Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sườn núi trơn và bí mật của những chiếc móng ngựa

22/05/201316:46(Xem: 10406)
Sườn núi trơn và bí mật của những chiếc móng ngựa
Con Đường Mây Trắng


Sườn Núi Trơn Và Bí Mật Của Những Chiếc Móng Ngựa

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Sau một này nghỉ thỏa thích bên lửa trại, nhờ lửa mà dù trời mưa chúng tôi vẫn khô ráo và ấm áp, mặt trời hiện lớn ra gần như gấp đôi nên tôi quyết định hôm nay sẽ đi về phía đông của hồ, càng xa càng tốt. Sau một ngày vắng bóng, hôm nay mặt trời nóng rực và bầu trời không mây mang màu sắc xanh như chưa hề có - một ngày tuyệt diệu để vẽ.

Chỉ mặc áo nhẹ và không mang gì hơn ngoài bộ đồ vẽ, tôi lên đường. Tôi cố ăn sáng đầy đủ dể khỏi cần mang theo lương thực và vì đôi ủng Tây Tạng đã rách và đang được bạn đồng hành vá nên tôi chỉ mang xăng-đan, chẳng có vớ. Thật là một cảm giác tuyệt vời được thơ thới đi trong cảnh đẹp và đầy nắng và khí trời dịu mát, trong vùng hoàn toàn không có người ở, với những màu sắc tưởng như không hề có trên trái đất này đang trải rộng trước mắt; đối với người họa sĩ thật là một ngày hội! Sự kỳ diệu của cái hồ vẫn thôi miên tôi như ngày đầu - màu xanh đậm rực rỡ mà nhìn mấy tôi cũng không biết chán - vì thế tôi càng muốn đi dọc theo bờ hồ để có cái nhìn toàn thể lên hồ và thấy được các ngọn núi tuyết phía nam mà những ngày qua chúng tôi đã đi dọc theo chân của nó. Khi đến đầu một ngọn đồi nhô ra phía hồ thì tôi gặp một đàn Kyang - một loại ngựa hoang, chúng rất sợ người, không sao tới gần được - chúng chạy chung một đàn nai. Đây là lần đầu tiên tôi được thấy chúng. Chúng hơi giống ngựa vằn ở độ lớn và hình dáng, nhưng khác màu. Đầu của chúng to hơn đầu ngựa thường, lông màu nâu sáng như hươu nai nhưng bụng trắng. Chúng là con đẻ của môi trường hoang dã, nếu bị giam hãm chúng sẽ không chịu ăn uống và sẽ chết vì không chịu nổi tù đày. Vì lý do này mà không ai tìm cách bắt hay thuần hóa chúng, cũng không ai săn bắn ăn thịt vì giết hại thú vật là đi ngược lại chủ trương của đạo Phật.

Tại Tây Tạng, săn bắn không phải là môn thể thao mà là một tội ác và ngay cả khi cần giết thú vật để ăn thịt vì thiếu thức ăn trong mùa đông thì người nuôi thú cũng cầu xin thú vật tha thứ cho mình và cầu cho chúng được tái sinh trong hoàn cảnh hạnh phúc hơn. Việc giết hại những sinh vật vô nghĩa nhất cũng được xem là xấu và nên tránh, dù điều kiện sống khó khăn tại Tây Tạng, nơi mà trái cây rau quả hầu như không có, nó chỉ sống được trong những vùng thấp có tưới tiêu, vì thế mà Tsampa (bột lúa mì rang) thành thực phẩm chính. Đánh cá và bẫy chim càng bị lên án hờn vì phải cần giết hại nhiều sinh linh loại này mới đủ cho một bữa ăn. Vì thế cho nên chim thỏ và các loài vật khác rất dạn dĩ với người. Tôi nhớ tớimotj con thỏ nằm yên trong hang cho tới khi tôi rờ tới. Chim vào lều tôi rất thường và loại chột đồng thường chi từ hang ra để tò mò xem chúng tôi làm gì trong lãnh địa của chúng.

Còn loại ngựa hoang thì luôn luôn giữ khoảng cách xa với loài người, không phải chỉ vì chúng nhát mà có lẽ chỉ riêng việc thấy người cưỡi người đã làm chúng sợ. Vì thế tôi khá bất ngờ khi được thấy chúng và núp sau một tảng đá, quan sát một lúc rồi mới lên đường. Trong đồng cỏ quanh hồ Manasarrovar và vùng thảo nguyên Tschang-Thang, ta có thể gặp từng đàn hàng trăm con. Thật thú vị khi nhìn thấy chúng phi trên những cánh đồng uốn lượn của vùng cao nguyên này.

Sau khi đi vòng qua ngọn đồi, tôi xuống đến một vùng đất bằng phẳng, vùng này được phủ bởi một lớp magnesium kết tinh trắng xóa, dưới đó là đầm lầy. Vùng đất này làm tôi nhớ đến những hồ muối nguy hiểm của sa mạc Sahara, trên đó ta có thể đi lại, rồi khi gần đến mặt nước thì bỗng nhiên mặt hồ muối bổng nứt ra và nuốt trọn con người, đây là chỗ đã làm nhiều người mất mạng. Vì thế tôi né bằng cách đi vòng quanh đầm và leo qua vài ngọn đồi nhở để đến bờ hồ. Bờ dựng đứng từ hồ lên và tận trên cao mới có một bờ đá hẹp, rồi trên bờ đá này là núi đá dựng. Các tảng đá xếp sát với nhau tới mức không thể đi vòng, phải nhảy từ tảng này qua tảng khác, nếu không sẽ bị kẹp ở giữa. Nhưng tôi còn khỏe, còn ham thích, nên không bao lâu sau tôi đã đi được xa và càng tới gần, cảnh quan càng tuyệt diệu.

Cuối cùng thì đá tảng cũng hết, nhường chỗ cho một dốc khoảng 45 độ, nằm sát với vách dựng đứng. Hy vọng sẽ vượt qua được đoạn khó nhất, tôi xuống dốc - nhưng chỉ vừa đặt chân xuống thì cả con dốc đã chuyển động và kéo tôi xuống bờ. Thì ra cát sỏi trộn rời rạc với nhau, một khi có ai đụng tới là nó tràn xuống vực. Tôi không còn thời gian để suy nghĩ. Nếu rơi vào nước lạnh giá hẳn tôi sẽ chết cóng trước khi bơi được vào bờ, đó là chưa kể bờ là vách đá làm sao bám vào được. Tôi không có cách nào khác hơn là cứ nhảy chồm về phía trước để tránh khối cát sỏi bắt đầu lăn. Như một con quỉ rừng theo sát chân tôi. Khối cát lăn ào xuống vực. Tôi nhảy chéo, hơi hướng lên cao và cuối cùng giữ được độ cao, tới được chỗ đất cứng.

Bây giờ dưới chân là đá tảng đủ thứ hình thù, nó là cái thay đổi đáng mừng cho tôi. Nơi đây tôi có thể đi lại không nguy hiểm, không tất bật và với tâm trạng an toàn, tôi ngồi nghỉ chốc lát. Ngồi trên một tảng đá, khi nhìn quanh, tôi khám phá ra một điều kỳ lạ: xung quanh là vô số móng ngựa, nằm giữa những tảng đá hay lẫn với sỏi cát, trong số đó không có một móng nào nằm ngược. Nhìn chúng, ta tưởng như một đàn ngựa bị gió thổi lên trời và để lại những móng. Nhưng làm sao lại như thế được? Hay một cơn tuyết lở đã sinh ra? Nhưng không, nơi đây chẳng phải là sườn núi tuyết, chẳng có dốc núi nào đủ dựng để tuyết có thể lở - vì vùng này là vùng tuyết của Tây Tạng (cũng như ít mưa trong trong các mùa khác). Dù cho một cơn bão tuyết khủng khiếp có thể giết chết một đàn ngựa và thổi dạt xác chúng đi thì ít nhất cũng còn thấy xương của chúng trong nước hồ trong, mà ở xa vẫn còn thấy những hạt sỏi dưới đáy. Thế nhưng không hề thấy một miếng xương nào, trong nước cũng như giữa các tảng đá. Dù cho chó sói hay chim ưng ăn xác thì chắc chắn cũng còn dấu vết để lại, ít nhất sọ hay răng ngựa cũng phải còn. Và tại sao mà mọi móng ngựa lại đứng ngay và bị gãy ngay đốt xương - dường như đàn ngựa sợ hãi điều gì đứng sựng lại và chết? Sức mạnh đáng sợ nào đã có thể tiêu diệt đàn ngựa nhanh chân một cách bí ẩn như thế?

Dù nguyên nhân gì chăng nữa thì tôi cũng không còn thời gian mà suy nghĩ về nó. Tôi đi tìm một chỗ thích hợp, từ đó có thể ngắm nhìn hồ với dãy núi tuyết đằng sau. Với mục đích này tôi đi tiếp, gặp một vịnh nhỏ dễ thương gần như hình tròn, xung quanh là cát trắng tinh mà nước nơi đó mang một màu xanh lục rực rỡ. Đối diện với vịnh này là một mỏm đá nhô ra mặt hồ, đó phải là chỗ tôi cần để ngắm cảnh. Nhưng như nhiều lần tại Tây Tạng, tôi lại nhắm sai khoảng cách, vì không khí quá trong và màu sắc quá sáng, cho nên mặc dù đi nhanh trên bờ cát, tôi vẫn phải mất nhiều thời giờ mới đến được bờ bên kia. Lúc tôi còn mê vẽ thì những bóng mây đen đã kéo lên trên đỉnh núi tuyết phía nam. Nhưng vì ham công việc quá nên tôi chẳng để ý gì cả, chỉ biết đây là cơ hội quí giá cho sáng tác.

Tới lúc bức tranh vẽ xong thì mặt trời bị mây đen che kín và cảnh vật ngày càng tối không phải chỉ vì bị mây che mà vì mặt trời cũng sắp lặn. Tôi vội lên đường đi về; nhưng khi tới bờ bên kia thì trời kịp tối và các tia chớp làm sáng bầu trời, sấm rền ngay trên đầu tôi. Không khí bỗng lạnh như băng.

Tôi bõng nhớ đá núi chập chùng và đàn ngựa chết một cách bí hiểm gần đó và biết mình đang lâm nguy. Chắc chúng đang phi thì bị đá đổ ngăn chận lại, hay đêm đến ngăn đường về và bị chết cóng. Hay nơi đây có những mối hiểm nguy, chúng đáng sợ hơn cái lạnh và bão táp mà tôi không biết. Bộ xương và sọ ngựa đều biến mất không thể giải thích được bằng sự hiện diện của thú dữ, vì ngay cả chó sói cũng không nuốt hết mọi thứ - chúng cũng không cần vì đây là thịt của một đàn ngựa.

Vùng đất khó đi này cũng đã cho tôi thấy, trước khi núi đổ thì đây cũng không thể là đường đi của khách lữ hành. Ngoài ra có rất nhiều những móng ngựa nhỏ, điều đó cho thấy không thể là do đoàn lữ hành nào vì không ai mang theo ngựa con nhiều như thế cả. tôi không sao giải thích được và bây giờ cũng không còn thời giờ để nghĩ tới. Mỗi phút giây đều quí báu! Tôi phải vượt qua triền núi trơn trước khi trời tối hẳn.

May thay các đám mây đen bỗng tan đi, đột ngột như lúc chúng kéo đến. Bầu trời vẫn còn mây nhưng không mưa và thảm mây mỏng loãng dần đi. Với chút ánh sáng cuối cùng trong ngày, tôi nhớ lại chỗ bị ngã và mặc dù không còn thấy rõ bao nhiêu, gắng hết sức, tôi qua được sườn núi đá lở. Thở hổn hển, tôi đến được bờ bên kia, ngồi xuống nghỉ lấy sức; thế nhưng hình ảnh chó sói và các mối hiểm nguy khác không cho tôi yên, mà mối nguy ngủ gục và chết cóng là đáng sợ nhất. Khi hơi lạnh đã thấm vào cơ thể thì khó mà lấy lại hơi ấm, nhất là tôi không có khăn choàng lẫn áo ấm và chỉ nhờ vận động mà giữ được hơi nóng. Thế nên tôi lại đứng dậy, biết mạng sống của mình đang bị đe dọa.

Từ sáng đến giờ tôi không ăn, không có giọt nước nào từ lúc rời trại và bây giờ thì cái đói khát đang bắt đầu lên tiếng, nhất là khát. Số phận mỉa mai thay, dưới chân tôi là nước trong vắt từ dặm này qua dặm kia mà tôi không có giọt nước nào cho đỡ khát. Tôi nghĩ hay mình tạm trú chân trong một hang động trên đường về, nhưng lại sợ chó sói rình rập đâu đó, và vì không có diêm hay bật lửa mang theo nên tôi bỏ ngay ý định. Nhưng cái thèm nhất vẫn là được ngồi xuống nghỉ ngơi. Tôi biết mình đã ngồi thì sẽ không đứng dậy nổi, vì thế tôi quyết định đi tiếp cho tới lúc nào quị thì thôi.

Bây giờ thì trời đã tối hẳn, không còn phân biệt được đâu là những tảng đá lót đường. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy mình vững bước nhảy từ tảng này qua tảng đá kia, không hụt chân hay mất thăng bằng lần nào cả mặc dù chỉ mang đôi dép (có vòng da cột nơi ngón cái). Đột nhiên tôi biết mình đang mang theo một năng lực kỳ lạ, có một ý thức không do mắt hay não mình chỉ huy, mà do một “thức” mà tôi chưa biết tới. Tay chan tôi cử động như trong tình trạng xuất thần, hầu như chúng liên hệ với một cái biết nằm trong tôi., nhưng độc lập với tôi. Tôi quan sát mọi sự này tựa hồ trong mộng. Thân mình thấy như xa xa, không thuộc hẳn về mình, tách rời với đầu óc mình. Tôi có cảm giác mình như một mũi tên chạy theo một đường bay đã có. Đồng thời tôi tin rằng mình không được phép ngăn bắt cái năng lực đã chiếm lấy mình.

Về sau tôi mới biết điều gì đã xảy ra. Trong điều kiện lúc đó và bên cạnh một mối nguy hiểm, tôi đã rơi vào tình trạng của một Lung-Gompa, người chạy xuất thần, mà không hể biết, là kẻ chỉ biết chạy tới đích và bỏ qua mọi chướng ngại một cách vô thức, chân như không chạm đất, đối với một người đứng ngoài thì thấy như bay trong không, lơ lửng sát mặt đất.

Nếu chỉ nhảy sai hay trượt chân khỏi đá là đủ gãy chân, nhưng tôi không trượt lần nào. Tôi đi vững chắc như người mộng du nhưng lại không hề ngủ. Tôi không biết mình đã chạy bao nhiêu dặm trong vùng đất sát hồ khó đi này; chỉ biết cuối cùng mình đã tới đỉnh của ngọn đồi tháp và trước mắt vùng đầm lầy với chất magnesiim. Căn cứ duy nhất cả tôi là một vì sao nằm về hướng núi tuyết, giúp tôi nhắm hướng. Tôi không dám tách lạc hướng và vì còn ở trong trạng thái xuất thần nên tôi đi luôn trên dầm trắng bạc, nhưng lại không hề bị lún lần nào.

Nhưng trại ở đây? Chắc không còn xa và cách hai dặm phải thấy được trại rồi. Tôi lên một ngọn đồi có cây và nhìn quanh nhưng khắp nơi không có chỗ nào có ánh lửa. Chắc chắn họ không bao giờ rời trại, để tôi chết trong hoang vu, không thực phẩm, không áo ấm, dù không có ai xét xử họ - còn tôi thì chỉ rời trại có một ngày mà chưa về. Tôi xấu hổ vì đã có ý nghĩ này, nhưng trong tình trạng gần như kiệt sức, tôi không sao chế ngự nổi sợ. Có lẽ tôi lầm hướng rồi chăng và tốt nhất là tiếp tục đi, cho đến bờ sông rồi đi ngược dòng thì phải tới trại.

May thay được đi thật ra đúng hướng và khi tôi bắt đầu bỏ hy vọng tìm lại trịa thì đột nhiên thấy ánh lửa trong một khoảng đất thấp. Tôi cố gọi nhưng cổ đã khô, không ai nghe thấy tiếng của tôi ở khoảng cách này. Nhưng lòng tin đủ mạnh cho tôi thêm sức, rồi vài phút sau tôi đã đến trại và quỵ xuống bên đống lửa; trong lúc bạn đồng hành vui mừng thấy tôi không hề hấn gì, họ cho tôi ăn uống. Tôi thấy mình như kẻ lạc loài trở về chưa bao giờ mà lửa trại và vòng tay con người lại mang đến niềm vui lớn như buổi tối khó quên đó.

Tới hôm nay tôi vẫn chưa giải thích được sự bí ẩn của những chiếc móng ngựa, mặc dù đã thảo luận với nhiều người với hy vọng có câu trả lời thích đáng. Nhưng những điều khác liên quan trực tiếp đến tôi trong ngày hôm đó thì đã được lý giải đầy đủ về tình trạng xuất thần mà tôi đã nhập vào, khi biết thêm về hiện tượng tâm lý của lugn-gom. Trong một cuốn sách của Alexadra David-Neel(24), lần đầu tôi đọc, có mô tả chuyện này và nhiều năm sau tôi được thấy tận mắt trong tu viện nổi tiếng Nyang-to Kyi-phug, ở một lũng của sông Nyang-Tschu, không xa Schigatse, một trong những trung tâm giáo huấn du già nổi tiếng, vào năm 1947, lúc cùng đi với Li Gotami.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]