Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuộc gặp gỡ thoáng qua với Tomo Ghe'sche'

28/05/201318:27(Xem: 9854)
Cuộc gặp gỡ thoáng qua với Tomo Ghe'sche'
Con Đường Mây Trắng


Cuộc Gặp Gỡ Thoáng Qua Với Tomo Ghe'sche'

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Tại Dungkar, chúng tôi hy vọng sẽ gặp vị tái sinh của Tomo Géché Rimpotsché, khi đó cậu cũng phải bằng tuổi tái sinh Saraha tại Tse-Tscholing. Nhưng lúc chúng tôi đến Dungkar Gompa năm 1947 thì cậu còn ở Sera, chỗ mà người ta gửi cậu đến đểhọc hành thêm dù con bé, sau khi cậu học hết những gì thầy dạy tại Dungkar. Tất cả mọi chuyện học hành đối với cậu chỉ là sự nhớ lại những gì đã biết trong tiền kiếp.

Chúng tôi lo nghiên cứu về các đền và tu viện quan trọng tại Gyantse - đặc biệt tại Kumbum, đền “Vạn Phật”, và tại Pal-Khorlo-Tschưde, đồng thời lo thủ tục xin hộ chiếu cũng như các phép tắc khác để được làm việc trong các đền của Rintschen-Sanpo, được họa lại các bức họa. Chúng tôi bận rộn đến nỗi không không quan tâm gì đến các biến cố chính trị. Chúng tôi phải hứa với vị tùy viên chính trị tại Gangtok, sẽ không tiết lộ gì về các biến cố tại Tây Tạng và không tuyên bố điều gì về vụ Reting. Thế nhưng chúng tôi biết rõ một điều, đó là uy quyền chính trị và tôn giáo không thể lẫn lộn thêm được nữa và cái nguy của Tây Tạng nằm ở chỗ tu viện nào cũng hướng tới quyền lực; có hàng ngàn tu sĩ tụ hội với nhau, trong đó những yếu tố quí báu của một đời sống tôn giáo đích thực bị mất đi: sự an bình và tĩnh lặng của đời sống cô tịch cũng như con người thể nhập và tính tự do của cá thể.

Trong những tập hợp tu viện lớn tại Gyantse, được tách ra khỏi cuộc sống thế gian bởi những vách tường dài hàng cây số mà vẫn ngự trị trên tất cả, chúng tôi đã quan sát thấy đời sống tâm thức cạn dần đi, đó là điều khó tránh khỏi khi con người sống chung đụng với nhau. Chúng tôi càng thấm thía cái minh triết của Milarepa và các vị kế tục khác của ông, họ là những người chọn chỗ ẩn tu, không ham thích các tập hợp tôn giáo, những nơi mà kiến thức sách vở được coi trọng hơn sự hình thành cá tính cũng như sự phát triển lòng từ bi và trí huệ.

Trong quá khứ, dòng Sakyapa (lấy tên từ tu viện Sa-Skya thành lập năm 1071 sau Công nguyên) là tổ chức tôn giáo có uy lực nhất. Trong thời đại huy hoàng đó, họ được xem là giới thống trị Tây Tạng. Nhưng cũng chính thế lực chính trị là nguyên nhân của sự suy tàn của họ, vì thế lực chỉ sinh ra thế lực đối đầu. Nền thống trị của họ sau đó bị dòng Gelugpa thay thế, với sự thiết lập của vị Đại lai lạt ma, người nắm toàn bộ quyền lực chính trị và tinh thần tại Lhasa. Thời đó các tu viện trở thành đô thị, có nơi dung chứa cả vạn tu sĩ.

Các nơi này nhắc ta nhớ đến tu viện đại học tại Nanlada và Vikramasila (tại Bihar và Bengal), trong đó đời sống tôn giáo và văn hóa của đạo Phật tập trung tới mức trở thành mục đích dễ dàng cho quân Hồi giáo cực đoan. Khi họ phá hủy những cơ sở này thì đạo Phật tại Ấn Độ xem như bị tiêu vong; trong lúc Ấn Độ giáo, không tập trung, chẳng tổ chức theo kiểu tu viện, thì sống còn được; vì truyền thống của họ được tiếp xúc nuôi dưỡng trong những gia đình các tu sĩ hoạc người ngoan đạo, hoặc thể hiện trong những con người độc lập như du sĩ khổ hạnh sống trong những nhóm nhỏ quanh một vị thầy, họ là người giữ sức mạnh tôn giáo không bao giờ tắt. Ngay cả việc hủy hoại đền đài cũng không phá hủy được niềm tin tôn giáo nằm trong mỗi bàn thờ gia đình, trong đó ít nhất có một người giữ đạo.

* * *

Vài năm sau khi chúng tôi rời Tây Tạng thì đạo Phật chỉ tồn tại ở xứ sở này trong các vùng độc cư vắng vẻ, xa phố phường, xa nơi chốn đi lại, hay chỉ còn trong những gia đình, nơi mà đời sống tâm linh không phụ thuộc gì vào các định chế và tổ chức tu viện, mà chỉ sống nhờ vào ngọn lửa của niềm tin truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Điều này tôi được thấy nơi phái Nyingmapa, Kargyutpa và các bộ phái Phật giáo Tây Tạng nhỏ khác; họ quan tâm đến truyền thống giảng đạo của thầy trò hơn là cách giáo dục quảng đại quần chúng của các tu viện lớn.

Chúng tôi hầu như đã quên mọi biến cố đó và xem ra Sera đã trở lại với đời sống bình thường vì không có tin gì từ đó cả. Ngoài ra cứ vào mỗi độ thu thì từ vị Thủ tướng đến anh công chức thấp nhất, từ Đại lai lạt ma đến chú tiểu tăng, từ nhân sĩ tiếng tăm nhất đến kẻ cùng đinh, ai ai cũng tham gia các buổi lễ dành cho công chúng như các buổi làm phép tại tu viện, trình diễn các sự tích (ví dụ tiền thân Đức Phật), được các nghệ sĩ chuyên nghiệp diễn trong các gia tộc lớn mà ai cũng được vào xem. Các cuộc liên hoan ngoài trời với lều láng trang hoàng rất đẹp tại các vùng quê quanh các đô thị lớn hay các tu viện; và cả những cuộc tranh tài thể thao như đua ngựa, bắn cung vói các điệu múa dân gian, trong đó kẻ nghèo người giàu đều vui thích. Người Tây Tạng là những người yêu đời và sùng tín, họ biết cách thống nhất hai tính chất và nhờ thế mà hưởng cái “đẹp nhất của hai thế giới”.

Thế nhưng cái lạnh mùa đông đã kề tới và chấm dứt mọi hoạt động ngoài trời. Bỗng nhiên mọi người ai cũng trùm mũ lông và mặc áo mùa đông, mặc dù mặt trời còn chói lọi và bầu trời xanh thẩm màu nhung. Nền đất và hồ nước đã đông kín, và những con sông nước chảy mạnh mà hai bên bờ cũng đã lác đác có băng.

Thời đó, chúng tôi nghe rằng cậu Tomo Géché đã rời Sera và trở về quê Dungkar. Người ta cho rằng cậu sẽ nghỉ vài ngày ở Gyantse. Thế nhưng loại tin đó chúng tôi nghe đã nhiều vì thế không để ý gì lắm, nhất là sau khi hòa bình trở lại với Sera.

* * *

Ngày nọ chúng tôi trên đường từ “Điện Vạn Phật”, nơi mà tôi sao chép kinh sách cũng như bích họa, còn Li Gotami thì chụp lại các bức tượng đẹp. Một số trong đó được trình bày lại trong tác phẩm Grundlagen tibetischer Mystik (Cơ sở mật tông Tây Tạng). Đó là một ngày đặc biệt lạnh và nhiều gió; và cũng như mọi người, chúng tôi trùm áo ấm, mang khăn choàng theo kiểu Tây Tạng, mắt đeo kính đen chống cát. Khi đi ngang qua phố chính mà mỗi ngày chúng tôi đều đi để đến tu viện thì có hai ba tu sĩ đi ngược lại rõ là họ trên đường đi đến đền chính của tu viện. Một trong số họ cõng trên vai một cậu bé mặc áo choàng đỏ. Lẽ ra chúng tôi đi ngang họ mà không để y điều gì, nếu thái độ cậu bé không có gì lạ làm chúng tôi phải để ý. Bỗng nhiên cậu rướn người lên, ngẫng cổ nhìn chúng tôi ngạc nhiên tột độ và tỏ vẻ quan tâm - trong lúc những người đi cùng với cậu không để ý gì đến chúng tôi. Chúng tôi cũng như những người Tây Tạng khác đi ngoài đường, nhất là khi màu mắt của chúng tôi khác với màu mắt của họ thì đã bị cặp kính đen che mất. Ở đây, người ta mang nhiều loại kính đó, vừa để che mặt trời quá chói, vừa để chống bụi cát trong những ngày nhiều gió. Khi chúng tôi đến gần nhóm tu sĩ thì cậu bé xem ra bị kích động hơn; cậu xoay người lại, nhìn chúng tôi với sự chú tâm rõ rệt - hầu như cậu muốn nhớ đến ai mà mình đã từng quen biết nhưng lúc này không nhận ra. Và bây giờ đến phiên chúng tôi sửng sốt - và như một tia chớp trong bầu trời xanh trong -, ý nghĩ ập đến với chúng tôi là, dây phải chăng là tái sinh của Tomo Géché Rimpotsché.

Trong khoảng thời gian đó thì hai nhóm người đã đi xa và mặc dù Li thúc tôi quay lại, chạy theo nhóm tu sĩ, tôi cảm nhận rằng, không phải chỉ vì không nên chạy theo ai mà là đây không phải chỗ và lúc để có một cuộc gặp quan trọng và phi thường như thế. Ngay giữa phố xá và lúc đó gió lạnh như cắt, xung quanh là đám người tò mò - không, tôi không muốn gặp lại thầy mình như thế - dù ông có ở trong hình hài của một đứa trẻ. Tôi ước mong được gặp lại ông trong sự tĩnh lặng để có thể nghe được nhị đập trái tim mình và phản ứng hồn nhiên của vị tái sinh trẻ tuổi. Không, tôi không để cho phút giây quý báu này bị mất đi vì sự hiếu kỳ tầm thường và những câu xã giao trống rỗng.

Vì thế chúng tôi quyết định trước hết hãy xác nhận mình không lầm lẫn và hỏi vị tái sinh này ở đâu để ngày mai đến tìm. Ý tưởng về cuộc hội ngộ làm tôi xúc động sâu xa và chúng tôi hồi hộp không biết cậu bé còn nhớ lại được quá khứ không để thiết lập lại liên hệ cũ - vì lúc đó cậu mới lên chín - và ấn tượng của đời sống mới chắc đã thúc đẩy lùi mọi ký ức tiền kiếp.

Chúng tôi vội về nhà và nhanh chóng biết rằng đó quả thật là tái sinh của Tomo Géché, người mà chúng tôi đã gặp. Thế nhưng ngày hôm sau khi đến nơi thì được biết cậu đã rời Gyantse trước khi mặt trời mọc.

Chúng tôi thất vọng vô cùng nhưng tự nhủ sẽ được gặp cậu tại Dungkar trên đường về và sẽ không những chỉ được nói chuyện trong sự yên tĩnh mà còn được ở lâu với cậu tại nơi mà chúng tôi đã từng quen thuộc và quí mến.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567