Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương III: Trường Phái Kinh Lượng Bộ

02/01/201115:52(Xem: 7792)
Chương III: Trường Phái Kinh Lượng Bộ

SẮC TƯỚNG VÀ THẬT TƯỚNG

Vấn Đề Nhị Đế Trong Tứ Đại Thuyết Phái của Phật Giáo
Prof. Guy Newland, Ph.D.
Tâm Hà Lê Công Đa chuyển ngữ

CHƯƠNG III
TRƯỜNG PHÁI KINH LƯỢNG BỘ
Những kiến giải của Hoàng mạo phái liên quan đến quan điểm của Kinh Lượng Bộ về Nhị đế thoạt trông có vẻ khác thường, nhất là khi trường phái này cho rằng những vật thể thông thường như cái bàn, cái ghế là những Chân đế, trong khi đó các ý niệm về không tánh, hay vô ngã do thực chứng được trên hành trình tu tập lại là Tục đế. Đã có rất nhiều lý giải khác nhau tận căn bản về Kinh Lượng Bộ của những học giả không thuộc truyền thống Hoàng mạo phái tại Tây Tạng cũng như ở Tây phương (1).

Tuy nhiên cách tiếp cận của Hoàng mạo phái đối với Kinh Lượng Bộ đã đưa ra một số ý niệm cực kỳ quan trọng, chẳng hạn như mối quan hệ giữa hiện lượng -tức nhận thức trực tiếp- và tỷ lượng -tức nhận thức đối đải phân biệt, mà một phần lớn những nội dung này đã được Hoàng mạo phái đưa vào lý giải những quan điểm của trường phái Trung Quán sau này. Thật ra những giáo lý của trường phái Kinh Lượng Bộ đã được chính thức dùng làm nền tảng cho các học trình trong các học viện của Hoàng mạo phái.

Theo truyền thống, trước khi đi chuyên sâu vào các trường phái cao hơn, các tăng sĩ Hoàng Mạo phái đã phải bỏ ra rất nhiều năm để học hỏi về luận lý học, tâm lý học, nhận thức học của Kinh Lượng Bộ. Thế nên bất cứ ai muốn hiểu rõ cách thức tiếp cận của Hoàng mạo phái đối với Trung Quán tông như thế nào, bắt buộc phải hiểu rõ những kiến giải của Hoàng Mạo phái về Kinh Lượng Bộ.

Không ai có thể phủ nhận rằng tất cả mọi trường phái của Phật giáo đều dựa vào kinh tạng. Tuy nhiên chỉ có trường phái Kinh Lượng Bộ -như tên gọi của nó- là nhấn mạnh rằng những giáo lý của mình được chính thức rút ra từ kinh điển. Khác với trường phái Phân Biệt Thuyết (Đại Tỳ Bà Sa), phái Kinh Lượng Bộ cho rằng nội dung của Bảy tập A Tì Đạt Ma là không phải do chính Đức Phật ngôn thuyết. Cũng vậy, theo quan điểm của Kinh Lượng Bộ, những kinh sách Đại thừa cũng không phải là những lời dạy của đấng Bổn sư (2).

Kinh Lượng Bộ còn được chia ra làm hai tiểu bộ phái: Kinh Thủ và Luận Lý. Quan điểm của phái Kinh Thủ đã được ngài Thế Thân tóm tắt trong cuốn Bảo Tàng Tri Kiến. Những kiến giải về Nhị Đế của phái này hoàn toàn tương đồng với quan điểm của trường phái Phân Biệt Thuyết thế nên ta không cần thiết phải lập lại ở đây mà chỉ đặc biệt giới thiệu quan điểm của tiểu bộ phái Luận Lý của Kinh Lượng Bộ về Nhị đế.

Như thế để giản dị hóa, từ đây về sau ta tạm thời dùng danh xưng “Kinh Lượng Bộ” để chỉ tiểu bộ phái Luận Lý. Có thể nói nguồn tài liệu nguyên thủy và quan trọng nhất về trường phái này là tác phẩm “Chú Giải về ‘Tập Lượng Luận’ của Trần-Na” (Commentary on Dignaga’s “Conpendium on Valid Cognition”) của ngài Pháp Xứng (Dharmakirti).

NHỮNG THUẬT NGỮ TƯƠNG ĐƯƠNG VÀ CÁC THÍ DỤ

Bất cứ cái gì hiện hữu đều phải thuộc về hoặc Chân đế hay Tục đế chứ không thể là cả hai. Để có một ý niệm ban đầu về ý nghĩa của Nhị đế theo Kinh Lượng Bộ, ta có thể liên hệ chúng với các khái niệm tương đương về hiện tượng giới (3). Các cụm từ sau đây được coi như là có ý nghĩa tương đương với “Chân đế”:

1. sự vật có chức năng (dngos po);

2. hiện tượng giới vô thường (mi rtag pa);

3. cá thể đặc thù thực hữu (tự tướng: rang mtshan);

4. đối thể của hiện lượng (mngon sum gyi snang yul);

5. thiết định một cách chân thật (bden grub);

6. hiện hữu rốt ráo (don dam par yod).

Chân đế cùng cộng hữu với từng ý nghĩa tương đương nói trên. Điều này có nghĩa là, lấy một thí dụ cụ thể, bất cứ cái gì là một sự vật có chức năng thì đó là một Chân đế và ngược lại.

Khi nói đến “hiện tượng giới vô thường,” “vô thường” ở đây không hoàn toàn mang ý nghĩa đơn giản là sự vật rồi sẽ hoại diệt mà bao hàm rằng mọi sự vật đang biến đổi và tan rã trong từng sát na. Ta có thể nêu ra một vài thí dụ về Chân đế: cái bàn, cái ghế, cái nhà, con người, cái bình, các hạt (phân tử),v.v...

Những cụm từ sau đây có ý nghĩa tương đương với “Tục đế”:

1. hiện tượng giới không chức năng (dngos med);

2. hiện tượng giới thường hằng (rtag pa);

3. tổng thể khái quát (tổng tướng: spyi mtshan);

4. đối thể của tỷ lượng (rtog pa‘i snang yul);

5. bản thể giả lập (brdzun par grub ya);

6. hiện hữu ước lệ (kun rdzob ty yod).

Những thí dụ về Tục đế có thể kể đến như: hình ảnh gợi ý về một cái bàn, hư không giới (tức là khoảng không hoàn toàn không bị ngăn ngại,) và tánh không của một hữu thể.

TỶ LƯỢNG
(NHẬN THỨC ĐỐI ĐẢI PHÂN BIỆT)

Theo kiến giải của Hoàng Mạo phái về bộ phái Luận Lý của Kinh Lượng Bộ thì vấn đề khác nhau giữa Tục đế và Chân đế có thể được xem như gắn bó chặt chẽ với sự khác nhau giữa tỷlượng và hiện lượng. Một cách rõ ràng hơn, những đối thể của tỷ lượng luôn luôn là Tục đế trong khi đó, những đối thể của hiện lượng đều là những Chân đế. Như vậy, muốn hiểu ý nghĩa của Nhị đế theo quan niệm của trường phái này ta cần phải hiểu rõ được sự khác nhau giữa hiện lượng và tỷ lượng.

Trong mỗi hình thái nhận thức ta có thể phân biệt ra hai loại đối thể là độc ảnh cảnh (snang yul) và đới chất cảnh (‘jug yul). Đối với tỷ lượng thì độc ảnh cảnh và đới chất cảnh là hoàn toàn khác biệt. Cụ thể như khi tỷ lượng ghi nhận một cái bàn thì đới chất cảnh chỉ đơn giản là một cái bàn như ta nhận thấy hay được biết. Tuy nhiên độc ảnh cảnh xuất hiện trong tâm thức ta không phải là một cái bàn mà là một hình ảnh chuyển tải về khái niệm “cái bàn”, một hình ảnh được cô đọng lại trong số vô vàn chi tiết mà ta biết qua hiện lượng. Khi tỷ lượng nắm bắt một cái bàn, lập tức hình ảnh về “cái bàn” được cô đọng lại với những đặc tánh chánh yếu của nó như màu sắc, hình dáng, tánh cách vô thường, thực hữu, v.v...

Có thể phân biệt ra nhiều loại tỷ lượng: Ký ức, sự hình dung và tưởng tượng, lòng hoài nghi, những kiến thức tích lũy, nhận thức do thiền quán, nhận thức vô minh khiến con người bị trôi nổi trong vòng luân hồi, và nhận thức thông thường như biết rằng đây là cái bàn, cái ghế,... Tuy được phân biệt ra như thế nhưng tựu trung tất cả các loại nhận thức này đều giống nhau ở chỗ là không có khả năng nhận thức trực tiếp tất cả những phẩm chất hay đặc tánh (màu sắc, hình dáng, tính cách vô thường,...) về đới chất cảnh của chúng.

Tỷ lượng cũng còn được gọi là “khiển trừ” bởi vì chúng tiếp cận các đối thể một cách gián tiếp bằng cách loại trừ tất cả những gì không phải là chính đối thể đó. Hãy lấy thí dụ về cái bàn. Khi ý thức nắm bắt về cái bàn thì tất cả những gì không phải là “cái bàn” bị loại trừ, nghĩa là những cái ghế, cái đồng hồ, và v.v... bị loại bỏ ra ngoài. Đồng thời nó cũng loại bỏ luôn ra ngoài màu sắc của cái bàn, tính cách vô thường của cái bàn, cũng như tất cả những phẩm chất khác của cái bàn bởi vì tất cả những đặc tính này tự chúng không giống hệt như hình ảnh “cái bàn”.

Tuy nhiên khi một cái bàn qua tỷ lượng bị tước bỏ tất cả những đặc tánh của nó để trở thành một hình ảnh biệt lập trong ý thức thì cái còn lại đó thực ra không còn là một cái bàn nữa mà là một “cấu trúc” do ý thức ta tạo ra về hình ảnh của một cái đối-nghịch-với-những-gì-không-phải-là-cái-bàn. Đây là một hình ảnh tương đối trừu tượng, có tính cách chung chung về “cái bàn” được xuất hiện khi tỷ lượng nắm bắt về cái bàn. Nó được gọi là một tổng tướng, bởi vì, không giống như một cái bàn, nó không được làm bằng gỗ, v.v... và do đó nó không được hình thành với những đặc tánh chính của nó. Một cách cụ thể, nó thiếu những chi tiết đặc biệt và đặc tánh riêng của một cái bàn cụ thể nào đó.

Tiến trình này thoạt xem có vẻ rất là rắc rối nhưng trong thực tế nó xuất hiện một cách hầu như tự động khi ta liên tưởng đến một vật thể quen thuộc. Để làm quen với những vật thể mới mẻ, những cái mà chúng ta chưa hề biết đến -như tánh không chẳng hạn- tiến trình này được bắt đầu bằng cách tạo dựng ra rồi tinh lọc dần một hình ảnh chung chung về sự vật đó.

Khi ý thức ta nhớ lại hay nghĩ về một cây kem chẳng hạn thì cây kem là một đới chất cảnh và hình ảnh gợi ra ý nghĩa chung về cây kem là một độc ảnh cảnh. Đối với tỷ lượng, hình ảnh chung về kem xuất hiện mặc dù đây là một cây kem mang một hình dáng nào đó. Dĩ nhiên thông thường thì chúng ta chẳng bao giờ phải bối rối đến độ NGHĨ rằng, “cái hình ảnh của cây kem hiện ra này đích thực là một cây kem.” Trên một bình diện khác, tỷ lượng đã dùng những hình ảnh trừu tượng này, vận dụng chúng như chúng là những vật thể thực sự mà chúng biểu trưng. Nói một cách khác, tất cả tỷ lượng (cho dù chính xác hay không) đều hàm chứa một yếu tố của sai lầm bởi vì đã xem những hình ảnh biểu trưng của đối thể như chính là đối thể thực sự.

Loại giả tướng này có thể được so sánh với hình ảnh của một khuôn mặt xuất hiện ở trong tấm gương soi với khuôn mặt thực sự. Bằng cách để cho giác quan của chúng ta bị gạt gẫm một cách nông cạn, chúng ta thu nhận được những thông tin đáng giá về tình trạng của khuôn mặt chính mình. Cũng tương tự như vậy, quả là một điều hệ trọng đối với những kiến giải của Hoàng Mạo phái về lộ trình mà những tỷ lượng có thể nhận ra những đới chất cảnh của chúng, cho dù là giả tướng. Tỷ lượng, theo Kinh Lượng Bộ có khả năng nhận biết mọi loại hiện tượng giới trong khi đó hiện lượng chỉ nhận biết các hiện tượng giới mang tính vô thường.

Các hình ảnh gợi ý nghĩa chung đều được coi là thường hằng bất biến, có nghĩa là chúng không phải là đối tượng của đổi thay, hoại diệt trong từng sát na liên tục. Những hình ảnh này được tồn tại bao lâu mà chúng xuất hiện trong tâm của chủ thể nhận thức và trong suốt thời gian đó chúng không hề thay đổi từ sát na này qua sát na khác (4). Những hiện tượng giới thường hằng này (ví dụ những hình ảnh gợi ra ý nghĩa chung, hư không giới, v.v...) đều là những Tục đế. “Tục đế” ở đây cũng đồng nghĩa với “sự thực đối với nhận thức vô minh” và trong ngữ cảnh “nhận thức vô minh” này bao gồm tất cả mọi tỷ lượng.

Một tỷ lượng được gọi là một “nhận thức vô minh” bởi vì những phẩm tính cá biệt của hiện tượng giới vô thường đã bị ngăn che không thể thấy được. Bị che lấp mang cái ý nghĩa là nó không thể trực nghiệm một cách tổng hợp những trộn lẫn đa dạng của những phẩm tính này. Lấy thí dụ, khi một tỷ lượng nhận thấy một cái bàn như là một đới chất cảnh, tự nhiên là nó không thể kinh qua những phẩm chất cá biệt và đồng nhất của cái bàn đó, thay vào đó tất cả những gì mà nó có được chỉ là hình ảnh chung gợi ra về một khái niệm trừu tượng của một cái bàn, tức là một độc ảnh cảnh.

Cái hình ảnh trừu tượng đó xuất hiện ngay trong tâm trí của một người biết tiếng Anh khi nghe nói đến tiếng “table”. Tỷ lượng của các chúng hữu tình khi hiểu một ngôn ngữ thường liên hệ một hình- ảnh-gợi-ý với một hình-ảnh-gợi-thanh tương ứng với tiếng đó. Tuy nhiên, tỷ lượng không nhất thiết phải đòi hỏi một khả năng về ngôn ngữ. Thú vật chẳng hạn, chắc chắn là có những hình ảnh gợi ý chung liên hệ đến những khái niệm như “đồ ăn” hay “nguy hiểm”.... mặc dù chúng không hề có những từ ngữ liên hệ với những ý nghĩa này. Ngay cả con người cũng vậy cho dù biết một ngôn ngữ nhưng vẫn có những tỷ lượng không cần nương tựa vào yếu tố ngôn ngữ. Einstein chẳn hạn, từng tuyên bố rằng ông ta có thể suy nghĩ mà không cần đến chất liệu ngôn từ. (Phải chăng cái này được gọi là trực giác?)

HIỆN LƯỢNG
(NHẬN THỨC TRỰC TIẾP)

Bây giờ chúng ta đi vào những gì không phải là tỷ lượng được biết đến dưới danh xưng là hiện lượng. Các hiện tượng giới vô thường (tức là hoại diệt trong từng sát na) được gọi là Chân đế bởi vì chúng là những chân lý đối với nhận thức rốt ráo. Điều này có nghĩa là chúng hiện hữu, hay một cách khác hơn chúng xuất hiện một cách toàn vẹn đối với hiện lượng. “Nhận thức rốt ráo” ở đây bao gồm tất cả mọi hiện lượng -không phải chỉ riêng những trực nghiệm của nhà du già mà đồng thời kể cả những nhận thức thông thường, đúng đắn của giác quan về một đối thể như cái bàn chẳng hạn.

Trong trường hợp nhãn thức trực tiếp thu nhận một cái bàn, cái bàn là độc ảnh cảnh và cũng đồng thời vừa là đới chất cảnh. Không hề có một độc ảnh cảnh tách rời khỏi một cái bàn cụ thể nào đó mà nhãn thức đang chụp bắt. Điều này có nghĩa là một cái bàn cụ thể nào đó đã được ta nhận biết một cách trực tiếp thông qua sự xuất hiện sinh động của cái bàn đó. Một cái bàn xuất hiện do ý thức nhận ra hình dung của nó và rồi thâu nhận cái hình dáng này.

Một cách cụ thể, nhãn thức trực tiếp thu nhận một cái bàn cũng giống như một tấm kiếng ghi nhận hình ảnh trung thực của cái bàn đó, kể cả tất cả những phẩm chất đặc tánh của nó -như màu sắc, hình dáng, khuôn khổ, sự vô thường, v.v... Chỉ có tự tướng (tức là chân đế, và cũng có nghĩa là hiện tượng giới vô thường) là có khả năng phô ra để ý thức có thể nhận diện được nó, điều này cũng có nghĩa là chỉ có hiện lượng mới có thể nhận ra được những Chân đế một cách rõ ràng dứt khoát.

Một Chân đế, ví dụ như cái bàn, xuất hiện một cách toàn vẹn trước nhãn thức bình thường thâu nhận trực tiếp nó, bởi vì nó xuất hiện cùng một lúc với tất cả những đặc tính, phẩm chất của nó cụ thể như màu sắc, khuôn khổ, v.v... Một hiện lượng vì thế cũng được gọi là một “tập hợp” hay là một “tổng thể” (sgrub’jug) bởi vì nó thu nhận đối thể thông qua sự tập hợp hình tướng của mỗi tự tướng như là một cá thể duy nhất, hay là “một bộ phận khăng khít” không tách rời của đối thể. Một cái bàn xuất hiện trước nhãn thức với tất cả toàn bộ cá thể của nó gộp lại. Nhãn thức thu nhận cùng một lúc các đặc tánh của một cái bàn cụ thể nào đó trong một thể thống nhất, kể cả cái đặc tánh hoại diệt trong từng sát na của cái bàn này.

Tuy nhiên một điều quan trọng cần ghi nhớ là hiện lượng không nhất thiết phải xác định hay ghi nhận hoặc thực chứng tất cả mọi chi tiết. Ngay cả tính chất vô thường vi tế của cái bàn -tức là cái đặc tánh hoại diệt trong từng sát na- xuất hiện, nó cũng không được ghi nhận hay xác định bởi nhãn thức thông thường đang thu nhận cái bàn. Để nhận ra tính cách vi tế của vô thường bằng hiện lượng, trước tiên người ta cần phải thực chứng nó thông qua tỷ lượng, tức là bằng nhận thức suy luận.

Như thế, những kiến giải của Hoàng mạo phái về Kinh Lượng Bộ đã trình bày trước cho ta thấy một quan điểm cực kỳ quan trọng trong việc kiến giải Trung Quán Tông sau này: Cho dù với phẩm tính sai lầm của tỷ lượng, không thể chối cãi được rằng những chân tỷ lượng được đạt đến thông qua phân tích thuần lý là những viên đá lót đường không thể thiếu được trong việc dẫn đến hiện lượng của nhà du già.

Sau khi đọc và duyệt qua những thảo luận liên quan đến hiện lượng và tỷ lượng, ta có thể rút ra được ý niệm về sự tương đương như thế nào giữa hiện tượng giới thường hằng, tục đế, độc ảnh cảnh của tỷ lượng và tổng tướng; cũng như sự tương đương giữa hiện tượng giới vô thường, Chân đế, độc ảnh cảnh của hiện lượng và tự tướng. Bây giờ chúng ta hãy xem Hoàng Mạo phái đã thực sự định nghĩa về Nhị Đế như thế nào trong Kinh Lượng Bộ.

NHỮNG ĐỊNH NGHĨA

Ngài Pháp Xứng (Dharmakirti) trong “Chú Giải về ‘Tập Lượng Luận’ của Trần-Na” (Commentary on (Dignaga’s) “Conpendium on Valid Cognition”) đã phát biểu như sau :
[Theo trường phái này], cái gì có thể tác hành chức năng của nó một cách rốt ráo, hiện hữu như là một Chân đế; những cái khác [hiện tượng giới không thể rốt ráo tác hành một chức năng] hiện hữu như là một Tục đế. Những điều này mô tả tánh cách của tự tướng và tổng tướng (5).

Một số các học giả của Hoàng Mạo phái đã dùng đoạn văn trích dẫn này như là một nguồn tài liệu để định nghĩa tự tướng và tổng tướng thay vì Chân đế và Tục đế. Tuy nhiên một số khác, cụ thể như Purbujok và Jamyang Chokla Oser đã định nghĩa Chân đế như là :

Cái gì có thể tác hành một chức năng một cách rốt ráo.

Những Tục đế được định nghĩa như là hiện tượng giới không thể tác hành những chức năng một cách rốt ráo.

Thế nào được gọi là tác hành một chức năng? Những Chân đế (hiện tượng giới vô thường) có thể vận hành như là những nguyên nhân, nghĩa là chúng có thể tác hành chức năng dẫn đến những hậu quả. Bởi lẽ chúng hoại diệt trong từng sát na, những chân đế có thể tác hành như là những nguyên nhân cho hiện tượng xảy ra trong sát na kế tục. Thí dụ như một khoảnh khắc của ngọn lửa này có thể sản sinh ra khoảnh khắc của ngọn lửa kế tục và khoảnh khắc của ngọn lửa cuối cùng sản sinh ra hậu quả của khói.

Thêm và đó, một loại chức năng quan trọng thứ hai mà bất cứ Chân đế nào cũng có thể tạo tác được trong khi đó Tục đế không thể thực hiện, đó là vận hành như là một nguyên nhân để tác tạo ra một thành phẩm được trực tiếp thâu nhận bởi nhãn thức. Ngược lại, một Tục đế -vốn thường hằng, và vô tác- không thể thực hiện một chức năng hay sản sinh ra một hậu quả. Nó không thay đổi từ sát na này qua sát na khác, và nó không có khả năng tạo ra một ý thức nắm bắt nó.

Các hình ảnh tưởng tượng và những Tục đế khác không hiện hữu như là những thực thể có thể vận hành chức năng. Lý do là bởi vì chúng thực ra chỉ là “những cấu trúc” tưởng tượng, những giả lập của tâm thức. Hiểu rõ điều này là nhận thức căn bản của một tiếp cận khác của Hoàng Mạo phái định nghĩa về Nhị Đế trong trường phái này. Cụ thể như Ngawang Palden đã định nghĩa về Tục đế như sau:

Đó là một hiện tượng giới được thiết định hoàn toàn do gán đặt bởi tỷ lượng.

và định nghĩa Chân đế như là:

Một hiện tượng giới hiện hữu từ chính nó, hoàn toàn không bị gán đặt bởi tỷ lượng. (6)

Một hiện tượng giới vô thường như cái bàn chẳng hạn thỏa mãn định nghĩa này về Chân đế bởi vì tự nó có thể khẳng định sự hiện hữu, tách rời khỏi sự gán đặt bởi ý thức. Một cái bàn là một Chân đế. Nó hiện hữu một cách rốt ráo bởi vì nó được cấu thành bởi những nhân duyên chứ không phải bị gán đặt bởi trí tưởng, và do đó có thể tạo nên một hình dạng với tất cả những đặc tánh, phẩm chất riêng biệt được thu nhận bởi hiện lượng.

Trái lại, những hiện tượng giới thường hằng chẳng hạn như những hình ảnh gợi ý, hư không giới,... là những Tục đế bởi vì nó không được cấu thành bởi nhân duyên mà chỉ do tâm thức gán đặt, không có những phẩm tánh riêng biệt có thể phô ra để được thu nhận bởi hiện lượng. Chúng chỉ hiện hữu một cách ước lệ hoặc bởi gán đặt.

Tuy nhiên, một điều cũng nên lưu ý rằng ngay cả những vật thể chỉ hiện hữu một cách gán đặt, giả lập cũng vẫn hiện hữu. Một sự vật hiện hữu như là một sự gán đặt hoàn toàn do tâm thức không có nghĩa là trở thành phi hữu, tức là chỉ hiện hữu trong tưởng tượng. Chúng ta hãy lấy cái thí dụ về cái “sừng thỏ” thường hay được nói tới trong kinh Phật. Nó không hề hiện hữu như là một gán đặt bởi tỷ lượng, bởi một lẽ đơn giản là trong thực tế nó không hề hiện hữu.

Thế nhưng trong tâm thức của một người đang tưởng tượng đến cái sừng thỏ, vẫn hiện ra một hình ảnh gợi ý về cái sừng thỏ. Như vậy cái hình tượng gợi ý này hiện hữu; nó hiện hữu thuần tuý do tỷ lượng gán đặt. Trong kiến giải của Hoàng Mạo phái về Kinh Lượng Bộ, người ta xem những vật thể hiện hữu do gán đặt vẫn hiện hữu. Sau này khi ta nghiên cứu về trường phái cao nhất, Quy Mậu Biện Chứng Phái của Trung Quán Tông, ta sẽ thấy rằng toàn bộ pháp giới chỉ hoàn toàn là những gán đặt bởi ý thức, ngay cả những sự vật có thể vận hành như là những nguyên nhân.

NHƠN VÔ NGÃ

Theo trường phái Kinh Lượng Bộ, việc thoát ly khỏi vòng luân hồi sinh tử dựa vào yếu tố thực chứng được rằng con người không là một thực hữu, tức không phải là một hiện hữu tự thân. Con người là hiện tượng giới vô thường, thế nên chúng là những Chân đế. Chúng có khả năng tạo tác ra nghiệp quả cũng như có thể phô bày ra những nhân dạng khác nhau đối với hiện lượng. Tuy nhiên, không giống như phần lớn những Chân đế khác, chúng không phải là những hiện hữu tự thân bởi vì chúng không thể được nhận biết nếu như không có sự nhận thức của vài bộ phận của tâm hay cơ thể mà chúng được gán đặt.

Nói một cách dễ hiểu hơn, một con người thiếu cả “thực thể” vật chất của thân xác lẫn “thực thể” tinh thần của ý thức. Con người thực ra chỉ được gán đặt cho một vài sắc uẩn nào đó của tâm và / hay vật, thế nên tất cả mọi chức năng của nó, kể cả sự vận hành nhằm tạo nên nhân dáng để được thu nhận bởi hiện lượng cũng đều nương tựa vào chức năng của những sắc uẩn này.

Nhận thức vô minh vốn là gốc rễ của vòng luân hồi khổ đau là một nhận thức cho rằng con người là một hiện hữu tự thân, có thực. Theo trường phái Kinh Lượng Bộ, con người đã mang một nhận thức lầm lạc như thế một cách thâm căn cố đế, thế nên, mục tiêu của nhà hành giả du già tu tập theo trường phái này là khai mở trí tuệ siêu việt có khả năng thực chứng tánh không, tức là thấy được rằng hoàn toàn không hề có một con người như là một thực hữu, tự thân.

Tuy nhiên , quả là một điều khó khăn cho con người có được một nhận thức trực tiếp có thể thực chứng một cách rõ ràng về một tánh Không, bởi vì Không tánh như ta biết là một hiện tượng giới thường hằng, một hư không giới. Tánh Không như thế là một Tục đế; và cũng là một tổng tướng. Tánh Không thiếu những phẩm chất, đặc tánh riêng biệt tức là không có tự tướng để có thể phô ra cho hiện lượng thu nhận, và như vậy không thể được nhận biết một cách trực tiếp. Thế nên, trường phái Kinh Lượng Bộ quan niệm rằng trí tuệ siêu việt là một hiện lượng có khả năng nhận chân một cách trực tiếp và rõ ràng các sắc uẩn và tưởng uẩn trong một cách thế bao hàm cả sự nhận thức về con người như là một hiện hữu tự thân trong mối tương quan với các sắc uẩn đó.

KẾT LUẬN

Đi sâu vào những kiến giải của Hoàng Mạo phái về trường phái Kinh Lượng Bộ là những bước chuẩn bị quan trọng cho tâm thức ta làm quen với việc nghiên cứu nội dung của trường phái Trung Quán Tông. Một số chủ đề đã không được đề cập đến ở đây -chẳng hạn như hiện tượng giới định chắc (sgrub pa - vidhi) và khiển trừ (dgag pa - pratisedha), tổng tướng (spyi - samanya) và tự tướng (bye brag - visesa), cũng như cách sử dụng các ký hiệu luận lý (rtags - linga) trong thiền quán. Thế nhưng từ những lý giải vừa được trình bày ta cũng có thể rút ra được một số điểm được xem như là quan trọng nhất:

Thứ nhất, trường phái Kinh Lượng Bộ đã giới thiệu khái niệm cho rằng Nhị đế là đối tượng của hai hình thái nhận thức: hiện lượng và tỷ lượng. Mặc dù tỷ lượng không phải lúc nào cũng là chân lượng (tshad ma - pramana) nhưng tựu trung cả trí hiện lượng và trí tỷ lượng đều có khả năng biết rõ những đối thể của mình. Khái niệm cho rằng Nhị đế là hai vòng tròn của nhận thức về đối thể, mỗi vòng tương ứng với một loại tâm thức cá biệt và không hề mâu thuẫn lẫn nhau, rất cực kỳ quan trọng trong kiến giải của Hoàng Mạo phái về Kinh Lượng Bộ và là mấu chốt để ta hiểu tại sao Hoàng Mạo phái khẳng định rằng hai khía cạnh của Nhị đế tương hợp một cách thuần lý chứ không hề đối nghịch nhau.

Chân đế và Tục đế chỉ là đối thể của một loại tâm thức nào đó và cái này không hề đánh đổ cái kia. Trong Trung Quán tông, Nhị đế (Tục đế và Chân đế) là những đối thể được nhận biết bởi cả tri giác thông tục lẫn rốt ráo, trong khi đó với Kinh Lượng Bộ chúng đều là những thể tướng của tỷ lượng và chân lượng. Sự song hành của hai lối kiến giải này rất đáng cho ta lưu ý. Kiến giải của Hoàng Mạo phái về Kinh Lượng Bộ có thể truyền đạt một sự tin tưởng cơ bản cho môn sinh vào sự tương hợp của Nhị đế, một niềm tin dùng làm cơ sở cho sự nghiên cứu về Nhị Đế của Trung Quán Tông sau này.

Thứ hai, trường phái Kinh Lượng Bộ là một bối cảnh mà qua đó Hoàng Mạo phái giới thiệu cho những môn sinh của mình khái niệm rằng tri thức phân biệt chẳng những không phải là kẻ thù mà còn là một phương tiện tuyệt đối không thể thiếu trên lộ trình giải thoát. Chẳng hạn như tính vô thường vi tế của một cái bàn đã được phô bày ra trước nhãn thức bình thường trực tiếp thu nhận cái bàn; thế nhưng ta đã không nhận ra được tính cách vô thường này và bởi vậy đã vọng tưởng rằng cái bàn giống như nguyên trạng trong từng sát na. Thế nên để hiện lượng có thể trực nhận được tính cách vô thường vi tế này, điều cần thiết trước tiên là phải hình thành một nhận thức phân biệt rằng cái bàn đang thay đổi trong từng sát na.

Bắt đầu bằng nghi vấn rằng cái bàn có thể thay đổi trong từng giây phút, sự thiền quán trên tính cách vô thường của cái bàn sẽ từ từ dẫn đến một cảm thức mạnh mẽ, một thừa nhận đúng đắn rằng cái bàn là vô thường. Tiếp tục thiền quán trên đề mục này sẽ dẫn đến một sự khẳng định hoàn toàn vững chắc qua suy luận rằng cái bàn là vô thường. Khởi đi bằng nghi vấn và cuối cùng là tin chắc, tất cả chuổi vận hành của ý thức đều là nhận thức phân biệt. Bằng cách thiền quán như thế trên tính cách vi tế của vô thường, ta trở nên quen thuộc sâu xa với nó cho đến một lúc ta thực chứng được tính cách vô thường này một cách rốt ráo bằng hiện lượng.

Như thế, ý thức (phân biệt) thoạt tiên được sử dụng như là một thanh gươm nhằm chặt bỏ nhận thức sai lầm và rồi được quăng bỏ khi nhận thức sai lầm đã hoàn toàn bị bác khước. Kiểu cách này đã được rập khuôn trong cách miêu tả của Hoàng Mạo phái làm thế nào để thực chứng tánh không trong trường phái Trung Quán Tông. Đại sư Tông Kha Ba (Tsong kha pa) còn nhấn mạnh rằng an trú trong tầng thiền vô phân biệt xứ vẫn chưa đủ khi mà ýniệm về hiện hữu tự thân (cùng với tất cả những tỷ lượng khác) chỉ mới bị kiềm chế một cách tạm thời. Thay vào đó, ta phải bắt đầu bằng cách vận dụng thiền quán để nhận diện rồi loại trừ ý niệm về hiện hữu tự thân một cách thuần lý.

Thứ ba, khác với trường phái Phân Biệt Thuyết, Kinh Lượng Bộ bình đẳng hoá giữa bộ phận và toàn thể. Như ta đã biết, Phân Biệt Thuyết cho rằng những sự vật được xem là những thực tại rốt ráo khi nào chúng không còn có thể phân chia ra được nữa ngoài chính chúng. Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa rằng những bộ phận bất khả phân này là thực tướng, trong khi đó cái “toàn thể” hay hợp chất do các bộ phận này cấu thành chỉ là tục tướng. Ngược lại, kiến giải của Hoàng Mạo phái về trường phái Kinh Lượng Bộ cho rằng ngay cả một tập hợp thô của các hạt (phân tử) -như cái bàn, cái ghế, v.v...- hiện hữu một cách rốt ráo bởi vì chúng là những hiện thể (độc ảnh cảnh) của hiện lượng.

Anne Klein đã chỉ rõ rằng một trong những nét đặc trưng nhất quán của Hoàng Mạo phái -không giống với Phân Biệt Thuyết và các trường phái khác- kiến giải về Kinh Lượng Bộ là nó chuẩn bị cho tâm thức chấp nhận sự bình đẳng hoá về thực trạng của cái bộ phận và cái toàn thể được giảng dạy trong Trung Quán (7). Trong trường phái Trung Quán Tông, không hề có những hạt bất khả phân, hay là những yếu tố không còn phân chia được nữa. Cái bộ phận cũng không nhiều hay ít chân thực hơn là cái toàn thể bởi vì tất cả đều chỉ hiện hữu một cách quy ước.

Kinh Lượng Bộ, như đã nói ở trên, còn giúp sửa soạn tâm thức để nghiên cứu Quy Mậu Biện Chứng phái của Trung Quán Tông khi đưa ra ý niệm rằng một sự vật nào đó có thể hiện hữu cho dù nó thuần túy chỉ là sự gán đặt của ý thức phân biệt. Chẳng hạn như, khi người môn sinh đã trở nên quen thuộc với ý niệm rằng vô ngã của con người là một “sự gán đặt hoàn toàn bởi nhận thức phân biệt”, họ sẽ không phạm sai lầm khi giả định rằng cụm từ “sự gán đặt hoàn toàn bởi nhận thức phân biệt” liên hệ đến khái niệm về một cái gì đó hình như hiện hữu mà sự thực là không hiện hữu gì cả. Đây giống như một sự chủng ngừa quan trọng cho các tăng sinh nhằm chống lại sự nguy hiểm của chủ nghĩa đoạn kiến khi học tập về giáo lý của Trung Quán Tông sau này, rằng tất cả mọi hiện tượng giới đều hiện hữu hoàn toàn như là những gán đặt bởi ý thức phân biệt, những giả danh.

Cuối cùng, Kinh Lượng Bộ khẳng định rằng những sự vật chỉ có thể tác hành-nghĩa là có thể thực hiện những chức năng, vận hành như là những nguyên nhân) nếu chúng hiện hữu một cách rốt ráo, nghĩa là tự mình có thể khẳng định sự hiện hữu của chính mình, không phải là những gán đặt bởi ý thức phân biệt. Sự khẳng định này -hoàn toàn khác biệt với quan điểm của Trung Quán Tông- có vẻ như là một mục tiêu mà các vị thầy của Hoàng Mạo phái muốn thiết định lên tâm thức của những môn sinh. Nó vạch một hướng nhìn đưa lối suy nghĩ thế tục, bẩm sinh của chúng ta ra khỏi những bóng tối vây bủa để đi vào sự tập trung của ánh sáng tỉnh thức. Nhờ vậy mà sau này, khi nghiên cứu về Trung Quán Tông, những biện giải của trường phái cao hơn này đã có sẵn một mục tiêu rõ ràng để nhắm tới và dứt điểm.

CHÚ THÍCH.

(1) Xem Knowledge and Liberation. Anne Klein. Ithaca: Snow Lion, 1986. và Recognizing Reality. Goerges Dreyfus. Albany: State University of New York Press, 1997.

(2) Tuy nhiên theo Jamyang Shayba trong Great Exposition of Tenets cho biết là một số luận giải sau này của các thuyết phái Tiểu Thừa đã chấp nhận những kinh sách Đại thừa là những ngôn thuyết của Đức Phật.


(3) Presentation of the Ultimate and the Conventional in the Four System of Tenets, 34. và Practice and Theory of Tibetan Buddhism, Geshe Lhundup và Jeffrey Hopkins, 93.


(4) Xem Knowledge and Liberation, tr. 117, những thảo luận liên quan đến kinh nghiệm (kinh nghiệm thườngngày và kinh nghiệm thiền định) có vẻ như mâu thuẫn với khẳng định của Hoàng Mạo phái cho rằng những hình-ảnh-gợi-ý là thường hằng.


(5) Dharmakirti. “Chú Giải về ‘Tập Lượng Luận’ của Trần-Na”. Commentary on (Dignaga’s)

“Conpendium on Valid Cognition”. (Pramanavattikakarika), P5709, Vol 130, 88.3-5. Bản dịch dựa trên Knowledge and Liberation. Anne Klein, 71.


(6) Presentation of the Ultimate and the Conventional in the Four System of Tenets, 34.


(7) Xem Knowledge and Liberation. Anne Klein, 31.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]