Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Phật Giáo Phần 1

21/06/201312:19(Xem: 8753)
Truyện Phật Giáo Phần 1

Góp nhặt lá Bồ Đề.

Truyện Phật Giáo
Phần 1

Hòa thượng Thích Tịnh Nghiêm

Nguồn: Hòa thượng Thích Tịnh Nghiêm

Ăn Lỗi Lầm

Một hôm, đại chúng ăn cơm phát hiện trong nồi canh có đầu rắn, kêu vị đầu bếp lại hỏi, "Canh hôm nay sao có đầu rắn:"
Vị đầu bếp liền lấy đầu rắn bỏ vào miệng nhai, nuốt tỉnh bơ. Đại chúng thấy vậy không còn nói năng gì nữa.
Thế mới biết, người biết nhận lỗi thì ai cũng có thể tha thứ được.
Lỗi lầm sám hối ăn năn
Lấy làm hổ thẹn nguyện hằng sửa sai.
Tâm trong mỉm nụ sen đài
Sống bằng tỉnh thức tương lai rạng ngời.
Khổ đau biển lệ đầy vơi
Nghiệp căn tệ ác bao đời trầm luân
Nơi đâu cũng thấy mùa xuân đơm đầy.

Bà-La-Môn Cúng Dường Phân Biệt

Khi Phật còn tại thế, có ông Bà La Môn ưa bố thí cúng dường. Nhà ông tổ chức lễ cúng trai tăng, nhưng ông chỉ thỉnh các vị tỳ kheo già, càng già càng tốt. Vì già là tu hành nhiều năm, đạo cao đức trọng, cúng dường mới được nhiều phước. Còn những thầy tỳ kheo nhỏ tuổi, mới xuất gia, đạo đức chưa có là bao, nếu cúng dường thì được ít phước. Nhất là các chú sa di tuổi nhỏ, lắc xắc, không có oai nghi, ưa chơi giỡn cười t hì có phước đâu bồi đắp cho thí chủ.
Một hôm, nhà ông Bà La Môn thiết trai. Để phá quan niệm sai lầm của ông, các vị sa di đã chứng quả A La Hán, hóa làm các vị tỳ kheo già, chân đi không vững, phải chống gậy, râu tóc bạc phơ. Ông Bà La Môn thấy, ra tận ngõ mời vào, lễ bái trông rất cung kính. Chặp sau, các tỳ kheo già đó bỗng biến ra trẻ, ông Bà La Môn giựt mình đến hỏi, "Vì sao quý Ngài trước thấy già mà bây giờ lại trẻ?"
Các vị sa di nói, "Trưởng lão không phải tóc bạc, mặt nhăn là trưởng lão. Trưởng lão là những người đã chứng thánh quả mới gọi là trưởng lão." Ông Bà La Môn xin sám hối. Và khi dọn thức ăn lên thì chư vị sa di không ăn vì đã thuyết pháp trước khi ăn, cho nên thức ăn trở nên bất tịnh. Ông Bà La Môn thưa, "Bây giờ thức ăn này nên xử trí làm sao?"
Chư vị sa di nói, "Nên đổ chỗ nào không có côn trùng. Không có ai ăn mà tiêu được, vi thức ăn này của các bực thánh."
Ông Bà La Môn làm theo. Khi đổ cơm, ông thấy bốc lửa phực cháy. Từ đó, ông bỏ quan niệm cúng dường mà còn phân biệt.
Cúng dường cầu phước đức
Không nên có phân biệt.
Bình đẳng mà bố thí
Công đức thật vô biên.

Bánh Ít Nhân Thịt Chó

Vua Lương Võ Đế ở Trung Hoa là ông vua Phật tử. Trong thời gian ông làm vua, ông đã xây cất 72 ngôi chùa, cúng dường hơn 3000 tỳ kheo tăng. Nhưng ông lại có bà ái phi rất độc ác, không tin ngôi Tam Bảo, tên là Hy Thị.
Vào thời đó, có Hòa thượng Chí Công là người đắc đạo. Nhà vua rất cung kính, quý mến Hòa thượng Chí Công. Một hôm, nhà vua lên chùa thăm Hòa thượng và thỉnh Hòa thượng nói kiếp trước của mình. Hòa thượng từ chối, nhưng nhà vua cố thỉnh. Hòa thượng Chí Công phải nói nhưng dặn đừng về nói với ái phi. Nhà vua hứa sẽ không nói.
Hòa thượng Chí công kể như sau: Ngày xưa, có một ông tiều phu đốn củi. Một hôm, ông vào rừng tìm củi để đốn. Tình cờ, ông gặp một ngôi chùa bỏ hoang. Vách chùa vẫn còn, nhưng mái thì hư, không còn nữa. Trên bàn thờ còn bảy Đức Phật lớn và hai đức Phật nhỏ. Ông thấy Phật ngồi bị nắng mưa rất tội nghiệp. Ông phát tâm mua bảy cái nón để đội cho bảy Đức Phật lớn. Còn hai Đức Phật nhỏ thì làm nón nhỏ bằng bẹ cau. Nhờ phước đức này, ông tiều phu kiếp sau sẽ được làm vua.
Có một lần, ông tiều phu vào núi đốn củi. Ông đến một hòn đá lớn, có bóng cây râm mát bên dòng suối, ông để gói cơm, và vào rừng chặt củi. Trưa, gánh củi ra, ăn cơm, rửa tay chân, và nghỉ trưa. Xế chiều, gánh củi về nhà.
Một hôm khác, ông cũng để gói cơm trên cây nơi hòn đá, rồi vào trong rừng chặt củi. Nhưng khi gánh củi ra thì gói cơm biến mất. Ông lại thấy cơm vung vãi. Ông đi theo dấu cơm rơi bắt gặp bầy khỉ đang ăn cơm của ông. Ông đói bụng, giận quá, rượt theo bầy khỉ. Bầy khỉ túng cùng, chạy vào hang đá, và ông lấy đá lấp miệng hang. Bầy khỉ không đi ra được, bị chết đói.
Hòa thượng Chí Công kết luận: Tiền thân của bệ hạ là tiều phu, nhờ phước cúng nón cho Phật mà được làm vua. Như vì hại bầy khỉ chết đói nên sau phải bị quả báo. Nhà vua nghe nói không vui nhưng lại thỉnh Hòa thượng nói tiền thân của ái phi Hy Thị.
Hòa thượng Chí Công lại kể: Về thuở xưa, có một ngôi chùa ở trên núi. Trụ trì ngôi chùa này là một vị Hòa thượng đắc đạo. Tăng chúng trong chùa vài ba chục người. Có thầy thủ tọa là lớn hơn hết.
Một hôm, Hòa thượng phải xuống nhân gian làm Phật sự, ở lại đêm. Thầy thủ tọa và chư tăng thức khuya nên ngủ trễ. Gần bên áng nước nhà phương trượng có con dế, tu ở chùa lâu năm nên có tánh linh. Mỗi buổi khuya, lúc 3 giờ rưỡi, nó gáy. Tăng chúng dậy công phu khuya.
Hôm đó, đúng giờ nó cũng gáy. Thầy thủ tọa không chịu dậy. Nó gáy đến lần thứ ba, thầy thủ tọa dậy, cầm dao ra chặt nó đứt làm hai, rồi vào tiếp tục ngủ nữa.
Sáng hôm sau, Hòa thượng ra áng nước thấy con dế bị chặt làm hai, kêu thị giả lấy bẹ chuối làm hòm, lấy lụa đỏ quấn con dế lại và đem nó đi chôn, chú nguyện. Hòa thượng dạy, "Con dế ở chùa lâu năm, biết gáy, đã có tánh linh. Ai giết nó phải bị quả báo.
Hòa thượng Chí Công kết luận: Tiền thân của tôi là thầy thủ tọa. Vì vậy ái phi rất ghét tôi.
Nhà vua nói, "Hèn chi, ái phi thường hay đau lưng và lúc nào cũng quấn miếng lụa đỏ ở quanh lưng."
Hòa thượng Chí Công nói, "Xin Hoàng thượng đừng nói cho ái phi biết chuyện này. Nếu biết thì oan trái sẽ tăng thêm."
Chiều đó, vua Lương Võ Đế về, có vẻ không vui. Ái phi Hy Thị hỏi chuyện thì nhà vua nói tránh việc khác. Ái phi lại tiếp tục hỏi chuyện. Nhà vua không dấu được, phải nói thật lại câu chuyện tiền thân của nhà vua và ái phi. Ái phi nghe nhưng cũng không nói gì.
Thời gian sau, ái phi phát tâm cúng trai tăng tại cung vua, thỉnh Hòa thượng Chí Công chứng trai và chư tăng của chùa Ngài đều tham dự. Ái phi Hy Thị bí mật làm bánh ít nhân thịt chó để cúng trai tăng.
Hòa thượng Chí Công đã chứng đạo nên biết việc này, cũng cho làm 100 bánh ít chay, mỗi thầy thủ một cái. Đợi khi ăn cơm xong khéo léo đổi bánh để ăn. Lúc ăn cơm xong, trời hiện năm sắc mây lành, mọi người ra coi. Không ai để ý, quý thầy thừa cơ lấy bánh ít chay trong tay áo ra đổi rồi ăn.
Sau lễ trai tăng, ái phi Hy Thị nói với vua Lương Võ Đế, "Nhà vua bị gạt. Hòa thượng Chí Công đã dựng chuyện lên, nói chuyện tiền thân để mắng xéo bệ hạ là hạ tiện tiều phu, còn thiếp là súc sanh. Hòa thượng Chí Công đâu có đắc đạo mà biết được tiền kiếp."
Nhà vua hỏi, "Tại sao ái khanh biết?"
Hy Thị đáp, "Lễ trai tăng vừa rồi, thiếp cho làm bánh ít nhân thịt chó. Chư tăng và Hòa thượng Chí Công đã ăn hết. Như thế là phàm tăng. Nếu là thánh tăng thì biết, đã không ăn. Như vậy, truyện tiền kiếp chỉ là bịa đặt, dối gạt mà thôi."
Nhà vua nghe nói nổi trận lôi đình, liền kéo một đội quân tinh nhuệ lên giết hết chư tăng ở trong chùa.
Hòa thượng Chí Công biết trước, nên ra đứng trước cổng tam quan. Nhà vua hầm hầm kéo quân lên, thấy Hòa thượng đứng chắn. Vua hỏi, "Hòa thượng làm gì đứng đây?"
Hòa thượng đáp, "Tôi biết bệ hạ lên giết tôi, cho nên tôi đứng đây để cho bệ hạ giết, khỏi ô uế chốn già lam, cho nhẹ bớt tội."
Nhà vua nói, "Nếu Hòa thượng biết được như thế, tại sao lại ăn bánh ít nhân thịt chó?"
Hòa thượng đáp, "Chúng tôi không có ăn. Bệ hạ vô chùa rồi sẽ biết."
Nhà vua cho quân lính đứng bên ngoài, còn nhà vua theo Hòa thượng Chí Công vào chùa, đi ra sau vườn. Hòa thượng bảo ông điệu lấy cuốc đào lên thì bánh ít nhân thịt chó vẫn còn. Nhà vua biết được sự thật, xin sám hối Hòa thượng Chí Công rồi lui về.
Ái phi Hy Thị hại Hòa thượng Chí Công không được, đâm ra giận hờn bực tức, lại càng ác độc hơn. Sau bà mắc bạo bệnh rồi chết, chịu quả báo làm rắn mãng xà và bị các loài kiến cắn rút đau đớn suôt đêm ngày.
Vua Lương Võ Đế nằm mộng biết được Hy Thị bị đọa làm rắn, nên đến thỉnh Hòa thượng Chí Công soạn văn sám hối và lập đàn sám hối, thỉnh 100 vị cao tăng, đại đức tụng kinh sám hối trong hai tuần. Đến cuốn thứ năm thì bà Hy Thị thoát khỏi thân rắn, sanh lên cung trời Đao Lợi, đứng trên hư không từ tạ mọi người.
Thế nên biết, Lương Hoàng Bảo Sám công đức nhiệm mầu, người thường sám hối thì tội gì cũng tiêu, chướng gì cũng dứt, hiện tại sống được an lạc, khi quá vãng được sanh về cõi Tịnh Độ, hết khổ được vui, chứng đạo bồ đề.

Biết Trước Giờ Chết

Hòa thượng Hải Đức trụ trì chùa Hải Đức ở Huế và cũng là người thừa kế chùa Hải Đức tại Nha Trang. Sau, Ngài cúng chùa Hải Đức Nha Trang cho Giáo hội Phật giáo Trung phần. Ngài mở Phật học viện Trung phần và cử Thượng tọa Trí Thủ vào làm giám đốc Phật học viện.
Năm ấy, Ngài trên 80 tuổi, Ngài không đau ốm chi. Biết mình sắp về Tây Phương nên sáng ngày 8 tháng 4 Âm lịch, Ngài bảo bà cô nấu ăn, "Hôm nay cô đi chợ mua hoa trái về cúng vía Phật. Trưa nay thầy về Tây Phương đó."
Bà cô nói, "Bạch Hòa thượng, năm nay giáo hội làm lễ Phật Đản vào ngày rằm chớ không làm ngày mùng 8 nữa."
Hòa thượng nói, "Thế à? Thôi, để đến rằm cũng được."
Thế rồi đến ngày rằm, bà cô đi chợ mua hoa trái để cúng lễ Phật đản. Hòa thượng bảo thầy tri sự quét chùa sạch, chưng hoa quả, và khi đúng ngọ, lên hương đèn cúng vía.
Nửa buổi, Hòa thượng bảo thị giả hái các bông hoa, nấu nước cho Ngài tắm, thay đồ mới và bảo bà cô khuấy một chén bột mình tinh để Ngài dùng. Đến gần trưa, Ngài hỏi thầy tri sự, "Đúng ngọ chưa?"
Thầy tri sự nói, "Đã gần đúng giờ ngọ rồi."
Hòa thượng bảo thầy tri sự, "Mặc áo, lên chùa, đốt hương đèn, đánh trống Bát Nhã. Thầy sẽ đi đó."
Thầy tri sự lên chùa đốt đèn nhang xong, đánh trống Bát Nhã, rồi xuống nhà tổ, thấy Hòa thượng ngồi tư thế thiền định. Thầy đến đưa tay trước mũi, thì Hòa thượng đã đi rồi.
Thầy liền qua chùa Từ Đàm báo cho giáo hội biết. Giáo hội cũng vừa làm lễ Phật Đản xong. Chư Thượng tọa, Đại đức, tăng ni liền qua chùa Hải Đức tiếp tục hộ niệm. Một giờ sau, đỡ Hòa thượng nằm xuống và lo tang lễ.
Như vậy, Hòa thượng đã biết trước giờ chết và hẹn lại một tuần. Ngài ra đi một cách ung dung, tự tại.
Nên biết pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn mầu nhiệm, đường tắt trong đường tắt, ngàn kinh muôn luận đều chỉ quy. Cổ đức dạy:
Mấy trùng cửa pháp ngó mơ màng
Có cửa Tây Phương rất mở mang
Đã dễ tu hành mau chứng quả
Xin người niệm Phật chớ nghi nan.
Tu về Tịnh Độ sướng hơn tiên
Ít nhọc công phu khỏi tốn tiền
Sáu chữ Di Đà tiêu nghiệp chướng
Một câu niệm Phật giải oan khiên.
Cõi trần mới phát ba lời nguyện
Ao báu đà lên chin phẩm sen
Khuyên khách Ta Bà mau tiến bộ
Tu về Tịnh Độ sướng hơn tiên.

Bố Thí Không Từ Chối

Ông trưởng giả Cấp Cô Độc có một lúc bị sa sút, nhà nghèo đến nỗi chỉ còn ăn cháo. Nhưng khi các tỳ kheo đến khất thực thì không nhịn ăn mà cúng dường.
Trên nhà lầu của ông, về phía nam, có một nữ thiên thần phải lánh đi. Lánh đi nhiều lần, bà đâm ra phiền muộn, mới đến thưa với ông trưởng giả Cấp Cô Độc rằng, "Từ nay, ông không nên cúng dường Phật và chúng tăng. Ông ham cúng dường mà đến nghèo khổ như thế, tôi rất thương tâm."
Ông trưởng giả Cấp Cô Độc hỏi, "Bà là ai, ở đâu, mà đến khuyên tôi như thế?"
Nữ thiên thần nói, "Tôi là thiên thần ở nhờ trên nhà lầu phía nam của ông."
Ông Cấp Cô Độc nói, "Vậy thì bà đi khỏi nhà tôi tức tốc."
Bà có con nhỏ, ra đi không có chỗ ở, lang thang rất là khổ sở. Bà mới lên nhờ Thiên Đế Thích giúp dùm. Thiên Đế Thích nói, "Ta cũng chịu thua. Ông Cấp Cô Độc là người Phật tử chánh tín kiên cố, khó nói lắm. Nhưng ta có cách giúp ngươi được ở lại chỗ cũ. Ông Cấp Cô Độc có nhiều chủ nợ không chịu trả. Ngươi lấy giấy nợ trong kho và dẫn quỷ dạ xoa nên sợ mà trả, ngươi đem để trong kho. Của chôn dấu của ông Cấp Cô Độc gần bờ sông Hằng bị lụt cuốn trôi, ngươi cùng quỷ dạ xoa vớt lên để trong kho. Rồi ngươi đến xin lỗi ông, trình hai công tác ngươi làm được, thì ông Cấp Cô Độc sẽ cho ngươi ở."
Nữ thiên thần cảm ơn Thiên Đế Thích, rồi làm y như lời chỉ dạy. Sau đó đến sám hối ông trưởng giả Cấp Cô Độc.
Ông Cấp Cô Độc thấy nữ thiên thần thành tâm nhất ý, nhất là đã đoái công chuộc tội, nên ông đồng ý cho ở lại, nhưng phải đến sám hối với Đức Phật vì đã nói xúc phạm đến Đức Phật.
Ông Cấp Cô Độc cùng nữ thiên thần đến nơi Đức Phật. Ông trình bày câu chuyện như trên và xin cho nữ thiên thần sám hối.
Đức Phật thấy ông trưởng giả Cấp Cô Độc lòng tin kiên cố đối với Tam Bảo và sự cúng dường cũng kiên cố, nên Phật dạy, "Ta ngày xưa cũng cúng dường kiên cố không từ chối, nên mau thành Phật."
Ông trưởng giả Cấp Cô Độc bạch Phật, "Bạch đức Thế Tôn, Ngài cúng dường kiên cố như thế nào, xin đức Thế Tôn chỉ dạy."
Phật dạy: Vào thời quá khứ xa xưa, ta là một chủ nhân giàu có và ưa bố thí cúng dường. Một hôm, có vị Phật Bích Chi từ núi tuyết bay xuống đến trước cửa nhà ta khất thực. Ta sai gia nhân đem cơm và thức ăn cúng dường. Nhưng thiên ma Ba Tuần muốn vị Phật Bích Chi chết đói nên ngăn cản ta. Phật Bích Chi nhịn đói đã nhiều ngày, nếu hôm nay không được ăn sẽ chết đói.
Thiên ma Ba Tuần hóa hầm lửa đỏ cháy hừng hực. Người nhà bưng cơm ra, thấy hầm lửa, không dám bước tới, đành mang cơm trở vô nói với ta. Ta liền bưng bát cơm bước ra và cũng thấy như vậy.
Ta phát nguyện, "Nam mô Bích Chi Phật Thế Tôn. Con nguyện bưng bát cơm này dâng Thế Tôn. Con nguyện bưng bát cơm này dâng Thế Tôn. Dù thân con có rớt xuống hầm lửa, cũng không từ chối." Ta phát nguyện xong, liền bước tới, và thiên ma đành rút lui. Vị Phật Bích Chi chú nguyện và bay lên núi tuyết thọ thực.
Phật kết luận: Ngày xưa, ta đã cúng dường quên cả thân mạng, nên mới mau thành Phật như hôm nay.
Ông Cấp Cô Độc cùng nữ thiên thần kính tín, đảnh lễ và lui ra.

Chấp Trước

Một hôm, có hai vị thiền sinh đi đường gặp một thiếu nữ mặc bộ đồ kimono mới đẹp. Khi đến đoạn đường sình lầy, cô có vẻ ái ngại, đi qua sợ lấm đồ.
Một thiền sinh hiểu ý, liền đến nói, "Tôi sẽ giúp cô qua đoạn sình lầy.
Thiền sinh đưa hai tay bế cô ta đi qua khỏi đoạn sình lầy rồi để cô xuống, bỏ đi. Thiền sinh cùng đi thấy vậy bất bình, trong lòng bực dọc, không vui. Khi về đến chùa, thiền sinh ấy nói, "Tại sao thầy dám ẳm một thiếu nữ xinh đẹp như vậy? Giới luật chỗ nào?"
Thiền sinh kia trả lời, "Tôi đã bỏ cô ấy bên đường, còn thầy mang cô ấy về đến chùa."
Thế thì người làm mà không chấp, còn người không làm thì lại chấp. Vậy ai hơn ai, quý vị nói thử coi?

Chiến Thắng Tự Tâm Mình

Ngày xưa, có một chàng thanh niên, tuổi vừa hai mươi, cha mẹ lần lượt qua đời, để lại cho cậu một căn nhà nhỏ bằng tranh và một khu vườn độ vài sào, một giếng nước trong và một cái cuốc còn tốt.
Với tài sản ấy, anh siêng năng làm vườn trồng rau bán đủ ăn qua ngày. Một hôm, anh suy nghĩ, "Phật dạy đời vô thường, cuộc sống khổ đau. Ta nên xuất gia, học đạo là hơn."
Anh đến chùa cầu xin xuất gia, thời gian sau được thọ giới tỳ kheo. Nhưng khi làm tỳ kheo phải thức khuya dậy sớm, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, chấp tác, anh đâm ra buồn chán. Anh xin xả giới, trở về tiếp tục làm vườn để sống.
Làm vườn một thời gian, anh lại đâm ra chán, anh bỏ nhà đi xuất gia trở lại, cũng thọ giới tỳ kheo, nhưng thời gian sau, anh lại xin xả giới về nhà. Đến lần thứ ba, anh suy nghĩ, "Nếu như thế này thì sẽ không được gì. Cũng chỉ vì căn nhà, miếng vường và cái cuốc mà nó làm hại mình đến thế. Hôm nay, ta quyết định chỉ đi tu thì phải xả bỏ những thứ này." Căn nhà và miếng vườn, anh cho người hàng xóm. Còn cái cuốc thì anh đem ra sông ném. Anh đến bờ sông, nhắm mắt lại, dùng hết sức bình sanh ném thật xa. Một chặp, hết sóng, anh mới mở mắt ra. Anh hô to, "Ta đã chiến thắng, ta đã chiến thắng."
Vừa lúc đó, nhà vua cũng vừa chiến thắng quân thù, ra sông tắm. Nhà vua kêu chàng thanh niên nói, "Ta mới là người chiến thắng, còn nhà ngươi làm gì có chiến thắng."
Chàng thanh niên kể lại câu chuyện xuất gia - chỉ vì căn nhà, miếng vườn và lưỡi cuốc mà phải trở về đến hai lần. Lần này quyết tâm dứt bỏ, nên đã chiến thắng lòng tham của mình. Nhà vua nghe qua, rất khâm phục, phát nguyện tứ sự cúng dường anh, để anh trở lại con đường học đạo.
Thế mới biết, chiến thắng lòng mình mới là chiến công oanh liệt nhất. Kinh Pháp Cú, Phật dạy:
Thắng ngàn quân địch không bằng chiến thắng tâm mình.
Chiến thắng tâm mình mới là chiến công oanh liệt nhất.

Cho Tiền Đi Nghe Pháp

Ông trưởng giả Cấp Cô Độc có một người con trai đã lớn khôn, ham ăn chơi, đánh bạc, không biết gì về Phật pháp.
Ông Cấp Cô Độc liền dùng phương tiện đưa con ông vào đạo. Một hôm, ông kêu con trai nói rằng, "Hôm nay cha bận công việc, con đi nghe pháp thế cha, cha sẽ cho con 100 ngàn đồng."
Cậu con trai không muốn nghe pháp, nhưng muốn có 100 ngàn đồng nên chịu đi. Khi đến chốn Phật, lễ Phật xong, cậu tìm một chỗ vắng đánh một giấc. Chiều về lãnh 100 ngàn đồng.
Tuần lễ sau, ông trưởng giả Cấp Cô Độc lại nói, "Hôm nay cha cũng bận. Con đi nghe pháp thế cha. Lần này con cố nhớ một bài kệ về nói lại với cha. Cha sẽ cho con 200 ngàn đồng."
Lần này, vì muốn lãnh 200 ngàn đồng nên cậu cố gắng nghe và nhớ được bài kệ Phật dạy:
Các hành vô thường
Là pháp sanh diệt
Sanh diệt hết rồi
Tịch diệt là vui
Cậu về nói lại với cha và lãnh tiền thưởng.
Tuần lễ sau nữa, ông trưởng giả Cấp Cô Độc lại kêu cậu con trai và nói, "Hôm nay cha cũng bận việc, con đi nghe pháp thế cha. Nhưng lần này con cố gắng nghe trọn bài pháp về nói lại với cha, cha cho con 300 ngàn đồng."
Lần này cậu con trai ông Cấp Cô Độc muốn được 300 ngàn đồng nên cố gắng nghe. Nhưng càng nghe lại càng hay, càng nghe lại càng thích thú và cậu đã giác ngộ nên lần này cậu về nhà không lấy tiền nữa mà cậu cảm ơn cha, nhờ cha mà cậu được nếm pháp vị cam lồ.
Cậu nói, "Ngày mai, nhà vua thỉnh Phật và thánh chúng vào cung cúng dường. Con xin được phép đi rước Phật và hầu Phật."
Hôm sau, ông Cấp Cô Độc thấy con ông đứng hầu sau Phật, có vẻ cung kính và trang nghiêm. Đức Phật biết ý, kêu ông Cấp Cô Độc nói rằng, "Con trai ông đã là đệ tử thuần thành của ta."
Ông Cấp Cô Độc nghe lời ấy, hoan hỷ, vui mừng, không ngờ con ông được chuyển hóa mau như thế.

Đề Bà Đạt Đa Hại Phật

Đề Bà Đạt Đa là em con ông chú của Phật. Sau khi xuất gia làm đệ tử Phật, vì ham danh lợi, muốn nắm giáo đoàn, xin Phật không cho. Ông đâm ra thù Phật, muốn hại Phật.
Một hôm, ông đặt ra năm giới khổ hạnh. Một là không uống sữa; hai là không ăn muối; ba là đi khất thực, ăn một bữa; bốn là mặc y phấn tảo; năm là ngồi ngoài trời. Ông đem lên trình với Phật, yêu cầu Phật ban hành cho các tỳ kheo.
Phật dạy, "Giới luật ta chế ra đều có nhân duyên, chớ không phải điều gì cũng cấm."
Phật không chấp nhận, ông vẫn đem công bố cho các vị tỳ kheo, nói rằng giới luật của ông cao nghiêm hơn của Đức Phật. Một số tỳ kheo 500 người nhẹ dạ, nghe theo ông. Ông dẫn họ về trụ xứ ông.
Phật sai Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến thuyết pháp. Đem các tỳ kheo đó về về. Khi thấy Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến, Đề Bà Đạt Đa nói, "Ta mỏi mệt, để ta an nghỉ. Hai tôn giả hãy giáo hóa chúng tỳ kheo."
Hai tôn giả thuyết pháp, làm cho các vị tỳ kheo được chánh kiến, liền theo hai tôn giả về với Đức Phật, khiến cho Đề Bà Đạt Đa giận tức, buồn phiền.
Sau, ông Đề Bà Đạt Đa chỉ còn có năm tỳ kheo. Tiếng xấu của ông đồn xa. Mọi người không ai chịu cúng dường cho nhóm ông nữa. Ông phải chịu đói khổ. Ông lại mướn người bắn tên tẩm thuốc độc để hại Phật. Những mũi tên bắn ra đều hóa thành hoa sen rơi xuống. Muốn bắn Phật, lại trở thành tán hoa cúng Phật.
Phật đang ngồi thiền dưới chân núi. Ông leo lên trên, lăn đá xuống để đè Phật. Nhưng đá cứ chạy hai bên không trúng Phật. Một mảnh đá vỡ ra trúng vào ngón chân út Phật chảy máu. Phật dạy, "Này, Đề Bà Đạt Đa làm thân Phật ra máu, phải bị đọa vào địa ngục vô gián muôn kiếp."
Đề Bà Đạt Đa cố tình hại Phật, nên tiếng dữ đồn xa, đi khất thực không ai cúng dường. Ông bèn trở về thành Ca Tỳ La Vệ, quê hương của ông. Nhưng ở đây, giòng họ Thích cũng nghe được tiếng xấu của ông nên không ai cúng dường. Ông phải chịu nhiều vất vả, khổ cực.
Rồi ông trở về chốn Phật, tỏ ra ăn năn, sám hối. Khi ông lễ dưới chân Phật, hai tay ông đưa ra, mười ngón tay nhọn có tẩm thuốc độ, cố bấu vào chân Phật, Phật liền rút chân lại. Đất nứt ra và ông rớt xuống địa ngục vô gián, bị lửa thiêu đốt không gián đoạn, chịu khổ lâu dài.
Trong các Pháp do tâm làm chủ
Tâm dẫn đầu, tạo đủ các duyên.
Tâm nhơ tạo nghiệp chẳng hiền
Như xe lăn bánh, khổ liền theo sau.

Đòi Nợ Phật

Một hôm, Phật đi du hành, có một ông vua Bà La Môn đến nhìn mặt Phật và vẽ một vòng tròn xung quanh Phật. Vẽ xong, ông nói, "Này, Sa môn Cù Đàm, hãy trả năm lượng vàng rồi mới được đi."
Các hàng đệ tử rất ngạc nhiên, nhưng Phật vẫn đứng trong vòng tròn và bảo Ngài A na, "Hãy đến ông Cấp Cô Độc bảo ông trả năm lượng vàng cho ông Bà La Môn này. Chính ông mắc nợ chớ không phải ta."
Phật dạy: Quá khứ vô lượng kiếp về trước có một ông vua. Rảnh rỗi, vua du ngoạn buổi trưa, thấy hai ông quan đánh cờ ăn tiền. Nhà vua cũng ngồi coi và một người bị thua năm lượng vàng nhưng không có tiền trả. Vì nể vua nên quan đại thần không dám đòi, nhưng ông nhớ mãi đến nay mới đòi.
Phật kết luận: Quan đại thần mắc nợ là tiền thân ông Cấp Cô Độc, ông quan chủ nợ là tiền thân ông Bà La Môn này và ông vua là tiền thân của ta.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]