Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 17 - Nghi Biểu Khi Ăn

21/06/201318:51(Xem: 7252)
Bài 17 - Nghi Biểu Khi Ăn

Học Phật Hành Nghi

Bài 17 - Nghi biểu khi ăn

Thích Minh Thông

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Phàm sa-môn, cư sĩ đến giờ ăn cơm, trước nên chắp tay làm 5 phép quán tưởng:
1. Xét kể công lao nhiều ít và ước lượng lý do của thực phẩm.
2. Nghĩ kỹ đức hạnh của mình đủ hay thiếu để ứng thọ sự cúng dường ấy.
3. Đề phòng tâm lý, tránh những tội lỗi mà tham sân si là chủ yếu.
4. Chính vì lấy thực phẩm làm dược phẩm tốt để trị liệu thân hình khô yếu.
5. Vì thành đạo nghiệp mà ứng thọ thực phẩm ấy.
Lúc ăn chẳng được nói chuyện, nếu có khách đến cùng ngồi; thì cũng chỉ nên cúi đầu vâng dạ rồi thôi, sau khi ăn rồi mới lại trò chuyện nói rõ thêm. Chẳng được cười, chẳng ăn quá mau hay quá chậm, chẳng được chỏi chân ra sau mọp người trên bàn mà ăn, chẳng được ngồi chồm hổm, nên thẳng mình ngồi ngay.

Lời phụ: Trong Trai đường Phật môn thường có câu: năm quán làu thông ngàn vàng dễ hóa, ba tâm chẳng rõ giọt nước khó tiêu. Thế nên biết, trước khi ăn cơm cần phải làm năm phép quán này cho chín chắn.
Bộ Hành Hộ nói: “Đến bữa ăn phải sanh tâm xấu hổ thường tưởng phép quán, dẫu ngàn vàng cũng tiêu đặng.” Thứ nhất khi quán xét công khó của người làm nông mới có được cơm này. Lại vừa qua khỏi miệng rồi liền trở thành đồ bất tịnh, qua cách đêm thì biến thành đồ dơ chẳng muốn ngó. Thứ hai nghĩ xét đến đời sống tâm hạnh của mình đã, đang và sẽ làm nên được lợi ích gì khi thọ nhận đồ ăn này. Thứ ba ngăn tâm khỏi lỗi, khi đối món ăn ngon chẳng nên khởi tưởng lòng tham. Thứ tư nhơn bởi tất cả chúng sanh đều nhờ vào ẩm thực mà tồn tại, nên xem món ăn như thuốc hay trị bệnh nuôi thân để ta tấn tu đạo nghiệp. Thứ năm là nếu không ăn thời hình gầy sắc ốm, đạo nghiệp khó thành. Nay muốn thành đạo nghiệp nên thọ nhận cơm này.
Ma Đức Lặc Già Luận nói: bằng khi được ăn mỗi miếng thầm tưởng: nguyện dứt tất cả việc ác, nguyện tu tất cả việc lành, chỗ tu các việc lành, hồi hướng cho tất cả chúng sanh, đều đồng thành Phật. Cho nên văn nói: “trong lúc ăn chẳng được nói chuyện, nếu có khách đến ngồi, cũng chỉ cúi đầu vâng dạ rồi thôi, đợi sau ăn xong mới trò chuyện.”
Chẳng được lấy thức ăn chung với người bên cạnh trích riêng cho chó. Chẳng được chau mày chê bai đồ ăn xấu dở. Chẳng được dùng móng tay gãi đầu để bụi bặm rơi vào bát người ngồi bên cạnh, chẳng được nhai đồ ăn ra tiếng, chẳng được khiến chén đũa lua húp cơm canh, v.v... phát tiếng. Trong thức ăn nếu có sâu trùng nên kín đáo che dấu đi, đừng để người bên cạnh trông thấy sanh tâm nghi ngờ, ăn không được. Như muốn khêu răng, nên lấy tay che miệng. Chẳng được thấy đồ ăn ngon mà sanh tham tâm phóng túng miệng mà ăn. Trong cơm có lúa thóc, bóc vỏ mà ăn, chẳng được ăn ngũ tân (5 thứ nồng cay: hành, hẹ, tỏi nén và hưng cừ).
Chẳng được lấy tay vo cơm thành từng nắm lớn, chẳng được há miệng ra chờ cơm, chẳng được vo thức ăn từ xa ném vào trong miệng, chẳng được làm rơi đổ thức ăn, chẳng được ngậm đồ ăn căng phồng hai bên má, chẳng được nút thức ăn, chẳng được dùng lưỡi liếm thức ăn. Chẳng được dùng tay bóp nát thức ăn.

Lời phụ: trên đây chỉ lược kê những phép tắc oai nghi thường thức lúc ăn cơm. Văn nói: lấy đồ ăn chung mà trích riêng cho đó tức phạm vào tội ăn trộm. Trong lúc ăn, có người đem thêm đồ ăn chẳng được bảo không dùng nếu no rồi, chỉ nên lấy tay ra dấu từ khước, bởi nói không dùng là mất phép khiêm nhường, thốt lời thời động niệm đại chúng vậy.
Trên bàn không được để chén đũa ngổn ngang, bày biện cần phải ngăn nắp tề chỉnh. Chẳng nên để rau cải trải dài không dứt. Ăn xong rồi, chẳng được lấy tay móc cơm thừa trong bát mà ăn, chẳng được ngậm đồ ăn mà nói và đứng dậy đi. Trừ phi tùy chúng cùng ăn ở trai đường, còn không nên tự mình đi lấy thêm thức ăn, chẳng được sai người lấy chén bát, trừ bậc tôn trưởng hay lão bệnh, hoặc nếu mình là khách mới đến thì là việc đương nhiên phải vậy.
Ở trên chỉ chuyên nói về việc bày biện trên bàn những bữa ăn bình thường. Nếu tại Tòng-lâm Trai-đường theo chúng thọ trai, tất phải y theo chương thứ 5 Tùy Chúng Thực trong Uy Nghi Môn mà hành trì.

Lời phụ: Tùy Chúng Thực chương 5 viết:
Phải ngồi ăn một lần mà thôi, không được ăn xong, rời chỗ ngồi rồi, lại ngồi ăn nữa. Không được ăn xong, lấy ngón tay vét chén bát mà ăn. Người đi thêm đồ ăn chưa đến, không được sanh phiền não. Hoặc có cần gì, thì yên lặng dùng ngón tay mà trao ý, không được lớn tiếng gọi to. Không được khua chén bát ra tiếng. Không được ăn rồi dậy trước. Nếu trái qui chế tăng chúng, nghe bạch kiền chùy, không được kháng cự bất phục. Trong cơm có lúa thì bỏ vỏ mà ăn. Không được thấy mỹ vị thì sanh tham tâm, phóng túng miệng mà ăn.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]