Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 10

21/06/201319:56(Xem: 10380)
Phần 10

Hư hư lục

Phần 10

Thích Nữ Như Thủy

Nguồn: Thích Nữ Như Thủy

Hoa Thủy Tiên

Nacxit là một chàng trai hết sức xinh đẹp nhưng chẳng yêu ai ngoài bản thân mình.
Một ngày xuân Nacxit đi săn. Ðến một dòng suối chàng dừng chân để uống nước. Chàng sững sờ nhìn bóng mình dưới nước suối, đưa tay vẫy, mê mẫn tỏ tình… và chỉ gặp phải dòng nước lạnh buốt đáp ứng.
Nacxit cứ ngắm bóng mình mãi, không cách nào dứt được. Người chàng cứ héo dần, không còn thiết gì đến ăn hay ngũ.
Cuối cùng chàng chết gục bên dòng suối. Từ xác chàng mọc lên một bông hoa trắng muốt, thoang thoảng mùi hương. Ðó là hoa thủy tiên (vì theo thần thoại Hy Lạp, Nacxit là con trai của một ông thần sông và một nàng tiên nữ).
Em thân mến!
Trong đời sống thường nhân, đôi khi ta bắp gặp những mẫu người còn đầy đủ tham sân si, nghĩa là chưa đặng thánh quả nhưng không hề vướng vào lưới tình, xem chừng như họ thoát khỏi lưới ái… nhưng biết đâu lại thuộc vào hạng thủy tiên, nghĩa là chỉ mê say yêu quý độc nhất có cái mạng mộc của mình, đến nỗi không còn thiết gì đến trời đất và tha nhân nữa… như anh chàng Nacxit trên đây.
Một tấm lòng giác ngộ không phải là khô kiệt, vắng bóng thương yêu mà ngược lại, tràn trề tình yêu. Loại tình yêu vắng bặt sự tính toán thủ xả, khổ đau (như loại mà phàm nhân chúng ta thường nếm phải). Có lẽ vì thế mà một số sư đã ca tụng đức Phật như thế này:
"Ða tình thị Phật tâm."

Con Nhện

Xưa có một vị tăng nhập thất để hạ thủ công phu. Sau vài tuần trăng, sư đến gặp hòa thượng, vị thầy tế độ của sư để giãi bày vấn đề nan giải đang làm bận lòng sư.
- Cứ mỗi lần nhập định, con lại thấy có một con nhện to gớm ghiếc hiện ra, càng ngày càng to và càng gớm ghiếc hơn…
- Thế… con đã làm gì?
- Thưa con đã dùng đủ mọi cách: gởi từ bi quán đến nó, quán không, quán duyên hợp… v.v… nhưng, tất cả đều bất lực… nên con quyết định rằng…
- Sao?
- Con định trong giờ tĩnh tọa chiều nay, con sẽ đâm vào bụng nó. Thà rằng con giết nó để có thể tiếp tục công phu hơn là tấn thối lưỡng nan.
- Ðành là phải làm vậy. Nhưng trước khi đâm nó bằng dao, ta muốn con hãy ghi dấu chỗ con định đâm rồi đem trình cho ta xem sao?
Vị tăng y lời. Chiều hôm đó, thầy mang theo một quản bút lông đi tĩnh tọa. Lúc con nhện ra thầy lanh lẹ lấy bút đánh một dấu chữ thập ngay bụng con vật.
Xả thiền xong, sư vội vã đến trình hòa thượng tự sự. Nghe xong, hòa thượng bảo đồ đệ:
- Con vạch bụng ra xem!
Vị tăng y lời. Lạ lùng thay, chữ thập đỏ chính tay sư ghi dấu lại nằm ngay trên rún của sư.
Hòa thượng điềm nhiên bảo:
- Việc gì sẽ xảy ra nếu con đâm vào bụng con vật?
Vị tăng toát mồ hôi lạnh. Sư đảnh lễ thầy trở về thiền thất. Từ dạo đó, con nhện hắc ám không còn ám ảnh sư nữa.(Truyện PG Tây Tạng)
Em thân mến!
Trong những lúc tọa thiền hay ngồi im lặng một mình, tâm thức chúng ta thường bị xao động bởi các hình ảnh âm thanh của người thương kẻ ghét hoặc các hình bóng vô thưởng vô phạt cỡ chú nhện trên đây. Và cũng y hệt như nhà sư trong chuyện, chúng ta cứ ngỡ rằng các hình bóng đó là ở ngoài tâm mình. Vì thế chúng ta thường cười, khóc, vui, giận hoặc tỏ thái độ quyết liệt dứt khoát không kém vị sư trên.
Nếu vị sư đâm con nhện chính là đâm vào bụng mình thì chúng ta, thương ghét thù hận cười khóc với những "người trong mộng" nào có khác?
Có phải thế không nào?

Con Ma

Xưa, có một đôi vợ chồng trẻ sống bên nhau rất là hạnh phúc. Duyên tình đang mặn nồng thì cô vợ mang bệnh nặng lìa trần. Trước khi nhắm mắt, cô bịn rịn mãi khiến anh chồng phải thề thốt là ở vậy một mình để thắp hương cho cô chứ không tái giá.
Chàng gìữ lời thề được ba tháng thì đi hỏi một thiếu nữ khác làm vợ. Ðêm hôm đó, cô vợ cũ hiện về khóc kể và trách móc chàng thậm tệ. Và cứ thế, đêm nào con ma cũng hiện về, kể vanh vách những chuyện anh chồng làm hằng ngày khiến anh ta sợ hãi quá đâm ra bệnh tật.
Thân nhân anh cho vời một thiền sư đến. Bệnh nhân cứ quả quyết là hương hồn của vợ mình về thật… Thiền sư liền hốt một nắm đậu trong tay đưa cho anh bảo: tối nay, khi cô ta hiện về, anh hãy đưa tay hốt một nắm đậu như thế này và hỏi nó rằng: "Nếu em quả là một con ma thông minh, mọi việc đều biết rõ thì hãy cho anh biết nắm đậu trong tay này có bao nhiêu hạt?"
Anh chàng vâng lời và dĩ nhiên là con ma bí tịt. Khi ấy thiền sư mới bảo:
- Thế thì con ma đó chỉ kể vanh vách những điều anh đã làm, đã biết ban ngày… còn đối với những điều anh không hoặc chưa biết thì nó cũng bí tịt… ta tin chắc rằng kể từ đêm mai nó sẽ không đến nữa.
Sự việc đã xảy ra đúng như vậy.
Em thân mến!
Trong giấc mơ ta thường gặp lại những người, vật và cảnh mà chúng ta đã thấy hay tưởng tượng lúc ban ngày, đôi khi lại chấp nối kiểu đầu cua tai heo… Do một giấc ngủ, tâm thức ta có đủ khả năng thành lập một cái chợ với đủ tình tiết chi ly: người vật, hàng hóa, âm thanh, màu sắc. Bóng dáng của ta trong mơ cùng với ngoại cảnh tuy có khác nhau nhưng đều bắt nguồn từ một tâm thức. Thấu đáo rõ điều này thì ta có thể tiếp tục mơ (đố ai nằm ngủ mà không mơ?) nhưng sẽ thoát khỏi nạn đem mộng làm thực rồi đổ bệnh như anh chàng sợ… ma vợ trên đây.
Biết rõ như vậy, ta cũng sẽ thôi băn khoăn: "Làm sao giết được người trong mộng" vì có thật đâu mà giết với tha?
Có phải thế không nào?

Cố Nhân

Xưa, có một anh chàng đi sang sông cùng thuyền với một thiền sư, đường dài, anh bắt chuyện làm quen và được nhà sư cho biết là ông ta đang đi về kinh đô để in bộ đại tạng kinh, bằng số tiền mà các Phật tử vùng quê ông ở đã hỷ cúng.
Số tiền kếch sù làm động lòng tham của chàng thương khách. Thế nên, nhân một cơ hội thuận tiện, chàng ta đẩy nhà sư thật thà xuống sông và cuỗm số tiền đem về kinh tậu nhà cửa ruộng vườn, thê thiếp.
Người ta bảo, có tiền mua tiên cũng được, thương khách đã biến gia trang của mình thành một tiên cảnh trong phạm vi mà đầu óc hạn hẹp của ông có thể tưởng tượng nổi, nhưng ông không thể bỏ tiền ra mua sự an tĩnh của tâm thức.
Vào lúc ngoài ngũ tuần, ông ta bị lâm bệnh nặng, đêm nào cũng thấy một con ma trọc đầu, ướt loi ngoi về than đói và lạnh, đòi ông đền mạng.
Ông nhà giàu đã tốn hằng hà sa số tiền để lập đàn chẩn tế, cầu siêu, làm chay cho đến trừ tà ám quỷ… nhưng tất cả đều vô ích, con ma vẫn cứ hiện về bất kể ngày đêm. Cho đến một hôm, vợ ông mời được một thiền sư vừa hạ sơn từ một đỉnh núi phủ mây, về gia trang để chữa bệnh cho chồng. Nhác trong thấy sư, bệnh nhân đã hét lên và lắp bắp nói một câu đầy vẻ kinh hoàng:
- Nó đó! Chính nó! Bữa nay nó hiện hình về ban ngày… cứu tôi với…
Mọi người đều ngạc nhiên, riêng nhà sư, từ tốn mỉm cười bảo con bệnh:
- Bình tĩnh nào! Anh bạn. Chính tôi đến đây bằng xương bằng thịt chứ có phải là hồn ma bóng quế nào đâu. Ðêm hôm đó, sau khi rơi xuống sông, tôi bèn lặn một mạch và lội vào bờ… Sau đó, tôi phải đi làm mướn kiếm tiền in kinh trả nợ cho thí chủ… Mọi việc đâu vào đó cả rồi.
Ông nhà giàu, tức chàng thương khách năm xưa liền khỏi bệnh.
Em thân mến!
Ðây là một câu chuyện cổ Nhật Bản do thiền sư Muji ghi lại. Vị sư chưa chết nhưng ông nhà giàu lại thấy một con ma đội lốt nhà sư đến đòi mạng… Ðây quả là một loại bệnh tưởng rồi nhé!
Thông thường, chúng ta chỉ sợ người ta biết mình gây tội, cứ tưởng khỏa lấp mọi việc đừng cho ai biết là xong. Nào ngờ, ta chỉ có thể dối với người chớ không thể dối mình được.
Theo tín ngưỡng bình dân thì có những vị thần thưởng thiện phạt ác, bắt chúng ta phải ân đền oán trả… nhưng thật ra, giáo lý nhà Phật không chấp nhận điều đó.
Vị thương khách trong truyện đã khởi lên một ác tâm và làm một ác hạnh là giết người cướp của. Hành động của ông ta không thành công toàn mãn, nạn nhân không chết nhưng vì chưa rõ điều đó, tâm thức ông tự tạo lên một hình ảnh của nạn nhân đến đòi đền mạng… Cũng thế, những hành động tạo tác cố tâm mà danh từ chuyên môn gọi là chủng tử - hạt giống. Ðương sự có thể xê dịch hộ khẩu, thay đầu đổi mặt nhưng hạt giống vẫn không mất, hễ gặp thời cơ thuận tiện là nó nẩy mầm, sinh trưởng. Nếu mọi việc xảy ra là do sự sắp xếp của một vị thần nào đó thì chúng ta còn có thể van xin lạy lục, cầu khẩn và… hối lộ để chạy tội được. Ðàng này, do chính mình làm, mình chịu… thì chúng ta đành phải… rút kinh nghiệm mà cẩn thận trong từng hành động, như lời Phật dạy trong một câu pháp cú:
"Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm niệm tà
Gây ác cho tự thân" vậy.

Máy Ðiện Tử

Chuyện xảy ra vào năm 2000.
Bà Hai là một phụ nữ trung lưu, có học, có chồng con, có tài sản và đủ tiền để tậu những máy móc tân thời cần dùng như truyền hình, thâu băng tự động. Một hôm có bà bạn thân đến chơi, tên là bà Năm. Bà Hai gặp bạn, tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự. Chuyện vãn một hồi, hai bà bất đồng ý kiến, cãi cọ rồi xô xát nhau. Bà Năm bỏ ra về trong khi bà Hai ở lại tấm tức khóc hờn bạn vô kể.
Khóc một hồi cho nguôi ngoai, bà Hai vặn truyền hình và truyền thanh tự động, các bộ phận điện tử của chiếc máy liền phát ra các hoạt cảnh buổi sáng, bà Hai nhìn lại cuộc gây gỗ của mình với bà Năm diễn ra trên màn ảnh nhỏ với đầy đủ hình ảnh và âm thanh… Bà liền ôm mặt, vừa khóc vừa chửi…
Và cứ thế, sự kiện đau buồn được lập đi lập lại hằng chục, hằng trăm lần… nhờ các máy truyền hình, truyền thanh điện tử.. Ðó là một câu chuyện thuộc loại khoa học giả tưởng nhạt nhẽo vậy.
Em thân mến!
Có phải trong tâm thức của chúng ta, người nào cũng có một máy móc tinh xảo, bén nhạy cỡ này hay không?
Nếu không thì tại sao khi có người mắng chửi đánh đập hoặc làm gì phiền lòng ta, chúng ta cứ nhớ hoài, nhớ mãi với đầy đủ chi tiết chi ly (còn định sống để dạ chết mang theo nữa đấy).
Sự kiện đau buồn và bực dọc có thể chỉ xảy ra trong vòng 10 phút nhưng cái bà Hai trong chúng ta, cứ thỉnh thoảng lại mở máy ra ôn lại và sầu khổ ưu bi với chuyện cũ không biết bao nhiêu lần.
Muốn giúp bà Hai thoát cơn sầu muộn, tạm thời phải dẹp cái máy thâu hình và thâu thanh tự động ấy đi, cho đến bao giờ bà Hai tự chủ được không còn dễ xúc động nữa, chúng ta mới cho bà sử dụng.
Cũng thế, thấy nghe hiểu biết và ghi nhớ là đặc tính kỳ diệu của tâm thức loài hữu tình. Nhưng nhớ lại chuyện cũ để rồi sầu khổ ưu bi, đem quá khứ khỏa lấp hiện tại… là một trong những điều điên đảo của nhân loại. Vì thế, tạm thời, trên bước đường tu đạo, hành giả muốn bớt khổ thì phải thâu giùm cái khả năng đó lại "việc qua rồi chẳng nhớ" là vậy.
Cho đến bao giờ chúng ta có đủ sức tự chủ, không bị huyễn cảnh của quá khứ làm ô nhiễm tâm thức hiện tại thì tha hồ mà nhớ. Các bậc đắc đạo còn nhớ được các tình tiết chi ly của vô lượng kiếp nữa là khả năng đó, kinh điển gọi là "Túc mạng minh" đấy em ạ!

Ðại Sư Bất Nhị

Xưa, có một vị tăng dốt, không biết chi về Phật pháp hết, nhưng được cái lớn gan. Thấy đồng thời với mình có các thiền sư dựng pháp tràng, không cần dạy kinh thuyết pháp chi cả mà đồ đệ tứ chúng đông đảo vô số, danh tiếng lẫy lừng và, dĩ nhiên, danh đi trước thì lợi đi sau… Những mối lợi này làm vị tăng chóa mắt, thèm thuồng và cuối cùng ông nghĩ ra một kế.
Ông sư dốt kiếm đâu ra một cái tịnh thất, vài công đất có đầy đủ hoa, lá, cành, trời, mây, non, nước, thơ… để lập nên một đạo tràng, lấy tên là Bất Nhị. Ý chừng ông muốn bắt chước vị Bồ Tát lừng danh trong kinh Duy Ma Cật, khi được hỏi về Phật pháp đã im lặng mà được ngài Văn Thù khen là hay vô kể.
Ðể hoàn thành chương trình, ông sư kiếm đâu được hai đồng nghiệp thuộc loại cùng chí hướng, nhưng lanh mồm lẹ miệng hơn ông, để dùng ngôn ngữ diễn tả cho bàng dân thiên hạ thấu rõ vì sao sư cả lại làm thinh.
Công việc của ba nhà sư đang xuôi chèo mát mái, ngày một khả quan, danh tiếng và lợi dưỡng của họ ăn đứt các thiền sư chính hiệu đương thời thì… một hôm, hai sư trợ giáo bận việc ra phố, sư cả ở nhà phải tự lực xoay sở với một gã cầu đạo khá uyên thâm kinh luận.
Khách tăng hỏi:
- Bạch sư, thế nào là Phật?
Sư cả không biết đáp sao cho đúng, hoảng hốt nhìn dáo dác tứ phía, miệng rủa thầm hai tên trợ giáo trốn trách nhiệm.
Tăng lại hỏi tiếp:
- Thế nào là pháp?
Sư cả càng lúng túng hơn, ông không biết làm sao để tránh đôi mắt dọ hỏi của đối phương ngoài cách hết dòm trời lại ngó đất…
Vị tăng bồi thêm:
- Thế nào là Tăng?
Lần này, sư cả đành chịu phép. Hết chỗ ngó ông nhắm nghiền mắt lại. Thôi thì muôn sự nhờ trời.
Tăng xin hỏi thêm câu cuối:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Sư cả tuyệt vọng, dang hay tay ra dấu đầu hàng.
Vị tăng sụp lạy rồi cáo từ, mặt mũi hân hoan lui bước.
Trên đường về, gặp hai sư trợ giáo, vị tăng rối rít khen nhà sư Bất Nhị:
- Quả là danh bất hư truyền…
Một sư trợ giáo ngạc nhiên dọ hỏi, vị tăng kể lại đầu đuôi cuộc tham vấn:
- Khi tôi hỏi Phật là gì, ngài liền nhìn khắp bốn phương tám hướng, ý đáp "chỗ nào là không có Phật." Tôi hỏi tiếp: "Pháp là gì?" ngài liền nhìn lên cao và ngó xuống thấp, ý bảo rằng: "Chính tâm vô phân biện: cao thấp, thiện ác, phải quấy, có không là pháp."
Ðể trả lời câu "tăng là gì?" ngài nhắm mắt lại để tôi thầm hiểu rằng: "Là người vô sự, đói ăn, khát uống, mệt ngủ… vậy." Cuối cùng, "thế nào là đại ý Phật pháp?" thì thật là tuyệt vời. Ngài dang rộng hai tay, "buông xả… vậy." Ôi! Thật là tam sinh hữu hạnh mới có được một bậc đại tăng như thế…
Hai sư trợ giáo vừa về đến nhà, đã bị sư cả chặn lại, nạt nộ:
- Ði đâu vậy? Vừa rồi có một tên vô lại đến đây hỏi bốn câu ấm ớ. Ta không biết đáp sao cho xuôi… Suýt chút nữa thì tiêu mà hết sự nghiệp.
Hai sư trợ giáo nhìn nhau. Một người bảo nhỏ với người kia.
- Ðừng kể lại cho hắn biết mà bể nồi cơm của hai ta nhé!
Em thân mến!
Ai đã tạo nên những vị sư như thế này?
- Chính chúng ta vậy! Một món hàng ế ẩm là vì không có ai mua. Và món hàng ế đó sẽ trở thành "treo cao giá ngọc" nếu có người giành giựt. Ðừng trách kẻ bán, mà nên trách người mua dễ dãi. Bọn lên đồng sống nhờ sự mê tín của bàng dân thiên hạ ra sao thì các nhà sư làm ăn trên đây cũng sống bằng cái vốn liếng táp nham về kinh điển của chúng ta như thế đó.
Em có thấy như thế không?

Cây Bên Ðường

Trang Tử đi dạo núi, thấy một cội cây lớn, cành lá xanh tươi, có người phu xách búa đứng kề bên mà không thèm đốn. Hỏi duyên cớ, bác tiều thưa:
- Cây này hết xài, không dùng vào chỗ nào cho được.
Trang Tử gật gù bình:
- Nhờ bất tài mà yên thân.
Một hôm khác, Trang Tử đi thăm bạn. Người bạn mừng rỡ, cho làm thịt chim đãi khách. Gia nhân thưa:
- Làm thịt con nào?
Chủ bảo:
- Thịt con không biết hót, chừa con biết hót lại cho vui nhà vui cửa… Trang Tử nghe được, lại gật gù:
- Bất tài cũng chưa chắc được yên thân.
Môn đồ hỏi Trang Tử về cách xử thế, ông đáp:
- Có tài và bất tài đều như nhau, không tránh khỏi lụy vào thân. Người biết đạo không màng khen, chả sợ chê. Khi lên thì bay như rồng, lúc xuống cứ bò như rắn. Không có khư khư một thái độ bất định… thì làm sao mà lụy được.
Em thân mến!
Trang Tử và các nhà viết kinh Kim Cương gặp nhau ở chỗ "Phật pháp thị bất định pháp." Người giác ngộ hay học đạo giác ngộ phải biết sự bất định của môn pháp, của dòng đời, của tình người… mà tùy nghi uyển chuyển sống. Một quan niệm cứng ngắc, một lối sống cố định, một cái khuôn… bao giờ cũng đưa tới khổ lụy ưu bi.. cả.
Suy cho cùng, một khi ta đã không màng đến việc khen chê, vinh nhục, được mất… thấu rõ tâm như chớp, thân như mộng thì cái lụy còn biết tác hại, trói buộc vào chỗ nào nữa?

Bó Cỏ Xanh

Xưa, có một anh chàng đánh xe, gặp phải chú lừa cứng cổ, hễ chở nặng là không chịu đi, càng đánh đập chửi mắng, càng đổ lì ra.
Chàng ta bèn nghĩ ra một diệu kế: đem bó cỏ tươi treo trước mặt con lừa.
Lừa thấy cỏ ngon, bước tới ăn. Nhưng bó cỏ luôn luôn ở trước mặt, lừa không bao giờ chợp được dù đã hàng trăm, hàng nghìn lần bước tới, bước tới và bước tới.
Em thân mến!
Ðã hơn một lần, chúng ta bị gạt như con lừa nọ. Hạnh phúc, lý tưởng, niết bàn… đều giống như những bó cỏ treo trước mõm, để chúng ta dòm vào, thòm thèm, nuôi hy vọng mà kéo lê kiếp sống đọa đầy.
Chú lừa trong chuyện phải chở nặng vì những đồ đạc thiên hạ ra sao thì chúng ta cũng phải kéo một cái tâm thức chứa đầy bóng dáng của sáu trần lết lê từ ngày này qua tháng khác như vậy.
Gánh nặng phải được vứt đi lập tức, sự an tĩnh của tâm trí phải tìm ngay trong khoảnh khắc hiện tại, trong bất cứ khoảng không gian nào mà chúng ta đang hiện diện, nó không phải là một món quà ở ngày chung cuộc, ở cuối đường, một phần thưởng được long trọng trao cho hành giả sau những tháng ngày bơ phờ hạ thủ, áp dụng một pháp môn kềm thúc thân hay tâm nào đó…
"Niết bàn ngon như một bó cỏ xanh
Treo trước mõm chú lừa đi khập khễnh
Lòng biển rộng nên không tìm thấy bến
Giữa cuồng phong lưng áo đẫm mồ hôi
Lạc tay chèo ta khóc giữa cuộc chơi
Hoa đốm nở trên mỗi đầu bạc sóng…
Lừa chợt thấy mình bỏ mồi bắt bóng
Cỏ xanh non ngay ở gót chân này
Mộng mơ chi trái hứa quá tầm tay?
Bao người thấy sát na này vĩnh viễn?

Lời Ðáp Sau Lưng

Xưa, có một chàng trai lên kinh đô. Trên đường đi, vừa mệt vừa khát, anh ghé vào vệ đường nghỉ mệt và hỏi thăm một bác nông dân đang cấy lúa.
- Thưa bác, từ đây lên kinh đô còn khoảng mấy ngày đường nữa?
Bác nông dân làm thinh. Chàng trai lập lại câu hỏi lần thứ hai, rồi lần thứ ba, vẫn không nghe câu đáp. Bực bội, anh tiếp tục lên đường.
Ðược vài mươi thước, anh nghe tiếng gọi với theo:
- Này anh kia, khoảng hai ngày đường ấy!
Anh chàng cau có hỏi:
- Sao khi nãy bác không bảo giùm cho, đợi tôi đi một đoạn rồi mới nói cho mất công hao hơi tổn sức?
Người chỉ đường mỉm cười thủng thẳng đáp:
- Làm sao mà qua có thể đáp được ngay khi chưa tận mắt thấy khả năng của chú em? Phải biết rõ sức đi mau chậm của chú rồi qua mới dám trả lời chứ!
Chàng trai nghe xong, cung kính bái chào và lên đường.
Em thân mến!
Thông thường chúng ta hay đánh giá mình qua những ước mơ, hy vọng, tính toán mà ta sẽ thực hiện ở mai kia mốt nọ… Trong khi người chung quanh đánh giá ta bằng những gì ta đã làm, hay thiết thực hơn là đang làm vậy.
Thái độ chỉ đường của bác nông phu trên đây không khác lối xét người trong nhà thiền là mấy.
Bất kể những danh vọng, chức tước sự nghiệp lẫy lừng của người cầu đạo to nhỏ ra sao, khi bắt đầu học đạo, họ đều phải trải qua giai đoạn hành điệu, tức là đương sự bắt buộc phải làm những việc xem ra rất hạ cái nhân cách đồ sộ (mà họ thường tự hào) như rửa chén, quét nhà, chạy việc lặt vặt… chẳng hạn. Và trong thời gian đó, mọi cử động, phản ứng nhỏ nhặt của họ đều không thoát khỏi cặp mắt ông thầy. Nhìn những hành động, khả năng của người học trò trong hiện tại, thầy mới có thể tiên đoán được khả năng của trò trong tương lai. Ðó là chưa kể đến việc khi muốn trao sự nghiệp hoằng pháp cho trò, ông thầy còn phải trui rèn, hành hạ và thử thách nó nhiều phen nữa… Thiệt là tội nghiệp cho chú chàng đệ tử, nhưng phần thầy, cũng không sướng ức gì. Em hãy nghe một đại sư than: "Ðệ tử tầm sư dị, sư tầm đệ tử nan," thấy chưa?

Người Chào Hàng

Xưa, có một người đi bán kem đánh răng. Anh ta bày hàng giữa chợ, gào lên như thế này:
- Kính thưa bà con cô bác! Cái răng cái tóc là góc con người. Khỏi cần nói, ai ai cũng biết là cái răng sâu nó làm người ta điêu đứng đến bực nào. Ăn không được, ngủ chẳng yên, ngồi đứng bồn chồn, ra vào mệt… Ðó là chưa kể đến cái răng bị nhiễm trùng sẽ dẫn đến các chứng bệnh hậu như đau cổ họng, bao tử, ruột già, ruột non v.v…
Thấy rõ tầm quan trọng của hàm răng, biết rõ châm ngôn "ngừa bệnh hơn chữa bệnh", bổn hiệu có chế ra thứ kem đánh răng này, dứt sâu, trừ bệnh, khử mùi hôi… thơm miệng, sạch nướu, mát mẻ và khỏe khoắn cái con người… Kính mời bà con cô bác… mại dô!... mại dô!
Hàm răng sẽ trắng như ngà.
Lời thưa tiếng thốt mặn mà cô hai ơi!
Thiên hạ nghe anh nói dẻo quẹo, xúm lại nghe và định mua… thì bất chợt chàng mỉm cười nhe hai hàm răng vừa sún vừa siết…
Những người chung quanh nhận định:
- Ôi chao! Răng với miệng thế kia mà đi rao hàng bán kem đánh răng… Hàng anh quý ra sao thì cứ nhìn hàm răng của anh, chúng tôi đã rõ cả rồi.
Và họ bỏ đi hết.
Dĩ nhiên là anh chàng bán ế nhệ.
Em thân mến!
Ðây là một câu chuyện có thể xảy ra vào lúc dân ta chưa hề biết đến cây kem đánh răng và cái bàn chải, chứ lúc đã xài quen rồi thì cái nhãn hiệu của món hàng quan trọng hơn cá nhân người bán.
Cũng vậy, biện tài vô ngại là một món của "trời cho" đối với người hoằng pháp, nhưng lời nói sẽ vô giá trị nếu thiếu sự thực hành, thân giáo kèm theo. Các thiền sư chứng đạo, tri hành hợp nhất có thể không cần nhiều lời, nói dấm dẳng cộc lốc cỡ ngài Vân Môn, im lặng như Vô Ngôn Thông… mà vẫn có thể giúp chúng sinh liễu đạo được là nhờ sự thân chứng của quý ngài. Còn lanh mồn lẻo mép, miệng sùi bọt nước…, nói ra rả suốt ngày mà chẳng cảnh tỉnh, hóa độ được ai, như bọn chúng ta đây… là tại vì… hàm răng sún của mình đó vậy.
Em có thấy như thế không?

Phù Hoa

Người nước Tề có hai vợ, cùng ở với nhau một nhà.
Anh chồng ngày nào cũng ra đi, ăn uống no say xong mới về. Vợ anh hỏi ăn uống với ai, anh đọc vanh vách những tên, toàn là hạn công hầu khanh tướng, tai to mặt bự cả.
Hai bà vợ nghe chồng nói cảm thấy hãnh diện lẫn tò mò nên rủ nhau đi xem những bậc quý nhân đã giao du với chồng mình. Sáng hôm ấy, họ âm thầm theo dõi, thấy đấng phu quân cứ mãi miết đi… cho đến khi gặp một đám cúng mã, liền xề vào, nói cười vả lả để xin cơm thừa canh cặn mà ăn. Chưa được no bụng, lại nghễnh đi tìm đám khác. Hai người vợ vừa khinh vừa tức, nắm tay nhau bỏ về.
Chiều đến anh chồng bỏ về, ưỡn ngực vênh váo bảo vợ:
- Ta tính về sớm mà thằng trưởng ty cứ níu kéo mãi…, mấy cha bộ trưởng cũng vậy… nên đến giờ tôi mới về… mẹ nó!
Hai người vợ nhìn nhau ứa nước mắt.
Em thân mến!
Ra đường thì lòn cúi, không từ nan một thủ đoạn nào để kiếm cơm thừa canh cặn, về nhà thì vênh váo, nạt nộ, khoe khoang với vợ con… chuyện ấy không phải chỉ xảy ra trong chuyện của Mạnh Tử mà thời đại, xứ sở nào cũng có.
Ðiều lạ lùng nhất, là người nào càng bị xã hội ruồng rẫy khinh chê bao nhiêu thì về nhà lại vênh váo, phách lối, bắt nạt những người chung sống với mình bấy nhiêu. Cổ nhân ta tặng họ câu "khôn nhà dại chợ" là vậy.

À Ra Thế

Xưa, có một ông vua. Ðức vua của chúng ta nhận thấy rằng ngài có một chàng ngự lâm quân mỗi lần xáp trận, vô cùng dũng cảm, bất chấp hiểm nguy. Ngài bèn gọi tên lính ấy đến gần để ban thưởng và rất ngạc nhiên khi thấy y quá gầy yếu xanh xao. Chàng tuổi trẻ thú nhận rằng mình mang một chứng bệnh nan y nên không được khỏe mạnh cho lắm.
Ðức vua xúc động, cho vời ngự y đến bắt mạch kê toa, ra lệnh phải đặc cách chăm sóc cho người chiến sĩ dũng cảm ấy.
Ðược vài tháng, anh lính hết bệnh, trở nên vạm vỡ, hồng hào khỏe khoắn. Và cũng kể từ ngày đó, chàng ta trở nên nhút nhát, không còn tả xông hữu đột nữa. Sự kiện này không thoát khỏi cặp mắt tinh tường của đức vua. Ngài bèn vời anh lính đến, trách cứ tấm lòng bội bạc phụ ân đức của đấng quân vương. Anh lính thành thực đáp:
- Muôn tâu, chính ân đức của bệ hạ đã làm cho hạ thần trở nên nhút nhát.
Ðức vua ngạc nhiên:
- Ủa!
Chàng tuổi trẻ tiếp:
- Muôn tâu, từ khi được khỏe mạnh, thần đâm ra tham sống sợ chết ạ!
Em thân mến!
Thế thì em đã hiểu điều tâm nguyện đầu tiên trong quyển luận Bảo Vương Tam Muội: "Có thân đừng cầu không bệnh, thân không bệnh thì tham dục dễ sanh" rồi chứ?
Một xác thân khỏe mạnh thường dễ dàng phát khởi lòng tham dục, tham cái chi thì chưa biết nhưng tham sống là cái lý đương nhiên. Từ cái cội nguồn tham căn bản này, chẳng mấy chốc đã sinh con đẻ cái: tham tài, tham sắc, tham danh, tham lợi, tham ăn, tham ngủ… cũng là một chuyện rất thường tình. Có điều tham cầu mà được thì đâm chán, không toại ý thì đâm bực.v.v…
Tuy vậy, một thể xác gầy yếu bệnh hoạn cũng chướng ngại không ít cho người tầm đạo. Lời dạy của chư Tổ nhằm an ủi chúng ta khi rủi ro gặp một cái thân ốm yếu bệnh rề rề, chữa hoài không hết… có cầu mong cũng chưa chắc toại nguyện, để chúng ta an phận thủ thường, tạm xài đỡ cái thân báo hại, làm bè sang sông trước khi nó rã rời xí quách.
Riêng các hành giả may mắn có được tấm thân cường tráng thì chớ có lo, sinh lão bệnh tử là một cái gia tài chung của nhân loại. Ðức đạo sư có dạy rằng: "Chúng ta bình đẳng nhau trước khổ đau cũng như giác ngộ," cái đau khổ có được chi xẻ đồng đều cho tất cả mọi người, bất kể sang hèn, mập ốm, khỏe yếu v.v…
Chỉ có điều làm sao biến đau khổ thanh giác ngộ là hãy còn nan giải mà thôi

Ðôi Dép Da

Thuở xưa, bên Ấn Ðộ, có một đức vua rất mực là nhân từ. Thấy thần dân của mình đi chân đất, bị gai góc đâm đến tóe máu, vua thương quá, nhóm đình thần lại bảo:
- Lòng trẫm thật là đau xót khi thấy con dân cứ bị đá sỏi gai góc đâm vào chân. Vậy các khanh hãy ra lệnh lót da thú khắp các nẻo đường cho dân chúng khỏi bị đau chân.
Lệnh vua sắp sửa ban hành thì một nhà hiền triết góp ý:
- Muôn tâu, theo ngụ ý, mệnh lệnh của bệ hạ có thể thi hành một cách giản dị hơn là cho phép mỗi người cắt hai miếng da vừa bàn chân của mình rồi dùng giây cột chặt nó vào chân. Như thế, kết quả không khác gì nhau, không bị gai góc sỏi đá đâm vào chân nữa.
Ðức vua khen phải, đôi dép da của nhân loại bắt đầu từ đó.
Em thân mến!
Thích ứng mọi hoàn cảnh, thiên nhiên, cộng đồng nhân loại bao giờ cũng giản dị và dễ dàng hơn là bắt hết thảy trời mây non nước bàng dân thiên hạ phải chìu theo ý mình.
Cũng vậy, cấm mọi người nói, làm, nghĩ những điều mình không ưa là một chuyện bất khả trong khi giữ lòng mình không xao động trước mọi biến động của thế gian và thế nhân là một điều có thể làm được. Làm được điều này, nhà Phật gọi là nhẫn nhục Ba La Mật, thiền gia gọi là "Bát phong xuy bất động" đấy em ạ!

Thầy Và Trò

Tử Hạ hỏi Khổng Tử:
- Nhan Hồi là người như thế nào?
Khổng Tử đáp:
- Cái nhân của Hồi hơn ta.
- Tử Tống là người như thế nào?
- Cái biện của y hơn ta.
- Tử Do là người như thế nào?
- Cái dũng của Do hơn ta.
- Tử Trương là người như thế nào?
- Cái nghiêm của y hơn ta.
Tử Hạ đứng dậy thưa:
- Thế thì, sao bốn người ấy phải còn đến học với thầy?
Khổng Tử nói:
- Ngồi đây ta bảo cho: Ôi! Hồi biết Nhân mà không biết lúc phải bất nhân. Tử biết biện bác mà không biết lúc nào phải ấp a ấp úng. Do biết dũng mà không biết lúc nào phải nhút nhát, Trương trang nghiêm mà không biết lúc nào phải ung dung để hòa đồng với mọi người. Gom những cái của họ hơn ta mà đem đổi cái ta không bằng họ, ta không đổi. Vì vậy, bốn người ấy phải thờ ta làm thầy mà không hai lòng.
Em thân mến!
Ở thời đại chúng ta một người học trò chỉ xuất sắc môn chính yếu mà thiếu trung bình các môn phụ, thì cũng khó mà vượt qua các kỳ thi nơi chỉ cần đòi hỏi điểm trung bình của hết thảy các môn. Cũng thế, sự xuất sắc của cá nhân chỉ có nơi những con người phi thường, và phi thường đôi khi cũng đồng nghĩa với hạng bất bình thường. Có lẽ vì thế mà khi ngài Triệu Châu hỏi:
- Thế nào là đạo?
Hòa thượng Nam Tuyền trả lời:
- Tâm bình thường là đạo.
Trong một quyển kinh A Hàm, khi các đệ tử lớn của Phật hội họp nhau để bàn luận về tư cách cần thiết phải có của một tỳ kheo được xem là lý tưởng, mọi người lần lượt trình kiến giải như thế này:
- Ngài Mục Liên: đó là vị tỳ kheo thần thông đệ nhất.
- Ngài A Nan: học rộng nhớ nhiều…
- Ngài Xá Lợi Phất: trí tuệ…
Các ý kiến dị biệt ấy được đem trình Phật để thỉnh một lời kết luận. Ðức đạo sư dạy:
"Vị tỳ kheo lý tưởng là người sớm mai, khoác y, mang bát đi vào thành khất thực, đúng ngọ về tịnh xá dùng cơm. Ăn cơm xong, rửa chén, dọn dẹp đi vài vòng cho tiêu cơm, nghỉ trưa một chút rồi xếp tréo chân, ngồi tĩnh tọa cho đến lúc lậu hoặc không móng khởi."
Hóa ra, một nhân cách lý tưởng, không cần phải làm một hành động phi thường hay bất thường mà chỉ cần làm những chuyện rất bình thường như vậy.
Ðiểm thú vị của câu chuyện trên là câu trả lời của Khổng Tử: nhân, biện, dũng, nghiêm… ư? Tốt, nhưng chưa đủ! Cần phải biết lúc dùng, lúc bỏ những đức tính hay khả năng quý báu đó nữa kìa. Khổng Tử đã gặp kinh Kim Cang chỗ này: "Phật pháp là pháp bất định." Một cái pháp, dù cho chính Phật nói ra, tuyệt hảo đến đâu, mà cứ tin đó là một chân lý bất di dịch, lập thành một khuôn khổ, truyền thống cứng ngắc thì… ôi! Thôi rồi! Vì thế mà Khổng Tử đã hóm hỉnh bảo: "Quơ hết những cái hay của họ đổi cái dở của ta, ta chẳng thèm" vậy.

Vùng Trời Mơ Ước

Xưa, có một anh chàng nọ, nghèo đến nỗi không tấc đất cắm dùi. Tình cờ anh gặp được thượng đế và ngài dễ dãi cho phép anh được làm vua một tiểu quốc. Lòng tham chưa thỏa, anh chiêu binh bãi mã, định gây cuộc can qua để dành thêm đất. Sợ anh gây họa cho đồng loại, thượng đế ban cho anh một đặc ân, cứ việc phi ngựa suốt một tuần trăng, những vùng đất nào có dấu chân ngựa đi qua đều thuộc vào quyền sở hữu của anh cả.
Anh chàng, tức ông vua của cái tiểu quốc tí tẹo, lòng mừng khấp khởi, thắng liền một con tuấn mã và bắt đầu phi ngựa như bay. Người và ngựa đi qua không biết bao nhiêu là làng mạc, thôn xóm, núi đồi, thành quách, sông suối, gần hết một tuần trăng rồi mà lòng vẫn chưa thỏa…
Cuối cùng, anh chàng ngã gục bên suối… và chiếm được hai thước đất để chôn mảnh xương tàn của anh.

Xử Tội

Chúa Jésus đang giảng đạo trước đám đông. Bỗng một nhóm trí thức và tu sĩ mang một dâm phụ đến trước mặt ngài, hỏi:
- Thưa ông! Mụ gian phụ này bị bắt quả tang, theo luật Moise thì phải bị ném đá. Vậy ông nghĩ sao?
Ðức Chúa im lặng. Ðám đông cứ nhao nhao lên đòi xử cho bằng được. Bất đắc dĩ Chúa bảo:
- Trong quý vị ai thấy mình hoàn toàn trong sạch, chưa hề phạm một lỗi lầm nào, có quyền ném viên đá đầu tiên.
Mọi người dần dần tảng mất, đức Chúa bảo chị đàn bà:
- Còn ai tố cáo con nữa không?
- Thưa, họ bỏ đi hết rồi, chỉ còn mình Ngài!
Chúa phán:
- Thôi, con về đi!
Em thân mến!
Thánh Gandhi của dân tộc Ấn có dạy: "Hãy ghét tội lỗi, nhưng đừng ghét người phạm tội." Các tâm hồn cao thượng gặp nhau ở điểm này. Còn hạng phàm nhân của chúng ta, mỗi khi bắt quả tang ai phạm tội là mừng như bắt được vàng. Chúng ta sẵn sàng sỉ vả, la lối, mắng chửi, đánh đập… đương sự để chứng tỏ sự sáng suốt trong sạch của chính mình. Sự hằn học, khinh miệt đó chẳng qua chỉ phát xuất từ tâm hồn ti tiện, tật đố, nhỏ nhen của chính ta mà thôi.
Có lẽ vì thế mà Lục Tổ đã dạy:
Nếu thật người tu đạo
Chớ nên dòm lỗi người…
… Nếu thấy được lỗi người
Thì… chính lỗi mình vậy!
Và, Ngài đã khuyên chúng ta một cách xử sự thật khôn ngoan:
"Người quấy ta đừng quấy"
nghĩa là, nếu thấy hành động đó là sai lầm, là tội lỗi thì… điều hay ho nhất là… "đừng làm" vậy.
Nói chi đến những việc "vừa ăn cướp vừa la làng."

Rửa Tai

Hứa Do là một danh sĩ ẩn dật. Vua Nghiêu nghe tiếng, mời đến nhường ngôi, Hứa Do bỏ về, ra sông Ðỉnh Thúy rửa tai
Sào Phủ, cũng là một hiền sĩ, dắt trâu ra bờ sông cho uống nước. Gặp Hứa Do đang rửa tai ngạc nhiên hỏi duyên cớ. Hứa Do đáp:
- Vua Nghiêu nhường ngôi cho ta, ta phải đi rửa tai.
Sào Phủ nghe nói, vội dắt trâu lên phía trên dòng cho uống. Hứa Do hỏi, Sào Phủ đáp:
- Ta sợ trâu uống nhằm nước rửa tai của anh.
Và hỏi tiếp:
- Anh đã làm gì đến nỗi vua Nghiêu nghe tiếng đi mời anh vậy?
Em thân mến!
Vua Nghiêu có mời Hứa Do đến nói chuyện nhường ngôi. Hứa Do có nghe và thấy rõ ràng lúc đối mặt…
Nhưng đến lúc vua Nghiêu không còn giáp mặt, lời nói nào còn lưu lại trong tai Hứa Do để ông ta phải đi rửa cho sạch là điều ta cần lưu ý.
Sắc và thinh là những trần cảnh bên ngoài, tự nó không là tốt xấu, hay dở nhưng chính sự phán đoán của chúng ta đã đặt cho chúng một giá trị tạm thời… chớ không tuyệt đối. Con cóc cái chỉ đẹp và giá trị đối với con cóc đực, ngôi vua là cái đáng thèm với hạng đắm say ngũ dục, là một của nợ đối với kẻ thích thanh nhàn, ghét bổn phận và trói buộc. Ðắm say, giành giật cho kỳ được bằng trăm phương nghìn kế, hoặc biểu lộ cho người ta thấy rằng mình không màng, chả thèm tới, là người hiền, không vướng mắc, dính dáng đến danh vọng… (bằng cách rửa tai chẳng hạn). Hai thái độ xem chừng trái ngược nhau nhưng kỳ thực đều bắt nguồn từ một cái tâm vướng mắc của phàm phu. Một đằng thích quyền uy, lợi lộc, phú quý vinh hoa…, một đằng thích cái danh hiền nhân "chẳng màng đến quyền uy, lợi lộc, phú quý, vinh hoa…" mà thôi.
Câu hỏi của Sào Phủ: "Anh đã làm gì đến nỗi vua Nghiêu nghe tiếng mà mời anh vậy?" cũng thật là có ý gẫm.
Chúng ta có ăn mặn, người ta mới mời mình mua thịt, có nhậu rượu người ta mới mời mình nâng chén… Nếu do người ta nhận lầm mời mình, thì cứ mỉm cười, từ chối mà đi, cần gì phải gây gỗ, phân bua rằng mình không dính dáng đến mấy thứ đó?
Các thiền sư thường nhắn nhủ chúng ta rằng: "Thanh tịnh mà thấy rằng mình thanh tịnh đó là hết thanh tịnh rồi" cũng chẳng ngoài ý trên vậy.

Nước Cam Lồ

Các đạo sĩ lập đàn cúng tế, cầu nước Cam Lồ. Tề Thiên đi ngang thấy được, rủ Bát Giái, Sa Tăng vào ăn hết cỗ bàn hoa trái… và đái vào nồ lô của bọn đạo sĩ…
Các đạo sĩ thấy hồ lô có nước, mừng quýnh tưởng là thần tiên giáng thế, ban nước cam lồ, liền tranh nhau uống… mới phát giác ra vị cam lồ của chư thần có hương vị nước đái heo.
Em thân mến!
Câu chuyện trên được trích từ một đoạn của Tây Du Ký. Ðọc xong, không ai khỏi bật cười nhưng đang cười, gẫm lại, nụ cười bỗng tắt như mếu vậy. Thói thường, không làm điều gì phi pháp thì ta khỏi sợ công an và mất tiền hối lộ. Nếu những người công chức chân chính, không ai nhận của đút lót để bẻ quẹo cán cân công lý, thì các bậc thánh thần đâu thể vì một nải chuối, dĩa xôi, con gà… mà ban phúc giáng họa, phát không tài lộc cho chúng ta?
Thế thì, những nhân vật dễ cáu, dễ hờn, dễ giận, dễ nịnh, dễ mua chuộc… tự xưng là Phật Tổ, thánh thần, mẹ cha, cô cậu… là ai? Nếu không phải là các chàng Tề Thiên, Bát Giái, Sa Tăng đội lốt. Tin ở bọn này, có ngày chúng ta sẽ uống Cam Lồ bằng nước đái heo đấy!
Loài người chúng ta có hình dáng, tên tuổi, quê hương khai sinh, giấy tờ hẳn hoi. Vậy mà, khi có ai tự xưng là ông kia bà nọ, chúng ta còn phải kiểm tra bằng mắt thấy tai nghe, hỏi thăm cô bác gần xa. Ðàng này, những hạng vô hình vô dạng, phải dựa vào thân xác của một người bất thường, oai nghi thô tháo, hình sắc dật dờ, khi mê khi tỉnh… mà chúng ta có thể tin đó là hiện thân, sứ giả của các đấng thiêng liêng, răm rắp nghe theo lời chỉ dạy, phán truyền của họ thì… thật khó nói giữa người bảo và kẻ vâng lời, ai điên hơn ai? Hèn chi mà các bậc giác ngộ đã gọi chúng ta là "điên đảo".

Chàng Ghẻ

Xưa, có một ông thầy thuốc hết sức là lạc quan, lại thêm cái tính đắc nhân tâm, không muốn làm buồn hay mất lòng ai.
Gặp các bệnh nhân bị ung nhọt, chưa phát tác hay phát tác, ông đều tìm cách ém nhẹm hay giấu biến đi, bảo người bệnh cứ vui chơi, ăn uống cho thỏa thích, khỏi cần kiêng cử, chữa trị gì ráo trọi, vì cơ thể anh bệnh thật là hoàn hảo.
Ðến lúc bệnh phát tác dữ dội, ông thầy thuốc vội vàng lỉnh mất.
Em thân mến!
Bi quan hay lạc quan thái quá là những sự nông nỗi giả dối tai hại. Ðối với một người bệnh nói lên sự thật, bảo phải kiêng cữ cho đến lúc chữa trị tận gốc là một thái độ cần thiết phải có của một bậc lương y. Khi người ta mắc bệnh, không thể khỏa lấp xem không có gì để mầm bệnh mỗi ngày một tăng trưởng… là một điều tai hại khôn lường mà không vị lương y nào dám làm cả.
Cũng thế, đức Phật được xưng tụng là vô thượng y vương, một người thầy thuốc, đã bắt mạch cho chúng ta căn bệnh đầu tiên là khổ đế… Vừa nghe đến chữ khổ, chúng ta đã dẫy nẩy lên, cho rằng đức Phật bi quan, yếm thế, thất nhân tâm v.v… Do đó mà chúng ta bịt tai, không chịu nghe Ngài nói tiếp về nguyên do của căn bệnh: lòng tham ái, chấp trước… (tập đế). Ðã không chịu nghe, không chấp nhận căn bệnh, không kiêng cữ nên những lời dạy của Ngài về trạng thái hết bệnh (diệt đế) hoàn toàn vô bổ đối với chúng ta. Và, dĩ nhiên, phương thuốc, cách chữa bệnh (đạo đế) của Ngài cũng chung số phận.
Ðó là chưa nói đến chuyện những điều Ngài bảo khổ, chúng ta cãi là vui, những thứ Ngài cho là nguy hiểm, phải kiêng cữ thì chúng ta… xài xả láng.
Vì thế, trong một bản kinh, đức đạo sư có đưa ra một thí dụ như sau:
Có anh chàng nọ, bị bệnh ghẻ từ hồi mới sinh nên lúc nào chàng ta cũng gãi, chà… và cảm nhận một cảm giác khoái trá tột độ. Ðó là khi cào rách da thịt và hơ chúng lên than hồng.
Bữa nọ, có ông lang đến thăm và hứa sẽ chữa cho chàng ta hết ghẻ. Vừa nghe đến hai chữ "hết" chàng ghẻ đã kêu rầm lên:
- Hết! Bộ thầy muốn giết tôi sao? Ðời tôi chỉ có một niềm vui độc nhất là… gãi ghẻ, nếu hết ghẻ rồi thì lấy gì để gãi?
- Này anh, hết ghẻ rồi… anh sẽ được hạnh phúc thú vui hơn nhiều…
- Vui cỡ nào? Vui bằng hơ ghẻ lên than hồng không?
- Hoàn toàn không phải vậy?
- Nếu thế thì ông chớ bày chuyện chi cho mất công, không bao giờ tôi đổi cái hạnh phúc gãi cho đã ngứa để lấy cái "không" trơ trọi của ông. Nếu ông thật sự có lòng tốt, xin chữa cho hết cái nhức nhối, ngứa ngáy, đau buốt… nhưng phải chừa mụt ghẻ lại cho tôi gãi…
- Này chú em! Không một người lành mạnh nào lại ước ao có ghẻ để gãi, có ghẻ thì có đau nhức có ngứa ngáy, có khổ sở… càng gãi càng hơ lên than hồng, nó càng lở loét và đau đớn hơn… Cái cảm giác mà em cho là sung sướng đó, thật ra chỉ là đau khổ trá hình mà thôi…
- Nếu ông cho cái đó là đau khổ, thì ước mong sao tôi được đau khổ liên miên bất tận… hoài hoài, mãi mãi…
Em thân mến!
Chàng ghẻ nọ, không ai xa lạ, chính là mỗi người chúng ta, ông lang giàu lòng kiên nhẫn chính là đức đạo sư vậy. Từ thuở sơ sinh, chúng ta đã mắc chứng bệnh trầm kha là tham trước. Cơn bệnh làm chúng ta bồn chồn, bứt rứt, ngồi đứng không yên… nhưng mỗi khi quơ được một món nào (trong ngũ trần) vừa lòng thích ý thì chúng ta thật là hài lòng hả dạ, hệt như chàng ghẻ đang hơ tay lên than hồng vậy.
Ðức Phật bảo chấp thủ là khổ, ta cãi: vui lắm! Ngài đề nghị chữa bệnh, chúng ta bảo: chữa đến vô ngã thì lấy gì mà hưởng ngũ dục đây? Ðời tôi chỉ có ngũ dục là vui, tu theo Ngài, vô ngã… thì lúa rồi!
Phật dạy:
- Vô ngã, nhưng niết bàn tịch tĩnh…
- Cái niết bàn của Ngài có vui cỡ được tài, sắc, danh, ăn, ngủ không?
- Niết bàn không dính dáng gì đến mấy thứ đó. Một người đạt đạo không bao giờ thấy ngũ dục là vui hết.
- Vậy thì… con không bao giờ mơ tới cái niết bàn không có chi hết của Ngài. Nếu có thể, xin Ngài giúp con thoát khỏi già bệnh chết, cho con càng ngày càng trẻ, càng đẹp trai, càng giàu công danh phú quý của tiền vô số…
- Này con, thọ nào cũng khổ hết, đừng có dại mà mơ mấy cái đó…
- Nếu Ngài cho đó là khổ thì con ước ao được mấy cái khổ đó hoài hoài… Ước sao tôi được nhiều của, nhiều tiền, nhiều vợ, nhiều con, nhiều danh, nhiều lợi… hơn là tu theo Phật, mất sạch sành sanh!
Ðức đạo sư của chúng ta biết trả lời sao đây? Thôi thì, thương con không biết gớm, bỏ thì thương mà vương thì tội, Ngài đành phải tương kế tựu kế, trước thỏa mãn lòng tham dục của nhân loại, sau dùng phương tiện hướng dẫn cho chúng sinh giác ngộ (trước dùng dục câu dắt, sau dùng trí để nhổ). Vô lượng pháp môn của Phật giáo cũng sản sinh từ đó.
Vì thế, từ bước đầu là một pháp tu trong sáng, thuần trí tuệ, Phật giáo lần lần có đủ pháp môn đáp ứng với mọi nguyện vọng của nhân loại: cầu của, cầu con, cầu tài, cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức, cầu an cho người thương, cầu tai họa cho kẻ ghét…
Nếu người hướng dẫn có thể trước thỏa mãn lòng mong cầu của môn đệ, sau khai tâm mở trí cho trí tuệ họ bừng sáng thì các pháp môn đồng gặp nhau ở chỗ "Duy tuệ thị nghiệp: chỉ có trí tuệ là sự nghiệp," nhưng nếu thầy lẫn trò đều dừng chân ở chỗ "dùng dục câu dắt" thì đức Phật sẽ biến thành một vị thượng đế, có đầy đủ quyền uy và khả năng để cáng đáng hết mọi chuyện cho hằng hà sa số chúng sinh. Giúp việc cho Ngài là vô lượng Bồ Tát, quỷ thần chuyên môn làm mọi không công cho thiên hạ. Và tín đồ nhà Phật, bị tham dục chi phối sẽ không từ nan bất cứ việc nào (miễn sao được gãi ghẻ thỏa thích): xin xăm, bói quẻ, cúng sao, phát bùa, cho niệt, trừ ma, yếm quỷ, cầu của, cầu con, v.v… và v.v… vậy.

Sa Môn Hạnh

Một thầy Bà La Môn tự cho mình đã tinh thông ba tập Veda, chê Phật là hạng sa môn giả hiệu, không xứng đáng để nói chuyện. Ðức Phật mới hỏi anh:
- Ta nghe nói các anh được quốc vương Ba Tư Nặc cúng dường trọng hậu nhưng chưa hề diện kiến nếu có gặp gỡ nhà vua thì chỉ gặp gỡ qua một tấm màn, điều ấy có đúng không?
Thầy Bà La Môn đáp:
- Ðúng như vậy!
- Này Bà La Môn! Giả sử một chàng nô lệ hạ tiện tuyên bố, lập lại những lời mà chàng ta nghe nhà vua nói, chàng nô lệ có được xem là vị quốc vương hay phó vương không?
- Làm sao được nổi!
- Này anh, giả sử có người, đọc tụng, lập lại các lời nói, phù chú… mà anh ta cho rằng được nói ra từ các đại ẩn sĩ hiền triết thời danh… anh ta đọc thuộc lòng các điều mà truyền thuyết ghi lại là do các bậc hiền nhân ấy nói ra… thì anh có thể đạt đến địa vị của các hiền nhân ấy không?
- … !!
- Thế thì, anh đã rõ lời tự hào của những người thông thuộc các thánh thư Veda có một giá trị như thế nào rồi chứ!
Thầy Bà La Môn lại im lặng.
(Trích kinh Amatrú, Trường Bộ Kinh)
(13-11-1986)
Em thân mến!
Ðọc tụng, lập lại lời nói của các bậc giác ngộ (mà ta chưa hề thấy mặt, chỉ biết qua sách vở, truyền thuyết...) rồi tự hào cho mình đã bằng hay nối dòng nối dõi các ngài, sanh tật tự cao, khen mình chê người.. là những điều mà đức Phật quở trách thầy Bà La Môn trong đoạn kinh trên... cách đây 25 thế kỷ.
Vậy mà, chính điều ấy, chúng ta đang làm hằng ngày, em có thấy như vậy không? Chỉ cần thuộc làu hai đường công phu, tụng đọc được dăm ba quyển kinh, chúng ta đã thấy kích thước bản ngã mình nới rộng ra, gồ ghề, cao quý hơn... đặt mình ngang hàng với Phật tổ, khen mình chê người thì... thật là điên rồ và tự phụ hết sức.
Ðể chữa trị chứng bệnh này, đức đạo sư dạy:
Dù nói nhiều kinh điển
Không y giáo phụng hành
Như kẻ chăn bò người
Nào hưởng sa môn hạnh
PC 19
Dầu nói ít kinh điển
Nhưng y giáo phụng hành
Từ bỏ tham sân si
Tỉnh giác tâm hiền lành
Thì đời này đời khác
Ðều hưởng sa môn hạnh.
PC 20



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]