Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 13: Từ Trường Sơn Ðến Thảo Nguyên Mông Cổ (1968-1975)

25/12/201006:49(Xem: 7888)
Chương 13: Từ Trường Sơn Ðến Thảo Nguyên Mông Cổ (1968-1975)

NHƯ ÁNG MÂY BAY

Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA

QUYỂN NĂM:
CƯ TRẦN LẠC ÐẠO


Chương 13: Từ Trường Sơn Ðến Thảo Nguyên Mông Cổ (1968-1975)

Ngày 16-10-1964: Trung Cọng thử bom nguyên tử đầu tiên.

Ngày 17-6-1967: Trung Cọng thử bom khinh khí đầu tiên.

Ngày 24-4-1970: Trung Cong phóng vệ tinh lên không gian.

Ngày 9-9-1972: Trung Cong mua 10 máy bay 707 của hãng Boeing Hoa Kỳ.

Ngày 11-11-1966: Lol Nol, tư lệnh quân đội Cao Mên được chỉ định làm Thủ Tướng.

Ngày 1-4-1967: Hiến Pháp Việt Nam Cọng Hòa được ban hành. Liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ đắc cử Tổng Thống, Phó Tổng Thống với 30% tổng số phiếu. Thượng Viện, Hạ Viên do ứng cử viên Công Giáo ngự trị. Giống như thời Ðệ Nhất Cọng Hòa, trong thời Ðệ Nhị Cọng Hòa, Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp đều nằm trong tay Công Giáo.

Tháng 8, 1967: Dân chúng Cao Mên tại Samlut, tây bắc Cao Mên nổi dậy chống chính quyền Lol Nol, bị đàn áp nặng nề.

Cuối năm 1967: Hoa Kỳ đắm chìm trong xáo trộn và phân hóa vì chiến tranh Việt Nam.

Ðầu năm 1968: Bắt đầu mùa tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Robert Kenndy thuộc đảng Dân Chủ, Richard Nixon thuộc Ðảng Cọng Hòa đều chỉ trích chính sách của tổng thống Johnson về Việt Nam. Các bạn đồng minh Hoa Kỳ cũng không ủng hộ lập trường của TT Johnson về Việt Nam.

Ngày 30-1-1968: Tết Mậu Thân.

Ngày 16-1-1969: Hoa Kỳ và Bắc Việt thỏa thuận để đại diện Việt Nam Cọng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tham gia hội đàm.

Ngày 21-1-1969: Nixon đắc cử, tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ.

Tháng 3, 1969: Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Melvin Laird công bố chính sách Việt Nam Hóa chiến tranh.

Ngày 14-5-1969: Tổng Thống Nijxon đề nghị chương trình 8 điểm cho Việt Nam, chuẩn bị rút quân ra khỏi Việt Nam.

Ngày 8-6-1969: Tổng Thống Nixon và phái đoàn Hoa Kỳ gặp Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn Việt Nam Cọng Hòa tại đảo Midway để bàn chuyện rút quân và hòa đàm Ba Lê.

Ngày 4-8-1969: Henry Kissinger mật đàm với đại diện Bắc Việt. Giáo Hoàng tiếp Xuân Thủy, trưởng phái đoàn Bắc Việt.

Ngày 2-9-1969: Hồ Chí Minh qua đời, hưởng thọ 79 tuổi.

Ngày 24-7-1969: Huỳnh Văn Trọng điệp viên CS trong dinh Ðộc Lập bị bắt.

Ngày 17-3-1970: Lol Nol đảo chính tại Cao Mên lật đổ Sihanouk.

Ngày 26-3-1970: Biểu tình chống Lol Nol. Chính phủ đàn áp. Hàng trăm người bị giết, hàng nghìn người bị bắt. Hàng vạn người lên núi.

Ngày 20-4-1970: Lol Nol gửi thư cho tổng thống Nixon yêu cầu quân viện.

Ngày 30-4-1970: Quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cọng Hòa mở cuộc hành quân tại Cao Mên.

Năm 1970: Phái đoàn Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tham dự Ðại Hội Phật Giáo Liên Hữu tổ chức tại Kyoto đề nghị chương trình 6 điểm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, bị buộc tội là đâm sau lưng chiến sĩ trong khi Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh trước đó hai năm và đức Giáo Hoàng trước đó 4 năm chủ trương hòa bình cho Việt Nam thì có quyền nói.

Ngày 24-11-1970: Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ cho Kissinger biết ông Nguyễn văn Thiệu và ông chưa có kế hoạch gì cho hòa bình Việt Nam.

Tháng 2, 1971: Quân đội Việt Nam Cọng Hòa hành quân Lam Sơn tại Lào bị thảm bại.

Ngày 3-10-1971: Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ II trong cuộc bầu cử chỉ có một liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương tranh cử gọi là độc diễn.

Ngày 21-2-1972: TT Nixon đến Bắc Kinh gặp Mao Trạch Ðông, Chu Ân Lai, mở đầu chiến lược mới về chiến tranh VN.

Tháng 6, 1972: Lol Nol đắc cử Tổng Thống Cao Mên

Tháng 3 đến tháng 9, 1972: Cọng sản tấn chiếm Quảng Trị. Kumtum bị đe dọa. An Lộc bị bao vây.

Ngày 10-4 đến ngày 20-10-1972: Phi cơ Hoa Kỳ thả bom dữ dội gần Hà Hội và Hải Phòng.

Ngày 7-11-1972: Nixon tái đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ.

Tháng 10, 1972: Hòa đàm về Lào bắt đầu, không đi đến đâu. Mỹ dùng B-52 ném bom Ðường Mòn Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Lào.

Tháng 10 đến 12-12-1972: Hoa Kỳ và Bắc Việt ký Hiệp Ðịnh Paris nhưng Việt Nam Cọng Hòa không chấp nhận.

Ngày 18-12 đến 15-1-1973: Hoa Kỳ tái oanh kích Bắc Việt.

Ngày 8-27 tháng 1, 1973: Hòa đàm Paris lại tái họp. Hiệp Ðịnh Paris được ký kết ngày 27-1-1973. Linh mục Trần Hữu Thanh phát động phong trào chống tham nhũng.

Ngày 14-9-1973: Hòa ước Lào ký kết. Chính phủ Liên Hiệp được thành lập.

Tháng 5 đến tháng 8, 1974: Quân Bắc Việt và Việt Cọng tấn công khắp nơi. Ðến tháng 8, 1974 quân cọng sản chỉ cách Sài Gòn 25km.

Tháng 3, 1975: Cọng quân tấn công các tỉnh Vùng I Chiến Thuật, Cao Nguyên Trung Phần.

Ngày 10-3-1975: Ban Me Thuột lọt vào tay Cọng sản

Tháng 3, 1975: Quân Khmer Ðỏ tiến chiếm thủ đô Nam Vang.

Ngày 14-3-1975: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Quảng Trị, Thừa Thiên và Cao Nguyên Trung Phần.

Ngày 25-3-1975: Huế lọt vào tay cọng sản. Hàng nghìn dân chúng, quân cán chính di tản xuống miền Nam.

Ngày 1-4-1975: Lol Nol chạy sang Hawaii tị nạn

Ngày 14-4-1975: Quốc Hội Hoa Kỳ cắt viện trợ dành cho Việt Nam Cọng Hòa.

Ngày 21-4-1975: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức cùng gia đình di tản ra nước ngoài. Trần Văn Hương lên thay thế.

Ngày 28-4-1975: Cụ Trần Văn Hương từ chức. Ðại Tướng Dương Văn Minh lên thay.

Ngày 30-4-1975: Chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng.

Tháng 8, 1975: Quân đội Pathet Lao tiến chiến Vientiane

*

* *

Ngày 20 tháng 12 năm 1964 Chu Ân Lai phản đối Liên Bang Soviet đã phân hóa nỗ lực chống Hoa Kỳ của Bắc Việt. Ðiều này cho thấy lãnh đạo cọng sản Việt Nam lúc bấy chia thành hai phe: phe thân Soviet chủ trương điều đình, phe thân Trung Cọng chủ trương ngược lại. Ngày 25, tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Cọng tiết lộ đa số khí giới do Liên Bang Soviet cung cấp cho CS Việt Nam đều lỗi thời. Phản ứng của Hoa Kỳ là dùng vũ lực để đương đầu với phe diều hâu Bắc Việt. Ngày 17 tháng 6, 1965, 30 chiếc B-52 từ Guam đến dội bom Bắc Việt. Máy bay B-52 đầu tiên bị hỏa tiễn Sam hạ là ngày 24-7 và chiếc thứ hai ngày 12-8-1965. Hồ chí Minh tuyên bố ngày 17-7-1966: Chiến tranh có thể kéo dài 5, 10, 20 năm nữa.

Chiến dịch ném bom tiếp tục trong khi trận địa chiến tăng cường. Liên hệ giữa Việt Nam Cọng Hòa và Cao Mên gặp trở ngại. Ngày 20 tháng 10 năm 1965 quân đội Hoa Kỳ vào lãnh thổ Cao Mên tấn công quân Bắc Việt. Sihanouk phản đối. Tướng Lol Nol lên làm Thủ Tướng Cao Mên tháng 11 năm 1966. Guồng máy quân sự được thiết lập toàn Ðông Dương. Chiến lược quân sự của Hoa Kỳ được củng cố vững vàng.

Trong thế cờ chiến lược ấy, đại tá Loan thi hành đường lối của Nội Các Chiến Tranh, dùng vũ lực uy hiếp Phong Trào đấu tranh đòi bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, vô hiệu hóa tiềm năng của Phật Giáo tại Huế. Ty Cảnh Sát Thừa Thiên Huế theo mệnh lệnh của đại tá Loan hành sự. Một viên thiếu úy Nghĩa Quân Quận Nam Hòa, không có kinh nghiệm điều hành, không có điều kiện học lực làm sĩ quan cảnh sát, nhưng đầy hăng say, sẵn sàng phục vụ, được chọn làm Phó Trưởng Ty, phụ trách ngành cảnh sát đặc biệt dọn sạch chiến trường tại cố đô Huế, nơi có nền văn hóa truyền thống khá sâu đậm, nơi mà trước đó không lâu có ba ông tướng ra ổn định tình hình đã đi theo Phong Trào đòi tự do dân chủ, đòi chính phủ dân sự, đòi bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, nơi một ông tướng cuối cùng cũng phải bó tay, được máy bay Thủy Quân Lục Chiến Mỹ vội vã đưa vào Ðà Nẵng, sau khi đã đưa Thượng Tọa Trí Quang vào Sài Gòn.

Vô hiệu hóa xong ảnh hưởng của Phật Giáo, chính phủ Nguyễn văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ cho tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến. Ngày 1-4-1967 Quốc Hội Lập Hiến thông qua Hiến Pháp, khai sinh nền Ðệ Nhị Cọng Hòa. Ngày 3-9-1967 bầu cử Tổng Thống và Thượng Nghị Viện. 11 liên danh ra ứng cử Tổng Thống, 50 liên danh ra ứng cử Thượng Viện. Liên danh Nguyễn văn Thiệu - Nguyễn cao Kỳ đắc cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống với 1,638,902 trong số cử tri đi bầu là 4,868,266, tức vào khoảng 30%, dưới xa quá bán số phiếu. 6 liên danh Thượng Viện đắc cử, đó là Liên Danh Nông Công Binh, thành phần quân đội với một số thành viên Công Giáo, liên danh Bông Lúa, thành phần Ðại Việt và Cao Ðài với một số thành viên Công Giáo, Liên danh Công Bình Xã Hội, thành phần Công Giáo, Liên Danh Ðại Ðoàn Kết, thành phần Công Giáo, Liên Danh Mặt Trời, thành phần Công Giáo, Liên Danh Ðoàn Kết Tiến Bộ, thành phần Công Giáo. Lập Pháp, Hành Pháp đều do Công Giáo ngự trị và lẽ dĩ nhiên Tư Pháp cũng vậy.

Ðiều đáng chú ý là trong kỳ bầu cử Tổng Thống và Thượng Viện năm 1967, một số liên danh sử dụng biểu tượng hòa bình, khát vọng của đại đa số dân Việt như Trương Ðình Du sử dụng biểu tượng hòa bình Bồ Câu Trắng. Phạm Thái, Huỳnh văn Tồn, Nguyễn ngọc Huy sử dụng khẩu hiệu An Cư Lạc Nghiệp. Trương Lương Thiện khẩu hiệu Thiên Hạ Thái Bình. Trần văn Văn khẩu hiệu Hòa Bình Ấm No. Nguyễn văn Tường khẩu hiệu Hòa Bình Thịnh Vượng. Thế mà khi Phật Giáo vận động hòa bình vào năm 1970, 6 năm sau Tòa Thánh La Mã, 3 năm sau bầu cử Tổng Thống, Thượng Viện thì bị buộc tội là đâm sau lưng chiến sĩ!

Tại Sài Gòn, chính phủ quân nhân, Nội Các Chiến Tranh tiếp tục làm tròn nhiệm vụ chiến lược Hoa Kỳ, biến quân lực Việt Nam Cọng Hòa thành hình ảnh của quân đội Mỹ. Các nhà chiến lược Hoa Kỳ ỷ vào sức mạnh quân sự, không quan tâm đến truyền thống văn hóa Việt Nam, không nắm vững bản chất chiến tranh cách mạng của cọng sản, đã quân sự hóa, Hoa Kỳ hóa guồng máy chính quyền Nam Việt Nam. Vì vậy việc gì phải đến đã đến: Tết Mậu Thân. Cọng quân tấn công 30 trong 44 tỉnh lị, thị trấn Việt Nam Cọng Hòa.

Tại Hà Nội ngày 7 tháng 7, 1967, một phiên họp quan trọng do Hồ Chí Minh chủ tọa. Tham dự phiên họp gồm các đảng viên cao cấp của Ðảng Lao Ðộng (đảng Cọng Sản), trong đó có Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Trưởng Quốc Phòng.... Phiên họp đưa đến quyết định Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa vào dịp Tết Mậu Thân do tướng Giáp chỉ huy.

Trước khi thi hành kế hoạch tổng công kích Tết Mậu Thân, tướng Võ Nguyên Giáp đã bày ra những thế trận để nhử tướng Westmoreland đến những vùng xa xôi hẻo lánh cách xa thị thành, cách mục tiêu dự định tấn công của Võ Nguyên Giáo. Quân đội Bắc Việt và sư đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã giao tranh dọc theo vùng phi quân sự chia đôi Bắc Nam. Từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1967 Bắc Việt tăng cường hoạt động, tấn công nhiều nơi gần biên giới Lào, căn cứ Côn Thiên, Dak To. Tuy bị thiệt hại nặng nề, nhưng cốt để đánh lạt hướng Westmoreland. Tướng Giáp còn hy sinh nhiều binh sĩ tại chiến trường Khe Sanh... Tướng Westmoreland hăng say trong chiến thắng, không mấy quan tâm đến báo cáo quân Bắc Việt xâm nhập thành phố. Ông không tin lời khai của tù binh cọng sản vì nó không phù hợp với cục diện chiến trường. Tướng Weyland, tư lệnh quân đoàn III dè dặt hơn nên đã chuyển quân từ chiến trường Cao Mên về bảo vệ Sài Gòn.

Trong chiến dịch tổng công kích Tết Mậu Thân, tướng Võ Nguyên Giáp đã huy động từ 67,000 đến 84,000 quân Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng. Lợi dụng lệnh ngưng chiến, dân chúng, quân nhân Nam Việt Nam bận rộn ăn Tết, tướng Giáp cho tấn công đêm ba mươi sáng mồng một Tết nhằm đêm 31-1-1968. Vì trở ngại phối hợp truyền thông, nên có những đơn vị Việt Cọng tấn công trước giờ ấn định. Thị xã Nha Trang bị tấn công sau nửa đêm ngày 30-1-1968. Sáu thị trấn khác ở Vùng I Chiến Thuật cũng bị tấn công đêm hôm ấy. Ðiều này làm cho quân đội VNCH và Hoa Kỳ có thì giờ phản ứng khi Tổng Công Kích được phát động đúng giờ đêm 31 tháng 1, 1968 tại 50 xã, 64 quận, 26 tỉnh và 4 thị xã khắp miền Nam Việt Nam. Quân cọng sản xuất hiện khắp nơi: tại Nha Trang, Huế, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Mỹ Tho, Bến Tre, Cà Mâu...

Từ ngày 29 đến 31 tháng 1, 1968 VC trà trộn đưa 5,000 cán binh vào Sài Gòn. Khí giới được dấu trong các cỗ quan tài của những đám tang giả. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 31, VC bắt đầu tấn công vào những mục tiêu chính. Họ mặc đồng phục quân đội VNCH tấn công Dinh Ðộc Lập nhưng rồi bị đẩy lui. Họ chiếm Ðài Phát Thanh Sài Gòn 24 giờ đồng hồ. Những đơn vị khác tấn công tòa đại sứ Phi Luật Tân, câu lạc bộ sĩ quan Hoa Kỳ. Một đơn vị chính tấn công tòa Ðại Sứ Mỹ.

Mục tiêu quan trọng khác trong cuộc tổng công kích là cố đô Huế. Ngày Mồng Một Tết lúc 3:40 sáng Việt Cọng ra lệnh tấn công khắp nơi trong thành phố. Quân lực VNCH phản công ngày mồng 3 Tết (1-2-1968). Ngày 14-2-1968 Chiến dịch Sóng Thần 739/68 của Liên quân Thủy Quân Lục Chiến VN và Hoa Kỳ bắt đầu. Ngày 25, 26-2-1968 Huế được giải tỏa. Làng Quế Chữ, gần La Chữ, huyện Hương Trà, bộ chỉ huy của VC, bị không quân Hoa Kỳ thả bom, biến thành bình địa.

Về mặt quân sự, trong vụ tổng công kích Tết Mậu Thân, quân đội Bắc Việt và Mặt Trận bị tổn thất nặng nề. Viện Sử Học Hà Nội trong bài “Về Tổng Tấn Công Tổng Nổi Dậy Ðồng Loạt Tết Mậu Thân (1968), Nghiên Cứu Lịch Sử số 1 (266) 1 & 2, 1993 nhận định: “Sau Tết Mậu Thân vùng làm chủ của ta bị thâu hẹp, cơ sở bị tổn thất, lực lượng vũ trang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các sư đoàn 5, 7, 9 chủ lực của miền Nam mất bàn đạp, mất chỗ đứng, phải lên vùng biên giới Cao Mên. Khu 8 có 2 trung đoàn còn 1. Khu 8 có 3 trung đoàn còn 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn. Bộ đội tập trung tính còn lại hơn 100.”

Nguyễn Văn Linh trong Thành Phố Hồ Chí Minh 10 năm, Thành Phố Hồ Chí Minh 1985 viết về Tết Mậu Thân nói cơ sở nằm vùng bị tiêu diệt, Thành Ủy Sài Gòn phải lui xa thành phố, vừa di chuyển vừa trốn tránh mất một năm 28 ngày mới tới khu an toàn.

Thành Ủy Huế năm 1988 nhận định về Tết Mậu Thân cho biết ở Huế sau khi rút lui, lên rừng ngày nào là đói ngày đó. Sau cuộc liên hoan mừng chiến thắng thì cả rừng ăn muối, khó khăn ập tới như tình hình hồi vỡ mặt trận năm 1946.

Về mặt chính trị: Tuy nhiên cũng vì vậy mà ảnh hưởng của Trung Cọng trong Mặt Trận bị sứt mẻ nặng nề, không còn là một yếu tố đe dọa cho việc thống nhất đất nước trong tương lai. Nước Cao Mên láng giềng do Pol Pot cầm đầu, được Trung Cọng tích cực yểm trợ, không mấy thân thiện với Việt Nam, nếu không có tổng tấn công, Miền Nam sẽ là nơi xưng hùng xưng bá của 3 lực lượng quốc gia, trung lập, cọng sản, việc thống nhất khó đạt được và ảnh hưởng Trung Cọng sẽ tràn xuống bao vây cả những nước Ðông Dương, tràn qua vùng Ðông Nam Á. Giờ đây thế cờ ấy đã bị hạ qua sự thất bại quân sự Tết Mậu Thân của Cọng Sản! Một thế cờ hết sức phức tạp.

Cuộc Tổng Công Kích cũng là cơ hội định lượng mức độ ảnh hưởng của Mặt Trận tại Miền Nam và tình cảm dân chúng đối với Mặt Trận. Bắc Việt thấy rõ dân chúng tuy chống đối chính quyền quân nhân, độc tài quân phiệt, nhưng cũng không mở vòng tay tiếp đón họ khi họ chiếm Huế, hay các nơi họ làm chủ tình hình trong giai đoạn đầu. Ðây là một bài học vô giá cho kế hoạch tiến chiếm Miền Nam tương lai. Nói tóm lại, trên phương diện chính trị, Tết Mậu Thân là cơ hội tốt để Bắc Việt đánh giá ảnh hưởng của Mặt Trận đối với dân chúng Miền Nam, biết sở trường sở đoản của Hoa Kỳ, Việt Nam Cọng Hòa và Mặt Trận, là cơ hội để củng cố hệ thống lãnh đạo chỉ huy và tương quan giữa Bắc Việt và Mặt Trận, giữa Bắc Việt và Trung Cọng.

Ảnh hưởng chính trị của cuộc Tổng Kích Mậu Thân tại Hoa Kỳ và các nước Tây Phương thật rất lớn. Dân chúng Mỹ thất vọng thấy chính sách của Johnson không mang lại kết quả mong muốn. Ngày 31 tháng 3, Tổng Thống Johnson ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt và yêu cầu Bắc Việt vào bàn hội nghị. Vatican xúc tiến chủ trương chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Ðức cha Casaroli, bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh tuyên bố: “... Bây giờ không còn là lúc làm một cuộc thánh chiến chống cọng nữa. Phải chấm dứt chiến tranh và tìm cách sống chung hòa bình với cọng sản. Cho nên những người quốc gia Việt Nam, nhất là những người Công Giáo, phải đoàn kết với nhau, sống chung với cọng sản mà không bị cọng sản nuốt đi.” (Cao Văn Luận: Bên Giòng Lịch Sử 1940-1975, tr. 349). Giáo hoàng tiếp Xuân Thủy, trưởng phái đoàn Bắc Việt tại Ba Lê.

Không khí chính trị Hoa Kỳ đột nhiên thay đổi. Ðầu năm 1968 mùa tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ bắt đầu. Robert Kennedy, ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ, Richard Nixon, ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cọng Hòa đều chỉ trích chính sách của Tổng Thống Johnson về Việt Nam. Các bạn đồng minh của Hoa Kỳ cũng không ủng hộ lập trường của TT Johnson về Việt Nam.

Mùa Thu năm 1969 các phong trào phản chiến bùng nổ tại Hoa Kỳ. Tổng Thống Nixon công bố chương trình Việt Nam Hóa chiến tranh, có nghĩa là muốn rút quân khỏi Việt Nam, tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh qua hòa đàm.

Về việc Hòa Thượng Ðôn Hậu lên núi, ra Bắc trong vụ Tết Mậu Thân được thầy Trí Tựu, Trú Trì chùa Linh Mụ thuật lại như sau: (lúc 12:00 giờ trưa, ngày 12-3-2009 tại chùa Linh Mụ)

Vào khoảng quá nửa đêm tối Mồng một Tết Mậu Thân, có một phái đoàn gồm quân nhân và người mặc thường phục đến thăm Ôn. Ôn đang bị bệnh, bệnh suyễn và xuất huyết dạ dày. Thầy ngồi đàng xa. Thầy Trí Lưu, thân phụ của thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, lúc đó là Tri Sự chùa Linh Mụ, ngồi gần Ôn. Họ mời Ôn về Huế họp. Ôn từ chối nói đau không đi được. Họ nói có người đưa Ôn đi. Sau đó người ta gánh Ôn đi trên một chiếc võng, từ chùa Linh Mụ, không về Huế mà rẽ về Chợ Thông thuộc làng An Ninh Hạ, đến La Chữ. Ban ngày núp, nghỉ, ban đêm đi. Sau một tháng đến Seopon giáp giới Lào. Máy bay trực thăng bay trên đầu mà không bắn. Trên đường đi, thiếu lương thực, bị hạm đội Mỹ pháo kích. Nhiều người bị chết vì đói và sốt rét. (Ðược kể lại sau 1975). Rồi sau đó từ Huế ra Hà Nội mất hết 4 tháng, đi theo đường Mòn Hồ Chí Minh đến Nghệ An. Từ Nghệ An đến Hà Nội đi xe.

Kể từ hôm đó trở đi, bị ám ảnh bởi cảnh Ôn bị đưa lên núi trong lúc bệnh hoạn, thầy Trí Tựu nói: “Tôi thường nằm mộng thấy mình đi trên một cánh đồng hoang vắng vào ban đêm, không có một bóng người. Sao trên trời nhấp nhánh, gió thỉnh thoảng lùa mạnh, như muốn đẩy lũy tre xanh đến phía tôi. Tôi cảm thấy rùng mình. Cái sọ người trắng phếu, cặp mắt đen nhìn tôi sừng sững trong đêm tối yên lặng. Ngón tay chỉ vào mặt tôi. Bàn tay xương xẩu quắp lại. Tôi rùng mình thức dậy...”

Ôn ra đến Hà Nội được ở nhà Khách Chính phủ với một số nhân vật Miền Nam trong đó có Ô. Lâm Văn Tết, Nguyễn Thúc Tuân, Nguyễn Ðóa, bà Chi, GS Hảo. Ôn gặp Bác Hồ 3 lần. Ôn ngồi trên ghế trường kỷ cạnh Bác Hồ, có Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng, bà Chi, cụ Ðóa, ông Tôn Thất Dương Tiềm. Ôn được hướng dẫn đi thăm các tỉnh miền bắc. Tại Hà Nội Ôn gặp Hòa Thượng Trí Ðộ, quí Hòa Thượng, Thượng Tọa khác.

Ôn đến thăm các chùa, các Phật Học Viện, nói chuyện với chư Tăng Ni sinh, khuyên họ lo tu học, đặc biệt lo hành trì giới luật.

Năm 1970-1972 Ôn đi sang Hàng Châu, rồi Bắc Kinh, gặp Thủ Tướng Chu Ân Lai và Ban Tôn Giáo Trung Hoa. Nhân dịp này Ôn đến Tây An (Trường An) chiêm bái bảo tháp của ngài Huyền Trang tại chùa Hưng Giáo, Tây An, Trung Quốc.

Trở về Hà Nội một thời gian, Ôn bị suyễn nặng nên được đưa qua Trung Quốc điều trị. Ðây là lần thứ hai Ôn đi Trung Quốc và kỳ này Ôn ở lại Trung Quốc cho đến sau ngày 30-4-1975

Về chuyện Ôn lên chiến khu, ra Bắc, theo lời thuật lại của thầy Hải Tạng, Trú Trì chùa chùa Long An, tỉnh Quảng Trị. (3:00 chiều ngày 20-3-2009 tại chùa Long An). Thầy Hải Tạng nói:

Tôi nghe kể lại vào khoảng 2 giờ sáng ngày Mồng một Tết Mậu Thân, có người đến mời Ôn đi họp. Ôn từ chối không đi được vì bệnh nặng, bệnh suyễn và dạ dày xuất huyết. Ôn chỉ ống nhổ đầy máu. Người chỉ huy toán lính giải phóng nói: Ðừng làm mất thì giờ, nếu đi không được thì có người gánh. Ôn gượng ngồi dậy, mặc áo dài chuẩn bị đi. Họ hỏi Ôn có cần mang gì đi theo không. Ôn nói không cần gì cả. Họ gánh Ôn trên chiếc võng. Trên đường gặp bà Chi, Ông Ðóa, ông Hảo. Lên Trường Sơn một thời gian, Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam được thành lập ngày 31-7-1968, Ôn không có mặt nhưng được sắp làm Phó Chủ Tịch Liên Minh.

39
Hòa Thượng chiêm bái chùa Một Cột, Hà Nội năm 1970 (Tiểu Sử, tr. 63)

Hòa thượng Ðôn Hậu đang chuyện trò với Hòa Thượng Trí Ðộ tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
40
Hòa Thượng đến chiêm bái bảo tháp của ngài Huyền Trang tại chùa Hưng Giáo, Tây An, Trung Quốc (Tiểu Sử, tr. 61)
38
Hòa Thượng thăm hỏi Tăng Ni Sinh tại chùa Quán Sứ, Hà Nội năm 1970 (Tiểu Sử, tr. 57)

Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam, được thành lập ngày 31-7-1968 trong phiên họp tại sông Vòm Cỏ, gần căn cứ Mặt Trận trong núi rừng Tây Ninh giữa Mỏ Vẹt (Parrot’s Beak) và Fishhook (Lưỡi Câu), độ chừng 60km phía tây nam mật khu Việt Cọng.

Chủ Tịch: Trịnh Ðình Thảo.

Phó Chủ Tịch: Lâm Văn Tết.

Phó Chủ Tịch: Thích Ðôn Hậu.

Tổng Thư Ký: Tôn Thất Dương Kỵ.

Ủy viên: Trương Như Tảng.

Ủy viên: Dương Quỳnh Hoa.

Ủy viên: Lâm Văn Tết.

Ủy viên: Thanh Nghị.

Ủy viên: Nguyễn văn Kiệt.

Ủy viên: Cao Văn Bồn.

Ủy viên: Nguyễn hữu Khương.

Ngày 6-6-1969 Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cọng Hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập, ông Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ Tịch, Ôn không có mặt nhưng được sắp xếp làm Ủy Viên Hội Ðồng Cố Vấn Chính Phủ.

Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cọng Hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập ngày 6-8 tháng 6, 1969 trong phiên họp tại mật khu vùng Fishhook (Lưỡi Câu), Tây Ninh, biên giới Việt-Miên.

Chủ Tịch: Kiến trúc sư Huynh Tấn Phát.

Phó Chủ Tịch: Bs Phùng Văn Cung.

Phó Chủ Tịch: Gs. Nguyễn văn Kiệt.

Phó Chủ Tịch: Nguyễn Ðóa.

Bộ Trưởng Phủ Chủ Tịch: Trần Bửu Kiếm.

Bộ Trưởng Quốc Phòng: Tướng Trần Nam Trung.

Bộ Trưởng Ngoại Giao: Nguyễn Thị Bình.

Bộ Trưởng Nội Vụ: Bs Phùng Văn Cung.

Bộ Trưởng Kinh Tế Tài Chánh: Kỹ sư Cao Văn Bổn.

Bộ Trưởng Thông Tin, Văn Hóa: Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Bộ Trưởng Giáo Dục, Thanh Niên: Giáo sư Nguyễn Văn Kiệt.

Bộ Trưởng Y Tế, Xã Hội, Thương Phế Binh: Bs Dương Quỳnh Hoa.

Bộ trưởng Tư Pháp: Trương Như Tảng.

Sau Ôn được đưa ra Bắc, được sắp đặt cư trú tại 29 Nguyễn Du, Hà Nội, được đưa vào Phủ Chủ Tịch thăm Bác Hồ 3 lần. Ðược Hồ Chủ Tích tiếp đón, tặng 1 bó hoa. Hồ Chủ Tích ca ngợi Phật Giáo Việt Nam và sự hy sinh của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức. Ðược đi Nga, Trung Quốc, Mông Cổ thăm viếng, dự Hội Nghị, được đến Trung Quốc chữa bệnh. Khi đến Mông Cổ, Phật tử Mông Cổ xem Ôn như Phật sống. Họ quì lạy, hôn chân Ôn, muốn được Ôn thoa đầu ban phước lành.

Ôn nói khi đi dự Ðại Hội Mông Cổ có máy nghe dịch ra tiếng Việt, giống như cảnh diễn tả trong kinh Duy Ma Cật...

Khi Miền Nam giải phóng, Ôn còn ở Trung Quốc chữa bệnh, về VN vào cuối tháng 5, 1975. Thày Trí Tựu có 2 cuốn băng ghi lời Ôn kể thời lên chiến khu ra Bắc, đi nước ngoài. (Hai cuốn băng này được người em bạn dì là cô Hồng ở Ðà Nẵng giao cho tôi, tôi đã sang ra 2 bản, 1 bản cho Don, 1 bản tôi giữ và trả lại bản chính cho cô Hồng)

Khi ở nhà khách tại đường Nguyễn Du, Hà Nội vào khoảng năm 1969-70, nhân khi đọc quyển sách về Nguyễn Trãi, nói Phật Giáo ru ngủ cấp nô tì. Ôn gạch đỏ những đoạn văn diễn đạt như vậy. Khi đến thăm Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng, Ôn đem chuyện này trình bày với Thủ Tướng. Ôn nói ông Phan Huy Liệu, tác giả cuốn Nguyễn Trãi được gọi là một sử gia có uy tín, nhưng ông ấy thực sự có bao giờ viết một bài nghiên cứu về lịch sử Phật Giáo lần nào chưa, mà lại viết về Phật Giáo bằng những lời lẽ như vậy. Ông Phạm Văn Ðồng xin Ôn bớt giận. Ôn nói Ôn không giận, nhưng không muốn người ta bóp méo sự thật. Ôn hỏi Thủ Tưởng giả sử có người viết bài bóp méo, nói xấu Ðảng Cọng Sản thì Thủ Tướng nghĩ như thế nào?

Khi mới ra Bắc, Ôn phải tham gia học tập chính trị. Ôn thường nghe những lời diễu cợt về thuyết luân hồi của Phật Giáo. Họ cho con người do con vượn hóa ra theo thuyết tiến hóa. Còn Phật Giáo, họ đùa cợt hỏi Ôn, theo thuyết luân hồi của Phật Giáo thì con vượn từ đâu ra? Ôn bông đùa trả lời nói nó từ trong bụi nhảy ra. Mọi người đều cười...

Trong dịp tang lễ Hồ Chủ Tịch, họ sắp đặt nhân viên chính phủ Cách Mạng Lâm Thời vị trí đứng hầu quan tài. Ôn là thành viên của Chính Phủ nên được vinh dự đứng hầu quan tài. Ôn nói Ôn là một tu sĩ thật sự không có tài cán gì cả, quí vị bỏ Ôn vào danh sách thành viên chính phủ, Ôn không thể từ chối. Quí vị còn ca tụng Ôn là bậc chân tu. Nếu vậy, Ôn là một tỳ kheo không thể đứng hầu quan tài của bất kỳ người nào dầu đó là của Chủ Tịch. Họ nổi nóng nói Ôn là một công dân, phải tỏ lòng tôn kính đối với vị lãnh đạo. Ôn nói Ôn rất tôn kính Hồ Chủ Tịch, nhưng với thân phận thầy tu Ôn không thể làm như vậy được. Nếu quí vị muốn Ôn làm nhiệm vụ công dân thì phải cho phép Ôn trở về Huế xin quí Thầy, quí Ôn xả giới, sau đó Ôn sẽ trở ra làm người đứng hầu quan tài, làm bổn phận công dân danh dự. Họ bàn bạc với nhau, rồi không bắt Ôn phải hầu quan tài của Hồ Chủ Tịch nữa.

Về chuyện Hòa Thượng Ðôn Hậu lên chiến khu theo lời của Gs Lê Văn Hảo.

Giáo sư Lên Văn Hảo, tiến sĩ dân tộc học, giáo sư Ðại Học Văn Khoa Huế, Ðà Lạt và Sài Gòn, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế kỳ Tết Mậu Thân.

Trả lời những câu hỏi của biên tập viên Nguyễn An, Ban Việt Ngữ RFA ngày 21 tháng 12, 2006, giáo sư Hảo cho biết Gs không phải là thành viên của Mặt Trận mà chỉ là một cảm tình viên. Vào dịp Tết Mậu Thân, Gs được các nhà lãnh đạo Mặt Trận mời đi họp trước khi họ tấn công Huế. Suốt thời gian Huế chìm ngập trong chiến trận Gs ở trên núi không biết những gì đã xảy ra cho Huế ngoại trừ tin tức trên đài phát thanh. Chức vị Chủ Tịch chỉ trên danh nghĩa.

Giáo sư Hảo cho biết trong số những người lên núi, rồi sau đó cùng ra Bắc với Giáo sư có Hòa Thượng Ðôn Hậu. Hòa Thượng phải ngồi võng cho hai anh quân nhân giải phóng khiêng. Bà Nguyễn đình Chi và cụ Nguyễn Ðóa cũng ngồi võng, Gs lúc đó mới 32 tuổi, còn khỏe mạnh nên đi bộ như mọi người khác. Gs Hảo còn cho biết, tất cả mọi người đều được mời đi họp, “riêng cụ Thích Ðôn Hậu thì cụ bị bắt cóc lúc quân giải phóng đã chiếm được thành phố Huế rồi thì họ mời cụ lên võng để đi họp, rồi võng cụ lên trên núi luôn. Bà Nguyễn Ðình Chi cũng trường hợp như vậy... anh Tôn Thất Dương Tiềm đi theo quân giải phóng. Anh Tiềm là Việt Cọng nằm vùng...”

Cụ Nguyễn Thúc Tuân, cư ngụ tại 18/15 Lê Thánh Tôn, Huế Tel: 351-2061, nói về cụ Ðôn Hậu. (Ngày 17-3-2009, 9:30 sáng)

Cụ Nguyễn Thúc Tuân, theo lời cụ kể, năm nay 97 tuổi, sinh năm 1912, cùng năm với vua Bảo Ðại, tham gia Cách Mạng, vào đảng năm 1946. Cụ nói Cụ sát cánh bên cạnh Cụ Ðôn Hậu suốt 10 năm, từ năm 1968 cho đến năm 1978, theo mệnh lệnh cấp trên có bổn phận bảo vệ và kiểm soát Hòa Thượng Ðôn Hậu.

Tối mồng 4 Tết Mậu Thân, cụ Nguyễn Thúc Tuân kể: tôi cùng đi với bà Nguyễn Ðình Chi, cụ Nguyễn văn Ðóa, ông Tôn Thất Dương Tiềm (3 người) lên chiến khu cách thành phố Huế độ 4km. Tối ấy ở lại 1 đêm, ngày sau lên chiến khu gặp Gs Lê Văn Hảo đã lên trước ngày 30 tháng Chạp, gặp Cụ Ðôn Hậu cũng đã lên trước vài ngày, từ Văn Xá đi lên độ 3 km đường chim bay. Chúng tôi giờ đây gồm 6 người: Bà Nguyễn đình Chi, Ô Nguyễn văn Ðóa, Ô Tôn thất dương Tiềm, Gs Lê văn Hảo, cụ Ðôn Hậu và tôi. Chúng tôi lên gặp ô Hoàng Phương Thảo, chủ tịch thành phố Huế. Ông này lo toàn bộ. Ở tại chiến khu Huế 15 ngày. Máy bay Mỹ từ Dương Xuân Hạ bắt đầu thả bom, pháo kích dữ dội. Một trái pháo kích nổ cách bà Chi độ chừng 10m, may mắn không ai bị thương. Chúng tôi đi sâu vào trong núi, sống trong hầm đá, ở lại 1 ngày sau bắt đầu ra Bắc theo đường mòn Hồ Chí Minh, có đoạn đi bộ, có đoạn đi xe jeep, đến Nghệ An. Từ Nghệ An ra Hà Nôi đi bằng xe. Cụ Ðôn Hậu và bà Chi đi trước, bốn chúng tôi theo sau. Ra đến Hà Nội được Ủy Ban Thống Nhất đón tiếp. Tôi và cụ Ðóa gặp lại cụ Ðôn Hậu và bà Chi.

Liên Minh các Lực Lượng Dân Chủ và Hòa Bình được hướng dẫn thăm Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái. Thỉnh thoảng Liên Minh được đi thăm các nước ngoài.

Khi thành lập Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế, Gs Lê Văn Hảo được mời làm Chủ Tịch, ông Tôn Thất Dương Tiềm và tôi làm Ủy Viên. Lúc ấy chúng tôi ở chiến khu Huế. Số là lúc đầu Gs Hảo được mời ra Phong Ðiền hội họp. Khi

42

Hòa Thượng tham dự Hội Nghị Phật Giáo Á Châu về Hòa Bình tại Mông Cổ năm 1971 (Tiểu Sử, tr. 25)

đến Văn Xá lại nói đổi lộ trình đi thẳng lên chiến khu. Ði vào trưa ngày 30 Tết. Tối đó quân Cách Mạng báo cho giáo sư biết quân đội Cách Mạng tấn công thành phố Huế. Từ đó chúng tôi không trở lại Huế nữa mãi cho đến năm 1975.

Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời được thành lập một năm sau, khi chúng tôi ở tại Hà Nội. Trong Chính Phủ Cách Mạng, cụ Ðóa là chủ tịch, cụ Ðôn Hậu và bà Chi được sắp làm cố vấn. Tôi và Tôn Thất Dương Tiềm không được mời tham dư.

Từ năm 1970 chúng tôi đi Trung Quốc, Liên Xô, Ðông Ðức. Riêng tôi có đi Ai Cập. Bà Chi và cụ Ðôn Hậu có đi Mông Cổ. Cụ đi đến đâu dân chúng Mông Cổ quì lạy, xem như vị Phật sống.

Cụ Ðôn Hậu từ Trung Quốc trở về Huế cuối tháng 5, 1975. Huế đã thành lập Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng trước khi Cụ về đến Huế.

43

Trong Hội Trường, Hội Nghị Phật Giáo Á Châu về Hòa Bình tại Mông Cổ năm 1971 (Tiểu Sử, tr. 25)344

Sau khi chúng tôi về Huế, Gs Lê Văn Hảo được mời làm Trưởng Ban Bảo Tồn Bảo Tàng Viện, không được vào dạy trường Ðại Học. Gs Hảo rất buồn. Gs được cấp một cái nhà nhỏ trước Cao Ðẳng Y Học, đường Nguyễn Huệ. Tôi được làm Trưởng Ty Thể Dục Thể Thao. Tôn Thất Dương Tiềm làm Trưởng Phòng Giáo Dục Huế. Cụ Ðóa được cấp một căn nhà trong thành nội số 22 Lê Thánh Tôn, Huế. Nhà này hiện nay đã bán đi rồi. Người con gái của cụ ở Sài Gòn.

Tôi làm Trưởng Ty cho đến năm 1978, làm Ðại Biểu Quốc Hội khóa 6 được vài tháng, đi họp 1 lần rồi bị bắt năm 1978, bị gán tội làm gián điệp, ở tù 8 năm 16 ngày tại trại Bình Ðiền. Tôi làm đơn khiếu nại nhiều lần nhưng không được xét xử. Mới đây tôi cũng làm đơn xin cứu xét lại, nhưng không được hồi âm vì Trung Ương quá bận việc. Ðược xóa án nhưng không được trắng án. Xóa án xem như không có phạm tội.

Cụ Ðôn Hậu và bà Chi được chính phủ trọng nể. Phòng tôi ở gần phòng cụ Ðôn Hậu. Cụ có một người đệ tử tên là Kiến, chừng 30 tuổi, đi theo hầu. Cụ thật sự là một vị chân tu. Tôi chưa thấy một vị sư nào đạo hạnh như Cụ. Có một lần chúng tôi được đưa tới Hắc Hải (Black Sea) bên Liên Bang Soviet để nghỉ mát. Chúng tôi ở trên lầu. Một buổi sáng thức dậy Cụ mở cửa sổ hóng nắng, thấy phụ nữ mặc đồ tắm đi trên bãi biển. Cụ đóng sập cửa sổ lại và từ đó, trong thời gian nghỉ mát ở Liên Xô, cụ không bao giờ mở cửa sổ nhìn xuống bãi biển nữa. Suốt 10 năm sống gần cụ, không thấy cụ dùng rượu, bia hay thịt, cá, ngay cả nước mắm, dầu ở trên chiến khu thiếu thốn đủ mọi thứ.

Mỗi năm vào dịp Lễ Phật Ðản, cụ đọc bài tưởng niệm Ðản Sanh do ông Tôn Thất Dương Tiềm viết. Ông Tiềm có dùng một số từ ngữ mà cụ không đồng ý. Cụ nói thà chết chứ không làm việc trái đạo. Cụ Nguyễn Thúc Tuân nói không nhớ rõ từ ngữ gì.

Khi bà Chi và Cụ Ðôn Hậu qua đời, cụ Tuân nói cụ tránh không đến tham dự tang lễ. Gs Lê Văn Hảo sau khi nghe tin vợ đi lấy chồng khác, ông đã tái giá với một cô giáo người Hà Nội. Lễ tân hôn Gs mời nhiều người Huế tham dự nhưng không ai đến chỉ một mình cụ Tuân đến dự.

Vợ chồng cụ Tuân có 2 người con trai, 1 là liệt sĩ, 1 hiện nay ở Nha Trang và 4 người con gái, 1 người làm bác sĩ cùng chồng cũng làm bác sĩ đang cùng sống với cụ ở Huế, 1 là kỹ sư ở Pleiku, 1 là giáo viên ở Sài Gòn và 1 ở Úc. Mặc dầu 97 tuổi cụ vẫn dạy học, dạy tư, dạy Anh và Pháp văn cho 15 học sinh. Những người học suốt tuần đóng học phí mỗi tháng $150,000 (gần 10 đô la Mỹ)â, học 3 ngày đóng $70,000. Mỗi tháng kiếm được độ chừng $100US.

Theo tin tức chúng tôi thâu lượm được vào đêm mồng một Tết, một trung đội nhưng quân số chỉ vào khoảng 20 người của quân Bắc Việt, nhân danh Mặt Trận Giải Phóng, do Thiếu Úy Nguyễn Văn Khánh chỉ huy, đến chùa Linh Mụ mời Hòa Thượng Ðôn Hậu đi họp. Hòa Thượng không được khỏe. Hai người lính gánh Hòa Thượng lên núi qua ngả Hương Trà. Sau một ngày đường đến địa đạo Khê Trai, Thiếu Úy Khánh giao Hòa Thượng cho Thành Ủy Huế. Hai tháng sau Hòa Thượng cùng những vị khác như bà Tuần Chi, Gs Hảo được mời ra Bắc.

Về bài “Ba Lần Ðược Gặp Cụ Hồ” ký tên Thích Ðôn Hậu.

Ngày 31 tháng 3, 2009, 10 sáng tại chùa Linh Mụ

Chúng tôi có nhận được một tài liệu, trong đó có bài viết nhan đề là Ba Lần Ðược Gặp Cụ Hồ đăng trong tập Bác Hồ Trong Lòng Dân Huế. Ngày 31 tháng 3, 2009, lúc 10 giờ sáng tôi mang tài liệu này lên chùa Linh Mụ hỏi quí Thầy để xác định xem có phải do Hòa Thượng Ðôn Hậu viết hay không. Tôi gặp thầy Hải Bình (thầy Trí Tựu đi vắng) thầy xem xong nói: Tất cả anh em chúng tôi trong chùa có đọc tài liệu này, chúng tôi biết bài ấy không do Ôn viết, cách diễn đạt cũng như nội dung không phải của Ôn. Ðiều này có thể hỏi ý kiến của thầy Trí Thành hiện ở Canada hay Trí Lực hiện ở Thụy Ðiển. Ba anh em chúng tôi (Hải Bình, Trí Tựu, Hải Tạng) đều nhất trí không phải văn phong của Ôn.

Thầy Hải Bình nói những người CS bình luận về Ôn nói Ôn không phải là CS, vì CS không làm sao có hai lỗ tai giống như lỗ tai Phật của Ôn. Nên liên hệ với các thầy Hải Chánh v.v... hiện nay ở Mỹ để biết thêm cung cách hành xử của Ôn vào những năm sau 1968.

Sau khi nói chuyện xong với thầy Hải Bình tôi đến gặp cụ Nguyễn Thúc Tuân tại 18/15 Lê Thánh Tôn, Huế trong Thành Nội. Cụ đang dạy học nhưng vẫn vui vẻ tiếp. Tôi chỉ xin cụ nửa giờ. Tôi đưa bài Ba Lần Gặp Ðược Cụ Hồ có chữ ký của Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu đăng trong tập Bác Hồ Trong Lòng Dân Huế xuất bản năm 1990 và nói với cụ: Cụ suốt 10 năm sống gần Hòa Thượng Ðôn Hậu, cụ biết rõ phong thái, tác phong, ngôn từ... của Hòa Thượng. Cụ đọc bài này và cho

44

Thầy Hải Bình ở chùa Linh Mụ

tôi biết ý kiến của cụ. Bài dài 91/2 trang giấy. Cụ chăm chỉ đọc. Sau hơn nửa giờ cụ nói: Những dữ kiện đề cập trong bài không đầy đủ chi tiết. Thí dụ trong chuyến thăm viếng Bác lần thứ ba, Bác ôm quả dưa hấu đồng bào dọc sông Hồng trồng vừa đem tặng Bác và Bác nói muốn tặng cụ Ðôn Hậu, tặng phái đoàn để cùng san sẻ. Bà Chi tặng Bác không chỉ mứt gừng mà còn mứt cam quật do chính tay bà làm. Phái đoàn bất ngờ được dẫn đến thăm Bác. Cụ Ðôn Hậu là người rất bình tĩnh, ăn nói chững chạc, chừng mực, không đại ngôn, không dùng từ ngữ chính trị, tác phong đứng đắn của một nhà tu. Còn Bác Hồ luôn luôn thân tình. Giọng Bác ấm áp, lời nói giản dị, ít khi nói chính trị. Tác phong bình dị, dễ mến, dễ truyền cảm.

Về quí thầy và chùa Linh Mụ sau khi Hòa Thượng Ðôn Hậu ra Bắc. Dì Cân (Diệp Bích Thủy) kể ngày 10-4-2009, 8:30pm.

Dì Cân gọi Ôn Linh Mụ bằng bác ruột, hay về thăm chùa Linh Mụ sau khi Ôn lên chiến khu. Dì kể: Một hôm vào năm 1972-73 tôi về chùa gặp Thầy Sự (Thầy Trí Lưu, thân sinh của thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát), tôi thấy thầy mở đài BBC nghe tin tức xem Ôn có nói gì trên đài không. Thầy Sự thương Ôn, nhớ Ôn lắm, muốn nghe tin tức về Ôn. Lúc bấy giờ có Ô. Lê Văn Cư, pháp danh Tâm Cát, là một mật vụ, thường lui tới chùa nghe ngóng tin tức. Một hôm Thầy Sự cùng dì Cân nghe đài BBC bị ông Cư biết được. Sáng sớm ông đến chùa nói với Thầy Sự là Ôn Linh Mụ ở Bắc vừa vào, bị pháo kích, tay bị thương cần thuốc men và vải, yêu cầu thầy sự gửi thuốc, vàng (chứ không phải tiền) và một xấp vải nâu 20m. Thầy Sự cả tin, gửi thuốc trị giá $200,000, 2 cây vàng, một lon gigo muối mè, 1 lon gigo thuốc tễ, 1 xấp vải nâu 20m.

Sau năm 1975 Ôn về chùa. Thầy Sự hỏi thăm Ôn về vụ Ôn bị thương v.v... mới biết là ông Cư lường gạt, vì từ năm 1968 đến năm 1975 Ôn đâu có về Huế, làm gì có chuyện bị thương. Ba mẹ của ông Cư rất ân hận có đứa con lường gạt chùa. Ôn dạy đừng bận tâm, có khi vì thiếu thốn mà làm càng. Nên tha thứ dừng nói đi nói lại.

O Sỏ, mẹ của thầy Trí Tựu kêu Thầy Sự bằng chú. O Sỏ ở trong chùa giúp việc. Sau 1975 O Sỏ đến nhà ông Cư hỏi thăm sự việc để rõ thêm về sự lường gạt của ông Cư. Ôn nói O Sỏ đừng hỏi nữa, làm phiền lòng nhà người ta.

Ngày thứ năm ông Cư lên chùa Linh Mụ nói với Thầy Sự ông muốn gặp dì Cân để đưa mật khẩu đi lên Văn Xá gặp Ôn. Dì Cân nghe vậy tự cảnh giác. Làm sao ông Cư biết dì Cân nghe BBC với Thầy Sự? Ông Cư, theo lời Thầy Sự là đệ tử của Ôn Linh Mụ, rất thân chùa, có đường giây có thể giúp đỡ Thầy Sự và dì Cân gặp Ôn. Ông Cư muốn gặp dì Cân để đưa mật khẩu, hẹn 8 giờ sáng thứ Bảy gặp.

Dì Cân nói với Thầy Sự dì đồng ý sáng thứ 7 lúc 8 giờ gặp ông Cư tại trường Văn Xá. Dì Cân còn thưa với Thầy Sự là khi ông Cư lên chùa, thầy nên gọi O Sỏ bưng nước lên để nhận định về ông Cư. O Sỏ cho biết ông Cư không thể tin cậy được. Sáng thứ 6 dì Cân đi qua cửa Thượng Tứ thấy ông Cư, đáng lẽ phải đi dạy học (theo lời ông nói là làm nghề thầy giáo), lại thấy đi nghênh ngang giữa đường, ăn mặc chỉnh tề, quần xanh áo chemise trắng, đeo kính đen. Trưa thứ 6 dì Cân thưa vói Thầy Sự nếu ông Cư có liên lạc cho ông ấy biết dì đã đi vào Nha Trang có việc gấp nên không gặp được. Ông Cư cung cấp cho Thày Sự giấy biên nhận thuốc, đồ ăn, vải và vàng.

Dì Cân kể tiếp vào khoảng năm 1978-79, một hôm Bác sĩ Bách, người có bổn phận săn sóc sức khỏe cho Ôn, đến thăm Ôn. Ôn cho chế trà Ô Long do anh Trần Tường Châu gửi cúng. Ôn mời bác sĩ uống trà. Bác sĩ cầm tay Ôn hôn, vừa tỏ vẻ cung kính, vừa tỏ vẻ thân tình, mến chuộng. Bác sĩ nói Bác sĩ thực sự mến Ôn, trọng Ôn lắm.

Năm 1988 sau hai tháng á khẩu, nhờ dì Cân đấm bóp mà Ôn lành lại. Số là sau khi dì Cân nằm mộng thấy 2 bác sĩ, một người đứng trước, một người đứng sau nói với dì Cân dì bị gió cần phải massage. Dì xem giấc mộng ấy như lời nhắn nhủ nên đã liên tục làm massage cho Ôn, nhờ vậy Ôn bình phục lại, nói được và sống thêm được 4 năm nữa cho đến khi Ôn viên tịch năm 1992.

*

* *

Tết Mậu Thân trôi qua. Hoa Kỳ và Bắc Việt vào bàn hội nghị. Chính phủ Nguyễn văn Thiệu - Nguyễn cao Kỳ có sáng kiến gì cho hòa bình Việt Nam, có phương thức gì để đối phó với tình hình mới? Trong chuyến viếng thăm Washington ngày 24-22-1970, Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ cho biết ông và ông Thiệu chưa có kết luận nào về sáng kiến hòa bình. Các nhà lãnh đạo Việt Nam, Tổng Thống và Phó Tổng Thống Việt Nam trong khi thế giới đang bạn rộn tìm giải pháp hòa bình cho Việt Nam, thì quí vị ấy vẫn chưa có ý kiến gì.

Tại Hội Nghị Midway, Hoa Kỳ đề nghị chính phủ Việt Nam nên tạo điều kiện thuận lợi cho người quốc gia ngồi chung lại với nhau để giải quyết vấn đề Việt Nam. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tổ chức cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 3-10-1971 mà chỉ có liên danh của ông, liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương có thể ra tranh cử, gọi là cuộc bầu cử độc diễn. Nguyễn cao Kỳ bị loại. Nguyễn văn Thiệu làm Tổng Thống Nhiệm Kỳ Hai của nền Ðệ Nhị Cọng Hòa.

Tại Việt Nam, Cọng quân mở chiến dịch tổng công kích vào dịp Tết Mậu Thân. Trong khi tại hai nước làng giềng Lào Mên tình hình như thế nào?

Từ tháng 4 năm 1963 đến tháng 2 năm 1973, trong thời gian 10 năm này Lào đã trải qua một thời kỳ rắc rối chưa từng thấy trong lịch sử Lào: đảo chánh, chống đảo chánh, điều đình, thỏa ước, rồi vi phạm thỏa ước, lại đi đến điều đình. Những gì xảy ra tại Lào liên quan đến Việt Nam. Hoa Kỳ không những cung cấp tiền bạc và khí giới cho phe mình, cho phe hoàng gia mà còn bắt đầu từ tháng 5, 1964 thả bom xuống những mục tiêu Pathet Lao trong khi Bắc Việt điều khiển chiến tranh cách mạng nhân dân.

Máy bay Hoa Kỳ từ Thái Lan hàng ngày hàng trăm lần thả bom xuống Cánh Ðồng Chum, vùng oanh kích tự do sau khi USAID và Vang Pao đã di tản 15,000 dân đi nơi khác tị nạn.

Chiến tranh lan rộng xuống miền nam. Hoàng thân Sihanouk của Cao Mên bị lật đổ vào tháng 3, 1970. Ðường tiếp tế của Bắc Việt qua hải cảng Kompong Som bị cắt đứt. Ðường tiếp tế mà Sihanouk giả làm ngơ để tránh cho Cao Mên khỏi vướng vào vòng chiến Việt Nam. Con đường tiếp vận hàng hải bị cắt đứt, con Ðường Mòn Hồ Chí Minh tại Nam Lào trở thành con đường huyết mạch, vì vậy Bắc Việt tăng gia áp lực quân sự tại Attapu vào tháng 4 và tại Saravan vào tháng 6. Ðến giữa tháng 6 năm 1971 quân Bắc Việt kiểm soát Cao Nguyên Boloven gần thủ phủ Paksé.

Tháng 2 năm 1971 sau vụ đàn áp phong trào đòi chính phủ dân sự, bầu cử Quốc Hội Lập Hiến tại Việt Nam, sau khi đã sắp đặt guồng máy quân sự bằng Nội Các Chiến Tranh, chính quyền Nam Việt Nam, được sự yểm trợ của không quân Hoa Kỳ tung ra chiến dịch Lam Sơn, đưa quân tiến vào Lào nhằm cắt đứt Ðường Mòn Hồ Chí Minh, nhưng thất bại.

Tại Cao Mên không muốn bị cuốn vào quĩ đạo chiến tranh Việt Nam, Sihanouk chủ trương trung lập. Tháng 11, 1966 sau cuộc bầu cử Quốc Hội, phe bảo thủ thắng thế, Lon Nol, Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Cao Mên được bầu làm Thủ Tướng. Tháng 4 năm 1967 dân chúng vùng Samhut tây bắc Cao Mên đứng lên chống Lon Nol bị đàn áp nặng nề. Một số trí thức và thành phần chống đối chạy lên chiến khu (cảnh tượng giống Việt Nam vào thời kỳ 1966-1967 khi đại tá Loan ra trấn áp Ðà Nẵng, Huế). Trong vụ Tết Mậu Thân quân cọng sản sau khi bị quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cọng Hòa phản công, một số đã rút sang Cao Mên. Vào tháng 3 năm 1969, Không quân Hoa Kỳ ném bom xuống các vị trí quân sự VC tại Cao Mên. Tháng 1, 1970 Sihanouk công du Pháp. Tại Nam Vang Lon Nol vận động Quốc Hội bỏ phiếu bất tín nhiệm Sihanouk. Trước khi rời Mạc Tư Khoa đến Bắc Kinh, Sihanouk được báo tin này ngày 18-3-1970. Ngày 20-3-1970 quân đội VNCH và Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ phối hợp với quân đội của Lon Nol tấn công các vị trí quân sự của VC tại Cao Mên. Từ tháng 4 đến tháng 6 Liên Quân Việt Mỹ xâm nhập đông Cao Mên. Trước đó hàng loạt máy bay B-52 thả hàng trăm tấn bom xuống vùng tình nghi có VC. Cuộc hành quân không mang lại kết quả mong muốn. Dân chúng Cao Mên tổ chức biểu tình ủng hộ Sihanouk, chống Lon Nol bị đàn áp nặng nề.

Ba chính phủ Việt, Lào, Mên đều sử dụng biện pháp mạnh đối với dân chúng khi dân chúng không ủng hộ đường lối của mình. Họ đã thành công. Súng đạn làm tắt đi mọi chống đối, nghiền nát mọi ước vọng, chừa lại cho họ những cái xác không hồn để rồi chỉ cần một cơn gió thoảng thì những cái xác ấy ngã xuống và điều đó đã xảy ra năm 1975 trong ba nước Mên, Việt, Lào.

Năm 1971, 1972 hàng trăm cán bộ cọng sản Cao Mên từ Hà Nội đến Cao Mên giúp cách mạng trong nhiệm vụ cứu quốc. Một số đã đến Việt Nam tị nạn từ năm 1954. Ða số trong thành phần này bị Saloth Sar (Pol Pot) thanh lọc một cách bí mật vào năm 1972-1973 khi quân Bắc Việt theo Hiệp Ðịnh Ngưng Chiến ký kết giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt, phải rút quân ra khỏi Cao Mên. Pol Pot được Trung Cọng yểm trợ, không mấy thiện cảm với Hà Nội. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam có nhiều thành phần thân Trung Cọng. Miền Nam Việt Nam có thể trở thành đất dụng võ của ba lực lượng quốc gia, Mặt Trận thân trung lập và Bắc Việt chủ trương thống nhất đất nước theo chủ nghĩa xã hội.

Ngày 1-5-1972 Quảng Trị bị VC chiếm, Huế, Kumtum bị đe dọa, An Lộc bị bao vây. Mùa Hè đỏ lửa. Một tuần lễ sau, hải quân Hoa Kỳ phong tỏa Hải Phòng và các hải cảng Bắc Việt.

Ngày 27-1-1973 Hiệp Ðịnh Paris được Hoa Kỳ, VNCH, Bắc Việt, Mặt Trận Giải Phóng ký. Ngày 4-4-1973 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gặp Tổng Thống Nixon ở San Clemente, California. Trên đường về Việt Nam, Tổng Thống Thiệu ghé La Mã yết kiến đức Giáo Hoàng, nơi bào huynh của Tổng Thống làm đại sứ.

Ngày 10-3-1975 Cọng quân bắt đầu tấn công Ban Me Thuột.

Ngày 14-4 Quốc Hội Hoa Kỳ cắt viện trợ dành cho Việt Nam Cọng Hòa.

Ngày 21-4 Tổng Thống Thiệu từ chức, Phó Tổng Thống Hương lên thay thế.

Ngày 28-4 Tổng Thống Hương từ chức, đại tướng Dương Văn Minh lên thay.

Ngày 30-4-1975 Quân cọng sản chiếm Dinh Ðộc Lập, Tổng Thống Minh đầu hàng.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngày 21-4-1975, dẫn gia đình bay sang Ðài Loan, nơi bào huynh của Tổng Thống làm đại sứ, rồi từ đó qua Anh Quốc tị nạn một thời gian trước khi đến Hoa Kỳ. Chín ngày sau khi TT Nguyễn Văn Thiệu rời Việt Nam thì TT Nguyễn Cao Kỳ cũng bỏ nước ra đi. Hai ông tướng lãnh đạo Việt Nam, đã xây dựng cơ đồ bằng cách dẹp trừ những phần tử không đồng quan điểm với mình, đưa họ vào tù, đày ra Côn Ðảo, bắt nhập ngũ hay đẩy họ lên núi theo cọng sản, giờ đây đồng minh của họ là TT Lol Nol của Cao Mên trong kế hoạch quân sự hóa của Hoa Kỳ, đã đàn áp dân chúng xứ chùa Tháp, bắt họ bỏ tù, đẩy họ lên núi theo Khmer Ðỏ, cũng bỏ nước ra đi đến Hawaii tị nạn ngày 1-4-1975 khi quân Khmer Ðỏ tiến chiếm Nam Vang.

Sau 30 năm chiến tranh, Việt Nam dưới thời Bảo Ðại, được Pháp bảo trợ. Miền Nam Việt Nam, dưới thời Ðệ Nhất Cọng Hòa, Ðệ Nhị Cọng Hòa, được Hoa Kỳ hết lòng giúp đỡ, cuối cùng rơi vào tay Cọng sản. Có người cho vì chính quyền Ngô Ðình Diệm bị lật đổ năm 1963, trong khi ai cũng thấy rõ tình hình quân sự và chính trị trước 1963 đã hết sức tồi tệ. Có người cho vì Phật Giáo sau 1963 hay lên đường xuống đường, trong khi Công Giáo không những biểu tình (ngày 16-8-1964, 1-1-1965, 27-5-165, 7-6-1975...) mà còn chiếm cả dinh Gia Long và làm những vụ đảo chính ngày 13-9-1965, 19-2-1965, 20-5-1965... Có người cho vì Phật Giáo chủ trương hòa bình, hòa hợp hòa giải, đâm sau lưng chiến sĩ, trong khi đức Giáo Hoàng Paul VI kêu gọi ngưng chiến tại Việt Nam ngày 11-2-1965, tổ chức thánh lễ cầu nguyện hòa bình thế giới ngày 19-9-1965, đến New York kêu gọi hòa bình tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 3-10-1965...

Cọng sản toàn thắng tại Việt Nam thật ra vì ba nguyên nhân chính:

1/ Vì chính sách của Pháp mà về sau Mỹ cũng rập theo. Khác với đế quốc Anh khi rời bỏ các nước thuộc địa, trao trả chủ quyền cho những người trước đây chống lại họ, bị họ bỏ tù như Nerhu của Ấn Ðộ, U Nu của Miến Ðiện... trong khi Pháp chỉ giao quyền lại cho những người trước đây hợp tác với họ, mà đối với đại đa số dân chúng Việt Nam chỉ là những kẻ tay sai của Pháp, nên không được dân tín nhiệm.

2/ Khi ông Ngô Ðình Diệm lên cầm quyền, ông chỉ dùng người Bắc, người Trung, tín đồ Thiên Chúa Giáo. Ông loại trừ, tiêu diệt Bình Xuyên, Cao Ðài, Hòa Hảo, rồi Phật Giáo. Cứ tưởng tượng trong một gia đình, nếu cha mẹ chỉ thương một người con, dành mọi thứ cho người con ấy, hỏi gia đình đó có vui vẻ, thịnh vượng, hạnh phúc hay không? Thử tưởng tượng nếu có chính quyền nào bắt bớ, giam cầm, tra tấn một vài vị linh mục, Giáo Hội và tín đồ Thiên Chúa Giáo sẽ phản ứng như thế nào? Chính quyền Ngô Ðình Diệm không những bắt bớ, giam cầm, tra khảo một vài tăng ni mà trên 1,400 vị trên khắp nước Việt Nam Cọng Hòa, gồm cả vị lãnh đạo là Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết đêm 21-8-1963. Ông Ngô Ðình Diệm muốn theo gương Hồng Tú Toàn, muốn biến nước Việt Nam thành một Thái Bình Thiên Quốc, nên đã đem lại hậu quả không khác Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch tại Trung Quốc, Lý Thừa Vãng tại Ðại Hàn.

3/ Hoa Kỳ tin tưởng vào sức mạnh vũ khí của mình trong một cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh toàn diện, chứ không phải chỉ thuần túy quân sự. Chính sách body count không giải đáp thích đáng cho Việt Nam.

Với quyền hành hầu như tuyệt đối không những trong lãnh vực Hành Pháp mà cả Lập Pháp và Tư Pháp. Với sự giúp đỡ tận tình của một cường quốc bậc nhất thế giới, hai vị Tổng Thống Thiên Chúa Giáo trong hai nền Cọng Hòa 18 năm trong đời sống chính trị 20 năm của Miền Nam Việt Nam, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã loại trù được những đoàn thể quần chúng, tôn giáo ngoài Thiên Chúa Giáo tại Miền Trung, kết quả là ngày 30-4-1975.

Nghĩ lại mà thấy đau lòng. Bao nhiêu xương máu, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, để rồi phải hứng chịu bao nhiêu tủi hờn, thù hận, oan khiên, từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Nguyễn Phúc Sông Hương với những vần thơ xé tim gan, sau mười năm tù tội, trở về Xuân Lộc thăm chiến trường xưa:

Dạ thưa, con là người năm cũ

Trở về Xuân Lộc kiếm tìm thăm...

Dạ thưa, mười năm con nghe rõ

Mười năm tiếng gọi xé con tim!

Chao ơi giữa trời long đất lở

Tôi bỏ mà đi với nửa hồn...

Em ơi, anh là người năm cũ

Ðến đây phủ ấm chỗ em nằm...

Và bên kia chiến tuyến, người chiến sĩ Miền Bắc, sau nhiều năm trở về trận địa cũ thăm người đồng đội nằm dưới lòng đất. Phan Ðình Lân trong bài Tấc Ðất Cổ Thành, diễn đạt tâm trạng mình:

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời cũng từ trong xanh và lộng gió

Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây

Thắp một nén nhang và khóc ít thôi

Tôi thầm nhủ lòng mình như vậy

Ðể một phút lắng lòng nghe bạn gọi...

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió

Ru mãi bài ca Bất Tử đến vô cùng...


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]