Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần Năm: Điều hoà

18/11/201018:10(Xem: 8495)
Phần Năm: Điều hoà

 

 

PHẦN NĂM
ĐIỀU HÒA

 

A. LÚC BẮT ĐẦU HỌC TỌA THIỀN, TU HÀNH CHÁNH PHÁP CỦA MƯỜI PHƯƠNG CHƯ PHẬT:

Trước hết phải phát Bồ Đề nguyện, nguyện độ tất cả chúng sanh, nguyện thành vô thượng Phật đạo. Tâm phải vững vàng, tinh tấn dũng mãnh, không tiếc thân mạng, thề nếu không thành Phật đạo, quyết không thối chuyển.Sau đó, chính trong mỗi một niệm thường suy nghĩ thật tướng của các pháp, biết tất cả các pháp, nào là nội căn, ngoại trần, vọng thức hoặc các pháp phiền não, các pháp nhân quả đều do tâm mà có, chứ không phải thật có. Nếu tâm không phân biệt thì các pháp vốn không có tự tánh, nếu tâm không nhiễm trước thì thoát khỏi luân hồi sanh tử. Suy nghĩ như thế thật kỹ càng không còn chỗ nghi hoặc nữa, mới có thể theo thứ lớp mà tu tập Chỉ Quán.

Muốn tu tập được kết quả tốt, hành giả cần phải chuẩn bị, cũng như người thợ làm đồ gốm, muốn có những chén bát hay ấm bình tốt thì trước hết phải nhồi đất cho nhuyễn, sau đó mới bắt, nặn được các đồ dùng ấy tốt được. Và cũng như người gảy đàn, trước hết phải so dây cho đúng, khi gảy mới có được những âmba vi diệu. Cũng thế, hành giả cần phải điều hòa năm việc sau đây mới tránh được những khó khăn, trở ngại về sau:

1)Điều hòa ăn uống:

Ăn uống cốt để nuôi thân cho khỏe mạnh, để có khả năng tu tập chánh pháp. Nếu ăn quá no thì tức bụng, hơi thở không đều, huyết mạch không thông, không thể ngồi lâu mà thực tập được. Nếu ăn quá ít thì thân thể suy nhược, ý niệm không vững, khó bề tọa thiền. Nếu ăn những thứ tanh nồng thì tâm trí hôn mê, nếu ăn những vật không thích hợp thì dễ sanh bệnh hoạn. Vì thế trong lúc tu định cần phải thận trọng điều hòa sự ăn uống.

2. Điều hòa sự thiếp ngủ:

Thiếp ngủ quá nhiều thì hoang phế sự tu hành, nó còn làm cho tâm trí hôn ám, thiện căn sút kém. Nếu ngủ quá ít thì trở ngại cho sức khỏe. Cần nên giác ngộ sự vô thường, điều hòa sự thiếp ngủ để cho ý niệm rõ ràng, tâm thức sáng suốt, chứng được Tam-muội. Sinh mạng vô thường, mỗi ngày càng đến gần chỗ chết, không nên vì nhân duyên thiếp ngủ mà luôn bỏ việc tu hành.

3. Điều hòa thân thể:

Điều hòa thân thể, điều hòa hơi thở, điều hòa tâm niệm cần phải làm chung một lần. Lẽ ra không nên nói riêng, nhưng đây nói riêng về điều hòa thân thể chỉ cốt để cho dễ hiểu mà thôi. Người tu thiền, trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi đều cần phải điều hòa thân thể, cho thân thể được khoan khoái, thì hơi thở mới được nhẹ nhàng. Cần ngồi trên giường êm, như giường có mặt bằng dây đan, hoặc có nệm lót để khỏi bị tê. Nên ngồi bán già, nếu không kiết già được, nên mặc áo quần rộng rãi, và nới lỏng thắt lưng, nhưng lại cần đeo dây hoặc cài kim để hạ y khỏi tụt xuống. Sau đó để bàn tay trái lên trên bàn tay phải rồi kéo về gần thân, và đặt trên chân cho thật cân đối. Ngồi xuống như thế rồi uốn mình bảy tám lần, nhưng vẫn để tay chân nguyên như cũ, cốt làm cho các khớp xương giãn ra. Nếu trường hợp bị tê bại, thì nên ngồi ghế nệm mềm, hai chân thỏng xuống, hạ hai đầu gối sát nhau, và hai tay để trên hai bắp vế, rồi cũng uốn mình bảy tám lần như thế. Phép ngồi sau này không bằng phép trước, nhưng đối với những người tê bại thì lại có thể tác dụng ngồi được lâu hơn. Uốn mình xong thì ngồi thẳng thắn, xương sống không uốn cong và cũng không thẳng quá, đầu cổ ngay ngắn, không ngữa, mặt ngó thẳng ra trước.

Thứ nữa, nên thở ra những trược khí. Nghĩa là thở vào cho sâu, rồi mở miệng phóng hơi ra, phóng từ từ nhẹ nhàng, không nên thơ?i ra thành gió. Phóng trược khí như thế ba lần, và trong lúc ấy tưởng tất cả hơi uế trược trong thân và chỗ nào không thông suốt đều nhờ phóng trược khí đó mà được thông suốt. Xong rồi thì ngậm miệng, môi răng vừa dính với nhau, không bậm chặt, lưỡi thì dính lên vòm hàm trên, mắt nhắm vừa không thấy ánh sáng mà thôi. Nên ngồi nghiêm chỉnh như thế, thân, đầu và tứ chi tuyệt đối không lay động. Đó là phương pháp điều hòa thân thể, cốt yếu làm cho thân không buông lơi, không co rút. Lại cũng có thể tập Chỉ Quán trong lúc đi, lúc đứng, lúc nằm. Đi thì chậm rãi, khoan thai, để hơi thở được nhẹ nhàng. Đứng thì ngay thẳng, hai tay duỗi xuống, phía sau nên dựa vào tường hoặc dựa vào một cái gì khác để tránh lay động. Nằm thì theo phương thức cát tường của chư Phật, cốt yếu là phải tỉnh táo, không được thiếp ngủ.

4 Điều hòa hơi thở:

Hơi thở có bốn tướng: gió, suyển, khí, tức. Khi hơi thở trong mũi ra vào có tiếng, đó là tướng gió, khi hơi thở tuy không có tiếng, lúc ra vào còn bực tức không thông, đó là tướng suyển. Khi hơi thở tuy không có tiếng, không bực tức, nhưng ra vào không được nhẹ nhàng, đó là tướng khí. Khi hơi thở không có tiếng, không ngưng kết, không thô phù, ra vào nhẹ nhàng như không có, giúp cho ý niệm an lành vui vẻ, thì đó mới làtướng tức.

Hơi thở còn có tướng gió thì tâm tán loạn, hơi thở còn có tướng suyển thì tâm ngưng trệ, hơi thở còn có tướng khí thì tâm mệt nhọc, như thế chưa tu định được. Cần phải giữ hơi thở luôn luôn có tướng tức thì mới đắc định. Trong lúc tham thiền, nếu khởi sinh tướng gió, tướng suyển, tướng khí thì biết là hơi thở chưa điều hòa; do đó không nên quán tưởng, mà phải chú trọng điều hòa thân thể bằng ba phương pháp:

a)Hướng tâm ở dưới rốn.

b)Buông lơi thân thể một ít.

c)Quán hơi thở ra vào thông suốt cùng khắp thân thể, không có ngăn ngại, đến khi hơi thở không rít, không trơn, tức là không ngưng trệ, không thô phù, thì hơi thở được điều hòa và tâm dễ vào định.

5. Điều hòa tâm niệm:

Điều hòa tâm niệm có ba giai đoạn:

Trong lúc nhập định.

Trong lúc trụ định.

Trong lúc xuất định.

Trong lúc nhập định:

Điều hòa tâm niệm có hai phương pháp:

Điều phục những loạn tướng, không có buông lung.

Điều khiển tâm niệm yên lành, không chìm, không nổi, không lơi, không gấp.

Nếu trong lúc tọa thiền tâm trí mờ tối không ghi nhớ rõ, đầu muốn cúi xuống, đó là tướng chìm, lúc bấy giờ nên chuyên tâm an trụ nơi đỉnh mũi, khiến tâm chú ý trong duyên, không bị phân tán, thì trị được tướng chìm. Nếu trong lúc tọa thiền tâm hay lay động, thân cũng không yên, nghĩ đến việc khác ở ngoại cảnh, đó là tướng nổi, lúc bấy giờ nên an tâm hướng xuống dưới, để tâm an trụ nơi rốn, chế phục các loạn niệm, như thế trị được tiếng nổi và làm cho tâm được bình tĩnh, dễ yên lặng. Nếu trong lúc tọa thiền tâm niệm tản mác, thân muốn nghiêng ngả, hoặc trong miệng ra nước bọt, hoặc tâm niệm tối tăm, thì đó là tướng lơi, lúc bấy giờ cần chỉnh đốn thân thể, quán tưởng gấp nhặt thêm để tâm an trụ torng duyên, thân thể bình tĩnh, đó là cách trị tướng lơi. Nếu trong lúc tọa thiền, đương nhiếp tâm quán tưởng, nhân đó tâm hướng lên trên quá trong ngực đau nhói, đó là tướng gấp, lúc bấy giờ nên buông lơi tâm tưởng một ít, tâm nghĩ trở xuống và hết đau ngực, đó là cách trị tướng gấp.

Tâm niệm còn có thể có một số tướng khác, nhưng cốt yếu trong lúc nhập định là phải điều hòa tâm niệm, không chìm xuống, không nổi lên, không gấp rút, không buông lơi, cho đến không rít qua, không trơn quá thì tâm niệm sẽ được điều hòa. Và trong lúc nhập định, phải từ thô phù, đến tế nhị.

Thân là thô phù, Tâm là tế nhị, Tức là ở chặng giữa. Phải điều hòa từ thô phù đến tế nhị, khiến cho tâm được yên lặng, đó là phương tiện ban đầu trong lúc nhập định.

Trong lúc trụ định:

Cần điều hòa ba việc: Thân, Tức và Tâm.

Người thực hành trong một thời tọa thiền dài đến cả ngày, ngắn chỉ một giờ, đương lúc nhiếp niệm quán tưởng, cần phải khéo biết những tướng điều hòa hoặc không điều hòa của Thân, Tức và Tâm. Nếu trước kia tuy đã điều hòa thân thể xong, nhưng thân hoặc lơi, hoặc gấp, hoặc xiên, hoặc cong, hoặc cúi hoặc ngửa, không được đoan chính, thì khi biết nên sửa lại cho đúng đắn. Trong lúc tọa thiền tuy thân được điều hòa, nhưng hơi thở lại không điều hòa, như có tướng gió, tướng suyển, tướng khí. thì nên dùng phương pháp trước kia để điều hòa hơi thở luôn luôn giữ được tướng tức, nhẹ nhàng, lâng lâng, như có như không. Trong lúc tọa thiền thân thể và hơi thở tuy đã được điều hòa, mà tâm niệm thì lại có những tướng chìm, nổi, lơi, gấp, khi phát hiện được phải theo những phép ở trên kia mà điều hòa cho thích hợp.

Nói tóm lại, trong một thời tọa thiền, Thân, Tức và Tâm luôn luôn phải được điều hòa, xem xét đúng đắn và điều hòa thích đáng thì tọa thiền mới được an lành, trừ được trở ngại và dễ dàng nhập định.

Trong lúc xuất định:

Cũng phải điều hòa Thân, Tức và Tâm.

Người thực hành tọa thiền xorg, muốn xuất định thì trước hết buông tâm ra, duyên với việc khác, đoạn mở miệng phóng hơi ra và quán tưởng hơi thở từ trong toàn thân theo ý mình mà tản đi. Sau đó, lay động thân nhẹ nhàng, rồi động đến vai, cánh tay, đầu cổ, tiếp đến hai chân, khiến toàn thân mềm mại. Thứ nữa, lấy tay xoa khắp các lỗ chân lông, rồi xoa tay cho ấm, háp vào hai mắt, sau đó mở mắt ra.

Người thực hành đợi lúc thân thể bớt nóng, mới tùy ý ra vào thiền định. Nếu không làm như vậy, khi ngồi, tâm có thể được an trụ, đến khi xuất định mà quá gấp rút thì có thể làm cho nhức đầu, đau xương, đau mình, như mắc bệnh phong. Do đó sau này tọa thiền không được yên ổn. Vì thế, cần phải điều hòa thân thể; hơi thở và tâm niệm trong lúc xuất định, phải xuất dần dần, từ tế nhị đến thô phù mà không quá gấp rút.

B. CÁC PHÁP MÔN PHƯƠNG TIỆN:

Phàm thực hành Chỉ Quán, cần phải có đầy đủ Năm pháp môn phương tiện sau đây:

1. muốn:

Phật dạy: "Tất cả thiện pháp lấy ý muốn làm cội nguồn". Người tu hành phải muốn xa rời tất cả vọng tưởng, điên đảo thế gian, muốn được tất cả thiền định, trí tuệ, đó cũng gọi là chí, cũng gọi là nguyện, cũng gọi là ưa, cũng gọi là thích, người có chí nguyện ưa thích tất cả những pháp môn tu hành nên gọi là muốn.

2.Tinh tiến:

Tinh tiến là siêng năng tu hành, giữ vững cấm giới, trừ bỏ ngũ cái, đầu hôm và gần sáng chuyên tu không rời, cũng như người dùi lửa, (người xưa lấy lửa bằng cách dùng hai vật cọ xát vào nhau, sự ma sát tạo sức nóng cao độ thì có lửa), chưa nóng thì quyết định không dừng nghĩ.

3. Niệm:

Niệm là nghĩ đến thế gian giả dối không đáng kể, nghĩ đến thiền định rất đáng quý trọng. Nếu được thiền định thì đầy đủ tất cả, phát sanh vô lậu trí, có thần thông đạo lực, thành bậc vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, độ khắp chúng sinh nên rât đáng quý.

4. Trí tuệ thiện xảo:

Người tu hành trí tuê? thiện xảo là so sánh cái vui thế gian với cái vui thiền định trí tuệ, hai bên được gì, mất gì, bên nào khinh, bên nào trọng. So sánh như thế, người tu hành sẽ thấy cái vui thế gian là vui ít khổ nhiều, giả dối, không thật, dầu có mất đi cũng chẳng mất mát bao nhiêu. Còn cái vui thiền định trí tuệ là vô lậu, vô vi, vắng lặng, rộng lớn, xa rời sinh tử, dứt hẳn khổ não. Được cái vui như thế thì trọng đại biết dường nào, do đó càng vững tâm tu thiền định.

5. Nhất tâm:

Đã biết niềm vui thế gian có nhiều tác hại, có nhiều khổ não, đã biết công đức thiền định trí tuệ rất đáng tôn quý, thì nên nhất tâm quyết định thực hành Chỉ Quán. Tâm ấy như kim cương, dẫu cho thiên ma ngoại đạo ngăn cản phá hoại, dẫu cho đường tu chưa đạt được gì cũng quyết không thay đổi. Hành giả cần phải đầy đủ những phương tiệïn như thế thì tâm mới quyết định, cũng như người đi đường cần biết đường đi khó hay dễ thế nào thì mới quyết tâm đi tới.Vì thế, trong Kinh đức Phật có dạy: "Không có Trí thì không có Thiền, không có Thiền thì không có Trí".

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567