Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần thứ hai: Ăn chay trong đạo Phật

05/04/201319:58(Xem: 9677)
Phần thứ hai: Ăn chay trong đạo Phật
Vấn Đề Ăn Chay


Phần Thứ Hai

Ăn Chay Trong Đạo Phật

Tâm Diệu
Nguồn: Tâm Diệu


MỤC ĐÍCH ĂN CHAY CỦA ĐẠO PHẬT

Có người hỏi mục đích ăn chay của đạo Phật có giống mục đích ăn chay của người Hoa Kỳ nói riêng và người Tây Phương nói chung không?

Chúng tôi xin thưa ngay là mục đích ăn chay của những người theo đạo Phật không giống mục đích ăn chay của người Tây Phương. Mục đích ăn chay của đạo Phật là tôn trọng và bảo vệ sự sống. Tôn trọng sự sống là đặc điểm của Phật giáo. Không sát sanh là giới luật nhằm bảo vệ sự sống ấy và ăn chay đối với những người theo đạo Phật chính là sự thực hành cụ thể cho đặc điểm ấy.

Đạo Phật xem sự sống là tối thượng, là trên tất cả. Hết thảy cái gì có sự sống, có cảm giác và tự cử động được, từ con giun, con dế đến con bò, con voi là người Phật tử phải dốc lòng bảo vệ sự sống ấy. Nhân đây chúng tôi cũng thưa với quí vị là, mặc dầu đức Phật có thể đã cho phép ăn thịt trong một số điều kiện đặc biệt nào đó, ở một thời điểm hay một nơi nào đó, nhưng điều chủ yếu của giáo lý đạo Phật là Từ Bi đối với mọi loài chúng sanh, thương xót tất cả muôn loài chúng sanh. Vì thế, nếu thực phẩm có sự chết của chúng sanh thì tốt hơn là không nên ăn. Do đó mới gọi Đạo Phật là đạo từ bi. Và cũng do đạo Phật là đạo từ bi nên đức Phật đã dạy các đệ tử của Ngài là không được giết hại, cũng không được viện dẫn bất cứ lý do nào để giết hại chúng sanh, vì mọi chúng sanh cũng đều ham sống và sợ chết.

Chúng tôi còn nhớ một vị cao Tăng Phật giáo đã giảng dạy rằng: "Giết sự sống để nuôi sự sống là mê muội mà vì tham sống nên hại sự sống cũng là vô minh. Cho nên tôn trọng sự sống không những bằng cách giúp nhau để sống còn, mà còn có khi phải hy sinh sự sống để bảo vệ sự sống, nghĩa là có khi tiêu cực như ăn chay để cứu muôn loài, có khi tích cực như "thay khổ cho chúng sanh" để cứu vạn loại. Đạo Phật đặc biệt chú trọng và nêu cao chủ nghĩa lợi tha, nhưng chữ lợi ấy là phải hướng về mục đích tôn trọng sự sống." Thật là thâm sâu khi ngài nói về mục đích ăn chay của đạo Phật như vậy.


SỰ LỢI ÍCH CỦA ĂN CHAY

Mục đích ăn chay của người Tây Phương mà phần lớn là bảo vệ sức khỏe cho bản thân, khác với mục đích của Phật giáo, tuy rằng cũng có một số người (khoảng 4% của 12,5 triệu người) là có mục đích tương tự như đạo Phật. Bác sĩ Albert Schweitzer, người đã đoạt giải Nobel về hòa bình đại diện cho những người này. Ông đã nói rằng: "không giết sinh vật kể cả côn trùng, không ăn bất cứ cái gì mà trước kia đã từng sống." (Animal, Nature and Albert Schweitzer, page 40).

Kính thưa quý vị, vì lòng từ bi không sát hại chúng sinh, người Phật tử ăn chay không những có được những lợi ích trong hiện tại mà cả trong đời sống tương lai nữa.

(Thứ 1) Thân thể được mạnh khỏe; tinh thần được nhẹ nhàng, trong sạch; trí tuệ được minh mẫn để tu hành.

(Thứ 2) Không gây nhân giết hại, sẽ không bị quả báo.

Ngoài ra, ăn chay không những có lợi ích cho cá nhân, mà còn có lợi ích chung cho cộng đồng là đem lại an lạc hoà bình cho xã hội, cho quốc gia và cho thế giới. Cổ nhân đã nói:

"Nhất thế chúng sanh vô sát nghiệp,

Hà sầu thế giới động đao binh".

(Nếu tất cả chúng sanh không sát hại lẫn nhau, thì sợ gì thế giới có chiến tranh).

Thật vậy người ăn chay, với tâm từ bi, luôn luôn trân quý sự sống của muôn loài chúng sinh, luôn luôn hướng tâm về sự an nguy của chúng sinh thì sẽ không nỡ tâm tàn sát đồng loại để đạt mục đích lợi danh.


NHỮNG VẤN ĐỀ NHẠY CẢM LIÊN QUAN ĐẾN ĂN CHAY TRONG ĐẠO PHẬT

Chúng tôi đang trình bày về một trong những điểm đặc sắc của đạo Phật là tôn trọng và bảo vệ sự sống. Đạo Phật mà chúng tôi muốn nói ở đây bao gồm tất cả các trường phái, các bộ phái và các tông phái Phật Gíao. Tất cả đều thừa nhận điểm đặc biệt và quan trọng này, đều thừa nhận và chấp hành giới cấm sát sinh.

Theo giới cấm thứ nhất này, Đức Phật dạy chúng ta không được làm tổn thương đến mọi loài chúng sinh. Trong kệ 131 kinh Pháp Cú Đức Phật dạy rằng: "Kẻ nào tìm hạnh phúc cho mình bằng cách hành hạ chúng sinh khác -- cũng mong cầu hạnh phúc --, kẻ ấy sẽ không được hạnh phúc". Vì thế theo Phật giáo, sự không giết hại và không làm tổn thương đến chúng sinh rất là quan trọng.

Kinh Pháp Cú kệ 129 và 130 nói rằng, "Tất cả đều sợ hãi trước hiểm nguy, tất cả đều quý trọng đời sống. Hãy lấy lòng ta suy lòng người. Không nên giết, cũng không nên làm cho kẻ khác bị giết".

Kính thưa quý vị. Theo Phật giáo, tất cả mọi loài như loài cá bơi lội, loài thú vật đi hay bò trên đất, loài chim bay trên trời; đều là các loài có cảm giác, không thể bị giết hại hay làm bị thương. Phật tử không thể là những người đi săn bắn, đánh cá, đánh bẫy, nhân viên của các lò sát sinh, và mổ xẻ động vật sống.

Vậy làm thế nào để bảo vệ sự sống và làm thế nào để thi hành giới không được sát sinh. Không làm những nghề gây tổn hại đến chúng sinh là chúng ta đã thực hành đủ rồi chăng? Chưa đủ, vì đó chỉ là chính nghiệp trong Bát Chánh Đạo, nhưng vẫn còn phải ăn thịt hàng ngày vì một số đông cho rằng "ăn thịt để nuôi sự sống, để thỏa mãn nhu cầu ăn uống hằng ngày". Họ quên rằng trong Bát chánh đạo, ngòai chánh nghiệp còn có chánh mạng, chánh mạng tức là nuôi mạng sống chân chánh. Nếu giết hại chúng sanh làm thực phẩm để nuôi sống thân mạng thì đó không phải là chánh mạng.

Đó là vấn đề ăn thịt, một vấn đề gây nhiều tranh luận, không phải ngày nay mới có mà đã có từ thời Đức Phật và trở thành vấn đề nhạy cảm trong cộng đồng Phật giáo mỗi khi nói đến ăn chay, ăn mặn. Nhạy cảm đến nỗi có khi tranh luận thành tranh cãi và biến thành rêu rao như những câu người ta thường nói: "ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối… " . Và đến nỗi một vị giảng sư trong giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay như chúng tôi đã nói, đề nghị không nên dùng từ ăn chay và ăn mặn nữa.


SỰ KHÁC BIỆT

Cùng thừa nhận nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ sự sống, cùng chấp hành giới luật không sát sinh nhằm bảo vệ sự sống, nhưng chính sách cụ thể để chấp hành thì khác nhau.

Những người ăn chay tu theo Phật Giáo Bắc Tông thì cho rằng ăn chay là chính sách cụ thể, để thực hành giới luật không sát sinh, mặc dầu có tính cách gián tiếp và tiêu cực. Giới luật đầu tiên dành cho một Phật tử là:

"Ý thức được những sự khổ đau do sự sát hại gây ra, tôi xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Tôi nguyện không giết hại bất kỳ sinh vật nào, không tán thành sự giết hại, và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của tôi".

Lời của Đức Phật ghi lại trong các kinh sách Nguyên Thuỷ rất rõ ràng: "Chớ có sát sinh, chớ có khuyến khích sát sanh, chớ có chấp nhận sát sanh, chớ có làm hại các sinh vật nhỏ bé trong nước, thậm chí chớ có đạp trên cỏ xanh." Hành động ăn thịt là khuyến khích các ngành công nghiệp liên đới tạo ra những hành động tàn ác và gây ra cái chết cho hằng hà sa số súc vật. Một người có lòng từ bi nhân hậu cần phải làm dịu đi những nỗi đau khổ đó bằng cách không ăn thịt. Ăn chay để bảo vệ sự sống, để nuôi dưỡng lòng từ bi, để không còn cảnh từng con bò, từng con heo, hết con này rồi tới con khác bị đẩy vào lò sát sinh, hay cảnh hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn con gà bị đẩy vào máy cắt để cắt cổ và nhổ lông.

Ngày xưa có một thi sĩ viết về bát canh thịt:

Ngàn năm qua một bát canh
Oán sâu biển cả hận thành non cao
Muốn hay nguồn gốc binh đao
Lắng nghe quán thịt tiếng gào thâu đêm.

Chỉ cần nhìn vào trong bát canh và miếng thịt trong đó, chỉ cần nhìn vào nồi soup ra-gu hầm thịt, người ta sẽ thấy được niềm oán hận của các loài bị tàn sát; nỗi oán hận này sâu như biển, lớn như núi. Nếu muốn biết được bản chất của chiến tranh hiện đang xảy ra trên thế giới, từ A phú Hãn đến miền Trung Đông, chỉ cần nửa đêm thức giấc lắng nghe tiếng gào thét của những con vật đang bị giết ở các lò sát sinh.

Một Phật tử gửi thư cho chúng tôi, viết rằng: "Tôi xem cuốn phim "Downed Animals" nhìn thấy những con vật bị lùa vào lò sát sinh, chúng trì lại ở ngoài cửa, không chịu bước, cứ dáo dác nhìn quanh bằng những cặp mắt kinh hoàng, như đang cầu khẩn xin tha mạng, thương tâm quá, nghĩ nếu như con mình mà trong trường hợp ấy, tính mạng lâm nguy, nhìn ra chung quanh cầu cứu, chỉ thấy toàn những bộ mặt hăm hở muốn giết, đau lòng quá!"

Có người nói rằng: "Trời sinh con vật để cho con người ăn, tại sao không ăn?", thì có thể sẽ có người hỏi lại: "Trời sinh con người để làm thức ăn cho vi trùng, hay cho con cọp, con beo ăn, tại sao không để cho vi trùng hay để cho con cọp, con beo ăn?".

Kính thưa quý vị, đó là quan niệm của những người ăn chay tu theo Phật giáo Bắc Tông, còn Phật giáo Nam Tông thì sao?

Một số đông người tu theo Phật giáo Nam Tông, nhưng không phải là tất cả, thì tin rằng việc ăn chay là không cần thiết đối với Phật tử bởi vì:

(Thứ 1) Nếu như Đức Phật cảm thấy các thức ăn không thịt là hợp với các Giới Luật thì ắt hẳn Ngài đã tuyên bố và ít ra cũng đã được ghi chép trong Tam tạng Pali, nhưng đàng này lại không thấy Ngài đề cập đến.

(Thứ 2) Trừ phi chính chúng ta thực sự giết con vật để lấy thịt sử dụng, thì chúng ta không có trách nhiệm trực tiếp về cái chết của con vật đó; và hiểu như vậy thì người ăn chay và không ăn chay cũng không khác biệt gì cả. Những người ăn chay chỉ có thể ăn rau quả vì có người nông dân cày cấy ruộng (như vậy họ cũng đã sát hại biết bao nhiêu sinh vật) và phun thuốc trừ sâu (lại giết thêm nhiều sinh vật nữa)

(Thứ 3) Cho dù những người ăn chay không ăn thịt, họ cũng phải dùng rất nhiều sản phẩm khác dẫn đến việc sát hại thú vật (như sà-phòng, đồ da thuộc, huyết thanh, tơ tằm, v.v...). Tại sao kiêng không dùng một thứ sản phẩm này, song lại sử dụng các thứ khác?

(Thứ 4) Các đức tính tốt như cảm thông, nhẫn nại, quảng đại, và trung thực, và các tính xấu như ngu dốt, kiêu hãnh, đạo đức giả, ganh tị và lãnh đạm thờ ơ không tùy thuộc vào những gì chúng ta ăn vào miệng, và như vậy thì thức ăn không phải là nhân tố quan trọng để phát triển tâm linh. (Nguyên tác: "Vegetarianism", Venerable S. Dhammika, BhuddhaNet. Tỳ kheo Thiện Minh dịch)


VẤN ĐỀ ĂN THỊT THÌ SAO ?

Nguyên nhân chính đưa tới hai quan điểm khác biệt nhau mà chúng tôi vừa trình bày là vấn đề ăn thịt và những giải thích về vấn đề này dựa theo kinh sách, một vấn đề nhạy cảm, dễ xung đột nhất. Những người Phật tử không ăn chay bao gồm cả giới cư sĩ và giới tu sĩ thường viện dẫn kinh Jivaka, trong đó đức Phật nói rằng,

"Như Lai cấm không cho ăn thịt trong ba trường hợp. Nếu thấy, nghe hay có lòng hoài nghi rằng con vật bị giết cho mình ăn. Trong ba trường hợp, Ta cho phép ăn, nếu không thấy, không nghe hay không có lòng hoài nghi rằng con vật bị giết cho mình ăn".

Phái này cho rằng, trong trường hợp người ta không tự giết con vật để mà ăn, có nghĩa là không cố ý sát sanh (cũng có nghĩa là người khác giết dùm) thì không có vấn đề gì khi ăn thịt đó. Mặc dầu có sự chết xảy ra, nhưng người ăn thịt không tạo ra nghiệp sát, họ hoàn toàn không liên hệ vào sự chết chóc đó. Họ biện luận rằng (xin trích dẫn): "phần lớn những người ăn thịt, không phải vì họ có ý muốn giết hại thú vật, mà chỉ là một thói quen họ đã có từ nhỏ. Đó chính là một phần nền văn hóa của họ, là vì họ đã biết cách nấu món ăn đó, và họ biết cách ăn món đó ra sao. Điều đó thích hợp với họ, chính vì vậy mà họ ăn thịt…" Họ cho rằng do "ảnh hưởng văn hóa, cách thức vị giác của bạn được hình thành là do bạn đã được nuôi dưỡng ra sao. Nếu bạn quen dùng một số thực phẩm nào đó, bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi ăn loại thức ăn đó. Chính vì vậy mà bạn thích mua thức ăn đó. Đó là loại thực phẩm bạn đã biết cách nấu nướng ra sao. Tại sao đa số người Úc lại là người "không-ăn-chay"? Họ ăn thịt là bởi vì đó là điều họ đã quen ăn. Đó là một phần tạo ra nền văn hóa Úc" (Buddhism and Vegetarianism", Ajahn Jagaro (1994). Tỳ kheo Thiện Minh dịch)

Tuy nhiên, những Phật tử ăn chay viện dẫn kệ 129 và 130 trong Kinh Pháp Cú đã chỉ rõ rằng chúng ta KHÔNG ĐƯỢC GIẾT HAY GÂY NÊN SỰ GIẾT (should not kill or cause to kill). Họ viện dẫn nhiều kinh sách Nguyên Thủy tạng Pali trong đó có chép lại lời Phật dạy: "Chớ có sát sinh, chớ có khuyến khích sát sanh, chớ có chấp nhận sát sanh, chớ có làm hại các sinh vật nhỏ bé trong nước, thậm chí chớ có đạp trên cỏ xanh". Họ cho rằng "người nào mua thịt hay các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt, tức là người đó đã tạo nên những nhân thiết yếu, tức tạo nên nhu cầu tiêu thụ; để cho người khác giết những con thú vật này, tức cung cấp theo nhu cầu, có nghĩa là những loài động vật như con bò, con dê, con heo, con gà bị giết tại các lò sát sinh là để cho những người ăn thịt thưởng thức. Nếu như không một ai ăn thịt thì rõ ràng là các con vật này không bị giết. Bởi sự đồng ý ăn thịt do người khác phục vụ, người ăn thịt là nguyên nhân tạo cho người khác giết hại thú vật. ".

Họ biện luận rằng : "Thật là không công bằng chút nào khi chúng ta tạo nguyên nhân cho những người làm nghề đồ tể phải vào địa ngục chỉ vì sự hưởng thụ khoái khẩu của chúng ta. Nếu chúng ta đều nhất trí ăn chay thì những người chém giết thú vật làm thịt bán sẽ phải chuyển đổi ngành nghề khác tốt đẹp, phước đức hơn và lúc đó toàn thế giới sẽ sống an lạc hoà bình. Do cứ tiếp tục ăn mạng chúng sanh nên khiến chúng ta cứ duy trì một lớp người hành nghề chém giết đáng thương đó." (Dr. D.P. Atukorale, M.D. là bác sĩ chuyên khoa về tim mạch, hiện là Giáo Sư Viện Đại Học Colombo Tích Lan)

Họ cũng trích dẫn lời giảng của một vị cao Tăng Phật giáo hiện đại, Hoà Thượng Thích Trí Tịnh nói về việc ăn thịt như sau: (chúng tôi xin đọc nguyên văn)

"Đại chúng nên biết, nếu muốn có thịt để ăn, thì phải sát sanh. Không tự giết thì cũng bảo người giết, cho nên ăn thịt là nguyên nhơn cho sự sát hại sanh mạng của các loài vật. Tất cả các thứ thịt, không luận là thịt gì, từ thịt heo, bò cho đến tôm ốc v.v... thuộc về loài thịt của chúng sanh đều không được ăn.

Có đạo cho rằng loài ốc, tôm không có máu như vậy ăn được. Còn có đạo nói trứng chưa tượng hình, nó không biết đau đớn nên ăn được.

Nhưng theo lời Phật dạy, xét kỹ nó thuộc về loài thịt đều không được ăn cả, bởi vì dù con tôm, con ốc thật sự nó không có máu đi nữa, nhưng nó cũng ham sống sợ chết. Như con ốc biết khép mai khi nghe tiếng động, con tôm, con tép biết nhảy ngược khi mình đụng vào nó. Như vậy là nó có cảm giác biết đau, biết ham sống sợ chết mới có những tác động như thế. Còn như các trứng, nếu ta ăn trứng mà chưa có tượng hình, nghĩa là chưa lộn, gọi rằng không có tội mà được ăn, như vậy những người có thai, hoặc một, hai tháng, hay bao nhiêu tháng, ngày đó mà phá thai thì không có tội, bởi vì thai lúc đó nó cũng chưa thành hình gì. Mà nếu phá thai có tội, thì ăn trứng cũng có tội, bởi vì trong trứng nếu đủ duyên nó sẽ thành con gà hay con gì đó.

Như vậy nói tóm lại, mình y theo lời Phật dạy, thì tất cả những gì thuộc về tánh chất thịt đều không được ăn. Tuy thế, đức Phật cũng theo thời cơ của người đời. Do đó trong giới Tiểu Thừa, lúc ban sơ Phật không cấm ăn thịt, nhưng cho ăn ba thứ thịt: không nghe con vật bị giết, không thấy con vật bị giết, không nghi người ta giết con vật vì mình. Ngoài ra còn được ăn thêm các thứ thịt: con vật nó tự chết, hoặc con thú khác bắt ăn rồi còn dư.

Nhưng tìm cho được các thứ thịt đó mà ăn cũng khó lắm. Nếu mình chịu khó suy xét kỹ, thì trong khi ăn cá hoặc thịt, mình có thể nghĩ rằng: vì sự ăn thịt của mình đây làm duyên cho người giết, xúi người ta giết.

Những người giết nếu không có người mua, thì họ giết để làm gì ? Có người nghĩ rằng, nếu mình không ăn, thì cũng có người bán thịt, họ cũng giết như thường. Nhưng suy nghĩ kỹ : nếu một người không ăn, thì sẽ bớt sự giết một phần, thì sự giết hại cũng ít đi.

Tại sao không được ăn thịt ? Đức Phật nói: người ăn thịt thì mất lòng đại từ bi, dứt giống Phật tánh..."(Bài Giảng của Hoà Thượng Thích Trí Tịnh Trong Mùa Kiết Hạ An Cư Năm Đinh Mùi 1967 tại Chùa Vạn Đức Thủ Đức)


ĐỨC PHẬT CÓ THỪA NHẬN CHUYỆN ĂN THỊT KHÔNG?

Chúng tôi vừa trình bày lập luận của hai phía về việc ăn thịt. Đến đây một câu hỏi khác được đặt ra là Đức Phật có thừa nhận chuyện ăn thịt không? bởi vì kinh Jivaka đức Phật cho phép ăn ba thứ thịt (không nghe con vật bị giết, không thấy con vật bị giết, không nghi người ta giết con vật vì mình. Ngoài ra còn được ăn thêm các thứ thịt: con vật nó tự chết, hoặc con thú khác bắt ăn rồi còn dư). Trong kinh khác đức Phật lại ngăn cấm không cho Phật tử làm những ngành nghề buôn bán đẫm máu với những sự giết chóc tại lò sát sinh, săn bắn thú vật, câu cá và bãy sập thú rừng. Tại sao lại có sự mâu thuẫn như vậy?

Những người Phật tử không ăn chay nói rằng kinh Jivaka cho phép họ ăn thịt và họ diễn giải kinh với ngụ ý rằng Phật đã ngầm chấp thuận những sự giết chóc tại các lò sát sinh. Họ cho rằng thịt được sản xuất tại các lò sát sinh thường đặt xa nơi dân chúng cư ngụ và ngày nay bày bán tại các siêu thị nên người mua cũng là người ăn không nghe tiếng kêu gào, không thấy chết dẫy dụa và không hòai nghi con vật bị giết là cho riêng mình ăn thì đó chính là ba thứ thịt ngày xưa Phật cho phép ăn.

Nhưng phái chống lại sự giết loài vật, dù nơi giết ở bất cứ địa điểm nào thì cho rằng: "nên biết rằng sự giết hại thú vật làm thực phẩm tại các lò sát sinh là một trong các ngành nghề mà Phật đã ngăn cấm không cho Phật tử làm vì lý do chính là lòng từ bi "Nói rằng một đằng Phật lên án những ngành nghề buôn bán đẫm máu với những sự giết chóc trong các lò sát sinh, săn bắn thú vật, câu cá và bẫy sập thú rừng và một đằng lại cho phép người Phật tử và hàng tăng sĩ được ăn thịt, nếu những con vật này không phải là đặc biệt bị giết để cho họ ăn, là một sự mâu thuẫn vô lý." Còn ai nữa ngoài những người ăn thịt phải chịu trách nhiệm về sự giết chóc nơi các lò sát sinh, săn bắn thú vật và câu cá? Những đồ tể tại các lò sát sinh chỉ làm việc để đáp ứng cho nhu cầu của những người ăn thịt mà thôi.

"Thưa ông. Tôi chỉ làm giùm ông cái phần việc dơ bẩn", người đồ tể đã trả lời như thế với một bậc thượng lưu khi vị này phản đối sự tàn bạo của việc giết hại thú vật khờ khạo vô tội.

Những người ăn thịt, bất kể đã được diễn dịch rằng con vật được giết cho họ hay là không, đều gián tiếp yểm trợ cho kỹ nghệ giết thú vật và góp phần vào sự tàn bạo giết chóc các sinh vật. Chẳng lẽ Phật lại không biết đến và không hiểu được điều này, Ngài là người được mô tả là đấng toàn giác, đấng mà trí tuệ và từ bi bao trùm tam thiên đại thiên thế giới? Phải chăng Phật lại có thể không nhạy cảm đến nỗi không thấy rằng chỉ cần ngưng ăn thịt, người ta có thể chấm dứt một cách hiệu quả cả sự giết hại những con vật yếu ớt, câm lặng cùng với những sự thống khổ, kinh hoàng mà chúng phải chịu đựng.

Chúng ta được biết rằng Phật ngăn cấm các đệ tử của ngài không được ăn thịt các thú vật như chó, voi, gấu và sư tử. Vậy tại sao Phật lại cho phép ăn một loại thịt và ngăn cấm ăn loại khác? Thế còn heo hay bò, hay gà hay vịt; những con vật này giả thiết là được chấp thuận cho phép ăn, thì ít đau đớn hơn con chó, con voi hay con gấu khi chúng bị giết chăng?

Ai là Phật tử cũng đều biết Phật vô cùng từ bi và vô cùng quý trọng sự sống, thí dụ như Ngài nhấn mạnh rằng các Tỳ kheo phải an cư nhập hạ ba tháng, không ra ngoài, tránh dẫm đạp lên côn trùng đang sinh sản trong mùa mưa, cho nên không thể tin được rằng Ngài có thể lãnh đạm trước nỗi đau đớn và chết chóc của các loài gia súc bị giết để làm thực phẩm.

Như chúng ta đều biết, hàng tu sĩ có giới luật riêng. Phật có thể đòi hỏi các vị Sư nhiều điều chấp hành mà không đòi hỏi nơi những Phật tử tại gia. Các tu sĩ được huấn luyện đặc biệt để có những phẩm hạnh cao quý và nghị lực bền bỉ, khác biệt với hàng cư sĩ tại gia. Các vị Sư có khả năng mạnh mẽ chống lại sự cám dỗ khoái lạc mà người thường khó chống cự nổi. Đấy là lý do tại sao họ từ bỏ khoái lạc tình dục, sống đời sống độc thân và cũng không ăn cơm sau 12 giờ trưa. Tại sao ăn cơm sau 12 giờ trưa lại vi phạm giới luật nghiêm trọng hơn là ăn thịt loài vật? Chúng ta có thể tin quả thật Phật đã có nói những điều ấy cho những người biên tập kinh điển Pali, nơi đề tài về sự ăn thịt chăng? …" (Dr. D.P. Atukorale, M.D. là bác sĩ chuyên khoa về tim mạch, hiện là Giáo Sư Viện Đại Học Colombo Tích Lan)


KINH BẮC TÔNG NÓI VỀ VẤN ĐỀ ĂN THỊT

Thưa các bạn, đó là những vấn đề nhạy cảm đến nhức nhối của những người Phật tử. Bây giờ chúng ta hãy xem xét phiên bản kinh điển tiếng Phạn nói về việc ăn thịt. Chúng tôi trích từ kinh "Lăng Già" mà nguyên một chương nói về những điều tai hại của việc ăn thịt.

"Vì lòng từ bi, vì sự tinh khiết, các Bồ tát không được ăn thịt mà nó được sanh ra từ máu mủ ..v..v.. Vì nỗi lo ngại những nguyên nhân cấu thành sự kinh hoàng của chúng sinh, vị Bồ Tát, người đã tự rèn luyện để có được từ tâm không được ăn thịt".

"Thật là điều không đúng sự thật khi cho rằng thịt là thực phẩm thích đáng và dùng được khi con vật không bị giết bởi chính người ăn, khi người ăn không ra lệnh cho người khác giết, và khi người khác không đặc biệt giết để cho mình ăn ".

" Trong tương lai có thể có những người bị sự cám dỗ bởi mùi vị của thịt, sẽ kết hợp lại với nhau để tạo ra nhiều cách ngụy biện cho việc ăn thịt. Nhưng dù thịt được ăn dưới bất cứ hình thức nào, bất cứ kiểu cách nào, bất cứ ở đâu, đều bị tuyệt đối cấm chỉ đối với bất cứ ai.

Kinh Lăng Nghiêm nói, "Người tu hành chánh định, cốt để giải thoát khỏi khổ đau của cuộc đời. Nhưng trong khi tìm kiếm sự giải thoát nỗi khổ đau của chính mình, tại sao chúng ta lại làm khổ đau cho kẻ khác. Trừ khi chúng ta kiểm soát được tâm, biết ghê tởm ngay cả đến ý tưởng về sự hung ác, tàn bạo, và giết chóc; chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể giải thoát khỏi cảnh trần lao khổ ải"...

"Sau khi ta diệt độ, có nhiều loại quỷ thần sôi nổi trên khắp thế gian lừa gạt chúng sinh, và dạy rằng ăn thịt cũng có thể đạt đạo giác ngộ. Có thể nào một vị Sư hy vọng trở nên vị Bồ Tát cứu độ chúng sinh lại có thể sinh sống bằng thịt của chúng sinh"?

Kinh "Đại Bát Niết Bàn" phiên bản tiếng Sanckrit nói rằng: "Ăn thịt làm tiêu tan hạt giống từ bi".

Ngài nói: "Nầy Ca Diếp! Bắt đầu từ ngày nay trở đi, Như Lai không cho phép hàng Thanh Văn đệ tử ăn thịt, nếu đàn việt đem đến dâng thí, phải xem thịt ấy như thịt con mình…

Ngài cũng cho biết lý do tại sao ngày trước Ngài cho phép hàng Tỳ Kheo ăn ba thứ tịnh nhục. Ngài nói: "Này Ca Diếp! Ba thứ tịnh nhục ấy chỉ là theo việc mà tạm chế thôi" … Cũng là nhơn nơi sự mà lần lượt chế…Này Ca Diếp! bao nhiêu giới cấm của Như Lai chế ra đều có dị ý. Vì dị ý nên cho ăn ba thứ tịnh nhục. Vì dị ý nên cấm ăn mười thứ thịt. Vì dị ý nên cấm tất cả thứ thịt đều không được ăn, dầu là thịt của con vật tự chết. Nầy Ca Diếp! Từ nay Như Lai cấm các đệ tử không được ăn tất cả thứ thịt." [Phẩm Tứ Tướng thứ 7 Kinh Đại Bát Niết Bàn].

Không hết, trước khi Ngài diệt độ, trong những giây phút cuối cùng, Ngài căn dặn các đệ tử: "Phải thương xót chúng sinh, chớ giết hại dầu là côn trùng nhỏ nhít. Thân nghiệp thanh tịnh thường sanh cõi tốt đẹp. Khẩu nghiệp thanh tịnh xa lìa những lỗi ác. Chớ ăn thịt, chớ uống rượu. Phải suy nghĩ kỹ nghiệp nhân thiện ác cảm báo tốt xấu. Nhân quả ba đời tuần hoàn chẳng mất, như bóng theo hình. Đời này luống qua về sau ăn năn không kịp. Giờ Niết Bàn đã đến, ta tóm tắt dạy bảo như vậy." [Phẩm Di Giáo thứ 26 Kinh Đại Bát Niết Bàn]


CÓ PHẢI PHẬT TỊCH DIỆT VÌ ĂN THỊT CHĂNG?

Kính thưa quý vị, có một nghi vấn trong lịch sử Phật giáo cũng gây khá nhiều tranh luận, đó là nghi vấn có phải Đức Phật tịch diệt vì Ngài ăn thịt chăng? Và cũng do nghi vấn này nên có những tu sĩ mà, trong một số trường hợp có ăn thịt, khi bào chữa cho việc ăn thịt của mình, nói rằng chính Phật đã ăn bát canh nấu bằng thịt heo tại nhà một đệ tử để tránh làm buồn lòng vị thí chủ đó. (nếu khước từ nhận cúng dường)

Nhưng phần đông các học giả Phật giáo cho rằng thức ăn dâng cho Phật không phải là thịt đã làm cho Phật tịch diệt và tất cả kinh điển Bắc Tông đều một mực chống lại việc ăn thịt như đã đề cập trước đây.

Theo nhà học Phật Rhys David thì thức ăn mà cư sĩ Thuần Đà dâng cúng Phật là nấm rơm. David nói rằng chữ sukara maddava được kết hợp bởi hai chữ sukara và maddava. Sukara có nghĩa là con heo và maddava có nghĩa là phơi khô, là ngon, tức là một loại thức ăn mà giống heo rừng rất thích ăn. Các học giả Phương Tây dịch là truffles, một loại nấm quý.

Sukara maddava có bốn ý nghĩa:

(1) Loại thực phẩm heo ăn.

(2) Một loại thức ăn mà heo rất ưa thích

(3) Các phần mềm trong cơ thể con heo và

(4) Một loại thức ăn bị giẫm nát bởi con heo.

Cư sĩ Thuần Đà là một đệ tử thuần thành của Phật, chắc ông ta không thể nào cúng dường đức Phật bát canh nấu bằng thịt heo vì biết rằng Ngài không ăn thịt. Rất có thể chính Thuần Đà cũng không ăn thịt như rất nhiều người Ấn Độ thời bấy giờ. Như thế thì có thể nào ông ta lại cúng dường thịt lên Phật, một người rất nhạy cảm về nỗi thống khổ, đau đớn của chúng sinh, người không uống sữa bò trong thời kỳ 10 ngày đầu tiên sau khi bò sanh con. Người từ chối sự cúng dường một chùm trái cây cùa lòai vượn vì trong đó có những con kiến đang sinh sống. Người không cho phép Tăng đoàn ra ngoài trong ba tháng an cư, nhằm tránh dẫm đạp lên côn trùng đang sinh sản trong mùa mưa.

Thưa quý vị, thưa các bạn. Trong bữa ăn cuối của Đức Phật, có một điều chúng ta cần để ý, theo Kinh Trường A Hàm, Quyển 3, Phẩm Du Hành, Thứ 2, Đoạn 2 nói rằng: "Khi đức Phật nhận bát canh nấm từ tay Thuần Đà, Ngài có nói với Thuần Đà rằng, đừng đem thứ canh nấm còn dư này cúng dường cho các vị Tăng khác, Thuần Đà vâng lời rồi lui ra." Tại sao Phật nói như vậy?

Đây là nguyên văn kinh:"....Sau khi Phật và đại chúng đã an tọa, ông Châu Na (Thuần Đà) đem món ăn dâng Phật và chúng Tăng, ông lại nấu riêng một thứ nấm Chiên Đàn là thức ăn trân quý kỳ lạ ít thấy, đem dâng riêng cho Phật, Phật dạy Châu Na chớ đem thứ nấm ấy cho chúng tăng ăn. Châu Na vâng lời...." (Kinh Trường A Hàm, Thích Thiện Siêu Việt dịch, Phật Học Viện quốc Tế xuất bản 1986 (trang 86).

Trong thời kỳ Phật tại thế, những thí chủ cúng dường thức ăn cho Phật thường tham vấn ngài A Nan, vị thị giả của Phật. Ngày nay các tăng sĩ không thích loại thức ăn nào cũng có thể có cách thích hợp để từ chối mà không cần phải thốt lên một lời nói nào, như đức Phật đã từ chối sự cúng dường của lòai vượn.

Bất cứ một vị sư nào được cúng dường bữa ăn tại nhà cư sĩ đều biết rằng gia chủ thường thỉnh hỏi sư hay vị thị giả theo hầu hoặc một vị cư sĩ hộ pháp thân cận, loại thức ăn nào sư thường ăn, để có thể tránh các loại thực phẩm không thích hợp với cơ thể và tinh thần của Sư.


VÌ SAO CÓ SỰ KHÁC BIỆT

Có một điều rất đặc biệt mà có lẽ quý vị đã nhận thấy, là tất cả Phật tử không phân biệt truyền thống hay tông phái tu tập đều có chung một mẫu số. Đó là điều tôn trọng và bảo vệ sự sống đồng thời thừa nhận và chấp hành giới luật cấm sát sinh nhằm bảo vệ sự sống ấy. Còn việc làm thế nào để bảo vệ sự sống ấy thì có những sự khác biệt.

Điều này thiết tưởng cũng không có gì khó hiểu. Sự khác biệt này là do tâm chúng sinh khác biệt, do căn cơ và môi trường sinh sống của chúng sinh khác biệt, lại do không gian và thời gian khác biệt. Hoàn cảnh sống của Phật tử Tây Tạng khác với hoàn cảnh sống của Phật tử Việt Nam, lại càng khác hơn với Phật tử sống ở Hoa Kỳ. Ngay như hoàn cảnh quý Tăng Ni theo truyền thống Bắc Tông ở miền Nam Việt Nam (ăn chay) cũng khác với một số tăng ni theo truyền thống Bắc Tông sống tại miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1975 (không ăn chay). Nếu quý vị hiểu được những hoàn cảnh khác biệt như vậy thì sẽ thấy không có vấn đề gì và dễ dàng cảm thông.

Còn lý do tại sao trong tất cả kinh điển Nam Tông không có điều luật ăn chay mà lại còn có điều luật cho phép ăn thịt tam tịnh nhục và các kinh điển Bắc Tông lại có điều luật không được ăn thịt.

Thưa quý vị, thưa các bạn,

Đức Phật là một đại lương y, là y vương, trước khi Ngài diễn nói, Ngài quán sát thính chúng, biết căn cơ của người nghe pháp để đưa ra những giáo pháp thích hợp nhằm chữa cho họ hết tâm bệnh. Cho nên, chúng ta cũng hiểu rằng mỗi lời Phật nói đều nhắm vào một mục đích tương đối nào đó, dành cho một đối tượng thính chúng nào đó và ở một quốc độ hay thời gian nào đó, để tháo gỡ những vướng mắc cho họ. Nếu chúng ta hiểu được hoàn cảnh của họ thì mới có thể hiểu được lời tuyên bố của Phật. Vì Phật muốn độ chúng sinh mà phương tiện nói pháp.

Chúng tôi xin lập lại: Vì Phật muốn độ chúng sinh mà phương tiện nói pháp. Ngài tuỳ duyên mà nói. Mà đã nói là tuỳ duyên nói pháp, thì không có một pháp nhất định nào có thể thuyết, có thể nói là đúng hay không đúng, mà chỉ tuỳ duyên, tuỳ thời, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ căn cơ của từng đối tượng, mà Phật nói pháp. Trong kinh Đại Niết Bàn, Ngài cho biết lý do tại sao ngày trước Ngài cho phép hàng Tỳ Kheo ăn ba thứ tịnh nhục. Ngài nói: "Này Ca Diếp! Ba thứ tịnh nhục ấy chỉ là theo việc mà tạm chế thôi" Cũng là nhơn nơi sự mà lần lượt chế.."

Trong thời kỳ ban đầu của đạo Phật, do nội dung cách mạng và giải phóng triệt để hầu xóa tan biên giới giai cấp cùng cách phân biệt đối xử rất khắc nghiệt của xã hội Ấn Độ thời ấy, nên nhiều thế lực đã tìm cách phá hoại uy tín của Đức Phật. Cũng do điều kiện khách quan còn nhiều khó khăn, chưa thể hoạt động thật mạnh mẽ ở tất cả mọi phương diện, nên Đức Phật đã phải tùy nghi phương tiện, uyển chuyển cải cách, để vừa hoằng pháp, vừa phát triển, lại vừa sinh tồn.

Ngày xưa, vì nhu cầu tu học, nên vấn đề ăn uống cần phải được giản dị, thực phẩm phải được xem như là dược thực, vì thế tăng đoàn thời Đức Phật phải đi khất thực. Khất thực là chính sách thực hành giáo pháp. Các thầy Tỳ kheo phải giữ tâm bình đẳng mà đi khất thực từng nhà, không phân biệt giầu nghèo sang hèn để mọi tầng lớp dân chúng đều có cơ duyên thực hành hạnh bố thí cầu phước.

Pháp khất thực cũng vừa có mục đích phá trừ ngã chấp, vừa tự độ vừa độ tha, lợi mình lợi người lại khỏi mất thời gian mua và nấu nướng thực phẩm. Khi ăn thì phải trộn các món ăn với nhau để không còn phân biệt món này với món khác, món ngon món dở và không phân biệt mùi vị, mục đích để không còn luyến ái mùi vị thơm ngon, mà chỉ cần ăn để nuôi sống xác thân mà tu hành giải thoát.

Trong hoàn cảnh xứ Ấn Độ hai ngàn năm trăm năm trước đây, dân chúng thì nghèo mà tăng đoàn của Phật thì lại đông, mỗi khi đi khất thực có đến cả ngàn tỳ kheo, làm sao mà có thể có đủ thực phẩm chay. Lại nữa, đã gọi là trải ruộng phước cho mọi người gieo trồng, làm sao có thể từ chối vật thực cúng dường, tạo sân hận cho người có lòng cúng dường. Cho nên sự việc tăng đoàn thọ nhận vật thực cúng dường, dù cho có lẫn thịt cá, hoàn toàn là tình cờ, chư Tăng không hề quan tâm đến món ăn, chỉ cốt có thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể có đủ sức tu hành hoàn thành đạo quả.

Cũng do hoàn cảnh khó khăn, Phật không đòi hỏi mọi người một cách khắt khe, nhưng nhờ Giới Không Sát Sanh do Ngài ban hành sẽ thấm nhuần từ từ khiến cho mọi Phật tử sẽ ngừng tay giết hại súc sinh, thay thế thực phẩm bằng các thực vật rau đậu, chừng đó họ sẽ cúng dường rau đậu trái cây.

Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, ngày nay, đời sống toàn thế giới đã tương đối sung túc hơn. Các vùng sa mạc nay cũng có thể trồng được hoa mầu. Lương thực không còn thiếu thốn như xưa. Dù nghèo, mọi người muốn cúng dường chư Tăng đều có thể thực hiện được vì thực phẩm rau đậu đâu đâu cũng có, vừa tinh khiết lại nhiều chất bổ dưỡng.

Nên nhớ là chư Tăng hoan hỷ nhận lãnh bất cứ gì người Phật tử tại gia vui lòng cúng dường. Việc ăn thịt trong ba trường hợp mà Đức Phật cho phép không còn đúng cho ngày nay, đó chỉ là pháp phương tiện mà Đức Phật uyển chuyển ban hành trong thời kỳ khó khăn nói trên. Chúng sinh có bệnh, Phật cho thuốc cũng phải tùy bệnh, tùy hoàn cảnh, thời đại, cơ duyên, có lúc thuốc phải nhẹ nhàng để thấm từ từ, có lúc bệnh nhân đủ sức chịu đựng thì Phật cho uống liều mạnh để khỏi bệnh luôn. Hay nói một cách khác, tất cả lời Phật đều là pháp phương tiện giáo hóa chúng sinh, pháp đó hợp với lý chân thật của vạn sự vạn vật, nhưng do hoàn cảnh không gian và thời gian sai khác, nên pháp đó có thể phù hợp hay áp dụng được ở một quãng thời gian hay không gian nào đó cho một số chủng loại chúng sinh nào đó, nhưng cũng có thể không phù hợp hay không áp dụng được cho một thời kỳ nào khác hay nơi chốn nào khác cho chủng loại chúng sinh khác. Đó gọi là "tuỳ duyên". Nhưng "tuỳ duyên" mà "bất biến". Bất biến là phải thực hiện cho được hạnh từ bi và bình đẳng đối với tất cả các loài chúng sinh.

Người ngày xưa khác với người ngày nay. Hoàn cảnh ngày xưa khác với hoàn cảnh ngày nay. Người và phong thổ xứ Ấn Độ khác với người và phong thổ xứ Trung Hoa và lại càng khác hơn với người và phong thổ xứ Hoa Kỳ, xứ Tây Tạng… Cho nên không có gì là khó hiểu khi thấy Phật Giáo truyền sang phương Bắc chủ trương ăn chay, truyền sang Tây Tạng có nơi ăn chay có nơi không ăn chay, tuy rằng ba bộ kinh liễu nghĩa Bắc Tông: Kinh Lăng Già, Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Đại Bát Niết Bàn đức Phật đều dạy các đệ tử không được ăn thịt.

Sau nữa kinh Phạm Võng của Phật Giáo Bắc Tông nói về Bồ Tát giới: gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh, trong đó giới khinh thứ 3 cấm ăn thịt. Bởi thế người nào thọ giới Bồ Tát phải trường trai. Tuy nhiên, do căn cơ của Phật tử tại gia sống tại hải ngoại, (chúng tôi xin lập lại là Phật tử tại gia sinh sống tại hải ngoại) nên vào năm 1989, Hoà Thượng Thích Đức Niệm soạn dịch quyển Tại Gia Bồ Tát Giới, thu lại còn 6 giới trọng và 28 giới khinh, trong đó không bắt buộc Phật tử tại gia thọ Bồ Tát Giới phải trường trai nữa mà chỉ cần giữ ít nhất 6 ngày chay trong một tháng (giới khinh thứ 7). [Tại Gia Bồ Tát Giới, Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản 1999]

Có lẽ cũng do hoàn cảnh ngày nay khác ngày xưa và "giáo pháp muốn tiếp tục được hữu hiệu trong việc độ đời, phải có tính cách khế lý và khế cơ", nên Hoà Thượng Nhất Hạnh đã soạn thảo lại giới luật Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni. Bộ luật mới này được gọi là "Giới Bản Khất Sĩ Tân Tu" (The Revised Pratimoksha) và đã được ban hành vào đầu năm 2003, trong đó cũng có những giới điều mới phù hợp với thời đại ngày nay và đặc biệt có giới không được ăn mặn (giới thứ 55).

Chúng tôi muốn nêu lên hai sự việc này nhằm cho thấy là quý thầy đã uyển chuyển áp dụng lời Phật dạy, áp dụng nguyên tắc khế lý và khế cơ, nguyên tắc tứ tất đàn trong giáo lý nhà Phật. Còn việc quý thầy (Hoà Thượng Thích Đức Niệm, Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh v.v…) soạn lại giới luật có đúng với luật Phật không thì chúng tôi không dám có ý kiến vì đó là việc làm của chư Tăng.

Tưởng cũng nên nhớ vào thời đức Phật, Đề Bà Đạt Đa đã thỉnh cầu Đức Phật ban hành thêm năm điều trong giới luật của hàng xuất gia, trong đó có giới Tỳ Kheo phải ăn chay suốt đời. Với lòng từ bi và đức khoan dung, và cũng có thể đức Phật sáng suốt nhận thấy thời điểm chưa thuận tiện, nên ngài tuyên bố rằng các đệ tử của ngài được tự do hành động về năm điều này, muốn áp dụng hay không cũng được.

Cũng ngày nay tại quốc gia Tây Tạng với nhiều đặc thù, trong giới Bồ Tát của Tây Tạng gồm 18 giới trọng và 64 giới khinh, không có giới nào cấm ăn thịt cả.

Kính thưa quý vị,

Hơn 60 phút vừa qua, chúng tôi đã cố gắng trình bày nhiều khía cạnh khác nhau về vấn đề ăn chay, ăn mặn, vì biết rằng mỗi người đều có ý kiến riêng, không ai giống ai, mỗi người đều có căn cơ riêng và phước duyên khác nhau; không ai có thể áp đặt ý kiến của mình cho người khác. Thật ra, những vấn đề khác biệt mà chúng tôi vừa trình bày, không nên còn là vấn đề tranh luận nữa, nếu tất cả chúng ta cùng tôn trọng sự khác biệt của nhau, khác biệt do hoàn cảnh, do môi trường sinh sống, do môi trường tiếp cận kinh sách khác nhau, do nhân duyên, nhân quả mỗi người khác nhau và đặc biệt do sự lựa chọn lối sống cá nhân.

Có một điều chắc chắn quý vị và chúng tôi đều đồng ý rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo có đức tin mù quáng. Đức Phật đã dạy chúng ta rằng đừng nên tin tưởng một điều gì vì văn phong, vì tập quán lưu truyền, vì là bút tích của thánh nhơn, của thầy dạy mà chỉ tin vào kinh nghiệm học hỏi và thực hành nơi chính mình và nhận là đúng, có lợi cho mình và có lợi cho chúng sinh thì áp dụng. Tất cả tùy thuộc nơi trí tuệ và tấm lòng từ bi của mỗi chúng ta. Chúng ta có quyền tự do lựa chọn, lựa chọn ăn chay hay ăn thịt cho ngon miệng hay không ngon miệng không phải là vấn đề quan trọng mà là chọn một lối sống có ý nghĩa cho mình mới là điều quan trọng.

Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã lắng nghe và tiếp theo đây chúng tôi bước sang phần thứ ba của buổi thuyết trình ngày hôm nay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]