Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 11: Hiện bảo tháp

14/11/201017:44(Xem: 9537)
Phẩm 11: Hiện bảo tháp

 

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

Phẩm 11
HIỆN BẢO THÁP

Giống như phẩm 2, phẩm này kể lại những câu chuyện mới đầu nghe có vẻ lạ kỳ. Như đã giải thích ở phần Dẫn nhập, kinh Pháp Hoa thường trình bày những ý niệm trừu tượng trong hình thức những hình ảnh cụ thể để giúp người ta nắm bắt được những ý niệm ấy. Toàn bộ phẩm này là một trường hợp tiêu biểu.

Trước hết chúng ta phải giải thích về sự miêu tả ngôi tháp Thất Bảo (tháp gồm bằng bảy thứ báu), từ mặt đất tuôn ra. Ngôi tháp này tượng trưng cho Phật tính mà mọi người đều có. Phật tính (ngôi tháp) từ mặt đất tuôn lên ý trỏ sự bất ngờ tìm thấy Phật tính của mình trong chính mình (đất) mà mình vốn thấy là bất tịnh. Do đó mà nhan đề của chương này là “Hiện Bảo Tháp” (nhìn thấy tháp báu).

Ở trong tháp này có đức Như Lai Đa Bảo, tượng trưng chân lý tuyệt đối mà đức Như Lai Thích-ca-mâu-ni đã thể chứng. Chân lý này không bao giờ thay đổi và vốn hiện hữu tự bao giờ trong khắp vũ trụ. Chân lý này được khai thị trong hình thức các giáo lý khác nhau của đức Phật và nó hướng dẫn con người ở khắp nơi. Chư Phật phát xuất từ đức Phật tượng trưng cái chân lý này và giảng Pháp ở mọi phương thế giới.

Khi đức Như Lai Đa Bảo trong Bảo tháp (tháp báu) chia nửa tòa cho đức Phật Thích-ca-mâu-ni mà bảo:
“Bạch đức Phật Thích-ca-mâu-ni, xin hãy ngồi chỗ này” thì đức Đa Bảo xác chứng rằng tất cả giáo lý của đức Như Lai Thích-ca-mâu-ni đều là chân thật. Sự xác chứng này cũng được phát ra từ chính chân lý. Có thể khó mà hiểu được rằng ý niệm về chân lý tự nó lại xác chứng chân lý, nhưng một cách vắn tắt, điều này có nghĩa là tất cả những gì đức Phật đã dạy cuối cùng chắc chắn sẽ thành sự thực. Cuối cùng thành sự thực là xác chứng rằng những gì đức Phật dạy là chân lý. Không thể có sự xác chứng nào dứt khoát hơn điều này.

Có một ý nghĩa sâu xa trong hình ảnh đức Như Lai Đa Bảo như là chân lý và đức Như Lai Thích-ca-mâu-ni như là người giảng chân lý ngồi kiết-già bên nhau trên tòa sư tử trong tháp Thất Bảo. Điều này nhằm nêu trỏ sự việc rằng nếu không có một người giảng về chân lý thì những người bình thường không thể hiểu chân lý và rằng một người giảng về chân lý cũng đáng được kính ngưỡng như chính chân lý.

Cuối cùng, đại chúng suy nghĩ rằng: “Chư Phật đang ngồi trên cao và xa. Mong sao đức Như Lai dùng sức thần thông khiến chúng con thảy đều được trú giữa không trung”. Thế rồi tức thì đức Phật Thích-ca-mâu-ni dùng sức thần thông đưa cả đại chúng lên không trung. Điều này có nghĩa rằng nếu người ta tìm thấy được Phật tính trong chính mình thì người ta sẽ tức thời ở trong cõi của chư Phật.

Trong phẩm này, việc nắm lấy ý nghĩa toàn bộ của kinh văn quan trọng hơn là hiểu ý nghĩa của từng đoạn kệ, từng câu. Do đó, bàn luận của chúng ta sẽ chỉ giới hạn trong một khái quát của phẩm cùng với sự giải thích những điểm chủ yếu.
Sau khi nghe đức Phật giảng ở phẩm 10, những người trong đại chúng dứt khoát quyết định: “Như đức Phật dạy, dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng sẽ quảng bá giáo pháp linh diệu của đức Phật và phục vụ cho mọi người và xã hội”. Liền đó trước mặt họ, một ngôi tháp lớn làm bằng bảy thứ báu bỗng từ đất tuôn lên và trụ giữa không trung. Tháp được trang hoàng bằng đủ loại báu nên đẹp đẽ vô song. Hết thảy chúng sanh trong thế giới này, cả người và không phải người, tụ tập quanh tháp, đảnh lễ tháp, tôn kính, quy ngưỡng và ca ngợi tháp.

Sự miêu tả ngôi tháp từ dưới đất tuôn lên có một ý nghĩa rất sâu xa. Đất tượng trưng cho thân và tâm của ta như là những thường nhân. Đất cũng có nghĩa là thế giới Ta-bà gồm những thường nhân. Sự khai mở trí tuệ và sự cứu độ của chư Phật không phải từ trên mây rơi xuống mà tuôn ra từ bên trong chúng ta. Trí tuệ và cứu độ tuôn ra từ bên trong chúng ta thì mạnh mẽ và có giá trị thực sự, như đức Phật dạy chúng ta ở đây một cách rõ ràng. Giáo lý của Ngài là thực tế và tíchcực.

Rồi từ trong Bảo tháp, một âm thanh lớn phát ra: “Hay thay ! Hay thay ! Đức Thế Tôn Thích-ca-mâu-ni ! Ngài có thể thuyết giảng cho đại chúng kinh Diệu Pháp Liên Hoa của trí tuệ quảng đại nhờ đó chư Bồ-tát được giáo hóa và là kinh được chư Phật hộ niệm. Đúng như thế, đúng như thế, bạch đức Thế Tôn Thích ca-mâu-ni ! Tất cả những gì Ngài dạy đều chân thật”.

Âm thanh lớn này phát ra từ đức Như Lai Đa Bảo dù không ai trông thấy Ngài. Mọi người trong đại chúng tự hỏi không biết ai đang ở trong tháp. Bấy giờ Bồ-tát Đại Lạc Thuyết biết được sự nghi ngờ trong tâm mọi người, thay mặt cho họ mà hỏi đức Phật về lý do tháp này từ đất tuôn lên và lý do âm thanh ấy từ trong tháp truyền ra.

Rồi đức Phật bảo Bồ-tát Đại Lạc Thuyết: “Trong tháp này có toàn thân của đức Như Lai”. “Toàn thân của đức Như Lai” nghĩa là toàn bộ đức hạnh và năng lực mà đức Như Lai có. Ở đây đức Phật tuyên bố rằng khi một người nhận thức được Phật tánh của chính mình thì người ấy trở thành một vị vĩnh cửu như đức Như Lai; người ấy sẽ có được trí tuệ tối thượng và sẽ thể hiện lòng từ bi vôlượng.

Đức Phật dạy tiếp như sau: “Xưa kia trong quá khứ, có một đức Phật tên là Đa Bảo. Khi đức Phật này đang hành Bồ-tát đạo, Ngài có lập đại nguyện rằng: “Sau khi tôi thành Phật và nhập diệt, bất kỳ trú xứ nào trong vũ trụ có một chỗ mà tại đó kinh Pháp Hoa được giảng thì tháp của tôi sẽ khởi lên và xuất hiện ở đó để tôi có thể lắng nghe kinh ấy, xác chứng và ca ngợi kinh ấy rằng: "Hay thay !". Khi đức Phật ấy đã thành tựu con đường của Ngài, đến khi sắp diệt độ, Ngài giáo huấn chư Tỳ-kheo của Ngài giữa chư Thiên, Người và một hội chúng lớn. Giờ đây chính đức Như Lai Đa Bảo đang ở trong ngôi tháp vừa từ dưới đất tuôn lên chứ chẳng ai khác”.

Bấy giờ Bồ-tát Đại Lạc Thuyết bạch đức Phật: “Bạch Thế Tôn ! Chúng con thiết tha mong được nhìn thấy thân của đức Phật này”. Xác nhận mong mỏi ấy, đức Phật nói với Bồ-tát Đại Lạc Thuyết rằng: “Đức Phật Đa Bảo này có lời nguyện thâm trọng: "Khi tháp của tôi xuất hiện trước bất cứ đức Phật nào nhằm để nghe kinh Pháp Hoa, nếu Ngài muốn trỏ thân tôi cho bốn chúng, thì chư Phật phân thân từ đức Phật này và đang giảng Pháp ở mọi phương thế giới thảy đều cùng trở về tụ hội ở một nơi, bấy giờ tôi sẽ hiện thân"“.

Thay mặt tất cả đại chúng, ngài Đại Lạc Thuyết bạch đức Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng mong được thấy chư Phật phân thân từ đức Thế Tôn, tôn thờ và đảnh lễ chư vị”.

Thế rồi đức Phật phóng hào quang từ vòng lông trắng giữa đôi mày Ngài, ngay đó hết thảy chư Phật tại các quốc độ ở mọi phương hiện hình, chỗ nào hào quang từ vòng lông trắng chiếu đến đều hiển lộ những quốc độ được trang hoàng đẹp đẽ của chư Phật. Rồi mỗi đức Phật nói với chúng Bồ-tát của Ngài rằng: “Này các Thiện nam tử ! Giờ đây chúng ta hãy đến đức Phật Thích-ca-mâu-ni ở thế giới Ta-bà và đảnh lễ Bảo tháp của đức Như Lai Đa Bảo”. Thế rồi thế giới Ta-bà liền trở thành một cõi thanh tịnh và trang nghiêm đẹp đẽ.

Câu chuyện này chỉ rõ rằng cõi Tịnh Độ không phải ở một nơi nào xa xôi mà ở ngay đây, trong cõi Ta-bà này, nơi chúng ta đang sống. Đối với một người có trí tuệ, cõi Ta-bà về bản chất thì đồng nhất với cõi Tịnh Độ của Tịch Quang.

Chư Phật từ mười phương đều đến và tụ hội trong cõi Ta-bà. Mỗi vị đều gởi thị giả của mình đến đảnh lễ đức Phật Thích-ca-mâu-ni và chư Phật thảy đều bảy tỏ lòng mong mỏi Bảo tháp được mở ra. Liền đó, đức Phật Thích-ca-mâu-ni dùng bàn tay phải mở cửa tháp Thất Bảo, khi ấy có một âm thanh lớn như tiếng rút then khi mở cổng đại thành. Bấy giờ tất cả đại chúng nhìn thấy đức Như Lai Đa Bảo ngồi trên tòa sư tử trong Bảo tháp. Và họ nghe Ngài dạy: “Hay thay ! Hay thay ! Đức Phật Thích-ca-mâu-ni ! Hãy mau giảng kinh Pháp Hoa. Tôi đến đây để nghe kinh này”.

Tất cả đại chúng đều ca ngợi sự kỳ diệu chưa từng có này và rải những cụm hoa báu của trời lên đức Phật Đa Bảo và đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Bấy giờ đức Phật Đa Bảo chia nửa tòa cho đức Phật Thích-ca-mâu-ni và bảo: “Bạch đức Phật Thích-ca-mâu-ni ! Xin hãy ngồi vào đây !” Đức Phật Thích-ca-mâu-ni liền vào trong tháp và ngồi kiết-già trên tòa.

Đầu tiên, đại chúng vô cùng xúc động vì cảnh tượng kỳ diệu này, nhưng khi họ trông thấy hai đức Phật ngồi kiết-già trong tháp giữa không trung, họ cảm thấy tủi thân như là hai đức Phật bỗng cao xa quá. Mọi người nghĩ rằng họ mong chư Như Lai dùng sức thần thông mà đưa họ lên không trung. Lập tức đức Phật Thích-ca nhận ra cảm nghĩ của họ, dùng sức thần thông mà đưa tất cả đại chúng lên đến không trung.

HAI NƠI VÀ BA HỘI CHÚNG:

Từ phần này của phẩm này, việc giảng kinh Pháp Hoa dời từ núi Linh Thứu đến hội chúng giữa không trung. Người ta bảo đức Phật Thích-ca đã giảng tại hội chúng trên núi Linh Thứu, kế đến là tại hội chúng giữa không trung, cuối cùng lại giảng tại núi Linh Thứu. Ý nghĩa tâm linh của hai nơi và ba hội chúng như sau đây.

Khi thọ nhận giáo pháp của đức Phật, trước hết chúng ta không thể hiểu được giáo pháp ấy nếu chúng ta không nối kết chặt chẽ với hoàn cảnh thực tế hiện tại của chúng ta. Lần giảng thứ nhất về kinh Pháp Hoa trên mặt đất nghĩa là đức Phật đầu tiên khai thị giáo lý của Ngài dựa vào thực tế. Đây là giáo lý của trí tuệ. Kế đến, việc giảng kinh trên không trung, cách xa mặt đất, nêu trỏ đức Phật như một lý tưởng vượt ra khỏi thực tế. Được như thế là do lòng từ bi tuyệt đối được đức Phật thể hiện. Nhưng giáo lý từ bi của Ngài sẽ vô nghĩa nếu chúng ta không chứng tỏ nó trong đời sống thực tế của chúng ta. Do đó, lần giảng cuối cùng về kinh Pháp Hoa quay trở lại thực tế (trên đất). Như vẫn thường nêu trong cuốn sách này, những câu chuyện lạ kỳ trong kinh Pháp Hoa không phải là những miêu tả thế giới mộng tưởng nào mà chứa đựng ý nghĩa tâm linh được khéo lậpluận.

HỌC THUYẾT VỀ SÁU ĐIỀU KHÓ VÀ CHÍN ĐIỀU DỄ THỰC HÀNH:

Bấy giờ từ bên trong Bảo tháp, đức Như Lai Thích-ca-mâu-ni lớn giọng bảo khắp bốn chúng rằng: “Những ai có thể phổ biến kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong thế giới Ta-bà này ? Nay quả thật đã đến thời. Như Lai chẳng bao lâu nữa sẽ nhập Niết-bàn. Đức Phật muốn lưu truyền kinh Diệu Pháp Liên Hoa này để kinh có thể mãi tồn tại”. Đức Phật dùng những so sánh mà trình bày sự khó khăn của việc giảng kinh Pháp Hoa trong thời suy mạt (mạt pháp). Đây thường được gọi là học thuyết về sáu điều khó và chín điều dễ thực hành.

Nếu một người nhấc núi Tu-di và nép vào một nơi khác thuộc vô số quốc độ của chư Phật, thì điều đó cũng chưa phải là khó. Nếu một người dùng các ngón chân mà nhấc một đại thiên thế giới rồi ném xa tới một quốc độ khác thì điều đó cũng chưa phải là khó. Nếu một người đứng trên Hữu Đỉnh(1) mà giảng cho hết thảy chúng sanh các kinh khác ngoài kinh Pháp Hoa thì điều đó cũng chưa phải là khó. Nhưng nếu một người, sau khi đức Phật nhập diệt, có thể giảng kinh này trong một thế giới xấu ác thì điều đó quả là khó. Dù có một người nắm lấy cả bầu trời (hư không) mà mang đi khắp nơi thì điều đó cũng chưa phải là khó. Nếu một người nắm lấy trái đất lớn (đại địa) mà đặt lên móng chân rồi lên đến cõi Phạm thiên thì điều đó vẫn chưa phải là khó.

Dù một người, trong cơn hỏa nạn cuối cùng khi thế giới tận diệt, mang một lượng cỏ khổ trên lưng vào trong lửa mà không bị thiêu cháy thì điều đó vẫn chưa phải là khó. Nhưng sau khi đức Phật diệt độ, trong lòng một thế giới xấu ác, nếu có ai trì kinh Pháp Hoa, đọc lớn kinh và tuyên giảng kinh cho chỉ một người khác thôi thì điều đó quả thực là khó.

Đơn giản là vì đức Phật giảng như thế, tuy vậy chúng ta không nên thối chí mà sợ rằng chúng ta không thể thực hiện một công tác khó khăn như thế.
Ở đây đức Phật vạch ra những khó khăn mà chúng ta sẽ gặp trong khi chúng ta trọn vẹn thọ trì, đọc tụng và thuyết giải kinh Pháp Hoa. Dù chúng ta liên tục nỗ lực để tu tập viên mãn, chúng ta vốn đã hiểu một số khó khăn đã nêu trên. Vậy chúng ta không nên nản lòng. Nếu chúng ta thực sự nghiên cứu kinh này, ghi nhớ và sẵn sàng thực hành kinh trong những giới hạn của khả năng mình thì chính sự việc này sẽ là bằng chứng cho sự thành tựu của chúng ta về công tác khó khăn ấy. Tốt hơn, chúng ta nên khích lệ nhau tu tập trong những lúc khó khăn này, khiến hết thảy chư Phật hoan hỷ về chúng ta.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]