Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 15: Những lời dạy đạo thực tiễn trong sáng của Tổ Sư Ấn Độ ATISA (ATISHA) về tinh túy của Phật Pháp lúc truyền Đạo Phật qua Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn

21/01/201110:28(Xem: 7289)
Chương 15: Những lời dạy đạo thực tiễn trong sáng của Tổ Sư Ấn Độ ATISA (ATISHA) về tinh túy của Phật Pháp lúc truyền Đạo Phật qua Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn


TINH TÚY TRONG SÁNG CỦA ĐẠO LÝ PHẬT GIÁO

Những Lời dạy thực tiễn của
Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ ATISA Lúc truyền Đạo Phật vào Tây Tạng
Tác giả: Phạm Công Thiện - Viên Thông California Xuất Bản 1998

PHẦN 3

CHƯƠNG 15
NHỮNG LỜI DẠY ĐẠO THỰC TIỄN TRONG SÁNG CỦA TỔ SƯ ẤN ĐỘ ATISA (ATISHA) VỀ TINH TÚY CỦA PHẬT PHÁP LÚC TRUYỀN ĐẠO PHẬT QUA TÂY TẠNG VÀ VÙNG HY MÃ LẠP SƠN

15. Những lời dạy đạo thực tiễn trong sáng của Tổ Sư Ấn Độ ATISA (ATISHA) về tinh túy của Phật Pháp lúc truyền Đạo Phật qua Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn:
Có thể nêu ra bốn đặc điểm rõ rệt, dễ nhận thấy trong giáo thuyết của Atisa:

1) Đặt trọng tâm vào việc thực hành tu chứng liên tục hằng ngày, thực hiện trọn vẹn Mười Đại Hạnh Nguyện Phổ Hiền;

2) Thống nhất lại tất cả Giáo Pháp của Phật Giáo Nguyên Thủy, Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Kim Cang Thừa trong việc hành trì tu chứng cụ thể mỗi ngày;

3) Chú trọng đặc biệt đến việc giữ giới luật, trì giới một cách nghiêm mật, thực hành cả giới luật thanh tịnh ngay cả lúc hành trì những pháp môn tối mật của Mật Tông Kim Cang thừa, tuyệt đối cấm hành dục ngay cả lúc tu chứng những pháp môn chuyển dục thành Đại Bi và Trí Huệ Không Tính;

4) Phối hợp đồng nhất Phương Tiện Thiện Xảo (Bồ Đề Tâm) với Bát Nhã Trí Huệ (Không Tính) trong từng cử chỉ, từng việc làm mỗi ngày, từng lời nói thường nhật, từng ý nghĩ tư tưởng kín đáo trong tâm thức lưu chuyển từng giây phút.
Điểm thứ 4 này có thể khai triển như sau:

a) Phối hợp tất cả giáo thuyết của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật vào ý nghĩa tương đối và tuyệt đối của Bodhicitta (Lòng Bồ Đề, Bồ Đề Tâm) trong việc tu chứng thể nhập liên tục Mười Đại Hạnh Nguyện Vương của Phổ Hiền;

b) Khai thông hai lộ trình rộng và sâu (quảng và thâm) của Bồ Đề Tâm; đường rộng tức là con đường của Đại Từ Bi từ Quán Thế Âm Bồ Tát và Di Lặc Bồ Tát cho đến Tổ Sư Vô Trước (Asanga) và đường sâu tức là con đường của Đại Trí Huệ từ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cho đến Tổ Sư Long Thọ (Nagarjuna);

c) Rồi liên tục phối hợp đồng nhất con đường rộng (Đại Từ, Đại Bi, Phương Tiện Thiện Xảo) và con đường sâu (Đại Trí Huệ Bát Nhã Không Tính);

d) Phối hợp đồng nhất cả hai con đương này vào một con đường vừa rộng vừa sâu (qunảg thâm), vừa sâu vừa rộng (thâm quảng) tức là con đường của Đại Hạnh trong việc tu chứng Bồ Tát Hạnh cho đến lúc viên mãn thành tựu Giác Ngộ siêu việt, tức là ngộ nhập toàn diện Mười Đại Hạnh Nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát một cách liên tục sâu rộng, vô biên, vô giới hạn, vô cùng tận;

e) Hồi hướng tất cả công đức vô lượng cho tất cả chúng sinh một cách thường trực, vô cùng tận, thân khẩu ý không hề mệt nản (... Bồ Tát như thị sở tu hồi hướng; hư không giới tận, chúng sinh giới tận, chúng sinh nghiệp tận, chúng sinh phiền não tận, ngã thử hồi hướng vô hữu cùng tận, niệm niệm tương tục vô hữu gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yểm).

Mỗi khi chúng ta nghe được và học được bất cứ lời dạy đạo thực tiễn nào của Tổ Sư Thánh Tăng Atisa, chúng ta phải suy nghĩ cặn kẽ và chứng nhập thực hành lời dạy đạo cụ thể ấy trong chân trời sáng rực của bốn đặc điểm nêu ra ở trên cùng với năm điều khai triển sâu rộng ở đặc điểm thứ tư.
Sau đây là những lời dạy đạo thực tiễn và vô cùng trong sáng của Thánh Tăng Atisa.

Những đệ tử Tây Tạng hỏi ngài Atisa:

"Xin Thầy chỉ dạy rõ ràng về việc hành trì tu chứng giáo thuyết của bậc sư phụ bản thân, Phải chăng chỉ nên cố gắng nổ lực thực hành những thiện nghiệp trong thân, khẩu và ý, và hành động tương thuận khế hiệp với những giới luật hạnh nguyện của ba hạng hiền thánh: giới nguyện của giới bổn (ba la đề mộc xoa), giới nguyện của Bồ Tát Giới và giới nguyện của Kim Cương Giới?"

Sư phụ Atisa trả lời: "Chưa đủ".

Đệ tử thắc mắc: "Bạch Thầy, vì sao vậy?"

Sư phụ Atisa dạy dỗ một cách bất ngờ dung dị:

"Dầu các con có giữ được tam loại giới nguyện của Phật Pháp Nguyên Thủy, của Phật Pháp Đại Thừa và Phật Pháp Kim Cang Thừa đi nữa, nếu các con không từ bỏ ba cõi luân hồi thì những hành động của các con chỉ làm tăng trưởng tính cách phàm phu tục tử của các con thôi. Dầu các con có cố gắng tu hành những thiện nghiệp trong thân, khẩu và ý, liên tục suốt cả ngày lẫn đêm đi nữa, nếu các con không hồi hướng thiện nghiệp của mình cho Giác Ngộ trọn vẹn của tất cả chúng sinh thì đáo cùng rồi các con vẫn bị kẹt dính vào vô số vọng tưởng sai nhầm. Dù các con có chuyên tu thiền định và được mọi người tôn trọng như bậc thiền sư thánh tăng đi nữa, nếu các con không vứt bỏ mối quan tâm của mình đối với tám thế gian pháp, tức là tám ngọn gió chướng như kẹt vướng vào việc được lợi lộc, việc mất lợi lộc, việc nổi danh, việc mất danh, việc được khen ngợi, việc bị chê bai chỉ trích, việc vui sướng và việc đau khổ; nếu các con không bỏ trừ được lòng bận rộn với tám cơn gió đời vừa kể thì bất cứ việc gì con làm được đều chỉ là làm cho những mục đích thế tục của hạng phàm phu tục tử thôi, và nhiên hậu trong thời vị lai, con vẫn chẳng tìm thấy được chính lộ của Đạo Pháp chư Phật".

Chúng ta cũng cần tóm lược lại những điều chính yếu trong lời dạy đạo trên của Tổ Sư Atisa. Muốn tìm thấy được chính lộc của Phật Pháp, chúng ta cần nhớ ba điều:

1) Phải dứt khoát từ bỏ viễn ly ba cõi (dục giới, sắc giới, và vô sắc giới) của sự luân hồi (chữ Phạn: samsàra; chữ Tây Tạng: 'khor ba hay srid pa);

2) Phải liên tục hồi hướng tất cả công đức thiện nghiệp của mình cho sự Giác Ngộ toàn diện của tất cả chúng sinh;

3) Phải phá vỡ triệt để tất cả tám sự chướng ngại (trói buộc cả hạng người được coi là đạo sư thánh nhân) như sự trói buộc của tinh thần tâm thức mình vào việc thu hoạch được sự thắng lợi, vào việc bị mất mát lợi lộc địa vị, vào việc nổi danh thơm tiếng tốt, vào việc mang tiếng xấu hay hoặc bị vô danh không ai biết tới, vào việc được người đời tôn trọng ca ngợi, vào việc bị mắng chửi hoặc chê cười hoặc bị chỉ trích ngộ nhận một cách oan ức, vào việc thỏa mãn vui sướng khoái lạc, vào việc buồn chán nản lòng thất vọng đau đớn trong ba loại khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ) và tám thứ khổ bình thường (sinh, lão, bệnh, tử, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, và ngũ ấm thịnh khổ).

Có thể nói dứt khoát rằng bất cứ lời dạy đạo nào của bất cứ đạo sư nào mà không đặt trọng tâm vào ba điều chính yếu trên thì đó không phải là Phật Pháp mà chỉ là tà pháp nguy hiểm, dù ở hình thức bên ngoài, mình có vẻ như bậc chân tu, vì giữ được tất cả giới luật thanh tịnh của thánh hiền tăng, của Bồ Tát Giới và của cả Mật Hạnh Giới.

Làm lành và tránh dữ là việc đáng ca ngợi hết sức, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là lọc sạch tâm thức, tức là chuyển hóa tâm thức một cách toàn triệt, vì lợi ích vô cùng tận cho tất cả chúng sinh (noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, nương nơi tứ đại mà sinh, nương nơi hư không cùng cây cỏ mà sinh, sinh loại đủ sắc thân, đủ hình trạng, đủ tướng mạo, đủ loại thọ lượng, các thứ tộc loại, đủ loại danh hiệu, đủ loại tâm tính, đủ loại tri kiến, đủ loại dục lạc, đủ loại ý hành, thiên, long, bát bộ, nhân, phi nhân, loài có hình sắc, loài không hình sắc, loài có tưởng, loài không có tưởng, loài chẳng phải có tưởng cũng chẳng phải không có tưởng, "phi hữu tưởng phi vô tưởng").

"Vì lợi ích vô cùng tận cho tất cả chúng sinh" (như tất cả các loại sinh thể vừa nêu ra ở trên) có nghĩa đồng nhất với "hằng thuận chúng sinh" trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện:
"Các loài sinh thể đủ loại như vậy, tôi đều tùy thuận tất cả mà tu hành chuyển hóa thực hiện các hành động phụng thờ, tôn trọng, ngưỡng mộ, cúng dường như thờ kính cha mẹ, như thờ lạy bậc Thầy cùng với các bậc A La Hán và cho đến cả Đức Như lai, thờ lạy tôn kính phụng bái ngang đồng nhau, không phân biệt sự khác biệt nào cả. Trong các loại sinh thể như vậy, nếu ai có bệnh thì tôi làm lương y cho họ, nếu có ai lạc đường thì tôi chỉ tỏ đường đúng cho họ, trong đêm tối đen thì tôi làm ánh sáng cho họ, đối với kẻ nghèo thiếu thốn thì tôi khiến cho được của cải quí báu. Bậc Bồ Tát đều có tâm thức bình đẳng, không phân biệt, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh như vậy". (... như thị đẳng loại, ngã giai ư bĩ tùy thuận nhi chuyển chủng chủng thừa sự, chủng chủng cúng dường, như kính phụ mẫu, như phụng sư trưởng, cập A La Hán nãi chí Như lai, đẳng vô hữu dị, ư chư bệnh khổ vị tác lương y, ư thất đạo giả thị kỳ chính lộ, ư ám dạ trung vị tác quanh minh, ư bần cùng giả linh đắc phục tàng. Bồ Tát như thị bình đẳng nhiêu ích nhất thiết chúng sinh).

Chúng ta chỉ "tùy thuận chúng sinh", "hằng thuận chúng sinh" một cách đúng đắn, không bị kẹt vào "tình thương" của tà pháp (theo kiểu "giúp đỡ, thương yêu, cứu giúp nhân loại" của ngoại đạo), chỉ khi nào chúng ta tu hành thực chứng ba điều trọng yếu mà Tổ Sư Atisa đã dạy ở trên:

1) Phóng vọt lên và vượt thoát tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) của vòng tròn luân hồi. (Tất cả sự phụng sư nhân loại của tất cả ngoại đạo đều hãy còn kẹt trong dục giới, sắc giới và vô sắc giới; nghĩa là chỉ tăng trưởng vọng tưởng của luân hồi thôi. "Bác Ái" và "Từ Bi" chỉ được "đối thoại" một cách linh động tinh mật đứng đắn nơi điểm thứ nhất này, nếu không thì tất cả sự "trùng phùng" và "đối thoại" giữa Phật Giáo và những tôn giáo khác chỉ mang tính cách "chính trị", "ngoại giao" theo kiểu thế tục phù phiếm nông cạn).

2) Luôn luôn liên tục hồi hướng tất cả hành động (thân, khẩu, ý) cao thượng, sạch sẽ, trong sáng, thiện lành của mình cho sự Bừng Tỉnh Sáng Suốt Trọn Vẹn của tất cả sinh vật đủ loại ở khắp toàn thể tỉ triệu vũ trụ và hư không. (Đây là điểm siêu việt dị thường của Phật Giáo: bỏ tất cả những gì mình có được một cách nhọc nhằn cho sự ích lợi lớn lao của tất cả những gì có sự sống trên mặt đất và vũ trụ và cho tất cả những gì không còn sự sống hay sẽ có sự sống trong tương lai vô hạn).

3) Hoàn toàn đập vỡ tất cả sự lường gạt tráo trở tế nhị của chính tâm thức và của bản ngã của mình, mỗi khi mình tự mãn rằng mình đã hết lòng cứu nhân độ thế hay tu hành Phật Pháp, nhưng thực sự ra mình chỉ là kẻ nô lệ của ngũ dục (sắc, thanh, hương, vị, xúc) hoặc hoàn toàn bị lôi kéo bởi tám sự việc thống trị đời người: được và mất, có danh vọng và vô danh, khen và chê, sướng và khổ cực. (Mình lúc nào cũng tự đánh thức tinh thần một cách thường trực rằng" "Phật Pháp" có thể bị tráo trở lợi dụng để phụng sự cho những thế lực hắc ám của bản ngã hoặc của tham vọng thế tục ngay cả trong cái gọi là "thiện chí", "lòng ái quốc", "tình người", "ý thức xây dựng", v.v... Tóm lại, trong ý nghĩa thường dùng trong kinh luận Phật Giáo gọi đó là "hý luận" là trò đùa chơi chữ nghĩa của ngôn thuyết vọng tưởng và của ý niệm, ý tưởng và khái niệm cụ thể hoặc khái niệm trừu tượng).

Tất cả những điều trên đều được tu chứng trắc nghiệm hoàn toàn, chỉ khi nào mình sống hết lòng trọn vẹn với những lời dạy đạo linh động của Bổn Sư: tôn trọng Bổn Sư như Phật là điều kiện duy nhất để tu hành đúng theo Phật Pháp. Một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để tiêu diệt cái bản ngã hèn mọn của mình là: tri ơn, tôn kính, ngưỡng mộ, phụng thờ, kính lễ, xưng tấn, quì lạy Bổn Sư của mình. Đó là hành động cụ thể nhất để đập vỡ tính ích kỷ và tính ngạo mạn của chính mình.

Bổn Sư chính là hiện thân của Phật Pháp một cách linh động nhất và dễ nhận thấy nhất; trong mỗi vị Sư Phụ đã thực hiện được sự hợp nhất linh thiêng của Tam Bảo (Phật, Pháp và Tăng). Thiện Tài Đồng Tử đã gian nan khổ hạnh tìm đạo ở khắp mọi nơi, kinh qua 110 thị tứ hải hồ xa xôi và học đạo gian nan với 53 vị sư phụ để rồi mới được chứng nhập ngộ kiến Đại Bồ Tát Phổ Hiền và mới kết thúc lộ trình tu chứng của mình.

Chúng ta nên nhớ Đức Phật đã dạy rằng vào thời Mạt Pháp chư Phật đều thị hiện để dạy đạo chúng sinh qua hình thể bình thường của những bậc sư phụ, những bậc đạo sư hoặc bổn sư của mình. Mình trong sạch thì mình sẽ thấy bổn sư của mình trong sạch vẹn toàn. Mình dơ bẩn thì mình chỉ nhìn thấy được những cái gọi là: những khuyết điểm, nhược điểm" của bổn sư hay thầy dạy của mình. Mỗi khi mình coi Thầy của mình là Phật thì mình được sự phù hộ linh thiêng của Phật; coi Thầy là Bồ Tát thì được sự phù hộ linh dị của Bồ Tát; coi Thầy là người thường thì mình sẽ không học được gì cả mà lại mau xuống địa ngục hoặc đầu thai vào cõi quỉ ma, cõi súc vật hoặc cõi người bất hạnh ở những nơi chốn không có Phật, Pháp và Tăng, không có thiện tri thức xuất hiện.

Đó là lý do lạ thường khiến cho Tổ Sư Atisa phải nói:

"Lời dạy Phật Pháp của Bổn Sư còn quan trọng hơn cả Kinh Luận Giáo Pháp!"

Vì sao? Lý do giản dị: không có Bổn Sư thì mình không thể nào hiểu đúng, không thể nào liễu nghĩa được tất cả Kinh Điển của chư Phật hay Kinh Luận của chư Tổ Thánh Tăng. Có rất nhiều người mới học "tu thiền" theo lối Thiền Tông Đốn Ngộ thường phá bỏ khinh thường kinh Phật một cách lố bịch hoặc hiểu lời dạy của bậc Thiền Sư theo kiểu "hý luận" một cách tự mãn như lối nói: "không tu mới là tu", "không học mới là học", "không cần ai dạy cả", "bất cứ cái gì cũng là thiền cả" v.v... Tất cả những lời nói này đều rất chính xác một cách tức cười, vì đều là "hý luận" và "vọng ngôn", vì chỉ bắt chước chân ngữ của những bậc Thiền Sư đúng nghĩa. Với tất cả thân khẩu ý dơ bẩn của mình, mình không thể nào hiểu nổi một bài kệ bốn câu của chư Phật hay chư Tổ, nói chi đến tu hành đúng theo Phật Pháp?

Tổ Sư Atisa đã nói dứt khoát rõ ràng:

"Dù các ngài có hiểu được rằng đặc tính chinh yếu của tất cả những hiện tượng là không có đặc tính, không có tự tính, là vô tự tính, tức là Không Tính, dù các ngài có thể đọc tụng cả Tam Tạng Kinh Điển (gồm trên mấy trăm ngàn trang); dù thế, các ngài vẫn hoàn toàn ly cách xa lìa Phật Pháp, nếu các ngài không áp dụng lời dạy Phật Pháp của Bổn Sư vào đúng ngay lúc mình đang tu hành thực chứng".

Do đó, muốn tu hành Phật Pháp, chúng ta không thể tự đọc và tự học cả mấy ngàn hay mấy chục ngàn quyển sách của những giáo sư học giả thông thái viết về Phật Giáo, dù những quyển sách có uyên bác chính xác sâu sắc gì đi nữa, tất cả những tác phẩm ấy đuề là hý luận nếu chúng ta không thực hành một lời dạy duy nhất cụ thể thực tiễn của chư Phật, chư Tổ, chư Thánh Tăng Bồ Tát hoặc chư Đạo Sư, Bổn Sư hoặc Sư Trưởng Sư Phụ của mình.

Người học giỏi uyên bác và thông thái về Phật Học dễ sinh tánh kiêu ngạo tự mãn một cách tức cười và dễ trở nên kẻ vô tình phá hoại đức tin hiền lành trong sạch của các Phật tử hồn nhiên đạo hạnh. Những quyển sách tồi tệ nhất về Phật Giáo là những công trình gọi là "uyên bác", tập tành sử dụng những phương pháp học thuật khảo học của những nền nhân văn Tây phương hiện đại và "hậu hiện đại"; nông cạn sử dụng một mớ ý niệm Triết Học và Sử Học hay Xã Hội Học hoặc Chính Trị Học hoặc Khoa Học Vật Lý hoặc Tâm Lý Học hay Phân Tâm Học hay Ngôn Ngữ Học hoặc Nhân Chủng Học của Tây phương, những nền học thuật hiện đại của Tây phương đang sụp đổ và bị lung lay nền tảng; nông cạn sử dụng những học thuật đang bị phá sản ấy để xuyên tạc những điều giản dị chính yếu nhất mà ngay một chú tiểu mới tu ở chùa cũng đã thể nhập thông đạt một cách trong trắng, linh động và thần diệu.

Có một lần nọ, những vị giáo thọ Tây Tạng hỏi Tổ Sư Atisa:

"Những học thuyết về căn nguyên tri thức của Nhân Minh (Luận Lý Học) là gì?"

Ngài Atisa trả lời:

"Có nhiều ngôn thuyết nội điển và ngoại điển, nhưng tất cả đều là những chuỗi lý luận và hý luận vọng tưởng bất tận. Tất cả điều này đều chẳng cần thiết gì cả cho việc tu hành, và không nên mất thì giờ, hoang phí đời mình với những điều ấy. Đã đến lúc cần cô đọng đúc kết ý nghĩa chính yếu của Phật Pháp".

Một trong những vị giáo thọ Tây Tạng mới hỏi:

"Ngài đúc kết cô đọng ý nghĩa chính yếu của Phật Pháp như thế nào?"

Tổ Sư Atisa trả lời:

"Phải thực hành lòng Từ, lòng Bi, và lòng Bồ Đề với tất cả chúng sinh. Hãy hết lòng tinh tấn tích lũy Công Đức và Trí Huệ vì lợi ích cho tất cả chúng sinh. Hãy hồi hướng tất cả Thiện Căn để đạt tới Phật Tính cùng chung với tất cả chúng sinh mà số lượng của chúng sinh tràn ngập cả bầu trời mênh mông. Hãy hiểu rằng tất cả mọi sự này đều là Không Tính, đều rỗng trống, không có tự tính, giống như một giấc chiêm bao hay một trò huyễn hóa ảo thuật ..."

Một lần nọ, những môn đệ Tây Tạng hỏi Tổ Sư Atisa:

"Giáo lý cao nhất của Đạo Phật là giáo lý nào?"

Ngài Atisa đã trả lời một cách súc tích phi thường như vầy:

1) "Cái thuật khéo nhất và lớn nhất là tu chứng ngộ nhập Pháp Vô Ngã.

2) Tính cao quí thượng đẳng, quí phái thượng hạng là chuyển hóa Tâm Thức, làm chủ cái tâm thức của mình.

3) Điều tốt đẹp ưu điểm siêu việt nhất là có được cái lòng mở rộng sẵn sàng lúc nào cũng tìm cách giúp đỡ những kẻ khác.

4) Lời dạy dỗ cao siêu nhất là thường trực đánh thức tâm thức một cách liên tục, thường hằng nuôi dưỡng chính niệm.

5) Liều thuốc trị bệnh hay nhất là liễu ngộ cái vô tự tính của tất cả mọi sự.

6) Cái hành vi, thiện nghiệp tốt đẹp nhất là không bao giờ chạy theo nhập cuộc, gọi là "dấn thân", với những mối ưu tư của thế tục (tức là tám pháp thế gian, tám cơn gió chướng trần gian).

7) Cái thuật hóa phép thần thông vĩ đại nhất là làm giảm bớt đi và chuyển hóa những tham dục mê đắm.

8) Sự bố thí lớn lao nhất được tìm thấy trong việc không chấp trước (vô trước).

9) Sự trì giới vĩ đại nhất là một tâm trạng thoải mái, an bình, thanh thản.

10) Sự nhẫn nhục cao cả nhất là lòng khiêm tốn, khiêm cung, khiêm nhượng, nhún nhường.

11) Sự cố gắng nổ lực mạnh mẽ nhất là vứt bỏ sự đeo níu vào những hành vi loay hoay bất tận.

12) Sự thiền định siêu việt nhất là cái tâm không lường gạt, không tự phụ, không đòi hỏi lung tung, không kỳ vọng, không vọng tưởng.

13) Trí huệ siêu đẳng nhất là không bám víu bấu chặt vào bất cứ cái gì đang xảy ra, đang xuất hiện ở bên ngoài hay bên trong tâm thức".
Chúng ta thấy sáu điều sau chính là Lục Ba La Mật (bố thí ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tiến ba la mật, thiền định ba la mật và Bát Nhã ba la mật). Trong những câu ngắn gọn, ngài Atisa đã thu nhiếp tất cả lộ trình của Bồ Tát Hạnh. Năm Ba La Mật đầu là Phương Tiện Thiện Xảo (Đại bi Tâm) và
Ba La Mật thứ sáu là Trí Huệ Bát Nhã (Không Tính: Vô Tự Tính).

Những môn đệ Tây Tạng hỏi tiếp Sư Phụ Atisa:

"Và mục đích cuối cùng của Phật Pháp là gì?"

Ngài Atisa trả lời:

"Mục đích cuối cùng của Phật Pháp là ngộ nhập tinh túy của Không Tính và liễu nhập lòng Đại Bi".

Điều quan trọng nhất mà lúc nào Tổ Sư Atisa cũng nhắc nhở tất cả Phật tử:

"Mình phải cần nương tựa vào bậc Đạo Sư cho đến khi nào mình đã đạt được Giác Ngộ; do đó, phải nương tựa tùy thuận vào bậc Đạo Sư thánh thiện của chính mình. Cho đến khi nào mình ngộ nhập trọn vẹn thể tánh vô tự tánh của Không Tính, thì mình vẫn cần phải tu tập lắng nghe Phật Pháp; do đó, mình phải lắng nghe cặn kẻ lời dạy đạo của Bổn Sư. Chỉ hiểu suông Phật Pháp thôi thì vẫn chưa đủ, các ngài phải tu hành, thực hành, tu chứng giáo pháp thường xuyên liên tục".

Mỗi một lời nói của Tổ Sư Atisa đều xuất phát từ kinh nghiệm tu chứng hành trì sâu rộng vô cùng tận. Ngài đã ngộ nhập tất cả pháp môn bất khả tư nghị của tất cả Đạo Lý của Nhất Thừa Phật Giáo.
Từ đỉnh núi cao nhất của Hy Mã Lạp Sơn trùng điệp của Phật Pháp mênh mông bao la siêu việt, Tổ Sư Atisa đã thu gọn một cách súc tích tất cả giáo lý phức tạp nhất của Phật Giáo và dạy đạo Phật cho dân Tây Tạng một cách tinh mật, giản dị, dễ hiểu, thực tiễn một cách linh nghiệm.
Chỉ cần nhìn qua thế lực tâm linh vĩ đại nhất của Phật Giáo Tây Tạng hiện nay ở khắp thế giới thì đủ thấy ảnh hưởng siêu việt của Tổ Sư Ấn Độ Atisa đối với sự tồn tại hưng thịnh vô song của Phật Giáo nhân loại.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn của Tây Tạng là vị Đại Bồ Tát đã thừa hưởng tất cả di sản đạo lý cao siêu nhất của dòng Tổ Atisa và ngài đang làm long thịnh Bồ Đề Tâm trong lòng nhân loại ở cuối thế kỷ hai mươi cho đến tương lai vô hạn.
Chúng ta đã bắt đầu bằng sự tri ơn, tôn kính, ngưỡng mộ tất cả, và bây giờ chúng ta hãy tạm thời chấm dứt nơi đây, xin hết lòng khiêm hạ chí thành nhất tâm tha thiết cúi lạy tất cả những bậc Sư Phụ, những bậc Tổ Sư, những bậc Đạo Sư, những bậc Thánh Tăng và Bổn Sư, tất cả chư Phật và tất cả chư Bồ Tát ở khắp mười phương và ở ba thời và xin một lòng trọn vẹn thiết tha hồi hướng mọi công đức đến Giác Ngộ viên mãn cho tất cả chúng sinh một cách vô cùng tận.


 

 

 








Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]