Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 9

05/04/201321:01(Xem: 8771)
Quyển 9
Tỳ Nại Da


Quyển 9

Thích Tâm Tịnh
Nguồn: Việt dịch: Thích Tâm Tịnh, Chứng nghĩa: Tỳkheo Thích Ðỗng Minh


Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp Cô Ðộc, thuộc nước Xá-vệ.

Ðại thần của vua Ba-tư-nặc như: Y-sa-đa, Phú-lan-na, Hấp-bạt-đề, là những bậc kiến đế, dẫn các Tỳ-kheo đi xem quân mã. Các Tỳ-kheo cũng có bà con nên ở lại trong doanh trại quân mã đến ba ngày. Thấy vậy các trưởng giả nói với nhau:

- Sa-môn Thích tử xuất gia học đạo mà sao ở mãi trong quân đội?

Tỳ-kheo mười hai pháp nghe vậy, liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo không được ở trong quân đội quá hai đêm. Nếu quá thì phạm tội đọa.

Vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la cho quân đội diễn tập. Các Tỳ-kheo đến xem. Thấy vậy, các trưởng giả nói với nhau:

- Chẳng phải là công việc của mình mà các Sa-môn Thích tử lại đến xem.

Nghe vậy, Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào xem quân đội diễn tập, xem nghi vệ, cờ chỉ huy của quân đội... thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Nhóm sáu Tỳ-kheo thường tranh cãi với nhóm mười bảy Tỳ-kheo. Nhóm sáu Tỳ-kheo tự ỷ vào dòng họ cao sang nên đánh nhóm mười bảy Tỳ-kheo. Thấy vậy các trưởng giả nói với nhau:

- Vì sao các Tỳ-kheo lại đánh nhau?

Nghe vậy, Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào sân hận đánh Tỳ-kheo khác thì phạm tội đọa.

Nhóm sáu Tỳ-kheo nổi giận, dùng gậy đe dọa nhau, dùng tay đánh nhau. Thấy vậy, nhóm mười hai Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào dùng gậy đe dọa nhau, dùng tay đánh nhau thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, Nan-Ðà - em của Bạt-nan-đà - bảo với đệ tử của Bạt-nan-đà rằng:

- Tôi muốn đến nơi ấy, hãy cùng đi với tôi.

Họ liền cùng nhau đi.

Giữa đường gặp một người nữ, Nan-đà liền dẫn cô ấy đến nơi kín đáo làm việc bất tịnh. Thấy vậy, đệ tử của Bạt-nan-đà trở về nói với các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo đến bạch Phật. Nhân việc ấy, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho Sa-môn:

- Tỳ-kheo nào thấy Tỳ-kheo khác phạm tội mà che giấu qua đêm thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Thích tử Bạt-nan-đà suy nghĩ: “Ðệ tử này đã làm nhục em út ta. Hôm nay ta sẽ báo thù”.

Ông ta liền nói với đệ tử:

- Ta muốn đến nơi ấy, ông hãy đắp y mang bát đi theo ta. Ta cũng sẽ bảo đàn-việt cúng dường cho ông thức ăn ngon.

Họ liền dẫn nhau đi từ nơi này đến nơi khác, từ nhà này đến nhà khác. Thấy mặt trời sắp đứng bóng, giờ đánh kiền-chùy đã qua, Bạt-nan-đà liền bảo đệ tử:

- Ông hãy trở về Xá-vệ, ta không thích cùng đi với ông.

Người đệ tử liền trở về Kỳ-hoàn. Lúc ấy đã quá ngọ, các Tỳ-kheo đã thọ thực xong. Họ liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào nói với Tỳ-kheo rằng: “Tôi muốn đến nơi ấy. Hãy cùng đi với tôi. Tôi sẽ bảo đàn-việt cúng cho ông thức ăn ngon”. Sau khi dẫn đi, Tỳ-kheo đã rủ lại nói với Tỳ-kheo kia rằng: “Ông hãy đi đi. Tôi không thích đi với ông. Tôi thích đi một mình”. Tỳ-kheo nào nói lời giả dối như vậy thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Phật đi từ Xá-vệ đến biên giới Câu-tát-la. Giữa đường, không có làng xóm nên Ngài nghỉ đêm ở một ngọn núi.

Có một Tỳ-kheo vô trí vác một khúc cây mục lớn đến định đốt lửa. Chợt có con rắn hổ-mang từ trong bọng cây bò ra. Tỳ-kheo ấy lo sợ, liền kêu la thất thanh. Nghe vậy, các Tỳ-kheo liền cho là vị ấy bị cướp, liền đến hỏi:

- Vì sao lại kêu la kinh hoảng vậy?

Tỳ-kheo ấy liền kể lại sự việc.

Các Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn nói:

- Tỳ-kheo nào không bệnh mà gom cỏ, củi, phân bò, vỏ trấu, lá cây... để đốt lửa nơi đất trống, hoặc tự đốt, hoặc dạy người khác đốt thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, tôn giả Xá-lợi-phất đến từ giã Phật và chúng Tăng để đi khất thực khắp nơi trong sáu mươi ngày.

Nghe tin Xá-lợi-phất định đi du hóa, khất thực khắp nơi trong sáu mươi ngày, Tỳ-kheo Ca-la-đàn-đề liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía rồi bạch Thế Tôn:

- Tôn giả Xá-lợi-phất giải đãi, ngã mạn, không từ biệt Thế Tôn và chúng Tăng mà định đi khắp thực khắp nhơn gian.

Thế Tôn liền dạy một Tỳ-kheo đến chỗ Xá-lợi-phất, gọi vị ấy đến gặp Thế Tôn. Tỳ-kheo ấy liền rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ sát đất rồi đến chỗ Xá-lợi-phất nói rằng:

- Thế Tôn bảo tôi gọi ngài đến gặp Thế Tôn.

Xá-lợi-phất cùng Tỳ-kheo ấy đến chỗ Như Lai, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một phía.

Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:

- Vừa rồi, khi ông đi được một lát thì có Tỳ-kheo này đến nói rằng: “Xá-lợi-phất không từ giã Phật và chúng Tăng mà định đi khất thực trong nhơn gian”.

Xá-lợi-phất bạch với Phật rằng:

- Con đến nơi nào cũng đều đúng ý chỉ của Phật, và bao giờ cũng từ giã chúng rồi mới đi. Việc Tỳ-kheo này bạch với Phật là sự nhầm lẫn. Giống như con bò hiền lành đã bị chặt hai sừng, dược dắt đi trong nhơn gian thì không phiền ai cả; cũng vậy, con chưa từng biếng nhác, ngã mạn không từ giã đại chúng mà đi. Giống như mặt đất này chứa đựng cả những chất dơ bẩn, lớn nhỏ, mặt đất không nói sẽ chở vật này, không chở vật kia; con cũng vậy, không khác gì mặt đất thì làm sao có thể lười biếng, ngã mạn không từ giã Tăng chúng mà đi!

Tỳ-kheo Ca-lan-đà liền rời khỏi chỗ, đảnh lễ sát chân Xá-lợi-phất để sám hối:

- Thưa tôn giả Xá-lợi-phất, xin hãy tha thứ cho tôi. Tôi như người ngu si không biết gì. Vì sao tôi lại phỉ báng tịnh hạnh của ngài. Tôi đã phạm tội vọng ngữ. Xin Xá-lợi-phất hãy nhận sự sám hối của tôi.

Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:

- Hãy nhận sự sám hối đó, đừng để đầu Tỳ-kheo ấy bị vỡ thành bảy mảnh ngay tại chỗ ngồi này.

Vâng lời Phật dạy, Xá-lợi-phất liền nhận sự sám hối ấy.

Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào theo thường pháp, từ giã chúng Tăng và được Tăng cho phép ra đi, sau đó có Tỳ-kheo nói rằng: “Tỳ-kheo đó không từ giã chúng Tăng đúng như pháp”. Tỳ-kheo nói trái với sự thật như vậy thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, Sa-di La-vân - đệ tử của Xá-lợi-phất - không được phép ngủ trong phòng thầy vào ban đêm. Ðến các phòng khác cũng đều bị từ chối, chỉ còn phòng dành cho khách Tăng là không có người, La-vân liền ngủ trong ấy. Ngủ được một lát lại có một Tỳ-kheo khách đến, nói:

- Ông là Sa-di, hãy đi tránh chỗ khác để đại Sa-môn như ta ở.

Ông ta liền kéo La-vân ra. Lúc ấy La-vân rơi nước mắt, đi đến nhà xí của Như Lai, vào trong nhà xí, gối đầu lên đôi giày của Như Lai mà ngủ.

Có một con rắn độc thường ở trong nhà xí, đã đi ra ngoài tìm thức ăn. Giữa đêm, mưa to gió lớn, rắn bò về nhà xí.

Thường pháp của chư Phật là một đêm ba thời, quán sát chúng sanh xem ai đáng được cứu độ và thấy La-vân sắp bị rắn độc làm hại, cần được cứu, Thế Tôn liền dùng lực tam muội, đến nhà xí, khảy móng tay ba lần để đánh thức La-vân. Thế Tôn hỏi:

- Ông là Sa-di nào?

Ðáp:

- Là La-vân.

Thế Tôn hỏi:

- Vì sao ngủ ở đây?

La-vân bạch đầy đủ với Thế Tôn. Lúc ấy, Như Lai dùng khuỷu tay trái ôm La-vân, dẫn vào hang đá.

Sáng hôm sau, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, bảo các Tỳ-kheo rằng:

- Sa-di này không cha không mẹ, chỉ trông cậy vào Hòa-thượng, A-xà-lê tùy thời trông nom. Nếu hai vị ấy không trông nom thì ai sẽ trông nom? Từ nay trở đi cho phép Sa-di được ngủ với Tỳ-kheo hai đêm. Nếu quá thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Xiển-nộ sanh ra ý nghĩ xấu xa này: “Xét theo pháp Như Lai đã nói thì tôi biết là phạm, nhưng ác pháp này chưa đủ để thành tội”.

Các Tỳ-kheo nghe tin Tỳ-kheo Xiển-nộ sanh ý nghĩ xấu xa: “Xét theo pháp Như Lai đã nói thì tôi biết mình đã phạm, nhưng ác pháp này chưa đủ để thành tội”. Các Tỳ-kheo liền đến chỗ Tỳ-kheo Xiển-nộ, bảo Tỳ-kheo Xiển-nộ rằng:

- Có thật thầy đã nói rằng: “Xét theo pháp Như Lai nói thì tôi đã phạm, nhưng ác pháp ấy không đủ thành tội”?

Tỳ-kheo Xiển-nộ đáp:

- Việc ấy đúng vậy. Theo pháp Thế Tôn nói thì tôi đã phạm nhưng ác pháp này không đủ thành tội.

Các Tỳ-kheo bảo:

- Hãy thôi đi, này Xiển-nộ! Chớ có nói như vậy. Chớ có phỉ báng Như Lai. Người phỉ báng Như Lai thì sẽ không được tốt đẹp trong hiện đời. Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện để nói đó là tội ác. Này Xiển-nộ! Thầy hãy xả bỏ kiến thức điên đảo ấy đi.

Tuy được các Tỳ-kheo khuyên răn, nhưng Xiển-nộ không chịu nghe theo. Các Tỳ-kheo không biết làm sao, liền đến bạch Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào phát sanh niệm ác này: “Xét theo pháp Phật dạy thì tôi đã phạm, nhưng việc ác ấy không đủ thành tội”. Các Tỳ-kheo hiền thiện can gián Tỳ-kheo ấy đến ba lần, nếu nghe thì tốt, nếu không nghe thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy Tỳ-kheo Xiển-nộ vẫn làm theo thói xấu, không thân cận với chúng Tăng mà kết bạn với nhóm sáu Tỳ-kheo và nhận sự dạy bảo của họ. Các Tỳ-kheo thấy vậy, liền đến bạch với Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào làm theo thói xấu, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc nói chuyện với người đã bị tẩn xuất thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, tôn giả Mục-kiền-liên có hai đệ tử Sa-di không giữ giới và làm theo pháp ác. Họ thường làm việc xấu xa ở bên ngoài Kỳ-hoàn. Thấy vậy, các Tỳ-kheo bảo với Sa-di ấy rằng:

- Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói sự bất tịnh của dâm dục, của việc hướng về dâm, nghĩ về dâm, sự thiêu đốt của dâm, sự dơ bẩn của dâm. Vậy mà vì sao các chú vẫn làm theo việc bất tịnh này?

Sa-di đáp:

- Chúng tôi đã từng nghe Như Lai dạy rằng: “Người làm việc dâm dục không có tội”.

Các Tỳ-kheo nói:

- Ông là Sa-di, chớ có nói rằng: “Thế Tôn dạy: làm việc dâm dục không có tội”. Chớ có phỉ báng Như Lai. Ai phỉ báng Như Lai thì hiện đời không được tốt đẹp. Này Sa-di! Ông hãy xả bỏ ác kiến này ngay lập tức.

Lúc đó, Sa-di ấy không nghe lời can gián của Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo không biết làm sao, liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Sa-di nào nói rằng:

“Như Lai dạy làm việc dâm dục không có tội”.

Các Tỳ-kheo can gián:

“Này Sa-di, ông chớ có nói: Thế Tôn dạy: làm việc dâm dục không có tội. Chớ có phỉ báng Như Lai. Ai phỉ báng Như Lai thì hiện đời không được tốt đẹp”.

Nếu Sa-di ấy nghe theo lời can gián thì tốt. Nếu không nghe theo thì Tỳ-kheo phải nói với Sa-di rằng: “Từ nay trở đi, ông không được đảnh lễ Như Lai, không được đi theo Tỳ-kheo. Các Sa-di được ngủ chung phòng với Tỳ-kheo trong hai đêm, riêng ông không được như vậy. Ông hãy đi đi! Không được ở lại đây”.

Tỳ-kheo nào biết Sa-di này đã bị đuổi mà dẫn về để sai bảo hoặc ngủ cùng phòng qua đêm thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy Tỳ-xá-khư - mẹ của Vô-di-la - đeo sợi dây chuyền trị giá trăm ngàn lượng vàng, đến chỗ Thế Tôn. Giữa đường, cô ấy suy nghĩ: “Ðến gặp Thế Tôn mà đeo sợi dây chuyền thì chẳng có lễ phép”. Cô ấy liền cởi sợi dây chuyền, gói trong tấm vải rồi giao cho một nàng hầu.

Lúc ấy, mẹ của Vô-di-la lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một phía. Thế Tôn giảng cho cô ấy nghe các pháp vi diệu. Nghe pháp xong, cô ấy rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ Phật mà đi.

Lúc ấy nàng hầu bỏ quên sợi dây chuyền vàng. A-Nan thấy, liền nhặt lên rồi phân vân không biết mình có phạm tội đọa không, liền bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào cầm nắm chuỗi anh lạc bằng vàng, châu báu hoặc dạy người cầm thì phạm tội đọa, trừ khi nhặt được vàng, châu báu trong khuôn viên của Tăng, phải thông báo khắp. Nếu không ai nhận thì lưu lại chín mươi ngày. Sau chín mươi ngày lại thông báo, nếu không ai nhận thì lưu lại ba năm. Sau ba năm lại thông báo. Nếu không ai nhận thì đem cúng cho Tăng. Nếu sau ba năm có chủ đến tìm thì lấy vật của Tăng để trả lại. Ðó là trường hợp được phép lấy.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Nhóm sáu Tỳ-kheo đắp y mới chưa nhuộm. Các trưởng giả thấy vậy, liền nói với nhau:

- Sa-môn Thích tử này không chịu nhuộm y mà đắp vào thì có khác gì người đời?

Nghe vậy, Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào nhận được y mới thì phải nhuộm một trong ba màu: xanh, đen, mộc-lan. Tỳ-kheo nào không nhuộm một trong ba màu ấy thì phạm tội đọa.

Phật ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Vua Ba-tư-nặc làm một nhà tắm riêng và hỏi các Tỳ-kheo:

- Hôm nay các vị có cần tắm không?

Các Tỳ-kheo đáp:

- Cần.

Vua bảo các Tỳ-kheo:

- Hãy tắm trong nhà tắm của tôi.

Các Tỳ-kheo hoặc tắm buổi sáng, hoặc tắm buổi chiều, hoặc tắm buổi tối.

Vào buổi tối, vua Ba-tư-nặc đến định tắm, nhưng các Tỳ-kheo đang tắm nên vua phải đợi đến gần sáng mới được tắm. Vua suy nghĩ: “Nếu không gặp Như Lai mà vội trở vào thành thì chẳng phải là phép tắc của ta”.

Vua Ba-tư-nặc liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía. Phật biết nhưng vẫn hỏi vua:

- Trời còn tối, vua đi đâu mà ghé đây vậy?

Vua liền bạch đầy đủ với Thế Tôn. Thế Tôn liền nói cho vua nghe đủ loại pháp rồi im lặng.

Nghe thuyết pháp xong, vua rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ sát chân Phật rồi ra đi.

Khi vua đi được một lát, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho Sa-môn:

- Tỳ-kheo nửa tháng tắm một lần, nếu quá phạm Ba-dật-đề. Trừ thời gian thích hợp: một tháng rưỡi cuối mùa xuân, một tháng trước khi mãn hạ, đó là thời gian được tắm thường xuyên. Hoặc khi trời nóng, trời gió, mưa, làm việc cho Tăng, đi đường cũng được tắm thường xuyên.

Phật ở Thạch-thất, trên sông Di-hầu, thuộc Tỳ-xá-ly.

Lúc ấy, các thiếu niên Tỳ-xá-ly chơi bắn tên ở cửa thành, các mũi tên nối đuôi nhau.

Vào sáng sớm, tôn giả Ca-lưu-đà-di đắp y mang bát vào Tỳ-xá-ly khất thực. Thấy các thiếu niên chơi bắn tên, các mũi tên nối đuôi nhau, vị ấy liền đến chỗ bắn tên bảo với các thiếu niên rằng:

- Các cậu bắn tuy thật giỏi nhưng cũng không bằng ta.

Các thiếu niên liền trao cung tên cho Ca-lưu-đà-di. Ca-lưu-đà-di hỏi:

- Các cậu muốn tôi bắn vật gì?

Lúc ấy có một con diều hâu bay trên không, các thiếu niên bảo:

- Hãy bắn con chim này.

Ca-lưu-đà-di liền dùng mũi tên có bốn cạnh bắn chim, làm cho nó đứng yên trên không trung, không thể bay được.

Cậu thiếu niên nói:

- Không giết nổi con chim này thì có gì là giỏi!

Ca-lưu-đà-di hỏi:

- Muốn bắn vào chỗ nào?

Thiếu niên nói:

- Bắn vào mắt bên phải.

Ca-lưu-đà-di liền bắn vào mắt bên phải làm chim rơi xuống đất mà chết.

Các thiếu niên đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào cắt đứt mạng sống của chúng sanh thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Nhóm sáu Tỳ-kheo thường cùng nhóm mười bảy Tỳ-kheo tranh cãi. Hai nhóm cùng đi đường. Nhóm sáu Tỳ-kheo bảo nhóm mười bảy Tỳ-kheo:

- Các thầy đi trước đạp chết côn trùng, phạm Ba-dật-đề. Hãy đến sám hối với ta.

Nhóm mười bảy Tỳ-kheo liền đến sám hối. Nghe vậy, các Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn liền chế giới:

- Có Tỳ-kheo không giết trùng. Tỳ-kheo nào vu khống Tỳ-kheo ấy đã giết trùng thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Các Tỳ-kheo ngồi thiền trong phòng. Khi ấy, trời rất nóng, làm mọi người đều buồn ngủ. Các Tỳ-kheo dùng ngón tay khảy nhau để cảnh tỉnh lẫn nhau. Kế đó, họ lại dùng ngón tay ngoáy trong miệng. Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Các Tỳ-kheo tọa thiền, Tỳ-kheo nào dùng ngón tay nhịp nhịp để làm tỉnh ngủ, kế đó lại dùng ngón tay ngoáy trong miệng thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy các Tỳ-kheo ngồi thiền trong phòng. Trời rất nóng làm mọi người đều buồn ngủ. Các Tỳ-kheo lấy nước rưới nhau để làm tỉnh ngủ nhau. Các Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo không được dùng nước rưới nhau để cảnh tỉnh khi ngồi thiền. Ai làm thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy tôn giả A-na-luật kiết hạ ở biên giới Câu-tát-la. Kiết-hạ xong, vị ấy đắp y mang bát đến nước Xá-vệ khất thực. Khi đi qua một ngôi làng, vị ấy hỏi mọi người:

- Ở đây có chỗ nào nghỉ đêm được không?

Mọi người chỉ đến nhà một quả phụ và bảo:

- Có thể nghỉ trong ấy.

Tôn giả A-na-luật liền đến nhà đó và bảo:

- Này chị, tôi có thể ở đây được không?

A-na-luật có diện mạo xinh đẹp, người phụ nữ trông thấy liền phát sanh ý dâm nên đáp:

- Có thể nghỉ đêm ở đây.

Cô ấy liền quét dọn phòng, trải giường cho ngồi ở bên trong và chuẩn bị các món đồ ăn uống.

Khi trời sắp tối, cô ấy đem nước đến cho A-na-luật rửa tay, rồi mang thức ăn đến và mời:

- Sa-môn hãy ăn đi.

A-na-luật đáp:

- Tôi chỉ ăn mỗi ngày một lần, không có ăn chiều.

Quả phụ suy nghĩ: “Tuy không ăn, nhưng tối chắc sẽ nằm chung với ta”.

Cô ấy lại trải giường tốt cho nằm.

Quả phụ ăn xong, đốt đèn dầu rồi đứng ở đầu giường, níu kéo y áo của A-na-luật, định làm việc bất tịnh.

A-na-luật nói:

- Phạm hạnh ta trong sạch, không thể làm theo ý cô. Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói về sự bất tịnh của dâm, của việc hướng dâm, niệm dâm, sự thiêu đốt của dâm.

Suốt đêm, quả phụ quấy nhiễu A-na-luật nhưng không được, liền suy nghĩ: “Ðây ắt là Sa-môn thanh tịnh, chẳng phải là hạng bất tịnh”.

Tâm ý cô ta liền được khai mở và tin tưởng A-na-luật. A-na-luật giảng cho cô ấy nghe pháp vi diệu. Quả phụ lập tức dẹp bỏ hai mươi ức tà kiến và chứng quả Tu-đà-hoàn. Cô ấy liền đứng dậy đảnh lễ sát chân A-na-luật và nói:

- Từ nay trở đi, con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, xin làm Ưu-bà-di, suốt đời không sát sanh. Xin tôn giả A-na-luật nhận lời thỉnh của con, hàng ngày đến thọ thực ở đây.

A-na-luật im lặng nhận lời.

Quả phụ liền vào trong chuẩn bị các loại thức ăn, dâng nước sạch, tự tay dâng thức ăn. Khi tôn giả ăn xong, cô ấy dâng nước rồi quỳ phía trước, bạch A-na-luật rằng:

- Xin hãy nhận y áo, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc chữa bệnh của con đến trọn đời.

A-na-luật im lặng nhận lời.

A-na-luật thuyết pháp xong liền đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn ở nước Xá-vệ, đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía. Phật hỏi A-na-luật:

- Trong hạ có thiếu thốn gì không?

A-na-luật bạch Phật:

- Không có thiếu gì cả.

A-na-luật đem việc ấy bạch đầy đủ với Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- A-na-luật! Giống như có bốn con rắn ở trong một phòng, thà ở cùng một chỗ với rắn độc, chứ không ngồi chung giường với người nữ.

Giống như có một người sáng suốt, vua ra lệnh cho người này coi giữ bốn con rắn ấy, cho ăn uống điều độ và bảo: “Nếu một con rắn nổi giận thì sẽ giết ông ngay. Ông hãy làm theo những gì ông thấy là đúng”. Người ấy liền bỏ đi và lại gặp năm tên cướp cầm đao định giết ông ấy. Này A-na-luật! Người này sợ bốn con rắn nên trốn đi, lại gặp năm tên cướp, lại tránh khỏi chúng, lại gặp sáu kẻ thù thường rình tìm cách hại người ấy. Hễ gặp nhau là họ sẽ sẽ giết ông ấy ngay. Ông ta lại thoát khỏi nạn đó.

Phía trước có căn nhà trống, ông ấy muốn vào trốn trong đó. Thấy nhà trống rỗng, ông ta đập vào bốn vách thì gặp một cái bình trống rỗng. Có một người đến bảo người này rằng:

“Có giặc đang đến, hãy trốn ngay đi!”

Vừa ra cổng, ông ta đã gặp giặc và lại trốn thoát.

Phía trước có núi, sông, nước chảy rất xiết, có vô số người đã rơi xuống nước chết. Nơi ông ấy đang đứng lại có hổ, sói định đến làm hại ông ta. Ông ta muốn vượt sông nhưng không có ghe, thuyền. Ông ta suy nghĩ: “Ta phải làm cách nào để vượt dòng sông này?”

Ông ta liền gom cây, cỏ buộc lại làm chiếc bè, dùng tay chân bơi trong nước và qua đến bờ bên kia, thoát khỏi bốn con rắn, năm tên cướp, sáu kẻ thù, tên giặc nơi nhà trống, núi, sông, hổ, sói... Bà-la-môn ấy đã được sống sót.

Phật bảo A-na-luật:

- Lý do ta đưa ra ví dụ này là để giải thích ý nghĩa này:

Nơi rắn ở là dụ cho thân này.

Thân mập, trắng, xinh đẹp này nhờ cha mẹ mà được lớn.

Thân này vô thường, là pháp hư hoại.

Bốn con rắn là bốn đại: địa, thủy, hỏa, phong. Mỗi đại mà tăng lên thì chết ngay.

Năm tên giặc là năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Sáu kẻ thù là dụ cho sáu nhập.

Nhà trống là dụ cho sáu căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Quán sát mắt thì thấy mắt rỗng không, quán sát tai, mũi, lưỡi, thân, ý thì thấy....ý rỗng không.

Ra cửa gặp giặc là dụ cho sáu trần bên ngoài.

Núi sông là dụ cho bốn sử ở Dục giới, đó là: dục sử, bất khả sử, nghi sử, kiến sử.

Nước sông là ba ái, đó là: dục ái, sắc ái và vô sắc ái.

Hổ, sói ở nơi cư trú là năm đường sanh tử.

Vượt qua bờ kia là Niết-bàn.

Bè là tám đường chánh.

Tay chân bơi trong nước là sự dõng mãnh tinh tấn.

Bà-la-môn được thoát là Như Lai Vô Sở Trước Ðẳng Chánh Giác.

Phật bảo A-na-luật:

- Ta cùng ông khổ nhọc tinh cần học đạo chính là như vậy. Vì vậy phải thường ngồi thiền ở nơi vắng vẻ, dưới gốc cây, chớ có lười biếng.

Nhân việc ấy, Thế Tôn kiết giới cho Sa-môn:

- Tỳ-kheo nào ngủ đêm chung phòng với người nữ thì phạm tội đọa.

Phật ở núi Bạch Thiện.

Giữa đêm, Phật dậy đi kinh hành trước thất. Lúc ấy Tỳ-kheo Tu-na-sát-đa, con của người đóng kịch, dùng y trùm kín lại, đến dọa Thế Tôn rằng:

- Ta là đại thần của trời đất, ông hãy tránh xa ta.

Thế Tôn bảo:

- Mười tám ức ma đến đe dọa cũng không thể làm động một sợi lông của Ta, huống gì một người trùm kín áo như ngươi mà dọa được ta sao?

Sáng hôm sau, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Tỳ-kheo nào tự hù nhát người khác, hoặc bảo người hù dọa thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Nhóm sáu Tỳ-kheo lấy y bát của nhóm mười bảy Tỳ-kheo đem giấu. Khi kiền chùy được đánh, chúng Tăng vào chỗ ngồi, nhóm mười bảy Tỳ-kheo tìm y bát không biết ở đâu. Khi chúng Tăng đã giải tán, họ mới được trả y bát. Nhóm mười bảy Tỳ-kheo nói:

- Ông là Sa-môn, vì sao lại trộm y bát của người?

Nhóm sáu Tỳ-kheo nói:

- Chỉ đùa thôi chứ đâu có trộm.

Nghe vậy, các Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào đùa giỡn giấu y bát, ống khóa, ống đựng kim, giày da... và các vật khác, tự giấu hoặc dạy người khác giấu thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Thích tử Bạt-nan-đà bán chịu y cho Tỳ-kheo ni. Sau đó mượn để mặc. Khi mặc y đó đã rách, Tỳ-kheo ấy lại theo cô ni nọ đòi tiền y.

Nghe vậy, Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào bán chịu y cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Thức xoa ma ni, Sa-di, Sa-di ni, lại mượn mặc. Khi mặc rách lại đòi tiền y thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Tôn giả Ma-ha-câu-chí-la từ nước Câu-tát-la đến nước Xá-vệ. Dọc đường vị ấy ngủ ở làng khác. Lúc ấy trong làng có hai vợ chồng cãi lộn, người vợ bỏ trốn.

Vào sáng sớm, tôn giả Ma-ha-câu-chí-la đắp y mang bát ra khỏi thôn này, đến nước Xá-vệ. Trên đường gặp người phụ nữ này, phụ nữ ấy hỏi Sa-môn:

- Thầy định đi về đâu?

Ðáp:

- Ðến nước Xá-vệ.

Phụ nữ đó nói với Sa-môn:

- Xin làm bạn đường để cùng đến nước Xá-vệ.

Ðáp:

- Tùy ý.

Lúc đó người chồng tìm vợ không thấy, gặp một người đi đường liền hỏi:

- Trên đường có thấy một người phụ nữ đi về phía Tây không?

Người ấy đáp:

- Có một phụ nữ cùng đi về phía Tây với Sa-môn.

Người chồng nổi giận, đuổi theo bắt được Sa-môn, liền hỏi:

- Ông là Tỳ-kheo, định dắt vợ tôi đi đâu vậy?

Tỳ-kheo đáp:

- Tôi không có dắt đi. Cô ấy tự đi theo.

Người chồng liền đánh Sa-môn nhừ tử rồi thả đi.

Ðến nước Xá-vệ, người chồng nói với các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo bạch với Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào đi chung đường với phụ nữ từ một làng đến một làng thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc thành Vương-xá.

Tỳ-kheo Từ-địa vu khống tôn giả Ðạp-bà phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Nghe vậy, các Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn, Thế Tôn liền tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho Sa-môn:

- Tỳ-kheo nào vu khống Tỳ-kheo khác phạm Tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ thì phạm Ba-dật-đề.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Có một Tỳ-kheo từ Câu-tát-la đến nước Xá-vệ. Giữa đường, đến vườn Âm-la thì gặp bọn cướp. Vị ấy hỏi bọn cướp:

- Các anh đi đâu vậy?

Ðáp:

- Ðến nước Xá-vệ.

Sa-môn liền xin làm bạn đường và bọn cướp đồng ý.

Ðến nước Xá-vệ, bọn cướp không dám đi đường lớn và bị đội cảnh vệ bắt gọn. Cảnh vệ hỏi bọn cướp rằng:

- Sa-môn này cũng làm cướp sao?

Ðáp:

- Là người cầm đầu bọn cướp.

Họ liền dẫn đến gặp quan và trình bày đầy đủ sự việc. Quan ấy có tâm đạo rất tốt nên nói:

- Sa-môn Thích tử quyết không làm cướp. Hãy đi đi và đừng có tái phạm nữa.

Tỳ-kheo ấy đến nước Xá-vệ, nói với các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào biết mà đi chung với bọn cướp từ một làng đến một làng thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc thành Vương-xá.

Lúc ấy, tôn giả Ðại Mục-kiền-liên dẫn hơn mười thiếu niên ở thành La-duyệt vào đạo. Vị ấy tập hợp bảy tám chục Sa-di tuổi trẻ chưa đủ hai mươi tuổi và lần lượt truyền giới Cụ túc. Ở bên ngoài vườn Trúc, các Sa-di ấy thiếu sức khỏe, đói bụng quá nên kêu gào đòi ăn.

Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-Nan:

- Ai đang kêu gào than khóc vậy?

A-Nan bạch Phật:

- Tôn giả Mục-kiền-liên truyền giới Cụ túc cho bảy tám chục Sa-di ở bên ngoài. Vì đói không được ăn nên họ kêu khóc.

Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi Mục-kiền-liên:

- Ông đã truyền giới Cụ túc cho người chưa đủ hai mươi tuổi, phải không?

Ðáp:

- Ðúng vậy, thưa Thế Tôn.

Thế Tôn bảo:

- Chưa đủ hai mươi tuổi, không thể chịu nổi nóng lạnh, đói khát, cũng không thể hành đạo. Người đủ hai mươi tuổi mới có thể chịu được đói khát, nóng lạnh, lại có thể hành đạo. Tỳ-kheo nào truyền giới Cụ túc cho Sa-di chưa đủ hai mươi tuổi thì phạm tội đọa. Nếu truyền giới Cụ túc thì chẳng đắc giới. Các Sa-môn truyền giới thì phạm tội tàm quý.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Nhóm sáu Tỳ-kheo tự tay đào đất, rồi dạy người đào đất. Thấy vậy, các trưởng giả nói với nhau:

- Vì sao Sa-môn Thích tử tự tay đào đất, lại dạy người đào đất, có khác gì người cày ruộng?!

Nghe vậy, Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào tự tay đào đất, hoặc dạy người đào thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Có một trưởng giả thỉnh Phật và chúng Tăng trong bốn tháng hạ cúng dường cung cấp y áo, đồ ăn uống, thuốc trị bệnh. Các Tỳ-kheo đến chỗ trưởng giả xin thuốc trị bệnh trong bốn tháng. Có Tỳ-kheo xin quá bốn tháng. Thấy vậy, các trưởng giả nói với nhau:

- Chúng ta chỉ hứa cung cấp cho Tỳ-kheo đủ bốn tháng chứ không có hơn.

Nghe vậy các Tỳ-kheo mười hai pháp liền đến bạch Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo được thỉnh trong bốn tháng hạ thì chỉ đến xin y áo, thuốc trị bệnh trong bốn tháng, trừ khi họ thỉnh thêm, hoặc có lúc thỉnh riêng, hoặc thỉnh một ngày. Tỳ-kheo nào xin quá hạn thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Vào ngày mười lăm, kiền chùy được đánh để tập hợp chúng Tăng lại thuyết giới. Tôn giả Xiển-nộ bảo các Tỳ-kheo:

- Tôi không học giới ấy, phải hỏi Luật sư học rộng trước, xem giới này có nghĩa gì.

Các Tỳ-kheo không biết trả lời làm sao, liền đến bạch Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

- Vào ngày thuyết giới, Tỳ-kheo nào nói rằng: “Tôi không học giới ấy, phải hỏi Luật sư học rộng trước, xem giới này có nghĩa gì” thì phạm tội đọa.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu không hiểu giới, phải hỏi Luật sư học rộng thì không phạm.

Phật ở vườn Cù-sư-la, thuộc Câu-xá-di.

Tỳ-kheo ở Câu-xá-di thích tranh cãi, chửi mắng, phỉ báng nhau. Nhóm sáu Tỳ-kheo bảo nhau:

- Các Tỳ-kheo ấy chửi mắng, phỉ báng nhau. Chúng ta cứ việc tụng kinh rồi mai sẽ nói với họ.

Nghe vậy, Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào nghe Tỳ-kheo khác tranh cãi mà lặng lẽ tụng kinh, để sáng hôm sau mới nói thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Cù-sư-la, thuộc Câu-xá-di.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Cù-sư-la tập hợp hai mươi vị Tăng để tác pháp sám hối. Nhóm sáu Tỳ-kheo bảo nhau: “Chúng ta hãy lặng lẽ đi ra cho họ không thể sám hối được”, và lập tức rời khỏi chỗ, đi ra ngoài.

Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào khi Tăng đoán sự mà lặng lẽ bỏ đi, không nói với Tỳ-kheo ngồi bên cạnh thì phạm tội đọa.

Phật ở núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương-xá.

Ở trong đại chúng, nhóm sáu Tỳ-kheo kêu gào lớn tiếng làm phiền chúng Tăng. Nghe vậy, Tỳ-kheo mười hai pháp đến bạch Thế Tôn, Thế Tôn bảo:

- Tỳ-kheo nào kêu gào lớn tiếng làm nhiễu loạn chúng Tăng thì phạm tội đọa.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy tôn giả Hải từ Câu-tát-la đến nước Âm-kiệt-đa. Cách nước Âm-kiệt-đa không xa có con rồng tên A-mạc-đề-thổ rất hung ác, bạo ngược cư trú, không ai được đến nơi ấy. Voi, ngựa, lạc đà, bò, lừa đều không được đến. Chim cũng không được bay bên trên.

Vào sáng sớm, tôn giả Âm-kiệt-đố (Hải) đắp y mang bát vào nước Âm-kiệt-đa khất thực và nghe nói cách thành không xa có con rồng tên A-mạc-đề-thổ hung ác bạo ngược, người không được đến nơi ấy. Voi, ngựa, lạc đà, lừa, bò đều không được đến nơi ấy. Chim cũng không được bay bên trên.

Khất thực xong, tôn giả trở ra khỏi thành, cất y bát, rửa chân, vắt tọa cụ lên vai, đến chỗ con rồng ấy.

Trước tiên làm rung động gốc cây ba lần rồi trải tọa cụ ngồi kiết-già.

Nghe mùi cà-sa, rồng A-mạc-đề-thổ nổi giận chạy đến. Tôn giả Hải liền nhập tam muội. Rồng tuôn mưa và sấm sét. Tôn giả Hải biến mưa và sấm sét thành các loại hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng... Rồng lại tuôn mưa rắn, bọ cạp, rùa, ba-ba... Tôn giả Hải hóa rắn thành hoa sen xanh để đeo làm đồ trang sức; hóa bọ cạp thành tràng hoa chiêm-bặc; hóa rùa, ba-ba thành tràng hoa trăm cánh. Rồng lại tuôn mưa giáo, dao, kích; tôn giả Hải hóa chúng thành mía, đường phèn, nho và lấy ăn.

Rồng suy nghĩ: “Ðây chắc là đại thần tiên muốn độ ta nên đến ngồi ở đây”. Rồng liền được khai mở tâm ý, không còn sân hận, hóa thành một Bà-la-môn, đến trước tôn giả Hải đảnh lễ sát đất, chắp tay thưa rằng:

- Con xin quy y ngài.

Tôn giả Hải đáp:

- Ông chớ có quy y tôi. Như tôi quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, ông cũng nên quy y Phật, Pháp, Tăng.

Rồng liền chấp tay vâng lời, chính thức quy y Phật, Pháp, Tăng, xin làm Ưu-bà-tắc, từ nay cho đến trọn đời không sát sanh.

Người trong nước đều nghe tin tôn giả Hải đã chế phục được rồng dữ. Nghe vậy, trưởng giả, Bà-la-môn tranh nhau đến cúng dường.

Tôn giả Hải đi dần đến vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ. Có một Ưu-bà-di nghe tôn giả Hải đến, liền thỉnh cúng dường riêng một ngày.

Vào sáng sớm, tôn giả Hải đắp y mang bát đến nhà Ưu-bà-di ấy. Thấy tôn giả đã ngồi yên, Ưu-bà-di liền đảnh lễ sát đất, dâng nước sạch, tự tay dâng các loại thức ăn.

Tôn giả Hải bảo Ư-bà-di rằng:

- Này chị, tôi đi đường khát quá, có nước trái cây để uống không?

Ưu-bà-di suy nghĩ: “Nếu dâng nước đường đen, đường phèn, nước nho, rượu đắng thì sợ uống vào bị no hơi”.

Cô ấy liền dâng loại rượu giống như nước, có vị cũng như nước. Tôn giả Hải không nếm mà uống ngay. Ưu-bà-di dâng nước xong, liền ngồi ở phía trước nghe pháp.

Tôn giả Hải nói pháp xong liền ra đi.

Khi đến cửa cổng Kỳ-hoàn, hơi rượu mới phát làm vị ấy say mèm, không thể đi được và nằm bên lề đường; ba y, bình bát, túi đựng bát, tích trượng nằm một đống.

Phật biết nhưng vẫn hỏi A-Nan:

- Ông hãy đắp y và cùng Ta ra cổng Kỳ-hoàn xem xét.

Thế Tôn dẫn A-Nan ra cổng Kỳ-hoàn và thấy tôn giả Hải say rượu nằm cạnh đường; ba y, bình bát, túi đựng bát, tích trượng đều nằm ở một chỗ. Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi A-Nan:

- Ðó là ai vậy?

A-Nan bạch Phật:

- Ðó là tôn giả Hải.

Thế Tôn bảo A-Nan:

- Ông hãy trở về Kỳ-hoàn bảo các Tỳ-kheo ra đây hết.

Vâng lời Phật, A-Nan liền vào Kỳ-hoàn mời các Tỳ-kheo ra ngoài cổng. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các Tỳ-kheo có từng thấy, nghe, biết tôn giả Hải chế phục rồng dữ hay không?

Người thấy đáp thấy, người nghe đáp nghe. Thế Tôn bảo:

- Này các Tỳ-kheo! Bây giờ ông ấy có thể chế phục nổi một con ểnh ương không? Huống gì là chế phục rồng dữ?!

Các Tỳ-kheo đáp:

- Không thể, thưa Thế Tôn.

Thế Tôn bảo:

- Như vậy đó, này các Tỳ-kheo! Uống rượu là một lỗi lớn. Từ nay trở đi, các Tỳ-kheo không được uống rượu, nếm rượu. Người nào uống rượu, nếm rượu thì phạm tội đọa.

Nước uống có tám loại: nước nho, nước mía, nước thị, nước lê, nước quả nại, nước lúa mạch nấu chín, nước bột gạo (rượu đắng), nước hoa.

Tóm lại mà nói, nước ấy giống như rượu, có vị như rượu, uống vào thì say, Thế Tôn nói đều không được uống.

Loại nước giống như rượu, vị cũng như rượu nhưng uống không say thì Thế Tôn cho phép uống.

Loại nước không giống rượu nhưng uống vào say, Thế Tôn cũng không cho uống.

Loại nước không giống rượu, có vị cũng không giống rượu nhưng uống vào không say thì Thế Tôn cho phép uống.

Phật ở vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Ca-lưu-đà-di đã đắc đạo A-la-hán, liền suy nghĩ: “Khi chưa đắc đạo, ta đã cùng nhóm sáu Tỳ-kheo gây phiền não rất nhiều cho những gia đình trưởng giả ở thành Xá-vệ này và đã phạm nhiều việc. Ta phải đi giáo hóa để chuộc lỗi trước đây”.

Vị ấy liền giáo hóa chín trăm chín mươi chín gia đình ở Xá-vệ, còn thiếu một nhà nữa là đủ ngàn nhà. Số gia đình có vợ đắc đạo, nhưng chồng chưa đắc đạo thì không được tính. Số nhà có chồng đắc đạo, nhưng vợ chưa đắc cũng không được tính. Số gia đình vó chồng và vợ đều đắc đạo mới được tính.

Có một Bà-la-môn vợ chồng có duyên được đắc đạo nhờ Ca-lưu-đà-di. Vào sáng sớm, Ca-lưu-đà-di đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực đúng thứ lớp.

Khi đến nhà Bà-la-môn ấy thì Bà-la-môn đã đi khỏi, không có ở nhà. Vợ Bà-la-môn đóng cửa, làm thức ăn ở trong. Ca-lưu-đà-di liền nhập vào chánh định, từ mặt đất trước bếp vọt ra. Thấy vậy, vợ người Bà-la-môn liền suy nghĩ: “Người này chắc theo ta xin ăn đây. Nếu ông ấy treo ngược trên không trung ta cũng không cho”.

Ca-lưu-đà-di liền treo ngược lên không trung. Vợ Bà-la-môn lại suy nghĩ: “Mặt lớn như miệng nồi ta cũng không cho”.

Mặt Ca-lưu-đà-di liền lớn như miệng nồi. Vợ Bà-la-môn lại suy nghĩ: “Nếu tréo miệng treo trên trán ta cũng không cho”.

Ca-lưu-đà-di liền tréo miệng treo trên trán. Vợ Bà-la-môn lại suy nghĩ: “Dù cho ngã chết trước mặt ta, ta cũng không cho thức ăn”.

Ca-lưu-đà-di liền ngã ra chết. Vợ Bà-la-môn sợ quá, liền suy nghĩ: “Sa-môn Thích tử này có nhiều bạn bè, là bạn của vua Ba-tư-nặc, thầy của Mạc-lợi phu nhân. Nghe tin vị ấy chết ở nhà Bà-la-môn này, gia tộc ta chắc sẽ bị giết hết. Nếu vị ấy sống lại, ta sẽ theo ý vị ấy không dám trái nghịch”.

Lúc ấy Ca-lưu-đà-di uốn người ngồi dậy. Thấy vậy, vợ Bà-la-môn suy nghĩ: “Ta phải lấy cơm cháy trong nồi cho ông ấy ăn”. Cô ta liền lấy muỗng xới tìm nhưng không có cơm cháy, chỉ có cơm ngon. Lúc ấy cơm trong nồi tự chảy vào trong bát.

Thấy việc biến hóa này, vợ Bà-la-môn được khai mở tâm ý, nghĩ rằng: “Người có thần thông lớn này đến đây là vì muốn độ ta, chẳng phải đến xin ăn”. Cô ấy liền bưng bát cơm dâng cho vị thầy (Ca-lưu-đà-di). Vị thầy nói:

- Cô không dùng cơm này thì hãy đem cúng cho chúng Tăng.

Vợ Bà-la-môn vốn đã gieo trồng căn lành nơi vị Phật trước nên bảo với Ca-lưu-đà-di:

- Hãy cùng đi. Tôi muốn đem nồi cơm này dâng cúng hết cho chúng Tăng.

Vị thầy nói:

- Tùy ý.

Lúc ấy, vợ Bà-la-môn vác nồi cơm ấy đến Kỳ-hoàn, đánh kiền chùy tập hợp chúng Tăng, đem cơm dâng cúng cho chúng Tăng, đảnh lễ Ca-lưu-đà-di rồi ngồi qua một phía. Vị thầy liền nói các loại pháp, phá hai mươi ức thân kiến, đắc quả Tu-đà-hoàn.

Sau khi được kiến đế, phụ nữ ấy đảnh lễ vị thầy, nguyện từ nay trở đi quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, xin làm Ưu-bà-di, suốt đời không sát sanh.

Phụ nữ ấy đảnh lễ Ca-lưu-đà-di rồi trở về nhà nói với Bà-la-môn rằng:

- Tôn giả Ca-lưu-đà-di đã đến đây khất thực, làm bao nhiêu pháp biến hóa, tôi liền cúng dường nồi cơm cho chúng Tăng và được nghe thuyết pháp, nay đã đắc đạo Tu-đà-hoàn. Ông hãy mau đến đó nghe pháp.

Bà-la-môn ấy vốn đã trồng căn lành nơi vị Phật nên lập tức đến chỗ Ca-lưu-đà-di, đảnh lễ sát đất rồi ngồi ở phía trước. Ca-lưu-đà-di nói pháp phá hai mươi ức thân kiến làm cho Bà-la-môn ấy đắc đạo Tu-đà-hoàn.

Sau khi được kiến đế, Bà-la-môn liền đứng dậy đảnh lễ sát đất, nguyện từ nay trở đi quy y Phật, Pháp, Tăng, làm Ưu-bà-tắc, suốt đời không sát sanh.

Nghe thuyết pháp xong, Ưu-bà-tắc liền đứng dậy đảnh lễ rồi đi.

Về đến nhà, ông ta bảo vợ rằng:

- Ca-lưu-đà-di là thiện tri thức cao quý nhất của chúng ta, đã cắt đứt gốc sanh tử của chúng ta, đóng kín cửa địa ngục, vượt qua bờ bên kia. Hãy mời ngài đến đây nhận tất cả các thứ cần dùng như: y, áo, cơm ăn, thuốc trị bệnh.

Người vợ bảo Bà-la-môn:

- Ông hãy đến thỉnh đi.

Bà-la-môn liền đến gặp Ca-lưu-đà-di, đảnh lễ sát đất, quỳ ở phía trước, bạch rằng:

- Xin hãy đến nhà con nhận các thứ cần dùng như: y, áo, cơm ăn, thuốc trị bệnh. Chớ có nghi ngại.

Ca-lưu-đà-di im lặng nhận lời. Vị ấy thường đến đó nhận các thứ cần dùng.

Bà-la-môn này chỉ có một người con. Họ cưới vợ cho con và gọi hai vợ chồng người con đến dạy rằng:

- Sau khi cha mẹ qua đời, các con phải chăm nom Ca-lưu-đà-di như khi cha mẹ còn sống vậy.

Người con quỳ xuống đáp:

- Xin vâng.

Sau đó, cha mẹ lần lượt qua đời. Sau bảy ngày, người con tắm rửa, mặc áo, đến chỗ Ca-lưu-đà-di đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía, bạch vị thầy rằng:

- Ca-lưu-đà-di chính là cha mẹ của con. Xin hãy đến nhà con nhận các thứ cần dùng như: y, áo, cơm ăn, thuốc trị bệnh.

Ca-lưu-đà-di có cần thứ gì thường đến đó lấy.

Lúc ấy con của Bà-la-môn đi khỏi, không có ở nhà. Có năm trăm tên cướp vừa cướp của ở bên ngoài, đang đem của cải vào thành Xá-vệ. Người cầm đầu nhóm cướp có tướng mạo rất xinh đẹp. Ở trên lầu, nàng dâu của người Bà-la-môn trông thấy liền sai một nàng hầu đến, bảo:

- Xin hãy tạm dừng chân, hạ cố vào thăm tệ xá này.

Tướng cướp liền vào nhà cùng con dâu của Bà-la-môn làm việc bất tịnh.

Tôn giả Ca-lưu-đà-di cũng vừa đến nhà, đến chỗ ngồi ngồi xuống. Cô ta liền dâng nước sạch, bày các loại thức ăn.

Khi tôn giả ăn xong, cô ta lại dâng nước sạch và ngồi ở phía trước để nghe pháp. Tôn giả liền nói sự dơ bẩn của dâm, phạm giới đọa đường ác, trì giới sanh thiên.

Dâu của Bà-la-môn suy nghĩ: “Sa-môn này đến sau, lại nói về sự bất tịnh của dâm, trì giới sanh thiên; chắc là đã thấy ta làm việc bất tịnh, lại là người thân tín nhất của chồng ta. Nếu ông ấy nói việc này thì tội ta chẳng phải nhỏ”.

Sau khi Ca-lưu-đà-di đi, cô ấy bảo tướng cướp:

- Sa-môn này đến sau, chỉ nói về dâm dục. Chắc ông ấy dã thấy ta làm việc bất tịnh, ông ấy lại là người thân tín nhất của chồng em. Nếu ông ta nói việc này thì tội của em chẳng phải nhỏ.

Tướng cướp hỏi:

- Vậy phải làm sao?

Dâu của Bà-la-môn đáp:

- Phải bắt giết.

Tướng cướp đáp:

- Không thể giết được.

Nàng dâu nói:

- Vì sao không giết được?

Tướng cướp đáp:

- Ðó là con của dòng họ lớn, bạn của vua Ba-tư-nặc, thầy của Mạt-lợi phu nhân, vì vậy không thể giết được.

Nàng dâu nói:

- Cần phải tìm cách.

Cô ta liền giả bệnh và đưa thư mời Ca-lưu-đà-di đến.

Vào buổi chiều, Ca-lưu-đà-di đắp y mang bát đến nhà ấy. Nàng dâu đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía. Ca-lưu-đà-di liền nói pháp cho cô ấy nghe. Nói pháp xong, vị ấy định ra đi. Dâu của Bà-la-môn bạch rằng:

- Hãy ở lại thêm một lát, chớ có đi. Nhờ nghe pháp của ngài mà bệnh con đã giảm chút ít.

Ca-lưu-đà-di lại thuyết pháp.

Khi mặt trời lặn, tướng cướp liền cầm dao đứng ở phía sau chặt đầu, vị ấy liền qua đời. Họ đem xác vị ấy giấu dưới hố phân ngựa ở sau nhà.

Hôm ấy là ngày rằm, chúng Tăng đánh kiền chùy để tập họp chúng Tăng thuyết giới. Khi phát thẻ xong thì dư một thẻ. Bậc Thượng tọa hỏi:

- Ai không vào thuyết giới?

Người bên cạnh nói:

- Tôn giả Ca-lưu-đà-di không đến.

Thượng tọa hỏi:

- Vị ấy có dặn gì không?

Ðáp:

- Không.

Thượng tọa không biết làm sao, liền đến bạch Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

- Các Tỳ-kheo hãy thuyết giới đi. Ca-lưu-đà-di đã nhập Niết-bàn. Còn thiếu một người nữa mới đủ năm trăm người.

Vị Thượng tọa nói:

- Bạch Thế Tôn! Ca-lưu-đà-di là bạn thân của con, nay vị ấy đã từ biệt con rồi!

Lúc ấy, vào sáng sớm Thế Tôn đắp y mang bát cùng chúng Tăng vào nước Xá-vệ.

Ðến hố phân ngựa, do sức Phật, thân Ca-lưu-đà-di trồi lên khỏi mặt đất bảy trượng. Các Tỳ-kheo đưa giường lên đỡ, thân ấy liền hạ xuống năm trên giường.

Các Tỳ-kheo đưa xác vị ấy ra ngoài thành, đến nghĩa địa, cúng dường các loại hoa hương, dựng tràng phan, bảo cái xung quanh, trỗi các loại âm nhạc, rưới dầu thơm lên thân vị ấy để làm lễ trà-tỳ rồi dựng tháp thờ.

Nghe tin tôn giả Ca-lưu-đà-di bị Bà-la-môn ấy giết, vua Ba-tư-nặc liền cho giết gia đình Bà-la-môn. Bề tôi đi giết mười tám gia đình, bắt năm trăm tên cướp, chặt hết tay chân quăng xuống hào ở Kỳ-hoàn.

Nhân việc này, Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho Sa-môn:

- Tỳ-kheo nào không dặn Tỳ-kheo ở gần mà vào làng phi thời thì phạm Ba-dật-đề.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

- Tôn giả Ca-lưu-đà-di đã tạo nghiệp ác gì mà nay chứng quả A-la-hán rồi còn bị gia đình Bà-la-môn ấy giết?

Thế Tôn bảo:

- Xưa kia Ca-lưu-đà-di làm chủ việc tế trời. Có năm trăm tên cướp, cướp được của cải đem vào nước Xá-vệ. Năm trăm tên cướp chặt bốn chân của con dê đem đến chỗ tế trời. Ông chủ đền tế trời liền giết con dê ấy. Năm trăm tên cướp chặt bốn chân dê lúc ấy, nay là năm trăm tên cướp ở Kỳ-hoàn. Chủ đền tế trời giết con dê, nay là Ca-lưu-đà-di. Tuy đắc A-la-hán nhưng không thoát khỏi nghiệp báo đời trước. Con dê lúc ấy nay là dâu của người Bà-la-môn.

Sau khi Thế Tôn nói chuyện đời trước của Ca-lưu-đà-di xong, các Tỳ-kheo hoan hỷ đảnh lễ mà lui ra.

TỲ NẠI DA
Hết quyển chín
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]