắm được là quả dưa mà chúng ta đang ăn, bổ ra làm đôi, chúng ta thấy rõ có bao nhiêu hột. Cũng tức là nói, nếu nhận chân được sự chấp trước hiện nay của chúng ta thì có thể đoạn trừ được sự chấp trước tương lai, hay là sự chấp trước quá khứ. Sau đó mới dần dần xây dựng được nhân cách của chúng ta.

Vừa rồi có một cuộc tranh luận trên hai tờ báo, tờ Tự Lập và tờ Tự Do giữa nhà văn Tống Trạch Lai và nhiều Tăng sĩ, cư sĩ, về nếp tu hành khác biệt giữa Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa. Tôi có đọc các bài tham gia cuộc tranh luận đó và có nhận thức sâu sắc đó chỉ là sự tranh chấp giữa mũi dao và cán dao mà thôi.



PHẬT GIÁO GIỐNG NHƯ MỘT CON DAO

Sự giáo hóa của Phật giáo Nguyên thủy cũng như tạo ra một cán dao rất kiên cố. Phật giáo Đại thừa chỉ là cắm mũi dao nhọn, sắc vào cán dao đó. Cho nên vĩnh viễn không thể giải quyết được sự tranh chấp hơn thua giữa mũi dao và cán dao!

Nếu Phật giáo là một con dao thì cán dao là cái gì?

Cán dao là Phật giáo căn bản. Đạo lý chủ yếu do Phật giáo căn bản giảng là Ba pháp ấn, Bốn chân lý thánh, con đường đạo tám nhánh, 12 nhân duyên.

Ba pháp ấn là: các hành là vô thường, các pháp là vô ngã, Niết Bàn là vắng lặng.
Bốn chân lý thánh là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đời người là thống khổ; hiện nay chúng ta sống và cảm thấy những nổi khổ đó. Chúng ta là một tập hợp, tức là một tập hợp khổ. Muốn xóa bỏ tập hợp khổ đó, phương pháp duy nhất là đi theo con đường giác ngộ (Bồ đề), con đường giải thoát, diệt hết cội nguồn của khổ.
Con đường đạo tám nhánh là Chánh kiến (thấy biết đúng đắn), Chánh tư duy (suy nghĩ đúng đắn), Chánh ngữ (lời nói đúng đắn); Chánh nghiệp (hành động đúng đắn); Chánh mạng (sinh sống đúng đắn); Chánh tinh tấn (siêng năng đúng đắn); Chánh niệm (nhớ nghĩ đúng đắn); Chánh định (tập trung tư tướng đúng đắn).
Thuyết 12 nhân duyên giải thích quy trình một chúng sanh từ khi nhập thai, ra khỏi thai mẹ, lớn nên, trưởng thành rồi già chết như thế nào.
Những giáo lý căn bản đó của đạo Phật giống như cán dao của một con dao. Nếu không có những giáo lý căn bản đó, tức là ba pháp ấn, Bốn chân lý thánh, Con đường đạo Tám nhánh, 12 nhân duyên thì Phật giáo sẽ không có chỗ đứng chân vững chãi.
Mọi tranh chấp giữa Đại thừa và Tiểu thừa, nguyên nhân lớn nhất là người theo Tiểu thừa rất bất mãn với danh xưng “Tiểu thừa”. Vì vậy, chúng ta nên gọi Phật giáo Tiểu thừa là Phật giáo “căn bản”.
Còn nếu Phật giáo Đại thừa coi thường Tiểu thừa, thì đó là một thái độ sai lầm. Một người tu hành theo Đại thừa mà không có một nhận thức cơ sở đối với Phật giáo căn bản, thì Đại thừa chỉ là một lâu đài xây dựng trên hư không mà thôi. Cũng như một con dao phải đủ cả mũi dao và cán dao thì mới có thể dùng được.



HỌC PHẬT LÀ ĐỂ CHẾ TẠO MỘT CON DAO TỐT

Người học Phật cũng giống như người chế tạo một con dao tốt; không kể là tu hành theo Đại thừa hay Tiểu thừa, tất cả Phật tử đều phải hấp thụ giáo hóa cơ bản của Phật Thích Ca truyền lại. Có hấp thụ được sự giáo hóa đó mới có biện pháp chế tạo ra được một con dao tốt, dùng được. Điều kiện căn bản nhất để chế tạo ra một con dao dùng được là xây dựng cho mình một phẩm chất tốt, một bản chất sống tốt. Thế nào gọi là một phẩm chất sống tốt? Xin lấy ví dụ sau đây để minh họa.

Có một loài sò gọi là ngọc trai, có thể tạo ra ngọc. Một đặc điểm của loài sò này là mỗi lần bị một vết thương là nó sinh ra ngọc trai. Người nuôi ngọc trai lợi dụng đặc điểm này, bèn bắt những con ngọc trai lớn, vạch miệng và cửa hai nhát dao rồi thả con sò xuống nước như cũ. Con sò ngay tại nơi bị thương tích, sinh ra ngọc trai. Thậm chí, người nuôi ngọc trai có thể tạo ra ngọc trai với hình dáng theo ý muốn của mình, tùy theo hình dáng vết thương trong thân con sò ngọc trai.

Mỗi lần người ta tạo ra vết thương, thì con ngọc trai lại hàn vết thương đó bằng ngọc trai do nội thân tiết ra.
Các loài sò khác, nếu bị tạo ra vết thương như vậy, đều chết sau khi được thả lại xuống nước. Chỉ riêng loài sò ngọc trai là có phẩm chất nhẫn nhục tốt đẹp có khả năng chịu đựng và tự băng bó vết thương của mình. Một người học Phật và tu hành, trước hết phải tạo cho mình một phẩm chất tốt đẹp như con sò ngọc trai, khéo chịu đựng mọi nỗi khổ ở đời và chế tạo ra ngọc trai của mình.



ĐẶT CON DAO BÁU Ở TRONG TÂM MÌNH

Những nỗi thống khổ của nhân sinh không khác nhau gì lắm đối với mọi người. Điều quan trọng đối với người tu hành, dù tu theo pháp môn nào, là xây dựng cho mình một phẩm chất tốt. Có một câu nói có thể minh họa: “Trong thân có dao báu nhưng không giết người”. Trong người có dao báu, nhưng vẫn đi trên đường một cách bình thường, không giết ai cả.

Trong các tiểu thuyết võ hiệp và phim võ hiệp, có một loại người, chỉ cần gặp họ là biết họ có võ. Huyệt thái dương của họ lồi cao, các bắp thịt của họ đều nổi, lưng đeo kiếm. Gặp họ trên đường ai cũng nói : “Ái chà! Người này thật đáng sợ! Họ có thể giết người đấy! Võ công của họ rất cao cường." Thế nhưng, trong tiểu thuyết và phim võ hiệp, .. loại người đó thông thường không phải là loại người có võ công cao nhất. Có võ công cao hơn loại người thường như Trịnh Thiếu Thu vậy.

Áo quần rất sạch sẽ, đi đứng thì chậm rãi, ngâm thơ, xướng vịnh, tay phe phẩy quạt, đó là loại người có võ công cao nhất, bởi vì chất võ công của họ ẩn sâu bên trong, không lộ ra ngoài . “Trong thân có dao báu mà không giết người.” Ý nghĩa câu này là: Một người mới bắt đầu tu hành, nên thường xuyên giữ gìn con dao báu trong tâm mình, để xử sự với thế giới này... không nên đi đâu cũ ng cao rao rằng mình là Phật tử đang tu hành đây, trên cổ đeo cái biển Phật tử rất là nghiêm túc. Một người quá nghiêm túc cũng khó độ chúng sanh. Chúng sanh cũng khó nhờ mình mà được khai ngộ. Tôi thấy rằng, muốn theo con đường Bồ tát, thì phải có các đặc chất, như trầm mặc, phóng khoáng, cởi mở. Những đặc chất ấy chúng ta thấy rõ ở Phật và các vị Bồ tát.

Xem Tiếp: Trang 03

WP: Mỹ Hồ


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]