Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp môn long tượng đại trượng phu - Quyết giữ ba đại tông chỉ (nhóm chủ đề 3)

24/06/201314:01(Xem: 7551)
Pháp môn long tượng đại trượng phu - Quyết giữ ba đại tông chỉ (nhóm chủ đề 3)

Khai thị của Hòa thượng Tuyên Hóa - quyển 6, phần 2

Pháp môn long tượng đại trượng phu - Quyết giữ ba đại tông chỉ (nhóm chủ đề 3)

Hòa thượng Tuyên Hóa

Nguồn: Hòa thượng Tuyên Hóa

ht_tuyenhoa

Pháp môn long tượng đại trượng phu - Quyết giữ ba đại tông chỉ

Các vị Thiện tri thức! Ngày mai là ngày 4 tháng 7, là ngày Quốc Khánh của nước Hoa Kỳ và cũng là ngày thầy Phương Trượng thực tập lên nhậm chức. Vị tân Phương Trượng nầy rất nghiêm khắc, chưa nhậm chức mà đã muốn giết vài người để tế Pháp rồi. Giết ai vậy? Giết giặc! Những kẻ trước đây từng làm giặc, hoặc sẽ làm kẻ giặc trong tương lai, đồng loạt đều phải bị chặt đầu đem bêu trước công chúng. Khi thầy tân Phương Trượng nhậm chức, thì thầy muốn định đặt phép tắc.

Tại sao từ trước đến nay, tôi không đặt ra phép tắc gì cả? Bởi tôi là kẻ nô lệ của Pháp, cho nên đối với tôi thì “everything is OK, no problem!” (mọi chuyện đều OK, chẳng có vấn đề gì). Nhưng vị Phương Trượng mới nầy chuyên chế hơn, vì vậy ông ta muốn giết giặc, giết càng nhiều càng tốt, đó gọi là: “Trảm hết bọn giặc trong Phật Giáo, chỉ để lại Ðại Ðức Cao Tăng.” A La Hán cũng được dịch là kẻ “giết giặc.” Cho nên nói: “Trừ bạo khả dĩ an lương,” nghĩa là trừ kẻ ác cho lương dân được an lành.

Các vị cư sĩ hãy chú ý! Ðừng nghĩ rằng nịnh hót ông tân Phương Trượng là người hộ pháp tốt. Kỳ thật, đó là quý vị cản trở, gây chướng ngại cho sự phát triển của Phật pháp. Vị Phương Trượng cũng không được tùy tiện khen, chê người khác, và cũng đừng bị dao động trước sự khen tặng hoặc phỉ báng. Nếu muốn có người khen mình, vậy nhất định sẽ có người chê mình. Ðó là đạo lý tự nhiên thôi.

Lúc trước chuyện gì tôi cũng cho qua hết, như có người mắng tôi thì tôi cũng bỏ qua, có người khen tôi, tôi cũng quên nốt. Vì vậy bây giờ quý vị tập làm Phương Trượng, tức là quý vị phải bảo trì tông chỉ không khen, không chê. Nếu quý vị không muốn người ta khen mình, thì quý vị không nên khen người ta trước; quý vị không muốn người ta chê mình, thì trước tiên quý vị không nên chê người ta, đó gọi là: “Việc gì mình không muốn, chớ đùn đẩy cho người khác.” Hãy nhớ đấy, đừng gieo những hạt giống không trong sạch!

Các cư sĩ tại gia thấy thầy Phương Trượng mới, bèn muốn cúng dường thầy những thực phẩm đặc biệt—thật ra, đó là hành vi làm bại hoại Phật Pháp Nếu không muốn làm cho Phật Pháp suy sụp thì họ sẽ không “thêu hoa trên gấm,” bày vẽ nầy nọ. Ông Phương Trượng sẽ không chết đói đâu! Dù ông ta có chết đói thì cũng không sao, ai bảo ông ta không lo tu hành? Vả lại, nếu có thể vì Phật Pháp mà chết đói, thì thật vinh hạnh và là một công thần trong Phật Giáo. Cho nên tông chỉ nhất quán của chúng ta là:

Lạnh chết, không phan duyên.

Ðói chết, không hóa duyên.

Nghèo chết, không cầu duyên.

Tùy duyên nhưng không đổi;

Không đổi mà tùy duyên.

Giữ vững ba đại tông chỉ của chúng ta.

Xả mạng vì Phật sự.

Tạo mạng vì bổn sự.

Chánh mạng vì Tăng sự.

Gặp sự gì thấu lý ấy,

Hiểu lý gì hành sự ấy.

Tiếp nốì nhất mạch tâm truyền của Tổ Sư.

[Nói với vị tân Phương Trượng:] Ai muốn đơn độc cúng dường riêng cho ông, đó là phan duyên với ông để được ông chú ý, ông có biết điều này không? Nhất là ông còn trẻ, nên đối với điểm nầy, ông cần phải nhận thức hết sức rõ ràng. Tôi đã già rồi, như người ta thường nói “lão nhi vô năng,” già cả thì vô dụng. Nhưng những người trẻ đừng để mấy thứ bẩn thỉu vây bám quanh mình. Hãy nên: “Dù chết cóng vẫn đứng nghênh đầu gió, dù chết đói vẫn ưỡn ngực mà đi.” Hãy làm ngọn đuốc sáng trong cơn gió mạnh, là vàng ròng trong lò lửa lớn, cái gì cũng không sợ cả!

“Lạnh chết, không phan duyên.” Ðây là sự diễn tả về cuộc đời của tôi. Khi tôi ở Mãn Châu, mùa đông cũng như mùa hạ tôi đều mặc ba lớp áo vải như nhau - một lớp áo vải mặc bên trong và ngoài thì khoác một lớp áo với những mảnh vá, từng miếng, từng miếng vá đắp lên trên. Bấy giờ tôi có thấy lạnh không? Lạnh chứ! Thế sao tôi phải kiên trì chịu đựng như thế? Bởi vì tôi muốn “lạnh chết, không phan duyên” đấy!

“Ðói chết, không hóa duyên.” Khi tôi ở trong động Quán Âm, trên núi Phù Dung tại Hồng Kông, cả hai tuần lễ liền tôi không có lương thực. Tôi bèn tọa thiền trong động để chờ chết. Lúc bấy giờ, dưới núi có vị cư sĩ tên là Lao Khoan Thánh, biệt hiệu là “Pháp Sư Bổn Ðịa” của vùng đó. Và ông được Bồ Tát Vi Ðà báo mộng liên tiếp ba lần rằng: “Trong động Quán Âm có vị Pháp sư tên An Từ, ông nên lên đó cúng dường cho ông ta.” Thế là ngày hôm sau, vị cư sĩ nầy vác hơn ba mươi cân gạo và mang theo hơn 70 đồng đến hang động cúng dường tôi. Ba bốn tháng trước khi chuyện nầy xảy ra, ông cư sĩ này bị chó cắn ở chân. Các bác sĩ đông y và tây y chữa trị cho ông cả mấy tháng, nhưng trị không khỏi; họ đành bó tay chịu thua. Bồ Tát Vi Ðà thích lo chuyện của người khác nên mới bảo ông: “Ông đi cúng dường cho vị Pháp sư ở động Quán Âm thì chân sẽ lành ngay.”

Thế là ông ta tin tưởng mà đem gạo và tiền đến cúng dường. Lúc bấy giờ trong động, tôi chuẩn bị chờ chết đói, song xưa nay tôi chưa hề nói với bất cứ người nào rằng: “Xin ông thương xót tôi, đã qua nhiều ngày rồi mà tôi không có gì ăn hết!” Ðó gọi là “đói chết, không hóa duyên.”

“Nghèo chết, không cầu duyên.” Lúc tôi mới đến chùa Nam Hoa ở Quảng Ðông, được thân cận Ðại Lão Hòa Thượng Hư Vân, trên mình tôi chẳng có một đồng một chữ. Cả đến tiền gởi thơ tôi cũng không có, nhưng tôi chưa từng đến các vị cư sĩ để hóa duyên. Bởi vậy ba đại tông chỉ nầy của tôi đều có căn nguyên, chứ không phải vô căn cứ đâu. Bây giờ thầy tân Phương Trượng lên nhậm chức, mọi người chớ nên đơn độc kết giao cảm tình với thầy, muốn thầy có thiện cảm đặc biệt với mình. Nếu quý vị có lòng cúng dường thì hãy cúng dường cho đại chúng, đừng nên cúng dường riêng lẻ cho một ai; bằng không thì chỉ là hại người và phá hoại sự hòa hợp trong Phật Giáo mà thội!

Người xuất gia chớ nên nhụt chí mà hãy nên giữ vững ba tông chỉ trên. Chúng ta nên làm vị thầy tiêu biểu cho trời và người, và chiến đấu với bọn ma quân ở mười phương.

Có người thắc mắc: “Không phải là thầy dạy đồ đệ nên dùng lòng từ bi hỷ xả hay sao? Vậy, tại sao thầy lại dạy họ đấu tranh? Như thế phải chăng là đừng sửa đổi lòng sân hận của mình? Nếu vậy thì làm sao làm vị thầy tiêu biểu cho trời, người được?” Thì bởi muốn làm vị thầy tiêu biểu cho trời và người, thành thử chúng ta mới phải giáo hóa bọn ma quân!

Giảng ngày 3 tháng 7 năm 1986

Chân Ðế Của Sanh Mạng

Sanh mạng không phải là tiền mà là báu vật vô giá. Chúng ta cũng không thể dùng tiền để mua bán sanh mạng. Thế nhưng đã có nhiều người bán rẻ sanh mạng đời mình. Vì tiền mà họ cam tâm hy sinh cả tánh mạng. Trong xã hội: tam giáo cửu lưu, ngũ hành bát tác, đủ loại ngành nghề, không ai là không vì tiền mà đành bán cả linh hồn, bán đứt sanh mạng mình.

Ðức Khổng Tử nói: “Thiên mạng gọi là Tánh, tuân theo Tánh gọi là Ðạo, tu Ðạo là vì Giáo và không thể xa rời, dù trong tích tắc.” Nếu đạo có thể xa rời thì không phải là Ðạo. Theo khuynh hướng của thời đại hiện nay, chúng ta có thể sửa lại như thế nầy: “Thiên mạng gọi là Tiền, tuân theo Tiền gọi là Ðạo, tu Ðạo là vì Tiền. Tiền thì không thể xa rời, dù trong tích tắc.” Cho nên “mở rộng cửa sau, nhưng đóng kín cửa trước” là thế đấy.

Hiện nay học sinh và thầy giáo đều vì tiền. Giáo sư nếu cảm thấy tiền lương không đủ, họ bèn đình công không dạy. Ðiều nầy đầu độc học sinh, khiến chúng cũng y rập theo khuôn tư tưởng như vậy, đến nỗi làm cho xã hội đi đến chỗ bại hoại luôn. Xã hội bại hoại là trách nhiệm của giáo viên và giáo sư! Hiện nay có nhiều trường rất hoang đàng, quái gở, như khuyến khích học sinh hút xách, tánh tình phóng đảng và tạo biết bao nhiêu chuyện phi pháp. Thời đại nầy so với thời Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Hoa còn bại hoại hơn nhiều. Thật vậy, phong cách nề nếp đời nay mỗi ngày một suy đồi, lòng người chẳng còn như xưa nữa. Giới giáo sư lại công nhiên phê bình: Vị Thánh nhân nầy không đúng, vị anh hùng nọ không tốt, ông tể tướng đó cũng không phải. Tóm lại, mọi người đều không đúng, duy chỉ có mình họ là đúng thôi. Vì sao như thế? Còn không phải là vì tiền ư! Giả như là họ đúng, thế thì bao nhiêu tiền tài cũng đều nên quy nạp về cho họ.

Người đời đều mê tài, mê sắc, mê danh, mê ăn, mê ngủ mà không biết đó là năm căn gốc đọa lạc của địa ngục.

Thứ nhất là tham tài, xem của cải như mạng sống. Ðiều nầy chúng ta vừa mới nói qua rồi.

Thứ nhì là háo sắc. Trong nhiều gia đình, ông chồng có nhiều bạn gái, bà vợ cũng kết giao với nhiều bạn trai. Kết quả là họ náo loạn cả lên mà ly dị, rồi bỏ bê con cái, khiến chúng trở thành trẻ cô nhi. Con cái thấy cha mẹ bại hoại như thế, chúng bèn học y theo, rồi hậu quả lại càng không thể tưởng tượng nổi.

Thứ ba là háo danh. Có số người cảm thấy danh phận mình chưa có đủ tiếng tăm, bèn cố ý tạo cho tên tuổi mình được lừng lẫy. Nhưng đến khi làm cho tên tuổi mình vẻ vang xong, thoáng một cái là đã chết. Kể ra như Mao Trạch Ðông chẳng hạn, tên tuổi ông ta vang dội một thời. Quyền lực của ông so ra còn hơn cả thánh thần. Toàn dân Trung Hoa đều vơ vẫy cuốn sách Tiểu Hồng Sắc của ông. Ngay cả bùa chú của ngài Ðạt Lai Lạt Ma cũng không bằng như ông. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tuy biết niệm chú, nhưng so với Mao Trạch Ðông thì chú nầy cũng chẳng linh nghiệm được.

Ham muốn thứ tư là ăn uống. Lắm người tốn phí rất nhiều công phu nhằm để hưởng thụ cao lương mỹ vị hoặc thực phẩm béo bổ, dinh dưỡng. Như buổi tiệc thời Mãn Hán có cả 108 món, thật quá phí phạm của trời, quả là tổn phước, tổn thọ. Các vị nên cẩn thận và phải hiểu rằng: “Quân tử mưu đạo, bất mưu thực” nghĩa là người quân tử cầu Ðạo, không mưu cầu ăn uống.

Ham muốn thứ năm là ngủ. Có số người không ham tài sắc danh lợi hay ăn uống, nhưng họ lại thích ngủ, ngủ bao nhiêu cũng chẳng thấy đủ.

Bởi vậy năm thứ ngũ dục nầy làm cho nhân tánh con người trở nên hồ đồ, linh hồn cũng như đã mất, rồi mê mê, mờ mờ mà chạy xuống địa ngục.

Giảng ngày 4 tháng 7 năm 1986

Ngậm Ðắng Nuốt Cay - Sen Hồng Trong Lửa

Hởi các vị Thiện tri thức, thấm thoát Vạn Phật Thánh Thành đã trải qua mười năm rồi. Trong thời gian mười năm đó, chúng ta đã từng đối diện với biết bao là gian nan khốn khổ, trùng trùng vô tận, nhưng tôi đã không đi các nơi để phan duyên hay cầu cạnh. Tôi cũng không tìm mọi thủ đoạn để kết giao với xã hội, hoặc xã giao với các nhà quan chức, hoặc lấy lòng những người quyền quý. Có người giới thiệu tôi tới diện kiến thống đốc tiểu bang California và Tổng Thống Hoa kỳ, nhưng tôi đều từ chối. Không biết quý vị còn nhớ chăng?

Vào năm 1979, lúc Vạn Phật Thánh Thành làm lễ khai mạc, có hơn mấy trăm người từ Mã Lai đến. Ngoài ra, lại còn có các vị thiện nam, tín nữ từ các nơi như: Hồng Kông, Ðài Loan, San Francisco, Los Angeles cũng đến dự Pháp hội, tổng cộng cũng có tới vài ngàn người. Ngày hôm đó, câu gì mà tôi nói trước nhất với mọi người, tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Tôi nói: “Cả đời tôi, tôi rất coi thường những người có tiền. Vì sao vậy? Bởi vì các vị có bao nhiêu tiền, thời các vị có bấy nhiêu nghiệp tội theo sau.” Nghe tôi nói như thế, có hơn cả trăm người đến từ Mã Lai bèn muốn tranh cãi với tôi. Họ nói: “Chúng tôi đến đây để ủng hộ Thầy, vậy mà Thầy còn mắng chúng tôi nữa. Chúng tôi đều là người có tiền, nếu nói vậy là không đúng rồi!” Họ muốn nói đạo lý với tôi, nhưng lại không dám công khai. Họ bèn đi thỉnh giáo vị đoàn trưởng kiêm cố vấn của họ là Pháp Sư Ðạt Ma Nan Ðà. Pháp Sư Ðạt Ma Nan Ðà sau khi nghe chuyện, Pháp Sư bèn quở trách họ: “Quý vị đã sống đến bảy, tám mươi tuổi rồi, nhưng đối với sự việc như vầy mà cũng vẫn không phân biệt được đúng sai. Lúc bấy giờ tôi ngồi bên cạnh Pháp Sư Tuyên Hóa, tôi cũng đã nghe mỗi một câu ngài nói đều là chánh pháp. Nếu quý vị muốn tranh cãi với Pháp sư Tuyên Hóa, vậy tôi không thể ở chung trong nhóm quý vị nữa. Hoặc là quý vị đi, hoặc là tôi đi!” Thấy vị cố vấn của họ phản ứng như thế, họ mới không đến tranh cãi với tôi. Pháp sư Ðạt Ma Nan Ðà đến dự Pháp hội lần đó là để nhận bằng Tiến Sĩ Danh Dự của Ðại Học Pháp Giới.

Phàm hễ ai đến Vạn Phật Thánh Thành, thì nên đem ra một phần công sức của mình để đảm nhận một số trách nhiệm. Tôi vốn hai bàn tay trắng, nghèo xác nghèo xơ. Tôi đã trải qua không biết bao nhiêu gian nan khốn khổ mới sáng lập được Vạn Phật Thành, nhưng tôi không bao giờ than khó khăn hoặc cầu xin người tiếp viện, mà cũng không đi hóa duyên kêu gọi quyên góp. Bây giờ tôi đã thoái vị về hưu, thầy Phương Trượng mới lên nhậm chức, về sau ông ta làm gì thì làm, tôi không quản đến, bởi vì “bất kỳ tại vị, bất mưu kỳ chánh,” không còn tại chức thì khỏi lo việc chánh quyền.

Các vị cư sĩ khi đã đến Vạn Phật Thành rồi, chớ nên tìm tiện nghi hay lợi dụng cảnh nhà chùa. Hoặc mình có lòng tham so ra còn nhiều hơn người xuất gia, cả ngày cứ niệm chú “tham” và chú “tranh,” rồi bảo là Vạn Phật Thành đối với quý vị không có từ bi. Quý vị đến Vạn Phật Thành mà để tham, để tranh, vậy là quý vị đã tìm lầm đối tượng rồi.

Phàm người nào quy y tôi, nên tự nghĩ rằng: “Vạn Phật Thành sẽ cho mình bao nhiêu? Còn mình sẽ cống hiến cho Vạn Phật Thành bao nhiêu?” Ðừng đến đây để chỉ trích rằng Vạn Phật Thành đối xử tệ với quý vị. Vậy rốt cuộc là quý vị cống hiến cho Vạn Phật Thành được bao nhiêu rồi? Một khi quý vị hiểu rõ được điều nầy thì trong lòng quý vị mới được yên.

Giảng ngày 5 tháng 7 năm 1986

Muôn Chết, Ngàn Sống, Trăm Mài Luyện

“Vạn tử thiên sanh bách ma luyện” nghĩa là: Muôn chết ngàn sống trăm mài luyện, đây là câu đối liễn nói về cuộc đời tôi. Tôi đã trải qua trăm ngàn cay đắng mới có được Vạn Phật Thánh Thành, cho nên quý vị đừng phá hủy nó.

Ðến năm mười lăm tuổi tôi mới đi học, và học cách viết đối liễn. Tôi rất ưa thích môn đối liễn nầy. Ngay từ ban đầu tôi đã cảm thấy thân thiết với nó rồi. Lúc bấy giờ toàn ban trong lớp tôi có trên ba mươi học sinh. Khi họ làm câu đối không ra, họ đều tìm tôi giúp đỡ. Tôi bèn bắt chước theo nét chữ của họ mà làm câu đối dùm họ. Việc làm nầy không những đã huấn luyện lối suy nghĩ của tôi, mà tâm tư tôi cũng được mở rộng thêm ra. Tôi đi học được nửa năm lúc mười lăm tuổi, rồi đến mười sáu, mười bảy tuổi, tôi học được hai năm liền. Tôi học Tứ Thư, Ngũ Kinh tại trường tư thục. Năm mười tám tuổi là tôi bắt đầu dạy học. Một mình tôi dạy hơn 30 học sinh và tôi chia sẻ hết cho họ những gì tôi đã học. Học sinh đều là con em của những gia đình nghèo khó, cho nên tôi có nghĩa vụ dạy họ.

Một ngày kia, trong nhóm hơn ba mươi học sinh nầy, bỗng nhiên có khoảng hai mươi em phát bệnh dương mao đinh tức là mụt nhọt lông dê. Nói tới loại bệnh nầy là ai nấy cũng đều sợ khiếp vía. Vì nếu không trị bệnh kịp thời, nhất định trong ba ngày sẽ chết; còn nếu biết trị, bệnh sẽ khỏi ngay tức khắc. Bệnh nầy lúc vừa mới phát thì đầu đau rất khó chịu. Hồi đó tôi biết trị bệnh nầy. Tôi dùng một que diêm ấn ngay vào miệng của mụt nhọt trên ngực, nếu nó lõm xuống mà không phình trở lại, thì biết đó là bệnh nhọt lông dê. Và phải lập tức dùng dùi đâm vào thịt và khều ra phía trước, rồi dùng dao cắt bỏ miếng thịt đó. Chúng ta sẽ thấy trong miếng thịt đó có rất nhiều lông, còn chỗ bị mổ chỉ rịn ra chút ít máu thôi. Nhất định là phải chữa trị theo phương pháp đó; nhọt phía trước ngực thì khều ra bảy lần, mụt phía sau lưng thì khều ra tám lần. Quý vị sẽ hỏi là tại sao phải làm như thế? Ðừng hỏi tôi. Tôi ham học, nhưng tôi không cầu hiểu sâu xa. Tôi cũng không biết vì duyên cớ gì, nhưng hễ khều ra như thế rồi thì bệnh sẽ lành hẳn.

Tôi có một chú học sinh rất dễ thương, chú chẳng những biết giữ đúng quy củ, mà còn chăm học, thông minh lại biết chuyện. Tôi chọn chú làm trưởng lớp và cũng lo nuôi dưỡng dạy dỗ nó. Chú bé cũng mắc bệnh lông dê nầy. Có câu nói rằng: “Quan tâm tắc loạn,” khi lo lắng quá, ắt sanh rối loạn. Vì quá quan tâm cho tình trạng của nó mà tôi trở nên sốt ruột. Rồi chiều hôm đó, sau khi tan học, chính tôi cũng mắc bệnh nầy! Bệnh nầy cũng có quỷ, có vi trùng truyền nhiễm. Người ở vùng núi non mà mắc bệnh nầy thì chết rất mau.

Người khác bị bệnh thì tôi có thể mổ xẻ, nhưng tôi không thể tự cầm dao để cắt thịt mình. Tôi có thể tự mổ mụt nhọt phía trước, nhưng không thể làm được ở phía sau lưng mình. Bây giờ biết làm sao đây? Ðầu tôi đau nhức như sắp nổ tung ra, tôi tự nghĩ: “Mình muốn hiến thân cho Phật Giáo, nhưng bây giờ lại mắc bệnh như thế nầy, nhất định là phải chết thôi.” Bởi vậy tôi bắt đầu nói lời ma quỷ, mà cũng có thể nói những lời thần thánh hoặc lời Bồ Tát. Quý vị nghĩ sao thì nghĩ, vì cũng có thể là tôi nói lời hồ đồ hay lời đàm tiếu vậy. Tôi thầm nghĩ trong lòng: “Mình hiến thân cho Phật Giáo, nếu Phật không dùng thì mình chết đi cũng cam; còn nếu có thể dùng mình, thì dù cho mình không thể khều mụt nhọt ra được, nhưng bệnh nầy cũng sẽ lành lặn mà.” Nghĩ thế rồi tôi miễn cưỡng ngủ thiếp đi. Ngủ một lúc, tôi giật mình tỉnh dậy vì như bị nghẹt thở. Tôi ngủ mà cảm thấy đầu óc mình to lớn ra, lại khó thở như có gì vương vướng trong cuống họng. Tôi ráng sức ho và khạc ra một cục lông. Sau đó, bệnh mụt lông dê của tôi không cần mổ xẻ mà cũng khỏi. Ðó là lần thập tử nhất sanh khiến tôi xém chết.

Hôm nay tôi nói với quý vị nghe về duyên khởi của câu đối liễn “muôn chết, ngàn sống, trăm mài luyện” như trên. Bây giờ tôi đã về hưu, nếu nhớ được chút nào thì tôi kể lại cho quý vị nghe chút nấy vậy.

Giảng ngày 6 tháng 7 năm 1986

Học Giới Luật Như Thế Nào?

Hỏi: Chúng con hy vọng Sư Phụ sẽ chỉ dạy chúng con làm thế nào để Chánh Pháp được trụ thế lâu dài.

Đáp: Nếu quý vị có thể không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ vậy là làm cho Chánh Pháp trụ thế đó.

Hỏi: Chúng con không biết phải học giới luật như thế nào?

Đáp: Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành là giới luật đấy. Tức là:

- Không tranh thì không phạm giới sát. Vì sao phải sát sanh? Bởi vì muốn tranh. Anh tranh tôi đoạt thì sanh ra hành vi giết người, phóng hỏa. Không tranh thì không sát, như vậy là giữ được giới không sát sanh.

- Không tham thì không phạm giới trộm cắp. Tại sao muốn trộm cắp? Thì đều bởi vì tham. Tham muốn vật của người làm của mình. Nếu không tham thì có thể giữ được giới không trộm cắp.

- Không cầu thì không phạm giới dâm. Người nam truy tìm người nữ, đó là cầu; người nữ truy tìm người nam cũng là cầu. Cầu không được thì thần hồn điên đảo, thậm chí trong giấc mộng vẫn còn truy cầu, thân tâm không yên.

- Không ích kỷ tự tư thì không phạm giới vọng ngữ. Tại sao phải vọng ngữ? Bởi vì muốn bảo vệ lợi ích riêng tư của mình, cho nên đi đến đâu thì gạt người và nói dối đến đó. Nếu mình không ích kỷ, dù ở đâu mình cũng có thể nói lời chân thật và không có chút hành vi lừa dối nào.

- Không tự lợi thì không phạm đến giới rượu. Người uống rượu cho rằng uống rượu có thể làm cho máu huyết lưu thông, có lợi cho thân thể, nhất định sẽ được mạnh khoẻ. Như người say cảm thấy nhẹ nhàng lâng lâng như đã thành thần, thành tiên. Đó đều là vọng tưởng của người uống rượu. Họ đang bị sự tự lợi tác quái đấy.

- Không vọng ngữ, trong năm điều kể trên đã bao hàm luôn cả vọng ngữ rồi. Tuy nhiên, vì để mọi người đề cao cảnh giác, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến chỗ xấu xa của vọng ngữ. Bởi vậy tôi mới nhắc nhở thêm mục nầy.

Nếu như ai nấy đều thật sự không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ, thì xã hội nhất định sẽ được an ninh, gia đình nhất định sẽ được hạnh phúc.

Nếu người người trên thế gian chịu nghiêm chỉnh giữ gìn năm giới, không có những hành vi như: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, và nghiện rượu thì họ sẽ không có phiền não, không có lo nghĩ, ưu sầu. Cho nên nói Lục Đại Tông Chỉ nầy là pháp môn tối diệu, lại cũng có thể nói là:

“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp.

Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ.

Ngã kim kiến văn đắc thọ trì.

Nguyện giải tố nhân chân thật nghĩa.”

Tức là Pháp vi diệu rất sâu vô thượng. Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp. Nay con thấy nghe được thọ trì. Nguyện hiểu chân nghĩa cách làm người.

Tôi xin nói thêm một câu nữa, như thân làm Phật tử, mức độ thấp nhất là phải nghiêm giữ năm đại giới cơ bản nầy và thực hành theo một cách triệt để, như vậy chúng ta mới được an lạc và tự tại. Giả như năm giới nầy mà không giữ được, thế thời 250 giới của Tỳ Kheo, 348 giới của Tỳ Kheo Ni lại càng khó giữ hơn. Cho nên tại rừng Ta-la song thọ, lúc Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni sắp nhập Niết Bàn, Ngài đã nói với Tôn giả A Nan rằng: “Lấy giới luật làm thầy.” Do đó, chúng ta biết rằng giới luật thật là trọng yếu biết bao!

Giảng ngày 7 tháng 7 năm 1986

Vận Chuyển Càn Khôn - Thủ Trì Giới Luật

Dù hiện nay đang là thời kỳ Mạt pháp, nhưng các Phật tử nên phát khởi tinh thần và lập chí nguyện Kim Cang bất hoại của mình, ngõ hầu chuyển Mạt pháp thành Chánh pháp. Chúng ta nên làm một người Phật tử chân chánh. Nếu mọi người đều chân thật làm theo, tức sẽ chuyển được Mạt pháp thành Chánh pháp. Còn nếu tín đồ Phật Giáo không biết nhận thức, không thật tâm hành trì Phật Pháp, thế thì ngay cả Chánh pháp cũng sẽ chuyển thành Mạt pháp. Vì sao vậy? Vì hễ người chánh thì pháp sẽ chánh, người nghiêng lệch thì pháp cũng sẽ nghiêng lệch. Người nghiêng lệch là người không đi theo con đường chánh lộ. Họ không giữ giới luật, nhưng lại đi tìm chỗ sơ hở của giới luật. Cũng giống như pháp luật là để duy trì an ninh cho xã hội, nhưng có một số người chuyên tìm kẻ hở của luật pháp để làm những việc phạm pháp. Như vậy ngay cả pháp luật cũng không còn tồn tại, cho nên thế giới mới bị ảnh hưởng mà bại hoại.

Thân là Phật tử, nếu chúng ta không thật lòng vì Phật giáo mà nỗ lực công tác và hy sinh, thế thì Phật giáo làm sao phát dương quảng đại cho được? Chúng ta muốn phát dương Phật giáo, chứ không phải muốn học mấy bài chú, học có được thần thông, học Mật Tông, hoặc học những thứ kỳ quái lạ lùng, hoặc học quỷ nhập thân, lên đồng, hoặc học vẽ bùa, vẽ ngải. Cho nên điều trọng yếu nhất là phải học giới luật của Phật đã lưu lại. Nếu chúng ta có thể y theo giáo điều mà tu hành, vậy là Chánh pháp sẽ trụ thế. Nếu ai nấy cũng không giữ giới luật của Phật thì đó là Mạt pháp. Vì “Nhất thiết duy tâm tạo,” tất cả đều do tâm tạo ra, cho nên pháp là ở ngay trong tâm con người. Tại sao con người lại đi đến thời kỳ Mạt pháp? Bởi vì nhiều người phạm giới, ít kẻ giữ giới; người biết giới luật thì nhiều, nhưng kẻ hiểu rõ giới luật thì ít, nên khiến người ta mơ hồ lẫn lộn. Quý vị bảo là người đó hiểu rõ, nhưng ông ta lại không hoàn toàn hiểu rõ. Nếu quý vị nói ông ta không hiểu rõ, nhưng ổng lại biết chút ít ở bề ngoài, chỉ hiểu lơ mơ một phần nào đó thôi.

Giới luật là gì? Là “chỉ ác phòng phi,” tức là dừng ác ngăn lỗi, là giúp chúng ta không làm mọi điều ác, và ngăn ngừa tất cả lỗi lầm. Cũng tức là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành,” không làm các việc ác, mà làm tất cả việc lành.

Mọi người đều hiểu Năm giới của Phật dạy là trọng yếu. Vả lại giới luật cũng có mối quan hệ thân thiết với mỗi cá nhân chúng ta. Nếu quý vị giữ quy củ, không phóng dật, buông lung tức là tự tánh của quý vị đang gia tăng thêm trí huệ. Giữ giới luật thì có thể phát sanh định, một khi sanh định tức là có trí huệ. Nếu không giữ giới thời không có định, mà hễ không định thì sẽ không có trí huệ. Giữ giới ví như bầu trời quang đãng, vạn dặm không gợn mây. Nếu không giữ giới: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu, làm bậy nói càn, đó cũng ví như trên không trung đang trong sáng lại xuất hiện đám mây đen. Hễ một khi mây đen xuất hiện thì nó sẽ che khuất mặt trời, vậy là quý vị sẽ không thấy được ánh sáng. Không thấy được ánh sáng quang minh, đó chính là đen tối hắc ám; mà hắc ám chính là ngu si vô minh. Đến nỗi mất cả thân người, rồi chui vào bụng heo làm heo, vào bụng trâu làm trâu, vào bụng ngựa làm ngựa. Đó đều là do những thành tựu khoa học, những thành quả của sự thí nghiệm trong công xưởng hóa học của tự tánh con người.

Người giữ giới là người thanh tịnh được tự tánh và quét sạch hết cái đen tối trong tự tánh. Người không giữ giới thời sẽ có trùng trùng vô tận những đám mây đen. Một ngày không giữ giới, là một ngày sanh thêm nhiều mây đen.

Người không giữ giới, bởi tự tánh của họ đang sanh mây đen ô nhiễm. Nếu quý vị không giữ giới luật thì đâu phải là người khác bị thương, mà chính tự tánh của quý vị bị thương tổn đấy. Cho nên quý vị nhất định phải nghiêm trì giới luật.

Quý vị có thể giữ giới được thì là Chánh pháp, còn không giữ giới tức là Mạt pháp.

Giảng ngày 9 tháng 7 năm 1986

Không Được Lấy Công Để Báo Thù Riêng

Trong giáo lý nhà Phật, đối với người hoặc đối với sự việc, chúng ta đều nên dựa vào Tứ Vô Lượng Tâm: Từ Bi Hỷ Xả để làm căn bản. Khi xử lý việc gì, chúng ta có thể dùng hai cách: chiết và nhiếp. Ví như một vị Tỳ Kheo có tánh xấu ác thì mọi người có thể măïc tẩn, bỏ mặc ông ta, chẳng màng để ý đến ông ta nữa. Đó là đối với vị Tỳ Kheo cực kỳ khó giáo hóa. Nếu có số Tỳ Kheo vì cố ý hay vô tâm phá giới và hũy hoại giáo pháp, lúc đó các vị Tỳ kheo trì giới nên đem tấm lòng vô lượng từ, bi, hỷ, xả mà giúp đỡ họ. Nhưng có lúc lại dùng phương pháp “khu khiển” đuổi đi, như đổi chỗ cho người phạm tội ở riêng, hầu để sám hối, sửa lỗi thành người mới. Cũng có khi dùng pháp “ha trách,” tức là la mắng, khiển trách một cách nghiêm khắc. Nhưng chúng ta không được lấy chuyện công để báo thù riêng. Chúng ta không thể vì có mối bất hòa với người, rồi bèn bới lông tìm vết, cố ý tìm lỗi họ. Chúng ta nhất định phải dùng lòng ngay thẳng, không ân oán, và cũng không đem tâm thiên lệch riêng tư để chủ trì, xử sự chuyện công. Nếu lấy chuyện công để báo thù riêng, ví như vừa thấy mặt ông ta là quý vị phản đối ngay, đó là một lỗi lầm lớn, hết sức sai trái. Tỷ dụ như quý vị thấy người nào đó không hợp nhãn, bèn chém hắn bên phải, búa hắn bên trái, thiếu chút nữa là bổ cho hắn chết, để trả thù rửa hận! Đó là đại sai lầm! Chúng ta nghiên cứu kinh Phật thì phải đại công vô tư. Chúng ta hoàn toàn vì giúp người, mà vận dụng hai phương cách “chiết, nhiếp,” hoặc là nghiêm khắc la trách, hoặc dùng lời lẽ mềm dịu để khai đạo dẫn đường cho họ. Đó cũng đều là những phương pháp giúp người.

Nhất là khi đến đâu, chúng ta chớ nên nói người nầy làm như vậy không đúng, người kia làm như thế lại cũng không đúng, Nếu nói vậy là mình đã phạm lỗi nhân quả rồi. Chúng ta nên vận dụng lòng đại công vô tư, từ bi hỷ xả của mình. Nếu biết vận dụng hai cách chiết nhiếp thì ta là thiện tri thức. Nếu ai không biết dùng thì là ác tri thức.

Sai một ly thì trật đi ngàn dặm đấy! Không làm sai là hợp pháp, còn làm sai là bất hợp pháp rồi. Mà hễ bất hợp pháp, tức là tạo nghiệp tội, càng tạo tội thì nghiệp càng thâm sâu. Tội nghiệp càng thâm sâu, oán hận càng tăng gia. Đối với Phật Giáo, một khi đã kết oán thì tương lai sẽ không thoát khỏi. Tóm lại là bị nghiệp buộc chặt vào thân. Quý vị có muốn tu hành, nhưng ma chướng lại tìm đến. Vì sao? Bởi quý vị không công bằng. Nếu mình công bằng thời tất cả đều tốt lành, đều như ý. Nếu mình không công bằng thời phiền phức sẽ xuất hiện.

Giảng ngày 20 tháng 7 năm 1986

Lòng Ích Kỷ Là Tảng Đá Vướng Chân Người Tu Đạo

Người tu đạo như chúng ta dễ phát tâm dũng mãnh, nhưng khó mà lập chí cho vĩnh cửu lâu dài. Đó cũng là nói, phát tâm nhất thời, ai cũng có thể làm được đến nơi đến chốn. Nhưng nếu ngày ngày mà năng chiếu soi chí nguyện và tông chỉ của mình để làm theo, tức là điều không dễ làm.

Bởi vì con người không thể giữ tâm được thường hằng bất biến. Dẫu biết rõ tu hành vốn là việc tốt, nhưng sau một thời gian lâu thì chúng ta lại giải đãi lười biếng. Chúng ta quên mất tâm đạo, rồi để lòng tự tư ích kỷ của mình nắm hết quyền hành. Người tu đạo nếu dứt trừ được lòng ích kỷ, thì sẽ không có vấn đề gì và phiền phức gì cũng không còn. Nếu quý vị không có tâm ích kỷ, quý vị cũng sẽ không tranh, sẽ không tham, và sẽ không có mong cầu. Quý vị cũng sẽ không có cái ngã to lớn, cũng sẽ không nghĩ đến lợi lạc cho riêng mình và càng sẽ không vọng ngữ.

Vì sao chúng ta có quá nhiều tật xấu như thế? Là bởi cái tâm tự tư ích kỷ tác quái đó. Kẻ thù của người tu đạo là ai? Thật ra, kẻ thù thật sự không phải là Ma Vương, mà là tâm tự tư ích kỷ. Tâm ích kỷ của mình chính là ác tri thức của ta. Nó khiến cho chúng ta quên mất tâm đạo. Một khi lòng ích kỷ riêng tư nổi lên, nhất cử, nhất động, từng lời nói, từng việc làm của mình cũng đều là ích kỷ. Bởi vậy mình làm việc gì cũng không thành công, làm chuyện gì cũng bị hư hại. Mà nếu có thành công thì cũng là hư vọng, bởi sự thành công đó không phải là mình đạt được từ trí tuệ, công đức chân thật.

Con người vì sao không có trí tuệ chân chánh? Cũng bởi có lòng tự tư ích kỷ, cho nên từ thủy tới chung, người ta không thể đạt được trí tuệ chân chánh. Thời gian lâu dần, người tu hành bị thối lui tâm đạo, rồi quên mất chí nguyện phát tâm ban đầu của họ. Cho nên họ cứ trì kéo, dây dưa không dứt khoát hẳn hoi. Đó chính là đại chướng ngại của người tu đạo. Đại chướng ngại đó từ đâu mà sanh ra? Là từ lòng ích kỷ phát sanh. Nếu quý vị có thể giác ngộ được những câu nói trên và đuổi mấy con trùng lười biếng giải đãi chạy hết, như thế quý vị sẽ đạt được mối thu hoạch to lớn.

Giảng ngày 28 tháng 7 năm 1986



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]