Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Ngoại diện

17/12/201017:41(Xem: 7546)
5. Ngoại diện

 

Ở đây bài viết dùng chữ "ngoại diện" để mô tả những tính năng hình thức hay phương tiện qua đó nó chuyển tải nội dung ý tưởng của bài dịch Việt cũng như đối tượng của bài dịch Việt.

Điểm khác biệt giữa bản dịch Anh và bản dịch Việt là ngôn ngữ và cấu trúc sắp xếp trong bản Anh ngữ đã định hình trong khi người dịch có một khoản giao động trong việc lựa chọn từ ngữ, văn phong và cách xắp đặt cấu trúc bản dịch. Như vậy, ngoại diện của bản Anh ngữ thì hoàn toàn xác định và bị động chỉ đòi hỏi sự hiểu biết về nó, trong khi bản dịch Việt thì có một phần chủ động (tuy vẩn phụ thuộc về nội dung của bản Anh ngữ) tùy người dịch tạo ra. Phần này sẽ tập trung vào phân tích các đặc điểm ngoại diện của bản dịch Việt.

5.1 Ngôn ngữ:Ngôn ngữ thật sự có ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc và sự thấu hiểu của độc giả. Ở đây, việc sử dụng các đặc tính của ngôn ngữ Việt (như văn phong, biện pháp tu từ, ...) đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của bản dịch. Ngôn ngữ Việt, nếu để ý, sẽ nhận ra sự khác biệt của người dùng theo từng thế hệ, từng thời kì, từng điạ phương. Hơn thế nữa, cách dùng ngôn ngữ và từ vựng cũng thay đổi khá nhanh theo thời gian nhất là trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của tiến bộ về phương tiện giao thông và thông tin thì ngôn ngữ Việt thông dụng và chuyên nghiệp cũng thay đổi rất nhanh chóng mà gần như không có sự lưu ý chính thức nào từ phía các nhà giáo dục. Các chữ có thể bị thay đổi về ý nghĩa trong cách dùng thông thường. Ngay cả ngôn ngữ dùng trong các tài liệu Phật giáo cũng chịu ảnh hưởng mạnh bởi xu hướng thay đổi này. (Nếu muốn thấy rõ hãy thử xem và so sánh một vài tác phẩm viết về Phật giáo trước 1975 và tài liệu mới gần đây về cùng một đề tài). Do đó, cũng nên chú ý nếu muốn bài dịch được dể hiểu hơn thì có thể giảm bớt các từ cổ điển thay bằng các từ mới trong chừng mực có sự kiểm soát cẩn thận nào đó.

Một ý kiến khác về việc lựa chọn thuật ngữ là trong rất nhiều trường hợp do chủ quan người dịch thường hay "quên" về khả năng người đọc không có tín ngưỡng Phật giáo hay không cùng lập trường, và do đó, đôi khi vì vô ý người dịch đã có dùng các thụật ngữ "không mấy trung tính" hay "không mấy phù hợp" nếu không nói là sai lạc so với ngôn ngữ thực sự của nguyên bản. Việc lưu tâm về lựa chọn từ ngữ sẽ giúp bản dịch được nhẹ nhàng hơn và chính xác hơn (cho người không cùng đạo hay không cùng tư tưởng). chẳng hạn thay vì dùng chữ "người ngoài đạo" thì lại dùng chữ "kẻ tà đạo".

Tiện, xin nhắc thêm tình hình Anh ngữ cũng có một số điểm đáng ghi nhận là có nhiều thuật ngữ chuyên môn như là những từ ít thông dụng thì không được thống nhất trong cách viết. Ngoài ra, có nhiều tài liệu dùng thuật ngữ Phạn được phiên âm theo các nguyên tắc khác nhau. Điều này gây khó khăn không ít trong việc tra cứu

Hơn thế nữa có một số truyền thống Phật giáo trước đây rất khép kín cũng đã bắt đầu hé mở cửa (như trường hợp Phật giáo TâyTạng). Với ngôn ngữ giáo pháp gần như "mới xuống núi" của các truyền thống này đòi hỏi tiếng Việt phải có những cập nhật tương ứng và gây phức tạp thêm cho người dịch. Số thuật ngữ mới này vẩn còn thiếu sự thống nhất nên cũng tác động đến người đọc ít nhiều.

5.2 Đặc điểm đối tượng"độc giả" (khách thể Việt) Để cho một dịch phẩm được thành công thì người dịch cũng cần xác định rõ đối tượng phục vụ của nó. Việc chuyển dịch bài văn Phật giáo cho giới trẻ ít hiểu biết về Hán ngữ phải khác nhiều với bài viết dành cho hàng tăng sĩ được đào tạo tại trường lớp. Tương tự, tùy theo bản dịch và tùy theo mụch tiêu, các dịch giả cần để ý đến giới tính, trình độ, tâm lý, văn hóa, đạo đức ... để có thể sử dụng ngôn ngữ và văn phong hợp lý. Thường thì để mở rộng được giới độc giả người dịch phải chọn một loại ngôn ngữ tương đối giản dị, giới hạn bớt những từ cổ, từ Hán Việt. Tuy nhiên, nếu chăm chút quá vào việc dùng chữ có gốc Nôm đôi khi lại làm cho bài văn trở nên thiếu ý, quá dài dòng, hay tối nghĩa. Một phương án để dung hoà bớt là sử dụng thêm hệ thống chú giải một cách khoa học.

5.3 Hệ thống chú thích (chú giải): Hệ thống chú thích được sử dụng trong các sách nhằm nhiều mục đích khác nhau và nó có thể được tạo ra từ nguyên tác, các dịch giả trung gian hay từ người dịch Việt. Đặc biệt trong các tác phẩm Phật giáo, ngoài phần chính văn, nhiều tác giả đi sau có thể viết thêm các luận giải vào phần chú thích và đặt lại tựa mới cho quyển sách. Các chú giải này đôi khi đóng vai trò rất quan trọng cho tác phẩm (qua cách phân tích của người dịch và chú giải, tác phẩm ban đầu có thể có chuyển hoá lớn về mặt chất lượng). Hầu hết những người viết dạng chú giải sẽ tách riêng một cách rõ ràng đâu là chính văn và đâu là phần giải nghĩa. Tùy theo tác phẩm người dịch có thể giữ nguyên hệ thống chú thích thay đổi hình thức trình bày. Trong nhiều trường hợp, dịch giả cần chèn thêm các chú thích thì phải làm sao cho độc giả có thể dể dàng phân biệt rạch ròi đâu là các chú giải thêm của phần Việt ngữ (Chẳng hạn, bằng cách đặt thêm dòng viết tắt ngắn, hay thay đổi định dạng chữ in, ... để giúp bật vào mắt người đọc phân biệt được chú giải riêng một cách dể dàng)

5.3.1 Các loại chú giải:Có nhiều dạng chú giải mà nguyên tác và các dịch giả có thể chèn thêm vào như

Giải thích thêm về thuật ngữ mới dùng.
Giải nghĩa thêm về ý của một câu, một đoạn hay một chương.
Liên kết các ý tản mạn hay rời rạc trong các phần khác nhau của tập sách để làm rõ hơn ý tưởng nào đó của nguyên tác.
Đào sâu thêm chi tiết để minh họạ hay để dẫn chứng (đúng - sai).
Để phân định sự khác nhau của hai ý gần tưởng tự hay để phân biệt cách hiểu khác biệt về thuật ngữ hay cách hiểu của các giáo phái.
Có thể dùng để phê bình.
Dùng để trích dẫn và tham chiếu đến các nguồn tin cậy khác.
Giảng thuyết lại toàn bộ chính văn -- Sự chú thích lớn như thế thường được gọi là chú giải và bản chú giải này thường được xem là một tác phẩm mới riêng biệt. Ở đây để cho tiện phân tích chung, chúng tôi chỉ xem nó là một loại chú giải từ chính văn.
...
5.3.2 Phân biệt nguồn của chú giải: Để cho một bản dịch được thực sự rõ ràng minh bạch thì người dịch cần chú ý phân biệt sự khác nhau về chủ thể (nguồn) của các chú giải từ nguyên tác, từ các dịch giả, và từ dịch giả bản Việt ngữ. Với phân biệt này, ngoài việc giúp cho người dịch hiểu được dể dàng, nó còn còn giúp người đọc nắm vững chi tiết nào là của ai và có thể có đánh giá khách quan hơn về nguyên tác và người dịch.

5.3.3 Định dạng chú giải:tùy theo mức độ phức tạp của một bản dịch mà khi trình bày có thể cần có các biện pháp định dạng khác nhau cho các chú thích. Các định dạng này phải giúp người đọc phân định được nguồn và loại của chú giải. (Chẳng hạn dùng các kiểu chữ, kiểu đánh số hay kiểu trình bày đặc trưng cho từng loại hay từng nguồn chú giải sao cho khi đọc chú giải đó độc giả có thể biết được nguồn và loại chú giải)

5.3.4 Trường hợp nên/buộc dùng chú giải: Vì tính trong sáng và rõ ràng, nhiều trường hơp dịch giả nên hay buộc phải thêm chú giải chẳng hạn như trường hợp bản dịch Anh bị sai ý so với nguyên bản, hoặc trường hợp một thuật ngữ dể gây ngộ nhận, hoặc các thuật ngữ viết khác nhau lại mang cùng một ý nghĩa, hay các tên địa danh lịch sử, tên lạ ...

5.3.5 Một số trường hợp tránh dùng chú giải:Ngược lại cũng có trường hợp nên tránh dùng chú giải nếu chú giải đó có thể gây ra việc hiểu hiểu sai lạc hay tạo thêm rối cho độc giả như trường hợp chú thích của chú thích.

5.3.6 Chú giải Anh:Như vậy tùy theo tình trạng mà người dịch nên quyết định thêm hay không các chú thích nhằm làm rõ các chi tiết của bản dịch. Tuy nhiên, ngược lại, việc tự ý cắt bỏ hay thay đổi nội dung những chú thích sẵn có trong bản dịch Anh mà không có một thông tin nào cho độc giả hay biết về việc làm này là không nên (hay không thể chấp nhận được -- ngoại trừ trường hợp bị kiểm duyệt !). Trong những trường hợp đặc biệt, tốt hơn hết là thêm vào đó một chú thích đặc biệt từ dịch giả Việt để giải thích ghi chú của bản Anh ngữ. Tưởng cũng nên lưu ý là đa số các sách Phật giáo Anh ngữ dùng một trong hai dạng chú thích (hay dùng cả hai):

Dạng chú thích đánh số theo chương và sẽ được ghi chú ở sau cùng của sách.
Dang chú giải: thường khi phụ phần chiếm một tỉ lệ lớn thi chính văn được sắp xếp hay định dạng riêng biệt. Theo sau đó là toàn bộ phần chú giải từng câu một. (Trước khi vào chinh văn có thể là các phần cài đặt hay phần dẫn giải nền).
5.4 Hệ thống tham chiếu: Hệ thống tham chiếu được sử dụng cho nhiều mụch đích, trong đó quan trọng nhất là cung cấp thêm thông tin cho người đọc tìm hiểu sâu vào chi tiết cũng như dùng để kiểm nghiệm lại giá trị của các ý kiến trong nguyên bản. Hầu hết các tài liệu viết về Phật giáo đều có trong đó ít nhiều các hình thức trích dẫn và tham khảo. Việc trình bày các trích dẫn và tham chiếu có thể từ dạng đơn giản là trực tiếp ghi chú lại và cho biết nguồn gốc tham khảo cho đến các hình thức phức tạp là kết hợp ghi chú với một bảng ghi kí hiệu và từ đó người đọc khi cần có thể một lần nữa tìm ra nguồn tham khảo qua bảng danh mục tham khảo. Cũng có khi bảng danh mục tài liệu tham khảo được nêu độc lập một mình và các trích dẫn được ghi chú nguồn riêng trong hệ thống ghi chú. Ở đây, người dịch tùy theo mục tiêu hoặc có thể chiếu y theo hình thức trình bày của bản Anh ngữ hay thuận duyên thay đổi cách trình bày hệ thống tham chiếu cho phù hợp với cách quen thuộc của độc giả người Việt. Tương tự như hệ thống chú thích, nếu các tham chiếu được dịch giả chèn thêm thì nó phải được lưu ý cho người đọc phân biệt rạch ròi khác nhau giữa nguyên bản và bản dịch Việt. Thật đáng tiếc và là một sai sót khi rất nhiều trường hợp các bản in Việt sau này đã tự ý loại bỏ các tham chiếu vốn có trong nguyên bản Anh và như vậy làm giảm giá trị học thuật của bản dịch.

5.5 Hệ thống hình ảnh hay đồ thị minh họa Thường trong các sách có tính kinh điển, người ta sẽ ít tìm thấy hình ảnh hay đồ thị minh họa. Tuy nhiên, với các sách Phật giáo mới hơn, nhất là các sách có tính lịch sử hay nghệ thuật thì hệ thống hình ảnh sẽ có thể rất phong phú. Các hình ảnh sơ đồ đôi khi chỉ có vài dòng minh họa và chú giải ngắn về nguồn gốc. Hệ thống minh họa tự nó có mang tải những thông tin thiết thực có khi không thể thiếu.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp dịch giả cần đưa thêm hình ảnh, hay sơ đồ minh họa cho dể hiểu thì cần chú ý về độ chính xác, rõ ràng, phù hợp với đề tài, và đặt đúng chỗ. Chẳng hạn một bài viết Phật giáo Tây Tạng mô tả về vòng luân hồi sẽ trở nên rất khô khan và khó hiểu nếu không có hình ảnh cụ thể. Các hình ảnh thường là công cụ minh họạ mạnh mẽ cũng như có thể cung cấp những bằng chứng (hay phản bác) cụ thể nhất cho ý tưởng của tác phẩm. Tuy nhiên, giá thành tăng do việc in ấn sách có nhiều hình minh họa đôi khi cũng là vấn đề cần tính đến.

5.6 Hệ thống phụ lục: có thể xem như một loại bổ phần (hay một dạng chú thích đặc biệt). Trong các sách Phật giáo theo lối truyền thống bằng Việt ngữ, thường it có dạng phụ lục này. Tuy nhiên, trong các sách trình bày Anh ngữ ngày nay thường có nhiều phụ lục hơn. Thật sự mục đích của các phụ lục rất rộng từ việc trình bày thêm phương cách thực hành giáo pháp đề cập trong bài cho đến việc trích lại các bản kinh luận hay ngay cả chỉ để trình bày các chi tiết bổ xung cho lần dịch đó... Trong nhiều bản dịch Việt ngữ, không hiểu vì sao lại "bỏ quên" không trình bày phần phụ lục mà không hề nêu lý do cho độc giả. Tuỳ theo mức độ, đây có thể là một sai sót lớn hay nhỏ trong dịch thuật.

5.7 Bảng Danh từ chuyên môn và thư mục Trong các tài liệu có nội dung ngắn thì có thể không có thư mục và bảng thuật ngữ. Nhưng trong các chuyên khảo hay các tập sách lớn Anh ngữ thường có thêm bảng thuật ngữ và/hay thư mục. Tương tự như trường hợp của hệ thông tham chiếu, trong đa số sách dịch Việt ngay cả các sách trước tác phổ biến về Phật học việt ngữ thường không có chúng. Thư mục được sử dụng như một cách để người đọc có thể nhanh chóng tìm đến các thông tin nói về cùng một chủ đề trong toàn bộ tập sách. Điều này rất hữu ích cho vìệc tra cứu so sánh và đào sâu về một đề tài trong sách. Trước đây, khi phương tiện máy tính điện tử chưa phổ biến trong soạn thảo thì thật sự phức tạp cho người hiệu đính và chuẩn bị. Tuy nhiên, với việc sử dụng computer, một bảng thư mục soạn thêm sau khi đã định dạng tập sách trở nên bớt năng nhọc nhất là trong trường hợp chỉ là dịch lại từ nguyên bản. Về bảng danh từ chuyên môn, thì đây có thể là một khó khăn vì có thể có nhiều từ mới chưa thống nhất trong Việt ngữ mà lại không có mặt trong nguyên bản khiến người dịch phải ra công soạn thảo thêm. Tuy nhiên, với bảng thuật thuật ngữ (hay bảng đối chiếu thuật ngữ) thì người đọc sẽ nắm được ý nghĩa đặc thù của thuật ngữ đó trong nội dung cụ thể của tập sách. Ngoài ra, bảng thuật ngữ này có thể được bổ sung điều chỉnh thành bảng thuật ngữ đối chiếu rất có ích cho độc giả trong trường hợp họ muốn tìm hiểu, tra cứu thêm trong các tài liệu Anh ngữ về các chi tiết liên quan.

Tùy theo cách trình bày, bản Anh ngữ có thể xếp các phần trình bày ở mục 5.4, 5.5, 5.7 chung vào thành các phụ lục. (phải chăng vì chữ "phụ lục" này mà nhiều bản dịch Việt đã bỏ qua không dịch nội dung nhiều khi vô cùng giá trị của nó?)

5.8 Hệ thống dàn bài:Tùy theo bản dịch và cách lựa chọn trình bày, một tập sách có thể nhiều hay ít hay bỏ qua các phần trình bày và thứ tự có thể sắp xếp tùy từng trường hợp. Sau đây là một ví dụ về dàn bài tương đối đủ

Tựa đề và nguyên tác hay/và các dịch giả của mỗi bản dịch trung gian và bản dịch Việt
Khẳng định bản quyền và các thông tin liên hệ
Giới thiệu các dịch giả
Cảm tạ
Giới thiệu tập sách và/hay lời nói đằu, lời ngỏ
Cách sử dụng sách (bao gồm giải thích về cách tra cứu, về các định dạng, các chú thic'h ...)
Bảng mục lục, bảng mục lục các hình ảnh và sơ đồ
Nội dung chính
Chú thích
Bảng chữ viết tắt
Tham chiếu/Tài liệu tham khảo
Thư mục (hay từ vựng tra cứu)
Các phụ lục khác

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]