Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Người người vốn có trí huệ (nhóm chủ đề 6)

24/06/201314:22(Xem: 8114)
Người người vốn có trí huệ (nhóm chủ đề 6)

Khai thị của Hòa thượng Tuyên Hóa - quyển 6, phần 2

Người người vốn có trí huệ (nhóm chủ đề 6)

Hòa thượng Tuyên Hóa

Nguồn: Hòa thượng Tuyên Hóa

ht_tuyenhoa

Người người vốn có trí huệ

Người có trí huệ mới có sự khoái lạc chân chánh. Người không có trí huệ thời không đạt được sự vui sướng chân thật. Người có trí huệ thì có thể phân biệt được rõ ràng phải-trái, và sẽ không điên đảo giữa trắng-đen. Có trí huệ thời sẽ không ngu si. Nếu biết dụng công, mình có thể chuyển ngu si thành trí huệ; nếu không biết, mình sẽ đem trí huệ chuyển thành ngu si. Đó là lý lẽ rất đơn giản, dễ như trở bàn tay. Nếu quý vị nhận ra được ba cái khổ, biết được tám cái khổ và vô lượng cái khổ, vậy là quý vị sẽ sanh trí huệ và không bị cái khổ vây quanh. Tất cả các tôn giáo đều dạy chúng ta phải phá bỏ chấp trước để phát sanh trí huệ.

Quan niệm của các tôn giáo chân chánh và các nhân sĩ là không kết bè phái, chủng tộc, quốc gia, đen trắng, phải trái. Họ là những người xuất chúng, nổi bậc với các đại nguyện, đại hạnh, đại trí, đại bi, đại hỷ và đại xả. Bởi vậy khí khái của họ mới có thể cao vút tận hư không, biến khắp pháp giới. Đức Phật Thích Ca nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật.” Tất cả chúng sanh đều có trí huệ, đều có thể thành tựu được cái trí huệ vốn có của mình, là đều có trí huệ to lớn, sâu rộng vô cùng vô tận, vô lượng vô biên giống y như Phật. Phật không bao giờ nói, chỉ có Ngài mới có thể thành Phật, chỉ có mình Ngài mới có trí huệ. Ngược lại, Ngài bảo rằng, nếu quý vị là một chúng sanh thì quý vị có tư cách để thành Phật.

Chúng sanh không phải chỉ đơn giản nói là nhân loại, mà còn bao gồm tất cả thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh, kể cả các loài động vật biết bay, biết lặn, biết đi và có khí huyết, hết thảy đều có thể thành Phật. Có người nói: “Tôi không muốn thành Phật đâu.” Song, đến lúc quý vị thành Phật, quý vị cũng phải thành, trừ phi quý vị không phải là chúng sanh thôi. Đạo Phật thì cực kỳ rộng lớn và hết sức tinh vi, không có ta, không có người, không có chúng sanh, không có thọ giả, cũng không có quan niệm về quốc tịch, tôn giáo hay phe phái. Mà cũng không phải nói rằng, nếu anh không tin Phật thì anh không thể thành Phật được.

Không cần biết là quý vị tin hay không tin, quý vị cũng đều có thể thành Phật. Chỉ cần quý vị tu hành, không làm việc gì ác, làm tất cả việc lành, trở về với bổn gốc, thời quý vị sẽ trở thành người đại trí đại huệ. Nói đến đây thì tôi có một bài kệ rất đơn giản, nay xin đọc quý vị nghe:

Pháp giới vi thể hữu hà ngoại,

Hư không thị dụng vô bất dung,

Vạn vật bình đẳng ly phân biệt,

Nhất niệm bất sanh tuyệt ngôn tông.

Nghĩa là:

Pháp giới là thể, còn gì ngoài,

Hư không chẳng gì là không dung.

Vạn vật bình đẳng không phân biệt,

Một niệm không sanh, bặt ngôn từ.

Pháp giới vi thể hữu hà ngoại: Pháp giới thì có mười, gồm Tứ Thánh là: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn và Lục Phàm là: Trời, Người, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Mười pháp giới nầy bao gồm cả hữu tình, vô tình và đều đồng có chủng trí tròn đầy, đều cùng có thể thành Phật. Lấy Pháp Giới làm bổn thể, vậy còn có gì ở ngoài Pháp Giới? Cho nên nói: “hữu hà ngoại” tức còn có gì ở ngoài nữa?

Hư không thị dụng vô bất dung: Nghĩa là hư không là đại dụng, quý vị đừng tưởng rằng hư không là vô dụng. Tất cả núi sông, đất đai, nhà cửa, phòng xá, hoa cỏ, cây lá, rừng rậm vạn vật cũng đều ở trong hư không mà sanh tồn. Nếu chẳng có hư không, vậy thì sẽ thành khoảng chân không, không người, không chúng sanh -- tất cả đều không hết. Sở dĩ con người được tồn tại là vì có hư không. Hư không là bổ phẩm tốt nhất của chúng ta, nó cung cấp chất dinh dưỡng và xúc tiến để chúng ta sanh trưởng, không có một chúng sanh nào là sống ngoài hư không.

Vạn vật bình đẳng ly phân biệt: Vạn vật vốn là bình đẳng. Ai làm việc thiện có công đức thời đi lên, làm nghiệp ác tất đi xuống, điều nầy rất là công bằng. Cho nên chúng ta chớ dùng cái tâm vọng tưởng của mình để phân biệt. Nếu không có trí tuệ chân chánh, mình sẽ không phân biệt được rõ ràng khi đối diện với sự việc. Ví như học ngôn ngữ nước ngoài, nếu mình không có trí tuệ thì học đây nhưng lại quên kia. Nhưng, phải chăng vì thế mà mình không chịu học nữa? Không phải vậy, mình nên học làm sao để trừ được vọng tưởng, phải dùng cái chân tâm mà học; chớ lấy vọng để tìm vọng. Chúng ta phải nhận cho rõ chân lý, như thế mới có giá trị, đừng để cuộc đời mình trôi qua một cách hồ đồ.

Nhất niệm bất sanh tuyệt ngôn tông: Khi quý vị có thể không sanh một niệm nào thì chân tâm của quý vị sẽ hiện tiền ngay, và tuyệt đối không thể dùng tâm, ngôn ngữ văn tự để miêu tả được đâu. Cũng như: “Miệng muốn nói mà lời tiêu tan, tâm muốn duyên mà tưởng mất biệt.”

Giảng ngày 8 tháng 5 năm 1987

Làm Sao Để Được Tự Do Sanh Tử?

Chúng ta sanh ra ở thế gian nầy, đa số là không biết làm gì; chúng ta hồ đồ sanh ra, rồi lại hồ đồ chết đi. Trong khoảng thời gian sanh tử, chúng ta vì danh mà điên đảo, vì lợi mà đảo điên, vì sắc mà nghiêng ngã, vì muốn ăn ngon mà ngả nghiêng, vì hưởng thụ mà điên điên, đảo đảo. Vì sao chúng ta điên đảo? Bởi chúng ta không nhận thức được cái bổn phận làm người, cho nên bỗng chốc thì sanh thiên, hốt nhiên lại xuống địa ngục. Từ khi sanh cho đến lúc chết, chúng ta không bao giờ nghĩ đến chuyện cầu mong để biết rõ về sự chân chánh, hiểu cho rõ cái ý nghĩa căn bản của sự làm người là gì. Mà chúng ta lại chạy theo thanh, đuổi theo sắc, rồi mặc sức quay chuyển trong thanh, sắc, danh, lợi.

Chúng ta chỉ biết ngày ngày đi kiếm tiền để duy trì sự sống, nhưng chúng ta đâu có hiểu một cách rốt ráo là mình sống vì cái gì. Nếu chỉ đơn thuần là vì ăn, mặc, ngủ nghỉ như thế thì mình sống có giá trị gì? Bởi ai nấy cũng không đem vấn đề nầy ra để làm cho rõ ràng, cho nên sống hồ đồ, rồi lại chết hồ đồ. Đến lúc chết mà người ta vẫn còn vướng mắc cái nầy thứ nọ, nào là con trai, con gái, tài sản lại bỏ không đành. Nhưng, dù không thể buông bỏ, họ cũng chẳng làm gì được. Đến lúc chết thì cũng phải chết!

Học Phật là để hiểu rõ về tiến trình sanh tử, rồi sau đó chúng ta tu hành hầu giải thoát sanh tử. Chuyện sống chết nếu chưa hiểu rõ thì chúng ta làm việc gì cũng đâu có ý nghĩa. Cho nên quý vị là người học Phật, trước hết nên nhận rõ về vấn đề căn bản nầy. Quý vị phải hiểu rõ sống như thế nào, chết như thế nào, nên hiểu rõ nhiệm vụ làm người như thế nào. Nếu quý vị hiểu rõ những nhiệm vụ nầy rồi, tức là quý vị sẽ không hồ đồ. Người xưa nói:

Lai thời hoan hỷ khứ thời bi,

Không tại nhân gian tẩu nhất hồi,

Bất như bất lai diệc bất khứ,

Diệc vô hoan hỷ diệc vô bi.

Nghĩa là:

Đến thì vui vẻ, đi thì buồn,

Dạo một vòng đời rồi cũng không,

Chi bằng không đến cũng không đi,

Để không vui vẻ, cũng chẳng buồn.

Lai thời hoan hỷ: Khi sanh con, trong bất cứ gia đình nào, mọi người cũng đều rất vui mừng. Khứ thời bi: Lúc có người chết, ai nấy trong gia đình đều rất bi ai, khóc lóc kêu vang. Khi đến thời cười, khi ra đi thời khóc. Nhưng lúc đứa nhỏ ra đời thì nó khóc, đến lúc ra đi nó cũng không quên khóc. Chúng ta vui khi thấy trẻ con chào đời, đến khi thấy người ta chết thì mình khóc, đứa bé chết mình cũng khóc, người già chết mình cũng khóc, người trung niên chết mình cũng khóc. Vợ chết thì chồng khóc, chồng chết thì vợ khóc. Xét cho cùng thì khóc có dụng ý gì? Đó gọi là hồ đồ.

Không tại nhân gian tẩu nhất hồi: Trong cuộc đời nầy, chuyện gì chúng ta cũng không hiểu rõ. Khi đến thì không, khi đi cũng không, chúng ta cũng chẳng được lời thêm hoặc là bị lỗ vốn một chút nào. Mà lỗ vốn gì đây? Người sống ở đời mà làm công đức tốt thời được thăng lên, nếu tạo ác nghiệp thì sẽ bị hạ xuốngï. Người không làm việc thiện công đức, hoặc cũng không gây nghiệp ác thì họ sẽ không đi lên, cũng không đi xuống. Họ sẽ không lên thiên đường, mà cũng không xuống địa ngục, nhưng họ vẫn còn tiếp tục xoay chuyển ở trong công xưởng hóa học của cõi nhân gian. Con người chúng ta là một công xưởng hóa học nhỏ. Khi mình bỏ thêm một chút gì trong tư tưởng thì một chút đó sẽ biến thành tư liệu. Nếu mình gia tăng công đức thiện, mình sẽ thăng lên cao, lên tới trời để làm người trời, hoặc làm người ở cõi nhân gian, hay là trở thành A Tu La. Nếu mình gây nghiệp ác, mình phải đọa vào địa ngục làm ngạ quỷ hoặc làm súc sanh. Nếu mình không lên trời mà cũng không xuống địa ngục, thì mình sẽ ở nhân gian mà sống một cuộc đời bình thường. Trong cuộc đời nầy, chúng ta ăn cũng không ít, mặc cũng không ít, ngủ cũng không ít, vậy cuối cùng rồi mình được cái gì? Thì cũng vẫn là tay không mà đến, tay không mà đi. Cho nên câu kệ nói: Dạo một vòng đời rồi cũng không.

Bất như bất lai diệc bất khứ: Đối với cuộc đời như thế, rốt cuộc rồi chúng ta sống có ý nghĩa gì? Chẳng có nghĩa lý gì cả. Bởi vậy: “Chi bằng không đến cũng không đi.”

Diệc vô hoan hỷ diệc vô bi: Nếu chúng ta không đến thì sẽ không có cái hoan hỷ, cũng không có cái bi ai. Như vậy không phải là bình yên quá lắm hay sao? Nhưng con người đâu có cam chịu cảnh vắng lặng. Không có chuyện, người ta cũng ráng kiếm chút chuyện để làm. Cho nên ai nấy cứ ở trong sáu nẻo luân hồi, chuyển tới chuyển lui, sanh rồi lại tử, tử rồi lại sanh, và cứ ở đấy mà làm người hồ đồ. Quý vị nói là họ đã hiểu rồi. Nhưng mà họ hiểu cái gì? Tôi không tin là họ đã hiểu. Họ chỉ hiểu cái tướng hư vọng vô thường của thế gian, cho nên tâm họ thường có phiền muộn, thường thường không an vui. Quý vị thử nói đi, người sống như thế rốt cuộc có mục đích gì? Nếu chúng ta có thể hiểu rằng làm người không có ý nghĩa, vậy chúng ta nên tìm cho ra cái ý nghĩa chân chánh về cách làm người là gì.

Riêng bản thân tôi cảm thấy: “Mạng người vô thường như trong khoảng thở ra hít vào.” Ngày xưa có ba ông lão. Một vị chín mươi tuổi, một vị tám mươi tuổi và một vị bảy mươi tuổi. Ba ông lão cùng hợp mặt chung vui trong bữa tiệc liên hoan. Vị bảy mươi tuổi nói: “Năm nay hội đủ trước bàn tiệc, không biết sang năm sẽ thiếu ai?” Ông bảo là năm nay ba người chúng ta vui vẻ cùng nhau ăn cơm, uống rượu, nhưng không biết sang năm, trong ba chúng ta sẽ vắng ai. Vị tám mươi bèn nói: “Ông nói chi quá xa vời vậy! Hôm nay cởi được giầy và vớ, chẳng biết ngày mai có mang vào nổi không?” Nghĩa là tối nay tôi cởi giầy vớ ra rồi, nhưng không chắc rằng ngày mai tôi vẫn có thể được mang nó. Ông lão chín mươi tuổi bảo: “Ông cũng nói chuyện quá xa xôi đi. Hơi thở tôi vừa thở ra, nó có trở lại hay không, tôi cũng chẳng biết!” Nói được thế, bởi vì ông nầy đã chín mươi tuổi rồi. Chúng ta mỗi người hãy nên suy gẫm về những lời bàn luận của ba ông lão nầy. Chúng ta có chắc chắn được rằng, mình sẽ chẳng chết hay không?

Có một người trung niên sau khi chết, anh chàng bèn đến gặp Diêm Vương và nói rằng: “Tôi còn trẻ, sức khỏe lại cường tráng, vậy Ngài gọi tôi xuống đây để làm gì? Tôi vẫn còn làm được nhiều việc lắm đó. Tại sao Ngài gọi tôi xuống đây mà cũng không thông báo trước cho tôi một tiếng nào? Hoặc là Ngài đánh điện tín hay viết thư cho tôi, để tôi chuẩn bị chớ. Bây giờ Ngài bắt tôi đến đây, thật là vô lý!” Diêm Vương bèn nói: “Ta đã gởi thơ cho ngươi mấy lần rồi, mà ngươi lại lơ đãng đâu thèm để ý đến.”

Người trung niên thưa: “Ngài gởi thơ cho tôi hồi nào?”

Diêm Vương đáp: “Ta gởi cho ngươi lá thơ thứ nhất là lúc người hàng xóm của ngươi mới sanh con, nhưng qua hai hôm sau thì đứa bé chết. Ngươi có nghĩ là ngươi cũng sẽ chết hay không?

Anh trung niên thưa: “A! Lá thư đó là gởi cho tôi sao? Tôi không nhận ra những chữ như thế, mà tôi cũng không biết đọc thơ. Thế còn lá thơ thứ hai?”

Diêm Vương nói: “Ngươi đã thấy nhiều người ở lứa tuổi ngươi cũng chết mà, đó là thơ thứ hai đấy.”

“Nhưng tôi không hề nghĩ là tôi cũng sẽ chết. Còn lá thơ thứ ba?”

Diêm Vương tiếp: “Ngươi đã nhìn thấy người già, tai thì điếc, răng thì rụng, vậy sao ngươi không cẩn thận một chút. Ngươi có nghĩ rằng, tương lai cũng sẽ tới phiên mình hay không?”

Người trung niên nghe xong thì cúi đầu ủ rũ, không nói một lời nào.

Mỗi người chúng ta rồi cũng sẽ nhận được những lá thơ nầy, nhưng mọi người đều không chú ý đến. Nếu chú ý đến thì có lợi ích gì? Chúng ta có phương pháp gì không? Chúng ta nên cố gắng học Phật, học liễu thoát sanh tử. Đối với sanh tử, chúng ta phải nắm chắc là mình sẽ được tự do sống chết. Có nhiều người nói đến tự do, nhưng đó là tự do giả tạo thôi. Còn sanh tử tự do, tức là mình muốn sống thì sống đến bao lâu cũng được; nếu mình muốn chết thì chết lúc nào cũng xong. Nói đến thì đến, nói đi thì đi. Mình từ đâu đến, mình cũng biết; mình đi về nơi nào, mình cũng hay. Chúng ta học Phật Pháp là vì muốn được tự do đi lại - sanh tử do mình quyết định, Diêm Vương cũng không quản chế nổi. Dù ổng có gởi bao nhiêu điện tín, bao nhiêu lá thơ, mình cũng không cần màng tới. Muốn được tự do sanh tử, chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Chuyện nầy rất đơn giản, chứ đâu có gì là huyền diệu. Chúng ta cũng không cần mỗi ngày phải đọc bao nhiêu bài chú để gởi cho Diêm Vương. Ở đây tôi có Lục Đại Tông Chỉ. Nếu quý vị lấy sáu đại tông chỉ nầy làm cơ sở, và rèn luyện thân tâm, tức quý vị sẽ được tự do sanh tử.

Lục Đại Tông Chỉ là:

1 - Không tranh: Không tranh là kể cả không nổi nóng. Một chút nóng giận cũng không được. Với ai mình cũng không phát cáu. Không nổi nóng thời phiền muộn vô minh cũng sẽ giảm bớt đi. Phiền não dứt rồi thì trí huệ sẽ phát sanh, và chúng ta cư xử với mọi người bằng tấm lòng từ bi.

2 - Không tham: Không tham tài cũng không tham sắc; không tham danh cũng không tham lợi, cái gì mình cũng không tham muốn. Mà hãy nên: Anh cần cái gì thì tôi sẽ cho anh cái ấy.

3 - Không cầu: Không truy cầu bên ngoài, những thứ không nên có thì mình tuyệt đối không cần đến.

4 - Không ích kỷ: Nguyên nhân chúng ta không thể thành Phật và bị đọa xuống tam ác đạo cũng là vì tự tư ích kỷ. Nếu chúng ta không có lòng ích kỷ, thời bất kỳ tội nghiệp gì cũng không có.

5 - Không tự lợi: Chúng ta không nên vì lợi ích cá nhân mà bất chấp thủ đoạn để làm lắm chuyện phi pháp, hoặc làm những việc tổn hại đến kẻ khác.

6 - Không vọng ngữ: Tức là nói thật. Chúng ta tuyệt không dối gạt kẻ khác, hay nói những lời nghe như thiệt nhưng lại là giả.

Tôi cũng vì hai thầy Tam Bộ Nhất Bái, đi ba bước lạy một lạy mà nói Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thành. Nhưng cho đến hôm nay, dù họ đã ngừng Tam Bộ Nhất Bái rồi mà họ vẫn chưa thực hành được bao nhiêu. Tại Vạn Phật Thành, tất cả mọi người đều nói về Lục Đại Tông Chỉ nầy. Ai có thể thực hành theo một cách đầy đủ thì người đó sẽ ra khỏi tam giới, sẽ thành Phật. Nếu tự mình không thể thực hành theo, mình cũng không nên oán trách người khác đã không giúp đỡ mình. Chỗ hiểu biết của tôi là ở Lục Đại Tông Chỉ nầy. Bất luận làm việc gì, nếu quý vị có thể giữ đúng theo Lục Đại Tông Chỉ thì quý vị sẽ không tạo nghiệp đâu. Đó là điều kiện tối cơ bản để thành Phật. Nếu chúng ta có thể làm được thì thế giới sẽ được thái bình. Khi người và người không có sự tranh giành với nhau, thế giới nầy làm sao mà không hòa bình cho được. Giữa người và người không có sự tham lam, như tôi không muốn những gì của quý vị, cũng chẳng tham các tài vật không chánh đáng, tức lúc đó mọi người sẽ cùng nhau chung sống trong hòa bình. Một khi mọi người đều không tham, không cầu, không tranh, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ, thì thế giới tự nhiên sẽ hòa bình và vĩnh viễn sẽ không có sự phân tranh. Quý vị là những người học Phật, trước tiên hãy nên nhận thức rõ ràng về những điều kiện cơ bản nầy. Như vậy đối với việc học Phật, quý vị mới được nhiều lợi ích lớn lao.

Giảng ngày 13 tháng 6 năm 1987

Ông Sư Trong Mộ

Có một số người muốn biết về cuộc đời quá khứ của tôi, cho nên bây giờ tôi sẽ sơ lược vài điểm để quý vị rõ. Tôi sanh trưởng ở vùng Đông Bắc và xuất gia từ nơi đó. Sau đó tôi bị gió nghiệp thổi đến Thiên Tân, rồi thổi tiếp đến Võ Hán, Hồ Bắc, Phổ Đà Sơn, Tô Châu Linh Nham Sơn. Sau đó nó lại thổi tôi đến Quảng Đông ở chùa Nam Hoa, và được thân cận với Lão Hòa Thượng Hư Vân. Đến năm 1950, tôi lại đến Hồng Kông. Và tại Hồng Kông tôi đã có một khoảng nhân duyên không lớn cũng không nhỏ. Trong thời gian tôi ẩn cư tại đó, tôi rất ít tiếp xúc với người ngoài. Năm 1962, tôi lại đơn độc một mình đến nước Hoa Kỳ.

Lúc tôi mới đến San Francisco, Hoa Kỳ, cuộc sống ở đấy rất là khốn khổ. Tôi sống trong căn phòng dưới hầm (basement). Trong căn hầm nầy có cửa, nhưng không có cửa sổ, vì vậy ánh sáng mặt trời không soi thấu vào được. Vả lại nơi đó rất ẩm thấp, giống hệt như một ngôi mộ phần. Do đó tôi đặt tên riêng cho mình là “Mộ Trung Tăng,” tức là Ông Sư Trong Mộ. Tuy vẫn còn sống, nhưng tôi giống như người đã chết, có nghĩa là tôi không tranh chấp với bất cứ người nào. Chuyện gì người ta thích làm, tôi sẽ không tranh mà cứ để cho họ làm. Những gì người ta không thích, hoặc những thứ không tốt lành thì tôi thâu thập lại, giống như là đi nhặt rác rến vậy đó. Tôi ở trong “phần mộ” như thế được sáu năm. Đến mùa hè năm 1968, nhân duyên thành tựu là từ vùng Seattle, có ba, bốn mươi sinh viên với đủ cả các văn bằng: tiến sĩ, thạc sĩ, học sĩ, mời tôi giảng kinh Lăng Nghiêm. Thế là tôi chui ra khỏi ngôi mộ để bắt đầu hoằng dương Phật Pháp tại Tây phương.

Tôi cũng xin nói thêm về chí nguyện và sự thực hiện việc phiên dịch kinh điển của tôi. Tôi là một người tài mọn ít học, cả đời chỉ được học tại trường hai năm rưỡi thôi. Tôi nhập học lúc mười lăm tuổi, nhưng đến mười bảy tuổi lại thôi học. Đến năm mười lăm tuổi tôi mới bắt đầu đi học. Lúc mười sáu, mười bảy tuổi thì tôi tham gia vào Hội Đạo Đức. Mười sáu tuổi, tôi đã giảng thuyết Lục Tổ Đàn Kinh. Một người bất học vô thuật như tôi mà biết giảng kinh, quý vị nói là có tức cười hay không!

Khi ở Đông Bắc, tôi thường quan sát cách thức truyền bá giáo lý của các tôn giáo khác. Chẳng hạn như đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành, tôi thấy giáo nghĩa của họ được phổ biến một cách sâu rộng và có rất đông giáo đồ. Nguyên nhân chủ yếu là vì họ đã phiên dịch Thánh Kinh thành ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và phổ biến một cách rộng rãi. Lời lẽ văn tự và giáo lý trong Kinh Thánh thì ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu. Vả lại, nguyên toàn bộ giáo lý của họ đã được cô động, thâu gọn vào trong một bộ Kinh Thánh, không có rườm rà nên khiến cho nhiều người dễ dàng tiếp nhận. Đó là một nhân tố lớn khiến cho đạo Thiên Chúa và Tin Lành rất thịnh hành. Còn một nhân tố lớn khác cũng giúp cho họ được thành công, đó là họ đề xướng về ngành giáo dục. Họ thành lập rất nhiều trường học để truyền bá giáo lý, cho nên điều đó đã có sự ảnh hưởng rộng rãi vô cùng.

Qua sự xem xét nầy, tôi bèn quyết định rằng: Nếu muốn trùng hưng Phật Pháp, chúng ta phải bắt đầu từ hai phương diện như: tự lưu truyền quảng bá kinh điển và đề xướng việc giáo dục. Bởi nhân đó mà tôi sớm phát nguyện, muốn phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển thành ra các thứ tiếng ngoại quốc, ngõ hầu truyền bá đến toàn thế giới.

Phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển là nhiệm vụ rất khó khăn. Ngày xưa, việc nầy đều do sự ủng hộ tận tâm của nhà Vua và các quan đại thần, chớ đâu phải do năng lực của một số dân chúng bá tánh mà làm được. Tôi là người không tự lượng sức mình. Tự bản thân tôi, một chữ ngoại ngữ cũng không thông, thế mà lại muốn gánh lấy trách nhiệm vĩ đại nầy. Đã không hiểu ngoại ngữ, vậy tôi làm sao phiên dịch đây? Tôi bèn tìm đến các vị học giả hiểu biết tiếng ngoại ngữ, để mà cúi đầu hoặc thăm hỏi. Thấy tôi trịnh trọng như thế, họ đều lấy làm vinh dự. Bởi vậy, tuy phiên dịch kinh điển là công việc rất khó khăn, song họ cũng dốc lòng làm.

Từ năm 1968 đến nay, bổn hội chúng ta xuất bản có hơn trăm bộ kinh điển đã được dịch sang các ngôn ngữ Tây phương. Những kinh sách đó đã được lưu hành khắp các nước, và được nhân sĩ các nước xem rất trọng. Mặc dù công việc phiên dịch chưa thể nói là hoàn hảo lắm, nhưng đúng thật là nó đã thức tỉnh được rất nhiều người đang mê mộng, khiến họ sanh lòng chánh tín đối với Phật Pháp. Vả lại, qua cách thử nghiệm nầy cũng có tác dụng giống như chúng ta ném bỏ hòn đá để lấy vào viên ngọc quý.

Chúng ta hy vọng trong tương lai, người ta sẽ làm công tác phiên dịch càng tinh thâm hơn, và càng đạt tới chỗ viên mãn hơn.

Mãi đến hôm nay, tôi vẫn còn đeo mang canh cánh trong lòng mối hoài bão phiên dịch kinh điển và tổ chức giáo dục. Nếu tôi không thực hiện được, thời chết sẽ không nhắm mắt.

Giảng ngày 15 tháng 6 năm 1987

Học Tập Phật Pháp - Chú Trọng Thực Hành

Khi nghiên cứu Phật Pháp, chúng ta nên chú trọng về việc thực hành. Nếu chỉ nói suông mà không thực hành theo, dù ta có nói hay đến nỗi mọc cành, mọc lá, đơm hoa kết trái thì đó cũng vẫn thuộc về hư vọng. Vậy cũng giống như chỉ nói về thức ăn mà không được ăn, như đếm của báu cho người, tự mình chẳng có lợi lộc gì, là tự dối mình và dối người. Chúng ta nên tự hỏi rằng: “Mình nên làm người xuất gia như thế nào? Làm người tại gia ra sao? Là người Phật tử thì nên như thế nào?” Chứ đừng chỉ lo giặt đồ cho người khác, đến nỗi tự bản thân lao nhọc xuất mồ hôi, và quần áo mình vẫn còn dơ bẩn.

Khi nghiên cứu kinh văn, chúng ta nên đem kinh văn hòa hợp vào thân, tâm, tánh mạng của chính mình và tự hỏi: “Ta có thể làm theo Đạo lý nầy không? Ta có thể tu hành bằng cái tâm ngay thẳng và cái tâm chân thật không? Phải chăng, ta chỉ là người buông thả, lãng phí thời gian trong giáo lý nhà Phật? Có phải ta là người đầu cứng như đá, là người hay nói mà chẳng bao giờ chịu làm?” Chúng ta nên hồi quang phản chiếu, xem xét lại bản thân và tự hỏi: “Rốt cuộc rồi mình muốn làm một người Phật tử như thế nào đây?” Làm người Phật tử chân chánh thì sẽ không sợ bất cứ ai nói về lỗi của mình. Khi mình có lỗi mà có ai nêu ra, chúng ta cũng nên chấp nhận. Bất kể rằng người phê phán đó có trí thức nhiều hơn hay kém hơn mình, lớn tuổi hơn hoặc nhỏ tuổi hơn mình, là nam hay nữ, chúng ta nhất nhất đều nên chấp nhận, chứ không nên cãi lý hoặc biện luận cho mình.

Biết mình sai quấy mà không chịu sửa thì đó là lầm lỗi rồi. Cho nên nói: “Có lỗi biết sửa, xem như không, nếu che giấu, tội càng tăng.” Nếu cứ biện hộ để giấu lỗi mình, như vậy chỉ làm tăng thêm nghiệp tội của mình thôi. Khi thấy người phá giới hoặc phạm pháp, các thầy Tỳ Kheo giữ giới có thể đuổi hoặc khiển trách người đó. Nhưng nếu người không có lỗi, mà quý vị cứ nói là người đó phạm lỗi, như thế cũng không đúng đâu. Hoặc ai đó vô tình phạm lỗi, quý vị cũng không nên bươi ra tật xấu của người ta. Quý vị cũng không nên trước mặt thì nói phải, nhưng sau lưng lại nói quấy; hoặc đối diện người thì nói chẳng có vấn đề gì, nhưng sau lưng họ thì tào lao nhiều chuyện. Lại có một số người không tự biết mình, cứ tưởng mình là hay lắm. Họ lại thích trổ tài để tạo danh kiếm lợi, kết bè kết đảng, giao du thân thiết với mọi người. Những hạng người như vậy sẽ không được phép ở trong Phật Giáo.

Người tu đạo cần phải ngày ngày giữ gìn tâm đạo và tâm thực hành. Nếu lừa người, dối mình thì mình có lỗi với người, mà cũng có lỗi với chính mình và là người tạo nghiệp tội trong Phật giáo.

Giảng ngày 16 tháng 6 năm 1987

Bồ Đề Tâm Là Chân Tâm

Bồ Đề tâm là gì? Bồ Đề là danh từ tiếng Phạn, dịch là “Giác Đạo,” nghĩa là con đường giác ngộ. Bồ Đề tâm là chân tâm căn bản, cũng tức là cái tâm không hồ đồ. Tâm hồ đồ là tâm tạo nghiệp, tâm không giác đạo. Do đó, chúng ta phải biết cho rõ con đường nầy là dễ đi hay khó đi. Biết rõ lộ trình rồi chúng ta mới có thể đạt đến mục đích. Lại nữa, Bồ Đề tâm tức là lúc đi đứng nằm ngồi, chúng ta đều tôn thủ đúng pháp luật, mà pháp luật đó chính là giới. Nói đơn giản là: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.”

Chư ác mạc tác tức là giới. Có năm Giới: Sát, Đạo, Dâm, Vọng, Tửu (rượu). Chúng thiện phụng hành tức là hành thập thiện. Thân, khẩu, ý của chúng ta tổng cộng có mười điều ác. Thân thì phạm sát, đạo, dâm; khẩu thì phạm: ỷ ngữ, vọng ngữ, ác ngữ, lưỡng thiệt; ý thì phạm: tham, sân, si. Nếu không làm mười điều ác nầy, vậy là chúng ta đã thực hành thập thiện rồi. Tôi nay xin giải thích một cách sơ lược như sau:

Thân có ba điều ác là: Sát, đạo, dâm. Thật ra, có rất nhiều người không phải là không biết thiện ác, nhưng họ biết mà vẫn cứ cố phạm. Lấy việc sát sanh ra mà nói, người ta đa số biết rằng, sát hại sanh linh là không đúng, nhưng họ vẫn cứ phạm giới sát. Trộm cắp tức là của không cho mà lấy, biết rõ trộm cắp là không tốt, thế nhưng họ vẫn cứ trộm cắp. Tà dâm là ham thích nhục thể, nó là thứ khoái lạc hư vọng chứ đâu phải thật. Bởi vì thứ khoái lạc nầy là giả, cho nên con người rất dễ đam mê mà quên mất sự khoái lạc chân thật. Đây là căn bệnh thông thường của người đời. Thật thì không ai nhận ra, nhưng cái giả thì mọi người lại ùa chạy theo.

Cho nên nói: “Nhất thiên năng mại thập đảm giả, thập thiên nan mại nhất đản chân,” tức là một ngày có thể bán được một ngàn gánh giả, nhưng khó bán được một gánh thật trong mười ngày. Người đời kỳ quái như thế đấy!

Ý nghiệp của chúng ta phạm ba điều ác như: Tham, sân và si. Tham là lòng tham lam không biết chán. Có người trong lòng cứ nghĩ rằng: “Nếu có được một triệu thì mình đã thỏa mãn lắm rồi.” Nhưng khi có được một triệu, hắn lại nghĩ đến mười triệu, thậm chí đến cả mười tỷ luôn. Bao nhiêu cũng không thỏa mãn được lòng tham đó.

Có bài kệ như sau:

Chung nhật mang mang chỉ vị cơ,

Đắc liễu bão phạn hựu tư y,

Y thực lưỡng ban câu phong túc

Tiện tưởng cao lâu dữ mỹ thê,

Thú hạ kiều thê tịnh mỹ thiếp,

Xuất nhập vô thuyền thiểu phi cơ,

Luân thuyền phi cơ cụ kỷ bị,

Hựu vô quan chức bị nhân khi,

Ngũ phẩm Tứ phẩm hiềm quan tiểu,

Tam phẩm Nhị phẩm dã hiềm đê,

Nhất phẩm đương triều tát Tể tướng,

Cánh tưởng diện nam khứ đăng cơ,

Nhất nhật đăng cơ tọa liễu điện,

Hựu tưởng thành Tiên hạ cuộc kỳ.

Nghĩa là:

Cả ngày bận rộn chỉ vì đói,

Được no cơm lại nghĩ áo quần,

Khi cơm áo hai thứ đầy đủ,

Bèn tưởng muốn nhà cao vợ đẹp,

Cưới vợ đẹp, thiếp hầu xinh xắn,

Dạo đi còn thiếu tàu máy bay,

Khi sắm đủ tàu thuyền phi cơ,

Lại chưa chức phận bị người khinh,

Ngũ phẩm Tứ phẩm chê là nhỏ,

Tam phẩm Nhị phẩm vẫn còn thấp,

Được chức Tể Tướng đệ nhất triều,

Kế muốn đội mão lên ngôi Đế,

Một ngày chểm chệ trên ngai điện,

Lại muốn cùng Tiên họp đánh cờ.

Con người suốt ngày bận rộn chỉ vì lo cho no bụng. Khi bụng no rồi, người ta lại nghĩ đến quần áo đẹp, chưng diện đồ tây thẳng cón và thích kết giao với các quan chức thượng lưu trong xã hội. Đến khi chuyện ăn no, mặc đẹp đã đầy đủ, người ta lại nghĩ đến chuyện cưới vợ đẹp, hoặc lấy được ông chồng tuấn tú đẹp trai. Khi được vợ đẹp, thiếp hầu xinh xắn, hoặc chồng khôi ngô tuấn tú, họ lại nghĩ đến kiệu xe, mua một cổ xe có tiếng, thậm chí còn muốn có phi cơ để đi đó, đi đây. Khi trong tay có đủ máy bay, xe hơi, họ lại nghĩ nếu chẳng có chức vị quan tước, mình sẽ bị người ta coi thường. Thế là họ lại lân la đến quan trường. Làm quan Ngũ phẩm Tứ phẩm, cho đến Tam phẩm, Nhị phẩm mà họ vẫn chê là nhỏ. Cuối cùng họ làm tới chức Nhất phẩm, tức đại Tể Tướng hay Quốc vụ khanh. Nhưng vẫn chưa cho là đủ, họ lại còn muốn làm Tổng Thống, hay làm Hoàng Đế. Một khi được đăng triều lên bảo điện làm Hoàng Đế, họ lại muốn thành Tiên, trường sanh bất tử và được đánh cờ với các vị Tiên nhân.

Đó là hình dung về cái lòng tham không đáy của con người chúng ta. Dù đã có được gia tài ngàn vạn, nhưng lại muốn nắm trọn quyền kinh tế quốc gia. Khi nắm được nền kinh tế toàn quốc rồi, thậm chí còn muốn nắm luôn cả mạch mạng kinh tế của toàn thế giới. Nói tóm lại, trên thế gian có hai hạng người, một loại là tham danh, một loại là tham lợi. Kẻ tham danh thì cố dùng trăm phương ngàn kế để làm cho tiếng tăm mình được to lớn thêm. Người tham lợi thì dốc lòng tìm mọi mưu kế để càng kiếm được nhiều tiền hơn. Tất cả đều là do lòng tham sai khiến mà ra.

Trong tâm lại còn có độc sân. Sân tức là tâm sân hận, nổi nóng bừng bừng, gọi là: “Khuyết đức đới mạo yên” tức là thiếu đức như đầu đội khói. Người có tánh nóng dữ dội thì giống như suốt ngày đầu bị đội khói, có khí nóng cuồn cuộn xông lên. Đó là dấu hiệu của sự thiếu đức.

Người cao quý thật sự thì không nổi nóng. Nếu có tánh nóng, nhất định là họ cũng phải tự kiềm chế, hàng phục, điều hòa cho thân tâm được bình tĩnh và biết biến độc sân thành ra hiền hòa, biến dao mác thành ra ngọc lụa. Ba độc tham, sân, si có mối liên hệ với nhau. Tất cả phiền muộn của con người đều là do từ tham dục mà ra. Khi có lòng ham muốn, chúng ta bèn hướng ra bên ngoài để tìm cầu. Thấy đồ tốt đẹp là chúng ta muốn chiếm làm của riêng. Nếu chiếm không được thì chúng ta nổi sân. Một khi đã nổi sân, đầu óc chúng ta trở nên tối tăm mê muội, rồi biến thành ngu si. Cái độc si nầy, không phải là chỉ đến cái ngu si của loài bạch tượng, mà nói về người không biết lý lẽ, mê muội về luật nhân quả, bởi năng khiếu nhận thức của tâm đã bị che khuất rồi. Ba thứ độc nầy là căn nguyên của tất cả các phiền não. Muốn trừ phiền não, trước hết là chúng ta phải chặt đứt cái gốc của ba độc tham, sân, si.

Khẩu nghiệp của chúng ta rất dễ phạm đến bốn lỗi như: ỷ ngữ, vọng ngữ, ác khẩu và lưỡng thiệt. Ỷ ngữ là nói lời thêu dệt bâng quơ, không thật, hoặc nói những lời không đàng hoàng, khiến người nghe khởi vọng tưởng bất tịnh. Vọng ngữ là lời nói không chân thật, dối trá. Ác khẩu là dùng lời nói ác độc mắng nhiếc người, khiến cho người nghe không thể nào chịu nổi. Lưỡng thiệt là nói thị phi phải trái, xúi giục làm cho hai bên ly gián, như rắn hai đầu.

Trên đây là phần giải thích sơ lược về thập ác của thân khẩu ý. Nếu chúng ta có thể chuyển thập ác thành thập thiện, cẩn thận giữ gìn để không vi phạm, tức là giữ giới luật. Tâm Bồ Đề là một biệt danh của giới luật. Giới luật là dạy mình giác ngộ. Tâm Bồ Đề là chủng tử thiện vốn có trong tâm mọi người. Nếu chúng ta không quên tâm Bồ Đề thì thiện căn của chúng ta sẽ không đứt đoạn. Không hồ đồ tức là tâm Bồ Đề. Chúng ta hãy cố gắng vun bồi cho hạt giống Bồ Đề tăng trưởng, và hướng thẳng đi trên con đường thành Phật.

Giảng ngày 18 tháng 6 năm 1987

Lạy Phật Nhiều - Thường Gặp Điều Lành

Mỗi năm tại Vạn Phật Thành, lễ Tắm Phật đều được cử hành ở ngoài trời. Hôm nay trời quá nóng, có số người đứng đợi ở bên ngoài hơi lâu, bị phơi nắng đến toát cả mồ hôi. Thật ra, nắng mặt trời cũng là cái thử thách xem quý vị có thành tâm đến đây tắm Phật hay không đó thôi. Giả như quý vị có lòng thành, bị nắng chiếu chút chút, quý vị cũng không cảm thấy khổ. Còn nếu không thành tâm, quý vị sẽ không chịu nổi. Tuy nhiên, đã có một số người chịu không nổi rồi. Vậy sau nầy chúng ta có thể sẽ thay đổi phương thức tắm Phật cho tốt hơn. Từ chánh điện đi ra, đại chúng có thể đi xa thêm một chút, rồi dạo vòng lại để tắm Phật và đi trở về chánh điện. Như vậy mọi người sẽ miễn phải chờ lâu ở ngoài trời.

Phương thức tắm Phật ở đây gọi là “nhị long thổ thủy,” tức như hai con rồng phun nước. Người ta đi ra từ hai bên chánh điện, trông giống như hai con rồng cùng đến để tắm Phật.

Trong số người đến dự hội hôm nay, có người bị bệnh hoặc có người gặp những chuyện khốn khổ. Tình hình hoàn cảnh của mỗi người thì không giống nhau. Nhưng bởi vì mọi người đều quá thành tâm, tôi tin rằng chư Phật và Bồ Tát sẽ rất hoan hỷ mà nói: “Hỡi thiện nam tử, thiện nữ nhân! Các con nhẫn chịu được sự nóng bức như vậy để đến Vạn Phật Thành dự lễ Tắm Phật. Vậy tất cả những điều mà các con mong muốn, các con đều sẽ được mãn nguyện, toại lòng như ý!” Thế là người có tật bệnh sẽ thuyên giảm, người có chuyện nguy khốn sẽ chuyển thành kiết tường, tất cả tai nạn vô hình trung đều tiêu diệt hết.

Quý vị chân thành phát tâm Bồ Đề để tin Phật, điều nầy dù có dùng tiền cũng không mua được. Cho nên hôm nay, tôi xin chú nguyện đến mọi người. Mong cho quý vị mọi việc đều được như ý nguyện, và luôn tinh tấn đi trên đường Bồ Đề, sớm thành Phật đạo.

Khi đến Vạn Phật Thành, quý vị có để ý coi nơi đây có gì khác biệt so với những chỗ khác không? Tôi nói cho quý vị nghe là ở đây lúc ăn cơm, chúng ta không nói chuyện, đó là chỗ không giống với các nơi khác. Nếu chúng ta không nói chuyện, thức ăn sẽ tiêu hóa dễ dàng hơn. Chúng ta mà nói nhiều quá thì khó tiêu hóa, và sẽ sanh ra biết bao chứng bệnh kỳ quái. Vạn Phật Thánh Thành vì muốn cứu vãn cho toàn nhân loại, cho nên trước hết chúng ta phải giúp cho mọi người được khỏe mạnh. Nếu thân thể mình không mạnh khỏe, mình làm sao cứu giúp được người khác đây? Do vậy, sở học của chúng ta là trí huệ, điểm chú ý của chúng ta là thân thể khỏe mạnh.

Trong lúc ăn cơm, chúng ta nên chuyên tâm mà ăn, chứ đừng lựa chọn. Dù thức ăn không ngon, mình cũng nên ăn một chút. Nếu chúng ta xua đuổi bọn quỷ tham ăn, quỷ lười biếng, quỷ ngủ gục chạy hết, như vậy mọi chuyện đều sẽ tốt lành. Cái triết lý nầy hàm chứa sự thật rất phong phú. Chỉ cần quý vị hiểu được, ăn như thế nào, mặc như thế nào, ngủ như thế nào, nhất định quý vị sẽ phát tài. Tại sao người ta không phát tài? Bởi vì họ lười biếng quá đi thôi!

Cho nên nói: “Cần kiệm trị gia, gia nghiệp phú; thư hương giáo tử, tử tôn hiền.” Vậy chúng ta đâu cần phải mua cổ phần, cổ phiếu gì để cầu phát tài. Nếu muốn kiếm thêm tiền, quý vị chỉ cần lạy Phật nhiều thêm.

Có người nói: “Tôi suốt ngày lo mua cổ phiếu, tại sao thầy nói những lời không kiết tường như thế? Vậy là tôi nhất định sẽ không kiếm được tiền rồi.” Quý vị muốn kiếm tiền à thì lạy Phật nhiều thêm một chút. Lạy Phật so với mua cổ phiếu còn tốt hơn đó.

Sau nầy, nếu các vị có bạn bè đến tham gia lễ Phật Đản, các vị nên báo trước cho họ biết là ở đây không ăn thịt, không uống rượu, không hút cần sa ma túy, cũng không nhảy đầm. Chỗ nầy không phải là khu vực để ngắm cảnh giải trí, cũng không giống như trung tâm cờ bạc ở Reno. Quý vị nên nói với người ta rằng, ở đây chúng ta chỉ chú trọng đến việc thân thể khỏe mạnh và việc bồi dưỡng trí tuệ. Bởi vậy chúng ta không nên tham hưởng thụ, như tham xe sang, quần áo đẹp, vì đó là tiêu phí tiền bạc. Tiền tài như phân như đất, chỉ xem quý vị có biết dùng nó hay không. Như phân thì có thể dùng làm phân bón cho lúa mạ, chớ đâu có ăn được. Đồng với lý trên, tiền cũng phải biết cách dùng thì mới đúng với ý nghĩa của nó.

Giảng ngày 23 tháng 6 năm 1987

Ngũ Quỷ Phá Nhà

“Quỷ vô thường” không phải chỉ vỏn vẹn có một loại, mà có ít nhất đến năm loại là: Xanh, vàng, đỏ, trắng, đen (Thanh, Hoàng, Hồng, Bạch, Hắc). Căn cứ theo lý luận đông y: ngũ hành phối hợp với ngũ tạng trong thân thể con người và cũng tương ứng với ngũ sắc năm màu, ngũ quý năm mùa và ngũ phương năm hướng. Dưới đây là phần sơ lược, nếu giảng giải tỉ mỉ về lý lẽ của nó thì vô cùng vô tận.

1) - Can - mộc - đông - xuân - thanh.

2) - Tâm - hỏa - nam - hạ - xích.

3) - Phế - kim - tây - thu - bạch.

4) - Tỳ - thổ - trung - trường hạ - hoàng.

5) - Thận - thủy - bắc - đông - hắc.

Ngũ hành có cái lý lẽ là “tương sanh tương khắc.” Mà năm loại quỷ vô thường cũng dựa theo cái lý ngũ hành tương khắc, và có thể làm cho ngũ tạng của chúng ta phát sanh nhiều thứ tật bệnh liên quan với nhau.

1) - Hắc Quỷ vô thường - Ví như người có bệnh thận. Và thận thuộc thủy có sắc đen. Bởi thủy khắc hỏa cho nên nó ảnh hưởng cả tim cũng sanh bệnh.

2) - Hoàng Quỷ vô thường - Tỳ thuộc thổ, sắc vàng. Tỳ có bệnh do thổ khắc thủy, do đó nó lần lượt ảnh hưởng đến thận.

3) - Thanh Quỷ vô thường - Can (gan) thuộc mộc, sắc xanh. Gan có bệnh do mộc khắc thổ, tiếp đến là nó sẽ

làm ảnh hưởng khiến cho tỳ cũng bị bệnh.

4) - Bạch Quỷ vô thường - Phế (phổi) thuộc kim, sắc trắng. Kim khắc mộc nên phổi bị bệnh, khiến ảnh hưởng đến gan cũng có bệnh.

5) - Hồng Quỷ vô thường - Tim thuộc hỏa, sắc đỏ. Tim có bệnh do hỏa khắc kim. Cho nên khi tim có bệnh, nó cũng có thể ảnh hưởng đến công năng của phổi.

Như vậy, ngũ hành tương khắc, mà các chứng bệnh của ngũ tạng cũng là tùy theo ác tánh tuần hoàn của quy luật nhất định mà sanh ra.

Một con quỷ vô thường có thể chiêu tập lại thành năm con quỷ vô thường. Như vậy cũng đủ thấy mạng người là vô thường, chỉ trong khoảng thở ra hít vào. Con người có thể chết đi, con người cũng có thể sống trở lại. Năm tên quỷ vô thường nầy có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với sinh lý và tâm lý của con người. Nhưng bọn chúng không phải tự nhiên mà đến. Không phải là chuyện một sớm một chiều. Mà do trong khoảng thời gian con người từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, họ đã tích lũy từng chút từng chút một, đến nỗi cuối cùng gây ra tình trạng không thể nào thâu thập được nữa. Nghiên cứu về căn nguyên, tất cả các thứ bệnh tật quỷ quái, cho đến cả sanh tử cũng đều là từ “vô minh” mà ra.

Nếu phá trừ được vô minh, thời tất cả các bệnh, tất cả các quỷ vô thường cũng sẽ không còn. Vô minh chính là cội gốc của tất cả tội ác, phiền não, bệnh khổ cho đến cả sanh tử. Con người nên học cách mở mang trí huệ. Khi có trí huệ rồi, chúng ta sẽ vận chuyển được ngũ hành, đem các đạo lý “tương khắc” biến thành “tương sanh,” như có thể làm cho: kim sanh thủy, thủy sanh mộc, mộc sanh hỏa, hỏa sanh thổ, thổ sanh kim. “Tương sanh” tức là cùng giúp đỡ dẫn dắt lẫn nhau, có thể biến hóa dao mác thành ra ngọc lụa.

Bởi vậy, chúng ta nhất định phải phá trừ vô minh để sanh trí huệ. Có trí huệ tức là chúng ta sẽ phá trừ được tất cả các chấp trước. Vì sao con người có chấp trước? Bởi vì vô minh tác quái đấy. Vô minh là đầu mối của tội ác và tai họa. Cho nên, người tu hành nhất định phải phá trừ vô minh. Một khi vấn đề căn bản đã bị diệt trừ, các vấn đề khác sẽ nhân đó mà được giải quyết một cách dễ dàng.

Cho nên nói:

Đãn đắc bổn, mạc sầu mạt,

Như tịnh lưu ly hàm bảo nguyệt,

Ký năng giải thử như ý châu,

Tự lợi lợi tha chung bất kiệt.

Nghĩa là:

Chỉ lấy gốc, chớ lo ngọn,

Như gương trong sạch chứa bảo trăng,

Đã hiểu được ngọc như ý nầy,

Lợi mình, lợi người mãi không hết.

Bệnh hoạn là do nghiệp chướng và quỷ thần đang tác quái. Chúng ta cũng không thể dùng con mắt nhục nhãn để quan sát các hiện tượng bệnh tật một cách đơn giản như thế. Do bởi bản thân của bệnh nhân có nghiệp chướng, cho nên mới có nhiều loài quỷ quái đi theo đòi nợ và gây rắc rối cho người bệnh. Do đó, tùy theo tình hình của chứng bệnh, nếu đơn thuần chỉ trông cậy vào thuốc men để trị liệu thì chưa đủ đâu. Mà người bệnh còn phải hiểu rõ về cái nhân duyên nghiệp chướng của bản thân mình. Thêm vào những bài linh chú Phật Pháp, như vậy trị bệnh sẽ được hiệu quả hơn, cho nên “thuốc đến là bệnh trừ,” có linh nghiệm liền. Bởi vậy, thời xưa có những vị thầy thuốc được danh dự là “thần y” như Hoa Đà đời Đông Hán, Tôn Tư Mạc đời Đường. Về đức độ trị bệnh của họ thì không thể nghĩ bàn. Những vị đó đều tin Phật, chẳng qua trên y án trị liệu không có ghi chép lại mà thôi.

Có số bệnh nhân được bác sĩ trị liệu có kết quả. Song, cũng có bệnh nhân được bác sĩ chữa lành bệnh nầy rồi, nhưng bệnh khác lại phát ra. Vừa trị hết bệnh nầy thì lại xuất hiện bệnh mới khác. Có khi họ liên tiếp bị hai ba thứ bệnh như vậy, cũng bởi vì nghiệp chướng cứ mãi quấy rầy ở phía sau. Như Bác sĩ đã đánh lui được con quỷ gây bệnh, nhưng con quỷ nầy sẽ đi tìm con quỷ khác đến giúp đỡ, rồi chúng trở lại tấn công vào hang huyệt khác của người bệnh. Bọn quỷ cũng thường có hành động tập thể theo từng đoàn, từng đám với nhau.

Trung Hoa có câu thành ngữ: “Bệnh nhập cao hoang,” bệnh đã vào tim, cho biết là bịnh tình trầm trọng, không thể cứu chữa được.

Trong Tả Truyện Thành Công Thập Niên có ghi chép như sau:

Tấn Cảnh Công bị bệnh, Tần Bá mời Cao Hoãn chữa trị. Trong lúc Cao Hoãn chưa kịp đến, Tấn Cảnh Công nằm mộng thấy có hai đứa tiểu nhân. Một đứa nói: “A! Lương y giỏi vậy, e rằng hắn sẽ làm tổn thương đến mình. Mình phải làm sao đây?” Đứa kia nói: Chúng ta cư ngụ trên là hoang, dưới là cao thì làm gì được ta chớ! (Chỗ dưới quả tim gọi là Cao, Hoang là chỗ dưới tim trên hoành cách mô). Sau đó bác sĩ đến bảo: Bệnh nầy không thể làm gì được, trên Hoang, dưới Cao, công không được, mà thông cũng không tới. Thuốc không thấm đến, không trị được đâu.

Tấn Cảnh Công nói: Lương y! Hoang là hoành cách mô, Cao là tung cách chướng đó.

Tấn Cảnh Công nhờ nằm mộng mà biết được vị trí hai đứa tiểu quỷ đã chui vào ở trong thân thể ông. Sau đó, tuy mời được thái y nước Tần là Cao Hoãn đến chữa trị. Cao Hoãn vốn là học trò giỏi của lương y Biển Thước, là vị nổi tiếng đương thời, nhưng ông cũng không có cách nào cứu vãn được bệnh tình của Tấn Cảnh Công. Bởi vì bộ phận trên hoang, dưới cao, châm cứu trị liệu gì cũng không thông được. Do đó người đời sau nhân câu chuyện nầy, lập nên thành ngữ “Bệnh Nhập Cao Hoang” để hình dung về chứng bệnh nan y, không thể nào cứu chữa được.

Ở trên thế gian, có cả trăm ngàn bệnh tật kỳ quái, cái gì cũng có hết, gọi là: “Nghi nan tạp chứng,” những chứng bệnh nan y khó trị đã khiến cho cả đám bác sĩ cũng phải bó tay. Nhưng những chứng bệnh cổ quái linh tinh đó, ngay cả trong sách vở về y dược cũng không có ghi chép lại.

Khi tôi vừa mới xuất gia, tôi vẫn thường hay trị bệnh cho người ta. Nhưng tôi không có viết toa thuốc cho bệnh nhân, tôi cũng không có dùng thủ thuật mổ xẻ hoặc châm cứu gì cả. Tôi chỉ dựa vào tấm lòng chân thành của tôi để niệm những bài linh chú Phật giáo mà thôi. Tâm chí chân thành đó là cứu người. Lúc bấy giờ, tôi đã không biết gì đến chuyện phải cứu quỷ, cứu ma. Trong tâm tôi chỉ có tư tưởng cứu người, vì thế tôi đã làm bọn quỷ không vui lòng. Bởi vì khi quý vị chữa bệnh cho người, bọn ma quỷ nghĩ rằng quý vị muốn chống đối chúng, thế là chúng giận lây đến người chữa trị.

Khi tôi còn ở Đông Bắc, có vô số loài sơn yêu thủy quái kéo đến từ bốn phương tám hướng, ngày đêm sáu thời chúng đều theo dõi tôi và chờ cơ hội để báo thù. Nếu có chút sơ hở là chúng thừa cơ xông vào. Quả thật là tôi không thể nào đề phòng được, cho nên thường bị thiệt hại. Hoặc chỉ mình tôi bị thua thiệt, hoặc là khiến cho những người chung quanh tôi cũng bị thiệt thòi lây. Đa số người ở đó hoàn toàn đâu biết gì về tình cảnh bên trong. Có lần nước phát dâng ngập ở làng Đông Tỉnh, chỉ vỏn vẹn trong bốn giờ đồng hồ mà đã dìm chết ba mươi người, và cuốn trôi hơn tám trăm nóc nhà. Trận hồng thủy đó kéo đến rất nhanh, người đứng trên giường lò (chỗ ngủ phía trên nắp lò sưởi) cũng bị chết chìm. Số nạn nhân bị thiệt thòi đó cũng là tại tôi. Bọn yêu ma quỷ quái muốn dâng nước cho ngập lụt vốn để dìm chết tôi, nhưng rốt cuộc tôi không bị chết chìm, mà làm liên lụy đến rất nhiều người. Cho mãi đến ngày nay, đối với sự việc đó, tôi vẫn cứ khắc khoải trong lòng và cảm thấy rất có lỗi với những người đã mất.

Giảng ngày 26 tháng 7 năm 1987

Sơ Lược về Hòa Thượng Tuyên Hóa
宣化上人簡傳

Hòa Thượng Tuyên Hóa họ Bạch, tên thật là An Từ, tự Độ Luân. Ngài quê ở huyện Song Thành, tỉnh Tùng Giang thuộc Đông Bắc, Trung Hoa, tức là Mãn Châu. Phụ thân Ngài tên Phú Hải, chuyên làm nghề nông. Mẹ họ Hồ, sinh được tất cả tám người con, năm trai ba gái và Ngài là út. Hồ thái phu nhân thọ chay trường, niệm Phật chẳng hề gián đoạn. Một đêm nọ phu nhân nằm mộng thấy Đức Phật A Di Đà hiện thân phóng đại quang minh chiếu triệt thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc, phu nhân ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh ra Ngài. Vừa ra đời, Ngài liên thanh khóc suốt ba ngày đêm không dứt. Chính là vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta Bà nầy vậy.

Ngài cư ngụ tại một thôn quê nhỏ bé, thưa thớt nhà cửa. Thế nên, đến năm mười một tuổi Ngài chưa hề thấy qua người chết. Một hôm, Ngài thấy một em bé, miệng ngậm, mắt nhắm, nằm bó trong đám rơm bên lề. Ngài gọi mà đứa bé chẳng đáp, rờ thì chẳng có hơi thở. Ngài lấy làm khó hiểu vô cùng nên hỏi nhóm bạn. Có kẻ hiểu biết liền nói: “Đứa bé đã chết rồi!” Song Ngài vô cùng ngạc nhiên, không hiểu thế nào là chết. Về nhà, Ngài liền hỏi mẹ, bà dạy: “Phàm là người, ai cũng phải chết. Có kẻ chết già, có kẻ chết vì bệnh, cũng có kẻ chết vì tai nạn. Bất luận là giàu sang hay nghèo khó, bất luận là sĩ, nông, công, thương, hay quan lại, ai ai rốt cuộc rồi cũng phải chết.” Ngài lại hỏi: “Nếu thật như vậy, có cách gì thoát được chết không?” Bấy giờ trong nhà có vị khách là người tu hành.

Vị này đỡ lời đáp rằng: “Chỉ có cách tu Đạo, minh ngộ tự tâm, triệt kiến bổn tánh thì mới liễu đoạn sanh tử, siêu thoát luân hồi, thành Chánh Giác, chứng Vô Sanh.”

Tuy lúc đó Ngài còn nhỏ tuổi, song đối với lời vị khách nói, Ngài tỉnh ngộ sâu xa, do đó Ngài quyết chí xuất gia tu Đạo.

Khi Ngài bàn chuyện xuất gia với mẹ, bà dạy: “Xuất gia là chuyện rất tốt, nhưng cũng không phải là chuyện dễ làm. Cần có thiện căn, có đại nguyện lực, và cần phải phát đại Bồ Đề tâm thì mới có thể thành tựu Vô Thượng Đạo. Nay con đã phát tâm, ta hết sức đồng ý, cũng thật là phù hợp với giấc mộng xưa kia vậy. Nhưng nay ta đã già, ngày tháng chẳng còn bao lâu, các anh chị con đều đã tự lập. Con nên ở lại để phụng dưỡng cha mẹ; khi ta mất rồi, con xuất gia tu hành, lúc đó cũng chẳng muộn.” Ngài vâng lời cha mẹ, rồi sau đó hằng ngày thường theo mẹ lạy Phật. Lạy Phật xong, Ngài lạy cha mẹ. Ngày qua ngày, đông tàn xuân đến, Ngài cung kính phụng dưỡng song thân như đối với Phật vậy. Chẳng bao lâu tiếng đồn về sự hiếu thảo của Ngài vang khắp bốn phương. Khi đó mọi người đều gọi Ngài là Bạch Hiếu Tử (người con chí hiếu họ Bạch).

Năm Ngài 19 tuổi thì mẹ Ngài qua đời; bấy giờ Ngài từ giã họ hàng lên chùa bái Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy và quy y, chính thức xuất gia, thọ giới. Sau đó, Ngài về lại nơi mộ phần thân mẫu để thủ hiếu trong ba năm. Suốt thời gian ấy, Ngài sống trong một túp lều tranh nhỏ, ngày ngày tọa Thiền, đọc tụng kinh điển Đại Thừa và niệm Phật A Di Đà. Rất nhiều lần Ngài ngồi Thiền rồi nhập Định, liên tiếp trong nhiều tuần lễ chẳng rời thiền sàng.

Một đêm nọ, dân trong thôn gần đó hốt hoảng thấy túp lều tranh của Ngài hừng hực lửa đỏ. Ánh lửa hồng phừng thẳng lên giữa không trung và túp lều tranh thì sáng rực như ban ngày. Nhiều người chạy đến mộ, hô hoán: “Nhà Hiếu Tử bị cháy rồi!” Cả trăm người trong làng hè nhau xách gáo, đem xô tới để chữa cháy. Song, khi tới nơi họ chỉ thấy túp lều tranh bình lặng, lửa chẳng cháy và Ngài thì vẫn an nhiên, tĩnh mặc trong Thiền Định!

Có lần Ngài đang tọa Thiền thì chợt có vị khách đến viếng. Vị khách ấy, ngạc nhiên thay, chính là Lục Tổ Huệ Năng! Đức Tổ Sư dạy Ngài rằng trong tương lai Ngài sẽ tới Hoa Kỳ để độ sinh, rằng ở Tây phương Ngài sẽ gặp nhiều kẻ hữu duyên có thể hoằng dương Phật Pháp và Ngài sẽ độ vô lượng vô biên chúng sanh. Mãi đến lúc Đức Tổ Sư từ biệt quay đi rồi, Ngài mới choàng tỉnh, nhớ lại rằng Ngài Huệ Năng vốn là người đời Đường khoảng 1.200 năm về trước.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Ngài vân du khắp nơi. Cuối cùng, trải qua hơn ba ngàn dặm, Ngài tới chùa Nam Hoa, bái kiến vị Đại Thiện Tri Thức của thời bấy giờ là Lão Hòa Thượng Hư Vân. Lão Hòa Thượng lúc ấy đã 109 tuổi. Vừa nhìn thấy Ngài, Lão Hòa Thượng liền nhận ra ngay sự chứng ngộ của Ngài. Khi đó, Lão Hòa Thượng nói: “Như thị, như thị!” và Ngài cũng đáp lại: “Như thị, như thị!” Bấy giờ, Lão Hòa Thượng Hư Vân ấn chứng sở đắc của Ngài và Ngài chính thức trở thành vị Tổ thứ chín của dòng pháp Quy Ngưỡng.

Sau đó, Lão Hòa Thượng dạy Ngài ở lại chùa đảm nhận chức Viện Trưởng Viện Giới Luật của Chùa Nam Hoa.

Năm 1950, Ngài từ giã chùa, lên đường sang Hương Cảng. Ở đây, Ngài sống tại một sơn động biệt lập, chẳng lai vãng gì đến bụi trần, tục lụy. Chẳng bao lâu, có vô số Tăng-lữ Sơ Lược về Hòa Thượng Tuyên Hóa từ Trung Hoa, Đại Lục qua Hương Cảng tỵ nạn và họ cần sự giúp đỡ của Ngài. Cuối cùng, ứng với nhân duyên, Ngài rời sơn động, lập ra giảng đường và hai ngôi chùa, cùng trợ giúp xây dựng nhiều đạo tràng khác.

Trong suốt mười hai năm ở Hương Cảng, Ngài là tấm gương sáng, tinh tấn tu hành khổ hạnh, quên mình vì Phật Pháp. Ngài đã ảnh hưởng vô số thiện nam tín nữ, khiến họ phát tâm Bồ Đề, quy y Tam Bảo, ủng hộ Phật Pháp.

Năm 1962, Ngài đến San Francisco, Hoa Kỳ. Tại đây, nơi một nhà kho nhỏ, Ngài kiên trì tu hành trong im lặng, chờ đợi cho cơ duyên hoằng dương Đạo Pháp chín muồi. Lúc ấy, Ngài tự gọi mình là “Mộ Trung Tăng” (nhà Sư trong phần mộ), hay là Hoạt Tử Nhân (người đã chết nhưng còn sống). Những Phật tử hiểu biết sự tu hành chân chính của Ngài đều rất cảm động và cung kính ủng hộ, cúng dường Ngài.

Năm 1968, Ngài biết cơ duyên đã đến, Ngài nói: “Một đóa hoa sẽ nở ra năm cánh.” Mùa hè năm đó, Ngài chủ trì Pháp Hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày. Khi Pháp Hội kết thúc, quả nhiên có năm người Mỹ đầu tiên xin xuất gia với Ngài.

Từ đó, Ngài tiếp tục chủ trì nhiều Pháp Hội cùng giảng giải các bộ kinh như: Tâm Kinh, Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Đàn v..v... Năm 1971, Ngài giảng bộ kinh tối cao của Đại Thừa, đó là Kinh Hoa Nghiêm.

Song song với việc giảng Kinh, thuyết Pháp, Ngài còn làm vô số công đức độ sinh khác. Năm 1976, Ngài thành lập Vạn Phật Thánh Thành là nền tảng căn cứ địa để hoằng dương Phật Pháp ở Hoa Kỳ. Tại Vạn Phật Thánh Thành, Ngài xây dựng chế độ Tùng-lâm, đào tạo Tăng, Ni, học chúng, tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chính tu hành.

Kệ Hồi Hướng

Nguyện đem công đức này,
Trang nghiêm cõi Tịnh Độ
Trên báo bốn trọng ân,
Dưới cứu ba đường khổ

Nếu có ai thấy nghe,
Đều phát Bồ Đề tâm
Đến khi mạng này hết,
Đồng sanh Cực Lạc quốc.





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]