Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thượng [2]

21/05/201311:04(Xem: 10665)
Quyển thượng [2]

Kinh Phật Bát Nê Hoàn [1]

Quyển thượng [2]

Thích Chánh Lạc dịch

Nguồn: Hiệu-chú: Tuệ Sỹ – Đức Thắng, Thích Chánh Lạc dịch

Nghe như vầy[3]:

Một thời Phật du hóa tại núi Diêu[4], thuộc thành Vương-xá, cùng chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt, cùng với nước Việt-kỳ không hòa thuận. Nhà vua tập họp quần thần cùng bàn bạc:

"Nước Việt-kỳ cậy mình giàu có, dân chúng đông đúc, đất đai phì nhiêu, lại có nhiều châu báu nên không chịu thần phục ta. Vậy hãy đem binh chinh phạt nước ấy."

Trong số các bậc hiền thiện của nước Ma-kiệt có một đại thần tên Vũ-xá vốn thuộc chủng tộc Phạm chí. Vua A-xà-thế sai ông đến đảnh lễ ra mắt đức Phật, kính hỏi thăm tin tức, Ngài ngồi đứng có nhẹ nhàng không, đi lại có khỏe mạnh không, đức hóa ngày có càng tốt đẹp không, và thưa:

"Vua A-xà-thế của nước Ma-kiệt cùng với nước Việt-kỳ có sự hiềm khích, vua quan cùng bàn luận muốn đem quân sang đánh nước ấy, cúi mong đức Chúng hựu[5] có lời gì dạy bảo chăng?"

Đại thần Vũ-xá vâng mệnh vua, liền cho năm trăm cỗ xe, hai ngàn người đi bộ, hai ngàn người cỡi ngựa tất cả cùng đi đến núi Diêu. Tới chỗ giáp con đường nhỏ Vũ-xá liền xuống xe đi bộ. Thấy đức Phật hoan hỷ, sắc diện khiêm cung, từ tốn; thần khí trang trọng, nhún nhường, Vũ-xá liền vái chào đúng lễ nghi rồi quỳ mọp mà bạch rằng:

"Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt, sai con đến đảnh lễ đức Phật, cung kính hỏi thăm tin tức, Ngài ngồi đứng có nhẹ nhàng không, đi lại cỏ khỏe mạnh không, đức hóa ngày có càng tốt đẹp không?"

Đức Phật đáp:

"Rất tốt! Nhà vua, dân chúng trong nước cùng ông thảy đều bình an chăng?"

Vũ-xá bạch:

"Nhà vua cùng với nước Việt-kỳ có điều hiềm khích. Vua và các quan họp lại bàn bạc: 'Vì nước ấy cậy mình giàu có, dân đông, đất đai phì nhiêu, sản sanh ra nhiều châu báu, nên không chịu thuần phục nước Ma-kiệt. Vì vậy vua nước Ma-kiệt muốn đem quân sang đánh. Cúi mong đức Phật dạy bảo'."

Đức Phật nói với vị đại thần:

"Ngày xưa, một thời ta từng du hóa ở nước Việt-kỳ, dừng chân nơi miếu thần Chánh táo[6], thấy dân chúng nước ấy đều hết lòng tuân theo lệnh vua. Khi ấy ta liền nói về bảy pháp trị nước, là con đường không nguy vong. Nếu ai thực hành được, thì ngày càng hưng thịnh, không hề suy tổn."

Đại thần Vũ-xá liền chắp tay bạch:

"Con muốn được nghe bảy pháp ấy, và cách thức thi hành như thế nào?"

Đức Phật dạy:

"Hãy lắng nghe!"

Đáp:

"Con xin thọ giáo."

Khi ấy, hiền giả A-nan đứng phía sau quạt hầu Phật. Đức Phật bảo hiền giả A-nan:

"Ngươi có nghe người nước Việt-kỳ thường cùng nhau tụ hội, bàn luận về chính sự, tu chỉnh phòng bị để tự thủ chăng?

Đáp:

"Con có nghe người nước họ thường cùng nhau tụ hội để bàn luận về chính sự, tu chỉnh phòng bị để tự thủû."

Đức Phật dạy:

"Nếu như vậy thì nước ấy không thể suy thối."

"Ngươi có nghe ở nước Việt-kỳ, vua tôi thường hòa thuận, trung thành với trách nhiệm, cùng tôn kính, cúng dường nhau[7] chăng?"

Thưa:

"Con có nghe vua tôi nước ấy thường hòa thuận, trung thành với trách nhiệm, cùng tôn kính, cúng dương nhau."

"Ngươi có nghe dân nước Việt-kỳ cùng nhau tôn trọng pháp luật, không chấp nhận những điều không đáng được chấp thuận; không dám trái phạm chăng[8]?"

Đáp:

"Con nghe dân chúng nước ấy tôn trọng luật pháp, không chấp nhận những điều không đáng được chấp thuận; không dám trái phạm."

"Ngươi có nghe dân nước Việt-kỳ kính cẩn giữ đúng lễ, nam nữ sống riêng biệt, lớn nhỏ kính nhường lẫn nhau chăng?"

Đáp:

"Con có nghe dân nước Việt-kỳ kính cẩn giữ đúng lễ, nam nữ sống riêng biệt, lớn nhỏ kính nhường lẫn nhau."

"Ngươi có nghe dân nước Việt-kỳ hiếu thuận đối với cha mẹ, tôn trọng sư trưởng, luôn nghe lời dạy bảo của các bậc trưởng thượng chăng?"

Đáp:

"Con có nghe dân nước ấy hiếu thuận đối với cha mẹ, tôn kính sư trưởng, luôn nghe lời dạy bảo của các bậc trưởng thượng."

"Ngươi có nghe dân nước Việt-kỳ vâng theo phép trời, noi theo phép đất, kính sợ quỉ thần, kính thuận bốn mùa chăng?"

Thưa:

"Con có nghe dân nước ấy vâng theo phép trời, noi theo phép đất, kính sợ quỉ thần, kính thuận bốn mùa."

"Ngươi có nghe dân nước Việt-kỳ tôn thờ đạo đức, trong nước có các bậc Sa-môn, A-la-hán[9] hoặc chư vị ấy từ bốn phương đến thì luôn cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm và thuốc chữa bệnh chăng?"

Thưa:

"Con có nghe dân nước ấy kính thờ đạo đức, trong nước có các bậc Sa-môn, A-la-hán, hoặc chư vị ấy từ bốn phương đến thì luôn cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm và thuốc chữa bệnh."

Đức Phật dạy:

"Phàm nước nào thực hành bảy pháp này, thì khó làm cho họ nguy khốn được."

Vũ-xá thưa:

"Nếu dân nước Việt-kỳ thực hành được một pháp thôi thì hãy còn không thể công phá nổi, huống chi là thực hành đủ bảy pháp ấy."

Vũ-xá lại thưa:

"Vì việc nước quá bề bộn nên con xin cáo từ."

Đức Phật bảo:

"Ông nên biết thời."

Vũ-xá liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Đức Phật rồi ra đi.

Bấy giờ Đức Phật bảo Hiền giả A-nan, hãy báo cho các Tỳ-kheo ở trong núi Diêu biết, tất cả tập họp tại giảng đường.

Hiền giả A-nan liền triệu tập đông đủ các Tỳ-kheo tại giảng đường. Đại chúng cung kính đảnh lễ đức Phật rồi ngồi sang một bên.

Đức Phật dạy:

"Này các Tỳ-kheo! Hãy nghe ta nói, hãy khéo suy nghĩ, lãnh hội."

Tất cả Tỳ-kheo đều bạch:

"Chúng con xin thọ giáo."

Đức Phật dạy:

"Tỳ-kheo có bảy giáo pháp thì chánh pháp không suy thoái. Những gì là bảy?

"Một, thường xuyên tụ hội để tụng giảng kinh đạo, không được biếng nhác.

"Hai, phải hòa thuận, trung chánh, dạy bảo lẫn nhau, cùng tôn kính, cúng dường nhau.

"Ba, không chấp nhận những điều không đáng được chấp thuận; vui thích ở những nơi chốn thanh vắng[10].

"Bốn, phải dứt bỏ dâm dục, lớn nhỏ có thứ tự, đối xử nhau đúng lễ.

"Năm, phải lấy lòng từ hiếu kính thờ các bậc sư trưởng, nghe lời dạy bảo.

"Sáu, phải phụng thờ giới pháp, kính sợ kinh giới, tu tập phạm hạnh.

"Bảy, phải tuân theo đạo pháp, cúng dường Thánh chúng, khai mở cho kẻ mới tu học. Người đến học, phải cung cấp y phục, thức ăn uống, giường nằm cùng thuốc chữa bệnh cho họ.

"Đó là bảy pháp có thể làm cho chánh pháp được trụ lâu dài.

"Lại nữa, Tỳ-kheo có bảy điều cần phải giữ gìn thì chánh pháp không suy thối. Phải khéo suy tư, thực hành:

"Một, giữ sự thanh tịnh, không ưa thích các pháp hữu vi[11].

"Hai, giữ sự vô dục, không tham lợi dưỡng.

"Ba, giữ nhẫn nhục, không có tranh tụng.

"Bốn, giữ hạnh Không[12], không vào chỗ đông người.

"Năm, giữ pháp ý, không khởi các tưởng.

"Sáu, giữ nhất tâm, tọa thiền, định ý.

"Bảy, giữ sự kiệm ước, ăn mặc giản dị, lấy cỏ làm giường.

"Bảy pháp như vậy, có thể làm cho pháp chánh được trụ lâu dài.

"Lại nữa, này các Tỳ-kheo, có bảy điều cung kính thì chánh pháp không bị suy thối. Phải khéo suy niệm, thực hành:

"Một, kính Phật, hãy khéo đem tâm lễ bái, không nương tựa vào đâu khác.

"Hai, kính pháp, chí ở nơi ý đạo, không nương tựa vào đâu khác.

"Ba, kính chúng Tăng, vâng theo lời dạy, không nương tựa vào đâu khác.

"Bốn, kính trọng sự tu học, kính thờ người trì giới, không nương tựa vào đâu khác.

"Năm, kính trọng những điều hiểu biết, kính thờ những vị giảng dạy, không nương tựa vào đâu khác.

"Sáu, kính trọng sự thanh tịnh, vô dục, không nương tựa vào đâu khác.

"Bảy, kính trọng thiền định, dốc thực hành việc ngồi thiền, tĩnh lặng, không nương tựa vào đâu khác.

"Hành bảy pháp như vậy thì chánh pháp có thể được trụ lâu dài.

"Lại nữa, Tỳ-kheo có bảy thứ tài sản[13], khiến cho chánh pháp không suy thối, phải khéo nhớ nghĩ, thực hành:

"1. Phải có tín tâm, thấy biết điều chân chánh thì vui mừng.

"2. Phải có giới pháp, thận trọng giữ gìn, không phạm.

"3. Phải có tâm xấu hổ, quyết sửa đổi lỗi lầm, tự hối hận về điều sai quấy đã vấp phải.

"4. Phải có tâm hổ thẹn, nói và làm phải phù hợp.

"5. Phải gắng học h ỏi để hiểu biết, đọc tụng không nhàm chán.

"6. Phải có trí tuệ để sự hành hóa đạt đến chỗ sâu xa, vi diệu.

"7. Phải bố thí giáo pháp, chớ mong được mọi người kính lạy.

"Thực hành bảy pháp như vậy, thì chánh pháp có thể được trụ lâu dài.

"Lại nữa, Tỳ-kheo có bảy pháp giác ý[14] thì chánh pháp không suy thối, phải khéo nhớ nghĩ, thực hành:

"1. Chí niệm giác ý, thanh tịnh không dâm, tịch tĩnh, ý phân tán.

"2. Pháp giải giác ý, thanh tịnh không dâm, lìa bỏ ý phân tán.

"3. Tinh tấn giác ý, thanh tịnh không dâm, xả bỏ ý phân tán.

"4. Ái hỷ giác ý, thanh tịnh không dâm, xả bỏ ý phân tán.

"5. Nhất hướng giác ý, thanh tịnh không dâm, xả bỏ ý phân tán.

"6. Duy định giác ý, thanh tịnh không dâm, xả bỏ ý phân tán.

"7. Hành hộ giác ý, thanh tịnh không dâm, xả bỏ ý phân tán.

"Thực hành bảy pháp như vậy, có thể làm cho chánh pháp được trụ thế lâu dài.

"Lại nữa, Tỳ-kheo có bảy điều cần phải biết[15], thì chánh pháp được trụ thế lâu dài, phải khéo nhớ nghĩ, thực hành:

"1. Phải hiểu biết về giáo pháp, đối với mười hai bộ kinh của Phật, phải thọ trì, tụng đọc thật kỹ.

"2. Phải hiểu biết về ý nghĩa, cầu các pháp để mở mang trí huệ, hiểu rộng chỗ cốt yếu.

"3. Phải hiểu biết về thời gian, hoàn cảnh lúc nào nên tụng kinh, lúc nào đi kinh hành, lúc nào tham thiền, lúc nào nằm nghỉ, đừng xáo trộn thời biểu.

"4. Phải tự tri, đã hội nhập nẻo hành hóa đúng pháp nhiều hay ít, sâu hay cạn, đã thành thục hay mới thực tập, quyết chí ngày một tiến bộ.

"5. Phải biết tiết chế, chớ tham lam các vật dụng tốt đẹp, phải biết thích nghi thân, điều độ trong việc ăn uống, đừng để thân mình bị bệnh.

"6. Biết rõ về các chúng. Khi đi vào chỗ những chúng Tỳ-kheo, Phạm chí, thánh nhân, quân tử và đám đông dân chúng, phải biết phân biệt biết chỗ nào đáng cung kính, chỗ nào nên đứng, chỗ nào nên ngồi, chỗ nào nên im lặng, chỗ nào nên nói năng.

"7. Biết về người. Hãy quán về chỗ tốt đẹp, xem xét ý chí, khả năng của từng người, theo đấy mà khuyến khích, dẫn dắt, khiến mọi người đều biết được chỗ giáo hóa của bậc Thánh.

"Thực hành bảy pháp như vậy, có thể làm cho chánh pháp được trụ lâu dài.

"Lại nữa, Tỳ-kheo có bảy điều suy tưởng[16], khiến cho chánh pháp không suy thối, phải khéo lãnh hội, thực hành:

"1. Nhớ nghĩ về kinh sách đạo pháp, như người tưởng nhớ về cha mẹ. Cha mẹ sanh con, lo lắng cực nhọc cả một đời, nhưng chánh pháp thì cứu độ người trong vô số đời, đưa con người thoát khỏi sanh tử.

"2. Nhớ nghĩ về cuộc sống của con người, chẳng ai là chẳng khổ. Lo nghĩ về vợ con trong gia đình mình, chết rồi mỗi người ly tán một ngả, chẳng biết đọa lạc nơi nào?! Nếu thân ta có tội thì quyến thuộc cũng không thể cứu. Biết nó là vô thường, nên nhớ nghĩ như vậy mà hành đạo.

"3. Nhớ nghĩ về sự tinh tấn, phải khiến cho thân, khẩu, ý luôn đoan nghiêm thì giữ đạo không khó khăn.

"4. Nhớ nghĩ đến sự khiêm cung, không tự kiêu, tự đại, phải vâng theo sự chỉ bảo của bậc minh triết, kính thuận lời răn dạy trước đây chưa được nghe, vì đấy là do lòng từ bi mà chỉ dạy.

"5. Nhớ nghĩ về sự hàng phục tâm ý, không chạy theo sáu tình, nên chế ngự ba độc tham dâm, giận dữ, si mê, không tạo tà hạnh.

"6. Nhớ nghĩ biết trong thân, toàn là đồ xú uế, chỉ là hơi lạnh máu nóng, có gì để tham đắm?!

"7. Nhớ nghĩ về việc tự quán sát. Thân hình như đất bụi, nghĩ rằng nó có thể chết vào một ngày nào đó, kể từ mới tạo dựng trời đất, mạng sống con người từ xưa đến nay, không ai là không chết. Thế gian như mộng, nhìn thấy sự vật đáng yêu, đâu biết rằng nó chỉ như sự biến hóa, khi tỉnh ngộ mới rõ là không. Nên biết đó là huyền ảo, đừng để con mắt mình bị đánh lừa.

"Thực hành bảy pháp như vậy thì chánh pháp được trụ lâu dài.

"Lại nữa, này các Tỳ-kheo, có sáu pháp tôn trọng[17] nên khéo nhớ nghĩ, thực hành, thì chánh pháp có thể được trụ lâu dài.

"1. Tu tập về thân với tâm từ ái[18]; thực hành trọng nhiệm này, thảy đều lấy sự thanh tịnh hòa hợp của Thánh, bằng sự hòa kính, mà đối sử với những bạn người cùng học, đoàn kết không tranh cãi, cùng xây dựng lẫn nhau, cùng giữ gìn đạo hạnh[19].

"2. Tu tập thiện hành của miệng[20] mà khởi tâm từ ái.

"3. Tu tập về ý, mà khởi tâm từ ái.

"4. Thọ nhận được các thứ y phục, thức ăn uống bình bát và những vật dụng khác một cách đúng pháp[21] không nên tiếc của, che giấu.

"5. Giữ giới không phạm, không vi phạm giới thì mới có thể dạy người được.

"6. Bằng chánh kiến để thành tựu sự xuất yếu[22] để ra khỏi sinh tử, chấm dứt khổ đau, đạt được tri kiến rốt ráo. Thực hành trọng nhiệm này, thảy đều lấy sự thanh tịnh hòa hợp của Thánh, bằng sự hòa kính, mà đối xử với những bạn người cùng học, đoàn kết không tranh cãi, cùng xây dựng lẫn nhau, cùng giữ gìn đạo hạnh[23].

"Lại nữa, Tỳ-kheo phải thương yêu tất cả côn trùng, cho đến đối với con trùng, con kiến, cũng phải thể hiện tâm từ. Đối với sự chết của con người phải nên buồn thương. Kẻ ấy được làm người, nếu không hiểu biết về đạo thì chỉ khiến cả nhà khóc lóc, cũng chẳng rõ khi chết rồi, thần thức đi về đâu? Chỉ có người đắc đạo mới có thể biết được việc ấy. Đức Phật vì mọi người cho nên mới giảng giải rõ trong kinh pháp. Vậy kinh không thể không học, đạo không thể không hành. Trong thiên hạ có nhiều đạo, chỉ có Vương đạo là lớn. Phật đạo như thế là tối thượng. Ví như vài mươi người cùng nhau bắn vào một cái đích, có người bắn trúng trước, có người bắn trúng sau, cứ bắn liên tục không dừng nghỉ thì chắc chắn sẽ trúng đích.

"Lại như các dòng nước trong trời đất luôn chảy không ngừng, thảy đều đổ về biển. Tỳ-kheo cũng như vậy, hành đạo không ngừng nghỉ, sẽ đạt được giải thoát.

"Đúng như giáo pháp của đức Phật mà cùng tôân kính cúng dường lẫn nhau. Tụng đọc lời Phật dạy; tùy thời mà khuyên bảo nhau. Bốn chúng đệ tử chỉ dạy lẫn nhau. Như vậy kinh giáo của Phật có thể được tồn tại lâu dài.

Bấy giờ, Phật bảo hiền giả A-nan cùng đi đến xóm Ba-liên-phất[24]. Hiền giả liền vâng lời. Đức Phật thu xếp y bát, đi qua thành Vương-xá, mới được nửa đường, Ngài bỗng dừng chân nơi vườn vua[25]. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

"Tất cả hãy lắng nghe! Người hành đạo phải biết rõ về Bốn Đế. Phàm người không biết rõ về Bốn Đế nên mãi trôi lăn, qua lại trong sanh tử, chẳng khi nào dừng. Vì vậy, ta muốn mở mang tâm ý cho các ngươi. Những gì là bốn? Một là biết khổ của khổ. Đó là chân đế. Hai là khổ do tập mà sanh. Đó là chân đế. Ba là sự diệt tận tập khởi của khổ. Đó là chân đế. Bốn là con đường đưa đến diệt tận tập khởi của khổ. Đó là chân đế[26].

"Đối với khổ mà không nhận biết rõ nên mới trôi giạt mãi trong nẻo sanh tử không dừng. Vậy nên phải biết rõ về khổ đế. Khổ là: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, ưu sầu buồn bực là khổ, yêu thương mà xa lìa là khổ, mong cầu mà chẳng đạt được là khổ. Nói tóm lại, năm thạnh ấm là khổ[27].

"Đã biết rõ về khổ như vậy rồi thì có thể đoạn trừ tập khởi tức là ái. Đó gọi là được con mắt[28], cho đến hết đời nầy về sau không còn khổ nữa. Bởi vì tập là do từ ái; đạo đế là con đường đưa đến diệt tận tập khởi của khổ; có con mắt để thấy pháp, chứng pháp, sự sanh đã dứt, đời sau không còn thọ sanh. Đã thấy chân đế liền đạt được đạo nhãn, không còn trở lại nẻo sanh tử, con đường dài ấy đã vĩnh viễn chấm dứt. Như vậy, này Tỳ-kheo, lại còn phải biết là đạo có được tám hạnh[29]. Những gì là tám?

"1. Chuyên tâm thọ trì kinh pháp của Phật.

"2. Bỏ ái dục, không tranh cãi với thế gian.

"3. Trọn đời không làm các việc sát sinh, trộm cắp, dâm dục.

"4. Không được lừa dối, dua nịnh, chửi mắng.

"5. Không được ganh ghét, tham lam, keo kiệt, bất tín.

"6. Nhớ nghĩ đến sự vô thường, khổ, không, vô ngã[30].

"7. Quán trong thân người toàn là các thứ xú uế, dơ nhớp.

"8. Không tham đắm về thân mạng, biết rằng cuối cùng là trở về với đất bụi.

"Các vị Phật thời quá khứ đều thấy rõ về Bốn Đế này. Các vị Phật thời vị lai cũng thấy rõ Bốn Đế ấy. Những ai tham luyến việc ân ái, nhà cửa, cùng ưa thích về tuổi thọ, vinh hoa phú quý của thế gian, cuối cùng không thể đạt được giải thoát. Đạo do tâm sanh. Tâm thanh tịnh thì đạt được đạo. Tiếp theo, giữ tâm đoan chánh, không phạm năm giới sẽ được sanh lên cõi Trời. Thứ nữa là tin đạo, thích học kinh pháp, về sau có thể được làm người. Nếu muốn đoạn tuyệt các cõi ác là địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ thì phải nhất tâm phụng hành kinh giới.

"Nay Phật vì mọi người trong thế gian, khiến họ giải thoát khỏi sanh tử, nên khai mở chánh đạo. Những người muốn học đạo cần phải suy tư đúng đắn."

Phật cùng Hiền giả A-nan trước tiên đến Ba-liên-phất, dừng chân bên một gốc cây thần[31] ở ngoài thành. Các Phạm chí, cư sĩ nghe tin đức Phật cùng các đệ tử đến, họ đều ra ngoài thành, muốn đến để được gặp và cúng dường đức Phật. Có người mang chiếu, có người mang nệm, có người mang nước và xách đèn cùng đi tới chỗ đức Phật, cung kính đảnh lễ rồi đứng qua một bên. Đức Phật nói với các Phạm chí, cư sĩ:

"Con người ở thế gian, ham muốn dục lạc, tâm ý buông lung thì có năm điều hao tổn:

"1. Tự mình phóng túng, tài sản ngày một giảm.

"2. Tự mình phóng túng làm nguy hại đến thân, mất đạo.

"3. Tự mình phóng túng nên mọi người không kính nể, lúc chết phải hối hận.

"4. Tự mình phóng túng bị nhơ danh, gây tiếng xấu, thiên hạ đều nghe.

"5. Tự mình phóng túng, khi chết thần thức bị đọa vào ba đường ác.

"Nếu ai hàng phục được tâm, không phóng túng thì có đầy đủ năm điều phước đức:

"1. Tự mình biết kềm chế, giữ gìn thì tài sản ngày một tăng.

"2. Tự mình biết kềm chế, giữ gìn thì được gần với ý đạo.

"3. Tự mình biết kềm chế, giữ gìn thì mọi người kính yêu, khi chết không hối hận.

"4. Tự mình biết kềm chế, giữ gìn thì được tiếng tốt, danh thơm, mọi người đều biết.

"5. Tự mình biết kềm chế, giữ gìn thì khi chết thần thức được sanh lên cõi trời, cảnh giới phước đức.

"Người tự mình không buông lung thì có năm điều thiện ấy, phải luôn nhớ nghĩ."

Đức Phật vì mọi người thuyết pháp, giáo hóa họ theo con đường chánh, cùng với pháp yếu, khiến ai nấy đều hoan hỉ. Những người nghe cùng đến trước đảnh lễ nơi chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Bấy giờ đức Phật đi đến xóm A-vệ[32], ngồi cạnh một gốc cây, dùng tâm thần diệu cùng mắt đạo xem thấy chư thiên nơi cõi trời đang sai khiến hiền thần lo bảo vệ vùng đất này.

Hiền giả A-nan từ chỗ ngồi thiền đứng dậy, cúi lạy đức Phật rồi đứng qua một bên. Đức Phật hỏi Hiền giả A-nan:

"Ai lo liệu công việc xây cất thành quách nơi Ba-liên-phất này?"

Thưa:

"Đó là do đại thần Vũ-xá của nước Ma-kiệt xây cất, nhằm ngăn chận sự xâm phạm của nước Việt-kỳ."

Đức Phật dạy:

"Lành thay! Lành thay! Vũ-xá là vị quan hiền mới biết lo tính như vậy. Ta thấy các vị trời thần diệu ở cõi trời Đao-lợi cùng nhau hộ trì đất này. Đất đai nào được thiên thần bảo vệ, thì đã an ổn mà lại sang quýù. Lại nữa, cuộc đất này nằm trong phạm vi gần gũi với cõi trời. Vị thần chủ đất này là Nhân Ý[33] luôn hộ trì nước này được tồn tại lâu dài và càng tăng trưởng hơn nữa. Chắc chắn xứ này có nhiều bậc thánh hiền, nhân trí, hào kiệt hơn các nước khác, cho nên cũng không thể phá hoại được. Thành này về lâu sau, như khi muốn phá hoại phải có ba nguyên nhân: Một, lửa lớn. Hai, nước lớn. Ba, người trong nước và bên ngoài cùng âm mưu với nhau thì mới có thể phá hoại được."

Vũ-xá nghe đức Phật cùng chúng đệ tử đi đến nơi đây, liền nương oai của vua, sửa soạn năm trăm cỗ xe, ra khỏi thành nhằm đến yết kiến, cúng dường đức Phật. Khi tới nơi, Vũ-xá liền xuống xe, đi bộ vào cửa của khu vườn, trông thấy Phật hoan hỉ, sắc diện khiêm cung, từ tốn, khí sắc đáng tôn quý, Vũ-xá liền vái chào đúng lễ nghi rồi đứng qua một bên. Đức Phật giảng nói pháp cho ông nghe, giáo hóa theo nẻo chánh, cùng với nhiều pháp yếu. Ông Vũ-xá vui mừng, bèn nhích khỏi chỗ ngồi mà bạch rằng:

"Con muốn dâng cúng một bữa ăn nhỏ[34], cúi mong Ngài cùng Thánh chúng đồng hạ cố."

Đức Phật liền im lặng nhận lời.

Ông liền đứng dậy đảnh lễ đức Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi trở về. Đại thần trở về nhà rồi, suốt cả đêm lo sắm đủ các thứ đồ ăn thức uống ngon, bổ, lại sửa sang phòng ốc, bên trong đặt ghế ngồi. Sáng sớm, ông đi đến bạch đức Phật:

"Trai phạn đã chuẩn bị xong, cúi mong đức Phật biết cho."

Đức Phật liền khoác y cầm bát, cùng chúng đệ tử đồng đi đến nhà Vũ-xá. Ngài ngồi chỗ cao hơn trước đại chúng. Vũ-xá tự tay mình bưng dọn thức ăn và sớt thức ăn vào bát đức Phật. Khi ăn uống rửa tay xong, ông đứng lên bạch Phật:

"Con đã tạo phước duyên này, cúi mong đức Phật chú nguyện cho dân chúng cùng tất cả Trời Người ở trong nước này luôn luôn được an lạc."

Đức Phật chú nguyện:

"Phật tùy hỷ ngươi. Vì Trời và Người mà cúng dường, dẫn dắt dân chúng trong nước. Những ai cúng thức ăn cho Phật và Tỳ-kheo Tăng, tán dương chánh pháp, thọ nhận giáo pháp trí tuệ, phụng hành kinh giới, ta đều chú nguyện cho họ: 'Đáng kính thì biết kính, việc đáng thờ thì biết thờ, bố thí rộng rãi, cùng thương yêu cùng khắp, có tâm từ bi thương xót, mong cho tất cả mọi người thường được phước lợi, thấy được chánh đạo'."

Đại thần Vũ-xá vui mừng. Đức Phật lại dạy:

"Ông ở đời này tuy mắc việc quan, nhưng nhờ phước đức này, về sau chắc chắn được giải thoát. Nếu ai cúng dường trai phạn cho Phật, cùng những bậc hiền thiện chân chính trì giới, nhờ Sa-môn chú nguyện, thì trọn đời được lợi ích.

"Lại phải nên biết, nếu muốn làm quan hay chỉ là cư sĩ, đều không nên có tâm tham, không nên có tâm xa xỉ, không nên khởi tâm kiêu mạn, không nên có tâm bạo ngược, không nên có tâm khoái lạc. Bỏ năm thứ tâm này về sau sẽ không hối hận về những lỗi lầm của mình, chết được sanh lên cõi trời, trừ bỏ tội lỗi trong nẻo ác.

Đức Phật dạy xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, ra khỏi cửa thành phía Đông. Vũ-xá gọi kẻ hầu bảo:

"Hãy gọi cửa thành này là cửa Cù-đàm[35], bến đò Ngài đi qua thì gọi là bến Cù-đàm[36].

Khi ấy, dân chúng có người đi thuyền lớn, có người đi thuyền nhỏ, có người đi bè tre, có người dùng bè gỗ để qua sông rất đông. Đức Phật ngồi nhập định tư duy: 'Ngày xưa, khi ta chưa thành Phật, muốn qua đây, ta đi trên bè gỗ không biết bao nhiêu lần. Nay ta đã giải thoát rồi, không còn dùng bè gỗ ấy nữa, cũng khiến cho các đệ tử được xa lìa điều ấy.' Đức Phật xuất định, tự nói bài tụng:

Phật là hải thuyền sư,
Pháp là cầu sang sông;
Là cỗ xe đại thừa,
Độ hết thảy trời người.
Cũng là người giải thoát,
Sang bờ thành Phật đạo;
Khiến tất cả đệ tử,
Giải thoát đạt Niết-bàn[37].

Bấy giờ đức Phật bảo hiền giả A Nan:

"Tất cả hãy đi đến ấp Câu-lợi[38].

Tôn giả vâng lời cùng đi. Đến nơi, ngồi dưới một gốc cây, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

"Tất cả hãy lắng nghe. Hãy thọ trì giới pháp thanh tịnh, nên tập trung tâm ý tư duy, nên tu tập để phát huy trí huệ. Ba điều ấy[39] một khi tu tập đã đầy đủ[40]ù, lại xa lìa sự cấu uế của dâm nộ si; đó gọi là chánh thức vượt qua tai họa của dục[41], do vậy, bằng tự lực mà giải thoát, bằng nhất tâm mà biết rằng "Sự sanh đã dứt hết, hạnh thanh tịnh đã trụ vững, điều cần làm đã làm"[42], do tánh hiền thiện nên không tranh cãi với thế gian. Đã biết về thế sự, phải tự lo thân mình, nên ở nơi vắng lặng mà tư duy bên trong, tâm ý liền sáng, ba thứ cấu nhiễm đã trừ, liền đạt được đạo, tâm không còn dong ruổi, cũng không còn tham đắm vướng mắc. Giống như vị quốc vương là chủ của muôn dân. Tỳ-kheo có năng lực tự tư duy, thấy vạn cảnh đều do tâm làm chủ."

Đức Phật cùng tôn giả A-nan đi đến xóm Hỷ Dự[43] dừng chân bên cây Kiền-kỳ[44] gần bờ sông. Các đệ tử bèn vào thành khất thực, tắm rửa rồi trở về đảnh lễ đức Phật và thưa:

"Nước này đang có bệnh dịch khiến nhiều người chết. Sáng nay chúng con đều nghe có các Thanh tín sĩ như: Huyền Đảm, Thời Tiên, Sơ Động, Hoặc Chấn, Thục Lương, Khoái Hiền, Bá Tông, Kiêm Đốc, Đức Xứng, Tịnh Cao, cả thảy mười người đều qua đời[45], những người ấy thân chết rồi thì thần thức sẽ đi về đâu?"

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

"Mười người ấy đã dứt bỏ thần thức tự nhiên, được sanh lên trên mười tám cõi Trời[46], vào quả vị Bất-hoàn, không còn sanh trở lại để thọ pháp thế gian nữa. Vả lại, những người chết trong nước này, không phải chỉ như vậy. Phật bằng thiên nhãn quan sát thấy năm trăm Thanh tín sĩ, tất cả đều như Nan-đề... đã xa lìa ba thứ cấu uế, đoạn tuyệt năm đạo[47], chết đều sanh lên địa vị của Bất-hoàn ở bên trên mà đạt Nê-hoàn ở đó.

"Lại có ba trăm Thanh tín sĩ, đã đoạn trừ ba kết[48], không còn dâm, nộ, si[49], thăng lên quả vị Tần lai[50], sau hạ sanh trở lại hạ giới, rồi sẽ thấy được biên vực tận cùng của sự khổ.

"Lại có năm trăm thanh tín nữ, đều đã được bốn hy[51], đã dứt hết ba kiết, được quả Câu cảng[52], xa lìa ba cõi xấu[53], sanh trong cõi trời hay nhân gian, không quá bảy lần, liền đạt được đạo quả Ứng chơn[54]."

Bấy giờ đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

"Các ngươi nói về sự chết của những người ấy như thế là quấy rầy ta! Nhưng ta đã là Phật, nên không còn nhận chịu điều đó, cũng chẳng còn lo sợ. Thật là vi diệu! Sanh tử luôn có lúc.

"Phàm chư Phật xuất hiện, tuy gọi là sanh nơi thế gian, nhưng không có Phật pháp tánh vẫn vậy[55]. Vì sao vậy? Như Lai đã an trụ pháp tánh, cho nên không gì không biết. Đã rõ về sự sanh này, trình bày phân minh, cho nên gọi là Diệu. Do cái này có nên cái kia có, do cái này không nên cái kia không, do cái này sanh nên cái kia sanh, do cái này diệt nên cái kia diệt. Vì sao vậy?

"Vì tham dục khởi nên mới bị vô minh, duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập, duyên lục nhập có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già chết, buồn sầu, khổ bất mãn, bực bội, đưa đến toàn bộ sự khổ đau được tạo nên[56]. Hữu là nguồn gốc của sanh tử, nó sẽ xoay chuyển như bánh xe, vận hành không bao giờ ngừng. Do si vô minh[57] nên mới có sanh tử. Ví như khiến cho vô minh không còn dấu vết, vô dục, tức vô minh đã diệt thì hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục nhập diệt, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già chết, buồn sầu, khổ não, đưa đến toàn bộ khối khổ đau được tạo thành đều bị tiêu diệt.

"Cho nên trước đây Ta đã nói, kẻ si mê thì có sanh tử, người trí huệ giữ đạo nên không còn sanh tử nữa. Hãy suy niệm về điều ấy, phải kiềm chế tâm mình mới không còn rơi vào đường sanh tử nữa.

"Lại nữa nếu muốn gần với đạo nên có bốn điều hoan hỷ[58], phải khéo suy tư, thực hành:

1. Niệm Phật, ý hoan hỷ, không xả ly[59].

2. Niệm pháp, ý hoan hỷ, không xả ly.

3. Niệm chúng, ý hoan hỷ, không xả ly.

4. Niệm giới, ý hoan hỷ, không xả ly.

"Niệm về bốn điều hoan hỷ này, khiến luôn đầy đủ, tự thấy rõ, mong đạt chánh đạo, dốc cầu giải thoát, chắc chắn có thể đoạn trừ ba đường ác là địa ngục, súc sanh và quỷ thần[60], dẫn đến là đạt được quả vị Câu cảng, không bị đọa vào ác các cõi, chỉ còn sanh lại ở cõi trời, người không quá bảy lần, là giải thoát khỏi mọi khổ đau.

Đức Phật bảo hiền giả A-nan đi đến nước Duy-da-ly[61]. Hiền giả liền vâng lời cùng đi. Đức Phật vào thành Câu-lợi-lịch[62], rồi dừng chân trong vườn xoài của kỹ nữ[63] ở ngoài thành. Nại nữ[64] nghe đức Phật cùng các đệ tử từ nước Việt-kỳ đến, liền sửa soạn xe cộ, y phục, cùng năm trăm nữ đệ tử đồng ra khỏi thành, đi đến vườn xoài muốn được gặp và lễ bái. Đức Phật từ xa trông thấy năm trăm người nữ đến, liền bảo các Tỳ-kheo là: 'Khi thấy họ tất cả đều phải thu nhiếp tâm ý, nội quán, phải tự giữ đoan nghiêm tâm. Những y phục cùng trang sức của họ giống như cái bình vẽ, tuy bên ngoài màu sắc đẹp đẽ, nhưng bên trong toàn chứa những thứ dơ nhớp hôi thối. Nên biết các người con gái đẹp đều là những cái bình vẽ vừa nói. Người hành đạo thì không nên để chúng mê hoặc, cho nên phải tích cực chế ngự[65], tập trung tư duy[66] và phân biệt[67]. Nàng Nại nữ này đến đây cũng là để nghe ta chỉ dạy.

"Sao gọi là phải tích cực chế ngự? Là nếu pháp ác đã sanh thì phải đoạn trừ liền, tinh tấn thực hiện, tự giữ lấy tâm ý cho đoan nghiêm. Nếu pháp ác chưa sanh thì đừng cho sanh, tinh tấn thực hiện, tự thu nhiếp tâm ý cho đoan nghiêm. Nếu pháp lành chưa sinh thì khiến nó phát sanh, tinh tấn thực hiện, tự giữ vững tâm ý cho đoan nghiêm. Nếu pháp lành đã sanh, lập chí đừng quên, khiến nó luôn tăng trưởng, tinh tấn thực hiện, tự giữ tâm ý mình cho đoan nghiêm. Đó là điều phải làm. Thà bị gân cốt chặt đứt, thân thể bị tan nát, chớ đừng theo vọng tâm mà làm ác. Đó gọi là kiên quyết kiềm chế vọng tâm.

"Sao gọi là tập trung tư duy? Là quán thân trên nội thân[68], quán thân trên ngoại thân; quán nội ngoại thân, tư niệm phân biệt, đoạn trừ, không xao lãng[69]. Hãy quán thọ trên cảm thọ bên trong[70]; quán thọ trên cảm thọ bên ngoài, quán thọ trên nội ngoại thọ, tư niệm phân biệt đoạn trừ, ý không xao lãng. Hãy quán tâm trên nội tâm[71], quán tâm trên ngoại tâm, quán tâm trên nội ngoại tâm, tư niệm phân biệt đoạn trừ, tâm ý không xao lãng. Hãy quán pháp trên nội pháp, quán pháp trên ngoại pháp; quán pháp trên nội ngoại pháp, tư niệm phân biệt, đoạn trừ, tâm ý không xao lãng. Đó gọi là chí duy.

"Sao gọi là phân biệt[72]? Biết biết trường hợp nên làm; trường hợp không nên làm. Vì tùy theo trường hợp chơn chánh mà thực hành riêng biệt, đó gọi là phân biệt.

"Phàm ai có thể tích cực chế ngự, tập trung tư duy, và phân biệt thì đó là người có sức mạnh, chẳng phải chỉ những tráng sĩ có thể lực dồi dào mới là người có sức mạnh. Nếu ai có thể bỏ ác theo thiện thì gọi đó là người có sức mạnh tối thượng.

"Từ khi Ta cầu quả vị Phật đến nay, đã tự chiến đấu với tâm[73] mình trong vô số kiếp, nhờ không nghe theo tâm tà nên nay mới đạt được quả vị Phật nơi thế gian, và cũng có thể an nghỉ. Tâm ý của các ngươi từ lâu đã ở trong chỗ bất tịnh, phải tự vươn lên, dứt sạch tâm ý ấy để thoát khỏi các khổ. Nếu thấy những người nữ đến, hãy như lời dạy của Ta."

Bấy giờ, Nại nữ đi đến, cung kính đảnh lễ đức Phật rồi đứng qua một bên. Đức Phật hỏi:

"Hiện giờ, ý người nữ các ngươi thế nào?"

Thưa:

"Chúng con đã thọ lãnh ơn đức lớn của Phật, được nghe giáo pháp khiến cho kẻ ngu si tỉnh ngộ, sớm tối luôn tự căn dặn lòng mình không dám có tâm tà nữa.

Đức Phật bảo Nại nữ:

"Người nào ham thích tà dâm, thì có năm điều tổn hại:

1. Nhiều tiếng không tốt.

2. Bị phép vua theo dõi.

3. Ôm lòng lo sợ, có nhiều nghi ngờ.

4. Chết bị đọa vào địa ngục.

5. Tội trong địa ngục hết rồi phải thọ thân hình súc sanh. Tất cả điều đó do dục mà ra, hãy tự diệt trừ tâm dục.

"Người nào không tà dâm thì có năm điều làm cho phước đức tăng trưởng:

1. Được nhiều người khen ngợi.

2. Không sợ phép nước theo dõi.

3. Thân được an ổn.

4. Lúc chết được sanh lên trời.

5. Được đạo Nê-hoàn thanh tịnh.

"Do đó, tự mình cần phải nhàm chán những tai họa do dục sanh ra. Nữ nhơn sanh bệnh, nguyệt kỳ bất tịnh, luôn bị gò bó, trói buộc, đánh đập, không được tự do. Nếu thọ nhận, thực hành kinh luật thì có thể đạt được đạo thanh tịnh như Phật."

Đức Phật thuyết pháp, giảng nói nhiều pháp yếu cho Nại nữ nghe. Nàng rất vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ mọp, bạch Phật:

"Con muốn bày biện các thứ đồ ăn thức uống thịnh soạn, cúi mong đức Phật cùng thánh chúng đồng thể hiện oai thần hạ cố."

Đức Phật im lặng nhận lời. Nại nữ liền đảnh lễ rồi lui ra về. Nàng đi chưa lâu thì các tộc họ cao quý ở Duy-da-ly, có các Ly-xa[74], nghe đức Phật cùng các đệ tử đến, cách thành bảy dặm, họ liền vâng theo oai thần của vua, sửa soạn loại xe bốn màu, đi tới, muốn được yết kiến đức Phật. Trong các Ly-xa có người cỡi ngựa xanh, xe xanh, áo xanh, lọng xanh, cờ phướn xanh, đám quan thuộc đều dùng màu xanh. Có người cỡi ngựa vàng, xe vàng, y vàng, lọng vàng, cờ phướn vàng, đám quan thuộc đều dùng màu vàng. Có người cỡi ngựa đỏ, xe đỏ, áo đỏ, lọng đỏ, cờ phướn đỏ, đám quan thuộc đều dùng màu đỏ. Có người cỡi ngựa trắng, xe trắng, y phục trắng, lọng trắng, cờ phướn trắng, đám quan thuộc đều dùng màu trắng.

Đức Phật thấy đoàn xe, ngựa cùng hàng mười vạn người chật cả đường đi đến, liền bảo các Tỳ-kheo:

"Các vị muốn thấy đám thị tùng ra vào nơi vườn của Thiên-đế[75] trên cõi trời Đao-lợi như thế nào thì đoàn người ở đây cũng như vậy, không khác."

Các Ly-xa đến đều xuống xe đi bộ, vào vườn xoài đảnh lễ đức Phật xong thì ngồi qua một bên. Đức Phật thuyết pháp, giảng dạy, chỉ bày pháp yếu mọi người nghe. Có một người tên là Tịnh Ký[76], từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, hướng về đức Phật tự trình bày:

"Mỗi khi nghe công đức của Phật, to lớn vòi vọi, trên trời, dưới trời không ai là không ngưỡng mộ, kính phục. Con thường ở chỗ mình, sớm tối luôn kính ngưỡng, lại được giáo hóa theo nẻo thanh tịnh, cho nên không dám không để ý đến."

Đức Phật bảo Tịnh Ký:

"Những người hiền trí trong thiên hạ mới biết kính Phật. Hễ ai kính Phật liền được phước đức, khi chết đều được sanh lên cõi trời, không đọa vào đường ác."

Bấy giờ, Tịnh Ký nói bài kệ khen ngợi Phật:

Kính gặp đấng Pháp vương,
Tâm chánh, đạo lực an,
Phật là bậc Tối Thắng,
Danh nêu như núi tuyết,
Như hoa sạch, không nghi,
Như gần hương hoan hỉ,
Ngắm thân Ngài không chán,
Sáng chói như trăng rằm,
Trí Phật thật cao diệu,
Sáng tỏa không chút bụi,
Xin giữ giới thanh tín,
Tự quy y Tam-tôn.

Lúc này, trong số đông đang ngồi quanh có năm trăm vị trưởng giả đều cởi áo choàng quý giá của mình tặng cho Tịnh Ký. Tịnh Ký nhận lấy các tấm áo choàng quý giá ấy đến trước đức Phật, bạch:

"Những vị gia chủ này nghe lời giảng nói về các pháp thiện của đức Phật nên rất hoan hỷ, cùng nhau đem năm trăm áo choàng quý giá này dâng lên cúng dường đức Thế Tôn, mong Ngài thương xót mà thọ nhận."

Đức Phật nhận xong liền bảo:

"Các vị hiền sĩ nên biết! Phật là Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hạnh thành, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Đạo pháp ngự thiên nhân sư, Phật, Chúng hựu, xuất hiện ở thế gian, có năm pháp tự nhiên rất khó có được. Những gì là năm:

1. Phật xuất hiện giáo hóa khắp mọi nơi chốn, kể cả các hàng Đế Thích, Phạm vương, Sa-môn, Phạm chí, rồng, thần, đế vương; dùng trí huệ tự nhiên, thể hiện sự chứng đắc nơi thế gian, khai mở, giảng nói đạo chơn thật, lời nói đầu cũng thiện, lời nói giữa, lời nói cuối đều cũng thiện, đầy đủ ý nghĩa thiết yếu, thanh tịnh, rốt ráo. Tất cả đều được diễn đạt rõ ràng. Đó là pháp tự nhiên khó có được thứ nhất.

2. Phật nói kinh cho khắp mọi đối tượng, người nghe đều hoan hỉ, tin học, đọc tụng, khiến cho thân, miệng, ý được đoan nghiêm bỏ tà theo chánh. Đó là pháp tự nhiên khó có được thứ hai.

3. Dân chúng khắp nơi nghe kinh pháp của Phật, tâm ý được khai mở, tư duy càng sâu xa, đều đạt được trí huệ sáng suốt. Đó là pháp tự nhiên khó có được thứ ba.

4. Muôn người nghe lời chỉ dạy của Phật, phần nhiều đều tôn kính, thực hiện, nhờ đấy thoát khỏi ba cõi ác, sanh nơi cõi trời, người, đạt được lợi ích lớn. Đó là pháp tự nhiên khó có được thứ tư.

5. Muôn người được nghe giáo pháp thâm diệu, uyên áo của Phật, hiểu được nguồn gốc, duyên cớ của sanh tử, đoạn trừ hẳn tham dục, đều được giải thoát. Hạng tinh tấn thứ nhất đạt được đạo quả Ứng chơn, hạng tinh tấn thứ nhì thì được đạo quả Bất hoàn, hạng tinh tấn thứ ba được đạo quả Tần lai, hạng tinh tấn thứ tư thì được đạo quả Câu cảng. Đó là pháp tự nhiên khó có được thứ năm.

"Phàm con người đối với Đức Phật phải có lòng nhớ tưởng đền đáp dù là cúng dường chút ít điều lành cũng đạt được phước lớn, không bao giờ là vô ích. Cho nên, này Tịnh Ký, hãy tự mình gắng sức học hỏi để đạt được điều ấy."

Đức Phật nêu dạy như vậy xong, các Ly-xa từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, chấp tay thưa:

"Chúng con muốn cung thỉnh đức Phật và Thánh chúng thọ trai, nhưng Nại nữ đã thỉnh trước, mong rằng sau này chúng con sẽ được mời đức Phật. Hiện nay chúng con có nhiều việc phải trở về, vậy chúng con xin cáo từ."

Đức Phật dạy:

"Nên biết thời."

Khi ấy, các Ly-xa liền cung kính đảnh lễ đức Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi.

Nại nữ thì suốt đêm sửa soạn những món ăn đặc biệt, trang trí phòng ốc, buổi sáng sắp đặt chỗ ngồi, nằm, xong xuôi rồi đi đến bạch đức Phật:

"Trai phạn đã dọn xong, mong bậc Thánh biết thời."

Đức Phật cùng các đệ tử đồng đi đến nhà Nại nữ. Ngài an tọa chỗ ngồi cao trước đại chúng, Nại nữ tự tay múc dọn, dâng cúng. Buổi thọ trai xong, Nại nữ bưng nước rửa tay rồi lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước đức Phật, muốn hỏi pháp.

Đức Phật dạy:

"Đời ta nhờ ưa thích bố thí, về sau không hề có oán sợ, phần nhiều được tiếng khen, tiếng lành ngày một nhiều, được mọi người kính yêu. Con người không keo kiệt, lấy nhân từ làm trí, như vậy là không bị cấu nhiễm, được an ổn, được sanh lên cõi trời, cùng được mọi an lạc với chư thiên."

Đức Phật vì Nại nữ thuyết giảng, chỉ dẫn pháp yếu, khiến tất cả đều hoan hỉ.

Đức Phật bảo hiền giả A-nan cùng đi đến ấp Trúc-phương[77], dừng chân cạnh nơi rừng cây, phía bắc thành. Năm ấy thôn Trúc-phương bị đói kém, lúa thóc khan hiếm. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

"Hiện nay ở đây đang lúc đói kém, việc khất thực khó khăn, các vị nên phân bổ đi đến các thôn xóm của các nước Duy-da và Việt-kỳ, có thể những nơi đó lúa thóc dồi dào hơn. Hãy nghe lời chỉ dẫn và thực hiện đi."

Đức Phật dạy:

"Này Tỳ-kheo! Nên biết pháp để tự chế ngự tâm ý, được điều lành không mừng, bị điều ác không buồn, việc ăn uống là để nuôi thân thể, chớ tham cầu đồ ngon, tham đắm mùi vị. Do ái dục tham cầu cho nên sanh tử không bao giờ chấm dứt.

"Phàm biết giữ thân điều độ, tự mình chế ngự thì có thể đạt được tâm định."

Đức Phật thuyết giảng cho các Tỳ-kheo nghe, chỉ bày pháp yếu, khiến cho tất cả đều vui mừng. Họ đảnh lễ rồi lui ra.

Các Tỳ-kheo phân chia đi đến các vùng lân cận, riêng đức Phật và hiền giả A-nan thì cùng đi đến xóm Vệ-sa[78]. Lúc này, đức Phật bị bệnh, toàn thân đau nhức. Đức Phật suy nghĩ: ' Hiện nay Ta bị bệnh nặng, nhưng các đệ tử đều không có ở đây, Ta hãy chờ tất cả trở về đông đủ, Ta sẽ nhập Nê-hoàn. Vậy Ta nên tự dùng lực tinh tấn để trị bệnh này, bằng cách nhập môn định không suy niệm về các tưởng[79]. Ngài liền bằng tam-muội chánh thọ[80] như vậy[81] mà tư duy, nhập môn định không suy niệm về các tưởng. Bằng tâm ý nhẫn nại này mà được tự tại.'

Hiền giả A-nan từ một gốc cây khác đứng dậy đi đến chỗ đức Phật; cúi lạy xong, đứng qua một bên, hỏi thăm về bệnh tình của đức Phật có thuyên giảm chăng.

Tôn giả thưa:

"Nghe Thánh thể bị bệnh, con thật sư vì thế mà lo và sợ. Há chẳng phải Đức Thế Tôn muốn nhập Niết-bàn? Cúi nguyện Thế Tôn có điều chỉ dạy chúng đệ tử."

Đức Phật bảo Hiền giả A-nan:

"Phật há có bao giờ cách biệt với chúng sao? Ta luôn luôn ở trong chúng Tỳ-kheo. Những điều cần nêu bày chỉ dạy thì trước sau đối với chúng Tăng Ta đã giảng nói đầy đủ. Các vị hãy nên tinh tấn theo kinh mà làm. Nay Ta bị bệnh toàn thân đau đớn, Ta liền tư duy về môn định không suy niệm các tưởng, ý không gắn vào bệnh, cố gắng chịu đựng để chấm dứt cơn đau. Này A-nan! Những gì Ta đã thuyết giảng trong ngoài đều đầy đủ. Phật là pháp sư, chẳng hề bỏ sót điều gì. Những sự việc cần làm, thì tự mình đều nhận biết một cách rõ ràng. Nay Ta cũng đã già, tuổi đã tám mươi, giống như chiếc xe cũ kỹ, không còn vững chắc nữa. Ta vốn có nói: Sanh tử có lúc, không có cái gì cóù sanh mà không có kết thúc. Có một cõi trên trời tên là Bất-tưởng-nhập[82], tuổi thọ đến tám mươi bốn ngàn vạn kiếp, cuối cùng thì cũng phải chết. Cho nên Phật giảng nói kinh pháp cho muôn người, nhằm chỉ ra con đường lớn là Nê-hoàn, đoạn trừ cội gốc của sanh tử. Nay Ta điều thân, lấy thân làm cây đèn[83] để cho thân là chỗ quy y; lấy pháp làm cây đèn, để cho pháp là chỗ tự quy y.

"Sao gọi là cây đèn? Sao gọi là tự quy y? Đó là chuyên tâm vào bốn chí duy[84]. Một, tư duy quán thân. Hai, tư duy quán thọ. Ba, tư duy quán tâm. Bốn, tư duy quán pháp, tinh cần, chuyên niệm, tâm ý không xao lãng[85]. Đó gọi là lấy tất cả giáo pháp làm ngọn đèn sáng, làm chỗ nương tựa cho chính mình. Ta vì điều này nên nói lại lần nữa. Nếu muốn hiểu rõ phải tinh tấn thực hành giới pháp trong, ngoài, khiến luôn được thành tựu. Còn như tự mình nương tựa nơi giáo pháp, hiểu kinh giáo của Phật thì đều là con cháu của đức Như Lai.

"Nay Ta đã lìa bỏ ngôi vị Chuyển luân vương, vì muôn loài mà làm bậc giác ngộ, chuyên lo hóa độ để thoát khỏi sinh tử nơi ba cõi. Các vị cũng nên tự lo cho thân mình để đoạn trừ các khổ."

Bấy giờ là an cư mùa hạ[86] mùa mưa, sau khi khâu vá, sửa lại y phục xong, đức Phật bảo hiền giả A-nan cùng đi đến Duy-da-ly. Hiền giả vâng lời, lên đường dừng chân ở quán Viên hầu[87], khất thực xong, rửa bát, tắm rửa, ngài lại cùng với hiền giả A-nan đến chỗ Cấp tật thần[88]. Đức Phật dạy:

"Này A-nan! Nước Duy-da-ly được an lạc. Nước Việt-kỳ cũng được an lạc. Nay trong thiên hạ này có mười sáu nước lớn, tất cả các vùng đất ấy đều được an lạc. Sông Hy-liên-nhiên[89], tạo ra nhiều vàng ròng, cõi Diêm-phù-đề như bức tranh vẽ có năm màu sắc. Con người ở đời cho sống lâu là vui sướng. Nếu các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni biết được bốn thần túc, thì có thể dứt trừ hết khổ, tu tập thực hành nhiều, thường nhớ mãi không quên, nếu mong muốn thì có thể đạt được bất tử, không chỉ trong một kiếp.

"Như vậy, này A-nan, bốn thần túc của Phật đã tu tập trong nhiều thời gian, chuyên niệm không quên, tùy theo ý muốn Như Lai có thể kéo dài tuổi thọ hơn một kiếp cũng được."

Đức Phật nói điều này đến lần thứ hai, thứ ba.

Khi ấy tâm ý của hiền giả A-nan như chìm đắm đâu đâu, bị ma che khuất, mịt mờ không rõ, nên im lặng không đáp.

Đức Phật bảo:

"Này A-nan! Ngươi hãy đến dưới một gốc cây mà tĩnh tọa tư duy. Hiền giả liền theo lời dạy đi tới bên gốc cây, an tọa. Lúc này Ma Ba-tuần[90] đến nói rằng:

"Phật nên vào Bát-nê-hoàn. Việc giáo hóa đã hoàn tất, vậy có thể diệt độ. Ngày xưa, Phật du hóa nơi bờ sông Ủ-lưu[91], giảng dạy cho các người già rằng[92].

"Ta là Phật, tuy được tự tại, nhưng không tham sống lâu. Vậy nay chẳng phải là đã đúng lúc, công việc hóa độ đã hoàn tất, có thể Bát-nê-hoàn được rồi."

Đức Phật bảo Ba-tuần:

"Sở dĩ tới bây giờ mà ta chưa diệt độ là vì còn chờ cho chúng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni của ta đều được đầy đủ trí tuệ để kế thừa chánh pháp khuyến hóa kẻ chưa đến với đạo giải thoát cùng khiến cho kẻ tu học được thành tựu. Và cũng vì chờ cho các hàng Thanh tín sĩ, thanh tín nữ có được trí tuệ đầy đủ để góp phần kế thừa kinh, giới. Ai chưa hội nhập được hội nhập, kẻ thọ pháp thì được thành tựu. Như vậy, này Ba-tuần! Ta phải chờ cho bốn chúng đệ tử đều đạt được diệu lý của giáo pháp, thay nhau dạy dỗ, khai mở cho những chúng sanh còn mê muội, khiến cho kẻ tu học được thành tựu. Vì thế, mãi đến nay ta vẫn chưa diệt độ."

Ma nói:

"Đã đủ rồi, thời gian đã hết."

Đức Phật bảo:

"Ngươi hãy im lặng! Không bao lâu, sau ba tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Nê-hoàn."

Lòng Ma vui sướng, hoan hỷ ra đi. Đức Phật liền ngồi ngay thẳng, nhập định tự tư duy, ở trong pháp tam-muội, không trụ vào tánh mạng, xả bỏ thọ hành còn lại. Ngay lúc ấy, đại địa chấn động mạnh; bầu trời trong vắt, ánh hào quang của đức Phật soi khắp mười phương, chư thiên, thần hiện ra khắp hư không. Đức Phật xuất định, tự nói kệ:

Trong vô lượng các hành

Ta nay bỏ hữu vi,

Gần xa cần hóa độ,

Ta đã hóa độ khắp.

Hiền giả A-nan trong lòng hoảng hốt, lông tóc dựng đứng, vội bước nhanh đến chỗ đức Phật, cúi lạy xong, đứng qua một bên, thưa:

"Kỳ lạ thay, bạch đức Thế Tôn! Đại địa chấn động như vậy là do nhân duyên gì?"

Đức Phật bảo hiền giả A-nan:

"Đại địa ở thế gian khi chấn động có tám nguyên nhân. Những gì là tám?"

1. Trong khắp thiên hạ, đất ở trên nước, nước trụ trên gió, gió trụ trên hư không. Nơi hư không, gió lớn có lúc nổi lên làm cho các vùng nước lớn bị nhiễu loạn, như thế thì cả đại địa đều bị chấn động. Đó là nguyên nhân thứ nhất.

2. Có lúc một bậc Sa-môn đắc đạo, hoặc chư Thiên thần diệu, uy đức to lớn, muốn thể hiện diệu lực của mình nên dùng tay ấn xuống mặt đất, tức thì đại địa bị chấn động. Đó là nguyên do thứ hai.

3. Hoặc như vị Bồ-tát mới từ cõi trời thứ tư hạ sanh, nhập vào thai mẹ, là bậc minh triết sáng suốt, muốn thị hiện đạo lớn để giáo hóa, khai mở cho kẻ mê lầm, bèn phóng luồng hào quang kỳ diệu làm chấn động cả đất trời, khiến cho các Phạm thiên, Đế Thích, Ma, Sa-môn, Phạm chí, tất cả đều được thấy ánh sáng ấy. Đó là nguyên do thứ ba.

4. Lúc Bồ-tát ra khỏi thai mẹ, đức của Ngài cảm hóa chư Thiên, bầu trời lúc này trong lành không chút mây che, hào quang kỳ diệu tỏa chiếu khắp nơi khiến cả đại địa chấn động. Đó là nguyên do thứ tư.

5. Đến lúc Bồ-tát đạt được đạo vô thượng, chứng đắc quả vị Phật, khiến cho cả đại địa chấn động mạnh, trời thần bốn phương đều tán dương danh hiệu Phật. Đó là nguyên do thứ năm.

6. Lúc đã thành Phật, nơi pháp hội đầu tiên, ba lần chuyển pháp luân, trời người hiểu rõ đấy là việc Bồ-tát đã thành tựu được đạo lớn, hào quang tỏa chiếu khắp, bấy giờ cả đại địa đều chấn động. Đó là nguyên do thứ sáu.

7. Sự nghiệp giáo hóa của đức Phật sắp hoàn mãn, muốn bỏ tuổi thọ, không trụ nơi tánh mạng, bèn phóng luồng hào quang lớn, như thông báo cho trời người cùng biết, làm cả đại địa chấn động. Đó là thứ nguyên do thứ bảy.

8. Phật là bậc Chúng hựu, lúc sắp xả thân, nhập Bát-nê-hoàn, hào quang chiếu nơi nơi, thiên thần đều đến dự, khiến cho đại địa chấn động. Đó là nguyên do thứ tám."

Tôn giả A-nan thưa:

"Nay đức Phật đã xả bỏ tánh mạng rồi sao?"

Đức Phật đáp:

"Ta đã xả bỏ."

A-nan thưa:

"Ngày xưa con nghe Phật dạy: 'Nếu có đệ tử nào biết được bốn thần túc, tu tập thực hành nhiều lần, chuyên niệm không quên, tùy theo ý muốn, có thể sống tới một kiếp hay hơn. Nhưng uy đức của Phật còn thù thắng hơn nhiều, vậy sao Ngài không kéo dài tuổi thọ?'."

Đức Phật bảo A-nan:

"Nay lời nói của ngươi, há chẳng sai lầm sao? Ta đã nói với ngươi về bốn thần túc ấy cho đến hai ba lần, nhưng lúc đó ngươi vẫn im lặng, đang mãi đắm chìm trong mê muội, tâm tưởng không sáng tỏ, bị ma che khuất, bây giờ còn hỏi gì nữa! Như thế thì lời của Phật đã nói ra có thể đi ngược lại chăng?

A-nan thưa:

"Không thể được."

"Như vậy, này A-nan! Những kẻ không trí khi đã tự mình nói ra rồi có thể đi ngược lại, còn ta thì không như vậy."

A-nan rơi nước mắt, thưa:

"Đức Phật sắp nhập Niết-bàn sao mà vội thế! Con mắt của thế gian chợt tắt, sao mà chóng thế!."

Đức Phật bảo hiền giả A-nan:

"Hãy gọi các Tỳ-kheo đang du hóa ở nước Duy-da-ly trở về đông đủ ở đây."

Tôn giả liền vâng lời đi gọi, tất cả các Tỳ-kheo trở về tụ tập ở giảng đường, cung kính đảnh lễ Phật rồi đứng qua một bên.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

"Thế gian là vô thường, không bền chắc, tất cả rồi sẽ ly tán. Ở trong cái vô thường đó, để cho tâm thức dong ruổi chỉ là tự dối mình mà thôi. Ân ái hội họp nào có bền lâu? Trời đất, núi Tu-di còn phải sụp đổ, huống chi là con người, sự vật mà lại muốn trường tồn sao! Sanh tử sầu khổ, chỉ là điều đáng nhàm chán. Sau ba tháng nữa, Phật sẽ nhập Niết-bàn, chớ cho là lạ, chớ có ưu sầu. Vả lại tất cả các đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại đều do pháp mà thành tựu. Kinh pháp nếu tồn tại đầy đủ thì nên tự cố gắng, siêng năng nỗ lực tu học, giữ tâm thanh tịnh, tất được giải thoát. Tình của tâm thức ngưng nghỉ, thì không chết, mà cũng không còn sinh trở lại nữa không còn phải luân lưu trong năm đường để bỏ thân này, thọ thân khác. Năm ấm đã đoạn trừ thì không còn tai họa đói, khát, lạnh, nóng, ưu sầu khổ não nữa.

"Con người biết giữ tâm chân chánh thì chư thiên trên cõi trời thảy đều vui mừng cho kẻ ấy. Hãy hàng phục tâm, khiến luôn được thuần thục, tự chế ngự, chớ có theo tâm hành. Hành của tâm, không gì là không làm. Đắc đạo cũng do tâm vậy. Tâm làm trời, tâm làm người, tâm làm quỉ thần. Súc sanh, địa ngục cũng đều do tâm tạo ra cả. Từ sự tạo tác của tâm mà sanh ra các pháp, tâm làm ra thức, thức làm ra ý, ý chuyển nhập vào tâm. Tâm ấy, là cái dẫn đầu. Tâm chí làm ra hành, hành làm ra mạng[93]. Hiền hay ngu cũng do hành. Thọ hay yểu đều từ mạng. Phàm ba cái là chí, hành và mạng đều tùy thuộc vào nhau. Việc làm tốt hay xấu, thân ta phải thọ lãnh lấy. Cha làm điều bất thiện, con khôngchịu thay. Con làm điều bất thiện, cha cũng không chịu thay. Làm thiện thì tự mình được phước, làm ác thì tự mình nhận lấy tai ương. Nay Phật được cả trời người tôn kính đều do chí mà ra. Cho nên cần phải lấy tâm chân chính để hành pháp. Chỉ có người thực hành đúng theo chánh pháp thì đời này được tịch tĩnh[94], đời này được an ổn. Vậy hãy khéo thọ trì, tụng đọc kinh, giới, giữ tâm ý tĩnh lặng tư duy thì giáo pháp thanh tịnh của ta mới được an trụ lâu dài, mới thể hiện lòng từ bi thương xót cứu độ các nỗi khổ của thế gian, dẫn dắt chư thiên và muôn người đạt được an lạc.

"Các Tỳ-kheo nên biết, pháp ấy là những gì? Là bốn chí duy, bốn ý đoan, bốn thần túc, bốn thiền hạnh, năm căn, năm lực, bảy giác và tám Đạo đế[95]. Theo như điều đã thọ nhận mà hành trì thì có thể đạt được giải thoát, làm cho chánh pháp không suy thối.

"Sao gọi là bốn chí duy? Là tư duy quán toàn thân trên nội thân; quán toàn thân trên ngoại thân; quán toàn thân trên nội ngoại thân, phân biệt, chuyên niệm, đoạn trừ tâm ý ngu si mê lầm. Quán về thọ, ý và pháp cũng giống như trên.

"Sao gọi là bốn ý đoan? Là pháp ác đã sanh thì nên liền đoạn trừ, sửa tánh theo hướng tinh tấn, tự thu nhiếp tâm ý đoan chánh. Pháp ác chưa sanh thì kiềm chế đừng cho khởi lên, sửa tánh cho tinh tấn để tự thu nhiếp tâm ý đoan chánh. Pháp thiện chưa sanh thì nên làm cho phát sanh, sửa tánh theo hướng tinh tấn, để tự thu nhiếp tâm ý đoan chánh. Pháp thiện đã sanh, thì lập chí không quên, khiến cho luôn tăng trưởng, siêng năng làm cho tâm ý đoan chánh.

"Sao gọi là bốn thần túc? Là tư duy về dục định để diệt các hành, đầy đủ niệm thần túc[96]. Dục ấy không tà vạy, không lấy không bỏ, thường giữ hạnh thanh tịnh. Tư duy tinh tấn định, tư duy ý chí định, tư duy giới tập định[97], đều giống như trên đã nói.

"Sao gọi là bốn thiền? Là bỏ dục, pháp ác, duy chỉ niệm, duy chỉ hành[98], tâm chí an lạc vô vi[99] thành thiền hạnh thứ nhất. Niệm, hành đã diệt, bên trong giữ nhất tâm, chí ở chỗ tịch tĩnh[100], thành thiền hạnh thứ hai. Tư duy quán sát, không dâm, tâm an, thể chánh, phân biệt thấy rõ ràng, thành thiền hạnh thứ ba. Đã đoạn trừ khổ, vui, không còn tưởng về sự buồn vui, ý đã thanh tịnh, thành thiền hạnh thứ tư[101].

"Sao gọi là năm căn?

1. Tín căn, ý hướng về bốn điều hoan hỷ[102].

2. Tinh tấn căn, phát huy bốn ý đoan.

3. Niệm căn tức niệm về bốn chí duy.

4. Định căn, suy tư về bốn thiền hạnh.

5. Trí căn, thấy bốn chơn đế.

"Sao gọi là năm lực?

1. Tín lực, ý hoan hỷ không hoại.

2. Tinh tấn lực, thường hay kiềm chế dõng mãnh.

3. Niệm lực, được quán chí duy.

4. Định lực, thiền ý không loạn.

5. Trí lực, dùng đạo để tự chứng đắc.

"Sao gọi là bảy giác chi? Là Niệm giác ý, Pháp giải giác ý, Tinh tấn giác ý, Ái hỷ giác ý, Nhất hướng giác ý, Duy định giác ý, Hành hộ giác ý."

"Sao gọi là tám đạo? Là Chánh kiến, Chánh tư, Chánh ngôn, Chánh hành, Chánh mạng, Chánh trị, Chánh chí, Chánh định. Đó là pháp thanh tịnh để thoát khỏi thế gian.

Bấy giờ, đức Phật bảo hiền giả A-nan đồng đến ấp Câu-lợi[103]. hiền giả vâng lời cùng đi. Đức Phật thích Duy-da; đi ngang qua nước này, khi ra khỏi cửa thành, Ngài quay người về phía bên phải, nhìn cửa thành mà cười. Hiền giả A-nan liền sửa lại y phục, gối bên mặt chạm sát đất, quỳ gối thưa:

"Từ khi con được hầu hạ đức Phật cho đến nay hơn hai mươi năm, con chưa từng thấy đức Phật làm gì mà không có duyên cớ. Như vậy việc Ngài quay người lại nhìn cửa thành mà cười là do nhân duyên gì?"

Đức Phật đáp:

"Đúng vậy, đúng vậy. Này A-nan! Nghi pháp của Phật là không bao giờ quay người một cách vọng động rồi cười suông. Đây là lần cuối cùng ta nhìn thành Duy-da-ly, nên Ta nhìn rồi cười."

Bấy giờ, đức Phật tự nói bài tụng:

Đây là lần cuối cùng,
Ta ngắm Duy-da-ly,
Ta sắp vào Niết-bàn,
Không còn tái sinh nữa.

Có vị Tỳ-kheo khác cũng tán thán Ngài bằng bài tụng:

Phật bảo đây cuối cùng,
Thân hành từ đây hết,
Nếu tâm mãi ruổi dong,
Làm sao thấy được Phật?!

Đức Phật cùng hiền giả A-nan đồng đến Câu-lợi, dừng chân ở bên khu rừng phía Bắc thành. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

"Hãy gìn giữ tịnh giới, nên tư duy định ý, nên phát huy trí tuệ. Hễ ai giữ giới mà có cả định, huệ, thành bậc đại đức, có tiếng tăm lớn[104], vĩnh viễn xa lìa dứt tham dâm, sân hận, ngu si, có thể đạt được đạo quả Ứng chơn. Nếu muốn đời hiện tại đạt được giải thoát chơn chánh thì hãy nỗ lực tự giải thoát, khiến cho: sự sanh đã dứt hết, đã an trú hạnh thanh tịnh, đã làm viện cần làm, tự mình biết rằng sau thân này không còn thọ thân nào nữa[105]."

Đức Phật lại bảo hiền giả A-nan cùng đi đến ấp Kiện-trì[106], đến nơi thì ngồi bên gốc cây phía Bắc thành. Ngài bảo các Tỳ-kheo:

"Hãy giữ giới thanh tịnh, tư duy định ý, để mong mở mang trí tuệ. Người giữ giới thanh tịnh thì không chạy theo ba trạng thái[107]; người tư duy định ý thì tâm không buông lung tán loạn; người đã mở mang trí tuệ rồi thì lìa bỏ ái dục, hành động không bị chướng ngại. Người có đủ Giới-Định-Tuệ thì đức lớn, tiếng tăm vang xa, lại lìa dứt ba cấu uế [108], cuối cùng đạt được quả Ứng chơn. Nếu muốn đời hiện tại đạt được giải thoát chơn chánh thì hãy nỗ lục tự giải thoát, khiến cho: sự sanh đã dứt hết, đã an trú hạnh thanh tịnh, đã làm việc cần làm, tự mình biết rằng sau thân này sẽ không còn thọ thân nữa."

Đức Phật lại cùng hiền giả A-nan đồng qua ấp Yêm-mãn và ấp Xuất-kim, ấp Thọ-thủ, ấp Hoa-thị, lại đến ấp Thiện-tịnh[109], ở chỗ nào Ngài cũng vì các đệ tử nói ba điều căn bản này: Nên giữ giới, nên tư duy thiền định, và nên mở mang trí tuệ. Giữ ba điều ấy thì uy đức, tiếng tốt vang xa, tiêu trừ dâm, nộ, si. Đó gọi là sự giải thoát chân chánh.

"Đã có giới thì tâm được định, tâm định đã thành tựu thì trí huệ liền sáng tỏ. Như nhuộm tấm giạ sạch thì màu sắc sẽ tươi đẹp. Ai có ba tâm này thì dễ đạt được đạo. Chỉ một lòng cầu giải thoát, để cho sự sanh đã dứt hết, đã an trú hạnh thanh tịnh, đã làm việc cần làm, tự mình biết rằng sau thân sẽ không còn thọ thân nữa. Nếu ai không thực hành đầy đủ Giới-Định-Huệ, mà muốn thoát khỏi sanh tử nơi thế gian thì thật là khó.

"Nếu có đủ ba điều ấy thì tâm ý tự khai mở, an tọa tư duy liền thấy rõ năm đường: Trời, Người, Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ[110]; biết rõ những điều nhớ nghĩ trong tâm ý của chúng sanh[111]. Ví như khe nước trong sạch thì những thứ cát sỏi ở dưới đáy có màu xanh, vàng, trắng, đen đều thấy tất cả. Người đắc đạo do tâm thanh tịnh nên mọi đối tượng nhận thức đều thấu đạt. Nếu ai muốn đắc đạo thì hãy làm cho tâm mình được thanh tịnh. Như nước dơ, đục thì không thấy gì cả. Nếu giữ tâm không thanh tịnh thì không thể giải thoát khỏi thế gian[112].

"Những điều Thầy thấy được rồi giảng nói ra thì đệ tử phải nên thực hành. Thầy không thể thực hành thay cho đệ tử, nên giữ niệm chơn chánh. Nếu ai niệm ý được ngay thẳng thì liền đắc đạo. Đức Phật đã đạt được an lạc trong pháp thiện thanh tịnh."

Đức Phật lại bảo hiền giả A-nan cùng đi đến ấp Phu-diên[113], ngồi bên gốc cây nơi phía Bắc thành. Vào lúc xế chiều, hiền giả A-nan từ chỗ ngồi thiền đứng dậy, đến trước đức Phật đảnh lễ rồi chắp tay thưa:

"Con thật sự muốn biết rõ là đại địa chấn động do mấy nguyên nhân?"

Đức Phật bảo Hiền giả:

"Có ba nguyên nhân:

1. Đất nương trên nước, nước nương trên gió, gió nương trên hư không. Khi gió lớn nổi lên khiến nước bị chấn động, nước chấn động làm cho đại địa chấn động.

2. Bậc Sa-môn đắc đạo và chư Thiên thần diệu, muốn thể hiện sự cảm ứng cho nên đại địa chấn động.

3. Do thần lực của Phật. Từ lúc ta thành Phật đến nay, trước và sau đại địa đều chấn động. Ba ngàn mặt trời mặt trăng, một vạn hai ngàn cõi trời đất đều cảm ứng, hầu hết trời, người, quỷ thần đều được khai mở[114]."

Hiền giả A-nan tán thán:

"Kỳ diệu thay! Không ai sánh bằng Phật! Ngài dùng pháp tự nhiên mà không đâu là không cảm ứng, chấn động. Đức tột bực, đạo tột cùng, vòi vọi như thế."

Đức Phật dạy:

"Đúng vậy! Đúng vậy, này A-nan! Oai đức của Phật hết sức lớn lao, vì đã tích lũy công đức từ vô số kiếp, phụng hành các pháp lành, tự mình tu tập thành Phật, có pháp hóa tác tự nhiên thần diệu như vậy. Ngài là bậc biết tất cả, thấy tất cả, không gì là không hội nhập, không gì là không cảm hóa được. Nhớ lại xưa kia Ta đã dùng tâm từ bi đối với hàng trăm ngàn người trong thiên hạ gồm các bậc vua chúa, các vị quân tử đều cùng gặp nhau để giáo hóa, tùy theo hình tướng của họ mà Ta an ủi, giảng nói kinh pháp, giáo hóa cùng khắp khiến họ đạt được ý lành. Ta hiện thân giáo hóa như vậy, khắp cả tám phương[115], tùy theo tiếng nói, phục sức và phong tục của nước đó, biết họ hành pháp gì, biết kinh gì nên Ta đã diễn giảng truyền trao để đưa họ vào chánh đạo. Đối với người ưa thích ngôn từ mang nhiều ý nghĩa thì Ta nêu bày giáo pháp rõ ràng, dễ lãnh hội. Đối với người hiểu đạo lý thì Ta giảng nói về những điều cốt yếu nhằm làm cho ý chí của họ thêm vững chắc rồi Ta đi. Các vua, các vị quân tử đều chẳng biết Ta là ai, về sau họ đều hết lòng, cung kính vâng theo sự giáo hóa đúng pháp ấy. Đó là pháp tự nhiên thanh tịnh vi diệu của Phật.

"Lại nữa, này A-nan! Ta có được Phật lực, hội nhập khắp chốn để hiện thân giáo hóa, dùng oai nghi của Phật đi vào chúng Sa-môn, làm bậc đạo sư, sau đó hóa nhập vào chúng Phạm chí, lại nhập vào chúng cư sĩ, cũng như các nhóm học thuật khác nhau. Tùy theo lối ăn mặc, âm thanh, ngôn ngữ của họ mà Ta giảng dạy kinh pháp cho họ, khiến cho tất cả đều được thành tựu, làm pháp mẫu mực cho họ, rồi biến mất. Họ đều nghe theo lời chỉ dạy của Ta mà chẳng biết Ta là ai. Đó là pháp tự nhiên khó có được của Phật.

"Ta cũng nhập vào cõi trời thứ nhất là Tứ thiên vương, cõi trời thứ hai là Đao-lợi, cõi trời thứ ba là Diệm thiên, cõi trời thứ tư là Đâu-thuật, cõi trời thứ năm là Bất kiêu lạc, cõi trời thứ sáu là Hóa ứng thinh[116], chung quanh là cõi Ma.

"Lại lên cõi trời thứ bảy là Phạm thiên, cõi trời thứ tám là Phạm chúng, cõi trời thứ chín là Phạm phụ, cõi trời thứ mười là đại Phạm, cõi trời thứ mười một là Thủy hành, cõi trời thứ mười hai là Thủy vi, cõi trời thứ mười ba là Thủy vô lượng, cõi trời thứ mười bốn là Thủy âm, cõi trời thứ mười lăm là Ước tịnh, cõi trời thứ mười sáu là Biến tịnh, cõi trời thứ mười bảy là Thanh minh, cõi trời thứ mười tám là Thủy diệu, cõi trời thứ mười chín là Huyền diệu, cõi trời thứ hai mươi là Phước đức, cõi trời hai mươi mốt là Ý thuần thứ, cõi trời thứ hai mươi hai là Cận tế, cõi trời thứ hai mươi ba là Khoái kiến, cõi trời thứ hai mươi bốn là Vô kết ái[117]. Tất cả các cõi ấy Ta đều đi khắp, gặp hàng trăm ngàn người, hóa hiện theo dung mạo của chư thiên để cùng họ gặp gỡ. Người ưa sự thanh tịnh thì Ta nói về sự thanh tịnh cho họ, người thông đạt ý đạo thì Ta khuyên nên hóa độ rộng rãi. Với người nhân từ thuần thục thì Ta để họ nơi đại đạo. Ai hiểu rõ về các pháp ta liền trao truyền pháp quan trọng. Ta khuyên nhủ, dẫn dắt, hóa độ thuận hợp nhanh chóng, khiến họ đạt đạo xong thì liền biến mất, mà các hàng chư Thiên ấy chẳng biết Ta là ai. Đó là pháp tự nhiên khó có được của Phật.

"Vì bốn cõi trời còn lại ở trên không có hình tướng, âm thanh, nên Phật không đến. Đó là cõi trời thứ hai mươi lăm là Không huệ nhập, cõi trời thứ hai mươi sáu là Thức huệ nhập, cõi trời thứ hai mươi bảy là Bấ dụng huệ nhập, và cõi trời thứ hai mươi tám là Bất tưởng nhập[118].

"Như vậy, này A-nan! Ân đức của Phật thật là rộng lớn, không ai là không được Phật tế độ, nhưng rất khó gặp. Đức Phật xuất hiện ở thế gian như hoa âu-ba-la[119] đúng thời mới nở. Đức Phật thuyết pháp cũng khó được nghe; đã nghe được Kinh pháp thì phải nên thọ nhận, hộ trì.

"Hộ trì như thế nào? Sau khi ta diệt độ, nếu có Tỳ-kheo nói:

"Tôi thấy Phật, tôi thọ lãnh pháp này, luật này, sự chỉ dạy này từ miệng Ngài nói ra. Nhưng lời nói của người ấy không gần gũi với Kinh điển lại là pháp thiếu sót gây tổn hại. Vậy hãy nên đem các câu giáo pháp nơi kinh, nơi luật đã thấy đã biết để giảng giải cho vị Tỳ-kheo kia. Nếu những lời ấy không hợp với kinh, luật, so sánh xong thì khuyên can: 'Hiền giả hãy nghe đây! Đức Phật không giảng nói điều này. Thầy đã thọ lãnh không đúng nên không hợp với ý của pháp, chẳng phải là pháp, chẳng phải là luật, không giống như lời Phật dạy. Thầy nên biết điều đó để bỏ đi'."

Nếu có Tỳ-kheo bảo:

"Tôi ở chỗ đó, được nương tựa nơi Thánh chúng, có pháp giới, tôi trực tiếp thọ pháp này, luật này, những lời giảng dạy này. Nhưng nếu lời nói của người đó không gần với kinh điển, gây tổn hại cho chánh pháp, thì hãy đem giáo pháp nơi kinh nơi luật để giải thích cho kẻ ấy. Nếu những lời nói kia không thích hợp với giáo pháp nơi kinh, nơi luật thì nên khuyên can: 'Này Hiền giả, hãy lắng nghe! Chúng Tỳ-kheo biết pháp hiểu luật, còn những điều ông nói thì không phải là giáo pháp, là giới luật. Thầy đã thọ nhận sai lạc, không hợp với ý nghĩa của kinh, pháp. Điều này không giống như lời Phật dạy, nên biết điều đó mà bỏ đi'."

Nếu có Tỳ-kheo nói:

"Tôi đích thân theo các bậc trưởng lão kỳ cựu được nghe từ miệng chư vị ấy nói về pháp này, luật này, giáo này. Nhưng những lời được cho là kinh giáo ấy không gần gũi với kinh điển, làm tổn hại chánh pháp; hãy đem những giáo pháp nơi kinh để giải thích cho kẻ ấy. Nếu những lời nói kia không hợp với ý nghĩa nơi kinh luật thì nên khuyên can: 'Này Hiền giả, hãy lắng nghe! Các bậc trưởng lão kỳ cựu là người biết pháp hiểu luật, còn những điều Thầy nói ra thì chẳng phải là giáo pháp, giới luật. Thầy đã thu nhận sai lạc, không phù hợp với kinh, lại ngược với ý pháp, không đúng như lời Phật dạy; nên biết điều đó mà bỏ đi'."

Nếu có Tỳ-kheo cho rằng:

"Tôi được ở gần các bậc hiền tài, cao minh, trí tuệ thông tỏ, phước đức, được nhiều người tôn kính, lãnh thọ từ các vị ấy những lời dạy về kinh, luật giáo pháp này. Nhưng lời nói của người kia không gần với kinh lại làm tổn hại chánh pháp; nên đem ý nghĩa của giáo pháp nơi kinh để giải thích cho vị ấy. Nếu những lời nói kia không hợp với ý nghĩa kinh pháp, chống trái đưa đến tranh cãi, thì nên khuyên vị ấy: 'Này Hiền giả hãy lắng nghe! Các bậc hiền triết cao minh thì hiểu biết giáo pháp kinh luật. Còn những điều này thì không phải là giáo pháp kinh luật. Thầy đã thu nhận sai lạc về điều này không phù hợp với kinh, cùng đi ngược lại ý nghĩa giáo pháp, không đúng như lời Phật dạy; nên biết điều đó mà bỏ đi'."

Lại nữa, này A-nan! Nếu có người nói:

"Tôi được theo Phật thụ nhận giáo pháp này. Nhưng lời nói ấy thì sai lầm, không hợp với kinh pháp. Hoặc có người bảo: 'Tôi từng nương tựa nơi Thánh chúng, nên được phụng lãnh giáo pháp như vậy.' Nhưng lời nói của người kia thì sai lầm, không hợp với Kinh pháp. Hoặc có người nói: 'Chính miệng của tôi nghe điều này từ các vị trưởng lão kỳ cựu.' Nhưng lời nói ấy lại sai lầm, không hợp với kinh pháp.' Hoặc nói: 'Tôi thụ lãnh lời nói này từ các bậc hiền tài, cao minh, trí lớn, phước dày'. Nhưng lời nói ấy sai lầm, không hợp với kinh pháp; hãy nêu lên lời dạy của Phật để giải thích cho những kẻ ấy hiểu, khiến họ hội nhập và hiểu biết đúng theo kinh luật. Nhờ nói rõ về giáo pháp kinh luật của Phật mà Thánh chúng thừa hành, các vị trưởng lão thấy rõ, các bậc hiền tài được biết, các hàng hiền thiện thọ nhận đúng đắn. Như luật dạy là không được tranh cãi, nên biết để thọ trì bốn điều này.

"Này A-nan, hoặc có bốn điều tối tăm[120] làm tổn hại chánh pháp, phải biết phân biệt, để trừ bỏ điều tà vạy, thọ trì bốn chánh ý[121]. Đó gọi là thọ trì, giữ gìn chánh pháp. Nếu ai không vâng theo kinh giới, thì chúng Tỳ-kheo nên trục xuất kẻ ấy ra ngoài. Các thứ cỏ xấu nếu không nhổ đi thì sẽ làm hại đến mầm lúa tươi tốt. Đệ tử không tốt làm tổn hại đến đạo pháp của ta. Hãy cùng nhau kiểm điểm, sách tấn, đừng để sau khi Phật diệt độ rồi không ai kế thừa giáo pháp.

"Ở đời nếu có các vị Sa-môn phụng hành kinh giới thì khắp chốn được phước, trời, thần đều hoan hỷ. Nếu nghe ở chỗ nào đó có Tỳ-kheo thông hiểu kinh, các Tỳ-kheo khác tuy lớn tuổi mà mới vào đạo thì phải tìm đến vị kia để học hỏi, thọ trì. Như vậy thì sẽ được các hàng thanh tín sĩ, thanh tín nữ vui thích cúng dường y phục, các thức ăn uống, giường nằm, thuốc chữa bệnh. Tỳ-kheo đồng đạo thì không nên bất hòa. Những người bị đọa vào địa ngục, ba cõi ác đều do bất hòa mà ra. Tỳ-kheo không nên cùng nhau đùa giỡn cho rằng: 'Ta biết kinh nhiều, ông biết kinh ít!'. Biết nhiều hay biết ít phải tự mình thực hành. Lời nói nào phù hợp với kinh thì dùng, lời nói nào không phù hợp với kinh thì bỏ. Điều nào do Phật nói ra, Tỳ-kheo đã thọ trì thì hãy khéo gìn giữ. Từ nay về sau, phàm giảng giải về kinh thì nên nói: 'Nghe như vậy! Một thời Phật ở tại nơi nào, nước nào, cùng đông đủ chúng Tỳ-kheo nào giảng nói Kinh này'. Nếu kinh đó là đúng thì không được khinh suất nói rằng: 'Kinh đó không phải do Phật nói.' Nếu các Tỳ-kheo cùng nhau vâng làm như vậy, thì chánh pháp được tồn tại lâu dài[122]."

Bấy giờ đức Phật bảo hiền giả A-nan:

"Tất cả hãy đến nước Ba-tuần[123]. Các đệ tử vâng lời cùng đi. Đức Phật muốn vào trong thành Phu-diên-lịch[124], rồi dừng chân nơi vườn Thiền đầu[125] bên ngoài thành. Các tộc họ phú hào ở Ba-tuần có những người thuộc dân Hoa thị[126], nghe đức Phật đến, họ cùng nhau kéo tới ra mắt, đảnh lễ, xong rồi ngồi qua một bên. Đức Phật bảo các Hoa thị:

"Hàng trí thức ở nhà, tuân thủ sự kiệm ước, phụng hành bốn việc, để luôn được vui vẻ:

1. Phụng dưỡng cha mẹ săn sóc vợ con.

2. Trông nom khách khứa, nô tỳ.

3. Cung cấp bố thí cho những người thân thuộc, bằng hữu tri thức.

4. Phụng sự các bậc vua, trời, thần, Sa-môn, đạo sĩ.

Nếu làm được như vậy sẽ biết cuộc sống hiện tại thân được an, nhà cửa được an, có sức khỏe, dung mạo tươi đẹp, giàu có sung túc, hiểu biết rộng, lúc chết được sanh lên cõi trời."

Đức Phật thuyết pháp, giáo hóa các Hoa thị, với những lời lẽ thiết yếu khiến cho tất cả đều hoan hỷ, xin cáo từ. Chỉ có người con của Hoa thị tên là Thuần[127], một mình ở lại, đứng dậy sửa y phục rồi quỳ gối bạch đức Phật:

"Con muốn sửa soạn một bữa cơm thịnh soạn, cúi mong đức Phật cùng đại chúng đồng thể hiện oai thần, hạ cố."

Đức Phật vì lòng thương xót nên im lặng nhận lời.

Thuần vui mừng đảnh lễ rồi về nhà sửa soạn các thức ăn ngon, trang hoàng phòng ốc. Sáng sớm, trải sàng tọa xong đi đến bạch đức Phật:

"Công việc đã xong xuôi, cúi mong đức Thánh biết thời."

Đức Phật cùng các đệ tử đồng đến nhà ông. Đức Phật ngồi chỗ ngồi cao trước đại chúng.

Thuần tự tay bưng dọn thức ăn và phân chia vào các bình bát. Có vị Tỳ-kheo xấu tính đã ăn rồi mà vẫn đưa bình bát. Đức Phật biết điều đó. Thuần nghĩ đến sự tư duy của Thánh, thành tâm cúng dường: Khi lấy nước rửa xong, ông cầm một cái ghế nhỏ ngồi trước đức Phật, nói bài tụng để hỏi:

Xin hỏi bậc Thánh Trí,

Đã đến bờ bên kia,

Vị Pháp ngự hết nghi

Có mấy loại Sa-môn.

Đức Phật bảo Thuần:

"Có bốn hạng Sa-môn, phải biết mà phân biệt:

1. Loại hành đạo thù thắng.

2. Đạt đạo có thể diễn giảng.

3. Nương đạo để sanh sống.

4. Hạng làm ô uế đạo.

"Sao gọi là hạng Sa-môn hành đạo thù thắng? Là đức Phật thuyết giảng kinh pháp nhiều vô số, vị ấy có thể thực hành không gì sánh kịp, hàng phục được tâm luôn lo lắng đối với chánh pháp, là bậc chỉ đường, dẫn dắt cho thế gian. Đó là loại Sa-môn hành đạo thù thắng bậc nhất.

"Sao gọi là hạng Sa-môn đạt đạo có thể giảng nói được? Những pháp thâm diệu được đức Phật thuyết giảng, tán dương, vị ấy đều có thể lý giải thông suốt, thực hành không chút nghi ngờ, lại cũng có thể thuyết giảng kinh pháp cho người khác nghe. Đó là loại Sa-môn đạt đạo và có thể giảng nói được.

"Sao gọi là hạng Sa-môn nương vào đạo? Là kẻ luôn nhớ nghĩ, tự giữ gìn, siêng năng học tập không thối lui, luôn nỗ lực không mỏi, lấy pháp để tự nuôi sống. Đó là hạng Sa-môn biết nương theo đạo để sanh sống.

"Sao gọi là hạng Sa-môn làm ô uế đạo? Là kẻ buông lung tâm ý theo dục lạc, ỷ lại vào tộc họ, giòng dõi, chuyên làm ô uế đạo, bị chúng dị nghị, không tôn kính lời Phật dạy, cũng không sợ tội lỗi. Hạng Sa-môn này làm ô uế đạo.

"Phàm con người khi nghe thấy điều gì nên đem so sánh với đạo, học theo bậc trí huệ, thanh tịnh như họ mới thôi. Nên biết trong đó có đúng có sai, có thiện có ác, không thể giống nhau, cùng một loại. Người bất thiện sẽ bị các hiền giả chê trách; cho nên trong giới luật của đức Phật luôn gạt bỏ những kẻ xấu ác, ví như trong lúa non sanh ra cỏ, nếu không nhổ cỏ đi thì lúa bị tổn hại.

"Thế gian có rất nhiều hạng người này, trong thì ôm lòng uế trược, ngoài thì in như người thanh tịnh. Nếu có người biết phước đức, có lòng tin tưởng, dốc phụng sự đạo pháp, thì rốt cuộc không bao giờ vì những kẻ xấu ác kia mà khởi tâm sân hận. Người biết điều thiện, tu thân, xa điều ác, trừ bỏ dục, nộ, si cho nên được đắc đạo nhanh."

Đức Phật giảng nói như vậy xong, Thuần hết sức vui mừng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]