Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11: Tu Tập Tọa Thiền

24/06/201317:55(Xem: 7258)
Chương 11: Tu Tập Tọa Thiền

Kho báu nhà Thiền

Chương 11: Tu tập tọa thiền

Ðịnh Huệ

Nguồn: Thiền sư Văn Thủ, Dịch giả: Ðịnh Huệ

Ðàn Kinh của Lục Tổ chép:
Sao gọi là tọa thiền? Ngoài đối với hết thảy cảnh giới thiện ác tâm niệm không khởi gọi là tọa, trong thấy tự tánh chẳng động gọi là thiền.
Sao gọi là thiền định? Ngoài lìa tướng gọi là thiền, trong chẳng loạn gọi là định. Nếu thấy các cảnh mà tâm không loạn, ấy là thật định.
Kinh Tịnh Danh nói:
Tức thời hoát nhiên trở lại được bản tâm.
Ngữ Lục của Bàng cư sĩ chép:
Tâm như tức là tọa, cảnh như tức là thiền, như như thảy chẳng gá, đại đạo chẳng trong ngoài, nếu người hiểu như thế, lúc ngủ như không ngủ.
Có người hỏi Thượng tọa Sư Tịnh ở núi Thiên Thai:
- Ðệ tử mỗi đêm ngồi thiền tâm niệm lăng xăng, chưa biết dùng cách gì để nhiếp phục, cúi xin thầy từ bi chỉ dạy.
Sư đáp:
- Như ban đêm ngồi an tọa mà tâm niệm lăng xăng thì hãy đem cái tâm lăng xăng ấy tìm cái chỗ lăng xăng kia, xét biết nó không có chỗ nơi thì cái niệm lăng xăng ấy đâu còn, xét ngược lại cái tâm hay xét kia cũng đâu có.
Lại nữa, cái trí năng chiếu vốn không, cảnh sở duyên cũng lặng, lặng mà chẳng phải lặng, bởi vì không có người hay lặng; chiếu mà chẳng phải chiếu bởi vì không có cảnh bị chiếu. Cảnh, trí đều lặng, tâm tự an nhiên, ngoài không dong ruỗi, trong không trụ định, hai đường đều bặt, một tánh di nhiên, đây là yếu đạo trở về nguồn vậy.

Hội Nguyên

Thiền sư Lâm Tế nói:
Ông nếu chấp lấy cảnh thanh tịnh bất động, cho đó là phải, thì đó là ông nhận vô minh làm ông chủ.
Lời này ít nhiều làm kinh động kẻ học đòi theo kiểu dáng người chết. Nếu hướng vào chỗ nầy thấy được thấu, đả phá được suốt thì cứu được một nửa.
Ngài Lâm Tế nói:
Có một bọn mù trọc đầu ăn cơm no rồi tọa thiền quán hạnh giữ chặt mỗi niệm không cho sanh khởi, ghét động cầu tịnh, ấy là pháp ngoại đạo. Tổ sư nói: Nếu ông trụ tâm khán tịnh, dấy tâm soi chiếu bên ngoài, nhiếp tâm lóng lặng bên trong, ngưng tâm nhập định, những thứ ấy đều là tạo tác.
Ngày nay, tôi thấy người sơ tâm xưng là tọa thiền phần nhiều chỉ câu thúc được cái đãy da thúi nầy, còn vọng niệm, tư tưởng thì lăng xăng khởi diệt không ngừng, cùng với cái gọi là trụ bên trong kia còn chưa dính dán thay huống là đối với cái chân thật viên trạm! Rốt cuộc thì cùng cới cái ngồi si ngốc của loài chồn thỏ không khác.
Có vị Tăng hỏi Quốc sư Huệ Trung ở Nam Dương:
- Tọa thiền khán tịnh việc ấy thế nào?
Sư đáp:
- Chẳng nhơ chẳng sạch thì đâu cần khởi tâm mà khán tướng tịnh!
Thiền sư Ðại Huệ nói:
Chúng sanh cuồng lọan là bệnh. Phật dùng thuốc tịch tịnh ba la mật để điều trị. Nếu bệnh hết mà còn dùng thuốc thì càng thêm bệnh.
Trong nghi tọa thiền của Thiền sư Phật Tâm Tài có ghi:
Phàm người tọa thiền phải đoan thân chánh ý, trong sạch cái tâm rỗng rang của mình, xếp chân ngồi kiết già, thâu cái thấy, xoay cái nghe trở lại, tỉnh tỉnh chẳng ngu muội, lìa hẳng hôn trầm điệu cử. Dẫu cho có nhớ đến việc sắp đến cũng tận tình ném quách, chỉ hướng về chỗ tịnh định chánh niệm xét kỹ biết ngồi là tâm và phản chiếu là tâm, biết có, không, ở giữa, hai bên, trong, ngoài là tâm. Tâm nầy rỗng mà biết, tịch mà chiếu, tròn sáng suốt linh diệu chẳng phải hư vọng.
Nay thấy người tọa thiền gắng sức mà chẳng ngộ là do cái bệnh y theo sự chấp trước, tình gá theo thiên tà, mê muội trái với chánh nhân, uổng công tu hành mà không ngộ là do đây vậy. Nếu như lóng lặng một niệm thầm hợp vô sanh thì gương trí rỗng soi, tâm hoa kiền nở, vô biên kế chấp ngay đó liền tiêu ma, vô minh nhiều đời tức thời tan sạch, như người quên chợt nhớ, như người bệnh được lành, trong lòng vui mừng tự biết sẽ làm Phật, tức là biết ngoài tâm mình ra không có Phật nào khác. Sau đó, thuận theo ngộ mà càng tu, nhân tu mà chứng, nguồn chứng ngộ là ba mà không khác, đây gọi là nhất giải, nhất hạnh tam muội, cũng gọi là vô công dụng đạo.
Hòa thượng Ngưỡng Sơn nói:
Nếu là đệ tử của Tổ tông thì người thượng căn thượng trí một nghe ngàn ngộ được đại tổng trì. Còn như kẻ căn trí yếu kém nếu chẳng chịu tọa thiền để lặng yên niệm lự đến lúc lâm chung ắt phải bối rối.
Thiền sư Huyền Sa Bị nói:
Cho ông luyện được thân tâm đồng như hư không đi, cho ông đến chỗ tịnh minh lóng lặng chẳng lay động đi, mà nếu chẳng ra khỏi thức ấm, cổ nhân gọi đó là dòng nước chảy nhanh, vì nó chảy quá nhanh nên không biết rồi lầm cho là yên tịnh. Tu hành như thế không thể nào ra khỏi mé luân hồi được, mà y như trước vẫn bị luân hồi nữa.
Hòa thượng Trung Phong nói:
Hoặc có người ngồi chỗ vắng lặng có lúc trần lao tạm dừng trong phút chốc, chợt trong thức ấm hốt nhiên tỉnh ngộ được cái tương tự như đạo lý, bèn y theo đó cho là đúng, rồi dẫn lời trong kinh giáo để làm chứng cho cái bệnh nầy là do thức ấm chưa phá, thật là gốc sanh tử, chứ chẳng phải kiến tánh vậy.
Kinh viên Giác ghi:
Hụê thanh tịnh vô ngại đều nương nơi thiền định mà sanh.
Hòa thượng Triệu Châu nói:
Ông hãy hướng vào dưới lớp y áo ngồi mười năm, nếu chẳng hội thiền thì cứ chặt đầu lão tăng đi.
Cổ đức nói:
Siêu phàm vượt thánh thì cần phải lặng hết các duyên, ngồi chết hay đứng tịch đều phải nhờ vào sức định.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567