Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển Hạ

24/06/201318:57(Xem: 10702)
Quyển Hạ

Phật Nói Kinh Vua Đại Chánh Cú

Quyển Hạ

Việt dịch: Thích Chánh Lạc

Nguồn: Hán dịch: Đời Tống Tây Thiên Tam Tạng Triều Tán Đại phu Thí Quang Lộc Khanh. Minh Giáo Đại Sư và Pháp Hiền

Tiếp theo tôn giả Ca Diếp bảo đại vương : “Vậy chớ ngài còn có ví dụ nào nữa để chứng minh là không có người và không có đời sau, cũng không có hóa sanh ?”. Vua đáp : “Tôi lại có một ví dụ có thể chứng minh cho lý của tôi. Này tôn giả, ví như có người phạm tội rất nặng. Quan cận thần biết được liền tâu với vua nay có người này phạm tội rất nặng. Nhà vua biết được liền ra lệnh cho quan theo dõi bắt trói tội nhân, theo pháp luật mà xử trị. Quan Pháp ti vâng lệnh của vua liền dẫn tội nhân đi, trói chặt hai tay, bỏ vào trong cái vạc mà nấu, mà đốt. Vua lại ra lệnh hãy nấu cho thật nhừ, lòi xương ra, rồi lấy cây dò trong cái vạc thật kỹ để tìm xem kẻ ấy có đời sau và hóa sanh ... ra vào không ? Quan pháp ti vâng lệnh tuyệt đối của vua, nấu tội nhân cho đến lúc thịt chín nhừ rồi tìm thật kỹ trong vạc. Cuối cùng không thấy có đời sau của con người và hóa sanh... ra vào chi cả. Cho đến lần lượt tìm kiếm nhiều lần vẫn chẳng thấy gì”. Vua nói : “Này tôn giả, do ví dụ đó mà biết quả thật không có người, không có đời sau, cũng không có hóa sanh”.

Bấy giờ tôn giả Ca Diếp bảo với đại vương : “Này đại vương, thí như có người trong khi ngủ nghỉ mộng thấy một khu vườn tuyệt đẹp. Trong vườn có nhiều cây, hoa quả sầm uất, ao nước trong vắt. Người ấy ở trong giấc mộng hết sức ưa thích. Này đại vương, cái vườn ấy là có thật chăng ? Vã lại sự xem chơi, thưởng ngoạn và người ấy đi ra đi vào trong khu vườn ấy có thật chăng ?”. Vua đáp : “Không có thật, thưa Ca diếp. Như những điều thấy trong giấc mộng đều chẳng phải là chơn thật”.

Tôn giả Ca Diếp nói : “Cũng như sự chấp trước về đoạn kiến của đại vương cũng chẳng phải là chơn thật. Này đại vương, cần phải thật lòng biết rõ là thật có người, có đời sau, có hóa sanh, cho đến thật có Sa môn Bà la môn có đầy đủ thiên nhãn thanh tịnh, vượt hơn thế gian, thấy các chúng sanh chết ở đây, sanh ở kia, đoan chánh hay xấu xí, hoặc được sanh lên trời hay bị đọa vào địa ngục. Đó là sự chơn thật không nên lại chấp đoạn kiến như ở trước”.

Vua nói : “Này tôn giả, tại sao ngài cứ luôn luôn nói những điều như vậy ? Theo ý tôi biết chắc chắn là không có người, không có đời sau, cũng không có hóa sanh”. Kế đó tôn giả Ca Diếp nói với đại vương : “Ngài lại có ví dụ nào để chứng minh là không có người, không có đời sau, cũng không có hóa sanh ?”.

Vua bảo : “Này tôn giả, tôi lại có một ví dụ để chứng minh cho lý của tôi. Thí như có người chấp hành việc của vua, nhưng tự vì phạm những điều lệ. Quan cận thần tâu hết sự vi phạm ấy cho vua nghe. Vua biết tất cả sự việc, ra lệnh cho quan Pháp ti tra hỏi cho ra sự thật. Khi tội nhân đã nhận tội thì hãy dùng hình phạt để trị. Vua ra lệnh trước tiên là cắt da thịt, sau đó bứt gân, mạch, chặt xương, đập tủy để tìm kiếm (linh hồn) người ấy và kẻ hóa sanh. Quan Pháp ti vâng lệnh vua, cứ theo pháp luật mà thi hành, như lời vua bảo không dám trái lệnh, nhất nhất theo thứ lớp xẻ da, cắt thịt cho đến gân mạch, xương, tủy ở bên trong thân thể tội nhân để tìm kiếm (linh hồn) con người hóa sanh... Từ đầu đến cuối hoàn toàn không thấy có (linh hồn) của con người và hóa sanh gì cả. Này tôn giả, cứ lấy ví dụ này mà biết thì quả thật không có người, không có đời sau, cũng không có hóa sanh”.

Tôn giả Ca Diếp bảo : “Này đại vương, tôi nhớ thời xưa có một đạo nhân sống ở trong núi. Bấy giờ có một đoàn khác buôn đem theo nhiều xe cộ, chở nhiều của cải, đến gần am của đạo nhân dừng chân ngủ qua đêm rồi bỏ đi. Khi ấy vị đạo nhân kia vào lúc sáng sớm đi đến xem chỗ các người khách buôn ngủ đêm qua, sợ còn bỏ sót tài vật gì chăng. Quả nhiên ở đó có thấy có một đứa bé mới bỏ bú, chưa biết gì cả, bị các khách buôn bỏ sót lại. Đạo nhân thương xót, sợ đứa bé kia đói khát mà chết, bèn đem về trong am nuôi dưỡng nó như người thân. Nhưng vị đạo nhân này là người thờ lửa, luôn luôn chuyên tâm bỏ thêm củi vào đống lửa, cho nên lửa trong nhà ông chưa bao giờ bị tắt. Cậu bé ấy ngày qua tháng lại, dần dần lớn khôn, tuổi đã được 15, 16 rồi. Đạo nhân suy nghĩ : “Cậu bé đã lớn khôn, ta hoàn toàn có thể giao phó công việc cho nó được”. Một ngày nọ, đạo nhân vì có việc nên phải vào thành, tạm thời phải đi xa am của ông. Ông bảo cậu bé : “Ta có công việc nên tạm thời phải xa am. Lửa trong am hãy như ta mỗi ngày bỏ thêm củi liên tục vào đừng để cho nó tắt”. Nói xong ông liền ra đi. Đạo nhân đã đi khỏi, cậu bé dại khờ nên ham chơi, do ham chơi cho nên quên thờ lửa, vì không bỏ củi liên tục vào đống lửa nên làm lửa tắt. Bấy giờ cậu bé thấy lửa đã tắt liền lượm hết củi chất vào lò rồi cầu nguyện rằng : “Này lửa hãy mau xuất hiện. Nếu lửa không xuất hiện ta sẽ hủy hoại ngươi”.

Cậu bé ấy đã khổ sở cầu xin nhưng cuối cùng lửa vẫn không cháy. Do lửa không cháy cho nên nó lại phát ra lời nói ác rằng : “Nếu lửa không xuất hiện, ta sẽ đánh ngươi”. Khi ấy cậu bé mong có lửa mà lửa vẫn không hiện, nên trong lòng rất lo sợ là nếu đạo nhân trở về, chắc chắn sẽ đánh ta. Nó đứng ở một chỗ để suy nghĩ đến lửa.

Công việc đã xong xuôi, đạo nhân lại trở về trong am, thấy cậu bé ngồi im lặng, ông liền biết là lửa đã tắt. Ông bảo thằng bé : “Người ham phóng dật đến nỗi để lửa tắt sao ?”. Đồng tử thưa : “Con vừa quên một chút thì lửa đã tắt rồi. Sau khi lửa tắt, con chất củi vào trong lò, con dùng lời thiện lời ác để cầu đảo nhưng lửa vẫn không xuất hiện”. Đạo nhân nói : “Ngươi thật là ngu si, nếu lửa đã tắt muốn có lửa là phải đốt lửa. Ta chưa từng nghe ai nói là cứ chất củi vào trong lò lạnh mà có lửa xuất hiện bao giờ. Giả sử ngươi cứ chất thật nhiều củi ở trong lò rồi dùng nhiều phương tiện (để mong có lửa) thì chỉ tự mình chuốc lấy khổ sở chứ không thể làm vậy mà có lửa được”. Này đại vương, cũng như đứa bé, sau khi lửa tắt rồi, tìm lửa trong tro thì sự ngu mê, sự không tỉnh ngộ của đại vương cũng vậy. Đối với cái thây chết mà tìm cầu con người (thần thức) và kẻ hóa sanh, rồi vọng chấp cho là không có thần thức nên khởi ra đoạn kiến”.

Vua nói : “Này tôn giả, chớ nói lời như vậy. Nếu tôi theo lời ngài mà nói rằng có đời sau chắc chắn tôi sẽ bị người ta dị nghị. Vì sao vậy ? Nay đây mọi người sẽ nói như vầy “Từ xưa nhà vua vốn không tin nhân quả, thường nói lời như vầy không có đời sau, không có thần hồn, cũng không có hóa sanh”. Ngày nay nhà vua lại bị Ca Diếp cảm hóa”.

Tôn giả Ca Diếp lại nói : “Này đại vương, tôi nhớ thuở trước có hai người thương chủ, họ đều có tiền tài châu báu hơn cả một nước. Về sau có một lúc họ giao ước kết nghĩa làm bạn với nhau đồng đi đến một nước khác, đem hàng hóa để buôn bán cầu lợi. Hai người thương chủ ấy mỗi người tập họp một số thương nhân để làm bạn lữ. Bấy giờ mọi người đều chuẩn bị xe cộ, bố trí xe ngựa cùng một ngày thì lên đường. Đi đến đoạn đường phía trước cách nước đã xa, ở gần nơi gian nan hiểm trở. Một người thương chủ thì biết rõ con đường này ở phía trước có sự nguy hiểm, bảo thương chủ kia rằng : “Nay ngươi biết không con đường ở phía trước rất nguy hiểm, không có người, không có khói lửa chi cả. Vậy tất cả thương nhân phải chuẩn bị cho đầy đủ vật dụng”.

Hai thương chủ đã luận bàn xong, một thương chủ đi trước, nghĩ : “Đoàn mình ít người nên nhu cầu cũng ít. Tất cả vật dụng, lúa mì, đồ ẩm thực cho đến củi để đốt cũng đều vứt đi sạch”. Kế tiếp đi đến trước bỗng gặp một người đi ngược chiều, thân hình to lớn, da đen, hai mắt đỏ ngầu, đầu tóc bờm chờm, áo quần rách rưới, cỡi trên một chiếc xe lừa kéo, hình dáng như con quỷ. Thương chủ hỏi người ấy : “Này nhân giả, con đường phía trước có đồ ăn thức uống và củi đốt ... chứ ?” Người kia trả lời : “Con đường ở phía trước có rất nhiều đồ ẩm thực, củi đốt các thứ không thiếu thứ gì. Những thứ ấy ngươi có chở trên xe thì hãy nên vứt tất cả đi, chỉ làm cho nặng nề làm chậm chạp bước đường trước mặt mà thôi”. Khi ấy thương chủ nghe lời nói ấy rồi, bảo các thương nhân : “Tất cả chúng ta đều nghe nói rằng đồ ăn, thức uống các thứ ở con đường phía trước chẳng thiếu thứ gì. Đâu cần mang những thứ ấy trên xe ngựa cho vướng bận”.

Vì thương chủ và các đồng bạn đều là những người không có trí tuệ, liền vứt bỏ những vật dụng cần thiết rồi đi. Họ đi ngày thứ nhất cho đến mặt trời lặn chỉ gặp toàn là đồng không mông quạnh, không gặp người hay khói lửa chi cả, nhìn bốn bên đều trống vắng chẳng có gì để cung cấp, đồ ăn thức uống bị thiếu hụt, tất cả đều bị đói khát. Họ chịu sự đói khổ suốt đêm, rồi lại ráng đi tới nữa. Bước sang ngày thứ hai cũng đi tới tối chỉ toàn là đồng vắng chẳng thấy gì cả. Các khách buôn cùng nhau luận bàn : “Cái người chúng ta gặp ở trước đây, xem xét tướng mạo nhất định biết nó là con quỷ rồi. Vì chúng ta không có trí tuệ mới tin lời nó như vậy. Do thứ yêu tinh dối gạt, chúng ta đến nỗi này. Cho đến ngày thứ ba cả người lẫn ngựa đều thiếu lương thực và nước uống nên không thể đi được nữa. Họ nhìn nhau chẳng nói lời nào, chỉ chờ chết mà thôi. Còn vị thương chủ kia qua ngày hôm sau mới lên đường, cũng gặp người ở trước ngược đường mà đến, mới hỏi : “Con đường ở phía trước có đồ ẩm thực và các thứ cần thiết không ?”. Người ấy cũng như trước, mỗi mỗi đều nói láo là đồ nhu cầu ẩm thực chẳng thiếu thứ gì, cần gì chở các thứ ấy trên xe, trên ngựa làm gì cho nặng. Các ngươi nên biết hãy vứt bỏ các thứ ấy đi”.

Người thương chủ sau là bậc thông minh trí tuệ, hễ làm điều gì trước hết ông đều suy nghĩ cẩn thận. Ông vốn biết con đường này có vùng đồng không mông quạnh to lớn rất nguy hiểm, qua vùng đất nguy hiểm này đâu thể đi mau. Ông lại quán sát người nói chuyện với ông sắc mặt khác thường, hành vi thô ác, nên ông sợ đây có thể là yêu tinh nói láo không nên tin tưởng. Ông cùng các thương nhân luận bàn với nhau xong rồi tiến hành. Đến ngày thứ ba bỗng thấy trên đường thương chủ và các thương nhân ở trước bị đói khát cùng quẩn. Hỏi lý do tại sao thì đó cũng chính là do gặp con yêu tinh xấu ác ấy và nghe lời dối gạt của nó. Các thương nhân cùng nhau luận bàn, liền đem phần lương thực của mình chia xẻ cho đoàn trước để cứu giúp họ, để các thương nhân kia đồng vượt qua được con đường hiểm trở.

Này đại vương, một vị thương chủ kia vì ngu si nên mới tin lời yêu tinh dối gạt, đi đến con đường hiểm mà thọ lãnh sự khổ não cùng cực. Này đại vương, do ngu si cho nên mới chấp đoạn kiến chắc chắn ngài sẽ mãi mãi phải chịu khổ não cùng cực.

Khi ấy đại vương nghe lời nói ấy rồi bảo tôn giả rằng : “Thôi đừng dẫn ví dụ nữa, tâm tôi không có hồi tỉnh đâu. Vì sao như vậy ? Vì sợ người trong nước gọi tôi là người bất định. Họ bảo : “Đại vương Chánh Cú thường nói như vậy thật không có người, không có hóa sanh cũng không có đời sau. Nay trở lại bị Ca Diếp cảm hóa”. Do đó cho nên tôi nay không thể thay đổi quan điểm ở trước của tôi”.

Bấy giờ tôn giả Ca Diếp lại bảo vua : “Xưa có hai người có chút ít tài sản. Họ kết bạn với nhau để kinh doanh. Tiền bạc của cải kiếm được tuy khác nhau nhưng nếu có lợi hãy báo cho nhau biết. Ký kết giao kèo đã xong, Chọn ngày mà thi hành. Khoảng mấy ngày đường, họ liền đến một nước khác, đất ở đó có rất nhiều cây gai, bỏ tiêàn ra mua sẽ có lãi. Hai người bàn luận đã xong liền bỏ tiền ra để mua. Họ cột lại gọn gàng rồi gánh mà đi. Họ nói với nhau rằng : “Đến nước khác hễ có lợi thì bán”. Họ đến phía trước vào một nước khác, họ thấy chỉ gai được lời gấp bội, có thể bỏ cây gai để lấy chỉ gai này. Một người có trí tìm người bán cây gai để mua chỉ gai. Còn người kia không có trí nói với bạn đồng hành : “Tôi không thể đổi cây gai để lấy chỉ gai. Vì sao ? Vì cây gai mà tôi gánh, tôi đã ra công cột rất chặt, gánh từ xa đến đây cho nên thật tình tôi không thể đổi nó để lấy thứ khác được”. Ngày hôm đó, hai người đều gánh hàng hóa của mình. Họ tiếp tục đi tới, lại đến một nước có rất nhiều sợi tơ có lợi hơn chỉ gai. Người có trí liền bán chỉ gai để lấy sợi tơ, còn người không trí lại nói như trên :”Tôi không thể đổi cây gai để lấy sợi tơ cho có lợi”. Hai người mang hàng hóa của mình lại đi đến trước. Vào một nước có vải lụa rất rẻ, có lợi hơn tơ rất nhiều. Người có trí thấy lợi gấp bội, liền đổi tơ để lấy vải lụa. Còn người không có trí vì tiếc cây gai đã mang từ xa đến nên không chịu đổi. Hai người mang hàng hóa của mình lại đi đến trước vào một trong nước (chỉ có khanh trị) bạc thì ít mà giá trị hơn lụa rất nhiều, nếu đổi lụa lấy bạc thì lợi gấp trăm lần. Người có trí thì bán lụa mua bạc thu được lợi gấp trăm lần. Còn người không có trí thì cho rằng : “Tuy gai này không đáng giá là bao nhưng vì tiếc công cho nên không chịu đổi”. Người có trí lại nghe người ta nói ở nước kia chỉ sản xuất vàng, tuyệt đối không có bạc, liền bảo với bạn rằng chúng ta hãy đến nước kia. Chẳng bao lâu họ đến nước kia. Khi ấy người có trí liền bán bạc để mua vàng ròng. Khi mua được vàng rồi, anh ta ngắm nghía nó vui mừng. Anh tự kể rằng : “Ngày xưa ta bỏ nhà vì tiền của có quá ít. Ban đầu ta mua cây gai cho là đã có lợi lớn, nhưng không ngờ đến nay gặp được vàng ròng, thế gian quý trọng nó không có gì bằng. Ta sẽ đem nó về quê nhà, ta sẽ giàu to”. Anh liền gọi bạn : “Thời gian đã lâu rồi, vậy chúng ta hãy cùng nhau về nước mình, tùy theo của cải của mình mà cứu giúp cho bà con quyến thuộc”. Khi ấy người gánh cây gai bảo với bạn đồng hành rằng : “Tôi đã mua cây gai này những mong được lợi lớn, nào ngờ đến đây mới hay chẳng lợi bao nhiêu. Nay anh muốn trở về tôi đâu dám cản. Vậy ta hãy gồng gánh cùng nhau trở về nhà. Nếu gặp giá cao tùy chỗ sẽ bán”. Luận bàn xong rồi chọn ngày trở về đường cũ. Khi về gần đến nước, những người thân tộc được tin cả nhà đều ra ngoài thành để đón tiếp. Họ sung sướng vô cùng đều trở về nhà. Nhà có người được vàng, khi cha mẹ vợ con hỏi được lợi gì. Gia chủ đáp được vàng, chúng ta có thể giàu có, cho đến người trong thân quyến cũng đều được trợ cấp. Còn người gánh gai thì người nhà cũng hỏi : “Từ lúc kinh doanh anh được lợi gì ?”. Người ấy đáp chỉ được cây gai này chớ chẳng được vật gì khác. Cả nhà nghe xong buồn rầu áo não, bảo người ấy rằng : “Như sự kinh doanh của ngươi thì toàn thể gia quyến của chúng ta vẫn cứ bần khổ mãi mà thôi”.

Này đại vương, người gánh cây gai ấy do tánh cố chấp ngu mê, tuy thấy vàng thiệt mà vẫn không chịu đổi cho đến nỗi thân quyến cứ mãi mãi chịu khổ não. Cũng giống như đại vương không tự hay biết mà chấp đoạn kiến, cứ mãi mãi chịu lấy khổ đau, về sau hối hận cũng không kịp nữa.

Nhà vua nghe lời ấy rồi nói với tôn giả rằng : “Ý của tôi không thay đổi là có lý do. Bởi người trong nước này đều biết quan điểm của tôi rồi. Nếu tôi bỏ quan điểm của mình thì người trong nước cùng nhau bàn luận : “Đại vương Chánh Cú thường nói không có người, không có đời sau, cũng không có hóa sanh. Ngày nay trở lại bị Ca Diếp cảm hóa”. Tôi nhất định không thể chịu sự sĩ nhục này”.

Tôn giả Ca Diếp bảo : “Này đại vương, tôi nhớ ngày xưa có một người không biết luật lệ, nuôi các con heo kiếm lợi để sinh sống. Anh ta bỗng một hôm đến xứ khác, thấy phân thối rất nhiều, liền hốt lấy, đội trên đầu, muốn mang về nhà cho heo ăn. Bất thần nữa đường gặp trời mưa, nước phân chảy thối cả người, trong lòng liền hối hận. Này đại vương, người không biết luật ấy bị mọi người khinh chê, chờ cho thân thể bị hôi thối rồi mới chịu hồi tâm. Vua là người ở địa vị tôn quý trở lại coi trọng những lời nói phù phiếm rồi chuyên chấp chặt trong tâm mà không xả bỏ đoạn kiến”. Bấy giờ tôn giả Ca Diếp lại nói : “Này đại vương, trước đây tôi đã khéo nói các thí dụ muốn làm cho đại vương xả bỏ đoạn kiến, biết có đời sau và đặt niềm tin nơi Tam bảo. Vọng chấp của đại vương là cố chống đối lại tôi. Nay tôi lại vì đại vương nói thêm một ví dụ nữa. Nếu ngài tin được thì hãy lắng nghe, thọ trì kỹ, khéo nhớ nghĩ”. Vua nói : “Này tôn giả, xin ngài hãy nói cho tôi nghe”.

Bấy giờ tôn giả Ca Diếp nói với đại vương rằng : “Tôi nhớ thuở xưa có một con heo tên là Đại Phúc. Khi ấy Đại Phúc dẫn một bầy heo đi vào núi sâu. Khi vào trong núi bỗng gặp con sư tử. Sư tử thấy con heo bảo với nó : “Ta là vua các loài thú, ngươi mau tránh đường cho ta đi”. Con Đại Phúc đáp : “Nay ta tránh đường cho ngươi đi, việc này không thể được”.

Sư tử nói : “Vậy hãy chiến đấu với ta chứ không được trái lệnh”. Heo nói : “Chờ ta một chút để ta mặc áo giáp”. Khi ấy con sư tử nói : “Tên người là gì. Ngươi đâu có phải là dòng dõi cao thượng mà dám chiến đấu với ta như vậy ? Hãy mặc áo giáp đi và tùy ý ngươi”. Khi ấy con Đại Phúc đi vào trong hầm phân, lăn phân đầy mình rồi trở lại trước mặt con sư tử nói : “Ta chiến đấu với ngươi”. Bấy giờ con sư tử bảo con Đại Phúc : “Ta là vua trong loài thú, thường bắt các con hươu nai để ăn thịt. Còn đối với các con vật ốm yếu thì ta tha không ăn. Huống chi thân ngươi dơ nhớp, hôi thối. Nếu ta chiến đấu cùng ngươi chỉ làm nhiễm ô cho ta mà thôi”. Bấy giờ sư tử nói với con Đại Phúc bằng bài kệ :

Thân người vốn bất tịnh.
Nay lại càng hôi thối.
Ý ngươi muốn chiến đấu.
Chỉ làm ta hôi thối.

Tôn giả Ca Diếp lại bảo đại vương : “Kiến chấp của nhà vua giống như con heo đòi chiến đấu với con sư tử vậy. Ta như con sư tử trước tiên vì ngươi mà ta bận tâm”. Bấy giờ vua Chánh Cú nghe tôn giả Ca Diếp nói lời ấy xong, trong thâm tâm xấu hổ, hối hận nói với Ca Diếp rằng : “Thưa tôn giả, ngay từ lúc đầu nghe tôn giả ví dụ mặt trời, mặt trăng, tôi liền tín phục. Nhưng chỉ vì muốn nghe về sự biện tài trí tuệ của tôn giả cho nên tôi mới tráo trở để nghe ngài tuyên nói. Cúi mong tôn giả xét sự thành tâm của tôi, biết sự tín phục của tôi. Tôi xin thề nguyện quy y tôn giả Ca Diếp”.

Tôn giả Ca Diếp trả lời : “Chớ có quy y tôi. Chỗ tôi quy y đó là Phật, Pháp, Tăng. Vua hãy theo đó mà quy y”. Vua lại nói : “Theo lời dạy của tôn giả tôi xin quy y Phật, Pháp, Tăng thọ giới cận sự. Từ nay về sau thề không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối và không còn uống rượu nữa cho đến lúc mạng chung xin giữ tịnh giới của Phật”.

Bấy giờ đại vương đã thọ nhận sự hóa đạo xong, thành tâm hướng về đức Phật thọ ba tự quy, vĩnh viễn phụng hành năm giới, cùng Bà la môn, trưởng giả ... hoan hỷ hân hoan lễ bái rồi lui ra.

HẾT QUYỂN HẠ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]