Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

28. Phẩm Phổ-Hiền Bồ-tát khuyến phát (Satisfaction de Samantabhadra)

20/05/201318:57(Xem: 13279)
28. Phẩm Phổ-Hiền Bồ-tát khuyến phát (Satisfaction de Samantabhadra)

Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa - Quyển VII

28. Phẩm Phổ-Hiền Bồ-tát khuyến phát (Satisfaction de Samantabhadra)

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Phổ-Hiền dùng sức thần-thông tự-tại, cùng vô lượng vô số Bồ-tát và chư Thiên, Long…. đến núi Kỳ-xà-quật cõi Ta-bà, làm lễ và bạch Phật: Thế-Tôn! Con ở nơi nước của Phật Bảo-Oai-Đức-Thượng-Vương, xa nghe ở cõi Ta-bà này có thuyết Kinh Pháp-Hoa, nên cùng vô lượng Bồ-tát đến nghe lãnh, cúi mong Thế-Tôn vì chúng con, nói Kinh cho nghe! (Lại nữa), sau khi Như-Lai diệt độ, các trai lành gái tốt làm thế nào mà đặng Kinh Pháp-Hoa?"
Phật bảo Bồ-tát Phổ-Hiền: "Sau khi Như-Lai diệt độ, thiện nam-tử, thiện nữ-nhân nào muốn đặng Kinh Pháp-Hoa thời trước phải thành tựu 4 pháp (hội đủ 4 điều-kiện) là:
1.đươc chư Phật hộ niệm
2.trồng các cội công-đức
3.vào trong chánh-định
4.phát tâm cứu tất cả chúng-sanh.
Bồ-tát Phổ-Hiền bạch Phật: "Thế-Tôn! Năm trăm năm về sau, trong đời ác trược, nếu có người thọ trì Kinh Pháp-Hoa, con sẽ bảo bọc họ, trừ các suy-tồn, hoạn hoạ, làm cho họ đặng an ổn và khiến các loài ma quỉ đều không có dịp tiện làm hại. Ai trong lúc đi đứng mà giữ đọc tụng Kinh này, thời con sẽ cỡi tượng trắng cùng chư đại Bồ-tát, hiện ra trước người đó để cúng dường, bảo bọc và an ủi tâm người đó, bởi lẽ phải cúng dường Kinh Pháp-Hoa. Nếu người đó ngồi suy gẫm nghĩa Kinh, thời con cũng cỡi voi trắng hiện ra cùng người ấy chung đọc tụng và làm cho họ thông thuộc, nếu có quên mất một câu hay một bài kệ của Kinh. Người thọ trì đọc tụng Kinh Pháp-Hoa mà đặng thấy thân con, thời lòng rất vui mừng lại thêm tinh-tấn và đặng tam-muội cùng các "triền đà-la-ni", "pháp-âm đà-la-ni", v.v…
Thế-Tôn! Năm trăm năm về sau, trong đời ác trược, trong hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, nếu có người cầu tìm, thọ trì, đọc tụng, biên chép Kinh này và mưốn tu tập, thời trong 21 ngày, phải một lòng tinh-tấn. Mãn 21 ngày rồi, con sẽ cỡi voi trắng sáu ngà cùng vô lượng Bồ-tát vây quanh, hiện ra trước người đó để nói pháp chỉ dạy sự lợi ích vui mừng và cho chú đà-la-ni. Đặng chú này rồi, thời klhông có loài phi-nhân (ma quỉ) nào có thể phá hoại được, cũng không bị nữ-nhân hoặc loạn".
Bạch xong, Bồ-tát Phổ-Hiền đọc bài chú và tiếp thưa "Thế-Tôn! Bồ-tát nào nghe đặng chú này, phải biết đó là sức mạnh thần-thông của Phổ-Hiền vậy. Ai thọ trì đặng Kinh Pháp-Hoa, thời đó là nhờ sức oai-thần của Phổ-Hiền. Ai thọ trì, đọc, tụng, ghi nhớ chân chính, hiểu nghĩa lý và thú hướng của Kinh và đúng theo lời Kinh mà tu hành thời người đó tu hạnh của Phổ-Hiền, ở nơi vô lượng Phật sâu trồng cội lành và sẽ được chư Như-Lai lấy tay xoa đầu. Nếu chỉ biên chép không, thời khi mệnh chung, sẽ sanh lên trời Đao-lợi, được thiên-nữ trổi nhạc đón rước, vui chơi khoái lạc, đầu đội mũ bảy báu. Còn ai thọ trì, đọc tụng, giải nghĩa, thời khi mạng chung, được ngàn đức Phật đưa tay (tiếp dẫn), khiến chẳng sợ sệt, chẳng đoạ vào nẽo dữ, liền lên cung trời Đâu-Suất chỗ Bồ-tát Di-Lặc ở, sanh vào hội của Bồ-tát Di-Lặc mà thành-phần là chư đại Bồ-tát và trăm ngàn muôn ức thiên-nữ.
"Thế-Tôn! Con xin đem sức thần-thông thủ hộ Kinh Pháp-Hoa, để sau khi Như-Lai diệt độ, tại cõi Diêm-phù-đề, làm cho kinh này được rộng lưu-truyền, không cho đoạn-tuyệt".
Lúc bấy giờ, đức Thích-Ca khen: Hay thay! Hay thay! Phổ-Hiền! Ông có khả- năng hộ-trợ Kinh này, làm cho chúng-sanh đặng an vui lợi ích. Vì đã thành tựu nhiều công-đức không thể nghĩ bàn, vì tâm từ-bi của ông đã được sâu lớn, vì từ lâu xa ông đã phát tâm cầu Vô-thượng-giác, cho nên nay mới năng phát nguyện thần-thông, thủ hộ Kinh này. Ta sẽ dùng sức thần-thông mà bảo vệ người thọ trì danh hiệu của Bồ-tát Phổ-Hiền.
"Này Phổ-Hiền! Ai thọ trì, đọc tụng, sửa đổi những nhớ tưởng của mình cho chân chính, tu tập, biên chép Kinh Pháp-Hoa này, nên biết người ấy ắt thấy Phật Thích-Ca và nghe lời Kinh như tự miệng Phật Thích-Ca nói ra; nên biết người ấy cúng dường Phật Thích-Ca; nên biết người ấy được Phật khen ngợi; nên biết người ấy được Phật Thích-Ca lấy tay xoa đầu, nên biết người ấy được Phật Thích-Ca lấy áo trùm thân,. Người như thế thời không còn trở lại ham mê những vui sướng của thế-gian, chẳng ưa thích kinh sách của ngoại đạo, cũng chẳng còn vui gần-gũi ngoại đạo, kẻ ác, hàng thịt, người nuôi heo, dê, gà, chó, hoặc thợ săn, kẻ buôn nữ sắc. Người đó tâm ý chân-chất, ngay thẳng, những nhớ tưởng đều chân-chính, có phước đức mạnh. Người đó chẳng bị ba món độc (tham, sân, si) làm não hại, cũng chẳng bị tật ganh-ghét, ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn làm não hại. Người đó ít ham muốn, biết đủ, có khả-năng tu hạnh Phổ-Hiền.
"Phổ-Hiền! Năm trăm năm sau khi Phật diệt độ, thấy người thọ trì, đọc Kinh Pháp-Hoa, thời phải nghĩ rằng người ấy chẳng bao lâu sẽ đến đạo-tràng, phá các thứ ma, thành Vô-thượng-giác, chuyển pháp-luân, đánh trống pháp, thổi loa pháp, rưới mưa pháp, sẽ ngồi trên pháp-toà sư-tử trong đám trời người.
"Phổ-Hiền! Ở đời sau, ai thọ trì đọc tụng kinh này thời người đó chẳng còn ham ưa quần áo, giường nằm, ăn uống, nói tóm là không còn thiết-tha với những vật cần cho sự sống, còn có mong ước gì thời cũng không mong ước những việc hư huyễn, lại ngay trong hiện đời, đặng phước báo của những giải-thoát vừa nói.
"Thấy người thọ trì đọc tụng Kinh Pháp-Hoa mà chê là làm việc điên cuồng rốt cuộc không lợi ích gì, ai phạm tội ấy sẽ có báo ứng là đời đời không mắt. Trái lại, ai cúng dường khen ngợi, thời ngay trong hiện đời được quả báo tốt.
Thấy người thọ trì đọc tụng mà vạch bày lỗi lầm của người ấy, dầu có dầu không, thời ngay hiện đời phải mắc bệnh cùi,. Còn khinh cười thời đời đời răng nướu thưa thiếu, môi xấu, mũi xẹp, tay chưn cong queo, mắt lé, thân thể hôi dơ, ghẻ độc máu mủ, bụng thủng, thở ngắn và các bệnh nặng khác. Vì vậy, này Phổ-Hiền, nếu thấy người thọ trì Kinh này thời phải đứng dậy ra xa tiếp rước, như kính đón Phật vậy".
Lúc Phật nói phẩm "Phổ-Hiền Bồ-tát khuyến phát" này, có Hằng-ha-sa Bồ-tát muôn ức đà-la-ni, còn chư Bồ-tát đông như bụi trong ba ngàn đại-thiên thế-giới đặng đầy-đủ hạnh Phổ-Hiền.
*
* *

Huyền nghĩa

Phổ-Hiền tiêu-biểu cho Đại-hạnh, như Văn-Thù tiêu-biểu cho Đại-trí. Có trí mà không hành- không có những hạnh tương xứng với trí- thì không đi đến đâu hết, huống chi có hành mới thâm nhập diệu nghĩa, diệu cảnh (acquérir la spiritualité).
Vì lẽ này mà Kinh mượn lời hỏi của Phổ-Hiền để cho Phật dạy cách "hành" khả dĩ giúp sự thâm nhập vào diệu nghĩa của kinh Pháp-Hoa (đắc Pháp-Hoa).
Muốn thâm nhập phải thực-hiện 4 điều kiện ( tứ Pháp):
1.giữ mãi Ánh-sáng trong lòng (được Phật hộ-niệm).
2.làm việc phúc-đức (trồng các căn lành).
3.tu cho được chánh-định, nghĩa là giữ tâm không tán loạn, không để ý ngoại cảnh làm xúc động.
4.phát tâm Đại-bi, nguyện cứu muôn loài.
Tóm lại, phải trau dồi trí bát-nhã, hành thiện, chánh-định và phát đại -bi tâm.
Đó là nguyên tắc, bây giờ đến phương-tiện thực hành. Đại khái như sau:
a)Thọ trì (nắm giữ lời Kinh dạy)
b)Vừa thọ trì mà vừa đọc tụng trong lúc đi đứng (có như vậy mới nhập tâm)
c)Vừa thọ trì, đọc tụng mà còn suy gẫm để hiểu nghĩa Kinh.
Thọ trì không thời tâm an ổn, xa lánh được sự cám dỗ của tình dục (ma quỉ). Thêm vào sự đọc tụng để ghi nhớ mãi thì được thêm nhiều công-đức (thấy Phổ-Hiền và chư Bồ-tát). Lại thêm vào sự suy gẫm thời thêm sáng suốt và trí nhớ, ngoài ra còn đặng sự vui sướng, thêm tinh-tấn và chánh-định.
Nhưng muốn tu tập cho đúng phép, thời phải tu tập liên tiếp trong 21 ngày, luôn luôn tinh-tấn, không một lúc nào giãi-đãi. Mãn 21 ngày sẽ thấy hiệu-nghiệm là kiên cố trong chỗ tu hành và nhờ kinh-nghiệm đó mà sẽ có những kinh-nghiệm khác, khiến cho mình tránh khỏi mọi sự nguy hiểm của tình dục và nữ sắc.
Đó là kết-quả của công phu bên ngoài. Còn sau đây là kết quả của công phu bên trong (Phật thủ hộ) nhờ sức bên ngoài làm phát sanh:
v Tâm sáng thấy tánh (như thấy Phật, như nghe Phật thuyết pháp)
v Trừ 3 độc, tật đố (ganh ghét), phách lối (ngã mạn), cố chấp những kiến giải sai lầm của mình (tà mạn), tu hành chưa đến đâu lại tự hào là đã chứng (tăng thượng mạn). Lại được bớt ham muốn, biết an phận thủ thường (tri túc: biết đủ).
v Không lâu sẽ tu hành đắc Đạo (đến đạo tràng phá ma quân, thành chánh Giác)
Thọ trì Kinh Pháp-Hoa thời có nhiều ích lợi, lớn nhỏ tuỳ công-phu sâu cạn của mỗi người. Trái lại, ai khinh chê người thọ trì đọc tụng….thời có nhiều hoạ-hoạn, sống mãi trong đen tối (không mắt), trong bất chánh (tay chưn cong queo, mắt lé, mũi xẹp…).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]