Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 9: Động chúng

22/05/201313:15(Xem: 8658)
Chương 9: Động chúng
Chuyện Tình Liên Hoa Hòa Thượng


Chuơng 9: Động Chúng

Sa Môn Thích Như Điển
Nguồn: Sa Môn Thích Như Điển


Mấy hôm nay ngoài vườn chùa Đại Giác có một hiện tượng lạ, khiến cho nhiều người phải bàn tán xôn xao. Đó là một cây chuối, thay vì trổ buồng như thường lệ, cây chuối này lại sanh ra ba cành hoa tuyệt đẹp giống nhưđóa hoa Ưu Bát. Hoa nở ra màu trắng tinh anh, trên hoa điểm thêm những dãi lụa màu xanh và vàng; trông giống như vương miệng của một công chúa. Xem lâu, thấy thiệt là đài các sang trọng.

Hai hoa chuối đã nở. Mỗi hoa lại có nhiều hoa nhỏ đan xen vào nhau như thế. Ngoài cùng của hoa là đài hoa màu tím đặc biệt. Còn một hoa chưa nở, đang chuẩn bịở thế khoe sắc thắm cho đời. Khi xem hoa có nhiều người bàn tán. Cũng có ý nghĩa khi ai đó là người trong cuộc; nhưng nếu là khách bàng quang thì họđã chẳng để ý gì. Vì đây chỉ là một hiện tượng đã xảy ra trong nhiều hiện tượng khác vậy thôi.

Có người cho rằng; hai hoa màu trắng trinh khiết ấy tượng trưng cho tấm lòng trong trắng, giải thoát của Hòa Thượng Liên Hoa. Còn hoa kia tượng trưng cho Hoàng Cô Tế Minh – Thiên Nhựt. Hoàng Cô tuy đã dùng độc dược để tự tử và mục đích duy nhất để chứng minh cho đời thấy rằng: tấm lòng của Hòa Thượng Liên Hoa vẫn trong như tuyết, sáng như tờ giấy trắng chưa bị nhiễm ô.

Còn cánh hoa thứ ba chưa nở, người ta chưa đoán được điều gì. Nhưng cũng có người đã lẹ miệng chen vào: Đó là 3 cánh hoa Tam Bảo gồm Phật, Pháp, Tăng chứ gì…

Thôi thì đủ thứ, đủ loại diễn dịch khác nhau. Nghe ra thì cái nào cũng hữu lý hết. Chỉ có một điều mà ai cũng biết rõ là sau việc tự thiêu của Hòa Thượng Liên Hoa cũng như cái chết của Hoàng Cô, chùa Từ Ân bỗng nhiên xảy ra nhiều sự cãi vả, xào xáo. Đây là một ngôi chùa quan, tức chùa do vua Sắc Tứ và hộ trì mọi việc trong chùa; vốn có nghi lễ nghiêm minh, chư Tăng đều giữ đạo hạnh, cư xử lễ độ, hòa thuận… Thiền Sư trụ trì là Ngài Tế Chánh - Bổn Giác, đệ tử của Hòa Thượng Liên Hoa dàn xếp mãi vẫn không yên, chùa vẫn lủng củng, xáo trộn.

Sự xáo trộn ấy có thể do bên trong nội tự mà ra; nhưng cũng có thể do bên ngoài đưa đến. Bên trong thường thì người xuất gia phải giữ gìn tịnh giới. Mỗi nửa tháng tụng giới Bố Tát một lần và mỗi lần như vậy Thầy trụ trì hay Thầy quản chúng nhắc nhở cả Đại Chúng về phép Lục Hòa như sau:

“Quý Vị biết đó ! Hôm nay là ngày Trưởng Tịnh, tôi xin nhắc lại những giới thể căn bản để chư Tăng hành trì. Nếu vị nào có lỗi nhỏ thì ra chúng sám hối. Nếu không có tội thì im lặng. Tuy nhiên người xuất gia chúng ta đã xa gia đình riêng và chúng ta đang có một đại gia đình chung. Đó là mái chùa này. Vậy ởđây tôi xin sơ lược lại ý nghĩa của phép lục hòa để cho chư Tăng rõ:

Điều thứ nhất là thân hòa đồng trú. Nghĩa là chúng ta cùng sống chung dưới một mái chùa, cùng học chung một thầy, cùng ăn chung một mâm, cùng làm chung một công việc như: tụng kinh, Bố Tát, tụng giới, niệm Phật, lễ bái v.v… nếu có điều gì không vừa lòng khi thức cũng như ngủ, ở trong phòng cũng nhưở ngoài phòng, trên chánh điện hay nơi hậu liêu… quý vị nên chia xẻ với nhau từng sự hiểu biết; nên nhường nhịn nhau như huynh đệ trong gia đình. Người lớn nói phải, người nhỏ nên tuân theo, để đạo tràng này được trang nghiêm thanh tịnh.

Điều thứ hai là khẩu hòa vô tranh. Nghĩa là miệng hòa không cãi nhau lớn tiếng, khiến cho động chúng. Một lý luận đúng thì dầu cho có nói nhỏ nhẹđi nữa, vẫn có thể thuyết phục được người đối diện như thường, không cần phải nói lớn tiếng để chứng tỏ cho người khác biết rằng: điều của mình đưa ra là đúng. Ở trên đời này, cái gì nó cũng tương đối cả, không có cái gì được gọi là tuyệt đối; ngoại trừ chân lý của nhà Phật. Sở dĩ người ta hay tranh cãi nhau là ai cũng muốn giành phần hơn về mình; nhưng quý vị nên biết rằng: chân lý không nằm bên này hay bên kia, mà vượt lên trên tất cả mọi sự đối đãi của cuộc đời. Nếu còn đối đãi hơn thua với nhau, thì không còn gọi là chân lý được. Do vậy để cho chùa được yên ổn, quý vị phải thận trọng với lời nói và cửa miệng của mình.

Điều thứ ba là ý hòa đồng duyệt. Nghĩa là cùng hòa vui với nhau qua sự sống cũng như ý nghĩa về sự sống, sự tu học của một người xuất gia. Quý vị nên biết rằng: chúng ta là những người phước báu vô cùng. Vì thân này được cha mẹ sinh ra lành lặn. Sau đó có đầy đủ duyên lành để xuất gia học đạo. Lại gặp được minh sư và bạn lành. May mắn hơn cả là chùa này được vua ban biển ngạch Sắc Tứ; mọi chi phí sinh sống của chúng Tăng trong chùa này nhà nước chu cấp đầy đủ. Nhà Vua giống như là một vị đại thí chủ; một Trưởng giả Cấp Cô Độc ngày xưa vậy. Quý vị biết rằng: Sỡ dĩ Phật nói phép lục hòa này là ngày xưa khi Phật còn tại thế, đã nhiều lần can ngăn giữa 2 chúng Tỳ Kheo cãi lộn với nhau, nhưng cuối cùng không thành công. Phật bèn vào rừng Kosabi để an cư kiết hạ nơi ấy. Nguyên nhân chỉ vì đệ tử của một Thầy Tỳ Kheo giữ luật thì chê vị giảng pháp hay là không thực hành giới luật và đệ tử của vị Thầy giảng pháp cũng không chịu thua; nên hai bên cãi vả nhau. Ngay cả Đức Phật cũng không giúp gì họ được và Ngài hứa sẽ trở về lại với chúng Tăng sau khi hai bên đã hòa hoãn với nhau.

Khi Đức Phật vào rừng một mình, gặp một con khỉ già cô đơn; nó cũng bịđàn con của nó cãi nhau ủm tỏi, đau đầu quá; cho nên khỉ kia đi lánh con cái của mình, thì gặp Phật. Ởđó mỗi ngày khỉđi tìm trái cây rừng về dâng cúng lên Phật dùng hằng ngày.

Lại có một con voi già, trở nên vô tích sự với đàn con của mình; nên nó buồn quá, trốn con cái của mình vào rừng, thì gặp con khỉ và Đức Phật cũng cùng hoàn cảnh, cho nên voi phát nguyện mỗi ngày đi xuống suối, mang nước ngọt về cho Đức Phật dùng. Đức Phật đã sống tròn một mùa hạ như thế trong cảnh núi rừng cô tịch của xứ Kosabi lúc bấy giờ.

Ở tại tịnh xá, quý Phật tử đến không gặp Phật. Họ hỏi ra mới biết rằng: vì hai chúng Tỳ kheo cãi vả với nhau; khiến Phật không vui; nên đã vào rừng Kosabi rồi. Các vị cư sĩ này có một yêu cầu: Nếu chư Tăng không hòa hợp, không vui vẻ sống chung với nhau thì giới cư sĩ sẽ không cúng dường nữa. Do vậy mà cả hai chúng Tỳ kheo đều đến nơi Đức Phật cư ngụ và thành tâm sám hối lỗi lầm đã gây ra. Đức Phật đã hoan hỷ nói ra phép lục hòa này để người xuất gia hành trì. Từđó đến nay đã hơn 2.500 năm rồi, chư Tăng dầu Nam hay Bắc tông cũng đều thực hành theo phép lục hòa này ở trong chùa cũng như ngoài xã hội, thì đời sống mới an lạc được.

Như quý vị thấy đó, chúng ta không tạo ra được tài sản, của cải vật chất. Trong khi đó người tại gia có điều kiện này. Vậy chư vị nên biết rằng: chúng ta phải sống có qui củ và vui vẻ thông qua những điều không vừa ý, để người cư sĩ họ nhìn vào còn có ý muốn cúng dường, để tăng trưởng thiện tâm của họ. Xin quý vị đừng có buông lung.

Điều thứ tư là kiến hòa đồng giải. Nghĩa là có ý kiến gì đó, dầu hay hoặc dở cũng đều phải giải thích cho nhau nghe một cách minh bạch, rõ ràng; đúng với chơn lý và giới luật. Không nên tin càng, nghe bậy; rồi cho rằng ý kiến của mình là đúng và khiến cho người khác phải cố công biện minh lại ý kiến của mình, làm cho cả hai bên; nhiều khi là cả chúng, chẳng vui vẻ gì. Cho nên kiến hòa đồng giải là vậy.

Giờđây đến điều thứ năm là giới hòa đồng tu. Nghĩa là phải hòa mình với nhau trong giới luật để tu học. Giới là phạm hạnh; giới là biệt giải thoát; giới là hàng rào ngăn cản những việc xấu. Ta có thể định nghĩa chung rằng: Giới luật còn thì Phật pháp sẽ còn; giới luật mất thì giáo lý của Đức Phật cũng sẽ mất đi. Quý vị thấy đó, suốt một cuộc đời giữ giới thanh tịnh trong sạch như Thầy Tổ mình, Ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt hiệu Liên Hoa Hòa Thượng, làm đến chức Tăng Cang, trụ trì chùa Linh Mụ quốc tự tại kinh đô Huế; thế mà vẫn còn có bóng hồng theo đuổi suốt hơn 40 năm trường; nhưng vẫn chưa thôi. Rồi đây còn gì xảy ra cho chùa này nữa, chúng ta chưa biết. Đó chẳng qua chỉ là chuyện tình cảm, ái ân mà thôi. Một bên muốn cởi trói, còn bên kia muốn ràng buộc lại. Quả là chẳng đơn giản chút nào. Do vậy quý vị nên thận trọng về việc giữ giới để tu hành.

Nhiều khi có thể do chúng ta lơ đễnh không giữ giới; nên ma vương mới có cơ hội để xen vào tâm ta. Nếu bức thành của giới được xây dựng một cách kiên cố, thì ma cũng chỉ tiến đến được bên ngoài chứ không thể vào bên trong được. Giống như A Tu La không thể phá hoại được Tứ Thiên Vương vậy.

Điều cuối cùng là lợi hòa đồng quân. Nghĩa là cái gì có lợi thì hãy chia đều cho nhau. Chúng ta đã bỏ lại tất cả đời sống ở lại sau lưng mình, vào chùa đây để chia xẻ và cộng trụ trong sự hiểu biết về giới luật và phương pháp tu học. Vậy chúng ta chẳng còn có sự ích kỷ nào để giữ riêng cho mình cả. Ngay như trong chúng ta đây 20 người mà chỉ được cúng 5 trái cam, thì chúng ta phải vắt nước cam ra và chia đều cho 20 vị. Đây là hành động thuộc về lợi hòa đồng quân vậy.

Ngoài ra nếu có người nào hiểu biết về Phật pháp, về giới luật mà cảm thấy có thểđem lại sự lợi ích cho mọi người chung quanh mình, thì cũng nên đem chia xẻ sự lợi lạc này cho người khác nghe, để cùng nhau tu học. Đây cũng là sự lợi hòa đồng quân vậy”.

Sau một thời gian tu học tại chùa Khải Tường, Sư Bổn Giác được cử làm Tri sự chùa Từ Ân lo việc hành chánh và tài chánh; lúc ấy trụ trì chùa này là Ngài Linh Nhạc - Phật Ý. Ngài cũng thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 35 – là y chỉ sư của Ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt hiệu Liên Hoa Hòa Thượng và là sư phụ của Ngài Bổn Giác.

Ngài Phật Ư là pháp tôn của Tổ Sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch.

Năm 1821 Hòa Thượng Phật Ý – Linh Nhạc viên tịch ở chùa Từ Ân, trong khi Hòa Thượng Thiệt Thành - Liễu Đạt hiệu Liên Hoa đang giữ chức Tăng Cang chùa Thiên Mụở kinh đô Huế. Sư Bổn Giác cùng với đồ chúng lo tang lễ và lập tháp thờ Sư Ông mình trong chùa Từ Ân. Sau đó Sư Tế Chánh - Bổn Giác (1771 - 1851) được lên kế thế Trụ trì chùa Sắc Tứ Từ Ân và Sư Bổn Giác lo trùng tu lại chùa Từ Ân để báo ân Ngài Phật Ý – Linh Nhạc cũng như Bổn sư mình là Hòa Thượng Liên Hoa.

Ngài Tế Chánh - Bổn Giác vẫn tu hành thanh tịnh. Bên trong lo sách tấn Tăng chúng và bên ngoài lo tu bổ chùa viện; nhưng chùa Từ Ân vẫn không yên ổn. Mặc dầu Tăng chúng ởđây không phạm lỗi lầm gì nghiêm trọng. Sau bao nhiêu kỳ an cư kiết hạ và Bố Tát tụng giới như thế, Ngài Tế Chánh - Bổn Giác mới đem vấn đề của nội tự lên thưa với Hòa Thượng Viên Quang đang Trụ trì chùa Giác Lâm, là đệ tử của Hòa Thượng Phật Ý – Linh Nhạc về vấn đề động chúng này.

Sau một thời gian thiền quán để tìm nguyên nhân và tìm cách giải quyết những bất ổn ở chùa Từ Ân, Hòa Thượng Viên Quang mới nhận ra được là: “Có thể Hoàng Cô có thần thức luyến ái Hòa Thượng Liên Hoa quá mạnh và muốn được gần gũi Hòa Thượng chăng. Do vậy mà gây nên xáo trộn trong chùa Từ Ân để đòi yêu sách”.

Nguyễn Du có viết trong truyện Kiều là:

“Kiều rằng: những kẻ tài hoa
Thác là thể phách, còn là tinh anh”

Dĩ nhiên không phải chỉ riêng cho những kẻ tài hoa mới như vậy, mà hầu như mọi người đều như thế cả. Sự sống nó giống như một bóng điện và tâm thức hay thể phách ấy giống như một dòng điện vậy. Khi bóng điện hư, ta không thể nói là dòng điện không còn nữa. Dòng điện vẫn còn hiện hữu ở nhiều hình thức khác nhau. Nếu chúng ta thay bóng điện khác, thì ta sẽ có loại ánh sáng khác; hoặc mờ hơn hay sáng tỏ hơn.

Thân này giống như bóng điện và tâm này giống như dòng điện vậy. Khi thân này mất, không có nghĩa là không còn tâm nữa. Tâm này sẽ gắn bó với ta mãi mãi; nó sẽ thay đổi tùy theo sự đầu thai mà thôi. Cũng là dòng điện; nhưng điện ở nhiều hình thức khác nhau, thì tâm này cũng thế. Cái tinh anh ấy Nguyễn Du đã dùng trong truyện Kiều; chính là cái tâm dẫn đầu các pháp vậy.

Chết không phải là hết, mà chết chỉ là một sự bắt đầu lại kiếp khác, là sự ngơi nghỉ trong kiếp sống luân hồi này. Sự luân hồi ấy giống như chiếc áo nghiệp. Ta mặc chiếc áo này xong, cởi ra, sẽ mặc chiếc áo khác tiếp theo. Trừ phi chúng ta không muốn mặc nó nữa, thì chiếc áo nghiệp sẽ tự động di chuyển nơi chỗ khác.

Tất cả Phật giáo Nam Truyền hay Bắc Truyền đều công nhận có những điểm chung như sau: Nghĩa là sau khi con người ở trạng thái lâm sàng, thân trung ấm này sẽ chọn 3 cách để đi đầu thai.

Cách thứ nhất: Thần thức sẽđi ngang để chọn nghiệp làm người ở kiếp sau. Nếu kiếp này người ấy giữ tròn 5 giới của Phật chế.

Cách thứ hai: Tâm thức của người mất sẽ bay bổng cao hơn để đi đầu thai vào cõi Chư Thiên; nếu người ấy ở kiếp trước tu Thập Thiện nghiệp.

Cách thứ ba, tâm thức của người đó sẽđi thẳng xuống 3 cõi tối tăm của địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Nếu kiếp trước người ấy phạm vào tội ngũ nghịch hay nhứt xiển đề.

Trong kinh Đại Bảo Tích - Phẩm Nhập Thai Tạng Pháp Giới, Đức Phật dạy rõ ràng về việc đi đầu thai theo nghiệp lực của các vị Bồ Tát và đầu thai theo nghiệp lực của chúng sanh như sau:

Bồ Tát vì nguyện lực vào đời để cứu khổ nhân sinh; nên Bồ Tát có thể tự chọn nơi chốn và thai cung của người mẹ để đi đầu thai. Do vậy đa phần các Bồ Tát chọn lối đứng bên hông phải của người mẹ; không nằm vào trong tử cung để chịu sự chi phối trực tiếp của người mẹ; cho nên khi sinh ra, Bồ Tát thường hay từ hông phải của người mẹ bước ra là vậy.

Còn chúng sanh do bị nghiệp lực chi phối, không được biết rõ ở phía trước có gì và phía sau nên tránh những gì; cho nên khi thuận đâu là gá vào đó. Đây là sự khác biệt to lớn giữa nguyện lực và nghiệp lực. Khi tâm thức của một chúng sanh bình thường muốn đi chọn nghiệp để đầu thai thì tâm thức ấy chọn người gần gũi nhất trong gia đình mình; để khi xuất hiện ra đời kế tiếp, là báo thù nhau; hoặc trả ân trả nghĩa cho nhau; nhưng điều đầu tiên là tâm thức ấy chịu chi phối bởi nghiệp lực về sự chấp trước. Ví dụ tâm thức là con trai, nó sẽ nhận nơi đầu thai vào tử cung người mẹ tương lai của nó, là vợ của tâm thức ấy ngay khi chọn nghiệp. Còn nếu tâm thức ấy là con gái, tâm thức kia sẽ nhìn nhận người cha trong tương lai của nó, là chồng của tâm thức khi gá thai vào. Do vậy sự luân hồi sanh tử nó bắt đầu ngay từ lúc chưa tượng hình thành đứa bé, chứ không phải khi đã lìa khỏi tử cung người mẹ.

Thời gian 9 tháng 10 ngày. Mỗi lần 7 ngày trong bào thai của mẹ là có một sự thay đổi của hình hài đứa bé, sau khi đã được tượng hình. Nếu đứa con hiếu thảo, đến kỳ sinh nở của người mẹ, nó xuôi mình mà ra. Nếu nó là nghịch tử; nó sẽ ra bằng cách ngược chiều, khiến cho mẹ phải đau lòng. Vì vậy cho nên mẹ cha chẳng quản khó nhọc, để nuôi cho con khôn lớn là bắt đầu từ cái nhân duyên trứng nước này.

Còn người nào trong kiếp trước hay làm phước bố thí, cúng dường, xây chùa, đúc tượng, tô chuông v.v… hành theo 10 nghiệp thiện như: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác, không tham, không sân và không si … thì tâm thức của người ấy sẽđi đầu thai vào các cảnh giới của chư Thiên. Vì phần trược, thô của họ ít và phần thanh, nhẹ họ nhiều. Cho nên tâm thức mới được bay bổng và nhập vào những thế giới cao hơn. Ví dụ nhưở cõi Sắc Giới hoặc Vô Sắc Giới chẳng hạn. Cũng có thể tâm thức ấy không cần đầu thai nơi có cả 2 giới tính là nam hoặc nữ, mà có nơi chỉ cần một loại giới tính mà thôi.

Hoặc giả cũng có lắm người khi còn sống chẳng tin vào nhân quả, luân hồi và nghiệp báo. Cho nên làm những điều tội lỗi như: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật ra máu; hoặc chẳng tin vào chánh pháp … thì những kẻ này khi mất, thân trung ấm ấy nằm trong trạng thái tối tăm. Thần thức sẽ dẫn tâm thức ấy tự động đầu thai vào các chốn địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Vì lẽ những chúng sanh này cái thanh ít mà cái trược quá nặng nề.

Ngoài ra có một số chẳng được siêu hoặc chẳng được đi đầu thai thì sau 49 ngày họ phải làm những loài cô hồn vất vưởng đây đó để kiếm ăn và nương vào lời kinh, tiếng kệ cũng như những buổi chẩn tế cô hồn tại các chùa, may ra gặp nhân duyên đầy đủ sẽ được siêu thoát.

Nếu những người tu theo Tịnh Độ Việt Nam hay Trung Hoa thì họ tin rằng: phải niệm Phật cầu được vãng sanh về thế giới Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà qua 3 điều kiện là Tín, Nguyện, Hạnh và điều quan trọng là nương tựa vào lời nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà để được vãng sanh. Lời nguyện ấy cho biết rõ ràng là: “Nếu có chúng sanh nào cho đến trước khi lâm chung, chí tâm niệm danh hiệu của ta cho đến 10 niệm chí tâm, nếu ta không đưa chúng sanh ấy về thế giới của ta thì ta quyết sẽ không ở ngôi Chánh Đẳng Chánh Giác”. Đây là do lòng bi mẫn của Đức Phật A Di Đà vậy. Ngài đã duỗi cánh tay dài ra khắp 10 phương vô biên thế giới để cứu khổ độ mê; nên mới được như vậy và cõi của Ngài được gọi là cõi: Phàm Thánh đồng cư Tịnh Độ.

Những người tu theo Tịnh Độ Tông căn cứ vào 3 bộ kinh quan trọng đó là kinh: A Di Đà, Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ. Kinh A Di Đà giới thiệu cảnh giới Tây Phương Cực Lạc rất rõ ràng để hành giả khi niệm Phật phải hình dung và quán tưởng cõi này luôn nằm trong tâm thức của mình. Nơi đây Đức Phật A Di Đà cũng bảo rằng: nếu người ít căn lành và ít phước đức cũng như thiếu nhơn duyên thì sẽ khó sanh vào.

Kinh Vô Lượng Thọ nói về tiền thân của Đức Phật A Di Đà và 48 lời nguyện của Ngài khi còn làm Pháp Tạng Tỳ Kheo dưới thời Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai trong quá khứ. Kinh này cũng diễn tả những tội lỗi của những chúng sanh trong thời thập ác, ngũ nghịch.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ, qua Hoàng Hậu Vi Đề Hy, vợ của vua Tần Bà Sa La, Đức Phật đã mô tả rất rõ ràng về các phép quán để sanh vềđó. Đặc biệt là 9 phẩm Liên Hoa.

Những người cư sĩ và tu sĩ phá giới cũng có thể sanh về thế giới của Đức Phật A Di Đà; nhưng không gặp được Phật và các vị Bồ Tát. Suốt trong nhiều tiểu kiếp phải ở trong thai tạng của hoa sen. Chỉ lợi được một điều là không còn luân hồi sanh tử và không đầu thai nữa. Chỉ ở nơi hoa sen ấy nghe pháp, chờ cho đủ kiếp số thì mới hóa sanh. Nhưng muốn sanh về hạ phẩm, với những người tội lỗi như vậy hoặc phạm tội ngũ nghịch, nhứt xiển đề phải cần đến 2 việc quan trọng nữa. Đó là Thiện Hữu Tri Thức và tâm tàm quý của người quá vãng.

Thiện Hữu Tri Thức là những người bạn đạo gần gũi với mình. Người ấy có thể là chồng mình hoặc vợ mình khuyên mình niệm Phật, giúp mình trong khi chính mình không niệm nổi danh hiệu của Ngài. Việc siêu sanh của tâm thức ấy về cõi Tịnh Độ ở phẩm thấp nhất quyết không phải do nhờ Thiện Hữu Tri Thức, mà do lực từ bi của Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn. Còn Thiện Hữu Tri Thức chỉ là trợ duyên thôi. Ngoài ra điều quan trọng nhất là tâm tàm quý của chính người mất. Tàm quý có nghĩa là xấu hổ, thẹn thùng về những việc làm tội lỗi trong quá khứ của mình. Trước khi lâm chung mà người muốn sanh về cõi Tịnh Độ, nếu không có tâm này thì sẽ không sanh được, mặc dù có Thiện Hữu Tri Thức bên cạnh hay lòng từ của Đức Phật A Di Đà có hiện hữu đi nữa, cũng khó mà được vãng sanh.

Đến thế kỷ thứ 13 tại Nhật có xuất hiện một vị Thánh Tăng về Tịnh Độ Chơn Tông. Đó là Ngài Thân Loan Thánh Nhơn. Ngài chủ trương “tức thân thành Phật”. Nghĩa là tu chỉ cần trong một đời là có thể thành Phật và tư tưởng “kẻ ác tu nhanh hơn người hiền” qua chứng minh Vô Não gặp Phật hay sự thức tỉnh của A Xà Thế khi muốn thả phụ vương Tần Bà Sa La ra khỏi ngục thất. Đó là những người ác mà có tâm quy phục về cái thiện. Nói như vậy không phải là chúng ta nên làm ác thật nhiều để tu cho dễ chứng, mà điều này chứng minh cho ta thấy rằng: Phật không phân biệt kẻ ác, người hiền. Người nào phục thiện, kẻấy đều có chỗ đứng nơi chốn Liên Đài ở thế giới Tây phương Cực Lạc của Ngài.

Ngoài ra với Tịnh Độ Tông của Nhật Bản, Ngài Thân Loan Thánh Nhân chủ trương phải có 5 điều kiện đi kèm nữa để được vãng sanh. Đó là: chí tâm, tín nhạo, dục sanh, nhiếp thủ và bất xả.

Ba tâm đầu là do hành giả niệm Phật phải tự lo liệu; hai tâm sau là do Bồ Tát và chư Phật đảm nhận, hộ trì.

Chí tâm có nghĩa là một lòng tin theo câu Phật hiệu: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Niệm danh hiệu này một cách chí tâm, sẽ được vãng sanh như lời nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà.

Tín nhạo là vui tin theo. Sở dĩ chúng ta chưa thấy, chưa gặp được Đức Phật A Di Đà mà chúng ta vẫn tin rằng: chúng ta có thể vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc là do sự giới thiệu của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni về thế giới Cực Lạc và vị Giáo Chủ tại đó qua kinh Tiểu Bổn A Di Đà.

Dục sanh có nghĩa là muốn sanh vềđó. Có thể có nhiều chúng sanh sau khi lâm chung, họ không muốn sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Vì lẽ họ tu Thiền chẳng hạn. Cực Lạc chỉ có một, mà Tịnh Độ thì có nhiều cõi khác nhau. Cõi Cực Lạc là cõi Phàm Thánh đồng cư Tịnh Độ. Còn cõi Tịnh Độ là những cõi Thường Tịch Quang của chư Phật và chư vị Bồ Tát có ở khắp nơi trong 10 phương vô biên quốc độ vậy.

Nhiếp thủ là cầm chặt lấy. Đây là hành động của các vị Bồ Tát khi đã đưa một chúng sanh về được thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi, thì các Ngài gìn giữ nâng niu như người mẹđã bồng ẵm được đứa con trong lòng bàn tay mình rồi, thì không muốn buông xả ra nữa.

Bất xả có nghĩa là chẳng rời bỏ. Tình thương của chư Phật và chư vị Bồ Tát được thể hiện qua những việc cứu khổ độ mê. Nếu chúng sanh nào còn mê mờ chưa giác ngộ và giải thoát sanh tử luân hồi là Bồ Tát luôn canh cánh bên lòng, quyết làm sao cho chúng sanh ấy phải sớm giác ngộ và khi đã cứu độ được rồi thì không buông bỏ.

Đến thế kỷ thứ 9 tại Tây Tạng có phái Phật giáo Cổ Mật chủ trương muốn được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc phải cần 4 điều kiện như sau:

Điều kiện đầu tiên là niệm danh hiệu Phật và quán tưởng. Người niệm Phật phải quán sát thật kỹ thế giới Tây Phương Cực Lạc một cách tỉ mỉ như trong kinh A Di Đà đã giới thiệu. Đây cũng là hình ảnh để Thiền quán lúc trì danh niệm Phật. Cứ quán tưởng liên tục nhiều lần, nhiều năm như thế, hình ảnh này sẽăn sâu vào tâm thức của hành giả niệm Phật.

Phần thứ hai là hành giả niệm Phật nên tu tạo những công đức, để hồi hướng phước báu này cho chính mình và tha nhân khi còn sống cũng như lúc lâm chung. Dầu cho cúng Phật một giọt dầu, một cây đèn cầy; hay phát tâm tu tạo, xây dựng những công trình to lớn như chùa viện; hay đúc chuông, làm trường học, xây dựng đường sá v.v… là những phước đức vô cùng quan trọng của một hành giả vậy. Dầu việc tu tạo phước đức ấy có nhỏ hay lớn, nó cũng giống như những giọt nước mưa; ban đầu chỉ từng giọt nước một nhỏ xuống đất, rồi nước ấy chảy vào ao hồ. Từ ao hồ, nước kia chảy ra sông, rồi biển lớn. Trong biển cả mênh mông ấy có chứa những giọt nước mưa ban đầu đó.

Phước đức cũng như vậy. Trong biển phước đức vô biên kia luôn luôn hàm chứa nhiều công việc từ thiện của mỗi người, dầu nhỏ như hạt cát, như giọt mưa kia. Nó luôn luôn được tích chứa đầy đủ trong sự to lớn, thành tựu giải thoát, giác ngộ. Đây là phước đức mà người tu học cần phải dụng công để được tích lũy.

Điều thứ ba là phát tâm Bồ Đề để cầu thành vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Người tu học mà không phát tâm Bồ Đề chẳng khác nào kẻ đội nón ra đường; nhưng chẳng biết đi về hướng nào. Đôi khi điều kiện thứ 3 này cũng không cần thiết lắm đối với một số hành giả đã có tâm vững mạnh khi phát nguyện vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

Điều cuối cùng là phải phát nguyện hồi hướng tất cả những công đức có được đó về cho pháp giới chúng sanh và cầu cho mọi người, mọi loài được trọn thành Phật đạo. Dầu cho loài có tình hay loài vô tình đi nữa thì chúng ta cũng cần phải có tâm từ bi hồi hướng tất cả những gì chúng ta thực hiện được trong sự tu học; giúp cho họ cũng được giác ngộ, giải thoát như mình.

Đây là 4 điều quan trọng của Phật giáo Tây Tạng thuộc về phái Cổ Mật đã hành trì cả nhiều thế kỷ nay, để nguyện sanh về thế giới Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà.

Đức Phật A Di Đà tại Ấn Độ, qua sự giới thiệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài có 45 lời nguyện bằng tiếng Sanskrit. Khi sang Trung Hoa và Việt Nam, Nhật Bản; lời nguyện của Ngài trở thành 48. Lúc đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 9. Tại đây những lời nguyện của Ngài trở thành 51. Tuy nhiên dầu nhiều hay ít. Điều quan trọng là lời thệ nguyện của Ngài, tất cả đều vì lý do là cứu độ chúng sanh, nếu không được như vậy thì Ngài sẽ không thành Phật.

Riêng Phật giáo Tây Tạng ở Tông Cổ Mật này chủ trương vãng sanh có những điều táo bạo và khác hơn các Tông phái Tịnh độ khác của thế giới là:

Thân Trung Ấm (Bardo) – Khi một vị đạo sư, một hành giả hành trì pháp môn niệm Phật, thân trung ấm có thể quán tưởng vị đạo sưấy chính là hiện thân của Đức Phật A Di Đà. Nhiều khi thân trung ấm tự quán tưởng chính mình là sự hiện thân của Đức Phật A Di Đà. Hình ảnh này khó thấy được nơi Phật giáo ở các nước khác. Có thể nó quá sức tưởng tượng chăng? Hoặc đôi khi còn táo bạo hơn nữa là chính hình ảnh các Đức Phật và các Bồ Tát giao hội với nhau khi hành giả quán tưởng để sợ hãi mà tu. Đây cũng là hình thức quá táo bạo, mà các nước Phật giáo khác không chủ trương.

Đến phần phowa (chuyển di tâm thức) của người mất đang nằm trong trạng thái lâm sàng qua trung gian vị Đạo sư để nhập vào thể tánh của Đức Phật A Di Đà, thì đây cũng là một việc làm tương đối khác với các nước Phật giáo tu theo Tịnh Độ Tông. Vì lẽ chỉ có Đức Phật A Di Đà mới đầy đủ khả năng cứu độ chúng sanh; còn chúng ta, dầu là cư sĩ thượng thặng như Ngài Duy Ma Cật hay tăng sĩ như Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đi nữa cũng khó bề mà thay thế cho hình ảnh của Đức Phật A Di Đà được.

Tuy nhiên Phật giáo Tây Tạng cũng có cái hay là chỉ dẫn rất rõ ràng cho người sống cũng như người mất; trước, trong và sau khi qua đời phải làm như thế nào để tránh cho tâm thức của người quá cố giận dữ, khiến cho họ dễ bị sanh vào ác đạo. Ví dụ như khi người mất còn đang ở trong thân trung ấm thì không nên kể lại những chuyện buồn cho hương linh ấy nghe, mà nên kể về những việc hay ho trong quá khứ, về cuộc đời trong khi sống, người ấy đã thực hiện như thế nào để họ dễđi đầu thai hơn. Ngoài ra người trợ tử đến tụng niệm hay hành thiền, không nên ngồi hoặc đứng dưới bụng hay chân người mất để hộ niệm. Vì những nơi ấy thần thức có thể xuất ra. Nếu người sống đứng đó sẽ làm cản trở sựđi đầu thai của người đã mất.

Về màu sắc để được đi đầu thai tương đối cũng rất quan trọng đối với người Tây Tạng. Nếu thần thức còn đang ở trung ấm thân thấy màu khói hương, màu sẫm hay màu nâu thì không nên theo đó để tin vào. Hình ảnh này sẽ dẫn trung ấm thân đi vào địa ngục. Nếu là màu vàng thì sẽ sanh về thế giới của chư Phật, màu trắng sanh về thế giới của chư Thiên hay loài người. Màu xanh có thể sanh về thế giới của ngạ quỷ.

Đối với các nước Phật giáo Đại Thừa đều có quan niệm chung là: Nếu màu sáng trắng thân trung ấm nên vin vào đó để đi đầu thai ở cảnh giới cao hơn. Nếu là màu đen thì không nên vin vào, dầu cho nơi ấy có nhiều niềm vui đi chăng nữa, vì màu ấy sẽ dẫn chúng sanh vào địa ngục.

Trong Đại chúng chùa Từ Ân hôm đó có người dang tay lên hỏi Hòa Thượng Tế Chánh - Bổn Giác rằng:

-Bạch Thầy! Thế thì Sư Ông của con, cố Hòa Thượng Liên Hoa đã được sanh về thế giới nào vậy mà không thấy được diễn tả qua những điều vừa kể?

Hòa Thượng Tế Hanh - Bổn Giác đáo mắt một hồi qua cả giảng đường và hỏi rằng: Có vị nào có thể giải thích được chăng?

Sau một hồi im lặng. Có một vị dang tay lên trả lời rằng:

-Bạch Thầy và Đại chúng! Sư Ông của chúng con đã giải thoát rồi.

Ở dưới hội trường không khí đang trầm lắng. Bỗng có nhiều tiếng ồ thật lớn, át cả tiếng trả lời của vị này và bảo rằng:

- Làm sao Thầy biết được? Bằng chứng đâu?

-Việc này rõ ràng quá mà chư huynh đệ không để ý đó chứ. Trước khi tự thiêu Sư Ông của chúng ta đã để lại bài kệ Niết Bàn khởi đầu bằng 4 chữ Thiệt Thành - Liễu Đạt, quý Thầy quên rồi sao? Đó là:

Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần Thành không vẩn đục, vẫn trong ngần Liễu tri mộng huyễn, chân như huyễn Đạt đạo minh vui, đạo mấy lần.

Ở dưới mấy tràng pháo tay thật lớn hướng về Thầy trả lời để thay cho lời chúc tụng khen tặng.

Lại có vị Thầy khác dang tay lên hỏi:

-Bạch Thầy! Thế thì Hoàng Cô Tế Minh – Thiên Nhựt sinh vềđâu vậy?

-Thầy không nghe và không thấy hoa chuối đã nở trong vườn chùa Đại Giác sao?

. Hoa chuối trắng? Người có thể biến thành hoa?

. Tình và vô tình đều giống nhau chứ !

-Nhưng người không thể thành hoa được. Vả lại bà Hoàng Cô này vì mê muội, yêu Sư Ông mình, cuối cùng tự tử; giết chết đời mình; tức là phạm vào giới sát sanh đấy chứ? Vì bà không siêu cho nên làm cho chúng tăng chùa chúng ta lục đục hoài; Sư phụ gọi là động chúng.

- Thầy có nghe gì không?

-Mỗi đêm thường nghe có tiếng động lắc cắc trên bàn thờ vong, tôi rắn mắc bước đến xem thì chẳng có nghe gì nữa cả.

-Như vậy là ma rồi.

- Chùa làm gì có ma?

. Nhưng mà những kẻ không siêu, thường hay hiện về nửa đêm như thế.

. Nhưng vua Minh Mạng và triều đình đã cho chôn cất và làm lễ tử tế kia mà.

-Đó là một chuyện khác.

- Còn chuyện nào khác nữa?

-Chuyện tình của Hoàng Cô chắc đã dứt chưa?

-Sao Thầy biết?

- Thì xem pháp danh và pháp tự thì biết.

-Nghĩa là sao?

- Pháp danh của bà Hoàng Cô, Sư Phụ mình cho là Tế Minh; còn Pháp tự là Thiên Nhựt. Minh Nhựt không phải là ngày mai sao? Mà ngày mai thì đâu khi nào có thật? Có thể ngày mai rồi ngày mai nữa, bà ấy vẫn còn ở đâu đây, khiến cho chúng tăng của chùa Từ Ân luôn luôn động chúng.

- Thế bây giờ phải làm sao đây?

-Phải thưa thật với Sư Phụ về những hiện tượng lạ lùng trên bàn vong của chùa mình vào ban đêm để Sư Phụ giải quyết.

Do những sự xáo trộn trong chùa đã xảy ra lâu nay; nên Hòa Thượng Tế Chánh - Bổn Giác đã tham khảo ý kiến của Hòa Thượng Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm. Hòa Thượng Viên Quang đề nghị với Thiền Sư Bổn Giác cho đưa linh vị của Hoàng Cô đang thờ bên bàn vong lên thờ chung với long vị của Hòa Thượng Liên Hoa đang thờ trên bàn thờ Tổ thì sẽ yên.

Quả nhiên, sau khi làm như thế, trong chùa Từ Ân trở lại bình thường, không còn xáo trộn như trước nữa. Vì vậy cho đến ngày nay, ở chùa Từ Ân, trên bàn thờ Tổ, bên cạnh long vị của Hòa Thượng Liên Hoa còn có linh vị của Hoàng Cô và bên trên linh vị có ghi: “Thích môn hộ giáo, Hoàng Cô, thọ Bồ Tát Giới, pháp danh Tế Minh, tự Thiên Nhựt chi vị”.

Điều nầy cũng đúng với câu:

“Tu đâu cho Thiếp tu cùng
Sau khi thành Phật ngồi chung một bàn”.

Vậy ai bảo chết rồi là hết? Chết rồi là không linh? Khi còn sống chưa toại nguyện điều gì, đến khi chết họ muốn phải thực hiện được điều đó. Nếu không, họ vẫn phá phách dưới nhiều hình thức khác nhau. Ởđây chúng ta có thể thêm vào một vài phần lý giải căn cứ theo quan niệm dân gian và quan niệm của Phật giáo.

Quan niệm bình dân cho rằng: sống ra sao thì chết sẽ như vậy. Nghĩa là người sống có tâm thức khi ăn uống, khi ngủ nghỉ, khi dạo chơi v.v… thì người chết, tuy họ không có thân xác như người thường chúng ta; nhưng nếu họ chưa đi đầu thai được, họ cũng cần ăn uống; nhưng không phải đồ dùng bình thường như chúng ta, mà phải qua những bài thần chú, để thức ăn, vật uống ấy hóa nhỏ ra, người chết ấy mới có thể dùng được, Người sống mặc áo quần, thì người chết cũng cần như vậy; nhưng không phải là loại áo quần bình thường, mà là loại áo quần đã được gia trì và cầu nguyện.

Có nhiều người chết hằng 50, 60 năm mà họ vẫn chưa siêu thoát. Vì không có người thân lo cúng quảy, cầu nguyện. Do vậy mà họ vẫn luôn luẩn quẩn đâu đây. Cho đến khi nào họ gá vào thai được rồi, mọi việc mới tạm yên cho một kiếp nhân sinh.

Còn theo quan niệm của Phật giáo thì như thế nào? Rõ ràng là: chết không phải là hết. Chết chỉ là bắt đầu lại một kiếp sống khác mà thôi. Kiếp sống này là kết quả của kiếp trước và cũng là cái nhân của kiếp sau. Nếu muốn thoát khỏi vòng lẩn quẩn của kiếp nhân sinh đó, chính con người phải phát nguyện rời bỏ thế giới này để chứng thành Phật quả, sau đó trở lại độ sanh ở thế giới này; hoặc giả không muốn giải thoát mà vẫn luôn luôn làm người hay chư Thiên để hưởng trọn niềm vui ngũ dục, lẫn lộn với chúng sanh, thay thế những khổ sở của chúng sanh để thực hành Bồ Tát Hạnh.

Đó là những người có ý chí và có thể làm chủ được chính mình; nhưng đa phần là ý chí thấp kém, không thể tự làm chủ mình mà để cho nghiệp lực dẫn dắt đi đầu thai. Cho nên không phải lúc nào cũng đầu thai nhằm chỗ tốt đẹp. Lúc ấy cần phải có sự trợ lực của chư Phật, chư Bồ Tát và các vị Thánh Tăng thì tâm thức ấy mới có thể thăng hoa giải thoát được.

Vậy thì thể xác mất, mà tâm thức còn. Điều này phải khẳng định như vậy theo cái nhìn của Phật giáo, để chúng ta tin tưởng rằng: chết chỉ là sự ngơi nghỉ trong 6 nẽo luân hồi và con đường sanh tử vẫn còn tiếp diễn theo sau đó nữa; nhưng nếu người mất ấy có thân nhân lo cầu nguyện, cúng giỗ, tu tạo phước đức, ăn chay, niệm Phật, quy hướng Tam Bảo v.v… thì người mất ấy có thể sanh về thế giới cao hơn. Ngược lại chẳng có ai là thân nhân quyến thuộc để lo cho việc này thì người mất ấy dễ dàng đọa lạc. Nhưng điều quan trọng hơn cảởđây là tâm thức của người mất ấy có đủ mạnh để lập nên những lời thệ nguyện không, chứ không phải hoàn toàn lệ thuộc vào người khác.

Những người tu theo pháp môn Thiền hay Mật hay những Tông phái khác, có những lập luận khác nhau, để họ nương vào đó mà tu học. Ví dụ như người tu Thiền đến chỗ thân tâm nhứt như thì Ta Bà đối với họ cũng là Tịnh Độ. Tịnh Độ cũng là chốn này chứ không nhất thiết phải tìm ởđâu xa cả. Còn Chân Ngôn Mật Giáo họ quan niệm rằng khi thân, miệng, ý tương ưng với nhau lúc hành trì như tay bắt ấn, miệng niệm câu Thần chú, ý tưởng trụ vào nơi Tam Ma Địa… thì đó chính là cảnh giới giải thoát trong hiện tại.

Dĩ nhiên có rất nhiều cách nhìn và cách nghĩ khác nhau; nhưng nhìn chung thì Phật giáo vẫn quan tâm về những cõi tâm linh sau khi chết mà không được giải thoát ấy, nhằm giúp đỡ cho họ thoát ra ngoài những trói buộc của nghiệp lực do nhờ những trợ lực của chư Tăng và gia bị lực của chư Phật. Do đó mới có những đàn tràng chiêu mộ người chết hay chẩn tế cô hồn; hoặc cầu siêu, cúng vong v.v… là những nghi lễ thể hiện tấm lòng của người còn sống đối với những kẻđã ra đi vĩnh viễn khỏi cuộc sống thế trần này.

Cái chết của Hoàng Cô là một cái chết không bình thường. Cho nên sau cái chết ấy đã làm cho chúng Tăng chùa Từ Ân luôn luôn giao động. Nhiều vấn đề phiền toái xảy ra; điều đó chẳng phải do chư Tăng tạo nên, mà chính tâm thức của người mất đã tạo ra việc đó; làm cho người còn sống phải lưu tâm, giúp đỡ; nhưng liệu đem bài vị và long vị để chung với nhau trên bàn thờ Tổ như thếđã yên chưa? Là một câu hỏi mà mọi người chung quanh sự kiện này vẫn còn thắc mắc, lo âu.

Tiếp đến là chiếu chỉ của vua Minh Mạng gởi cho Thiền Sư Tế Chánh - Bổn Giác như sau:

Kinh Thành Huế ngày … tháng … năm 1823, Minh Mạng năm thứ 4

Chiếu Chỉ

Nhận thấy chùa Linh Mụ tại kinh đô Huế là một ngôi chùa do các Chúa lập nên lâu đời và đã được trùng tu nhiều lần từ năm 1604 đến nay. Suốt ngần ấy thời gian, không lúc nào là thiếu vắng hình ảnh những vị Trụ Trì đạo cao đức trọng, trụ tại đó để lo vấn đề dạy dỗ Tăng Ni, đồng thời hoằng truyền giáo pháp Phật Đà tại chốn kinh kỳ này.

Nay Hòa Thượng Thiệt Thành - Liễu Đạt hiệu Liên Hoa đã viên tịch; nên Trẫm và bản triều sắc chỉ xuống bộ lễ và tấn phong Tăng Cang Tế Chánh - Bổn Giác, là đệ tử của cố Hòa Thượng Liên Hoa đảm nhận kế tiếp trụ trì Linh Mụ kể từ ngày chiếu chỉ này được ban hành.

Đồng thời trong vòng 3 năm trở lại; nên thu xếp việc tro cốt của Hoàng Cô, pháp danh Tế Minh - hiệu Thiên Nhựt di chuyển về kinh thành để cải táng và những nghi lễ cầu siêu, bạt độ, giải oan để hương linh được siêu thoát, Trẫm và triều đình nhờ Ngài lo liệu. Mọi phương tiện cần thiết để lo chu cấp cho những cuộc lễ này sẽ do Trẫm và nội cung chu cấp.

Khâm thử.

Như vậy là chùa Từ Ân có thêm một vị Tăng Cang, Trụ trì chùa Linh Mụở Huế mà tại Từ Ân thì lại mất đi một vị Trụ Trì khả kính. Vì Ngài là một trong những vị đệ tử giỏi giang đặc biệt của Hòa Thượng Liên Hoa. Thầy mình đã trải qua không biết bao nhiêu việc giữ gìn tịnh giới mà còn xảy ra những việc ngoài ý muốn như vậy. Nay chính mình đảm nhận cả hai việc một lúc như thế, không biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra đây? Đây cũng là câu hỏi đặc biệt hệ trọng, chính Ngài Tế Chánh - Bổn Giác không thể trả lời được, nên phải đến Thiền Sư Viên Quang để vấn kế.

Thiền Sư Tế Chánh - Bổn Giác thưa rằng:

Kính bạch Hòa Thượng

Gần đây nội tự của chùa Từ Ân nói riêng và các chùa khác nằm quanh vùng Sài Gòn Gia Định nói chung như chùa Đại Giác, chùa Khải Tường và ngay như chùa Giác Lâm đây cũng có xảy ra nhiều vấn đề rất tế nhị, lại thêm chiếu chỉ của Hoàng Thượng đương triều mới gởi đến chùa Từ Ân. Riêng con rất phân vân, vì Sư Ông Linh Nhạc - Phật Ý mới viên tịch 2 năm qua và trong 2 năm đó khi Sư Phụ con, Hòa Thượng Liên Hoa trụ trì chùa Linh Mụở Huế, thì ở chùa Từ Ân này con lo trùng kiến lại để cho có nơi chốn thờ Phật đàng hoàng hơn xưa; không ngờ Sư Phụ con lại trở về chốn xưa và cuối cùng thì nhập thất tại chùa Đại Giác, rồi Ngài tự thiêu, khiến cho chúng con là những đệ tử xuất gia cũng như tại gia chẳng biết sao mà tính cả. Gần đây thêm việc Hoàng Cô uống độc dược tự tử và chuyện ra Kinh Đô của con để làm Trụ trì chùa Linh Mụ cũng như nhận chức Tăng Cang không biết có nên không? Ngưỡng mong Hòa Thượng vì đàn hậu học mà dạy bảo cho. Vì Ngài là một bậc Long Tượng của Phật giáo vùng này. Kính mong Ngài hoan hỷ.

Ngài Hòa Thượng Tổ Tông – Viên Quang là vị thầy rất có kinh nghiệm về việc hoằng pháp tại vùng này, cũng nhưđã trải qua thời gian trụ trì chùa Giác Lâm từ năm 1772 đến nay 1823 cũng đã trải qua 50 năm rồi. Kể từ khi còn Ngài Phật Ý - Linh Nhạc cũng như Ngài Tổ Tông - Mật Hoằng và Ngài Liên Hoa Hòa Thượng. Do vậy sau một hồi lâu suy nghĩ, Hòa Thượng Tổ Tông – Viên Quang cất tiếng nói dõng dạc như sau:

Thưa Ngài ! Tất cả chúng ta là người đồng môn cả. Tuy Thầy tuổi nhỏ hơn tôi, kể cả tuổi đời lẫn tuổi đạo; nhưng tất cả chúng ta đều đồng chung một Tổ Sư Lâm Tế. Đó là do Ngài Nguyên Thiều – Siêu Bạch từ Trung Quốc đến đây truyền thừa mà gần cả trăm năm nay Phật giáo Đàng Trong của chúng ta đã gội nhuần ân pháp vũ ấy. Nay có nhiều trở duyên trong chốn Thiền Môn của chúng ta, Ngài đến đây tham vấn, tôi xin có một số đề nghị như sau:

-Nơi chùa Đại Giác tuy sinh thời Hòa Thượng Liên Hoa, Bổn Sư của Ngài không trụ trì tại đó; nhưng cuối đời, Ngài đã về chùa Đại Giác nhập thất tu hành, mong cho thoát khỏi nghiệp trần duyên; nhưng không ngờ Hoàng Cô đã tìm đến và cuối cùng là Ngài đã tự thiêu tại đó. Qua bài kệ Niết Bàn của Ngài, chúng ta thấy rằng Hòa Thượng Liên Hoa đã siêu thoát. Vì suốt cả cuộc đời của Ngài giới hạnh tinh nghiêm, không ai qua khỏi. Do vậy Sư phụ tôi, Ngài Phật Ý – Linh Nhạc cũng đồng ý cho Hòa Thượng Liên Hoa ra kinh vào năm 1817 để đảm nhận chức Trụ trì chùa Linh Mụ cũng như nhận việc tấn phong lên Tăng Cang và nhận Giới Đao, Độ Điệp cũng như ân sủng của vua Gia Long và triều đình nhà Nguyễn. Lúc Ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt ra đi, Thầy tôi có nói với tôi rằng: “Thầy lo cho Sư Liễu Đạt không tránh khỏi mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên, vì Liễu Đạt có tướng hảo, có tài thuyết giảng và khoa ăn nói, lại giảng giải trong nội cung, gần nhiều giới nữ sắc quyền quý”. Lời ấy của Thầy tôi đã nói với tôi năm xưa, trước khi H
òa Thượng Thiệt Thành - Liễu Đạt ra kinh, nhận chức Tăng Cang. Ngài Hòa Thượng Liên Hoa là đệ tử y chỉ của Thầy tôi; nhưng Thầy tôi cũng thương và lo lắng cho Ngài Liên Hoa giống như tôi vậy. Nay Sư Phụ tôi không còn nữa; nhưng những lời dạy năm xưa rõ ràng là chẳng sai chút nào. Ngài khen Ngài Liên Hoa; nhưng đồng thời Ngài cũng lo cho Ngài Liên Hoa về “mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên” và cuối cùng thì chuyện gì đến nó đã đến. Kết quả là Thiền môn của chúng ta đã mất đi một bậc Long Tượng và tín đồ mất đi một vị Thầy khả kính.

Qua bài kệ thị tịch Niết Bàn của Ngài trước khi tự thiêu, chúng ta thấy Ngài đã liễu ngộ tánh chơn thường và sau khi tự thiêu, Ngài sẽ nhập vào Vô Vi Diệu Đạo; nhưng một Đại Trai Đàn Chẩn Tế để cầu nguyện cho Ngài và các sinh linh chưa siêu thoát khác, không phải là không nên làm. Đàn Tràng này nên thực hiện tại chùa Đại Giác và Từ Ân. Vì nơi đó Ngài đã hóa kiếp.

Riêng Hoàng Cô Tế Minh – Thiên Nhựt, tuy đã thọ Bồ Tát Giới, nhưng giới thểấy không được trong suốt. Vì bà lúc nào cũng mãi mê về “tướng hảo và tài thuyết pháp” của Hòa Thượng Liên Hoa thôi. Việc ấy theo tôi nghĩ, không phải chỉ xảy ra tại Huế mà ngay từ những năm trước Tây Sơn khởi nghĩa cũng như lúc nhà Nguyễn trung hưng tại Gia Định từ năm 1789 đến năm 1805; suốt hơn 15 năm đó Hoàng Cô đã sống tại chùa Khải Tường và chùa này Hòa Thượng Liên Hoa trụ trì. Do đó từ bước đi, điệu nói, cách giảng pháp, hình dáng phương phi, đạo mạo của Hòa Thượng Liên Hoa, Hoàng Cô đã đắm say từ thuởấy. Tuy nhiên Hòa Thượng Liên Hoa nào đâu có để ý. Đến khi ra cung vua thuyết pháp giảng đạo từ năm 1817 đến năm 1823 lại càng gần gũi và sâu đậm hơn. Mặc dầu Hòa Thượng Liên Hoa đã giảng bộ kinh Kim Cang Bát Nhã là một bộ kinh trí tuệ siêu việt tối thượng thừa; nhưng Hoàng Cô đâu có lãnh hội được bao nhiêu. Nếu có thì Thái Hoàng Thái Hậu Hiếu Khương, Thái Hậu Thuận Thiên, Thái Trưởng Công Chúa v.v… có thể hiểu biết tinh hoa của bộ
kinh này ít nhiều; nhưng Hoàng Cô thì có lẽ lãnh hội chẳng được bao nhiêu cả. Vì tâm ý đâu để mà nghe. Nay thì bà ta đã uống độc dược để tự tử tại chùa Đại Giác và như Hòa Thượng biết đó, bà ta sẽ chẳng được siêu thoát. Vì cái tình cảm còn nối kết chặt với Hòa Thượng Liên Hoa, nên chúng ta phải làm một đàn tràng chiêu mộ, giải oan riêng cho bà, may ra bà ta có siêu thoát được chăng? Đàn này cũng nên lập tại chùa Đại Giác. Vì nơi đó bà đã qua đời.

Chắc Ngài cũng không quên việc đem 2 bài vị để chung với nhau tại bàn thờ Tổ của Ngài Liên Hoa và bà Hoàng Cô, thì nội tự chùa Từ Ân yên ổn; nhưng điều ấy cũng chỉ tạm thời thôi. Vì lẽ một người đã thoát hóa, thờ chung với một người vẫn còn nặng nợ tử sinh, tôi xem ra không ổn. Cho nên phải làm một đàn giải oan chiêu mộ linh hồn bà và những người chết oan uổng như bà về nghe kinh để siêu thoát. Thì đó là những điều cần phải làm vậy.

Riêng chùa Từ Ân và Khải Tường, cả hai chùa này đều có liên hệ với nhau. Khi họ sống như thế nào thì khi thác cũng như thế. Ngài nên tổ chức một Đại Trai Đàn Thủy Lục để cầu siêu cho tất cả những người chiến sĩđã vì nước chiến đấu rồi bị chết oan; nhưng đã không có ai thờ tự và cúng quảy để họ có cơ hội đi đầu thai. Rồi những người chết nơi rừng núi hay đất liền cũng vậy. Ngoài ra nên làm lễ phóng sinh, đăng trên sông Đồng Nai để cứu mạng những sinh linh bị giết hại trong khi oan ức chưa hoặc không biện bạch được; họ nhờ ánh sáng của chư Phật soi đường để họ được thác hóa.

Khi Ngài ra Kinh Đô nhận chức Tăng Cang chùa Linh Mụ rồi, Ngài nên tổ chức Đại Trai Đàn Chẩn Tế và giải oan bạt độ tại đó. Vì chùa đó là chùa quan và đã có thời Hòa Thượng Liên Hoa trụ trì nơi ấy. Có lẽ Ngài sẽ về để chứng giám cho tấm lòng của Hòa Thượng khi mà Hòa Thượng thực hiện được những điều như thế. Vả lại điều này Đức vua Minh Mạng cũng đã có chiếu chỉ rồi; nhưng theo tôi, các lễ nghi ấy nên thực hiện sau khi đã cải táng thi hài của Hoàng Cô, đã được chôn cất chung cùng với Tổ Tiên nhà Nguyễn tại Huế thì hay hơn.

Riêng việc tấn phong Tăng Cang và Trụ trì chùa Linh Mụ cũng như giảng dạy tại chùa Giác Hoàng của Hòa Thượng đã được vua Minh Mạng sắc phong, thì lão Tăng này có mấy điểm chính yếu sau đây cần phải dặn dò vậy.

Đức Phật của chúng ta, Ngài đã sinh ra từ chỗ quyền quý tột bực trong thế gian; nhưng Ngài đã từ bỏ quyền quý ấy để đi làm thân Đạo Sĩ và chắc chắn sự chọn lựa của Ngài là đúng; cho nên ngày nay chúng ta mới có được một gia tài pháp bảo đồ sộ như thế này để mà hành trì và tu theo đó để được giải thoát. Ngài nên lưu ý rằng: Đức Phật của chúng ta chỉ truyền pháp lại cho Ngài Ca Diếp, chứ không truyền ngôi vị làm Phật. Vì chỉ có các vị Đế Vương mới truyền ngôi, còn chư Phật trong ba đời, các Ngài đều truyền pháp.

Vua Trần Thái Tông của Đại Việt chúng ta cũng thế. Ngài đã ngán ngẫm cung son và quyền bính do Trần Thủ Độ lèo lái; cho nên Ngài mới vào núi Yên Tử; quyết chỉ để làm Phật; Ngài đã tuyên bố một câu mà lịch sử để đời. Đó là: “Trẩm xem ngai vàng nhưđôi dép bỏ”. Câu nói ấy chúng ta, tất cả Tăng sĩ nên nhớ mãi và học thuộc lòng để hành trì, nhất là những vị sắp nắm giữ quyền cao chức trọng trong tay cũng như nhận được ân sủng của triều đình.

Các vị vua chúa ngày xưa thì từ bỏ đời sống vật chất cao sang quyền quý để đi làm Đạo Sĩ, nhằm tô bồi cho tâm thức của mình được cao thượng hơn. Còn bây giờ, chúng ta đây đa phần là những người xuất thân từ chốn bùn lầy nước đọng; may nhờ ân Tam Bảo nên mới được tiến thân như thế này. Rồi nay Hòa Thượng, mai Tăng Cang, mốt Pháp Sư và còn gì nữa thì ta chẳng biết; nhưng có phải đây là những sự ràng buộc chăng? Tự dưng người xuất gia đang sống chỗ giải thoát. Vì đã cởi bỏ được những sợi dây trói buộc thường tình? Không lẽ gặp vua không giữ lễ. Tuy rằng người xuất gia không còn lạy cha mẹ và vua nữa; nhưng đối với những người đang nắm sự sinh sát trong tay ở thời quân chủ này, làm sao chúng ta đo lường được. Nay họ tấn phong mình được; một mai đây, nếu có gì đó không hài lòng họ thì họ cũng có thể truất phế, hạ bệ mình được thôi. Té ra mình là kẻ bị động, chỉ vì danh lợi, quyền thế, địa vị hay sao? Riêng việc này lão Tăng chỉ mong Ngài thận trọng và nên soi gương kim cổ để mà thực hành.

Đức Phật đã dạy chúng ta rằng: “nên lánh xa những người có quyền quý” và bây giờ Ngài sắp được hay bị gần những người quyền quý ấy, hãy cố gắng giữ thân và tâm cho thật nghiêm tịnh thì mới mong khỏi họa về sau.

Còn chức trụ trì Linh Mụở chốn Đế Vương thì khỏi nói. Vì có rất nhiều người mong cầu; nhưng cho đến nay gần 20 năm ấy từ Ngài TổẤn - Mật Hoằng đến Ngài Liên Hoa Hòa Thượng và bây giờ là Ngài… chúng ta toàn là những người có liên hệ với chùa Đại Giác, Từ Ân và Khải Tường nên các vua đã đặc ân như thế. So ra tài năng, đạo đức chưa chắc gì chúng ta vượt trội các vị tại Đế Kinh; nhưng vì vua tin tưởng người Đàng Trong này hơn là Đàng Ngoài và tại Kinh Đô; nên mới được lãnh nhiệm vụ cao cảấy; nhưng cũng xin Ngài thận trọng về việc này.

Còn việc giảng kinh, thuyết pháp tại nội cung? Việc này nó chẳng đơn thuần chút nào cả. Xin trình bày thiệt lòng của lão Tăng này để Ngài tường lãm. Đức Phật ngày xưa không ngăn cấm chư Tăng đi giáo hóa bên Ni và Ngài cũng không cấm cản việc chư Tăng đi dạy đạo cho những người quyền quý và nhất là ở Hoàng Cung. Một vị Tăng được đưa đi đến những nơi ấy. Ngài khuyên nên thận trọng vì phải gồm đủ 5 đức tính như sau:

Thứ nhất là vị Pháp sưđó không thuộc vào giai cấp hạ tiện. Điều này Đức Phật muốn lưu ý cho chúng ta biết rằng: Những người quyền quý họỷ vào của cải giàu có để so sánh. Nếu vị Pháp sưấy dẫu cho tài giỏi bao nhiêu đi chăng nữa mà lỡ bị sanh vào dòng dõi thấp kém thì không nên xuất hiện ở những nơi hay phân biệt như vậy.

Thứ hai là tướng hảo phải đoan nghiêm. Việc này phải trải qua việc hành trì giới luật mà có được. Không phải một sớm một chiều mà một hành giả tu theo Phật đạo, các tướng oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi thể hiện được rõ ràng, để cho những bậc đế vương ấy khâm phục.

Thứ ba là vị Pháp sưấy phải có trí tuệ. Dĩ nhiên người tu nào, khi có nhân duyên với Phật pháp và cố gắng nghiên tầm nội điển sẽ khai thông. Đặc biệt những vị chuyên tu như ngồi Thiền hay niệm Phật hoặc trì chú v.v… cũng có thể đạt đến những điều kiện cụ thể kia.

Điều thứ tư là vị Pháp sưấy không được quyền thương riêng ai. Phàm là người xuất gia, chúng ta có chung một mối tình, đó là tình Đạo bạn. Chúng ta không được quyền đi thương riêng một người nào cả. Nhưng Ngài thấy đó: gương sáng của Ngài A Nan, muôn đời chúng ta vẫn không quên. Ngài vì thương và lo cho người nữ, nhưng cuối cùng cũng bị Ma Đăng Già ám hại; nếu không nhờ thần chú Thủ Lăng Nghiêm thì cuộc đời của Ngài A Nan cũng đã bị tiêu tan rồi. Sau lần gặp khổ nạn ấy, Ngài A Nan bạch Phật rằng: Vậy đối với người nữ con phải xử sự như thế nào? Đức Phật từ tốn khuyên rằng: “Hãy đừng gần gũi họ nhiều và nếu có gần gũi thì cũng nên đứng xa và nên giới hạn thời gian tiếp xúc ngắn nhất”. Dĩ nhiên Đức Phật không phải vì ghét người nữ mà dạy Ngài A Nan như vậy. Ởđây chúng ta phải hiểu ngược lại, vì Ngài thương người nữ hơn, cũng như lưu ý cho chư Tăng cẩn trọng hơn; nên Ngài mới có lời dạy chân tình như vậy.

Điều dễ hiểu ởđây là: cái gì gần gũi lâu ngày, nó sẽ sanh ra đắm nhiễm; nên tốt nhất là không nên cận kề, nhất là nữ sắc.

Như Ngài thấy đó, Thầy của Ngài là Hòa Thượng Liên Hoa chỉ muốn suốt đời làm một người Tăng sĩ, lo trau giồi giới luật và muốn giải thoát khỏi sự sanh tử ràng buộc này; nhưng nào có yên đâu. Vì Ngài gần gũi các vị nữ lưu quyền quý trong gần 20 năm cả thảy. Đâu phải là chuyện dễ tránh. Tuy Hòa Thượng Liên Hoa đã không yêu thương riêng ai; nhưng Hoàng Cô đã thương thầm, nhớ trộm Ngài cả một chuỗi dài thời gian như thế. Nếu Ngài muốn tránh sự lặp lại này, Ngài nên đọc 15 bức thư của Hoàng Cô đã viết và đã muốn gởi cho nhiều người; nhưng đã không gởi một số thưđi cho người nhận. Nghĩa là ở nơi tâm tư của Hoàng Cô, lúc nào cũng chứa đựng hình ảnh của cố Hòa Thượng Liên Hoa trong ấy. Tuy Hoàng Cô không thấy rõ; nhưng người ở ngoài nhìn vào sẽ cảm nhận được điều đó.

Điều thứ 5 và cũng là điều cuối cùng của 1 vị Pháp sư là không được ghét riêng người nào cả. Người tu rồi, không nên thương riêng ai và cũng không nên ghét riêng ai, là chuyện bình thường thôi. Nhưng ở hoàn cảnh như cố Hòa Thượng Liên Hoa không phải là dễ xử sự. Đó là trường hợp Hòa Thượng Liên Hoa khi về lại Từ Ân, muốn ở yên nơi đó; nhưng Hoàng Cô trong lòng không yên, lúc nào cũng muốn gần gũi người mình thương; cho nên mới băng bộ từ Huế vào đây, lấy cớđi cúng dường các chùa Từ Ân và Khải Tường; nhưng trên thực tế thì Hoàng Cô chỉ muốn đi tìm cho gặp được mặt Hòa Thượng Liên Hoa mà thôi. Nhưng khi gặp được rồi, như Ngài thấy đó, qua lời khuyên của lão Tăng này; nên cố Hòa Thượng Liên Hoa cố gắng đối diện với Hoàng Cô ở chùa Từ Ân để nói chuyện; nhưng chỉ được hai ngày mà thôi. Lúc đến ngày thứ 3 thì cố Hòa Thượng Liên Hoa đã phải trốn lên chùa Đại Giác để nhập thất. Lúc gặp mặt xong thì về lại Kinh Đô ngay; nhưng sau khi nắm được bàn tay của cố Hòa Thượng Liên Hoa rồi, thì Hoàng Cô không muốn buông ra và
còn tuyên bố muốn ở lại thêm tại chùa Đại Giác vài ba hôm nữa. Nên Ngài Liên Hoa đã tự thiêu liền hôm đó vào tối ngày mùng một tháng 11 năm Quý Mùi (1823) vừa qua. Nếu Hoàng Cô không đến chùa Đại Giác và Hoàng Cô không đòi ở lại chùa Đại Giác thì có lẽ sự kiện sẽ khác đi chăng? Nhưng ai biết được trước những gì do nghiệp định. Vậy tất cả hãy nên thận trọng.

Bây giờ Ngài ra chốn kinh kỳ chắc chắn cần phải đối mặt với nhiều vấn đề và nhiều sự kiện; nhưng lão Tăng này mong rằng Sư phụ của Thầy sẽ giúp Thầy vượt qua những khó khăn trở ngại trong khi thi hành Phật sự tại chốn kinh kỳ vậy.

Thời gian trôi qua quá nhanh với những lời dạy vàng ngọc của Hòa Thượng Viên Quang cho Ḥa Thượng Tế Chánh - Bổn Giác. Đây là kinh nghiệm suốt cả một đời người và cả hơn 50 năm làm trụ trì chùa Giác Lâm vậy.

Giữa chùa Giác Lâm, chùa Từ Ân, chùa Khải Tường và chùa Đại Giác có nhiều sự liên hệ mật thiết với nhau. Từ việc cắt cử trụ trì, cho đến những vấn đề liên hệ với thời sự và chính trị với cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi là con của Tổng Trấn Lê Văn Duyệt của thành Gia Định (1835) thuởấy xen lẫn với nhau; nên phải thấy sự thế và cuộc đời dâu bể, chẳng lường vào đâu được. Thế mới biết: con người làm nên lịch sử, chứ lịch sử không tạo nên con người. Sau đây là những vị Hòa Thượng trụ trì các chùa trong thời gian ấy:Hòa Thượng Minh Lượng – Thành Đẳng (1686 - 1769) phái Lâm Tế đời thứ 34, đệ tử của Hòa Thượng Nguyên Thiều - Siêu Bạch và trụ trì chùa Đại Giác.

− Hòa Thượng Linh Nhạc - Phật Ý (1725 - 1835) khai sơn chùa Từ Ân và Khải Tường (đệ tử của Hòa Thượng Minh Lượng – Thành Đẳng).

− Hòa Thượng TổẤn - Mật Hoằng (1735 - 1835) phái Lâm Tế đời thứ 35, trụ trì chùa Đại Giác và Linh Mụ (1804 - 1817).

− Hòa Thượng Tổ Tông – Viên Quang trụ trì tại chùa Giác Lâm từ năm 1772 đến năm 1827.

− Hòa Thượng Liên Hoa, thiền phái Lâm Tế đời thứ 35 (1783? - 1823) hay còn gọi là Thiền Sư Thiệt Thành - Liễu Đạt, trụ trì chùa Từ Ân và Khải Tường cùng Linh Mụ (1817 - 1823).

− Hòa Thượng Tế Chánh - Bổn Giác đệ tử của Hòa Thượng Liên Hoa, trụ trì chùa Từ Ân và Khải Tường, làm Tăng Cang và trụ trì chùa Linh Mụ từ năm 1823 – 1825 và từ 1833 – 1841.

− Hòa Thượng Tiên Giác - Hải Tịnh (1788 - 1875). Ngài làm Tăng Cang và trụ trì chùa Linh Mụ (1825 – 1833 rồi bị cách chức một thời gian cho đến năm 1842. Tăng Cang Hải Tịnh trụ trì chùa Giác Hoàng trong kinh thành Huế).

− Hòa Thượng Tế Bổn – Viên Thường (1769 - 1848) trụ trì chùa Long Quang và chùa Pháp Vân ở Thừa Thiên (Huế) đệ tử của Hòa Thượng Liên Hoa, Tăng Cang chùa Linh Mụ (1841 - 1847).

Như vậy Hòa Thượng Liên Hoa đã có 2 người đệ tử là Ngài Hòa Thượng Tế Chánh - Bổn Giác và Hòa Thượng Tế Bổn – Viên Thường được tấn phong Tăng Cang và trụ trì chùa Linh Mụ từ năm 1823 – 1825. Sau đó có Tăng Cang Hải Tịnh trụ trì chùa Linh Mụ từ năm 1825 đến năm 1833 và bị cách chức, thì Hòa Thượng Tế Chánh - Bổn Giác tiếp tục làm trụ trì chùa Linh Mụ từ năm 1833 – 1841. Kế tiếp theo từ năm 1841 – 1847 do sư đệ của Ngài là Hòa Thượng Tế Bổn – Viên Thường trụ trì chùa Linh Mụ.

Ngài Tế Chánh - Bổn Giác sau khi đã tham khảo ý kiến của Hòa Thượng Tổ Tông – Viên Quang chùa Giác Lâm và làm theo lời dạy của Hòa Thượng; nhưng khi được cử làm Tăng Cang và trụ trì chùa Linh Mụ cũng chỉ được có 2 năm. Đó là từ năm 1823 đến năm 1825. Ngài bị thay thế bởi Ngài Tiên Giác - Hải Tịnh nguyên trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định ra thay thế. Trong 2 năm này Hòa Thượng Tế Chánh - Bổn Giác đã thực hiện được các Đàn Tràng chiêu mộ giải oan cho Hoàng Cô tại các chùa Đại Giác, Từ Ân, Khải Tường và ngay cả tại chùa Linh Mụ khi Ngài làm trụ trì tại đó. Lúc ấy có thể vì tốn kém của công quá nhiều chăng, để chi cho những cuộc lễ như vậy; nên Hòa Thượng Bổn Giác đã bị thay thế bởi Hòa Thượng Hải Tịnh? Điều này cũng đúng như lời tiên đoán của Hòa Thượng Viên Quang thuở trước là khi họ đưa mình lên được, thì họ cũng có thể hạ bệ mình xuống được.

“Hòa Thượng Hải Tịnh làm Tăng Cang và trụ trì chùa Linh Mụ từ năm 1825 đến năm 1833 thì ngưng vì bị cách chức. Lý do là sau khi Tổng Trấn Thành Gia Định là Tả Quân Lê Văn Duyệt chết, vua Minh Mạng vì tư thù, cho điều tra để kết tội Lê Văn Duyệt. Vì vậy năm 1833 con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi nổi loạn, chiếm thành Phiên An (Sài Gòn) và chống lại quân của triều đình Huế, mãi đến năm 1835, quân của triều đình mới chiếm lại được thành Phiên An và dẹp tan cuộc nổi loạn này.

Tăng Cang Hải Tịnh là người Gia Định, hoằng hóa ở Gia Định, có lẽ là có liên hệ với Tổng Trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt và có thể Tổng Trấn Lê Văn Duyệt đề nghị với vua Minh Mạng cho thiền sư Hải Tịnh được làm Tăng Cang chùa Linh Mụ. Vì vậy khi Lê Văn Khôi nổi loạn, vua Minh Mạng kết tội Tăng Cang Hải Tịnh, cách chức Tăng Cang và bắt làm việc vặt ở chùa Thiên Mụ. Đến khi vua Minh Mạng chết, vua Thiệu Trị lên ngôi (1841) mới xét lại vụ án Lê Văn Khôi, Tăng Cang Hải Tịnh mới được ân xá và cho phục chức Tăng Cang. Như vậy thời gian Tăng Cang Hải Tịnh bị kết tội oan là từ năm 1833 - 1841”. (theo lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức trang 299).

Thời gian từ năm 1833 đến năm 1841 chùa Thiên Mụ được Tăng Cang Tế Chánh - Bổn Giác trụ trì. Điều này cũng lại thể hiện đúng như Hòa Thượng Viên Quang đã tiên đoán trước khi Hòa Thượng Tế Chánh - Bổn Giác ra kinh đô Huế nhận chức Tăng Cang và trụ trì chùa Linh Mụ từ năm 1823 – 1825. Nghĩa là sau khi Bổn sư cố Hòa Thượng Liên Hoa viên tịch; mọi việc tại chùa Từ Ân ở Gia Định cũng như chùa Linh Mụ tại Huế có nhiều vấn đề phải đối đầu, giải quyết. Riêng việc thiền sư Hải Tịnh muốn được làm Tăng Cang và trụ trì chùa Linh Mụ; nên qua sự quen biết với Tả Quân Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn, nhờ thân thếấy mà Tả Quân đã tâu lên vua Minh Mạng và được vua Minh Mạng đã chuẩn y và vào tháng 3 năm Ất Dậu (1825) vua Minh Mạng cho dời thiền sư Hải Tịnh ra trụ trì chùa Linh Mụở kinh đô Huế. Sách Đại Nam Thực Lục Chánh Biên, đệ nhị kỷ ghi: “Năm Ất Dậu, Minh Mạng thứ 6, tháng 3 cho dời Sư chùa Từ Ân ở Phiên An là Nguyễn Tâm Đoan, khiến Sư làm trụ trì chùa Linh Mụ”.

Như vậy Hòa Thượng Tiên Giác - Hải Tịnh cũng có ý mong cầu để được đứng vào vị trí cao tột đó. Trong khi Hòa Thượng Tế Chánh - Bổn Giác đệ tử của Hòa Thượng Liên Hoa mới trụ trì chùa Linh Mụ được 2 năm, phải nhường chức trụ trì lại cho Ngài Hải Tịnh. Lý do đơn thuần có thể như trước đã trình bày vì chi tiêu cho các lễ nghi quá đáng về việc làm Đàn Tràng giải oan cho Hoàng Cô. Ngoài ra lý do chính là do sự tâu trình của Tả Quân Lê Văn Duyệt lên vua Minh Mạng, do sự quen biết riêng với Hòa Thượng Tiên Giác - Hải Tịnh. Ngài này cũng làm Tăng Cang chùa Linh Mụ từ năm 1825 đến năm 1833 và sau đó có nhiều sự tư thù với nhau giữa Tả Quân Lê Văn Duyệt cũng như việc nổi loạn của con nuôi Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi chống lại triều đình; nên vua Minh Mạng đã kết tội luôn Ngài Tiên Giác - Hải Tịnh, khiến phải bãi bỏ chức Tăng Cang và trụ trì chùa Linh Mụ, phải ởđó phục dịch, làm những việc bình thường của người làm công quả. Mãi cho đến năm 1842 vua Thiệu Trị mới phục chức Tăng Cang lại cho Ngài Hòa Thượng Tiên Giác - H
ải Tịnh, sau đó được triều đình cử đến trụ trì chùa Giác Hoàng trong kinh thành Huế, thay thế cho Tăng Cang Nguyễn Nhứt Định (tức thiền sư Tánh Nhiên - Nhứt Định) vì tuổi già bịnh hoạn.

Như vậy từ năm 1833 đến năm 1841 Hòa Thượng Tế Chánh - Bổn Giác trở lại trụ trì chùa Linh Mụ trong khi vị đương nhiệm trụ trì là Ngài Hòa Thượng Tiên Giác ¬Hải Tịnh bị cách chức và giáng xuống làm người công quả tại chùa. Sau đó từ năm 1841 đến năm 1847 chùa Linh Mụ do Tăng Cang Tế Bổn – Viên Thường trụ trì. Ngài cũng là đệ tử của Hòa Thượng Liên Hoa.

Xem ra trò đời chỉ là một tuồng ảo hóa, thì việc đạo cũng đâu có khác gì mấy. Những gì mà Hòa Thượng Linh Nhạc - Phật Ý đã tiên đoán cho Hòa Thượng Thiệt Thành

-Liễu Đạt hiệu Liên Hoa đã đúng cả 100 phần trăm. Vì kinh nghiệm tu học của Ngài đã giúp được Ngài thấy xa nhìn rộng như vậy. Còn Ngài Tế Chánh - Bổn Giác đệ tử của Ngài Liên Hoa trước khi ra Huế nhậm chức Tăng Cang và trụ trì chùa Linh Mụ, Ngài đã tha thiết mong Ngài Hòa Thượng Tổ Tông – Viên Quang chỉ giáo cho, thì mọi việc cũng lại đúng y như vậy. Đây là những cái nhìn tuệ giác siêu việt của các thiền sư. Vì các Ngài đã trải qua những sự tôi luyện của thân cũng như tâm qua nhiều thời gian thử thách khác nhau; nên đã lộ diện sự hiểu biết qua bề ngoài như vậy.

Chính vua Minh Mạng cử Hòa Thượng Tế Chánh -Bổn Giác lên, rồi cũng chính vua Minh Mạng đưa Ngài Tiên Giác - Hải Tịnh trụ trì chùa Linh Mụ. Khi có sự kiện xảy ra ngoài ý muốn nhà vua, nhân đó cũng cách chức Hòa Thượng Tiên Giác - Hải Tịnh và lập Hòa Thượng Tế Chánh - Bổn Giác tiếp tục làm trụ trì. Sự việc đời hay đạo nó mãi vần xoay như thế. Vì chẳng có ai có thể nghĩ được rằng chuyện gì nó sẽ xảy ra vào ngày mai cả. Do cuộc đời là vô thường, thế gian là giả hợp. Tại sao những người xuất gia phải lụy vào chỗ danh vọng như thế để khổ vào thân? Có lẽ các Ngài cũng đâu có muốn bị như thế; nhưng vì nghiệp dĩ xoay dần và nợđàn na, tín thí chưa dứt, cho nên các Ngài phải bị những nợ cũđòi trả lại đấy mà.

Muốn cho nghiệp duyên, oán thù và những sợi dây ràng buộc tử sinh không còn bị trói buộc nữa, cũng như không muốn khổđau vì những duyên tình chồng chất trong nhiều đời nhiều kiếp đã làm cho con người khổ lụy, mọi người phải lấy lòng từ bi để đối xử với nhau thì mới có thể tha thứ cho nhau được. Vì ai trong chúng ta cũng không muốn khổđau, thì chúng ta không nên làm cho người khác đau khổ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]