Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Thiền Tôn

24/12/201018:23(Xem: 8726)
10. Thiền Tôn

THIỀN TÔN

I.- DUYÊN KHỞI LẬP TÔN

Khi Phật ở hội Linh Sơn cầm nhánh hoa khai thị cho trong chúng, cả chúng đều im lặng, chỉ có ngài Ca Diếp tôn giả nở nụ cười bí mật. Phật liền dạy rằng : “Ta có chánh pháp nhẫn tạng, Niết-bàn, diệu tâm phú chúc cho người Ma-ha Ca Diếp”. Chuyện này thấy ở trong kinh Phạm thiên vấn Phật quyết nghi. Ấy là nguồn gốc phát khởi của Thiền tôn. Trong truyện Phú Pháp tạng nhơn duyên nói rằng : Ngài Ca Diếp truyều lại cho ngài A-nan làm vị tổ thứ hai, rồi lần hồi truyền đến ngài Mã Minh là vị tổ thứ 12, ngài Long Thọ là vị tổ thứ 14, ngài Đạt-ma là vị tổ thứ 28 - Về triều vua Võ Đế đời Lương, ngài Đạt-ma từ Tây Trúc qua Trung Hoa truyền pháp, ấy là vị tổ đầu tiên về Thiền tôn ở Trung Hoa. Ngài Huệ Khả kế thừa làm vị Tổ thứ hai, ngài Tăng Xán là vị tổ thứ ba, ngài Đạo Tín là vị tổ thứ tư, ngài Hoằng Nhẫn là vị tổ thứ năm, ngài Huệ Năng là vị tổ thứ sáu.

II. NAM ĐỐN VÀ BẮC TIỆM

Ngài Ngũ tổ - Hoằng Nhẫn - ở tại núi Đông sơn huyện Huỳnh Mai, một hôm ngài khiến các đệ tử mỗi người làm một bài kệ, trong ấy có bậc Thượng tọa là ngài Thần Tú đề bài kệ nơi vách rằng : “Thân như cây Bồ-đê, tâm giống đài gương sáng, thường phải lau chùi mãi, chớ để nhuốm trần ai !”

Ngài Huệ Năng nghe bài kệ ấy, cũng làm một bài rằng : “Bồ-đề vốn không cây, gương sáng đâu phải đài, xưa nay không một vật, trần ai nhuốm chỗ nào ?”

Ngài Ngũ tổ bèn truyền pháp cho ngài Huê Năng, khiến đi qua phía Nam; từ đó về sau ngài Huệ Năng truyền pháp ở phương Nam, gọi là Nam đốn, ngài Thần Tú truyền pháp ở phía Bắc gọi là Bắc tiệm. Nam tôn chủ về đốn ngộ; Bắc tốn chủ về tiệm tu, cho nên gọi là Nam đốn Bắc tiệm.

III.- NĂM NHÀ VÀ HAI PHÁI

Học trò của ngài Lục tổ, người được truyền pháp rất nhiều, nhưng có tiếng hơn hết là ngài Hoài Nhượng ở Nam Nhạc, ngài Hành Tư ở Thanh Nguyên. Học trò ngài Nam Nhạc chia ra làm tôn Lâm Tế và tôn Qui Ngưỡng. Học trò ngài Thanh Nguyên chia lam tôn Tào Động, tôn Vân Môn và tôn Pháp Nhãn; ấy là năm nhà. Về tôn Lâm Tế lại chia ra làm hai phái, là Dương kỵ và Huỳnh long. Từ đờI Tống về sau, tôn Lâm Tế rất thạnh hạnh, ngày hay Thiền tôn về Nam Bắc các đại tòng lâm, đều là con cháu tôn Lâm Tế cả.

IV.- TÔN LÂM TẾ

Ngài Hoài Nhượng Thiền sư ở tại chùa Bát-nhã núi Hoành Nhạc, học tro ngài có ngài Đạo Nhất Thiền sư họ Mã, tục gọi là Mã tổ; ngài Mã tổ truyền cho ngài Bách Trượng, ngài Bách Trượng truyền cho ngài Huỳnh Nghiệt, ngài Huỳnh Nghiệt truyền cho ngài Lâm Tế nghĩa huyền Thiền sư ; ấy là về tôn Lâm Tế. Ngài Lâm Tế hỏi ngài Huỳnh Nghiệt : Sao gọi là đại ý Phật pháp ? Ngài Huỳnh Nghiệt liền đánh một cái; như vậy, ba lần hỏi đều bị ba lần đánh; sau đến tham học với ngài Đại Ngu mới ngộ được cái tôn chỉ của ngài Huỳnh Nghiệt, rồi trở về với ngài. Căn cơ của ngài rất lanh lợi, hễ ngài Huỳnh Nghiệt đánh, thời ngài hét lên; về sau ngài tiếp người dùng bằng thiết bảng đánh và hét tiếng, ngài nói : “Có khi một tiếng hét như cái bửu kiếm kim cương vương, có khi một tiếng hét như Sư tử giẫm chân, có khi một tiếng hét như huơ cây nơi bóng cỏ, có khi một tiếng hét không khởi dụng của tiếng hét”, nên người đời gọi là Lâm Tế tứ yết. Ngài lại nói : “Ta có khi đoạt nhơn mà không đoạt cảnh có khi đoạt cảnh mà không đoạt nhơn, có khi nhơn và cảnh đều không đoạt”[1], kẻ hậu học gọi là tứ liệu giản. Tôn Lâm Tế truyền đến đời Tống, học trò ngài Thạch Sương sở viên lại chía ra làm Huỳnh Long Huệ nam và Dương Kỵ phương hội, hai phái đương thời ấy pháp hội của phái Huỳnh Long rất thạnh, người ta nói không kém gì đời ngài Mã Tổ ngài Bách Trượng; phái Dương kỵ thời từ đời Tống, đời Minh cho đến đời Thanh pháp lưu khắp diễu cùng cả Nam Bắc.

V.- TÔN QUI NGƯỠNG

Ngài Bách Trượng truyền cho ngài Linh Hiệu Thiền sư ở tại núi Qui sơn đất Đàm Châu; ở tại Ngưỡng sơn đất Viên Châu; ấy là về tôn Qui ngưỡng. Ngài Ngưỡng Sơn ở nơi xứ Đàm Nguyên lãnh thọ 97 viên tướng, sau ở nơi Qui sơn, nhơn tướng tròn (O) mà đốn ngộ, bèn nói rằng : “Ta nơi xứ Đàm Nguyên được cái thể, ở nơi núi Qui sơn thời được cái dụng”. Mỗi khi khách chủ ứng đáp, hoặc họa tướng trâu, hoặc họa tướng Phật, hoặc họa tướng người hoặc họa tướng chữ vạn cơ cơ bí mật, nghĩa rộng lớn mầu nhiệm món món biến hiệu người không thể lường được.

VI.- TÔN TÀO ĐỒNG

Ngài Hy Thiên Thiền sư đắc pháp với ngài Thanh Nguyên; ở núi Hoành sơn có viên đá hình như cái đài, ngài Hy Thiên làm am trên đá ấy đương thơi người ta gọi là Thạch Đầu Hòa thượng. Ngài Thạch Đầu truyền cho ngài Dược Sơn, ngài Dược Sơn truyền cho ngài Vân Nham, ngài Vân Nham truyền cho ngài Lương Giới Thiền sư ở tại núi Đông Sơn đất Thoại Châu, ngài Đông Sơn lại truyền cho ngài Bổn Tịch Thiền sư ở núi Tào Sơn đất Vu châu; ấy là về tôn Tào Động, ngài Vân Nham thành Thiền sư dùng phép tam muội bửu cảnh trao cho ngài Đông Sơn, ngài Đông Sơn trao cho ngài Tào Sơn, đều là sau khi đã ngộ đạo, dùng pháp ấy mà ấn chứng tự tâm, bí mật truyền cho nhau không cho người biết, sau bị người nghe trộm khi ấy mới đem truyền bá ở đời. Ngài Đông Sơn lập ra năm vị quân thần để làm tôn yếu, lại làm năm bài tụng để tỏ bày ý thú. Năm vị là: Chánh Trung thiên, Thiên trung chánh, Chánh trung lai, Thiên trung chí, Kiêm trung đáo.

1.- Chánh trung thiên: Thật tướng của vũ trụ là chơn thật, trung chánh, ra ngoài chấp có chấp không, chúng sinh đối với thật tướng ấy, mê lầm không nhận rõ, khởi ra bao nhiều là thiên chấp; thế là ở trong chánh lý trung đạo, mà sanh lònh chấp trước, nên gọi là Chánh trung thiên.

2.- Thiên trung chánh : Như trên đã nói, thật tướng ra ngoài chấp có chấp không, nhưng vì chúng sinh mê lầm không nhận rõ, sanh ra các điều thiên chấp; bây giờ bậc này nhơn dùng công tu hành, quán lý, chỉnh nơi thiên chấp của chúng sinh đó, đem một phần trí huệ nhận rõ lý trung chánh nên gọi là Thiên trung chánh.

3.- Chánh trung lai : Do bậc trên mà tu hành tới, khi tâm mình được hoàn toàn an trú trong lý trung đạo, nên gọi là chánh trung lai.

4.- Thiên trung chí : Tuy tâm mình đã an trú trong lý trung đạo, nhưng xét ra, nghĩa là nói cao lên một tầng nữa, thì cũng còn lý trung đạo cho mình an trú, thế cũng là còn thiên về chơn lý, nên gọi là Thiên trung chí.

5.- Kiêm trung đáo : Đến bậc này mới thiệt là viên mãn cứu kính, thường thường an trú trong lý trung đạo, mà không có tướng an trú, cũng không lý trung đạo để an trú, trí huệ đầy đủ, viên dung chơn, tục, nên gọi là Kiêm trung đáo.

VII.- TÔN VÂN MÔN

Ngài Thạch Đầu truyền cho ngài Thiên Hoàng, ngài Thiên Hoàng truyền cho ngài Long Đàm, ngài Long Đàm truyền cho ngài Đức Sơn, ngài Đức Sơn truyền cho ngài Tuyết Phong, ngài Tuyết Phong truyền cho ngài Văn Yến Thiền sư ở đất Thiều Châu Vân Môn; ấy là Tôn Vân Môn. Hễ ngài gặp ông thầy nào đến tham học, thời chỉ ngó mà nói rằng ‘dám’, nếu ông thầy ấy còn ngần ngại, thời ngài nói rằng ‘đi’, học trò ngài chép lại là ‘cố dám đi’. Ngài nhơn người học đến hỏi thường dùng một chữ mà đáp cho nên người ta gọi là ‘nhất tự quán’[2], ít người được biết cái ý thú ấy.

VIII.- TÔN PHÁP NHÃN

Ngài Tuyết Phong truyền lại cho ngài Huyền Sa, ngài Huyền Sa truyền cho ngài La Hán, ngài La Hán truyền cho ngài Văn Ích Thiền sư ở đất Kim Lãng viện Thanh Lương; sau khi viên tịch pháp thụy là Đại Pháp Nhãn Thiền sư; ấy là Tôn Pháp Nhãn. Ngài thường dùng cái nghĩa sáu tướng nơi tôn Hoa Nghiêm mà khai thị cho người học, ý nghĩa nói rằng chơn như nhất tâm là tổng tướng, sanh ra các duyên là biệt tướng, pháp pháp đều như nhau là đồng tướng,tùy theo mỗi mỗi tướng không bình đẳng là dị tướng, dựng lập ra cảnh giới là Thành tướng, vị trí không động là hoại tướng. Và nói ba cõi chỉ một tâm, muôn pháp đều duy thức, để dung thông tôn giáo.

IX.- THIỀN

Thiền, nói đủ theo tiếng Phạn là Thiền-na (Dhyàna), dịch nghĩa là tịnh lực (yên lặng các tư lự), hay là tư duy tu (lối tu về suy xét), cũng dịch là thiền định. Ngài Tôn Mật Thiền sư nói rằng : “Người học Tam thừa giáo, muốn cầu thánh đạo, tất phải tu Thiền. Chơn tánh thời không dơ không sạch, phàm phu và bậc thánh không khác, nhưng thiền định thời có cạn có sâu, tầng bậc khác nhau, như người chấp trước tà kiến sai lầm, ưa cõi trên chán cõi dưới mà tu là về ngoại đạo thiền ; những người chánh tín nhơn quả, nhưng cũng dùng sự ưa chán mà tu là phàm phu thiền; những người biết rõ lý ngã không thiên chơn mà tu là Tiểu thừa thiền ; biết ngã pháp hai không, tổ bày chơn lý mà tu là Đại thừa thiền ; còn như những người đốn ngộ tự tâm, xưa nay vốn thanh định, không có phiền não, trí tánh vô lậu, vẫn tự đầy đủ, tâm ấy tức Phật, rốt ráo không khác, y theo đó mà tu là bậc tối thượng thiền, cũng gọi là nhất hạnh tam muội hay là chơn như tam muội”. Pháp thiền này là cái cội gốc cho hết thảy tam muội khác, từ tôn môn của ngài Đạt-ma sắp xuống, lần lữa truyền cho nhau là lối tu thiền ấy. Khi ngài Đạt-ma chưa qua Trung Hoa, xưa nay các nhà chủ giải đều là thiền định, chỉ pháp thiền của ngài Đạt-ma truyền qua, chỗ đốn ngộ đồng thể Phật, khác hẳn với tôn khác.

X.- GIÁO VÀ THIỀN

Tôn này gọi rằng từ khi ngài Đạt-ma ở Tây Trúc sang Trung Hoa, riêng truyền pháp tâm ấn, chỉ mở đường mê, không lập văn tự, chỉ ngay tâm người, thấy tánh thành Phật, cho nên gọi tam tạng kinh và những tôn phái y cứ theo kinh điển mà lập ra là giáo; không lập văn tụ, ngoài giáo lý mà có pháp truyền riêng, gọi là thiền, cũng gọi là tôn; ấy là chỗ khác nhau của giáo và thuyền. Phàm nói là tôn môn hay tôn hạ, là chỉ về thiền tôn mà nói.

XI.- THAM THIỀN

Rõ thấu tâm tánh gọi là ngộ đạo; người chưa ngộ đạo thời phải nương theo minh sư mà tham cứu tu trì, gọi là tham thiền. Phép tham thiền có chỗ dạy tham thoại đầu, giữ định một câu thoại đầu, như câu : “Muôn pháp đều về một, một ấy về chỗ nào ?” Không luận đi đứng nằm ngồi, đều nêu câu thoại đầy ấy, thiết thực tham cứu, lâu lâu tự hay khai ngộ.

Cuối đời Thanh trong tập biệt truyện của ngài Tư Phong có nói rằng: “Tham thoại đầu có phép, không thể không biết, sao gọi là phép ?” - Một niệm chơn nghi, không xen bỏ vậy. Sao gọi là niệm chơn nghi ?

Như ngài Tuyết Nham nói rằng : “Gồm cả 360 lóng xương, 84.000 lổ lông, đều làm chữ ‘vô’ của ngài Triệu Châu mỗi khi nêu lên, như vòng sắt nóng, một khói lửa hừng, không có cái tướng hôn trầm tán loạn”.

Lại như ngài Cao Phong nói rằng : “Muôn phép đều về một, một ấy về chỗ nào ?”

Hết thảy muôn phép trong thế gian đều qui về một, rốt cục qui về chỗ nào ? Phải quyết định suy xét cho rõ ràng, ấy gọi là một niệm chơn nghi vậy. Nếu người nói chữ ‘vô’ của ngài Triệu Châu, tròn như thái hư, không đủ không thiếu, nếu mống lòng nghĩ nghị, thời là không phải chữ ‘vô’ của ngài Triệu Châu rồi. Và lại, muôn pháp đều qui về một, một ấy tức là tâm, một về chỗ nào, là chỗ mà không chỗ, không chỗ mà vẫn là chỗ, như thiệt có chỗ, thời không phải không phải. Như vậy là niệm thứ hai, đều lạc về trí giải, trí giải càng tinh, thời cách đạo lại càng xa; gần theo những kẻ đua chen theo danh tự, đều từ niệm thứ hai mà vào, xem qua bề ngoài thời câu câu đều là Bát-nhã, thiệt ra chỉ nương nơi ý thức mà thông, nhận giặc làm con, thật cũng đáng thương! Sao gọi là không xen hở ? Nghĩa là nói, ngày nay giữ một niệm chơn nghi mà tham cứu không luận năm tháng ngày giờ, chỉ thời thời khắc khắc, một niệm chơn nghi mà tham cứu, phải cầu đến khi thật ngộ, thật chứng, đại pháp hiện tiền mới thôi; ấy gọi là không xen hở vậy. Như quả một niệm chơn nghi như vậy, không khi nào xen hở như vậy, thời đương nhiên có ngày không cầu mà được, thoại đều đã tham phá, mà minh tâm kiến tánh vậy.

[1] Đoạt nhơn tức phá trừ nhơn chấp; đoạt cảnh tức là phá trừ pháp chấp; nhơn, cảnh đều không đoạt tức là khi chỉ ngay vào chơn lỶ.

[2] Tức là chữ dám, chữ đi ở trên, quán sát cái lỶ trong mỗi chữ một ấy, gọi là nhất tự quán.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]