Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến một bản dịch Phật giáo Anh-Việt

17/12/201017:38(Xem: 7936)
2. Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến một bản dịch Phật giáo Anh-Việt

 

Nhân thân người dịch là yếu tố có thể gây ảnh hưởng lớn nhất đến phẩm chất của một bản dịch. Nếu một người sinh trưởng trong miền Nam, lớn lên được tiếp cận với các giáo lý của Phật giáo Nguyên thủy, thì ngôn ngữ sử dụng của người đó khi dịch cùng một tác phẩm Phật học so với một người sinh trưởng tại miền Trung, được tu học nhiều kinh điển Đại thừa, sẽ có thể có nhiều khác biệt do hoàn cảnh khác nhau thổ ngữ, về kiến thức, về trường phái tu học, và về đời sống tập quán (tu sĩ, cư sĩ, hay chỉ là một người bình thường). Ý thức được sự khác biệt về nhân thân của chính mình sẽ giúp cho người dịch được phần nào khách quan hơn. Ở đây, có thêm các yếu tố rất quan trọng về nhân thân góp phần nâng cao chất lượng một bản dịch. Trau dồi, học hỏi, và tỉnh thức trong lúc vận dụng các yếu tố này sẽ có lợi rất nhiều. Việc hiểu biết về chính mình và giới hạn của mình sẽ giúp cho dịch giả tránh bớt được các lỗi dịch tạo ra do chủ quan (chấp ngã :-) và biết tận dụng sở trường cùng như bổ khuyết cho sở đoản.

2.1. Vốn hiểu biết về giáo pháp:Rõ ràng một người cả đời tu học theo trường phái Duy thức sẽ có nhiều cơ may chuyển dịch các tác phẩm về Duy Thức chính xác hơn là một Phật tử thông thường và không được trang bị đầy đủ hiểu biết về trường phái này. Mặc khác, người có một tầm hiểu biết bao quát về lịch sử về các giáo thuyết của các phái khác nhau lại có thể làm tốt hơn trong việc chuyển dịch các tài liệu Phật học cơ bản hay lịch sử Phật giáo. Tuy nhiên ngược lại, đôi khi kiến thức sâu sắc của chính mình lại có thể dẫn tới sự sai sót trong khi dịch thuật. Chẳng hạn, đã có bản dịch mà có lẽ dịch giả vì chịu ảnh hưởng nặng bởi các hiểu biết về Duy Thức đã sử dụng các thuật ngữ hầu như chỉ nên dùng trong Duy thức học (như là "chủng tử", "tàng thức") đem ra dùng trong các khái niệm chuyên biệt của trường phái Trung quán mà không có ghi chú nào để phân định.

2.2 Kĩ năng vận dụng các phương tiện tra cứu: Một trong những chỗ yếu của nhiều dịch giả là do sự thiếu thốn về phương tiện tra cứu. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một từ điển tương đối hoàn bị nào về Phật học Anh-Việt, Tạng-Việt (và Phạn-Việt?) và ngược lại; mặc dù các từ điển này rất cần thiết cho việc tra cứu. Bỏ qua sự thiếu thốn khách quan này, chúng ta có thể phân chia làm hai loại phương tiện tra cứu chính đó là phương tiện sách vở (trực tiếp) và phương tiện truyền thông điện tử.

Do vậy, việc tra cứu một từ vựng có khi dễ nhưng cũng có khi rất khó. Cùng một chữ, có khi chỉ được dùng với nghĩa thông thường, nhưng nhiều lúc, cũng chữ đó, cần phải được tra cứu kĩ xem nó có nghĩa nào khác sâu sắc và chính xác hơn? Trong nhiều trường hợp, dịch giả Anh sử dụng các thành ngữ ít phổ biến và cũng có khi một chữ lại có thêm nghĩa đặc thù trong Phật học mà không thể thay bằng nghĩa thông dụng. Khi tra cứu, có trường hợp phải tìm hiểu nghĩa của các chữ trong các bảng thuật ngữ của các trang WEB chuyên biệt về Phật giáo. Do đó, sự cẩn trọng trong khi tra cứu rất quan trọng.

2.2.1 Phương tiện trực tiếp: Bao gồm các sách vở chuyên khoa, các sách từ điển phổ thông, chuyên môn Anh ngữ hay Anh-Việt cũng như các từ điển Phật học là không thể thiếu trong việc dịch thuật.

Về các sách in tra cứu: Điều đáng lưu ý trước tiên là hầu hết các từ điển Phật học hiện tại trong nước đều thiếu rất nhiều thuật ngữ. Tuy nhiên, điểm lợi của các từ điển hiện nay là có thể có thêm trích dẫn hay giải thích nhiều gốc từ Hán Việt. Tiếp theo, đại đa số các tác phẩm và kinh luận trong nước xuất bản từ trước 1990 đều có nguồn gốc từ tiếng Hoa. Các tài liệu như thế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nền văn hoá Phật giáo Trung Hoa hơn là các trung tâm Phật giáo khác. Ngoài ra, đa số các tác giả viết sách Phật học trong nước đều phát nguồn và chịu ảnh hưởng rất lớn bới nền tảng Phật giáo Trung Hoa. Nắm bắt các nhận xét này có thể giúp người dịch tận dụng nguồn giáo pháp tra cứu cũng như là để vượt qua được một số ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa khi dịch thuật và tra cứu.

2.2.2 Phương pháp điện tử:Trên Internet hiện nay có rất nhiều dạng chia sẻ dữ liệu từ các thư viện dữ liệu mà người tra cứu phải trả lệ phí cho đến các bảng thuật ngữ chuyên biệt. Điều nổi bật ở đây là sự tiện dụng. Tuy nhiên, người ta khó lòng biết được chất lượng của nó ngoại trừ dữ liệu lấy được từ những trang WEB có uy tín. Do đó, việc kiểm tra lại độ khả tín của dữ liệu là điều cần thiết. Ngoài ra, phương tiện liên lạc trên các diễn đàn (forum) và các nhóm thư điện tử (mailgroup) Phật giáo chuyên môn cũng là nơi rất tốt và đáng tin cậy để tham khảo

2.2.3 Một số kĩ năng khai thác dữ liệu-- sau đây là một số cách khai thác dữ liệu

2.2.3.1 Khai thác các máy truy tìm dữ liệu

Việc khai thác dữ liệu qua các máy truy tìm thì rất tiện lợi nhưng người dùng phải tập làm quen với các chức năng cao cấp của nó để tận dụng1. Tiện đây, xin nêu vài cách thức để nhanh chóng tra cứu nghĩa của một từ Anh văn qua www.google.com:

define:<Thuật_ngữ> -- Ngay lập tức máy sẽ tìm giúp các định nghĩa và hiển thị lên màn hình
definition <Thuật_ngữ> -- Máy sẽ hiển thị các trang từ điển có ghi định nghĩa của thuật ngữ

Một phương pháp nữa cũng khá thông dụng khi muốn truy tìm tất cả các bài viết có đề cập đến một thuật ngữ hay một cụm từ đặc biệt chỉ từ trong một tên miền (tên trang WEB):

<"Thuật_ngữ" hay "Cụm_Từ"> site:<Tên_miền> (Thí dụ: "tính không" site:thuvienhoasen.org )

Sử dụng các "Search Engine" này người ta cũng có thể tìm đến các sách vở điện tử (ebook), các từ điển bách khoa toàn thư, các bảng thuật ngữ Phật học, các từ điển Phật học bằng những thứ tiếng khác nhau, các phông chữ cần dùng như Tạng và Phạn ngữ, các diễn đàn Phật giáo theo các truyền thống riêng biệt, các bài viết chuyên đề trong Phật giáo, các hình ảnh minh hoạ, các bài giảng Pháp âm của các đại sư đương thời (bằng MP3 hay bằng rm) và thậm chí có thể dùng nó để kiểm tra lại chính tả của một chữ tiếng Việt. Qua đó, việc tìm hiểu về nghĩa của một thuật ngữ đặc biệt hay để tìm thêm ý tham khảo trong Phật giáo có thể được dể dàng hơn rất nhiều.

2.2.3.2 Sử dụng bách khoa toàn thư Phật giáo và các bài viết chuyên khảo: Thật là hữu ích nếu tìm được một bài viết chuyên khảo hay một đề mục trong bách khoa toàn thư về Phật học bằng Anh ngữ (hay bằng ngôn ngữ khác mà dịch giả biết được -- vi có lẽ hiện nay chưa có tự điển bách khoa về Phật giáo tiếng Việt) giải thích về thuật ngữ mà dịch giả đang muốn tìm hiểu. Điều này đặc biệt cần thiết khi phải lựa chọn một từ mới chưa có hay chưa tìm ra trong các tự điển Phật học cũng như là khi muốn hiểu rõ hơn ý tưởng của nguyên tác -- từ đó có thể giúp tìm ra được các câu cú hay thuật ngữ thích hợp nhất.

2.2.3.3 Sách vở liên hệ-- Cách sách vở liên hệ đến tài liệu cần dịch thường giúp dịch giả hiểu thêm nhiều về tác phẩm mình đang theo . Tuy nhiên, điều này mất nhiều thời gian hơn so với các phương tiện khác. Riêng khi tìm hiểu về các giáo pháp liên hệ đến đề tài hay thuật ngữ đang được dịch thì tầm nhìn của người dịch có thể được nâng cao và bao quát hơn, từ đó, việc diễn giải và dịch thuật sẽ dể được suông sẻ hơn. Ngoài ra, việc hiểu biết về các tài liệu lịch sử liên quan đến các sự kiện đang cần tra cứu cũng rất hữu ích, vì qua đó, người dịch sẽ nắm bắt hơn về tình hình văn hóa xã hội hay bối cảnh mà nguyên tác đề cập.

2.3. Khả năng đọc hiểu nhiều ngôn ngữ: Trong lúc truy tìm và hiểu để dịch cho đúng ý và chính xác, thì một người hiểu biết nhiều ngôn ngữ khác nhau rõ ràng là có nhiều cơ hội đạt hiệu quả cao hơn người chỉ biết Anh ngữ. Chẳng hạn, hiện nay Đức ngữ cũng là một ngôn ngữ rất mạnh về các công trình nghiên cứu Phật giáo mới. Đặc biệt hơn, nếu người dịch có khả năng đọc hiểu và tra cứu được Phạn ngữ và Tạng ngữ thì đó là một vốn kiến thức nguồn tuyệt vời. Trong trường hợp phải dịch các chánh văn từ Anh ngữ thì việc biết thêm hai ngôn ngữ này có thể giúp dịch giả "dịch thẳng" từ ngôn ngữ gốc thay vì sử dụng ngôn ngữ trung gian.

Hoàn toàn bằng cách kết hợp các phương tiện điện tử, với khả năng đa ngôn ngữ, người dịch sẽ chủ động và tự tin hơn trong mọi tình huống từ việc tra cứu từ chuyên môn cho đến tìm hiểu sâu hơn về một chủ đề cần được dịch.

2.4. Khả năng trao đổi thông tin:Thật sự các đồng nghiệp các học giả và các tăng sĩ là những nguồn tra cứu sống động vô tận và quý báu nhất bên cạnh việc hiểu, họ còn có thể góp ý hỗ trợ về nhiều mặt khác nhau trong lúc dịch thuật. Riêng các tăng sĩ, ngoài khả năng học vấn về Phật học, họ còn có thể đã đạt đến một mức tu chứng nào đó đủ để giúp người dịch thấu hiểu thêm về giáo Pháp trực tiếp. Do đo, người có một mối liên hệ thầy trò, ngoại giao hay bằng hữu ... tốt với các cá nhân kể trên sẽ là một thuận duyên rất lớn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]