Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 10.Thoát hoá

21/06/201317:54(Xem: 8626)
Chương 10.Thoát hoá

Hòa Thượng và giai nhân

Chương 10.Thoát hoá

Hòa Thượng Thích Như Điển

Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Sau khi dặn dò tất cả mọi việc trong chùa lại cho những đệ tử, Thầy Ngộ Đạo dạy rằng: Mỗi ngày Thầy chỉ còn dùng một bửa ngọ, nếu sau ba ngày mà không thấy Thầy lấy cơm để dùng, thì đại chúng phải đẩy cửa Thất bước vào. Ngoài ra, mọi việc ở chùa cứ như thế mà hành trì tu niệm.
Thầy chỉ dặn dò vỏn vẹn cho đệ tử chỉ chừng ấy việc thôi; nhưng với Thầy thì Thầy đã lo chu đáo cho phần nội tâm của mình rồi. Nghĩa là chương trình mỗi ngày của Thầy chia ra làm sáu thời lễ bái, tụng niệm, ngồi Thiền, trì chú, kinh hành, niệm Phật. Như thế cũng đủ biết rằng Thầy là một con người mà ai cũng phải kính trọng. Vì lẽ từ khi lên đảm nhiệm chức vụ trụ trì đến giờ, chỉ có một vài lần bị thị phi tai tiếng; nhưng đó không phải do Thầy chủ tâm. Còn bao nhiêu việc khác, việc nào cũng trôi chảy cả, không có cái gì bị vướng mắc. Giờ đây cũng thế, lời nguyện của Thầy là cuối đời lúc hết hơi thở thì về được cảnh giới Cực Lạc để diện kiến đức Từ Phụ A Di Đà. Cho nên trong phần sám hối lễ bái, Thầy luôn luôn lạy 48 lời nguyện của Ngài. Sau mỗi lời nguyện, Thầy ngồi chiêm nghiệm lại một số công việc mà hành giả tu pháp môn Tịnh Độ phải tha thiết để quay về.
Chữ A Di Đà được dịch là Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Công Đức. Theo lời Đức Phật Thích Ca nói trong kinh A Di Đà, cõi của Đức Phật A Di Đà ở về phía Tây, cách cõi Ta Bà chúng ta mười vạn ức cõi Phật, cõi ấy gọi là Cực Lạc Quốc. Đức Phật A Di Đà có hào quang sáng suốt vô lượng, chiếu tới các cõi ở mười phương, mà không bị gì ngăn che. Đời sống của Ngài và của chư Phật, chư Thánh trong nước Ngài dài lâu vô lượng vô biên, đến triệu ức kiếp. Ai muốn vãng sanh về nước Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà thì nên phát tâm trì niệm Hồng Danh của Ngài một cách miên mật, khi lâm chung Ngài và nhị vị Thánh Chúng sẽ đến đón. Nước gọi là Thanh Tịnh tức ngược lại với nước không thanh tịnh. Giống như nơi chúng ta đang ở được gọi là Uế Độ chứ không phải là Tịnh Độ, vì cõi nầy chỉ có người phàm và bậc Thánh ít xuất hiện, còn cõi Thánh thì không có người Phàm. Do vậy những ngục hình hay Ngạ Quỷ, Súc Sanh chắc chắn là không có ở nơi đó. Nếu có, dẫu cho cõi nầy là cõi “Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ” đi nữa thì cũng phải sanh làm Người, rồi từ Người mới vãng sanh về Tịnh Độ, chứ mang thân thú, thì tâm chưa có thể đầu thai về cảnh giới ấy.
Điều nầy cũng có nghĩa là những thân thể đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, trời, thú v.v.. phải tu hành rồi sau đó sẽ hoá sanh và được sự cảm ứng nơi cõi Cực Lạc lúc ấy mới sanh về đó, dĩ nhiên khi còn tâm thức là người, ta không thể vào cảnh giới nầy được, mặc dù chưa thành Thánh hoàn toàn; nhưng chúng ta mong được Thánh, thì cái tâm niệm ấy sẽ hoá mình thành Thánh, rồi vào ao sen, trong ao ấy có chín bậc. Tuỳ theo lành nhiều hay ít mà được ngồi vào đó. Có người có thể lên đến thượng phẩm thượng sanh nhưng cũng có người chỉ mới ở vào hạ phẩm hạ sanh.
Dân chúng ở đây không cần làm lụng gì hết mà vẫn có ăn như thường. Nhưng khi ăn lại không cần phải nấu như chúng ta ở cõi Ta Bà nầy, muốn ăn thứ gì là đồ ăn sẽ hoá ra và đồ ăn ấy được đựng trong bát bằng đồ trân quý như vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, san hô, hổ phách v.v…ăn xong lại chẳng cần cất dọn và rửa chúng. Vì lẽ thần lực của Đức A Di Đà và các vị Thánh chúng đã lo cho các chúng sanh tại đó rồi.
Dĩ nhiên là đồ chúng ta mặc nơi cõi Ta Bà nầy, chắc chắn không mặc được ở cõi chư Thiên nữa, chứ đừng nói chi là cõi chư Phật. Do vậy, khi được sanh về đây tự nhiên muốn đồ nào, đồ ấy hiện ra liền trước mặt để mình chọn lựa. Đồ trang sức ở đây là đồ trang sức ở cõi Phật, chứ không phải ở cõi người, mặc xong cũng chẳng cần phải giặt, ủi, mà cũng không cần mua sắm nữa. Có lẽ tự đồ ấy tỏa ra mùi hương chăng? Hay là đồ ấy sẽ được bay đi vào cõi khác.
Nghĩa là khắp các cõi trong tam thiên đại thiên thế giới, ai có lòng tin đến Đức Phật và phát nguyện vãng sanh về thế giới ấy, sau khi lâm chung được đức Phật và những mùi hương lạ ở các cõi toả ra thơm ngát để đón chúng sanh ấy về cảnh giới của Đức Từ Phụ A Di Đà.
Rõ ràng là đã được phước đức nhiều lắm, mới sanh vào cõi nầy. Do vậy mà ai ai cũng kính trọng nhau, không cãi nhau và tranh hơn thua với nhau như ở cõi thế gian nầy nữa. Do sự tự giác ấy mà không ganh ghét và không dành giựt với nhau để sống và không tranh phải, tranh quấy với nhau nữa.
Những chúng sanh ở cõi Cực Lạc đều do hoá sanh mà thành, không phải như những chúng sanh ở cõi Ta Bà nầy, do lòng dục tạo thành. Do vậy không có tâm ô uế nơi nầy. Khi tâm đã tịnh, thì tánh lại lắng đọng, không thô ác và cũng chẳng khởi tâm nóng giận. Vì sân si là nguồn gốc biết bao việc lỗi lầm, mà chúng sanh ở cõi ấy đã rõ quả khổ ở cõi Ta Bà nầy, nên mới phát nguyện sanh vào Cực Lạc. Nếu vào đó rồi mà tâm niệm còn sân si như thế, quả không phải là một chúng sanh nơi nước ấy.
Khi thân trung ấm vừa rời khỏi thể xác, nếu thấy có vệt trắng sáng thì nên nương theo đó để đi; nếu thấy vệt đen, dầu nơi ấy có bao nhiêu trò vui dụ dỗ đi nữa cũng không nên đi theo. Vì vậy cho nên ở đây nói tiệm tiệm là có ý ấy. Có nghĩa là từ từ không nên hấp tấp kẻo lầm và phải nhất tâm vào chánh niệm vậy. Ai có rủ rê gì cũng không nên nghe theo, cứ lần theo ánh sáng ấy mà bước đi.
Ở thế giới Cực Lạc không còn nghe đến những việc ác, huống gì là làm những việc ác. Do vậy ở đó chúng sanh không tạo ra nghiệp chướng.
Khi về đến cõi Cực Lạc, xác thân tứ đại không còn nữa. Bấy giờ giống như là giấc mộng mà thôi. Do tánh không còn ham muốn nên tâm không nhiễm và do vậy luôn luôn được hỷ lạc.
Cái đẹp ở cõi Ta Bà là cái đẹp giả tạm, chỉ có cái đẹp ở cõi Phật mới miên viễn. Mặc dù, còn kẻ tiên người tục khác nhau, vì lẽ cõi nầy là cõi Phàm Thánh đồng cư. Có người đã ở tận thượng phẩm thượng sanh, có người vẫn còn mới về thế giới nầy. Do vậy mà có sai khác. Tuy nhiên hình thể đều trang nghiêm đẹp đẽ lạ thường.
Phật Thích Ca dạy rằng: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Với tánh Phật nầy, ai ai cũng có khả năng thành Phật hết. Chẳng kể là ai. Từ Trời, Người, Súc Sanh cho đến những vị đã chứng Thanh Văn, Duyên Giác đều được về chung nơi thế giới nầy. Nhưng dĩ nhiên là không thể mang tâm niệm của súc sanh mà về đây được, trước phải hoá thân. Sự hoá thân do mình suy niệm và nhờ vào trợ niệm của Đức Phật A Di Đà mà được thành tựu.
Cát sông Hằng ở Ấn Độ nhiều bao nhiêu, thì chúng sanh nơi cõi Cực Lạc cũng nhiều như thế. Do vậy các vị Bồ Tát cũng không thể đếm cho xiết hết các chúng sanh ở cõi nầy.
Chúng sanh sanh về cõi Cực Lạc có tuổi thọ dài lâu vô lượng, không thể đếm số năm như ở cõi Ta Bà nầy nữa. Một ngày ở cõi Tây Phương Cực Lạc chắc cũng bằng hàng vạn năm ở cõi chúng ta.
Chơn Như bản thể tánh viên thường. Đó là Niết Bàn thực tại ở cõi Cực Lạc. Chúng sanh ở đây sẽ lìa hết tất cả những điên đảo để vào chỗ vô phân biệt.
Dân chúng ở cõi Lạc Bang lúc nào cũng vui vẻ và nhận được nhiều đồ thọ dụng. Ở đây không có phân biệt là người xuất gia hay tại gia, ai cũng sâu vào trong vô lậu tam muội để chứng ngôi bất thối
Đức Phật A Di Đà hiện đang giảng kinh thuyết pháp tại thế giới Cực Lạc nhằm độ sanh và do sở nguyện của mỗi người mà được thành tựu. Công đức của Ngài thật vô lượng vô biên.
Thác sanh về thế giới Cực Lạc không bằng dục nhiễm như ở thế gian. Do từ Thai Tạng hoá ra nên chúng sanh nầy có thể rõ biết về kiếp trước của mình và số ấy không phải là ít.
Ở cõi nầy có rất nhiều chúng sanh chứng được thiên nhãn thông và nhờ thần thông nầy mà thấy được vô biên vũ trụ khác và thấy rõ được những duyên khởi của thế gian vì sao mà thành trụ, vì sao bị hoại diệt.
Các chúng sanh ở đây khi chứng được thiên nhĩ thông rồi, có thể nghe thuyết pháp từ trăm ngàn vị Phật và trong một lúc có thể ngồi bất cứ ở đạo tràng nào để lắng nghe diệu pháp ấy.
Các chúng sanh ở cõi Lạc Bang chứng được tha tâm thông, có thể biết được tâm niệm của kẻ khác đang suy nghĩ gì, dầu là kẻ ấy ở nơi đâu.
Khi chúng sanh ở cõi nầy đã chứng được thần túc thông thì việc đi giống như bay. Có thể dong ruỗi trong mười phương vô biên thế giới trong khoảng sát na rồi trở lại cõi mình đang ở.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn ở Kỳ Viên Tịnh Xá đã giảng kinh A Di Đà nhằm giới thiệu cho chúng sanh ở cõi nầy có một thế giới Cực Lạc như thế và hiện do Đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp độ sanh nơi đó. Nếu có chúng sanh nào phát nguyện sanh về đó sau khi lâm chung thì phải nhứt tâm bất loạn, trì danh hiệu Phật ấy thì khi lâm chung sẽ về được nơi chín phẩm sen.
Khi lâm chung sẽ có hào quang của chư Phật đến tiếp dẫn, phóng đến nơi đảnh đầu của mỗi chúng sanh. Tuy ánh sáng mặt trời mặt trăng so với thế gian nầy là rạng rỡ; nhưng ánh hào quang của Chư Phật còn sáng tỏ và mát dịu hơn nhiều.
Chúng sanh thấy được ánh hào quang của đức Từ Phụ A Di Đà nên nương vào đó. Vì ánh sáng nầy rất đặc biệt, không phải như những loại ánh sáng khác.
Khi ánh hào quang của Đức Phật A Di Đà chiếu đến thân hành giả niệm Phật cầu vãng sanh, thì bất kể là người, hay thú, hay trời cũng đều được sáng tỏ, thì nương theo đó để về cảnh giới Lạc Bang.
Khi phát tâm Bồ Đề và hành Bồ Tát hạnh, thực hiện lục ba la mật. Những công đức ấy, đến khi lâm chung đã đầy đủ phước báo để chư Thánh Tăng cùng với đức Phật A Di Đà tiếp dẫn người phát tâm về thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Ở cõi Ta Bà nầy nếu có chúng sanh nào lo làm chùa, xây tháp, trì trai, giữ giới thanh tịnh và cúng dường đèn, hương, hoa quả, tràng phan, bảo cái và trước khi lâm chung chỉ cần nhất tâm niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà trong một ngày đêm thì Ngài sẽ tiếp dẫn về cảnh giới Lạc Bang.
Những chúng sanh nào mà khinh chê Phật Pháp và bị tội đày vào địa ngục A Tỳ thì Ngài không độ được. Ngoài những kẻ nầy ra, tất cả nếu niệm danh hiệu của đức Phật A Di Đà cho đến mười niệm nhất tâm thì Ngài sẽ tiếp dẫn về thế giới của Ngài.
Tuy nhiên, những chúng sanh nào chỉ tạo tội nhẹ; nhưng sau khi nghe danh hiệu Ngài và sám hối, trì trai ăn chay, làm lành, lánh dữ và có ý sanh về thế giới Cực Lạc, thì Đức Phật A Di Đà sẽ độ cho về, khỏi phải bị sanh vào cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Cả Trời, Người trong mười phương vô biên thế giới. Nếu có chúng sanh nào nghe tên Đức Phật A Di Đà, cung kính đảnh lễ muốn nương về để tu giải thoát thì sẽ được tán dương và đón về nước Phật.
Nếu những người nữ nào không muốn kiếp sau mang thân người nữ, hãy niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà thì kiếp sau không còn làm thân nữ nữa.
Khi một chúng sanh vãng sanh vào nước Phật thì chắc chắn là chứng được quả Vô Sanh. Khi sanh về cõi Cực Lạc rồi thì chúng sanh không còn bị luân hồi sanh tử nữa. Chỉ trừ những vị chưa muốn thành Phật, vẫn giữ chí nguyện Bồ Tát của mình để đi độ sanh ở những cõi khác, thì đức Từ Phụ A Di Đà cũng tuỳ duyên mà giúp cho những vị nầy được toại nguyện đi độ sanh và khiến cho chúng sanh do những Bồ Tát đi độ đó được hạnh nguyện giải thoát của Ngài Phổ Hiền.
Nguyện cho dân trong nước mà Bồ Tát đến độ đó sẽ được như nguyện và Bồ Tát dạy cho những chúng sanh ấy dứt các nghiệp dữ, đừng cho sa vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Khi các Bồ Tát ở cõi Tây phương Cực Lạc muốn cúng dường hoa hương, anh lạc, trân châu lên chư Phật ở các quốc độ khác, liền được đi khắp chỉ trong vòng bửa ăn là quay trở về. Nghĩa là báu vật ấy mang đi cúng dường chư Phật và chư vị Bồ Tát khắp nơi mà sau khi vè lại cõi Cực Lạc vẫn chưa đến giờ Ngọ. Ngoài ra muốn cúng thứ gì thì chỉ cần ước ra là có loại ấy để cúng dường.
Phật A Di Đà nguyện rằng, nếu có ai đó đang đọc tụng, thọ trì những kinh điển, thì Ngài sẽ hổ trợ cho người đó có thêm biện tài vô ngại và có thêm trí tuệ Bát Nhã cao siêu diệu vợi.
Đức Phật A Di Đà sẽ giảng cho những chúng sanh đã sanh về thế giới của Ngài đầy đủ trí huệ, hiểu rõ nghĩa lý của kinh cũng như nghe rõ được những pháp âm vi diệu của chư Phật.
Các vị Bồ Tát ở thế giới Tây Phương đều có thân sắc vàng và đầy đủ 32 tướng tốt và ánh sáng ấy có thể chiếu đến 10 phương vô biên thế giới. Chư vị Bồ Tát nầy sẽ thuyết pháp thay thế cho chư Phật ở đó.
Nước Cực Lạc rất trong sạch, không có một chút bợn nhơ. Nếu chư vị Bồ Tát muốn thấy những cõi Phật khác, chỉ cần nhìn vào cây “Bảo Thọ” là thấy. Điều ấy là sự thật chứ không phải dối trá.
Một Na Do Tha bằng một ức mà ở đấy chiều cao đến bốn ngàn Na Do Tha, tức là bốn ngàn ức như thế. Nếu Bồ Tát nào muốn nghe và muốn thấy, sẽ được Đức Phật A Di Đà hướng dẫn cho thấy.
Những đồ dùng thường ngày nơi cõi Cực Lạc đều là những đồ trân quý, có màu sắc xinh đẹp, dẫu cho có dùng đến mắt trời cũng không thể thấy hết được.
Ở cõi Tây Phương Cực Lạc không cần thỉnh mời khi nghe Pháp như ở cõi thế gian. Ai muốn nghe pháp tự nhiên sẽ có Pháp để nghe.
Dầu cho chư vị Thanh Văn hay Duyên Giác, khi sanh về đây rồi liền được các thần lực bất khả tư nghì, hào quang rạng rỡ và biện tài vô ngại, khi thuyết pháp chẳng khác gì những vị Pháp Vương khác.
Khi nhập vào đại định thì cõi nước khác dầu xa xôi đến bao nhiêu đi chăng nữa Bồ Tát chỉ cần nhập định là đến nơi, không sai lạc lối đi và chỉ trong một thời gian ngắn chư vị Bồ Tát có thể đi đến khắp nhiều thế giới khác.
Chư vị Bồ Tát ở các cõi khác khi nghe đến danh hiệu của Đức Phật A Di Đà muốn nương về và với định lực của Phật, chư vị Bồ Tát sẽ được ngôi chánh giác và thường trông thấy các Đức Như Lai.
Chư vị Bồ Tát câu hội đầy đủ nơi cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà và nhờ sự hướng dẫn của Đức Phật mà chư vị Bồ Tát được chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.
Lời nguyện thứ 48 khi Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo phát nguyện trước Bảo Tạng Như Lai để thành đạo và ngay cả Đức Thích Ca Như Lai cũng đã nương vào Ngài Bảo Tạng Như Lai để gìn giữ và ủng hộ lời nguyện của mình cho đến khi thành được ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Khi Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo phát nguyện xong, quả đất rung động, hoa hương được chư Thiên tung xuống cúng dường và hư không lên tiếng chúc mừng v.v..., đây là những điềm lành chứng minh cho những đại nguyện của Ngài sẽ thành tựu. Pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn tối thắng, mà chư vị Bồ Tát khi đã phát tâm sinh về đây chẳng nệ hà là một, hai, ba, bốn, …, mà tất cả không phân biệt ở ngôi Pháp Vương cao cả cũng sẽ là pháp môn để dẫn đường cho chúng sanh trong mười phương vô biên thế giới, trước khi lâm chung muốn sanh về thế giới của Đức Từ Phụ A Di Đà.
Suốt trong 10 năm trường như thế Thượng Toạ Thích Ngộ Đạo đã hành trì một cách miên mật ở trong thất, mỗi ngày 6 thời như đã định lúc ban đầu. Trong thất vẫn thanh tịnh, Thượng Toạ không tiếp xúc với bất cứ một ai, ngay cả những đệ tử thân tín của mình. Tâm Thượng Toạ bây giờ tự nhiên thanh tịnh, vắng lặng không cần ăn uống vẫn thấy an lạc. Thượng Toạ có thể nhịn ăn nhiều ngày không sao, chỉ vui với Thiền Duyệt Thực và hồng danh câu Phật hiệu Phật A Di Đà. Đến ngày 17 tháng 11 năm ấy, ba ngày Thượng Toạ không dùng cơm trưa. Do vậy mà các đệ tử đẩy cửa thất vào giống như lời Thượng Toạ đã dặn trước khi đi nhập thất cách đó 10 năm về trước. Tất cả đều xúc động quỳ xuống lạy 3 lạy. Một trong những vị đệ tử đã lấy tay đưa vào mũi Thượng Toạ để xem có còn hơi thở không. Rõ ràng là đã bặt hơi thở từ lâu rồi, nhưng sắc diện vẫn tươi tỉnh như người mới ngồi nhập định. Thế là tất cả đệ tử xuất gia cũng như tại gia đều một lòng chấp tay hướng về Tây theo chân thân nhập định của Ngài và niệm “Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật” trong nhiều câu niệm liên tiếp kéo dài trong nhiều giờ và nhiều ngày sau đó.
Bên trên thất một dãi hào quang thật rực rỡ được phóng ra từ cõi hư không; có người nhìn thấy hình dáng Ngài Ngộ Đạo đang ngồi với thế liên hoa trên một toà sen vàng, hướng về Tây. Do vậy mọi người đều quỳ xuống và hướng về đảnh lễ.
Trước cửa tháp của Ngài, người ta thấy môn đồ pháp quyến treo hai câu đối thật lớn và ở giữa là hàng chữ Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tôn Tam Thập Cửu Thế Hưng Phước Tự Trụ Trì thượng NGỘ hạ ĐẠO tự Ấn Hương Đại Sư liên toà. Đó cũng là đạo hiệu Đức Kim Thượng đã ban cho Ngài lúc còn sinh tiền. Còn sơn môn pháp phái đã truy phong Ngài lên ngôi vị Hoà Thượng.
Tác giả: Sa Môn Thích Như Điển Phương Trượng Chùa Viên Giác Hannover.- Đức Quốc Biên soạn, phóng tác từ ngày 30 tháng 10 năm 2005 đến ngày 22 tháng 11 năm 2005 tại Tu Viện Đa Bảo Sydeny, Úc Đại Lợi nhân nhập thất lần thứ ba tại đây. Đây là tác phẩm thứ 45 của tác giả, được biên soạn khi tác giả 57 tuổi ta và đã xuất gia được hơn 41 năm, kể từ tháng 5 năm 1964.






CHÚ THÍCH

[1] Thích Nhất Chơn – Khánh Anh Tháng 10/05
[2] Trích Nghi Thức Thỉnh Đại Hồng Chung của Hoà Thượng Bảo Lạc dịch năm 2005
[3] Thơ Ngốc Tử
[4] Thơ Ngốc Tử




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]