Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 12: Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo

14/01/201109:49(Xem: 5302)
Chương 12: Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo
VÔ NGÃ VÔ ƯU
Thiền Quán Về Phật Đạo
Tác Giả: Ni sư Ayya Khema - Người Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch từ bản tiếng Anh: Being Nobody, Going Nowhere - Meditations On The Buddhist Path
Wisdom Publications 1987
Chương 12

Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo

Khi Đức Phật rời bỏ gia đình để đi tìm sự giải thoát cho chúng sanh khỏi những khổ đau, Ngài đã tìm đến tu học với hai vị Thiền sư nổi tiếng.

Ngài Alara Kalama, vị thầy đầu tiên, dạy Đức Phật về Tứ Thiền, các tầng thiền-na trong sắc giới. Đức Phật là người học trò rất thông minh, Ngài học rất nhanh. Chẳng lâu sau, vị thầy nhờ Ngài ở lại dạy vì sự hiểu biết của Ngài đã ngang bằng với thầy. Nhưng Đức Phật, lúc đó hãy còn là Thái tử Siddhartha Gotama (Sĩ-đạt-đa Cồ-đàm), từ chối và nói rằng Ngài chưa đạt được mục đích của mình, và từ giã vị thầy nầy để đến với vị thầy thứ hai, ngài Uddaka Ramaputta. Người thầy thứ hai dạy Đức Phật về bốn tầng thiền vô sắc, là các tầng Thiền-na vi tế hơn, khó đạt được hơn tầng Thiền trước đó. Lần nữa, Đức Phật lại chứng tỏ mình là một người học trò xuất sắc, và vị thầy của Ngài lại yêu cầu Ngài hãy ở lại hướng dẫn các đệ tử khác. Lần nữa, Thái tử lại từ chối vì Ngài nhận thấy rằng dù Ngài đã đạt được tầng Thiền cao nhất, nhưng khi xả định, Ngài vẫn thấy khổ đau, phiền não như trước. Không có gì thay đổi nhiều. Vì thầy Uddaka Ramaputta nói không còn gì nữa để dạy, Thái tử biết rằng Ngài phải tự mình đi tìm chân lý. Ngài từ giã năm người bạn đồng tu với mình. Họ không muốn theo Ngài, mà chọn lựa ở lại, với sự an ổn, bảo đảm của một người thầy danh tiếng.

Khi Thái tử đi đến gốc cây Bồ đề ở ở một vùng ngày nay có tên là Bodhgaya (Bồ đề Đạo tràng), bắc Ấn Độ, Ngài có quyết tâm lớn. Ngài thề nguyện sẽ ngồi đó không nhúc nhích, không đứng dậy cho đến khi tìm được sự giải thoát, dầu cho thịt xương của Ngài có vữa ra. Thế là Ngài ngồi và dùng các khả năng Thiền định đã học để đi sâu vào Định, từ Sơ Thiền đến Bát Thiền và trở lại từ đầu. Trong lúc ngồi, Ma vương đến cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng nó. Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh, an định, không mảy may lay động, Ngài đã đạt được sự Giác Ngộ sâu xa nhất. Khi xả định, Ngài nhận ra rằng Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo là một thực tại nội tâm thông suốt. Sau những việc đó, Ngài nhận ra mình đã chứng đắc, trở thành Đức Phật, bậc Đại Giác Ngộ.

Đức Phật sau đó trong niềm hân hoan của sự giải thoát, cảm nhận ơn cây Bồ đề đã chở che cho Ngài. Đức Phật ở đó một tháng, rồi theo lời khẩn cầu của Phạm Thiên (Brahma Sahampati), Đức Phật quyết định đi truyền bá giáo lý của mình. Lúc đầu nghĩ rằng giáo lý của Ngài quá cao siêu, quá khó hiểu. Sợ rằng khi truyền đạt lại cho chúng sanh, Ngài sẽ thất vọng vì sự không thông suốt của họ. Nhưng cuối cùng Đức Phật xuôi lòng, và đồng ý dạy vì lợi ích của người và trời.

Trước hết Đức Phật nghĩ đến những vị thầy của mình. Nhưng khi dùng nhãn thông để tìm kiếm họ, Đức Phật khám phá ra họ đã qua đời. Sau đó Đức Phật quyết định dạy cho năm người bạn đạo cũ của mình. Đức Phật tìm ra họ đang ở gần Benares. Đức Phật quyết định đi đến đó để gặp họ.

Đức Phật đi bộ suốt cả chặng đường. Trong bốn mươi lăm năm truyền giáo, Ngài đi như thế đến khắp mọi nơi. Đức Phật chẳng bao giờ dùng xe, vì trong những ngày ấy xe đều do súc vật kéo, và Đức Phật không bao giờ muốn phải làm khổ con vật nào. Do đó, một trong những giới luật cho tăng ni là không được dùng xe do súc vật kéo. Ngày nay chúng ta may mắn hơn, có những loại xe khác. Đức Phật lúc nào cũng đi bộ.

Hằng ngày, Đức Phật đều thuyết giảng. Nhờ thế ngày nay ta có thể thừa hưởng được gia tài đồ sộ của Ngài. Trong các kinh điển có hơn 17.500 bài giảng.

Khi Đức Phật đi đến gần Benares, năm nhà sư đạo hạnh trông thấy Đức Phật đang đi đến gần. Họ nói với nhau, "Nhìn kìa, ông Gotama đang đi đến. Ông ấy đã từ bỏ cuộc sống đạo hạnh. Ông ấy không còn là một tu sĩ nữa. Trông ông ấy khỏe mạnh, sạch sẽ quá. Chúng ta nhất quyết không chào hỏi khi ông ấy đến gần". Nhưng khi Đức Phật đến gần hơn, họ không thực hiện được dự định vì dáng vẻ oai nghi và khuôn mặt rạng ngời của Phật. Họ chào hỏi Đức Phật rất lễ phép.

Lúc đó Đức Phật bảo với họ rằng, "Ta đã thành Phật và ta sẽ truyền dạy cho các người giáo lý của ta". Ngạc nhiên, họ hỏi: "Nhưng làm sao chúng tôi biết đó là sự thật? Làm cách nào để chứng minh?" Đức Phật nói: "Các người đã biết ta hơn sáu năm. Có bao giờ ta dối gạt các người điều gì không?" Họ nói: "Không". Rồi Đức Phật nói "Hãy nghe một thời pháp của ta". Các vị đạo sĩ bằng lòng. Nói cách khác là họ đồng ý cho Đức Phật một cơ hội. Họ sửa soạn chỗ ngồi cho Đức Phật trong vườn nai Isipatanna, ngoại ô Benares và ở đó với Đức Phật một tuần. Mỗi ngày họ thay nhau đi khất thực.

Lúc đó Đức Phật bắt đầu thuyết giảng bài kinh đầu tiên sau khi Giác Ngộ - Kinh Chuyển Pháp Luân. Đức Phật bắt đầu chuyển bánh xe Pháp với bài giảng đầu tiên và may mắn làm sao, cho tới ngày nay bánh xe Pháp vẫn còn luân chuyển. Cũng có nhiều thời mạt Pháp xảy ra, lúc đó thật là khó khăn. Thí dụ đã có những lúc ở Sri Lanka người ta không thấy bóng dáng một nhà tu. Phật Pháp thường bị đe dọa, chống đối vì nó đi ngược lại với bản năng con người. Ngược với dòng chảy, ngược triều lưu.

Khi Đức Phật kết thúc bài Pháp, một trong năm vị đạo sĩ đã chứng đắc. Đức Phật nói: "Anna Kondanno thấy, Anna Kondanno biết". Thấy và biết. Biết thôi chưa đủ. Thấy là cái thấy của nội tâm, bản tánh của tâm, làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn và quan điểm của con người. Anna Kondanno (A-nhã Kiều-trần-như) là vị A-la-hán đầu tiên và cũng là vị tu sĩ Phật giáo đầu tiên.

Đức Phật cũng được gọi là một vị A-la-hán: "Namo tassa bhagavato arahato samma sambuddhassa". Ngài là A-la-hán mà cũng là Phật. Điều khác biệt là Đức Phật tự tìm ra Tứ Thánh đế và Bát chánh đạo, không có thầy dẫn dắt, trong khi một vị A-la-hán giác ngộ nhờ nương theo Đức Phật. Khi Phật Pháp không còn hiện hữu, sau nhiều a tăng kỳ kiếp một Đức Phật khác sẽ xuất hiện, để tìm ra được đúng những giáo lý về Tứ diệu đế và Bát chánh đạo. Đức Phật là người có khả năng thuyết Pháp. Đó là một khả năng hiếm có. Có các Đức Phật được gọi là Paccekabuddha (Độc Giác Phật, Bích Chi Phật, Duyên Giác Phật). Họ đạt Giác Ngộ nhưng họ không có tài giảng Pháp.

Khi chúng ta đọc tụng kinh pháp, ta thường ngỡ ngàng trước việc Đức Phật nhiều lần lập lại cùng những từ ngữ. Dầu trong tiếng Pali ta nghe du dương, nhưng được lập đi, lập lại nhiều lần, ta không hỏi tự hỏi tại sao. Nhưng không có gì đáng ngạc nhiên cả. Khi nói, ai cũng thường lập đi, lập lại. Hơn nữa, Đức Phật nhận ra rằng rất khó suy nghĩ sâu xa về một sự thật thậm sâu bằng thính giác, vì lẽ đó Đức Phật đã nhấn mạnh bằng cách lập đi, lập lại.

Tứ Diệu Đế

Tứ Diệu Đế bắt đầu bằng sự thật của khổ đau. Năm người bạn mà Đức Phật giảng bài Pháp đầu tiên là năm đạo sư đã tu khổ hạnh trong sáu năm. Đức Phật cũng đã làm như thế, nhưng sau đó Đức Phật nhận thấy rằng sự hành xác không đem lại Giác Ngộ. Trái lại, cách sống buông trôi hưởng lạc như Đức Phật đã từng sống khi còn là Thái tử trong cung điện, cũng không mang lại hạnh phúc. Đức Phật nhận ra rằng chỉ có con đường duy nhất - con đường Trung Đạo. Không có sự cực đoan nào là tốt cả. Các vị đạo sư này đã tu ép xác. Họ hiểu về những đau khổ của thân. Đức Phật không cần phải nhấn mạnh về điều đó. Họ có thể hiểu dễ dàng.

Nhưng đối với chúng ta không dễ. Dầu khi ngồi Thiền ta có kinh nghiệm về những đau đớn, khó chịu ở thân, nhưng sau khi xả Thiền, về nhà, đau đớn cũng không còn nữa. Như thế đó chỉ là những đau đớn tạm thời, ta có thể chịu đựng được. Điều chúng ta có thể không biết là thân không chỉ có những đau đớn, mà chính thân là một cái khổ. Nói một cách là có thân là có khổ. Phải lo cho thân là khổ. Ở đây không chỉ nói về cái khổ khi ta phải hứng chịu một tai họa nào đó. Tai họa là một chuyện, sự thật khổ đau là một chuyện khác nữa. Đức Phật nói:

- Sanh khổ
- Tử khổ
- Hoại diệt khổ
- Không được cái mình muốn thì khổ

Đây là những nỗi khổ lớn cho cả chúng sanh, còn bao nhiêu cái khổ nữa bên cạnh sinh, già, bệnh, chết. Rõ ràng là lúc vui vẻ an ổn, ta không biết đến cái khổ trong ta. Ta có thể thương hại ai đó, vui mừng vì mình không ở trong cùng cảnh khổ, quên rằng cái khổ luôn có mặt trong ta. Ngay chính trong lúc vui, ta cũng khổ vì không thể kéo dài niềm vui. Dục lạc biến mất khi ta muốn duy trì nó mãi. Mỗi khi ta muốn bám viú vào chúng, chúng lại qua đi , và ta lại phải bỏ công đi tìm.

Ngay chính thân ta cũng không thể duy trì được sự sống nếu như nó không luôn được bồi dưỡng , tắm rửa, vận động và chữa trị. Đủ loại chữa trị: kính, răng, máy trợ thính, thuốc bổ, thuốc ho, dầu gội, v.v... Bao nhiêu tiền đã phải đổ ra để giữ thân thể tiếp tục hoạt động, chứ chưa nói đến việc làm cho nó tốt hơn. Ta không thể làm cho nó trẻ ra, dầu có bao nhiêu người đã cố gắng làm việc đó. Bao công sức, năng lực, tiền tài đã đổ ra chỉ để giữ cho thân thể hoạt động. Nếu không thân thể sẽ hoại diệt. Ta sẽ không thể sử dụng được nó nữa. Việc nó không nghe lời ta van cầu được trẻ mãi , có sức khỏe, đẹp đẽ, sống lâu, mà chỉ làm trái ngược, cũng có thể coi là một cái khổ.

Cái khổ nhất của thân là nó luôn đòi hỏi nọ kia, mà đôi khi ta phải bỏ hết cả đời chỉ mong thỏa mãn nó. Tất cả những tiền của người ta tạo ra, bao nhiêu công sức người ta phải tổn hao, là chỉ để giữ cho thân được an toàn sung sướng. Ta phải làm việc cực nhọc để có ăn, có nhà cửa, quần áo, thuốc men. Nếu không có thân ta đâu phải vất vả như thế. Vậy mà nhiều người còn bỏ ra bao nhiêu thì giờ, tiền bạc để làm cho thân thoải mái, sung sướng hơn thế nữa. Đó có lẽ là nỗi khổ nhất - phải hoang phí cuộc đời cho những mục tiêu như thế.

Nhưng không chỉ có thân là khổ. Tâm cũng thế. Tâm đâu có nghe theo ta. Nó chỉ làm theo ý nó, thay vì ở yên theo ý ta. Nó luôn nghĩ về những điều làm ta thêm đau khổ. Nếu đó không gọi là đau khổ, thì gì mới là đau khổ? Nó còn u mê nữa. Và đó cũng là một cái khổ.

Tâm nhảy từ việc này qua việc khác. Chính quá trình tư duy cũng là một cái khổ, ngay cả những tư tưởng khôn ngoan, khéo léo cũng có mầm bất tịnh trong đó. Khi còn phải suy tư về bất cứ điều gì thì không thể thực sự có an tĩnh.

Cả thân và tâm đều là khổ. Đức Phật nói chỉ có một lý do, một nguyên nhân chính ta đau khổ đó là ái dục, lòng ham muốn. Có ba loại ái dục chính mà những ham muốn khác đều từ đó mà ra. Đó là ham sống, ham muốn được thỏa mãn dục lạc và ham muốn bỏ thân này. Vì ba điều ham muốn đó, ta trầm luân trong khổ đau bởi chúng ở ngoài tầm tay ta. Khó thể đạt được, khó thể làm ta thoả mãn. Chúng ta ở trong một cuộc chiến không có hy vọng thắng, và đó là cái khổ.

Ta chiến đấu để được trường tồn, nhưng không có ai còn hiện hữu khi cuộc sống của người ấy đã chấm dứt. Muốn được có dục lạc, ta cũng phải tranh đấu vật vã không kém, nhưng điều đó cũng vô vọng vì dục lạc thế gian chỉ tạm thời, chóng qua. Chúng không thể kéo dài. Điều ham muốn thứ ba, muốn bỏ thân này, là cái đối nghịch với lòng ham muốn được sống. Lòng ham muốn này phát sinh khi trong mắt ta cuộc đời trở nên quá đen tối. Nhưng điều này cũng khó thể thực hiện vì trừ đấng Giác Ngộ, không ai có thể hiện hữu mà không có thân.

Hai sự thật đầu tiên trong Tứ diệu đế cho thấy ta đang sống một cuộc đời thiếu ý nghĩa. Không cần biết tư tưởng ta tốt đẹp thế nào, chúng đều sẽ bị hoại diệt. Nếu ta thấy rõ ràng rằng lòng ham muốn của ta khó thể được thỏa mãn, thì ta phải tìm phương cách để thoát ra những cảnh khổ mà ai cũng phải chịu. Không ngoại trừ một ai. Hiểu như thế, ta sẽ thấy thương cảm mọi người, dầu họ là người xấu xa, đáng ghét hay ngu si. Không có kẽ hở nào nhưng có con đường để thoát ra.

Con đường thoát ra hướng vào bên trong chúng ta. Nếu suy gẫm, ta sẽ thấy ta không thể tìm được gì ở bên ngoài ta. Số đông đi tìm giải pháp ở bên ngoài, qua những điều kiện tốt hơn, người tốt hơn, ít việc hơn, ít khổ hơn. Nếu ta có thể nhìn thấy được những điều ấy vô vọng làm sao, ta sẽ không còn đi tìm kiếm ở bên ngoài nữa. Thay vào đó, ta sẽ quay nhìn vào bên trong, để dần dần đi đến sự thật thứ ba, sự chấm dứt khổ đau, gọi là giải thoát.

Đức Phật không thực sự giải thích Giải thoát là gì. Nhưng Đức Phật đã nói những gì không phải là Giải thoát. Đức Phật biết rằng có giải thích cũng vô ích vì khi người ta chưa kinh qua Giải thoát, người ta không thể hiểu được điều đó. Nhưng có thể nói được thế nào là không phải Giải thoát, như thế ít nhất con người cũng không tìm kiếm ở một chỗ khác.

Câu chuyện sau đây sẽ minh họa cho ý tưởng trên. Xưa có một con cá và một con rùa kết bạn với nhau. Chúng đã sống trong cùng một ao hồ một thời gian dài. Một ngày kia, rùa quyết định đi thăm quang cảnh quanh hồ. Rùa đã nhìn được bao nhiêu cảnh đẹp, lạ để về kể cho bạn mình là cá nghe. Cá rất thú vị và hỏi rùa về quang cảnh trên mặt đất thế nào. Rùa trả lời rằng rất đẹp. Cá muốn biết là mọi thứ trên mặt đất có trong suốt, mát, bóng bẩy, mịn màng, trơn láng, dễ tuột, ướt át không? Khi rùa trả lời rằng trên mặt đất không có những gì giống như thế cả, cá liền nói: "Vậy thì mặt đất có gì tốt đẹp đâu?"

Bát Chánh Đạo

Con đường dẫn đến sự đọan diệt khổ đau, để được tự do, giải thoát, là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo. Giống như các lời dạy khác của Đức Phật, Bát chánh đạo cũng dựa vào ba phần: cư xử có đạo đức (Giới), sự chú tâm (Định) và trí tuệ (Tuệ).

Bát chánh đạo cần được xem như con đường có tám ngành, tám phần ngang nhau, mà ta cần thực hành tất cả tám phần đồng đều, chứ không phải như một cái thang mà ta cần phải tuần tự leo xong cấp bực này mới bước lên bậc thang khác. Bát chánh đạo cũng có thể được xem như là một chuyển động vòng tròn vì nó bắt đầu bằng Chánh kiến và cuối cùng kết thúc bằng Chánh kiến. Dầu Chánh kiến chỉ được nhắc ở lúc ban đầu, nhưng kết quả của việc đi qua Bát chánh đạo phải là Chánh kiến.

Chánh Kiến

Chánh kiến là bước đầu tiên vì trước hết ta phải thấy rõ ràng chẳng có thể làm gì khác trong cuộc đời này hơn là đi tìm con đường giải thoát khổ đau qua những giới luật tâm linh. Như thế chắc chắn là ta phải tìm cho được những giới luật đúng để giúp ta biết được mình đã làm gì sai. Những chướng ngại của chúng ta là khổ đau, thất vọng, áy náy, cảm giác không trọn vẹn. Có một khoảng trống trong trái tim ta cần được phủ lấp bằng một hay nhiều người, bằng tư tưởng, bằng công việc, hay một niềm hy vọng. Rút cuộc không có gì lấp nó đầy.

Khi một điều luật có thể giải thích được tại sao ta phiền não và chỉ cho ta phương cách đoạn trừ phiền não, tiến tới sự an vui, thì các điều luật đó phải rất đáng tin cậy. Hơn nữa, các lời thuyết giảng cũng phải gần gũi với các kinh nghiệm của chúng sanh. Pháp của Đức Phật có thể làm được những điều đó.

Chánh kiến bao gồm việc nhận thức được rằng tất cả chúng ta đều có thể thực sự tu sửa để tiến tới giải thoát. Chánh kiến cũng có nghĩa là hiểu biết về nghiệp, biết rằng chỉ có ta chịu trách nhiệm về tất cả những gì đã xảy ra cho ta, không đổ thừa hoàn cảnh, đổ lỗi cho người khác hay bất cứ thứ gì ở bên ngoài ta. Có nghĩa là ta làm chủ nghiệp của ta. Rằng ta có thể thay đổi.

Biết rằng ta có thể thay đổi không chưa đủ, cần phải có quyết tâm thay đổi. Đó là hai cách nhìn đúng: hiểu biết về nghiệp và ước muốn thay đổi để thoát ra khỏi những khổ đau. Không phải là thay đổi thế giới ta đang sống , hay người chung quanh ta mà là thay đổi chính chúng ta. Ta không thể thay đổi được vấn đề, nhưng ta có thể thay đổi phản ứng của mình trước một vấn đề. Ngoài ra ta còn có thể dần dần đi hết con đường Bát chánh đạo để đạt được một chánh kiến về tự ngã, đó là vô ngã.

Ta cần có trí tuệ để thực hành các giới luật tâm linh. Không có trí tuệ để biết mình cần phải làm gì, ta sẽ không thể tu Thiền.

Vì có khổ đau con người mới có cơ hội để thực hành. Thay vì lúc nào cũng trốn tránh mọi phiền não, cố gạt chúng ra khỏi mắt ta hay than khóc, đau đớn vì chúng, ta nên mang ơn chúng. Đó là người thầy tốt của ta. Vị Thầy duy nhất của ta, nhưng tiếc thay không phải ai cũng biết học hỏi từ thầy mình.

Có nhiều cách để đối phó với khổ đau. Cách đầu tiên và cũng là thông dụng nhất là đổ lỗi cho người khác. Điều đó thì dễ rồi. Mọi người không ít thì nhiều, đều hành động như thế, nhưng cách đó hơi trẻ con. Cách thứ hai để đối phó với khổ đau, thất vọng là trở nên chán nản, đắm chìm trong khổ đau. Cách thứ ba là tự thương hại mình, cảm thấy như mình là người đang mang những nỗi khổ đau của cả thế giới. Không có ai đau khổ bằng mình, việc đó rõ ràng không đúng sự thật. Khi ta tự thương thân trách phận, ta cũng muốn cho người khác phải khổ đau như ta. Nhưng hoài công. Hành động như thế ta chỉ làm cho người khác khó chịu bực mình. Một cách đối phó nữa với đau khổ là nghiến răng, đè nén tình cảm và làm như nó không có mặt. Cách đó cũng không giải quyết được gì vì làm ngơ thì chẳng giải quyết được gì cả.

Cách thứ năm là nhìn thẳng vào khổ đau, và nói rằng: "Ồ, bạn cũ của tôi lại đến rồi. Lần này tôi sẽ học được gì đây?". Đó là chánh kiến. Lúc đó ta mới thật sự hiểu rằng cõi người là cõi tốt nhất cho sự Giác ngộ. Khổ đau là người thầy tốt nhất của ta vì nó sẽ nắm chặt lấy ta, nhấn chìm ta trong đau khổ, cho đến khi ta học được điều gì từ đó. Lúc ấy, sự đau khổ mới buông thả ta. Nếu ta không học được gì trong sự đau khổ đó, chắc chắn là lần sau nó lại đến với ta nữa, vì cuộc đời có gì khác hơn là một lớp học cho người lớn. Nếu ta không qua được một môn gì đó, chắc chắn ta phải ngồi lại đó mãi. Bài học nào ta vắng mặt, ta sẽ gặp lại nó. Đó là lý do tại sao ta bắt gặp mình nhiều lần phản ứng cùng một cách trong những hoàn cảnh tương tự. Tuy nhiên rồi cũng có lúc ta nhận ra điều đó, và chánh kiến phát sinh: "Tôi phải làm cái gì đó để tự thay đổi. Tôi cứ gặp phải vấn đề này mãi "

Chánh kiến là nền móng căn bản ta phải có để bước vào con đường đạo. Chánh kiến lúc mới đầu chưa giúp ta có cái nhìn đúng về tự ngã. Phải đợi đến một lúc sau. Căn bản, chánh kiến liên quan đến hai sự thật, đầu tiên trong Tứ diệu đế. Khi ta thấy đúng sự thật là ta đang ở trong một cuộc chiến vô vọng nếu ta cứ tiếp tục đòi hỏi dục lạc, và bảo vệ cho cái tôi của mình, đó là ta đang đi trên con đường đạo. Đó là lúc ta bước vào đạo, và đó là giây phút tuyệt vời. Lúc đó ta cảm thấy chắc chắn rằng ta đã tìm ra con đường đạo, và chắc chắn là ta sẽ đạt được kết quả cuối cùng. Chỉ còn vấn đề thời gian. Cảm giác vui mừng đó cần thiết cho việc tu Thiền, và tu Thiền là điều kiện tiên quyết để đi trọn con đường.

Mỗi chúng ta là một minh chứng cho lời Phật dạy. Chúng ta có đau khổ, có tham muốn, nhưng chúng ta cũng có chánh kiến và có thể nhận biết nghiệp quả của mình. Chúng ta có thể thay đổi và biết học hỏi từ những kinh nghiệm khổ đau trong quá khứ. Có rất nhiều cách để ta chứng minh lời Đức Phật dạy, nếu chúng ta để ý quan sát đủ. Điều đó tạo cho chúng ta niềm tin rằng ta có thể đi đến cuối con đường của Bát chánh đạo. Lòng tự tin này rất cần thiết cho sự tu tập của ta. Tự tin không có nghĩa là cao ngạo, mà là độc lập. Mỗi người chúng ta phải tự tìm sự giải thoát cho chính mình.

Đức Phật dạy rằng ta không nên nghe theo lời Phật dạy một cách mù quáng mà phải tự tìm hiểu và chứng nghiệm được những điều Phật dạy. Trong bài thuyết giảng nổi tiếng Kalama, Đức Phật đã nói về mười lý do ngăn trở ta đi theo con đường tâm linh. Những điều này cũng có thể áp dụng cho chúng ta ngày nay cũng như cho dân tộc Kalama trước đây. Chúng mang đầy ý nghĩa đối với ta bây giờ cũng như trước đó.

Người Kalama đã đến gặp Phật khi Ngài đến viếng thủ đô của Kesaputta và họ thưa với Đức Phật: "Bạch Thế Tôn, đã có rất nhiều vị giáo chủ đến thành phố của chúng con, mỗi vị đều có những giáo lý làm chúng con tin tưởng được. Tuy nhiên các vị giáo chủ lại bác bỏ, thoá mạ lẫn nhau. Giờ thì chúng con hoàn toàn không biết tin vào ai nữa. Chúng con rất hoang mang ". Đức Phật nói: "Hỡi người Kalama, các người có nghi ngờ, thắc mắc là đúng". Rồi Đức Phật giảng cho họ về năm giới luật, và hỏi họ rằng có phải họ sẽ được hạnh phúc nếu họ giữ theo năm giới luật này và đau khổ nếu họ phạm giới. Người Kalama đồng ý với Đức Phật như thế. Lúc đó Đức Phật thuyết, "Đừng bao giờ tin vào kinh điển, chỉ vì chúng đã được đọc tụng; biên chép hay được các Thầy truyền trao xuống , hay vì mọi người chung quanh chúng ta đều tin ; cũng không nên tin vì chúng có tính cách huyền bí hay chúng giống như những điều mình vẫn tin tưởng, hay vì chúng hợp lý. Cũng đừng tin vì đó là những quan điểm mình cần bênh vực; hay vì người nói là một vị thầy nổi tiếng hay chỉ bởi vì vị Thầy mình đã nói như thế".

Sau khi nghe lời giảng của Phật , người Kalama trở nên đệ tử của Đức Phật. Những lời hướng dẫn đó vẫn còn đúng cho đến ngày nay. Đừng tin tưởng vào điều gì đó vì nó là truyền thống, hay vì mọi người quanh ta tin, hay vì chúng đã được viết trong sách vở, nhưng Đức Phật nói chỉ nên tin sau khi ta đã tìm hiểu và nhận biết rằng điều đó có ích và đúng.

Rõ ràng là ta đã tìm thấy đau khổ nơi chính bản thân ta và càng hướng vào bên trong để suy gẫm, ta càng thấy có nhiều bất như ý. Nhưng khi chúng ta không còn muốn biến sự đau khổ của cá nhân mình thành niềm vui cho chỉ riêng mình, thì sự xung đột sẽ biến mất, khổ đau sẽ qua đi. Chấp nhận mọi việc như chúng xảy ra cũng là chánh kiến.

Những người Bà la môn , các thầy cúng ở Ấn Độ thời đó, không thích Phật vì Ngài đe dọa cách kiếm sống của họ. Ngài dạy rằng con người không cần phải có người làm trung gian giữa họ với đấng thần linh, mới có được hạnh phúc, và việc đổ hương lên các thần đá, hay dâng cúng hương hoa đều vô ích. Vì đó là cách kiếm sống của người Bà la môn, nên dù cũng có nhiều người Bà la môn sau trở thành đệ tử Phật, số khác không khỏi có lòng thù hằn Đức Phật.

Một hôm, một trong những người Bà la môn thù Phật đã đến chỗ đức Phật đang thuyết giảng, đi qua đi lại trước mặt đức Phật. Rồi ông ta dùng lời lẽ thô tục để chửi mắng Phật. Ông ta cho rằng Phật đã truyền dạy những giáo lý sai lầm, Phật đáng bị đuổi ra khỏi nước, rằng Phật đã phá vỡ nền tảng gia đình vì những người trai trẻ đi theo Đức Phật trở thành các vị tu sĩ, rằng dân chúng không nên ủng hộ Phật; nghĩa là ông ta mạ lị Phật bằng đủ mọi lời lẽ.

Khi người Bà la môn đã hết lời chửi bới, Đức Phật, người từ nãy giờ đã ngồi im lặng nói: "Nầy, ông Bà la môn, ông thường có khách đến nhà không?" người Bà la môn trả lời: "Dĩ nhiên tôi luôn có khách đến nhà". Đức Phật lại nói: "Khi có khách trong nhà ông có tiếp đãi họ không? Có cho họ đồ ăn, uống không?" Người Bà la môn trả lời: "Dĩ nhiên rồi, dĩ nhiên là tôi cho họ đồ ăn, thức uống". Đức Phật lại tiếp: "Vậy nếu họ không nhận sự tử tế ấy, họ từ chối những đồ ông cho, thì những món đồ đó thuộc về ai?" Người Bà la môn nói: "Của tôi , của tôi" Đức Phật nói: "Đúng vậy ông Bà la môn, khi ta không nhận những món đồ của ông. Chúng thuộc về ông".

Đây là một câu chuyện đáng cho chúng ta nhớ. Bất cứ sự công kích , sân hận đe dọa nào, đều thuộc về người nói ra những lời ấy. Chúng ta không phải nhận chúng là của ta.

Chánh Tư duy

Phần thứ hai trong Bát chánh đạo là Chánh Tư duy. Chánh tư duy là kết quả của chánh kiến. Nếu có tà kiến, thì không thể nào có tư duy đúng. Do đó ta phải cẩn thận với những suy nghĩ của mình. Tất cả mọi tư duy đều bị ảnh hưởng của ngã chấp. Ta nhìn mọi sự theo quan điểm của "theo tôi thấy", vì vậy dầu quan điểm của ta đúng trong đời thường, trong đời sống tâm linh hành xử như thế cũng là không đúng. Tuy nhiên ta phải bắt đầu từ cái mình có. Không thể ngồi chờ đến ngày sự hiểu biết của ta tiến bộ hơn. Ngày đó sẽ chẳng bao giờ đến, nếu ta không bắt đầu tu sửa ngay từ bây giờ.

Hạnh phúc, an lạc không phải sinh ra là ta đã có được. Phải qua bao kiên trì cố gắng tu tập, ta mới có được. Cố gắng để làm sao ta luôn có chánh kiến, từ đó đưa đến sự suy nghĩ đúng. Chánh kiến và chánh tư duy là phần trí tuệ của Bát chánh đạo.

Trước khi Đức Phật Giác ngộ, khi Ngài còn là một vị Bồ Tát, Ngài luôn theo dõi tất cả những hoạt động của tâm, và Ngài nhận ra rằng khi các ác kiến, sân hận, ái dục phát khởi trong tâm, thì chính Ngài là người đau khổ. Nhưng khi Ngài có những tư tưởng xả bỏ từ bi, vô nhiễm thì chính Ngài là người được lợi ích. Từ đó Đức Phật đã rèn luyện tâm đến chỗ Ngài có thể đoạn diệt hết mọi tà kiến.

Chánh tư duy có ba đặc tính: xả, từ và vô nhiễm. Ta không thể có tâm xả bỏ chỉ bằng ao ứơc hay tự đè nén. Mà phải dùng chánh kiến suy nghĩ rằng ái dục chỉ đem lại khổ đau. Nếu ta có thể thực chứng điều đó ngay nơi ta thì tự nhiên ta sẽ buông bỏ mọi tham muốn dấy khởi. Và ta sẽ làm điều đó một cách vui vẻ, cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái khi buông bỏ mọi phiền não, khổ đau.

Lòng tham muốn bao giờ cũng mang lại khổ đau, vì nó chỉ dấy khởi khi ta không có được cái mà ta muốn có. Có thể là vật chất hay tinh thần, không quan trọng. Nhưng đó là điều ta không có, nên ta ao ước, do đó ta coi sự thiếu sót đó là một khổ đau. Đến khi không được toại nguyện, thì ta buồn bực, tuyệt vọng, đau đớn, khổ sở. Rõ ràng là ta khổ vì ta không được cái ta muốn.

Tuy nhiên khi đạt được điều mình mong ước, ta cũng bị phiền não vì theo kinh nghiệm quá khứ, ta biết là sự thỏa mãn, toại nguyện không thể kéo dài. Có rồi, ta lo lắng tìm cách để giữ lại bên mình, để duy trì nó. Lo lắng là khổ, mà khi cái ta được mất đi thì ta cũng khổ.

Khi cố gắng để duy trì một cái gì đó đều đem đến cho ta sự căng thẳng, sợ hãi. Thí dụ như ta lo sợ phải đánh mất người thân, của cải, tình cảm hay hoàn cảnh thuận lợi. Lo lắng sợ không có được điều ta mong muốn. Khi đã thực chứng cái khổ này trong ta, ta sẽ có thể buông bỏ chúng. Sự bám viú vào người, vào vật ta không muốn xa lià, làm ta đau khổ. Không có gì hơn là đau khổ phiền não cho đến ngày chính ta cũng phải ra đi. Nếu không nhìn ra được sự thật đó, ta sẽ không thể thay đổi.

Khi ta có thể cho người khác vật mà ta đang quý trọng, lúc đó ta mới thật sự thực hành tâm buông xả. Nếu ta có thể cho một cách vui vẻ, chứ không phải nghiến răng, nhắm mắt vì không muốn thấy nó mất đi, thì quả rằng ta đã biết sự bám viú, chấp chặt vào gì đó là đau khổ.

Nhưng buông bỏ vật chất không quan trọng bằng buông bỏ những cái nhìn định kiến của ta về tự ngã, về thế giới và về cách những người ở chung quanh ta phải sống, cư xử như thế nào, nhất là những người thân của ta. Bám viú vào ham mốn sở hữu, làm chủ, tất cả đều là khổ đau.

Ngoài ra còn có lòng ham muốn về tinh thần, thí dụ được yêu. Được làm vợ, làm mẹ, được nổi tiếng, được biết ơn. Bất cứ ham muốn nào cũng là đau khổ, cản trở ta được sống hạnh phúc , an nhiên tự tại. Không chấp nhận chính mình cũng là khổ đau. Điều này khác với việc ta tu tập , cố gắng tự sửa đổi mình dần dần. Vì sự ao ước trong tâm tưởng là kết quả của một cảm giác thiếu hụt, không vẹn toàn, gây ra khổ. Chỉ là buông xả mới có thể dứt khỏi khổ đau. Khi còn ham muốn, ta còn đau khổ. Trong chánh tư duy đã tiềm ẩn sự buông xả. từ bi, vô nhiễm đối với đồng loại cộng với sự hiểu biết về sự thật khổ đau hướng ta đến những tư duy đúng. Tất cả bốn sự thật (Tứ Diệu Đế) đan kết vào nhau vì chúng đi vào tận trong tư duy sâu thẳm của ta. Nếu ta hiểu đúng, thì ta sẽ hành động đúng. Những khổ đau của chúng ta cũng là khổ đau của chúng sanh được lập đi lập lại qua không biết bao nhiêu lâu.

Thí dụ nếu ta ngắm một con chim. Thay vì để ý bộ lông nó đẹp biết bao nhiêu, giọng hót nó líu lo làm sao, nó có thể bay dễ dàng trên không trung, đi đến bất cứ nơi nào nó muốn, hãy nhìn kỹ hơn nữa. Chú chim luôn ngó qua ngó lại, quay đầu qua phải, qua trái, lo sợ con thú khác có thể tấn công nó, phá hoại ổ của nó. Lúc khác thì vì vấn đề sinh tồn, nó luôn phải đi kiếm thức ăn. Và đó chỉ là một động vật trong bao nhiêu động vật khác.

Hãy quan sát người chung quanh ta, nhìn nét mặt họ. Đức Phật khuyên chúng ta cần phải biết thế giới bên trong và bên ngoài ta. Đó là chánh niệm, tỉnh thức và biết. Nếu chúng ta có thể thấy rằng tất cả những người ta tiếp xúc đều có khổ đau, ta có thể suy ra, không nghi ngờ gì, đó cũng là sự thật đối với tất cả chúng sanh ở khắp mọi nơi. Nhưng nếu tâm ta không hoàn toàn tin phục vào điều đó, ta sẽ khó khởi tâm đại bi. Lúc nào cũng có những lời bài bác nổi lên trong đầu: "Tôi cũng thương cô ấy chứ, nếu cô ấy không nói năng như thế hay hành động như thế". Hay "Tôi thương hại cô ấy chứ, nhưng cũng là do cô ấy tự mang hoạ đến cho mình thôi". Những cách suy nghĩ như thế không cần thiết. Tất cả chúng ta đều khổ đau, nhưng nếu ta không nhận ra điều ấy, thì lòng từ bi bác ái của ta sẽ trở thành một thứ lúc có lúc không. Khi mọi chuyện ổn thỏa , ta có thể chịu đựng được. Nhưng khi có khó khăn, ta chịu thua. Chánh tư duy có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng phải cẩn trọng trong hành động và ứng xử khéo léo. Không thể tuỳ thuộc vào trạng thái tâm hồn của ta hay hành động của người khác.

Chánh tư duy là quá trình tạo nghiệp của chúng ta, khi tâm thức ta đang tạo ra tư duy. Chánh kiến có thể có được nhờ vào trí tuệ và tánh giác. Đó là nền tảng tư duy của chúng ta. Tư duy luôn phát khởi với mỗi hành động hay phản ứng của chúng ta. "Nghiệp, này các Tỳ kheo, ta nói là, sự chủ tâm", đó là những lời Phật dạy. Đó là cách chúng ta tạo nghiệp, và nếu ta thật sự tin tưởng rằng nghiệp thiện cần thiết cho một đời sống lành mạnh, thì ta cần phải cẩn thận với tư duy của mình.

Một đặc điểm thú vị của tư duy là nó giống như một tảng băng: một phần ba nổi trên mặt nước, nhưng hai phần còn lại ở dưới nước. Ta chỉ có thể thấy được phần nổi ở trên. Như chúng ta bố thí vật gì đó, ta nghĩ đó là lòng rộng lượng , nhưng ta có thực sự quán sát cái chủ tâm ở đằng sau lòng rộng lượng đó không? Để tự hiểu mình, ta phải tìm hiểu nội tâm mình thấu đáo. Có rất nhiều ngõ ngách trong tâm hồn con người ta. Chúng ta không muốn nhìn sự thật vì có những điều không tốt đẹp ở nơi đó. Nhưng đó là vì chúng ta chỉ là con người, nếu không ta đã ở cõi trời rồi. Tốt hơn hết là ta nên nhìn nhận khuyết điểm của mình. Chỉ có những gì được mang ra ánh sáng, mới có thể được lau chùi, làm cho tốt đẹp. Bụi bặm ở dưới chiếu sẽ không được quét sạch, nếu không ta dở tấm chiếu lên. Đức Phật đã so sánh những nhiễm ô của ta giống như rơm ướt. Nếu ta cất chúng trong những chỗ kín, chúng sẽ rũ mục. Nhưng nếu ta đem ra phơi nắng, thì chúng sẽ khô và có thể sử dụng được. Hãy nhìn vào góc tối của tâm hồn ta và quán sát kỹ chủ tâm của ta.

Ba phần kế trên con đường Bát chánh đạo nói về hành động đạo đức: chánh ngữ, chánh mạng và chánh nghiệp.

Chánh Ngữ

Lời nói rất quan trọng , ta cần phải giữ ý tứ hơn trong lời nói. Không phải vì ta có khả năng sử dụng ngôn ngữ, là ta biết nghệ thuật nói chuyện.

Đức Phật đã có lời khuyên rất sâu sắc về ngôn ngữ, rất đáng để ta ghi nhớ: "Nếu bạn biết chuyện có hại và không đúng, đừng nói ra. Nếu bạn biết chuyện có ích, nhưng không đúng, đừng nói ra. Nếu bạn biết chuyện có ích, và đúng sự thật, hãy đợi đúng thời điểm để nói ra".

Chúng ta phải tập bỏ nói những lời giả dối. Trước hết ta cần phải suy nghĩ những lời mình nói, để biết chắc rằng chúng hữu ích, chân thật và đúng thời, đúng lúc để nói. Khi người khác chịu lắng nghe trong một trạng thái bình tâm, tỉnh trí, thì đó là đúng lúc. Nhưng quan trọng hơn cả, những lời nói đó phải phát xuất từ lòng thương yêu của ta. Chỉ những lúc ấy ta mới nên nói điều gì. Nếu trong ta có lòng giận ghét, kình chống người nghe dù chỉ là chút ít, điều đó cũng sẽ hiện ra trong lời nói của ta, như thế lời nói của ta cũng vô ích. Ai cũng có lúc cảm thấy cần bảo người khác không nên làm điều này, điều nọ. Khi phát ngôn, hãy nhớ những lời khuyên trên để lời nói của ta có hiệu quả hơn.

Chánh ngữ thường được hiểu là không nói lời điêu ngoa, không nói chuyện người, nói hai lưỡi, nói đâm thọc, nói lời dữ ác hay chửi rủa người khác. Đức Phật dạy rằng lời nói có thể gây thù hay kết bạn, đem lại hạnh phúc gia đình hay đổ vỡ. Nó là cội rễ của tình bạn đậm đà hay gây nên oán thù. Đức Phật cũng nói rằng chánh ngữ cũng có nghĩa là không đi đến cực đoan, nghĩa là lúc quá nhiều lời, lúc cạy miệng không ra. Làm thế nào cũng bằng nói dối. Nó bắt nguồn từ ý muốn làm mình thêm quan trọng.

Khi La Hầu La, con của Đức Phật, được 7 tuổi, Đức Phật đã dạy con về việc không nói dối, là điều quan trọng cho trẻ con cũng như người lớn. Nếu điều đó không quan trọng đến việc dạy dỗ cho La Hầu La, Đức Phật đã không nói đến. Đức Phật cho con coi một cái bình có ít nước trong đó và nói với La Hầu La: "La Hầu La thấy gì trong đây?" Đứa trẻ trả lời: "Con thấy một ít nước". Đức Phật nói: "Lòng tin cậy của người khác đối với kẻ nói dối cũng ít như thế". Rồi Ngài đổ nước ra khỏi bình nói: "Giờ thì con thấy gì?" La Hầu La trả lời: "Cái bình giờ trống rỗng". Đức Phật nói: "Đúng vậy, người nói dối cũng trống rỗng giống như thế". Rồi Ngài lật ngược cái bình lại , nói: "La Hầu La giờ con thấy gì?" La Hầu La đáp: "Cái bình bị úp xuống ". Đức Phật nói: "Đúng vậy, người mà nói dối thì cuộc đời của họ sẽ bị đảo lộn như thế".

Nói dối là bước khởi đầu để phạm mọi giới luật khác. Người ta nói dối để tự bảo vệ mình, vì tham lam, để được nhiều hơn phần mình đáng được, đôi khi vì lòng sân hận, người ta nói dối để hãm hại người khác.

Lời nói dựa vào tư tưởng, vì thế nếu ta có thể chế ngự tư tưởng của mình, ta mới có thể chế ngự được lời nói. Chúng ta sẽ chánh niệm những gì chúng ta suy nghĩ, để đổi nó từ xấu xa đến thanh tịnh. Nếu ta không thể học kềm chế lời nói của mình, ta sẽ không có nhiều bạn.

Mặt khác ta phải nói lời có ý nghĩa. Tán gẫu cũng là tà ngữ. Thí dụ chỉ nói để mà nói, như là nói chuyện gia đình, đồ ăn uống, thời tiết , thăm hỏi xã giao. Nói để giải khuây , giết thời giờ. Trừ khi ta có chánh niệm, biết rõ điều mình nói, bằng không ta nên giữ im lặng, quán xét tâm của mình.

Chánh ngữ là một trong ba mươi tám căn lành trong bài Kinh Đại Hạnh Phúc (Great Blessings Discourse). Thật là may mắn, nếu ta biết nói lời tử tế, lịch sự đầy ý nghĩa, đầy chân thật. Hai người có thể nói cùng một điều, với hai chủ đích khác nhau, vì thế nghiệp quả của họ cũng khác đi. Nếu ta thực sự bằng cách quán tâm của mình thì dần dần ta có thể biết được sự chủ tâm của mình, nhưng ta không thể làm thế trong khi nói.

Giới luật thứ tư trong năm giới, kềm giữ, không nói dối, nói lời không thật, cần phải được xét lại xem nó có ý nghĩa gì trong cuộc đời ta. Nếu ta thực sự chọn hành động theo lời Phật dạy, thì giới luật đó phải được đưa lên hàng đầu, vì ai cũng nói suốt cả ngày. Khi ta nói những lời thật có ý nghĩa, mọi người sẽ lắng nghe. Khi ta nói lời tử tế, người khác sẽ vui mừng. Khi ta nói lời lịch sự ta sẽ có thêm bạn. Lời chân thật, ta sẽ được uy tín. Không có lời xiên xỏ, đâm thọc ta sẽ được tin cậy. Ta có thể tâm sự, chia sẻ với người khác về những khó khăn hay bí mật của mình. Nếu ta có thể trở nên một người như thế, ta sẽ có nhiều bạn bè và một cuộc sống bình an, vì trong tâm ta không có gì cần phải được che dấu. Ta không cần phải lo lắng về những điều mình nói, nói như thế nào, hay không biết điều mình nói có đúng không. Lời nói của ta sẽ thành dễ dàng vì đằng sau chúng là những chủ đích tốt đẹp.

Đức Phật cũng nói về việc giảng Pháp. Cần phải chính xác, nghĩa là ta phải biết mình đang nghĩ gì, cảm giác ra làm sao. Điều này rất quan trọng. Mọi người khi nói Pháp, ngay cả khi nói về việc Thiền định của chính mình , cũng phải chính xác. Có nghĩa là tâm ta phải rõ ràng, lúc đó ngôn ngữ chính xác mới có thể phát ra. Đây là những khả năng ta có thể huân tập được qua sự chánh niệm. Không phải qua những bài học về thuật hùng biện.

Chánh Nghiệp

Chánh nghiệp cũng dựa vào sự chủ tâm đúng. Nếu có chủ tâm đúng, dựa trên chánh kiến, thì chánh nghiệp sẽ theo sau. Tất cả đều tạo ra nghiệp cho ta, vì tất cả đều là kết quả của sự chủ tâm. Lời nói dựa vào chủ tâm. Hành động cũng dựa vào chủ tâm. Tất cả tạo ra nghiệp - tốt, xấu hay không tốt không xấu - không phải là cho ngay kiếp sau, mà chính là cho ngay hiện tại. Nghiệp và nghiệp quả xảy ra từng giây phút. Trừ khi ta để ý đến kết quả, ta sẽ không biết rằng chúng có liên hệ với những gì ta vừa nói, vừa nghĩ hay vừa làm.

Nhờ có chánh nghiệp ta không làm hại đến sinh vật khác dưới bất cứ hình thức nào, từ bỏ lòng tham lam ác độc. Không thể đè nén lòng thamvà sự ác độc. Chúng sẽ hiện lên bằng cách này hay cách khác. Ta cần phải có tâm buông bỏ chúng, qua sự tu tập Thiền định. Khi tọa Thiền , ta phải dứt bỏ mọi tham ái, nếu không sẽ không có Thiền định. Chỉ có vọng tưởng, hy vọng, ước mong, sợ hãi, nhớ tưởng. Nếu không buông bỏ được những trạng thái này của tâm , thì ta khó thể tham Thiền. Thiền định là xả, buông bỏ mọi lăng xăng của tâm, ngã tưởng và ái dục. Vì ta chưa thực tập buông bỏ được nhiều, ta rất khó ngồi Thiền, nhưng lần hồi, với sự huân tập, ta sẽ dễ tọa Thiền hơn. Cố gắng đè nén chúng không có kết quả gì, nhưng sự buông bỏ cái ý muốn suy nghĩ, nhớ tưởng, hoạch định, sẽ đem lại kết quả khả quan nhất. Buông bỏ lòng ham muốn là con đường duy nhất dẫn tới sự bình an, và khi đã kinh nghiệm được như thế, ta sẽ hiểu được rằng buông bỏ lòng ham muốn trong đời sống hàng ngày sẽ mang lại cho ta hạnh phúc.

Chánh nghiệp có thể thực hiện được trong mọi hoàn cảnh, bởi bất cứ ai,bất cứ lúc nào, dầu ở trong nhà, hay nơi công sở, hay chốn tu hành. Bất cứ nơi nào, bất cứ chúng ta là ai, tất cả chúng ta đều phải hành động. Chúng ta có thể xét xem những hành động có ích lợi cho người khác hay cho chúng ta. Ngay cả việc nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa cũng phải được làm với chủ đích tốt, không phải vì bổn phận, vì được yêu cầu hay vì sợ người khác. Lý do chánh để ta làm điều đó là vì ở đúng một thời điểm nào đó, việc đó cần đuợc thực hiện với một mục đích. Quán sát kỹ, đầy chánh niệm, dần hồi ta biết được chủ đích thực sự và quan điểm của mình trong các hành động. Ta có thể thấy được sự liên kết giữa thân và tâm, mà không cần phải để ý đến những thứ bên ngoài ta. Sẽ không có sự miễn cưỡng, chống đối, mà đối với mọi việc ta đều làm với cả tấm lòng. Chỉ có như thế thì hành động của ta mới mang lại kết quả gì.

Thường người ta nghĩ rằng công việc làm ta không còn thì giờ vui chơi, tiêu khiển. Đó rõ ràng là một cái nhìn sai lầm. Chính sự vui chơi mới là sự gián đoạn cho công việc. Dầu làm bất cứ nghề gì, công việc cũng là phương tiện để ta cảm thấy hữu ích, sống có mục đích. Công việc là phương tiện giúp ta hoàn toàn chú tâm đến thân, biết các duyên hành, duyên khởi của thân. Công việc là cơ hội để ta giúp ích, phục vụ người , phát triển các kỹ năng và biểu lộ tình thương đến với người khác bằng cách phục vụ họ. Không có phương tiện nào tốt hơn để thanh tịnh hoá thân tâm bằng công việc. Không chỉ làm để kiếm sống hay vì người khác đòi hỏi mà làm mọi việc với tất cả tấm lòng như một phương tiện để thấu hiểu mọi việc hơn.

Chánh Mạng

Chánh mạng là một trong ba đặc tính của đức hạnh. Chánh Mạng có nghĩa là phương tiện ta kiếm sống không làm hại đến ai. Mỗi người phải tự mình biết điều đó. Có nhiều cách kiếm sống được coi là "đúng", hơn là "sai", nhưng cũng có những cách kiếm sống thật tai hại. Để đánh giá ta có thể dựa vào năm giới luật. Nếu cách kiếm sống của ta phạm vào một trong năm điều cấm, thì rõ ràng đó là sai.

Chánh Mạng là một yếu tố quan trọng trong sự thanh tịnh hóa, vì nếu ta theo đuổi mộc cách kiếm sống sai lầm, ta trở nên chai lỳ, và thói quen tội lỗi sẽ thành hình. Một người đồ tể , trong các lò sát sinh, chẳng hạn, phải giết chết hết mọi cảm xúc của mình mới có thể tiếp tục làm công việc này. Nếu không, anh ta khó mà làm công việc này. Một con người như thế sẽ trở nên chai cứng, không còn lòng thương xót đối với các chúng sanh.

Phải giết hại là một cách kiếm sống rất tại hại. Nói dối, uống rượu , lấy của người, tất cả là những phương tiện kiếm sống không lương thiện. Cũng có người sinh sống bằng những quan hệ tình dục sai tráí. Rõ ràng là những cách kiếm sống dựa trên ái dục, không chỉ tai hại cho bản thân người hành nghề này mà còn gây khổ lụy cho người khác. Và họ tiếp tục làm những việc này bằng cách tự biện hộ lý giải cho hành động của họ. Nhưng đó là tà kiến của họ. Trong khi muốn đi trên con đường đạo, mỗi bước đi ta cần phải dựa vào chánh kiến.

Chánh Tinh Tấn

Sự tinh tấn và năng lượng có ảnh hưởng cộng sinh. Nhờ có năng lượng , ta mới có tinh tấn. Ngược lại, nếu ta cứ tiếp tục tinh tấn, thì năng lượng càng tăng thêm. Năng lượng là nhiên liệu của sự tinh tấn, cũng như ngược lại. Tinh tấn có vẻ như đối nghịch với sự thoải mái, dễ chịu, nhưng nếu cứ tiếp tục tham Thiền, đến một lúc nào đó, ta sẽ nhận ra rằng chính nhờ có tinh tấn ta mới có được sự thoải mái, dễ chịu.

Đức Phật đã chỉ cho ta bốn tinh tấn ba la mật làm những phương tiện hữu ích. Chúng được gọi là "ba la mật" (tối thượng) vì chúng rất hữu ích và cũng rất khó thực hiện. "Đừng để một ý xấu dấy khởi, nếu nó chưa dấy khởi. Đừng để nó tiếp tục, nếu nó đã phát sinh. Hãy dấy khởi ý niệm lành, nếu nó chưa phát sinh. Hãy nuôi dưỡng ý niệm lành, nếu nó đã dấy khởi ".

Để làm được như thế ta phải theo dõi tâm mình, và phải biết phân biệt giữa cái tốt và cái xấu. Đó là một trong những lý do tại sao tôi đã khuyên các bạn nên đặt tên cho tư tưởng của mình, khi chúng phát sinh trong lúc tọa Thiền. Chỉ khi nào ta biết mình nghĩ gì, ta mới có thể có những biện pháp thích ứng. Ta cần biết tâm mình đang có những ác niệm hay niệm lành, cần biết phân biệt rõ ràng như thế, ta mới có thể thực hành được lời dạy trên của Đức Phật.

Cần phải có rất nhiều chánh niệm để giữ cho các ác niệm không dấy khởi, vì ta phải biết rõ về chủ đích ở đằng sau đó. Với những tư tưởng đang dấy khởi, điều đó dễ dàng hơn. Vì thế, ta nên bắt đầu với chúng, cho đến khi ta có đủ khả năng để biết một điều gì đó không được tốt đang chực chờ bộc phát, , để ngăn chận không cho nó xuất hiện.

Khi Thiền định, mọi tư tưởng đều vô ích vì ta không mốn suy nghĩ ,mà muốn Thiền. Trong cuộc sống hàng ngày thì lại khác. Ta cần phải dẹp bỏ mọi ác niệm. Cố gắng đè nén chúng không ích lợi gì. Mà nên buông bỏ chúng, hoặc thay chúng bằng những thiện niệm. Khi tọa Thiền, ta thay thế tư tưởng bằng sự chủ tâm vào Thiền quán. Ta có làm được điều đó hiệu quả hay không trong Thiền định, sẽ phản ánh trong việc ta thực hành bốn tinh tấn ba la mật trong đời sống hàng ngày. Ngược lại, trong đời sống hàng ngày, ta có thực hành tốt hay không bốn tinh tấn ba la mật, thì điều này lại phản ánh trong lúc ta tu tập Thiền. Những ác niệm trong đời sống hàng ngày hiện lên trong sự lăng xăng, không yên tĩnh lúc ta tọa Thiền. Trong khi những ý niệm lành luôn được nuôi dưỡng, và không bao giờ sai lệch, sẽ đem lại an bình và yên tĩnh cho tâm ta.

Nếu ta không thể nhớ gì về những điều Phật dạy trừ bốn tinh tấn ba la mật này, thì cũng là đủ. Những điều khác, nếu chúng ta có nhớ, có thể giúp ta thêm phấn khởi, thêm thanh cao, nhưng bốn ba la mật vừa nêu trên giúp người thực tập chúng dễ dàng đạt được sự thanh tịnh.

Cần phải có chánh kiến để nhận ra rằng đó là những điều chúng ta cần làm, và muốn thực hành, ta cần phải huân tập công phu. Trên cõi đời này rất ít có người hoàn toàn không có ác niệm. Vì ta tràn đầy các ác niệm nên ta phải sống trong một thế giới cũng nhiễu nhương , hỗn loạn. Không phải là các ngôi nhà cao tầng, xe cộ hay các cơ chế chính quyền làm nên thế giới này. Nhưng chính là quá trình tư duy của chúng ta đã làm nên sự khác biệt giữa chiến tranh hay hoà bình, giữa nội tâm ta và thế giới bên ngoài ta.

Đặt tên cho các ý nghĩa của mình, có nghĩa là ta biết ta đang nghĩ gì. Tốt nhất là ta thực hành các điều này khi hành Thiền, là khi ta có thể thấy rõ ràng tâm ta luôn luôn lăng xăng. Các tư tưởng của ta có thể xấu hoặc là tốt hoặc là trung tính, không tốt không xấu, có thể là tư tưởng hoang mang, lăng xăng, lo âu hay sợ sệt, ghen ghét, ganh t?hay hoàn toàn mù mịt. Trừ khi ta biết rõ những điều này, ta không thể nhìn trở vào để tự quán sát, ta sẽ không bao giờ hiểu tại sao mình lại có những cảm giác như thế hay hành động như thế.

Bốn tinh tấn ba-la-mật là những điểm cơ bản trên con đường đạo. Trong khi hoa hương, đèn nến, tiếng chuông, chùa chiền chỉ là những thứ trang sức bên ngoài. "Đừng để một ý xấu dấy khởi, nếu nó chưa dấy khởi. Đừng để nó tiếp tục, nếu nó đã phát sinh. Hãy dấy khởi ý niệm lành, nếu nó chưa phát sinh. Hãy nuôi dưỡng ý niệm lành, nếu nó đã dấy khởi". Đó là quá trình thanh tịnh hoá tư tưởng , và cũng đưa đến sự thanh tịnh hoá của lời nói và việc làm. Khi những điều đó xảy ra, ta có thể thấy rõ ràng hơn. Một tấm gương trong suốt với mặt gương sạch bóng không dính buị dơ, là tấm gương có thể phản chiếu được một hình ảnh trong sạch.

Ta cần phải tinh tiến trong bất cứ việc gì mình làm , nhất là trong lúc tọa Thiền. Vì dầu hành Thiền một cách tinh tấn, ta cũng không thể thấy những kết quả tức thời. Điều đó có thể khiến tâm thoái hoá, không có được sự tinh tấn ban đầu. Khi tâm đòi phải có kết quả tức thời, đó là sự trói buộc, bám viú, đòi hỏi. Đó là lòng ham muốn, do đó đưa đến đau khổ.

Làm điều gì cũng thế. Ta thường trông mong kết quả, rồi khi kết quả không như ý, thì sinh ra chán nản, buồn rầu. Tinh tấn vì tinh tấn, không vì mong muốn kết quả. Có được chánh tinh tấn là một thiện nghiệp, không cần biết đến kết quả như thế nào. Như khi tham Thiền, dầu ta chưa thấy kết quả rõ ràng, tức thời, nghiệp thiện cũng đã được hình thành do có chủ đích tốt.

Chỉ cần có chánh tinh tấn, ta cũng đã có được lợi ích, nhưng ít khi ta để ý đến điều đó. Ta còn mãi trông đợi những phần thưởng vật chất. "Tôi đã quá cố gắng mà vẫn không thể chú tâm"hay"Tôi đã thương yêu con cái biết bao nhiêu, nhưng chúng chẳng hề biết ơn", "Tôi đã chăm sóc cho cô tôi bao nhiêu lâu, vậy mà cô ấy chưa bao giờ nói lời tử tế với tôi". Đó là một thái độ sai lầm. Sự cố gắng của ta đã là một nghiệp thiện, đó chính là kết quả. Không cần biết ai khác nói gì hay kết quả ra làm sao, đó là vấn đề thứ yếu. Đôi khi ta đạt được sự chủ tâm. Đôi khi kẻ khác hàm ơn việc ta làm cho họ. Nhưng điều đó không liên hệ đến hiệu quả của những cố gắng của ta. Nếu ta không thay đổi cách nhìn, thì ta luôn phải phụ thuộc vào kết quả. Như thế sự tinh tấn của ta sẽ lúc có, lúc không vì kết quả cũng lúc co,ù lúc không. Nếu tinh tấn không luôn có mặt, rõ ràng nó không có hiệu lực. Chánh tinh tấn cần phải luôn vững chắc.

Chánh Niệm

Kế tiếp là chánh niệm. Nếu bạn đã thực hành chánh niệm, bạn sẽ biết chánh niệm là gì. Khi ta đặt chân xuống đất và không biết đến gì khác hơn là việc đặt chân xuống đất, đó là chánh niệm. Khi đưa đũa lên miệng, ta không biết gì khác hơn là như thế, đó là chánh niệm. Điều đó rất khác với việc ta làm hàng ngày, nhưng nếu ta không biết sự khác biệt đó, thì ta chưa biết thực hành chánh niệm. Lúc ta hoàn toàn chánh niệm ta không thấy gì khác hơn. Đó là sự chủ tâm vào một điểm. Điều đó giúp ta quên đi những phiền não của mình, vì ta không thể nghĩ về hai điều cùng một lúc. Một trọng tâm điểm khi đem ứng dụng vào Thiền, dần dần ta sẽ có thể đạt định. Trong cuộc sống hàng ngày , sự thực hành chánh niệm giúp ta quên đi những vấn đề của ta, vì nó không còn chiếm ngự tâm ta , và trong Thiền, nó giúp ta đạt định.

Chánh niệm còn có thể giúp ta tự thanh tịnh hoá. Khi người ta biết rõ mình đang làm gì, nói gì hay nghĩ gì, người ta sẽ trở nên cẩn thận để thân, khẩu và ý đều không sai phạm, không để nó bị những hành động bản năng, cấu uế làm chủ. Bằng cách đó, ta được thanh tịnh hoá.

Đôi khi có sự hiểu lầm về từ "chánh niệm". Chánh niệm có nghĩa là luôn luôn lúc nào ta cũng có sự chú tâm. Làm sao ta có thể sửa đổi ác nghiệp, nếu ta không chú tâm, không biết đến sự hiện diện của chúng?

Có bốn chánh niệm căn bản: chánh niệm về thân - như hành động, sự chuyển động, ba mươi hai bộ phận, dáng đi đứng , xác của thân; chánh niệm về các cảm thọ - như các giác tâm sinh lý; chánh niệm về tâm - như quá trình tư duy, biết rằng ta đang suy nghĩ, tâm đang hoạt động, biết rằng có suy tưởng và biết tư tưởng; và cuối cùng là chánh niệm về đối tượng của tâm - như biết rằng tư tưởng nào đó là cấu uế hay trong sạch.

Theo truyền thống, chánh niệm về đối tượng của tâm trước đó là coi như là sự chú tâm để xem coi phần nào là của năm uẩn hay bảy giác chi, Bát chánh đạo hay sáu trần dấy khởi. Nhưng trong thực tế, trong ứng dụng hàng ngày, điều đó quá phiền toái. Phần đông chúng ta không nhớ hết mọi chi tiết để tra xét. Chỉ cần biết tư tưởng đó có trong sạch hay ô uế là đủ rồi. Cũng thế, rõ ràng ta khó thực hành bốn thứ chánh niệm cùng một lúc. Ta có thể lựa chọn khi hành Thiền. Hoặc là chú tâm vào hơi thở vào ra, hay đi Thiền hành, cả hai việc này đều khiến ta phải quán thân. Hay ta có thể quán về các cảm thọ do tâm sinh lý gây ra. Nếu ta nhận thấy mình bị phiền não vì vọng tưởng, thì đó là kết quả của sự quán tâm. Khi ta đặt tên cho các vọng niệm, và biết đó là thương, ghét , từ, sân thì là ta đang thực hành quán về đối tượng của tâm. Tóm lại, khi tham Thiền, chính ta là người lựa chọn đặt sự chú tâm của mình vào đâu.

Nhưng trong cuộc sống hàng ngày thì khác. Ta phải đặt chú tâm vào việc gì đúng ở thời điểm nó đang xảy ra. Thí dụ như khi đang băng qua một con đường có nhiều xe cộ, mà ta lại phải chú tâm vào từng bước chân của mình, thì e rằng đó không phải là một cách giữ mạng sống. Ta phải chú ý xe cộ chạy ra làm sao. Trong trường hợp này, có nghĩa là ta phải chú tâm vào những gì đang xảy ra quanh ta. Hay khi đang trò chuyện qua điện thoại, chắc ta khó chú tâm vào cái ống nghe, vì làm thế thì ta sẽ chẳng biết mình nói gì. Ta phải chú tâm vào quá trình tư duy và kết quả của nó là những lời ta nói ra. Bất cứ gì hợp lý, đó là nơi ta phải đặt chú tâm vào.

Chánh niệm là một yếu tố tâm linh mà ta có thể và phải thực tập mỗi giây phút tỉnh thức. Có hai mươi bốn giờ trong một ngày, và nếu mọi việc suôn sẻ, ta có thể tham Thiền một tiếng vào buổi sáng, một tiếng buổi tối. Ta có thể ngủ sáu hay bảy tiếng, như vậy ta còn lại khoảng mười lăm tiếng mỗi ngày. Nếu suốt thời gian đó ta không nhớ để chánh niệm, thì chi bằng ta quên luôn việc hành Thiền và thực tập lời Phật dạy. Nếu ta làm thế thì ta chỉ có giỏi nói mà quên thực hành.

Khi ta luôn thực hành chánh niệm, dần dần nósẽ trở thành một thói quen, giúp cho cuộc sống ta ít phiền não, vì nhờ chánh niệm ta có thể tránh được những sai lầm, vấp ngã. Chánh niệm giống như bàn thắng của xe. Lái xe mà không có thắng thì xiết bao nguy hiểm. Nếu ta sống cuộc đời không có chánh niệm, thì cũng nguy hiểm như thế. Lúc nào ta cũng có thể va vấp, đụng chạm người khác, tự làm hại mình, hại người.

Khi ta thực tập chánh niệm, không có nghĩa là ta trở nên thụ động, và phản ứng theo ý muốn của người khác. Đó không phải là chánh niệm, đó là nhượng bộ. Chánh niệm là biết rõ mình đang nghĩ gì, cảm thâý gì, hành động ra sao. Khi ta biết như thế, ta sẽ trở nên chú tâm đến phản ứng của ta hơn. Ta sẽ không nghĩ đến việc hành động theo như ý người khác. Mà ta sẽ quan tâm đến việc tự thanh tịnh hóa mình.

Chánh tinh tấn - bốn tinh tấn ba la mật - chỉ có thể thành công nếu đi đôi với chánh niệm. Hơn thế nữa, tất cả mọi chi nhánh của Bát chánh đạo đều cần có sự hỗ trợ của chánh niệm.

Chánh niệm đi đôi với cái biết rõ ràng. Chánh niệm là yếu tố biết - chỉ có cái biết - đã được diễn tả đầy đủ trong một bài thơ Haiku của Nhật như sau:

Ao cũ
Cóc nhảy vào
Phộp.

Khi con cóc nhảy vào một ao hồ, có rất nhiều việc xảy ra, mặt nước gợn sóng, con cóc biến mất, có thể có ánh sáng mặt trời lấp lánh trên mặt ao. Tất cả những thứ này đều là yếu tố thêm thắt. Trong khi chánh niệm đi vào trọng tâm, điểm chánh yếu, và đó là tiếng "Phộp". Đó là tất cả. Đó là trọng điểm.

Chỉ có cái biết, cùng với bạn đồng hành của nó là sự thấu suốt. Tính thấu suốt giúp ta biết ngay việc gì đang xảy ra, để sử dụng cái biết đó. Tính thấu suốt gồm bốn phần: biết mục đích, biết phương tiện có khéo léo không, biết mục đích và phương tiện có nằm trong Pháp không; và biết rằng người ta có đạt được mục đích không.

Khi ta nói không với một mục đích gì, tức là ta đã bỏ quên chánh niệm và tánh thấu suốt. Khi ta nói có mục đích, nhưng không biết diễn tả như thế nào, tức là ta không có phương tiện khéo léo. Sự chú tâm phân biệt giúp ta biết thân, khẩu và ý của mình có nằm trong Pháp chân thật không. Nếu ta không đạt được kết quả mong muốn, thì rõ ràng là ta đã không dùng đúng phương tiện. Chánh niệm trong lời nói và hành động cần có tính thấu suốt đi kèm: biết mục đích, phương tiện khéo léo, tuân theo Pháp giới và kết quả. Khi ta sống có chánh niệm, sự chú tâm của ta khác hẳn bình thường. Chúng ta biết việc gì đang xảy ra nhưng không quan tâm đến nó. Khi sân nổi lên, ta biết nó đang dấy khởi, nhưng ta không cần phải trở nên giận dữ. Đó là một kỹ năng tuyệt vời. Khi chán nản, ta biết chán nản đang dấy khởi, nhưng ta không phải trở nên chán nản, hay tuyệt vọng. Ta chỉ biết sự dấy khởi và sự đoạn diệt của mọi trạng thái tâm.

Chánh niệm là cho mọi người, ai cũng có thể sử dụng nó để sinh tồn, nhưng vì vấn đề tranh đấu để sinh tồn chỉ là hoài công, nên tốt hơn, ta nên sử dụng nó vào việc giải thoát, Giác Ngộ. Chánh niệm là một phương tiện khéo léo, và thấu suốt, là trí tuệ giúp ta phân biệt. Chánh niệm không có sự phán đoán, nhưng thấu suốt có yếu tố phân biệt, vì thế ta có thể thay đổi hướng đi nếu cần thiết.

Chánh Định

Khi vào sâu trong Thiền định, ta có thể tìm được chánh định, là điều Đức Phật đã nói đến trong nhiều bài giảng như con đường, như phương tiện, chứ không phải là mục đích.

Chánh định căn bản vẫn cần các chi nhánh khác của Bát chánh đạo. Nếu không có giới hạnh, không có chánh tư duy, chánh kiến, chánh tinh tấn, thì không thể có được chánh định. Vì thế chánh định được nhắc đến sau cùng. Và cũng vì nó là điểm khởi hành của ta từ một người bình thường trở thành người có Giác Ngộ. Chánh kiến đứng ở vị trí đầu tiên trong Bát chánh đạo, vì không có chánh kiến, không có gì có thể xảy ra. Chánh định đứng ở vị trí cuối vì nó cần tất cả những yếu tố khác để có thể thành hình và tạo ra phương tiện để đạt được sự tự tại.

Khi đã có chánh định, và đã cố gắng soi rọi lại nội tâm mình, lúc đó chánh kiến lại rõ ràng hơn. Đó là chánh kiến về sự giải thoát. Như thế cuối cùng ta đã đi hết vòng tròn để trở lại với chánh kiến về "cái ngã", tức là vô ngã. Chúng ta không thể tìm thấy cái "vô ngã". Chúng ta không thể tìm thấy cái gì không có mặt. Vì thế ta phải luôn chất vấn, tìm hiểu về cái gì mà ta tin là "tự ngã". Chúng ta tin vào thân, vào thọ, tư duy, tâm hành là cái ta. Thì ta cần phải xem xét lại tất cả những gì được coi là "cái tôi" ấy. Trừ khi ta biết rõ ràng về "cái ngã" đang có trong tay, làm chủ nó, nếu không ta không thể buông bỏ nó. Nếu tôi không biết cái đồng hồ của mình ở đâu, nếu tôi không có nó ở trong tay, thì tôi không thể bỏ nó đi. Tôi chỉ có thể làm được điều đó khi tôi biết đích xác nó là gì, đang ở đâu. Nếu tôi đi tìm đồng hồ mà không thấy, thì tôi không thể làm gì được với nó cả. Đối với "cái ngã" của ta cũng thế.

Cuộc truy tìm là về "cái ta". Cái thân này là gì? Đó có thật là "tôi", là "của tôi" không? Nếu nó là cái xác, nó có còn là "tôi" không? Những cảm thọ này có thật là của tôi không? Tại sao chúng lại đến, khi tôi chẳng mong chờ? Tại sao tôi có những ý tưởng chỉ làm tôi đau khổ? Ai đang đau khổ? Ai là "tôi"? Có phải là "cái tôi" của ngày hôm qua, hôm nay hay ngày mai? Cứ như thế, những câu hỏi để tìm ra ở đâu là "cái tôi", cái gì là "tôi". Và cuối cùng khi tôi tìm ra được nó, lúc đó tôi mới có thể buông bỏ được ảo tưởng về nó.

Tóm lại, để tìm hiểu về "vô ngã", ta phải bắt đầu với "cái ngã", và khi nó trở nên ngày một rõ ràng đó chỉ là tư duy sai lầm về "cái ngã", nó cũng trở nên rõ ràng là quá trình tư duy của ta có thể chuyển hệ.

Tất cả những yếu tố ta đã bàn ở đây chỉ là con đường, là phương tiện để làm giảm bớt lòng chấp ngã, làm cho nó trở thành nhỏ hơn. Định là một yếu tố quan trọng, vì lúc mà tâm hoàn toàn định, thì không còn tư tưởng như "tôi là, tôi có thể, tôi sẽ, tôi muốn, tôi không muốn". Khi Thiền định được thực hành thường xuyên "cái tôi" thường nhỏ lại, và người ta có thể nhìn sự việc một cách rõ ràng hơn. Ngược lại, nếu ta không tu tập định hay chú tâm, ngã chấp của ta vẫn không thay đổi.

Bát chánh đạo đi từ cái nhìn đúng một cách tương đối tới cái chánh kiến tuyệt đối,và cuối cùng, chính con người trở nên Bát chánh đạo. Lúc đó không cần phải thực tập Bát chánh đạo nữa hay cố gắng để nhớ tới chúng. Không cần phải cố gắng với từng bước, vì Bát chánh đạo đã trở thành bản năng tự nhiên của ta. A-la-hán lúc nào cũng có chánh kiến, chánh tư duy. Các Ngài không có tà ngữ, hành động sai trái hay nghịch mạng. Nhưng lúc nào cũng chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định. Với chúng ta mỗi ngày một ít. Chỉ có thực hành mới giúp ta hoàn thiện Bát chánh đạo.







Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]