Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHƯƠNG IV: NHÂN SINH, VŨ TRỤ

03/01/201109:46(Xem: 9490)
CHƯƠNG IV: NHÂN SINH, VŨ TRỤ

CHƯƠNG IV

NHÂN SINH, VŨ TRỤ

1. HỮU TÌNH QUAN (hay Nhân Sinh Quan) CỦA PHẬT GIÁO.

SÁU ĐƯỜNG - BỐN LOÀI – BA CÕI.

Hữu tình: Tiếng Phạn gọi là Sattva, cổ Trung Hoa dịch là Chung Shêng (Chúng Sanh), Tân Trung Hoa dịch là Yu Chinh (Hữu Tình), nghĩa là các loài có tánh hiểu biết, có cử động, nói chung là tất cả động vật có sanh mạng, không phải chỉ loài người mà thôi. Theo sự sinh hoạt cùng hình trạng, hữu tình được chia ra làm 6 đường (Satgatih); về tình huống, thì chia ra có bốn loài (Caturyoni); về cảnh giới tinh thần cùng vật chất thì phân làm ba cõi (Trailokya).

1) Sáu Đường:

Phân Loại Hữu Tình:Đại thể hữu tình chia ra làm 5 loại hoặc là 6 loại, trong các kinh thường gọi là “ngũ thú” hay “lục thú”, hoặc có chỗ gọi là “lục đạo”” Trời (Deva Gati), Người (Manusya Gati), Súc Sinh (Tiryagyoni Gati), Quỉ đói (Preta Gati), Địa Ngục (Naraka Gati), gọi là ngũ thú, nếu thêm A Tu La (Asura Gati) gọi là lục thú (sáu đường).

Chữ thú nghĩa là thú hướng, chúng sanh tạo các nghiệp, (karma) khác nhau, rồi bị nghiệp lực thúc đẩy, dẫn dắt đến sáu loại đầu thai, cho nên gọi là “thú hướng”, đây là đứng về động thái mà nói. Đạo nghĩa là đường sá, do nghiệp lực của chúng sanh thúc đẩy qua lại trong sáu nẻo đường ấy, nên nói là đạo; đây là đứng về cảnh giới mà luận. Từ cõi nầy đến cõi khác, sanh rồi tử, tử rồi sanh, như bánh xe xoay vần, không bao giờ dừng nghỉ, cho nên đức Phật gọi đó là luân chuyển trong lục đạo.

Nhơn sanh do mê lầm tạo ra hành động, do hành động bị dẫn đến quả khổ sanh tử, ở trong sáu đường, khó mà thoát ly. Mê lầm tức là vô minh, si ám, hành động tức là hành vi tạo tác. Vì xung động mê lầm con người phát sanh các thứ hành vi, dồn chứa hành vi, rồi phát sanh lực lượng. Các lực lượng ấy dẫn dắc chúng sanh luân hồi hoặc vào địa ngục, hoặc làm quỉ đói, hoặc làm súc sanh, hoặc sanh vào cảnh giới A Tu La, hoặc đầu thai làm người, hoặc sanh lên các cõi Trời. Do ác nghiệp thúc đẩy nên có sự thác sanh vào địa ngục, làm quỉ đói hay súc sanh: ấy gọi là ba đườc ác. Do thiện nghiệp chiêu cảm, nên con người được sanh về các cõi Trời, Người, hay A Tu La; được gọi là ba đường lành:

a) Sanh về cõi Trời: Trời tiếng Phạn gọi là Deva, có nghĩa là sáng suốt, thanh tịnh, tự tại, tối thắng. Người sanh lên cõi Trời, thân được sáng suốt, vui nhiều hơn khổ, sự ăn mặc, cung điện, nhà cửa đều được sung sướng tốt đẹp, không thiếu thốn về vật chất. Chúng sanh nào giữ 5 giới (Panca Veramani), thật hành 10 điều thiện (Dasa Kusala) sẽ được sanh lên các cõi Trời, hưởng thọ phước báo thắng diệu hơn ở nhân gian.

b) Sanh vào cảnh giới A Tu La: Tiếng Phạn gọi là Asura, nghĩa là tánh tình xấu xa, cũng có nghĩa là phước không bằng chúng sanh ở các cõi Trời. Ai sanh về cõi nầy, phước báo gần giống như người ở các cõi Trời, nhưng tánh thích đầu tranh. Người có phước báo nhưng về ý chí bị nhiều tham vọng, dối trá, kiêu mạn, tâm thường chứa đầy giận tức, chấp trước, thì sanh về cảnh giới A Tu La.

c) Cõi Người:Người phụng trì 5 giới (Pancaveramani) được sanh lại làm thân người. Chúng sanh ở cõi nầy khổ vui lẫn lộn, thường bị cảnh khổ sở thiếu thốn, bị đói khát, lạnh nóng, sợ sệt v.v…bên trong bị các thống khổ về sanh, già, bịnh, chết, chia ly, thương ghét v.v…Khổ cảnh tuy nhiều, nhưng tóm lược thì có ba, có năm, hoặc có tám thứ.

Khổ gồm có 3: Khổ-khổ, hoại khổ, và hành khổ.

Hoặc 5 khổ: Khổ sanh, khổ già, khổ bịnh, khổ chết và khổ phạm tội bị trói buộc.

8 Khổ: Ngoài 4 khổ sanh, già, bệnh, chết, còn khổ về tình ái chia ly, khổ về oán ghét gặp nhau, khổ về cầu việc mà không được, và khổ về 5 ấm (Panca Skandha) bức bách. Tuy có sự an vui tạm thời, nhưng vui ấy là nguyên nhân của quả khổ. Người sanh về các cõi Trời được phước báo quá đầy đủ khó mà tu cầu giải thoát, sanh vào ba đường ác lại bị nhiều thống khổ bức bách khó mà điều hoà tu tập, duy có sanh trong loài Người khổ vui lẫn lộn, có thể tu hành dễ dàng. Vì thế, nên trong Kinh Phật nói: “Thân người khó đặng” (Nhân thân nan đắc).

d) Sanh vào loài vật: Súc, tiếng Phạn gọi là Tiryagyohi. Trung Hoa dịch là Ch’u Shêng (Súc sanh), nghĩà là loài sanh vật vị người đời ăn thật, sai khiến, nên gọi là Ch’u Shêng, cũng dịch là P’ang Shêng (Bàng sanh). Trên từ rồng, thú, cầm, súc, dưới đến thủy lục, côn trùng, không bao giờ được đi thẳng như con Người, Trời nên gọi là P’ang Shêng. Loài nầy thường giết hại ăn nuốt lẫn nhau, lại chịu khổ loài mạnh bạo hơn bắt giết ăn thịt, hoặc là sai sử chở chuyên, đánh đập. Chúng sanh ngu độn, ác độc mới sanh trong loài này.

đ) Sanh làm Quỉ đói: Quỉ đói tiếng Phạn gọi là Preta, Trung Hoa dịch là Ô Kuei (Ngạ Quỉ), nghĩa là Quỉ đói, vì trong các loài Quỉ, Quỉ đói rất nhiều nên gọi là Ô Kuei. Các loài Quỉ chịu quả báo không đồng, kẻ nào có chút ít phước đức được ở núi, rừng, gò miếu, loài không có phước đức sanh vaò các chỗ bất tịnh, ăn uống thất thường, bị nhiều sự đói khác, cho nên gọi chung là Quỉ. Chúng sanh nào do sự bỏn sẻn làm ác quá nhiều thì sanh trong loài này, bị nghiệp chiêu cảm, nên thấy suối nước như thấy máu mủ. Loài Quỉ đói có bụng lớn như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, làm ngăn chận sự ăn uống, có khi đồ ăn vừa vào miệng, trở thành chất nóng đốt cháy, phải chịu đại khổ não đói khát suốt đời, cùng kiếp.

e) Sanh vào Địa Ngục: Địa ngục tiếng Phạn gọi là Naraka nghĩa là lãnh đủ mọi sự khổ não, không an vui, nhàm chán. Loài này ở chốn tối tăm, bị tra tấn thường xuyên do tội hành nghiệp cảm nên nói là ở Địa Ngục. Chúng sanh nào phạm các nghiệp nhơn cực ác bị sanh vào chốn này để gánh chịu mọi khổ não cực ác bức bách.

SÁU ĐƯỜNG

1- Trời (Deva)

BA ĐƯỜNG LÀNH

(TriKusala)

2 - Người (Manusya)

3 - A Tu La (Asura)

4 - Súc Sanh (Tirya Gyoni)

BA ĐƯỜNG ÁC

(TriAkusala)

5 - Quỉ Đói (Preta)

6 - Địa Ngục (Naraka)

Sanh mạng của loài hữu tình – tình không phải sanh trong một thời kỳ hay một chỗ nơi, mà do nghiệp lực chi phối, lưu chuyển lâu dài chịu khổ. Đức Phật vì đại sự nhân duyên xuất hiện ở thế gian để cứu độ chúng sanh khỏi mọi nỗi thống khổ. Nhưng sự cứu độ ấy không hạn cuộc trong loài người mà cả Sáu Đường, thảy đều được độ thoát. Nhìn qua việc làm cao cả ấy, chúng ta cũng đủ thấy sự việc vĩ đại của Phật giáo.

2) Bốn loài:

Đối với chúng sanh trong sáu đườngvừa nói trên, chúng ta phân tách tình trạng riêng biệt, thấy có bốn loài (Catur Yoni) khác nhau như sau:

a) Loài sanh từ trứng (Andaja): Loài nầy ở trong trứng tạo thành hình thể, đúng ngày trứng vỡ sanh ra, nên gọi là loài sanh từ trứng, như gà, vịt, chim, quạ v.v…

b) Loài sanh từ bào thai (Jarayuja): Loài nầy ở trong thai mẹ thành cơ thể rồi từ bụng mẹ sanh ra, nên gọi là loài sanh từ bào thai, như Người, trâu, ngựa v.v…

c) Loài sanh nơi ẩm thấp (Samsvedaja): Loài nầy do sức lạnh nóng hòa hiệp mà sanh ra, ở chỗ ẩm thấp, nương theo chất ướt mà thọ sanh hình thể, nên gọi là loài sanh từ nơi ẩm thấp như: các loại côn trùng, bướm, sâu bọ v.v…

d) Loài hóa sanh (Aupapaduka): Không nương theo chủng tộc mà cũng chẳng nhờ nhân duyên cha mẹ, không chỗ nương tựa, loài nầy tự biến hóa sanh ra, cho nên nói là hóa sanh như chúng sanh ở các cõi Trời, các loài ở Địa Ngục v.v…

BỐN LOÀI

(Catvaroyonayah)

1 - Loài sanh trứng (Andajah), từ trong trứng sanh ra

2 - Loài sanh thai ( Jarayujah), từ thai mẹ sanh ra

3 - Loài sanh ẩm thấp (Samsvedajah), từ hơi ướt mà sanh

4 - Loài hóa sanh (Upapadukah), từ biến hóa sanh ra

3) Ba cõi (Tam giới)

Phân biệt giữa vật chất và tinh thần, chúng ta lại phải chia ra ba cõi (Trailokya): cõi Dục, cõi Sắc, và cõi Vô Sắc.

a) Cõi Dục (Kamadhatu): Dục nghĩa là ái dục, có hai thứ: dâm dục (sự ham muốn của nam lẫn nữ) và thực dục (sự ham muốn về vật chất).

Chúng sanh ở cõi dụcđều có 5 uẩn (Pancaskandha:

1. Sắc – rupa

2. Thọ - Vedana

3. Tưởng – Sanjna

4. Hành – Samskara

5. Thức – Vijnana

Tổ hợp mà thành thân thể vật chất, đối với hai món dục đặc biệt cuồng thạnh. Thế giới vật chất bao trùm từ Địa Ngục đến các cõi Trời, bốn loài đều ở trong ấy.

b) Cõi Sắc (Rupadhatu): Sắc có nghĩa là chất ngại, lại cũng có nghĩa là biến hoại, có hình chất chướng ngại mà lại hay chuyển biến phá hoại. Cõi nầy ở trên cõi Dục, chúng sanh ở cõi này không có dâm dục và thực dục, chỉ có thân thể vật chất tốt đẹp thù thắng, cõi nước cung điện nguy nga. Tóm lại, tham dục vật chất không hừng tự thạnh, nhưng chưa giải thoát được các mối triền phược của vật chất vi tế. Y cứ theo tinh thần tu dưỡng cao thấp, cõi này được chia ra thành bốn từng bực, gọi là “tứ thiền”.

1- Cõi Sơ Thiền (Pathamajjhanabhumi).

2- Cõi Nhị Thiền (Dutiyajjhanabhumi)

3- Cõi Tam Thiền (Tatiyajjhanabhumi)

4- Cõi Tứ Thiền (Catutthajjhanabhumi).

c) Cõi Vô Sắc (Arupadhatu): Cõi này cao hơn cõi Sắc, không có thân thể, cõi nước, cung điện hoàn toàn thoát khỏi mọi sự ràng buộc của vật chất, đương thể thuần là tinh thần độc lập. Chúng sanh ở cõi này thương trụ trong các thiền định thâm diệu, không có cảnh giới xứ sở. Y theo thắng liệt của thiền định, cõi này chia ra làm bốn:

1 – Không vô biên xứ (Akasanantyayatanam)

2 - Thức vô biên xứ (Vijnananantyayatanam)

3 – Vô sở hữu xứ (Akincanyatanam)

4 – Phi tưởng, Phi phi tưởng xứ (Naivasamjnanasamjnayatanam).

BA

CÕI

(TRILOKO)

Cõi Dục

(Kamadhatu)

1- Lục dục thiên (Devaloka)

Thế giới ái dục vật chất

2- Người (Manusya)

3- A Tu La (Asura)

4- Súc Sanh (Tiryagyoni)

5- Ngạ Quỉ ( Preta)

6 - Địa Ngục (Naraka)

Cõi Sắc

(Rupadhatu)

1- Sơ thiền (Pathamajjhanabhumi)

Thế giới có vật chất nhưng không ái dục.

2- Nhị thiền (Dutiyajjhanabhumi)

3- Tam thiền (Tatiyajjhanabhumi)

4- Tứ thiền (Catutthajjhanabhumi)

Cõi Vô Sắc

(Arupadhatu)

1- Không vô biên xứ

(Akasanantyayatanam)

Thế giới không vật chất chỉ có tinh thần.

2- Thức vô biên xứ

(Vijnananantyayatanam)

3- Vô sở hữu xứ

(Akincanyayatanam)

4- Phi tưởng, phi phi tưởng xứ

(Naivasamjnanasamjnayatanam)

Trong bài này, ở đoạn trên có phân tách các loại hữu tình chúng sanh, các học giả cần phải đặc biệt chú ý ba điểm sau đây:

1- Mục đích của Phật thuyết pháp là chuyển mê khai ngộ, cho nên Ngài thường chủ trương theo lối giải thích những gì sẵn có từ trước; nếu không theo sự việc đã có mà giải thích, ấy chỉ là giảng thành Tôn giáo đối tượng, khó mà đặt thành mục đích khai ngộ chơn thật. Phân loại sáu đường, bốn loài và ba cõi là thể theo tư tưởng của các Tôn giáo lưu hành đương thời mà giải thích, cải tạo chớ không phải do Đức Phật tự sáng chế ra.

2 – Nhơn sanh quan (Philosophy of life) của Phật giáo, lấy con người làm trung tâm. Trong các loài hữu tình, con người có đủ khả năng sinh hoạt, giàu nhiệt tâm, thiện chí, có thể tạo tác các hành vi thiện mà cũng có thể làm các việc ác. Ai làm việc thiện thì linh tánh được nhẹ nhàng thăng lên, kẻ nào làm ác, linh tánh trầm trọng bị khổ sở chìm đắm. Nhân gian hiện thật đều là trung tâm của các loài hữu tình.

3 - Hữu tình quan của Phật giáo dùng ý nghĩa vật lý (phisical), luân lý (moral), và tâm lý (psychology) làm cơ sở điều hòa thành tựu. Phân loại 4 loài (the four forms of birth) thuộc về vật lý. Phân loại sáu đường (the six directions of reincarnation) là do tâm trạng và hành vi thiện ác mà khai triển. Phân loại ba cõi (the three realms) là từ trạng thái tinh thần so sánh trình độ tu hành thiền định mà phân biệt cao thấp. Đặ điểm của nó là ở nơi đó vậy.

2. THẾ GIỚI QUAN (HAY VŨ TRỤ QUAN) CỦA PHẬT GIÁO.

BA CÕI - 3000 ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI, CÕI NƯỚC CHƯ PHẬT, CÕI TỊNH.

Thế giới cũng gọi là Thế gian (the world). Thế có nghĩa là dời đổi: Quá Khứ (in the past), Hiện Tại (at present) và Tương Lai (in the future) biến đổi không dừng, nên gọi là Thế.

Giới là nghĩa phương vị: Đông (East), Tây (West), Nam (South), Bắc (North), Thượng (Above), và Hạ (below). Phương gọi là Giới. Chữ Gian có nghĩa là cách biệt, nghĩa cùng chữ Giới đồng nhau.

Thế giới có hai nghĩa:

a) Hữu tình thế giới (That of the living, who are receiving their correct recompense).

b) Khí thế giới (That of the material, or that on which karma depends for expression).

Cả hai đều có nghĩa thuyết minh hiện tượng thế giới.

Hữu tình thế giới là tất cả thân thể loài hữu tình cũng tức là tổng thể sinh vật ở khí thế gian. Khí thế gian là thế giới vật lý cũng tức là địa phương của loài hữu tình sở trụ. Quan điểm của hữu tình thế gian đã trình bày qua trong bài thứ tư. Ở đây chỉ giảng nói về khí thế gian cũng tức là Phật giáo đối với khán pháp của thế giới vật lý.

1)- Thế giới:

Các loài hữu tình, theo cứ điểm của vật chất cùng tinh thần, được chia thành ba cõi, phân khu thế giới thành cõi dục (Kamadhatu), cõi Sắc (Ruphadhatu), và cõi Vô Sắc (Aruphadhatu). Vì Vô Sắc không có vật chất, chỉ trụ giữa không gian, không có ngôi vị, nên nghiêm cách mà nói thế giới vật chất chỉ có trong hai cõi:

Cõi dục chia thành 20 khu vực khác nhau: Các cõi Trời có 6; Địa ngục có 8; Cõi Ngưới có 4: Quỉ và Súc sanh mỗi loài chỉ có 1; cõi A tu La bao gồm trong các cõi Trời. Sau đây chúng ta tu sẽ thấy rõ trong bản đồ:

CÕI DỤC (20)

KAMADHATU

Trời dục (6)

(Kamadeva)

1 – Cõi Tứ Thiên Vương (Caturmaharajakayikah)

2 – Cõi Trời Đao Lợi (Trayastrimasah)

3 – Cõi Trời Dạ Ma (Yamah)

4 – Cõi Trời Đâu Suất (Tusitah)

5 – Cõi Trời Hóa Lạc (Nirmanaratayah)

6 – Tha Hóa Tự Tại (Paranirmitavasavartinah)

Nhơn gian (4)

(Manusya)

1- Đông Thắng Thần Châu (Purvavidehah)

2- Nam Thiệm Bộ Châu (Jambudvipah)

3 – Tây Ngưu Hóa Châu (Avaragodaniyah)

4- Bắc Câu Lư Châu (Uttarakuruh)

Súc Sanh (1)

(Tiryagyoni)

N/A (Không có chú thích)

Quỉ đói (1)

(Preta Gati)

N/A (Không có chú thích)

Địa Ngục (8)

(Naraka)

1- Địa ngục thắng hoạt (Samjivah)

2 - Địa ngục hắc thắng (kalasutrah)

3 - Địa ngục chúng hiệp (Samghatah)

4- Địa ngục đại hiếu (Maharauravah)

5- Địa ngục diễm nhiệt (Tapanah)

6 - Địa ngục hiều kiếu (Rauravah)

7- Địa ngục đại nhiệt (Pratapanah)

8 - Địa ngục vô gián (Avicih)

Cõi Sắc chia thành 17 chỗ, Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, mỗi mỗi có ba cõi; Tứ thiền gồm cả 8 chỗ:

CÕI SẮC

CÓ 17

(RUPADHATU)

Sơ Thiền

có 3

1 – Cõi Phạm Chúng (Brahmakayikah)

2 – Cõi Phạm Phụ (Brahmapurohitah)

3 – Cõi Đại Phạm (Mahabramanah)

Nhị Thiền

Có 3

1 – Cõi Thiểu Quang (Parittabhah)

2 – Cõi Vô Lượng Quang (Apramanabhah)

3 – Cõi Quang Âm (Abhasvarah)

Tam Thiền

Có 3

1 – Cõi Thiểu Tịnh (Parttasubhah)

2 – Vô Lượng Tịnh (Apramanasubhah

3 – Või Biến Tịnh (Subhakrtsnah)

Tứ Thiền

Có 8

1 - Trời Vô Vân (Anabhrakah)

2 - Trời Phước Sanh (Punyaprasavah)

3 - Trời Quảng Quả (Brhatphalah)

4 - Trời Vô Phiền (Avrhah)

5 - Trời Vô Nhiệt (Atapah)

6 – Trời Thiện Hiện (Sudrsah)

7 - Trời Thiện Kiến (Sudarsanah)

8 - Trời Sắc Cứu Kính (Akanisthah)

Cõi Vô Sắc, mặc dù không có phưong sở, nhưng y cứ theo tiêu chuẩn tiến trình của sự tu hành, chia ra thành 4 xứ:

CÕI VÔ SẮC

(ARUPADHATU)

1 – Không vô biên xứ (Akassanantyayatanam)

2 - Thức vô biên xứ (Vjjnananantyayatanam)

3 – Vô sở hữu xứ (Akincanyatanam)

4 – Phi tưởng, Phi phi tưởng xứ (Naivasamjnana-Samjnayatanam)

Giáo pháp của Phật chủ trương tất cả thân thể và thế giới sở trụ của chúng sanh đều do tâm của họ biến hiện. Thân thể là chánh báo (The direct retribution of the individual’s previous existence, such as being born as a man etc…). Thế giới là y báo (The dependent condition or environment, e.g. country, family, possessions etc…), Thế giới là một bộ phận của nhơn sinh. Trong tập kinh Phật soạn yếu đã viết: theo căn bản lý luận này đối với sự phân tách về ba cõi trên, các học giả có thể khái niệm ba đặc điểm như sau:

1 – Các hiện tương vật lý của ba cõi, sáu cõi trời, bốn châu, tám địa ngục đều do tâm thức của từng địa phương của các loài hữu tình chung đồng biến hiện. Giả như không có tâm thức của loài hữu tình thì không có thế giới, nói một cách khác, do cộng đồng tâm thức của loài hữu tình biến hiện, thế giới này trở thành thay đổi. Tại sao?

Vì cộng đồng tâm thức của loài hữu tình bị nghiệp lực tự thân hướng dẫn, chuyển biến, nhưng nghiệp lực tức là sức ảnh hưởng hành vi tập quán của loài hữu tình. Chúng ta có thể nói sự thành hình thế giới do nơi nghiệp lực của loài hữu tình; sức nghiệp thay đổi không nhứt định. Do đó, chúng ta không nên chấp thế giới nầy là thật có, đồng thời chuyển hóa không nhứt định, uyển chuyển mà có lại có thể chấp thành hư vô.

2 - Phật giáo phân tách ba cõi, y theo vũ trụ quan (World view) của các sách Veda mà giải thích. Thời đại Veda đem thế giới chia thành Trời(có các tinh tú, mặt trời, mặt trăng); Không (có địa phương, thượng tầng không khí); và Đất (mặt đất) thành ba cõi. Đến thời đại Áo Nghĩa Thơ (Upanisad) và Bà La Môn (Brahma) lại có sự phân phối các vị Thiên thần trong ba cõi , mỗi mỗi đều chiếm một địa vị. Phật giáo nương theo các thuyết ấy mà tu chỉnh. Nhưng đặc điểm của Phật giáo là chủ trương trước sau đều quan hệ, Phật giáo y theo nhơn duyên không cho vụ trụ và nhơn sinh là tồn tại, mà các sự phá hoại, thành lập đều là y theo ý chí của loài hữu tình, tuyệt đối không thừa nhận có các Thiên thần tồn tại vĩnh viễn, cai trị và sinh hóa vạn vật. Đây là chỗ bất đồng giữa thế giới quan của Phật giáo cùng các Tôn giáo, các học thuyết khác. Trong tập Kinh Phật soạn yếu có nói: “các học giả cẩn thận chớ nên thấy chỗ luận thuyết vụ trụ cùng nhơn sanh hiện thời khác nhau rồi sanh tâm “bĩ, thử”, bởi vì điều ấy có trên hai ngàn năm về trước, học thuyết ấy đối với các học phái Ấn Độ hết sức thông dụng. Đức Phật và đệ tử Ngài đều không phải là nhà chuyên môn giảng luận về thiên văn học (astronomy). Lúc nào đề cập đến vấn đề vũ trụ, các Ngài đều dẫn các học thuyết thường ứng dụng trong thế gian; giả như các Ngài ấy có biệt lập về học thuyết thiên văn. thứ nhất, trên thật tế không có nhu cầu nầy, thứ hai, kiến lập không khác mấy về thiên văn học đã có, nhưng khác hẳn khi đưa ra phần kết luận hoàn toàn mới mẻ, làm như thế để tránh khỏi cái lỗi thế gian tương vi trong Nhơn Minh Luận (Hetuvidya Sastra).

3 - Thế giới quan của Phật giáo quan niệm trọng tâm của nó toàn do tinh thần làm cơ sở, theo trạng thái tinh thần nhơn ngã, suy tính từng bực tu hành thiền định, giảng luận phối hợp ba cõi . Vì thế nên ba cõi đều là cảnh giới tinh thần lấy tiến trình tu hành làm tiêu chuẩn mà phân loại và ý nghĩa phân loại hữu tìnhchính là đồng nhau.

2) 3.000 Đại Thiên Thế Giới:

Hiện tại chúng ta ở trong thế giới nầy gọi là cõi Ta Bà. Ta Bà tiếng Phạn gọi là Saha, nghĩa là thọ khổ, kham khổ, cho nên Trung Hoa cho cõi nầy là Jên K’u, bởi vì không gian vô hạn và thế giới Ta Bà nầy lại có vô lượng thế giới. Thế giới có nhiều vô lượng, giăng bủa khắp 6 phương, mỗi thế giới lớn đồng nhỏ khác, nên gọi là một tiểu thế giới. Một ngàn tiểu thế giới hiệp thành một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới thành một trung thiên thế giới. Một ngàn trung thiên thế giới thành đại thiên thế giới, 1,000 tiểu thiên thế giới, 1,000 trung thiên thế giới, 1,000 đại thiên thế giới hiệp lại thành 3,000 đại thiên thế giới. Có chỗ khác nói: Mỗi tiểu thiên thế giới có 1,000 thế giới, mỗi trung thiên thế giới lại có 100,000 thế giới, mỗi đại thiên thế giới ước khoản 1,000 000 thế giới. Hiện nay các khoa học gia (scientist) cũng xác nhận ngoài thế giới chúng ta ở, có vô lượng tinh cầu (star) khác.

3) Cõi nước chư Phật:

Trong kinh gọi là Báo độ (The land of reward, the pure land) hay là Hoa Tạng thế giới (The pure land of all Buddha in their Sambhogakaya). Các đức Phật chứng đặng Vô thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác (Anutara Samyak Sambodhi), dùng tịnh thức chuyển biến ra các thế giới, vì thế cho nên gọi là thế giới chư Phật. Tiếng Phạn là Ksetra, nghĩa là cõi, âm nghĩa hai chữ nên gọi là cõi nước. Chỗ ở của báo thânnên gọi là báo độ. Trong Kinh Hoa Nghiem (Avatamsaka Sutra) nói: “Trong biển hương thủy sanh hoa sen lớn, trong hoa sen bao chứa thế giới nhiểu như số vi trần, cho nên gọi là Hoa Tạng thế giới hải”. Kinh Phật tuyển yếu lại nói: “Các học giả ở trong chỗ nầy cần phải chú ý hai điểm:

a) Một Hoa Tạng thế giới đã là tên chung của báo độ, mười phương có vô lượng chư Phật, tức là phải có vô lượng Hoa Tạng thế giới.

b) Nói hoa sen lớn là thí dụ chơn như pháp giới. Hoa sen mọc từ bùn nhơ mà không nhiễm mùi bùn, để dụ cho chơn như tuy ở khắp thế gian nhưng không bị thế gian làm ô nhiễm. Chúng ta, trước khi ngộ được ý nghĩa cao xa nầy, phải nghiệm xét chớ nên khinh báng không tin.”

Đại để y cứ các lý luận mà nói, mỗi thế giới đều là chỗ cư trú trên phương diện tâm thức của loài hữu tình chuyển hiện. Các đức Phật dùng tịnh thức chuyển biến các thế giới để cư trú. Cõi nước chư Phật và thế giới Ta bà không đồng. Các hiện tượng của thế giới ấy, duy có chư Phật đồng tịnh thức mới có thể thấy được, không thể dùng tâm thức ô trược của chúng sanh hình dung, nhẫn đến thấy nghe hiểu biết.

4) Cõi Tịnh

Ngoài các cõi nước Phật còn có vô lượng cõi Tịnh. Tịnh nghĩa là thanh tịnh, cõi nước không có ô nhiễm, triền phược. Các đức Phật vì chúng sanh đã phát tâm tu hành, trồng nhiều căn lành, kiến lập một chỗ nơi, tiếp độ mọi loài chúng sanh lìa khỏi thế giới ô trược sanh đến cõi ấy. Cảnh trí rất là trang nghiêm thanh tịnh, chúng sanh sanh đến cảnh nầy chuyên tâm nghe pháp tu tập, chóng thành đạo quả Bồ đề (Bodhiphala). Chư Phật vô lượng, cõi Tịnh cũng vô lượng. Đây chỉ tả sơ về cõi Tịnh của Phật A Di Đà (Amitabha Buddha) còn các cõi khác chúng ta có thể theo đó mà nhận biết. Đức Thích Ca Mâu Ni nói: “Ở về phương Tây có một cõi nước thanh tịnh gọi là An Lạc, hay là Cực Lạc (Sukhavati, highest joy, name of the Pure Land of Amitabha in the West). Vị Giáo chủ của nước nầy hiệu là A Di Đà (Amitabha Buddha). Cho nên gọi là cõi Tịnh của Phật A Di Đà, lại cũng kêu là thế giới Cực Lạc ở Phương Tây. Chữ Amitabha là tiếng Sanskrit, Trung Hoa dịch là Wu Liang Shou - sống lâu vô lượng, cũng dịch là Wu Liang Kuang - yến sáng vô lượng”.

Đức Phật A Di Đà ở trong vô lượng kiếp về truớc, thường phát 48 đại nguyện, trong đó có lời nguyện thứ 18, 19, và 20, chuyên vì nhiếp thọ tất cả chúng sanh niệm Phật mà phát nguyện:

“Nếu khi nào tôi chứng được bật Vô Thượng Giác, các chúng hữu tình ở trong cõi khác, nghe danh hiệu của tôi rồi, trồng sâu căn lành, dốc lòng hồi hướng, nguyện sanh về nước tôi, nhẫn đến 10 niệm được nhất tâm, nếu người ấy không vãng sanh, tôi thề không chứng vị Bồ Đề chỉ trừ người nào, ác nghiệp vô gián, phỉ báng chánh pháp và các thánh nhơn”.

“Nếu tôi thành Phật, ở trong các cõi nước khác, có các chúng sanh phát tâm Bồ Đề và đối với tôi khởi niệm thanh tịnh lại đem căn lành hồi hướng nguyện sanh về nước Cực Lạc. Người kia khi gần mạng chúng (chết), tôi cùng các chúng Tỳ Kheo (Bhiksus) hiện trước mặt người đó, nếu không đuợc như vậy, tôi thề không thành Chánh giác”.

“Khi tôi thành Phật, có chúng sanh nào, trong vô lượng cõi nước nghe nói tên tôi, đem căn lành hồi hướng về nước Cực Lạc, nếu người ấy không vãng sanh, tôi thề không chứng bực Chánh Giác”. (Kinh Đại Bửu Tích).

Do các lời nguyện cao quý nầy, Phật A Di Đà sáng tạo cõi Tịnh. Chúng sanh chỉ cần phát tâm chánh niệm, quán Phật niệm Phật, tới lúc mạng chung, đức Phật và Thánh Chúng có trách nhiệm tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến cõi Tịnh, chúng sanh ở trong cung điện lầu cát, hoa viên đều tốt đẹp, nhiệm mầu, tiếng chim, tiếng gió, thảy đều hòa nhã. Chư Phật, Bồ Tát theo thời, theo chỗ mà tuyên dạy diệu pháp. Các chúng sanh được thanh tịnh diệu lạc, thân tâm đều không thọ được thanh tịnh diệu lạc, thân tâm đều không thọ khổ, chuyên chí nghe đạo hằng không thối chuyển.

Các hiện tượng ở cõi Tịnh tốt đẹp như thế, mọi phương diện cố nhiên đều do “tịnh nước” của chư Phật và Bồ Tát sở hiện, về phương diện khác cũng nhờ tâm thức thanh tịnh của chúng sanh vãng sanh cõi ấy tham gia đồng thể biến hiện mà có. Giả như không có các tâm thức thanh tịnh, đương nhiên không thể vãng sanh. Trong Kinh A Di Đà (Amitabha Sutra) nói: “Không thể dùng chút ít căn lành, phước đức nhơn duyên, mà đặng sanh vào nước kia”. Như vậy chúng ta biết rằng cõi Tịnh không phải ai ai cũng được vãng sanh, cũng không thể bỗng nhiên niệm vài tiếng Phật (không chí thành) mà có thể vãng sanh. Thân Như Lai (Tathagatakaya), không thể thân cận với căn lành cạn cợt; chỗ Thường tịch quang tịnh độ (Realm of eternal rest and light (i.e.Wistom) and of eternal spirit (Dharmakaya), the abode of Buddha) không phải là nơi mà hạng người phước đức mỏng manh có thể hưởng thọ được. Chúng ta phải nên đặc biệt chú ý các điểm nầy.

3. NHƠN THỪA – THIÊN THỪA

NHƠN THỪA: NGŨ GIỚI

THIÊN THỪA: THẬP THIỆN

a) Năm thừa:

Thừa tiếng Phạn gọi là Yana, Trung Hoa dịch là Chêng tsai, nghĩa là xe cộ chuyên chở. Giáo pháp của Phật dụ như sức chuyên chở của xe cộ. Có hai nghĩa:

- Một là, đứng về vật chất mà nói, xe nầy có thể chuyên chở mọi sự vật đến mục đích.

- Hai là, đứng về người mà nói, ai ngồi trên xe nầy chắc chắn được đưa đến nơi đến chốn:, giải thoát, an lạc.

Giáo pháp của Phật từ cạn đến sâu có chia ra năm trình độ, hành giả chỉ cần y theo mỗi giáo pháp thực hành, đều có thể đạt đến mỗi thứ thành quả tốt đẹp. Đây là nói năm loại xe cộ lớn nhỏ không đồng, bạn ngồi trên thứ xe nào, chính xe ấy sẽ chở bạn đến mục tiêu cuối cùng. Cho nên gọi đó là Năm Thừa (the fives vihicles conveying to the karma reward which differs according to the vehicle).

Sau đây là sơ đồ tu chứng năm thừa:

5 THỪA CHIA LOẠI

PHƯƠNG PHÁP

THÀNH QUẢ

1 – Nhơn thừa

(Narayana)

5 Giới

(Panacaveramani)

Sanh trong nhơn gian

2 – Thiên thừa

(Devayana)

10 Thiện

(Dasakusala0

Sanh lên các cõi Trời

3 – Thanh Văn thừa

(Aravakayanam)

4 Diệu Đế

(Catvari Aryasatyani)

Chứng 4 quả Thanh Văn

4 – Duyên Giác thừa

(Kabuddhaỳanam)

12 Nhơn duyên

(Dvadasanga Pratiyasamutpada)

Chứng quả Phật Bích chi

5 – Bồ Tát thừa

(Bodhisattva Yanam)

6 Độ

(Sdaparamita)

Chứng quả Phật

Tùy theo chỗ cạn sâu trong Phật giáo, năm thừa chia thành hai pháp: Thế gian và xuất thế gian. Thinh Văn (Sravakas), Bích Chi Phật (Pratyeka Buddha) và Bồ Tát (Bodhisattva) là ba thừa xuất thế gian, (sẽ được giảng thuật ở bài sau). Đây chỉ nói về nhơn thừa (Rebirth among men conveyed by observing the five commandments) và thiên thừa (Among the Devas by the ten forms of good actions), pháp ở thế gian.

A – NHƠN THỪA

Như bài trước đã nói, hữu tình quan của Phật giáo lấy loài người làm trọng tâm. Nhơn loại có thể làm lành mà cũng có thể tạo tác, làm ác thì bị sa đọa trong ba đường ác (Triakusalagati); làm lành thì được sanh lên các cõi Trời, siêu xuất ba cõi (Tridhatu), thành A La Hớn (Arhat), Bích Chi Phật (Pratyekabuddha), chứng quả vị Phật (Buddha). Sở dĩ Phật dùng nhơn thừa làm khởi điểm là vì đức Phật muốn chúng ta gìn giữ thân người, thật hành cho đúng nhơn cách rồi sau tu hành hướng thượng.

Phương pháp bảo tồn thân người chính là phụng trì năm giới:

1 -Không sát sanh (Pranatipataviratih)

2- Không trộm cướp (Adattadanaviratih)

3- Không tà hạnh (Kamamithyacaradviratih)

4- Không nói dối (Mrsavadaviratih)

5 – Không uống rượu say sưa (Madyapanaviratih)

Giới, nghĩa là ngăn ngừa, nó có thể chận đứng các hành động, ý nghĩ, lời nói ác, tức là đình chỉ các nghiệp báo ác trong khi phát khởi. Năm giới là điều kiện căn bản làm người, ai giữ trọn các điều kiện căn bản nầy mới xứng đáng làm người. Trái lại thì đời nầy chỉ sống bằng thân người, mà phi nhân cách, thì sau khi chết do nghiệp cảm thuần thục, khó giữ được thân người, phải chuyển sanh trong ác thú. Do đó người học Phật, thọ tam qui (Saranagamana), tùy tiện giữ năm giới (Panca Veramana). Ngũ giới cùng Ngũ thường; Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, của Nho giáo có ý nghĩa gần đồng nhau. Nhưng Ngũ thường của Nho giáo có phần trừu tượng (to be abstract), đức Phật nói năm giới hết sức cụ thể (to be concrete, rõ ràng, vã lại có phương pháp nhức định, dễ thật hành.

1) Không sát sanh:

Sát sanh nghĩa là tàn hại tất cả sanh mạng của loài hữu tình. Ở trong giới luật, giới nầy đứng đầu. Chúng ta phải làm thế nào để ngăn chận sát sanh – có ba lý do trọng yếu:

a) Nghiệp báo nhơn quả: Sát nghiệp bị sát báo, giết người sẽ bị người giết lại. Trong kinh nói: “Phải biết rằng tất cả các loại hữu tình chúng sanh, loài nào cũng quý trọng thân mạng, đều tham sống sợ chết, thậm chí đến lúc trăm năm mãn nghiệp vẫn còn sợ chết, tất cả già trẻ đều lo tiếc giữ thân mạng. Vì sao? Vì họ quý trọng sự sống, nên khi bị gia hại họ căm thù trọn kiếp. Lúc gần chết lại oán ghét nhau, lấy oán để trả oán, oán không bao giờ chấm dứt”. Bởi vì loài hữu tình đều sợ chết, khi bị giết hại, quyết đem lòng báo hận, đời đời không thôi.

b) Sát sanh cùng với tâm cứu hộ trái nhau: Nhân loại đồng tâm tình, cần phải cứu giúp lẫn nhau. Nhưng sát sanh cùng cứu hộ tương phản nhau, người ưa sát sanh, hung hăng ác độc, khiến tất cả chúng sanh thất mặt là sợ sệt. Kia, đây cơ hội gần gũi đều không thể được, làm sao nói đến việc cứu hộ. Vì thế, nên cấm sát sanh là để tiến vào tâm đồng tình của nhơn loại.

c) Bồi dưỡng thân tâm: Phật giáo không cho Phật tử đích thân giết, cố ý giết, nhơn giết, cùng duyên giết đều nặng cả; cũng không cho phép các Phật tử làm và bán các dụng cụ sát hại, như: cung, tên, dao, gươm. Vì sao phải cấm các phương tiện giết hại? Vì khi bộ máy giết hại đã trừ, thì tâm thức an nhiên, dần dần tiến tới con đường thiện. Lại nữa tâm không khởi niệm sát hại, nó có cảnh hưởng đến thân thể vật chất an lành, tăng trưởng mạng sống lâu. Do đó, nên cấm sát sanh là một phương pháp rất tốt để bồi dưỡng thân tâm.

2) Không trộm cướp:

Bất cứ vật chi của người khác không cho mà mình có ý lấy, gọi là trộm hay cướp. Ý nghĩa ngăn cấm trộm cướp là để diệt trừ nghiệp báo, nhơn quả ở ngoài, chủ yếu là trừ tâm niệm tham và diệt hẳn ngã chấp, ái dục mạnh thì khởi tâm tham cầu, tham cầu không được thì sanh ra trộm cướp. Cố chấp có ta, thì có của mình mà không có của người, chỉ nghĩ đến sở hữu của ta, không nghĩ đến sở hữu của người. Ngăn ngừa trôm cướp (trộm cướp mà không tự giác) tức là chận đứng lòng tham và chấp ngã.

3) Không tà dâm:

Giới nầy có chia ra hai phạm vi: tại gia và xuất gia. Không tà dâm là chỉ cho người tại gia thọ trì năm giới cấm, nghĩa là vợ chồng không chính thức, cưới hỏi, phi thời, phi xứ, đều thuộc tà dâm. Giới cấm nầy ngoài việc tránh quả báo, còn đặc biệt giữ gìn, bồi dưỡng thân tâm không chạy theo dục tình phi pháp, không lang chạ để tôn trọng luân lý thuần phong. Về các tăng chúng xuất gia với ý chí cầu phạm hạnh, phải đoạn tuyệt tất cả hành vi dâm dục, cho đến khởi tâm động niệm đều cho là phạm giới. Điểm cốt yếu của giới nầy là muốn giữ thân tâm trong sạch và cao thượng.

4) Không nói dối:

Lời nói không thành thật gọi là nói dối, nói xa xự thật nên gọi là vọng ngữ. Đó là việc phải nói quấy, chuyện quấy cho là phải, không nghe nói nghe, nghe nói không nghe, thấy nói không thấy, không thấy nói thấy v.v…cho đến chưa chứng quả mà tuyên bố mình đã chứng quả, chưa thành công mà nói là thành công v.v…đều thuộc vọng ngữ . Trong Khế kinh nói: “Ôi, kẻ sĩ ở đời, lưỡi búa ở trong miệng, nó có thể giết mình, co vì lời nói ác, nói vọng”.

5) Không uống rượu:

Rượu thường hay làm cho tánh người cuồng loạn, uống rượu là cội gốc buông lung, thân tâm sanh nhiều thứ bịnh, người uống rượu thường ưa đấu tranh, mất dần trí huệ, nhơn uống rượu mà dẫn đến các việc làm tội ác. Khi uống rượu say rồi, người ấy có thể phạm các giới khác và làm các việc ác khác rất là dễ dàng. Đức Phật cấm không cho uống rượu say là ý muốn cho người đời giữ gìn thân tâm thanh tịnh, tăng trưởng đạo niệm.

B – THIÊN THỪA

Cõi Trời sánh với nhơn gian thì an vui hơn nhưng điều kiện sanh lên cõi trời là phải thật hành mười điều lành (dasa Kusala). Năm giới là ngăn ngừa việc ác, chỉ nằm trong phạm vi tiêu cực (to be passive), mười điều thiện chính là phần phụng hành, mới là tích cực (to be active). Hãy xem bản đồ:

MƯỜI ĐIỀU THIỆN

(Dasa Kusála)

1- Không sát sanh (Pranatipatadviratih)

Thân Nghiệp Thanh Tịnh

(Kayasucaritam)

2- Không trộm cướp (Adattadanadviratih)

3- Không tà hạnh (Kamanithycaradviratih)

1- Không nói dối (Mrsavadatprativiratih)

Khẩu Nghiệp Thanh Tịnh

(Vaksucaritam)

2- Không nói hai chiều (Paisunyatprativiratih)

3- Không hỗn hào (Parusyatprativiratih)

4- Không nói thêu dệt (Sambhinnapralapatprativiratih)

1- Không tham dục (Abhidhyayahprativiratih)

Ý Nghiệp Thanh Tịnh

(Manahsucaritam)

2- Không giận tức (Vyapadaprativiratih)

3- Không tà kiến (Mithyadrstehprativiratih)

Ý nghĩa 10 điều lành là lìa sự giết hại các sinh mạng, lìa sự trộm cướp của cải của mọi người, lìa hạnh tà dục, lìa sự nói dối, bốn thiện nghiệp nầy đã giải thích trong đoạn Ngũ Giới. Xa lìa các lời nói ly gián cũng gọi là đừng nói lưỡi đôi chiều tức là đến bên nầy nói xấu bên kia hay ngược lại, làm cho hai bên giận tức nhau. Lìa lời nói thô ác, tức là chớ để tâm giận nỗi lên mắng nhiếc mọi người (có chỗ nói không nên hỗn hào). Lìa sự vọng ngữ tức là không nói sai sự thật và không tạo chuyện không mà cho là có. Lìa sự thêu dệt tức là không nói các lời trau chuốt, điêu ngoa khiến xiêu lòng dạ người.

Lìa 10 điều ác, tức là thật hành 10 điều thiện:

“Chớ làm điều ác

Siêng tu việc thiện

Giữ ý trong sạch,

Lời chư Phật dạy”

To do no evil,

To do only good

To purify the will,

Is the doctrine of all Buddhas”

Từ cõi Người đến cõi Trời con người phải xa hẳn 5 trược (Panca Kasayah) và tám khổ (Astaduhkha) mới hưởng thọ được phước báo ở cõi Trời. Đây là bước tiến thứ hai về giáo pháp của Phật dạy người tịnh hóa thân tâm.

Mười điều thiện là những điều kiện chính yếu để sanh về các cõi Trời mà cũng là tiêu chuẩn (Standard) của các cõi Trời dục giới cộng đồng sinh hoạt. Phật nói Chúng đồng phận (Nikayasabhagah) chính là nghĩa nầy. Chúng đồng phận nghĩa là các quần sanh trong mỗi loại có bản tánh tương tợ, tức là nói: các loài hữu tình đều có phương thức sinh hoạt của mọi loài cộng đồng, các loài ấy khó ở chung trong một thế giới. Điểm nầy chúng ta cần chú ý.

4. UẨN, XỨ, VÀ GIỚI

NĂM UẨN, MƯỜI HAI XỨ - MƯỜI TÁM GIỚI.

Phật giáo nói “KHÔNG” (Sunna), yếu nghĩa của nó ở chỗ “Vô Ngã” (Anatta).Ngã (self) có nghĩa là “Chủ tễ” (Chief). Nói cách khác,Ngã là Chủ Thể, “là một, là thường”, lại cũng tức là “cá thể”, không nương nhờ các duyên, nhưng độc lập bất biến. Thế tục chấp CÓ, nghĩa là có bản thân mình và vũ trụ (The universe) ở ngoài bản thân. Phật giáo lại đem vần đề bản thân và vũ trụ ra để phân tích và giải thích. Nguyên nhơn chính chỉ là các thứ nhơn duyên tích tụ lẫn nhau vốn không thật ngã, cũng không thật có vũ trụ, cũng như chúng ta lột bẹ chuối, lột mãi từng bẹ không thấy cây chuối tồn tại. Lại nữa, cũng như chúng ta phân tách cái nhà, chia ra từng bộ phận, nào là gạch nào là đá, nào là ngói nào là vôi v.v…cuối cùng cũng không thấy có cái nhà tồn tại. Khi nào nhơn duyên đầy đủ gọi là có, lúc nào nhơn duyên tan hoại thì nó là không, chúng ta thấy sự vật không cố định mà cũng không thật tại. Vì thế, nên nói là giả có hay là huyễn, có chỗ lại nói là “không”.

Năm uẩn, mười hai xứ và mười tám giới hợp thành ba khoa, Phật giáo thường dùng để chia loại cho các pháp. Phân loại bga thứ để thuyết minh muôn loài do nhiều sự vật tổ hợp mà thành, dùng ba loại, phương pháp không đồng để thuyết minh vô ngã.

Năm uẩn (Pancaskandha): Phân tách tổ chức, hình thành của loài hữu tình, để chỉ rõ “Ngã” không có thật thể.

Mười hai xứ (Dvadasayatana): Phân tách các điều kiện sanh khởi và gá nương của tâm thức, để chỉ rõ “Ngã: không có chủ tể.

Mười tám giới (Asta Dhatuvah): Phân tách chỗ căn nguyên nhận thức, để thuyết minh rằng ngã không phải một nhơn sanh.

1) NĂM UẨN:

Uẩn nghĩa là tích tụ, Phật giáo đem cá thể của loài hữu tình phân tách thành năm tụ, giọi là năm uẩn. Loài hữu tình căn cứ theo cá thể giả hòa hiệp nầy, chấp cho là thật ngã, nên có sự giải thích năm uẩn để đối trị. Năm uẩn xưa dịch là năm ấm, ấm có nghĩa là che đậy, cũng có nghĩa là tích tụ, nghĩa cùng chữ uẩn đồng nhau.

Năm uẩn thường thức:

a) Sắc uẩn (Rupa Skandhah): Vật chất, vật thái.

b) Thọ uẩn (Vedanaskandhah): Cảm tình, cảm thọ.

c) Tưởng uẩn ( Samjnaskandhah): Biểu tượng, liên tưởng, ấn tượng.

d) Hành uẩn (Samkaraskandhah): Ý chí, tác ý và hành vi.

e) Thức uẩn (Vijnanaskandhah): Ý thức, liễu biệt.

Năm uẩn chia thành hai loại:

a) Vật chất (Vật)

b) Tinh thần (Tâm)

Thuật ngữ của Phật giáo nói: sắc – phi sắc. Lại nói: sắc – danh. Cá thể (Personality) của loài hữu tình là do vật và tâm, hai thứ tổ hợp mà thành. Một uẩn trước là vật, bốn uẩn sau là tâm.

Năm Uẩn

a) Sắc uẩn; Sắt, vật, vật chất.

b) Thọ uẩn, lãnh thọ, cảm thọ

c) Tưởng uẩn, phi sắc, danh tâm, tinh thần

d) Hành uẩn, xê dịch tốt xấu của tâm

đ) Thức uẩn, nhận thức, phân biệt

Nếu lại phân tách theo phương diện khác mà nhận thức, chúng ta chia năm uẩn thành hai loại:

a) Chủ thể hay nhận thức

b) Đối tượng bị nhận thức.

Thuật ngữ trong Phật giáo gọi là “Ngã” và “Ngã sở” (The self and its possessions). Tức là “Ngã” hay nhận thức và “vật” bị nhận thức.

Năm Uẩn

- Sắc uẩn: Các cảnh sắc

- Thọ uẩn: Vật bị nhận thức, ngã sở (mine)

- Tưởng uẩn: Tưởng tượng

- Hành uẩn: thiên lưu biến chuyển

- Thức uẩn: Ngã hay nhận thức, ngã.

Uẩn, nghĩa là tụ hợp, đông đảo, mỗi uẩn cũng có nhiều loại tụ hợp, không không phải một cái đơn giản, cũng không phải phần tử chót sau. Y cứ theo Luận Đại Thừa Ngũ Thủ Uẩn và Luận Bách Pháp Minh Môn, chúng ta phân biệt như sau (Đây là so sánh phần chi tiết, các học giả muốn hiểu rõ, cần xem kỹ hai bộ luận trên.

Năm Căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

NĂM

UẨN

Sắc uẩn

5 cảnh: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp

Vô biểu sắc

PHÁP

HỮU

VI

Thọ uẩn

Thọ tâm sở pháp

Tưởng uẩn

Tưởng tâm sở pháp

Hành uẩn

Trừ ngoài thọ, tưởng, còn lại đều thuộc tâm sở pháp

- 3 pháp trong biến hành tâm sở

- 5 pháp biệt cảnh tâm sở

- 11 pháp thiện tâm sở

- 6 pháp phiền não tâm sở

- 20 pháp tùy phiền não tâm sở

- 4 pháp bất định tâm sở

- 24 pháp bất tương ưng hành.

Thức uẩn

8 thức: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, Matna (Klista mano vijnana) và Alaiya (Alaya vijnana)

2) MƯỜI HAI XỨ:

Chúng ta đã rõ sự tổ hợp hình thành của loài hữu tình, vậy thì loài hữu tình có thể nhận định được tâm thức và vũ trụ, từ đâu sanh khởi không? Thế gian chấp có thật ngã, vì là ngã thường hay tạo tác, thường hay thọ dụng, không đợi các duyên bên ngoài, tự nó có chủ tể. Phật giáo vì muốn phá lối chấp nầy nên nói tâm thức không tự tánh, cần phải y theo căncảnhrồi sau mới sanh khởi, có tâm thức nhiên hậu mới có tạo tác và thọ dụng. Nếu không căn cùng cảnh, tâm thức không từ đâu sanh khởi thì không có tạo tác và thọ dụng. Cũng như người mù không thể xem được các sắc, người điếc không nghe được các âm nhạc hay, còn các loại khác chúng ta xét biết. Nếu các căn đã hoại thì các cảnhkhông hiện bày, không thọ dụng, không tạo tác, do đó chúng ta biết rằng tất cả không có. Mục đích kiến lập 12 xứ là để thuyết minh tâm thức sanh khởi, lại để cho thiên hạ biết rằng “ngã” không có chủ tể.

XỨ - nghĩa là gi?Ý nghĩa của chữ “Xứ” là chỗ, là nơi sanh trưởng, loài hữu tình dùng 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) làm chỗ nương tựa, lấy 6 cảnh (sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp) làm chỗ đối tượng, căn cảnh giúp nhau, rồi sanh khởi tâm thức, 6 căn, 6 cảnh, hiệp thành 12 xứ là chỗ để cho tâm thức sanh khởi, nói theo cách khác, xứ là nơi để cho tâm thức ra, vào tiếp xúc.

1- Giải thích 12 xứ theo lối thông thường:

MƯỜI HAI XỨ

6 chỗ ở trong.

6 CĂN:

6 hệ thống cơ quan cảm giác thần kinh hệ.

- Nhãn căn (Caksurayatanam)

Thị giác thần kinh

-Nhĩ căn (Srotrayatanam)

Thính giác thần kinh

-Tỹ căn (Gbranayatanam)

Khứu giác thần kinh

-Thiệt căn (Jihvayatanam)

Vị giác thần kinh

-Thân căn (Kayayatanam0

Xúc giác thần kinh

-Ý căn (Manayatanam)

Tri giác thần kinh

6 cảnh bên ngoài

6 CẢNH:

6 trần, 6 thức đối tượng của cảm giác.

-Sắc cảnh (Rupayatanam)

Đối tượng thị giác

-Thinh cảch (Sabdayatanam)

Đối tượng thính giác

-Hương cảnh (Gandhayatanam)

Đối tượng khứu giác

-Vị cảnh (Rasayatanam)

Đối tượng vị giác

-Xúc cảnh (Sprastavyayatanam)

Đối tượng xúc giác

-Pháp cảnh (Dharmayatanam)

Đối tượng tri giác

Chúng ta cần phải chú ý: Chữ Căn của sáu căn là một thứ vật thể hết sức nhỏ con mắt thường không thể thấy, ý nghĩa của nó một phần thuộc về tâm lý và một phần thuộc về sanh lý. Nhãn căn không phải là tròng con mắt mà là một thứ vật chất đặc biệt, nó có công năng thị giác, bủa giăng dưới tròng con mắt. Nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn cũng là như vậy, cho nên gọi nó là “tịnh sắc căn”. Theo thuật ngữ bây giờ gọi là thần kinh hệ (nervous system).

2- Căn đối với cảnh: Căn là cơ quan cảm giác, thường hay nhận thức được ngoại cảnh. Nhưng các đối tượng của nó đều có hạn định. Thí dụ như: Nhãn căn đối với sắc cảnh, nhĩ căn đối với thinh cảnh, tỹ căn đối với hương cảnh, thiệt căn đối với vị cảnh, thân căn đối với xúc cảnh, và ý căn đối với pháp cảnh. Nhãn căn ngoại trừ tiếp xúc với sắc cảnh, không thể nào thông với các cảnh khác được, nhĩ căn, thiệt căn, thân căn và tỹ căn cũng giống như vậy.

Nhưng ý căn thì không những cùng với năm căn đồng là một cơ quan cảm giác ngoại giới, mà còn có công năng thống nhiếp toàn thể năm căn. Nó là cơ quan đầu não nhận thức tất cả các tin tức từ các phương xa đưa lại. Chữ Phápcủapháp cảnh cũng là nghĩa của tất cả pháp, nó bao trùm năm cảnh: Sắc, thinh, hương, vị và xúc, bất luận nhận thức đối tượng nào cũng đều thuộc về pháp (Dharma) cả.

- Nhãn căn Sẳc cảnh

- Nhĩ căn Thinh cảnh

- Tỹ căn Hương cảnh

- Thiệt căn Vị cảnh

- Thân căn Xúc cảnh

- Ý căn Pháp cảnh

3) MƯỜI TÁM GIỚI:

Căn đối với cảnh rồi sanh ra thức, sáu thức sanh khởi trên 12 xứ, tức là 6 căn và 6 cảnh hiệp lại thành 18 giới. Giới nghĩa là nhơn, cũng tức là chủng tử (hột giống). Sáu căn, sáu cảnh vả sáu thức đều có chủng tử năng sanh, đem chủng tử của 18 giới để bao trùm hiện hành 18 giới, cho nên gọi đó là 18 giới. Thuyết minh sự sanh khởi của tâm thức với các điều kiện để phá mỗi nhơn:

6 cơ quan cảm giác

Đối 6 đối tượng cảm giác

Sanh khởi tâm phân biệt

6 Căn

6 Cảnh

6 Thức

Nhãn giới (Caksudhatuh)

Sắc giới (Rupadhatuh)

Nhãn thức giới (Caksuvijnanad)

Nhĩ giới (Srotradhatuh)

Thinh giới (Sabdadhatuh)

Nhĩ thức giới (Srotravijnanad)

Tỹ giới (Ghranadhatuh)

Hương giới (Grandhadhatuh)

Tỹ thức giới (Ghranavijnanad)

Thiệt giới (Jihvadhatuh)

Vị giới (Rasadhatuh)

Thiệt thức giới (Jihvavijnanad)

Thân giới (Kayadhatuh)

Xúc giới (Sprastavyadhatuh)

Thân thức giới (Kayavijnanad)

Ý giới (Manodhatuh)

Pháp giới (Dharmadhatuh)

Ý thức giới (Manovijnanadhatuh)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]