Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 10

24/06/201319:28(Xem: 9375)
Phần 10

AN TIÊM

KIM CÁC TỰ

YUKIO MISHIMA

Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minhdịch

Kinkakuji

198kimcattu-8

--- o0o ---

10

Mò đến Gobancho hôm trước, ngày hôm sau tôi đã thực hành một thí nghiệm. Tôi nhổ hai cái đanh dài khoảng năm phân ở cửa sổ phía bắc Kim Các.

Có hai lối vào Pháp Thủy Viện ở tầng dưới Kim Các. Cả hai đều là cửa gấp, một hướng về phái đông, một hướng về phía tây. Đêm nào ông lão dẫn đường cho khách đến vãn cảnh chùa cũng lên Kim Các; thoạt tiên từ bên trong lão đóng cửa hướng tây và từ bên ngoài lão đóng cửa hướng đông lại rồi mới khóa. Tuy nhiên, tôi biết mình không cần khóa cũng vẫn có thể đi vào Kim Các được. Vì ở mặt bắc có một cửa gỗ cũ kỹ không còn dùng nữa. Nếu mình nhổ đi độ nữa tá đinh từ trên xuống dưới thì có thể nhấc cánh cửa này ra dễ dàng. Những cái đinh này đã long hết cả và mình có thể lấy tay nhổ ra thật dễ dàng. Do đó tôi đã nhổ thử hai cái đem gói trong một miếng giấy nhỏ và cẩn thận nhét xuống dưói đáy ngăn kéo. Vài ngày trôi qua. Hình như không ai để ý gì hết. Một tuần trôi qua. Vẫn không có dấu hiệu gì chứng tỏ có ai nhận thấy những cái đinh ấy đã bị nhổ đi. Đến tối hôm hai mươi tám tôi lén lút lẻn vào trong chùa và nhét những đanh ấy vào chỗ cũ.

Vào cái hôm nhìn thấy Lão sư phụ khom mình trong căn trà thất và đi đến quyết định không cần nương tựa vào sức mạnh của môt ai khác, tôi đã tới một hiệu thuốc gần ty cảnh sát Nishigin ở đường Chimoto Imaidegawa mua một ít thạch tín, thoạt tiên người ta đưa cho tôi một cái chai nhỏ đựng không đầy 30 viên thuốc. Tôi đòi lấy một chai lớn hơn và kết cục phải trả một trăm yen để mua lấy chai 100 viên. Sau đấy tôi tới một cửa hiệu bán đồ sắt phía nam ty cảnh sát và mua một con dao díp lưỡi dài độ 10 cm. Mua thêm cái bao tôi phải trả chín mươi yen cả thảy.

Tôi đi đi lại lại trước ty cảnh sát Nishigin. Lúc đó trời tối rồi và trên nhiều cửa sổ đã có ánh đèn sáng chưng. Tôi để ý thấy một người cảnh sát hình sự mặc chiếc sơ mi hở cổ, tay xách một chiếc vali nhỏ vội vàng đi vào tòa nhà. Chẳng có ai chú ý đến tôi. Chẳng có ai chú ý đến tôi trong suốt hai mươi năm qua và trong hoàn cảnh này, trạng thái này tất nhiên vẫn còn tiếp tục như cũ. Trong lúc này tôi vẫn còn là một con người tầm thường không quan trọng một chút nào. Ở cái xứ Nhật Bản này có hàng trăm vạn, nghìn vạn con người sống âm thầm trong xó tối chẳng được một ai chú ý tới cả. Tôi vẫn còn thuộc về lớp người đó. Những người này còn sống hay đã chết thiên hạ không hề bận trí lấy mảy may và vì thế thường thấy an tâm đối với họ. Do đó người cảnh sát hình sự cảm thấy yên lòng và không thèm bận trí nhìn đến tôi lần thứ hai. Ánh sáng đèn đỏ sương khói mịt mờ chiếu rọi tấm bảng đá đeo ngay trước ty cảnh sát Nishigi; chữ sát đã rơi mất và chẳng ai buồn nghĩ đến việc đem chữ khác thay thế.

Trên đường về chùa tôi cứ lẫn quẩn nghĩ mãi đến những món đồ mới mua tối hôm ấy. Đó là những món đồ làm lòng tôi rộn rã. Mặc dù đã mua thạch tín và con dao để phòng xa trường hợp phải tìm lấy cái chết, song tôi vẫn cảm thấy hết sức bằng lòng đến những thứ này đến độ tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi phải chăng niềm vui của một người có gia đình và đang mua đồ đạc sắp đặt kế hoạch cho cuộc sống tương lai. Ngay cả sau khi đã về tới chùa rồi, tôi vẫn đem hai thứ đã mua ra mà ngắm nhìn không chán mắt. Tôi rút con dao ra khỏi bao và le lưỡi liếm dao. Tức thời chất thép mờ đi và sau khi thấy mát lạnh đầu lưỡi tôi cảm thấy một mùi vị dịu ngọt, xa xôi. Cái mùi vị dịu ngọt từ trong cái thực chất khó mà đạt tới của lưỡi thép đã lan nhẹ sang lưỡi tôi. Hình thù sáng loáng, chất sắt bóng lộn giống như màu lam sậm của biển sâu - chính chúng đã mang cái hương vị dịu ngọt dần dần phai nhạt xa mờ. Sung sướng, tôi hình dung ra cái ngày mà hương vị dịu ngọt ấy tràn lan tung tóe làm da thịt tôi ngây ngất say sưa. Bầu trời của chết chóc sáng rực cùng lúc đó, tôi thấy hầu như bầu trời của sự sống thì tôi đang quên dần. Những ý nghĩ đen tối đều rời bỏ tôi. Cuộc sống trên đời này bây giờ không còn thống khổ nữa. 

Sau chiến tranh một máy phòng hỏa tự động tối tân đã được đặt bên trong Kim Các. Khi nào nhiệt độ bên trong Kim Các lên tới một mức độ nhất định thì chuông báo động sẽ reo vang trong hành lang Sự vụ thất của Lộc Uyển tự. Vào tối ngày 29 tháng 6 bộ phận báo động bị trục trặc. Chính ông lão dẫn đường cho khách vãn chùa đã khám phá ra. Lúc ấy tình cờ tôi ở lại trong nhà bếp và nghe thấy tiếng ông già báo cáo sự việc trong nhà liêu của ông Chấp sự. Tôi cảm thấy mình khẩn trương và tập trung ý chí tinh thần tôi sẽ căng thẳng tới mức nào, thế nhưng tôi cũng tưởng tượng rằng dạ dầy tôi sẽ bị bỏ rơi trong tình trạng cô độc ấy. Tôi cảm thấy nội tạng của tôi giống như con chó khốn khỏ nào đó của tôi chưa bao giờ được huấn luyện thuần thục. Tôi biết vậy. Tôi biết dù cho tấm lòng tôi có thể hăng hái đến đâu đi nữa song dạ dầy và khúc ruột của tôi - những tạng khí trơ trơ, trì độn ấy ẩn náu trong thân thể tôi - vẫn sẽ réo đòi một đường lối riêng rẽ va bắt đầu mơ một giấc mơ tầm thường nào đó về cuộc sống thường nhật.

Tôi tự biết dạ dầy tôi sẽ mộng mơ. Nó sẽ mơ đến cái bánh mì ngọt và những chiếc bánh đậu xanh. Trong khi tinh thần tôi mơ đến vàng bạc châu báu, thì cái dạ dầy tôi cứ khăng khăng một mực mơ đến cái bánh mì ngọt và những chiếc bánh đậu xanh. Dù sao đi nữa, những cái bánh ngọt này của tôi cũng có thể làm cho thiên hạ tìm ra một cách giải thích khi vò đầu vắt óc cố tìm ra lý do phạm tội của tôi. Họ sẽ bảo: “Cái thằng khốn khổ này bị đói. Nghe mới có vẻ tự nhiên thích hợp với con người làm sao!”

* *

*

Ngày ấy đã đến. Mồng một tháng bảy năm Chiêu Hòa thứ 25 (1950). Như tôi đã nói trước đây không có một dấu hiệu nào cho thấy bộ máy báo động phòng hỏa sẽ được sửa chữa trong suốt ngày hôm ấy. Điều này được xác định lúc 6 giờ chiều. Ông lão đưa đường lại gọi điện thoại đến nhà máy và thúc giục họ phái người đến sửa chữa cho xong. Người thợ máy nói rằng anh ta chẳng may bị bận quá nên tối hôm ấy không đến được, nhưng chắc chắn anh ta sẽ tới làm xong công việc trong ngày hôm sau.

Ngày hôm đó khoảng một trăm du khách đến vãn cảnh chùa nhưng vì cửa chùa đóng lúc sáu giờ rưỡi nên các đợt sóng người đã bắt đầu giảm dần. Khi đã gọi điện thoại xong, ông lão đưa đường đứng ngẩn người ra trước cửa nhà bếp, lơ đãng nhìn thửa ruộng nhỏ bé ở bên ngoài. Ông đã làm xong hết mọi công việc trong ngày.

Trời lất phất mưa. Từ sáng đã có nhiều trận mưa rào. Cũng có một làn gió nhẹ; tuy nhiên, vào lúc này trong năm trời cũng không đến nỗi nóng bức, ngột ngạt cho lắm. Tôi nhìn thấy những bông hoa nam qua nở rải rác đó đây trên cánh đồng dưới mưa. Những cây đậu nành, trồng từ tháng trước, đã bắt đầu nẩy mầm nhô lên dọc theo bờ ruộng đen nhánh phía bên kia cánh đồng.

Trong những lúc mải mê suy nghĩ, ông lão này thường có thói quen banh hàm răng giả khấp khểnh lung lay mà nghiến trèo trẹo. Ngày nào lão cũng tuôn ra cùng những lời chỉ dẫn cho khách vãn cảnh nghe, nhưng vì cái hàm răng giả của lão càng ngày người ta càng khó mà hiểu được lão muốn nói gì. Thế là lão ta tuyệt đối không thèm để ý gì tới những lời bao nhiêu người khuyên mời, thúc giục lão đi chữa lại hàm răng. Lão già vừa nhìn cánh đồng vừa lẩm bẩm một mình. Lão im lặng một lúc và tôi nghe rõ riếng răng lão va chạm vào nhau kêu lách cách. Thế rồi lão lại lẩm bẩm. Có lẽ lão càu nhàu vì sự chậm trễ trong việc sửa chữa chiếc máy báo động phòng hỏa. Khi lắng nghe tiếng thì thầm khó hiểu của lão, tôi có cảm tưởng lão đang nói với hoặc hai hàm răng của lão hoặc cái máy báo động phòng hỏa rằng sửa chữa bây giờ thì cũng quá muộn mất rồi. 

Đêm hôm đó Lão sư phụ có một người khách lạ ít khi thấy tới Lộc Uyển tự. đó là Hòa thượng Kuwai Zenkai trụ trì Long Pháp tự ở huyện Fukui, bạn học của Lão sư trong những ngày còn tu học với nhau trong tăng đường. Vì thượng tọa Zenkai là bạn thân của Lão sư phụ nên cũng chơi thân với ba tôi.

Khi thượng tọa Zenkai tới thì Lão sư phụ đi vắng. Có người gọi điện thoại báo cho ông biết hiện có một khách quý đang chờ; ông nói sẽ trở về trong vòng một tiếng đồng hồ. Hòa thượng Zenkai tới Kyoto và nghỉ chân tại chùa chúng tôi trong một hai ngày.

Tôi nhớ trước kia Ba thường vui vẻ kể truyện về Hòa thượng Zenkai và tôi nhận thấy Ba hết sức kính yêu ông. Vị Hòa thượng này có dáng vẻ rất đàn ông, cả về dung mạo lẫn tính tình và điển hình cho các Thiền tăng sừng sỏ. Ông cao đến một thước tám, da đen sì, lông mày rậm, tiếng nói nghe như sấm rền.

Khi một trong những thằng bạn tới bảo tôi rằng Hòa thượng Zenkai có ý muốn nói chuyện với tôi trong khi chờ đợi Lão sư phụ trở về, tôi cảm thấy hơi ngần ngại. Tôi sợ rằng con mắt đơn thuần trong sáng của vị Hòa thượng này sẽ nhìn thấu kế hoạch của tôi hiện nay đang sắp tiến mau tới giây phút thực hiện.

Tôi thấy ông đang ngồi bắt chân chữ ngũ trong căn khách điện rộng lớn trong căn nhà chính. Ông đang uống rượu mà ông Phó ti đã nhanh nhẫu mang đến mời ông và ông đang nhấm nháp một vài cuống rau. Thằng bạn tôi đã đứng hầu rượu cho đến lúc tôi tới, nhưng bây giờ thì tôi thay thế hắn ta và ngồi xuống tấm chiếu ngay trước mặt Hòa thượng theo đúng khuôn phép; tôi bắt đầu rót rượu hầu ông. Tôi ngồi xoay lưng ra bóng tối của màn mưa thầm lặng. Bởi thế hoàn toàn Zenkai nhìn thấy hai bối cảnh âm u trước mắt ông - khuôn mặt tôi và khu vườn đêm tối tăm ướt sũng vì đang mùa mưa. Tuy nhiên, Hòa thượng Zenkai chẳng phải là người dễ bị giam hãm trong cảnh này hoặc bất kỳ gì khác. Tuy là lần đầu chúng tôi gặp nhau, song ông đã chuyện trò một cách vui vẻ và cởi mở. Hết nhận xét này đến nhận xét khác: “Trông con giống Ba con quá”. “Con đã lớn khôn rồi đấy. Ba con lại qua đời rồi, thật buồn quá!”

Hòa thượng Zenkai có vẻ chất phác thật thà khác với Lão sư phụ và ông có sức mạnh mà ba tôi chăng bao giờ có được. Mặt ông sạm nắng, cái mũi hết sức to, những múi thịt quanh cặp lông mày rậm nhô lên châu đầu vào nhau, bởi thế khuôn mặt ông trông như thể được nặn theo những mặt nạ Obeshimi dành cho những vai quỉ dạ xoa trong những vở tuồng vậy.

Rõ ràng là khuôn mặt ông không có những nét đều đặn thông thường. Trông Hòa thượng Zenkai có thừa quá nhiều sức lực. Sức mạnh này mặc tình phát lộ và phá hoại hết bất kỳ sự đều đặn nào có thể có. Hai gò má ông nhô cao giống như tranh vẽ vách núi dốc thẳng của những nghệ sĩ Trung Hoa trường phái Nam họa.

Tuy nhiên, trong tiếng nói oang oang như sấm, vị Hòa thượng này vẫn có giọng dịu dàng vang âm mãi mãi trong lòng tôi. Đó không phải là thứ dịu dàng thông thường, nhưng là vẻ dịu dàng của những cái rễ cứng cáp, gân guốc của một thân cây to lớn mọc bên ngoài thôi và là chỗ trú mưa nắng cho khách lữ hành. Vẻ dịu dàng của ông không nhẵn mịn; sờ vào thấy nó gai góc, sù sì. Trong khi đó trò chuyện, tôi cứ phải canh chừng sợ rằng trong đêm nay, cái đêm của muôn vàn đêm khác, quyết tâm của tôi sẽ bị cùn nhụt đi vì va chạm với sự dịu dàng này. Tôi chợt nẩy ý nghi ngờ rằng Lão sư phụ có thể đã hỏi Hòa thượng Zenkai riêng về trường hợp tôi; tuy nhiên, tôi nhận thấy khó có thể là Lão sư phụ đã cho mời Hòa thượng Zenkai lặn lội từ huyện Fukui tới đây chỉ vì riêng tôi mà thôi. Không, vị Hòa thượng này chỉ là một khách quý ngẫu nhiên, diệu kỳ, sắp sửa là nhân chứng của một cuộc phá hoại khủng khiếp.

Cái nậm rượu bằng sứ trắng đựng độ hơn nửa lít lúc này đã cạn khô. Tôi theo thường lệ cúi đầu xin phép đi ra, xuống bếp tìm một nậm khác. Khi trở lại với nậm rượu hâm nóng, tôi thấy lòng tràn ngập một tình cảm mà từ trước tới giờ tôi chưa hề biết đến. Chưa một lần nào tôi thấy có xung động muốn được người khác hiểu mình, nhưng đến lúc này tôi lại ước mong riêng Hòa thượng Zenkai sẽ hiểu tôi. Hẳn ông phải nhận thấy rằng trong lúc tôi quì gối xuống đó trước mặt ông rượu mời ông trong mắt tôi đã bùng lên một tia sáng chân thành mà chỉ trước đó một lát vẫn không hề có.

“Thưa thày, Thày nghĩ gì về con?” tôi nói.

“Hừm, Thày cho rằng con trông giống một sinh viên ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Dĩ nhiên là con đã lén lút đi vào con đường khoái lạc nào chưa thì Thày chẳng biết. Nhưng, ấy quên mất rồi. Bây giờ không giống như ngày xưa có phải không? Thày không nghĩ ngày nay tụi thanh niên các con lại có đủ tiền để sống trác táng. Khi thày và ba con cùng thày con ở đây còn trẻ, bọn ta hay đâm đầu vào đủ mọi trò xấu xa.”

“Thưa Thày, trong con có giống một sinh viên tầm thường không ạ?” tôi nói.

“Giống chứ,” Hòa thượng Zenkai trả lời, “và đó là cái dáng vẻ tốt nhất. Trông có vẻ tầm thường lại là điều hay hơn hết cả. Thiên hạ sẽ không còn nghi ngờ gì mình hết, thấy không?”

Hòa thượng Zenkai không hề có vẻ ham chuộng hư vinh. Những tăng sĩ có địa vị cao luôn luôn bị yêu cầu phê phán mọi thứ từ nhân vật tới hội họa và các món đồ cổ thường có cái tật là không bao giờ đưa ra được một lời đoán định dứt khoát về bất kỳ cái gì, vì sợ rằng sau này nếu tỏ ra lầm lẫn sẽ bị thiên hạ chê cười. Song le, lại có một loại Thiền tăng sẽ tức khắc đưa ra một nhận định độc đoán về bất cứ việc gì đang được bàn cãi, nhưng họ sẽ cẩn thận chọn lựa câu trả lời sao cho có thể hiểu theo hai nghĩa hoàn toàn trái ngược với nhau. Hòa thượng Zenkai không phải là người như thế. Tôi biết rõ là nhìn thấy và cảm thấy làm sao thì ông nói làm vậy. Ông không đòi hỏi để tìm kiếm một ý nghĩa đặc biệt nào trong những sự vật phản ánh trong đôi mắt đơn thuần, sắc sảo của ông. Đối với Hòa thượng thì có nghĩa hay không cũng không thành vấn đề và hơn hẳn những cái khác, điều đã khiến tôi thấy Hòa thượng có vẻ vĩ đại như thế ấy và khi ngắm nhìn một vật nào đó - như khi nhìn tôi chẳng hạn - ông không hề cố ý làm ra vẻ khác người bằng cách nhìn đời theo một lối đặc biệt của riêng mình, trái lại luôn luôn có một lối nhìn y hệt người khác. Đối với vị Hòa thượng này thế giới chủ quan tự nó chẳng có ý nghĩa gì hết. Tôi hiểu điều ông cố gắng nói cho tôi nghe và dần dần tôi bắt đầu cảm thấy dễ chịu. Chừng nào người khác còn thấy tôi có vẻ tầm thường thì tôi còn tầm thường thực sự, và dù cho tôi có bạo dạn thực hiện một hành vi dị thường đến đâu đi nữa tôi cũng cứ giữ được cái vẻ tầm thường này giống như hạt gạo được sàng qua một cái sàng vậy.

Chẳng cần chút chủ tâm cố gắng nào tôi đã đi đến chỗ tưởng tượng ra chính mình là một lùm cây nhỏ bé, thầm lặng đứng sững trước mặt Hòa thượng.

“Bạch Thày,” tôi nói,”có lúc nào cũng hành động theo đường lối mà thiên hạ chờ đợi nơi mình hay không?”

“Làm vậy không lúc nào cũng dễ dàng đâu. Tuy nhiên, bắt đầu hành động theo một đường lối khác, thì người đời cũng lại sẽ thấy thế là chẳng có gì là lạ lùng hết. Người đời dễ quên lắm, con ạ.”

“Bạch Thày,” tôi hỏi, “giữa con người của con dưới mắt người đời và con người của con dưới mắt chính con, con người nào thực sự vững bền?”

“Chẳng mấy chốc cả hai sẽ cùng đi tới chỗ trừ tuyệt. Dù cho con có cố gắng tự mình thuyết phục là con người của mình bền vững đến đâu đi chăng nữa, cái con người của con chẳng chóng thì chầy cũng sẽ phải trừ tuyệt. Trong khi con tầu đang chạy thì hành khách đứng im một chỗ; nhưng khi con tầu ngừng lại thì hành khách lại bắt đầu đi từ điểm ấy. Chạy mãi cũng có lúc chấm dứt rồi ngừng mãi rồi cũng có lúc chấm dứt. Cái chết mới là sự nghỉ ngơi tối hậu, song ngay cả sự nghỉ ngơi tối hậu ấy, mình cũng không thể biết là sẽ tiếp tục trong bao lâu nữa”.

“Xin thầy nhìn vào trong con người của con,” cuối cùng tôi nói, “con không phải hạng người như người đời nghĩ đâu. Xin Thày hãy nhìn vào bản tâm của con.”

Hòa thượng đưa chén rượu lên miệng và nhìn tôi chằm chằm. Một sự trầm mặc đè nặng lên tôi giống như cái mái ngói Lộc Uyển tự đen ngòm to lớn, ướt sũng nước mưa. Tôi rùng mình run bắn người lên. Thế rồi bất thình lình Hòa thượng nói bằng một giọng cười hết sức rõ ràng: “Chẳng cần phải nhìn vào lòng con làm gì. Chỉ cần nhìn vào mặt con là người ta có thể thấy hết.”

Nghe lời nói của Hòa thượng tôi cảm thấy mình đã hoàn toàn được hiểu thấu tới tận đáy lòng. Lần đầu tiên trong đời tôi trở nên hoàn toàn trống rỗng. Giống như nước thẩm nhập vào sự trống rỗng này, sự hăng hái thực hiện cái hành vi đó lại bắt đầu vọt lên mạnh mẽ.

Lão sư phụ trở về chùa. Lúc đó gần chín giờ tối. Như thường lệ, một nhóm bốn đứa sẽ đóng vai cảnh bị đi tuần lần cuối. Chẳng có vẻ gì là khác thường cả. Lão sư phụ uống rượu với lão Hòa thượng Zenkai. Quá nữa đêm khoảng nửa giờ một trong những thằng bạn tôi đến dẫn vị khách về phòng riêng của ông. Sau đó Lão sư phụ đi tắm - hoặc “khai dục” theo lối nói trong chùa - và vào lúc một giờ sáng hôm sau, khi phiên canh đêm đã chấm dứt, ngôi chùa hoàn toàn yên tịnh. Bên ngoài mưa vẫn lặng lẽ rơi.

Tôi trải tấm mền trên sàn nhà. Tôi ngồi đó một mình, trầm tư ngắm màn đêm phủ kín ngôi chùa. Bóng đêm mỗi lúc một dày đặc hơn, nặng nề hơn. Những hàng cột lớn và khung cửa gỗ của căn phòng nhỏ bé nơi tôi đang ngồi trông có vẻ đang chịu đựng một cái đêm xưa cũ này một cách trang nghiêm, khắc khổ.

Tôi thì thầm lắp bắp trong miệng. Như thường lệ trên môi tôi chỉ có một tiếng gọn thon lỏn làm tôi bực tức vô cùng; chẳng khác gì khi mình thọc tay vào một cái bị tìm mãi một thứ mà không thấy lại cứ vớ mãi một thứ khác mà mình không muốn tìm. Trọng lượng và nồng độ của nội giới tôi thật giống trọng lượng và nồng độ của đêm nay, và lời nói của tôi kêu cọt kẹt giống như một thùng nước nặng đang được kéo lên từ một cái giếng sâu của đêm tối.

Bây giờ chẳng còn bao lâu nữa, tôi nghĩ; mình chỉ cần làm sao kiên tâm thêm một chút nữa thôi. Chiếc chìa khóa hoen rỉ mở tấm cửa nằm giữa nội giới và ngoại giới của tôi sẽ xoay yên ả trong ổ khóa. Nội giới của tôi sẽ được quạt mát khi có một làn gió tự do nhẹ thổi giữa nó và ngoại giới. Chiếc thùng múc nước giếng sẽ được kéo lên, nhẹ nhàng đưa đẩy trong gió và tất cả sẽ mở rộng ra trước tôi trong hình dạng một cánh đồng rộng lớn, bao la và mật thất sẽ bị hủy diệt… Bây giờ nó ở ngay trước mắt tôi và tôi sắp sửa vươn tay với lấy nó…

Tôi thấy lòng tràn ngập hạnh phúc khi ngồi đó trong bóng tối khoảng một tiếng đồng hồ. Tôi cảm thấy suốt đời hưa bao giờ tôi được sung sướng đến như thế. Đột nhiên tôi đứng lên rời bỏ bóng tối.

Tôi lén lút mò mẫn đi về phía sau Đại Thư Viện và xỏ chân vào đôi giày cỏ mà tôi đã dụng ý xếp sẵn từ trước. Thế rồi dưới làn mưa lất phất, tôi cất bước dọc theo rãnh nước đằng sau Lộc Uyển tự hướng về phía tác sự trường. Trong tác sự trường không có gỗ xẻ rồi, song sàn nhà thì đầy những mạt cưa mà mùi nước mưa ướt sũng còn phảng phất khắp gian phòng. Phòng làm việc cũng còn được dùng để chứa rơm rạ. Người ta thường mua một lúc bốn mươi bó rơm loại này, nhưng đêm ấy trong đống rơm cũ chỉ còn sót có ba bó thôi.

Tôi ôm ba bó đem về men theo bờ ruộng. Nhà bếp hoàn toàn im lặng. Tôi đi vòng vèo theo góc nhà bếp và tới phía sau cái liêu của ông Chấp sự. Bất thình lình ánh đèn bật sáng trong khung cửa sổ nhà xí. Tôi ngồi thụp xuống.

Tôi nghe tiếng người khạc nhổ trong nhà xí. Nghe giống tiếng như ông Phó ti. Rồi tôi lại nghe thấy ông đi tiểu. Nghe như kéo dài không bao giờ dứt.

Tôi sợ là rơm có thể bị mưa ướt hết. Trong lúc ngồi thụp xuống tôi ôm chặt mấy bó rơm trong lòng cho rơm khỏi ướt. Mùi hôi từ nhà xí xông ra lại bị nước mưa làm cho thêm nồng nặc và lúc này nặng nề bám trên những cành cây dương xỉ. Tiếng nước tiểu trong nhà đã ngưng bặt, và rồi tôi nghe tiếng chân người va vào vách gỗ. Hiển nhiên là ông Phó ti vẫn chưa hoàn toàn tỉnh rượu nên bước đi hãy còn chệch choạng. Ánh đèn trong khung cửa sổ tắt ngúm. Tôi ôm bó rơm lên và đi về phía sau Đại Thư Viện.

Tài sản của tôi vỏn vẹn chỉ gồm có một cái giỏ mây trong đó tôi để những đồ riêng và một cái va ly nhỏ cũ kỹ. Tôi định tâm đốt hết cả mấy thứ này. Lúc sẩm tối tôi đã gói hết sổ sách, áo quần cùng nhiều thứ lặt vặt rẻ tiền khác trong hai thứ này. Tôi hy vọng người ta sẽ nhận thấy là tôi thu xếp tất cả cận thận đến đâu. Những thứ như bộ cọc màn rất có thể còn gây nên tiếng động nếu tôi vác theo, và những đồ vật không bắt lửa nữa như cái đựng tàn thuốc, cái cốc và lọ mực - những thứ sẽ để lại làm chứng cho hành vi của tôi - tôi đã gói kẹp vào giữa mấy cái đệm ngồi và cuốn trong một tấm khăn tắm. Tôi để những thứ này riêng ra một chỗ. Thêm vào đó, tôi phải đốt một cái nệm và hai cái mền. Tôi chuyển tất cả những đống hành lý cồng kềnh này, từng cái một, tới phía sau Đại Thư Viện, rồi đem chất thành đống trên mặt đất. Sau đó tôi đi vào Kim Các để nhấc cánh cửa gỗ mặt bắc ra theo cách tôi đã nói trước đây.

Những cái đanh, hết cái này đến cái khác, bật ra dễ dàng như thể chúng đã được đóng vào một cái giường bằng đất thó. Tôi đưa cả người để đỡ cánh cửa gỗ xiêu nghiêng, mặt phiến gỗ ướt át mục nát phồng lên nhẹ nhàng cọ nhẹ vào má tôi. Cánh cửa không đến nổi nặng như tôi tưởng. Sau khi đã nhấc được cánh cửa ra, tôi đặt ngang xuống đất. Bây giờ tôi có thể nhìn vào bên trong Kim Các. Bên trong tối mịt mù.

Cánh cửa rộng vừa đủ để mình có thể nghiêng người mà lách vào trong. Tôi đắm mình vào bóng tối mịt mù của Kim Các. Thế rồi một khuôn mặt lạ kỳ chợt xuất hiện làm tôi sợ run bắn cả người. Vì tôi cầm một que diêm dang cháy, nên khuôn mặt tôi phản chiếu trên tủ kính đựng mô hình Kim Các.

Lúc này không hẳn là lúc làm những việc như thế, nhưng bây giờ tôi dừng chân đứng lại và trừng trừng nhìn mô hình Kim Các bên trong tủ kính. Ngôi Kim Các nhỏ bé này đã được ánh sáng que diêm tôi đang cầm chiếu sáng rực lên, hình ảnh nó rung rinh và cái khung gỗ xinh đẹp của nó khom mình đứng đó đầy vẻ bất an, khó chịu. Rồi bất chợt nó bị bóng tối nuốt chửng. Que diêm tôi cầm đã tắt ngúm.

Kể cũng lạ lùng thực, cái đốm lửa đo đỏ ở cuối que diêm đã làm tôi hồi hộp, luống cuống và tôi đã cẩn thận giẫm chân dập tắt nó đi, y như cái canh chàng sinh viên tôi đã từng nhìn thấy ở chùa Diệu Tâm hôm nọ. Tôi lại đánh que diêm khác nặng nề đó ra tận bờ ao phía đông Kim Các. Từ đây tôi có thể nhìn thấy mỏm Dạ Bạc thạch ở giữa ao ngay trước mặt. Tôi đứng dưới một khóm thông khó khăn lắm mới tránh khỏi bị mưa ướt.

Bầu trời đêm phản ánh làm cho mặt ao có một màu trắng đục mờ. Đám cây súng dầy rậm làm cho mặt ao trông như thể mặt đất liền và chỉ nhờ thỉnh thoảng có một vài khoảng trống người ta mới biết là có nước dưới lớp màn dầy đặc ấy. Chỗ tôi đứng mưa không rơi nặng hột lắm để có thể tạo thành những gợn sóng lăn tăn. Mặt ao bốc hơi dưới làn mưa và có vẻ hình như trải dài về phía xa xa tới vô tận. Không khí đầy hơi ẩm.

Tôi nhặt hòn sỏi ném xuống mặt nước. Hòn sỏi rơi đánh tõm một cái làm cho tôi tưởng như không khí quanh tôi hình như đã rạn nứt. Tôi khom mình ngồi trong bóng tối một lúc, nín hơi hoàn toàn, hy vọng là nhìn sự im lặng của mình tôi có thể đánh tan cái tiếng động mà tôi đã vô tình tạo nên.

Tôi nhúng tay xuống nước, những cọng hoa súng âm ấm bám chặt vào ngón tay tôi. Thoạt tiên tôi buông cái cọc màn khỏi những ngón tay ướt át của mình cho tuột xuống nước. Sau đó tôi nhận chìm cái đựng tàn thuốc xuống ao làm như thể đang cọ rửa. Tôi thả cái cốc và lọ mực xuống ao cũng theo cách đó. Như thế là đã lo liệu xong xuôi cho tất cả những thứ gì cần phải ném xuống nước. Bên tôi chỉ còn lại cái nệm ngồi và tấm khăn ăn trong đó tôi gói những vật này. Bây giờ chỉ còn có việc đem hai vật này đến trước pho tượng Yoshimitsu và sau hết phóng hỏa đốt chùa.

Đúng như tôi đoán trước, vào chính lúc này bỗng dưng tôi chợt thèm ăn lạ lùng; nhưng chẳng những không làm cho tôi dễ chịu, cơn đói lại còn khiến tôi cảm thấy như đã bị phản bội. Tôi vẫn còn mang theo cái bánh mì ngọt và những miếng bánh đậu xanh mà tôi tôi đã ăn dở từ hôm trước. Tôi lau hai bàn tay ướt vào gấu áo chẽn rồi lấy bánh ra ăn ngấu ăn nghiến. Chẳng thấy mùi vị gì cả. Dạ dầy tôi gào thét đòi ăn và chẳng để ý tí gì tới mùi vị. Tôi còn có thể chăm chú nhét lấy nhét để từng bánh ấy vào miệng kể cũng lạ thực. Tim tôi đập thình thịch. Khi nuốt xong chỗ bánh, tôi vò tay vốc nước ao mà uống.

Chỉ còn chút xíu nữa tôi bước vào môi trường hành động. Tôi đã chuẩn bị xong xuôi để hành động, và bây giờ tôi đang ở mức cuối cùng của những sự chuẩn bị ấy. Bây giờ chỉ còn có một mỗi việc là lao mình vào hành động thực sự. Chỉ cần cố gắng chút xíu thôi là tôi có thể đạt tới hành động ấy rồi.

Không một lúc nào tôi lại có thể mộng tưởng là một cái vực sâu rộng đủ để nuốt chửng đời tôi lúc này đang mở rộng ra giữa tôi và điều tôi đã dự định làm.

Vì vào lúc ấy tôi ngắm nhìn Kim Các Tự để vĩnh biệt nó lần cuối. Ngôi chùa đường nét không rõ rệt mịt mờ trong bóng tối đêm mưa. Nó đứng đó trong màn đêm dầy đặc như tthể chính nó là kết tinh của đêm sâu. Cố gắng trợn mắt mà nhìn tôi có thể nhận ra Cứu Cánh đính trên tầng ba, nơi toàn bộ tòa kiến trúc bất chợt thót nhỏ lại và cả rừng cột mảnh mai vây quanh Triều Âm động và Pháp Thủy viện. Tuy vậy, những bộ phận bé nhỏ khác nhau của ngôi chùa trong quá khứ đã từng làm tôi say mê rung động biết bao nhiêu đến lúc này đã tan biến vào bóng tối một màu mờ mịt.

Tuy nhiên, mỗi lúc tôi lại thấy những hồi niệm về cái đẹp một mạnh mẽ hơn, nên chính cái màn tối này đã bắt đầu tạo nên một bối cảnh mà trên đó tôi có thể mặc tình gợi ra đủ mọi ảo ảnh. Toàn bộ những ý nghĩ của tôi về cái đẹp ẩn núp bên trong hình thái u ám, lom khom này. Nhờ sức mạnh của hồi tưởng, những nét đẹp khác nhau bắt đầu lần lượt lấp lánh nhô khỏi bóng tối bao quanh; rồi lấp lánh mỗi lúc một lan rộng hơn cho đến khi nhìn dần dà toàn bộ ngôi chùa nhô lên trước mắt tôi dưới chính cái ánh sáng kỳ lạ của chính thời gian chẳng ra ban ngày mà cũng chẳng ra ban đêm. Từ trước đến giờ chưa lúc nào Kim Các Tự lại hiện ra trước mắt tôi dưới một dáng vẻ hoàn toàn như thế, chưa lúc nào tôi nom thấy nó lấp lánh từng chi tiết cho đến thế. Thật như thể tôi đã vớ một thị lực của một người mù. Ánh sáng từ chính ngôi chùa phát ra đã làm cho tòa nhà trở thành trong suốt và đang lúc đứng bên bờ ao tôi có thể từ bên ngoài nhìn thấy thực rõ những bức tranh trên trần nhà vẽ các vì tiên tấu nhạc bên trong Triều Âm động và những phần còn lại của phiến lá vàng xưa cũ trên tường Cứu Cánh đính. Phần bên ngoài xinh xinh của Kim Các Tự đã hòa lẫn với phần bên trong. Đưa mắt thu lấy toàn cảnh, tôi có thể thấy rõ đường nét sáng tỏ của chủ đề cấu tạo và sự cụ thể hóa chủ đề ấy trong các cố gắng khăng khăng lặp đi lặp lại, trong lối trang trí kỳ khu, trong hiệu quả của những sự đối chiếu và đối xứng. Hai tầng dưới, Pháp Thủy viện và Triều Âm động cùng một kích thước với nhau, và tuy có khác nhau đôi chút song cả hai cùng có mái hiên sâu thẳm phủ che thực giống như hai giấc mộng sóng đôi, như những kỹ niệm của hai niềm khoái lạc chập chùng.

Hai tầng dưới, khi tầng này vừa muốn chìm trong lãng quên thì tầng kia liền nhẹ nhàng nhắc nhở sự hiện hữu của mình khiến cho mộng mơ trở thành thực tại và khoái lạc hiện hình nên kiến trúc.

Nhưng rồi hình dáng chợt thót lại của Cứu Cánh đính ở tầng ba, ngất ngưỡng trên hai tầng dưới giống nhau như đúc này, lại làm sụp đổ ngay sự hiện thực vừa một lần rõ rệt và dẫn dắt nó tuân theo nền triết học cao kỳ của một thời đại vàng son rực rỡ. Và chót vót trên mái gỗ, con chim phượng hoàng bằng đồng thau vàng óng đang quay mặt nhìn đêm dài tăm tối âm u.

Tuy vậy, nhà kiến trúc vẫn chưa thỏa mãn. Ở phía tây Pháp Thủy viện ông ta còn xây thêm Thấu Thanh nhỏ xíu nhô ra bên ngoài như một điếu điện. Thật như thể nhà kiến trúc đã đem hết sức mạnh thẩm mỹ của mình để đập nát nét cân xứng của tòa nhà. Vai trò của Thấu Thanh trong toàn thể kiến trúc này là một sự phản kháng siêu hình. Tuy rõ ràng là nó không vươn ra quá xa trên mặt ao, song trông như thể nó đang vĩnh viễn chạy đi khỏi trung tâm của Kim Các Tự. Thấu Thanh giống như một con chim cất cánh từ phần chính của tòa kiến trúc bay vút lên cao, giống như một con chim chỉ một lát trước đây đã giang rộng đôi cánh và đang bay thoát về phía mặt ao, về phía tất cả những gì thuộc về hiện thế. Ý nghĩa của Thấu Thanh là bắc một nhịp cầu giữa những trật tự quy định thế giới và những sự vật hoàn toàn không có quy định gì hết, như quan năng hoàn toàn thiếu trật tự. Đúng thế. Linh khí của Kim Các bắt đầu từ Thấu Thanh này, giống hệt một nhịp cầu đã bị cắt đứt ở chính giữa; với nó tạo thành một lầu gác ba tầng, rồi một lần nữa lại bay đi trốn khỏi cầu này. Vì lẽ sức mạnh bao la của quan năng từng lấp lánh trên mặt ao này là nguồn gốc của cái sức mạnh tàng ẩn đã cấu tạo thành Kim Các; nhưng sau khi đã được xếp đặt vào trật tự và ngọn tháp ba tầng xinh đẹp đã thành hình, thì sức mạnh này chỉ còn một cách là men theo Thấu Thanh mà trốn trở lại mặt ao, trở lại vẻ óng ả vô hạn của quan năng, trở lại cố hương của nó. Trong quá khứ mỗi lần nhìn sương mù buổi sáng hoặc sương mù buổi chiều vẫn vơ trên Kính Triều trì là tôi lại bị vẫn cái ý nghĩ này ám ảnh - nghĩ rằng đây là nơi trú ngụ của cái sức mạnh quan năng tràn trề khởi đầu xây nên Kim Các.

Và cái đẹp đã bao gồm những tranh giành, những mâu thuẫn cùng những điều bất hòa ở các bộ phận của tòa nhà này - và hơn thế nữa, chính cái đẹp đã ngự trị lên tất cả! Kim Các đã được cây cất bằng bụi vàng trong đem tối dày đặc, âm u giống hệt như một bài kinh đã được tỉ mỉ khắc từng chữ một bằng chất bụi vàng lên những trang sách xanh đậm. Tuy thế, Tôi không rõ có phải cái đẹp một mặt đã có tính cách đồng nhất với chính Kim Các hay không, hoặc mặt khác có tính cách đồng chất với đêm tối hư vô đang bao quanh ngôi chùa hay không. Có lẽ cái đẹp là cả hai thứ đó. Nó vừa là bộ phận nhỏ bé vừa là toàn thể tòa kiến trúc, vừa là Kim Các vừa là đêm tối bao trùm Kim Các. Nghĩ đến đây tôi cảm thấy vẻ đẹp không thể giải thích của Kim Các, trong quá khứ đã từng day dứt, hành hạ tôi quá nhiều, đang được giải thích một nửa rồi. Nếu mình quan sát vẻ đẹp của từng bộ phận nhỏ bé - những cây cột gỗ, những hàng song sắt, những cửa chớp, những bản đường hộ, những hoa đầu song, cái mái làm theo lối Bảo hình - Pháp Thủy viện, Triều âm động, Cứu Cánh đính, Thấu Thanh - bóng ngôi chùa soi trên mặt ao, những cây thông, phải, ngay cả chỗ đậu thuyền nữa - cái đẹp chưa bao giờ có đủ trong bất kỳ một bộ phận nhỏ bé nào, vì mỗi bộ phận nhỏ bé lại gợi ra vẻ đẹp của mỗi bộ phận nhỏ bé kế tiếp. Chính vẻ đẹp của mỗi bộ phận nhỏ bé tự nó đã luôn luôn chứa đầy sự bất an. Nó mơ đến sự toàn bích nhưng nó không hề biết đến thế nào là toàn bích và cứ luôn luôn bị vẻ đẹp tiếp theo - cái vẻ đẹp chưa ai hay biết - lôi cuốn. Điềm báo này gắn liền với điềm báo khác, và chính như thế những điềm báo khác nhau của một vẻ đẹp không có thực đã làm chủ đề sâu kín cho Kim Các Tự. Những dự triệu như thế là điềm báo của hư vô. Hư vô là cấu tạo thực sự của vẻ đẹp này. Do đó từ sự chưa hoàn toàn bị nằm trong những bổn phận nhỏ bé khác nhau của cái đẹp này dự triệu của hư vô tự động xuất hiện và tòa kiến trúc tiêm tế này, kiến tạo bằng những tấm gỗ mảnh mai, đã run rẩy báo trước hư vô, giống như một chuỗi hạt ngọc đeo trên cổ rung rinh trong gió vậy.

Tuy nhiên, chưa một lúc nào vẻ đẹp của Kim Các chấm dứt cả! Vẻ đẹp của nó luôn luôn vang âm ở một chỗ nào đó. Giống như một người nhăn nhó vì ù tai, dù ở nơi nào, bất cứ lúc nào tôi cũng nghe thấy âm hưởng vẻ đẹp của Kim Các và tôi đã thấy quen tai. Nếu mình so sánh một vẻ đẹp này với âm thanh thì tòa kiến trúc giống như một quả chuông nhỏ bé bằng vàng đã ngân vang đến năm thế kỷ rưỡi rồi, hoặc giả giống như một cây đàn nhỏ. Nhưng nếu âm thanh ấy mà tắt đi thì sao?

Tôi thấy mệt mỏi quá chừng.

Bên trong Kim Các trong bóng tối, tôi vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng Kim Các trong mộng ảo của tôi. Nó vẫn còn chưa hết lấp lánh. Hàng song sắt của Pháp Thủy viện ở bên bờ nước lui lại một cách hết sức khiêm cung, trong khi trên mái hiên, hàng song sắt của Triều Âm động có các đòn tay theo lối Thiên Trúc chống đỡ mơ màng ưỡn hẳn ngực ra về phía mặt ao. Phản ánh trên mặt ao, các mái hiên rọi sáng lấp lánh, và mặt nước rung rinh đã tự rập rờn phản chiếu lên các mái hiên ấy. Khi Kim Các phản ánh mặt trời chiều và rạng rỡ dưới ánh trăng thì chính ánh sáng của mặt nước đã làm cho toàn thể tòa kiến trúc này trông giống như đang bí mật bồng bềnh trôi xa và đang vỗ cánh bay. Do phản ánh cả mặt nước đã làm cho toàn thể tòa kiến trúc này trông như đang bí mật bồng bềnh trôi xa và đang vỗ cánh bay. Do phản ánh của mặt nước rập rờn, những sợi dây kiên cố buộc giàng hình thái Kim Các đã bị nới lỏng ra, và vào những lúc đó Kim Các hình như đã được kiến tạo bằng những vật liệu giống như gió, nước và lửa vĩnh viễn giao động.

Vẻ đẹp này thật không có gì sánh kịp. Và bây giờ thì tôi hiểu vì đâu mà tôi thấy mỏi mệt gớm ghê đến thế. Vẻ đẹp ấy đang chớp lấy cơ hội cuối cùng để ra sức nắm lấy tôi và trói buộc tôi bằng sự bất lực đã biết bao lần trói tay tôi trong quá khứ. Tay chân tôi co rút hẳn lại. Một phút trước đây, chỉ còn một bước nữa là tôi đi tới cái hành vi ấy, nhưng bây giờ một lần nữa tôi đã thụt lùi lại mãi tít đàng sau.

“Mình đã chuẩn bị hết rồi,” tôi thì thầm tự nhủ, “và chỉ còn một bước nữa là đạt tới hành động. Sau khi đã mơ tưởng hành động trọn vẹn đến như thế, sau khi đã sống giấc mơ ấy trọn vẹn đến như thế, thì thực ra liệu có còn cần phải thực hiện hành vi ấy nữa không? Tới mức độ này liệu một hành vi như thế có lẽ sẽ hoàn toàn vô ích hay chăng?”

“Có lẽ Kashiwagi đã nói đúng khi bảo rằng điều làm thay đổi thế giới không phải là hành động mà là nhận thức. Cùng các loại nhận thức đã cố gắng mô phỏng hành động tới mức tối đa. Nhận thức của tôi thuộc về loại này. Và đó là loại nhận thức đã làm cho hành động thực sự trở nên vô hiệu. Vậy thì, phải chăng chính cái nhận thức tối hậu là tôi chẳng cần phải thực sự hành động đã là lý do tất cả những chuẩn bị vô cùng chu đáo của tôi.

“Đúng, đúng thế. Hành động bây giờ chỉ là một việc thừa thải. Nó đã nhô ra khỏi cuộc sống, nó đã nhô ra khỏi ý chí của tôi và lúc này đang đứng trước mặt tôi, giống như một bộ máy bằng thép tách rời, giá lạnh chờ lúc bắt đầu chạy máy. Xét ra như thế thì không có một chút giàng buộc nào giữa tôi và hành động của tôi. Cho tới điểm này từ trước đến nay Tôi vẫn còn là Tôi, từ đây trở đi Tôi không còn là Tôi nữa. Làm sao tôi lại dám không còn là tôi nữa nhỉ?”

Tôi ngã người vào gốc cây thông. Lớp vỏ cây ướt lạnh làm tôi say sưa, ngây ngất. Tôi thấy cảm giác này. Sự mát lạnh này chính là tôi. Thế giới đã ngừng lại nguyên hình dạng; chẳng bao giờ còn có một thèm khát nào nữa và ở chính tôi cũng thỏa mãn hoàn toàn.

Tôi nghĩ mình phải làm thế nào đối với sự mỏi mệt gớm ghê này? Dầu sao tôi cũng cảm thấy gây gấy trong người và lừ đừ mệt mỏi, hai tay tôi chẳng buồn cử động theo ý tôi nữa. Chắc chắn là tôi ốm mất rồi.

Kim Các hãy còn đang lấp lánh trước mắt tôi giống như cảnh sắc của Nhật Tưởng Quan mà Shuntokumaru đã có lần nhìn thấy. Trong màn tối âm u của cặp mắt mù Shuntokumaru đã nhìn thấy mặt trời lặn nô đùa trên mặt biển Namba. Ông đã nhìn thấy Awagi Ishima, Suma Akashi và cả biển Kii nữa phản chiếu ánh tịch dương dưới một bầu trời không mây.

Toàn thân tôi hình như đã tê liệt và nước mắt luôn tuôn trào mãi mãi không thôi. Dù cho có ngồi mãi đấy đến sáng và bị người ta phát hiện đi nữa tôi cũng chẳng cần. Tôi sẽ không nói lấy một lời để bào chữa.

Cho đến lúc này tôi đã kể lể dài dòng về trí nhớ kém cỏi của tôi ra làm sao từ lúc tôi còn thơ ấu, tuy nhiên tôi cũng cần nói rõ rằng một ký ức đột nhiên sống lại thường chứa đựng một sức mạnh khởi tử hồi sinh hết sức mạnh mẽ. Không phải là quá khứ mà thôi đâu. Có những ký ức về quá khứ lại có những lò so bằng thép rất mạnh, và khi chúng ta, những kẻ đang sống trong hiện tại, sờ mó vào những lò xo ấy thì bất thình lình chúng bắn vọt ra rồi hất tung chúng ta về tương lai.

Trong khi thân xác tôi hình như tê dại thì tâm trí tôi đang mò mẫm ở nơi nào đó bên trong ký ức của mình. Một vài tiếng bồng bềnh nổi lên trên mặt rồi lại biến mất. Tôi có vẻ như đã với tới chúng bằng đôi tay của tâm hồn, nhưng rồi một lần nữa chúng lại lẫn trốn đâu mất. Những tiếng ấy đang gọi tôi. Chúng đang tìm cách tiến tới gần tôi để cổ vũ cho tôi.

“Hãy nhìn đằng sau, hãy nhìn ra ngoài và nếu có bắt gặp thì mi hãy giết ngay.”

Đúng. Câu đầu tiên nghe giống như thế. Đoạn văn danh tiếng trong một tiết của cuốn Lâm Tế Duyên Thị Chúng. Rồi những tiếng còn lại cuồn cuộn dâng lên: “Gặp đức Phật, giết phứt Phật đi! Gặp ông bà, giết phăng ông bà đi! Gặp La Hán, giết béng La Hán đi! Gặp cha mẹ, giết quách cha mẹ đi! Gặp thân quyến, giết tuốt thân quyến đi! Chỉ khi nào làm được như thế, người mới mong đạt được giải thoát. Chỉ khi nào làm được như thế, người mới mong thoát khỏi những câu thúc của sự vật và mới được thung dung tự tại.”

Những lời nói này đã xô đẩy tôi thoát khỏi sự bất lực mà tôi đã rơi vào. Bất chợt toàn thân tôi tăng thêm sức mạnh. Một phần tâm hồn tôi vẫn còn nhắc nhủ tôi rằng bây giờ mà làm việc ấy thì vô ích quá rồi; tuy nhiên, cái sức mạnh tôi mới tìm thấy lại không hề sợ vô ích nên tôi phải làm cho xong việc ấy.

Tôi cuốn chặt tấm khăn tắm trải bên cạnh tôi rồi kẹp vào nách cùng với chiếc gối. Thế là tôi đứng dậy. Tôi nhìn về phía Kim Các. Ngôi chùa lấp lánh trong mộng ảo của tôi đã bắt đầu nhạt mầu. Bóng tối đang dần dần nuốt chửng hàng song sắt, và hàng cột mảnh mai cũng không còn sáng sủa rõ ràng. Ánh sáng tan chìm trên mặt nước và phản ảnh của nó dưới mái hiên cũng tan biến đi rồi. Chẳng mấy chốc mọi chi tiết đều chìm ngập trong màn đêm tối tăm và Kim Các không để lại gì ngoại trừ một đường nét mịt mờ, mơ hồ.

Tôi chạy. Tôi chạy quanh hướng bắc Kim Các. Chạy đã quen nên chân tôi không còn vấp ngã nữa. Màn tối cứ mở rộng mãi trước mắt tôi và chỉ đường cho tôi.

Từ bên bờ Thấu Thanh tôi nhẩy sang Kim Các qua cánh cửa bản lề ở cổng chính phía tây mà tôi đã bỏ ngỏ. Tôi ném chiếc gối và tấm vải vào vào cái đống tôi đã sửa soạn từ trước.

Tim tôi đập rộn rã và hai bàn tay ướt át của tôi đang run rẩy. Hơn nữa, bao diêm đã ướt sũng. Que diêm thứ nhất không cháy. Que diêm thứ hai sắp cháy thì lại gẫy. Que diêm thứ ba bùng cháy và trong lúc tôi giơ tay che gió thì nó rọi sáng những kẻ tay tôi.

Sau đấy tôi phải tìm những bó rơm. Bởi vì, mặc dù chính tay tôi đã lôi ba bó rơm ra đây và đặt chúng ở ba nơi khác nhau, nhưng tôi đã quên bẳng đi mất không nhớ đã để ở những nơi nào. Đến lúc tôi tìm thấy những bó rơm đó thì que diêm đã tắt ngóm. Tôi cúi khom gần chỗ các bó rơm và lần này bật hai que diêm liền một lúc.

Ngọn lửa vẽ nên những hình bóng phức tạp của các bó rơm; và trong khi tiết ra cái màu sắc rực rỡ chỉ thấy ở những miền hoang dã, ngọn lửa đã lan rộng bốn phía. Trong khi khói cuồn cuộn bốc lên tan vào không khí thì ngọn lửa ẩn mình trong đám khói trắng. Thế rồi, cách chỗ tôi đang đứng một chút, ngọn lửa bất chợt bùng lên, thổi phồng cái màn muỗi màu xanh. Tôi cảm thấy dường như tất cả chung quanh tôi đều trở đều bất thần trở nên sống động.

Vào lúc này đầu óc tôi hoàn toàn sáng suốt. Tôi chỉ còn có mấy que diêm. Tôi chạy tới góc phòng khác, cẩn thận bật một que diêm rồi châm vào bó rơm kế tiếp. Những ngọn lửa mới bùng lên làm cho tôi vững lòng. Trong quá khứ khi đi chơi với bạn bè và khi chúng tôi đốt lửa trại tôi luôn luôn tỏ ra hết sức khéo tay trong việc nổi lửa.

Bên trong Pháp Thủy viện một bóng đen to lớn lung linh đã vươn cao lên. Ba pho tượng của đức Phật Di Đà, Quan Âm và Thế Chí đều sáng rực. Pho tượng gỗ của Yoshimitsu lóe sáng đôi mắt, và hình bóng pho tượng rập rờn phía sau.

Hầu như tôi không hề cảm thấy hơi nóng. Khi nom thấy những ngọn lửa ngùn ngụt chuyển tới cái hộp đựng tiền cúng dường, tôi mới vững bụng là mọi việc đều trôi chảy cả.

Tôi quên bẳng mất chất thạch tín và con dao ngắn. Bỗng dưng tôi có ý muốn chết trong Cứu Cánh đính ngập chìm giữa lửa đỏ. Thế rồi tôi chạy trốn ngọn lửa và leo lên cái cầu thang nhỏ hẹp. Tôi cũng chẳng còn thì giờ để tự hỏi vì sao cánh cửa dẫn tới Triều Âm động lại mở toang. Ông lão quản gia có lẽ đã quên đóng cửa tầng nhì.

Khói cuồn cuộn lùa đến sau lưng tôi. Vừa ho tôi vừa ngắm pho tượng Quan Âm mà người ta bảo là tác phẩm của Keishin và hình vẽ các thiên tiên đang tấu nhạc trên tràn nhà. Dần dần làn khói lan rộng ngập Triều Âm động. Tôi chạy ngược lên cầu thang kế tiếp và cố sức mở Cứu Cánh đính. Cánh cửa nhất định chẳng chịu mở cho. Cửa lên tầng thứ ba đã khóa chặt.

Tôi đập cửa. Hẳn tiếng đập phải dữ dội lắm, tuy nhiên vẫn không dội vào tai tôi. Tôi lấy hết sức mà đập cửa. Tôi cảm thấy ai đó ở bên trong có thể mở cửa cho tôi vào Cứu Cánh đính, nhưng vì khói đang lùa theo sau nên tôi cuống quýt đập cửa đùng đùng như thể đang cố gắng tìm nơi lánh nạn. Đằng sau cánh cửa ấy chỉ có thể là một căn phòng nhỏ. Và vào lúc ấy tôi thấy ước mơ thống thiết là các bức tường của căn phòng nhỏ bé ấy hẳn phủ đầy những phiến lá vàng, mặc dù trong thực tế tôi thừa biết những phiến lá bằng vàng ấy đã rơi rụng hết rồi. Tôi không thể giải thích là không mơ ước căn phòng nhỏ bé sáng sủa ấy một cách tuyệt vọng đến mực nào trong khi đứng đó đập cửa ầm ầm. Tôi nghĩ ước gì mình tới đó được thì đâu đấy đều yên ổn hết. Ước gì tôi có thể tới căn phòng nhỏ bé lát những phiến lá vàng óng ấy.

Tôi lấy hết sức đập ầm ầm. Hai tay tôi không mạnh lắm nên tôi đã lao cả người vào cánh cửa. Thế mà cánh cửa vẫn không chịu bật ra.

Triều Âm động đã tràn ngập những khói. Tôi có thể nghe ngọn lửa kêu răng rắc dưới chân. Tôi bị ngộp khói và gần như bất tỉnh. Vừa ho tôi vẫn vừa đập cửa đùng đùng. Thế mà cánh cửa vẫn không chịu bật ra.

Tôi chợt có ý thức rõ ràng là mình đã bị cự tuyệt và rồi tôi không còn lưỡng lự nữa. Tôi lao mình xuống các bậc thang. Tôi đâm đầu chạy qua các lớp khói cuồn cuộn trong Pháp Thủy viện. Chắc là tôi đã chạy băng qua cả ngọn lửa nữa. Cuối cùng khi tới cửa phía tây, tôi lao mình ra ngoài. Thế rồi tôi cắm đầu chạy như bay như biến, chẳng cần biết là mình chạy tới nơi nào nữa.

Tôi chạy. Thật không sao tưởng tượng được là tôi đã chạy xa đến thế mà không ngừng lại nghỉ chân chút nào. Tôi chẳng nhớ rõ đã chạy qua những nơi nào nữa. Hẳn là tôi đã băng qua cổng hậu gần ngay Củng Bắc lâu ngay phía bắc ngôi chùa và tôi phải qua Minh Vương điện rồi ngược lên đường mòn trên núi hai bên có cỏ gianh và cây đỗ quyên mọc thành hàng, sau cùng lên tới tận đỉnh núi Tả Đại Văn Tự. Phải, chính khi tới gần đỉnh núi này, tôi mới ngả lưng nằm trong đồng cỏ bấc dưới bóng hàng cây xích tùng và cố gắng giữ cho tim mình khỏi đập như trống làng nữa. Đó là ngọn núi trấn bắc cho Kim Các Tự.

Tiếng kêu của mấy con chim giật mình sợ hãi đã làm cho tôi hoàn hồn. Hoặc đó có thể là tiếng một con chim đập cánh bay sát mặt tôi.

Tôi nằm ngửa mặt nhìn bầu trời đêm. Tiếng bầy chim lao mình bay vút lên trên cá cành xích tùng và những tàn lửa mong manh, nho nhỏ, bây giờ thì đã thưa dần, bay bồng bềnh trong bầu trời phía trên đầu tôi.

Tôi ngồi dậy và nhìn xuống dòng suối nhỏ chảy về phía Kim Các Tự. Một âm thanh kỳ lạ vang ngân từ đó tới chỗ tôi ngồi. Nghe như tiếng vô số người cùng một lượt bẻ lóng tay kêu răng rắc.

Từ chỗ tôi ngồi mà nhìn về cũng không thấy rõ ngay cả hình ảnh Kim Các. Tôi chỉ còn thấy được làn khói cuồn cuộn vươn cao và ngọn lửa bốc thẳng lên bầu trời. Những bụi tro tản mác tạt qua tạt lại giữa những hàng cây và bầu trời của Kim Các Tự hình như chất nặng cát vàng.

Tôi bắt chéo hai chân ngồi ngắm cảnh ấy trong một lúc lâu.

Khi đã hoàn hồn, tôi thấy nhiều chỗ sưng bầm, sứt sẹo trên khắp thân mình và máu đang tuôn sối sả. Các ngón tay tôi cũng nhuốm đầy máu, hiển nhiên là bị chảy máu từ lúc tôi lấy hết sức đập tay thình lình vào cánh cửa trong chùa. Tôi lè lưỡi liếm các vết thương y hệ một con thú vừa chạy thoát khỏi các tay thợ săn đang thè lưỡi liếm máu.

Tôi nhìn vào túi áo móc ra chai thuốc thạch tín, gói kỹ trong chiếc khăn tay và con dao díp. Tôi ném hết xuống đáy khe nước.

Sau đó tôi thấy trong túi bên kia còn bao thuốc lá. Tôi rút ra một điếu thuốc và bắt đầu hút. Tôi cảm thấy giống như một người vừa làm xong công việc đang ngồi vắt chân nghỉ ngơi hút thuốc phì phèo. Tôi muốn sống.

Hết

--- o0o ---

Vi tính: Nguyên Trang. Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]