Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 6

21/06/201314:16(Xem: 9855)
Phần 6

Góp nhặt lá Bồ Đề.

Phần 6

Hòa thượng Thích Tịnh Nghiêm

Nguồn: Hòa thượng Thích Tịnh Nghiêm

Sa Di La-Hầu-La

Hay tin Phật thành đạo, vua Tịnh Phạn lần lượt sai chín sứ giả ra đi, thỉnh Phật về thành Ca Tỳ La Vệ. Nhưng chin sứ giả ra đi biền biệt. Cuối cùng vua sai Ưu Đà Di ra đi. Ưu Đà Di đến chốn Phật, đảnh lễ, quỳ thưa một mạch, Phật nhận lời. Sở dĩ chin sứ giả ra đi không trở về vì họ nghe Phật thuyết pháp hay quá nên xin xuất gia mà quên sứ mạng của mình.
Sau đó, Phật và giáo đoàn của Ngài lần lượt về thành Ca Tỳ La Vệ. Vua Tịnh Phạn chuẩn bị đón Phật một cách trang nghiêm, nhưng đức Phật đi ghé từng nhà khất thực. Điều đó làm cho vua Tịnh Phạn nổi giận, liền ra giữa đường trách cứ đức Phật. Đức Phật giải thích, "Hôm nay Phật không nhân danh là hoàng tử mà nhân danh là chư Phật giáo hóa chúng sanh. Khất thực là một phương pháp hóa duyên của chư Phật."
Vua nghe nói vậy, hết giận và rước Phật về hoàng cung. Dòng họ Thích đón Phật và rước Phật một cách trọng thể, không vắng mặt ai, chỉ vắng mặt Gia Du Đà La. Nàng Gia Du Đà La tự nghĩ, lâu nay nàng đau khổ quá nhiều, Phật sẽ hiểu lòng nàng và đến thăm nàng. Phật biết được điều đó nên Phật đến cung điện của nàng. Gia Du Đà La ra đón Phật. Vì quá nhớ thương Phật nên nàng ôm chân Phật và Phật để cho nàng ôm. Sợ thế gian hiểu lầm, Phật liền giải thích, chỉ vì lòng từ bi Phật để cho nàng ôm chân. Nếu Phật rút chân nàng có thể chết mất.
Chuyến về thăm hoàng cung lần này, Phật thuyết pháp và có đến bảy hoàng tử xuất gia theo Phật. Gia Du Đà La sai La Hầu La dâng bát cơm cho Phật. Lúc ấy Phật dùng thần thông biến 500 vị La Hán giống như Phật, nhưng La Hầu La bước đến ngay đức Phật dâng bát cơm. Điều đó nói lên tình cảm cha con có sự cảm thông.
Mỗi ngày, Phật thọ trai xong liền lên rừng Ni Câu Đà tọa thiền. Gia Du Đà La sai La đi theo xin gia tài của Phật. Phật dạy, "Ta có hai gia tài; một là ngai vàng điện ngọc, giang sơn xã tắc, đầy máu và nước mắt. Còn gia tài thứ hai là giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Ta sẽ cho con gia tài thứ hai."
Giáo hóa dòng họ Thích xong, Phật về nước Xá Vệ, nơi tinh xá Kỳ Hoàn. Khi La Hầu La đúng chín tuổi, Phật sai tôn giả Mục Kiền Liên về nói Gia Du Đà La cho La Hầu La xuất gia vì ân ái là ràng buộc, gia đình là khổ não, gặp Phật ra đời là khó. Khi Ngài Mục Kiền Liên về, đi dưới đường, Gia Du Đà La thấy được liền đem La Hầu La lên trên lầu đóng cửa lại. Ngài Mục Kiền Liên bay lên, khiến cửa mở tung. Gia Du Đà La ra đảnh lễ, thưa, "Chẳng hay đức Thế Tôn có gì dạy bảo?"
Ngài Mục Kiền Liên nói, "Đức Thế Tôn sai tôi về thưa với lệnh bà cho La Hầu La xuất gia vì ân ái là ràng buộc, gia đình là khổ não, gặp Phật ra đời là khó."
Bà Gia Du thưa, "Thưa, Tôn giả nghĩ xem, thuở trước tôi là một công chúa tuyệt đẹp, công dung, ngôn hạnh đều đủ. Các hoàng tử đều muốn cưới tôi, nhưng cha tôi chỉ gả cho thái tử Tất Đạt Đa. Tưởng rằng sống trăm năm hạnh phúc bên nhau, không ngờ nửa chừng thái tử đã bỏ tôi đi tu. Tôi đau khổ muốn chết đi, nhưng may nhờ còn La Hầu La an ủi. Hôm nay đức Thế Tôn lại sai Tôn giả bắt La Hầu La nữa, chắc tôi chết mất. Phật gọi là đấng đại từ bi, sao nỡ để tôi đau khổ đến thế! Tôi không cho La Hầu La đi tu đâu, thưa Tôn giả."
Ngài Mục Kiền Liên làm thinh, quay về thưa vua Tịnh Phạn sai di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề đi nói với cung nữ đến thuyết phục Gia Du Đà La. Khi đến nơi, Gia Du Đà La cũng nói như trên, di mẫu cũng không nói được.
Đức Phật liền sai hóa nhân đứng trên hư không nói rằng, "Này công chúa Gia Du Đà La, nàng nên nhớ lại về thời quá khứ xa xưa. Khi đức Phật Tỳ Bà Thi ra đời, nàng là cô gái bán hoa, tôi là người mua cúng Phật. Cô gởi thêm hai cành cúng Phật và phát nguyện đời đời sẽ làm vợ tôi, dù lịch sự, dù xấu xí. Tôi từ chối, nói rằng, "Tôi đã phát tâm Bồ Đề, tu hạnh Bồ Tát, bố thí tất cả, cho đến có thể bố thí cả vợ con. Chừng đó, nàng sẽ vì tình cảm mà ngăn cản, tốt hơn là đừng phát nguyện. Lúc đó, nàng hứa nàng sẽ tùy thuận tất cả, cho đến bán nàng cũng không từ chối. Tại sao hôm nay chỉ muốn cho La Hầu La xuất gia để chứng quả giải thoát, nàng lại vì tình cảm mà ngăn trở không cho La Hầu La xuất gia?"
Nghe lời nói này, Gia Du Đà La nhớ lại kiếp trước và tình thương con cũng giảm bớt. Nàng giao La Hầu La cho Tôn giả Mục Kiền Liên và nhờ tôn giả bạch lên đức Phật rằng, "Khi chư tăng độ các trẻ em nhỏ tuổi, phải được sự đồng ý của cha mẹ, vì tình cha mẹ thương con rất là sâu nặng."
La Hầu La đến quỳ thưa mẹ, "Con đến gặp đức Thế Tôn và lâu lâu con sẽ về thăm mẹ."
Đức Phật giao La Hầu La cho ngài Xá Lợi Phất làm giáo thọ hòa thượng và ngài Mục Kiền Liên làm a xà lê, truyền mười giới sa di cho La Hầu La. Phật không truyền, mà nhường cho hai tôn giả truyền là vì muốn Tam Bảo có ba ngôi riêng biệt. La Hầu La là sa di đầu tiên trong giáo đoàn của Phật.
La Hầu La sau khi xuất gia nhưng còn quen tập quán con cháu vua chúa nên thường chơi nghịch. Các Phật tử từ xa đến thăm Phật, La Hầu La lại chỉ sang tịnh xá khác. Mỗi tịnh xá cách nhau hàng trăm cây số. Điều đó đã làm cho Phật tử than phiền và thấu đến tai đức Phật.
Một hôm, Phật đến chỗ của La Hầu La, La Hầu La ra nghinh chỉnh đón Phật, lễ bái và múc nước rửa chân Phật. Rửa xong, Phật bảo đổ nước đi. Phật hỏi La Hầu La, "Cái chậu này đựng thức ăn có được không?"
La Hầu La thưa, "Không đựng thức ăn được vì nó đã bất tịnh."
Phật liền lấy chân hất chậu, chạy vài vòng rồi ngã xuống nứt bể. Phật hỏi La Hầu La, "Con có tiếc cái chậu đó không?"
La Hầu La trả lời, "Thưa, con không tiếc vì nó đã rửa chân bất tịnh rồi."
Phật dạy, "Người xuất gia cũng như thế. Nếu không chịu tu hành thì ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo tội lỗi, bị đọa địa ngục. Các bực thánh rất xót thương, nhưng không thể cứu vớt được. Tại sao con không theo gương các vị tôn đức để trở nên người tốt?"
La Hầu La trả lời, "Thưa đức Thế Tôn, con còn nhỏ làm sao học theo các vị cao đức được?"
Phật dạy, "Các vị là bậc đại trượng phu, con cũng như vậy, không nên tự khinh mà thối lui."
La Hầu La sám hối Phật và từ đó chuyên tu tinh tấn. Thời gian sau, đắc quả A La Hán. Phật dạy: La Hầu La là người tu mật hạnh đệ nhất.
Một khi Chánh pháp thấm nhuần
Tươi vui cuộc sống bình an tâm hồn.
Cho nên người trí người khôn
Hân hoan nghe Pháp thánh nhân giảng truyền.

Sa Di Mê Cọp

Thuở xưa, có thầy tỳ kheo tu hành trong tịnh thất nhỏ trên núi, nơi xa xôi hẻo lánh, ít người lai vãng. Nếu có ai, cũng chỉ có các vị thọ rừng, thợ săn và tiều phu mà thôi.
Một hôm, thầy tỳ kheo xuống làng khất thực, lượm được một đứa bé trai kháu khỉnh dễ thương, bị người ta bỏ. Thầy đem về, xin sữa nuôi con cho đến lớn. Rồi thầy dạy tụng kinh, bái sám, công phu và cho thọ giới sa di.
Năm ấy, chú sa di được hai mươi tuổi, ngây thơ, hồn nhiên và chưa lần nào xuống nhân gian. Một hôm, thầy tỳ kheo có pháp sự cần có chú đi theo. Khi xuống làng xóm, chú thấy cái gì cũng lạ, chú liền đưa mắt nhìn say mê, tuy nhiên chú cũng phải đi theo thầy.
Khi pháp sự xong, hai thầy trò trở về tịnh thất. Trên đường tình cờ chú gặp một cô gái độ mười bảy, mười tám tuổi, thân thể dịu dàng, vẻ mặt xinh đẹp. Chú trân người mà nhìn, không chịu đi. Thầy tỳ kheo ngó lại biết việc nên nói, "Đi mau chớ cọp đồng nó bắt nó ăn mất hồn xác đó!"
Chú sa di miễn cưỡng ra đi. Nhưng khi về tới tịnh thất thì quên ăn, biếng ngủ, vẻ mặt bơ phờ như người mất hồn. Thầy tỳ kheo thấy thế, hỏi, "Sa di, con sao như thế?"
Chú sa di nước mắt ràn rụa nói rằng, "Con nhớ thương con cọp đồng quá! Thà con xuống núi cho cọp đồng nuốt xác, ăn hồn con cũng được chớ sống thế này khổ lắm thầy ơi!"
Thầy tỳ kheo biết sa di này nghiệp ái quá nặng không thể tu được, thầy an ủi vỗ về và cho chú xuống núi.
Thế mới biết, nghiệp ái của con người rất là nặng. Người tu hành muốn thoát khỏi nghiệp này cũng thiên nan, vạn nan.
Kinh dạy: Người tu hành thoát khỏi ái dục, giới hạnh thanh tịnh, cho đến mãn tuổi thọ là vị xuất trần La Hán.
Tổ cũng dạy: "Ái bất trọng bất sanh Ta Bà. Niệm bất nhất bất sanh tịnh độ." Nghĩa là: Ái không nặng nghiệp thì không sanh vào cõi Ta Bà. Niệm Phật không nhất tâm thì không sanh về Tịnh Độ.

Sa Di Quân-Đề

Khi Phật còn tại thế, lúc bấy giờ có một đoàn người lái buôn chở hàng hóa từ Miến Điện sang Ấn Độ để bán. Họ mang theo một con chó trắng. Một hôm, họ xuống sông tắm giặt, khi lên bờ họ phát giác con chó đã ăn hết thức ăn của họ. Họ nổi giận bắt chó chặt bốn chân, cắt tai, cắt mũi và ném xuống hầm rồi bỏ ra đi.
Con chó bị thương dở chết dở sống, quằn quại rên la, đau khổ. Ngài Xá Lợi Phất nhập định từ xa nghe tiếng kêu đau thương của chó. Ngài đi xin một bát cơm, dùng thần thông bay đến xuống hầm đem chó lên, bấy cơm cho ăn và quy y cho nó. Chó được ăn cơm, được quy y nghe Pháp, chó rất vui mừng. Sau đó chó xả thọ mạng. Nhờ phước đức quy y nghe pháp, nên đầu thai vào nhà ông trưởng giả.
Lúc đứa bé lên bảy tuổi, ngài Xá Lợi Phất đi khất thực ngang qua nhà. Em bé thấy ngài vui mừng lễ bái, thỉnh vào nhà xin cha thiết trai cúng dường. Thọ trai xong, bé xin cha mẹ đi theo ngài Xá Lợi Phất xuất gia.
Ngài Xá Lợi Phất dạy cách tọa thiền quán chiếu. Sa Di Quân Đề tinh tấn tu hành, chứng A La Hán. Sau khi chứng A La Hán, dùng đạo nhãn biết kiếp trước mình là chó được thầy cho ăn cơm và chú nguyện, cho nên kiếp này mới được người độ cho xuất gia, chứng quả giải thoát. Nghĩ nhớ ơn thầy, bèn nguyện trọn đời không thọ tỳ kheo để suốt đời được hầu hạ thầy đền ơn đáp nghĩa.
Một hôm, sa di Quân Đề y bị rách nên thầy vào rừng thi lâm lượm một miếng vải quấn tử thi đầy máu, dùng thần thông bay lên núi tuyết đến ao A Nậu tắm giặt. Chư thiên trọng đức nên lấy nước đó tắm.
Lát sau có một ngoại đạo dùng thần thông bưng cơm đến ngồi bờ hồ ăn. Bị chư thiên đuổi, ngoại đạo phân bì nói, "Tại sao Sa môn Thích tử giặt vải các vị không nói, còn tôi chỉ ngồi ăn cơm các vị đuổi? Các vị không bình đẳng!"
Chư thiên nói, "Thánh đệ tử phước trí vô biên. Còn nhà ngươi, phước đức ở đâu mà dám phân bì? Mau đi khỏi chỗ này, nếu không, ta sẽ trừng phạt."
Tuy sa di Quân Đề tiền thân là chó nhưng nhờ gặp thánh đệ tử chú nguyện, quy y, được thoát kiết, làm người và tinh tấn tu hành, chứng được thánh quả. Còn người tu mà không tinh tấn, tu hành sẽ không được gì.
Phật dạy: Chó này tiền thân là vị pháp sư vì ác khẩu nên phải đọa lạc. Nhưng cũng nhờ giữ giới tinh nghiêm nên được gặp Ngài Xá Lợi Phất và được độ.
Hương thơm hoa quý vườn kia
Ngược chiều gió thổi, dễ gì thoảng bay.
Hương người đức hạnh thơm thay
Dù cho ngược gió, tung bay khắp cùng.

Sa Di Tăng-Hộ

Sa Di Tăng Hộ xuất gia, tu theo ông cậu ruột của mình. Một hôm sa di Tăng hộ xin được hai xấp vải, đem về cúng dường thầy. Nhưng thầy không nhận và nói, "Thầy có đủ y rồi. Con hãy may y cho con."
Một buổi trưa mùa hè nóng bức, sa di Tăng Hộ đứng quạt cho thầy ngồi thiền. Chú suy nghĩ, "Mình cúng dường mà thầy mình không nhận. Như thế, thầy mình không thương mình nữa. Vậy mình hãy về nhà. Nhưng về nhà lấy gì sống?
"Mình sẽ bán hai xấp vải mua vài ba con gà để nuôi. Gà sẽ đẻ ra thành bầy. Mình bán gà mua heo. Nuôi heo lớn bán heo mua bò. Bò đẻ nhiều thành đàn rồi bán bò, cất nhà cưới vợ."
"Vợ mình sanh đứa con trai đầu lòng mũm mĩm dễ thương. Vợ chồng ẵm con lên thăm cậu, nhưng vợ mình ẵm con không nên dáng, để con rớt xuống đường khóc ré lên. Thế là đàn bà hư, phải đánh cho một trận mới được."
Chú cầm quạt đánh xuống nghe cái bốp, trúng đầu thầy. Thầy nói, "Con đánh vợ con mà không trúng, lại trúng đầu thầy đây."
Tăng Hộ nghe thầy nói vậy, sợ quá bỏ chạy. Các chú sa di thấy vậy cũng chạy theo.
Chư tăng chạy theo bắt lại, hỏi, "Lý do tại sao trời nắng chang chang mà quý chú chạy?"
Các sa di trả lời, "Chúng con thấy chú Tăng Hộ chạy nên chúng con chạy theo." Quý thầy đem sa di Tăng Hộ đến chốn Phật.
Sa di Tăng Hộ kể lại câu chuyện rồi xin sám hối Phật. Phật dạy, "Phàm phu không biết giữ tâm, để tâm chạy lăng xăng. Chỉ có trong giây lát, mà con nghĩ tới gần nửa đời người."
Kế đế Phật dạy, "Chú hãy nhiếp ý, giữ tâm, thiền quán, lâu ngày sẽ chứng được thánh quả."
Những người đệ tử Phật Đà,
Ngày đêm tỉnh giác để mà tu duy.
Nghĩ về đức Phật từ bi,
Một lòng tưởng niệm, sớm khuya chuyên cần.

Sa Di Tham Thực

Ngày xưa, có ông sa di mới tu nên thường tham thực. Bữa nào có thức ăn ngon thì ông vui mừng thích thú, tha hồ mà ăn. Bữa nào thức ăn dở thì ông sụi mặt thảm não.
Một hôm, có thí chủ cúng sữa cho chư tăng. Sữa vừa dọn lên còn nóng hổi bốc hơi, ông sa di vừa thổi vừa húp.
Hòa Thượng thấy vậy bảo, "Sữa tuy đã nguội mà tâm ông thì rất nóng."
Khi ăn gần xong, gặp nhằm ruồi, ông sa di liền mửa ra cũng đầy tô. Hòa Thượng bảo ông ăn trở lại. Ông nói, "Đồ mửa ra bất tịnh làm sao ăn?"
Hòa Thượng dạy, "Chỉ vừa nuốt khỏi cổ, chảy ra thì đã nhờm tởm, không ăn được rồi. Tất cả thức ăn dù ngon đến đâu khi ăn rồi qua ngày trở thành đồ dơ bất tịnh, nhơ uế. Chủ nhân cũng không muốn nhìn.
Người quán được như thế thì lòng tham thực từ từ liền mất. Đây là cách đối trị lòng tham thực hữu hiệu nhất.

Sự Tích Bài Tán Chiên Đàn

Khi vua Tịnh Phạn hay tin Phật thành đạo, nhà vua và dòng họ Thích rất vui mừng. Lúc ấy, em trai vua vừa sanh hoàng tử và xin vua Tịnh Phạn đặt tên. Vua liền đặt tên Khánh Hỷ (Vui Mừng), tức là tên của ngài A Nan.
Sau đó, lại nghe tin báo Gia Du Đà La vừa sanh La Hầu La, vua Tịnh Phạn vừa buồn vừa giận, cho đánh trống vàng, tập trung dòng họ Thích để xét tội công chúa. Khi mọi người đã tập họp đông đủ, vua Tịnh Phạn cho mời Gia Du Đà La ra. Công chúa ôm con bước ra đứng trước mọi người. Nhà vua hỏi, "La Hầu La là con ai?"
Gia Du Đà La trả lời, "La Hầu La là con của thái tử Tất Đạt Đa."
Nhà vua phán, "Thái tử đã đi tu sáu năm rồi, làm gì có con. Theo luật dòng họ Thích, hễ cô gái nào ngoại tình thì mẹ con phải nhảy vào hầm lửa để rửa sự ô nhục của dòng họ."
Nàng Gia Du Đà La liền ôm La Hầu La đến trước hầm lửa và phát nguyện, "Kính xin mười phương chư Phật chứng minh, nếu La Hầu La là con của thái tử Tất Đạt Đa thì xin cho hầm lửa biến thành ao sen."
Phát nguyện xong, nàng liền ôm con nhảy xuống hầm lửa. Nhiệm mầu thay, hầm lửa biến thành ao sen trước sự chứng kiến của mọi người. Nhà vua hết nghi ngờ liền ẵm cháu, đem công chúa Gia Du Đà La lên và nuôi dưỡng tử tế.
Phật dạy: La Hầu La ở tiền kiếp chơi nghịch, nhét hang chuột sáu ngày, sau nhớ mới mở ra. Do quả báo đó, phải ở trong bào thai sáu năm.

Bài Tán Chiên Đàn
Chiên Đàn hải ngạn
Lư nhiệt thanh hương.
Gia Du tử mẫu lưỡng vô ương
Hỏa nội đắc thanh lương
Chí tâm kim tương
Nhất chú biến thập phương.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát.
Dịch nghĩa:
Cây chiên đàn đứng bên bờ biển
Đốt hương trong lư báu.
Mẹ con nàng Gia Du hết tai họa
Trong lửa nóng được mát mẻ.
Tâm thành chí kính
Một chút biến khắp mười phương.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát.

Sự Tích Cái Mõ

Ngày xưa, có một Hòa Thượng đi qua sông, khi thuyền đến giữa dòng thì có sóng to gió lớn, sắp chìm thuyền. Mọi người thất kinh đều chắp tay niệm Phật cầu mong qua khỏi tai nạn. Trước mũi thuyền, một con cá lớn nổi lên và nói rằng: "Mọi người muốn yên ổn qua tai nạn thì hãy bắt ông Hòa Thượng liệng xuống sông, nếu không thì cả thuyền bị chìm."
Mọi người chắp tay nói, "Hòa Thượng tu hành từ thuở bé, đạo cao đức trọng, tại sao lại liệng xuống sông?"
Cá nói, "Vì ông mà tôi phải bị đọa làm cá khổ sở lắm. Ông là thầy của tôi, nuôi mà không dạy, để tôi phá trai phạm giới nên phải bị đọa, tôi thù ổng lắm."
Hòa Thượng nói, "Cũng tại nhà ngươi không nghe lời dạy bảo, làm theo ý của mình nên bị đọa lại đổ thừa cho ta. Kinh dạy, "Phạm Phật thì có tăng sám hối, còn phạm tăng thì không có ai sám hối." Vậy ngươi phải ăn năn, hối cải, niệm Phật. Ta sẽ về lập đàn siêu độ cho nhà ngươi."
Hòa Thượng về chùa lập đàn tràng sám hối siêu độ ba ngày ba đêm. Đến ngày thứ ba, cá nhảy lên bờ bò vào sân chùa nói, "Nhờ Hòa Thượng sám hối siêu độ, con đã thoát kiếp sanh làm người. Con nguyện tinh tấn tu hành cho đến khi nào chứng đạo quả. Để nhắc nhở cho chười sau, xin để thân con làm mõ đánh lên, chúng tăng ăn cơm, tụng niệm, tọa thiền, làm lao tác."
Do sự tích này nên các chùa thường chạm hình con cá nằm dài làm hiệu đánh ở trong nhà chùa. Cái mõ tụng kinh trong chùa cũng là tích này nhưng cũng có ý nghĩa là các loài cá rất ít ngủ, thường tỉnh thức. Ý muốn cho người tụng tỉnh thức không bị hôn trầm. Tâm tỉnh thức để vừa tụng vừa quán chiếu cho tiêu nghiệp phiền não, mau chứng đạo Bồ đề.
Ở thế đã nhiều duyên nghiệp quá
Quyết lòng nương tựa chốn am không.
Cửa thiền một đóng duyên trần dứt
Quên hết người quen chốn bụi hồng.

Sự Tích Chày Kình

Chày kình một tiếng tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời.
Trong Chùa, thường có đại hồng chung. Trên quai đại hồng người ta thường đúc con bồ lao giống như con rồng. Cái cày đánh chuông bằng gỗ chạm con cá kình. Bồ lao ở dưới nước và cũng là ở trên khô. Bồ lao ở dưới nước và cũng ở trên khô. Bồ lao thấy cá kình thì nó sợ nó la lên, nhảy lên bờ cả bầy đều la. Cá kình thì muốn ăn bồ lao nhưng không lên đảo được. Hai loài này chống đối nhau.
Lấy ý nghĩa là muốn cho tiếng chuông kêu to, vang xa để tỉnh thức mọi người và cũng để thức tỉnh những cô hồn, âm linh, nghe chuông mà mau niệm Phật để thoát kiếp luân hồi.
Bài Kệ Hô Chuông
Bồ lao chuyển hướng chung thinh
Phạm sát kiền chùy phổ địa minh
Lục thú tài văn đô tức khổ
Địa ngục sạ thính khổ than đình.
Tạm dịch:
Bồ lao trở mình hướng nghe chuông
Chuông chùa cảnh tỉnh vang xa mãi
Sáu đường khổ thú nghe dứt khổ
Địa ngục nghe rồi khổ tạm dừng
Chuông trong nhà Phật có ba loại. Loại lớn nhất gọi là đại hồng chung. Đánh lên với trống sấm để làm lễ cúng Phật, cúng Pháp, cúng Tăng hoặc vào các ngày đại lễ.
Loại thứ hai là chuông báo chúng. Đánh lên như hiệu lịnh để đại chúng thức dậy, tọa thiền, tụng kinh, niệm Phật, lễ sám hoặc ăn cơm, làm việc v.v… Loại này nhỏ hơn đại hồng chung.
Loại thứ ba là chuông gia trì. Đánh lên cùng với tiếng mõ để hành lễ tụng kinh. Thầy Duy Na dùng chuông gia trì để điều khiển buổi lễ.
Trăng sáng sau khi trời tạnh mưa,
Hiên ngoài thoang thoảng gió hương đưa.
Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng,
Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa?

Tâm Xấu Bị Ác Báo

Ngày xưa, có một làng ở ven biển sống bằng nghề đánh cá. Có một gia đình chài lưới. Chồng qua đời để lại hai đứa con và bà vợ bụng mang dạ chửa.
Từ khi mang thai đứa con này thì người cha từ trần, gia đình sa sút. Trong làng làm ăn thất thoát, đánh không được cá, có một số nhà bị cháy. Các ông kỳ cựu trong làng tìm hiểu gia đình người thiếu phụ chồng chết, mang thai đứa con con bạc phước nên họ đuổi gia đình bà đi nơi khác.
Bà chịu cảnh nghèo khổ, đói rách, nhưng cố gắng sanh và nuôi con cho đến 7 tuổi. Một hôm bà đưa cho nó một cái bát, bảo vào nhà hàng xóm xin cơm và bà bỏ trốn mất. Khi xin cơm ra tìm mẹ không được, nó khóc lóc khổ đau. Và từ đó nó trở thành không cha mẹ, không một người thân. Hằng ngày đi xin ăn để sống. Thân hình đứa bé đen đủi, ốm yếu trông rất đáng thương.
Một hôm ngài Xá Lợi Phất đi khất thực gặp em bé, ngài thương xót hỏi, "Con là con ai?"
Em bé trả lời, "Con mồ côi, không cha không mẹ."
Ngài Xá Lợi Phất hỏi, "Con có muốn đi tu không?"
Em bé trả lời, "Con muốn lắm nhưng không có ai độ."
Ngài Xá Lợi Phất nói, "Ta sẽ độ con. Con chịu không?"
Em bé nói, "Con mừng lắm."
Ngài Xá Lợi Phất cho nó một tấm vải làm y và một bình bát nhỏ. Nó đi theo sau thầy để khất thực. Ngài dạy cho nó cách tọa thiền quán chiếu. Đủ tuổi hai mươi, thọ giới tỳ kheo, tinh tấn tu hành, chứng quả A La Hán.
Tuy đắc A La Hán nhưng do ác nghiệp nên đi khất thực cũng chỉ có ba muỗng cơm, vì thế thân hình ốm gầy.
Phật từ bi, thương thầy nên cho quét phòng hương của Phật. Nhờ phước đức này, thầy được tạm no đủ. Nhưng sau đổi người khác, thầy tiếp tục nhịn đói.
Đến khi thầy sắp bỏ báo thân, thầy đi phó trai đến thí chủ thì hai vợ chồng cãi lộn. Thầy đành nhịn đói, đi về. Và sau đó thầy không đi khất thực nữa.
Ngài Mục Kiền Liên thương xót, khi thọ trai xong liền khất thực cho thầy một bình bát cơm, nhưng khi đi giữa đường, trâu báng lộn, bể bát cơm. Ngày hôm sau ngài Mục Kiền Liên cũng khất thực bát cơm cho thầy, sợ trâu báng lộn nên ngài bay lên hư không lại bị bầy quạ dành cơm, bình bát rơi xuống bể nát. Thế là Thầy nhịn đói đã ba ngày.
Ngày thứ tư, ngài Xá Lợi Phất thương xót, ăn xong lại xin cho thầy một bát bánh đem về, hai tay nắm bát bảo thầy ăn. Nhưng thầy sợ, vì ngài Xá Lợi Phất là thầy lớn mà cầm bát cho thầy ăn, sợ có lỗi. Ngài Xá Lợi Phất nói, "Đại đức cứ ăn. Nếu thầy thả tay ra thì bánh sẽ không còn."
Thầy tỳ kheo bất đắc dĩ ăn vài ba cái rồi thôi. Khi ngài Xá Lợi Phất thả tay ra thì bình bát liên biến mất. Sau đó, thầy tỳ kheo uống một bát nước no và nhập diệt.
Thấy thế, ngài A Nan bạch Phật, "Thầy tỳ kheo này do tội gì mà phải chịu đói khát, cho đến chứng quả A La Hán còn phải nhịn đói, uống nước no mà nhập diệt? Và cũng do phước gì mà được xuất gia chứng quả giải thoát?"
Phật dạy: Đây cũng do ác nghiệp gây ra. Vào thời quá khứ, trong giáo pháp của Phật Tỳ Bà Thi có một thí chủ giàu có, cất một tịnh thất trong vườn cây trái, mời một thầy tỳ kheo đến ở và tứ sự cúng dường.
Một hôm, có một vị Bích Chi Phật từ núi tuyết xuống nhà thí chủ khất thực. Thí chủ thỉnh vô nhà, thiết trai cúng dường và thưa rằng trong vườn trái cây có tịnh thất, có một thầy tỳ kheo đang ở, xin trưởng lão lên đó nghỉ rồi ngày mai đi với thầy tỳ kheo đó xuống đây thọ trai.
Vị trưởng lão lên tịnh thất, thầy tỳ kheo cung kính tiếp rước. Và hỏi ra, biết là thí chủ chỉ lên đây nghỉ đêm. Thầy tỳ kheo lại sanh ý nghĩ xấu là nếu vị trưởng lão ở đây, thí chủ sẽ cung kính ông mà quên mình đi.
Sáng ra, thầy đến gõ cửa phòng trưởng lão nhưng không nghe trả lời, tưởng ngài đi xa mỏi mệt nên ngủ quên. Thầy ôm bát xuống nhà thí chủ. Thí chủ hỏi, "Ngài trưởng lão có lên tịnh thất không? Sao sáng nay không đi xuống với thầy?" Thầy tỳ kheo nói, "Chắc ngài đi xa mỏi mệt nên ngủ quên."
Khi thầy tỳ kheo ăn xong, thí chủ bới một bình bát cơm với thức ăn thượng vị, nhờ thầy mang về cho trưởng lão.
Thầy tỳ kheo mang đi nửa đường, nghĩ rằng nếu trưởng lão được thức ăn ngon sẽ ở luôn. Mình nên đổ bát cơm này là xong. Nhưng đổ trên đất, chim ăn còn dư, thí chủ biết. Đổ dưới nước, cá ăn còn dư, thí chủ cũng biết. Chi bằng chôn dưới đất là tốt.Thầy làm theo ý định rồi rửa bát ra về. Khi đến tịnh thất, đẩy cửa phòng trưởng lão vào thì không thấy đâu.
Bấy giờ thầy mới ăn năn, sợ sệt, khóc lóc, cầu xin sám hối chỉ vì miếng ăn mà ta đã đổ bát cơm của vị thánh.
Phật kết luận: Thầy tỳ kheo đổ bát cơm là tiền thân của thầy tỳ kheo chứng quả A La Hán mà nhập diệt bị đói. Và cũng vì kiếp trước xuất gia giữ tịnh giới nên hôm nay gặp ta và chứng quả A La Hán.
Khi mà nghiệp ác chưa thành
Người làm điều ác tưởng mình vui thôi.
Đến khi nghiệp ác tới rồi
Người ta mới thấy cuộc đời khổ đau.

Thả Voi Say Hại Phật

Đề Bà Đạt Đa là đệ tử Phật nhưng muốn nắm quyền giáo đoàn. Ông xin Phật giao giáo đoàn cho ông giáo huấn. Phật không giao. Phật dạy, "Những đệ tử nhiều trí huệ như tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên ta còn chưa giao. Ông là người ngu si làm sao ta giao được?"
Nghe lời ấy, Đề Bà Đạt Đa nổi sân tìm cách hại Phật để nắm giáo đoàn.
Năm đó nhằm năm mất mùa, khất thực khó được nên các tỳ kheo đi nơi khác an cư. Chỉ còn có 500 vị A La Hán ở lại an cư với Phật. Đây là cơ hội tốt cho ông Đề Bà Đạt Đa rat ay.
Ông đến xúi thái tử A Xà Thế thỉnh Phật cúng dường rồi thả voi say ra dậm chết Phật. Ông sẽ nắm giáo đoàn. Thái tử sẽ làm vua.
Sáng hôm đó Phật cùng 500 vị A La Hán đi vào thành. Thái tử cho voi uống rượu say rồi thả ra. Voi dậm chết nhiều người, hăng máu nhắm vào giáo đoàn của Phật chạy tới. Dân chúng khóc lóc sợ đức Thế Tôn nhập diệt.
Khi voi đến gần, 500 vị A La Hán bay lên hư không. Ngài A La Hán bám sát Phật, Phật vẫn thản nhiên. Phật đưa bàn tay ra, xẹt năm luồng hào quang, hóa năm sư tử vây quanh. Voi sợ quá, té phẩn quỳ xuống, quỳ xuống cầu xin Phật cứu mạng. Năm trăm vị A La Hán hạ xuống.
Phật và thánh chúng từ từ tiến vào cung vua. Thái tử A Xa Thế nghinh đón Phật, thỉnh Phật và thánh chúng ngồi vào trai đường. Thái tử sám hối Phật, "Đây là lỗi của Đề Bà Đạt Đa, nhưng con cũng xin sám hối Phật tha tội cho con đã nghe theo lời xúi dục của Đề Bà Đạt Đa."
Thái tử bạch Phật, "Trong thức ăn này có thuốc độc. Xin đức Thế Tôn và thánh đệ tử đợi giây lát, nội thị sẽ nấu các món khác."
Phật dạy, "Không hề gì, cứ dọn lên."
Trước khi ăn, Phật dạy chư tăng tụng câu thần chú "Án tam bạc ra khư đa" bảy lần thì thuốc độc sẽ vô hiệu hóa. Phật và chư tăng ngồi ăn thản nhiên.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]