Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Lối vào câu chuyện

22/05/201311:40(Xem: 8366)
Chương 2: Lối vào câu chuyện
Chuyện Tình Liên Hoa Hòa Thượng


Chương 1: Nhơn Tình Thời Lê Mạt, Nguyễn Sơ

Chương 2: Lối Vào Câu Chuyện
Nguồn: Sa Môn Thích Như Điển


Từ năm 1789 đến năm 1801 là những năm tháng Nguyễn Vương lo luyện tập quân sĩ để chiếm cứ lại những nơi đã mất trước khi bôn đào sang Thái Lan tỵ nạn. Sử sách gọi thời gian nầy là thời gian Nguyễn trung hưng. Nghĩa là nhà Nguyễn đang lo chuẩn bị mọi việc từ chính trị cho đến kinh tế, tài chánh để đoạt lấy ngai vàng. Vì khi Quang Trung mất, Quang Toản lên nối ngôi còn nhỏ. Vả lại nhà Tây Sơn suy yếu, vì ba anh em không thuận hòa nhau. Cho nên đây là cơ hội tốt nhất để Nguyễn Vương khôi phục lại cơ đồ.

Vào năm 1801 Nguyễn Vương đã chiếm lại được kinh đô Phú Xuân và sau đó chiếm cốđô Thăng Long. Tiếp đến năm 1802 Nguyễn Vương thống nhất sơn hà từ Nam ra Bắc và lấy đế hiệu là Gia Long. Gia Long cũng có nghĩa là Gia Định và Thăng Long hai địa danh nầy ghép 2 chữ đầu và sau để thành đế hiệu. Sở dĩ Nguyễn Gia Long chọn Huế làm kinh đô vì lẽ, bậc tiên hiền của nhà Nguyễn là Chúa Nguyễn Hoàng kể từ cuối thế kỷ thứ 16 đến đầu thế kỷ 17 các nhà Chúa của Nguyễn Vương đã xây dựng ở xứĐàng Trong nầy, suốt từ Quảng Nam cho đến Sài Gòn Gia Định và Huế cũng là trung tâm điểm của quốc gia. Cho nên Nguyễn Vương không chọn Thăng Long làm kinh đô cho mình. Một lý do khác cũng khá tế nhị về vấn đề chính trị là tránh hậu hoạn về sau. Đó là ở Đàng Ngoài đa phần quan quân cũng như dân chúng vẫn còn hoài Lê; chứ chưa có nhiều người khâm phục Nguyễn Vương hoàn toàn; nên Nguyễn Vương đã chọn Huế làm Kinh Đô. Ngoài ra Nguyễn Vương cũng dè dặt hơn; nên ít cắt cử người miền Trung thuộc Đàng Trong làm những công việc cao cấp trong Triều
Đình mà hay chọn người của Sài Gòn Gia Định để làm Tăng Cang Hòa Thượng hay cả Hoàng Hậu sau nầy như Bà Từ Dũ cũng vậy.

Sau khi lên ngôi, Vua Gia Long ở ngôi được 18 năm (1802-1820); ông nhớ lại ơn xưa của các chùa nên đã sắc tứ trùng tu và ban thưởng. Đặc biệt là hai chùa: Sắc tứ Từ Ân tự và Quốc Ân Khải Tường tự, cấp lương tiền và mọi chi phí cho Tăng Chúng cũng như mọi sinh hoạt cho hai chùa nầy. Xem hai chùa nầy là chùa của quốc gia và người dân thường gọi là “Chùa Quan”.

Sắc là răn bảo. Tứ là ban cho. Ý nói từ trên Vua có lời răn bảo và ban cho chùa nầy. Nên các chế độ Vua Chúa ngày xưa gọi là chế độ phong kiến là vậy. Phong là Vua phong tước cho quan và kiến đây là ban cho đất đai. Tất cả quyền hành đều nằm nơi nhà Vua. Nên người xưa thường bảo: “Ơn vua lộc nước” là vậy.

Chùa Khải Tường nơi Hoàng Hậu tạm trú và sinh ra Vua Minh Mạng; nên Vua Gia Long mới đặt là Quốc Ân. Ấy chính là cái ơn của đất nước. Đất nước Việt Nam phải mang ơn ngôi chùa nầy. Những vị Trụ Trì và Tăng Chúng tại đó được lãnh lương hằng tháng và nhà Vua còn chu cấp ruộng đất cho nhà chùa nữa.

Đứng về phương diện lịch sử thì chùa Từ Ân và Khải Tường đã có liên quan đến việc chống Tây Sơn; nên đã dung nạp cho họ hàng Nguyễn Vương từ trước cũng như sau khi nhà Nguyễn từ Thái Lan về lại Gia Định. Hai mái chùa nầy đã che chở cho cả hoàng tộc; nên việc ban ân, thí của sau khi lên ngôi Hoàng Đế cũng là chuyện bình thường trong thiên hạ. Thuởấy Thiền Sư Linh Nhạc

-Phật Ý trụ trì.

Cho đến ngày nay người ta vẫn chưa rõ Thiền Sư Linh Nhạc - Phật Ý quê quán ởđâu. Có thể là ở Biên Hòa

– Bà Rịa ngày nay. Riêng tài liệu ở chùa Đại Giác, Biên Hòa cho biết rằng Thiền Sư Phật Ý tịch năm Tân Tỵ (1821) thọ 97 tuổi. Như vậy Sư sinh năm 1725.

Thiền Sư Phật Ý quy y với Hòa Thượng Thành Đẳng

– Minh Lượng tại chùa Đại Giác ở phố Đồng Nai, dinh Trấn Biên (nay là Cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa). Thuởấy Đàng Trong chưa có Sư Sãi và chùa viện nhiều. Cho nên Thiền Sư Minh Lượng - Thành Đẳng sau khi khai sơn chùa Vạn Đức (còn gọi là chùa Cây Cau) ở Hội An, Ngài đã theo đoàn người Nam Tiến vào Biên Hòa để hoằng hóa độ sanh.

Cuối thế kỷ thứ 17. Ngài Thạch Liêm Thích Đại Sáng vâng lời Chúa Nguyễn về lại Trung Hoa và thỉnh cầu Ngài Nguyên Thiều cùng với Hội đồng Thập Sư sang Việt Nam để truyền giới. Sau 2 giới đàn tại Hội An và Huế, Ngài Thạch Liêm về lại Trung Quốc cùng với những vị khác. Riêng Ngài Nguyên Thiều và một số những vị Tôn Chứng Sư khác ở lại khai sơn các chùa tại Hội An và Huế. Gồm có những vị như sau:

Ngài Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh tại Hội An vào cuối thế kỷ thứ 17. Ngài Minh Lượng – Thành Đẳng khai sơn chùa Vạn Đức tại Hội An. Ngài Minh Hoằng - Tử Dung khai sơn chùa TừĐàm ở Huế. Như vậy dòng kệ Lâm Tế Chúc Thánh, hay Vạn Đức hay TừĐàm cũng cùng là một nguồn mạch từ Trung Hoa; nhưng khi qua Việt Nam chúng ta đã chia ra nhiều chi phái như vậy.

Năm Giáp Ngọ (1744) Chúa Võ Vương tổ chức lãnh thổĐàng Trong thành một nước riêng biệt, xem như ngang hàng với Đàng Ngoài và không chịu thần phục vua Lê – Chúa Trịnh ởĐàng Ngoài nữa. Chúa đã cho mở rộng lãnh thổởĐàng Trong, phát động phong trào di cư đông đảo đến huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn của phủ Gia Định; tức là vùng đất Sài Gòn, Gia Định ngày nay. Dân chúng từ miền Trung nước Việt và vùng Đồng Nai đã di chuyển đến huyện Tân Bình để lập nghiệp (dựa theo Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức

– trang 267).

Từ đời nhà Lý, quê hương và địa thế của nước Việt Nam chúng ta mới đến Nghệ An, Hà Tĩnh là cùng. Sau đó các Vua nhà Lý, nhà Trần mở rộng bờ cõi về phương Nam, các Vua Chiêm Thành thua trận; nên mới cắt đất dâng cho Vua Việt gồm có: Địa Lý, Mê Linh và Bố Chính. Đến đời Vua Trần Nhân Tông, trước khi đi xuất gia (1296) nhà Vua đã gả Huyền Trân Công Chúa cho Vua Chế Mân và nhà Chế của Chiêm Thành đã dâng 2 Châu Ô và Châu Lý để làm lễ cầu hôn. Nay thuộc Thuận Hóa và Quảng Nam. Từ Kinh Đô Mỹ Sơn ở Trà Kiệu, Quảng Nam các Vua Chiêm Thành dần lui về Đồ Bàn ở Bình Định để an thân, giữ phận. Nhưng những cuộc Nam Tiến của quan quân Chúa Nguyễn như vũ bão; nên đã thôn tính luôn cả nước Chiêm Thành, nước Lâm Ấp và nước Phù Nam cũng như nước Thủy Chân Lạp.

Sử Phật Giáo Nhật Bản có ghi lại rằng vào năm 730, Thiền sư Phật Triệt người nước Lâm Ấp đã theo Bồ Đề Tiên Na từẤn Độ sang Trung Quốc. Năm 736 cả hai Thầy trò đều đến Nara tại Nhật Bản. Tại đây Thiên Hoàng và Hoàng Hậu chuẩn bị làm lễ khánh thành chùa Todaiji (Đông Đại Tự) và lễ khai nhãn đại tượng Phật Tỳ Lô Giá Na bằng đồng và triều đình đã chính thức thỉnh Ngài Bồ Đề Tiên Na làm khai nhãn đạo sư vào năm 752 tại chùa nầy.

Từ năm 736 đến 752 là 16 năm dài. Trong 16 năm dài ấy Thầy trò của Ngài Tiêm Na và Phật Triệt đã truyền dạy cho dân chúng Phật Tử Nhật những bài hát, múa thuộc diện lễ nhạc của Phật Giáo Lâm Ấp (tức một phần đất nước Việt Nam của chúng ta ngày hôm nay) cho dân chúng Nhật Bản. Mãi đến nay sau gần 1.300 năm biến thiên của lịch sử những điệu múa ấy vẫn còn giữ nguyên tại Nara Nhật Bản; mỗi năm được trình chiếu một vài lần cho dân chúng xem; nhưng nước Lâm Ấp, hay Phù Nam quốc chẳng còn thấy đâu trên bản đồ của thế giới ngày nay. Quả là: “bãi biển biến thành ruộng dâu” vậy.

Thiền Sư Linh Nhạc - Phật Ý vâng lời dạy của Thầy mình là Ngài Minh Lượng - Thành Đẳng, theo lớp người di dân từ Đồng Nai xuống huyện Tân Bình; trong đó có cả người Việt và người Trung Hoa. Trên đường đi, Thiền Sư Linh Nhạc gặp một Tăng Sĩ cùng lứa tuổi (hiện chưa biết rõ Pháp danh và Tông phái) kết làm huynh đệ và cùng nhau đến làng Tân Lộc lo khai phá rừng, cất am tranh tu hành và cùng với dân chúng lo khai khẩn ruộng đất canh tác. Hai huynh đệ chia phiên nhau cứ nửa tháng làm ruộng rẫy, đốn củi, hái rau, trái cây vềăn, thì nửa tháng sau ở nhà lo sửa sang am thờ Phật, đóng bàn ghế tủ thờ... đêm đến hai huynh đệ cùng nhau tụng kinh, học thêm kinh sách Phật Giáo.

Người dân di cư họ sống xa quê hương; nơi chôn nhau cắt rốn của họ và đang ở nơi vùng đất mới hoang vắng, giữa rừng rậm đầy thú dữ, rắn rít độc hại; cho nên ban ngày họ lo khai phá ruộng đất và đêm đến sống trong cảnh hoang liêu cô tịch với thiên nhiên, với thú dữ; nên họ cảm thấy bé nhỏ và thỉnh thoảng lại gặp những cảnh huyền bí, nhiệm mầu. Do đó con người cần đến sự an ủi tinh thần và sự gia hộ của chư Phật cùng chư vị Bồ Tát. Đây là động cơ để họ tìm đến chùa chiền và các vị Tăng Sĩ Phật Giáo. Từđó họ đến am tranh của Thiền Sư Linh Nhạc để lễ bái, nguyện cầu cũng như làm lễ sám hối vào tối 14 hay 30 âm lịch trong mỗi tháng.

Sau hơn 10 năm vật lộn với thiên nhiên, người di dân đã được ổn định. Việc khai khẩn, trồng trọt đã thu được hoa lợi, đời sống vật chất được thoải mái hơn; nên mỗi ngày chùa càng đông khách thập phương đến viếng. Từ động cơ nầy vào năm 1752 Thiền Sư Phật Ý đã dỡ bỏ am tranh và cất thành một ngôi chùa khang trang, có đủ chánh điện, nhà Tổ, phòng khách v.v... và Ngài đặt tên cho ngôi chùa nầy là Từ Ân.

Ngôi am của vị Sư là bạn đồng hành cũng được sửa sang lại thành ngôi chùa khang trang khác với tên là Khải Tường. Chùa Khải Tường nằm ở góc đường Lê Quý Đôn và Trần Quý Cáp; tức là vị trí ở ngôi nhà lớn nơi làm Đại Học Y Khoa ngày nay và chùa Từ Ân ở vị trí ChợĐuổi, thuộc quận 3 Sài Gòn sau nầy (xem sách đã dẫn trang 268).

Sau một thời gian hoằng hóa, vị Sưở chùa Khải Tường viên tịch, Thiền Sư Phật Ý trụ trì luôn cả 2 chùa. Do tài đức của Thiền Sư Phật Ý – Linh Nhạc nên hai chùa nầy trở thành hai ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở phủ Gia Định thời bấy giờ.

Trong khi chùa Từ Ân và Khải Tường được phát triển rộng lớn, Thiền Sư Linh Nhạc được sự phụ giúp của các sư đệ trong tông phái Lâm Tế là:

-Thiền Sư Thiệt Thành - Liễu Đạt (tức Liên Hoa Hòa Thượng) cũng thuộc đời thứ 35 như Sư Linh Nhạc -Phật Ý (đệ tử của Hòa Thượng Minh Vật - Nhứt Tri) và Ngài Liễu Đạt được cử chức Thủ Tọa, lo điều khiển Tăng Chúng trong 2 chùa. Nhưng vào năm 1786 Bổn Sư viên tịch. Ngài Liễu Đạt y chỉ với Sư Huynh Linh Nhạc - Phật Ý và xem như Thầy của mình.

Ở tại chùa của Thiền Sư Linh Nhạc - Phật Ý, chắc chắn Ngài Liễu Đạt đã được sự chăm sóc kỹ càng của Sư Huynh và gần như là Sư Phụ và Ngài Liễu Đạt chắc chắn học hỏi được rất nhiều việc trong cửa Thiền từ Thiền Sư Phật Ý. Làm Thủ Tọa một lúc cả 2 chùa lớn tại Sài Gòn và Gia Định lúc bấy giờ không phải là dễ. Nghĩa là không được phép thương riêng ai và ghét riêng ai, mà phải công minh chính trực thì Tăng Chúng mới nể nang.

Vừa lên ngôi Vua năm 1802 Gia Long cho lập đàn tại Chùa Linh Mụ để tế các chiến sĩ trận vong. Chín năm sau, vào năm 1811, Vua mời Thầy Tăng từ Gia Định về Kinh. Năm 1815 Vua cho đại trùng tu chùa Linh Mụ, cho đúc Đại Hồng Chung và cho mời Thiền Sư TổẤn - Mật Hoằng từ chùa Đại Giác ở Biên Hòa ra Huế và phong làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ.

Thiền Sư TổẤn – Mật Hoằng sau một thời gian tu học tại chùa Từ Ân với Thiền Sư Phật Ý – Linh Nhạc, được về trụ trì chùa Đại Giác ở dinh trấn Biên Hòa, có lẽ vào năm 1775. Sau đó Thiền Sư Mật Hoằng còn trụ trì chùa Quốc Ân ở Huế do Tổ Sư Nguyên Thiều thành lập cho đến ngày viên tịch vào năm 1835.

Điều nầy cho chúng ta thấy rằng có lẽ vì cái ân che chở lúc lâm nguy tại chùa Từ Ân cho vua Gia Long và hoàng tộc nhà Nguyễn trong khi lánh nạn Tây Sơn, cũng như sau khi về nước, chuẩn bị lên ngôi Hoàng Đế từ năm 1789 đến 1801. Trong suốt hơn 10 năm dài đó có lẽ Nguyễn Vương đã cảm nhận được đức hạnh và giới luật của Thiền Sư Phật Ý – Linh Nhạc cũng như của Ngài Tổ Ấn - Mật Hoằng đến lưu học tại chùa Từ Ân; cho nên sau khi lên ngôi, nhà Vua đã đặc ân cho những vị Hòa Thượng xa xôi, đến tận cuối miền Nam, ra kinh làm Tăng Cang của một quốc tự như Linh Mụ. Vả chăng tại Huế lúc ấy thiếu đi các bậc chân Tăng?

Khi Gia Long và Minh Mạng lên ngôi đều quan tâm đến chùa chiền; cho nên đã cho tu bổ chùa Linh Mụ hay các chùa khác tại kinh thành. Đặc biệt Vua Minh Mạng đã lập Chùa Thúy Vân để hồi hướng công đức chúc thọ cho Thuận Thiên Cao Hoàng Thái Hậu lúc 70 tuổi. Bia chùa Thánh Duyên ở núi Thúy Vân (Túy Vân) có ghi rõ 2 câu đối trước chùa do Vua ngự chế là:

“Thánh tức thị Phật
Phật tức thị Thánh”

Thánh ởđây ý nói là Hoàng Thái Hậu và Phật trong lòng mọi người, cũng chính là bậc mẫu nghi thiên hạ của muôn dân. Đây có lẽảnh hưởng bởi tư tưởng của Nho gia hơn là Phật gia, qua văn hóa biến thái từ Trung Quốc của Hoàng Đế Võ Tắc Thiên đời nhà Đường hay sau nầy nhà Thanh, qua hình ảnh Lão Phật gia của Từ Hy Thái Hậu.

Những lời chiếu của Vua Gia Long còn lưu trữở Quốc Sử Quán thuộc Đại Nam Thực Lục Chánh Biên đã do các nhà Nho biên soạn, hầu nhưđi ngược lại với ý của Vua và các Hoàng Hậu; nhất là việc xây chùa, tiếp tăng độ chúng. Đây có lẽ là kết quả của những sự ganh tị thấp hèn của các nhà Nho. Vì Vua luôn đối đãi tôn kính chư Tăng từ miền Nam đất Gia Định ra kinh thành Huế làm Tăng Cang. Đây cũng có thể Vua Gia Long ảnh hưởng bởi Vua Rama đệ nhất của Thái Lan khi đối trước chư Tăng, khi Gia Long còn tỵ nạn ở xứ người.

Vào năm Đinh Sửu (1817) niên hiệu Gia Long thứ 16, nhà Vua đã cử Hòa Thượng Liễu Đạt chùa Khải Tường ra làm Tăng Cang tại chùa Thiên Mụở Kinh Đô Huế. Khi làm Tăng Cang ở chùa Linh Mụ, Hòa Thượng Liễu Đạt còn được cử làm Pháp Sư để thuyết giảng Phật Pháp trong nội cung của Vua. Mỗi tháng thuyết pháp cho Thái Hậu, Vương Phi, Công chúa, Cung tần v.v... đến 8 ngày. Sau nầy Vua Minh Mạng đã phục tài đức của Hòa Thượng Liễu Đạt, nên đã phong cho danh hiệu là Hòa Thượng Liên Hoa và chuyện tình đã nhen nhúm tại Hoàng cung từ thuởấy.

Vậy thì Hòa Thượng Liên Hoa là ai vậy và là người như thế nào mà để cho Hoàng Cô, em ruột Vua Gia Long say mê đến vậy?

Hòa Thượng Liên Hoa hay Thiền Sư Thiệt Thành ¬Liễu Đạt là đệ tử của Hòa Thượng Minh Vật - Nhứt Tri ở chùa Kim Cang Đồng Nai.

Vào cuối thế kỷ thứ 18 khi Nguyễn Vương (Nguyễn Phước Ánh) chống lại quân Tây Sơn, Hòa Thương Linh Nhạc - Phật Ý hoằng hóa ở chùa Từ Ân và Khải Tường Gia Định (1744-1821). Thiền Sư Liễu Đạt được cử làm Thủ Tọa ở chùa Từ Ân và sau qua trụ trì chùa Khải Tường.

Chỉ một vài chi tiết nhỏ như vậy chúng ta cũng đủ thấy Thiền Sư Linh Nhạc - Phật Ý có con mắt nhìn thấu rõ được cuộc đời và con người của Ngài Liễu Đạt (tức Liên Hoa Hòa Thượng). Nếu không là người có khả năng quán xuyến việc chùa, việc chúng thì đã không được chọn làm Thủ Tọa của một ngôi chùa quy củ nơi Thiền Sư Phật Ý trụ trì được. Nếu không được Tăng Chúng yêu mến, kính trọng thì cũng khó mà lãnh chúng. Vì chúng không phục. Để cho Chúng Tăng khâm phục và nghe lời, vị thủ tọa ít nhất phải được một trong 3 đặc điểm sau:

Đầu tiên là phải làm cho người khác kính trọng mình. Muốn vậy, mình phải là người hành trì giới luật tinh nghiêm, làu thông kinh sử và lý thuyết cùng hành động phải đi đôi với nhau.

Thứ hai phải được Tăng Chúng nể nang. Điều nầy phải thể hiện qua tư cách của người lãnh chúng; không được thiên vị bất cứđiều gì khi xét xử việc trong chúng cũng như không vì tình riêng của bất cứ người nào, mà làm cho chúng Tăng xích mích với nhau, dễ gây ra động chúng nơi cửa Thiền.

Thứ ba là phải làm cho người khác phục mình. Nghĩa là người lãnh đạo phải có tài. Nếu không có tài điều hành chúng và điều hành công việc thì người khác không phục. Cũng có thể người lãnh đạo có một vài khuyết điểm nhỏ, khiến cho chúng không kính trọng về tư cách đạo đức; nhưng phải bái phục về tài cán của người kia; nếu không phải vậy thì khó mà lãnh đạo một cộng đồng Tăng Lữ.

Có thể thời ấy người đi xuất gia tại chùa Từ Ân chưa đông lắm; nhưng Hòa Thượng Liễu Đạt (Liên Hoa) không thể thiếu một trong ba đặc điểm vừa nêu trên được.

Ngày ấy Phật sựđa đoan; chỉ riêng một mình Thiền Sư Linh Nhạc - Phật Ý đã phải quán xuyến cả hai chùa; nên sau khi làm Thủ Tọa tại chùa Từ Ân, Ngài Liễu Đạt lại được cất cử trụ trì ngôi chùa Khải Tường nữa. Quả là một sự tiến bộ về nội tâm cũng như sự dụng công tu học của Thiền Sư Liễu Đạt không ít.

Trụ Trì có nghĩa là: Trụ pháp vương gia và trì Như Lai Tạng. Nhà Pháp Vương là ngôi nhà Phật Pháp. Ởđó người Trụ Trì có bổn phận phải làm cho Phật Pháp được xương minh, phải làm sao cho bá tánh sau khi nghe Phật Pháp biết bỏ dữ làm lành; khiến cho ánh sáng của chân lý càng ngày càng rọi soi đến nhiều nơi hơn nữa.

Trì Như Lai Tạng nghĩa là: gìn giữ tam tạng của Đức Như Lai. Đó là Kinh, Luật và Luận. Sau khi Như Lai đã nhập diệt, chỉ có giới luật và giáo pháp mới là mạng mạch của Phật Đạo. Nếu những lời dạy của Đức Phật không còn tồn tại trên đời nầy nữa thì ma vương sẽ lộng hành và thời kỳ mạt pháp chắc chắn không còn xa lắm với con người nơi cõi thế nầy.

Đầy đủ đức tính như trên thì gọi là một vị Trụ Trì. Trụ Trì nó không phải đơn thuần chỉ là ở giữ chùa. Vì ngôi chùa dẫu cho có to lớn, cao đẹp bao nhiêu đi chăng nữa, trải qua thời gian năm tháng, nó cũng sẽ bị chi phối bởi định luật vô thường về thành, trụ, hoại, không. Nếu vị Trụ Trì ấy chỉ giữ giới luật, dụng công nghiêm mật trong việc tu hành thì giáo pháp ấy sẽ tồn tại mãi mãi nhiều nghìn năm sau trên cuộc thế nầy.

Vào khoảng năm 1789-1801 khi Nguyễn Vương lo trung hưng lại Gia Định, tổ chức lại việc cai trị, cho xây thành Gia Định, Nguyễn Vương và triều thần ngụ tại chùa Từ Ân. Thái Hậu, Vương Phi, Công chúa tạm ngụ tại chùa Khải Tường. Năm 1791 Hoàng Tử Nguyễn Phước Đảm (tức Vua Minh Mạng) sanh ra tại chùa Khải Tường.

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ trị vì chỉ 4 năm (1785-1789) và phải chết đột ngột như vậy; nên đất nước càng chìm ngập trong bao nỗi giày xéo quê hương. Nhìn về phương Bắc chẳng còn ai hô hào phò Lê nữa. Nhất là Lê Chiêu Thống và trước kia là Trần Ích Tắc đã muốn “cõng rắn cắn gà nhà”; nhưng giấc mộng ấy đã chẳng thành. Quang Toản con Quang Trung còn quá bé không thể lo chấp chánh được; trong khi bác và chú là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ là những người chỉ có võ mà không còn mưu lược nhiều; nên Gia Long Nguyễn Ánh cùng các tướng tài có lẽ cũng chẳng nể nang gì. Giá mà Ngọc Hân Công Chúa, vợ của Quang Trung tài giỏi như Thái Hậu Dương Vân Nga, vợ của Lê Hoàn thì thời kỳ cầm quyền cai trị đất nước còn kéo dài thêm một thời gian nữa; nhưng có lẽ vận nước đã trở lại với nhà Nguyễn và cơ đồ ấy xứng đáng trao vào tay người lãnh đạo xứ Thuận Hóa đã bao phen nằm gai nếm mật và tôi luyện tại xứ Chùa Tháp của Thái Lan để chờ ngày quang phục. Nguyễn Vương đã cảm thấy an lòng cho nên cho xây lại thành Gia Định. Trong khi xây thành, cả triều đình thu hẹp ấy chưa có chỗở nhất định; nên phải chọn 2 ngôi chùa Từ Ân và Khải Tường để làm chốn dưỡng quân.

Khi ở chùa Khải Tường, Thiền Sư Liễu Đạt (Liên Hoa Hòa Thượng) đã có cơ hội để tiếp xúc hằng ngày với Thái Hậu cùng Vương Phi, Công chúa, Phò mã v.v... Giữa một đám nữ lưu như vậy; chắc chắn là Liên Hoa Hòa Thượng phải ý tứ nhiều hơn so với việc làm Thủ Tọa ở chùa Tăng Từ Ân mà Hòa Thượng Linh Nhạc - Phật Ý đã giao phó.

Khi gió bụi làm mờ bóng nhung y trên lưng ngựa, Vua Gia Long và các tướng tài không còn có thì giờ nhiều để nghĩ về chuyện riêng tư, tình cảm. Sau khi trở lại quê hương, liền bắt tay vào việc nội trị, tổ chức sao cho hài hòa giữa Nam, Trung, Bắc. Cho nên thời gian từ năm 1789 đến năm 1801 là thời gian quan trọng hơn cả thời gian 19 năm ngồi trên ngai vàng từ năm 1802 đến năm 1820. Vì lẽ, nếu không chuẩn bị mọi chương trình hành động thì chắc gì yên ổn khi lên xưng đế và thống nhất sơn hà. Sau khi đại thắng quân Thanh vào năm 1789 của vua Quang Trung thì Trung Hoa đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về sức mạnh của lòng dân Đại Việt rồi; không dám coi thường nữa. Đây là một cơ hội tốt ngàn vàng để Nguyễn Vương gìn giữ non sông vững bền mà không cần để tâm lo nạn giặc ngoại xâm từ Thiên triều ở phương Bắc nữa.

Hòa Thượng Liễu Đạt (Liên Hoa) là người rất thông minh có tài thuyết pháp và biện luận. Tướng hảo quang minh nên được nhiều người kính mộ. Thái Hậu, Vương Phi và các Công Chúa đều tôn phục. Một số Công chúa đã thọ giới với Hòa Thượng; trong đó có Thái Trưởng Công Chúa Long Thành.

Một người được gọi là đẹp trai. Vì người ấy hiện rõ được tướng của một bậc trượng phu và nam nhi chi chí. Không có tướng ẻo lả và dáng bộ khôi ngô; khiến ai nhìn vào cũng phải sinh tâm mến mộ. Nếu người đàn ông ấy có thêm phần đạo đức và lòng từ nhân ái hỗ trợ, thì bậc tu mi nam tửấy, không ai là không mến phục yêu thương. Còn Hòa Thượng Thiệt Thành - Liễu Đạt (Liên Hoa) ởđây lại là người rất thông minh, có tài hùng biện khi thuyết pháp, giảng kinh. Có lẽ tại chùa Khải Tường nầy Liên Hoa Hòa Thượng đã thực hành việc ấy khi chùa có những ngày Sóc Vọng vào mồng một và rằm mỗi tháng. Vì là chùa Hoàng Hậu và Công Chúa tạm ở. Cho nên thứ dân chẳng có ai được vào. Do vậy ta có thể hiểu rằng: Hòa Thượng Linh Nhạc - Phật Ý người tiền nhiệm trụ trì đã có một lòng từ bi trải rộng, mới có thể giao lại cho Nguyễn Vương và khiến cho đệ tử của mình là Thiệt Thành - Liễu Đạt phải trụ tại đó thay mình và giáo hóa những người khó giáo hóa nầy.

Thông thường khi con người có danh vọng và địa vị, giàu sang quyền quý trong xã hội rồi, thì ít có ai lo tu hành một cách miên mật; chỉ trừ một số hữu tâm với Đạo. Còn ởđây cả Hoàng Gia đều cầu Phật và ở chùa Phật; nên có lẽ ngày, đêm nào, kể cả Nguyễn Vương cũng nguyện cầu chư Phật gia hộ cho ngôi báu sớm về tay của nhà Nguyễn và nhất là các Hoàng Hậu, Thứ Phi có lòng tin mãnh liệt hơn ở siêu hình thì việc cầu nguyện gia ân hằng ngày, hằng đêm là điều hiển nhiên rồi và những buổi lễ cầu an, diên thọấy chắc chắn không thể thiếu Liên Hoa Hòa Thượng làm chủ lễ.

Ngài là người thông minh, mẫn tiệp lại có tài thuyết pháp cũng như biện luận nữa. Cho nên Thái Trưởng Công Chúa Long Thành mới xin quy y Tam Bảo. Người đời nương tựa với cha con, vợ chồng, vua tôi nó không hoàn toàn an lành. Cho nên phải nương tựa với ba ngôi báu. Đó là Phật, Pháp và Tăng. Phật được định nghĩa là luôn luôn tỉnh thức chứ không mê mờ. Pháp là đường ngay thẳng, chánh trực; không tin theo tà vạy và Tăng là một đoàn thể thanh tịnh, không ô nhiễm bởi thế trần. Đây mới chính là 3 điều quý giá nhất trên đời nầy. Cho nên Công Chúa mới phát nguyện để quay về. Mặc dầu có vàng bạc châu báu và quân hầu; nhưng không thể sánh bằng với ba ngôi báu trong đời nầy được.

Kế tiếp là thọ 5 giới cấm của Phật chế. Giới tiếng Phạn gọi là Ba La Đề Mộc Xoa; Trung Hoa dịch là biệt giải thoát. Người nào giữ gìn các cấm giới thì đời đời qua lại chốn nhân thiên, sớm thành Phật quả. Đạt đến sự giải thoát, giác ngộ trọn vẹn. Kẻ nào không gìn giữ cấm giới; tức chẳng tự xông hương cho giới thể của mình thì điều ấy có nghĩa là tự mình làm cho nhân cách của mình bị tối tăm và chỉ có sự giữ giới; tâm thức kia mới hiện rõ toàn chơn được. Không giữ giới, Phật và Bồ Tát vẫn không trừng phạt. Chẳng ai đọa đày mình bằng chính tự mình làm cho mình đi xuống cõi vô tung và cũng chính tự mình phải ngồi dậy để chùi lau tâm thức, sám hối cho sáu căn thanh tịnh thì trí tuệ sẽ hiển bày. Dẫu cho là một bậc Thánh Nhơn ra đời hay một minh quân, một Hoàng Hậu độ lượng; một Thiền Sư, một người dân quê mộc mạc v.v... tất cả đều phải trải qua việc thọ trì giới pháp, mới có thể làm cho thân và tâm của mình an lạc được.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật A Di Đà và các vị Bồ Tát khác nhờ giữ giới thanh tịnh và các Ngài đều có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp khác thường. Nhờ giới hạnh trang nghiêm mà trời người cung kính. Nhờ giới đức đầy đủ mà các Ngài mới có thể nhiếp hóa chúng sanh được. Do vậy giới là Thầy, là con đường hướng chúng sanh đến sự giải thoát vậy.

Là một người xuất gia, gia tài riêng chẳng có gì ngoài 3 tấm y và một bình bát và sự nghiệp của người xuất gia chỉ là sự giải thoát giác ngộ; chứ không phải là chùa to Phật lớn hay đệ tửđông. Ởđây Liên Hoa Hòa Thượng được Hoàng Hậu, Vương Phi và các Công Chúa đều tôn phục, phải biết Hòa Thượng có một cái đức độ chúng không nhỏ. Đây là nhờ sự trì trai giữ giới thanh tịnh không phải chỉ trong một đời, mà nhiều đời như thế.

Chắc chắn một điều Ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt (Liên Hoa) đã giảng về thập Thiện và truyền giới Bát Quan Trai cho Thái Hậu cũng như các Vương Phi, Công Chúa trong thời gian Ngài làm trụ trì chùa Khải Tường nầy. Ngoài ra các kinh điển như kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Lương Hoàng Sám, kinh Vu Lan Bồn, kinh Thủy Sám v.v... cũng được Liên Hoa Hòa Thượng giảng cho các vị nầy nghe. Từđó họ mới phục tài và có lẽ họđã tâu lên Nguyễn Vương mỗi khi có dịp cận kề. Chắc các Vương Phi không thể nào không tâu lên Nguyễn Vương rằng: Nếu sau nầy Ngài lên ngôi Hoàng Đế thì hãy cung thỉnh Liên Hoa Hòa Thượng về Kinh Đô để tiếp tục thuyết pháp cho Hoàng Thân, quốc thích trong nội cung. Vua Gia Long chắc chắn không phản đối điều nầy. Vì tin tưởng rằng Hòa Thượng Liên Hoa là người giữ trai giới thanh tịnh. Chứ chẳng dễ gì ở chùa một mình, là thân nam tử, thông minh, tài cán giữa những bà chúa và mỹ nữ như vậy. Ngày xưa các vua không tin tất cả những người đàn ông. Do vậy, nếu họ muốn gần gũi trong
cung thì họ phải chấp nhận việc “đoạn âm” để trở thành Thái Giám. Nỗi lòng của Thái Giám thì ta đã rõ qua nhiều sách sửđã giải bày. Nhưng “đoạn âm” đối với nhà Phật là điều cấm kỵ. Nếu âm đoạn mà tâm không đoạn thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.

Có lẽ Liên Hoa Hòa Thượng đã học thuộc lòng lời dạy của Ngài Long Thọ (Nagarjuna); Tổ Sư của Trung Quán luận rằng: “Mọi cơn dục ở thế gian đều giống như những cơn ngứa. Ước gì đừng có những cơn dục”.

Dục ởđây là sự ham muốn. Sự ham muốn của con người nằm ở nhiều lãnh vực như: tình cảm, tiền bạc, địa vị, danh vọng, sắc đẹp, lời khen v.v... Tất cả đều là những cơn ngứa của thế gian. Những thứ nầy càng gãi, chúng lại càng ngứa. Ước gì đừng gãi và đừng phát sanh những cơn dục ấy. Sự ham muốn cuối cùng cũng chỉ là những hiện tượng, mà đã là hiện tượng thì nó không có thật tướng. Thật tướng của mọi vật trên đời nầy là một cái không to tướng; chẳng có tướng gì có thể thay thế vào đó cả.

Ý thức là một việc, mà làm chủ ý thức được, là một việc khác nữa. Ví dụ nhưđói thì ta ăn; nhưng ăn đến bao nhiêu thì dừng. Đó là việc của người biết làm chủ trước các món đồ ăn ngon. Danh cũng vậy. Trong đời nầy và cõi dục nầy, có ai trong chúng ta lại không vì danh, vì lợi; nhưng điều căn bản là danh lợi ấy ta làm cho ai và ta phải biết dừng vào lúc nào. Đó mới là điều đáng nói. Ở đây càng khó khăn hơn nữa là đứng giữa sắc đẹp của cung phi mỹ nữ và sự cung kính của họ đối với Liên Hoa Hòa Thượng như vậy, nếu Ngài chỉ cần phóng tâm sơ hở một chút là ma chướng có thể khởi lên liền.

Chúng ta cũng đã nhớ rõ về câu chuyện của Ngộ Đạt quốc sư trong kinh Thủy Sám rồi. Vì được vua Đường Thái Tông quá trọng vọng cung kính; nên nhà vua mới cúng dường cho Ngộ Đạt quốc sư một chiếc ghế trầm hương để giảng kinh, thuyết pháp. Từ ý niệm được vua cung kính trọng vọng mà Triệu Thố mới có cơ hội hiện ra nơi mụt nhọt để báo thù. Như vậy quả báo và nghiệp lực không từ một ai. Dầu cho đó là một đấng quân vương hay một vị Đại Sư đạo cao đức trọng.

Vua Đinh Tiên Hoàng đã phong cho Khuông Việt làm Thái Sư. Tức là Thầy của Vua, cố vấn cho vua. Đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế (1010) tôn Vạn Hạnh Thiền Sư lên làm quốc sư. Những ngôi vị nầy tương đương với ngôi vị Tăng Thống.

Đến triều vua Gia Long và các vua nhà Nguyễn từ 1802 không còn gọi là Quốc Sư hay Tăng Thống nữa, mà nhà vua phong chức Tăng Cang cho nhiều Hòa Thượng đạo cao đức trọng. Chức nầy cũng ngang hàng với ngôi vị cố vấn cho vua ngày ấy.

Sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long cho xây dựng kinh thành Phú Xuân (Huế), sau khi hoàn thành, nội cung được rước về kinh đô. Năm 1805 khi Thái Trưởng Công Chúa lên đường về Phú Xuân, Hòa Thượng Liên Hoa đã nhờ Công chúa lo trùng tu chùa Quốc Ân. Vì chùa nầy do Tổ Sư Siêu Bạch – Nguyên Thiều xây dựng từ năm 1683 và đã bị tàn phá trong thời gian chiến tranh. Công chúa đã cúng dường 300 quan tiền để tu sửa chùa và mua một số ruộng đất để cúng cho chùa.

Như vậy thì sau 3 năm vua Gia Long lên ngôi, nhà vua lần lượt cho rước nội cung về triều đình, kể cả Công Chúa Thái Trưởng, người đã quy y ngũ giới với Liên Hoa Hòa Thượng. Trong thời gian từ 1802 đến 1805 Công chúa và các cung nữ khác vẫn còn ở lại chùa Khải Tường. Nghĩa là những mỹ nữ nầy vẫn được nghe kinh kệ và Phật Pháp từ Liên Hoa Hòa Thượng. Vì Công chúa là đệ tử quy y ngũ giới với Hòa Thượng; nên Hòa Thượng mới cậy nhờ giúp đỡ việc trùng tu chùa Quốc Ân. Thuởấy dân tình đang khốn đốn, chắc chẳng có ai có của dư, của để mà cúng chùa. Ngoại trừ những người quyền quý như Công chúa và Hoàng gia.

Ngoài ra còn mua ruộng đất để cúng chùa nữa. Hầu như tất cả những ngôi chùa ở Việt Nam chúng ta từ thuở xa xưa đều làm chủ nhiều loại đất được vua quan cúng dâng như vậy. Nhờ thế nhà chùa mới có tài sản và lúa gạo để nuôi Tăng Chúng cũng như giúp đỡ những người nghèo. Chùa chiền Việt Nam chúng ta đều áp dụng chế độ Nông Thiền của Tổ Bách Trượng Hoài Hải bên Trung Quốc. Nghĩa là “một ngày không làm là một ngày không ăn”. Tổ Bách Trượng đến lúc già nua vẫn không chịu buông bỏ cuốc, xẻng. Ngài bảo: Nếu không làm, tức chẳng ăn. Câu nói ấy, mãi cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại trong các chùa viện Việt Nam, Trung Quốc hay ngay cả các nước Phật Giáo Nhật Bản, Đại Hàn vẫn ứng dụng điều nầy cho sinh hoạt tự viện.

Năm Đinh Sửu 1817 khi vua Gia Long đã lên ngôi Hoàng Đế được 16 năm thì nhà vua đã ra chiếu chỉ cho Hòa Thượng Liễu Đạt (Liên Hoa) từ Gia Định ra kinh đô để làm Tăng Cang chùa Linh Mụ Huế. Ngoài ra Ngài còn được cử làm Pháp Sư để thuyết pháp cho nội cung nữa. Đây là một công việc quá nặng nề và cũng là một công việc chắc chắn có nhiều vị Hòa Thượng mong đợi; nhưng vẫn chưa đến phiên mình.

Vua Gia Long làm việc nầy vì nhà vua tin tưởng những vị Sư miền Nam hơn là những vịở miền Trung và miền Bắc. Đồng thời nhà vua làm việc nầy cũng để trảơn cho Thiền Sư Linh Nhạc - Phật Ý người khai sáng chùa Từ Ân, nơi nhà vua đã lánh nạn Tây Sơn trong nhiều năm tháng và chính khi Ngài Liễu Đạt (Liên Hoa) làm trụ trì chùa Khải Tường từ những năm cuối thế kỷ thứ 18 thì nơi đây có lẽ Ngài Liên Hoa cũng đã chứng kiến việc sinh ra đời của Hoàng Tử Nguyễn Phước Đảm tại đây. Vì Ngài làm trụ trì chùa lúc ấy; chắc rằng Ngài phải có bổn phận chăm sóc, lo lắng cho Vương Tôn. Đây có lẽ là cái ân mà vua Gia Long muốn trả.

Ngày ấy cách đây hơn 200 năm về trước, đường đi từ Gia Định ra Kinh Đô xứ Huế bằng xe ngựa và kiệu; đôi khi cũng phải đi bộ nữa. Chắc chắn không dưới 3 tháng ngày đi đêm nghỉ. Lại thêm nạn cướp bóc dọc đường cũng như những thảo khấu, hùm beo, voi dữ là những sự cản ngăn không ít trên chuyến hành trình nầy. Để tránh việc đón đưa ồn ào; nên Thiền Sư Liên Hoa đến chùa Từ Ân để đảnh lễ Hòa Thượng Linh Nhạc - Phật Ý để ra đi. Lúc nầy Ngài Phật Ý đã hơn 90 tuổi rồi. (Ngài sinh năm 1725 và viên tịch năm 1821). Trông Ngài có vẻ đăm chiêu cho chuyến hành trình vào nơi gió bụi nầy, chỉ may ít mà rủi nhiều; nên Ngài đã với lên chỗ đầu giường lấy một quyển kinh được bao bọc cẩn thận. Dường như Ngài Phật Ý đã chuẩn bị sẵn việc nầy và trao cho Ngài Liễu Đạt; đoạn bảo:

Công danh phú quý như áng mây trôi. Ông hãy ráng mà bảo trọng cho cả thân lẫn tâm mình. Trên đời nầy chẳng có gì bằng pháp Phật. Nếu có chuyện gì khó xử thì hãy mở quyển kinh nầy ra để trì tụng và chiêm nghiệm.

Con xin thâm tạ ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng của Ngài. Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền. Bây giờ Ngài đã cao tuổi, không ai cận kề để chăm sóc Ngài, mà con lại phải theo lệnh Vua để ra Kinh thực hành chiếu chỉ. Nơi đó chắc chắn là dữ nhiều hơn lành. Con mong Đức Phật từ bi. Con mong Ngài gia bị cho con.

-Thôi hãy đứng lên và lạy tạ Tam Bảo. Dẫu sao đi nữa thì nghiệp duyên cũng phải trả và xưa nay có mấy ai đã thoát ra khỏi vòng nghiệp lực đâu?

-Bạch Thầy đang nói gì?

-Ờ! Ờ! Thì là như vậy đó. Hễ sóng to thì gió lớn. Thuyền bự thì sóng nhiều. Hãy can đảm hơn lên nữa để đừng mất đi niềm hy vọng của Hoàng Triều.

Đường đi từ Sài Gòn Gia Định ra Phan Rang – Phan Thiết - rồi Nha Trang thuởấy còn vắng vẻ lắm. Thỉnh thoảng mới có một con đường mòn do dân làm rẫy đã vạch lối đi đốn củi, sắn. Còn đa phần thì Thầy trò của Ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt phải chặt cây, nhắm hướng mà đi. Họa hoằng lắm mới gặp được một vài người qua lại nơi gọi là thị tứ của những địa danh lớn nầy. Đa phần là người Chàm và người bản xứ. Họ nói tiếng Việt không rành. Một hôm Ngài gặp một lão bà trên đoạn đường đi về Kinh và lão bà tự dưng nói trổng.

-Trời bỗng dưng đang nắng; nhưng sắp mưa to. Có lẽ phong ba gió chướng sẽ đến gấp bây giờ, hãy mau mau vào rừng sâu lánh nạn, kẻo không thì...

- Thưa bà. Điều ấy có nghĩa là...

-Nghĩa là hoạn nạn sắp đến nơi rồi...

- Cho bà, cho tôi hay cho ai kia?

-Cho những ai mà công danh, phú quý đang chờ đợi đấy.

Nói xong những lời như tiên tri ấy, lão bà tự dưng biến mất. Cả hai Thầy trò Ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt lạnh toát cả mồ hôi, mặc dầu trời đang ở trong đầu hạ. Hai Thầy trò lại tiếp tục ra đi và không quên chiêm nghiệm lại lời của Thầy mình dặn bảo cũng như lời của Lão Bà vừa đoán cho vận mệnh của mình.

Đúng là “vó ngựa đường xa”. Cả triều đình ở Huế đang mong chờ Ngài; hay nói đúng hơn là Tăng Chúng của chùa Linh Mụ; nên cả chùa và quan quân từng địa phương; mỗi nơi Ngài đi tới, đều được hộ giá, đưa đón trọng thể; chứ các địa phương nầy không dám để Ngài đơn thương độc mã như ý của Ngài muốn, riêng lẽ Thầy trò để tựđi đến Kinh Đô.

Khi đến trấn Quảng Nam thì không khí sinh hoạt buôn bán của dân chúng cũng như của người ngoại quốc lại nhộn nhịp hẳn hơn những nơi khác mà Ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt đã đi qua. Đến đâu Ngài cũng được tiếp đãi tử tế và Ngài xem xét sự sinh sống của dân chúng, để khi về triều biết đâu có lúc lại còn kể lại những câu chuyện đường xa cho Tăng Chúng chùa Linh Mụ và những hoàng thân, quốc thích nghe và biết đâu đó là một món quà tinh thần thật có giá trị không chừng.

Trước khi viên tịch vào năm 1821 Hòa Thượng Linh Nhạc - Phật Ý đã 97 tuổi khi nằm dưỡng già tại chùa Từ Ân ở Sài Gòn thì Ngài nói với đệ tử là Thiền Sư Viên Quang (Tổ Tông) trụ trì chùa Giác Lâm thuởấy là Hòa Thượng lo cho Sư Liễu Đạt không tránh khỏi mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên. Vì Liễu Đạt có tướng hảo, có tài thuyết pháp và khoa ăn nói, lại thêm giảng giải trong nội cung, gần nhiều giới nữ sắc quyền quý...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]