Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhân quả và vô thường

16/12/201018:02(Xem: 6247)
Nhân quả và vô thường

Nhân quả là một trong những nguyên lý cơ bản quan trọng nhất trong Phật pháp. Khổ não đời này tất yếu là do nghiệp lực từ đời trước. Vì thế mà có thân là có khổ, bởi thân này vốn là do nghiệp lực mà sinh ra, chịu sự chi phối, dắt dẫn của nghiệp lực. Nghiệp đã buộc nơi thân, vấn đề không phải là làm sao tránh né, mà là phải đối mặt và vượt qua như thế nào.

Soi rọi vào bản chất thật sự của thân này, mới hay rằng bốn đại vốn đều không thật. Có người cho rằng quan niệm về “bốn đại” của thời xa xưa nay không còn đúng nữa. Thật ra, về mặt nguyên lý thì vấn đề vẫn không có gì thay đổi cả. Tính giả hợp của bốn đại, hay tính giả hợp của các nguyên tử, phân tử, tế bào... vẫn là như nhau, có khác chăng chỉ là tên gọi cho phù hợp với sự hiểu biết về vật chất của mỗi giai đoạn. Còn tính triết lý hàm chứa trong quan niệm này quả thật không thay đổi, vẫn luôn đúng đắn. Nghĩ mà xem, rõ ràng là chúng ta không thể, và cũng sẽ không bao giờ có thể tìm được một “cái ta thật có” trong những yếu tố giả hợp đó, cho dù có gọi đó là “bốn đại”, hay “phân tử”, hay “tế bào”... gì gì đi nữa. Sự giả hợp của chúng để tạo thành xác thân vật chất này là một sự gá mượn hoàn toàn nơi các nhân duyên. Nhân duyên đầy đủ thì hội tụ, nhân duyên hết thì tan rã... dù muốn hay không ta cũng chẳng thể nào làm chủ được sự tồn vong của xác thân này.

Trong rất nhiều kinh Phật, tính không thật của “thân tứ đại” này luôn được nhắc đến như một thực tế cần ghi nhớ. Tuy nhiên, cái nguyên lý “tứ đại giai không” vốn dĩ rất ít người thật sự cảm nhận được, mà cái “có thật” của thân này thì không ai là không biết. Cái gọi là “có thật” đó, chính là những khổ lụy mà mỗi người chúng ta đều phải gánh chịu ngay từ thuở lọt lòng. Những khổ lụy ấy, nhìn xa là do nơi nghiệp lực, mà nhìn gần thì chính là do bởi sự “xung khắc” thường xuyên của các yếu tố cấu thành thân này. Bởi vậy, có thân là có khổ! Điều này thật sâu sắc biết bao! Ở đây lời văn chỉ gợi nhắc chỗ cốt tủy để mở đầu cho những ý hướng khác, nếu đi sâu vào phân tích lý nhân duyên, nghiệp quả thì còn biết bao nhiêu điều để nói!

Tuy là cội nguồn của khổ lụy, nhưng thân này lại chẳng lấy gì làm bền chắc. Dù muốn dù không, chúng ta hầu như cũng hoàn toàn không thể đảm bảo được sự tồn tại của nó, dù là chỉ trong thoáng chốc. Bởi vậy, kinh Tứ thập nhị chương dạy rằng, mạng người còn mất chỉ trong hơi thở. Sớm còn, tối mất, mỏng manh “như sương như móc”, “như cây ven bờ vực, như dây leo vách giếng”... Quả là những hình ảnh so sánh rất rõ ràng minh bạch. Mạng người đã thế, có chi là bền chắc?

Trong thực tế quanh ta, chuyện sống chết cũng không ít trường hợp diễn ra hoàn toàn không báo trước. Hôm nay gặp nhau, ngày mai không còn nữa. Vừa mới chuyện trò vui vẻ cùng nhau, phút chốc đã nghe tin dữ... Những chuyện như thế, quả thật không lạ lùng gì đối với bất cứ ai. Tuy nhiên, điều lạ lùng nhất là rất ít người thường xuyên nghĩ đến, nhớ đến thực tế ấy! Nếu người ta luôn nhớ đến điều này, cuộc sống hẳn đã tốt đẹp hơn nhiều lắm, bởi chẳng mấy ai lại còn có hứng thú để lao vào những cuộc tranh chấp hơn thua, gây gỗ cùng nhau khi biết rằng cuộc sống quý giá này vốn rất mong manh, ngắn ngủi. Tính chất vô thường hóa ra lại là một cái gì đó “rất thường” mà không mấy người chịu để tâm suy ngẫm.

Nêu lên lý nhân quả, sự giả hợp của các duyên và tính cách tạm bợ của đời sống, bài văn đã phác thảo được một tiền đề quan trọng cần thiết cho những ý tưởng sách tấn sẽ được trình bày nối tiếp theo sau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]