Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7: Ca Thi Na

22/05/201312:11(Xem: 9752)
Chương 7: Ca Thi Na

Luật Tỳ Kheo

Chương 7: Ca Thi Na

Hòa thượng Thích Trí Thủ

Nguồn: Hòa thượng Thích Trí Thủ dịch

I. DUYÊN KHỞI VÀ Ý NGHĨA

Khi mùa an cư vừa hết, một số các tỳ kheo, suốt trong ba tháng không được diện kiến đức Thế tôn, họ rất nôn nóng muốn được gặp gỡ Ngài, do đó, ngay sau ngày tự tứ, họ cùng lên đường đi về Xá vệ, nơi đức Thế tôn cũng vừa trải qua ba tháng an cư mùa mưa. Mặc dù bấy giờ mưa dầm, đường xá lầy lội, nhưng họ vẫn dầm mưa mà đi. Mưa dầm khiến cho ba y của họ ướt sũng, trở thành nặng nề, thêm vào đó đường sá lầy lội do hậu quả của mưa, cho nên, khi đến nơi, tất cả đều ẩm ướt và mệt mỏi. Sau khi trao đổi những lời hỏi thăm thông thường, đức Thế tôn nhận thấy rõ tình trạng của tỳ kheo ấy, Ngài tuyên bố từ đây trở đi cho phép các tỳ kheo sau khi an cư xong được thọ y ca thi na. Thọ y ca thi na có năm điều lợi ích:

1. Ngoài ba y, tỳ kheo được phép cất y dư quá mười ngày mà không cần làm phép tịnh thí.([1])

2. Được phép ly y túc, nghĩa là không cần phải mang theo mình đủ cả ba y đi bất cứ đâu, không phạm điều luật lìa y cách đêm.([2])

3. Được triển chuyển thực, nghĩa là được phép thọ thực nhiều lần tại nhiều nhà đàn việt khác nhau miễn không quá ngọ.([3])

4. Được biệt chúng thức, nghĩa là được phép thọ thực thành nhóm từ bốn người trở lên; ([4])

5. Trước hay sau bữa ăn, tách riêng đi vào xóm, không cần báo cho các tỳ kheo biết.([5])

Năm điều lợi này là những sự nới rộng một số các điều khoản ni tát kỳ ba dật đề và ba dật đề, để các tỳ kheo dễ dàng trong việc cất và sắm y mới thay cho các y cũ đã rách, hoặc dễ dàng trong việc đi lại thăm viếng sau ba tháng an cư mùa mưa.

Tất cả các luật bộ đều đồng nhất về duyên khởi của y ca thi na như trên. Riêng luật Ngũ phần ([6]) thêm một nguyên nhân khác, trưởng lão A na luật có ba y đều rách nát nhưng không thể sắm được y mới vì Phật không cho phép cất chưa vải dư nhiều ngày, và tự mình không thể may y xong trong một ngày. Do cả hai nguyên nhân thư thế, Phật cho phép các tỳ kheo thọ y ca thi na ngay sau ngày tự tứ với năm điều lợi ích của ca thi na như đã kể.

Trường hợp Trưởng Lão A na luật mà Ngũ phần đề cập cũng được thấy nói trong Trung A hàm,([7]) với một ít chi tiết khác biệt. Theo đó, Trưởng lão nói với Tôn giả A nan rằng cả ba y của mình đã rách nát cả, muốn nhờ A nan thỉnh hộ các tỳ kheo may giúp y, cố nhiên là cần may xong nội trong ngày. Tôn giả A nan sau buổi trưa, đến phòng các tỳ kheo trong tịnh xá để yêu cầu họ đi may hộ y cho trưởng lão A na luật. Biết được điều này, đức Phật hỏi sao A nan không thỉnh Như Lai cùng đi may hộ y. A nan bèn cung thỉnh và Phật chấp nhận. Khi đến địa điểm, làm y, Phật nói với Trưởng lão Mục kiền liên rằng: Như Lai có thể là người trương hộ y cho A na luật. Trưởng lão Mục kiền liên bèn thỉnh Phật làm người trương y. Bấy giờ, đức Phật cùng với 800 tỳ kheo đồng làm y hộ cho A na luật, và cả ba y đều được làm xong nội trong ngày. Khi các y đã xong, Phật gấp tư tăng già lê của Ngài để nghĩ, và bảo Trưởng lão A na luật giảng giải cho các tỳ kheo về các công đức của y ca thi na. Nội dung bài giảng của Trưởng lão A na luật bao gồm các quá trình tu tập và chứng đắc Niết bàn của một tỳ kheo, kể từ sơ khởi lìa bỏ gia đình, qua các giai đoạn trì giới, tu tập thiền định, chứng đắc các thần thông, thành tựu trí tuệ vô lậu, cho đến cuối cùng chứng đắc A la hán. Phần cuối bài giảng, trưởng lão tán thán sự trì giới, là những nấc thang căn bản để bước lên cái bực cao của thiền định và trí tuệ. Trọn bài giảng này không đề cập cụ thể đến ca thi na, không định nghĩa hay mô tả thế nào là ca thi na. Nhưng ý nghĩa này có thể tìm thấy trong đoạn ấn chứng của Phật. Sau khi Trưởng lão giảng xong, đức Phật ngồi trở dậy, tán thán bài giảng của Trưởng lão. Rồi Ngài khuyên bảo các tỳ kheo nên thọ trì y ca thi na, và Ngài kết luận: Trong quá khứ, trong hiện tại và tương lai, chưa có ai được như Trưởng lão A na luật, đó là chính đích thân Như Lai cùng với 800 tỳ kheo đồng làm hộ cho ba y.

Qua đoạn kinh, mặc dù y ca thi na được đề cập gián tiếp, nhưng ý nghĩa rõ ràng là thế này. Ca thi na là y mà các tỳ kheo cùng hợp tác làm chung cho một tỳ kheo, như là biểu lộ sự xác nhận và ngưỡng mộ những thành tựu thù thắng mà tỳ kheo ấy đạt được trong đời sống phạm hạnh. Đây có lẽ là ý nghĩa nguyên thủy nhất của ca thi na. Đoạn kinh của Trung A hàm đang đề cập cũng cho biết cách thức nguyên thủy của việc làm y ca thi na, việc Trưởng lão Mục kiền liên thỉnh Phật làm người trương y, trong văn của Luật tạng, trở thành việc kiết ma tăng sai người trương y ca thi na.

Nói tóm lại, theo ý nghĩa vừa nói, ca thi na có thể được gọi một cách đứng đắn là y công đức. Nhưng trong Luật tạng, ý nghĩa công đức của nó hoàn toàn không nhắm đến trường hợp như Trưởng lão A na luật, mà nhắm vào năm điều lợi đã nêu. Như vậy, rõ ràng có những bước phát triển về ca thi na từ kinh tạng đến Luật tạng trong đó phải kể hình thức được nói trong Kinh tạng là nguyên thủy nhất.

Trên đây là nói về ý nghĩa của ca thi na xét theo nội dung. Về mặt từ nghĩa, ca thi na là phiên âm từ kathina của tiếng Phạn; cùng phiên âm là Kiết sĩ na. Nguyên kathina trong tiếng Phạn có nghĩa đen là thô cứng, khó khăn. Hành sự sao, quyển thượng,([8]) nêu năm dịch ngữ và giải thích: kiên thật, cứng chắc, vì sắm được nhiều y, y không bại hoại.([9]) Đây muốn chỉ điều lợi là cất chứa dư mà không phạm xả đọa. Tức hiểu nghĩa thô cứng trong tiếng Phạn theo nghĩa bóng. Dịch ngữ thứ hai là nan hoạt,([10]) sinh hoạt khó khăn, vì sự kiếm sống của người nghèo rất gian nan, nhưng bỏ một ít tài sản vào y này, thì công đức thù thắng như đem cả một tấm y lớn bằng núi Tu di mà bố thí. Đây là giải thích nghĩa khó khăn của tiếng Phạn theo nghĩa bóng. Hoặc cũng dịch kiên cố, ý nghĩa cũng như kiên thật. Hoặc dịch là ấm phú: che mát vì nó bao trùm cả năm điều lợi ích. Cũng dịch là thường thiện phạt ác, vì nó là dấu hiệu của sự tưởng thưởng công đức cho các tỳ kheo hoàn toàn phận sự an cư, và trừng phạt những tỳ kheo không hoàn tất. Phổ thông hơn cả là dịch công đức y, đây cũng là dịch ý. Nói tóm, theo nguyên nghĩa, ca thi na là loại vải thô cứng được dùng làm chất liệu may y. Nhưng xét theo nội dung, ý nghĩa này không chính xác. Mặc dù được giải thích qua các cách định khác nhau như Hành sự sao, ý nghĩa thực sự của ca thi na theo tiếng Phạn vẫn còn mơ hồ, có lẽ ca thi na có từ nguồn gốc một dạng tục ngữ nào đó, nhưng về sau được đồng nhất với dạng nhã ngữ hiện nay.

II. TÁC THÀNH CA THI NA

1. Chất liệu của ca thi na

Mặc dù theo nghĩa gốc thì y ca thi na là loại y được may bằng thứ vải thô cứng, nhưng điều này không nhất thiết phải là như vậy. Theo luật Tứ phần ([11]) y mới hoặc y cũ nhưng chưa hề được dùng đến đều có thể dùng làm y ca thi na. Hoặc y đàn việt may sẵn cũng có thể dùng làm ca thi na. Hoặc y phấn tảo cũng có thể dùng để may y ca thi na. Theo Thập tụng, vải bọc thây người chết đã rữa lượm từ các bãi tha ma, hoặc y đã từng dùng làm y ca thi na rồi, thảy đều không dùng làm y ca thi na được. Nói cách khác, các loại vải hợp pháp để may ba y của tỳ kheo cũng là vải hợp pháp để may ca thi na. Nếu là y mới thì phải tác tịnh bằng cách đắp thêm một miếng vải từ y cũ vào. nếu là y cũ thì phải giặt, giặt xong cũng phải tác tịnh nhưng không đắp thêm mảnh vải cũ vào nữa. Nếu Tăng nhận được vải hay y trong ngày nào thì nội trong ngày ấy phải may và thọ; để cách đêm, không thể trở thành y ca thi na. Theo Tứ phần, y có được bằng tà mạng bằng sự nịnh bợ, bằng cách ra dấu hay gợi ý đều không được dùng làm y ca thi na. Y xả đọa cũng không được phép.([12]) Tư cách người dâng, theo luật Thiện kiến,([13]) chỉ giới hạn trong bảy chúng đệ tử và chư thiên. Nghĩa là chỉ có y do bảy chúng đệ tử Phật dâng cúng Tăng mới có thể dùng làm y ca thi na.

Thời gian để thọ y là tháng ca đề. Theo thiên văn học Ấn, tháng ca đề là tháng mà sao mão gặp nguyệt cung, tức trong khoảng tháng 10 – 11 dương lịch. Nhưng theo truyền thống Hán tạng, thời gian được kể trong khoảng từ ngày 16 tháng 7 đến hết ngày 15 tháng 8 âm lịch.

2. Trương ca thi na

Trong đoạn kinh dẫn từ Trung A hàm ở trên chúng ta nhận thấy tính cách quan trọng của người trương ca thi na. Chính Phật đã nhận vai trò này, và đây là một vinh dự tuyệt đối cho người trì y, tức người mà Tăng sẽ trao cho thọ trì y ca thi na. Nhưng trong Luật tạng thì người trương y và người thọ trì y thường là một. Người trương ca thi na là người căng vải để làm y ca thi na, tức là người giữ vai trò thợ cả, còn những người khác chỉ là phụ giúp.

Nếu là y đã may sẵn của tỳ kheo, hoặc của đàn việt dâng cúng, thì không có việc trương y. Nhưng nếu chỉ là vải thì Tăng cần phải yết ma sai người trương y.

Thời gian hợp pháp để tăng nhận y hay vải may y trong phạm vi một tháng, kể từ ngày 16 tháng 7, tức sau ngày tự tứ, cho đến hết ngày 15 tháng 8 âm lịch. Nhận y được ngày nào Tăng phải tác pháp thọ y trong ngày đó, không được để cách đêm. Nếu là y chưa may sẵn, thì phải may cho xong nội trong ngày.

Sau khi Tăng đã tự tứ xong, đàn việt có thể làm lễ dâng y. Có thể dâng một lúc nhiều y được may như pháp, hoặc an đà hội, hoặc uất đa la tăng, hoặc tăng già lê. Kèm theo y được dâng, có thể gồm các phẩm vật tứ sự khác nữa. Trong số đó, Tăng cần lựa loại tốt nhất để làm y ca thi na. Các phẩm vật tứ sự khác có thể cất vào tịnh khố để phân chia sau.

Nếu không phải là y may sẵn, Tăng cần tác pháp yết ma chuẩn nhận vải ấy để may y ca thi na. Sau khi vải được Tăng chuẩn nhận là chất liệu ca thi na như pháp, thì y phải được may và thọ nội trong ngày ấy. Như vậy, vải hay y được dâng cúng, bất cứ ngày nào, có thể ngày Tăng tự tứ, nhưng vải hay y ấy chỉ trở thành ca thi na hợp pháp là bắt đầu từ ngày 16 cho đến hết tháng ca đề. Thông lệ là từ 16 tháng 7 đến 15 tháng 8 ta.

Để tác pháp chuẩn nhận vải làm chất liệu ca thi na như pháp, Tăng tập hợp và tác tiền phương tiện như thông lệ, văn bạch yết ma như sau:

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tăng nay được vải may y đúng thời. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận lấy vải này may y ca thi na. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe, Tăng nay được vải may y đúng thời. Tăng nào chấp thuận lấy vải này may y ca thi na. Các Trưởng lão nào chấp thuận lấy vải may y ca thi na thì im lặng. Ai không bằng lòng hãy nói.

Tăng đã chấp thuận lấy vải may y ca thi na vì đã im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy.

Vải may y đã được Tăng chấp thuận. Bấy giờ đến giai đoạn làm y. Cần phải chọn một tỳ kheo biết rõ cách thức may y ca thi na làm người trương y, tức người căng khung để may y. Yết ma Tăng sai người trương y, vì là một tăng sự có bản chất khác với tăng sự tự tứ, do đó cần có phương tiện riêng. Nghĩa là, bắt đầu với câu hỏi: "Tăng đã họp chưa?" v.v.. cho đến "Tăng nay hòa hiệp để làm gì?" – Đáp: "Yết ma sai người trương y ca thi na." Kế đó hỏi tiếp: "Trong đây có tỳ kheo nào có khả năng làm người trương y ca thi na?" Vị tỳ kheo biết căng khung may y đáp: "Tôi tỳ kheo… có khả năng." Bấy giờ Tăng tác pháp bạch nhị yết ma như sau:

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận sai tỳ kheo… làm người trương y ca thi na. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tăng nay sai tỳ kheo… vì Tăng làm người trương y ca thi na. Trưởng lão nào chấp thuận tăng sai tỳ kheo… vì tăng làm người trương y ca thi na thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tăng đã chấp thuận sai tỳ kheo… vì tăng làm người trương y ca thi na, vì đã im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy.

Tỳ kheo được Tăng sai làm người trương y nhận lãnh vải may y đem đi giặt, ủi, đo, cắt may v.v… các tỳ kheo khác trong cùng trú xứ có phận sự tham gia việc may y, không ai được thoái thác, cũng không thể viện cớ là hàng trưởng thượng mà lảng tránh.

Về hình thức, y ca thi na có thể là an đà hội, có thể là uất đa la tăng, hoặc tăng già lê cho nên cách thức may cũng giống như ba loại y này.

Sau khi y được may hoàn tất, Tăng tác pháp yết ma sai người thọ trì.

III. THỌ CA THI NA

Theo luật Thập tụng ([14]) tỳ kheo hội đủ năm đức tính sau đây mới đáng được Tăng sai làm người trì y: không thiên ái, không dễ nóng giận, không sợ hãi, không si, biết đã thọ và chưa thọ. Mặt khác, năm hạng người sau đây không được phép làm người trì y: không tuổi hạ, phá hạ, hậu an cư, bị tẩn và biệt trú. Nhưng theo luật Thiện kiến,([15]) y cần được giao cho tỳ kheo nào có y rách; nếu nhiều tỳ kheo có y rách thì giao cho người lớn tuồi, và nếu cùng có nhiều người lớn tuổi thì giao cho người cao hạ hơn.

Y ca thi na là biểu hiện công đức tu tập suốt mùa an cư của Tăng trong một trú xứ, do đó tất cả tỳ kheo trong trú xứ này cùng tập họp vào giới trường để tác pháp thọ. Theo luật Thiện Kiến,([16]) túc số tối thiểu để tác pháp yết ma thọ y là năm tỳ kheo trở lên, trong đó có một tỳ kheo là đối tượng của yết ma Tăng sai làm người trì y. Nếu trú xứ nào không hội đủ túc số này, có thể mời các tỳ kheo các trú xứ khác đến dự, nhưng họ không được hưởng các công đức của y này.

Tổng quát có mười một hạng tỳ kheo không được chia sẻ công đức của y ca thi na, nghĩa là không được hưởng năm điều lợi ích do hiệu lực của y.([17]) Đó là:

1. Người gởi dục, tức tỳ kheo không hiện diện.

2. Người có nạn, tức bị vua chúa hay giặc cướp bắt đi.

3. Người không có đại y, tức không có tăng già lê.

4. Người thuộc về trú xứ, tức không cùng sống chung một đại giới của trú xứ an cư.

5. Người trung và hậu an cư.

6. Người mà hạ đã bị phá.

7. Người không đồng kết giới, nghĩa là các tỳ kheo thuộc phạm vi đại giới khác muốn cùng thọ hưởng công đức của y nhưng không giải đại giới cũ của trú xứ mình để kết chung thành một giới; đây là xả và kết tạm thời, sau khi thọ y xong có thể giải giới đồng kết rồi kết lại nguyên trạng của đại giới cũ mà hiệu lực của y vẫn không mất.

8. Người phạm tăng tàn.

9. Người đang hành biệt trú.

10. Người học hối, tức tỳ kheo được dữ học pháp.

11. Người bị tẩn.

Trong số mười một hạng tỳ kheo này, trừ những người không thể hiện diện, còn lại, dù không thể chia xẻ công đức do hiệu lực của y, nhưng tất cả thảy đồng tập họp vào giới trường để tác pháp. Các vị này đến dự tác pháp với tư cách như là những quan sát viên. Họ được sắp xếp ngồi một chỗ riêng biệt trong giới trường. Sau khi các tỳ kheo đã tập họp đông đủ trong giới trường, Tăng tác tiền phương tiện vấn hỏi như thường lệ để yết ma sai người trì y.

Văn bạch yết ma:

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận sai tỳ kheo… vì Tăng trì y ca thi na. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tăng nay chấp thuận sai tỳ kheo… vì Tăng trì y ca thi na. Các Trưởng lão nào chấp thuận nay sai tỳ kheo… vì Tăng trì y ca thi na thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tăng đã chấp thuận sai tỳ kheo… Vì Tăng trì y ca thi na. Việc này tôi ghi nhận như vậy.

Tỳ kheo thọ sai bước ra đảnh lễ Thượng tọa chủ pháp rồi trở lui ngồi lại vị trí của mình. Tỳ kheo yết ma bạch tiếp:

Đại đức tăng, xin lắng nghe, Tăng trú xứ này nay được y đáng chia. Tăng hiện tiền nên chia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay đem y này trao cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ trì y này, vì Tăng thọ làm y ca thi na, thọ trì tại trú xứ này. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe. tăng trú xứ này được y đáng chia. Tăng hiện tiền nên chia. Tăng nay đem y này trao cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ trì y này vì Tăng thọ làm y ca thi na, thọ trì tại trú xứ này. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng nay đem y này trao cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ trì y này, vì Tăng thọ làm y ca thi na. Thọ trì tại trú xứ này. Đây là lời tác bạch.

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tăng trú xứ này được y đáng chia. Tăng hiện tiền nên chia. Tăng nay đem y này trao cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ trì y này vì Tăng thọ làm y ca thi na, thọ trì tại trú xứ này. Các Trưởng lão nào chấp thuận tăng nay đem y này trao cho tỳ kheo… tỳ kheo này sẽ trì y này, vì Tăng thọ làm y ca thi na, thọ trì tại trú xứ này, thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.

Tăng đã chấp thuận đem y này trao cho tỳ kheo… thọ trì y công đức, vì đã im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.

Tỳ kheo thọ sai lại đứng dậy, bước ra lễ Thượng tọa chủ pháp một lễ, đón nhận y do Thượng tọa trao, rồi trương ra cho tất cả cùng thấy, để được Tăng xác nhận rằng y đã may đúng như pháp. Đồng thời, tỳ kheo thọ sai nói trước Tăng:

Y này đã được may thành như pháp, gồm (bao nhiêu) điều (và bao nhiêu ô phải kể rõ), chung quanh có viền nẹp. Tăng nay đã chấp thuận y này sẽ được thọ trì làm y ca thi na.

Sau khi đã được toàn thể Tăng xác nhận bằng sự im lặng rằng y ấy đã được may như pháp, tỳ kheo thọ y xếp lại như cũ, hai tay nâng y đồng thời nói trước Tăng:

Y này Tăng sẽ thọ làm y ca thi na. Y này Tăng nay thọ làm y ca thi na. Y này tăng đã thọ làm y ca thi na. (nói ba lần)

Sau khi nói ba lần như vậy, xong tỳ kheo thọ trì y bưng đến trước Thượng tọa chủ pháp. Thượng tọa nên quỳ đồng thời đưa hai tay nắm lấy mép y và nói:

Người thọ trì đã khéo thọ. Trong đây có những công đức và danh dự gì tôi thảy đều có dự phần.

Tỳ kheo trì y đáp:

Nhĩ (hoặc nói: Kính vâng).

Lần lượt như thế cho đến vị tỳ kheo nhỏ nhất. Trừ các hạng tỳ kheo không được dự phần như đã kể trên. Sau đó tỳ kheo trì y trở lại đứng trước Tăng, bạch rằng:

Bạch đại đức tăng, tôi nay vì Tăng thọ y ca thi na đã xong.

Thượng tọa chủ pháp nói:

Thiện (hoặc: Lành thay).

Tiếp theo đó, Thượng tọa chủ pháp có thể giảng giải các vấn đề liên hệ đến y ca thi na, về năm điều lợi ích do hiệu lực của y, về các trường hợp y bị xả, nghĩa là mất hiệu lực v.v…

Sự tác pháp thọ trì y ca thi na đến đây là hoàn tất.

IV. XẢ Y CA THI NA

Xả y ca thi na tức y mất hiệu lực, và theo đó, năm điều lợi ích liên hệ đến sự mở rộng điều khoản trong giới bổn của tỳ kheo cũng mất hiệu lực.

Tổng quát, có hai trường hợp y ca thi na được xả. Thứ nhất, xả toàn bộ, do Tăng tác pháp. Trong trường hợp này hiệu lực của y mất hẳn đối với toàn thể Tăng. Thứ hai, xả cá biệt, tức các trường hợp chỉ liên hệ đến cá nhân một tỳ kheo.

Về trường hợp xả toàn bộ, theo bản chất, hiệu lực của y ca thi na chỉ tồn tại trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày thọ. Tức nếu thọ y vào ngày 16 tháng 7 âm lịch, thì đến hết ngày 15 tháng 11 là hết hạn. Ngày đó, nếu Tăng không tác pháp xả, thì khi đến rạng ngày 16 hiệu lực của y cũng tự động được xả mà không cần tác pháp. Tuy nhiên, theo các nhà giải thích luật Tú7 phần, nếu thọ y vào ngày tự tứ, tức ngày 16 tháng 7, thì hiệu lực của y sẽ tồn tại trong thời gian năm tháng, đến ngày 15 tháng 12 là hết hạn. Hành sự sao ([18]) nói rằng: thọ y trong trường hợp naỳ, thời hạn của y tồn tại được 15 ngày. Nếu thọ y vào ngày 16 tháng 8, nghĩa là vào ngày cuối cùng của tháng ca đề, tức tháng để thọ y, thì thời hạn của y là 120 ngày. Thọ y vào các ngày trung gian giữa hai mốc thời hạn ấy, thới hạn của y cũng theo đó mà tính. Nói cách khác, bất cứ thọ vào ngày nào, thời hạn cuối cùng của y vẫn là ngày 15 tháng 12.

Về xả cá biệt, có tám trường hợp hiệu lực của y được coi là mất đối với một tỳ kheo.

1. Ra đi: Sau khi y ca thi na đã được thọ, tỳ kheo nào vì nhu cầu cần thay đổi trú xứ, bước chân ra khỏi đại giới của trú xứ với ý nghĩ sẽ không trở lại nữa, với tỳ kheo ấy ca thi na bị xả

2. Y thành: sau khi y ca thi na đã được thọ, tỳ kheo nào mang vải may y của mình ra khỏi đại giới của trú xứ để may, khi may thành, với tỳ kheo ấy, ca thi na bị xả.

3. Y chưa thành: sau khi y ca thi na đã được thọ, tỳ kheo nào mang vải may y của mình ra khỏi đại giới với ý nghĩ không trở lại trú xứ, và dù y chưa may xong, với tỳ kheo ấy, ca thi na bị xả.

4. Mất y: Ra khỏi đại giới, may y xong nhưng bị mất, ca thi na cũng bị xả.

5. Mất hy vọng: Ra khỏi giới để đi đến chỗ với hy vọng có được y, nhưng đến đó không có y.

6. Nghe xả: Khỏi giới, hay tin rằng Tăng trong trú xứ đã xả ca thi na.

7. Xuất giới: ra ngoài đại giới để may y, may y đã xong, nhưng hay tin rằng Tăng đã xả ca thi na.

8. Đồng xả: Ở ngoài đại giới mà may y, dù xong hay không xong, trở lui về trong giới, cùng Tăng hòa hiệp xả ca thi na.

Ba trường hợp cuối cùng tương đương với sự xả toàn bộ, nghĩa là do tăng yết ma xả. Nhưng điểm khác biệt là ở đây xả bất thường, tức không đợi mãn hạn kỳ của y, do tình trạng đặc biệt nào đó, Tăng đồng ý hòa hiệp tác pháp xả.

Về tác pháp xả y, họp Tăng và tác tiền phương tiện vẫn hòa theo thông lệ. Yết ma xả thuộc loại đơn bạch. Văn bạch như sau:

Đại đức tăng, xin lắng nghe. Ngày hôm nay Tăng hòa hiệp xả y ca thi na. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay hòa hiệp xả y ca thi na.

Theo quan điểm của Yết ma chỉ nam sau khi y ca thi nađược xả, quyền sở hữu không thuộc về người trì y. Tăng sẽ chọn tỳ kheo nào có y rách mà cho. Quan điểm này được nói là dẫn từ Thiện Kiến. Nhưng Hành sự sao ([19]) đã tổng hợp Thập tụng và Thiện kiến để nói rằng Tăng chọn tỳ kheo đủ năm đức và trong số các tỳ kheo mà ba y đã rách làm người trì y. Như vậy, không có trường hợp Tăng xả y từ người trì y rồi đem cho một tỳ kheo khác.






CHÚ THÍCH

[1] Ni tát kỳ ba dật đề thứ nhất: Súc trường y. Các bộ luật bộ giống nhau.

[2] Ni tát kỳ ba dật đề thứ hai: Ly y túc. Các luật bộ giống nhau.

[3] Tứ phần ba dật đề thứ 32: Triển chuyển thực. Luật Pàli thay điều lợi này cho ni tát kỳ ba dật đề thứ ba: được cất chứa vải một tháng.

[4] Tứ phần, ba dật đề 33.

[5] Tứ phần, ba dật dề 42.

[6] Ngũ phần 22 (đại 22, tr. 153a).

[7] Trung A hàm 19 (Ca si na kinh) (đại 1, tr. 551c) không tìm thấy Pàli tương đương. Thiện kiến 18 (đại 24, tr. 796a) có dẫn chuyện Phật Liên Hoa cùng 1600 tỳ kheo may y cho vị đại đệ tử của Người là Tu xà đa. Có lẽ muốn nói đến Sufata đại đệ tử của Phật Padumttora, Buddhayamsa xi 24, bản sớ giải 159.

[8] Hành sự sao, Thượng 4, lời chú (đại 40, tr. 44) xem thêm Hành sự sao tư trì ký, Thượng 4 (đại 40, tr. 250a).

[9] Luật Nhiếp năm (đại 24, tr. 553a) ca si na có nghĩa là kiện thật tinh điều vì do sự xả và trì y của đại chúng, nó có khả năng đảm trách các vi phạm.

[10] Có bản chế là nan trị: trị và hoạt tự dạng gần giống nhau.

[11] Tứ phần 13 (đại 22, tr. 879a). Xem giải thích của Hành sự sao tư trì ký, Thượng 4 (đại 40, tr. 251a).

[12] Tứ phần 13, đã dẫn.

[13] Thiện kiến 18 (đại 24, tr. 795c)

[14] Thập tụng 29 (đại 23, tr. 207).

[15] Thiện kiến 18 (đại 24, tr. 795c) tổng hợp Thập tụng và Thiện kiến, có thể nói: trao cho người đủ năm đức, trong số những vị đủ năm đức, trao cho vị có y cũ hoặc rách.

[16] Đã dẫn trên.

[17] Hành sự sao tư trì ký, Thượng 4 (đại 40, tr. 252a).

[18] Hành sự sao, Thượng 4 (đaị 40, tr. 44c).

[19] Xem giải thích của Hành sự sao tư trì ký, Thượng 4 (đại 40, tr. 251c). Xem thêm c. tr.15 trên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567