Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sách: Phù Tang Ký Sự

10/05/201401:55(Xem: 13844)
Sách: Phù Tang Ký Sự



Ky_Su_Phu_Tang_ThichPhuocThai




Phù Tang Ký Sự

 

Thành Kính Tri Ân

 

Sách nầy được hình thành là nhờ công ơn của:

 

- Quý Đại Đức Thích Phước Viên, Thích Phước Quảng, Sư Cô Thích Phước Thanh, Thích Phước An, và quý đạo hữu Hồ Sĩ Trung, Lệ Phượng đã tận tình giúp cho phần đánh máy, kỹ thuật trình bày, sửa bản in và in ấn.

- Chư Tôn Đức Tăng Ni, quý liên hữu trong hai đạo tràng: Phước Huệ và Quang Minh cùng quý Phật tử gần xa phát tâm hỷ cúng tịnh tài ấn tống.

- Nhà xuất bản Quang Minh.

- Quý vị đồng hành đã cung cấp bài vở và đóng góp tịnh tài.

 

Xin tất cả nhận nơi đây lòng tri ân chân thành của soạn giả.

 

Nguyện đem công đức nầy hồi hướng cho quý ân nhân cùng pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.

 

Trân kính

 

Thích Phước Thái

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vài Lời Giới Thiệu

Tập sách Phù Tang Ký Sự do Đại Đức Thích Phước Thái biên soạn, ghi lại cuộc hành trình trong chuyến đi Nhật Bản lần đầu tiên của tác giả và của đoàn. Tổng số người đi là 25 người đa số là những liên hữu trong đạo tràng Quang Minh. Mục đích của chuyến đi nầy, nhằm thực hiện cầu an, cầu siêu cho các nạn nhân thiên tai sóng thần đã xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, tại tỉnh Miyagi thành phố Sendai thuộc miền Đông Bắc Nhật Bản. Ai cũng biết đó là trận thiên tai sóng thần ác liệt đã gây ra thiệt hại nặng nề về tài sản và sinh mạng. Có hơn 15.000 người chết và trên 3.000 người bị mất tích. Đồng thời, đoàn cũng cỏn đến thăm viếng thuyết giảng và ủy lạo cho 24 gia đình nghèo tại chung cư Hiệp Hội Từ Thiện. Ngoài ra, đoàn còn đi tham quan chiêm bái những danh lam thắng cảnh ở một vài nơi khác. Tất cả đã được tác giả ghi lại từng ngày, từng nơi, mà đoàn đã đi qua và thực hiện. Ngoài việc ghi chép theo lịch trình thời gian ra, tác giả còn cho chúng ta biết qua một vài vấn đề có liên quan đến đời sống và phong tục của người Nhật Bản. Tác giả còn dẫn chứng qua một số tài liệu đề cập một cách khái quát về lịch sử đất nước Nhật Bản, cũng như lịch sử của một số các ngôi Chùa nổi tiếng mà đoàn đến tham quan chiêm bái. Sách còn cho chúng ta biết sơ qua một vài dữ kiện về sự hình thành và phát triển của các tông phái Phật giáo Nhật Bản, từ khi mới du nhập cho đến hiện đại.

Nói chung, nội dung sách nầy phần lớn tác giả chỉ ghi lại những kỷ niệm mà đoàn đã trải qua những nơi, kể từ khi bắt đầu cuộc hành trình cho đến khi chấm dứt chuyến đi. Dõi theo từng bước đi của đoàn ta có thể biết được những việc xảy ra qua từng thời điểm và những nơi mà đoàn đến. Thời gian 14 ngày ở Nhật Bản, đoàn đã đi qua bốn thành phố: Tokyo, Kyoto, NaraNikko. Đọc sách nầy, ngoài phần giới thiệu sơ qua vài nét về đời sống phong tục tập quán, lịch sử, địa lý… nhất là nơi xảy ra thiên tại thiệt hại nặng nhất, độc giả còn có thể biết được một vài cảnh trí thiên nhiên nên thơ hấp dẫn rất lý thú của mảnh đất Phù Tang hay xứ hoa anh đào.

Ngoài việc ghi chép thời gian ở Nhật Bản, tác giả còn ghi thêm bốn ngày ở Thái Lan. Nơi đây, tác giả cũng cho chúng ta biết sơ qua về đất nước và các ngôi Chùa nổi tiếng ở xứ Chùa Vàng. Đồng thời, tác giả cũng ghi lại một vài thắng cảnh tiêu biểu danh tiếng như: Hoàng Cung của vua Ramma 5 và các trung tâm thương mãi chuyên nghiệp như: Trung tâm nghiên cứu rắn, Khu vườn bướm và Trung tâm đá quý. Nơi nào cũng có những sắc thái kỳ thú hấp dẫn riêng của nó.

Tác phẩm nầy không đặt nặng chuyên sâu phần khảo cứu mà chi ghi lại đánh dấu những kỷ niệm của đoàn mà thôi. Tuy nhiên, nội dung của sách cũng mang lại cho chúng ta nhiều tài liệu quý giá mà tác giả đã có công sưu tầm ghi lại. Sách còn cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm thực tế quý giá mà đoàn đã trải nghiệm. Thiết nghĩ, cũng rất bổ ích cho sự tìm hiểu và giúp thêm kinh nghiệm cho những ai muốn hành hương xứ Nhật.

Mong rằng, trong tập sách nhỏ nầy độc giả sẽ tìm thấy những điều ghi nhận rất bình dị đầy chân tình của tác giả qua những điều hay dở thuận nghịch mà chính tác giả đã kinh nghiệm mục kích ghi lại.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một tác phẩm rất hữu ích nầy.

Nhà Xuất Bản Quang Minh

 

Lời Đầu Sách

 

Tập sách nhỏ nầy, chúng tôi ghi lại những ngày hành trình trên đất Nhật. Vì đây là chuyến đi Nhật Bản lần đầu tiên của chúng tôi. Chúng tôi muốn lưu lại những kỷ niệm cũng như những việc làm mà đoàn đã thực hiện. Chuyến đi nầy, chúng tôi nhắm thẳng vào ba mục đích chính:

 

Thứ nhứt, chúng tôi muốn đến tận nơi để quan sát tận tường những gì mà trận thiên tai sóng thần đã gây ra làm thiệt hại nặng nề về sinh mạng cũng như tài sản vào ngày 11 tháng 3 năm 2011. Bởi tai nghe không bằng mắt thấy. Đồng thời, chúng tôi cũng còn phối hợp với một vài vị Tăng Ni và Phật tử ở Nhật để thiết lập đàn tràng cầu an, cầu siêu cho những nạn nhân thiên tai, cầu nguyện cho kẻ còn được sống an vui hạnh phúc, người mất chóng được siêu sanh thoát hóa.

 

 Thứ hai, chúng tôi trực tiếp đến viếng thăm an ủi và tận tay giúp đỡ chút ít tài vật cho một số ít các nạn nhân thiên tai, mà họ hiện đang sinh sống trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn thiếu thốn đủ mọi mặt. Những người nầy khoảng 24 gia đình, họ đang tạm sống trong một chung cư của Hiệp Hội Từ Thiện dành cho những người bị khổ nạn.

 

Thứ ba, chúng tôi sẽ mở một khóa tu học ngắn hạn tại chùa Nhật Tân Cốc trong thành phố Tokyo, để cho một số Phật tử Việt Nam hiện đang sinh sống tại Nhật có cơ hội tham gia tu học. Việc làm nầy cũng nhằm tạo chút thiện duyên trong mối thâm tình giao hữu giữa những người đồng hương với nhau. Ngoài ba mục đích chính nầy ra, chúng tôi còn đi tham quan chiêm bái một số các danh lam thắng cảnh chung quanh các thành phố nổi tiếng ở Nhật. 

 

Vì nhắm vào ba mục đích chính đó, nên chúng tôi phải chọn người đi cho thích hợp. Chúng tôi đặc biệt dành ưu tiên cho những liên hữu Phật tử trong đạo tràng Quang Minh. Vì những vị nầy đã có một quá trình sinh hoạt tu học dài lâu trong đạo tràng. Và đặc biệt hơn nữa là chúng tôi cần có một vài vị trong Ban Nghi Lễ của đạo tràng. Bởi những vị nầy tương đối họ cũng đã có thực tập biết chút ít về nghi lễ. Chúng tôi giới hạn số người đi tối đa là ba mươi vị. Tuy chúng tôi không có tuyên bố thẳng với mọi người là đi tu học, nhưng kỳ thực cũng gần giống như là đi tu học. Vì ngoài việc làm lễ cầu an, cầu siêu ở những nơi đã được ấn định, mỗi khi lên xe cũng như khi đến những nơi tạm trú trong khách sạn hoặc ở trong chùa, tất cả đều có những thời khóa tụng niệm và nghe thuyết giảng. Cứ mỗi lần lên xe đi đến nơi hành lễ, hoặc đi chiêm bái các ngôi già lam, mọi người đều nhiếp tâm niệm Phật. Chúng tôi hướng dẫn mọi người luân phiên niệm Phật, thời gian mỗi lần niệm như thế khoảng 30 phút đồng hồ. Và sau đó mọi người nghe chúng tôi trình bày về con người và đất nước Nhật Bản.

 

Nói chung, chúng tôi dựa vào một số tài liệu sẵn có để trình bày một vài nét về nền văn minh và văn hóa của đất nước xứ Phù Tang. Những lúc đi tuyến đường xa, lợi dụng thời gian ở trên xe, chúng tôi kêu gọi mỗi người tự phát biểu cảm tưởng, nói lên những gì mà mình đã cảm nhận học hỏi được trong khi đi. Mọi người hưởng ứng trao đổi chia sẻ với nhau một cách phấn khởi hứng thú. Ngoài ra, chúng tôi còn cho mọi người sinh hoạt ca hát những bản nhạc đạo và kể những mẫu chuyện vui. Sau thời gian ca hát giải trí, mọi người có thể tự do trò chuyện riêng tư và ngắm cảnh, hoặc ngủ nghỉ dưỡng sức tùy ý. Vì là xứ hoa anh đào, nên thỉnh thoảng có những đoạn đường hai bên đường đều có những cây hoa anh đào bông xòe nở rộ từng chùm khoe sắc tuyệt đẹp. Mọi người tha hồ ngắm nhìn và trầm trồ khen ngợi. Đó là chúng tôi biến chiếc xe thành ngôi chùa lưu động và một sân khấu di chuyển.

 

Khi đến những nơi tạm trú như khách sạn hoặc ở trong chùa, chúng tôi đều có những thời khóa lễ tụng niệm và giảng pháp. Như khi đoàn chúng tôi đến ở khách sạn "Hoa Viên Hội Quán" thuộc thành phố Kyoto, hay tin có một liên hữu vãng sanh và một liên hữu hiện lâm trọng bệnh thập tử nhứt sanh nằm mê man bất tỉnh trong bệnh viện, chúng tôi liền liên lạc văn phòng khách sạn để thuê một căn phòng tương đối rộng rãi để chúng tôi tụng kinh cầu an và cầu siêu cho hai liên hữu đó. Chúng tôi tụng kinh cầu nguyện liên tiếp hai đêm ở đây, vì chúng tôi chỉ tạm trú ở đây có hai đêm thôi. Nói chung, nơi nào thấy có đủ tiện nghi thuận lợi thì chúng tôi cho đại chúng tụng niệm và trao đổi học hỏi với nhau. Đó là nói ở trong những khách sạn, còn ở trong các ngôi chùa, thì đêm nào cũng có hai thời khóa lễ. Một thời công phu vào lúc 5 giờ sáng và một thời Tịnh độ vào lúc 6 giờ 30 chiều. Đó là quy định chung của đoàn trong khi đi.

 

Đoàn chúng tôi tất cả là ba mươi vị. Ngoài hai mươi lăm vị ở đạo tràng Quang Minh ra, còn có năm vị ở các nước khác đến tháp tùng chung đoàn với chúng tôi. Chúng tôi thuê một chiếc xe buýt nhỏ vừa đủ 30 chỗ ngồi, tính luôn hàng ghế ở giữa lối đi.

 

Nói chung, nhờ chúng tôi có những chương trình sinh hoạt hữu ích như thế, nên mọi người cảm thấy hứng thú vui vẻ và an lạc. Và cũng nhờ thế, nên mỗi khi đi tuyến đường xa hơn 400 cây số, mà chúng tôi không ai cảm thấy mệt mỏi. Có khi tới nơi khi nào chúng tôi cũng không hay biết.

 

Nhân đây, thay mặt đoàn chúng tôi xin chân thành cám ơn thầy Đức Minh, sư cô Tâm Trí, Phật tử Nhật Tịnh, Phật tử Diệu Nguyện và một số các Phật tử khác. Nhất là đối với hai cha con bác tài xế đã đưa chúng tôi suốt cuộc hành trình ở Nhật. Thầy Đức Minh từ Việt Nam sang Nhật. Thầy đến trước đoàn chúng tôi vài ngày. Nhân đó, sư cô Tâm Trí mời thầy tham dự trong chuyến đi đến tỉnh Miyagi để cầu nguyện. Riêng về Phật tử Nhật Tịnh, phải nói cô là nhân vật chính, vì nhờ cô ngỏ lời thỉnh cầu nên chúng tôi mới có đủ cơ duyên sang Nhật. Ngoài cô Nhật Tịnh ra, còn có sư cô Tâm Trí. Sư cô là người Việt Nam du học ở Nhật và hiện đang cư trú tại chùa Nhật Tân Cốc thuộc thành phố Tokyo. Chùa nầy do Hòa Thượng Yoshimizu Daichi làm trụ trì. Đây là ngôi chùa mà đoàn chúng tôi tạm trú trải qua nhiều đêm. Được biết, sư cô Tâm Trí sang Nhật du học có trên mười năm. Vì thế, sư cô khá giỏi tiếng Nhật, nói và nghe rất thông thạo. Trong thời gian đoàn chúng tôi tạm trú trong ngôi chùa Nhật Tân Cốc nầy, mọi việc đều nhờ sư cô Tâm Trí tận tâm giúp đỡ. Ngày đầu khi mới tới, chúng tôi có cung thỉnh Hòa Thượng trụ trì ra chánh điện để chúng tôi đảnh lễ và xin phép ngài cho đoàn chúng tôi được lưu trú tá túc vài hôm. Ngài rất hoan hỷ hứa khả.

 

 

Mọi việc sắp xếp ở bên Nhật, từ việc liên lạc với chánh quyền sở tại, đặt phòng khách sạn, soạn thảo chương trình hành lễ, thiết trí lễ đài, thơ mời các quan khách và thân nhân của những nạn nhân thiên tai, vấn đề ăn uống, di chuyển v.v... tất cả đều do sư cô Tâm Trí và cô Nhật Tịnh lo hết. Còn ở bên Úc, thì tôi nhờ cô Nguyên Nhật Tiến lo giùm việc đặt vé cho những người đi và những việc cần thiết linh tinh khác. Suốt trong thời gian từ khi bắt đầu cho đến khi tới Nhật, mọi việc tôi nhờ hai cô: Nhật Tiến và Nhật Tịnh giúp giùm. Hai cô nầy thường xuyên liên lạc qua phương tiện email hoặc điện thoại. Khi đến Nhật, chúng tôi được những vị nầy tận lực lo lắng giúp đỡ đủ mọi mặt và những vị trong đoàn cũng hết lòng phục vụ. Nhờ sư tích cực tương trợ lẫn nhau nên mọi việc đều được an ổn suôn sẻ và kết quả chuyến đi thành công tốt đẹp.

 

Lời sau cùng, vì chúng tôi không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, nên việc ghi chép hành văn của chúng tôi, tất nhiên còn vụng về và nhiều thiếu sót. Chúng tôi kính mong quý độc giả, các bậc cao minh thức giả thương tình lượng thứ và chỉ giáo cho. Người viết xin hết lòng tri ân và đa tạ.

 

Một lần nữa, chúng tôi thành kính tri ân chư Tôn Đức Tăng Ni và quý Phật tử cũng như các bạn đồng hành, nhất là cô Diệu Phủ cùng liên hữu Trí Lạc đã hỗ trợ tinh thần, bài vở và nhứt là ủng hộ đóng góp phần tịnh tài, nên quyển sách nầy mới sớm được hoàn thành.

 

KÍnh nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho chư Tôn liệt vị vạn sự an khang kiết tường như ý.

 

Trân Kính

 

Thích Phước Thái.

 

 

 

 

 

I. Một Nhân Duyên

 

Thông lệ hằng năm vào mùa holiday tháng 12 Dương lịch, Tổ Đình Phước Huệ, Sydney đều có tổ chức khóa tu Tịnh Nghiệp ba ngày và Đại Hội Cực Lạc Liên Hữu. Khóa tu nầy được lồng trong khóa tu xuất gia ngắn hạn ba tuần. Trong khóa tu Tịnh Nghiệp ba ngày kỳ nầy ( 2011 ), đặc biệt có một cô Phật tử pháp danh Nhật Tịnh từ nơi xa xôi ở xứ Mặt Trời Mọc đến tham dự. Theo lời cô cho biết, khi đến Sydney thăm người bạn thân là cô Diệu Hòa, mới biết được ở Phước Huệ có khai giảng khóa tu học ba ngày, nên cô và cô Diệu Hòa không do dự đến ghi tên tu học ngay. Trong khóa tu nầy, ngoài những liên hữu Phật tử ở đạo tràng Phước Huệ ra, còn có một số quý liên hữu Phật tử ở đạo tràng Quang Minh, Melbourne lên tham dự.

 

Sau ba ngày tu học, cô cảm thấy rất an lạc cho thân tâm. Từ đó, cô khởi ý niệm, mình được lợi lạc cũng muốn cho người khác cũng được lợi lạc như mình, nên trong buổi họp chúng mãn khóa tu, cô được mời lên phát biểu cảm tưởng, vì cô là người ở phương xa đến dự. Trong lời phát biểu của cô thật là cảm động. Cô bày tỏ bằng tất cả tấm lòng của một người Phật tử từ nơi xa xôi đến dự khóa tu lần đầu. Cô cảm động vì nhận thấy mình có đủ phúc duyên được tham dự khóa tu trong ba ngày qua. Dù thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng đối với cô thì thật là quý báu vô cùng. Cô nghĩ đến những Phật tử ở Nhật không có được cái cơ duyên thù thắng tu học như thế nầy. Do đó, cô cũng muốn làm sao cho những vị đó có cơ hội tu học. Do nghĩ thế, nên cô không ngần ngại có ý mời chúng tôi sang Nhật một chuyến để gieo thiện duyên với quý Phật tử bên đó. Cô lặp đi lặp lại hai lần trong lời tha thiết thỉnh cầu. Lúc đó, tôi liền nhận lời mà không có một chút đắn đo suy nghĩ. Thật là một nhân duyên đặc biệt kỳ lạ. Khi nhận lời mời của cô và tôi cũng có nói thêm là nếu tôi đi thì sẽ có quý vị trong hai đạo tràng Phước Huệ và Quang Minh đi cùng. Cô thấy thế nào? Cô liền nói, nếu được vậy thì còn gì quý bằng.

 

Sau đó, cô xuống Melbourne tới chùa Quang Minh để dự khóa tu Kết Kỳ Niệm Phật cuối tháng 12 dương lịch năm 2011. Khóa tu bắt đầu từ ngày 24/12/ đến ngày 31/ 12/ năm 2011. Tuy nhiên, rất tiếc là cô chỉ dự tu có một ngày thứ bảy thôi. Bởi cô đặt vé gia hạn không được, nên đành phải trở về Nhật đúng hạn kỳ. Trong buổi họp chúng ngày đầu của khóa tu, tôi cũng có mời cô lên phát biểu để từ giả quý liên hữu trước khi cô rời khỏi Úc về lại Nhật ( vì hôm cô dự khóa tu ở Phước Huệ có quen biết với một số quý liên hữu ở đạo tràng Quang Minh lên tham dự ). Hôm đó, những lời cô phát biểu nói về cảnh thiên tai sóng thần đã gây ra biết bao thảm cảnh đau thương cho người chết cũng như người còn sống, thật là chua xót đau lòng! Tất cả thính chúng nghe cô trình bày ai nấy đều rất cảm động. Bởi khi cô nói cô cũng nghẹn ngào xúc động rơi lệ nói không ra lời. Nhân dịp đó, cô cũng có nhã ý mời tôi và quý liên hữu sang Nhật một chuyến, trước là đến nơi gây ra thiên tai để cầu siêu cho những hương linh nạn nhân và sau là mở khóa tu học cho quý Phật tử bên đó có dịp tham dự tu học. Xét thấy, lời mời ( nói tiếng mời nghe cho nó trang trọng, kỳ thật thì cô đâu có đủ khả năng tài trợ mọi chi phí, mà mọi người phải tự chi phí lấy ) của cô bằng tất cả tấm lòng tha thiết của người con Phật và nhất là có tấm lòng từ bi thương xót những người không may bị tử vong trong trận thiên tai kinh hoàng thảm khốc đó. Vì vậy, mà quý liên hữu Phật tử hiện diện hôm đó cũng đều hưởng ứng phát tâm đi theo lời mời của cô. Số người phát tâm đi quá đông, buộc lòng tôi phải giới hạn lại số người đi. Nhất là đối với những vị trọng tuổi sức khỏe yếu kém bệnh hoạn. Những vị nầy tôi khuyên họ không nên đi, vì nếu không may xảy ra chuyện gì thì sẽ gây trở ngại cho đoàn không ít. Bởi chuyến đi nầy không phải đi với tánh cách du lịch ngoạn cảnh không thôi, mà đi mang sứ mệnh của một người Phật tử trong sự cầu nguyện và tu học. Đó là duyên do chính yếu của chuyến đi Nhật Bản lần đầu tiên nầy.

 

II. Những Ngày Chuẩn Bị

 

Bất cứ chuyến đi nào dù thời gian ngắn hay dài, tất nhiên cũng cần phải có sự chuẩn bị trước. Nhờ trải qua vài lần hành hương tu học ở Trung Quốc và Ấn Độ, nên chúng tôi cũng có thêm chút ít kinh nghiệm. Cho nên, khi thực hiện chuyến đi lần nầy, dù thời gian chỉ có 2 tuần ở Nhật và 4 ngày ở Thái Lan, chúng tôi cũng vẫn phải chuẩn bị tương đối chu đáo mọi việc. Từ việc đặt vé máy bay cho đến những thủ tục và các vật dụng cần thiết mang theo. Về việc đặt vé máy bay, cũng như chuyến đi Ấn Độ lần trước, mọi việc thủ tục giấy tờ, tôi nhờ cô Oanh giúp giùm. Vì cô là người đại diện cho đại lý bán vé có tên là Yes travel PTY LTD . Mọi việc liên quan đến vấn đề đặt vé, visa và bảo hiểm, tôi nhờ cô Nguyên Nhật Tiến thay tôi lo hết mọi việc.

 

Như đã nói, mục đích chính của chuyến đi là để cầu nguyện và mở khóa tu học. Đoàn sẽ phối hợp cùng một vài vị Tăng Ni và một số quý Phật tử bên đó để thiết lập đàn tràng chẩn tế cầu siêu tại bãi biển nơi đã xảy ra thiên tai. Được biết tên địa danh của nơi nầy là vùng Mimani - Sanri-ku nằm trong địa phận của tỉnh Miyagi thành phố Sendai. Chính vì vậy nên chúng tôi cần phải chuẩn bị một số vật dụng cần thiết cho pháp sự nầy. Chúng tôi cần mang theo một số đèn hoa sen bằng pin để thắp sáng khi cầu nguyện. Để chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho cá nhân cũng như cho đoàn, đồng thời cũng muốn phổ biến một vài thông tin thiết yếu trong khi đi, nên chúng tôi mời những vị trong đoàn về chùa Quang Minh để họp bàn. Buổi họp đã diễn ra vào lúc 2 giờ chiều ngày chủ nhật 18/3/2012. Tất cả đều có mặt đông đủ. Đặc biệt trong buổi họp nầy, chúng tôi nhờ cô Hà thiết lập hệ thống computer để có thể nói chuyện trực tiếp cùng với cô Nhật Tịnh bên Nhật trên màn ảnh. Như vậy, thì mọi việc sẽ được trình bày rõ ràng hơn. Chương trình hội thảo, chúng tôi nêu ra một số vấn đề như: phương tiện di chuyển, quà tặng, cúng dường tịnh tài, vật dụng mang theo, tiền gởi tặng cho những nạn nhân thiên tai v.v...

 

Ngoài những đoàn viên tham dự, còn có cô Oanh thay mặt đại lý bán vé đến tham dự. Cô đưa vé và trả Passport lại tận tay cho mỗi người. Cô cũng trình bày về sự khác biệt giá cả bảo hiểm là do sai biệt về tuổi tác. Đồng thời cô cũng gởi tặng cho mỗi người một cái kết đội đầu cùng màu. Cô Nhật Tịnh trình bày về việc di chuyển cũng như nơi ăn, chỗ ở của đoàn. Cô nói, cho đến giờ phút nầy, thì mọi việc ở bên Nhật không có gì trở ngại. Vấn đề di chuyển suốt thời gian hành trình ( chỉ tới ngày 15/ 4/ 2012 ), thì cô đã thuê được một chiếc xe buýt nhỏ đủ 30 chỗ ngồi rất là tiện lợi. Mình chỉ trả tiền thuê xe ( xăng nhớt, lộ phí, bãi đậu xe ) còn tiền tài xế thì khỏi phải trả. Vì đó là chiếc xe của ông nên ông phát tâm lái giúp cho đoàn mình không nhận tiền thù lao. Nói chung, thì mọi việc ở bên Nhật đều diễn tiến tốt đẹp. Riêng về khách sạn, nhờ đoàn đặt sớm, nên giá cả tương đối phải chăng cũng không đến đổi mắc lắm.

 

Về số người đi tổng cộng là 25 vị. Thầy Phước Thái, Hà Ngọc, Chơn Trì, Diệu Hương 2, Tuệ Giác, Trí Lạc, Diệu Ngọc 4, Viên Nguyện, Tín Chánh, Nguyên Chơn, Nguyễn Hồng Điệp, Tony Lê Nguyễn, Mỹ Phương, Viên Hảo, Tâm Đắc, Mỹ Lộc, Viên Như, Diệu Tuyết, Diệu Phủ, Tâm Tiên, Viên An, Diệu Liên, Tâm Hải, Diệu Đức, Nguyên Nhật Tiến.

 

Thành phần Ban Tổ Chức, chúng tôi mời một số vị vào trong BTC như sau:

 

Trưởng phái đoàn: ĐĐ Thích Phước Thái

Hướng dẫn, thông dịch và thuyết trình: Sư cô Tâm Trí, Nhật Tịnh.

Thơ ký: Trí Lạc và Mỹ Lộc.

Thủ quỹ: Diệu Hương 2 và Mỹ Phương.

Nhiếp ảnh & quay phim: Tony Lê Nguyễn, Tuệ Giác và Mỹ Phương.

Nghi Lễ: Tâm Hải, Hà Ngọc, Viên Nguyện...

Ghi chép: Diệu Phủ, Trí Lạc.

Trai soạn: Nhật Tịnh, Nhật Tiến, Nguyên Chơn, Viên Hảo, Diệu Liên, Viên Như ...

 

Vì muốn dễ kiểm soát cho có trật tự và nhắc nhở, giúp đỡ trực tiếp với nhau trong khi đi, nên chúng tôi căn cứ vào danh sách mà phân chia ra làm hai chúng. Đứng đầu mỗi chúng là một chúng trưởng. Mỗi chúng, chúng tôi lấy tên của hai vị cao Tăng của Phật Giáo Việt Nam mà đặt tên. Đó là cố Hòa Thượng Thiện Hòa và cố Hòa Thượng Thiện Hoa.

 

Chúng Trưởng chúng Thiện Hòa là cô Tâm Hải.

 

Các chúng viên gồm có: Hà Ngọc, Chơn Trì, Diệu Hương 2, Tuệ Giác, Trí Lạc, Diệu Ngọc 4, Viên Nguyện, Tín Chánh, Nguyên Chơn, Nguyễn Hồng Điệp, Diệu Tuyết.

 

Chúng Trưởng chúng Thiện Hoa là cô Nguyên Nhật Tiến.

 

Các chúng viên gồm có: Tony Lê Nguyễn, Mỹ Phương, Viên Hảo, Mỹ Lộc, Viên Như, Diệu Phủ, Tâm Tiên, Viên An, Diệu Liên, Diệu Đức, Tâm Đắc.

 

Nhiệm vụ của chúng trưởng và các chúng viên.

 

Các chúng trưởng có nhiệm vụ thức nhắc các chúng viên của mình về mọi việc trong suốt thời gian đi. Đại khái như những trường hợp sau đây:

 

1. Kiểm điểm các chúng viên của mình trước khi lên xe.

2. Kiểm người trên xe trước khi xe chạy.

3. Khi lên xe, tất cả đều nhiếp tâm niệm Phật theo sự hướng dẫn của thầy Trưởng Đoàn.

4. Giữ gìn trang nghiêm trật tự những nơi tham quan chiêm bái và hành lễ.

5. Các vị chúng viên cần gì nên trực tiếp cho vị chúng trưởng của mình biết.

6. Khi chúng viên nào có bệnh thì báo cáo cho chúng trưởng của mình biết.

 

Sau cuộc họp nầy, mọi người chuẩn bị chờ đợi đúng ngày lên đường.

 

III. Khởi Hành.

 

Ngày 1, tức ngày 4/4/12/

 

Phi Trường Quốc Tế Melbourne.

 

Sau bao ngày chờ đợi, nay đã tới ngày lên đường. Chúng tôi hẹn nhau tất cả phải có mặt tại phi trường Melbourne vào lúc 8 giờ tối ngày thứ tư 4/4/2012. Mỗi người tự động đến phi trường bằng phương tiện riêng của mình. Theo thời giờ đã định thì máy bay sẽ cất cánh vào lúc 12 giờ khuya. Tuy nhiên, ai cũng biết thói quen của người Việt mình ít khi đến đúng giờ. Vì sợ trễ nãi xảy ra phiền phức, nên tôi hẹn mọi người phải tới sớm để có rộng thời giờ cân hành lý. Hành lý cá nhân cũng như hành lý chung của đoàn. Do đó, tôi nghĩ, thà check in sớm rồi vào bên trong ngồi đợi cũng không sao. Đó cũng là một kinh nghiệm mà tôi thấy nhiều khi có đoàn bị trễ nãi. Từ đó sanh ra la lối giận hờn trách móc đủ thứ. Chưa đi tới đâu mà đã sanh phiền não mất vui rồi. Và tôi cũng thừa biết, mọi người sẽ không bao giờ đến đồng nhứt. Kẻ tới trước người tới sau, có người tới vừa lúc đoàn sắp hàng cân hành lý. Đó là cái bệnh cà rịt cà tang, cà ràng cà rề của người Việt mình. Như hôm nay, hẹn 8 giờ, có người gần đến 9 giờ mới tới. Căn bệnh trầm kha nầy thật cũng khó có thuốc chữa. Người mình ít khi nào giữ đúng giờ hẹn. Trừ những ai có lòng tự trọng và tập cho mình có thói quen đúng giờ giấc mới không bị sai hẹn. Những người giữ được như thế, thì thật là thưa thớt hơn lá mùa thu trên cành.

 

Khi đến, tôi thấy một số vị đã có mặt. Mọi người chuyện trò với nhau rất vui vẻ. Mỗi người tự kiếm chỗ ngồi cho đỡ mỏi chân. Những thân nhân con cháu lái xe đưa đến cũng đông. Họ đến để tiễn đưa người thân của mình lên đường. Trong khi chờ đợi một vài người tới, chúng tôi liền phát cho mỗi người một quyển sách “Hành Trình Trên Đất Phật”. Quyển sách nầy, chúng tôi ghi lại trong chuyến đi Ấn Độ năm rồi. Tức vào ngày 16/10/2011. Số sách nầy, tôi mang qua Nhật để tặng cho quý Phật tử ở bên đó. Cho nên, tôi muốn nhờ mỗi người giữ giùm một cuốn. Trong khi chờ đợi hoặc ngồi trên máy bay mọi người có thể đọc cho đỡ buồn. Khi phân phát tôi cũng có nói như thế. Mọi người rất hoan hỷ nhận lấy. Tôi nói với họ là khi về lại, tôi sẽ biếu tặng mỗi người một quyển. Ngoài ra, Tony và Mỹ Phương cũng phân phát cho mỗi người một cái gối nhỏ choàng cổ, để khi lên máy bay kê đầu ngủ không bị lắc qua lắc lại, dễ ngủ hơn. Tôi thấy cái gối nầy thật sự rất có hiệu nghiệm. Khi lên máy bay, tôi thấy ai cũng kê đầu nằm dựa vào ghế ngủ ngon lành. Những chiếc gối nầy là do Mỹ Phương mua tặng cho đoàn. Mỹ Phương còn tặng cho mỗi người một cặp "Ear plug" để nhét lỗ tai cho đỡ lùng bùng khi phi cơ cất cánh cũng như khi đáp xuống. Cô còn phát cho mỗi người hai miếng vải màu vàng để cột vào hành lý. Nhờ vậy mà mọi người dễ nhận hành lý của mình. Đó cũng là một cách đỡ phải mất thời gian.

 

Cân hành lý xong, chúng tôi lần lượt đi vào bên trong để làm thủ tục giấy tờ xuất cảnh. Tuy nhiên, trước khi vào tôi kêu mọi người chụp chung vài bôi hình để kỷ niệm trước khi lên đường. Xong rồi, mọi người kẻ cười người nói vui vẻ đi vào bên trong. Làm thủ tục giấy tờ xuất cảnh xong, chúng tôi đến chỗ ngồi chờ đợi. Lúc nầy, tôi thấy có người ngồi trầm lặng mê say đọc sách. Có người thì đi tới đi lui cho thư giãn gân cốt. Kẻ thì dụm ba dụm bảy chuyện trò tâm sự với nhau. Vì thời giờ còn rộng nên ai nấy tự do làm theo sở thích của mình.

 

Đúng 11 giờ 30, tất cả hành khách sắp hàng trình Boarding pass để lên phi cơ. Chiếc phi cơ air Thái mang số TG 462. Sau khi ổn định chỗ ngồi, máy bay cất cánh vào lúc 12 giờ khuya. Phần đông ai cũng buồn ngủ vì đã quá giấc ngủ theo thói quen. Dù đã khuya, nhưng theo lệ thường, thì các chiêu đãi viên vẫn phải làm theo bổn phận của mình. Nghĩa là họ phát cho mỗi hành khách một chiếc khăn ấm để lau mặt trước khi dùng thức ăn. Vì đi chung đoàn nên tất cả chúng tôi đều ngồi những hàng ghế gần nhau. Ăn xong, ai dễ ngủ thì ngã ra ngủ, còn ai khó ngủ thì nhắm mắt dưỡng thần. Riêng tôi, thú thật đi máy bay hay xe hơi ít khi ngủ được. Ngồi lâu tê chân nên đi tới đi lui cho đỡ tê. Mỗi lần đi ngang qua hàng ghế của cô Tâm Tiên, tôi thấy lúc nào cô cũng chăm chú đọc sách. Cô đọc quyển sách Hành Trình Trên Đất Phật, mà khi tối tôi đã phát cho cô. Dù đã trọng tuổi trên 80, nhưng sức khỏe của cô tương đối vẫn còn tốt. Ngoài cô ra, còn có cô Tín Chánh cũng miệt mài say mê đọc sách. Nhìn thấy hai người cặm cụi chăm chú đọc quyển sách của mình, lòng tôi cảm thấy rất vui. Một nhạc sĩ sáng tác một bản nhạc hay, mà được mọi người ca hát nghêu ngao bản nhạc của mình, thì chắc chắn người nhạc sĩ đó phải lấy làm thích thú lắm. Và đó cũng là động lực mạnh thúc đẩy người nhạc sĩ có nhiều hứng thú nghĩ ngợi sáng tác nhiều bản nhạc hay nữa để cống hiến cho đời.

 

Trải qua hơn 8 tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay, đối với những ai ngủ được, thì thấy không mấy chốc đã tới. Ngược lại, đối với những người không ngủ được, thì thấy thời gian rất lâu. Quả thật, thời gian thì không có lâu hay mau, mà lâu mau là do ở nơi con người. Nói rõ hơn là do ở nơi quan niệm tâm thức của mỗi người.

 

Ngày 2, tức ngày 5/4/12/

 

Phi Trường Bangkok

 

Máy bay đáp xuống phi trường Bangkok vào lúc 6 giờ sáng ( giờ địa phương ). Được biết, phi trường Suvarnabhumi mở cửa vào ngày 28/9/2006. Đây là sân bay chính của Thái Lan, nằm cách thủ đô Bangkok khoảng 30 km về phía đông. Cái tên Suvarnabhumi có nghĩa là Mảnh đất Vàng. Rời máy bay bước vào bên trong, ta thấy lối thiết kế toàn khu đúng theo phong cách hiện đại, với cấu trúc chủ yếu là thép và kính. Bên trên có mái vòm cao tạo ra một không gian thoáng rộng, đầy màu sắc rực rỡ với ánh sáng tự nhiên. Nhìn vào lối kiểu cách trang trí thiết bị xung quanh, chúng ta sẽ thấy được những nét độc đáo mang tính chất đặc thù của một nền văn hóa ảnh hưởng bởi tinh thần Phật giáo. Ở đây, chúng tôi phải chờ đợi chuyển máy bay mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Lợi dụng chút thời gian trống trãi nầy, chúng tôi mời mọi người tụ họp một nơi tương đối thanh vắng, để chúng tôi trình bày một vài điều thiết yếu khi đến các chùa cũng như khi đến nơi hành lễ. Nhất là, đối với những phong tục về cách giao tiếp của người Nhật. Mỗi quốc gia đều có một nền văn hóa mang sắc thái riêng. Chẳng hạn như cách chào hỏi, mỗi nước có cách chào hỏi khác nhau. Tuy nhiên, đối với những người Phật tử, chúng ta phải giữ cung cách chào hỏi và lịch sự trang trọng của một người Phật tử. Người Phật tử khi chào thì chúng ta chào họ bằng cách chắp tay. Chúng ta cần phải giữ cái nét đẹp đặc thù của một người Phật tử. Đại khái, chúng tôi trình bày, nhắc nhở và nhấn mạnh về phong cách của một người Phật tử qua bốn oai nghi cần phải có.

 

Trình bày xong, chúng tôi nhiếp chung một bôi hình kỷ niệm và sau đó mọi người tự do nhiếp ảnh cá nhân.

 

Chúng tôi rời phi trường Bangkok vào lúc 8 giờ sáng tính theo giờ Thái Lan. Từ phi trường Bangkok đến phi trường Narita Nhật Bản khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ. Chiếc phi cơ Thái mang số TG 676 rộng rãi thoải mái tiện nghi đầy đủ. Các cô chiêu đãi viên Thái rất vui vẻ và lịch sự. Khi chào khách, họ thường chắp hai tay lại và trên môi luôn nở nụ cười. Vẫn biết đây là nghề nghiệp của họ, nhưng họ vẫn giữ một cung cách sắc thái rất đẹp. Đoàn chúng tôi tuy ngồi chung một nhóm gần nhau, nhưng ai nấy đều giữ yên lặng. Mỗi người có thể tư duy theo nếp nghĩ riêng của mình. Riêng tôi, thì tôi suy tư nhiều về kiếp sống của con người. khi nghĩ đến trận thiên tai sóng thần ác liệt đã xảy ra năm qua ở các tỉnh thuộc miền Đông Bắc Nhật Bản. Tôi chiêm nghiệm qua lời Phật dạy trong Kinh Bát Đại Nhơn Giác: "Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sanh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu, như thị quán sát, tiệm ly sanh tử". Bài kinh chỉ vỏn vẹn ngần ấy, mà nói lên tất cả những nguồn giáo lý căn bản: khổ, không, vô thường và vô ngã. Đó là tứ pháp ấn của Phật giáo. Hai câu đầu Phật nói rõ về lý vô thường. Vạn vật ở thế gian luôn luôn biến đổi như dòng nước chảy trôi. Không có một vật gì tồn tại theo thời gian. Phật nói vô thường là đứng về mặt thời gian. Lớn như quả địa cầu, nhỏ như hạt bụi, tất cả đều nằm trong định luật biến dịch vô thường chi phối. Câu "quốc độ nguy thúy", có nghĩa là "cõi nước giòn bở", tức nói về lãnh vực địa lý. Điều nầy sát nghiệm quả địa cầu hiện nay, chúng ta thấy rất rõ điều đó. Bằng chứng cụ thể là nước Nhật đã bị những trận động đất nhẹ liên miên. Lý do vì sao? Theo các nhà địa chất học cho rằng: "Nhật Bản nằm trên đường ranh giới giữa 4 mảng kiến tạo địa chất của trái đất. Nhưng quan trọng là mảng Thái Bình Dương đang tiến về mảng Âu-Á và chúi xuống dưới mảng nầy. Chuyển động nầy diễn ra không mấy êm ả và có thể dẫn tới xung động đột ngột mà kết quả là động đất.

 

Khi mảng Thái Bình Dương chìm xuống, thì các lớp "Trần Tích" bề mặt vỡ ra và bị biến dạng, thậm chí lớp võ đại dương cũng sẽ bị tan chảy thành "Dung Nham" dâng lên bề mặt, phun trào vô số các ngọn núi lửa. Sự phun trào núi lửa cùng với quá trình Trần Tích tạo thành một chuỗi các hòn đảo nhiều núi. Theo sự thống kê của các nhà địa chất học cho biết, mỗi năm, Nhật Bản chịu 7.500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150 trận. Từ trận động đất Kanto vào năm 1923 gây ra thiệt hại sinh mạng và tài sản rất nhiều. Từ đó tới nay Nhật Bản trải qua 16 vụ động đất và sóng thần. Nhất là trận động đất sóng thần xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 là hậu quả của trận động đất ngầm ngoài khơi Toloku của Nhật mạnh 9 độ richter, sóng thần cao 39 mét, đánh vào ven bờ Sendai làm cho cả thành phố và khu vực xung quanh đều bị thiệt hại nặng nề hơn 15 ngàn người chết và có hơn 3 ngàn người bị mất tích. Số người bị mất tích cho đến nay người ta cũng vẫn chưa tìm được". Như vậy quả địa cầu hiện nay đã đến thời kỳ hoại và hiện đang giãy chết từng giờ. Chính do con người luôn hâm nóng quả địa cầu và làm cho quả địa cầu ngày càng mau bị hủy hoại hơn. Đó là Phật nói về sự vô thường của trái đất, tức y báo. Hai câu kế Phật nói về nỗi thống khổ của con người, tức chánh báo. Con người là do sự cấu tạo bởi hai yếu tố: vật chất và tinh thần. Phần vật chất là do tứ đại: đất ( thể cứng ) nước ( thể lỏng ) gió ( thể hơi, không khí ) lửa ( nhiệt độ ). Nói theo khoa học là do sự cấu tạo của các tế bào mà thành thân. Như vậy, thân nầy là do duyên hợp mà có. Đã do duyên hợp thì đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Hợp tan, tan hợp khác nào như bọt nước ngoài biển khơi. Đó là là lẽ thường tình của thế gian. Do vô thường mà đưa đến cái khổ. Khổ là vì hoại diệt. Như con người sanh ra, lớn lên, già, bệnh rồi chết. Đó là nói theo quy trình của một chu kỳ sinh diệt luật định. Tuy nhiên, con người có khi không bệnh hay chưa già mà vẫn chết. “Thiếu chi mồ trẻ đã qua đời”. Như những người chết trong trận thiên tai sóng thần đâu đợi tới già hay bệnh rồi mới chết. Bởi vậy Phật nói vạn vật đều do nhân duyên sanh rồi cũng theo nhân duyên mà diệt. Sự sống của con người cũng chỉ là một chuỗi dài của "nhân duyên, nhân quả, vô thường, khổ, không". Hiểu vô thường theo nghĩa tiêu cực, thì chúng ta cảm thấy thật là bi quan buồn nản. Con người mới thấy đó rồi mất đó, khác nào như những con phù du sớm sanh chiều chết. Đang vui cười nói năng hỷ hả bỗng phút chốc cơn vô thường sóng thần ập đến, tất cả đều bị chìm sâu trong biển nước. Một cảnh tượng chết chóc thật đau xót hãi hùng! Nào ai biết được cơn vô thường nhanh chóng như thế!

 

Nhìn lại thân phận kiếp sống của con người sao mà nó quá mỏng manh còn hơn chỉ mành treo chuông hay những hạt sương mai trên đầu ngọn cỏ. Tuy nhiên, nếu hiểu vô thường theo nghĩa tích cực thì, chúng ta sẽ cảm thấy lạc quan yêu đời hơn. Bởi nếu vạn vật mà vật nào định hình đứng yên không biến đổi, thì cuộc sống nầy thật là vô vị làm sao! Một đứa bé sanh ra thì suốt đời vẫn là một đứa bé. Trái đất muôn đời vẫn đứng yên một chỗ, nếu thế, thì cả nhơn loại và vạn vật thử hỏi làm sao sống được? Nếu vạn vật đứng yên vị thế không thay đổi, thì xã hội loài người chắc là phải trở lại cái thời xa xưa của thời tiền sử. Vì tất cả không có gì phát minh tiến bộ. Nói một cách nghiêm khắc hơn, nếu không vô thường, thì không thành sự sống. Như vậy, chúng ta phải nhờ đến vô thường thì, con người và vạn vật mới có thể tiến hóa hanh thông và đời sống mới thực sự có thú vị. Điển hình như sự phát minh tiến bộ vượt bực của ngành khoa học kỹ thuật hiên nay.

 

Qua những dòng suy tư đó, tôi liền vội lấy một tài liệu nói về lịch sử của nước Nhật ra xem. Theo sử liệu cho biết, "từ 15.000 năm trước Công nguyên, ở Nhật Bản đã có người sinh sống. Từ 13.000 năm BC, người Nhật biết trồng lúa làm đồ gốm, sống định cư. Từ 300 năm BC người Nhật đã biết sử dụng đồ kim khí. Từ thế kỷ thứ 3, Thần Đạo phát triển khắp nước Nhật. Nước Nhật bắt đầu có tên gọi Yamato. Từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8, một nhà nước tập quyền được thành lập và được đóng đô ở Asuka ( gần thành phố Nara ngày nay ). Tên nước Yamato đổi thành Nhật Bản. Nhật Bản có nghĩa là "gốc của Mặt Trời" và như thế được hiểu là đất của "Mặt Trời Mọc". Nhật Bản còn có mỹ danh là xứ Hoa Anh Đào, vì cây hoa anh đào mọc trên khắp nước Nhật từ Bắc xuống Nam, những cánh hoa thoắt nở thoắt tàn, được nhiều người yêu thích. Ngoài ra, Nhật Bản còn được gọi là Phù Tang. Vì cây Phù Tang tức là một loại cây dâu. Theo truyền thuyết cổ Phương Đông có cây dâu rỗng lòng gọi là Phù Tang hay Khổng Tang, là nơi thần Mặt Trời nghỉ ngơi trước khi cưỡi xe lửa du hành ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây. Do đó, phù tang hàm nghĩa văn chương chỉ nơi mặt trời mọc.

 

Giữa thế kỷ thứ 8, Phật giáo đã thiết lập cơ sở vững chắc ở Nhật Bản. Cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 14, quyền lực thực sự nằm trong tay tầng lớp võ sĩ ở Kamkura. Từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 16, nước Nhật trong tình trạng bất ổn do nội chiến và chia rẽ, gọi là thời kỳ chiến quốc. Sau đó, trong ba thế kỷ, Nhật thực hiện chánh sách đóng cửa ( bế quan tỏa cảng ) dưới sự cai trị của Mạc Phủ Tokugawa, kinh tế, văn hóa, kỹ thuật có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Người Hà lan được phép giao thương thông qua hải cảng nhỏ. Giữa thế kỷ 19, Minh trị Thiên Hoàng đề xướng triệt để mở cửa liên lạc thông thương với Tây Phương. Chế độ Mạc Phủ và các sứ quân bị bãi bỏ, quyền lực được tập trung tối cao trong tay Thiên Hoàng.

 

Năm 1868 Minh Trị Thiên Hoàng dời đô từ Kyoto về Tokyo. Công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ, đất nước phát triển đánh bại Đài Loan, nhà Thanh, đế quốc Nga và Đại Hàn.

 

Trong thế chiến 1, Nhật đứng về phe Đồng Minh. Sang thế chiến 2, quân phiệt Nhật đứng về phe Trục với Ý và Đức quốc xã và năm 1945 Nhật thua và đầu hàng. Sau chiến tranh Nhật tập trung phát triển kinh tế, cuối thập niên 1960, Nhật hoàn thành công nghệ hóa, trở thành một nước tư bản phát triển cực mạnh và có vị trí cao trên trường quốc tế" ( theo tài liệu Bách Khoa Từ Điển Mở Wikipedia, từ đây về sau chỉ viết tắt là Wikipedia ). Đó là một vài nét chính của lịch sử nước Nhật.

 

Nghĩ đến những người đã chết trong thảm cảnh bi thương theo dòng nước cuốn trôi chìm sâu trong lòng đại dương, ai có thể thấu hiểu được cái chết sầu thảm tang thương đó! Chết là điều không ai tránh khỏi, nhưng tùy nghiệp duyên mà có những cái chết sai khác không đồng. Có những cái chết mà người chết cảm thấy ấm lòng trong giờ phút ra đi. Vì có thân nhân bạn bè cận kề thức nhắc an ủi hộ niệm. Có những cái chết phải chịu lạnh lẽo cô đơn giá rét ra đi một mình, không một người thân bên cạnh trợ giúp. Rồi cũng có những cái chết tan xác tiêu hình không ai biết đến v.v... Nghĩ đến những người đã bị mất tích không biết thân xác của họ trôi nổi về đâu và chắc chắn một điều là thi thể của họ sẽ tan rã trả về cho tứ đại. Tuy nhiên, thân xác, tư tưởng của con người chỉ là những thứ vay mượn tạm bợ chợt có chợt không, vì phàm cái gì có hình tướng đều nằm trong phạm trù sinh diệt. Trong cái thân xác hay dòng tư tưởng tạm bợ sinh diệt đó, có một cái thực thể thường trụ bất biến không sinh không diệt. Khi chúng ta thể nhận và sống được với cái thực thể đó rồi, thì việc sống hay chết đâu cần gì phải bận lòng quan tâm đến. Đối với người đạt đạo, thì họ coi việc sanh tử như trò đùa huyễn hóa. Khi mê thì người ta ham sống sợ chết, nhưng khi ngộ rồi thì sống hay chết chỉ là tùy duyên.

 

Mãi miên man theo dòng suy niệm, bất giác tôi nghe âm thanh phát ra từ những cái loa nhắc nhở mọi người phải cài dây an toàn, vì máy bay sắp sửa hạ cánh. Sau khi hạ cánh, máy bay ngừng hẳn lại, cảnh phi trường Narita đã hiện ra trước mắt mọi người. Tất cả đều lấy hành lý xách tay lần lượt bước ra khỏi chiếc máy bay.Tôi thầm cám ơn con chim sắt đã đưa mọi người đến nơi an toàn.

 

Phi Trường Quốc Tế Narita

 

Narita là sân bay quốc tế tọa lạc tại Narita, Chiba, Nhật Bản, nằm về phía Đông của vùng Đại Tokyo. Đây là sân bay lớn thứ hai của Nhật Bản, đã được quốc tế đánh giá là một sân bay vận chuyển hàng hóa tấp nập thứ 3 thế giới. Có thể nói sân bay nầy như là một trung tâm phục vụ có số lượng hành khách rất đông. Theo xếp hạng thì nó đứng thứ 24 của các sân bay bận rộn nhất thế giới. Khi thiết lập sân bay nầy, cũng đã trải qua một sự tranh chấp dằn co kịch liệt giữa các phe phái chánh trị. Tuy nhiên, cuối cùng, sân bay cũng đã được xây dựng và hoạt động. Được biết, sân bay đã hoàn tất và khánh thành vào năm 1978, khởi đầu dự án là vào năm 1962. Sân bay nầy hiện nay đã tư nhân hóa và chính thức đổi tên thành sân bay quốc tế Narita. Sau khi tư nhân hóa, sân bay nầy đã đạt được mức vận tải kỷ lục và nhiều dự án xây dựng vẫn đang tiếp tục tiến hành.

 

Chúng tôi đến sân bay vào lúc 3 giờ 45 phút chiều ( từ đây trở đi là tính theo giờ địa phương ). Lấy hành lý xong, chúng tôi đi đến chỗ hải quan để cho họ xét hành lý. Vì ngoài hành lý cá nhân ra, còn có một số hành lý chung của đoàn, mà phần nhiều là những lương thực khô của đoàn mang theo. Do đó, nên họ phải xét kỹ. Tuy nhiên, khi họ khui thùng đầu ra thấy toàn những thức ăn chay, cũng như một số ít quà tặng. Cô Nguyên Nhật Tiến liền nói tiếng Anh với họ là những thứ nầy đoàn mang theo để ăn và cúng dường cho chùa. Đồng thời cô còn nói là đoàn sẽ đến nơi xảy ra thiên tai năm rồi để cầu nguyện. Lúc đó, tôi đang đứng ở phía sau, thấy vậy, tôi liền đến bên họ. Họ thấy tôi là một tu sĩ Phật giáo, như để chứng minh những lời cô Nguyên Nhật Tiến nói, nên họ đổi chiều dễ dãi và không xét nữa. Thế là họ cho chúng tôi đi qua một cách dễ dàng.

 

Vừa ra khỏi cửa, cô Nhật Tịnh lăng xăng mừng rỡ chạy đến chào hỏi chúng tôi. Cô đã có mặt ở đây từ sớm để đón rước đoàn chúng tôi. Thật đây là giây phút vui mừng hớn hở mà chúng tôi không thể nào diễn tả bằng lời hết được. Nỗi vui mừng đã hiện rõ trên những gương mặt thân thương của mỗi người. Họ đã biểu lộ bằng tất cả tấm lòng khi gặp mặt nhau sau bao nhiêu ngày chờ đợi ước mong. Cô Nhật Tịnh liền hướng dẫn chúng tôi đến chiếc xe buýt nhỏ đang đậu chờ bên kia đường. Chiếc xe khoảng 30 chỗ ngồi. Hành lý thì nhiều mà xe thì nhỏ, nên việc sắp xếp hành lý cho có ngăn nắp cũng hơi khó khăn vất vả. Cô Nhật Tịnh xông xáo đứng trên xe để lấy những hành lý từ phía dưới chuyền qua hông cửa xe. Tôi thật cảm động khi nhìn thấy cô bất chấp sự nặng nhọc ôm vào mình từ cái vali nặng nề để sắp xếp cho có ngăn nắp. Thật là một nghĩa cử hy sinh cao đẹp vì người hơn vì mình. Thấy vậy một vài người lên phụ giúp với cô. Đi trong đoàn có hai cô tương đối có sức khỏe tốt, tánh tình cởi mở hài hòa vui vẻ, xông xáo, lanh lợi, hay làm việc nặng nhọc xốc vác, tận tâm lo phụ giúp cho đoàn, đó là cô Tâm Hải và cô Nguyên Nhật Tiến. Hai vị nầy chúng tôi cử làm chúng trưởng cho hai nhóm, mỗi nhóm 12 người. Cô Nguyên Nhật Tiến thì lên xe phụ giúp với cô Nhật Tịnh. Ở dưới thì cô Tâm Hải và một vài người phụ giúp đưa hành lý lên xe. Nhờ sự đồng tâm hiệp lực như thế, nên không bao lâu tất cả hành lý lớn nhỏ đều nằm gọn trên xe.

 

Điều nầy, trong quyển nhật ký, cô Diệu Phủ có ghi lại: "Tội nghiệp cô Nhật Tịnh quá lo lắng về vấn đề chuyên chở. Cô cũng biết xe bus nầy nhỏ so với số người đi và hành lý, nhưng vì việc chuyên chở ở Nhật quá đắt đỏ mà cô lại muốn tiết kiệm cho đoàn nên phải sử dụng chiếc xe của một vị "Mạnh Thường Quân", tức ông tài xế rất tốt bụng muốn giúp đỡ cho đoàn đi làm việc từ thiện". Ghi lại nhận xét nầy để thấy rằng việc làm của cô Nhật Tịnh tất cả cũng chỉ vì muốn tiết kiệm cho đoàn mà thôi. Tuy có hơi chật chội một chút, nhưng bù lại mình rất đỡ tốn kém.

 

Cần nói rõ thêm, sở dĩ có chiếc xe buýt nhỏ nầy, là cũng nhờ anh Phạm Tuyết Hùng, tức ông xã của cô Bùi Thị Mỹ Hương, có quen thân với ông tài xế. Nên anh Hùng mới giới thiệu ông tài xế cho cô Nhật Tịnh. Từ đó, cô Nhật Tịnh mới liên lạc với ông tài xế để thuê chiếc xe buýt nầy. Khi đề cập đến chiếc xe buýt, chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh hai cha con của ông tài xế. Ông tài xế cha tên là Masaro, năm nay 73 tuổi. Ông là người rất hiền hòa, nói năng nhỏ nhẹ từ tốn khiêm cung. Ông sanh ra và lớn lên ở tỉnh Shizuoka. Ông lập gia đình và có 6 người con: 3 trai, 3 gái. Ông chuyên sống bằng nghề mua bán xe hơi cũ. Vì tánh tình dễ dãi hiền từ, nên trong đoàn ai cũng mến quý thương ông. Tuy ông là người Nhật, nhưng ông rất thích và thường giao tiếp với người Việt Nam. Có lần Tony Lê Nguyễn một đoàn viên trong đoàn phỏng vấn ông, hỏi lý do tại sao ông mua chiếc xe buýt nầy? Không cần suy nghĩ, ông vội trả lời ngay: Sở dĩ ông mua chiếc xe buýt nầy là vì ông muốn chuyên chở những đoàn thể tới đất nước ông để đi làm việc thiện nguyện. Ông nhấn mạnh, nhất là đối với những đoàn thể người Việt Nam. Bởi vì trong trận thiên tai vừa qua, những đồng bào của ông đã chết một cách rất thê thảm đau thương, nên ông muốn làm một việc gì đó để giúp đỡ cho đồng bào ông. Vì thế, ông mới phát tâm tình nguyện lái chiếc xe nhà để đưa những đoàn thể đến những nơi xảy ra thiên tai để ủy lạo và cầu nguyện. Đó là tâm nguyện duy nhất của ông.

 

Ông nói tiếp, ông có một người con trai út cũng tình nguyện giống như ông. Cho nên hai cha con ông thay phiên nhau mà làm việc thiện nguyện nầy. Rất tiếc, vì tuổi cao, sức khỏe kém, nên ông không thể đưa đoàn chúng tôi suốt cuộc hành trình được. Ông chỉ đưa chúng tôi vài ngày rồi ông nhờ đứa con trai út của ông thay thế. Ngày đầu ông đi rước chúng tôi ở phi trường, qua ngày hôm sau ông đưa chúng tôi đến vùng Minami-Sanri-ku thuộc tỉnh Miyagi để làm lễ cầu siêu. Cảm động nhất, là lúc ông đưa đoàn chúng tôi đến khách sạn Nikko, thuộc thành phố Nikko. Vì lúc đó trời tối và đường xá thì lại quanh co khúc khuỷu, xe chạy cứ lên dốc mãi, vì khách sạn nằm ở trên ngọn núi cao. Ông tìm mãi mà không thấy địa chỉ. Ông phải de tới, de lui, khi ngừng, khi chạy, trố mắt già nhìn bản đồ chỉ dẫn, cứ thế mà cũng không tìm ra. Thấy thế, cô Nhật Tiến liền gọi điện thoại di động để liên lạc với cô Nhật Tịnh, nhưng lúc đầu không liên lạc được. Bấy giờ, có người nhắm nghiền đôi mắt lại nhiếp tâm niệm Phật cầu nguyện, vì họ sợ chỉ cần tài xế lái sơ sẩy lơ đểnh một chút thôi, thì than ôi! mọi người sẽ rớt xuống hố trở thành người thiên cổ trong chốc lát! Dù rằng ông tài xế già đầy kinh nghiệm và lái rất cẩn thận. Tôi thầm đoán biết, tuy không ai dám nói ra, nhưng mọi người rất sợ. Bởi trời tối, đường lên dốc quanh co, ông tài xế thì mắt mũi sờ soạng, nhìn không thấy rõ. Như thế, thì thử hỏi có ai mà không sợ? Sợ chết biết làm sao hơn chỉ còn có nước niệm Phật cầu nguyện. Như thế cho chắc ăn hơn. Nếu không may có rớt xuống hố thì cùng nhau du lịch về đất Phật. Như thế, thì lại càng vui hơn. Bởi không thích đất Nhật thì về đất Phật ngao du. Bởi đất Phật có biết bao nhiêu cảnh đẹp tuyệt vời lạ thường, mà cõi nầy làm sao sánh kịp. Nội nghe trong kinh Di Đà diễn tả không thôi là đã ham rồi. Nào là đất báu, ao báu, lầu báu, cây báu v.v… tất cả đều bằng 7 thứ báu tạo thành. Thế thì hôm nay mà có đi chung một đường thì cũng tốt thôi. Nhưng than ôi! nghiệp trần chưa dứt, nợ đời còn mang, du lãm Nhật Bản chưa xong, làm sao mà rũ nhau về xứ Phật cho được? Thôi thì mạnh ai nấy đi, hẹn nhau gặp lại sau cũng được.

 

 Người xưa nói: “Nhơn vô hoạn họa bất hồi đầu". Nghĩa là, con người mà không có gặp hoạn nạn đau thương thì, họ không biết hồi đầu thức tỉnh lo tu. Nghĩ lại cũng tội nghiệp và thương cho ông tài xế già. Ông biết mọi người sợ hãi, tuy ông không hiểu được tiếng nói, nhưng ông cũng có thể đoán biết được tâm trạng của họ. Vì thế, nên ông cố sức chăm chú lái rất cẩn thận. Cuối cùng, Nhật Tiến liên lạc được với Nhật Tịnh và Nhật Tịnh nhờ nhân viên khách sạn lái xe ra đón rước đoàn vào. Thật ra, từ chỗ xe buýt đậu, tới khách sạn chỉ mất khoảng 5 phút lái xe thôi. Thế mà, ông tài xế tìm không ra. Vì nơi đây không phải là vùng thổ địa của ông. Như thế, kể ra ông cũng đã hay lắm rồi.

 

Điều mà không ai có thể quên được khi chúng tôi chia tay ông ở một bãi đậu xe rộng lớn. Ông nhìn chúng tôi bằng đôi mắt ngấn lệ lưng tròng. Ông bắt tay chúng tôi trong nỗi nghẹn ngào xúc động nói không ra lời. Ngược lại, chúng tôi cũng nhìn ông bằng cặp mắt trìu mến yêu thương. Ông còn vào shop mua nhiều trái quýt để tặng cho đoàn chúng tôi. Tình người là thế đó! Dù chỉ biết nhau mới có vài ngày thôi mà tình cảm của con người đã bộc lộ thắm đượm tràn trề. Một thứ tình cảm thiêng liêng cao đẹp của tình người. Quả thật, lúc đó ranh giới phân chia chủng tộc hoàn toàn vô nghĩa lý. Chỉ cần đối xử với nhau bằng tất cả tấm lòng chân thật đạo đức của một con người. Thế là đủ lắm rồi. Cần chi phải phân biệt chủng tộc nầy chủng tộc nọ. Vì thiên hạ không mở rộng vòng tay và cõi lòng yêu thương, nên mới phân chia ranh giới màu da chủng tộc để rồi kỳ thị gây hấn căm thù chém giết lẫn nhau. Chúng tôi nắm lấy tay ông bằng một cái xiết thật chặt. Cái xiết đó là nói lên tất cả tấm lòng thương mến biết ơn ông. Chúng tôi từ giả ông và không biết đến bao giờ mới có thể gặp lại ông. Ông bạn Masaro của tôi ơi! nếu ông đọc được những dòng chữ nầy, chắc chắn là ông sẽ cảm động lắm! vì ông biết chúng tôi luôn luôn nhớ đến và nhắc nhở quý kính ông. Nhớ đến một con người giàu lòng nhân ái cùng một chí hướng phụng sự con người.

 

Nếu nói đến ông tài xế cha, thì không thể không đề cập đến chú tài xế con. Người đời thường nói cha nào con nấy. Điều nầy quả thật không sai đối với hai cha con của ông tài xế. Thật vậy, chú tài xế con tánh tình hiền hậu, nói năng từ tốn nhỏ nhẹ cũng rất dễ thương mến. Không khác gì ông tài xế cha. Tuy nhiên, tuy là đấng nam nhi, nhưng tánh tình của chú hay rụt rè e thẹn nhút nhát. Chú lập gia đình năm 20 tuổi. Thông thường ở Nhật thanh niên đến tuổi khoảng 26 hoặc 27 mới lập gia đình. Còn chú lập gia đình ở cái tuổi hai mươi kể ra cũng hơi sớm. Khi chú kể cho chúng tôi nghe việc chú lập gia đình mà mặt mày của chú đỏ ửng lên vì mắc cở. Lúc đó, tôi, Tony và cô Nhật Tịnh ngồi chung bàn uống cà phê ở trong một cái quán nhỏ chuyên bán cà phê dưới chân núi Phú Sĩ. Chú có mua tặng cho tôi một cái tách màu nâu có ba chữ tàu: "Phú Sĩ sơn". Tại sao chú không mua thứ gì khác tặng cho tôi, mà chú chỉ mua một cái tách nhỏ. Tôi nghĩ chú nầy khôn thật. Bởi vì ngày nào mà tôi không uống nước, khi uống tất nhiên phải dùng tới cái tách của chú tặng, để khi uống tôi luôn nhớ đến chú. Vâng! mỗi khi tôi cầm cái tách lên thì tôi thấy hình ảnh của chú ở trong cái tách. Tôi nhớ đến một con người hiền hòa từ tốn lịch sự, khiêm cung, lúc nào cũng tỏ ra tận tâm phục vụ lo cho đoàn. Tôi và những người trong đoàn lúc nào cũng nhớ và biết ơn chú. Tôi ngỏ lời thành thật cám ơn chú.

 

 Năm nay chú 35 tuổi, có gia đình sanh được ba người con: hai trai, một gái. Hiện chú đang sinh sống ở tỉnh Hamamastsu. Hôm chia tay chú, đoàn chúng tôi vào nhà hàng Tàu với thâm ý là muốn đãi chú một bữa ăn cuối cùng trước khi chia tay. Hôm đó, chúng tôi tặng quà kỷ niệm cho chú cũng như gởi tặng cho ông tài xế. Mọi người xúm xít bao vây chung quanh chú để nhiếp chung một bôi hình lưu niệm. Nhìn thấy chú mặt mày đỏ ửng ai nấy cũng đều cười rộ lên. Vì thấy chú mắc cở nên mọi người cười trêu chọc chú cho vui. Phải nói hôm đó chúng tôi chia tay chú trong niềm bùi ngùi và luyến tiếc. Luyến tiếc một con người sao quá tử tế và dễ thương. Bởi chú cũng là người rất nhiệt tình đưa đoàn chúng tôi đi gần suốt cuộc hành trình. Thật là cảm động khi nghe chú nói những lời đầy thương mến chơn thật. Chú cũng nghẹn ngào ứa lệ không khác gì ông thân của chú.

 

Trở lại cảnh đón rước ở phi trường. Lúc đó, bất chợt tôi thấy thầy Phước Thiền xuất hiện. Mọi người vui vẻ trân kính chào thầy. Không ai ngờ lại gặp thầy ở trên đất Nhật. Thầy từ Tân Đảo Caledonia qua đây để thăm các người cháu của thầy. Tôi có nói với thầy là ngày mai chúng tôi đi làm lễ cầu siêu cho những nạn nhân thiên tai, mời thầy đi cùng. Nhưng thầy cho biết phải về gấp không thể đi được. Thế là, thầy từ giả chúng tôi ra về trước. Sau đó, chúng tôi chia nhau thành ba nhóm để về chùa Nhật Tân Cốc. Một nhóm 5 người thì đi xe của cô Nhật Tịnh. Nhóm nầy gồm có: tôi, Tony, Tuệ Giác, Diệu Hương 2 và Diệu Liên. Nhóm nhiều nhứt gồm những người trọng tuổi chân yếu, thì ngồi xe buýt. Còn một nhóm khác khoảng năm người thì đi xe điện. Cuối cùng, nhóm năm người chúng tôi do cô Nhật Tịnh chở về tới chùa trước nhất. Còn nhóm xe buýt vì tài xế không rành đường nên chạy lòng vòng kiếm đường vô chùa mãi mà không ra, đến khi tìm được thì phải mất thời gian hơi lâu. Vì bác tài xế không phải là người ở Tokyo. Còn nhóm đi xe điện cũng bị lạc đường. Tuy nhiên, dù sớm hay trễ, tất cả chúng tôi cũng đều có mặt ở chùa vào lúc 8 giờ tối.

 

Chùa Nhật Tân Cốc

 

Nói đến chùa Nhật Tân Cốc, khi đến thật chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Lúc còn ở Úc, nghe cô Nhật Tịnh có nói khi đoàn qua, thầy và quý vị trong đoàn sẽ tạm ngủ nghỉ ở chùa Nhật Tân Cốc một đêm rồi sáng mai sẽ đi xe buýt đến nơi xảy ra thiên tai để tụng kinh cầu nguyện. Khi nghe cô nói thế, tôi liên tưởng đến ngôi chùa hẳn là phải khang trang rộng lớn, nhất là lối kiến trúc với những đường nét hoa văn cổ kính độc đáo lắm. Tôi lại nghĩ thêm, cảnh trí xung quanh chùa chắc là có nhiều cây cổ thụ cành lá sum suê râm mát. Sân trước, sân sau đều thoáng rộng và có nhiều hoa kiểng xanh tươi, nhất là những đóa hoa anh đào hương thơm nở rộ. Nghĩa là trong đầu óc tôi dệt lên bao cảnh đẹp thật thơ mộng của ngôi chùa nầy. Nhưng than ôi! khi xe đậu lại, tôi nhìn mãi mà không thấy cảnh chùa hiện ra như trong tâm trí tôi đã tưởng tượng. Tôi tự nhủ thầm, thế là mình đã bị mắc vào cái lỗi "thức biến" rồi.

 

Cô Nhật Tịnh đang lui cui mở cóp xe để xách đồ lên. Tôi ngẫn ngơ ngước nhìn lên thấy một cái buiding cao khoảng ba mươi tầng. Chao ôi! thế là ngôi chùa ở đây sao? Không lẽ cái chùa ở trong cái buiding cao chọc trời nầy. Rồi tôi liên tưởng đến những trận động đất ở Nhật, nhất là ở trong thành phố Tokyo nầy. Theo sách sử và thông tin mà tôi được biết, thì riêng thành phố nầy có rất nhiều trận động đất nhẹ. Dù nhẹ mà ở nhà lầu cao quá thì cũng đáng lo sợ! Sau những giây phút suy tư, Nhật Tịnh mời tôi lên chùa. Chúng tôi bước vào một cái thang máy đến lầu 2, bấm nút điện cửa thang máy mở ra. Nhật Tịnh hướng dẫn 5 người chúng tôi đi vào bên trong. Ra khỏi thang máy, bước vài bước là tới một hành lang dài độ khoảng vài mươi thước. Tất cả hành lý nặng của đoàn đều để dọc theo hành lang nầy. Khi bước vào trong chùa, tôi thấy có mặt vài cô Phật tử như các cô: Diệu Hòa 1, Diệu Hòa 2, Diệu Minh, Huệ Trí, Diệu Nguyện v.v... Quý cô nầy hiện đang định cư ở một vài quốc gia khác nhau. Cô Huệ Trí ở Mỹ, Diệu Minh ở Canada, Diệu Hòa 2 ở Sydney, Diệu Hòa 1 ở Việt Nam, riêng cô Diệu Nguyện thì định cư ở Nhật khá lâu. Quý cô nầy đều từ Việt Nam sang để chung lo cùng với cô Nhật Tịnh. Vì các cô về Việt Nam thăm chơi và nghe chuyến đi nầy nên quý cô cùng qua tháp tùng. Hôm nay, cô Nhật Tịnh nhờ quý vị nầy lo chuẩn bị buổi cơm tối cho đoàn, nên không có ra phi trường đón rước chúng tôi.

 

 Sư cô Tâm Trí và thầy Đức Minh đến chào hỏi tôi và đoàn. Thật là một không khí rất vui vẻ ấm cúng. Sư cô Tâm Trí hướng dẫn tôi đến một căn phòng sẵn dành cho tôi. Khi tôi chưa đến, thì thầy Đức Minh ở căn phòng nầy. Bây giờ thầy nhường lại cho tôi và thầy dọn qua căn phòng khác. Như đã nói, thầy Đức Minh từ Việt Nam qua đây vì có công việc riêng. Thầy chỉ tạm trú ở Nhật một thời gian ngắn, giải quyết xong công việc thì thầy sẽ trở về lại Việt Nam. Thầy còn trẻ và hiện đang cư trú tại thành phố Sài Gòn. Còn sư cô Tâm Trí sinh trưởng ở Quảng Trị sang Nhật du học có trên mười năm nay. Nhờ quen biết với Hòa Thượng Yoshimizu Daichi, nên cô đã được Hòa Thượng thương tình chiếu cố cho cô tạm trú tại chùa Nhật Tân Cốc để tiện bề đi học. Sư cô còn trẻ, người tuy thấp nhỏ, nhưng rất lanh lợi hoạt bát nói năng lưu loát. Chúng tôi nhờ sư cô rất nhiều trong việc thông dịch.

 

Sau đó, tôi nhờ sư cô Tâm Trí kính trình với Hòa Thượng trụ trì là chúng tôi muốn thỉnh Hòa Thượng ra chánh điện để chúng tôi đảnh lễ và tặng quà. Hòa Thượng hoan hỷ nhận lời. Đoàn chúng tôi y áo chỉnh tề đứng chờ sẵn ở chánh điện. Cần nói thêm, vì là một tầng lầu nên có nhiều phòng lớn nhỏ. Chùa dùng hai căn phòng rộng lớn làm hai nơi thờ Phật. Rất tiếc là hai phòng không nối liền nhau. Nếu nối liền nhau thì có thể nói là chánh điện và hậu tổ. Thông thường các chùa thuộc hệ phái Phật giáo Phát Triển là như thế. Tuy nhiên, điều nầy còn tùy theo phạm vi đất đai rộng hẹp và cách thiết kế kiến trúc của mỗi ngôi chùa. Chúng tôi làm lễ ở nơi tạm gọi là chánh điện phụ. Vì chánh điện chánh thì cách thiết trí tôn thờ trang nghiêm và rộng lớn hơn. Nhưng chánh điện nầy thì cách xa phòng ăn và nơi ngủ nghỉ. Cách thiết trí tôn thờ ở đây không giống như trong các chùa Việt Nam. Điều nầy chúng ta cũng không lấy gì làm lạ, bởi cách thờ phụng, thiết trí tùy theo mỹ thuật của mỗi nền văn hóa khác nhau. Trên sàn nhà, không có trải thảm mà trải những chiếc chiếu nhỏ nối ráp bằng những đường giềng trông rất xinh đẹp.

 

Khoảng 5 phút sau, Hòa Thượng Yoshmizu Daichi từng bước khoan thai ung dung trong chiếc áo hậu màu tím thang và trên tay cầm cây phất trần chậm rãi tiến ra chánh điện. Ngài mặc chiếc áo hậu theo kiểu áo của người tu sĩ Phật giáo Nhật Bản thường mặc. Làm lễ tẩy trần ( theo nghi thức Nhật Bản ) xong, Ngài xá Phật rồi sư cô Tâm Trí thỉnh Ngài ngồi vào chiếc ghế dựa đã đặt sẵn. Nhìn Ngài rất hoan hỷ, cởi mở, hiền từ, dung mạo phúc hậu đoan nghiêm. Trên môi lúc nào cũng điểm một nụ cười tươi nhẹ. Ai trông thấy Ngài cũng khởi tâm hoan hỷ và cảm mến. Ngài nói năng hòa nhã từ tốn khiêm cung, đúng với phong cách của một người tu. Thật đáng là một tấm gương để mọi người học hỏi và noi theo. Đó là chưa nói đến bản chất của người Nhật rất tao nhã lịch sự.

 

Với tư cách Trưởng đoàn, tôi thành kính đảnh lễ tác bạch và thưa qua vài lời thăm hỏi cũng như xin phép Ngài cho đoàn chúng tôi được tá túc vài hôm trong thời gian tham quan hành sự ở Nhật. Sau đó chúng tôi dâng quà kính tặng cúng dường Ngài. Ngài hoan hỷ nhận quà và nói vài lời thăm hỏi, thức nhắc. Ngài nhắc nhở chúng tôi phải cẩn thận về việc ăn mặc. Vì mới đến Nhật chưa quen khí hậu, nhất là đến vùng biển gió thổi mạnh rất lạnh cần phải chuẩn bị đồ ấm. Ngài kể chuyện quá khứ giữa Ngài với các vị tôn túc khi du học ở Nhật. Ngài thường nhắc đến quý Hòa Thượng như: cố Hòa Thượng Tâm Giác, cố Hòa Thượng Thiên Ân và cố Hòa Thượng Mãn Giác. Đó là những vị mà Ngài được hân hạnh tiếp xúc gần gũi với các Ngài để học hỏi. Vì Ngài năm nay mới 73 tuổi, nếu so với quý vị đó, thì lúc bấy giờ Ngài còn rất trẻ. Mỗi năm Ngài thường qua lại Việt Nam, nhất là để tránh cái lạnh mùa đông ở Nhật. Sức khỏe của Ngài cũng không được tốt lắm. Ngài có gia đình và sanh được bốn người con: ba gái, một trai. Người con gái thứ hai có gia đình và hiện đang sinh sống ở Osaka. Người con gái thứ ba thì hiện đang làm dâu cho một ngôi Phật tự Thiên Dương Viện. Người con gái thứ tư là nhân viên ngân hàng ở Kagosima. Người con trai út thì đang quản lý một ngôi chùa gọi là Tịnh Am Tự. Gia đình của Ngài thì ở tầng lầu 29 cùng một building.

 

Làm lễ xong, chúng tôi dùng cơm tối. Đây là bữa cơm đầu tiên thật là ấm cúng thân mật tràn đầy thâm tình đạo vị. Các chùa ở Nhật không có ăn chay. Muốn ăn chay mình phải mua đồ về tự túc nấu. Tuy là bữa cơm đầu tiên, nhưng quý cô chuẩn bị đồ ăn thật chu đáo. Nhân đây, thay mặt đoàn chúng tôi xin cám ơn quý cô Diệu Nguyện, hai cô Diệu Hòa, Diệu Minh và cô Huệ Trí. Nhờ quý cô mà đoàn chúng tôi mới có được một bữa ăn thịnh soạn nầy.

 

Dùng cơm xong, tôi thông báo cho chương trình ngày mai. Tôi nhắc nhở căn dặn mỗi người chỉ đem theo vài bộ đồ mặc và những vật dụng cá nhân cần thiết trong một cái túi xách tay, vì chúng ta đi chỉ có ba ngày thôi và sau đó sẽ trở lại đây. Thế là, mọi người lo soạn đồ để chuẩn bị cho cuộc hành trình ngày mai. Riêng tôi, vì trước khi đi, tôi bị cảm chưa hết, nên buổi tối hôm đó cô Nhật Tịnh mời tôi về nhà của cô để xông hơi. Một vài cô trong đoàn cũng nói là thầy nên xông cho khỏe. Vì quý vị đó sợ tôi ngã bệnh nặng thì mọi việc sẽ hỏng hết. Bốn cô ở chung nhà của cô Nhật Tịnh cũng khuyên tôi nên đến xông hơi và tạm nghỉ ở nhà cô Nhật Tịnh một đêm. Từ chùa tới nhà cô Nhật Tịnh lái xe cũng mất khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ. Cũng may là cô Nhật Tịnh đã mua sả để sẵn. Cô Diệu Hòa 1 thì kiếm đồ nấu nước xông cho tôi. Tôi xông hai lần tối và sáng. Sau khi xong buổi sáng, tôi thấy trong người khỏe khoắn hơn. Viết đến đây, tôi xin chân thành cám ơn hai cô: Diệu Hòa 1 và cô Nhật Tịnh rất nhiều. Vì nhờ hai nồi nước xông đó mà tôi mới được mạnh khỏe và đi cùng đoàn suốt cuộc hành trình ở Nhật.

 

Ngày 3, tức ngày 6/4/2012/

 

Lễ Cầu An và Cầu Siêu

 

Theo chương trình, hôm nay, đoàn chúng tôi đi đến vùng Minami-Sanri-ku thuộc tỉnh hạt Miyagi để thiết lập đàn tràng cầu an, cầu siêu. Thế nên, chúng tôi đến chùa rất sớm. Sau khi điểm tâm và đảnh lễ Tam bảo, mọi người mang hành lý xách tay xuống xe. Chúng tôi đi ba chiếc xe. Ngoài chiếc xe buýt còn có hai chiếc xe du lịch nhỏ. Một chiếc của cô Nhật Tịnh do Nhật Tịnh và Tony Lê Nguyễn thay phiên nhau lái. Chiếc xe nầy, ngoài Tony và Nhật Tịnh ra còn có bốn cô: hai cô Diệu Hòa, Diệu Minh và Huệ Trí. Một chiếc do đạo hữu Quảng Ngộ lái. Trong chiếc xe nầy gồm có sư cô Tâm Trí và một vài Phật tử khác. Còn thầy Đức Minh thì đi chiếc xe buýt chung với đoàn chúng tôi. Vì đi tuyến đường xa từ Tokyo đến tỉnh Miyagi có hơn 400 cây số, nên Ban trai soạn đã chuẩn bị một số thức ăn để tiện dùng trên xe. Chúng tôi sẽ dùng cơm trưa dọc đường.

 

Chúng tôi bắt đầu khởi hành vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 6/4/2012. Như đã nói, mỗi khi chúng tôi lên xe dù đi làm lễ cầu nguyện hay đi tham quan chiêm bái ở các chùa, theo lệ thường là chúng tôi đều có chương trình sinh hoạt trên xe. Nếu đi tuyến đường ngắn hoặc gần, thì chúng tôi chỉ niệm Phật thôi. Còn đi tuyến đường xa như hôm nay, thì ngoài việc luân phiên niệm Phật ra, chúng tôi còn có một vài tiết mục sinh hoạt khác. Như trình bày về nền văn minh văn hóa Nhật Bản qua các lĩnh vực: lịch sử, tôn giáo, triết học, văn học, địa lý, y phục, đời sống, phong tục tập quán, giáo dục, danh lam thắng cảnh v.v... Rồi văn nghệ, kể chuyện vui. Có khi chúng tôi cho mọi người phát biểu cảm tưởng nói lên theo những cảm quan nhận xét của mình.

 

Nói chung, chúng tôi lợi dụng thời gian để thực hiện tu học trên xe. Nhờ đó, mà mọi người cảm thấy rất bổ ích, vì không phải lãng phí thời gian. Dĩ nhiên, ngoài việc sinh hoạt tu học ra, còn có thời gian để mọi người trò chuyện hoặc ngắm cảnh ở hai bên đường. Bởi là xứ hoa anh đào, nên chúng tôi đi đâu cũng có hoa anh đào khoe mình chào đón. Hoa anh đào đối với người dân Nhật họ rất quý. Vì đó là tượng trưng cho nét đẹp tinh hoa của xứ sở họ. Những đóa hoa nở rộ từng chùm đủ màu sắc tuyệt đẹp. Lần đầu tiên, tôi mới có dịp nhìn ngắm những đóa hoa anh đào nầy. Đường xá ở đây không nói thì ai cũng biết rất là sạch sẽ. Trên xa lộ cao tốc, nơi nào có dân chúng sinh sống gần lộ, thì người ta đều có thiết bị những bức tường dài để chắn âm thanh. Nhờ vậy mà không nghe tiếng ồn ào làm cho người ta cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn. Trên đường đi, thỉnh thoảng bác tài xế ngừng lại ở những nơi nào có nhà vệ sinh công cộng. Gần giờ ăn trưa, chúng tôi ghé vào một khu phố có nhiều quán nhỏ bán một vài loại thức ăn của Nhật. Nơi đây, rất tiện cho du khách dừng chân tạm nghỉ ăn uống thoải mái. Có bãi đậu xe rộng rãi, nhiều băng ghế ngồi, và nhất là nhà vệ sinh công cộng rất thoáng sạch. Chúng tôi dùng trưa tự túc ở nơi đây. Nói tự túc bởi vì ai thích ăn món gì thì cứ mua món đó. Còn ai không thích thì có thể ăn đồ ăn mang theo. Chúng tôi cho dùng trưa và nghỉ xả hơi nơi đây khoảng 30 phút. Sau đó chúng tôi tiếp tục lên đường.

 

Ngoài trời nắng đẹp, gió mát. Tuy nhiên, càng đi sâu vào vùng biển thì gió thổi càng lạnh. Phong cảnh thiên nhiên cũng mang lại cho con người nhiều thơ mộng thú vị. Tôi thích ngắm cảnh vật hai bên đường. Đọc lịch sử địa lý nước Nhật, ai cũng biết, "Nhật Bản là một quốc gia nằm phía Đông châu Á, phía Tây của Thái Bình Dương. Nhật Bản gồm có 4 đảo chính: Honshu, Hokkaido, Kyushuy và Shikoku, nhiều dãy đảo và khoảng 3.900 đảo nhỏ. Tổng diện tích của Nhật Bản là 377.815 km2 ( có chỗ nói là 377.688km2 ), đứng thứ 60 trên thế giới về diện tích và chiếm chưa đầy 0,3% tổng diện tích đất toàn thế giới. Dân số hiện nay khoảng 28 triệu người. Mật độ dân cư: 331,7 người/km2. Tuổi thọ trung bình 78,5 tuổi. Khoảng 70% - 80% diện tích Nhật Bản là núi. Về khí hậu phần lớn là ôn hòa. Ở hầu hết các miền của Nhật Bản đều có 4 mùa rõ rệt. Mùa hè ấm, bắt đầu khoảng giữa tháng 7; mùa xuân và mùa thu là những mùa dễ chịu nhất trong năm. Vì có mưa và khí hậu ôn hòa nên trên khắp quần đảo Nhật Bản đều có những cánh rừng màu mở và cây cối xanh tươi" ( theo tài liệu trên trang mạng ).

 

Gần đến nơi, tôi thấy có một người đàn ông trạc ngoài 50 tuổi, lái chiếc xe du lịch màu trắng, đậu bên lề đường. Vì giữa ông và bác tài xế đã liên lạc điện thoại hẹn gặp nhau ở đây. Xe chúng tôi dừng lại. Ông đến nói chuyện với bác tài xế, như bảo bác tài xế lái xe chạy theo sau ông. Đến bãi đậu xe, xe đậu lại và mọi người xuống xe để đi vệ sinh. Bấy giờ tôi mới biết người hướng dẫn là ông Sato, một cựu nghị viên thành phố. Hiện nay ông là hội phó của hội NPO (Non Propit Organisation) Từ chỗ đậu xe đế bãi biển không xa lắm. Vì thế nên gió thổi rất lạnh. Vệ sinh xong, mọi người lên xe. Sư cô Tâm Trí đến nói với tôi là chương trình của buổi chiều hôm nay, mình có một thời kinh cầu siêu ngắn ở bãi biển, tức nơi xảy ra thiên tai. Lúc đó, nhìn đồng hồ tay là đúng 2 giờ chiều. Tôi nói sao không để ngày mai mình sẽ làm lễ cầu siêu chẩn tế luôn. Sư cô Tâm Trí cho biết là mình đã hẹn với họ rồi. Thế là, chúng tôi thẳng đến bãi biển nơi xảy ra thiên tai sóng thần. Xe đậu lại, để chúng tôi quan sát kỹ hơn nơi đây. Dù đã hơn năm qua, mà những tàn tích nơi đây người ta vẫn chưa thu dọn hết. Nhìn thấy những cảnh tượng do hậu quả thiên tai để lại thật là bi đát hãi hùng. Những chiếc xe hơi, những chiếc tàu lớn nhỏ, những bánh xe, những đống rác khổng lồ, rồi nào là những quần áo, tivi, tủ lạnh v.v… ôi thôi! nằm ngổn ngang chồng chất, tất cả vẫn còn hiển hiện phơi bày trước mắt. Một vài ngôi biệt thự như trường học, bệnh viện, vẫn còn đứng trơ vơ giữa bầu trời tang thương đầy ảm đạm. Tất cả đều bị hư hại nặng nề. Cho đến nay, chánh phủ vẫn chưa đập phá để xây cất lại. Những nền nhà của dân cư đây đó vẫn còn hoang phế. Có nơi nền nhà bị sụp lún xuống gần cả thước.

 

Ông Sato còn cho chúng tôi biết thêm về tình trạng trước và sau khi xảy ra trận động đất sóng thần ở đây. Thật ra, lúc đầu ai cũng nghĩ chắc không đến đổi nào. Bởi trong quá khứ nơi đây cũng đã từng xảy ra những trận động đất như thế. Cho nên, phải nói cư dân quanh vùng cũng không quan tâm đến mấy. Hơn nữa, sự phát thanh loan tin không chính xác nên cũng không có ai phòng bị. Nếu người ta lưu tâm chịu khó lánh nạn ngay sau khi động đất xảy ra, thì chắc chắn sẽ không gây ra thảm nạn chết chóc quá nhiều như thế. Bởi từ lúc xảy ra động đất cho đến khi sóng thần tràn ập vào ít nhất cách đó cũng gần 2 tiếng đồng hồ. Với thời gian như thế, cũng đủ cho người ta tìm cách lánh nạn kịp thời. Ông nêu ra trường hợp như ông hiệu trưởng và các thầy cô đã dẫn dắt các em học sinh của ngôi trường tiểu học nầy ( vừa nói tay ông vừa chỉ ngôi trường ) chạy lên trên một đồi cao, nên tất cả đều được thoát nạn bình an, vì nước lên không tới. Những gì ông nói bằng tiếng Nhật với đoàn đều do sư cô Tâm Trí chuyển sang Việt ngữ. Chúng tôi nhìn thấy có những chiếc tàu nằm trên sân thượng của bệnh viện. Trên sân thượng có một cây antenna cao và có một người đàn ông trèo lên mà thoát chết. Còn các bệnh nhân, bác sĩ và y tá trong bệnh viện ( gần trường học ) đều chết hết. Ông khẳng định, nếu không ỷ lại, tất cả đều lo chạy lánh nạn hết, thì chắc chắn mọi người sẽ được an toàn. Tuy nhiên, không ai ngờ sóng thần mực nước tràn ngập dâng lên cao khủng khiếp đến như thế. Mực nước cao hơn 15 thước ( có chỗ nói cao 39m ) và đi sâu vào đất liền khoảng hơn 3 cây số. Hiện nay người ta cho biết, số người chết có hơn 15.000 và số người mất tích có trên 3.000 người.

 

Quan sát toàn cảnh trí nơi đây, vì là vùng ven biển, nói đúng hơn là một cái eo vịnh, nên đời sống của người dân hẳn là trù phú giàu có lắm. Bởi những nền nhà còn lòi lên các bê tông cốt sắt, nhiều nhà còn những cọng sắt nhô ra khỏi cột xi măng. Nếu báo chí và đài truyền hình không loan tin, thì khó ai biết nơi đây đã bị động đất sóng thần. Người ta có thể nghĩ, nơi đây vừa mới xảy ra một trận chiến tranh ác liệt, vì sức tàn phá san bằng của bom đạn. Thật là một hoang cảnh đổ nát điêu tàn thảm khốc gây chấn động lòng người. Nay đã hơn năm rồi mà còn thấy đau lòng xót dạ như thế, nếu chúng ta chứng kiến cảnh tượng sau khi xảy ra trận thiên tai nơi đây, thì không biết phải nói sao cho hết nỗi đau buồn!

 

Nghe qua những cảnh xúc động thương tâm đó, tất cả chúng tôi đều xuống xe và đi đến gần bãi biển để tụng niệm một thời kinh cầu siêu ngắn. Dù mọi người đã trang bị cho mình những chiếc áo ấm thật dầy cũng như mũ đội đầu, nhưng gió thổi mạnh ai nấy đều cảm thấy lạnh thấu xương tủy. Thế nhưng, như có một sức mạnh vô hình nào đó thúc đẩy, chúng tôi đứng tụng hết thời kinh mà mọi người vẫn không sao. Sau khi tụng xong phần tiếng Việt, sư cô Tâm Trí hướng dẫn mọi người tụng đọc bằng tiếng Nhật. Sư cô phân phát cho mỗi người một bản kinh để tụng đọc theo. Tôi nghe người Nhật cũng như quý vị trong đoàn tụng đọc theo cũng nhịp nhàng hòa âm lắm. Vì tiếng Nhật đơn âm cũng dễ tụng đọc. Và điều kỳ lạ hơn nữa, dù có người tuổi cao trên tám mươi, như cụ Tâm Tiên mà vẫn không hề hấn gì. Đó phải chăng là do lòng bi cảm xót thương mà tạo thành một sức mạnh tinh thần rất mạnh nên vượt qua cái lạnh chết người.

 

Sau thời kinh, chúng tôi được ông Sato hướng dẫn đi xung quanh trong vùng những nơi bị thiệt hại nặng để mục kích quan sát tận mắt. Đi tới đâu ông cũng đều có giới thiệu qua. Đến nơi nào, chúng tôi cũng thấy cảnh hoang tàn đổ nát. Thậm chí có nhiều cây to cũng phải bị rụi lá chết khô. Đồ đạc thì vẫn còn nằm ngổn ngang không ai thu dọn. Có nơi người ta cất lại những căn nhà lụp sụp để tạm trú qua ngày.

 

Sau khi quan sát một vài nơi xong, chúng tôi đến tòa thị chánh để gặp ông thị trưởng. Rất tiếc, ông thị trưởng hôm nay đi vắng, nên chúng tôi tiếp kiến người đại diện là ông trưởng phòng của Hội từ thiện xã hội. Khi tiếp xúc, chúng tôi trình bày rõ về mục đích chuyến đi của đoàn khi đến Nhật, và ngày mai chúng tôi có thiết lập đàn tràng cầu an, cầu siêu ở ba nơi cho những nạn nhân thiên tai. Sau đó, chúng tôi tặng quà kỷ niệm cho ông. Ông rất vui vẻ nhận lãnh và ngỏ lời cám ơn đoàn chúng tôi. Ông bày tỏ bằng tất cả tấm lòng tri ân, khi nhìn thấy đoàn chúng tôi từ phương xa đến đây để giúp đỡ và cầu nguyện cho đồng bào ông. Một lần nữa, ông thay mặt cho những nạn nhân thiên tai kẻ còn, người mất, xin hết lòng đa tạ tấm chân tình chiếu cố của đoàn chúng tôi. Và ông cầu chúc cho đoàn sẽ thành công tốt đẹp mọi việc trong chuyến đi nầy.

 

Khi từ giả, ông và một vài nhân viên cùng nhiếp chung với đoàn một vài bôi hình kỷ niệm. Ông đứng tiễn đưa chúng tôi cho đến khi xe chạy khuất dạng, thì mọi người mới trở vô. Thật là lịch sự và rất cảm động. Sau đó, chúng tôi đi thẳng về chùa Đại Hùng ( Daiooji temple ), đến nơi vào lúc 5 giờ chiều.

 

Chùa Đại Hùng

 

Chùa Đại Hùng là một ngôi chùa cổ lâu đời. Theo sử ghi lại, chùa được xây dựng từ năm 1570, trải qua nhiều biến cố thời đại đến năm 1648, chùa bị hỏa hoạn thiêu hủy gần như toàn bộ, cho đến năm 1717 chùa mới có dịp trùng tu lại. Chùa tọa lạc trên một ngọn núi khá cao. Do đó, nên trận động đất sóng thần năm rồi ( 2011 ) không lên đến được, chỉ ngấp nghé tới bực thềm chánh điện. Được biết, chùa nầy cũng là nơi mà dân cư quanh vùng lên đây để tạm trú lánh nạn trong trận thiên tai sóng thần năm qua. Dù đã hơn năm rồi, nhưng hệ thống điện, gas và nước nóng cũng vẫn chưa được sửa sang lại. Vì thế nên trong đoàn không có ai tắm rửa giặt giũ chi cả.

 

Từ dưới chân núi du khách lên chùa phải lên dốc hơi cao. Khi sóng thần tràn vào, hàng cây to phía trước dọc theo đường lên chùa đều bị rụi lá khô cành. Do đó, người ta cưa sát gốc bằng phẳng. Khuôn viên chùa cũng khá rộng, có nhiều cây cối sum suê mát mẻ. Chùa có nhiều dãy nhà nằm san sát nối liền nhau. Chánh điện nằm ở chính giữa hai bên là hai dãy nhà đối diện. Chùa kiến trúc theo hình chữ U. Bên tay phải từ ngoài nhìn vào là khu nhà bếp và các phòng lớn nhỏ. Những phòng nầy ngăn liền nhau trong đó có phòng thầy trụ trì và gia đình của thầy. Khi đến, ông Sato hướng dẫn chúng tôi vào trọ ở dãy nhà phía bên tay trái nối liền nhau. Dãy nhà được chia ra làm hai phòng lớn: một phòng dành cho phái nữ và một phòng dành cho phái nam. Trong đoàn chúng tôi chỉ có ba người nam. Nếu thêm ông tài xế nữa là bốn người. Căn phòng bên nữ được sử dụng vừa ăn uống vừa ngủ nghỉ. Vì căn phòng nầy rộng rãi hơn. Có thể nơi đây được sử dụng như là một thiền đường hay nói đúng hơn như là một cái hall đa dụng.

 

Chánh điện cũng khá rộng và trang nghiêm. Cách tôn trí thờ Phật của các ngôi chùa ở Nhật đa số đều có phần giống nhau. Tùy theo phạm vi rộng hẹp của ngôi chùa mà cách thiết trí tôn thờ có khác. Ngôi chánh điện nầy, được thầy trụ trì cho phép chúng tôi tự do sử dụng. Hai thời khóa lễ sáng tối chúng tôi đều giữ đều đặn. Mỗi thời công phu sáng, lúc nào cũng có mặt thầy trụ trì và thân mẫu của thầy tham dự. Họ chỉ ngồi lắng nghe chúng tôi tụng niệm. Được biết, ngôi chùa nầy theo hệ phái Thiền tông. Thầy trụ trì tên là Kojima Kojin thuộc thế hệ thứ 19. Các tu sĩ Phật giáo ở Nhật không có pháp danh, chỉ khi nào viên tịch thì mới được đặt pháp danh. Thầy có gia đình và hai đứa con. Hiện thân mẫu và người phối ngẫu của thầy đang sống trong ngôi chùa nầy.

 

Cần nói thêm, ở Nhật, phần lớn những vị tu sĩ được sanh ra và lớn lên tại chùa và là người thừa kế công việc tu sĩ của người cha. Tuy nhiên, phải là con trai, nếu con gái hoặc rể thì không được thừa kế. Trong trường hợp không có con trai thừa kế, thì vị thầy đó phải chọn một vị tu sĩ khác, nhưng phải cùng một tông phái.

 

Nhân đây, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tìm hiểu sơ qua vài nét về sự du nhập và hình thành của các tông phái Phật Giáo Nhật Bản. Theo biên niên sử lâu đời nhất Nhật Bản, Phật giáo từ Triều Tiên ( Korea ) du nhập Nhật Bản vào năm 552 Tây lịch ( có chỗ nói là năm 538 ) Bấy giờ vua Paekche ra lệnh cử một phái đoàn qua nước Nhật để yết kiến Nhật Hoàng. Khi đi, phái đoàn có mang theo quà cáp, trong số đó có một món quà quý giá là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng và vàng. Ngoài ra còn có những kinh sách đắt giá v.v...

 

Thời gian nầy ở Nhật có nhiều dòng, nhưng dòng có thế lực hơn cả phải nói là dòng Soga. Đây là dòng họ thuộc đế quốc vương triều. Còn những dòng họ khác như dòng họ Mononobe và Nakatomi thì lại phản kháng việc Phật giáo du nhập. Vì họ cho rằng, nếu chấp nhận Phật giáo thì sẽ xúc phạm đến các vị thần bản xứ. Nên họ không chấp nhận thần thánh nước ngoài vào. Tuy nhiên, sau đó, dòng họ Soga chiến thắng dòng họ Mononobe về mặt chánh trị và quân sự, nên có thế lực rất mạnh trong vương triều. Khi ấy, mọi quyền hành nằm trong tay của hoàng hậu Suiko, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6 đầu thế kỷ thứ 7 ( 593 - 628 ). Thái tử Shotoku là người rất sùng mộ đạo Phật, có thể nói ông là người đầu tiên mở màn cho đạo Phật Nhật Bản, được coi như là một vị sơ tổ có công lớn lao trong việc khai phát và truyền bá Phật giáo sâu rộng trên toàn lãnh thổ Nhật Bản. Câu nói bất hủ của ông được truyền tụng mãi cho đến hôm nay: "Toàn dân Nhật Bản phải kính ngưỡng và thọ trì Phật pháp". Lời nói đó như là một pháp lệnh được thốt ra từ một người có uy quyền cao nhất nước. Như thế, bảo sao quần chúng không theo Phật giáo cho được.

 

Tuy nhiên, thời kỳ Phật giáo Nhật Bản được phát triển khởi sắc mạnh mẽ, phải nói là vào thời kỳ Heian ( Bình An ), tức vào năm 794 - 1184). Thời kỳ nầy, Phật giáo được sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoàng đế Thánh Võ ( Shomu, 710 - 756 ) thuộc triều đại Nại Lương ( Nara, 710 - 756 ). Bấy giờ Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Thời kỳ nầy việc xây dựng chùa chiền như trăm hoa nở rộ. Vì nhà vua đã ban lệnh khắp nơi phải xây chùa để cho dân chúng có cơ hội tu học thọ trì Phật pháp. Cũng trong thời kỳ nầy có bảy tông phái Phật giáo từ Trung Hoa đã truyền sang gồm có: Luật Tông ( Ritsu ), Câu Xá Tông ( Kusha ), Thành Thật Tông ( Jojitsu ), Tam Luận Tông ( Sanron ), Pháp Tướng Tông ( Hosso ) Tướng Tông ( Hosso ) Hoa Nghiêm Tông ( Kegon ). Những tông phái nầy đã được các học và hành giả quan tâm nghiên cứu. Mỗi tông phái đều y cứ vào kinh luật mà lập tông, tuy chủ trương và đường lối tu tập hành trì có khác nhau, nhưng mục đích nhắm tới thì không có khác. Tất cả cũng đều nhắm tới mục đích giải thoát và thành quả vị Phật mà thôi. Tuy nhiên, những tông phái nầy vì là sở trường chuyên môn nên phần lớn nó chỉ phổ cập trong giới xuất gia mà ít phổ biến rộng rãi trong quần chúng.

 

Đến thời Kiếm Thương ( Kamakura, 1185 - 1333 ), theo sử liệu ghi lại, đây là thời kỳ gây cảnh nồi da xáo thịt, phân hóa nội bộ, tạo thành nội chiến, tàn sát lẫn nhau, bởi các bộ tộc tranh chấp quyền lực với nhau. Do đó, Phật giáo cũng bị ảnh hưởng thời cuộc nên việc hành hóa, tu tập, và nghiên cứu đã bị đình đốn. Tuy nhiên, qua cơn mưa thì trời lại sáng, thời nào cũng vậy, nước nào mà lại chẳng thế, cứ hết thạnh, tới suy, hết suy, tới thạnh. Thế nhưng, đối với người đạt đạo, thì "nhậm vận thạnh suy vô bố úy, thạnh suy như lộ thảo đầu phô" ( Thiền sư Vạn Hạnh đời Lý ). Qua việc phân tranh quyền hành nầy, sau đó Phật giáo vẫn hoạt động lại bình thường.

 

Ngoài bảy Tông phái nói trên, còn có hai tông phái khác cũng từ Trung Hoa truyền sang Nhật Bản là: Thiên Thai Tông ( Tendai ) và Chân Ngôn Tông ( Shingon ). Hai tông phái nầy ảnh hưởng rất lớn đối với toàn thể dân chúng Nhật. Bởi có nhiều lý do, nhưng lý do vượt trội hơn hết, phải nói là vì hai tông phái nầy có sức hấp dẫn lôi cuốn mạnh về hệ thống giáo lý sâu nhiệm độc đáo, nên được đại đa số quần chúng nhiệt tình ủng hộ. Nhất là đối với tầng lớp quý tộc, họ rất quan tâm nghiên cứu tu tập. Còn có hai tông phái cũng đã được truyền bá rộng rãi ở Nhật trong thời kỳ đầu của thời đại Kiếm Thương ( Kamukura ( 1185 - 1333 ), đó là Nhật Liên Tông ( Nichiren ) và Tịnh Độ Tông ( Jodo ).

 

Ở vào thế kỷ 13, chúng ta thấy những tông phái chính đều có mặt tại Nhật gồm có: Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Thiên Thai Tông, Chân Ngôn Tông, Nhật Liên Tông v.v... Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập các tông phái xuất hiện ở Nhật ngay từ buổi đầu cho đến thế kỷ thứ 13, một cách khái quát thôi, chớ chúng tôi không có đi sâu vào phần chủ trương tu tập và giáo nghĩa của các tông phái đó. Vì đây không phải là chủ đích, việc làm nghiên cứu đào sâu của quyển sách nầy.

 

Đối với Phật giáo Nhật Bản ngày nay, có thể nói khác hơn Phật giáo thời xưa rất nhiều. Khác hơn ở lĩnh vực chiều sâu của một đời sống tâm linh phong phú. Nói rõ hơn là người xưa nặng về phần thực nghiệm tu chứng nhiều hơn. Khi đến Nhật Bản, thực sự chúng ta khó mà phân biệt được người nào là theo đạo Shinto và người nào theo Phật giáo. Vì giữa đạo Shinto ( tức đạo gốc của người Nhật ) với Phật giáo như là hòa quyện với nhau, ít ra cũng trong nề nếp tín ngưỡng. Mặc dù ngày nay người ta đưa ra một con số thống kê với tỷ lệ số người theo Phật giáo có khoảng 95 triệu tín đồ và một phần tư triệu Tăng, Ni với 86.000 cơ sở Phật giáo. Nhưng, riêng về đạo Shinto có khoảng 106 triệu người. Con số nầy người ta lấy từ những con số được đăng ký tại các ngôi chùa Phật giáo và các đền thờ Shinto giáo.

 

Hầu hết những nhà của người Nhật, thuần túy Phật giáo và Shinto họ đều thiết lập bàn thờ trong nhà mà họ tin tưởng là che chở cho nhà họ và cho gia đình họ. Khi người mua xe hơi, họ thường treo bùa trong xe. Bùa ở đây có thể là một vật gì đó đã được các vị tu sĩ Phật giáo hay vị tu sĩ Shinto chú nguyện. Như thế, sự tin tưởng của họ bị pha trộn lẫn lộn giữa Phật giáo và đạo Shinto. Mà đạo Shinto chủ yếu là nặng phần tín ngưỡng cầu nguyện, vì họ xem các vị thần Shinto như là những vị thần linh hộ mạng. 

 

Những ngôi chùa mà chúng tôi có dịp đến tham quan chiêm bái, chúng tôi thấy phần lớn là người Nhật đến cúng bái để cầu khẩn van xin hơn là thực nghiệm tu tập. Họ cầu xin một điều gì đó tùy theo nguyện ước của họ. Nhưng việc xin xăm thì chúng tôi không thấy. Họ viết những lời cầu nguyện trên một thẻ tre bằng chữ Tàu như: "Cầu gia đạo bình an", hay " Cầu hôn nhân hạnh phúc" v.v... Người cầu nguyện cầm thẻ tre đó chắp tay van vái khấn nguyện. Điều nầy không riêng gì nước Nhật mà ở các nước khác như: Trung Quốc, Việt Nam v.v... ngày nay cũng rất thạnh hành về việc tin tưởng nầy.

 

Thời nào cũng vậy, niềm tin đối với con người thật quan trọng. Tuy nhiên, đối với người Phật tử thì Phật dạy phải đặt định niềm tin trên nền tảng nhân quả. Người Phật tử phải trang bị cho mình một cái nhìn chánh kiến. Có chánh kiến, thì mới có chánh tư duy đúng chánh pháp v.v... Nếu đặt định niềm tin lệch huớng nhân quả thì niềm tin đó sẽ trở thành là tà tín. Bởi niềm tin thiếu trí huệ soi sáng. Tin đùa, tin đại, đụng đâu tin đó, không có sự kiểm chứng luận cứ sâu sắc của lý trí, thì rất là tai hại. Vấn đề nầy còn tùy theo trình độ nhận thức, tập quán của mỗi người mà có những niềm tin khác nhau. Đối với những người nhẹ dạ cả tin, nghe đâu chúc đó, không phân biệt lẽ chánh tà, chân ngụy, thì người đó dễ trở thành mê tín, lún sâu vào con đường tà ngoại gây tác hại cho mình, không những hiện đời mà còn trải qua nhiều đời về sau nữa. Thế nên, khi đặt định niềm tin, người Phật tử phải nên hết sức cân nhắc thận trọng. Được thế, thì mới xứng danh là người Phật tử, tức là con của đấng Giác Ngộ vậy.

 

Ngoài việc tin tưởng đó, về tín ngưỡng những lễ cưới hỏi, thì độ chừng 80% dân số Nhật Bản làm đám cưới tại đền thờ Shinto hoặc tại nhà thờ Tin Lành, còn chủ trì các tang lễ đều do Phật giáo chủ trì. Đối với họ, đạo Shinto chủ trì về phần lễ lạc vui mừng, còn đạo Phật thì chủ trì những gì mang tín u sầu buồn khổ. Nghĩa là khi họ gặp khó khăn trong đời sống và cái chết - dù tinh thần, kinh tế, hay bệnh hoạn - họ luôn đến chùa và thỉnh chư Tăng cầu nguyện chữa lành sự tổn thương tâm hồn họ. Vì họ quan niệm đạo Phật là đạo cứu khổ ban vui. Có thể nói, ngôi chùa là nơi đáp ứng nhiều dịch vụ nhu cầu tín ngưỡng cho quần chúng Phật tử như: tang lễ, truy điệu, hành thiền, ca vũ, trà đạo, cắm hoa, thủ công, thư pháp, các loại võ thuật, lễ hội v.v... Hầu hết các ngôi chùa ở Nhật mở cửa theo đúng giờ giấc hành chánh trong ngày. Họ mở cửa từ 9 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều. Họ giữ đúng giờ mở cửa và đúng giờ đóng cửa. Đó là quy tắc giờ giấc phục vụ của họ. Phần nhiều các ngôi chùa đều có bán vé ngoài cổng, du khách phải mua vé trước khi vào chùa.

 

Trở lại ngôi chùa Đại Hùng, khi đoàn đến, chúng tôi có nhờ sư cô Tâm Trí mời thầy trụ trì đến thiền đường ( nơi chỗ tạm ngủ nghỉ của đoàn ) để chúng tôi đảnh lễ và xin phép ngài được tá túc nơi đây vài hôm. Thầy rất hoan hỷ. Thầy trụ trì tuổi độ ngoài năm mươi, tánh tình rất hòa nhã, lịch sự, vui vẻ. Với đức tánh khiêm cung và đạo hạnh của thầy, làm cho người ta dễ cảm mến.

 

Cách Chào Hỏi Của Người Nhật

 

 Người Nhật dù là tu sĩ họ cũng có cách chào hỏi đúng theo truyền thống văn hóa của họ. Lần đầu tiên, tôi mới thấy được cách chào hỏi của họ. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên biết sơ qua về cách chào hỏi của người Nhật. Khi chào hỏi hoặc bày tỏ sự biết ân hay xin lỗi, thường người Nhật hay cuối người xuống. Hành động nầy tiếng Nhật gọi là Ojigi. Chữ Ojigi nầy có nghĩa là đổ người từ phần eo về phía trước.

 

Trong cuộc sống hằng ngày, người Nhật thường biểu lộ qua 3 kiểu chào hỏi:

1. Chào hỏi xã giao hằng ngày như ( Konnichiwa ) cúi người khoảng 15 độ.

2. Chào hỏi có phần trang trọng như ( Hajimemashite,yoroshiku onegaishimasu ): cúi người khoảng 30 độ.

3. Khi cám ơn hay cảm tạ ai đó: cúi người khoảng 45 độ.

 

"Trong giao tiếp truyền thống của người Nhật có những quy tắc, lễ nghi mà mọi người đều phải tuân theo tùy thuộc vào địa vị xã hội, mối quan hệ xã hội của từng người tham gia giao tiếp. Từ những quy tắc, quy định trong cách chào hỏi, xưng hô đến những cách ứng xử cụ thể trong gia đình thể hiện những nghi thức chào hỏi. Tất cả các lời chào của người Nhật bao giờ cũng phải cúi mình và kiểu cúi chào như thế nào phụ thuộc vào địa vị xã hội, từng mối quan hệ xã hội của mỗi người khi tham gia giao tiếp. Một quy tắc bất thành văn là “người dưới” bao giờ cũng phải chào “người trên” trước và theo quy định đó thì người lớn tuổi là người trên của người ít tuổi, nam là người trên đối với nữ, thầy là người trên (không phụ thuộc vào tuổi tác, hoàn cảnh), khách là người trên… Người Nhật sử dụng 3 kiểu cúi chào sau: kiểu saikeirei, cúi chào bình thường, khẽ cúi chào.

Kiểu Saikeirei: Cúi xuống từ từ và rất thấp là hình thức cao nhất, biểu hiện sự kính trọng sâu sắc và thường sử dụng trước bàn thờ trong các đền của Thần đạo, chùa của Phật giáo, trước Quốc kỳ, trước Thiên Hoàng.

Kiểu cúi chào bình thường: Thân mình cúi xuống 20-30 độ và giữ nguyên 2-3 giây. Nếu đang ngồi trên sàn nhà mà muốn chào thì đặt hai tay xuống sàn, lòng bàn tay úp sấp cách nhau 10-20 cm, đầu cúi thấp cách sàn nhà 10-15 cm.

Kiểu khẽ cúi chào: Thân mình và đầu chỉ hơi cúi khoảng một giây, hai tay để bên hông.Người Nhật chào nhau vài lần trong ngày, nhưng chỉ lần đầu thì phải chào thi lễ, những lần sau chỉ khẽ cúi chào. Thậm chí bạn cũng sẽ bắt gặp một hình ảnh một hình nhân “Ojigi” đặt ở nơi người hoặc xe cộ khó lưu thông vì đường đang thi công. “Ojigi” này có nghĩa là “Thành thật xin lỗi vì đã cản trở lưu thông”. Ngay cả người Nhật cũng thấy những nghi thức cúi chào này hết sức rườm rà nhưng nó vẫn tồn tại trong quá trình giao tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác và cho đến tận ngày nay" ( 1 )

Ngoài ra, người Nhật còn có cách quỳ rất lâu bằng cách là họ hạ mông xuống sát gót. Thường thì mình hay quỳ thẳng lưng, còn họ thì lại quỳ kiểu mông sát gót như thế. Có lẽ cách quỳ nầy mới có thể chịu đựng bền lâu được. Đây cũng là một thói quen mà họ đã tập từ lúc còn nhỏ. Cho nên họ quỳ rất bền mà không có bị tê chân. Như hôm nay, tôi quỳ đối diện với thầy trụ trì, phần xương sống của tôi bị đau, vì thoái hóa những cột xương sống nên bị đống vôi ( gai ) đè lên dây thần kinh nên chân bị tê nhức. Quỳ chừng vài phút là cảm thấy thật khó chịu.

 

Về cách cư xử của người Nhật, thì ai cũng biết họ rất tử tế lịch sự. Nói năng từ tốn nhỏ nhẹ. Họ rất ít nói. Khi cần thiết lắm thì họ mới nói. Bình thường gặp nhau dù giữa họ với họ cũng ít khi trò chuyện. Những lúc lên xe lửa, tôi thấy mạnh ai nấy ngồi hoặc đứng không ai nói gì với ai. Một không khí rất yên lặng. Trước khi lên xe lửa, họ đứng sắp hàng theo thứ tự, mỗi người nhường nhau bước vào, họ không bao giờ chen lấn với nhau. Có lẽ đây cũng là một lối sống trầm lặng không xô bồ phức tạp mà họ đã được hấp thụ bởi một nền giáo dục từ nhỏ. Chính đó, nên tạo thành một thói quen như thế. Thú thật, tôi rất thích nếp sống theo tập quán nầy. Tìm hiểu về con người Nhật Bản, có nhiều tài liệu đã đề cập đến. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra một vài nét về bản chất con người và cách sống của họ. Điều mà không ai có thể phủ nhận về cách nhạy bén và tánh cần cù chịu khó học hỏi của họ đối với những biến cố xảy ra ở nước ngoài. Họ rất quan tâm theo dõi tình hình biến chuyển của những trào lưu có xu hướng thắng thế ở một vài lĩnh vực nào đó. Họ lắng nghe, thu thập nghiên cứu tất cả để rồi họ đem ra đánh giá so sánh hầu để bắt kịp trào lưu đó. Nhờ họ chịu khó tìm hiểu, phê phán, chọn lọc, mọi khuynh hướng mới mẻ theo thời thế của các nước tân tiến, để từ đó họ cải biến rút ra những cái tinh hoa hay đẹp để thực hiện có lợi ích cho đất nước của họ. Đó là họ có óc cầu tiến và tinh thần học hỏi rất cao. Ngoài ra, họ còn có những đặc tính như: ý thức tập thể, khéo biết tôn trọng thứ bậc và địa vị, óc thẩm mỹ, cách trang phục, khéo bảo tồn những quốc phục truyền thống như chiếc áo Kimono chẳng hạn.

 

Một Vài Phong Tục và Kiêng Kỵ Của Người Nhật

 

Về phong tục, họ vẫn duy trì những tuyền thống văn hóa đẹp lâu đời như:

 

- Suno, đây là môn vật truyền thống lâu đời của họ, trải qua có hơn 2.000 năm lịch sử. Suno trở thành môn thể thao chuyên nghiệp vào đầu thời kỳ Edo ( 1603- 1868 ). Hiện nay môn nầy vẫn còn được nhiều người ưa thích.

 

- Geisha, hay còn gọi nghệ giả theo tiếng Nhật, là những người chuyên sống bằng nghệ thuật. Họ có nhiều kỷ năng như đàn hát, múa, kể chuyện, pha trà v.v... Những người nầy họ được đào tạo kỹ càng và sống trong một khuôn khổ nhất định. Muốn trở thành một người có nghệ thuật cao, thì phải theo học các trường từ cấp trung học cho đến tốt nghiệp đại học. Ngày nay những tay nghệ nhân nầy tuy không còn hoạt động mạnh mẽ như trước kia, nhưng cũng vẫn còn một số khu vực hiện đang hoạt động cũng khá nổi tiếng như ở khu Gion và Pontocho...

 

- Kimono, như đã nói đây là chiếc áo truyền thống lâu đời của người Nhật. Giống như chiếc áo dài Việt Nam. Kimono là một trong niềm tự hào của người Nhật và là một trong những biểu tượng của đất nước nầy. Chiếc áo nầy cũng đã trải qua nhiều thay đổi tùy theo mỗi thời kỳ mà có những phát triển thay đổi của nó. Hiện nay có khác hơn xưa, người Nhật không có mặc thường xuyên sinh hoạt hằng ngày nữa, mà họ chỉ mặc trong những ngày lễ hội truyền thống quan trọng như: Tết hoặc cưới hỏi v.v...

 

- Mangan, đây là môn nghệ thuật về tranh ảnh và biếm họa. Đối với người Nhật thì tranh ảnh cũng khá quan trọng trong nếp sống của họ. Ngày nay tranh ảnh rất phổ biến ở Nhật cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Môn nầy rất thạnh hành và lắm người yêu thích.

 

- Giao tiếp, khi giao tiếp, người Nhật họ có thói quen là không thích nói vòng vo quanh co mà thích đi thẳng vào vấn đề. Đây cũng là một sắc thái đặc thù, sau nhiều thế kỷ đóng cửa không giao tiếp với nước ngoài. Vì vậy, khi phải giao tiếp với họ, bạn không nên vòng vo tam quốc, lạc đề tạo thành bầu không khí nhạt nhẻo. Khi bạn muốn giao dịch làm quen, thì tốt nhứt là bạn phải trao cho họ danh thiếp để tự giới thiệu, khi trao hoặc nhận đều bằng hai tay và cũng không nên viết tay vào danh thiếp. Họ kỵ nhất là nhiếp ảnh chung ba người, không được vỗ vai, không tặng quà có số lượng bằng những con số 4, 9; và cũng không nên tặng những vật nhọn, vật có màu tím, màu xanh vì đối với người Nhật đây là những thứ tuợng trưng cho đau buồn và điều không may.

 

Người Nhật họ cũng có những điều kiêng kỵ trong khi giao tiếp. Trong đám cưới, họ kỵ dùng những từ ngữ như: "đã xong","vỡ", "hỏng", "đoạn tuyệt"... Họ cho rằng, trong hôn nhân, cả hai đều hy vọng sống đến đầu bạc răng long, những từ không may mắn sẽ làm tổn thương đến tình cảm đôi lứa. Hôn nhân tuy là việc đáng mừng, nhưng cũng không hy vọng lặp lại hai lần. Do vậy, những từ như: "Trùng phúc", "nhiều lần", cũng tránh dùng. Trong đám cưới người Nhật, vấn đề quần áo cưới cũng rất được quan trọng. Đàn ông mặc comple màu đen, áo trắng, thắt cà vạt. Đàn bà mặc trang phục màu trắng, nhưng khộng được mặc đẹp hơn cô dâu. Họ còn cấm không được đến dự đám cưới với bộ mặt buồn rầu. Người nào có chuyện không vui, thì tốt nhứt là cáo lỗi về sớm. Khi tham dự đám tang người Nhật kỵ dùng những từ như: "người tiếp đến người", "không lâu", "lại"... Đàn ông mặc comple đen, thắt cà vạt đen, đàn bà mặc váy đen, áo đen, không được đeo vòng cổ, nhẫn và tuyệt đối không được cười. Khi gởi thư phải lưu ý người Nhật rất kỵ nhận được các bức thư dán ngược tem, đặc biệt là trong thời gian đang yêu. Nếu nhận được thư như vậy coi như là điềm báo tình yêu giữa hai người đã chấm dứt. Những bức thư được coi là tốt lành thường có hai lớp trong, ngoài; nếu là thư để an ủi hỏi thăm người gặp hỏa hoạn thì nhất định chỉ dùng thư hai lớp, nếu không sẽ bị coi là có ý nói hỏa hoạn sẽ không chỉ là một lần. Khi viết thư cho người Nhật phải viết thẳng chữ, khi gấp thư không nên để tên của người nhận thư hướng xuống dưới, nếu không sẽ bị coi có ý nói người nhận thư bị đầu độc chết. (Theo phong tục tập quán các nước posted by tsunami @ 12: 25 AMO comments ). Ngoài ra, họ cũng còn có một số những điều kiêng kỵ thông thường sau đây:

 

1. Khi đi trên đường phố, không nên vừa đi vừa ăn, bằng không các cụ già khiển trách. 2. Khi đi thăm người ốm, dứt khoát không được tặng hoa, trà hoặc những hoa có chậu. Bởi vì người Nhật cho rằng đó là điều không tốt. 3. Ở Nhật Bản, giơ ngón tay lên không phải là ý tốt có ý là chỉ người bạn trai. Và giơ ngón út có ý là người bạn gái. Vì vậy, khi ở Nhật không nên tùy tiện làm hiệu tay để tránh sự hiểu lầm. 4. Người Nhật thường nói những câu tỏ ý xin lỗi như: xin lỗi, cảm ơn, phiền bạn v.v... Khi đến nhà bạn bè ăn cơm hay dự lễ cưới ở Nhật, có một số người Nhật khi ăn, cố ý để thừa lại một chút, sau đó gói mang về. Đây là sự tỏ ra lễ phép chớ chẳng có gì là lạ. 5. Khi ăn cơm, đủa nên để ngang chớ không nên để dọc. Vì người Nhật cho rằng đủa để thẳng là không tốt. Khi ăn họ rất kỵ lấy đủa quèn quẹt hoặc bới bị bới lại hay chọn v.v... Đây là thói rất xấu khi ăn cơm... 6. Cấm đủa lên bát cơm người Nhật không bao giờ cấm đủa lên thức ăn và đặc biệt là lên cơm, vì chỉ trong đám tang người ta mới cấm đủa lên bát cơm và đặt lên bàn thờ. 7. Không được dùng đủa để chuyền thức ăn vì trong đám tang người ta dùng đủa để chuyển những mảnh xương còn sót lại sau khi hỏa táng. 8. Sau khi ăn xong, không được nằm ngay. Người ta nói ăn xong mà nằm ngay thì sẽ biến thành con bò. 9. Khi đi mua bán, mặc cả là đều thất lễ. Trong các cửa hàng, đại đa số các mặt hàng đều có giá cả rõ ràng, không thể bớt được. Người Nhật rất thích đóng gói. Mà tất cả các loại giấy để đóng gói đều rất đẹp. Vì vậy, khi mua hàng không mất bao nhiêu thời gian để gói. 10. Không nên tặng khăn mùi xoa cho bạn bè. Chỉ làm điều đó một khi bạn muốn cắt đứt quan hệ. 11. Không được tùy tiện biếu trà cho người khác vì đây là lễ vật mà người Nhật đáp lễ sau khi cúng bái. 12. Không được biếu giày dép, bít tất và quần áo lót cho cấp trên hoặc người lớp trên. Bằng không họ sẽ nghĩ là không kính trọng họ. 13. Số 4 bị cho là con số không may bởi vì phát âm của nó giống với của chữ " tử " ( Shi = cái chết ). Một số khách sạn thậm chí không có phòng số 4. 14. Khi ngủ không được quay đầu về hướng bắc vì người ta thường đặt người chết nằm như vậy. 15. Nếu bạn gặp một chiếc xe tang đi ngang qua, bạn phải giấu ngón tay cái của mình đi. 16. Cắt móng tay, móng chân vào ban đêm. Nếu bạn cắt móng vào ban đêm thì khi cha mẹ bạn mất bạn sẽ không được ở bên cạnh họ. 17. Huýt sáo vào ban đêm nếu huýt sáo thì sẽ bị ông xà đến thăm ( Theo tạp chí khoa học phổ thông số 477/1999 )

 

Xin trở lại nói về thầy trụ trì của chùa Đại Hùng. Thầy cũng như gia đình, nhất là thân mẫu của thầy đối xử với đoàn chúng tôi rất tử tế và niềm nỡ. Chúng tôi phải mượn nhà bếp ở đây để nấu nướng. Dùng cơm chiều xong, khoảng 7 giờ tối các vị lên chánh điện lễ bái kinh hành niệm Phật. Sư cô Tâm Trí có lẽ thấy tôi không được khỏe lắm, nên sư cô sắp xếp nhờ cô Lý ( một thông dịch viên ) chở tôi đến khách sạn gần đó để ngủ nghỉ. Thật ra, lúc đó, tôi không biết chùa có phòng ngủ. Nếu biết, thì tôi sẽ ngủ lại chùa cùng với đoàn.

 

Ngày 4, tức ngày 7/4/12/

 

Thời Công Phu Khuya

 

Theo chương trình hôm nay là ngày chánh thức thiết lập đàn tràng cầu an, cầu siêu tại ba nơi: Kwazu - Cua Mina Sariku Uta Wazu Bay, Arashima, và Shizugawa. thuộc tỉnh Miyagi Minamisanriku. Đoàn thức dậy sớm vào lúc 4 giờ 30 sáng để chuẩn bị công phu. Thời công phu sáng hôm nay, do thầy Đức Minh và sư cô Tâm Trí hướng dẫn. Ở vùng núi đồi, sáng sớm sương mù rất lạnh. Nhất là ở trên núi cao sương xuống hơi đá bốc tỏa ra ám khí rất lạnh và độc. Vì thế nên mới có câu nói là sơn lam chướng khí. Những vị tu hành trên núi phải dụng công ngồi thiền nhiều mới đủ sức chống lại khí lạnh. Vì khi ngồi thiền nhiệt độ trong người tăng lên nên chống lại khí lạnh bên ngoài, do đó nên cảm thấy ấm áp. Vì lạnh, nên thầy Đức Minh cho đoàn lạy sám hối 108 lạy rồi kinh hành niệm Phật. Nhờ lạy Phật mà mọi người cảm thấy bớt lạnh. Lạy Phật ngài ý nghĩa tiêu nghiệp chướng ra, nó còn vận động làm cho cơ thể máu huyết lưu thông được dễ dàng. Đó cũng là một cách thể dục rất tốt cho sức khỏe. Vì thế, ở những xứ lạnh môn lễ bái cũng rất thích hợp cho việc tu tập hành trì. Sau đó, thầy trụ trì hướng dẫn cách hành thiền 20 phút.

 

Điểm Tâm và Họp Chúng

 

Đúng 7 giờ mọi người tập trung vào thiền đường để dùng điểm tâm. Buổi điểm tâm sáng nay, Ban trai soạn cho dùng cháo trắng, nấm cải, bánh tét do đoàn mang theo. Những đòn bánh tét nầy là do cô Viên Như và ông xã của cô là anh Nhã phát tâm gói 30 đòn để cúng dường cho đại chúng. Phải nói cô Viên Như là tay thiện nghệ gói bánh tét, ai ăn cũng phải khen ngon. Ngoài việc đãi cho đoàn ra, còn tặng cho một vài Phật tử bên Nhật mỗi người một đòn để họ thưởng thức tài nghệ của người gói bánh. Dùng điểm tâm xong, thầy Đức Minh và sư cô Tâm Trí phải đi trước để sắp xếp trang bị lễ đài. Trong khi đó, tôi mời những vị trong đoàn dự họp để tôi trình bày về chương trình buổi lễ cũng như cách thức hành lễ. Vì đây là buổi lễ khá quan trọng, nên cần phải có sự sắp xếp cho chu đáo. Nhất là về oai nghi tác phong cung cách của người hành lễ. Tôi thức nhắc trong đoàn về nghi thức tụng niệm cũng như đi rước vong. Tôi nhờ liên hữu Trí Lạc giúp cho phần xướng ngôn điều khiển chương trình. Mọi việc trình bày sắp xếp xong xuôi, thì đã tới giờ khởi hành. Chúng tôi hồi hướng và chuẩn bị ra xe.

 

Thiết Trí Lễ Đài

 

 Chúng tôi khởi hành vào lúc 9 giờ 30 sáng. Thời tiết sáng nay, tuy trời trong, nắng đẹp, nhưng gió thổi rất lạnh. Vì lễ đài được thiết trí gần bãi biển. Nhìn lễ đài cách thiết trí chưng bày rất trang nghiêm. Lễ đài chiều cao khoảng hơn 6 tấc, chiều dài khoảng 6 thước và chiều ngang khoảng 5 thước. Bên trên lợp tấm mũ màu xanh dương và chung quanh treo những lá cờ Phật giáo nhỏ. Những lá phướn cũng được treo trên lễ đài cũng như xung quanh lễ đài. Sàn nhà được lót bằng ván gỗ thật chắc. Chính giữa lễ đài là bàn thờ với ảnh tượng Phật Di Đà bằng gỗ quý tuyệt hảo. Phía dưới lễ đài đặt ba cái bàn tròn để những phẩm vật cúng cô hồn. Bàn thờ Phật cũng đầy đủ hương đăng hoa quả. Phía sau bàn Phật là một tấm biểu ngữ bằng vải nền trắng chữ màu đen với hàng chữ lớn bên trên: "Đại Lễ Cầu An, Cầu Siêu Cho Những Nạn Nhân Thiên Tai Sóng Thần". Chính giữa là hàng chữ Nhật. Ở đưới có hàng chữ nhỏ ghi tên hai chùa: Nhật Tân Cốc ở Nhật và Quang Minh ở Úc. Phải nói lễ đài được thiết trí rộng rãi và vững chắc. Đối diện với lễ đài là một dãy nhà dài thấp nhỏ. Được biết dãy nhà nầy mới xây cất cách nay vài tháng sau khi xảy ra thiên tai. Trong đó có một vài căn tiệm chuyên bán những món đồ lặt vặt.

 

Khóa Lễ Chánh Thức 

 

Đúng 10 giờ, xướng ngôn viên Trí Lạc mời tất cả quý liên hữu và những thân nhân của những nạn nhân thiên tai đứng vào hàng ngũ. Số thân nhân người Nhật đến tham dự trên dưới khoảng hai mươi người. Ngoài những thân nhân ( tang chủ ) ra, còn có một vài quan khách tham dự như các ông: Yamauchi là nghị sĩ của Monami Sanriku. Ông Milla, hội trưởng của Hội NPO và ông Sato là hội phó. Họ đứng hàng ngang xoay mặt vào lễ đài. Còn quý liên hữu Phật tử trong đoàn thì đứng hai hàng đối diện nhau. Những người đứng đầu thì cầm cờ phướn nhỏ. Còn lại những vị khác thì bưng đèn loại đèn hoa sen thắp sáng bằng pin.

 

Mọi người đứng vào vị trí hàng ngũ chỉnh tề, bấy giờ Trí Lạc mời Tôi, Thầy Đức Minh và sư cô Tâm Trí bước lên lễ đài để hành lễ. Trước khi làm lễ, tôi thưa qua vài lời nói rõ về lý do của buổi lễ cầu an, cầu siêu hôm nay. Chúng tôi nói bằng tiếng Việt và sau đó sư cô Tâm Trí dịch sang tiếng Nhật. Nói xong, chúng tôi đọc bài văn triệu thỉnh chư vị hương linh, những vị không may đã bỏ mình trong trận thiên tai sóng thần năm qua ở nơi đây. Nguyên văn bài văn triệu thỉnh như sau:

 

Kính thưa chư vị hương linh,

 

Hôm nay là ngày 7/4/ 2012, nhằm ngày 16 tháng 3 năm Nhâm Thìn. Chúng tôi là những người Phật tử Việt Nam hiện đang định cư ở Úc, ở Mỹ, ở Canada và ở Việt Nam cũng như có những vị hiện đang sinh sống ở Nhật Bản, là nơi quê hương đất nước của quý vị. Dù chúng ta là những người khác quê hương xứ sở, khác chủng tộc, và có thể khác lý tưởng tôn giáo, nhưng tất cả chúng ta vẫn là con người. Đã là con người, thì hãy xem nhau như tình huynh đệ, nói rõ hơn là tình đồng loại, đều có dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn như nhau. Vì thế, chúng ta không có phân biệt là người nước nào, chủng tộc nào, hay tôn giáo nào. Nếu quý vị là người Phật tử hay không phải Phật tử, với tinh thần bình đẳng của đạo Phật thì không có phân chia ranh giới màu da chủng tộc hay tôn giáo. Mà tất cả đều có chung một linh tri Phật tánh như nhau.

 

 Hôm nay, chúng tôi đến đây cùng nhau thiết lập đàn tràng để tụng kinh cầu siêu bạt độ cho chư liệt vị hương linh, quý vị đã không may tử nạn trong trận thiên tai sóng thần ác liệt đã xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011. Đó là một trận thiên tai kinh hoàng thật khủng khiếp đã không may xảy ra trên đất nước quê hương của quý vị. Đó là một nỗi đau thương bất hạnh quá lớn lao mà quý vị đã phải hứng chịu. Chúng tôi biết rằng, trận thiên đại hồng thủy đó đã gây ra một thảm nạn vô cùng to lớn mà quý vị là những nạn nhân phải bị chết một cách rất oan uổng thảm thương, chết trong giá lạnh tái tê không một lời trăn trối. Quý vị có thể là đủ mọi thành phần trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, và ở mọi lứa tuổi, ấu niên, thiếu niên, thanh niên, trung niên và lão niên. Có thể có những gia đình đã mất hết, cũng có những người may mắn được sống còn. Trong số đó có những thân nhân ruột thịt của quý vị. Sự ra đi một cách đột ngột bất thần, thử hỏi làm sao tránh khỏi sự lưu luyến tiếc thương những người thân may mắn còn sống sót. Người còn sống thì sống trong đau khổ ngút ngàn và tiếc thương người đã mất. Chính đó là mối dây ân ái ràng buộc làm cho khổ lụy với nhau. Tất cả quý vị không ai có thể biết được cơn vô thường xảy đến nhanh chóng như thế. Vì vậy không có ai nghĩ rằng mình phải chết một cách đau thương oan uổng không ai hay biết.

 

Tuy đây là do tai trời ách nước, tôi biết quý vị không bao giờ có sự hờn trách với bất cứ những gì đã xảy ra. Không thể trách trời hay trách đất, mà chỉ buồn đau cho thân phận nghiệp dĩ của chính mình. Tuy không oán trách ai, nhưng quý vị không sao tránh khỏi sự luyến tiếc nhớ thương đến những gì có liên quan thân thiết với bản thân mình. Như thân nhân ruột thịt hoặc tài sản sự nghiệp mà chính do bàn tay của quý vị tạo dựng nên. Sự thương nhớ luyến tiếc đó đã làm cho quý vị rất buồn đau khổ lụy. Và rồi kéo dài trong kiếp sống tối tăm đọa đày bởi do vô minh nghiệp thức chủ động mà chưa có cơ hội tháo gỡ thoát ra.

 

Hôm nay đây, chúng tôi muốn quý vị nên ý thức đến sự vô thường và ý thức đến những nỗi khổ đau triền miên của nghiệp thức nổi trôi lăn lộn ở trong sáu đường. Đó là con đường luân hồi sanh tử đau khổ mà chúng ta cần phải ý thức thoát ra. Trong kinh Phật thường dạy, hễ có thân là có khổ dù thọ bất cứ thân gì. Kể cả thân trời hay thân người cũng không sao tránh khỏi khổ đau. Chính vì thế, nên giờ đây, đàn tràng đã thiết lập, phẩm vật đã dọn bày, trai nghi thành kính, chúng tôi kính mời quý vị, dù quý vị là Phật tử hay không phải Phật tử, tất cả đều được tham dự pháp hội chẩn tế, trước là để thính pháp nghe kinh, hầu nhờ oai lực của Tam bảo của các vị long thần hộ pháp, đồng thùy gia hộ cho chư liệt vị hương linh chóng thoát khỏi những ràng buộc dính mắc ái kiến mau được siêu sanh cõi Tịnh. Ta bà tốc thoát, Cực lạc đăng quang, liên đài cửu phẩm hoa khai, Nhứt thừa thọ ký lên ngay sen vàng. Và sau, quý vị đồng đẳng thọ dụng những phẩm vật đã được thiết bày hiến cúng. Của tuy ít, nhưng lòng của chúng tôi thì nhiều, ngưỡng mong quý vị hương linh đồng câu hội cùng chứng minh thọ tài hưởng thực. Và chứng minh cho lòng thành mời gọi của chúng tôi.

 

Nam mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật.

 

Bản văn nầy, chúng tôi có nhờ sư cô Tâm Trí dịch ra tiếng Nhật và sư cô đã đọc bằng tiếng Nhật cho những người Nhật tham dự hôm đó nghe. Họ rất cảm động. Họ vừa buồn tủi và cũng vừa cảm phục như tỏ ra biết ân chúng tôi. Vì mọi người đang đứng trong cơn gió thổi mạnh rất lạnh. Họ cảm nhận được sự lạnh lẻo như cắt da của ngày hôm đó. Tuy nhiên, họ nhìn thấy chúng tôi trẻ già như bất chấp sự lạnh lẻo mà chỉ một lòng thành tâm hướng về Tam bảo tụng kinh cầu nguyện. Qua những giây phút tưởng niệm đến chư vị hương linh, chúng tôi bắt đầu niệm hương bạch Phật khai kinh. Chúng tôi biên soạn theo nghi thức chẩn tế cô hồn. Tuy nhiên, vì chúng tôi không đủ kinh sư nên chúng tôi lược bớt đi nhiều. Chúng tôi phân phát cho mỗi người một quyển Mông Sơn Thí Thực để tất cả đều tụng.

 

Trước khi vào nghi thức chẩn tế, chúng tôi có đi một vòng để thỉnh vong. Chúng tôi vừa đi vừa niệm Thánh hiệu Quan Âm. Tất cả mọi người tham dự kể cả các thân nhân người Nhật cũng đồng đi với chúng tôi. Đi một vòng rộng lớn xong, chúng tôi trở về lễ đài và mọi người trở lại vị trí như cũ để tiếp tục hành lễ. Buổi lễ hôm đó, tuy đơn giản nhưng thật trang nghiêm. Trong khi chúng tôi đang tụng niệm, bỗng dưng có một luồng gió thổi thật mạnh làm cho các đồ vật trên bàn đều lăn ngã hết. Có người nói với tôi, chắc là các vị hương linh về chứng kiến và thọ dụng. Sau phần tụng kinh tiếng Việt, sư cô Tâm Trí hướng dẫn mọi người tụng kinh bằng tiếng Nhật. Chúng tôi cũng có biên soạn một bài sám thỉnh cô hồn, nhờ cô Nhật Tịnh in ra nhiều bản để phát cho mọi người tụng đọc, nhưng rất tiếc hôm đi vì lu bu công việc nên cô Nhật Tịnh quên mang theo. Nguyên văn bài sám như sau:

 

Sám Thỉnh Cô Hồn

(Đặc biệt dành cho buổi lễ cầu siêu tại Nhật Bản )

Đất Phù Tang an bình vui sống

Bỗng đất bằng sóng dậy đau thương

Hởi ơi! cơn lóc vô thường

Nào ai biết được tận tường thiên tai

Trận động đất sóng thần khủng khiếp

Nước trào dâng lên tận nóc gia

Biết bao kẻ khóc người la

Tan tành phúc chốc lệ sa khắp trời

Bao thân xác rã rời đây đó

Biết bao người khốn khó lầm than

Sống trong nước mắt chứa chan

Nghèo cùng khốn khổ gian nan lắm điều

Tìm xác chết thân liều chẳng kể

Đức hy sinh sâu bể trời cao

Kẻ còn vất vả lao đao

Người đi biền biệt không sao trở về!

Chìm dưới nước tái tê lạnh buốt

Trôi bồng bềnh chẳng biết về đâu

Có người bị đá vùi sâu

Chết trong thảm cảnh mây sầu buồn giăng!

Hồn phiêu bạt lang thang vất vưỡng

Cõi tối tăm không chỗ tựa nương

Biết bao khốn khổ trăm đường

Đàn tràng siêu độ hồn nương quy hồi

Cầu Phật độ nơi nơi chốn chốn

Những cô hồn thiếu thốn tình thương

Trai đàn chẩn tế khói hương

Nguyện hồn siêu bạt tơ vương không còn

Nghe kinh kệ nguyện hồn thức tỉnh

Hương hoa đăng cung thỉnh hồn về

Cùng nhau hội tụ đề huề

Thức ăn thọ hưởng một bề kính dâng

Cuộc trần thế xoay vần dâu bể

Có bền đâu thân thể tiêu tan

Bạc tiền danh vọng cao sang

Vô thường cướp mất khóc than lụy sầu

Nghiệp ác tạo trồng sâu khổ hải

Vòng luân hồi quanh mãi xuống lên

Cửa nhà xây dựng tạo nên

Nào ngờ phút chốc vách phên tan tành

Nương cửa Phật tu hành giải thoát

Nghe tiếng chuông cảnh giác mê say

Con đường chánh pháp thẳng ngay

Đồng quy tu tập hằng ngày an vui

Đàn trai sẵn thiết bày triệu thỉnh

Vận tâm thành an tịnh thanh cao

Cảnh đời bọt nước lao xao

Cầu hồn siêu độ chóng mau thoát nàn

Nay thành kính lập đàn chẩn tế

Nguyện vong hồn thoát bể ái hà

Nương nơi Phật lực Di Đà

Vãng sanh Cực lạc Ta bà yểm ly

Cõi Cực lạc có gì so sánh

Cùng bạn hiền đất Thánh ngao du

Ta bà khác thể ngục tù

Sanh về Cực lạc thiên thu sống còn

Tình huynh đệ sắc son bày tỏ

Tấc lòng thành thổ lộ linh thông

Nguyện hồn Lạc cảnh thong dong

Hoa khai kiến Phật tâm đồng an vui

Lời cạn trót bùi ngùi đau xót

Cảnh chia ly đau buốt tâm can

Âm dương cách trở đôi đàng

Nguyện cầu hồn đặng siêu thăng Niết bàn.

 

Dứt phần tụng niệm, đến phần phát biểu cảm tưởng và cảm tạ. MC Trí Lạc mời ông Milla hội trưởng của Hội NPO lên lễ đài phát biểu cảm tưởng. Ông nói, trước hết, ông xin thay mặt cho những người Nhật hiện diện cũng như những người đã chết và còn sống, nói chung là đồng bào ông, ông xin cám ơn chư Tôn Đức Tăng Ni và quý vị Phật tử từ các nơi xa xôi về đây để tụng kinh cầu nguyện cho những đồng bào của ông không may đã chết. Ông rất là cảm động khi nhìn thấy mọi người chịu đựng đứng tụng niệm cầu nguyện trong cơn gió thổi rất lạnh. Thế mà không một ai tỏ ra cảm thấy khó chịu trong cơn lạnh. Điều đó làm cho ông vô cùng kính phục. Một lần nữa, ông không biết nói gì hơn, chỉ biết cám ơn và cầu chúc cho mọi người luôn được mạnh khỏe để hoàn thành mọi việc tốt đẹp trong chuyến đi nầy.

 

Sau đó, đến phần cảm tạ của cô Nhật Tịnh. Cô thay mặt cho Ban Tổ Chức buổi lễ, kính tri ân và xin thành tâm bái tạ thâm ân chư Tôn Đức Tăng Ni đã chẳng nài gian lao mệt nhọc khó khăn, cùng nhau về đây để làm lễ cầu an, cầu siêu cho những người còn cũng như người mất đều được lợi lạc. Nhất là sư cô Tâm Trí đã phụ giúp với cô rất nhiều trong việc tổ chức cho buổi lễ hôm nay. Cũng như thầy Đức Minh, tuy thầy đến Nhật vì lý do Phật sự riêng, nhưng thầy cũng hoan hỷ tham dự góp phần công đức cầu nguyện cho buổi lễ nầy. Và cô cũng không quên tri ân rất nhiều đối với phái đoàn ở Úc, đã sẵn lòng sang Nhật và đến tận nơi đây để làm lễ cầu nguyện. Với ân đức lớn lao đó cô xin hết lòng tri ân và bái tạ. Đó là chúng tôi tóm tắt những gì mà cô đã phát biểu.

 

Khóa Lễ Cầu Siêu Ngắn Trên Cầu

 

Thế là buổi lễ cầu an, cầu siêu chánh thức ở lễ đài đã hoàn thành viên mãn hết sức tốt đẹp. Chấm dứt buổi lễ cũng đã trưa, nhìn đồng hồ tay lúc đó là 11 giờ 30. Mọi người lên xe đến một địa điểm thứ hai để làm lễ cầu nguyện. Khi tới địa điểm, chúng tôi dùng trưa đạm bạc sơ sài trên xe. Dùng xong khoảng 1 giờ chiều, chúng tôi xuống xe đi ra ngoài cái cầu từ đất liền ra gần đến một hòn đảo nhỏ. Chúng tôi xuống xe đi thiền hành lặng lẽ ra cầu. Cây cầu chiều dài khoảng hơn 200 thước và chiều ngang khoảng hơn 10 thước. Trời chiều gió biển thổi rất lạnh. Chúng tôi mặc đồ ấm thật dầy, nhưng cũng không chống nổi với cái lạnh ác nghiệt thấu xương nầy. Dù lạnh, nhưng chúng tôi vẫn đứng nghiêm trang trên cầu hướng mặt ra biển để tụng kinh cầu nguyện. Tụng vừa xong, thì có vài người phụ nữ Nhật đến. Trong đó có một bà trọng tuổi yêu cầu chúng tôi tụng kinh cầu nguyện tiếp. Bà nói, rất tiếc bà đến hơi trễ, vì bà có một người chồng mất tích cho đến hôm nay cũng không tìm được. Chồng của bà tên là Konno Matsutomo. Bà thỉnh cầu chúng tôi tụng kinh cầu nguyện cho chồng bà. Nhìn thấy bà thật là tội nghiệp. Bà nói với một giọng thật trầm buồn và ứa lệ. Tôi rất cảm thông cho tình cảnh của bà. Tôi nhờ cô Nhật Tịnh dịch lại tiếng Nhật những lời mà tôi thành thật khuyên lơn an ủi bà. Rồi chúng tôi tụng tiếp những bài kinh chú ngắn gọn để hết lòng cầu nguyện cho chồng bà. Sau đó chúng tôi mời bà cũng như một vài người khác cùng chụp chúng bôi hình kỷ nìệm. Xong rồi, chúng tôi đi trở ra xe. Chúng tôi vừa lên xe, thì có một thanh niên phóng viên người Nhật của một tờ báo địa phương đến xin phỏng vấn tôi. Đại khái anh ta hỏi tôi về mục đích của chuyến đi cũng như thời gian lưu lại ở Nhật. Anh ta nêu ra một vài câu hỏi có liên quan đến chuyến đi của đoàn và tôi nhờ cô Nhật Tịnh chuyển sang tiếng Nhật những điều mà tôi trả lời. Cuộc phỏng vấn chớp nhoáng khoảng 10 phút rồi anh ta chào từ giả cám ơn chúng tôi. Và anh ta cầu chúc cho đoàn mọi việc thành công tốt đẹp.

 

Khóa Lễ Cầu An, Cầu Siêu Ở Sở Cứu Hỏa

 

Sau đó, chúng tôi thẳng đến sở cứu hỏa. Chúng tôi tới đây đúng 3 giờ chiều. Tuy mới 3 giờ mà nhìn bầu trời u ám mây đen bao phủ, tuyết rơi trắng xóa, trông thật ảm đạm. Nhìn thấy ngôi nhà cứu hỏa đứng trơ trọi một mình giữa khoảng đất trống rộng lớn. Xung quanh không còn một căn nhà nào của người dân cư trú. Ngôi nhà 2 tầng cao 12 mét toàn bộ bị hư hại nặng, giờ chỉ còn bốn tấm vách tường bằng gạch loang lổ, còn tất cả bên trong đều hư hại hết. Nhìn giống như một ngôi nhà ma thật là hoang vắng điêu tàn. ông Sato cho biết có 50 nhân viên làm việc ở đây và dưới sự lãnh đạo điều động chung của ông thị trưởng. Trong Ban quản lý gồm có 5 người. Ông Sato cho biết, ngày xảy ra thiên tai, thì Ban quản lý đang họp và sau đó ông thị trưởng ra lệnh ngưng cuộc họp. Sau khi ngưng họp ông tìm đường thoát nạn. Ông không ra lệnh cho mọi người phải tìm cách thoát thân. Mọi người vẫn ở lại làm việc. Một số nhân viên thơ ký làm việc cho ông thì họ lo tìm cách tẩu thoát nên còn sống. Kết quả nơi đây có 10 người còn sống và 40 người tử nạn.

 

Theo lời ông Sato, thì có một cô gái 24 tuổi chết sau cùng. Vì cô phát loa kêu gọi mọi người nên tìm cách lánh nạn nước sẽ trào dâng lên cao, nhưng rất tiếc không ai chú ý đến lời phát thanh kêu gọi của cô. Bởi vì trước đó họ loan tin sai lệch. Cuối cùng, cô phải hy sinh tuẩn nạn bỏ mình nơi đây. Cho đến bây giờ, khi nhắc đến tên cô người ta không khỏi thương tiếc và bùi ngùi cảm động. Như vậy, chúng ta thấy rõ hai hình ảnh tương phản nhau. Một người gọi là phụ mẫu chi dân, có quyền hành địa vị làm việc có lương bổng cao, thế mà trong cơn hoạn nạn thập tử nhứt sanh, thì lại bỏ mặc cho nhân viên của mình ai chết mặc ai. Ông chỉ lo tìm cách thoát nạn một mình. Ngẫm lại, thời nào, xã hội nào, mà không có những hạng người ích kỷ tham sống sợ chết nầy. Việc nầy báo chí và đài truyền hình cũng đã lên tiếng chỉ trích phê bình. Đồng thời, người dân ở đây họ cũng lên tiếng yêu cầu ông phải mau từ chức. Những cư dân quanh vùng họ muốn phá hủy ngôi nhà nầy, vì họ không muốn thấy gợi lại nỗi đau thương trong lòng họ. Nhất là đối với những người mà họ có người thân của họ chết trong ngôi nhà nầy. Tuy nhiên, ông thị trưởng không cho, vì ông muốn giữ lại để kỷ niệm. Đó là lời thuật lại của ông Sato.

 

Trước khi làm lễ, tôi đứng trước bàn linh để nói vài lời về chuyến đi và việc làm của đoàn. Tôi nhìn họ trong gương mặt ưu tư buồn thảm. Dù đã hơn năm qua, nhưng vết thương lòng của họ vẫn chưa lành hẳn. Vì nơi đây là nơi mồ chôn tập thể. Một ngôi mồ mà chỉ vì muốn cứu thoát cho tha nhân. Chỉ luôn nghĩ đến mọi người mà tất cả đều phải hy sinh tánh mạng. Tôi nghe những gì ông Sato nói, mà cõi lòng tôi cũng quặn thoắt đau xót vô cùng. Bởi trong thế gian nầy cũng còn có những tâm hồn mang sứ mệnh của Bồ tát. Chỉ nghĩ đến mọi người mà không nghĩ đến cái chết của chính mình. Như vậy, chúng ta không cần tìm Bồ tát ở đâu xa, mà các vị Bồ tát hiện đang ở quanh ta. Một việc làm, một nghĩa cử, một lời nói, chỉ nghĩ và nhắm vào lợi ích cho tha nhân, như vậy không phải Bồ tát là gì?

 

 Tất cả mọi người đứng trong giá rét tuyết rơi. Tuyết càng lúc càng rơi nhiều. Phần gió thổi mạnh, phần tuyết rơi xuống nhiều, nên ai nấy cảm thấy rất lạnh. Như tôi có lúc cũng run cầm cập. Tuy nhiên, cái giá lạnh của thời tiết nầy, rồi nó cũng chóng qua và mình cũng có thể chịu đựng được. Còn cái giá lạnh nỗi buồn khổ canh cánh trong lòng của những nguời sống trong đơn độc, vì người thân đã mất, cái lạnh đó mới là đau khổ ngút ngàn và không biết đến bao giờ mới vơi hết nỗi sầu. Bởi sinh ly tử biệt là một trong những nỗi khổ lớn của con người. Nói lên vài điều chia sẻ nỗi mất mát thương tâm lớn lao của họ, sau đó, chúng tôi bắt đầu hành lễ. Chúng tôi tụng kinh cầu siêu và thí thực cô hồn. Trong khi đó, Nguyên Nhật Tiến cùng một hai người trong đoàn đi cắm nhang xung quanh của căn nhà hoang nầy. Tôi thầm cảm chắc chắn là các vị hương linh sẽ chứng minh cho tấm lòng thành tâm cầu nguyện của chúng tôi. Cho nên khi tụng kinh chừng 10 phút, thì tuyết sẽ không còn rơi nữa. Và bầu trời trở lại trong sáng hơn.

 

Trên Đường Trở Về Chùa Đại Hùng

 

Sau đó sư cô Tâm Trí nói vài lời với họ bằng tiếng Nhật. Tôi cũng nói vài lời từ giả họ trước khi chia tay. Buổi lễ diễn ra tuy thời gian không lâu, nhưng rất trang trọng và mọi người hết sức thành tâm cầu nguyện. Chúng tôi chào họ rồi tất cả lên xe về lại chùa Đại Hùng. Trên đường về, chúng tôi chứng kiến thêm cảnh hoang tàn đổ nát dọc theo hai bên đường. Bất giác, tôi trực nhớ đến bài thơ với tựa đề là: "Thiên Tai Khổ Nạn", mà tôi đã sáng tác cách nay khoảng vài tháng. Bài thơ nầy đã được nhạc sĩ Nguyễn Bính phổ thành nhạc. Và thỉnh thoảng cặp vợ chồng song ca Trí Lạc và Diệu Ngọc 4, cũng hay hát bản nhạc nầy ở trên xe.

 

Gió chiều mang hơi cay

Thiên tai khổ nạn hoài

Bao nhà tan cửa nát

Người chết chẳng ai hay!

 

Gió chiều mang hơi cay

Bao kẻ sống đọa đày

Cảnh màn trời chiếu đất

Quần áo chẳng còn thay!

 

Gió chiều mang hơi cay

Bao cảnh khổ dạn dày

Bệnh tật nằm lây lất

Đói khát khổ trần ai.

 

Gió chiều mang hơi cay

Nhìn không rõ hình hài

Thân cằn người hốc hác

Nhận không biết là ai.

 

Gió chiều mang hơi cay

Thiên tai ách nạn hoài

Cảnh đất bằng sóng dậy

Bao kẻ sống lạc loài

 

Gió chiều mang hơi cay

Đồng ruộng không người cày

Nước dâng tràn ngập hết

Người chết nằm phơi thây

 

Gió chiều mang hơi cay

Bao tiếng khóc đêm dài

Rên la nằm giãy chết

Bao giờ hết nạn tai?!!!

 

Qua một ngày, tuy đứng ngoài trời chịu gió lạnh, nhưng mọi người vẫn cảm thấy rất ấm áp hạnh phúc. Hạnh phúc, vì ít ra mình cũng đã chia sẻ phần nào trong tâm cảm và bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình đối với người còn kẻ mất. Nhất là đối với những người có mặt dự lễ hôm nay. Bất cứ việc làm nào mà mang lại hạnh phúc lợi ích cho mình và người, thì việc làm đó quả thật là có ý nghĩa. Khác hơn mọi khi, hôm nay mọi người không trò chuyện vui cười, bầu không khí trong xe thật trầm lặng. Sự yên lặng đó, có thể mỗi người như đang trầm ngâm suy tư một điều gì đó. Có thể có người đang nghĩ đến cái kiếp sống mỏnh manh của con người. Nhìn thấy cảnh tượng diễn ra trước mắt, thử hỏi ai mà không khỏi chạnh lòng thương xót! Thương người rồi nghĩ đến mình. Nhìn lại, đời người thật quá ngắn ngủi khác nào như những con phù du hay những hạt sương mai. Sớm còn tối mất chợt qua đời khác. Bao nhiêu tài sản tạo dựng cả đời người, nay bỗng chốc trở thành đống tro tàn gạch vụn. Bởi thế, Phật nói, tiền của tài sản thuộc về năm nhà là thế. Mới bị một nhà " Đại hồng thủy" thăm viếng thôi, mà tất cả đều bị thiệt hại nặng nề. Còn 4 nhà kia phá hoại tiêu hao cũng không phải là ít như: hỏa gia ( lửa cháy thiêu hủy tất cả ), xung công gia ( tài sản không di chúc bị nhà nước tịch thu làm của công ), tử gia ( con cái ngỗ nghịch phá tán của cải đôi khi còn giết luôn cả cha mẹ ), tặc gia ( giặc cướp phá hoại chiếm đoạt hết tài sản, đôi khi chúng còn tàn nhẫn ra tay hạ sát luôn ).

 

 Nhớ lại hình ảnh của một người đàn bà người Nhật, thân hình tiều tụy gầy ốm, thấp nhỏ, trên gương mặt hiện rõ nét ưu sầu. Vì thương nhớ người chồng đã bị mất tích hơn năm rồi mà không tìm thấy xác. Tuy niềm hy vọng của bà thật quá mong manh, nhưng bà cũng vẫn còn nuôi hy vọng. Bà khẩn thiết yêu cầu chúng tôi tụng thêm thời kinh nữa để cầu nguyện cho chồng bà. Nếu như ông đã chết thì chóng được siêu thoát. Bằng còn sống sót trôi dạt ở đâu đó, thì nhờ lời kinh tiếng kệ nầy mà được tai qua nạn khỏi để sớm trở về đoàn tụ lại với gia đình.

 

Nhìn bà thật là tội nghiệp đáng thương xót biết bao! Tôi rất cảm thông và hiểu được nỗi lòng đau khổ và niềm hy vọng của bà. Dù vẫn biết rằng, niềm hy vọng đó có khác nào như người lặng xuống đáy biển sâu để mò kim, thử hỏi làm sao có thể mò được. Ấy thế mà bà vẫn cố tâm duy trì niềm mơ ước đó để sống. Ân ái biệt ly khổ là thế đó! Làm người thử hỏi có mấy ai thoát khỏi cảnh đau khổ sinh ly tử biệt nầy! Tuy nhiên, nếu bà nhận ra được lẽ vô thường sinh diệt của vạn hữu thì có lẽ bà sẽ vơi đi nỗi khổ niềm đau nhiều hơn. Thương xót bà cũng thương xót lại chính mình. Nếu mình chưa thoát khỏi được vòng ái kiến nhiễm trước, thì việc sinh ly tử biệt chắc cũng không khác gì bà. Đang suy tư, bỗng nghe có tiếng người nói, tới chùa rồi xuống xe mau. Thế là, tôi và mọi người lần lượt xuống xe lên chùa trong niềm an lạc.

 

Vào chùa, mọi người lo chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Vì tối nay, sau giờ tịnh độ, khoảng 8 giờ 30 còn có lễ thắp nến niệm Phật. Buổi lễ thắp nến niệm Phật nầy nhằm mục đích là để đặc biệt cầu an cầu siêu cho các nạn nhân thiên tai. Đúng 6 giờ 30, chúng tôi tập trung ở nhà ăn để dùng cơm. Những bữa ăn ở đây đều do quý vị trong Ban trai soạn cũng như một vài vị trong đoàn đều tự túc nấu nướng. Có một vài bà người Nhật ở trong chùa cũng phụ giúp. Nhất là thân mẫu của thầy trụ trì tuy bà trọng tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Bà cũng phụ lo thức ăn cho đoàn. Vì vậy, khi từ giả chúng tôi cũng có ủng hộ một ít tiền cho quý vị nầy. Đó là để biểu lộ chút lòng thành biết ân của đoàn chúng tôi.

 

Thời Tịnh Độ và Thắp Nến

 

Dùng cơm xong, đúng 7 giờ tất cả đều lên chánh điện tụng kinh. Thời khóa lễ tối nay do tôi làm chủ lễ. Thầy Đức Minh và sư cô Tâm Trí làm Duy na và Duyệt chúng. Một người thủ bên mõ và một người thủ bên chuông. Hầu hết các chùa ở Nhật chùa nào cũng trải chiếu thay cho thảm. Dù cả ngày hành lễ ngoài trời mệt mỏi, nhưng thời Tịnh độ tối nay không ai vắng mặt. Đó là điểm son tinh tấn của đoàn thật đáng khích lệ tán dương. Dù có người trọng tuổi trên 80 như cụ Tâm Tiên cũng luôn luôn có mặt trong mọi thời khóa. Đêm nay là đêm thứ hai, chúng tôi tụng niệm ở đây. Và đây cũng là đêm cuối cùng, vì sáng mai chúng tôi sẽ từ giả lên đường.

 

Tụng kinh xong, chúng tôi nghỉ giải lao khoảng 30 phút. Trong lúc mọi người nghỉ thì Ban nghi lễ lo chuẩn bị đèn và mọi thứ khác. Thắp nến niệm Phật là một nghi thức thật quá quen thuộc đối với đạo tràng Quang Minh. Vì trong khóa tu Kết kỳ niệm Phật nào, chúng tôi cũng đều có tổ chức một hoặc hai buổi lễ thắp nến. Thường những buổi lễ thắp nến niệm Phật, đại chúng rất thích. Bởi cái khung cảnh rất trang nghiêm và ấm cúng. Vì thế, hôm nay, tôi muốn cho mọi người trong đoàn cũng như một vài Phật tử ở Nhật có dịp ngồi chung nhau thành tâm niệm Phật. Có thể nghi thức nầy rất lạ đối với người Phật tử Việt Nam đang sống ở Nhật. Buổi thắp nến niệm Phật hôm nay, tuy hình thức đơn giản nhưng nội dung thì thật là tràn đầy ý nghĩa. Vì mọi người thành kính nhiếp tâm niệm Phật để hồi hướng công đức cầu nguyện cho các nạn nhân thiên tai kẻ còn người mất đều được lợi lạc. Đồng thời cũng cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

 

Chấm dứt buổi thắp nến niệm Phật vào lúc 10 giờ. Mọi người dọn dẹp xong trên chánh điện, rồi mạnh ai nấy về phòng ngủ nghỉ...

 

Ngày 5, tức ngày 8/4/12/

 

Phỏng Vấn Thầy Trụ Trì

 

Sáng nay, như hôm qua, chúng tôi thức dậy sớm vào lúc 4 giờ 30. Mọi người có mặt đầy đủ ở chánh điện và chúng tôi bắt đầu công phu vào lúc 5 giờ. Vì chánh điện rộng, nên chúng tôi ngồi tụng niệm cũng thoải mái. Tuy nhiên, vì không có trải thảm mà chỉ trải chiếu nên cảm thấy hơi lạnh. Nói hơi lạnh là vì có một cái lò sưởi ga lớn. Lò sưởi tuy lớn, nhưng cũng không đủ sức để sưởi ấm cả chánh điện. Bởi sáng sớm ở trên núi, sương mù dày đặc và thêm có tuyết rơi nên rất lạnh.

 

Công phu xong, sau giờ điểm tâm, chúng tôi thỉnh thầy trụ trì đến chánh điện để chúng tôi làm lễ xin phép từ giả. Tuy nhiên, trước khi từ giả, thay mặt đoàn chúng tôi cũng có dâng lên chút ít tịnh tài để cúng dường Tam bảo, cũng như trang trải những chi phí mà đoàn chúng tôi tiêu xài. Đồng thời chúng tôi cũng có cúng dường riêng cho thầy trụ trì, thân mẫu cùa thầy và một vài bà người Nhật làm việc ở nhà bếp. Đặc biệt là đoàn gởi lại cho thầy trụ trì $700.000 yen để thầy sử dụng làm việc từ thiện. Vì thầy là người thường hay tổ chức làm những việc từ thiện, nhất là giúp cho các trẻ em học sinh nghèo trong vùng. Như đã nói qua, thời gian xảy ra trận thiên tai, chính ngôi chùa nầy đã đùm bọc làm nơi tạm trú cho các cư dân trong vùng đã bị thiệt hại mất hết tài sản. Thầy trụ trì đứng ra vận động kêu gọi mọi nơi cứu trợ. Và chùa cũng đã hao tốn rất nhiều trong việc cấp phát cho nạn nhân những vật dụng cần thiết. Chính vì thế, mà đoàn chúng tôi muốn gởi số tiền nầy cho thầy để thầy toàn quyền tùy nghi sử dụng. Vì chúng tôi không có đủ thời gian để đi làm việc từ thiện ở các nơi khác.

 

Nhân dịp nầy, chúng tôi cũng có nêu ra một vài câu hỏi có liên quan đến sinh hoạt ở trong chùa và lịch sử ngôi chùa cũng như đời sống của một Tăng sĩ ở Nhật. Đồng thời, chúng tôi cũng có đề cập đến tông phái của ngôi chùa nầy và thầy trụ trì hiện nay thuộc hệ phái nào v.v... Mỗi câu hỏi của chúng tôi đều được thầy trụ trì trả lời một cách thỏa đáng. Và buổi sinh hoạt phỏng vấn nầy, tôi nhờ sư cô Tâm Trí chuyển dịch hai chiều: Việt ngữ và Nhật ngữ.

 

Sau buổi phỏng vấn, chúng tôi ra phía trước chánh điện chụp chung bôi hình kỷ niệm. Xong rồi, mọi người cùng nhau dọn dẹp tổng vệ sinh sạch sẻ trước khi rời khỏi. Chúng tôi rời chùa Đại Hùng vào lúc 8 giờ 30 sáng. Thầy trụ trì và gia đình tiễn chân chúng tôi xuống núi để ra chỗ xe đậu. Đoàn lên xe rồi mà quý vị đó vẫn còn đứng vẫy tay chào chúng tôi. Họ đứng đó chờ khi xe chạy khuất rồi, họ mới trở lên chùa. Chúng tôi có làm bài thơ diễn tả cảnh chùa Đại Hùng.

 

Chùa Đại Hùng

 

Đại Hùng ngự tọa giữa đồi cao

Nước ngập tràn dâng chẳng lọt vào

Bi nguyện cứu đời cơn nạn ách

An lòng khốn khổ cảnh xôn xao

Non xanh cảnh vắng người vui thích

Chuông mõ sớm chiều chẳng nhọc lao

Bến giác mong chờ người tỉnh thức

Quay về nẻo thiện kíp cho mau.

 

Viếng Thăm và Ủy Lạo Cho 24 Hộ Nghèo

 

Theo chương trình hôm nay đoàn sẽ đi đến thành phố Nikko. Tuy nhiên, trên đường đi, đoàn ghé viếng thăm và ủy lạo cho 24 hộ nghèo. Đoàn đến nơi đây vào lúc 9 giờ 10 phút. Đây là một tòa nhà khá rộng lớn. Tòa nhà nầy là trung tâm của Hiệp Hội Từ Thiện họ xây dựng để giúp đỡ cho những nạn nhân không có nơi cư trú. Được biết, nơi đây có 24 gia đình nạn nhân bị thiên tai sóng thần năm rồi, họ hiện đang tạm trú sinh sống trong tòa nhà nầy. Khi đến đây, chúng tôi được ông Sato, và ông Milla hướng dẫn chúng tôi lên tầng lầu 2. Trước khi vào phòng mọi người phải thay đổi giày dép. Nghĩa là tất cả phải mang dép của họ phát mới được vào. Khi vào phòng, căn phòng tương đối cũng khá rộng, bàn ghế đã được sắp sẵn như để đón rước đoàn chúng tôi. Một bên dành cho chúng tôi và đối diện là dành cho những gia đình nạn nhân. Nhìn thấy mọi người bước vào phòng với bộ quần áo tươm tất lịch sự. Nam nữ cũng thế. Thậm chí các trẻ em ăn mặc cũng sạch sẽ rất dễ thương.

 

Sau vài lời giới thiệu của ông Sato, tôi đứng lên xin phép được tự giới thiệu những vị trong đoàn. Tiếp theo, chúng tôi trao đổi chia sẻ với họ bằng một thời pháp thoại ngắn. Những điều tôi trình bày đều nhờ sư cô Tâm Trí thông dịch lại. Chúng tôi trình bày những gì rất gần gủi thân thiết thực tế với đời sống. Nhất là trong hoàn cảnh sống của họ hiện nay. Chúng tôi không muốn đi sâu vào phần triết lý. Sau đó, tôi mời họ phát biểu. Ông Abe là tổ trưởng thay mặt họ đứng lên phát biểu. Đại khái ông cám ơn đoàn chúng tôi đã quan tâm chiếu cố đến viếng thăm và an ủi họ. Ông nói, kể từ ngày mọi người đến tạm sống ở đây cho tới nay, họ chưa bao giờ biết mặt nhau. Vì mỗi người ở mỗi nơi xa lạ. Họ sống một nếp sống rất yên lặng. Phòng ai nấy ở ít có khi qua lại giao tiếp với nhau. Nhờ đoàn nên hôm nay họ mới thực sự biết mặt nhau. Những gì đã qua, ông coi đó như là một giấc mộng. Ông cũng không muốn nhớ đến vì có nhớ đến cũng không làm được gì. Ông còn nói: "còn nửa tháng nữa, hoa anh đào sẽ nở rộ, chỉ cần chúng ta đến ngắm những đóa hoa anh đào đó thì sẽ quên hết mọi việc. Chúng ta đừng sống trong mơ mộng mà hãy trở về sống với thực tế. Thực tế mà ông cũng như mọi người mong muốn là trở về quê cũ sống lại nếp sống bình thường".

 

Những lời phát biểu của ông hôm đó tuy ngắn gọn nhưng thật súc tích chí lý. Sau đó, có một người đàn ông đứng lên phát biểu: Ông nói trong nỗi nghẹn ngào xúc động gần như rơi lệ. Ông nói: Thật ra, từ trước đến nay cũng có nhiều đoàn thể đến đây để an ủi ủy lạo tài vật giúp đỡ chúng tôi, nhưng tất cả chỉ đến trao quà rồi lại đi, hai bên không có cơ hội trao đổi nói nhau lời nào, họ chỉ cám ơn nhưng sự thật thì không có xúc động như lần nầy. Đây là lần đầu tiên, ông được nghe một vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam nói những lời pháp thật vô cùng thấm thía cảm động. Ông xin thay mặt cho những người cùng cảnh ngộ xin cám ơn thầy và đoàn rất nhiều. Ông nói thêm, khi từ giả xin mọi người trong đoàn cho những vị ở đây được bắt tay từng người. Chỉ cần được cái nắm tay của mọi người thế là đủ rồi. Vì hơn 8 tháng nay, ở đây ông rất thèm một cái bắt tay của mọi người. Nghe ông nói thế, mọi người rất cảm động. Cô Nhật Tịnh không một chút ngần ngại liền đến bắt tay ông. Một cái bắt tay đã nói lên tất cả những gì mà đoàn chúng tôi đến đây chia sẻ và thông cảm. Sau đó, Nhật Tịnh có hỏi họ trong cuộc sống hiện nay họ có gặp điều gì trở ngại khó khăn trong cuộc sống thì, xin bày tỏ cho đoàn biết. Một vài người đứng lên trình bày. Nhật Tịnh có kêu gọi mọi người trong đoàn ai có muốn đóng góp ủng hộ thêm thì cứ tự nhiên. Sau lời kêu gọi, 5 phút sau là tổng cộng số tiền lên tới $150.000 yen. Thế mới biết tấm lòng từ bi vị tha nhân ái của người Phật tử. Thấy người hoạn nạn thì thương, thấy người nghèo khổ lại càng xót đau. Ai có đợi chờ mới cảm thông được người chờ đợi. Ai đã từng lâm vào hoàn cảnh nghèo túng đói khát khổ đau thì mới cảm thông cho số phận của những người không may mắn nầy. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no hay lá lành đùm lá rách”. Đó là những câu tục ngữ đã đi sâu vào tận xương tủy của người Việt Nam. Cho nên hễ thấy ai hoạn nạn nghèo khổ thì động lòng trắc ẩn từ tâm, không cần biết đối tượng kẻ đó là ai. Số tiền nầy, cộng chung với số tiền mà mọi người gởi tặng ủy lạo cho mỗi hộ là $10.000 yen. Số tiền $150.000 yen nầy, chúng tôi trao tận tay cho ông tổ trưởng Abe. Và chúng tôi cũng trao đến cho mỗi gia đình một món quà và $10.000 yen. Mọi người nắm lấy tay nhau bằng một cái xiết chặt để nói lên tất cả những gì mà mình muốn nói. Sau đó, mọi người đến trước một cái sân rộng bên cạnh tòa nhà để nhiếp chung bôi hình làm kỷ niệm. Cuộc họp mặt nào rồi cũng phải chia tay. Chúng tôi chia tay với nhau bằng những nụ cười thân mật trong hơi thở của tình người.

 

Tham Quan Chùa Đoan Nghiêm ( Zuiganji )

 

Chúng tôi đến nơi đây vào lúc 12 giờ 30 trưa. Trước khi vào chùa chúng tôi đi ngang qua nhiều dãy phố. Đối diện với đường vào chùa là một bến tàu. Nơi đây tấp nập người lên kẻ xuống. Tuy tấp nập dập dìu kẻ tới người lui, nhưng tuyệt đối không gây tiếng động ồn náo. Mỗi người lặng lẽ vui chơi, nếu có nói họ nói với nhau rất là nhỏ nhẹ và lịch sự. Tôi chưa bao giờ nghe họ réo gọi với nhau lớn tiếng. Họ thưởng ngoạn vui chơi trong tinh thần hòa ái nhẹ nhàng thoải mái.

 

Chúng tôi chỉ liếc mắt nhìn qua, chớ chúng tôi không có ghé vào. Trên bến tàu có một khoảnh đất trống thoáng rộng. Giống như một cái công viên, nhưng không có nhiều cây kiểng. Mọi người tới lui nhắm nhía nhiếp ảnh kỷ niệm. Chờ đợi đủ người chúng tôi đi thẳng vào trong chùa. Tuy nhiên, trước khi vào chùa phải mua vé. Từ ngoài lộ cái tráng nhựa đi vào trong chùa cũng hơi xa một tí. Hai bên đường vào chùa có những cây tùng cao thẳng đứng to lớn. Theo người hướng dẫn địa phương cho biết, có cây tuổi thọ có trên 1.000 năm. Như thế tuổi thọ của một cái cây cao gấp mấy lần tuổi thọ của con người. Tuổi thọ của con người cao lắm khoảng một trăm năm là cùng. Số người vượt hơn trăm năm thì thật là hiếm hoi ít ỏi. Con người sống thời gian không bao lâu, tính ra thua một cái cây, vậy mà con người cứ mãi tính chuyện ngàn năm. Nói trăm năm chỉ là ước tính lượng định theo thời gian, kỳ thật chết sống vô thường nào ai biết được. Việc sống chết nhanh như trở bàn tay, nhanh còn hơn bóng chớp. Như vậy, thử hỏi mấy ai đoán định được vô thường chớ? Điều may mắn cho ngôi chùa nầy là không bị nước viếng thăm, chỉ ảnh hưởng chút đỉnh do động đất gây ra thôi.

 

Theo sử liệu ghi lại, thì ngôi chùa nầy được xây dựng từ năm 828 thời đầu Heian ( Bình An ) nhằm năm thứ 5 Thiên Trường, người đứng ra tạo dựng là ngài Jikaku Daichi. Đến năm 1604, người ta sử dụng loại gỗ quý rắn chắc mang từ núi Kumano ở quận Wakayama. Việc kiến trúc nầy đều do các tay nghệ nhân có tay nghề cao từ Kyoto và Kii đến xây cất. Các tòa nhà chính, được hoàn thành vào năm 1609. Ngôi chùa nầy hiện nay thuộc quốc bảo của quốc gia, nên những đồ vật đã được giữ gìn một cách cẩn thận. Chùa nằm trong địa hạt thành phố Matsushima. Trước khi đoàn vào bên trong chùa để tham quan, thì thầy Đức Minh, sư cô Tâm Trí và một vài Phật tử đi theo sư cô Tâm Trí tạm chia tay ở đây. Vì những vị nầy có chuyện riêng nên phải về lại chùa Nhật Tân Cốc ở Tokyo.

 

Khi vào bên trong chùa, chúng tôi được một bà người Nhật, hướng dẫn đi tham quan từng nơi. Bà nói tiếng Anh khá thông thạo. Bà giới thiệu cho chúng tôi biết về các bài vị và tôn tượng thờ trên bàn ở trong một thư viện. Vì chùa đang trong thời kỳ trùng tu nên người ta dời qua thư viện để khách thập phương tiện bề thăm viếng, lễ bái, cầu nguyện. Bà nói những bảo vật được cất giữ ở đây ít nhất là từ 400 năm trở lên. Có những bảo vật đã được bảo tồn có trên ngàn năm. Bà chỉ cho chúng tôi biết có ba tôn tượng bằng gỗ đặc biệt của ba vị Tổ khai sơn và thừa kế là các Ngài: Đồng Thủy Thiền Sư; Pháp Thân Thiền Sư và Vân Cư Thiền Sư. Ba tượng nầy thờ chung với ba tượng tướng quân, là những người tận tâm góp công góp sức xây dựng hộ trì Phật pháp vào thời đại Kamakura ( Liêm Thương ). Đó là hai vị Chính Tông và Trung Tông. Ngoài ra, còn thờ 12 vị tướng quân cùng với những võ sĩ tự sát để đền ân đáp nghĩa. Bà chỉ vào tượng của một Ni Cô và nói đó là bà Dương Đức Viện. Bà là con gái của Ý Đạt Chính Tông ( 1568 - 1638 ) Bà không những có tài sắc mà còn có đức hạnh vẹn toàn đáng kính. 

 

Ngoài ra, ngôi chùa nầy còn có một số hang động được đục vào núi đá. Những hang động nầy được sử dụng cho các dịch vụ tưởng niệm như là một nơi đựng di cốt để chứa tro hài cốt của người quá cố. Các hang động nầy được xây dựng trong thời kỳ Kamakura và vẫn được sử dụng cho đến thời kỳ Edo.

 

Tham quan nơi đây xong, khoảng 1 giờ 30 chiều, ai nấy đều đói bụng, tôi nói với cô Nhật Tịnh đi tìm quán bán thức ăn gần đây để vào ăn cho tiện. Thời may, tìm được cái quán chuyên bán mì khô và mì nước. Quán nầy cũng nằm trong phạm vi khuôn viên chùa. Quán nầy tuy không rộng rãi lắm, nhưng cũng đủ bàn ghế cho chúng tôi ngồi. Lần đầu tiên, tôi mới có dịp thưởng thức món mì nước của Nhật. Ở đây họ bán chỉ có hai loại mì khô và mì nước thôi. Ai thích món nào thì kêu món nấy. Tôi thấy đa số đều thích mì nước, vì có lẽ dễ nuốt hơn. Tô mì trung bình không lớn lắm. Nếu người mạnh sức tiêu thụ, thì một tô không đủ. Cho nên có người ăn hai tô mới đủ no. Đồ ăn ở Nhật rất đắt. Một tô mì không đủ một người ăn vậy mà giá 800 yen, tức khoảng 10 đô Úc một tô.

 

khách Sạn Nikko

 

Giải quyết bao tử xong, chúng tôi ra xe để đi Nikko. Khi đi trở ra lúc nầy ở bến tàu ít khách, nên chúng tôi chụp chung một bôi hình nơi đây làm kỷ niệm. Sau đó, chúng tôi lên hai chiếc xe, một chiếc xe buýt và một chiếc xe nhỏ của Nhật Tịnh. Khoảng 8 giờ tối, chúng tôi tới khách sạn Nikko. Lẽ ra chúng tôi tới sớm hơn, nhưng vì trời tối bác tài tìm không ra địa chỉ nên mới tới trễ. Khách sạn nằm hẻo lánh giữa vùng núi tuyết. Vì trời tối, nên tôi nhìn không thấy rõ tuyết đống bên ngoài. Chỉ thấy những khối tuyết gần sát bên khách sạn. Nhờ có cửa kính xung quanh nên nhìn ra dễ thấy. Sau khi nhận phòng việc đầu tiên là mọi người lo tắm rửa trước. Bởi ba ngày qua không có ai tắm. Khách sạn nầy không có nhà tắm riêng trong phòng. Chỉ có hai hồ tắm suối nước nóng công cộng ở bên ngoài. Một hồ dành cho phái nữ và một hồ dành cho phái nam. Áo tắm họ để sẵn trong phòng ngủ. Tùy kích thước thân thể của mỗi người mà chọn áo tắm. Chiếc áo giống như kiểu áo kimono có dây buộc và một cái áo gió khoác bên ngoài. Năm hoặc sáu người ở chung một phòng. Chỉ có tôi và bác tài xế thì mỗi người một phòng. Đây là phòng nhỏ đặc biệt dành cho những người độc thân. Vì là tắm chung nên lúc đầu ai cũng e dè, rụt rè, nhưng sau đó thì mọi người rất thích thú. Bởi suối nước nóng ngâm mình lâu rất tốt cho sức khỏe.

 

Bữa cơm tối hôm nay mỗi người tự túc. Đa số đều ăn mì gói. Vì chỉ có mì gói mới tiện lợi mà thôi. Sau đó mọi người tự do ngủ nghỉ để dưỡng sức khỏe cho cuộc hành trình ngày mai.

 

Ngày 6, tức ngày 9/4/2012/

 

Sáng nay, ngủ trễ hơn mọi khi, vì không có công phu sáng. Tuy nhiên, cũng có người thức sớm để ngồi niệm Phật tại chỗ. Vì đây là thói quen của họ. Bữa điểm tâm sáng nay, mỗi người cũng tự túc lấy. Dùng sáng xong, vì còn sớm nên mọi người tha hồ dạo cảnh nhiếp ảnh. Có người thì mặc đồ tắm theo kiểu áo kimono để chụp những bôi hình kỷ niệm. Họ chụp chung hoặc riêng mỗi cá nhân ở trong phòng ngủ và ở bên ngoài. Bởi cảnh trí xung quanh khách sạn tuyết đống thành từng khối giống như núi tuyết thật tuyệt đẹp. Chính vì cảnh đẹp nên lòng người cũng rộn rã hân hoan như hòa mình cùng cảnh vật thiên nhiên. Phải nói cảnh trí nên thơ hữu tình ở đây rất thích hợp cho phái nữ tạo thành những nét đẹp duyên dáng kiều diễm mỹ miều. Đi đâu cũng toàn là tuyết cả. Sáng sớm nhìn thấy tuyết rơi trắng xóa mà lòng mình cảm thấy phơi phới thảnh thơi trong lòng. Mọi người chụp chung và riêng ở nơi đây rất nhiều bôi hình. Đây là dịp để mọi người tự do khoe nét đẹp duyên dáng của mình.

 

Khách Sạn Nikko

 

Khách sạn trời trong giữa núi đồi

Rừng cây tuyết phủ trắng như vôi

Xung quanh khách sạn đều yên tĩnh

Cảnh sắc thiên nhiên đẹp tuyệt vời

Nước nóng suối hồ ngâm mát mẻ

Mặc đồ trang phục thích vui chơi

Nikko cảnh đẹp người mong mỏi

Du lãm tham quan khách gọi mời.

 

Trong lúc ở khách sạn nầy, có người cảm hứng sáng tác một bài thờ đọc cho vui:

 

Khách sạn ở Nikko

Du khách tới ra vô

Xung quanh toàn tuyết trắng

Trên núi trời nắng khô

 

Khách sạn ở Nikko

Chiếc áo Kimono

Mặc vào như người Nhật

Duyên dáng đẹp quý cô

 

Khách sạn ở Nikko

Hồ tắm kẻ ra vô

Dành cho nam và nữ

Nước nóng tắm lau khô

 

Khách sạn ở Nikko

Cảnh sắc đẹp diễn phô

Thiên nhiên người vui hưởng

An thoát niệm nam mô

 

Khách sạn ở Nikko

Thuê phòng hơi nặng đô

Khang trang và rộng rãi

Mì gói nít một tô

 

Khách sạn ở Nikko

Héo lánh vùng ngoại ô

Núi cao người vắng vẻ

Nếp sống chẳng xô bồ

 

Khách sạn ờ Nikko

Người làm chẳng nói thô

Ai nấy đều lịch sự

Giao tiếp chẳng bô bô.

 

Đền Thờ Nikko Toshogu

 

Nikko được mệnh danh là thành phố lịch sử và thiên nhiên. Hiện nay Nikko đã trở thành một khu du lịch thơ mộng xinh đẹp với nhiều thắng cảnh được phổ biến nhất ở Nhật Bản. Một trong số những thắng cảnh có thể nói rất hấp dẫn du khách đến tham quan thú vị nhất là đền thờ lịch sử Nikko Toshogu. Ngoài những đền thờ nổi tiếng ra, Nikko còn có những hồ suối nước nóng tắm rất lý tưởng, với những công viên tươi mát, những phong cảnh hữu tình ngoạn mục mà do kỳ công của thiên nhiên tạo thành. Thành phố Nikko nằm ở quận Tochgi, phía bắc của khu vực Kanto. Nếu bạn khởi hành từ Tokyo bằng tàu lửa đến thành phố Nikko thời gian mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Ngoài đền Nikko Toshogu ra, bên cạnh đó còn có ngôi chùa Rinmo được xây dựng từ thế kỷ thứ 8. Chùa Rinmo cũng nổi tiếng trong quần thể kiến trúc lâu đời của thành phố Nikko.

 

Đúng 9 giờ sáng, chúng tôi rời khách sạn Nikko ( Nhật Quang ) và đi đến một ngôi đền thờ thần Shinto ở Nikko. "Thần đạo là tôn giáo bản xứ của người Nhật Bản và cũng xưa như nước Nhật. Đó là tôn giáo chính của Nhật Bản bên cạnh Phật giáo. Thần đạo không có người sáng lập, cũng không có các loại kinh kệ riêng như kinh Thánh hay kinh Phật. Việc truyền đạo và thuyết giáo cũng khác nhau và hầu hết những đám tang đều được tổ chức theo kiểu Phật giáo.

 

Tư tưởng của Thần đạo khác với những tôn giáo khác ở chỗ không cấm hay buộc con người làm gì, mà chỉ khuyên nên hướng tới sự trong sáng và tránh điều ác. Giết chóc đối với Thần đạo là điều ác và không nên giết sinh vật trừ khi vì sự sống còn của bạn, nên trước khi ăn thường phải nói câu Itadakimasu có nghĩa là cám ơn những sinh linh đã chết để trở thành thức ăn, ngày nay điều nầy đã trở thành một phong tục. Những người hay sinh vật bị giết một cách dã man, và không được thờ cúng sẽ trở thành hoang thần ( aragami ). Ngoài ra, còn có rất nhiều loại ma quỷ như quỷ ( Oni ), yêu quái ( youkai ) hà đồng ( Kapa )..." ( Theo tài liệu Website )

 

Từ bãi đậu xe đi vào cuối đường có mũi tên chỉ hướng lên "Đông Chiếu Cung". Đông Chiếu Cung là khu lăng mộ của tướng quân Tokugawa, người thành lập ra thể chế mạc phủ tức một dạng chế độ quân sự ở Nhật Bản, tồn tại khoảng 300 năm. Tuy nhiên, đến thời Minh Trị Thiên Hoàng thì bị xóa bỏ. Đông Chiếu Cung nằm trong quần thể lăng mộ, đền, chùa Nikko là di sản văn hóa thế giới của UNESCO.

 

Chúng tôi đi theo con đường mòn theo mũi tên chỉ dẫn. Trước khi vào cổng chánh, du khách phải đi ngang qua có những bức tranh hạng mục người ta vẽ hình ba chú khỉ. Một chú thì bịt mắt; chú thì bịt tai; và một chú thì bịt miệng. Thấy thế tôi liền cười thầm và biết rõ đây là Cổ Đức muốn khuyên răn nhắc nhở người đời. Bịt mắt, bịt tai, bịt miệng xin chớ vội lầm hiểu là không cho thấy, không cho nghe và không cho nói. Nếu hiểu thế, thì không thấy được ý nghĩa thâm trầm sâu xa thâm thúy của nó. Bịt mắt, ngầm nhắc chúng ta không nên thấy những điều phi pháp. Như trước mắt ta có gì không tốt, thì người ta thường hay bịt mắt lại. Đó là cái nghĩa hết sức thông thường. Tuy nhiên, ở đây ta cần hiểu ý nghĩa sâu xa hơn. Thông thường, cái thấy của chúng ta hay bị lệ thuộc cảnh duyên bên ngoài. Thấy lỗi thiên hạ mà không thấy lại lỗi mình. Thấy lỗi thiên hạ để phê bình chỉ trích. Lỗi của mình thì không muốn nhìn thấy. Bản tánh của con người thì thích ẩn ác dương thiện. Nghĩa là tốt khoe xấu che. Chính cái thấy nầy mà ngày xưa, đức Lục Tổ Huệ Năng đã dạy cho Ngài Thần Hội một bài học để đời. Trong lúc đối đáp, Ngài Thần Hội hỏi Lục Tổ:

"- Hòa Thượng ngồi thiền là thấy hay chẳng thấy?

Tổ cầm gậy đánh sư ba gậy hỏi:

- Ta đánh ngươi đau hay chẳng đau?

- Cũng đau cũng chẳng đau.

- Ta cũng thấy cũng chẳng thấy.

- Thế nào là thấy cũng chẳng thấy?

- Chỗ ta thấy là thường thấy lỗi lầm nơi tâm mình, không thấy việc phải quấy của người khác. Ấy cũng là thấy cũng chẳng thấy. Ngươi nói cũng đau cũng chẳng đau là sao? Nếu ngươi chẳng đau thì đồng cây cỏ, nếu ngươi đau thì đồng với phàm phu, ắt khởi tâm giận hờn. Trước ngươi nói thấy chẳng thấy là hai bên, đau chẳng đau là sanh diệt. Ngươi không thấy tự tánh mà dám cợt với người.

Sư lễ bái sám hối.

Tổ bảo:

- Nếu ngươi tâm mê không thấy nên hỏi thiện tri thức chỉ đường. Nếu ngươi tâm ngộ liền tự thấy tánh, y pháp tu hành. Ngươi đã mê không thấy tâm mình, trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy thì ta tự biết, đâu thế cái mê cho ngươi được. Nếu ngươi tự thấy cũng không thế được cái mê cho ta. Tại sao không tự biết tự thấy, lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy" ( 2 ).

 

Đó là bịt cái con mắt chạy theo phân biệt ở nơi trần cảnh để khỏi loạn tâm. Bịt con mắt phàm để mở con mắt thánh. Có con mắt sáng suốt để làm lợi ích cho mình và người. Phải có đôi mắt "từ nhãn thị chúng sanh" của Bồ Tát Quan Thế Âm. Nên mở ngàn con mắt (thiên nhãn ) trí tuệ để thấy rõ những gì nên làm và không nên làm. Có con mắt sáng suốt đó thì mới không rơi vào đường tà.

 

Nói tóm lại, Cổ Đức khuyên chúng ta nên bịt con mắt vô minh mà nên mở sáng con mắt sáng trí huệ. Có thế, thì đời sống của chúng ta mới được thăng hoa hạnh phúc.

 

Bịt lổ tai cũng vậy. Có tai thì để nghe chớ sao biểu bịt lại? Nói bịt ở đây là bịt cái lổ tai chuyên nghe những chuyện thị phi, hay nghe toàn nhũng chuyện bù khú tạp nhạp của thế gian. Nghe những chuyện xấu tốt để rồi phê bình chỉ trích đủ thứ. Nghe chuyện của người thì sáng, còn chuyện của mình thì quáng, tối om. Chuyện của mình rối như tơ vò mà không lo tháo gỡ. Như vậy, bịt tai ở đây, Cổ Đức ngầm thức nhắc chúng ta không nên nghe những chuyện bên ngoài để rồi khởi tâm chấp trước khen chê tốt xấu, mà cần phải nghe lại lòng mình. Nếu đi sâu hơn thì phải hằng nghe lại tánh nghe của mình. “Phản văn, văn tự tánh”, đó là lối nghe siêu việt của Bồ Tát Quan Thế Âm. Có nghe như thế, thì mới thấy được những lỗi lầm sai trái của mình để lo sửa đổi chuyển hóa. Người như thế, mới thực sự là khéo biết nghe.

 

Đến nói cũng thế. Thế giới ngày nay thiên hạ thích nói nhiều hơn là thích làm. “Năng thuyết bất năng hành”. Nói toàn là những chuyện hay dở của thiên hạ. Hết phê bình người nầy rồi lại chỉ trích nói xấu người kia. Người có tánh già hàm, nói nhiều hay thích làm bình luận gia quốc tế. Nói nhiều thì chuyện dễ sanh mà hễ chuyện dễ sanh thì sẽ trở thành sanh chuyện. Càng sanh chuyện nhiều chừng nào thì khổ lụy nhiều chừng nấy. Bịt miệng, không có nghĩa là ngăn cấm không cho chúng ta nói điều gì hết. Mà chúng ta chỉ nói những lời ái ngữ, yêu thương, hòa nhã, xây dựng làm lợi ích cho mọi người. Chớ nên nói những lời hung ác nhằm gây chia rẽ tạo thêm hận thù để rồi tàn hại lẫn nhau.

 

Trong nhà thiền có nêu ra câu chuyện nói về mấy chú khỉ. "Ngài Ngưỡng Sơn tới hỏi Thiền Sư Trung Ấp:

- Làm sao thấy được nghĩa Phật tánh?

- Ta vì ông nói một ví dụ: Như một nhà có sáu cửa, trong có một con khỉ, ngoài có một con khỉ từ bên đông kêu "chóe! chóe!". Bên trong cũng kêu "chóe! chóe!" đáp lại, sáu cửa đều kêu, đều đáp như thế.

Ngưỡng Sơn lễ tạ thưa:

- Vừa rồi nhờ Hòa Thượng ví dụ, con đều biết rõ, lại có một việc: Ví như con khỉ ở trong ngủ, con khỉ ở ngoài muốn gặp phải làm sao?

Thiền Sư Trung Ấp bước xuống giường thiền, nắm tay Ngưỡng Sơn múa, nói:

- Chóe! chóe! Cùng ông thấy nhau rồi!

Khỉ ở ngoài dụ cho sáu trần. Khỉ ở trong nhà dụ cho tâm sanh diệt. Bên ngoài vừa có sắc thinh... thì tâm sanh diệt liền dấy lên chạy theo, phản ứng liền liền. Đó là con khỉ trong nhà đang thức nên kêu chóe chóe. Nếu con khỉ trong nhà ngủ sâu, khỉ bên ngoài nó kêu mặc nó, không đáp lại, cứ nằm ngủ. Cũng vậy, khi tâm sanh diệt lặng rồi, dù có đối trước bao nhiêu ngoại trần, tâm vẫn thấy biết tường tận mà không dính mắc. Muốn được như vậy là tâm phải lặng lặng chìm chìm..." ( 3 )

 

 

Ba Chú Khỉ

 

Chú khỉ ba con chạm để đời

Chú thì bịt mắt chú ngôi chơi

Chú kia bịt miệng ngồi thong thả

Chú bịt tai rồi thấy thảnh thơi

Khéo tạo nên hình ba chú khỉ

Tay nghề sắc sảo quá ai ơi!

Thôi chuyền hết nhảy dừng đi chú

Chí chóe thêm phiền khổ tới nơi.

 

Qua những câu chuyện dẫn chứng trên, nếu chúng ta hằng tập sống được như thế và giống như ba chú khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng nầy, thì chắc chắn là chúng ta sẽ được thảnh thơi an nhàn giải thoát.

 

Khi bước lên từng bậc thang lên đền thờ, đoàn dừng lại ở giữa để nhiếp chung bôi hình kỷ niệm. Đền thờ nầy có tên là Nikko Toshogu rất nổi tiếng. Đền được Tokugawa Hidetaka con trai của Leyasu xây dựng vào năm 1617. Sau đó, Tokugawa Lemitsu mở rộng thêm. Người sáng lập Mạc Phủ Tokugawa và được thần thánh hóa thành một vị thần của đạo Shinto. Trong hệ thống đền Toshogu, thì Toshogu ở Nikko là đền chính và để phân biệt với các Toshogu khác, vì thế nên nó được gọi là Nikko Toshogu. Được biết, ngôi đền nầy lúc đầu chỉ xây dựng đơn sơ nhỏ hẹp, nhưng sau đó Leyasu ra lệnh cho người cháu trai của Lemitsu, một shogun Tokugawa thứ ba, điều động các tay nghề kiến trúc chuyên môn, cùng các nghệ nhân, những người chuyên nghề thủ công ở khắp nơi trên nước Nhật đến đây để tạo nên các đền thờ trong khu vực nầy. Đây là một quần thể kiến trúc thật độc đáo. Số người tham gia đóng góp xây dựng những công trình nầy ước khoảng 4,5 triệu người. Quả đó là một lực lượng đông đảo để tập trung xây dựng ráo riết hoàn thành công trình rất tốt đẹp. Những bức tranh đã được các bàn tay khéo léo của những nghệ nhân chạm khắc thật tuyệt vời.

 

Ngôi đền nầy hiện nay là một trong những ngôi đền, chùa nằm trong di sản quốc gia. Vì thế chánh phủ Nhật Bản ra lệnh phải bảo vệ như là một bảo vật của quốc gia. Vào bên trong đền, chúng ta thấy các cấu trúc chạm trổ, điêu khắc, với những đường nét hoa văn thật tinh vi sắc sảo tổng cộng khoảng 5.000 tác phẩm điêu khắc. Vào năm 1999, Nikko Toshogu Rinnoji đã được Unesco liệt vào danh sách di sản quốc tế.

 

Nhân tham quan cảnh nầy, chúng tôi có ghi lại bài thơ với tựa đề là:

 

Giọt Nắng Mai.

 

Trời xanh giọt nắng ngang đồi

Về thăm lăng mộ một thời vẻ vang

Đền, chùa quần thể khang trang

Tranh vàng chạm khắc bạt ngàn chim bay

Trị vì một thuở trên ngai

Trải bao thời đại trắng tay đâu còn

Những là sông núi nước non

Nước non sông núi mây còn mây tan

Một thời gác tía lầu vàng

Mà nay lăng mộ hoàn toàn hư danh

Cuộc đời thắng bại tranh giành

Rồi ra ai cũng tan tành bèo mây

Ngậm ngùi “giọt nắng” ban mai

Thoáng qua rồi mất hết ngày lại đêm

Trở về nếp sống êm đềm

Vạn duyên buông bỏ bên thềm trăng soi

Âm thanh bát nhã gọi mời

Thênh thang một cõi thảnh thơi không bờ.

 

Sau khi tham quan nơi đây, chúng tôi đi qua tham quan ngôi chùa Rinno. “Chùa Rinno còn gọi là Tam Phật Đường, trụ sở chính của Rinno. Chùa Rinno là một tu viện của phái Phật giáo Thiên Thai Tông. Tu viện được xây từ thế kỷ thứ 8 trong thời kỳ Nara, và được các Shogun nhà Tokugawa mở rộng. Nó là một quần thể chùa chiền trên núi Nikko. Trước thời kỳ Minh Trị, Phật giáo và đạo Shinto ở Nhật Bản không tách rời nhau hoàn toàn. Vùng núi Nikko chính là nơi mà Thần (đạo Shinto ), Phật, ( Phật giáo ) và Núi ( thiên nhiên ) hòa làm một. Nhiều công trình kiến trúc trên núi Nikko không hoàn toàn thuộc riêng chùa Rinno. Sang thời Minh Trị, đạo Shinto được tôn làm quốc đạo; Phật giáo và đạo Shinto bắt đầu được phân ly. Lúc nầy, một số kiến trúc trên núi Nikko mới được chính quyền xếp vào phạm vi của chùa Rinno. Đồng thời chính quyền cho xây Tam Phật Đường làm trụ sở chính của chùa Rinno vào năm 1811” ( Wikipedia ).

 

Tới nơi, chúng tôi dừng lại trước cửa để chờ mua vé. Chùa có nhiều bậc nấc thang bước lên. Điện chánh thờ Thánh tượng Quan Âm. Sau khi lễ bái đức Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng tôi bước sang qua một cái cửa để họ xét vé trước khi lên trên lầu 7. Chúng tôi cứ nghĩ, ở trên lầu 7, chắc là họ thiết trí tôn thờ những bảo tượng quý giá lắm, nên họ mới xét vé mình kỹ như thế. Không ngờ lên tới nơi thì than ôi, nơi từng 7 nầy người ta đang trùng tu. Thế là chúng tôi thất vọng phải đi trở xuống. Vì chánh điện nầy chiều dài khá dài, nên chúng tôi khi lên thì lên đầu bên kia, lúc xuống thì xuống ở đầu bên nầy. Lên tới nơi người nầy nhìn người kia, người kia ngó người nọ, cứ nhìn nhau mà cười. Bởi lên tới tầng thứ 7 cũng mệt đứ đừ, người trọng tuổi vừa đi vừa thở dóc. Như tôi chưa già lắm mà còn thở hổn hển, nói chi đến những vị trọng tuổi yếu đuối.

 

Tham quan chiêm bái xong nơi đây, chúng tôi trở ra xe để đi tìm chỗ ăn trưa, vì lúc đó cũng đã 12 giờ rồi. Tìm xung quanh không có công viên nào gần, nên bác tài xế đậu xe bên lề đường để mọi người ăn trên xe. Chỗ nầy không có một cây cao bóng mát nào cả. Tôi xuống xe đến một cái cây nhỏ ngồi bên gốc cây cho thoải mái. Dù không có đủ bóng mát để che thân. Mỹ Phương đem lại cho tôi hai miếng bánh mì sandwich kẹp bên trong chút bì chay. Tôi ăn vừa xong, thì Tony và Nhật Tịnh lái xe đến mời tôi vào một cái quán nhỏ bên đường cũng gần đó. Khi vào trong quán, tôi thấy có quý cô: Huệ Trí, Diệu Minh và hai cô Diệu Hòa ngồi chung một bàn. Quý cô mời tôi ngồi vào bàn riêng bên cạnh. Đây là một cái quán chuyên bán cà phê và một vài thức ăn lặt vặt. Lúc đó, Tony và Nhật Tịnh đi tìm mua chút rau salad và một chay dầu mè. Ăn mì gói có thêm rau thì rất tốt. Đang ngồi ăn, tôi thấy quý vị từ chỗ xe đậu đi bộ lại. Một số thì đứng bên kia đường; còn một số ít thì đi tìm mua trái cây. Một hai người thì vào trong quán. Bác tài chạy xe đến đậu bên kia đường đối diện với cái quán. Ăn xong, chúng tôi đều lên xe để đi tham quan tiếp một ngôi chùa nữa trước khi về lại chùa Nhật Tân Cốc ở Tokyo.

 

Chùa Trung Thiền

 

Chúng tôi đến trong khuôn viên chùa Trung Thiền vào lúc 2 giờ 20 phút chiều. Trời chiều gió thổi rất lạnh. Vừa xuống xe, nhìn lên trên núi thấy ngôi chùa đứng sừng sững giữa những đồi núi bao bọc xung quanh. Đây cũng là một trong những thắng cảnh thị trấn Nikko nằm ở vùng ngoại ô. Nó không nằm trong quần thể lăng mộ đền, chùa, thuộc di sản văn hóa thế giới Unesco. Chùa được xây dựng năm 784 Tây lịch. Trước ngôi chùa có một cái hồ lớn. Nơi đây có một vài chiếc tàu nhỏ đang đậu sát bờ. Có lẽ những chiếc tàu nhỏ nầy đưa du khách thưởng ngoạn ngắm cảnh xung quanh hồ. Hồ có độ cao 1250m giữa các ngọn núi. Những ngọn núi bao bọc xung quanh ngôi chùa, người ta gọi là Bán nguyệt sơn. Bởi dãy núi giống như hình phân nửa mặt trăng. Nhân xem cảnh hồ nầy, tôi có ghi lại một bài thơ lưu niệm.

 

 Hồ Trung Thiền

 

Trời chiều nắng nhạt bóng chim bay

Nước lặng như tờ chẳng động lay

Bán nguyệt sơn lam mờ ẩn hiện

Trung Thiền hồ tịnh khách du lai

Non xanh cảnh vắng nhàn thanh nhã

Gió thổi vi vu khúc nhạc hay

Cảnh vật lòng người chung nhịp điệu

Sắc trần chẳng vướng thoát trần ai.

 

Nhìn sơ qua ngoại cảnh, chúng tôi bước thẳng vào ngôi chùa chánh. Chánh điện thờ tôn tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ngàn tay ngàn mắt chạm khắc bằng một loại gỗ quý. Tượng với vị thế đứng trên tay có những loại pháp khí. Chúng tôi đảnh lễ Ngài và rồi bước ra ngoài đứng tựa hành lang để chụp chung bôi hình. Nơi đây phải nói là một quần thể kiến trúc nên thơ tuyệt đẹp, không thua gì những ngôi đền chùa khác trong vùng. Chùa nằm trên núi có những tán cây che phủ râm mát tạo thành cảnh trí vừa nên thơ thanh lịch lại vừa thanh tịnh. Quả đây là ngôi đại già lam lang nhã.

 

Tham quan xong nơi đây, chúng tôi ra xe trở về chùa Nhật Tân Cốc để chuẩn bị ngày mai đi Kyoto. Chúng tôi về tới chùa vào lúc 7 giờ tối. Dùng cơm xong, mọi người lo soạn đồ và rồi ngủ nghỉ.

 

Ngày 7, tức ngày 10/4/2012/

 

Như thường lệ, sáng nay mọi người thức dậy vào lúc 4 giờ 30. Đúng 5 giờ tất cả đều có mặt tại chánh điện để công phu. Tụng niệm xong, mọi người chuẩn bị điểm tâm. Vì hôm nay đi xa, nên cần phải đi sớm. Đúng 7 giờ tất cả đều có mặt ở trên xe. Xe bắt đầu khởi hành vào lúc 7 giờ 10 phút. Trước khi niệm Phật và sinh hoạt trên xe như mọi khi, tôi tuyên bố cho đại chúng biết một tin vui. Chiều hôm qua, khi tới một bãi đậu xe để mọi người đi vệ sinh, thì Nhật Tịnh đến báo tin cho tôi biết, lần đầu tiên cô mới được có đứa cháu nội trai vừa mới chào đời. Cô rất vui mừng và nói cho tôi biết là cô không có đi chung đoàn về chùa. Cô phải đi thẳng đến bệnh viện để thấy mặt cháu bé trai. Tôi báo tin cho mọi người biết và thành thật chúc mừng cho cô. Mọi người đều vỗ tay như để biểu lộ sự chúc mừng đến với cô Nhật Tịnh và cầu chúc cho mẹ tròn con vuông.

 

Sau đó, tôi thông qua chương trình của ngày hôm nay. Ngày hôm nay, chúng ta sẽ đến một thành phố thứ hai đó là thành phố Kyoto, còn gọi là Tây kinh, đối với Tokyo là Đông kinh. Sau khi nhận phòng ở khách sạn, tranh thủ thời gian, chúng ta sẽ đi thăm viếng một vài ngôi chùa gần đó. Nói xong, mọi người luân phiên niệm Phật 30 phút và tiếp theo là sinh hoạt. Dọc đường, thấy hoa anh đào nở rộ hai bên đường, tôi cảm hứng ghi vội lại một bài thơ để đọc lên cho đại chúng nghe vui.

 

Hoa Anh Đào

 

Hoa anh đào e thẹn

Khép mình đứng nghiêm trang

Nở nụ cười hiền dịu

Như cô gái Phù Tang.

 

Hoa anh đào điểm trắng

Lóng lánh ánh kim cương

Phơi mình trong nắng ấm

Réo gọi một tình thương.

 

Hoa anh đào đua nở

Mang sức sống tin yêu

Điểm tô nhiều vẻ đẹp

Như cô gái yêu kiều

 

Hoa anh đào rủ cánh

Trơ cành lá phong sương

Người đi vạn nẻo đường

Tình thương còn khép kín

 

Hoa anh đào từ giả

Người em gái thân thương

Trong ánh mắt chơn thường

Ta và em không khác.

 

Nhật Bản còn gọi là xứ Hoa Anh Đào. Như thế đủ biết giá trị biểu tượng của loài hoa nầy như thế nào. Hoa anh đào có 3 màu: trắng, hồng và đỏ. Tuy nhiên, cũng còn có loại màu xanh nữa. Nhưng thông thường thì chúng ta hay thấy có 3 màu. Thời gian tồn tại của nó thường kéo dài từ 7 đến 15 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Tùy theo từng chủng loại hoa và điều kiện môi trường thời tiết mà tuổi thọ của hoa anh đào khác nhau. Loài hoa Someiyoshino có tuổi thọ 7 ngày kể từ ngày Mankai ( mãn khai nở rộ ) trong khi loài hoa Kanzakura nở và tàn lâu hơn chừng 10 - 12 ngày kể từ ngày mankai.

 

Hoa anh đào có rất nhiều loại, từ loại hoa mọc dại trên núi cho đến những loại được tái tạo kỳ công để phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của con người. Sau đây là một vài loại hoa tiêu biểu:

 

Yamazakura: loại hoa nầy thường mọc ở phía Nam của Honshu. Nó còn có một tên gọi khác là Bạc Sơn Sakura. Khi hoa nở thì thường có màu trắng hoặc màu hồng nhạt và mùi hương khá đậm. Đặc điểm của loại hoa nầy là khi hoa nở cũng là lúc đâm chồi nảy lộc.

 

Ovamazakura: Loại hoa nầy thường mọc ở phía Bắc của Honshu và vùng núi Hokaido, nó còn có tên gọi khác là Hồng Sơn Sakura ( Beniyama Zakura ). Loại hoa nầy có màu hồng đậm hơn, lá và hoa cũng to hơn so với Yamazakura.

 

Oshimazakura: Loại hoa nầy có nhiều ở bán đảo Izu. Khi lá đâm chồi nảy lộc cũng là lúc hoa bắt đầu nở và cho mùi hương quyến rũ là đặc trưng của loài hoa nầy. Khi hết mùa hoa anh đào, người ta thường ngắt lá của loài hoa nầy ướp một chút muối và dùng để làm vò cuốn bên ngoài cơm nắm onigiri hoặc cuốn ngoài một loại bánh dày truyền thống của Nhật. Vì thế loại hoa nầy mới có tên gọi sakura mochi.

 

Edohigan: Loại hoa nầy thường mọc ở vùng núi Honshu. Shikoku và Kyushu. Đặc trưng của loại hoa nầy là trước khi lá đâm chồi nảy lộc thì những cánh hoa đã vươn mình khoe sắc, chuyển dần từ gam màu trắng sang màu hồng nhạt. Thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp đâu đó bên những mặt hồ hay bờ sông có loài hoa rủ xuống yểu điệu. thì đó chính là một trong số những loài hoa nầy.

 

Kasumizakura: Loài hoa nầy mọc rải rác ở các vùng núi từ Hokkaido đến Kyushu. Đặc trưng của loài hoa nầy là có một lớp lông non bao phủ trên cánh hoa và lá, có lẽ vì thế mà nó có một cái tên khác là Mao Sơn ( Keyamazakura ). Loại hoa nầy khi nở cũng chuyển dần từ sắc trắng sang sắc hồng.

 

Someiyoshino: Là loài hoa pha trộn đặc tính giữa hai loài Oshimazakura và Edohigan. Trên lá non và cánh hoa có lớp lông non bao phủ và khi hoa tàn thì mới là lúc đâm chồi nảy lộc. Hoa nở có màu hồng nhạt.

 

Trong số các loài anh đào thì loại Someiyoshino được trồng nhiều nhất vì loại nầy hoa lại nở trước rồi mới mọc lá. Cánh hoa cũng to hơn so với các loại khác và nhìn có vẻ đẹp quý phái hơn. Hơn nữa loại hoa nầy sinh trưởng nhanh, chỉ khoảng 10 năm đã trở thành một cây lớn và cho hoa nở nhanh hơn loại khác. Từ thời kỳ Meiji loại nầy đã được trồng phổ biến trên khắp nước Nhật.

 

Quốc Hoa Nhật Bản

 

Đồng xu 100 yên in nổi hình hoa anh đào phát hành năm 1967. Với người Nhật, sakura zensen tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và trong trắng, là loại hoa thoắt nở thoắt tàn nên được các nhà Samurai yêu thích, vì nó tượng trưng cho "con đường chết" của người võ sĩ ( sống và chết như hoa anh đào ). Khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đều có hoa anh đào, đặc biệt ở trong các công viên, ven sông, dọc theo bờ kênh, trong sân các ngôi biệt thự. Ở Nhật Bản, hoa anh đào thường nở vào mùa xuân, tùy từng nơi mà hoa có thể nở sớm hay muộn hơn. Ở miền Nam Nhật ấm áp hơn, hoa có thể nở từ cuối tháng 1 trong khi vùng Hokkaido phía Bắc Nhật Bản, hoa có thể nở vào tháng 5. Do vậy người yêu thích hoa anh đào có thể ngắm hoa theo hành trình đi từ Nam lên Bắc trong nước Nhật hằng tháng trời, đối lập với lá momizi trong sắc mùa thu, đỏ thắm dần từ Bắc xuống Nam.

 

Trong mùa hoa anh đào nở, nước Nhật như được bao phủ trong một đám mây hoa và những cánh hoa rơi rụng lả tả trong gió như một trận mưa hoa vừa kiêu hãnh vừa bi tráng, người Nhật thường tổ chức lễ hội mừng hoa khắp nước. Thanh niên nam nữ tổ chức cấm trại vui chơi. Các cụ già ngồi uống rượu sake dưới gốc cây. Trong khi uống sake, nếu có một cánh hoa rơi rụng vào chén rượu thì mọi người thường hân hoan cho đó là điều may mắn. Các đời thủ tướng Nhật thường tổ chức chiêu đãi các đoàn khách ngoại giao đến vườn thượng uyển Shinjuku Gyoen uống rượu ngắm hoa.

 

Có truyền thuyết cho rằng "sakura" là cách gọi lái từ "sakuya", trích từ tên của nữ thần Konohana- Sakuya- Hime- một vị thần được nhắc đến trong cuốn lịch sử "Cổ sự ký" ( kojiki ) của Nhật. Theo truyền thuyết, nữ thần nầy chính là người đầu tiên gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ nên được coi là nữ thần Sakura. Nữ thần có sắc đẹp tuyệt vời và loài hoa sakura khi nở cũng mang vẻ đẹp tựa như sắc đẹp của bà. Có lẽ vì thế người ta cho rằng tên Sakura bắt nguồn từ đó.

 

Mùa Hoa Nở

 

Hoa anh đào nở rộ suốt từ cuối tháng 1 cho đến đầu tháng 5 trải dài theo đường kinh tuyến của Nhật Bản. Bắt đầu từ Okinawa vào cuối tháng 1 cho đến Hokkaido vào đầu tháng 5. Do ở phía nam Okinawa thời tiết ấm áp nên hoa anh đào ở đây nở sớm nhất, tiếp theo là ở vùng Kyush, Kantou, Shikoku, còn ở Hokkaido thì phải đến đầu tháng 5, hoa anh đào mới nở. Ngoài ra còn tùy theo từng loại hoa anh đào khác nhau mà thời gian mankai cũng khác nhau. Sau thời gian mankai khoảng 1 tuần là hoa bắt đầu tàn dần. ( Wikipedia ).

 

Ngàn xưa mây trắng bay qua

Anh đào đua nở thoắt ra lại tàn

Bèo mây khi hợp khi tan

Vô thường luật định thế gian đâu bền

Công trình nhọc sức tạo nên

Đền đài cung điện còn nền trơ trơ

Anh đào hoa nở nên thơ

Thời gian ngắn ngủi giấc mơ kê vàng

Công danh chức tước giàu sang

Mây trôi nước chảy khóc than một đời

Chuyện đời xuống chó lên voi

Bình thường nhân thế sao dời đổi thay

Thong dong tự tại tháng ngày

Ngoài vòng cương tỏa sắc tài lợi danh

 

 Chúng tôi tiếp kể một vài câu chuyện thiền và sau đó là phần văn nghệ hát ca. Xe chạy một đổi đến một địa điểm có nhà vệ sinh công cộng, bác tài xế vào bãi đậu xe để cho mọi người đi giải quyết. Nơi đây có một vài cửa tiệm bán những thức ăn phần nhiều là các loại bánh và trái cây. Đặc biệt là có một cái quán nhỏ bán cà phê rất ấm cúng. Người nào đã lỡ ghiền cà phê nghe mùi thơm cà phê bốc hơi không mời cũng tới. Mỗi người tùy sở thích mà mua thức ăn. Chúng tôi dùng trưa ở đây. Và cũng chính nơi đây chúng tôi chia tay với ông tài xế cha. Chú tài xế con thay thế. Đối với hai tài xế thay nhau đưa đoàn chúng tôi suốt cuộc hành trình ở Nhật Bản và buổi chia tay hôm nay, chúng tôi đã có nói qua ở phần trước. Vì thế, ở đây chúng tôi không có lặp lại.

 

Khách Sạn Hanazono Kaikan ( Hoa Viên Hội Quán )

 

 Dùng trưa xong chúng tôi tiếp tục lên đường. Chúng tôi đến khách sạn Hoa Viên Hội Quán ( Hanazonokaikan ) vào lúc 2 giờ chiều. Tất cả đều mang hành lý xách tay gọn gàng vào khách sạn để nhận phòng, mỗi phòng 4 người, ở tầng lầu 6. Riêng tôi và chú tài xế thì ở tầng lầu 2. Phòng của chúng tôi là dành cho những người độc thân nên rất nhỏ. Khách sạn nầy tương đối khá sang trọng rộng lớn. Nơi ăn, chỗ ở đâu đó đều có ngăn nắp lịch sự. Đặc biệt có 2 hồ tắm suối nước nóng. Sau khi nhận phòng xong, tranh thủ thời gian, chúng tôi đi tham quan một ngôi chùa trong thành phố Kyoto.

 

Vài Nét Về Thành Phố Kyoto

 

Kyoto là một thành phố cổ với lịch sử 1200 năm. Nó được thành lập như là thủ đô của Nhật Bản dưới cái tên "Heian- Kyo" (Bình An kinh) trong năm 794. Mặc dù có nhiều biến đổi đã diễn ra trong những năm qua, Kyoto đã luôn luôn thông qua các tiêu chuẩn tiên tiến nhất của thời đại. Nó đã góp phần vào sự phát triển lớn mạnh về công nghiệp, kinh tế và văn hóa. Kyoto cũng đã bảo tồn các bảo vật của nền văn hóa trong suốt thời gian mà nó đã thể hiện chứng thực. Tiêu biểu như các ngôi đền, chùa v.v… đã được xây dựng theo phong cách độc đáo của Kyoto. Hơn nữa, nhiều lễ hội, nghi lễ và các ngành công nghiệp truyền thống, cho thấy ý chí của thành phố nầy vươn lên để phát triển mọi mặt hầu để đáp ứng đúng theo nhu cầu thời đại mới. Dù đã trải qua nhiều biến chuyển thời đại, nhưng Kyoto vẫn luôn chuyển mình thăng tiến qua mọi lĩnh vực. Nó đã chứng minh cho thấy sức mạnh vươn lên vượt bực trong mọi phương diện và đi tiên phong trong sự tiến bộ của một nền văn minh khoa học kỹ thuật. Quả xứng danh là một thành phố lịch sử theo đúng hướng phát triển vượt bực của nó.

 

Tam Thập Tam Gian Đường

 

Chúng tôi đến tham quan ngôi chùa của thủ phủ nầy có tên là Tam Thập Tam Gian Đường. Chùa tôn thờ 1001 pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát và 28 tượng các vị thần. Chúng tôi đến đây vào lúc 4 giờ chiều. Chùa có một khuôn viên rất rộng và lối kiến trúc cũng có nhiều gian nhà rời rạc khác nhau. Theo sử liệu ghi lại về lịch sử của ngôi chùa nầy như sau:

 

 Tam Thập Tam Gian Đường còn gọi là Liên Hoa Viện, đây là biệt viện của của Diệu Pháp Viện thuộc tông Thiên Thai. Tam thập tam gian đường được xây dựng vào thời Điểu Vũ Thiên Hoàng năm 1132. Điểu Vũ Thiên Hoàng vì tín phụng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu nguyện Bồ Tát gia hộ cho mình tiêu trừ các nghiệp dữ được trường thọ, cho nên phát tâm hưng kiến Viện trường thọ Tam thập tam gian đường.

 

Năm 1164 đời Hậu Bạch Hà thượng hoàng niên hiệu Trường Khoan thứ 2 ban chiếu chỉ cho chùa Pháp Trụ kiến tạo Liên Hoa Viện - Tam thập tam gian đường, do đó Diệu Pháp Viện có hai tòa Tam thập tam gian đường, đây là tòa Tam thập tam gian đường thứ hai. Tòa Tam thập tam gian đường thứ nhất có quy mô rất là hùng vĩ to lớn, gồm Liên Hoa Vương Viện, Ngũ Trùng Tháp và Bất Động Đường, vào năm Kiến Trường thứ nhất (1294) bị hỏa hoạn thiêu hủy, cho nên tòa Tam Thập Tam Gian Đường hiện nay là tòa đại điện được tái xây dựng vào năm 1266 niên hiệu Văn Vĩnh thứ 3.

 

Tên gọi Tam thập tam gian đường là do ngôi điện này có 33 gian, là kiến trúc gỗ có chiều dài nhất trong kiến trúc tôn giáo cổ của Nhật Bản, chiều dài của ngôi điện này ước tính khoảng hơn 120m. Ngoài ra Tam thập tam gian đường còn tượng trưng cho con số 33 ứng với 33 thân của Bồ Tát Quán Thế Âm do bi nguyện độ sanh mà Ngài ứng hiện như trong Kinh Pháp Hoa đã nói.

 

Tam thập tam gian đường là điện thờ đức Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát, chính giữa điện tôn trí tượng bổn tôn Thiên thủ thiên nhãn, ngồi trên tòa sen là quốc bảo của Phật giáo Nhật Bản, trong 32 gian còn lại tôn trí 1000 pho ứng thân Thiên thủ thiên nhãn còn gọi là Thập Nhất Diện Quán Thế Âm, đứng trên hoa sen, 1000 vị mỗi vị một vẻ khác nhau, trông giống như người thật, kim bích huy hoàng, vàng son lộng lẫy, trang nghiêm thù thắng. Mỗi pho tượng Thiên thủ thiên nhãn ứng thân đều có 11 đầu và 40 tay, trì 25 thứ pháp khí, riêng pho tượng bổn tôn thì ngoài 40 tay lớn còn có 1000 tay nhỏ mỗi tay có một con mắt, thể hiện đủ tướng ngàn mắt ngàn tay, hàm ý vô lượng vô biên của tâm đại bi theo tư tưởng của Đại Thừa Phật Giáo.

 

1001 tôn tượng Thiên thủ thiên thủ ở Tam thập tam gian đường, trong đó có 120 pho là tác phẩm của nhà điêu khắc Vận Khánh, đây là một đại sư về điêu khắc nổi tiếng thời bấy giờ của Nhật Bản, những pho còn lại là đều do đệ tử của ông làm suốt trong 17 năm mới hoàn thành. Mọi người khi tham lễ ở Tam thập tam gian đường đều cho rằng đứng bất cứ đâu trong điện Phật đều có cảm giác 1001 pho tượng Phật đang nhìn bạn, và có thuyết cho rằng nếu như bạn nhất tâm chiêm ngưỡng thì sẽ thấy được gương mặt của mình giống như khuôn mặt của 1 trong 1001 vị Bồ Tát.

 

Trong Tam thập tam gian đường ngoài 1001 pho tượng Quán Âm Thiên thủ thiên nhãn ra còn có tôn trí 28 vị Hộ pháp thần, tạo hình rất là tinh mỹ, sống động đầy đủ các tướng oai đức trang nghiêm, mắt của các tôn tượng này được làm bằng thủy tinh, cho nên khi chiêm ngưỡng, trông giống như mắt người thật.

 

Tam thập tam gian đường còn có một nét đặc sắc nữa đó là truyền thống thi bắn cung, được gọi là “Viễn Xạ”. Tục lệ thi bắn cung này có từ thời Giang Hộ, tất cả các vị tuyển thủ bắn cung của các chư hầu tập trung về dưới hiên đài của Tam thập tam gian đường nhắm đích trúng cách đó khoảng 60 thước để thi và truyền thống thi bắn cung ở Tam thập tam gian đường được kế tục và truyền thừa cho đến ngày nay.

 

Hiện nay mỗi năm cứ đến trung tuần của tháng 1 trong tiết Thành Nhân, phía tây của Tam thập tam gian đường người ta đều có tổ chức hội thi bắn cung toàn quốc, tất cả nam nữ đủ tuổi 20 trong toàn quốc Nhật Bản đều có thể hội tụ ở đây, ăn mặc theo trang phục truyền thống Nhật Bản, dự thi bắn cung và đây trở thành lễ hội truyền thống đặc sắc theo phong cách bản sắc văn hóa Nhật". ( 4 )

 

Vì gian đường dài và rộng, nên chúng tôi đi tham quan một vòng hơi lâu. Bởi tôi còn giải thích qua 28 vị thần tôn trí ở phía trước các tượng Thiên thủ thiên nhãn, như để các vị thiện thần nầy bảo hộ vậy. Tham quan qua một vòng xong, chúng tôi đi ra ngoài thì đã gần tới giờ chùa đóng cửa. Như đã nói, các chùa ở Nhật họ mở và đóng cửa giữ đúng theo giờ hành chánh. Sáng đúng 9 giờ và chiều đúng 5 giờ. Phong cảnh xung quanh có nhiều loại hoa anh đào đang xòe nở rất đẹp. Do đó, mà các “phó nhòm” không thể nào bỏ qua. Chúng tôi nhiếp chung một bôi hình kỷ niệm và sau đó mọi người tư do nhiếp ảnh. Tôi nói, cố gắng tranh thủ rời khỏi chùa trước 5 giờ, đừng để người ta mời mình mới ra coi không được, vì như thế hơi mất lịch sự. Mọi người giữ đúng theo lời tôi dặn tất cả đều ra khỏi cổng còn 5 phút nữa đúng 5 giờ. Thế là, chúng tôi ra xe để về lại khách sạn dùng cơm chiều.

 

Phòng Ăn Trong Khách Sạn

 

Đúng 6 giờ, chúng tôi lần lượt vào phòng ăn trong khách sạn. Phòng ăn họ trang trí rất có mỹ thuật và thiền vị. Họ đặt sẵn một cái bàn dài vừa đủ đoàn chúng tôi ngồi. Đoàn gồm có 30 người ( tính luôn 4 vị ở Việt Nam qua ), ngồi trong một căn phòng nhỏ không khí thật ấm cúng. Vừa ấm cúng của căn phòng mà cũng vừa ấm cúng của tình người và tình đạo. Dưới bàn họ đào âm xuống như một cái hầm dài vừa đủ thòng hai chân xuống. Vì là khách sạn nên trong phòng ăn không có ghế. Tất cả đều ngồi bồ đoàn trên sàn nhà.

 

Về thức ăn thì ngoài món cơm là thức ăn chính ra, còn lại những món ăn khác thì họ để trong một cái mâm màu đỏ thắm. Nhìn vào rất là xinh lịch. Những món ăn họ để vào trong những cái dĩa nhỏ vừa đủ đựng đồ ăn. Mỗi thứ một chút, thú thật gắp chừng hai hoặc ba đủa là hết. Nhưng nhờ có nhiều món. Khi họ mới bưng ra, tôi thấy thật không giống thức ăn của mình chút nào. Món nào món nấy thật khó nuốt. Tuy nhiên, cứ thử thức ăn Nhật xem sao. Lúc đầu thì cảm thấy hơi khó nuốt nhưng vô vài đủa rồi cũng cảm thấy ngon ngon. Thế là, chỉ cần nửa giờ sau thì mâm nào mâm nấy đều sạch hết. Kể ra, thì cũng tạm no là vì nhờ có cơm. Chớ nếu đồ ăn không thì cũng chả thắm vào đâu. Song có điều tôi không nghe ai than phiền gì về vấn đề ăn uống cả. Có lẽ, người Phật tử rất dễ ăn uống. Bởi những ngày thọ bát ở trong chùa, lúc nào họ lại không thầm tưởng Tam Đề và Ngũ Quán. Trong năm phép quán có phép quán thứ tư là: “Chính là vị thuốc hay để chữa lành bệnh khô gầy”. Như vậy, đối với người tu thức ăn được coi như là một vị thuốc để trị bệnh đói khát. Đã thế, nên Tổ dạy khi ăn không nên sanh tâm tham đắm. Còn tham ăn thì còn khởi tham sân si. Ngon thì khen, dở thì chê. Chê khen là bệnh nặng của người đời, đối với người tu xuất thế thì không nên. Vì thấm nhuần như thế, nên tuyệt nhiên không ai than phiền hay khen chê chi cả. Điều đáng nói suốt trong chuyến đi cả đoàn đều ăn chay, chỉ trừ khi qua bên Thái Lan thì mới có một hai người ngã mặn mà thôi. Cũng cần nói thêm là những người hầu bàn đều là những cô thiếu nữ trẻ đẹp. Họ rất lịch sự trong cung cách tiếp xử và trong cung cách nói năng. Lúc nào họ cũng tỏ ra lễ độ khiêm cung nói năng từ tốn nhỏ nhẹ.

 

Thời Kinh Cầu An, Cầu Siêu

 

Dùng cơm xong, tôi ra phòng lê tân ( nơi tiếp khách ) để đi bộ vài vòng cho khỏe chân và tiêu cơm. Phòng tiếp khách cũng khá rộng lớn. Nơi đây, họ đặt sẵn một cái máy computer đặc biệt là dành cho du khách sử dụng. Lúc đó tôi thấy có Mỹ Phương và Tony đang sử dụng máy. Tôi nói với Mỹ Phương khi nào xong, giúp mở internet giùm để tôi check mail. Khi mở mail tôi thấy có mail của cô Nguyên Hồng chúng trưởng chúng Châu Hoằng bên Úc mail qua báo tin cho tôi biết: Liên Hữu Tịnh Trang vừa vãng sanh tối hôm qua và cô Nguyên Diệu bệnh nặng đang nằm trị liệu ở bệnh viện Footscray. Được tin nầy, tôi liền thông báo cho mọi người biết. Đồng thời, tôi nhờ cô Nhật Tịnh và Tony liên lạc với văn phòng để có thể nhờ họ giúp cho mình có một cái phòng rộng để mình có thể tụng niệm cầu an và cầu siêu và cho hai liên hữu đó. Thật may mắn, sau khi liên lạc chúng tôi biết được họ có một cái phòng rộng lớn. Tuy nhiên, phòng nầy là họ để cho thuê. Thời gian họ cho thuê tối đa khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Vì sau đó còn có các đoàn thể khác họ cũng cần sử dụng như mình. Tôi nói họ cho thuê thì mình cứ thuê giá cả mắc rẻ không thành vấn đề. Miễn sao có chỗ để mình tụng niệm là được rồi.

 

Thế là, đúng 8 giờ mọi người đều có mặt tại phòng và bắt đầu hành lễ. Trước khi khóa lễ bắt đầu, tôi thưa qua vài lời về việc nhận được tin khi chiều, vì có một số liên hữu trong đoàn chưa biết rõ. Đồng thời tôi cũng có nói qua tinh thần của thâm tình bạn sen với nhau. Rất tiếc sự ra đi của liên hữu Tịnh Trang chúng ta không có mặt để giúp cho cô. Tôi nói là tôi có mail về cho cô Nguyên Hồng để chia buồn cùng với tang quyến và bên đây quý liên hữu khi hay tin vẫn tìm phương tiện để phúng kinh cầu siêu cho cô. Đồng thời, tôi cũng có mail cho gia đình của liên hữu Nguyên Diệu hỏi thăm tình trạng sức khỏe của liên hữu và chúng tôi xin thành tâm cầu nguyện cho liên hữu sớm mau bình phục. Trình bày xong, chúng tôi bắt đầu làm lễ. Làm lễ xong, vì còn chút thời gian nên tôi có một thời pháp thoại ngắn.

 

Sau đó, chúng tôi lặng lẽ rời khỏi phòng trong tâm tư hướng về Tam Bảo để cầu nguyện...

 

Ngày 7, tức ngày 11/4/2012/

 

Bữa Điểm Tâm Trong Khách Sạn

 

Mưa từ tối qua, sáng nay vẫn còn. Được biết, thời tiết hôm nay rất xấu có thể mưa tầm tả suốt ngày. Không phải chỉ mưa trong phạm vi ở Kyoto không thôi, mà theo cô Nhật Tịnh nói với tôi là mưa khắp nước Nhật. Thời tiết rất lạnh. Theo chương trình, hôm nay chúng tôi sẽ đi thăm viếng một vài ngôi chùa ở xung quanh nội thành Kyoto.

 

Đúng 7 giờ, chúng tôi đều có mặt ở phòng ăn. Dù ăn ở trong khách sạn, nhưng tôi vẫn muốn giữ theo nghi thức thọ thực như ở trong chùa. Nghĩa là trước khi dùng bữa, chúng tôi đều niệm Phật và khi ăn xong chúng tôi đều tụng bài chú kiết trai. Đây cũng là cách nhắc nhở mọi người nhiếp niệm trong khi ăn và cũng muốn giữ lễ nghi phong cách của một đoàn thể. Bởi người Nhật họ rất chú ý quan tâm đến phong cách hành xử lễ nghi. Vì vậy, chúng tôi cũng muốn cho họ hiểu rằng cái truyền thống thọ thực của người Phật tử chúng tôi là như thế. Chính vì vậy, mà họ rất nễ phục mình. Dùng cơm xong, ngoài trời mưa càng lúc càng nặng hạt. Có người lên phòng nghỉ; có người thì đi lòng vòng ở phòng lê tân. Trong phòng lê tân có một cái tiệm bán đồ lặt vặt để du khách mua làm quà tặng. Tôi đứng bên cạnh cửa kiếng nhìn từng hạt mưa rơi nối tiếp nhau không dứt. Bỗng lúc đó, tôi nhớ đến một bài thơ mà tôi sáng tác trong một buổi chiều mưa rơi ảm đạm. Khi đó, tôi cũng nhìn qua khung cửa sổ như hôm nay. Chỉ có khác nhau về thời gian sáng và chiều mà thôi. Bài thơ với tựa đề là "Cảnh Mưa Đời". Và bài thơ nầy cũng đã được nhạc sĩ Nguyễn Bính phổ thành nhạc khúc.

 

Nhìn thấy mưa rơi rơi!

Tôi cảm thương cho đời

Sao quá nhiều ác nghiệp

Càng gây khổ nhau thôi.

 

Nhìn thấy mưa rơi rơi!

Biết bao kẻ trong đời

Chịu quá nhiều đau khổ

Như những trẻ mồ côi.

 

Nhìn thấy mưa rơi rơi!

Tiếng gió than khóc đời

Chiến tranh và bạo lực

Gây thảm khổ cùng nơi!

 

Nhìn thấy mưa rơi rơi!

Biết bao kẻ trên đời

Lang thang vì bệnh tật

Nghèo đói rách tả tơi!

 

Nhìn thấy mưa rơi rơi!

Thương cho kẻ trên đời

Sống không người cấp dưỡng

Đành chịu chết mà thôi!

 

Nhìn thấy mưa rơi rơi!

Muốn nói, nhưng nghẹn lời

Biết bao người khổ nạn

Thiên tai chết nhiều nơi!

 

Chùa Diệu Tâm

 

Đúng 9 giờ, chúng tôi mượn những cây dù của khách sạn để đi bộ đến chùa Diệu Tâm. Cần nói thêm, khách sạn mà chúng tôi hiện tạm trú là của ngôi chùa Diệu Tâm. Vì thế, nên gọi là "Hoa Viên Hội Quán". Từ khách sạn đến chùa Diệu Tâm cách khoảng vài trăm thước. Chúng tôi mỗi người một cây dù đi trong cơn mưa tầm tả. Đến nơi, chúng tôi phải chờ đợi người hướng dẫn mới được vào trong chánh điện chiêm lễ. Đặc biệt, ngôi chùa nầy không có bán vé vào cửa. Chờ một lát, có một vị sư đến mời chúng tôi vào trong chánh điện. Vào bên trong, chúng tôi nói với cô Nhật Tịnh xin phép họ cho mình tụng một thời kinh ngắn. Vì chúng tôi muốn có thời kinh để cầu an, cầu siêu cho hai liên hữu đã nói qua. Họ hoan hỷ cho chúng tôi tụng. Thật đây cũng là một hy hữu. Nói hy hữu là vì các chùa ở Nhật khi vào chiêm bái ít khi nào thấy có các nhà sư và họ cũng không cho mình có thời gian để tụng niệm, dù chỉ là 10 phút thôi. Ngoại trừ những ngôi chùa mà đoàn tá túc. Như hai ngôi chùa: Nhật Tân Cốc và Đại Hùng. Tụng xong, chúng tôi thật lòng bày tỏ cám ơn họ. Sau đó họ hướng dẫn chúng tôi qua một tòa nhà khác. Nơi đây có một bà Phật tử hướng dẫn giới thiệu sơ qua vài nét về cách thờ phượng và người ta chú ý nhiều nhất là con rồng được vẽ ở trên nóc nhà. Đặc biệt đôi mắt của con rồng nầy mình đi đâu cũng thấy đôi mắt nó ngó nhìn theo.

 

 “Chùa Diệu Tâm tiếng Nhật là Myoshin, đây là một ngôi chùa nổi tiếng thuộc tông Lâm tế. Người tạo dựng ngôi chùa nầy đầu tiên vào năm 1277- 1360 là Thiền sư Kanzan Egen ( Quan sơn Huệ Huyền ). Thiền sư thừa lệnh Nhật Hoàng Hanazono sửa đổi một li cung của ông mà thành chùa Myoshin. Ban đầu chùa nầy chỉ là một ngôi nhà nhỏ, sụp nát, mưa chảy cả vào trong. Tại đây, Kanzan Egen đã dẫn dắt môn đệ rất kỹ lưỡng, nghiêm khắc. Có lần Quốc sư Muso Soseki đến viếng thăm và khi trở về , sư bảo các vị đệ tử ủa mình rằng, "tương lai của Thiền Lâm Tế nằm tại chùa Myoshin"

 

Dòng Lâm Tế sau chủ yếu lấy chùa nầy làm trung tâm mà phát triển. Đến pháp tôn đời thứ sáu là Sekko Soshin ( 1408- 1486 ) thì chia thành 4 phái và trở thành chủ lực lớn nhất của Thiền tông Nhật Bản” (Vikipedia )

 

Chùa Kim Các

 

Tham quan xong nơi đây, chúng tôi trở lại khách sạn trả lại những cây dù chỗ cũ và rồi tất cả lên xe để đi tham quan ngôi chùa Vàng, tức chùa Kim Các. Chùa nầy còn có tên khác là chùa Lộc Uyển ( Rokuon-ji ). “Chùa nầy cũng thuộc dòng Lâm tế, tạo dựng năm 1397 do Thiền sư Ashikaga Yodhimitsu. Kim Các tiếng Nhật gọi là Kinkaku-ji. Tuy nhiên, tên phổ thông mà mọi người đều biết đến đó là Lộc Uyển, Vườn Nai. Chùa nầy, lúc đầu xây dựng để làm nơi an trí cho Shogun Ashikaga Yoshimitsu. Con ông cho đổi hành cung làm chùa và thiền viện cho tín đồ Phật giáo phái Lâm Tế. Trong cuộc chiến Onin ( 1467-1477 ), chùa bị đốt cháy rụi nhưng rồi được xây lại.

 

Gần 500 năm sau, vào năm 1950 tòa Gác Vàng bị một vị sư nổi lửa đốt cháy thành tro. Nhà sư sau đó bèn tự tử nhưng bị nhà chức trách bắt được. Mẹ nhà sư cũng bị đem ra tra hỏi. Trên đường về, bà nhảy từ xe lửa gieo mình xuống sông tự vẫn còn nhà sư sau khi truy tố bị tuyên án bảy năm tù. Trong khi thụ án ông bị bệnh chết trong ngục năm 1956.

 

Ngôi Gác có 3 tầng soi bóng xuống ao Kyoko-chi ( Kính trì, tức ao Gương ) . vách gác hai tầng trên đều dát vàng lá, ánh lên rực rỡ nên gác mới có tên là Gác Vàng. Cảnh trí gác, ao, vườn, và lối đi có tiếng là hài hòa mỹ thuật. Gác nầy thường được so sánh với Ginkaku Ngân Các tức Gác Bạc ) ở chùa Jisho-ji ( Từ Chiếu Tự ) cũng ở Kyoto.

 

Phần kiến trúc Kinkaku hiện thấy là do cuộc tái thiết năm 1955. Năm 1987 nhà chùa dát thêm lớp vàng mới cùng sửa chữa nội thất; sang năm 2003 thì phần mái được trùng tu.

 

Câu chuyện ly kỳ vụ đốt Gác Vàng năm 1950 nầy đã được nhà văn Mishima Yukio phóng tác trong cuốn tiểu thuyết Kinkaku-ji ( kim Các Tự ). Sách nầy được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác. Bản tiếng Việt do Đổ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch và xuất bản ở Sài gòn vào cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1970” ( Wikipedia ).

 

Khi đoàn chúng tôi đến đây, đã có nhiều du khách họ cũng che dù hoặc mặc áo mưa để tham quan. Ngôi chùa nầy trước khi vào phải mua vé. Chúng tôi phải chờ cô Nhật Tịnh và Mỹ Phương mua vé xong mới được vào. Khi vào bên trong khuôn viên chùa, chúng tôi cũng chỉ đứng từ xa mà nhìn chớ không có đến gần được. Bởi chung quanh họ rào chặt chẽ để bảo vệ rất kỹ lưỡng. Vì trời mưa dầm tầm tả nên ít người quay phim hay chụp hình. Thế mà anh Tuệ Giác cũng tìm đủ mọi cách để chụp nhiều bôi hình ở đây. Chúng tôi đi dọc theo con đường mòn nằm phía mặt tiền của ngôi chùa để đi ra ngoài. Dù trời mưa nhưng du khách cũng tới lui tấp nập.

 

Chùa Long An

 

Chúng tôi rời nơi đây vào lúc 10 giờ 30 để đi đến một ngôi chùa khác đó là ngôi chùa Long An. Chùa Long An tiếng Nhật gọi là Ryoan-ji. Khi đến đây, đã có rất nhiều du khách nhất là các em học sinh do cô giáo hướng dẫn. Vì số người đông đảo, nên chúng tôi không vào bên trong chùa được. Chúng tôi chỉ đi tham quan bên ngoài. Vị trí của ngôi chùa nầy nằm về phía tây bắc của Kyoto. Chùa thuộc dòng Lâm Tế. Khuôn viên của chùa rất rộng và tuyệt đẹp. Nhất là có nhiều cây hoa anh đào đủ loại màu sắc. Khi vào trong khu vườn, người ta có cảm nghĩ như đi lạc vào cảnh Tiên. Đi đâu cũng có những cánh hoa anh đào khoe mình chào đón. Bông nở từng chùm khoe hương khoe sắc như đang tắm mát bởi những giọt mưa nhẹ hạt hôm nay. Ai nấy như bị những đóa hoa anh đào thôi miên cuốn hút nhìn mê say đắm đuối. Đã vậy, còn có thêm một khu vườn đá ( thạch đình ) hay còn gọi là vườn thiền. Tên gọi mang tính chất siêu thoát và nói lên một nghệ thuật sống cao đẹp. Điều đó, cũng còn nói lên được bản sắc chịu ảnh hưởng của nguồn thiền Phật giáo dòng Lâm Tế. Nhiều người trầm trồ khen ngợi hết lời và rất tiếc nuối vì trời mưa nên không quay phim nhiếp ảnh được. Có người còn nói, nếu hôm nay trời không mưa thì mình trở về khách sạn mặc áo dài rồi đến đây chụp hình thật là tuyệt vời. Cảnh nầy mới đúng là cảnh Tiên, hiện chúng ta như đang lạc bước vào cảnh hoa viên lạc thú không biết lối ra. Có người lại than van, thật trời đã phụ lòng người, từ nơi xa xôi muôn dặm đến đây mà trời không chiều lòng mình một chút. Nghe họ nói thế, tôi chỉ biết cười thầm và rất cảm thông cho họ. Bởi vì dù sao là con người, nhất lại là phái nữ, ai lại không ưa thích cảnh đẹp để có dịp trỗ tài khoe sắc. Rất tiếc hôm nay trời mưa, nếu không thì sẽ có một màn ngoạn mục để quý cô biểu diễn thời trang.

 

 Được biết khu vườn nầy được tạo dựng vào khoảng cuối thế kỷ 15. Như vậy tính đến nay đã trải qua hơn 5 thế kỷ. Nhìn khu vườn chúng ta cũng có thể biết được họ tốn hao biết bao công sức mới tạo thành. Khu vườn hình chủ nhật khoảng 340 mét vuông. Riêng khu thạch đình người ta đã đặt bên trong 15 cục đá kích cỡ khác nhau. Tạo thành làm 5 nhóm, một nhóm 5, hai nhóm 3, và hai nhóm 2. Đó là cách sắp đặt của họ theo phương cách như thế nào thì chúng ta chưa rõ. Nhưng nhìn đội hình thì biết rằng người tạo nên phải có óc tinh tế về mỹ thuật lắm. Nếu chúng ta nhìn từ góc độ nào cũng thấy được đội hình giống nhau và đẹp cả. Về nhân vật chính đứng ra tạo dựng chùa đầu tiên, theo sử ghi thì có một vài giả thuyết nói khác nhau. Có thuyết cho rằng, người tạo lập đầu tiên là Hosokawa Katsumoto tức vào khoảng giữa 1450 và 1473. Một thuyết khác lại nói là do người con trai của ông Hosokara Katsumoto tạo nên và thời điểm là vào khoảng năm 1488. Có thuyết khác lại nói là do các họa sĩ nổi tiếng cùng với một nhà sư tên là Soami ( chết 1525 ). Những giả thuyết nầy hiên nay còn đang tranh cãi chưa biết ngã ngũ như thế nào. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta thấy toàn cảnh trí ngôi chùa mang nhiều sắc thái mỹ thuật tuyệt vời. Nơi đây, tôi có ghi lại hai bài thơ:

 

Viếng Chùa Long An

 

Mưa rơi nhẹ hạt giữa rừng hoa

Ngắm cảnh mắt nhìn lệ nhỏ sa

Bao kiếp luân hồi như mưa nắng

Mấy đời sanh tử bước vào ra

Hoa đào đua nở nghiêng chào khách

Hòn đá thi nhau một mái nhà

Tạo dựng Long An thành Phật Tự

Bốn mùa thanh thoát bóng Tiên nga.

 &&&

Long An cảnh trí rất nên thơ

Hồ nước trong xanh lặng như tờ

Hoa nở từng chùm trông đẹp mắt

Anh đào đủ sắc giữa trời mơ

Đoàn người lạc bước nơi Tiên cảnh

Nhẹ thoát am thiền trí buông tơ

Đá sắp tạo hình trang tuyệt mỹ

Lắng lòng an định dứt phiền nhơ.

 

Dù đẹp cách mấy cũng phải rời khỏi, chúng tôi từ giả khu vườn lý tưởng nầy để đi đến một nơi phố thị dùng trưa. Nơi đây là một khu phố nhỏ chủ yếu là bán những loại thực phẩm và dĩ nhiên cũng còn có những món hàng lặt vặt linh tinh khác. Chúng tôi mỗi người tự túc, ai thích ăn món gì thì mua món đó. Cô Nhật Tịnh tìm ra được một quán nhỏ nằm trong khu phố lớn chuyên bán bánh canh. Cô Nhật Tịnh mời tôi vào trong quán nầy. Lúc đầu tôi thấy quý vị trong đoàn vào cũng đông, vì trong quán có một bàn dài có khả năng dung chứa khoảng vài mươi thực khách. Tuy nhiên, không hiểu lý do tại sao mà quý vị đó lại đi trở ra. Chỉ còn ngồi lại một ít người mà thôi. Tôi ngồi chung một bàn với quý cô: Nhật Tịnh, Huệ Trí, Diệu Minh, hai Diệu Hòa và bàn kế tôi thì có Viên Như, Viên Hảo và một vài vị khác nữa mà tôi không nhớ hết. Những vị đi trở ra, có lẽ là họ không thích ăn bánh canh. Họ đi tìm những món khác hợp khẩu vị hơn. Đã nói là tự túc thì tùy mỗi người chọn lựa. Dùng xong, chúng tôi dạo quanh shop một vòng. Nơi đây họ chưng bày một số các loại chuỗi. Mỹ Phương nhờ tôi chọn một xâu chuỗi tay để gởi tặng cho ông tài xế cha. Tôi chọn một xâu khá đẹp. Mua xong, tôi đi ra ngoài. Lúc đó một vài người đang chụp hình ở bên bờ sông bên kia đường. Anh Tuệ Giác mời tôi qua bên đó để nhiếp vài bôi kỷ niệm. Bởi nơi đây thật là thơ mộng, vì có nhiều cành hoa anh đào de ra con sông. Có một cây hoa anh đào gốc to, thân to, có nhiều cành. Bông xòe nở khoe sắc thật mỹ miều duyên dáng tuyệt đẹp, khác nào như những nàng tiên nữ đứng khép mình e lệ bên bờ sông. Toàn cảnh trí nơi đây, ngoài khu phố ra, nếu bạn đưa mắt nhìn đâu cũng thấy hoa anh đào nở. Dù là trời mưa, nhưng vẫn có nhiều người đứng che dù để nhiếp ảnh. Nhiếp vài bôi ảnh xong, chúng tôi lên xe để đi tham quan một vài ngôi chùa nữa.

 

Chùa Đông

 

Ngôi chùa kế tiếp mà chúng tôi đến đó là chùa Đông. Chúng tôi đến đây vào lúc 2 giờ chiều. Về lịch sử của ngôi chùa nầy, theo sử liệu ghi lại như sau:

 

“Chùa Đông là Ngôi Tổ Đình Mật Tông của Phật giáo Nhật Bản. Chùa nầy được coi như là một trung tâm Mật Tông nhằm phát huy Mật pháp của sơn môn. Đức Phật Dược Sư được tôn thờ làm Bổn Tôn nên tên gọi chính thức là: “Bát phan kim quang minh tứ thiên vương giáo vương hộ quốc tự nhật Mật Giáo Truyền Pháp Viện” tên thường gọi “Giáo Vương Hộ Quốc Tự”. Do vị trí nằm ở phía Đông kinh đô Nhật Bản nên dân gian thường gọi Đông Tự (chùa ở phía đông).

 

Đông Tự được Hằng Vũ Thiên Hoàng xây dựng vào năm thứ 13 niên hiệu Diên Lịch (794) khi dời kinh đô từ Trường Cang về Bình An, vì để chấn giữ kinh đô nên ngoài cổng chính của La Thành phía đông thành xây Đông Tự (chùa hướng Đông), phía tây xây Tây Tự ( chùa hướng Tây) cổng La Thành do mưa bão nên sụp đổ, chùa Tây Tự vào cuối thời kỳ Bình An bị hủy hoại do hỏa hoạn, còn chùa Đông Tự được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay và vì vậy chùa Đông được coi là chùa trấn giữ Kinh đô Bình An.

 

Ngài Không Hải Đại Sư sau khi đắc Mật Pháp với ngài Huệ Quả tổ Mật Tông đời nhà Đường Trung Quốc và trở về Nhật Bản hoằng dương Mật Giáo. Niên hiệu Hoằng Nhơn thứ 14 (823) Tha Nga Thiên Hoàng sắc tứ cho ngài Không Hải Đại Sư sau này thường tôn xưng là Hoằng Pháp Đại Sư, Hoằng Pháp Đại Sư tại chùa Đông xiển dương Mật Giáo và được triều đình ủng hộ, Đông Tự còn là nơi để Triều đình cũng như Thiên Hoàng lễ Phật và cầu nguyện từ đó Đông Tự không những là chùa bảo hộ quốc gia mà còn là đạo tràng căn bản của Mật Giáo Nhật Bản.

 

Sau khi Hoằng Pháp Đại sư viên tịch Đông Tự bước vào thời suy thoái. Đến thời kỳ Liêm Thương (1185-1333) tín ngưỡng Mật Giáo của Hoằng Pháp đại sư được phục hồi và hưng thạnh trong dân gian cũng như tầng lớp quý tộc và triều đình. Chùa Đông là tự viện của Tổ Không Hải cho nên một lần nữa được triều đình bảo hộ. Chùa Đông trải qua nhiều đời Thiên Hoàng cũng như quí tộc sùng kính như Bạch Hà Pháp Hoàng, Ninh Đa Thiên Hoàng, Đề Hồ Thiên Hoàng, Túc Lợi Tôn Thị và các thế lực chấp chánh trong Triều Đình nên vô cùng hưng thạnh, kiến trúc chùa tháp vô cùng nguy nga tráng lệ.

 

Kiến trúc chính chùa Đông gồm có Bảo Tháp, Kim Đường, Giảng Đường, Đại Sư Đường. Bảo Tháp kiến trúc cổ xưa nhất của Đông Tự cao 56.4 m được Không Hải Đại Sư xây dựng năm 826, trải qua 50 năm mới hoàn thành và sau đó bị hỏa hoạn vào năm 1644 được Tướng Quân Đức Xuyên Gia Quang trùng kiến, là Bảo tháp làm bằng gỗ lớn và cao nhất ở Nhật Bản còn lại cho đến ngày nay.

 

Chánh Điện còn gọi là Kim Đường xây dựng năm794, đến năm 1468 bị hỏa hoạn thiêu hủy và xây dưng lại vào năm 1603 là một tòa kiến trúc cao to hùng vĩ và vô cùng thanh tịnh, tuy được xây dựng lại nhưng vẫn tuân theo kích thước và hình dáng ban đầu của đại điện vốn có, Tượng thờ chính trong Kim Đường là đức Phật Dược Sư hai bên có Nhật Quang và Nguyệt Quang Bồ Tát.

 

Giảng đường do Không Hải Đại Sư xây dựng năm 835, năm 1486 thì bị thiêu hủy, kiến trúc giảng đường hiện nay được dựng lại năm 1491. Bên trong giảng đường lối thờ tự theo đồ hình Mạn Đà La lấy đức Tỳ Lô Như Lai làm trung tâm và xung quanh có bố trí nhiều tượng thần và Bồ Tát khác.

 

Đại Sư Đường là chỗ ở xưa kia của ngài Không Hải Đại Sư cũng bị hỏa hoạn cháy mất, kiến trúc hiện giờ được trùng tu vào năm 1390, trong Đại Sư Điện tôn thờ tôn tượng của ngài Không Hải Đại Sư và các cổ vật do ngài Không Hải khi đi cầu học tại Trung Quốc vào thời nhà Đường mang về. Nay tất cả những kiến trúc này được liệt vào danh sách Di Sản Văn Hoá Thế Giới”. ( 5 )

 

Chúng tôi vào chánh điện đảnh lễ, chiêm bái tham quan một vòng, rồi đi trờ ra. Thường du khách đến tham quan các ngôi chùa ở Nhật, ít khi có được nhà sư hướng dẫn giới thiệu giải thích trực tiếp. Có lẽ đây không phải là dịch vụ của họ. Khi vào, mỗi người tự chiêm bái và tự tìm hiểu. Hoặc là người hướng dẫn đoàn giải thích. Khác hơn những ngôi chùa ở Việt Nam. Phần nhiều các chùa ở Việt Nam khi có khách thập phương vào lễ bái, thì ít ra cũng có một vị thầy hầu chuông rồi hướng dẫn giới thiệu. Có thể nghi thức tập quán của mỗi nơi mỗi khác.

 

Chùa Ngân Các

 

Tham quan xong nơi đây, chúng tôi tiếp tục đến một ngôi chùa nữa, đó là chùa Ngân Các. Ngân Các tiếng Nhật gọi là Ginkakuji. Ngân Các có nghĩa là Gác Bạc đối lại với Gác Vàng. Về lịch sử của ngôi chùa nầy, trong Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia có ghi như sau:

 

"Shogun Ashikaga Yoshimasa sai vẽ sơ đồ xây cất cơ sở nầy làm tư dinh từ năm 1460 với ý định làm nơi an dưỡng tuổi già. Khi chiến tranh Onin bùng nổ ra thì việc xây cất bị đình trệ. Shogun Yoshimasa muốn dùng bạc lá dát lên vách nhưng kế hoạch đó trì hoãn mãi rồi cuối cùng khi Yoshimasa mất vẫn không được thực hiện. Hình dạng vách bằng gỗ để mộc, hoàn toàn không tô phết ( kiểu wabi - sabi theo mỹ quan Nhật Bản ) là y như cảnh quan Yoshimasa đã ngước trông trước khi nhắm mắt.

 

Khi còn sinh thời, Shogun Ashikaga Yoshimasa đã rút về đây trong khi nội chiến Onin cấu xé đất nước và cả kinh thành Kyoto ngụt lửa. Cảnh trí vườn tược, đình quán xây dựng ở Ngân Các Tự phát sinh phong trào khai phóng nghệ thuật theo phong cách mới với tên Higashiyama Bunka (Đông Sơn văn hóa ).

 

Năm 1485 Yoshimasa bỏ ngôi Shogun mà đi tu rồi mất vào đầu năm 1490 ( nhằm ngày 7 tháng giêng âm lịch, niên hiệu Entoku Diên Đức thứ nhì ). Tư dinh Ngân Các được đổi làm chùa thờ Phật, lấy tên là Jisho - ji ( Từ Chiếu Tự ) theo pháp danh của Yoshimasa, rồi sau khi ông mất thì nơi nầy được lập thành chùa Phật.

 

Lối kiến trúc chùa nầy là tòa gác hai tầng Kannon-den ( Quan Âm Điện ) là công trình chính trong chùa, khởi xây vào đầu năm 1482 ( ngày 4 tháng 2 âm lịch niên hiệu Bummei văn minh thứ 14 ). Thiết kế tòa nhà phỏng theo Kim Các Tự của Ashikaga Yoshimitsu. Tương truyền chùa có tên là Ngân Các, vì ý định nguyên thủy là dát bạc lá lên vách gác nhưng danh hiệu thông dụng nầy chỉ có từ thời kỳ Edo ( 1600-1868 ), gần 200 năm sau khi thành lập chùa".

 

Đến nơi đây, trời vẫn còn mưa lâm râm, chúng tôi chờ mua vé xong rồi mới vào trong chùa. Có điều lạ, khi vào bên trong họ bắt chúng tôi phải mua vé thêm một lần nữa, thì họ mới hướng dẫn chúng tôi giới thiệu qua các phòng. Đã lỡ rồi, thôi thì mua thêm một lần nữa. Do đó, nên trong đoàn có nhiều vị than phiền. Không hiểu lý do tại sao mà họ phải bán vé tới hai lần như vậy? Đó là điều thắc mắc của một số vị trong đoàn. Tôi nói, cứ coi như mình cúng chùa là được rồi. Sau khi mua xong, chúng tôi được một cô Phật tử hướng dẫn giới thiệu qua từng phòng. Mỗi phòng có mỗi cách thiết trí chưng bày không giống nhau. Có 6 phòng nhỏ, mỗi phòng khoảng độ 4 hay 5 m2. Phòng nào cũng có trải những chiếc chiếu nhỏ lâu đời. Trong 6 phòng mà chỉ có 2 phòng ngoài là có đèn điện. Đặc biệt là những phong vách vẽ những bức tranh qua phong cảnh bốn mùa tuyệt đẹp. Mỗi mùa đều mang một sắc thái riêng. Phải là những tay họa sĩ tài ba mới có thể vẽ được. Dù tôi chưa phải là người biết thưởng thức tranh ảnh hội họa, nhưng nhìn thấy những đường nét chấm phá tinh vi sắc sảo điêu luyện, mình cũng có thể đoán biết là người vẽ phải có nghệ thuật cao. Trên trần nhà, người ta kiến trúc bằng những vật liệu nhẹ. Có một phòng nhỏ thiết trí chưng bày đơn giản, nhưng không kém thiền vị, đó là phòng dành riêng cho một vị tướng quân làm việc. Bên ngoài có một cái thác nước nhỏ, chảy róc rách suốt ngày đêm. Cảnh trí xung quanh của tòa nhà nầy, phải nói có nhiều loại hoa kiểng xen lẫn với những tảng đá lớn nhỏ đó đây phô bày thật thơ mộng. Phong cảnh vừa hữu tình lại vừa thanh tịnh. Dù du khách đông đảo tới lui tham quan, nhưng ai nấy vẫn giữ yên lặng và chỉ âm thầm quán sát qua những hiểu biết của mình. Mọi người lặng lẽ đi theo để nghe người hướng dẫn giải thích. Cảnh yên, lòng yên, mọi vật trở nên đẹp lạ thường. Nếu nói một cách nghiêm khắc theo cung cách nhà thiền thì, cảnh không có đẹp xấu mà đẹp hay xấu là do ở nơi tâm của mỗi người. Tâm buồn thì cảnh buồn, tâm vui thì cảnh cũng vui. Vì hiểu được lẽ nầy, nên cụ Tiên Điền Nguyễn Du có nói:

 

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

 

Sau khi viếng thăm hai chùa: Chùa Vàng và chùa Bạc chúng tôi có ghi lại kỷ niệm bài thơ như sau:

 

Chùa Vàng và Chùa Bạc

 

Chùa Vàng chùa Bạc ở hai nơi

Tạo dựng thiền môn để độ đời

Chuông sớm khách trần mau nhẹ thoát

Mõ chiều tỉnh thức sớm vui chơi

Lòng Vàng viên giác ai không có

Đất Bạc kho tàng hưởng thảnh thơi

Khách đến viếng thăm tìm Bảo Sở

Trăng vàng chiếu sáng khắp nơi nơi.

 

Tham quan xong nơi đây, chúng tôi về lại khách sạn. Khi về tới khách sạn là đúng 5 giờ 15 phút. Từ chùa đến khách sạn khoảng cách chừng 2 cây số, nhưng vì bị kẹt xe nên xe chạy chậm mất nhiều thời gian. Trước khi xuống xe, tôi thông báo cho mọi người phải có mặt ở phòng ăn vào lúc 6 giờ. Đồng thời chúng tôi cũng cho biết là vào lúc 8 giờ tối nay chúng ta sẽ có một thời kinh cầu an cầu siêu cho hai liên hữu như tối hôm qua.

 

Thời Kinh Cầu An, Cầu Siêu Lần Thứ Hai

 

Dùng cơm chiều xong, mọi người tự do sinh hoạt. Đúng 8 giờ mọi người đã có mặt tại căn phòng cầu nguyện. Buổi lễ cầu nguyện hôm nay, chúng tôi có được thời gian khoảng tiếng rưỡi đồng hồ. Chúng tôi nói vài lời ngắn gọn rồi khóa lễ bắt đầu. Tụng kinh cầu nguyện xong, còn lại thời gian nên chúng tôi nêu ra đề tài về vấn đề cầu nguyện. Tôi đặt ra một số vấn đề liên quan đến việc cầu nguyện để mọi người góp ý, trao đổi thảo luận. Đại khái Nêu ra một số nghi vấn như: cầu nguyện có kết quả không? Tại sao cầu nguyện có khi thành công và có khi không thành công? Nếu trời hay Thượng Đế đã quyết định an bày như vậy rồi, thì còn cầu nguyện chi nữa? Nếu cầu nguyện không có kết quả, có phải tại đức tin của mình đang yếu kém hay không? Người mình cầu nguyện là ai? là Thượng Đế, là Phật, là Bồ Tát Quan Thế Âm hay là các vị thần linh v.v... Khi cầu ta cầu ai? Đại khái đó là những nghi vấn để mọi người bàn thảo. Ngoài ra, chúng tôi còn trình bày thêm về những vấn đề như: Tự lực và tha lực trong việc cầu nguyện, Những yếu tố trong sự cầu nguyện, Phương thức cầu nguyện và mục đích của sự cầu nguyện...

 

Khi thảo luận tìm hiểu đại khái qua những vấn đề nầy, thì đã gần hết giờ. Lợi dụng còn vài phút đồng hồ, tôi nhờ liên hữu Trí Lạc đọc bài “Giọt Mưa Mùa Hạ” mà tôi viết để tưởng niệm ngày cúng tuần chung thất cho cố Đại Lão Hòa Thượng Tông Trưởng Tổ Đình Phước Huệ. Nghe qua, ai nấy cũng đều ngậm ngùi thương tiếc nhớ đến thâm ân sâu dầy giáo huấn của Hòa Thượng. Buổi sinh hoạt hôm nay thật là hào hứng phấn khởi và đem lại rất nhiều lợi ích.

 

Sau đó, mọi người lặng lẽ về phòng ngủ nghỉ để chuẩn bị cho cuộc hành trình ngày mai...

 

Ngày 9, tức ngày 12/4/2012/

 

Thường lệ, khoảng 4 giờ 30 sáng là mọi người đã thức dậy. Vì đã quen giấc rồi. Dù có công phu hay không, thì cứ đến giờ đó là thức giấc. Nhất là đối với những người trọng tuổi thì hay thức sớm. Có nhiều khi mới 3 giờ đã thức rồi. Theo chương trình, thì hôm nay chúng tôi sẽ đến thành phố Nara để tham quan một số các ngôi chùa cổ ở đó. Chúng tôi dùng điểm tâm ở khách sạn vào lúc 7 giờ. Sau đó mọi người mang hành lý xách tay xuống xe. Chúng tôi rời nơi đây vào lúc 8 giờ 35 phút. Trên đường đi Nara, đoàn ghé tham quan một ngôi chùa cổ lịch sử nổi tiếng ở Kyoto, đó là ngôi chùa Thanh Thủy. Từ khách sạn Hoa Viên Hội Quán đến chùa Thanh Thủy chỉ mất thời gian lái xe khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ.

 

Vài Nét Về Thành Phố Nara

 

Nara là thủ đô của Nhật Bản. Heijo-kyo ( Thời đại Bình An ), được thành lập vào năm 710. Thành phố nầy đẹp và nổi tiếng nhất Nhật Bản trong thời kỳ trước năm 784, khi thủ đô của Nhật được chuyển đến nơi khác. Lịch sử Nhật Bản gọi thời nầy là thời kỳ Nara. tên chính thức của thủ đô thời đó được gọi là Heijo-kyo, được xây dựng theo mô hình của Trường An nhà Đường, Trung Quốc, nay là Tây An. Theo sách cổ Nhật Bản Nihon Shoki, tên gọi "Nara" có nguồn gốc từ narashita nghĩa là "làm phẳng".

 

Bức tường bao quanh thành phố dài khoảng 4,3 km từ phía Đông đến Tây, và 4,8 km từ phía Bắc đến Nam. Có một con đường rộng thiết kế theo kiểu Trung Hoa, rộng khoảng 80 m chạy từ phía Bắc đến Nam ở giữa khu vực trung tâm. Con đường nầy chạy đến cung điện Heijo, khu vực mà vua và các văn phòng trung ương được đặt từ đó.

 

Vào thời Nara, đạo Phật được chánh quyền ủng hộ mạnh mẽ. Chính vì vậy, nhiều ngôi chùa lớn đã được xây dựng tại Nara và vẫn còn lại cho đến ngày nay. Hồi đó, việc xây dựng những ngôi chùa lớn thờ Phật được nghĩ rằng sẽ bảo vệ vua và nước Nhật. Vào thời gian nầy, Nhật có quan hệ rất tốt với Trung Quốc, lúc đó là thời nhà Đường đã phát triển cực thịnh, và Nara đã là nơi tiếp thu những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của thời nhà Đường. Những công trình xây dựng, nghệ thuật, điêu khắc... thời đó vẫn còn lại đến nay và được xếp vào tài sản quốc gia của đất nước hoa anh đào.

Năm 2010, thành phố Nara tổ chức lễ kỷ niệm 1300 năm thủ đô cổ Nhật Bản.

 

Tháng 12 năm 1998, Ủy ban di sản thế giới đã chọn riêng một số khu vực và những kiến trúc lịch sử của Nara , gồm cả di tích của các cung điện, rừng cây, chùa chiền... đã dược xây dựng vào khoảng 1300 năm trước đây, hồi mà Nara là thủ đô của Nhật Bản, là di sản văn hóa thế giới. Các bộ phận di sản văn hóa cố đô Nara gồm:

- Chùa Todai.

- Kho báu hoàng gia Shoso

- Chùa Kofuku

- Đền Kasuga.

- Chùa Gangu.

- Chùa Yakushi.

- Chùa Toshodai.

- Di tích cung điện Heijo

- Rừng nguyên sinh Kasuganyama.

 

Thông thường cứ mỗi lần đi xa như thế nầy, thì chúng tôi đều có những tiết mục sinh hoạt trên xe. Thứ nhứt là có lợi cho việc tu học, thứ hai là giết chết thời giờ trôi qua nhanh. Vì mãi miết sinh hoạt cho nên tới nơi khi nào không hay. Bằng không thì thấy thời gian rất lâu. Vì thế, nên hôm nay chúng tôi cũng sinh hoạt theo chương trình như trước. Nghĩa là cũng luân phiên Niệm Phật, rồi trình bày một vài nét về Phật giáo Nhật Bản và nói chung là nền văn hóa của Nhật. Vì hôm nay đến Nara, đây là thành phố lâu đời của Nhật Bản và cũng là cái nôi đầu tiên mà Phật giáo được du nhập, hình thành và phát triển sau nầy.

 

Vài Nét Về Các Tông Phái Phật Giáo Qua Các Thời Đại

 

Theo sử ghi lại, "trong thời kỳ Nara, những tu viện Phật giáo lớn ở kinh đô Nara như tu viện Todaji (Đông Đại Tự ), đã có ảnh hưởng chánh trị rất lớn và là một trong những lý do để chánh quyền phải dời đô đến Nagaoka năm 784 và sau đó đến Kyoto năm 794". Từ đó về sau, Phật giáo cũng thăng trầm theo vận mệnh của đất nước và con người Nhật Bản. Điều nầy, nhìn lại, chúng ta thấy cũng đâu có khác gì các nước Phật giáo khác điển hình như: Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Việt Nam v.v... Vì đây là định luật vô thường chung của con người và thời đại. Tuy nhiên, thời nào mà chánh quyền đứng ra công khai ủng hộ Phật giáo và có nhiều bậc Tăng già tài đức lãnh đạo, nghĩa là có thực chứng thì, thời đó được đánh giá là Phật giáo hưng thịnh. Đó mới thực sự hưng thịnh cả chiều sâu lẫn bề mặt. Ngược lại thời nào mà chánh quyền có ác cảm, ác ý và kỳ thị Phật giáo, thì thời đó Phật giáo sẽ bị suy vi. Chứng minh, ở Việt Nam ta như qua 2 triều đại Lý, Trần, Phật giáo đã được triều đình ủng hộ, chẳng những thế, mà bản thân của các ông vua lại thực tu và thực chứng, vì thế nên Phật giáo phát triển rất vững mạnh. Phật giáo và dân tộc là hai thực thể bất khả phân ly. Thời nào mà dân tộc bị suy vi thì thời đó Phật giáo cũng vi nguy. Nhìn lại, đất nước của Nhật Bản cũng vậy. Thời kỳ Phật giáo Nara, ta thấy sự sinh hoạt của Phật giáo có quy củ nề nếp theo luật định, chùa chiền, tăng ni, và các tông phái đều hoạt động mạnh mẽ. Đó là do có sự ủng hộ của Thiên hoàng Shomu, về sau chính nhà vua đã nhường ngôi lại cho thái tử Koken mà đi xuất gia. Khi xuất gia ngài tự xưng là "kẻ hầu của Tam bảo". Thậm chí, trong thời nầy người ta còn tiến xa hơn là cho rằng các vị thần là do hóa thân của Phật.

 

Sang thời kỳ Heian ( Bình An ) Phật giáo lúc đầu cũng còn được sự ủng hộ của triều đình, nhưng sau đó dần dần có những tư tưởng xung đột nhau giữa các tông phái mới cũ, nên từ đó mới gây ra tình trạng bất hòa và bất hợp tác, tạo thành sự rối loạn vào cuối thời đại Heian. Thậm chí các vị tăng lữ và tín đồ phải trang bị võ trang để chống lại với bọn cướp khuấy rối. Tiềm năng lực dụng của Phật giáo ở thời nầy có phần giảm sút hơn thời trước. Đó là sự thật hiển nhiên mà lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy.

 

Đến thời kỳ Kamakura Phật giáo đã có sự chuyển mình đổi mới. Vì hậu quả xáo trộn bất an của cuối thời kỳ Heian để lại, nên Phật giáo thời nầy ít nhiều gì cũng phải chịu ảnh hưởng. Phật giáo thời nầy có những canh tân thực tiễn hơn. Sự hình thành của hai tông phái Nhật Liên Tông và Tịnh Độ Tông. Sự kết hợp của hai tông nầy vạch hướng hoạt động và đường lối tu hành đã được phổ cập đại chúng hơn thời trước. Nghĩa là theo chủ trương của hai tông nầy thì, người Phật tử tại gia cũng không cần phải xuất gia mới tu được, mà ở tại gia nếu khéo biết ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống thì, ở nhà cũng có thể tu được. Đó là chủ trương của hai tông phái nầy.

 

Sang đến thời Nam Bác triều - Chiến quốc, thời nầy xảy ra nhiều biến cố chính trị. Sự kết hợp giữa các tầng lớp võ sĩ và giới Phật giáo đưa đến ảnh hưởng tầng lớp quý tộc sản sanh ra một số chùa chiền của tầng lớp quý phái chủ đạo.

 

Đến thời Meiji hiện tượng của các tông phái và Phật giáo nói chung, đã bị mất hết thế đứng vì không được sự ủng hộ của chính quyền. Đây là thời Minh Trị Thiên Hoàng, tức thời duy tân mà nhà vua nhằm cải cách chỉnh đốn theo đướng lối cai trị chính thể mới để thích nghi với thời đại mới. Do đó, Phật giáo ở thời nầy cũng phải thích nghi theo. Vì bản chất của Phật giáo xưa nay vốn là linh động luôn luôn hòa hợp và thích nghi với mọi hoàn cảnh thuận nghịch để sinh tồn. Muốn thế, thì phải hiện đại hóa đạo Phật, bằng cách tham gia các hoạt động phúc lợi xã hội và giáo dục như mở trường đai học tôn giáo v.v... Ở điểm nầy, ta thấy Phật giáo Nhật Bản rất khoáng đạt không bảo thủ và khéo biết thích nghi dung hợp với thời đại để bảo tồn lực lượng Phật giáo. Vì thế mà ngày nay Phật giáo Nhật Bản được đóng vai trò chủ lực như là một quốc giáo.

 

"Thời kỳ nửa sau Showa đến nay, tức sau đệ nhị thế chiến, năm 1945 ( năm Chiêu Hòa thứ 20 ), ngày 28 tháng 12, pháp lệnh pháp nhân Tôn giáo được ban hành và thực thi, những định chế đối với các đoàn thể tôn giáo bị bãi bỏ. Năm 1951, pháp lệnh pháp nhân tôn giáo cũng bị bãi bỏ, thay vào đó là Luật pháp nhân tôn giáo với chế độ chứng nhận tư cách. Nhân sự kiện đánh hơi độc hệ thống điện ngầm của giáo phái Aun vào năm 1995 ( năm Bình Thành thứ 7 ), Luật pháp nhân tôn giáo được cải chính lại một phần". ( Wikipedia ).

 

Chùa Thanh Thủy

 

Nhờ sinh hoạt mà thời gian trôi qua rất nhanh. Thoáng đó đã tới bãi đậu xe, nơi mà chúng tôi sẽ lên núi viếng thăm chùa Thanh Thủy. Trên đường lên chùa, có hai dãy phố hai bên đường. Các quán phố nầy chuyên bán những món hàng lặt vặt để du khách mua làm quà tặng. Từ bãi đậu xe lên tới chùa cũng không xa lắm, độ chừng vài trăm thước. Tuy nhiên, đường lên dốc lài người có tuổi chân yếu đi lên cũng cảm thấy mệt. Tới trước cổng chánh, đoàn dừng lại để nhiếp chung bôi hình. Sau đó, đoàn lên trên chùa. Chùa nầy nằm trên ngọn núi cao. Đứng trên chùa có thể thấy toàn cảnh thành phố Kyoto. Đây là ngôi chùa cổ có một chiều dài lịch sử nổi tiếng ở thành phố Kyoto. Về lịch sử của ngôi chùa nầy, theo sử liệu ghi lại như sau:

 

“Chùa Thanh Thủy do vị đệ tử người Nhật của Ngài Huyền Trang Tam Tạng Pháp sư đời nhà Đường Trung Quốc là Ngài Từ Ân Đại Sư sáng lập vào năm 778 tức là vào thời đại Nại Lương niên hiệu Bảo Quy thứ 9 Nhật Bản. Tại núi Âm Vũ Kinh Đô Nhật Bản. Năm 805 được triều đình phong cho đất ở Bản Điền Thượng thôn Ma Lữ để làm đất chùa. Năm 810 được Tha Nga Thiên Hoàng sắc tứ thành Quốc Tự và bắt đầu xây dựng quy mô, sau nhiều lần bị hỏa hoạn, kiến trúc của chùa hiện nay là do Tướng Quân Đức Xuyên Gia Quang cúng dường xây dựng năm 1633.

 

Chùa Thanh Thủy nguyên thuộc Nam Đô lục tông. Pháp Tướng Tông nhưng nay lập thành một tông độc lập không trực thuộc Nam Tông Pháp Tướng xưng là Đại Bổn Sơn Bắc Pháp Tướng.

 

Thanh Thủy Tự ngôi chùa cổ xưa và là đạo tràng phụng thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, theo sách Kim Tích Vật Ngữ Tập và sách Phù Tang Lược Ký đều có ghi chép về khởi nguyên nguồn gốc của chùa. Chuyện kể rằng: “Ngài Hoà Thượng Diên Chấn trụ trì Chùa Đại Hòa Quốc Tử Đảo (chùa này nay vẫn còn tại Làng Cao Thu Quận Cao Thị Huyện Nại Lương) một đêm nằm mộng thấy Bồ Tát dạy Ngài nên đi tìm dòng suối linh thiêng để xây chùa, khi tỉnh mộng Ngài bắt đầu đi tìm dòng suối linh thiêng mà Bồ tát đã chỉ dạy.

 

Một hôm đến núi Âm Vũ trên núi có dòng suối nhỏ nước chảy trong suốt Ngài đến bên suối thấy có một Thảo Am, trong thảo am có vị lão cư sĩ tên là Hành Duệ, khi thấy Diên Chấn Thượng Nhân liền nói: “Ta ở đây tu hành chờ ngươi đã mấy trăm năm, nay ta giao chỗ này lại cho ngươi, ta phải đi về Đông Quốc” nói xong lão cư sĩ biến mất. Ngài Diên Chấn thượng nhân chợt nhận ra lão cư sĩ này giống vị Bồ Tát trong mộng, cho đây là sự khai thị của Đức Quan Âm, nên lấy khúc gỗ thiêng mà vị lão cư sĩ để lại chạm thành pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát phụng thờ trong Thảo Am, và đây chính là nguồn gốc khai sơn hình thành chùa Thanh Thủy sau này.

 

Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được phụng thờ tại chùa Thanh Thủy là tượng Thiên Thủ Quán Âm xưng là Thanh Thủy Hình Thập Nhất Diện Tứ Thập Nhị Tý Quán Âm, tương truyền là do Ngài Diên Chấn thượng nhân tạo bằng khúc gỗ thiêng do Bồ Tát để lại và được tôn thờ từ hồi khai sơn chùa Thanh Thủy đến ngày nay nên rất linh thiêng, tượng được đặt trong khám thờ mỗi năm chỉ mở cửa khám một lần để hành lễ ngoài ra chỉ chiêm ngưỡng Ngài bằng hình vẽ để phía bên ngoài.

 

Tên chùa là Thanh Thủy có nguồn gốc từ dòng suối thiêng do Bồ Tát Quán Âm khải thị. Suối thiêng chùa Thanh Thủy chảy ngang qua trước chánh điện chùa tạo thành một thác nước nhỏ gọi là thác Âm Vũ, hơn 1000 năm qua nước từ đỉnh núi Âm Vũ đổ về quanh năm không lúc nào khô cạn, dòng nước trong xanh tinh khiết, nước đổ xuống thác hòa cùng ánh nắng tạo ra sắc vàng nên còn được gọi Kim Sắc Thùy ứng với Kim Sắc Thế Giới của đức Quán Âm.

 

Nước suối ngọt ngào như Cam Lộ của Bồ Tát Quán Âm uống vào có thể trị bịnh nên còn được gọi là Diêm Mạng Thủy. Nước suối chùa Thanh Thủy được liệt đứng đầu trong mười dòng suối nổi tiếng của Nhật Bản, vì thế tên chùa được đặt là Thanh Thủy.

 

Dòng thác Âm Vũ của chùa Thanh Thủy khi chảy xuống được chia thành ba nhánh và người Nhật tin rằng theo ý nghĩa của từng dòng thác khi uống và cầu nguyện thì sẽ được như ý nguyện.

 

Dòng nước thứ nhất gọi là Học Nghiệp Thành Tựu dành cho người cầu nguyện học tập thi cử. Dòng nước thứ hai gọi là Luyến Ái Thành Tựu đây là nước linh thiêng có sức mạnh vô cùng, có công năng đạt thành nguyện ước trong tình yêu cũng như hạnh phúc trong hôn nhân. Dòng nước thứ ba có ý nghĩa là Trường Thọ Kỳ Nguyện khi uống nước này cầu nguyện thì sẽ được sức khỏe và trường thọ.

 

Phong cảnh chùa Thanh Thủy đẹp đến nổi đủ điều kiện để đại diện cho cảnh đẹp của kinh đô Nhật Bản, trong sách Uyển Như Cổ Đô Phong Vật chép: “cảnh sắc của chùa Thanh Thủy hoàn toàn có thể đem phong thái và diện mạo của cảnh vật kinh đô hiện ra trước mặt mọi người. Chẳng những xuân đến hoa anh đào nở, trời mùa hạ nước đổ thác reo, mùa thu lá phong nhuộm đỏ cuối trời, mùa đông đến tuyết rơi nhẹ nhàng trắng xoá.” Tất cả và hầu như những gì đẹp và tinh hoa của sắc diện phong tình kinh đô Nhật Bản đều có ở đây, vì vậy không hổ danh là di sản văn hoá thế giới.

 

Phong cảnh chùa đã đẹp, kiến trúc chùa cũng không kém phần đặc biệt. Chánh Điện chùa Thanh Thủy được dựng trên vách núi, mặt tiền của chánh điện được dựng trên một đài cao làm 139 cây cột gỗ cao 12m, dùng kết cấu rường cột giao nhau tạo thành mặt tiền như một khán đài thành thế tựa sơn diện thủy khí thế rất là hùng vĩ, tất cả quần thể kiến trúc kết lại với nhau được dùng mộng cá không đóng một cây đinh.

 

Hình thể kiến trúc độc đáo nầy rất là hiếm thấy ở Nhật Bản cũng như trên thế giới cho nên đài gỗ chùa Thanh Thủy rất nổi tiếng trong nền kiến trúc truyền thống Nhật Bản, thường được gọi là Thanh Thủy Vũ Đài. Trong ngạn ngữ dân gian Nhật Bản có câu “Từ Vũ Đài Thanh Thủy mà đi lên vậy” và từ vũ đài này có thể ngắm nhìn được góc độ phong cảnh đẹp nhất của Kinh Đô Nhật Bản.

 

Chùa Thanh Thủy là ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Cố Đô Nhật Bản, vì ngôi chùa này là một trong những số ít ngôi chùa còn lại của Kinh Đô Bình An trước khi dời về đây.

 

Chùa Thanh Thủy với bốn mùa hoa tuyết, chánh điện vũ đài hùng vĩ trang nghiêm, khí thế phi phàm của cổng Nhơn Vương môn mà chu hồng tử sắc với nước suối ngọt ngào uống vào có công năng trị liệu, thác Âm Vũ ngày đêm tuôn chảy như đem vận may đến tất cả mọi người, Chùa Thanh Thủy xứng danh là danh lam phạm vũ, đồng thời là trung tâm tín ngưỡng của người dân Nhật đất Cố Đô” ( 6 ).

 

Vì là một ngôi chùa nổi tiếng, nên khách thập phương hành hương tham quan chiêm bái qua lại dập dìu tấp nập. Vì nơi đây ngoài phong cảnh tuyệt mỹ ra, còn có hòn đá tình yêu, giếng nước cam lồ may mắn. Đó là chưa nói đến lối kiến trúc lạ thường tuyệt vời của ngôi chùa nầy. Du khách đến đây ngoài vấn đề cầu nguyện ra, ai nấy đều nhiếp ảnh lia lịa. Thậm chí không biết tránh né đâu cho khỏi máy ảnh nhìn mình. Cứ né bên đây thì lại đụng bên kia. Nơi đây, họ tha hồ mà nhiếp ảnh. Nhất là các đôi bạn trai tài gái sắc họ dắt nhau đến hòn đá tình yêu để cầu nguyện cho hôn nhân tốt đẹp. Tôi thấy anh Tuệ Giác, Tony, Mỹ Phương, và những vị có máy ảnh cá nhân, ai nấy tranh nhau mà nhiếp ảnh. Mỹ Phương thì chuyên nhiếp ảnh chung cho đoàn, vì cô có máy chuyên nghiệp. Tony thì quay phim cho đoàn, vì đây cũng là sở trường chuyên nghiệp của Tony. Sở dĩ họ quay phim và nhiếp ảnh nhiều, bởi vì phong cảnh nơi đây quá đẹp. Nhất là có rất nhiều cây hoa anh đào đang trong mùa nở rộ. Vì vậy, càng tô điểm thêm nơi đây có nhiều vẻ đẹp mỹ miều duyên dáng phong phú hơn.

 

Khi vào, cô Nhật Tịnh có mua cho đoàn mỗi người một vé để chui xuống đường hầm. Với tánh hiếu kỳ tò mò, ai cũng muốn xuống dưới hầm xem thử như thế nào. Đường xuống hầm tối om như mực không có một chút ánh sáng. Vì thế nếu không có đèn pin, thì không thể nào thấy được đường đi. Cho nên phải mò vào cái tay cầm lần mò để đi. Trong lúc đi tôi chợt nghĩ, có nhiều từ ngữ để diễn tả cái tối. Nhưng không từ nào diễn tả chính xác bằng từ tối mò cả. Nếu không mò thì không biết đâu mà đi. Vì vậy lúc nầy mới thấy đôi tay thật là tối cần thiết. Nếu không thì lấy chi mà mò. Dù tối đen như mực, cũng ráng chui xuống tới nơi. Tưởng là cái gì cao đẹp linh thiêng quý giá lắm, té ra chỉ là một một hòn đá tròn bự sờ vào rất lạnh. Người ta dùng tay sờ vào hòn đá vô tri nầy để cầu nguyện. Họ nói hòn đá nầy linh thiêng lắm. Điều buồn cười, có người thay vì thầm cầu nguyện trong tâm, họ nói ra thành tiếng. Họ nghĩ, nếu không thốt ra lời thì e thần linh không chứng giám vì đâu biết mình cầu cái gì. Cho nên họ nói ra thành tiếng. Họ cầu nguyện hòn đá gia hộ cho họ và gia đình họ luôn được bình an, đừng có chuyện gì xảy ra. Ước nguyện của con người yếu đưối là thế. Nhưng cầu thì cầu; nguyện thì nguyện, nhưng bản thân họ và gia đình họ có được bình an hay không, đó lại là chuyện khác. Hôm đó, tôi nghe có người cầu nguyện cho con họ hết bịnh. Tuy nhiên, sau nầy tôi nghe nói con họ lại càng bịnh nặng hơn. Như vậy, chứng tỏ sự cầu nguyện của người đó không có linh rồi. Điều mê tín nầy phải nói hiện nay quá thịnh hành. Hiện tượng van xin cầu khẩn bên ngoài ngày càng lan tràn. Người Phật tử dù đã quy y Tam bảo rồi, nhưng vì thiếu sự học hỏi và thiếu niềm tin nhân quả nên họ vẫn đặt định niềm tin không đúng theo chân lý. Người xưa nói: “linh tại ngã bất linh tại ngã”. Mình nghĩ linh thì nó linh, nếu mình nghĩ không linh, thì nó không linh. Tất cả tùy tâm là thế. Nhìn thấy cảnh tượng như thế, tôi tự cười thầm. Thật là mình cũng bị hòn đá nầy gạt mình rồi. Hết bị người gạt rồi tới cảnh vật cũng gạt minh luôn. Như vậy, từ sáng tới tối mình sống trong cảnh bị lừa gạt mà không hay biết. Nghĩ thế, tôi trực nhớ đến trong Kinh Lăng Nghiêm có câu: "Quên mình theo vật". Thực tế là mình luôn quên mình theo vật. Bởi vậy mà tối ngày và thậm chí trọn đời mình luôn sống trong đau khổ.

 

Thế là, chúng tôi đi trở lên rồi vào trong chánh điện để lạy Phật. Lẽ ra khi tới mình phải lễ Phật trước, nhưng vì người ta đông đảo quá, tránh sự chen lấn không tốt, thôi thì cứ nhường cho họ lạy trước cũng không sao. Chiêm bái xong, chúng tôi đi vòng xuống núi. Chùa có hai con đường lên xuống khác nhau. Khi xuống núi, tới đâu chụp hình tới đó. Khi xuống không đồng nhứt, kẻ trước người sau. Trên đường đi ra bãi đậu xe, Tôi, Nhật Tịnh, Diệu Hòa 1 và Tony ghé lại một cái quán bán trà ở bên đường. Đi một vòng cảm thấy khát nước, bốn chúng tôi vào trong quán để nghỉ chân và thưởng thức hương vị trà Nhật Bản. Nhật Tịnh kêu 4 tách. Cô bán trà còn trẻ, xinh đẹp. Nghệ thuật pha trà và dâng trà đãi khách, phải nói đó là sở trường tuyệt diệu của người Nhật. Vì họ có một truyền thống lâu đời về nghệ thuật pha trà nầy cũng như là nghệ thuật cấm hoa. Dùng trà xong, chúng tôi tiếp tục xuống núi. Cô Diệu Hòa 1 nhờ tôi lựa thỉnh giùm cho cô một bộ chuông mõ nhỏ. Chúng tôi ghé vào một cái quán nhỏ chuyên bán chuông mõ và đủ loại chuỗi. Tôi lựa được bộ chuông mõ mà cô Diệu Hòa rất thích. Sau đó chúng tôi đi thẳng ra xe. Đến nơi vừa đúng 12 giờ trưa. Vì chúng tôi hẹn nhau là 12 giờ tất cả phải có mặt tại xe. Đã tới giờ ăn trưa, nên tôi nói với Nhật Tịnh kiếm quán nào gần đây mình ghé dùng bữa. Thế nhưng, chú tài xế chạy lòng vòng tìm không ra một cái quán nào cả. Vì nơi đây cũng là chỗ hẻo lánh nên làm gì có nhà hàng hay quán ăn lớn. Đoàn chúng tôi thì 30 người thử hỏi ở đây có quán nào chứa hết. Thế là, chúng tôi phải chịu đói để đi đến Nara. Lúc nầy trên xe cũng không còn lương thực. Trong lúc tham quan tôi có cảm hứng ghi vội bài thơ lưu niệm.

 

Cảnh Chùa Thanh Thủy

 

Già lam Thanh Thủy giữa đồi xanh

Thắng cảnh hoa viên thật an lành

Hoa đào đua nở như tiên nữ

Đứng giữa trời quang ngọc dạ thanh

 

Thanh Thủy rừng người khách tham quan

Đoàn người viếng cảnh đẹp hỷ hoan

Chuyện trò cười nói trong an lạc

Mây trắng trời trong cảnh thanh nhàn

 

Hoa đào phản chiếu ngọc kim cương

Đón chào du khách vạn tình thương

Phù Tang hoa nở mùa hoa hội

Khắp nở tưng bừng dưới ánh dương

 

Thanh Thủy đứng trên một ngọn đồi

Nhìn người lên xuống khắp mọi nơi

Phong sương đã trải bao năm tháng

Vạn đại tùng phong trải lâu đời

 

Tôi nói với Nhật Tịnh trên đường đi coi có nơi nào thuận tiện thì ghé lại để giải quyết bao tử, chớ không thì mệt lắm. Thời may, xe chạy được một đoạn đường thì có một cái siêu thị lớn cách xa lộ không xa lắm. Chúng tôi liền ghé vào, trước tiên là phải lo giải quyết vấn đề vệ sinh rồi sau mới tính tới chuyện ăn uống. Siêu thị nầy có tên là Garden Mall. Chúng tôi đến đây là đúng 1 giờ 15 phút. Vì là siêu thị lớn, nên có bán nhiều thức ăn. Mỗi người tùy chọn mua thức ăn. Tôi thì trước sau cũng vẫn là mì nước. Bởi mì nước dễ nuốt hơn. Ăn xong, mọi người đi dạo trong siêu thị để mua thêm đồ ăn chuẩn bị cho buổi tối. Vì không có đặt bữa ăn tối trong khách sạn. Thấy mọi người đi ra xe trên tay mỗi người xách một bịt đồ ăn, tôi liền viết một bài thơ trào phúng chọc mọi người cho vui.

 

Mua Đồ Siêu Thị

 

Mỗi người một bị xách trên tay

Siêu thị mua đồ để chiều nay

Mì gói khoai tây cùng rau trái

Ăn chiều dự bị để sáng mai

 

Siêu thị ngồi ăn thật ngon thay

Tùy chọn mỗi người bưng đến ngay

Bát canh cơm lạnh ngồi thoải mái

Đi Nhật chuyến nầy nhớ mãi hoài.

 

Mua đồ siêu thị xách ra xe

Kẻ trước người sau nói nhau nghe

Khách sạn tới nơi nào lo đói

Đủ loại thức ăn mặc ngủ phè.

 

Chùa Đông Đại

 

Chúng tôi rời nơi đây vào lúc 2 giờ 45 phút. Trên đường đến khách sạn, chúng tôi ghé tham quan một ngôi chùa cổ nổi tiếng có một chiều dài lịch sử ở thành phố Nara, đó là chùa Đông Đại hay còn gọi là chùa Đại Hoa Nghiêm. Trên đường vào chùa có các chú nai tơ đi nghênh ngang xen lẫn với đoàn người thật dễ thương. Các chú như đã quen quá rồi nên rất dạn dĩ. Người ta càng rờ rẫm vuốt ve các chú chừng nào thì các chú lại càng thích chừng nấy. Đúng là các chú nai tơ. Cũng có các chú nai già nữa. Chú đi theo người để xin thức ăn. Trông các chú cũng tinh khôn lắm. Chú đi sát bên mọi người như để xin thức ăn. Có người mua thức ăn đem lại cho các chú mừng lắm. Đặc biệt là các chú không có chen lấn giành giựt với nhau. Ai cho chú nào thì chú đó hưởng. Loài thú vật mà còn biết nhường nhịn tôn trọng lẫn nhau dù đó là những miếng mồi ngon đưa tới miệng. Thế mới biết, tuy chúng mang thân hình của một con thú, vì nghiệp nhân nên chúng phải chịu nghiệp quả. Tuy nhiên, có những đức tính mà loài thú có hơn loài người. Nếu con người mà cứ mãi gây hấn cấu xé tranh giành tàn hại lẫn nhau, thì quả thật thua xa các chú nai nầy. Bởi trong mỗi con người ai cũng đều có hai hạt giống: thiện và ác. Thiện thuộc về nhơn tính còn ác thuộc về thú tính. Dùng sức mạnh bạo lực để tàn hại người, thì đó là thú tính. Ngược lại, dùng sức mạnh của tình thương hay nhân từ làm những điều phúc thiện nhằm đem lại sự lợi lạc cho con người và mọi loài thì đó là khéo thể hiện nhơn tính. Trong xã hội loài người, Phật dạy con người cần phải phát triển nhơn tính, cao hơn nữa là Phật tính, để xoa dịu những đau thương, những tranh chấp hận thù, những bạo động chém giết, những cưỡng hiếp dâm ô v.v… để cùng chung đóng góp xây dựng đem lại sự sống công bằng và an bình hạnh phúc cho nhơn loại. Nhìn thấy mấy chú nai tơ ngây thơ thật dễ thương nên tôi viết vài câu thơ để ca ngợi chúng.

 

Chú Nai Vàng

 

Chú nai vàng ngơ ngác

Lang thang giữa chợ đời

Trông chú thật thảnh thơi

Ai cho gì ăn nấy.

 

Nhìn các chú nai tơ

Chú đi chẳng ước mơ

Cao sang và mộng đẹp

Chú đẹp như bài thơ.

 

Chú nai vừa đi qua

Trông chú rất hiền hòa

Dễ thương và dễ mến

Bởi chú chẳng kiêu ca

 

Chú nhìn người phương xa

Thân thiết như ruột rà

Chú đi trong nắng ấm

Tình chú luôn thiết tha

 

Chú không vội bôn ba

Từng bước vui an hòa

Chú tìm về mái ấm

Của tình rộng bao la

 

Chú nào thấy có Ta

Chũng chẳng biết là tà

Cứ vui theo nhịp bước

Tình chú khắp hằng sa

 

Đến cổng tam quan lớn, chúng tôi dừng lại nói đôi điều về ý nghĩa của cái cửa nầy. Trên cổng có 3 chữ to lớn: Đai Hoa Nghiêm. Vì chùa nầy theo hệ phái tông Hoa Nghiêm. Sau vài phút giải thích, chúng tôi đi thẳng vào trong chánh điện. Từ cổng đi vào chánh điện khoảng cách bởi một cái sân lớn thoáng đãng. Vào bên trong chúng tôi nhìn thấy một tượng Phật khổng lồ. Theo sử liệu ghi lại lịch sử của ngôi chùa vĩ đại nầy như sau:

 

“Todai-ji (“Đông Đại Tự” – 東大寺), một quần thể chùa Phật, được xây từ năm 743 và hoàn thành năm 751, trong một vùng chia thành 64 khu thuộc phần phía Đông của Nara. Đây chính là thời điểm ảnh hưởng của Phật giáo đang ở đỉnh cao, giữ vai trò quốc đạo. Chùa trở thành một trong những ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng bậc nhất, đồng thời là một thắng cảnh tuyệt vời của Nhật Bản.

 

Trong thời kỳ Tempyo, nhân dân phải chịu đựng rất nhiều thiên tai và dịch bệnh. Năm 685, Thiên hòang Temmu hạ chỉ rằng mọi gia đình trên khắp đất nước đều phải lập trong nhà một bàn thờ Phật. Người kế vị ông, Thiên hòang Shomu, còn đi xa hơn nữa. Ngài đã hạ chỉ rằng mỗi tỉnh của Nhật đều phải xây dựng một ngôi chùa chính để đòan kết thống nhất toàn quốc. Hai năm sau, năm 743, ngài ra lệnh cho xây dựng chùa Todai-ji, ngôi chùa trung tâm của toàn cõi Nhật Bản, cầu kỳ lộng lẫy và đồ sộ nhất. Đồng thời, ngài ban hành một sắc lệnh theo đó người dân phải đúc ra một pho tượng Phật, với niềm tin sâu sắc rằng quyền năng của Đức Phật có thể che chở cho mọi người. Phải chăng, bản thân cái tên Đông Đại Tự đã thể hiện tham vọng của Thiên hoàng, muốn xây dựng một trung tâm Phật giáo tại phía Đông sánh ngang cùng Tây Tạng.

 

Nandaimon (Nam Đại Môn) của Todai-ji (Đông Đại Tự). Xây dựng từ năm 1199 theo đúng hình dáng như ngày nay. Cổng có 18 cột chống, mỗi chiếc cao 20 m với đường kính hơn 1m. Tượng Komoku-Ten, vị Hộ pháp trấn phía Nam, nằm bên trong Đại Phật điện. Pho tượng cầm trong tay một chiếc bút lông và một cuộn giấy, thể hiện tượng trưng của một bản sao kinh Phật

 

Tượng gỗ Hộ pháp Nio (Thần sét hộ pháp) đứng hai bên của Nandaimon (Nam Đại môn). Mỗi tượng có chiều cao gần 8 mét, tuổi thọ trên 800 năm, được tạc khắc bởi người thợ chạm gỗ bậc thầy Unkei. [Chiếc lưới thép phía trước là để ngăn chim và dơi]. Tượng được ghép bởi 3.115 mảnh gỗ. Tượng Phật niết tịnh bằng gỗ.

 

Theo truyền thuyết, có đến 420.000 người cúng tiền và 2.180.000 người tham gia xây dựng chùa. Bản thân bức tượng Đại Phật là do một nghệ sĩ đến từ vương quốc Baekje, ( Bách Tế ) Triều Tiên, thiết kế. Con số người tham gia xây chùa tương đương gần một nửa dân số Nhật Bản thời kỳ đó, có lẽ là đã quá phóng đại. Theo những tính toán ngày nay, quá trình xây dựng Todai-ji cần đến 1.665.000 ngày công, vẫn là một số hết sức khổng lồ.

 

Bức tượng Daibutsu (Đại Phật) – bức tượng Phật bằng đồng mạ vàng lớn nhất thế giới – nằm trong một công trình làm hoàn toàn bằng gỗ – Daibutsu-den (Đại Phật Điện). Trong khuôn viên chùa, trải dài 1 cây số theo suốt trục Bắc-Nam và Đông-Tây tính từ Đại Phật điện là hàng loạt công trình khác, gồm các điện và kho báu, trong đó có bảy công trình là Di sản Quốc gia. Là một trong những ngôi chùa cổ lớn nhất Nhật Bản, Todaiji cũng sở hữu vô số báu vật văn hóa với hơn 20 pho tượng Phật và tác phẩm nghệ thuật được xếp lọai Di sản Quốc gia. Quần thể nguyên gốc bao gồm cả hai ngôi tháp bảy tầng cao 100 m, có lẽ là ngôi tháp cao nhất thế giới thời kỳ đó. Những ngôi tháp này ngày nay đều đã bị động đất phá hủy hoàn toàn.

 

Tượng Đại Phật được đúc vào năm 749 và hoàn thành năm 751, tiêu thụ hết tòan bộ sản lượng đồng của nước Nhật sản xuất ra trong suốt nhiều năm trời và khiến nền kinh tế đất nước gần như sụp đổ. Một đại lễ được tổ chức vào năm sau đó, khi những con ngươi mắt được vẽ lên pho tượng Đại Phật. Pho tượng sau đó được sửa chữa và đúc lại nhiều lần do nhiều nguyên nhân khác nhau như động đất làm hư hại, hay do chùa phải xây lại sau khi bị hai lần hỏa hoạn do khói lửa chiến tranh vào những năm 1180 và 1567; thậm chí đã có lần đầu tượng Phật bị gãy rơi xuống đất. Chiếc bệ tượng còn lại ngày nay có niên đại từ thế kỷ thứ 8, trong khi các phần phía trên, bao gồm cả chiếc đầu, thực ra phần lớn đã được đúc lại vào nửa sau của thế kỷ 12. Tai họa cũng đã từng giáng xuống ngôi điện lớn, nhất là do khói lửa của chiến tranh. Sau lần ngôi điện bị cháy vào nửa sau của thế kỷ 16, tượng Đại Phật đã phải đứng ngoài trời trong suốt một thế kỷ cho tới năm 1692, khi ngôi điện Đại Phật như ta thấy ngày nay được xây. Kích thước của tượng Đại Phật bao gồm:

 

Tổng chiều dài thân : 30 mét

Chiều cao tượng ngồi : 15 mét

Chiều cao tính cả phần bệ tượng : 17 mét

Phần đầu cao : 5.33 mét. Mắt : 1.02 mét. Mũi : 0.5 mét Tai : 2.54 mét.

 

Dựa theo thư tịch cổ, tượng gồm 40 phần ghép, đúc từ 443 tấn đồng, 7,560 kg sáp ong tinh khiết (để hàn), 440 kg vàng ròng và 198 kg thủy ngân. Tượng Phật có bộ tóc khá độc đáo, trông tựa như những vòng xoắn ốc, bao gồm 966 hình cầu có đường kính 18 cm và nhô cao khỏi đầu 30 cm. Tạo thành vòng hào quang bao quanh phía trên đầu tượng là những tượng Quan Âm Bồ Tát mạ vàng rực rỡ.

 

Ngôi Đại Phật Điện nguyên bản được hoàn thành năm 751, có chiều cao 48m, kích thước mặt bằng 50m x 88m (7 nhịp theo hướng Bắc-Nam và 11 gian theo hướng Đông-Tây). Lần xây dựng sửa chữa gần nhất của Đại Phật Điện là vào năm 1709, trông vẫn rất ấn tượng với hình dáng giống như nguyên bản ban đầu, có bề ngang thu ngắn bớt một phần ba so với bản gốc. Ngày nay, điện có chiều cao 48 mét, mặt bằng chữ nhật 56m x 50m, là công trình gỗ lớn nhất thế giới. Đây là một ví dụ rất cụ thể của những ngôi chùa vĩ đại mang tính biểu tượng xuất hiện vào thời Nara với kích thước và kinh phí xây dựng khổng lồ được xây trong lòng thành phố. Dù có kích thước đồ sộ như vậy, người ta vẫn cho rằng Đại Phật Điện còn chưa đủ rộng để chứa pho tượng. Bên trong ngôi điện ngày nay, khách tham quan phải rất chật vật khi tìm khoảng rộng cần thiết để ngắm nhìn được toàn bộ pho tượng.

 

Quần thể bao gồm không chỉ Đại Phật Điện, mà còn cả hai ngôi tháp 7 tầng, một giảng viện và khu tịnh xá. Một dãy hồi lang bao quanh Đại Phật Điện tương tự như thiết kế mặt bằng của quần thể chùa Horyu-ji nổi tiếng. Tòan bộ quần thể đối xứng đăng đối trải dài theo trục Bắc – Nam, đi qua Nam Đại Môn (Nandaimon), Trung Môn (Chumon), Đại Phật Điện (Daibutsu-den) và giảng viện. Rất nhiều công trình lịch sử, bao gồm Shôsô-in (Kho báu Hòang gia) – nơi chứa kho bảo vật của Thiên hòang Shomu, cũng nằm cạnh khuôn viên ngôi chùa vĩ đại này.

 

Phía sau Đại điện, có một chiếc cột lớn với phần đế cột có một cái lỗ lớn xuyên qua. Cái lỗ này được xem là có cùng kích thước với lỗ mũi của bức tượng Đại Phật. Nếu bạn chui qua được cái lỗ, bạn sẽ luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời.

 

Ngày 20 tháng 5 năm 1994, Liên hoan âm nhạc quốc tế The Great Music Experience được tổ chức tại Todaiji, dưới sự hỗ trợ của UNESCO. Các nghệ sĩ tham gia gồm có Dàn nhạc Giao hưởng Tokyo, nhóm X Japan và INXS, các ca sĩ Bon Jovi, Bob Dylan, Hotei Tomoyasu, Roger Taylor, nhóm các tay trống cổ truyền Nhật Bản và một dàn đồng ca của các nhà sư Phật. Buổi biểu diễn đã được truyền thanh trực tiếp trong các ngày 22 và 23 tháng 5 năm 1994 tới 55 quốc gia trên khắp thế giới. Thật không có cách nào khéo léo hơn để quảng bá hình ảnh văn hóa nghệ thuật của một quốc gia, kết hợp hài hòa giữa khoa học kỹ thuật hiện đại với các yếu tố văn hóa lịch sử đặc sắc và lâu đời.

 

Điện Nigatsu-do (Nigatsu-do: tháng Hai). Xây dựng năm 752, được xây lại vào năm 1667 sau một trận hỏa họan. Từ trên sàn điện nhìn xuống dưới lòng chảo Nara, ta có thể quan sát bao quát toàn bộ cảnh quan hùng vĩ và sinh động với hàng chục ngôi chùa, tháp lớn nhỏ.

 

Liên Hoa Điện, công trình có tuổi thọ lâu đời nhất của cả quần thể. Một số bộ phận của điện có từ thế kỷ thứ 8, dù đã từng trải qua một cuộc sửa chữa lớn năm 1199.

 

Xã hội Nhật Bản vào giữa thế kỷ 8 SCN đã đạt tới trình độ phong kiến tập quyền phát triển khá cao. Chiếu theo ý chỉ duy nhất một cá nhân Thiên hòang, cả nước Nhật rùng rùng bắt tay vào việc xây dựng một công trình kiến trúc vĩ đại, hoàn toàn xứng tầm với các kim tự tháp nổi tiếng của Ai Cập cổ đại. Một hiện tượng tương tự chưa từng xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Dù xét dưới bất cứ góc độ và nhãn quan nào, điều này cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.

 

Todai-ji, hoàn hảo cả về kỹ thuật xây dựng lẫn thẩm mỹ kiến trúc, là một biểu tượng xứng đáng cho tinh thần và trí tuệ Nhật Bản (7 )

 

Trời chiều gió thổi se lạnh, nhưng du khách vẫn tấp nập tới lui chiêm bái. Chúng tôi giải thích đôi điều về tượng Phật và ngôi chùa nầy. Xong rồi, chúng tôi đi ra ngoài để nhiếp chung vài bôi hình lưu niệm. Nơi đây, chúng tôi chụp chung với chú tài xế. Mỗi lần có người kêu chú chụp hình, trông chú rất e thẹn. Bởi thế, nên quý cô thường hay chọc chú cho vui. Có lẽ tánh của chú hay e thẹn mắc cở từ nhỏ tới lớn giống như các cô gái. Tuy hay mắc cở nhưng chú cũng rất vui tánh.

 

Xong rồi, chúng tôi đi thẳng đến khách sạn Washington Hotel Plaza. Khách sạn nầy không có phòng rộng lớn như các khách sạn kia, nên ở đây 2 người ở chung một phòng. Tuy phòng không rộng lớn, nhưng bù lại mỗi phòng đều có giường ngủ chớ không có trải nệm trên sàn nhà như những khách sạn trước. Vì đây là khách sạn 5 sao. Trong phòng có đầy đủ tiện nghi. Mỗi phòng đều có phòng tắm cá nhân. Việc chia phòng cũng dễ vì đoàn viên là những người chung trong một đạo tràng nên việc chia phòng không có gì trở ngại. Ai ngủ với ai cũng được. Nhận phòng xong, mỗi người tự túc dùng cơm chiều. Chúng tôi đến đây là đúng 5 giờ. Dùng cơm xong, mỗi người sinh hoạt tự do…

 

Ngày 10, tức ngày 13/4/2012/

 

Chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ đi tham quan chùa Dược Sư và chùa Hưng Quốc, trong thành phố Nara. Sau đó sẽ đến khách sạn Prince Hotel thuộc vùng Harkone Yahamakako- Sengokuhara để tạm trú. Tuy nhiên, trước khi rời nơi đây chúng tôi sẽ dùng điểm tâm trong khách sạn nầy.

 

Chùa Dược Sư

 

Đúng 7 giờ sáng, mọi người đều có mặt ở phòng ăn. Hầu như khách sạn nào họ nấu thức ăn chay cũng hơi giống nhau. Dùng xong, chúng tôi rời khách sạn vào lúc 8 giờ. Đặc biệt hôm nay, quý cô trong đoàn mặc những chiếc áo dài truyền thống Việt Nam để nhiếp ảnh kỷ niệm. Khi ghi tên đi Nhật, các cô đều biết mùa nầy ở Nhật là mùa hoa anh đào đua nở. Vì thế, các cô đều chuẩn bị sẵn những chiếc áo dài tha thướt để khi qua Nhật sẽ khoe sắc đẹp sánh vai cùng với những đóa hoa anh đào. Nếu người phụ nữ Nhật có truyền thống chiếc áo kimono của họ, thì người phụ nữ Việt Nam cũng có truyền thống chiếc áo dài. Truy nguyên nguồn gốc xuất xứ của chiếc áo dài, cho đến nay người ta cũng không biết được chính xác chiếc áo dài ra đời từ lúc nào. "Có người cho rằng, có lẽ bắt nguồn từ chiếc áo tứ thân của Trung Quốc. Căn cứ vào sử liệu, văn chương, điêu khắc, hội họa, sân khấu dân gian... chúng ta đã thấy hình ảnh tà áo dài qua nhiều giai đoạn lịch sử. Tiền thân của áo dài Việt Nam là chiếc áo giao lãnh, hơi giống áo tứ thân, sau đó qua lao động, sản xuất chiếc áo giao lãnh mới được chính sửa để phù hợp vệ sinh đặc thù lao động" (Website )

 

Cũng chính vì ước mơ đó, họ đã không được thực hiện mặc vào khi tham quan chùa Long An vì hôm đó trời mưa dầm suốt ngày. Vì vậy, hôm nay, là cơ hội tốt nhứt để mọi người thực hiện ước mơ. Biết vậy, nên tôi rất thông cảm cho họ. Những vị đó xin phép chúng tôi cho họ có thêm thời gian để chụp hình. Tôi nói, quý vị cứ tự nhiên nhiếp ảnh thoải mái. Chúng tôi đến đây mới 8 giờ 30 phút. Sở dĩ đến sớm là vì muốn để cho các cô có rộng thời gian để nhiếp ảnh. Cảnh trí xung quanh vườn chùa cũng có nhiều loại cây hoa anh đào. Bông nở từng chùm to trông thật đẹp mắt. Buổi sáng hôm nay trời trong quang đãng có nắng đẹp rất thích hợp cho việc quay phim và nhiếp ảnh.

 

"Chùa Dược Sư là ngôi chùa cổ có chiều dài lịch sử 1300 năm. Chùa được xây dựng bởi Thiên hoàng Temmu để cầu nguyện cho hoàng hậu Jito khỏi bệnh vào năm 680. Nhưng khi ngôi chùa vừa hoàn thành năm 698 thì Thiên hoàng băng hà. Chùa được thiên di về vị trí hiện tại - kinh thành Heijo (Nara ngày nay) vào năm 718. Các trận cháy đã phá hủy hầu hết các kiến trúc trong chùa năm 973. Việc trùng tu được thực hiện ráo riết vào thập niên 1970 và giờ đã được khôi phục hoàn toàn, chùa Dược Sư là di sản thế giới UNESCO 1998.

 

Chùa có lối kiến trúc Tây Tháp - Đông Tháp. Đông tháp là kiến trúc duy nhất còn nguyên từ thế kỷ thứ 8, mỗi tầng có (mái nhà ở dưới mái nhà chính). Hiên và ở mỗi tầng, dài ngắn tương giao hỗ trợ nhau tạo ra một vẻ đẹp theo luật động (sự rung động đúng luật) cho ta thưởng thức vẻ đẹp đúng như một lời nào đó cho rằng kiến trúc nầy là thể loại kiến trúc theo luật âm nhạc của mùa đông (frozen music).

 

Tượng Dược Sư Như Lai tam tôn, được đặt trong Kim đường (chánh điện), Dược sư, Nhật quang, Nguyệt quang, to lớn ở kim đường và tượng Phật Quan âm ở tự viện phía đông của chùa, đều là những bức tượng cổ bằng đồng mạ vàng được tạo theo phong cách thời Asuka với những đặt trưng hình mang tính tả thực. Thân thể Phật tròn trịa được xữ lý qua phương pháp y phục bó sát mình và vạt áo của Phật phủ trên bệ. Đây là nét đặc trưng nghệ thuật điêu khắc tượng Phật Ấn Độ thời Asuka.

 

Đây đúng là kỹ thuật điêu khắc tượng Phật ở Ấn Độ thời vua Gupta, nghệ thuật khắc nầy đã được truyền sang Nhật từ Trung Quốc. Hiện nay ở Trung quốc chùa Bảo Khánh, có những pho tượng được tạc theo thể thức này gọi chung là phong tượng Phật điêu khắc thời Đường. Phật Dược Sư theo tín ngưỡng dân gian người là vị thần mang lại cho con người kiến thức y dược học, giúp chữa trị và bảo vệ con người khỏi bệnh tật" ( 8 )

 

Trong lúc quý vị đó chụp hình, một số chúng tôi đi vào bên trong chùa để lễ Phật. Sau đó mọi người cùng vào lễ Phật. Lễ xong, chúng tôi ra ngoài chọn một cây hoa anh đào có nhiều bông màu sắc rực rỡ nhứt để chụp chung bôi hình. Lúc đó không ai còn phân biệt áo dài hay áo tràng. Những tà áo dài nổi bật hòa quyện cùng với những đóa hoa anh đào càng tăng thêm vẻ đẹp kiều diễm. Chụp xong vài bôi hình, chúng tôi trở ra bãi đậu xe. Quý vị mặc áo dài vẫn tiếp tục chụp hình. Lúc nầy mặt trời đã lên cao. Những tia nắng vàng óng ánh của buổi ban mai như đang tắm mình trên những đóa hoa anh đào. Những sợi nắng đầu ngày thật ấm áp êm ả mát dịu. Bãi đậu xe rộng rãi xung quanh có những cây cao tàn lá sum xuê. Chúng tôi thiền hành xung quanh. Khoảng 20 phút sau, quý vị đó ra xe và chúng tôi đến tham quan ngôi chùa thứ hai trong thành phố nầy. Đó là chùa Hưng Quốc.

 

Chùa Hưng Quốc

 

Chùa nầy cũng được xếp hạng vào di sản quốc gia. Chùa tọa lạc trên một khu đất rộng rãi, có nhiều hoa kiểng tươi đẹp. Chúng tôi đến đây đúng 11 giờ trưa. Chúng tôi mua vé rồi vào chánh điện lễ Phật. Chùa nầy có nhiều tòa nhà rải rác khác nhau. Mỗi tòa nhà đều có những công dụng riêng. Quần thể của lối kiến trúc nơi đây có khác hơn đôi chút so với những ngôi chùa mà chúng tôi đi qua. Có lẽ tùy theo thế đất mà người ta xây cất. Tuy nhiên, cách tôn tri phụng thờ, đại thể thì chùa nào cũng có phần giống nhau. Đặc biệt nơi đây có một nơi thờ Thánh tượng Bồ Tát Quan Thế Âm. Trước cửa họ treo một cái chuông và có một sợi dây vải màu vàng thòng xuống. Trước khi vào bên trong cầu nguyện, thì người cầu nguyện giựt sợi dây nầy chuông kêu ba lần. Sau đó, vào bên trong cầu nguyện. Đây là điểm đặc biệt mà các chùa khác tôi không thấy.

 

Tham quan xong nơi đây là đúng 12 giờ. Chúng tôi đi tìm chỗ ăn trưa. Chúng tôi ghé vào một khu shop rồi tùy ý mỗi người mua thức ăn. Ăn xong, chúng tôi tiếp tục lên đường. Chúng tôi rời nơi đây vào lúc 12 giờ 55 phút. Từ đây tới khách sạn đường còn xa, nên chúng tôi cho mọi người sinh hoạt trên xe bằng cách mỗi người lần lượt phát biểu nói lên cảm tưởng của mình. Những gì mà mỗi người thấy nghe nhận hiểu tùy theo cảm quan của mình mà phát biểu chia sẻ với nhau. Thế là, ai nấy đều mạnh dạn nói lên những cảm nghĩ của mình trong mấy ngày qua. Mỗi người có mỗi nhận xét khác nhau. Phần lớn ai cũng đều đề cập đến những buổi lễ cầu an cầu siêu ở bãi biển. Vì nơi đây gây một ấn tượng sâu đậm vào tâm thức của mọi người. Do đó, nên ai cũng cảm thấy chua xót đau lòng. Nhìn thấy những cảnh tượng hoang tàn đổ nát thử hỏi mấy ai không xúc động! Có lẽ vì vậy, nên hình ảnh đau thương nầy đã được mọi người chú tâm nhiều hơn. Giờ đây, có dịp để họ phát biểu. Ngoài ra, dĩ nhiên còn nhiều nhận xét ở những nơi khác, qua nhiều lĩnh vực: nơi ăn, chỗ ngủ nghỉ, phong cảnh, các ngôi chùa v.v...

 

Thật là một buổi sinh hoạt rất hấp dẫn hứng thú. Nhờ thế, mà chúng tôi mới biết thêm nhiều điều mới mẻ mà chính do quý vị đó nhận xét nói ra.

 

Khách sạn Prince

 

Loay hoay rồi, chúng tôi cũng đến khách sạn Prince Hotel ở vùng Hakone. Chúng tôi tới đây vào lúc 5 giờ 30 chiều. Được biết, Hakone là một thành phố nghỉ mát tuyệt vời ở Tokyo. Ở đây có nhiều thắng cảnh để du khách thưởng ngoạn như: suối nước nóng ( onsen ) , cảnh quan thiên nhiên đẹp, bảo tàng viện, đền thờ, di tích lịch sử v.v... Hakone nằm ở quận Ashigarasshimo và một phần vùng núi phía tây của quận Kanagawa. Đặc biệt nơi đây còn có cáp treo để du khách có thể nhìn ngắm những điểm danh lam thắng cảnh nổi bật, nhất là ngọn núi Phú Sĩ vào một ngày đẹp trời. Hồ Ashi cũng là nơi rất hấp dẫn cho khách ngoạn du vì cảnh quan đẹp như tranh vẽ của các ngọn núi xung quanh hồ.

 

Khách sạn nằm trên đồi cao ở một vùng xa xôi hẻo lánh, xung quanh bao bọc bởi núi rừng. Khác nào như một gả cô đơn nằm giữa núi đồi. Cảnh trí thật lý tưởng cho những du khách không thích cảnh ồn náo. Nhất lại càng thích hợp cho người tu hành thích những nơi vắng vẻ yên tịnh. Chu vi khách sạn rộng lớn phòng ốc khang trang, có đầy đủ tiện nghi. Vì phòng ngủ rộng, nên 5,6 người ở chung một phòng. Ở đây dường như không có phòng nhỏ, nên tôi cũng hưởng được một cái phòng rộng lớn. Khi vào trong phòng là tôi nghĩ ngay đến việc tập trung quý vị vào trong phòng nầy để tụng kinh niệm Phật thật là thích hợp. Vì thế mà chúng tôi có hai buổi tối và sáng tụng niệm ở đây. Nơi đây, còn có 2 hồ tắm suối nước nóng thiên nhiên dành cho du khách nam, nữ. Nhận phòng sắp xếp đồ đạc xong, mọi người đều đi tắm. Không gì lý tưởng bằng ngâm mình trong hồ nước ấm thật dễ chịu. Có người nói nhờ tắm suối nước nóng mà cảm thấy đỡ đau nhức. Tắm rửa xong, chúng tôi dùng bữa cơm chiều tự túc. Mấy ngày qua, tôi rất thèm mì gói. Nghe nói mì gói của Nhật cũng ngon lắm. Nhưng nghe một vài người nói là không có mì chay. Tôi có đem theo được vài gói mì, nhưng chưa có dịp để dùng nó. Vì tới đâu, nếu là ăn tự túc, thì quý vị trong đoàn cung cấp thức ăn. Vì thế mà mấy gói mì còn nằm nguyên trong túi xách. Bởi ai cũng sợ ăn mì vừa bị nóng, vừa không tốt cho sức khỏe. Biết vậy, nhưng tôi thấy hầu như đa số không thể quên mì gói được. Bởi nó vừa tiện lợi mà cũng vừa khoái khẩu nữa. Do đó, có người nói tới đâu thì tới, chớ không thể nào bỏ mì gói cho được. Cái gì mà mình thèm thì cái đó ngon nhứt. Hôm nay ăn tô mì nóng thật ngon lành. Đọc đến đây, nếu độc giả nào thèm mì, chắc không khỏi chảy nước miếng. Tuy nhiên, xin quý vị chớ vội hiểu là tôi quảng cáo mì đâu nhe. Tôi chỉ nói lên sự thật đó thôi. Cái gì thèm, thì mình cứ nói thèm, chớ có tội lỗi gì đâu mà phải che giấu.

 

Dùng xong, tôi đi một vòng xung quanh khách sạn vừa thể dục mà cũng vừa để ngắm cảnh hữu tình ngoạn mục nơi đây. Trời càng tối sương mù phủ giăng càng dày đặc. Ở vùng núi non thì khí hậu rất lạnh. Thú thật tôi rất dở chịu lạnh. Mùa đông tới là tôi sợ rồi. Bởi những người bị bệnh xương thì rất sợ lạnh. Tuy nhiên, ở trong khách sạn nhờ có lò sưởi nên cũng cảm thấy ấm áp. Ngoài trời thì sương mù lạnh lắm. Thả bộ một vòng, tôi trở về phòng nằm nghỉ. Gần tới 8 giờ tôi dọn phòng gọn gàng để quý vị tới tụng niệm. Tụng niệm xong, chúng tôi có dịp ngồi lại tâm tình với nhau. Điều đáng mừng là cho tới ngày hôm nay trải qua 10 ngày rồi mà trong đoàn ai cũng khỏe mạnh hết. Điều đó làm cho tôi rất vui. Sức khỏe là vàng. Có sức khỏe thì dù ở đâu đi đâu cũng cảm thấy vui. Nếu giàu có tiền bạc nhiều, mà bệnh rề rề đau yếu liên miên thì, thử hỏi lắm bạc nhiều tiền để làm gì. Tiền bạc thuốc men cũng không thể giúp mình trọn vẹn hết được. Nó chỉ giúp cho mình phần nào đó thôi. Muốn có sức khỏe tốt thì mọi việc cần phải điều hòa. Được ngồi bên nhau những giây phút thật thảnh thơi tươi mát ấm áp hạnh phúc như thế nầy, thì xin lỗi bạc tiền cũng không thể nào mua được.

 

Để diễn tả lại cảnh nầy tôi có làm bài thơ:

 

Niềm Vui

 

Non xanh vắng vẻ giữa đồi cao

Du khách phương xa lặng lẽ vào

Nặng bước đường trần thôi đã mỏi

Vui niềm thoát tục chẳng xôn xao

Đầu non bao phủ màn sương trắng

Dưới núi che mờ bóng cỏ lau

Nhạc điệu thiên nhiên vang động chuyển

Ba ngàn thế giới một tâm bao.

 

Khoảng 10 giờ, chúng tôi giải tán để mọi người ngủ nghỉ dưỡng sức ngày mai đi tham quan núi Phú Sĩ...

 

Ngày 11, tức ngày 14/4/2012/

 

Buối sáng hôm nay, ngoài trờ rất lạnh. Từ giữa đêm qua trời đã đổ cơn mưa lâm râm cho đến sáng không chưa dứt. Như đã thông báo, đúng 5 giờ là có thời công phu tụng niệm tại phòng tôi. Thế là mọi người đến đúng giờ. Chúng tôi bắt đầu cho thời khóa lễ. Mục đích của những buổi niệm Phật, tụng kinh công cộng như thế nầy, là vì chúng tôi muốn đem hết tâm thành để cầu nguyện cho hai liên hữu. Liên hữu Tịnh Trang thì đã vãng sanh cách nay mấy ngày; còn liên hữu Nguyên Diệu thì hiện đang bệnh nặng. Vì thế khi lên xe, thì niệm Phật hoặc vào chùa hay ở khách sạn, bất cứ nơi đâu có thuận tiện là chúng tôi đều có những thời khóa lễ cầu nguyện. Hôm nay cũng thế. Tụng niệm xong, mọi người về phòng để chuẩn bị cho buổi điểm tâm sáng trong khách sạn. Nơi đây có đặt cho buổi ăn sáng. Đúng 7 giờ chúng tôi đi tìm phòng ăn. Vì khách sạn rộng lớn có rất nhiều tòa nhà nằm san sát nối liền nhau, nên đi tìm cũng hơi khó. Nhất là mới đến mình cũng chưa rành chỗ nơi. Cuối cùng, rồi cũng tìm ra. Phòng ăn ở đây khá rộng, và cách trang trí trưng bày tuy đơn giản nhưng mang đầy tính chất thiền vị. Thức ăn thì cũng ngần ấy, khách sạn nào cũng giống nhau. Nơi chỗ chúng tôi ngồi chung quanh là cửa kiếng, nhìn ra bên ngoài có một cái thác nước. Nhìn thấy thật là thơ mộng. Đối diện với tôi là chú Tony, bên cạnh là Trí Lạc. Nhân cảnh nầy, khi chưa dùng bữa, tôi có làm bài thơ 4 câu, nhờ Trí lạc đọc lên cho mọi người nghe.

 

Tâm như dòng nước thác

Tuôn chảy mãi không thôi

Chỉ khi nào dừng lại

Trí huệ chiếu sáng ngời

 

Tham Quan Núi Phú Sĩ

 

Vài Nét Về Núi Phú Sĩ

 

“Núi phú Sĩ tiếng Nhật gọi là Fuji nói đủ là Fujisan hoặc Fujiyama. Đây là ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản và cũng là biểu tượng của quốc gia nầy. Ngọn núi lịch sử nầy đã trở thành đề tài trong các bức họa và nhiếp ảnh nghệ thuật cũng như trong văn chương và âm nhạc.

 

Núi Phú Sĩ trải dài trên địa phận tỉnh Shizuoka và tỉnh Yamanashi, ở phía Nam Tokyo. Núi nằm gần như trung tâm đảo Honshu.

 

Đây là một núi lửa còn hoạt động và là ngọn núi cao nhất của Nhật Bản với độ cao tuyệt đối:3.776 mét. Đỉnh núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ, tạo nên một vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ. Dưới chân núi có 5 hồ nước ngọt lớn, đó là: Kawaguchi, Yamanaka, Sai. Motosu và Shoji. Cùng với Hồ Ashi ở gần đó, chúng tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp cho ngọn núi. Đây là một phần trong công viên quốc gia Phú Sĩ Hakone-Izu.

 

Theo truyền thuyết cho rằng người đầu tiên lên đỉnh núi là một nhà sư khuyết danh. Trước thời Meiji. Vì Phú Sĩ là ngọn núi thiêng nên phụ nữ không được phép trèo lên đỉnh núi. Ngày nay, đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng và lý tưởng cho rất nhiều nhà leo núi.

 

Núi Phú Sĩ là một ngọn núi lửa hấp dẫn, thường là chủ đề của các tác phẩm nghệ thuật như bức “ Nhìn về núi Phú Sĩ “ của họa sĩ Hokusai. Ngọn núi nầy cũng góp mặt và là chủ đề của rất nhiều tác phẩm văn thơ Nhật Bản qua các thời kỳ.

 

Núi Phú Sĩ cũng là một địa điểm truyền thống của các chiến binh xưa: các Samurai đã dùng chân núi như một điểm tập luyện, gần thị trấn Gotemba ngày nay. Năm 2005, Cục Phòng vệ Nhật Bản và Lực Lượng Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành tập trận ở gần chân núi Phú Sĩ” ( Wikipedia )

 

Chính vì ngọn núi nổi tiếng như thế nên hằng năm khoảng từ mồng 1 tháng 7 đến 27 tháng 8, có khoảng 200,000 lượt người leo lên ngọn núi nầy, trong số đó, có khoảng 30% là người nước ngoài. Một lần leo núi như vậy phải mất thời gian ít nhất cũng từ 3 đến 7 tiếng đồng hồ. Con đường đi lên người ta chia ra làm 10 trạm nghỉ chân chính, tính từ trạm khởi đầu lên đến trạm thứ 15 là đã trèo lên được 2300 mét so với mực nước biển. Thường thì người ta trèo núi vào lúc ban đêm để khi mặt trời mọc thì đã lên tới đỉnh núi. Như thế thì đỡ mệt hơn.

 

Từ lâu, chúng tôi đã nghe danh ngọn núi hùng vĩ nầy. Vì vậy, chúng tôi ước mong chuyến đi kỳ nầy nhất định phải đến tận nơi để tham quan cho biết. Vì là ngọn núi lịch sử có một không hai ở Nhật Bản.

 

Trở lại bữa ăn sáng ở khách sạn. Khi dùng cơm xong, chúng tôi trở về phòng để chuẩn bị lên đường. Buối sáng hôm nay thời tiết không tốt, mưa lâm râm và sương mù dày đặc nên chúng tôi đi trễ hơn mọi khi. Chúng tôi rời khỏi nơi đây vào lúc 10 giờ sáng. Đường đi từ khách sạn đến dưới chân núi Phú Sĩ không xa lắm, nhưng vì đường đi quanh co theo triền núi, cộng thêm sương mù dày đặc, nên xe chạy chậm. Tới nơi là đúng 10 giờ 45 phút. Lúc nầy trời vẫn còn mưa lâm râm và gió thổi rất lạnh. Tôi mặc áo ấm khoác ngoài mà vẫn còn run. Cô Nhật Tịnh hướng dẫn chúng tôi lên chỗ bán vé cáp treo, họ nói cáp treo hôm nay chưa có thể hoạt động được, vì trời còn đang mưa và giông gió. Họ nói phải chờ hết mưa và hết gió thì cáp treo mới có thể hoạt động. Thế là, chúng tôi trở xuống rồi mọi người tự do đi dạo shop. Phố xá nơi đây cũng thưa thớt không nhiều lắm. Mọi người tự do tìm mua đồ kỷ niệm. Tôi, chú tài xế, Tony và cô Nhật Tịnh đến ngồi một cái bàn nhỏ trong quán cà phê. Ba vị kêu ba tách cà phê, riêng tôi thì uống trà, vì cơ thể tôi không hạp cà phê. Có lẽ là tại tôi chưa quen uống đó thôi. Uống xong, trời cũng trưa lúc nầy mưa gió càng lúc lại nhiều hơn. Tôi nghĩ cái kiểu nầy chắc không thể nào đi cáp treo để ngắm nhìn núi Phú Sĩ được rồi. Dù vậy, chúng tôi vẫn không nản chí vẫn còn nuôi hy vọng cuối cùng.

 

Có người nói, thầy ráng chờ đợi chắc trời không phụ lòng người. Không lý mưa gió hoài. Tôi nói, thiên địa vô tư, trời đất không thiên vị ai cả. Nếu trời chiều lòng mình cho mình được toại ý, còn những người khác thì sao? Không lẽ trời đất lại biết ăn hối lộ nữa sao? Trời đất cũng chỉ là theo sự tuần hoàn luật định thiên nhiên mà thôi. Thôi thì mình cứ chờ đợi xem sao. Nói rồi, chúng tôi đi tìm mua thức ăn bỏ bụng. Thời may, tìm được một cái nhà hàng dạng trung bình, nói theo người Việt mình là cái quán bình dân thì đúng hơn. Một số chúng tôi vào đây, còn một số khác thì tự tìm mua thức ăn. Bởi ăn tự túc tùy ý thích của mỗi người. Như vậy mà cảm thấy tự do thoải mái hơn. Chúng tôi ngồi hai bàn khoảng hơn mười người. Mỗi người tự kêu thức ăn. Nhưng khổ nổi có ai biết món gì mà kêu vì thực đơn toàn là chữ Nhật không có chữ Anh. Trong đoàn chỉ có cô Nhật Tịnh nói được tiếng Nhật và biết chữ Nhật, nên ai nấy cũng yên tâm. Bằng không thì phải dùng thứ ngôn ngữ ra hiệu. Tới quán ăn nào quanh đi quẩn lại cũng có hai món căn bản là mì khô và mì nước. Còn những món khác thú thật là ăn không vô. Không phải không có đồ ăn, nhưng ngặt vì mình ăn chay, mà ở Nhật làm gì có quán chay hay đồ ăn chay. Bởi vậy, cơ bản vẫn là mì mà thôi. Bởi mì họ không có bỏ thịt vào. Đặc biệt món nầy dễ ăn hơn hết. Cho nên sở trường của tôi trước sau vẫn là mì nước. Tuy nhiên, mì của họ nấu, có người nói thua mì gói của mình. Nhìn lại trong đoàn cuối cùng rồi thì ai cũng kêu mì nước hết.

 

Ăn xong mà trời cũng vẫn chưa tạnh mưa và gió vẫn thổi. Chờ đợi hơn mấy tiếng đồng hồ mà vẫn không có gì thay đổi. Thế là phen nầy chắc là tiêu tan niềm hy vọng thiệt rồi. Tôi có làm bài thơ diễn tả lại cảnh nầy.

 

Núi Phú Sĩ

 

Phú Sĩ tham quan đã hỏng rồi.

Đến nơi mưa gió phải ngồi thôi

Cà phê mì nước cùng ăn uống

Chờ đợi mỏi mòn chẳng đến nơi

 

Phú Sĩ tham quan đã hỏng rồi

Người thì dạo shop kẻ ngồi chơi

Sắm mua vài thứ cho đở chán

Biết đến bao giờ mới đến nơi

 

"Người giàu" mặc cả với thiên nhiên

Trần thế đua nhau mãi ham tiền

Ngựa xe áo mão sao bền bỉ

Chi bằng vui sống cảnh thiên nhiên

 

"Người giàu" đứng đó vượt tháng năm

Danh tiếng phương xa mãi kiếm tầm

Danh lợi phù hoa vui mặc thế

An bần vui đạo mãi kiên tâm.

 

Tượng Đại Phật Di Đà

 

Xét thấy không thể nào tiếp tục chờ đợi được nữa, nên chúng tôi rời nơi đây vào lúc 12 giờ 40 để đi tham quan tượng Đại Phật, tiếng Nhật gọi là Daibutsu ở thành phố Kamakura. Chúng tôi đến đây vào lúc 1giờ 50 phút chiều. Tới nơi trời vẫn còn mưa lâm râm và gió thồi lạnh. Từ bãi đậu xe, chúng đi bộ vào cách khoảng hơn hai trăm thước. Mọi người kẻ che dù, người mặc áo mưa và du khách tới đây chiêm bái kẻ ra người vào cũng dập dìu tấp nập. Tượng Phật đặt ở đền Kotokuin ( Cao Đức Viện ), một ngôi đền của Tịnh độ tông Phật giáo. Nhìn thấy đại tượng Phật tọa lạc ở giữa khoảng đất trống, xung quanh là mấy gian nhà để du khách trốn mưa đục nắng. Đây là tượng Phật Đi Đà bằng đồng nặng 121 tấn, cao 13,35 mét là tượng Phật lớn thứ hai của Nhật Bản. Đại Phật được đúc vào năm 1152 trong thời Kamkura và ban đầu được đặt bên trong một ngôi chùa ở Nara. Nhưng một cơn sóng thần dữ dội cuốn trôi tượng Phật cấu trúc bằng gỗ. Sau đó tượng Phật đã được đúc lại bằng đồng. Bên trong tượng Phật thì trống rỗng, có thể chứa được một số ít người. Chúng tôi có chui vào bên trong để xem. Ở dưới họ đào một cái hầm khá sâu người ta có thể đứng trong bụng của đức Phật. Điều kỳ diệu hơn nữa là nơi đây, theo sử ghi lại, trải qua hai lần động đất mạnh nhưng tượng Phật vẫn ngồi an nhiên không bị hư hao thiệt hại.

 

Bữa Cơm Chia Tay

 

Chiêm bái xong, chúng tôi ra xe để trở về chùa Nhật Tân Cốc. Tối hôm nay chúng tôi chia tay với chú tài xế. Do đó, để đãi chú một bữa cơm, nên Nhật Tịnh hướng dẫn đoàn vào trong một nhà hàng Tàu gần chùa Nhật Tân Cốc của thành phố Tokyo. Lẽ ra mọi người sẽ ngồi chung bàn, nhưng nhân viên hầu bàn cho biết, là có người đã đặt bàn rồi, nên chúng tôi phải chia thành hai nhóm ngồi cách xa nhau. Mỗi nhóm khoảng hơn 10 người. Nói đến thức ăn của người Hoa, thì không cần phải dài dòng ai cũng biết là dầu mướt rượt rồi. Chúng tôi kêu mỗi người một phần ăn.

 

Trong khi chờ đợi họ làm đồ ăn, nhóm chúng tôi liền đến nhóm kia ngồi một bàn tròn trong đó có chú tài xế. Vì không đủ ghế nên kẻ đứng người ngồi. Mọi người đứng vào vị trí ổn định đâu đó xong, tôi thay mặt đoàn nói lên vài lời cám ơn chú tài xế. Như đã nói chú tài xế nầy có tánh e thẹn mắc cở như cô gái, nên các cô thích chọc chú cho vui. Tôi nói xong và rồi tặng hai phần quà: một phần gởi tặng cho ông tài xế cha và một phần mến tặng cho chú. Khi nhận quà chụp hình ai nấy đều cười lên và lúc đó nhìn thấy hai gò má của chú ửng đỏ. Chú cũng cố gắng nói vài lời từ giả. Trông chú hiền từ thật dễ thương mến. Tặng quà nhiếp ảnh lưu niệm xong, chúng tôi trở lại chỗ ngồi và dùng bữa. Dùng xong, đi ra xe về chùa. Lúc nầy trời vẫn còn mưa. Chúng tôi về tới chùa vào lúc 7 giờ 15 phút. Nơi đây, chúng tôi từ giả chú tài xế. Mọi người lần lượt lên chùa. Vào trong chùa lúc đó thầy Đức Minh đang hướng dẫn một vài Phật tử tụng kinh ở chánh điện. Mọi người nhẹ nhàng lo soạn đồ. Tối nay, chúng tôi có cung thỉnh Hòa Thượng trụ trì Yoshimizu Daichi nói chuyện cùng với đoàn... Hòa Thượng vui vẻ nhận lời và ban cho đại chúng một thời pháp thoại ngắn, do sư cô Tâm Trí thông dịch.

 

Xong rồi, mọi người ngủ nghỉ để chuẩn bị cho chương trình ngày mai.

 

Ngày 12, tức ngày 15/4/2012/

 

Một Ngày Tu Học Tại chùa Nhật Tân Cốc

 

Vẫn theo thường lệ ở chùa, sáng nay, đại chúng thức sớm vào lúc 4 giờ để chuẩn bị công phu. Đúng 5 giờ mọi người đều có mặt ở chánh điện và thời công phu sáng bắt đầu. Công phu xong, 7 giờ ăn sáng ở trai đường. sau khi điểm tâm, chúng tôi thông báo chương trình tu học của ngày hôm nay. Chương trình tu học như một ngày thọ bát ở đạo tràng Quang Minh. Ngoài 30 vị trong đoàn ra, còn có một số ít Phật tử người Nhật gốc Việt đến tham dự. Theo chương trình là 9 giờ truyền giới, nhưng vì có một vài Phật tử ghi tên tham dự chưa có mặt nên phải chờ thêm vài phút. Có mặt đông đủ, lễ truyền giới bắt đầu vào lúc 9 giờ 15. Trong chương trình buổi sáng có phần lễ bái trì danh kinh hành niệm Phật. Đây là pháp tu rất quen thuộc đối với đạo tràng Quang Minh nhưng hơi lạ đối với các Phật tử khác. Vì thế, quý vị trong Ban nghi lễ phải thực tập hướng dẫn chỉ cách cho họ. Chiều lại có giờ pháp thoại của chúng tôi.

 

Trước khi vào đề tài thuyết giảng, tôi có đọc bài thơ nói về chùa Nhật Tân Cốc theo vần ốc, óc, ộc, ọc, ột cho mọi người nghe vui.

 

Vào chùa Nhật Tân Cốc

Chỉ cười không được khóc

Nói thật không nói dóc

Cũng đừng nói bươi móc

Nhất là nói đòn sóc

Chuyện hai bên đâm thọc

Gây cho người bực dọc

Đó là lời nọc độc

Cũng đừng nói cộc lốc

Nhớ vô thường phút chốc

Nước trào dâng khỏi nóc

Buồn vui trong tơ tóc

Thà làm người ngu ngốc

Không nịnh bợ tâng bốc

Dù sống cảnh đơn độc

Quyết không buồn không khóc

Trái ngang không bực dọc

Không mỉa may trên chọc

Thương nhau nên đùm bọc

Giao du không lừa lọc

Khiêm cung chớ cằn cộc

Trên bước đường tu học

Như người đi tìm ngọc

Ngọc quý trong búi tóc

Sáng trưng như trời mọc

Phiền não nên gạn lọc

Việc làm nên đôn đốc

Nói ra đinh đống cột

Cơ bần ở nhà dột

Cũng đứng tham bốc hốt

Nếu mình là người dốt

Thì cần nên dựa cột

Để nghe lời nói tốt

Mấy lời xin thưa thốt

Xin có chớ hổi hộp

Coi chừng té cái đợp

Bây giờ xin stop

 

Đọc xong bài thơ ai nấy đều cười rộ lên thật vui. Buổi pháp thoại hôm nay, tôi nói ít, vì muốn được trao đổi chia sẻ cùng với các bạn trẻ ở Nhật. Cho nên tôi cho họ hỏi nhiều hơn là tôi nói. Nhờ vậy, mà buổi pháp thoại rất hào hứng phấn khởi và đem lại nhiều lợi ích cho mọi người.

 

Tiệc Chia Tay

 

Tối nay, sau giờ cơm chiều, chúng tôi có một buổi tiệc chia tay với 4 cô về lại Việt Nam, vì họ đã lỡ đặt vé nên không thể thay đổi được. Bốn vị đó là: cô Huệ Trí, hai cô Diệu Hòa và cô Diệu Minh. Trong buổi chia tay, có màn văn nghệ cây nhà lá vườn để giúp vui. Buổi văn nghệ mà được rậm đám, xôm tụ, cũng nhờ người điều khiển chương trình pha chút hài hước và linh động. MC Trí Lạc có biệt tài về vấn đề nầy. Nhờ thế mà buổi văn nghệ ca hát rất hào hứng sôi nổi vui vẻ. Trong buổi tiệc chia tay nầy có sự hiện diện tham dự của đạo hữu Thiện Chơn tức ông xã của cô Nhật Tịnh. Trong lúc đang ca hát, bỗng nhiên đèn tắt hết, tôi không biết chuyện gì xảy ra. Không ngờ quý vị đó tạo cho tôi một sự ngạc nhiên, là tắt đèn để mang quả bánh sinh nhật tặng cho tôi. Trên quả bánh có đốt vài cây đèn cầy, cô Nhật Tịnh bưng quả bánh ra để trên bàn trước mặt tôi. Sau vài giây tối om bỗng đèn sáng lại. Thì ra, quý vị đó muốn tạo cho tôi một sự ngạc nhiên bất ngờ thú vị. Thực sự là tôi không ngờ. Tôi không hiểu sao quý vị đó lại biết được ngày sinh của tôi. Có vị nói dễ quá thôi, tại vì trong danh sách có ngày sanh của thầy. Một điều mà tôi cũng xin thưa thật ra đây, để thấy sự chuẩn bị đề phòng chu đáo lo xa của cô Nhật Tịnh. Tới giờ phút nầy cô mới nói thật ra cho mọi người biết là cô đã gởi danh sách tất cả quý vị trong đoàn về cho ông xã của cô. Lúc đó, ông xã của cô còn ở bên Việt Nam chưa có về Nhật vì ông có cơ sở làm ăn ở Việt Nam. Cô nói, phòng khi có chuyện gì bất trắc xảy ra cho đoàn, thì còn có thể biết được để mà tìm xác. Bởi cô là người sinh sống ở Nhật lâu năm nên cô cũng thừa biết sự động đất ở Nhật thật bất thường. Hôm chúng tôi đi có tin nói là ở thành phố Tokyo sẽ có một trận động đất lớn. Không biết tin tức đó xuất phát từ đâu. Tuy nhiên, tôi thấy những vị trong đoàn không một ai tỏ ra lo âu sợ hãi. Tôi không biết quý vị đó có biết hay không. Sau buổi văn nghệ kẻ về, người ở lại, chia tay trong niềm triều mến nhớ nhung…

 

Ngày 13, tức ngày 16/4/2012/

 

Vài Nét Về Thành Phố Tokyo

 

Theo chương trình của hai ngày cuối, chúng tôi sẽ đi tham quan một vài chùa và mua sắm trong thành phố Tokyo. Thành phố nầy, theo sử ghi lại thì, vào năm 1868, thành phố thời trung cổ của Edo, chỗ ngồi của các chánh phủ Tokugawa, được đổi tên thành Tokyo. Thành phố nầy hiện nay dân cư đông đúc và rất phồn thịnh. Trong thành phố, có nhiều di tích lịch sử và có những thắng cảnh mà du khách khi đến đây khó có thể bỏ qua. Ngoài những danh lam như các đền thờ chùa chiền ra, nó còn có những thắng cảnh như Hoàng cung, Vườn ngự uyển Shinjuku, Đền MinhTrị ( Meiji jingu ), Tòa đô sảnh ( Tocho ), Kabukicho ( ca vũ kỹ đình ), và biểu tượng của thành phố là Tháp Tokyo. "Tháp Tokyo tiếng Nhật gọi là Tokyo tawa là tháp được xây dựng năm 1958, cao 333 mét, nặng khoảng 4.000 tấn. Tới năm 1998, đã có khoảng 125 triệu người đến viếng ( bằng tổng số dân Nhật ). Thiết kế của tháp là dựa trên Tháp Eiffel của Pháp. Dù cao hơn Tháp Eiffel 8,6 m ( nếu không tính antena của Tháp Eiffel thì cao hơn 32,6 m ) Tháp Tokyo chỉ nặng 4000 tấn, trong khi Tháp Eiffel nặng 73000 tấn. Tháp Kyoto được sơn trắng và màu vàng quốc tế theo quy định an toàn hàng không. Từ hoàng hôn đến nửa đêm, tháp được chiếu sáng màu vàng. Việc chiếu sáng đôi khi thay đổi trong các dịp đặc biệt. Ví dụ trong phim Ma Trân, tháp được chiếu sáng màu xanh lá cây từ bóng đèn nê ông.

 

Do xung quanh tháp là các tòa nhà thấp tầng, Tháp Kyoto có thể được nhìn thấy từ nhiều phường trung tâm của Tokyo. Tháp Kyoto là một thành viên của Word Federation of Great Towers" ( Wikipedia ).

 

Ngoài ra, còn có ngôi Đền thần đạo Yasukuni JinJavà chùa Senso ( Thiển Thảo ). Chùa nầy xây dựng từ năm 628, và được coi là xưa nhất, có cả trước khi thành lập Edo tức Tokyo, rất nổi tiếng thuộc quận Taito. Đây là ngôi chùa tôn thờ Thánh tượng Bồ Tát Quan Thế Âm.

 

Chùa Tăng Thượng

 

Sau giờ công phu và tiểu thực sáng, đúng 9 giờ 30, chúng tôi đi bộ đến chùa Tăng Thượng. Hôm nay trời nắng đẹp, rất thích hợp cho việc đi tham quan chiêm bái các nơi. Sáng đi bộ như đi tập thể dục cảm thấy khỏe khoắn. Từ chùa Nhật Tân Cốc đến chùa Tăng Thượng không xa lắm. Đi bộ khoảng mười mấy phút đồng hồ là tới. Ngôi chùa nầy tọa lạc tại Khu Cảng gần công viên Chi. Tăng Thượng là nói tắt, nếu nói cho đủ thì phải gọi là “Tam Duyên Sơn Quảng Độ Viện Tăng Thượng Tự”.

 

Theo sử ghi: "Chùa Tăng Thượng do Thánh Đức Thượng Nhân Khai sơn. Thánh Đức Thượng Nhân từ nhỏ xuất gia ở chùa Thiên Diệp, là Tăng nhơn của phái Chân Ngôn Tông. Năm 1385 học đạo chùa Quang Minh, được sự giáo hóa của Tổ thứ 7 của Tịnh Độ Tông Nhật Bản, nên xã bỏ tông Chân Ngôn theo quy y Tịnh Độ Giáo Phái đem tông chỉ Mật Giáo của chùa đổi thành tu pháp môn Tịnh Độ. Tháng 12 năm 1393 kế thừa ngôi vị chánh thống thành Tổ thứ 8 của Tịnh Độ Tông. Đổi tên chùa Quang Minh thành Tăng Thượng Tự.

 

Năm Thiên Chánh thứ 18 (1590) vị trụ trì đời thứ 18 là Tồn Ứng Thượng Nhân, được vị tướng quân đầu tiên của Giang Hộ Mạc Phủ là Vi Di Đại Tướng Quân Đức Xuyên Gia Khang, quy y và phát tâm đại quy mô xây dựng chùa thành một ngôi đại già lam. Sau đó chùa Tăng Thượng được chỉ định là một trong những ngôi Linh Miếu thờ phụng tổ tiên của dòng họ Đức Xuyên Gia Mạc Phủ. Đồng thời được sắc phong là ngôi già lam đứng đầu trong 18 ngôi chùa của miền Quan Đông Nhật Bản, do đó chùa trở thành một trong những ngôi tự viện nổi tiếng nhất Nhật Bản thời bấy giờ.

 

Năm Khánh Trường thứ 3 (1590) do triều đình mở rộng thành Giang Hộ nên chùa phải dời đến địa điểm hiện nay, Tướng Quân Đức Xuyên Gia Khang phát tâm xây dựng mới cổng Tam Quan, Đại Điện và Tàng Kinh Các và sắc phong Tồn Ứng Thượng Nhân lên chức Phổ Quang Quán Trí Quốc Sư, ngự tứ tử y ca sa, thời kỳ này trong môn phái Tịnh Độ chùa Tăng Thượng có địa vị tương đồng với chùa Tri Ân Viện ở Kinh Đô, mỗi năm được cấp hơn 10 ngàn thạch lúa, toàn chùa có 48 viện, học viện liêu xá có 100 phòng, đương thời được gọi là quốc tự phong tước hiệu là “Tự Cách Bách Vạn Thạch”.

 

Năm Diên Bảo thứ 8 (1680) Đại tướng quân Đức Xuyên Gia Cang đời thứ tư của Mạc Phủ bị bịnh qua đời, tang lễ được làm ở Tăng Thượng Tự, người chấp sự cảnh vệ cho tang lễ là Phụng Hành Nội Đằng Trung Thắng, vì bất mãn người cùng làm việc với mình là Phụng Hành Vĩnh Tỉnh Thượng Trưởng, nên lấy đao giết chết ông ta, ngày nay trong lich sử Nhật Bản còn nhắc đến sự kiện này gọi là “Chi Tăng Thượng Tự đích đao thương sự kiện”.

 

Năm 1867 Vị Tướng Quân cuối cùng của chế độ Giang Hộ Mạc Phủ là Đức Xuyên Khánh Hỷ đem quyền bính trao lại cho triều đình Minh Trị Thiên Hoàng, Nhật Bản vào thời kỳ Minh Trị và Thiên Hoàng Minh Trị bắt đầu cuộc duy tân đất nước. Vì cường điệu Thiên Hoàng là hậu duệ của Thiên Chiếu Đại Thần cho nên ra sức phục hưng Thần đạo và tách Thần đạo ra khỏi Phật Giáo, chính vì sự kiện này mà Phật Giáo Nhật Bản bị bài trừ cũng như phá họai. Chùa Tăng Thượng là ngôi chùa Thần Phật thờ chung nhưng vẫn bị đốt phá vào những năm 1874 và năm 1909. An Quốc Điện trong chùa là miếu thờ Đức Xuyên Gia Khang vì lý do “Thần Phật Phân Khai” nên đổi thành Chi Đông Chiếu Cung tách ra khỏi chùa.

 

Năm Minh Trị thứ 8 (1875) Chùa Tăng thượng được liệt vào là chùa Tổng Bản Sơn của tông phái Tịnh Độ Nhật Bản và bắt đầu phục hưng, những điện đường của chùa bị phá hủy được xây dựng lại, thế chiến thứ hai kết thúc, người Nhật bắt đầu xây dựng lại đất nước, tất cả các chùa chiền đều xây dựng lại trong đó chùa Tăng Thượng cũng được tái kiến thiết, cho nên nói là chùa xưa nhưng rất nhiều những kiến trúc của chùa chúng ta thấy ngày hôm nay đều là kiến trúc hiện đại.

 

Từ ngày khai sơn cho đến nay Tăng Thượng Tự lịch đại chư vị Tổ sư hoằng truyền giáo nghĩa Tịnh Độ, cho nên được mọi người thuộc tất cả các tầng lớp trong xã hội Nhật Bản biết đến quy y, vì vậy tín đồ của chùa rất đông, hương hỏa ngày một hưng thạnh. Vì là một trong những ngôi chùa thuộc trung tâm của thủ đô Nhật Bản, nên chùa Tăng Thượng là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân chúng thủ đô. Do ảnh hưởng của Thần đạo nên tục cúng kính cầu xin trong chùa trở thành nét văn hóa đi chùa của người dân thủ đô Nhật.

 

Người Nhật Bản từ thời Minh Trị duy tân trở đi họ ăn tết dương lịch chứ không còn ăn tết âm lịch như các nước có văn hóa phương đông. Họ chỉ đổi ngày tháng chứ không đổi tục lệ ăn tết. Cứ mỗi độ xuân về mọi người lại nô núc đến chùa Tăng Thượng đón giao thừa thỉnh chuông bình an đầu năm, xin xăm kiết tường, nếu xin được xăm tốt thì đem lộc về nhà, còn nếu được xăm xấu thì họ đem lá xăm treo ở bên gốc cây hoặc nơi quy định treo xăm ở trong chùa, gởi lại vận không may lại chùa để cúng giải hạn và lưu lại vận xấu không mang về nhà.

 

Chùa Tăng Thượng còn có một nét đón xuân đặc biệt nữa là thả bong bóng bay để gởi nguyện ước của mình lên cho trời cao. Chùa phát bong bóng bay cho mọi người để họ viết ước nguyện của mình lên tấm giấy hoặc vải, rồi buộc vào bong bóng thả lên trời để cầu nguyện, hình ảnh những chiếc bong bóng bay lên hư không, tạo thành một không khí đón xuân hết sức đặc biệt, đầy cả bầu trời của chùa Tăng Thượng toàn là bong bóng bay đủ màu đủ sắc, bao nhiêu ước nguyện cũng theo đó mà hòa nhập vào bầu trời, làm cho không khí Tết như thêm màu hạnh phúc, làm cho lòng người như thêm vững lòng tin về một tương lai tươi sáng, bao nhiêu vận may sẽ như gió mát thổi đến bên mình, bao nhiêu khổ đau phiền muộn sẽ tan biến “hỏa diệm hóa hồng liên” chùa Tăng Thượng là trong lòng người dân thủ đô Nhật Bản, là “Thanh Lương Địa” cảnh giới Cực Lạc giữa chốn nhân gian" (9)

 

Sau khi tham quan ngôi chùa cổ lịch sử nổi tiếng nầy, chúng tôi đi bộ đến trạm xe lửa. Đến một cây hoa anh đào bông xòe nở từng chùm dày đặc màu tươi đỏ thắm, trông thật đẹp mắt, chúng tôi dừng lại để chụp chung bôi hình kỷ niệm. Vì cảnh quan thiên nhiên nơi đây rất đẹp, nên có một vài người say mê nhiếp ảnh không chịu đi theo đoàn. Tuy nhiên, sau đó họ đi nhanh cho kịp đoàn. Thế là, mọi người đi thẳng đến trạm xe lửa. Đến trạm, chúng tôi chờ cô Nhật Tịnh và Mỹ Phương mua vé. Ai cũng biết vé xe lửa ở đây khá đắt, bởi đa số người Nhật đi làm hoặc đi học hay đi chợ, họ đều đi xe lửa. Ở Nhật họ gọi là xe điện, vì xe chạy bằng điện. Xe điện chạy rất nhanh. Đây là phương tiện di chuyển hằng ngày rất tiện lợi. Hành khách đứng sắp hàng chia ra từng nhóm chờ đợi. Mỗi gian chờ đợi đều có cửa đóng an toàn, vì thế nên không thể nào gây ra tai nạn. Thường cứ 5 phút là có một chiếc. Những chiếc xe điện nầy chỉ chạy chung quanh của những tuyến đường trong thành phố. Xe lửa lúc nào cũng đông người, nhưng tuyệt đối trật tự, không ồn ào. Mỗi người ngồi âm thầm lặng lẽ, ai thích đọc sách thì lấy sách ra đọc, còn không thì ngồi làm thinh. Có lẽ, đây là thói quen của người Nhật mà họ đã hấp thụ bởi một nền giáo dục ngay từ thuở nhỏ.

 

Chùa Thiển Thảo

 

Tới trạm Asakusa lúc đó là 11 giờ trưa, chúng tôi đi bộ đến tham quan một ngôi chùa cổ thứ hai. Từ ngoài đường đi vào hai bên đường là hai dãy phố nằm san sát với nhau. Họ bày bán đủ thứ mặt hàng, nhưng chủ yếu vẫn là những món hàng để cho du khách mua làm quà kỷ niệm. Trên đường vào chùa, vì du khách ra vào tấp nập quá đông, nên đoàn không thể đi sát với nhau được. Đầu đường có một cái trạm cảnh sát, chúng tôi hẹn đúng 12 giờ trưa sẽ gặp nhau ở đó. Từ chỗ trạm cảnh sát đi vào chùa khoảng cách không xa lắm, ước độ khoảng hơn hai trăm thước. Chùa nầy có tên là chùa Thiển Thảo, còn gọi là Quan Âm viện. Ngôi chùa nầy được xây dựng vào năm 628 Tây lịch. Tuy nhiên, chùa đã bị hỏa hoạn thiêu hủy nhiều lần, vì thế nên chùa cũng đã được tái thiết và trùng tu trải qua nhiều lần.

 

Năm 1994, một buổi lễ kỷ niệm đánh dấu 1200 năm lịch sử của ngôi chùa. Buổi lễ đã được tổ chức rất long trọng. Nghe nói, số người tham dự đông đảo chật hết cả khuôn viên chùa. Ngoài ngôi chánh điện ra, còn có nhiều gian nhà khác. Mỗi nơi đều có một lối kiến trúc mỹ thuật độc đáo của nó. Người ta chú ý nhất là ngôi bảo tháp năm tầng và Viện Truyền Pháp. Đặc biệt ngôi chùa nầy có thờ Tôn Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Người Nhật tin rằng, Bồ Tát Quán Thế Âm nơi đây rất là linh thiêng. Được biết, vào những ngày cuối tuần hay những ngày lễ lớn số người đến chùa chiêm lễ rất đông, có khi lên đến hơn cả triệu người. Hôm nay chúng tôi tới đây, mặc dù là ngày thường, nhưng du khách thập phương già trẻ bé lớn, nam thanh nữ tú cũng ra vào tới lui tấp nập. Ước lượng không dưới một trăm ngàn người. Trước bàn thờ Phật trong chánh điện có một cái thùng phước sương lớn, mỗi người từ xa họ thảy tiền cắc vào thùng để cúng dường. 

 

Dùng Trưa và Dạo Shop

 

Tham quan xong, chúng tôi đi tìm chỗ để dùng trưa. Cô Nhật Tịnh hướng dẫn chúng tôi đi đến một nhà hàng gần đó. Vì nhà hàng không lớn lắm, bàn ghế ít, khách thì đông, nên một số người phải đứng bên ngoài chờ đợi. Khi nào thấy có bàn trống thì nhân viên mời vào. Như đã nói, ở đây không có nhà hàng nào bán thức ăn chay. Tùy theo thực đơn, thích ăn món nào thì mình bảo họ đừng bỏ thịt vào. Chỉ có rau cải thôi, thế là trở thành đồ ăn chay. Vì thế, ăn để cho no bụng thôi chớ không thể nói là ngon hay dở. Trong đoàn có một hai người đi lạc, làm cho cả đoàn quýnh lên, nhưng cuối cùng cũng tìm gặp.

 

Ăn xong, mọi người tự do đi dạo shop mua sắm. Có người thích mua những chiếc áo Kimino để làm kỷ niệm. Tùy theo sở thích của mỗi người mà lựa chọn mua sắm. Giá cả những món hàng, nhất là quần áo, nếu so với giá cả ở Úc thì nó đắt hơn. Thôi thì, cứ mở hầu bao hào phóng một chút mua một hai món quà lớn nhỏ để làm kỷ niệm cũng không sao. Đi không há lẽ lại về không, cái nợ sắm mua phải trả cho xong.

 

Sau khi mua sắm ở đây, chúng tôi đi tới một khu chuyên bán đồ điện. Đây là khu trung tâm thương mãi điện tử. Khi tới đây, một số người đi dạo tìm mua một vài món đồ lặt vặt như bình thủy, túi xách tay, máy chụp hình v.v... Còn một số ít không thích đi dạo thì ngồi ở băng ghế chờ đợi. Bất cứ thành phố nào, cũng có nhiều khu shop bán hàng, mỗi khu chuyên bán những món hàng đặc biệt. Thành phố Tokyo cũng không ngoại lệ. Nghĩa là cũng có chia ra những khu buôn bán cho du khách dễ tìm và dễ mua sắm. Chẳng hạn có một số khu như: Khu điện tử Akihabara nơi mà chúng tôi đang đi dạo. Phải nói đây là một địa danh nổi tiếng được mệnh danh là “thành phố điện tử”. Hàng trăm món đồ điện tử được trưng bày nơi đây tha hồ cho du khách nhìn ngắm và thưởng thức. Có người cho rằng: "giá đồ điện tử ở đây rẻ hơn từ 20-30%, có cả hệ thống bán ưu tiên miễn thuế cho người nước ngoài. Mua được một món đồ sản xuất tại nội địa Nhật Bản bao giờ cũng rẻ hơn một món đồ cùng hãng nhưng sản xuất tại nước ngoài. Ngoài những mặt hàng cao cấp ở đây, chúng ta còn có thể mua sắm những món hàng có xuất xứ từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, với giá rẻ hơn, hoặc mua sắm tại những khu cửa hàng 100 Yen". Ngoài ra, còn có chợ trung tâm Tsukiji, vị trí của chợ nầy nếu từ trạm xe điện Ginya bạn đi bộ khoảng 15 phút thì sẽ đến nơi đây. Được biết, chợ chuyên bán về hải sản tươi sống lớn nhứt thế giới. Và là nơi tập trung đến hơn 2.300 tấn hải sản mỗi ngày. Đoàn chúng tôi không có đến nơi đây. Đại khái, còn nhiều khu bán khác nữa, nhưng vì đoàn chúng tôi không tiện đến tham quan và mua sắm, bởi lẽ chúng tôi không có nhiều thời gian.

 

Mua sắm xong, vì còn rộng thời giờ, nên có một số người còn hăng say thích đi dạo một vài nơi khác, nên tôi cho giờ và điểm hẹn để mỗi người đúng giờ đến điểm hẹn về chùa. Thế là, mọi người đều đi đến một con đường mà hai bên có hai dãy phố bán nhiều thứ đồ lặt vặt. Có một cái sạp nhỏ chuyên bán trái cây. Nơi đây, có một người đàn ông trọng tuổi gọt khóm rất tài tình khéo léo. Có lẽ ông đã quen tay rồi. Tôi đứng bên kia đường chăm chú nhìn cách gọt và cách chẻ từng miếng khóm nhỏ của ông. Một vài cô trong đoàn đi ngang qua liền ghé vào. Mỗi người mua miếng khóm cầm tay để ăn cho đở khát nước. Cô Tín Chánh mua đưa cho tôi một miếng. Khóm ở đây hương vị thơm ngọt không chua mấy. Đang khát nước mà ăn khóm vào thì cảm thấy rất khỏe. Nhưng ăn nhiều thì bị sót ruột, nên mỗi người chỉ ăn một miếng thôi. Một vài người khác thì đi tìm mua thuốc dán nóng. Loại thuốc dán nầy mùa đông lạnh ở Úc mà dán vào lưng thì ấm lắm. Nên mỗi người mua một bịt, nhất là cô Nhật Tiến mua nhiều nhứt. Cô nói với tôi là con mua về để tặng cho quý cô trọng tuổi khi dự khóa tu mùa đông dán vào cho đỡ lạnh. Cô còn mua cúng dường cho tôi một bịt. Hôm nào trời lạnh nhiều, tôi dán sau lưng ngủ cảm thấy cũng ấm.

 

Đúng giờ, chúng tôi gặp nhau ở điểm hẹn và đi xe lửa về chùa. Về tới chùa là đúng 6 giờ 45 phút. Nghỉ một chút, rồi dùng cơm chiều và tối lại 8 giờ nghe thuyết pháp. Buổi tối hôm nay, tôi mời sư cô Tâm Trí pháp đàm cùng với đại chúng.

 

Ngày 14, tức ngày 17/4/2012/

 

Như thường lệ, chúng tôi thức dậy vào lúc 4 giờ 30 sáng để chuẩn bị 5 giờ công phu. Đúng 5 giờ đại chúng tập trung lên chánh điện để công phu.

 

Đúng 7 giờ, chúng tôi dùng điểm tâm. Dùng xong, tôi thông báo chương trình tham quan của ngày hôm nay. Hôm nay, là ngày cuối cùng của chuyến đi và ngày mai mọi người chia tay, một số đi qua Thái Lan và một số ít về lại Melbounre. Chương trình ngày hôm nay, ngoài việc đi tham quan ở hoàng cung và một vài nơi khác, còn có buổi trà đạo do sư cô Tâm trí tổ chức tại chùa vào lúc 5 giờ chiều và tối lại sẽ có một buổi tiệc chia tay.

 

Viếng Thăm Hoàng Cung

 

Đúng 10 giờ sáng, chúng tôi rời chùa Nhật Tân Cốc để đi tham quan hoàng cung. Tuy nhiên, có một vài người ở lại để sư cô Tâm Trí hướng dẫn cách phục sức và dâng trà cho buổi thiền trà. Những vị ở lại gồm có: Tâm Hải, Tony Lê Nguyễn, Mỹ Phương, Nguyên Chơn, và cô Điệp. Chúng tôi đi bộ ra trạm xe lửa gần chùa để đi thăm cung điện hoàng gia Nhật. Chúng tôi đến đây khoàng 10 giờ 30 sáng. Theo một tài liệu cho chúng ta biết khái lược về cảnh trí và lịch sử của hoàng cung nầy như sau:

"Hoàng cung Tokyo (tiếng Nhật: 皇居, Kokyo; Hán Việt: Hoàng Cư, nghĩa đen, "nơi cư trú của hoàng đế") là nơi cư trú chính của Nhật Hoàng. Khuôn viên rộng như một công viên lớn khu vực nằm trong khu vực Chiyoda của Tokyo gần ga tàu lửa Tokyo và có nhiều tòa nhà bao gồm cả cung điện chính (Kyūden (宫殿), nhà riêng của gia đình hoàng gia, một kho lưu trữ, bảo tàng và các cơ quan hành chính. nó được xây dựng trên trang địa điểm thành Edo, tổng diện tích bao gồm các khu vườn là 7,41 km vuông (2,86 sq mi).

Sau sự kiện đầu hàng của Mạc phủ và sự kiện Minh Trị Duy Tân, những người cư trú ở lâu đài, bao gồm các Tướng quân Tokugawa Yoshinobu, đã được yêu cầu dọn ra khỏi các cơ sở của lâu đài Edo. Trong năm thứ hai của Minh Trị, vào ngày 23 tháng 10 (1868), Nhật Hoàng rời Hoàng cung Kyoto đến. Phức hợp lâu đài Edo đã trở thành nơi cư trú mới của Nhật Hoàng và được đổi tên thành Thành Tokyo (东京 城, Tokyo -jō) tháng 10 năm 1868, và sau đó đổi tên thành Hoàng Thành (皇城, Kōjō) vào năm 1869. Các vụ hỏa hoạn trước đã phá hủy khu vực Honmaru chứa donjon cũ (mà bản thân nó bị đốt cháy trong ngọn lửa Meireki năm 1657). Vào đêm 05 tháng năm 1873, một đám cháy tiêu thụ Cung Nishinomaru (trước đây là nơi cư trú của shogun), và Cung Thành mới (宫城, Kyūjō?) đã được xây dựng trên địa điểm này vào năm 1888" ( tài liệu Website )

Khi chúng tôi đến đây, vì còn sớm nên số du khách rất ít. Nơi đây không có mua vé nên mọi người ra vào cửa tự do. Thời tiết hôm nay rất tốt, nắng ấm, không khí trong lành tươi mát, khuôn viên rộng lớn, cây cối xanh tươi, có rất nhiều cây hoa anh đào. Đoàn người chúng tôi đi trong nắng ấm nhìn cảnh vật xung quanh thật đẹp tuyệt vời. Sau khi tham quan một vài nơi bên cạnh những tòa nhà lớn và dài, chúng tôi đi đến một hoa viên tuyệt mỹ. Từ ngoài đi vào một đoạn đường dài, tôi nói với mọi người là chúng ta nên đi thiền hành. Mọi người nghe tôi nói tất cả đều hoan hỷ. Tuy nhiên, trước khi đi tôi hát lại bài hát “Thiền Hành” như để nhắc lại cho quý vị đó nhớ:

Ta đi đi không có gì ràng buộc

Ta đi đi không hướng vọng tương lai

Ta đi đi quên cả tháng năm ngày

Ta đi đi từng bước chân trong hiện tại

Ta đi đi vượt muôn ngàn chướng ngại

Ta đi đi về tới bến nơi rồi

Ta đi đi từng bước thật thảnh thơi

Thật thanh thoát an lành trong chánh niệm

Hát xong, tôi nói thêm về ý nghĩa và mục đích của việc đi thiền hành. Thiền hành là chúng ta đi trong tỉnh thức, đi với sự có mặt của mình trong từng bước đi. Có đi như thế, thì chúng ta mới thực sự tiếp xúc được những gì đang có mặt trong ta và có mặt với cuộc sống. Nghĩa là chúng ta đi đừng để tâm suy nghĩ mông lung vướng mắc vào hai đầu: quá khứ và tương lai. Vì đi như thế là mình đã tự đánh mất sự có mặt của mình rồi. Nói xong, chúng tôi bắt đầu đi. Chúng tôi đi từng bước thảnh thơi theo nhịp thở đều. Mỗi bước chân của chúng tôi đi đều tạo thành dấu ấn an lạc. Thật sự chúng tôi cảm thấy rất an lạc. Khung cảnh và lòng người hôm nay và ở đây thật là nhẹ nhàng thanh thoát tươi mát. Đó là những giây phút thật mầu nhiệm vô cùng.

Xung quanh cảnh vật im lìm không nghe tiếng động. Dù người Nhật họ đi kế bên chúng tôi, nhưng tuyệt đối không nghe họ nói chuyện nhỏ to gì với nhau. Tôi nghĩ, chắc họ cũng đang đi thiền như chúng tôi. Họ thấy chúng tôi đi trong yên lặng và nghiêm trang như thế, chắc chắn là họ cảm thấy hơi lạ. Một đoàn người đi mà không một tiếng nói cười. Điều đó gây cho họ một sự chú ý và họ luôn để tâm theo dõi. Chúng tôi cũng muốn cho họ biết rằng, người Phật tử Việt Nam chúng tôi cũng có một nếp sống; một nền văn hóa đặc thù thể hiện đời sống tâm linh cao đẹp. Nếp sống đó được thể hiện bằng cách đi thiền như hôm nay.

Vào bên trong công viên mọi người tha hồ nhiếp ảnh. Vì có nhiều cây hoa anh đào nở rộ và khoe nhiều màu sắc. Tùy theo nhãn quan của mỗi người mà có những ý thích khác nhau. Có người thì trầm trồ khen ngợi cho màu hồng rất đẹp. Người khác thì lại thích màu trắng cho màu trắng là đẹp v.v... Cùng một đóa hoa anh đào phơi bày trước mắt, nhưng mỗi người lại có mỗi cái nhìn sở thích khác nhau. Cuộc đời nầy cũng thế. Tùy theo lăng kính nhận thức chủ quan của mỗi người mà sự vật cuộn theo dòng tâm thức của mình. Từ đó mới có những quan điểm bất đồng và gây ra những thảm họa chiến tranh tàn sát lẫn nhau.

Trong lúc mọi người đang say mê nhiếp ảnh, tôi lặng lẽ đi thẳng đến một cây to có nhiều cành lá sum suê và rồi ngồi xuống bên cạnh gốc cây. Tôi thiền tọa trong vài phút để điều hòa hơi thở. Tôi hít thở trong tỉnh lặng. Chỉ vài phút thôi, tôi cảm thấy rất khỏe. Tôi đang hưởng một không khí mà thiên nhiên ban cho thật tươi mát trong lành. Đối diện nơi tôi ngồi là một vườn hoa đủ loại màu sắc. Mọi người nhiếp ảnh xong, liền đến chỗ tôi ngồi. Ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Phong cảnh nơi đây thật hữu tình nên thơ ngoạn mục. Bước vào đây, lòng người như không còn vương vấn bất cứ chuyện gì ở thế gian. Không gian rộng rãi tươi mát, thì lòng người cũng rộng mở. Trước mắt họ là một cảnh vật thiên nhiên an lành tươi đẹp. Họ tận hưởng những gì đang có. Nhìn những đóa hoa anh đào tắm mình trong nắng mới đầu ngày. Những tiếng chim kêu ríu rít như chào đón mọi người. Chúng đang hát ca reo vang trong nắng mới, hòa nhịp cùng với đất trời tạo thành một bản nhạc trầm hùng sống động âm thanh giải thoát. Chịu khó lắng nghe ta sẽ cảm nhận tất cả cảnh vật xung quanh ta rất linh thiêng và mầu nhiệm. Vì phân biệt theo cảnh duyên, dính mắc vào những hiện tượng mà chúng ta quên đi những cái hay cái đẹp đang phô bày trước mắt chúng ta. Để diễn tả lại cảnh nầy tôi có ghi vội bài thơ với tựa đề là:

Cung Điện

 

Cung điện cảnh quan lắm tuyệt vời

Đoàn người thăm viếng buổi sớm mơi

Trời trong nắng ấm chim reo hót

Cảnh vắng người đi thật thảnh thơi

 

Cung điện cảnh quan lắm tuyệt vời

Bao ngày mơ ước mới đến nơi

Vàng son uy thế còn in dấu

Nét đẹp cao phong vững một thời

 

Cung điện cảnh quan lắm tuyệt vời

Ra vào du khách dạo xem chơi

Anh đào hoa nở muôn màu sắc

Cây cảnh đua nhau réo gọi mời

 

Cung điện cảnh quan lắm tuyệt vời

Bốn mùa hoa lá trải nằm phơi

Mùa nào sắc nấy theo thời tiết

Hoa lá đổi thay đạo sáng ngời

Bữa Ăn Trưa

Gần đến giờ ăn trưa, chúng tôi đi lần trở ra ngoài. Lúc nầy mặt trời lên cao và nắng ấm hơn. Một đám người trong đó có một số người mặc đồ đồng phục màu trắng. Đây là đồ quân phục đặc biệt dành cho đội nhạc mặc. Họ đang sắp xếp để chuẩn bị cho một buổi hòa nhạc. Ngoài đội nhạc ra, có một số du khách mặc đồ sang trọng dự xem nghe. Tôi thấy, có vài người trong đoàn đi ra trước họ ghé lại tham gia ngồi xem. Vì họ có để một số ghế cho những du khách ngồi. Rất tiếc, vì quá giờ đã định, nên tôi kêu mọi người nên mau rời nơi đây để tìm chỗ dùng trưa. Thế là, cô Nhật Tịnh hướng dẫn mọi người đến một trung tâm ăn uống bình dân. Nơi đây, họ quảng cáo chưng bày nhiều món ăn trông cũng hấp dẫn. Cô Nhật Tịnh mời tôi vào một cái quán nhỏ, ông chủ quán là người Ý. Ông nói tiếng Nhật rất lưu loát. Vì ông đã định cư lập nghiệp ở Nhật lâu năm. Họ mời chúng tôi ngồi vào một cái bàn nhỏ chỉ có hai cái ghế ngồi. Nhật Tịnh kêu một cái bánh pizza và một dĩa cải salad. Tôi nghĩ cái bánh pizza chắc là giống như ở Úc. Nếu thế, thì chúng tôi không thể nào ăn hết. Tuy nhiên khi họ mang ra, cái bánh nhỏ xíu vừa đủ cho một người ăn. Một cái bánh cắt chia thành sáu miếng nhỏ. Một miếng chỉ ăn khoảng hai lần là hết. Sự thật, thì ăn như thế không thể nào đủ no. Nhưng vì tôi đang áp dụng ăn uống theo phương pháp dưỡng sinh, nên không dám ăn no. Nghĩa là mình nên ngưng lại khi bụng cảm thấy vẫn còn muốn ăn nữa. Điều nầy, nên đem ra áp dụng ăn uống ở Nhật thì rất thích hợp. Một cái bánh và một dĩa salad nhỏ như thế, tính ra là $1.200 yen. Trong khi đó, thì mọi người đi tìm quán nào có món ăn tương đối thích hợp dễ nuốt thì cứ vào. Vì đây là buổi ăn trưa tự túc. Nơi đây cũng có nhiều tiệm. Ngoài tiệm Nhật ra, còn có tiệm Tàu và Thái. Hầu như mọi người đều thích ăn đồ Tàu và Thái. Họ nói đồ ăn Nhât khó nuốt mà lại giá đắt.

Chùa Pháp Hoa

Ăn xong, mọi người tụ họp một nơi chờ đông đủ mới đi nơi khác. Khi đủ số người, chúng tôi đến trạm xe lửa để đi tham quan chùa Pháp Hoa. Chúng tôi lên xe lửa lúc 1 giờ 15 phút chiều. Tội nghiệp cho Nhật Tịnh, tuy sống ở Nhật lâu năm, nhưng vì ít khi đi xe lửa, nên cô cũng không rành mấy các trạm xe lửa ở đây. Cũng phải nhìn bản đồ chỉ dẫn mà đi. Do đó, nên phải lên xuống thang máy lộn qua lộn lại, rồi mới tìm đúng trạm. Kể ra cũng vui, nhờ vậy mới có thêm những kỷ niệm khó quên. Chúng tôi phải lên xuống nhiều trạm xe lửa mới tới chùa Pháp Hoa. Tuy nhiên, từ trạm xe lửa đến chùa, chúng tôi phải đi bộ một đoạn đường cũng khá xa. Trên đường có nhiều tiệm bày bán đủ thức đồ lặt vặt giống như các tiệm tạp hóa dọc theo hai bên đường. Cũng có nhiều shop bán đủ loại trái cây. Tuy nhiên, trong đoàn không ai ghé lại để mua bất cứ thứ gì. Vì chúng tôi phải tranh thủ tham quan cho kịp giờ để về chùa Nhật Tân Cốc dự buổi thiền trà vào lúc 5 giờ chiều.

Chùa Pháp Hoa là trụ sở hoạt động chính thức của Hội Rissho Koesi Kai, mà người khai sáng là ông Niwano Nikkyo. Và phó là bà Naganuma Myoko cùng với hơn 30 hội viên đã sáng lập ra giáo đoàn. Rissho Koei Kai là giáo đoàn Phật giáo được sáng lập vào ngày 5 tháng 3 năm 1983. Về tôn chỉ của Hội là y cứ vào ba bộ kinh Pháp Hoa: Kinh Vô Lượng Nghĩa, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa và Kinh Phật nói về sự hành đạo của Bồ Tát Phổ Hiền. Chính vì thế nên việc tu tập của họ là tụng đọc Kinh Pháp Hoa. Họ chuyên nghiên cứu về ba bộ Kinh Nầy. Đường hướng và chủ trương hoạt động của Hội là nhằm kết hợp các tôn giáo để tiến đến xây dựng hòa bình cho nhơn loại. Hội đã từng tham gia công tác hoạt động cho hòa bình mà cụ thể là từ năm 1974 là Hội đã bắt tay vào việc hoạt động. Qua quá trình Hoạt động càng ngày thế giời càng chú ý đến. Vì thế, nên Hội ngày càng phát triển lớn mạnh về mọi mặt. Tháng 12 năm 1970, vị thầy khai sáng ra Hội cũng đã đến Việt Nam ở cố đô Huế. Hội đã mở rộng tầm hoạt động liên hệ các tôn giáo trên thế giới. Hội đã tích cực vận động cho hòa bình thế giới bằng những việc làm cụ thể như: những công tác cứu trợ, giúp cho các trẻ em nghèo nàn không có đủ cơ hội phương tiện học hành, nhất là đối với những quốc gia nghèo lạc hậu ở Châu Phi v.v... Mục đích của những việc làm từ thiện nầy là nhằm nuôi dưỡng lòng từ bi của hội viên và đem lại niềm vui cho cộng đồng nhơn loại.

Phải nói cơ sở ngôi chùa nầy quá khang trang rộng lớn. Khi đến, nhằm lúc có một buổi thuyết giảng và thính chúng tham dự rất đông. Tôi không rõ vị thầy thuyết giảng đó như thế nào. Vì thời gian tham quan quá vội vả, nên chúng tôi không tiện để tìm hiểu. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi được một vị giáo sư trong Hội hướng dẫn giới thiệu một vài nơi. Ông dẫn đến chỗ dành cho các thiền sinh ngồi thiền. Họ thiết bị căn phòng vừa ấm cúng và cũng vừa thích hợp cho việc ngồi thiền. Thường là các vị cư sĩ nam nữ vào đây tu tập. Cô Nhật Tịnh cho tôi biết là nơi đây rất thích hợp cho các phái đoàn Phật giáo ờ các nơi khác về đây tạm trú mở khóa tu tập. Và cô cũng thường hay đến nơi đây để tu tập hành trì. Vì thời gian không cho phép ở lâu, cho nên chúng tôi xin phép được về sớm còn phải dự buổi thiền trà. Ông giáo sư ( xin lỗi không nhớ tên ) tiễn đưa chúng tôi đến ga xe lửa gần đó. Ông là người rất tử tế và lịch sự, giao tiếp hành xử đúng cung cách là một nhà giáo. Ông cho biết là ông chuyên đảm trách giảng dạy về ngành Phật học cho các trường đại học, không những ở trong nước mà còn ở hải ngoại nữa. Chúng tôi chia tay ông ở trạm xe lửa.

Buổi Thiền Trà

Chúng tôi về tới chùa vào lúc 4 giờ 40 phút mà buổi thiền trà do sư cô Tâm Trí tổ chức là vào lúc 5 giờ. Đúng như lời đã hứa, chúng tôi có mặt ở chùa trước 5 giờ. Hôm đó, có một vài vị không có đi tham quan chung với đoàn. Họ ở lại chùa phụ giúp với sư cô Tâm Trí để chuẩn bị lo cho buổi thiền trà. Tôi vừa vào phòng, thì Tony mang đồ mặc theo các vị tu sĩ Phật giáo Nhật Bản đưa cho tôi. Bộ y phục nầy là sư cô Tâm trí mượn của Hòa Thượng trụ trì cho tôi mặc. Lần đầu tiên, tôi mặc y phục nầy. Thầy Đức Minh đến giúp tôi vì Tony cũng chưa có rành lắm. Trong khi đó thì một số quý cô hơi trẻ trong đoàn cũng được chọn để mặc trang phục kiểu áo Kimno. Tôi thấy quý cô mặc coi cũng giống các cô gái Nhật Bản lắm. Người nào cũng có nét đẹp duyên dáng riêng. Đúng là: "Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Ngoài những vị được chọn hầu dâng trà ra, các vị khác đều mặc áo tràng gọi là trà khách. "Với người Nhật trà đạo là một hình thức uống trà để giải trí trong một bầu không gian tĩnh lặng, mà cả người chủ lẫn khách đều hướng đến sự thư giãn tinh thần và sự hòa hợp với thiên nhiên. Trà đạo bao gồm tất cả các yếu tố mang tính triết học Nhật Bản, nét thẩm mỹ, và sự đan xen giữa bốn nguyên tắc cơ bản: Wa, sự hài hòa ( giữa con người và thiên nhiên ), Kei, tôn kính ( đối với người khác ) Sei, sự tinh khiết ( của tâm hồn ) và jiaku, sự yên tĩnh. Thường những buổi tiệc trà tổ chức để nghênh tiếp những vị khách quý, hoặc trong những dịp đặc biệt như: hamani ( ngắm hoa ), thưởng ngoạn những đêm trăng rằm đơn giản chỉ là dịp để họp mặt bạn bè người thân.

Xét về lịch sử, trà đạo bắt nguồn từ việc uống matcha, một loại bột trà xanh được một số tu sĩ Nhật Bản đi du học và mang về từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 12. Lúc đầu matcha chỉ được dùng như một loại thuốc nhưng sau đó trở thành một loại thức uống xa hoa mà chỉ giới thượng lưu đương thời mới được thưởng thức. Nhà sư nổi tiếng nhất thời đó là Zen Eisai ( 1141-1215 ), đã coi việc uống matcha như là một thú tiêu khiển để làm tinh khiết tâm hồn, hòa nhập với thiên nhiên. Sau đó vào khoảng đầu thế kỷ 14, matcha dần được sử dụng trong các buổi họp mặt của giới thượng lưu. Vào thời gian nầy, một số quy tắc của buổi tiệc trà đã được quy định bởi giới võ sĩ ( samurai ), giai cấp thống trị xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ. Nhà sư Sen no Rikyu ( 1522-1591 ), một trong những thương gia giàu có nhất thời đó đã kế thừa sáng lập và hoàn thiện lễ nghi của một buổi tiệc trà. Sau đó ông trở thành người truyền bá trà đạo nổi tiếng nhất của Nhật vào giữa thế kỷ 16. Đến cuối thời Edo ( 1868- 1912 ) thì phụ nữ mới chính thức được tham dự tiệc trà. Trải qua bao thời đại nhưng trà đạo vẫn luôn luôn giữ được những nét đặc trưng của nó" ( 10 ).

Phòng trà ( chashitsu ) bày biện rất đơn giản, không có rườm rà càng nhẹ nhàng thanh thoát càng tốt. Như phòng trà tổ chức hôm nay, trong một căn phòng nhỏ thật ấm cúng. Việc pha trà và nghi cách uống trà cũng phải được huấn luyện kỹ càng trước. Trong một buổi thiền trà gồm có ba thành phần tham dự: Trà chủ, trà khách và trà giả ( người dâng trà ). Khi trà giả dâng tách trà thì trà khách phải xoay tách trà ba lần rồi mới uống. Đây cũng là nghi tục hơi lạ mắt. Như đã nói mục đích của việc uống trà là trong tinh thần hài hòa và tỉnh thức. Uống trà trong chánh niệm cho tinh thần được thư giản thoải mái. Những ai thường bận rộn với công việc thỉnh thoảng cũng nên tổ chức những buổi thiền trà. Uống trà phải có mặt mình trong khi dùng trà. Đó mới thật là người biết thưởng thức hương vị của trà.

Buổi thiền trà hôm nay, đã diễn ra một không khí thật tươi mát và ấm cúng. Tươi mát tâm hồn và ấm cúng tình đạo. Tôi thấy quý vị mới thực tập mà cách dâng trà trông như đã thuần thục. Từ cung cách, cử chỉ, thái độ v.v... tất cả đều đưọc huấn luyện kỹ càng. Trong khi dùng trà, tôi khởi hứng viết một bài thơ. Và bài thơ nầy không ngờ đã trờ thành một bản nhạc, đã được quý liên hữu trong đạo tràng Quang Minh hát ca trong buối tối thiền trà tại chánh điện chùa Quang Minh.

Chén Trà

Chén trà trong hai tay

Chánh niệm vui tràn đầy

Mọi việc đều buông bỏ

Hiện tại và ở đây.

 

Chén trà trong hai tay

Họp mặt vui sum vầy

Chén trà luôn nhớ mãi

Tình đạo chẳng đổi thay.

 

Chén trà trong hai tay

Hạnh phúc vui từng ngày

Niệm Phật đừng xao lãng

Sen nở ở ngay đây.

 

Chén trà trong hai tay

Công phu quyết chẳng nài

Việc qua rồi chẳng nhớ

Chẳng nghĩ đến tương lai.

 

Chén trà trong hai tay

Tu học chí miệt mài

Đời người như bóng chớp

Niệm Phật thoát trần ai.

 

Buổi Tiệc Liên Hoan Chia Tay

 

Hôm đó, tôi cũng có đọc bài thơ nầy và đã được sư cô Tâm Trí dịch ý qua nội dung của bài thơ. Sư cô Tâm Trí chỉ tôi cách pha trà và tôi cũng có pha thử. Sau đó quý vị mặc trang phục ao Kimono cùng với tôi chụp vài bôi hình kỷ niệm ở chánh điện. Bây giờ nhìn lại mấy tấm hình thấy không giống người tu sĩ Việt Nam chút nào, mà rõ ràng giống hệt ông thầy tu Nhật Bản. Tôi tự cười thầm...

 

Sau buổi thiền trà, chúng tôi dùng cơm chiều và tối lại sẽ có buổi tiệc liên hoan chia tay. Cần nói thêm, đoàn của chúng tôi khi đi thì đi chung nhưng khi về, thì lại tách ra thành hai nhóm. Một nhóm về thẳng Melbourne còn một nhóm thì qua Thái Lan và ở Thái Lan 4 ngày. Do đó, nên buổi tiệc liên hoan hôm nay, chúng tôi vừa chia tay với những vị ở trong chùa Nhật Tân Cốc, đồng thời, cũng chia tay với những vị trong đoàn và cô Nhật Tịnh.

 

Đúng 7 giờ 30, chúng tôi vân tập đông đủ ở chánh điện phụ ( tạm gọi như thế ) sau đó, chúng tôi cung thỉnh Hòa Thượng trụ trì ra chứng minh và tham dự. Ngài rất hoan hỷ. Trước hết, thay mặt đoàn chúng tôi bái tạ cảm niệm thâm ân của Ngài đã chiếu cố thương tình giúp đỡ cho đoàn trong mấy ngày qua. Đồng thời, chúng tôi cũng dâng lên chút ít tịnh tài để cúng dường Tam bảo, cúng dường Ngài và trang trải những phí tổn tiêu xài trong những ngày đoàn tạm trú. Sau đó, chúng tôi cúng dường cho Thầy Đức Minh, sư cô Tâm Trí và gởi quà tặng cho cô Nhật Tịnh cùng chú Minh và cô Diệu Nguyện.

 

 Riêng phần tặng quà cho cô Nhật Tịnh, vì sơ ý nên xảy ra chút chuyện không vui. Việc tặng quà nầy, tôi giao cho cô Mỹ Phương lo hết toàn bộ, vì cô là thủ quỹ của đoàn. Công việc thu chi từ đầu tới cuối của chuyến đi cô làm rất tốt. Mọi việc thu chi cô đều có trình qua cho tôi và đoàn biết. Phải công tâm mà nói, cô làm sổ sách đâu vào đó rất phân minh kỹ càng. Tuy nhiên, khi tặng quà cho cô Nhật Tịnh, cô lại kèm theo một bao thơ tiền và tôi cũng không rõ số tiền trong đó là bao nhiêu. Vì cô không có trình qua cho tôi biết. Đến khi biết được thì việc đã rồi. Cô Nhật Tịnh khi nhận bao thư tiền nầy cô rất buồn. Buồn là vì cô nghĩ chắc là đoàn trả tiền thù lao cho cô. Hoặc trả tiền những gì mà cô đã chi phí như tiền xăng nhớt… mà cô đã lái xe nhà đi. Do đó, nên cô không có mấy gì hài lòng vui vẻ. Có lẽ một phần, cô đã hấp thụ quen theo lối sống của người Nhật. Vì đối với người Nhật, nếu một khi mà họ đã lên tiếng phát tâm giúp cho mình điều gì rồi mà mình trả tiền cho họ là họ không vui. Họ nghĩ mình coi thường khi dễ họ. Trường hợp hai cha con ông tài xế chẳng hạn. Đoàn chỉ tặng quà cho hai người mà không có cho tiền. Vì họ đã tình nguyện phát tâm lái cho đoàn. Đoàn chỉ trả những chi phí xăng nhớt v.v… như đã nói qua. Điều nầy, cô Nhật Tịnh cũng có nói trên xe cho mọi người biết.

 

Vì quen theo nếp sống tình cảm xã giao của người Việt, nên Mỹ Phương nghĩ rằng, trong những ngày qua, cô Nhật Tịnh đã xuất tiền túi ra lo cho đoàn. Nhất là vấn đề xăng nhớt xe cộ. Cho nên cô cũng muốn giúp lại phần nào cho cô Nhật Tịnh trong vấn đề phí tổn nầy. Đó cũng là ý tốt của Mỹ Phương. Song có điều khi Mỹ Phương làm điều nầy thì cô không có trình qua cho tôi biết. Hôm đó, tôi có họp chúng nói rõ cho một số người biết qua về vấn đề nầy. Vì cớ đó, nên mới xảy ra chút việc hiểu lầm không vui đó thôi. Tuy nhiên, sau đó, thì mọi người cũng đã hiểu và thông cảm với nhau.

 

Nói chung, cả hai đều có ý tốt hết. Mỹ Phương thì thấy cô Nhật Tịnh bỏ công lẫn của để lo cho đoàn, thì cô cảm động muốn giúp phần nào lại cho cô Nhật Tịnh. Bằng cách là truất ra một ít tiền quỹ của đoàn để phụ với cô Nhật Tịnh. Còn cô Nhật Tịnh thì chỉ muốn làm tròn cái tâm nguyện của cô là lo cho việc chung, mà cô không muốn nhận bất cứ thứ gì của đoàn cả. Nếu nhận như thế thì có khác nào là nhận tiền thù lao của đoàn. Theo cô, thì kẻ góp công người góp của đồng tâm hiệp lực với nhau để góp sức chung lo. Được như vậy, thì cô đã mãn nguyện và vui mừng lắm rồi. Vì đó là tâm nguyện lớn nhứt từ trước tới nay của cô. Cho đến bây giờ cô mới thực hiện được tâm nguyện đó. Đó là những gì mà cô đã nói với tôi. Việc nầy, với tư cách là Trưởng đoàn, tôi cũng có xin lỗi cô Nhật Tịnh. Nói lên điều nầy để thấy rằng, ngưòi nào cũng có ý tốt cả. Chúng tôi ghi lại điều nầy, trước là để cho quý vị trong đoàn hiểu rõ hơn và đồng thời chúng tôi cũng muốn nhơn đây mà cám ơn lòng tốt của hai người. Tất cả cũng chỉ vì muốn cho mọi việc đều được an ổn tốt đẹp mà thôi. Đó là một thiện ý rất tốt chớ không có dụng ý gì khác cả.

 

Trở lại vấn đề của buổi tiệc liên hoan, thủ tục nghi thức cúng dường và quà tặng xong đến phần văn nghệ. Buổi văn nghệ hôm nay người điều khiển chương trình rất sôi động vẫn là liên hữu Trí Lạc. Sau khi tôi nói vài lời về lý do buổi tiệc, kế tiếp là Hòa Thượng trụ trì mở màn cho buổi văn nghệ bằng cách là Ngài vừa đàn vừa hát. Ngài có biệt tài sử dụng cây đàn dương cầm đánh đàn rất hay. Theo sự yêu cầu của đại chúng Ngài cống hiến liên tiếp ba bản nhạc. Tuy tuổi tác của Ngài có già nhưng tâm hồn của Ngài thì rất trẻ. Ngài là người rất cởi mở hài hòa và vui tính. Để đáp lại ngài, MC Trí Lạc mời tôi ca 4 câu vọng cổ với chủ đề là "Thiên Tai Khổ Nạn" do tôi sáng tác. Dù ca không hay, nhưng tôi cũng cố gắng hát để đáp lại tấm thạnh tình của Ngài. Rất tiếc, sức khỏe của Hòa Thượng không được tốt lắm, nên sau khi trình bày ba bản nhạc Ngài từ giả buổi tiệc về phòng nghỉ ngơi. Còn lại chúng tôi ca hát và kịch nghệ tự biên tự diễn cho tới gần 11 giờ mới nghỉ.

 

Ngày 15, tức ngày 15/4/2012

 

Hôm nay là ngày thực sự chia tay. Hôm qua, mọi người đã chuẩn bị hành lý đâu đó xong xuôi. Và dọn dẹp từ ngoài tới trong tất cả đều sạch sẽ. Trả lại bầu không khí yên tĩnh cho chùa. Vì mấy hôm nay, không khí trong chùa ít nhiều gì cũng có sự ồn náo. Dù có cố gắng gìn giữ đến đâu mỗi người một tiếng, thì cũng không thể nào giữ yên tịnh được. Theo vé, thì số người đi qua Thái Lan phải đi vào buổi sáng, còn những vị về Melbourne thì đi buổi chiều. Lúc đầu định nhờ chú Minh dùng xe nhà chở ra phi trường. Vì số người đi qua Thái Lan khoảng 16 vị. Tuy nhiên, cuối cùng thì hành lý và người đều đi bằng xe buýt công cộng. Lúc đầu sợ xe buýt không chịu chở hành lý. Điều nầy cũng gây ra không mấy được vui cho đoàn. Bởi cô Nhật Tịnh không có liên lạc hỏi rõ xe buýt. Cho nên hơi lộn xộn về việc di chuyển hành lý một chút. Tuy nhiên, giờ chót mọi việc cũng được yên xuôi. Chuyến đi nào mà không có trở ngại, chỉ ít hay nhiều mà thôi. Tôi, Nhật Tiến và cô Tâm Tiên đi xe riêng của cô Nhật Tịnh. Khi đến phi trường Narita, chúng tôi ngồi chờ cũng hơi lâu. Vì xe của chúng tôi tới sớm trước. Phải chờ đầy đủ số người đi chiếc xe buýt tới mới làm thủ tục cân hành lý. Không bao lâu, mọi người đều có mặt đầy đủ.

 

Phần ghi lại chuyến đi Nhật 14 ngày của chúng tôi lẽ ra đến đây đã chấm dứt. Tuy nhiên, vì có một số người trong đoàn đi Thái Lan để tham quan, nên chúng tôi ghi tiếp phần nầy cho trọn chuyến đi, dù có một số đoàn viên đã về thẳng Melbourne. Vì vậy, phần ghi chép những ngày ở Thái Lan được coi như là phần phụ lục của quyển sách.

 

Phụ Lục

 

Cân hành lý xong, chúng tôi vào bên trong ngồi chờ đợi. Khoảng nửa giờ sau, chúng tôi từ giả Nhật Tịnh và Nhật Tiến đi thẳng vào chỗ hải quan làm thủ tục giấy tờ để chờ tới giờ lên máy bay. Kiểm điểm lại số người đi Thái Lan gồm có: Thích Phước Thái, Trí Lạc, Diệu Ngọc 4, Tuệ Giác, Diệu Hương 2, Diệu Phủ, Diệu Tuyết, Diệu Liên, Mỹ Lộc, Tín Chánh, Diệu Đức, Chơn Trì, Viên Nguyện, Viên Hảo, Tâm Đắc, Viên An. Tất cả là 16 người.

 

Máy bay cất cánh lúc 11 giờ 10 phút và tới phi trường Bangkok 3 giờ 20 chiều. Đến phi trường, có một thanh niên người Thái hướng dẫn chúng tôi ra xe buýt. Anh nầy là một nhân viên của công ty du lịch. Khi tới xe, anh giao đoàn lại cho cô Phương, một hướng dẫn viên người Việt sống ở Thái. Chú tài xế xe buýt là người Thái không nói được tiếng Việt. Xe buýt đưa chúng tôi về thẳng khách sạn Princeton. Chúng tôi tới khách sạn lúc 5 giờ 30 chiều. Nhận phòng xong, đoàn đến nhà hàng Thái để ăn tối. Khách sạn nầy, tương đối cũng khá sang trọng, phòng ốc tiện nghi đầy đủ. Phòng của tôi ở cũng rộng lớn. Vì thế, suốt thời gian ở đây, chúng tôi đều có 2 thời khóa lễ sáng tối.

 

Đồ ăn Thái dù sao cũng dễ nuốt hơn đồ ăn Nhật, không phải đồ ăn của Nhật không ngon, nhưng có lẽ là tại vì chưa quen nên không hạp khẩu vị. Vì cả đoàn ăn chay, nên đối với họ cũng hơi khó nấu. Ngược lại, nhà hàng ở đây đồ ăn tuy không sang trọng, nhưng tương đối hạp với khẩu vị, nên ai nấy ăn ngon lành. Không khí cũng ấm cúng. Bàn ghế thì cũng cung ứng đầy đủ. Đoàn chúng tôi chia ra ngồi 2 bàn tròn. Ăn uống thoải mái vui vẻ. Dùng xong, chúng tôi trở về lại khách sạn ngủ nghỉ.

 

Khách Sạn Princeton

 

Khách sạn đoàn lưu nghỉ mấy đêm

Xung quanh yên tĩnh rất êm đềm

Tiện nghi vật dụng đều đầy đủ

Phòng rộng nệm dày ngủ rất êm

Tự lấy thức ăn cho đủ bữa

Dùng nhiều tự tiện lấy ăn thêm

Bốn sao khách sạn hàng cao cấp

Sáng tối ra vào yên thật yên

 

Ngày 19/4/2012

 

Đêm qua, người nào cũng ngủ ngon giấc. Buổi sáng hôm nay không có công phu, vì tôi muốn cho mọi người ngủ thêm để có sức khỏe bù lại những ngày qua. Tuy nhiên, tôi nghe cô Diệu Phủ nói đã quen giấc rồi dù có ngủ thêm cũng không ngủ được. Người trọng tuổi hay thức sớm lắm.

 

Đúng 7 giờ sáng, chúng tôi tập trung ở phòng ăn để dùng điểm tâm. Mỗi người tự chọn lấy thức ăn theo sở thích của mình. Phòng ăn khá rộng lớn. không gian thật ấm cúng. Chỉ khác hơn ở Nhật là cái không khí ở phòng ăn. Vì đủ hạng khách từ các quốc gia đến đây, nhất là những du khách Trung Quốc và Việt Nam, thì không thể tránh khỏi sự ồn náo. Bởi họ không thích yên lặng như người Nhật. Đây cũng là do tập quán ảnh hưởng của những nền văn hóa khác nhau. Điều nầy cũng do thói quen mà thôi. Đồ ăn thì cũng có đầy đủ chay mặn. Ai thích món gì thì lấy món nấy. Riêng đoàn, không có bắt buộc phải ăn mặn hay ăn chay. Đoàn được tự do ăn uống thoải mái. Tuy nhiên, tôi nhìn thấy đa số vẫn là ăn chay. Có lẽ mấy ngày qua họ cũng đã dùng đồ ăn chay quen rồi. Bàn ghế thì không thiếu vẫn cung ứng đầy đủ cho thực khách ngồi.

 

Vài Nét Về Xứ Chùa Vàng

 

Điểm tâm xong, đoàn lên xe buýt để đi tham quan một vài nơi. Theo hướng dẫn viên cho biết, chương trình tham quan hôm nay gồm có 2 ngôi chùa và hoàng cung của vua Thái triều đại Rama thứ 5. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cũng tìm hiểu sơ qua vài nét về đất nước xứ Chùa Vàng nầy. Như mọi người đều biết, “vương quốc Thái Lan là một quốc gia nằm ở vùng Đông Nam Á, phía Bắc giáp Lào và Myanma; phía Đông giáp Lào và Campuchia; phía Nam giáp vịnh Thái Lan và Mlaysia; phía Tây giáp Myanma và biển Andaman.

 

Thái Lan theo quân chủ lập hiến, đứng đầu là vua Bol Adulyadej lên ngôi từ năm 1946, vị nguyên thủ quốc gia tại vị lâu nhất thế giới và là vị vua trị vì lâu nhất Thái Lan. Thái Lan có diện tích 5.13000 km2 lớn thứ 50 trên thế giới, dân số 46 triệu người, đứng 21 thế giới.

 

Phật giáo thuộc hệ phái Nam Tông và được coi là quốc giáo với tỷ lệ là 95%, Hồi giáo chiếm 4,6% Công giáo khoảng 0,7%.

 

Lịch được sử dụng chính thức Thái Lan là Phật lịch, một loại lịch của người phương Đông sớm hơn Tây lịch 543 năm. Phật giáo được truyền vào Thái Lan vào khoảng thế kỷ thứ 6 Tây lịch bằng đường bộ từ Ấn Độ sang Miến Điện rồi vào miền Bắc Thái Lan và bằng đường biển từ Srilanka. Phật giáo theo truyền thống Theravada trở thành quốc giáo từ thời vua Ramkhamhaeng ( 1279- 1298 ) trong triều đại Sukhothai.

 

Theo thống kê năm 2001, Thái Lan có 33.000 ngôi chùa, 270.000 vị Tỳ kheo, 103.000 Sa di. Đại da số chùa theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy Theravada, với 2 hệ phái: Mahanikaya (Đại bộ ) Và Dhammayutika ( Pháp thuận ).

 

Phật giáo Đại thừa Mahayana của người Hoa có 9 ngôi chùa, và người Việt thì có 12 ngôi chùa”. ( Wikipedeia )

 

Người hướng dẫn giới thiệu đoàn hôm nay là một cậu thanh niên trẻ. Cậu tên là Phạm Duy Long và còn có hai cô đi theo là Phương Duyên, ( bạn gái của Long ) và một chị họ của Phương Duyên là Phương. Cô Phương đi suốt cuộc hành trình 4 ngày. Buổi sáng hôm nay trời nắng đẹp và càng về trưa khí hậu càng oi ả nóng bức. Thường vào những giờ cao điểm đường hay bị tắt nghẻn bởi kẹt xe rất nhiều. Ai có việc cần đi gấp, thì không khỏi sốt ruột nóng lòng. Ở đây, lần đầu tôi mới nghe Long nói là “Đặc Sản” của Thái Lan. Đặc Sản là tiếng “lóng” để ám chỉ xe cô bị kẹt dồn đóng trên đường phố.

 

Đặc Sản

 

Thái Lan “Đặc Sản” nghĩ buồn ghê

Xe kẹt trên đường thật chán chê

Chớ nóng cứ ngồi yên lặng thở

Có gì phải chán phải buồn tê

Chùa Vàng xứ Thái là như thế

Đất Phật rèn lòng hết ủ ê

Có đến đây rồi ta mới biết

Bền lòng chớ vội cứ rà rê

 

Viếng Thăm Chùa Vàng

 

Điểm đoàn tới tham quan đầu tiên hôm nay là ngôi chùa Vàng. Tượng Phật vàng nầy, có một truyền thuyết thật ly kỳ hấp dẫn.

 

Chuyện kể rằng, khi đoàn quân Miến Điện đến xâm chiếm Thái Lan, tất cả tài sản của dân chúng đều bị giặc cướp tàn phá cướp bốc hết. Tuy nhiên, riêng tượng Phật Vàng nầy đã được người ta ngụy trang bằng một lớp bê tông dày bên ngoài và được giữ bí mật tuyệt đối, vì những người chịu trách nhiệm ngụy trang bức tượng nầy bị giết ngay sau khi hoàn tất công việc.

 

Theo sử ghi lại, “tượng Phật vàng được xác định là làm trong thời đại Sukhothai ( khoảng thế kỷ 13-15 ), Một trong những giai đoạn nổi tiếng nhất của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo của Thái Lan, đặt trong một ngôi chùa ở thủ đô cổ Ayuttthaya ( cách Bangkok về phía Bắc khoảng 1 giờ đồng hồ đi xe ). Sau đó tượng được thuyên chuyển đến Bangkok và tôn thờ tại chánh điện của chùa ChotiNaram ( là Wat Phrayakai hiện nay ) dưới thời vua Rama III ( 1824- 1851 ). Năm 1931, ngôi chùa nầy bị bỏ hoang và bức tượng phủ và bức tượng nầy được chuyển đến một nơi tạm thời và chẳng mấy ai quan tâm trong suốt hai thế kỷ. Thập niên 1950, khi di chuyển đến một ngôi chùa mới ở Bangkok, tượng bị tuột khỏi cần cẩu, rơi xuống hố bùn. Cũng chẳng ai buồn trục tượng lên. Người dân địa phương kể rằng có một nhà sư được đức Phật báo mộng nên đi tìm và kéo tượng lên. Qua một vết nứt, nhà sư thấy một tia sáng màu vàng lóe lên và Phật Vàng được “tái sinh”. Kể từ đó, bức tượng Phật bằng vàng trở thành điểm đến không thể bỏ sót trong lộ trình tham quan Bangkok của mọi du khách” ( Website )

 

 Khi vào trong chùa, trước tiên, chúng tôi đến gặp một vị sư để xin phép tham quan và chiêm bái. Được vị sư hoan hỷ cho phép. Tượng Phật Vàng được tôn thờ ở chánh điện. Chánh điện được xây dựng trên một nền cao. Du khách muốn lên chánh điện chiêm bái, tất phải đi lên từng bậc cấp thang. Chánh điện đông người, chúng tôi phải lòn lách mình mới vào được bên trong. Chúng tôi thành tâm chiêm ngưỡng và đảnh lễ Ngài. Được biết, tượng Phật vàng nầy có chiều cao 3 mét đúc bằng vàng khối, nặng 5,5 tấn. Tượng Phật vàng nầy có thể nói là một trong những tượng Phật xinh đẹp nhất ở Thái Lan.

 

Phật Vàng

 

Viếng cảnh Thái Lan nhớ Phật vàng

Phật vàng nổi tiếng khắp âm vang

Đài cao Phật ngự người chiêm lễ

Phật hiện cùng nơi khắp thế gian

Hướng ngoại tìm cầu sao thấy Phật

Hồi tâm trực nhận bản tâm an

Phật vàng Phật bạc còn phân biệt

Vạn kiếp muôn đời tâm bất an.

 

Trong chùa cũng có một vài sạp chuyên bán những thứ đồ lặt vặt để cho du khách mua làm quà tặng. Tôi chỉ lướt xem qua rồi đi trở ra ngoài cổng. Có người cũng lựa mua một vài món để làm quà tặng. Khi ra ngoài chúng tôi mua dừa tươi uống giải khát. Trời đang nóng bức uống nước dừa tươi cảm thấy trong người mát mẻ khỏe khoắn thật dễ chịu.

 

Thăm Hoàng Cung Rama V

 

Chúng tôi đi đến một địa điểm thứ hai đó là hoàng cung của vua Rama thứ 5. Chúng tôi đến đây vào lúc 10 giờ 50 sáng. Du khách vào đây phải tuân hành một số luật định. Tất cả đồ đạc lớn nhỏ không được mang theo trong mình. Kể cả máy quay phim, chụp hình đều không được mang vào. Du khách nữ họ phát cho mỗi người một cái xà rong, không được mặc quần dài hay váy ngắn. Các cô trong đoàn đều quấn xà rong hết trông cũng đẹp mắt. Khi tới đây có người hướng dẫn đặc biệt được chọn làm việc ở đây. Người hướng dẫn chúng tôi là một thanh niên người Thái. Anh nói tiếng Việt được chút ít. Đại khái mình nghe cũng hiểu được. Anh hướng dẫn giới thiệu chúng tôi qua từng phòng, từng nơi. Ngoài ra, anh còn kể sơ qua vài nét về tiểu sử của nhà vua, hoàng hậu và các cung phi mỹ nử ở trong hoàng cung. Đến từng phòng, chúng tôi chỉ đứng ngoài cửa nhìn vào. Tuyệt đối không được bước vào phòng. Nhìn thấy những báu vật được trưng bày có giá trị theo thời gian. Nơi đây có tất cả là 77 phòng, tuy nhiên, họ cho mình xem chỉ có 33 phòng thôi. Tất cả những đồ vật trưng bày trong mỗi phòng đều được bảo trì một cách rất cản mật. Những báu vật nầy cho thấy một nghệ thuật sáng tạo của người dân Thái đã dược đánh giá rất cao.

 

Theo sử ghi lại, cung điện nầy được xây dựng vào thế kỷ thứ 18 dưới thời vua Rama và đây là một ví dụ điển hình cho việc hòa trộn giữa hai lối kiến trúc cổ Thái Lan và lối kiến trúc theo phong cách Tây phương du nhập sang Châu Á. Lối kiến trúc trang hoàng toàn bằng gỗ quý. Là cung điện Hoàng gia, tất nhiên, có nhiều tòa nhà và mỗi tòa nhà được sử dụng mỗi cách thế riêng.

 

Cung Điện Hoàng Gia

 

Cung điện vương triều hệ thứ năm

Nhiều đoàn du khách đến viếng thăm

Nguy nga tráng lệ còn lưu dấu

Phòng ốc trưng bày nét cổ thâm

Vàng son một thuở nay còn đó

Dấu tích muôn đời nổi tiếng tăm

Vạn cảnh qua đi thời vang bóng

Chỉ còn lưu lại một chữ tâm.

 

Dùng Trưa Ở Nhà Hàng

 

Tham quan đại khái nơi đây, chúng tôi đến một nhà hàng để dùng trưa. Nhà hàng nầy có tên là nhà hàng con rồng. Vì cửa vào người ta có tô đắp hai con rồng lớn hai bên trong tư thế sẵn sàng chào đón quý khách. Có lẽ vì vậy mà người ta quen gọi là nhà hàng con rồng. Khuôn viên của nhà hàng có nhiều dãy nhà và họ trang trí chưng bày khá xinh đẹp. Xung quanh còn có nhiều cây cao bóng mát rất thích hợp cho du khách nghỉ chân hóng mát để thưởng thức món ăn. Những nhân viên phục vụ toàn là các cô thiếu nữ Thái xinh đẹp mặc đồng phục. Họ phục vụ rất chu đáo và làm vừa lòng quý khách. Họ cũng trang nhã lịch sự. Người Thái vì chịu ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo, nên lối chào của họ lúc nào cũng chắp tay. Cung cách chào khách của họ gây cho người ta thêm có nhiều cảm tình và chú ý. Rất tiếc, nơi đây không phải là nhà hàng chuyên nấu đồ chay, nhưng tại vì mình đặt họ nấu, nên không phải sở trường của họ, vì vậy mà thức ăn chay không mấy hợp khẩu vị của mình. Thôi thì cứ ráng nuốt cho xong.

 

Chùa Xá Lợi

 

Dùng trưa xong, chúng tôi tiếp tục đi tham quan một ngôi chùa nữa. Ngôi chùa nầy người Việt mình thường gọi là chùa Xá Lợi, vì trong chùa chưng bày rất nhiều viên xá lợi Phật và các vị A la Hán cũng như các vị tổ sư trải qua nhiều đời của họ. Nhìn lối kiến trúc của các ngôi chùa thuộc hệ phái Theravada, tức Phật giáo Nguyên Thủy hầu như phần lớn đều giống nhau cả. Cách thiết trí thờ phụng cũng không khác mấy. Sau khi đảnh lễ Phật, chúng tôi đi một vòng tham quan chiêm bái các viên xá lợi. Những viên xá lợi nầy, người ta để trong các tháp nhỏ lồng trong những tủ kiếng. Họ bảo vệ rất kỹ và cẩn trọng.

 

Chùa Bình Minh

 

Tham quan xong nơi đây, chúng tôi tiếp tục đi tham quan ngôi chùa Aluông, tiếng việt gọi là chùa Bình Minh. Tuy nhiên, muốn đến chùa nầy phải đi bằng thuyền. Chúng tôi ngồi trên một chiếc thuyền, gió mát, nhìn cảnh trí hai bên sông rất thơ mộng. Thuyền cặp bến, chúng tôi lên bờ và đi thẳng vào bên trong khuôn viên chùa. Ngôi chùa nầy điện Phật rất cao giống như một cái bảo tháp lớn. Đường lên rất khó đi bởi nhửng nấc thang đi bộ rất hẹp và thẳng đứng. Chúng tôi chỉ lên vài bậc thang, rồi ngước mắt nhìn lên trên quan sát thôi, chớ không cách nào lên tới trên nổi. Lúc nầy trời nóng gay gắt ngạc thở thật khó chịu. Toàn bộ mặt ngoài đều cẩn bằng những mảnh sành sứ màu sắc hài hòa. Bông kiểu đủ màu rực rỡ, trông rất đẹp mắt. Quan sát toàn bộ xong, vì nắng nóng chúng tôi ngồi nghỉ chân dưới bóng cây. Nơi đây, họ bày bán một số trái cây như: mận, bưỡi, khóm, xoài v.v…Tùy ý khách chọn lựa theo sở thích.

 

Chùa Phật Nằm ( Watpho )

 

Ăn xong, chúng tôi xuống thuyền đi tham quan một ngôi chùa nữa. Chùa nầy tiếng Thái gọi là Watpho, người Việt mình thường gọi là Chùa Phật Nằm. Bởi nơi đây có một tượng Phật nhập Niết bàn dài 46m và cao 15 m được đúc bằng thạch cao. Chúng tôi tới đây vào lúc 3 giờ chiều. Từ bến thuyền du khách phải đi bộ ngang qua các cửa tiệm nhỏ, rồi băng ngang qua đường mới tới ngôi chùa. Vị trí khuôn viên của chùa khá rộng. Đi tham quan một vòng đến nơi phía trước gần bên nơi cái đầu của Phật nằm, chúng tôi dừng lại để giải thích sơ lược về lịch sử của ngôi chùa nầy.

 

Đây là một trong những ngôi chùa rất nổi tiếng ở thủ đô Bangkok. Wat pho là ngôi chùa hoàng gia đầu tiên của Thái Lan, được xem như là quan trọng nhất dưới thời vua Rama đệ I của triều đại Chakri. Vào năm 1788, vua Rama đệ I cho khôi phục lại ngôi chùa nầy. Vì trước đây nó là một ngôi chùa cổ trải qua lâu đời. Đến năm 1801, ngôi chùa đã được đổi tên từ Wat Phodharam thành Wat Phra Chetuphon Vimolmangklaram. Người ta gọi tắt là Wat pho. Trong khuôn viên chùa còn có môt khu bảo tàng viện rộng lớn, là nơi bảo trì những bảo vật xưa như những tượng Phật, kinh sách, tranh ảnh, pháp cụ v.v… Vì chùa có một lối kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nhất là pho tượng Phật nằm với tư thế nhập Niết bàn mạ vàng vĩ đại, nên nơi đây đã trở thành một khu du lịch kỳ thú thu hút du khách hành hương rất đông. Khi vào đây tham quan, du khách phải tuân thủ nghiêm ngặt theo luật lệ đã quy định. Bởi đây là một trong những ngôi chùa thuộc của hoàng gia.

 

Cho Cá Ăn

 

Tham quan xong nơi đây, chúng tôi xuống thuyền đến nơi cho cá ăn. Vì nơi đây có rất nhiều cá. Trên thuyền đã có sẵn bánh mì để cho du khách mua. Chúng tôi mua nhiều ổ bánh mì thảy xuống cho cá ăn. Nhìn thấy cảnh tượng nầy, chúng tôi có ghi lại bài thơ lưu niệm:

 

 

 Trên Thuyền

 

Trời nóng thuyền đi ở giữa sông

Phương xa thăm viếng một tâm đồng

Bao la trời nước ta an hưởng

Vạn pháp an lành một chữ “Không”

Cặp bến thuyền dừng nơi bãi đậu

Niết Bàn Phật tự cảnh chùa Đông

Lên thuyền chạy đến nơi nhiều cá

Cá đớp mồi ăn vui ngắm trông

 

Đúng 5 giờ, rời nơi đây đoàn về lại khách sạn, để mọi người nghỉ ngơi tắm rửa cho khỏe. Sau đó, đoàn đến nhà hàng dùng cớm tối. Dùng xong, ai mệt thì về khách sạn nghỉ, người nào còn khỏe thì đi chợ đêm. Riêng tôi, muốn biết thành phố nầy sinh hoạt về đêm như thế nào, nên tôi và một số người kêu 3 chiếc xe tuk tuk ( giống như xe lam ) để đi tham quan một vòng trong thành phố. Khi ngang qua một ngôi chùa thấy đèn sáng trưng, chúng tôi bảo chú tài xế dừng xe lại rồi xuống đi bộ. Chúng tôi chỉ đứng bên ngoài nhìn vào chớ tối rồi làm sao vô trong được. Ngắm cảnh hóng mát một lát, chúng tôi tiếp tục đi. Khi ngang qua bảo tàng viện, thấy nhiều người tụ tập đông đảo, chúng tôi liền ghé vào xem họ làm gì. Thì ra, mọi người đến đây cũng chỉ để tham quan ngắm cảnh về đêm mà thôi. Sau đó, chúng tôi trở về lại khách sạn ngủ nghỉ….

 

Ngày 20/4/2012/

 

Sáng sớm hôm nay, mọi người thức dậy vào lúc 5 giờ để chuẩn bị đến phòng của tôi tụng kinh niệm Phật. Chúng tôi bắt đầu vào lúc 5 giở 30. Sau thời niệm Phật, như thường lệ chúng tôi đều có trao đổi với nhau qua một vài điều cần thiết trong việc tu học. Chúng tôi cảm thấy rất vui vẻ và ấm cúng. Sau đó, mọi người về phòng thu xếp để chuẩn bị ăn sáng và tiếp tục đi tham quan một vài nơi. Theo hướng dẫn viên cho biết, hôm nay chúng tôi sẽ tham quan ở ba địa điểm: Trung tâm nghiên cứu rắn, khu vườn bướm và trung tâm đá quý. Chúng tôi khởi hành vào lúc 8 giờ 30.

 

Trung Tâm Nghiên Cứu Rắn

 

Điểm đầu tiên đoàn đến là trung tâm nghiên cứu rắn. Đến nơi, vào bên trong, chúng tôi thấy có một số du khách đã ngồi sẵn những hàng ghế chờ đợi tới giờ họ cho rắn biểu diễn. Một sân khấu tròn rộng được đào âm cách mặt đất khoảng độ vài tấc. Tới giờ, có hai người thanh niên thân hình lực lưỡng vạm vỡ, họ bắt những con rắn hổ từ trong thùng ra rồi bắt đầu thực hiện trò chơi biểu diễn. Như đã được huấn luyện quen rồi, các con rắn nầy làm theo người điều khiển. Những trò biểu diễn thật ngoạn mục rất hấp dẫn. Ai nấy tán thưởng bằng những tràn pháo tay vang vội. Sau đó, họ mời chúng tôi đến một căn phòng nhỏ có ghế để sẵn. Sau khi ổn định chỗ ngồi có một người đàn ông mặc chiếc áo màu trắng giống như chiếc áo của bác sĩ, bước vào phòng chào hỏi và ông ta bắt đầu quảng cáo giới thiệu một số thuốc làm bằng mật rắn. Như là một nghề chuyên môn theo đúng bài bản, ông trình bày tràng giang đại hải. Chung quy, cũng là để quảng cáo bán thuốc thôi. Vì lối quảng cáo chuyên nghiệp quá hấp dẫn, nên có một số người mắc bệnh thì không thể bỏ qua. Vì nói trúng bệnh quá và lại thuốc hay nữa nên thuốc bán rất chạy. Đoàn chúng tôi cũng có một vài người mua.

 

Khu Vườn Bướm

 

Rời nơi đây chúng tôi đến trung tâm chuyên bán yến và mật ong. Long cho chúng tôi biết, nơi đây trước kia là một khu vườn có rất nhiều bướm. Nên người địa phương thường gọi nơi đây là vườn bướm. Khi chúng tôi vào bên trong thì người hướng dẫn của trung tâm giới thiệu qua từng nơi và từng loại hàng. Tuy nhiên, chủ yếu chính vẫn là nước yến và mật ong. Nơi đây, chúng tôi tham quan sơ qua, vì không phải nơi mà mình chú ý lắm. Thừa biết, khi mà công ty du lịch hướng dẫn mình, thì những điểm quảng cáo này bắt buộc phải có. Vì đây là chánh sách chung của chánh phủ. Mua hay không là tùy ý khách, không ai bắt buộc. Nơi đây uống một vài ly nước yến giải khác rồi chúng tôi từ giả sớm nơi đây. Rời nơi nầy, trời cũng đã trưa nên chúng tôi đến nhà hàng Thái dùng cơm. Nhà hàng nầy cũng không còn xa lạ với chúng tôi nữa vì đã ăn qua hai bữa rồi. Thức ăn thì tương đối cũng tạm được, đó là theo sự nhận xét chung của nhiều người. Dùng trưa xong, chúng tôi lại tiếp tục đi tham quan khu trung tâm đá quý.

 

Trung Tâm Đá Quý

 

Đây là một trung tâm rất nổi tiếng ở Thái. Nơi đây có nhiều nhân viên người Việt phụ trách. Họ hướng dẫn giới thiệu cũng theo bài bản lớp lang mà họ đã được huấn luyện. Người nào có năng khiếu quảng cáo nhanh mồm lẹ miệng có giọng nói truyền cảm âm thanh tốt thu hút hấp dẫn, bán chạy hàng thì, người đó chắc chắn là sẽ được chủ nhân chú ý ưu đãi. Tham quan nghe người hướng dẫn giới thiệu một vòng, hết bài bản, anh ta trở về vị trí cũ để tiếp tục nhiệm vụ. Thế là, chúng tôi tự do ai muốn đi đâu thì đi. Quý cô mà vào đây, giống như lạc vào mê hồn trận. Những hạt kim cương chiếu sáng lóng lánh, những món hàng trang sức tuyệt đẹp nằm phơi mình óng ánh lấp lánh trong các tủ kiếng, nó có một sức quyến rủ hấp dẫn lạ kỳ! Bên phái nữ vào đây rồi như bị thôi miên không còn biết đường nào ra. Đối với bên nam thì có cách nhìn khác, họ không bị sức hút lôi cuốn như phái nữ. Vì đây là sở trường làm đẹp của quý cô. Nhìn thấy các loại đá quý mà người ta đã sáng chế ra nhiều loại trang điểm khác nhau, tôi có làm bài thơ lưu niệm nơi đây như sau:

 

Nhìn đá quý với muôn màu vẻ đẹp

Khách vào đây như lạc bước chốn thiên cung

Nhìn nơi đâu cũng vật báu cũng đẹp xinh

Gây cho khách đa tình nhìn say đắm

Hạt lớn nhỏ kim cương đầy lấp lánh

Trắng, xanh, hồng chiếu sáng khắp nơi nơi

Như những vì sao rực sáng khắp bầu trời

Những bảo vật đời đời không phai nhạt

Bao kỹ thuật kỳ công nhiều khai thác

Nét tinh kỳ sắc sảo một triều vương

Biết bao giờ nhơn loại mới chán chường

Cho kiếp sống nhơn sinh đầy tham vọng

Sức quyến rủ lôi người vào biển động

Khách đa tình dệt mộng lắm bi thương

Hãy về đi tìm lại nếp sống của “Bình Thường”

Của chân thật trong tình người yêu thương muôn thuở

Nhìn vật chất với muôn màu sặc sở

Biết bao người ham hở đắm mê say

Cuộc đời nầy lắm nhiều nổi đắng cay

Bởi dục nhiễm miệt mài trong mộng ảo

Theo vật báu bên ngoài nhiều điên đảo

Hãy quay về tìm lại Tam bảo ở lòng ta

Thì mới mong dứt kiếp đọa sa

Mới thoát khổ cõi Ta bà đầy hệ lụy.

 

Tham quan xong nơi đây, chúng tôi đến một siêu thị lớn ở thành phố Bangkok để cho đoàn mua sắm đồ. Nói mua sắm chớ kỳ thật chỉ tham quan cho biết thôi. Bởi siêu thị Tàu, Tây, Thái, Lào nào cũng vậy. Điều thực tế nhứt là vào đây nghỉ mát cho khỏe. Bởi siêu thị nào lại không có máy lạnh. Thế là, chúng tôi dạo nghỉ mát trong đây khoảng 2 tiếng đồng hồ. Đúng 6 giờ 30 chúng tôi đi bộ đến xem vị thần bốn mặt và theo truyền thuyết dân gian của người Thái cho rằng vị thần nầy linh thiêng lắm. Khi chúng tôi đến đây, thấy nhiều người đang quỳ lạy van xin cầu khẩn. Đoàn chúng tôi chỉ xem qua cho biết rồi đi, vì không có thời gian ở lâu. Chúng tôi đi thẳng đến nhà hàng Thái quen thuộc dùng cơm tối. Dù đã tối rồi mà khí hậu vẫn còn nóng bức nên ai nấy đều muốn đi thẳng về khách sạn để nghỉ ngơi cho khỏe.

 

Ngày 21/4/2012/

 

Hôm nay là ngày cuối ở Thái Lan. Như sáng hôm qua, 5 giờ sáng mọi người đến phòng tôi tụng kinh niệm Phật. Sau đó, mọi người về phòng thu xếp hành lý để chuẩn bị rời khỏi khách sạn. Thu xếp xong, tất cả mang hành lý xuống phòng lê tân rồi sau đó dùng điểm tâm lúc 7 giờ 30. Dùng xong, tất cả hành lý đều đưa lên xe. Mọi việc xong xuôi, chúng tôi đi tham quan một ngôi chùa cuối cùng truớc khi rời khỏi xứ Chùa Vàng.

 

Viếng Thăm Chùa Drammakaya

 

Chúng tôi bắt đầu khởi hành vào lúc 10 giờ sáng. Được biết ngôi chùa nầy nổi tiếng lớn nhứt ở Thái Lan. “Ngôi chùa có tên là Phật Đài Drammakaya, tọa lạc cách thủ đô Bangkok 16 km về phía Bắc là trung tâm Phật giáo Drammakaya, nổi tiếng khắp thế giới với kiến trúc đồ sộ chưa từng có, gồm một Phật đài 300.000 pho tượng và ngôi thiền đường chứa khoảng 100.000 người.

 

Có thể nói đây là một trong những kỳ quan của Phật giáo thế giới trong thời hiện đại. Truyền thống Drammakaya bắt đầu thành lập từ năm 1916 khi đại sư Phra Monkol Thempmun ( 1884-1959 ), khởi sáng lập chùa Paknam, người đắc pháp Thiền Định và quyết định phục nguyên truyền thống thiền định của đức Phật Thích Ca từ hơn 2500 năm trước.

 

Một trong những vị đệ tử nổi tiếng của đại sư là sư bà Khun Yay Ubasika Chandra Khonnokyoog, là người thừa kế sự nghiệp của tổ sư.

 

Chùa Phra Drammakaya được sư bà Khun Yay ( 1909- 2000 ) thành lập năm 1970 cùng hai đệ tử là Đại Đức Drammajayo và Đại Đức Dahajivo. Chùa được khởi công xây dựng vào ngày 20/2/1970 trên một khu đất rộng 80 mẫu do nữ thí chủ Prayat PhaeTaya Ponsa hiến cúng. Lễ đặt đá chánh thức xây dựng chùa được tổ chức trọng thể với sự tham dự của công chúa Maha Chakri Sirindhorn.

 

Chánh điện thờ Phật được hoàn tất năm 1982. Trong thời gian xây chùa, một giới đàn được tổ chức với số lượng Tăng Ni và Phật tử tham dự cả hàng trăm ngàn người. Tổ chức Drammakaya có 6 chi nhánh ở nước ngoài.

 

Năm 1985, khuôn viên chùa được mở rộng đến 100 mẫu để chuẩn bị cho dự án xây dựng Phật Đài Drammakaya. Phật đài khởi công xây dựng từ năm 1995 và hoàn tất cuối năm 1999. Đại lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 22/4/2000. Phật đài Drammakaya có diện tích 1 cây số vuông và được chia thành làm 4 khu vực:

- Phần 1 Phật bảo rộng 108 mét, vòm trên đỉnh tháp, tôn trí 300.000 tượng Phật.

- Phần 2, Pháp bảo rộng 108 mét, được nối liền với phần 1, biểu trưng cho sự yên bình và hạnh phúc mà giáo pháp của đạo Phật mang đến cho chúng sanh.

- Phần 3, Tăng bảo rộng 756 mét là pháp tòa cho 10.000 vị Tăng hành lễ hoặc thuyết pháp.

- Phần 4, vòng tròn bao quanh Tăng bảo là chỗ ngồi của thập phương Phật tử có khoảng 1 triệu chỗ ngồi được thiết lập. Công trình Drammakaya nặng khoảng 250.000 tấn, sức chịu đựng kéo dài 1000 năm. Một triệu tượng Phật tại Phật đài Drammakaya hình tháp tròn theo truyền thống của Phật giáo Theravada, vòm đỉnh tròn ở trên gồm 300.000 tượng và 700.000 tượng còn lại sẽ được tôn trí bên trong tháp, mỗi tượng Phật cao 18 cm, nặng 2,5 kg được đúc bằng loại đồng pha vàng được nung nóng từ 1200 đô c” ( Wikipedia )

 

Khi đoàn chúng tôi đến đây đã được một thiện nam hướng dẫn giới thiệu qua từng nơi. Ông tiếp đãi chúng tôi rất niềm nỡ tử tế. Tuy ông không tự giới thiệu nhưng tôi biết ông là một thành viên trong Ban quản lý điều hành và có thể ông được đặc trách ngoại giao đón tiếp các phái đoàn đến tham quan. Vì diện tích toàn khu đất quá rộng lớn, nên đi bộ không thể nào tham quan hết được, do đó, chúng tôi được ngồi trên một chiếc xe khá đặc biệt chuyên chở phục vụ du khách. Đi tới nơi nào đều được người hướng dẫn giải thích cho chúng tôi biết. Ông nói tiếng Anh khá lưu loát. Chúng tôi đến một nơi thờ Phật rất tôn nghiêm và chúng tôi xin phép được tụng một thời kinh ngắn cầu nguyện quốc thới dân an ở nơi đây. Dĩ nhiên, ông rất vui vẻ và chấp tay kính cẩn nghe chúng tôi tụng niệm.

 

Tham quan một vòng rộng lớn, trời cũng đã trưa, đến giờ ăn trưa, chúng tôi xin phép và từ giả ông để về lại thành phố Bangkok.

 

Chúng tôi có ghi lại bài thơ đánh dấu nơi đây:

 

Ngôi chùa danh tiếng một kỳ quan

Đất rộng người đông tính triệu ngàn

Kiến trúc kỳ công nhiều vẻ đẹp

Trai đường rộng lớn chẳng lo toan

Về đây du khách vui ngoạn cảnh

Đất Phật an lành chốn thế gian

Ân Đức cao thâm người tôn kính

 Phật Đài rộng rãi khắp thênh thang.

 

Lúc đó đã gần 1 giờ. Chúng tôi trở về nhà hàng Thái quen thuộc để dùng cơm. Dùng xong, thời gian còn lại chúng tôi lại vào trong siêu thị để trốn nắng. Thời tiết ở Thái Lan cũng không thua gì thời tiết Việt Nam. Nóng nực oi bức thật khó chịu. Cô Phương cho biết là sau khi mua sắm ở trong siêu thị thì đoàn sẽ dùng chiều cũng trong siêu thị nầy, vì trong siêu thị nầy có tiệm bán đồ ăn chay. Tôi nhìn thấy mọi người đi lòng vòng tới lui trong siêu thị mà không có ai mua một món gì, đi đã một hồi rồi cũng gặp nhau lại. Cứ thế lòng vòng cho hết buổi đặng ra phi trường về Úc. Thấy cảnh nầy, tôi ghi lại hai bài thơ cho vui.

 

Buổi chiều vào chợ cũng vui vui

Đi tới, đi lui nghĩ tức cười

Hàng hóa nhìn xem rồi cũng chán

Chân chồn mắt mỏi ghế ngồi chơi

Nóng lòng chờ đợi mong qua buổi

Hủ tiếu nhà hàng gấp đến xơi

Lãng phí nửa ngày vô ý nghĩa

Phi trường về Úc chóng yên nơi.

 

 

 &&&

 

Chợ bán nhiều đồ đũ mọi nơi

Hàng bày ngăn nắp khách mua chơi

Hàng nào hàng nấy từng khu biệt

Khách đến tìm mua thật dễ thôi

Mỗi chỗ mỗi nơi đều có ghế

Ngồi vào nghỉ mệt khách vui chơi

Úc Châu chỉ khách không mua sắm

Rảo bước chờ về trông tới nơi

 

Đúng 6 giờ chúng tôi dùng cơm tối và sau đó ra phi trường. Đến phi trường vào lúc 8 giờ và cô Phương thay cho đoàn lo hết thủ tục giấy tờ. Vì chek in nhóm cho nên mọi người tập trung một chỗ chờ đợi cũng không lâu lắm. Chek in xong chúng tôi từ giả cô Phương người hướng dẫn đi sát với đoàn suốt 4 ngày qua. Là một người Việt sinh sống ở đất Thái, tuy đây là nghề nghiệp của cô, nhưng trong mấy ngày qua giữa cô và đoàn cũng đã có nhiều thiện cảm. Cho nên, thay mặt đoàn chúng tôi nói vài lời cám ơn cô.

 

Đất Thái tham quan trọn bốn ngày

Giả từ xứ Thái tối đêm nay

Biết bao kỷ niệm niềm lưu luyến

Cung điện, già lam đến Phật đài

Thuyền chạy trên sông nghe gió mát

Tâm bình thư thái chốn Thiên thai

Kỳ quan Đại Tự vui thanh thoát

Xá Lợi Niết bàn hết đắng cay.

 

Thế là, chúng tôi vào bên trong chờ đợi để lên máy bay về lại Melbourne. Đúng 12 giờ khuya máy bay cất cánh. Ngồi trên máy bay, có thể mỗi người có mỗi hướng suy tư khác nhau. Có người ôn lại trong trí nhớ những gì đã trải qua trong những ngày ở Nhật và bốn ngày ở Thái Lan ngắn ngủi. Chuyến đi nào lại không có những chuyện buồn vui xảy ra. Vì còn là phàm phu, phiền não dẫy đầy, nên không sao tránh khỏi những va chạm buồn vui trong khi giao tiếp. Tuy nhiên, chuyến đi nầy với cái nhìn chung của cô Diệu Phủ, cô đã nêu ra trong phần nhận xét cảm tưởng của cô. Bài cảm tưởng của cô hơi dài, ở đây chúng tôi chỉ xin nêu ra ở phần đoạn kết của cô thôi. Mong cô cũng hoan hỷ thông cảm cho.

 

Cô nói: … “Bài học nào cũng có cái giá của nó. Nếu chỉ nói trong phạm vi của chuyến đi nầy thì giá mà mình đã trả quá rẻ ( nói về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen ). Nhiều bài học thường thức về lối sống, về phong tục tập quán, về cách ăn ở, về cách cư xử, về lòng từ bi, về tinh thần kỹ luật về niềm tự hào và tự trọng của người Nhật mà mình không sao không để tâm suy gẫm để làm tư lương cho mình trên bước đường tu tâm dưỡng tánh.

 

Xin cám ơn chư Phật chư Bồ Tát và cũng xin cám ơn đời, cám ơn tất cả mọi người đã ban cho mình có đủ duyên lành được tham dự chuyến đi nầy để mình nhận chân ra được thế nào là tình yêu tổ quốc tình yêu nhơn loại, nghĩa tình sư đệ và tình bằng hữu.

 

Rất mong tất cả những gì đã mang đến cho mình nỗi ưu tư phiền muộn sẽ qua đi hết, chỉ giữ lại trong tâm khảm những hình ảnh đẹp, những kỷ niệm vui để rồi còn mong có ngày tái ngộ. Mong thay”.

 

Đó là tâm tư nguyện vọng của một người mang nặng trái tim yêu thương và khối óc tìm hiểu đã trải qua suốt cuộc hành trình ở Nhật và Thái Lan.

 

Thay Lời Kết

 

Như đã nói, nội dung của tập sách nhỏ nầy lẽ ra đã chấm dứt khi rời khỏi mảnh đất Phù Tang, hay xứ Hoa Anh Đào, nhưng vì còn có 4 ngày ở Thái Lan, cho nên chúng tôi ghi thêm vào đây cho trọn chuyến đi. Dĩ nhiên, trong đoàn chỉ có mười sáu người qua Thái Lan, còn lại đều trở về Úc. Người xưa nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Nếu thế, thì chúng tôi có được 18 ngày để học được 18 cái sàng khôn. Thật ra, trên trường đời người ta sẽ học khôn không bao giờ cùng. Người xưa có câu nói: “Ai đã từng chiến thắng mà không từng chiến bại, ai đã nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Bởi “thất bại là mẹ đẽ của thành công”. Thử hỏi trên cõi đời nầy có một sự thành công lớn lao nào mà không phải trả một cái giá rất đắt. Nếu như học khôn, tôi thiết nghĩ, không phải chỉ có bao nhiêu cái sàng khôn đó là đủ. Làm người không nên tự mãn. Vì tự mãn là con đẽ của bản ngã. Tôi đã tự nhắc nhở mình như thế. Học khôn cả đời người còn chưa thấy thấm thía gì, nói chi chỉ có bao nhiêu ngày đó thôi. Càng học thấy mình càng thêm ngu dốt. Bởi sở học mênh mông không bao giờ cùng. Dù học trực tiếp qua kinh nghiệm ở đời hay trong sách vở cũng thế. Tuy nhiên, Trong những ngày qua, chúng tôi có được cái cơ may là sang nước Nhật. Đây là một quốc gia đã được người ta đánh giá là một đất nước nổi tiếng về trình độ dân trí cao cũng như về mọi phương diện lĩnh vực khác. Nhất là vấn đề kinh tế và giáo dục.

 

Một đất nước mà đã gây sự chú ý và cảm tình nhất của thế giới. Dù bị đói khát bởi do hoàn cảnh thiên tai gây ra, nhưng họ vẫn giữ được phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người. Cụ thể như một em bé khi nhận được một món quà do người khác tặng cho, nhưng em không nhận để hưởng thụ riêng em. Em chỉ muốn phân phát chung cho mọi người. Dù chỉ là một món quà nhỏ mọn, nhưng em cũng đã thể hiện được cái bản chất đạo đức vị tha trong người em. Nghĩa cử nầy, đã được người ta chiếu trên màn ảnh ti vi và đã được thế giới lên tiếng ca ngợi tinh thần hy sinh cao đẹp của người Nhật. Hoàn cảnh khó khăn khốn khổ nào, họ cũng vẫn giữ được sự trầm tĩnh, tôn trọng, trật tự, hiểu thương và không bao giờ gây nên cảnh cướp giựt tranh giành hay phá phách chiếm hữu bất cứ thứ gì của ai. Dù đó chỉ là một nghĩa cử nhỏ nhặt của một em bé, nhưng nó đã được người ta đánh giá của một nền giao dục cao độ trong một quốc gia. Đó cũng là một bài học thật đáng giá cho những ai còn nuôi quá nhiều tham vọng, vị kỷ thấp hèn chỉ nghĩ cho riêng mình, ai chết mặc ai. Bài học đó cũng còn dạy cho chúng ta thấm thía về tình người, tình đồng bào và trên hết là tình nhơn loại.

 

Ngoài ra, chúng tôi còn học được nhiều thứ khác, nhất là trong cung cách hành xử, khi giao tiếp, chào hỏi, lễ nghi, lịch sự xã giao của họ. Nếu một người có tôn trọng tập thể, tôn trọng tha nhân, và trên hết là tôn trọng ở nơi nhơn cách của chính bản thân mình, tất nhiên, sẽ đem lại sự trật tự, nề nếp, an bình trong cuộc sống. Không những riêng cho cá nhân mà nó còn ảnh hưởng tác động chung cho tập thể xã hội. Cứ nhìn vào cách sống của họ mà cụ thể là thái độ, nói năng, hành xử, trong đám đông, thì ta cũng đủ biết cái cung cách sống xử thế của họ như thế nào rồi.

 

Nói chung, là chúng tôi học được rất nhiều qua hành động và cách sống của họ. Mặc dù chúng tôi chưa có giao tiếp hay đi sâu vào đời sống của họ qua các lĩnh vực như: văn minh, văn hóa, kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, phong tục, tập quán, tôn giáo, giáo dục v.v… nhưng ít ra, chúng tôi cũng có thể biết được phần nào về đời sống và xã hội của họ trong một vài thực tế cũng như trong sách vở. Ở đây, chúng tôi không có cái cao vọng là đánh giá toàn bộ vấn đề, mà chúng tôi chỉ nói lên những gì mà mắt thấy và tai nghe trong cuộc hành trình ngắn ngủi của chúng tôi mà thôi. Dù sao, chúng tôi cũng học hỏi được ít nhiều trong các ngôi chùa mà chúng tôi đã tới lui tạm trú.

 

Nhìn lại, chúng tôi cảm thấy có rất nhiều niềm vui khi đến những nơi xảy ra thiên tai. Chúng tôi đến để tụng kinh cầu nguyện, để an ủi xoa dịu và nhất là giúp đỡ cho họ những gì mà họ đã và đang thiếu thốn mất mát. Dĩ nhiên, với khả năng hiện có của chúng tôi thì chúng tôi cũng chỉ giúp cho họ có giới hạn mà thôi. Dù việc làm rất nhỏ so với sự mất mát quá lớn lao của họ, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy ấm lòng không uổng phí trong chuyến đi. Chúng tôi đã thấy họ bày tỏ ra mặt trong niềm thông cảm và biết ân sự có mặt của đoàn chúng tôi. Đó là một niềm hạnh phúc an vui chung của đoàn.

 

Những ngày tạm trú, chúng tôi cũng đã cảm nhận được những ân tình cao đẹp mà ở hai chùa: Nhật Tân Cốc và Đại Hùng đã sẵn dành cho chúng tôi quá nhiều thiện cảm ưu ái. Hòa Thượng Yoshmizu Daichi viện chủ chùa Nhật Tân Cốc và Thượng Tọa Kojima Kojin trụ trì chùa Đại Hùng, hai Ngài đã tận tình ưu đãi giúp đỡ cho đoàn chúng tôi đủ mọi phương tiện. Nhờ đó mà những ngày đoàn lưu trú ở hai ngôi chùa nầy mới có được tiện nghi thoải mái. Nhân đây, thay mặt đoàn, chúng con cũng xin thành kính tri ân hai Ngài rất nhiều.

 

Ngoài ra, một lần nữa, chúng tôi cũng xin chân thành tri ân đến các vị như: Thầy Đức Minh, sư cô Tâm Tri, ông Sato, ông Milla, ông Abe, Phật tử Nhật Tịnh, hai cha con ông tài xế Masaro, Quảng Ngộ, Diệu Nguyện, Phạm Tuyết Hùng, Bùi Thị Mỹ Hương và một số quý Phật tử bên đó mà chúng tôi không nhớ hết. Xin tất cả nhận nơi đây lòng biết ân sâu xa của chúng tôi. Nhờ quý vị hết lòng tận tình giúp đỡ lo lắng mà đoàn chúng tôi mới có được những thành công tốt đẹp của chuyến đi Nhật Bản lịch sử nầy.

 

Sau cùng, chúng tôi cũng xin tri ân quý vị trong đoàn, quý vị trong Ban Tổ Chức đã ý thức và nhiệt tâm tích cực đóng góp về mọi mặt cho chuyến đi. Nhờ đó mà chuyến đi mới được thành tựu viên mãn tốt đẹp.

 

Điều mà chúng tôi cũng xin thưa thật ra đây, bất cứ chuyến đi nào ít nhiều gì cũng không làm sao tránh khỏi những chuyện buồn vui. Riêng chuyến đi nầy, theo nhận xét của riêng tôi, thì vui nhiều mà buồn ít. Hầu như tất cả đều quyết tâm chung lo cho đoàn. Đó là điều mà chúng tôi cảm thấy rất vui mừng. Tuy nhiên, tổ chức nào mà lại không có những điều sơ sót sai lầm. Cõi đời tương đối hễ có cái ưu, tất nhiên là phải có cái khuyết. Bởi thế, dù chúng tôi có cố gắng đến đâu cũng không làm sao tránh khỏi những sơ sót lỗi lầm. Và cũng không thể nào làm hài lòng vừa ý hết mọi người. Tôi thấy mọi người có tinh thần tương trợ đồng đội rất cao. Bởi tất cả đều sinh hoạt chung trong một đạo tràng, nên việc yêu thương giúp đỡ cho nhau là điều tất yếu phải có. Hơn nữa, nếu có chuyện gì không vui thì mọi người cũng dễ thông cảm và dễ tha thứ bỏ qua.

 

Với tư cách của một người hướng dẫn đoàn, riêng cá nhân tôi, nếu tôi có làm những điều gì mà quý vị không vui, thì xin quý vị cũng vui lòng niệm tình thứ lỗi bỏ qua cho. Điều mà cho đến bây giờ khi nhớ lại, tôi không thể nào quên được những hình ảnh thân thương mà quý vị đã cùng chúng tôi thành tâm tụng kinh bái sám ở trong các ngôi chùa cũng như ở một vài khách sạn. Hướng ứng theo lời mời gọi của chúng tôi, quý vị lúc nào cũng tinh tấn nhiệt thành đều có mặt đầy đủ trong những thời khóa lễ. Đó là niềm đáng được tự hào của một người Phật tử dù đi đâu hay ở đâu cũng không thể nào quên được món ăn tinh thần quý giá của mình. Chính những giây phút thiêng liêng đó, tôi mới nhận ra tình bạn đạo đồng tu đồng học thật là thấm thiết. Trong những buổi tụng niệm đó không bao giờ vắng mặt một ai, dù đi sinh hoạt suốt cả ngày trời. Những lúc lên xe, tất cả cũng đồng tâm hết lòng niệm Phật. Đó là điều mà tôi cảm thấy rất vui thật không gì bằng. Phải chăng nhờ sự thành tâm cầu nguyện và tu học như thế mà mang lại cho chuyến đi một thành quả rất tốt đẹp. Xin chân thành cám ơn quý vị rất nhiều.

 

Đến đây, chúng tôi cũng xin được có đôi lời bày tỏ chút nỗi lòng thầm kín riêng của mình. Trước hết, chúng tôi xin muốn được thưa riêng cùng quý vị trong đoàn và cũng muốn chia sẻ chung cùng quý độc giả. Sách nầy, tôi tưởng là không thể hội đủ nhân duyên để ra mắt quý vị trong đoàn cũng như quý độc giả. Lý do thật đơn giản là do sự bất cẩn của chúng tôi. Khi biên soạn gần xong phần ở bên Nhật chì còn một ngày cuối cùng nữa thôi, khi cắt ráp tài liệu, tôi vô ý xóa đi hết toàn bộ của phần đã viết, thay vào đó là phần mới đưa vào. Lúc đó thưa thật, tôi không còn giữ được sự bình tĩnh. Bởi vì cái công sức của mình bỏ ra gần cả tháng trời để ghi chép, nay bỗng phút chốc biến thành mây khói hết, thật là công dã tràng. Thú thật, mất đi cũng là điều đáng tiếc, nhưng tôi lại tự trách sự bất cản của tôi hơn. Hơn nữa, tôi cũng chưa phải là người rành sử dụng máy computer, chi học lóm lõm bõm biết sử dụng được chút ít là nhờ mỗi người chỉ cho một chút đó thôi. Có thể nói, đây là bài học kinh nghiệm đau thương rát bỏng của tôi.

 

Sau khi biết đã bị mất hết rồi, tôi vẫn còn nuôi hy vọng là sẽ tìm lại được. Tôi nghĩ, tại mình chưa biết cách tìm ra đó thôi. Bấy giờ người mà tôi nghĩ đến đầu tiên để nhờ giúp cho tôi, đó là cô Hà pháp danh Tâm Thanh. Lúc đó cũng gần 5 giờ chiều, Hà còn làm ở hảng. Tôi liền gọi điện thoại cho Hà và trình bày sự việc vừa mới xảy ra cho Hà biết, Hà nói với tôi thầy cứ để yên đó, trên đường về con sẽ ghé lại giúp thầy. Tôi yên tâm, bởi tôi tin tưởng ở nơi Hà sẽ tìm lại được. Tuy nhiên, Hà đã làm đủ mọi cách mà cũng không tìm được. Tôi biết tánh Hà ít khi chịu bỏ cuộc nửa chừng. Qua 2 ngày sau, Hà mua software để tìm kiếm mà cũng không tìm ra. Thậm chí, Hà và Thiện Minh đem cái máy ra ngoài tiệm để nhờ chú Lực chủ shop bán máy computer ở Sunshine tìm giùm mà cũng không được.

 

Tối hôm đó, anh Trí Bảo và cô Tâm Hoàng có chút việc đến thăm tôi, sau khi anh nói hết câu chuyện của anh, thì tôi mới trình bày về câu chuyện mất bài của tôi. Anh nói: “được rồi con sẽ nói với Trí Anh, (tức con trai của con), bảo nó giúp cho thầy, vì nó cũng khá giỏi về ngành computer”. Lại một lần nũa, tôi mừng thầm thế nào cũng có cách tìm ra. Tội nghiệp cho Trí Anh đến chỗ tôi làm cả mấy tiếng đồng hồ mà tìm cũng không ra, dù Trí Anh cũng đã có mang theo đồ nghề. Thời gian tôi lên Phước Huệ một tuần trong những ngày đầu của mùa an cư năm nay, cô Tâm Hoàng ( thân mẫu của Trí Anh ) đến Niệm Phật Đường của tôi để chở máy về cho Trí Anh tiếp tục tìm giùm. Cuối cùng, cũng tìm không ra. Thế là đành chịu không còn cách nào khác. Bấy giờ tôi điện thoại cầu viện với cô Thảo Phạm, vì cô rất giỏi, có bằng tiến sĩ computer để nhờ cô giúp giùm. Cô hoan hỷ giúp giùm. Đây là niềm hy vọng cuối cùng của tôi. Tuy cô không đến tận nơi, nhưng cô liên lạc hướng dẫn chỉ cách cho Hà tìm, nhưng than ôi! cũng không tìm được. Thế là hết cách. Khi làm đủ mọi cách mà cũng tìm không ra, quý vị đó mới nói với tôi: “ Giờ chỉ còn có một cách duy nhất thôi là thầy có thể viết lại”. Chớ còn tụi con xin đầu hàng vô điều kiện rồi. Nghe vậy, thú thật lúc đầu tôi cũng hơi chán nản muốn bỏ cuộc, bởi khi nghĩ tới cảm thấy tiếc nuối uổng công trình hết muốn làm. Tuy nhiên, nhờ sự khích lệ hỗ trợ tinh thần của quý vị đó và một vài vị trong đoàn cũng yêu cầu tôi viết lại. Nhật Tịnh khi được tin, cô cũng nói, thầy có thể viết lại được không. Thế là tôi hạ quyết tâm sẽ bắt đầu ghi lại. Tôi bắt đầu ghi lại vào ngày 11/6/2012.

 

Sở dĩ chúng tôi trình bày dài dòng như thế, mục đích là để nhân cơ hội nầy, tôi xin cám ơn những vị đã tận tình cố gắng giúp cho tôi như: Hà, chú Lực (chủ shop computer), Trí Anh, Thảo Phạm và ông bà Trí Bảo. Đây là những vị đã hết lòng giúp cho tôi tìm lại mà không được. Vì sự bất cẩn của tôi mà làm phiền quý vị đó. Quý vị đó vì tôi mà đã tốn hao nhiều thời giờ và công sức. Nói lên điều nầy, để tôi thành thật xin lỗi đã làm phiền bận tâm quý vị và cũng xin chân thành cám ơn quý vị. Xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ân sâu xa của chúng tôi. Và chúng tôi cũng xin cám ơn những vị đã nhiệt tâm hỗ trợ khích lệ tinh thần chúng tôi. Nhờ thế, nên hôm nay tác phẩm nầy mới sớm được hoàn thành ra mắt quý vị và quý độc giả. Đó cũng là nhờ sự hỗ trợ giúp sức của tất cả quý vị.

 

Nhân đây, chúng tôi cũng không quên thành kính tri ân quý liên hữu Phật tử trong hai đạo tràng Phước Huệ và Quang Minh cũng như những Phật tử xa gần đã phát tâm tùy hỷ đóng góp tịnh tài để ấn hành quyển sách nầy.

 

Thành tâm cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho toàn thể liệt vị luôn sống trong an lành, vạn sự hanh thông và kiết tường như ý.

 

Soạn xong ngày 29 tháng 6 năm 2012.

(Nhằm ngày 11 tháng 5 năm Nhâm Thìn)

Tịnh Lạc Niệm Phật Đường

 

Kính ghi

Thích Phước Thái 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567