Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phụ đính: Dĩ kinh, chứng kinh (về vấn đề ăn chay)

05/04/201319:31(Xem: 9063)
Phụ đính: Dĩ kinh, chứng kinh (về vấn đề ăn chay)
Vấn Đề Ăn Chay, Ăn Mặn Trong Đạo Phật


Vấn Đề Ẩm Thực Trong Đạo Phật


Phụ đính

DĨ KINH CHỨNG KINH

Vấn đề ăn chay

"Ce qui nous rend impurs, ce n'est pas manger de viande, mais c'est la haine l'intempe'rance, l'entêtement, la bigoterie, la fourberie, l'envie, l'orgueil, la complaisance pour les hommes injustes"- PIERRE SALET(L.S.P.P, tr. 52)

Phi lộ

Gần đây thấy trên trang Thư Viện Hoa Sen [*], mạng Internet, có những bài phê bình TT Giác Chánh về bài viết "Lời giới thiệu" quyển "Vấn đề ẩm thực trong Phật giáo", chúng tôi Phật tử nhóm Phù Sa phân vân xin tra lại kinh sách để tham khảo vấn đề nói trên một cách thực tiễn như tục ngữ có câu: "Nói có sách mách có chứng" và để tránh cái lỗi: "Ly kinh nhứt tự tiện đồng ma thuyết".

Mong rằng việc làm nầy sẽ đem lại lợi ích cho Phật tử trong và ngoài nước hiện tại cũng như tương lai, mà các bậc tiền bối đã bỏ không biết bao công sức để làm cho Phật pháp tồn tại đến thế hệ chúng ta.

MONG THAY
Nhóm Phật tử Phù Sa
tháng 9-2001

[*] Cung Ðình Hướng, Chơn Chánh, Liên Tâm của thư viện điện tử Hoa Sen ở Mỹ.


TRA LẠI KINH SÁCH: TRAI VÀ CHAY

Lương Khải Siêu có nói: "Ta có mắt để thấy, có tai để nghe, có trí để suy nghĩ, đối với cổ nhân, có lúc ta kính như thầy, có lúc ta trọng như bạn, có lúc ta cũng coi thường, ta quyết vì chơn lý chớ không làm nô lệ cho cổ nhơn".

Cổ Ðức cũng có nhắc nhở chúng ta: "Kim nhơn khán cổ giáo, vị miển tâm trung náo, dục miển tâm trung náo, ưng tu khán cổ giáo (Người đời nay xem sách giáo lý đời xưa, không khỏi tâm bị rúng động, nhưng muốn tâm khỏi rúng động, thì nên xem lại sách giáo lý đời xưa)".

Vậy chúng ta thử phối kiểm các kinh sách Phật giáo đã được ghi chép, dịch giải, biên soạn trong và ngoài nước coi ra sao?

Quyển "Lịch sử Phật pháp" của Hòa thượng Hộ Tông trích dịch, ấn hành 1954, trang 52 - 54 ghi rằng:

Trích trong "Phật học tự điển"

- Trai hựu tác thời: Chữ trai lại là thời.
- Trai thực, thời thực giã: Ăn trai là ăn đúng giờ vậy.
- Trai giã vị bất quá trung thực: Trai ấy, nói là sự ăn không quá ngọ.
- Chánh ngọ dĩ tiền sở tác chi thực sự giả: Ðúng ngọ về trước là thời điểm việc ăn vậy.
- Giới luật thượng: Trên giới luật.
- Ư thực phân thời, phi thời: Nơi sự ăn, chia giờ và chẳng phải giờ.
- Chánh ngọ dĩ tiền vi chánh thời: Ðúng ngọ về trước là đúng thời.
- Dĩ hậu vi phi thời: Về sau là chẳng phải thời.
- Thời giã nghi thực: Ðúng thời nên ăn.
- Phi thời giã bất nghi thực: Sái giờ chẳng nên ăn.
- Nhơn di thời trung chi thực vi trai thực: Nhơn đó sự ăn trong giờ là ăn trai.
- Từ điển viết: Từ điển nói.
- Trai: Giới giả, kĩnh giã: Trai là giới vậy, kính vậy.
- Thị thông ư nhất thiết: nghĩa suốt tất cả nơi.
- Phạn danh Ô-Bô-Sa-Tha: Tiếng Phạn là Uposatha.
- Hựu viết bố tác: Lại gọi là Bố Tác.
- Thuyết thức giả: Nói cho biết.
- Thanh tịnh chi nghĩa: Nghĩa là trong sạch.
- Hậu chuyển viết trai viết thời: Sau đổi, nói trai là thời.
- Chánh chỉ bất quá trung thực chi pháp: Ý chính là nói phép ăn không quá ngọ.
- Thủ chi viết trì trai: Vâng giữ như vậy gọi là trì trai.
- Thị vi trai chi bãn nghĩa: Thật là nghĩa gốc chữ trai.
- Nhiên hậu hựu nhứt chuyển nhi vi bất vi nhục thực: Về sau đổi lại tất cả là không ăn thịt.
- Thử nhơn Ðại thừa giáo chi bản ý: Ðó là do bản ý của Ðại thừa giáo.
- Chí trọng cấm nhục thực: Rất nặng về sự cấm ăn thịt.
- Toại viết trì trai giã, cấm nhục thực giã: Bèn gọi là người trì trai vậy, là cấm ăn thịt vậy.
- Tinh tấn vân giã, duy bất nhục thực chi sự giã: Nói rằng tinh tấn chỉ là việc không ăn thịt vậy.

Quyển "Ðức Phật lịch sử" nguyên tác: H.W. SCHUMANN, việt dịch: Trần Phương Lan, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1997, trang 243 - 245 ghi rằng:

Vị y sĩ hỏi Ðức Phật về thái độ của Ngài đối với việc sát sinh và cách dùng thực phẩm toàn rau quả (trường trai):


1. PHẬT GIÁO VÀ SỰ ĂN CHAY:

"Bạch Thế tôn! Con nghe nói rằng nhiều súc vật bị giết vì Ngài, và Ngài dùng món thịt đặc biệt dành để cúng dường Ngài, có đúng vậy chăng?

- Nầy Jìvaka! Bất cứ ai nói như vậy là không nói sự thật. Ðúng ra, Ta nói rằng thịt không được nhận làm món khất thực trong 3 trường hợp nếu ta thấy, nghe và nghi ( con vật ấy bị giết vì vị Tỳ kheo nầy) song nếu không phải các trường hợp trên thì vị Tỳ kheo có thể thọ dụng món thịt.

Nếu một vị Tỳ kheo đi khất thực trong thôn xóm hay thị trấn với tâm từ (Mettà) biến mãn khắp mọi chúng sanh và một gia chủ mời vị ấy thọ thực ngày mai, vị ấy có thể nhận lời. Nhưng trong lúc vị ấy đang thọ thực ngày hôm sau tại nhà kia, vị ấy không nên nghĩ là vẫn ước mong được mời một bữa cao lương mỹ vị như vậy thêm lần nữa. Vị ấy nên thọ dụng món khất thực mà không tham đắm lạc thú ẩm thực. Nầy Jìvaka! Ông có nghĩ rằng một Tỳ kheo làm như vậy là tự hại mình và hại người khác không?

- Thưa không, bạch Thế tôn!

- Nầy Jìvaka! Nếu ông nói đến sự cố ý tận diệt của Ta thì điều đó chỉ đúng theo ý nghĩa duy nhất nầy: "Ta đã đoạn diệt tham, sân, si ở trong Ta khiến cho chúng không thể sanh khởi được nữa trong tương lai. Bất cứ kẻ nào sát sanh vì Ta hay một đệ tử của Ta sẽ phạm một ác nghiệp gồm có 5 phần, đó là dẫn con vật đi. hành hạ nó (lúc lôi kéo), giết chết nó và do vậy hành hạ nó thêm lần nữa và cuối cùng là cúng dường Ta và đệ tử Ta không đúng chánh pháp". (MN. 55 lượt thuật). [*]

[*] Trung bộ số 55, kinh Jìvaka (Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu


2. LỤC TỔ HUỆ NĂNG VÀ SỰ ĂN CHAY

Quyển "Pháp bảo đàn kinh" do Ngài Linh Thao (Pháp Hải) ghi lại bằng Hán văn, Hòa thượng Thích Nhật Long dịch nghĩa và phụ chú ấn hành 1970, trang 38 - 39 ghi rằng:

Chánh văn "Hậu huệ năng chí Tào khê, hựu bị ác nhơn tầm trục nãi ư Tứ hội tị nạn lạp nhơn đội trung, phàm kinh thập tải, thời giữ lạp nhơn tùy nghi thuyết pháp. Lạp nhơn thường linh thủ võng, mỗi kiến sanh nạng tận phóng chi, mỗi chí phạn thời dĩ thể ký chữ nhục oa, hoặc vấn đối viết: Ðản khiết nhục biến thể".

Dịch nghĩa:
Huệ Năng sau đến Tào Khê lại bị bọn người ác tầm theo, bèn đến Tứ hội lánh nạn trong đội thợ săn, trải qua 15 năm, có khi tùy phương tiện nói Pháp cho bọn thợ săn nghe. Thọ săn thường sai tổ giữ lưới, mỗi khi thấy thú mắc lưới tìm cách thả, khi đến bữa ăn thời hái rau luộc chung trong nồi thịt có ai hỏi thì nói: "Tôi ưa ăn thịt thấm trong rau".

Phụ chú:

15 năm ẩn trong bọn thợ săn Tổ tùy phương tiện thuyết pháp dạy cho người cải một ít ác theo một ít thiện, chớ chưa đủ cơ duyên lập Tông. Lén mở thả thú là lòng từ nặng hơn chữ tín. Sợ người biết truy tầm nên phương tiện luộc rau trong nồi thịt ăn, thế mà có người hỏi lại nói khéo, vì ưa ăn thịt thấm trong rau, chớ không nói ăn chay theo đạo Phật. Ðời sau có người không hiểu lại nói Tổ không cần ăn chay.

Học theo Tổ đến đoạn nầy chúng ta mới thấy vấn đề ăn chay: Nhiều người lầm ăn chay theo tư tưởng của thuyết nào đó dạy ăn chay để luyện tâm cho nhẹ biết bay biết biến hóa chi đó! Cho nên họ ăn chay rất kỷ, kỷ là sao? - Họ sợ hôi tanh thịt cá. Vì thế bắt đầu ăn chay một ít ngày gì đó, họ kỹ lưỡng và khó khăn làm sao! Rầy con mắn cháu: Không lo sắm nồi sạch chén mới, đủa tinh cho họ ăn mau thành? Ăn chay mà lầm như vậy cho nên có nhiều người ăn chay rất nhiều ngày, ăn chay trường nữa, nhưng họ dám hà lạm, gian manh, sát hại cho có lợi lấy tiền sắm đồ ăn chay. Ăn chay mà việc làm cũng vẫn vô nhân, vô nghĩa, chửi rủa, mắng nhiếc, sát hại thì bảo sao người ta chẳng mĩa mai:

"Si mê nghiệp chướng không chừa,
Bo bo mà giữ tương dưa ích gì "

Theo ý Tổ ăn chay là vì lòng từ bi: Thương người, thương vật, không nở vì miếng ăn mà lường gạt gian manh, tham lam, lường gạt của người; không nở nhẫn tâm sát hại sanh mạng hay ẩn ý xúi giục người sát hại cho mình ăn. Tổ ăn chay không phải sợ hay chê hôi tanh thịt cá, cũng không để luyện xác thân, mà ăn chay vì lòng từ bi bao la cao cả thương người thương vật.

Ðấy là Tổ sư giòng thiền Tào Khê Trung Quốc cũng không quá cố chấp tập quán ăn chay.


3. TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ VÀ SỰ ĂN CHAY

Quyển "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" do Minh Chi - Lý kim Hoa - Hà thúc Minh - Hà văn Tân - Nguyễn tài Thư biên soạn. Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam Viện Triết Học ấn hành. Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà nội - 1991, trang 256 - 258 ghi rằng:

"Hãy sống hòa vào đời, không làm trái quy luật tự nhiên đó là nguyên tắc sống của Tuệ trung thượng sĩ. Trần Nhân Tông đã từng viết về Tuệ trung: "Hổn tục hòa quang, dữ vật vị thường xúc ngổ" [*] (Sống chung cùng đời tục, hòa ánh trong bụi bặm, đối với mọi vật chưa từng xúc phạm hay làm trái ngược). Lời nhận xét của người học trò về người thầy của mình thật chính xác.

[*] Trong bài Thượng sĩ hành trạng

Thật dễ hiểu, khi từ nguyên tắc sống theo quy luật tự nhiên, Tuệ trung bác bỏ việc ăn chay, trì giới. Các bài kệ sau nói lên rất rõ quan điểm nầy:

Khiết thảo dữ khiết nhục
Chúng sinh các sở thuộc
Xuân lai bách thảo sinh
Hà xứ kiến tội phúc
Trì giới kiêm nhẫn nhục
Chiêu tội bất chiêu phúc
Dục tri vô tội phúc
Phi trì giới nhẫn nhục
Như nhân thượng thụ thì
An trung tự cầu nguy
Như nhân bất thượng thụ
Phong nguyệt hà sở vi.

Ý bài kệ thật rõ ràng: Ăn cỏ hay ăn thịt là các loài khác nhau của sinh vật. Ðiều đó cũng tự nhiên như mùa xuân đến thì cây cỏ mọc lên. Như vậy, sao lại coi là tội hay phúc trong việc ăn cỏ hay ăn thịt được. Trì giới (giữ điều răn) và nhẫn nhục chỉ đem lại tội chứ không đem lại phúc. Phải biết rằng tội và phúc đâu ở chỗ trì giới và nhẫn nhục. Giữ gìn, chịu đựng như vậy cũng giống như người trèo lên cây, đang ở dưới đất yên ổn lại đi tìm cái nguy hiểm, nếu không trèo lên cây thì dù có gió lay nữa cũng chẳng việc gì!

Trì giới (Sìla) và nhẫn nhục (Khanti) là 2 điểm quan trọng trong hạnh lục độ của Phật giáo, thế mà Tuệ trung đã gạt bỏ một cách táo bạo.

Sống theo qui luật nên không sợ quy luật và tìm được tự do"

Ðấy là Tổ sư giòng thiền Trúc lâm Việt Nam cũng không quá cố chấp tập quán ăn chay.


4. TAM TẠNG PÀLI VÀ SỰ ĂN CHAY

Quyển "Kinh Tiểu bộ" tập I (số thứ tự 28) Việt dịch: Hòa thượng Thích Minh Châu. Nhà xuất bản TPHCM ấn hành 1999, trang 542 - 547 ghi rằng:

(II) KINH HÔI THỐI(Amagandha) (Sn. 42)

Bà la môn:

239. "Các bậc thiện chơn chánh
Ăn hạt giống cây thuốc
Ăn đậu đũa, đậu rừng
Ăn lá, ăn rễ cây
Ăn trái các dây leo
Nhận được thật đúng Pháp
Vị ấy không nói láo
Vì các dục thúc đẩy.
240. Ôi Ngài Kassapa
Ai ăn các món ăn
Do người khác bố thí
Khéo làm khéo chưng dọn
Trong sạch và thù thắng
Ăn lúa gạo thơm ngon
Ai ăn uống như vậy
Là ăn thịt hôi thối.
241. Nầy Bà con Phạm thiên
Chính Ngài tuyên bố rằng:
Ta không ăn đồ thối
Ðể nuôi sống thân ta
Nhưng Ngài ăn món ăn
Bằng lúa gạo thơm ngon
Ăn thịt các loài chim
Nấu ăn thật khéo léo
Ta hỏi Kassapa:
Ý nghĩa sự kiện nầy
Ngài định nghĩa thế nào
Là ăn đồ hôi thối!
Ðức Phật Kassapa:
242. Sát sanh và hành hình
Ðã thương và bắt trói
Trộm cắp và nói láo
Man trá và lừa đảo
Giả bộ kẻ học thức
Ði lại với vợ người
Ðây là đồ ăn thối
Ăn thịt không phải thối.
243. Ở đời các hạng người
Không chế ngự lòng dục
Ðam mê các vị ngon
Liên hệ đến bất tịnh
Theo chủ nghĩa hư vô
Bất chánh khó hướng dẫn
Ðây là đồ ăn thối
Ăn thịt không phải thối.
244. Ai thô bạo dã man
Sau lưng nói dèm pha
Phản bạn không từ bi
Lại cống cao ngạo mạn
Tánh không có bố thí
Không cho ai vật gì
Ðây là ăn đồ thối
Ăn thịt không phải thối.
245. Phẫn nộ và kiêu mạn
Cứng đầu và chống đối
Man trá và tật đố
Nói vô ích, huênh hoang
Ngã mạn và quá mạn
Thân mật với kẻ ác
Ðây là ăn đồ thối
Ăn thịt không phải thối.
246. Ác giới, nợ không trả
Làm người điểm chỉ viên
Làm những nghề dối trá
Ở đây, kẻ giả vờ
Ở đây, người bần tiện
Những người làm ác nghiệp
Ðây là ăn đồ thối
Ăn thịt không phải thối.
247. Ở đời, đối hữu tình
Người không biết kiềm chế
Lấy cướp sở hữu ngưới
Chú tâm làm hại người
Ác giới và tàn nhẫn
Ác ngữ, thiếu lễ độ
Ðây là ăn đồ thối
Ăn thịt không phải thối.
248. Hạng tham ô, thù nghịch
Tìm cách để sát hại
Luôn luôn hướng về ác
Sau chết, sanh tối tăm
Chúng sanh ấy rơi vào
Ðịa ngục đầu xuống trước
Ðây là ăn đồ thối
Ăn thịt không phải thối.
249. Không phải do cá thịt
Cùng các loại nhịn ăn
Không phải do lõa thể
Ðầu trọc và bện tóc
Không do tro trét mình
Mặc da thú khô cứng
Không phải do săn sóc
Nuôi dưỡng và tế tự
Không do nhiều khổ hạnh
Ðể được chứng bất tử
Không bùa chú cúng tế
Các tế đàn thời tiết
Làm con người trong sạch
Nếu nghi hoặc chưa đoạn.
250. Do sống hộ trì căn
Với các căn nhiếp phục
Vững trú trên chánh pháp
Thích chân trực, hiền hòa
Vượt khỏi các tham ái
Ðoạn tận mọi khổ đau
Bậc trí không nhiễm dính
Ðiều được thấy, được nghe.
251. Nhiều lần, Thế tôn thuyết
Ý nghĩa lời dạy nầy
Bậc bác học kệ chú
Thâm hiểu ý nghĩ ấy
Bậc ẩn sĩ nói lên
Với những kệ tuyệt diệu
Bậc không ăn đồ thối
Ðộc lập khó hướng dẫn.
252. Nghe xong những lời dạy
Lời Thế tôn khéo nói
Chấm dứt ăn đồ thối
Ðoạn tận mọi khổ đau
Vị ấy đảnh lễ Phật
Với tâm ý nhún nhường
Thỉnh cầu được cho phép
Xuất gia tại nơi đây".

Ðấy là vấn đề ăn chay không phải là một trong tám muôn bốn ngàn pháp môn của Ðức Phật Gotama mà chỉ là "Giáo ngoại biệt truyền" thôi!

(Thuật ngữ pháp môn dịch từ chữ Dhammakhandha, nếu dịch sát văn là Pháp uẩn nghĩa là nhóm pháp, đoạn văn, căn cứ vào kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ 3: Tạng kinh có hai muôn một ngàn Dhammakhandha; Tạng Luật có hai muôn một ngàn Dhammakhandha; và Tạng Adhidhamma có bốn muôn hai ngàn Dhammakhandha, cộng chung Tam Tạng (Tipitaka) có đến 84.000 Dhammakhandha hay pháp môn).


5. CƯ SĨ TRÙNG QUANG VÀ SỰ ĂN CHAY

Quyển "Chọn đường tu Phật" của cư sĩ Trùng Quang ấn hành 1955. tập II, trang 21 - 29 ghi rằng:

"Tân Tiến trọng chay khinh giới, Bảo Thủ trọng giới khinh chay. Phật tử trong 2 phái nên tạm gác các thành kiến một bên, dùng óc sáng suốt, lặng xét phải quấy trong 2 phương hướng đối chọi, để cải thiện thể thức tu hành cho hợp lý".

VỀ PHẦN ĂN CHAY

- Sự ăn chay phát xuất từ Ấn Ðộ, do 2 nguồn gốc:

1. Tập quán dùng lê hoát của người Ấn Ðộ thuộc dòng Bà la môn, chiếm độc quyền làm trung gian giữa thần Ba la ma và 3 giai cấp dưới (võ sĩ, thương gia, nô lệ) trong việc cầu đảo cùng tế.

2. Lời thỉnh cầu của Devadatta (Ðề bà đạt đa) đệ lên xin Phật Gotama bắt buộc các thầy Tỳ khưu trong Phật giáo ăn toàn đồ lê hoát trọn đời [1]. Phật Gotama không phê chuẩn, nhưng để cho tín đồ tùy thích dâng cúng bố thí [2].

[1] Ðề bà đạt đa xin Phật bắt buộc các thầy Tỳ khưu trọn đời : Phải ở nơi rừng, khất thực nuôi mạng sống, ăn chay trường, mặc y phục làm bằng vải dơ lượm nơi tha ma mộ địa, ở dưới cội cây. Vì thấy thói đời quý trọng những khổ hạnh, Ðề bà đạt đa muốn lợi dụng tâm lý ấy, để tranh ngôi Giáo chủ với Phật

[2] Vì đây là cách thức nuôi mạng chẳng phải phương pháp trau dồi thân khẩu.

Sự ăn chay của dòng Bà la môn là một qui luật lưu truyền từ thượng cổ, nên họ coi như là một thói thường, không có tính cách quan trọng. Ðề nghị của Ðề bà đạt đa dựa theo tục lệ trên để chứng tỏ rằng người tu trong Phật giáo cũng thuộc dòng cao thượng như Bà la môn [3].

[3] Phật thường nói người cao quý, do lòng cao quý, chẳng phải vì dòng cao quý

Một số đông đệ tử của Phật là người thuộc dòng Bà la môn. Ngoại trừ những bậc đắc đạo quả và những người xin nhập môn với chí nguyện giải thoát, có nhiều hạng giả dạng tu hành để tìm cách tái lập uy tín của đạo Bà la môn, hoặc để nuôi mạng, trong khi đạo giáo của họ bị dân chúng phế bỏ. Các hạng Tỳ khưu không có mục đích chơn chánh ấy, tạm thời buộc lòng ở nơi hệ thống Tăng già, nhưng lòng họ vẫn không khâm phục Phật Gotama, hằng chờ cơ hội gieo mầm móng của đạo họ trong tư tưởng tứ chúng, hầu ngày kia lật đổ Phật giáo, như đã giải nơi chương Lịch Sử (quyển I). Chính các thầy Bà la môn trá hình nói trên đã làm hậu thuẩn cho Ðề bà đạt đa khuấy nhiễu Phật nhiều khi, và cũng chính họ đem thuyết ăn chay thay thế cho giới luật Tân tiến sau nầy, khi Phật Gotama tịch diệt.

Một thói quen muôn phần dễ dàng hơn giới luật nghiêm khắc, ai lại không hoan nghinh. Với cái khẩu hiệu "Ăn chay để cử sát sanh và nuôi lòng từ bi đối với muôn loài vạn vật" ai lại không mê thích. Nhưng có mấy ai biết rằng, mỗi khi cúng tế thần, các thầy Bà la môn giết bao nhiêu sanh vật như trừu, dê, trâu, bò và đồng nam, đồng nữ, mà không gớm tay. Thầy Huyền trang, khi qua Ấn Ðộ thỉnh kinh, cũng suýt bị họ làm thịt cúng thần Durgà, tại Prayàga (hiện giờ là Allahabad) trên sông Găng.

Người Bà la môn từ già đến trẻ cả vợ lẫn chồng, đều ăn chay, mà lòng họ mấy chay? Ta nên biết rằng lòng từ bi cũng như tinh thần siêu việt, không phải ở trong chỗ "ăn". Nói cho rõ hơn, cái ăn chẳng phải phương pháp rửa tâm.

Tâm tối mê ví như nước đục, dùng lê hoát lóng cho nước trong, nước không bao giờ trong được. Tâm là vật vô hình, thân khẩu là chỗ của tâm biểu hiện. Không dùng giới luật để câu thúc thân khẩu, biết tâm đâu mà chế ngự? Vì đó mà Phật Gotama đặt ra những điều răn cấm để cho chúng ta kềm chế thân khẩu, hầu sửa trị tâm, không cho tâm tự do hành động, nhất là duyên theo điều ác.

Như ta đã thấy, trong phương diện nào các thấy tu Tân tiến cũng muốn tỏ ra rằng họ giỏi hơn Phật. Thử hỏi người tu Phật chơn chánh, muốn tìm đường giải thoát, nghĩ thế nào? Ðại thừa Phật giáo mà chúng ta hấp thụ từ Ấn Ðộ, Trung Hoa, Cao ly, Nhật Bổn hiện giờ ở trong tình trạng nào? Chúng ta có nên đeo đuổi theo tập quán "bỏ giới chấp chay" không?

Theo tục lệ xưa nay, cư sĩ chúng ta có 4 cách ăn chay: 2 ngày, 6 ngày, 10 ngày và trường chay. Bậc xuất gia, lẽ thì trường chay, nhưng có nhiều thầy cũng giữ 2 ngày, 6 ngày, 10 ngày như cư sĩ.

Không có thói quen như người Bà la môn nên chúng ta xem sự ăn chay như một việc quan trọng đặc biệt. Gặp nhau, muốn biết ai tu cao, tu thấp người ta thường gợi chuyện ông hay bà ăn chay mấy ngày trong tháng? Ðây là cái hãnh diện mà người Phật tử Việt Nam hay bộc lộ trong câu chuyện hàn huyên, làm cho mất vẽ lịch sự và thương tổn đức tánh khiêm tốn của con nhà Phật.

Ngoại trừ những người có khấn vái để cầu xin một ân huệ chi, hoặc những người bị bệnh phải kiêng cữ đồ mặn, hàng Phật tử lấy sự ăn chay làm thước đo lường trình độ tiến hóa trong việc tu hành. Ngày ăn chay một ngày là một ngày lành, bởi trong ngày ấy ai ai cũng cố gắng kiêng cữ điều ác. Kiêng cữ là tạm ngưng, chớ không phải dứt bỏ, để ngày mai tiếp tục lại đường lối cũ.

Người có tâm đạo, nhất là các cụ ông, cụ bà, hết sức kỹ lưỡng trong món ăn. Bếp núc, nồi nêu, chén bác đều để riêng biệt, không ai được phép trộn lộn với đồ dùng mặn. Cách kiêng cữ tinh nghiêm như thế ấy thật là hoàn toàn. Nhưng đôi khi, vì quá tin lời truyền dạy của thầy tổ, các cụ phải chứng minh cho người cắt cổ gà, vịt hoặc thọc huyết heo trong ngày đơm quẩy. Ðể chi? Ðể tụng bảy biến vãng sanh cầu siêu cho những con vật bị giết. Thầy tổ đã có nói rằng hạ trâu ngã bò để báo hiếu, hoặc cúng thần linh thì không có tội lỗi chi cả. Chính đây là phong tục của Bà la môn giáo [*]. Tin rằng giết thú để cúng thần, đã không tội lại còn có phước, các thầy Tân tiến đã sửa luật nhân quả của Phật dạy, theo tín ngưỡng của Bà la môn.

[*] Quyển "Phật học từ điển" của ông Ðoàn trung Còn, tập nhì, in kỳ đầu 1967, trang 728 ghi rằng: "Nhà tu Phật chẳng những không nên sát, mà còn đem lòng từ bi mà tha thứ, mà cứu độ, mà phóng sanh. Tuy vậy, có khi Phật tử phải sát, mà không có tội, chẳng bị đọa lại còn được thêm công đức. Tỷ như có những kẻ ác tâm hủy phá chùa chiền, Phật tượng, hành hạ chư Phật tử trước mặt mình, mình vì ủng hộ Tam bảo nên buộc lòng phải sát, nhưng sát mà chẳng có ác tâm" - Ôi lòng từ bi của chủ nghĩa ăn chay thật tuyệt diệu !

Chơn lý chỗ nào? Từ cái mâu thuẩn nầy, chúng ta bị dẫn dắt đến cái mâu thuẩn khác, mà chúng ta vẫn thản nhiên không quan tâm suy xét.

Ðấy là "Không chê đồ chay, nhưng không chấp nhận thành kiến ăn chay" nếu quả có sự kiện ấy thật?!


VỀ PHẦN GIỚI LUẬT

* Bây giờ xin hỏi người giữ ngũ giới có nên ăn chay không?
- Ăn thì quý lắm, nhưng chớ nên cố chấp đó là đồ chay, mà không ăn cũng không sao.

* Vậy thì chỗ nào gọi là cử sát sanh?
- Tự mình không giết, không xúi biểu kẻ khác giết, không nghe, không thấy người ta giết cho mình ăn.

* Chớ người ta giết cho mình ăn, mặc dầu không xúi biểu, cũng phải mang tội đồng lõa, bởi có mình ăn mới có người giết?
- Tâm không gây nhân, quả không chỗ sanh, nghiệp không tạo, tội do đâu mà báo ứng.

* Tâm ưa thích thịt cá, thân đi mua về ăn, sao gọi là không gây nhân?
- Tâm vẫn bình đẳng, không chấp chay, cũng không thiên mặn; đây chỉ là thói quen của vật chất đòi hỏi.

* Có tâm dung túng chấp thuận, nên sự đòi hỏi của vật chất mới được thỏa mãn chớ!
- Ðúng vậy, nhưng tâm đâu có chủ trương giết, hoặc xúi giục kẻ khác giết, tai không nghe, mắt cũng không thấy. Cả thân lẫn tâm không vi phạm một điều kiện khinh trọng nào trong giới sát sanh kia mà.

* Không phạm, nhưng đã thấy biết thịt cá, mà còn nhẫn tâm ăn vào, thì lòng từ bi của Phật tử ở chỗ nào?
- Tín đồ đã bị đầu độc nhiều rồi, giờ nầy còn đem cái từ bi giả dối ấy ra quảng cáo không ai tin đâu. Từ bi đối với chúng sanh đương bay đương chạy, không nở giết nó để nuôi mạng. Ðó là từ bi thực sự, còn từ bi đối với miếng thịt, khứa cá, là từ bi dối trá, từ bi ngoài lỗ miệng của người bị nhồi sọ. Tu hành, trong giới sát sanh, chưa biết Phật dạy những gì, mà muốn tỏ ra mình hơn Phật.

* Phi lý: Phật dạy kiêng cữ thịt cá, người ăn thịt cá là người cải lời Phật. Cải lời Phật, tức là muốn hơn Phật đó vậy.
- Phật dạy cử giết, chúng ta cử ăn ấy mới phi lý, Phật dạy giữ 5 giới, chúng ta không giữ một giới nào, ấy mới là hơn Phật.

* Ăn chay không phải giữ giới hay sao?
- Ðã nói rằng "ăn" không phải giới. Không thấy đem "giới" ra nói chuyện, cứ đem cái ăn ra bàn hoài không rồi.

* Vậy chớ sao, nó là vấn đề căn bản mà (Có thực mới giật được đạo, dĩ thực vi tiên).
- Phải, nó là vấn đề sanh tử của dạ dầy; nào phải vấn đề cần thiết của giải thoát. Chỉ có cái nghệ thuật "ăn" quanh năm quẩn tháng giải quyết không xong.

* Ðề mục "thịt, cá" tham khảo chưa dứt khoát, nên muốn bàn cải cho ra lý đó thôi.
- Nên tìm những hành giả đã tu chứng được cái quả "từ bi" mà hỏi thì ra ánh sáng.
- Nghe nói họ lấy thịt và cá làm đề mục để trước mắt rồi quán tưởng cho thấy con thú bị cột trói khiên đến lò thịt bị hành quyết kêu la thảm khốc, rồi bị phân thây xẻ thịt đem đi bán; hoặc thấy con cá đương bơi lội tự do dưới nước, kế bị mắc câu, kéo lên bờ, ngộp thở giảy giụa rồi chết. Thấy cảnh tượng đau khổ như vậy, lòng từ bi vô lượng phát sanh lên, từ đó đến sau họ không nở ăn thịt cá nữa. Mình cũng muốn kinh nghiệm như họ; ngồi trước mâm cơm cũng ra sức quán tưởng, không thấy từ bi ứng hiện chút nào, trái lại mùi vị thịt cá xông lên thơm mũi, bắt trớn ních đầy bụng rồi lại thấy thỏa mãn là khác ... Cho nên dù trường chay mà lòng còn tham lam, sân hận, tà kiến vẫn sa địa ngục, không còn tham lam, sân hận, tà kiến trong lòng dù không ăn chay cũng sanh lên Thiên đàng.

* Trường chay còn sa địa ngục, mà người giữ giới còn ăn thịt cá mà cũng đi thiên đàng được sao?
- Người trước không thể sánh với người sau, bởi họ sợ giới mà không sợ 4 đường ác đạo. Người sau hơn người trước bởi họ nhờ giới để ngăn ngừa tội lỗi. Người trước chay trong lý thuyết, người sau chay theo thực tế.

* Thực tế trong chỗ ăn mặn phải chăng?
- Thực tế trong chỗ không quanh quẩn, không miệt mài trong cái ăn, không tự đắc với cái ăn, mà trầm tỉnh trong chỗ trau dồi thân khẩu.

Tu không lo cứ lo tranh chấp hoài về cái ăn, đã nói khô nước miếng mà câu chuyện vẫn không rồi. Bao giờ chúng ta phá được cái chấp, thì vấn đề ăn mới có thể chấm dứt được.

* Vì chúng ta còn ăn mặn, ít nhứt cũng 20 ngày trong tháng, nên vẫn còn thắc mắc, hoài nghi đó thôi. Giải thích cho xuôi vấn đề ăn mặn thì cái chấp kia mới không còn tồn tại.
- Tu cốt để phá chấp, mà cả thầy lẫn trò chúng ta mặc dầu đại đa số cũng không dứt bỏ nổi cái mặn, cứ bám chặc vào lý thuyết chay, nghĩ thật buồn cười. Ðức Phật đã phá chấp cho Ðề bà đạt đa, mà ông nầy vẫn ngoan cố, chúng ta tài nào thức tỉnh môn đệ của ông.

Ðể chấm dứt câu chuyện ăn mặn, xin trình bày một vài ngu kiến:

Nên nhớ rằng nghiệp dữ nghiệp lành đều do tâm tạo ra. Các đồ tể và bạn hàng tôm cá vì quyền lợi cá nhân mà họ phải giết thú hại vật để bán kiếm lời. Họ giết nhiều, giết ít túy theo nhơn số của hai hạng người tiêu thụ:

Một hạng chẳng bao giờ lập tâm tính trước phải ăn món nào trong ngày; chờ ra chợ gặp gì mua nấy. Người vô tình, tức vô can, vô tội. Hạng khác thường lập ra sẳng một thực đơn trong ngày, bằng chẳng vậy, nếu thích món chi, họ cố tìm kiếm cho ra món ấy, với giá nào cũng mua cho bằng dược, và nếu kiếm không ra, họ đòi hỏi bạn hàng, nay không được thì mai cũng có cho họ dùng. Cố ý như hạng nầy, tức đồng lõa cố sát.

Một đàng gặp chi ăn nấy, dầu thịt cá, lê hoát không cố chấp đây mặn, kia chay và xem các thức ăn ấy như vật chất bên ngoài để bồi bổ vật chất bên trong, đủ sống ngoài vòng tội lỗi, sống theo trung đạo của giới luật. Ðàng khác lại phân biệt gắt gao chay với mặn. Khi ăn chay họ ăn toàn đồ lê hoát, lúc ăn mặn họ mạnh dạng đòi hỏi hoặc tự giết heo, bò, gà, vịt. Lắm khi ngoài miệng họ thiên về chay, trong lòng họ lại ngã qua mặn, cho nên đồ chay cũng có tên mặn: Nào là cá hấp, mắm ruột, sườn xào, tôm kho ...(nếu lòng không ngã qua mặn thì đặt tên mặn làm gì, đấy là ăn chay nói dối). Tóm lại họ sống trong lợi dưỡng, sống ngoài vòng pháp luật nhà Phật, nên họ thành người cực đoan. Vì đó mà chay họ cũng chấp, mặn họ cũng chấp. Hai cái chấp đã ăn sâu vô xương tủy trí não, hết còn xét đoán được phải quấy, chánh tà. Cho nên Ðức Phật có nói rằng: Số người sanh về nhàn cảnh sánh như sừng bò (có 2, quá ít); số người sa vào ác đạo như lông bò (vô số kể).

Tới đây đã cạn lời xin chấm dứt vấn đề "ăn".

Ðấy là "Không chê đồ chay, nhưng không chấp nhận thành kiến ăn chay" kiểu đó, nếu có thật (hình như thật rất nhiều).


6. SƯ THIỆN CHIẾU VÀ SỰ AN CHAY

Quyển"Tranh Biện" của Xích Liên xuất bản 1929 - 1932, quyển thượng, trang 151 - 169 ghi rằng:

Coi Ai là tà thuyết.

"Ai nói Ta có thuyết pháp tức là mắng Ta" (Thích Ca Mâu Ni.)

"Phật thuyết pháp 45 năm, chuyên trị có một chứng bệnh "chấp trước", vì "chấp trước" là nguồn gốc thống khổ của người đời. Phật tùy cái bệnh "chấp ta chấp cảnh" mà cho thứ thuốc pháp "vô ngã vô thường", tùy bệnh "có" mà cho thuốc "không", tùy bệnh "không" mà cho thuốc "chẳng không chẳng có". Bệnh có nhiều chứng, thì thuốc phải có nhiều phương, mà cũng dều trị lành được cái bệnh "chấp trước".

Nhưng, vì hiểu thấu tâm lý của người đời, Phật còn lo xa nữa, lo có kẻ lầm tưởng thứ thuốc của mình uống là trị được hết các chứng bệnh ở thế gian, lo có người hiểu sai rằng thứ pháp của mình nghe là hợp hết căn cơ của quần chúng, lo có kẻ cố thuốc mà thêm đau, lo có người chấp pháp mà bị trói, cho nên Phật mới nói một cách tự nhiên rằng "Ta không có thuyết pháp đa! Nếu ai nói Ta có thuyết pháp, tức là mắng Ta"

Ai nấy có hiểu Phật nói cái gì không? Thì Phật bảo chúng ta đừng có một mảy chấp trước nào, mới thật là hoàn toàn giải thoát.

Thích Ca Mâu Ni! Thích Ca Mâu Ni! Dẩu ai họ có cười tôi là người chưa được tự chủ, mặc họ, tôi cũng xin cuối đầu mà nhìn nhận Ngài là một đấng từ phụ, một vị đạo sư, một nhà triết học, một nhà tâm lý học, đại từ đại bi, đại thánh đại trí, hoàn toàn tuyệt đích ở thế gian nầy!

Phải chi hết thảy hiểu được cái diệu lý của Ngài, thì đâu có "chấp ta" "chấp pháp", mà xâu xé tranh giành, làm cho thêm thống khổ? Ðau đớn thay!

Phải chi họ muốn hiểu Phật pháp thế nào thì hiểu ai cấm? Họ muốn bơi xuồng mà rước một ít người qua lại ở rạch cốc, rạch bần gì thì rước, ai cản? Ấy là quyền riêng của họ mà. Cái nầy họ đèo bồng rủ thiên hạ tẩy chay mấy chiếc tàu chạy từ Ðại tây dương qua Thái bình dương, chẳng luận ở đâu, cũng bảo cứ đi xuồng của mình, ấy mới có sanh giặc!

Ông Hiển Huệ, ông có lòng bênh vực Phật pháp, thật tôi hết sức kính trọng và vui mừng. Nhưng tôi xin khuyên ông một điều, là trước hết phải tập ăn nói cho ngay thật, đặng rửa sạch cái "nhục" từ hồi nào đến bây giờ người ta cứ nói "Ăn mặn nói ngay, ăn chay nói vạy" đó đi đã. Nếu cái "nói vạy" là cái "di truyền", ông không thể bỏ đi được, thì thôi, xin ông đừng ép buộc người ta.

Tôi cứ theo sự thật, chép ở trương 21, trong sách P.G.V.Ð của tôi, rằng Phật có ăn thịt heo rừng của Cunda (Thuần Ðà) dâng cho. Nói thật, ông bảo là tà thuyết! Ông bảo sao không chịu căn cứ ở kinh Ðại Niết Bàn của Tàu.

Thưa ông, tôi không tin kinh nào hết. Có tin, cũng không phải tin trọn cả bộ. Kinh nào nói thật hơn, lời nào nói đúng lý, tôi tin, chẳng riêng của Nam tôn hay của Bắc tôn.

Rất đổi hồi ông Anan còn hiện tại, cách Phật chưa bao xa, nguyên bài kệ kinh Pháp cú (Dhammapada): "Nếu người sống trăm tuổi, không tỏ pháp "sanh diệt", chẳng bằng sống một ngày mà được hiểu rõ đó". Vậy mà đã có người đọc sái đi rồi: "Nếu người sống trăm tuổi, không thấy hạc già nước, chẳng bằng sống một ngày mà được ngó thấy đó".

Huống chi cách Phật lâu đời, trải qua nhiều nước, kinh nào cũng tin bướng theo càn, lời nào cũng cho là lời Phật, không biết suy xét lọc lựa, thì có khác nào bưng chén thuốc độc mà tự sát một cách vô lý!

Ông bảo: "Ðại phàm nghiên cứu kinh Phật, thì phải lấy thiệt sự học thức của mình, đem ra mà khảo cứu cho thật kỹ, phân chia tà chánh giả chơn; ấy là dĩ kinh chứng kinh (lấy kinh nầy làm chứng cho kinh kia) rồi mới dám làm sách phô trương ra cho muôn người tụng đọc".

Vâng! Thì tôi đã "Dĩ kinh chứng kinh" sao ông không lấy lý trí (Raison) mà suy xét? Tôi cũng biết trước rằng sẽ có một số người cho kinh Tàu là đúng hết, nên tôi không dẫn chứng ở quyển Gautama le Bouddha, mà lại dẫn chứng ở kinh A Hàm, kinh Tàu, trong Ðại Tạng.

Xin ông chịu khó dở quyển trung, trong bộ sách "Lương nhậm công cận trứ đệ nhứt tập" là một quyển sách chuyên khảo về Phật học, ông sẽ thấy Lương Khải Siêu tiên sanh lấy con mắt nhà làm sử, dùng phương pháp khoa học khảo cứu một cách tường tận, ở trương 290, ông chỉ những lẽ gì mà người thật muốn nghiên cứu Phật học phải nghiên cứu kinh A Hàm. Vậy thì tôi đem kinh A Hàm mà đối chứng với quyển sách của Soubhara, là một quyển sách do kinh điển Pàli mà viết ra, tưởng cũng không phải là "vô giá trị".

Tôi đã biết rồi, biết ông Phật của người ta hiểu, khác với ông Phật của tôi hiểu; biết cái người ta cử mà mình không kiêng, thế nào cũng sẽ bị chúng mắng! Bởi vậy, trước khi trích lấy đoạn ấy, lo viện đủ lẽ, mà ngừa trước đón sau rồi. Vậy mà cũng không tránh khỏi kẻ điếc không sợ sấm!

Trương 21, tôi đã chú giải rằng: "Quả thiệt Phật có ăn thịt heo rừng quay" sao? Nhưng trong kinh Trường A Hàm (Dirgagamas) thì nói Phật ăn nấm cây chiên đàn (Candana) của Cunda mà thọ bệnh rồi vào Niết bàn: "... lại có nấu nấm cây chiên đàn là một món ăn rất quý dâng cho Phật. Phật bảo Châu Na (Cunda) chớ dọn "nấm" cho các thấy Bí Xu, Châu Na vâng lời Phật dạy mà không dám dọn cho các thầy Bí Xu".

Tôi thấy kinh Trường A Hàm nói như vậy, nên đặt ra mấy câu hỏi như vầy: "Nếu thiệt là "Nấm cây chiên đàn sao Phật không cho Châu Na dọn cho các thầy Bí Xu? Hay là nấm ấy có độc mà Phật không cho dọn các thầy Bí Xu ăn? Nếu quả nấm ấy có độc, ăn vào có hại đến mạng người, thì sao gọi là món ăn rất quý? Sao Châu Na lại đem món ấy mà dâng cho Phật?"

Bao nhiêu đó, tôi còn sợ chưa đủ lẽ, lại thêm rằng: "Huống chi Ðê hoa đát ta sau khi làm hại Phật không được, bèn tự xưng là Ðại sư và chê "Tám đường chánh" của Phật không phải là chơn đạo, mà "5 pháp" của Va lập ra mới là chơn đạo: "... 5. trọn đời không ăn cá, thịt, muối, sửa".

Rồi tôi lại đặt ra một câu hỏi: "Nếu 5 phép ấy không khác với Phật pháp thì sao Ðê hoa đát ta gọi là chơn đạo mà chê "Tám đường chánh" của Phật không phải là chơn đạo?" (Nếu Ðức Phật và các Tỳ kheo Tăng đã ăn chay, và đìu ăn chay thì Devadatta còn xin Phật hãy cấm ăn cá, thịt làm gì nữa? Và nếu Ðức Phật không có ăn cá, thịt thì sao Phật không chấp nhận lời xin của Devadatta?)

Ông Hiển Huệ, ông bác đoạn sách tôi chép đó là tà thuyết, thì trước phải trả lời mấy câu hỏi ấy cho suông đã. Tôi dám chắc rằng không bao giờ ông trả lời được. Có được, chẳng qua ông nói bướng rằng: "Cái đó tại Phật Ðà Da Xá (Buddhayasas) dịch giả kinh Trường A Hàm thêm vào đoạn ấy!". Nếu vậy, thì người ta cũng có thể nói: "Nếu kinh Niết Bàn không có đoạn đó, chắc là dịch giả bỏ bớt", rồi ông mới làm sao?

Nhưng, không ai được quyền gì mà nói rằng Phật Ðà Da Xá thêm vào đoạn ấy. Nếu quả là "thêm vào" sao không nói trắng ra, mà lại nói trớ là "nấm cây chiên đàn"? Có gì đâu lạ! Chẳng qua dịch giả đã khổ tâm về chỗ đó: Nếu nói trắng ra, sợ e hạng phàm tục. xem Phật cũng tầm thường bằng con mắt thịt của họ, rồi dầu đạo lý có cao thượng cho mấy. họ cũng không thèm nghe; còn nếu bỏ bớt đoạn ấy đi, thì làm mất sự thật, cho nên cực chẳng đã phải "nói trớ" vậy thôi.

Ðấy là "để dễ thu hút tín đồ của họ".

Thưa ông, tôi xin nhắc lại với ông một lần nữa: Nếu ông muốn bác đoạn sách tôi chép đó là tà thuyết, thì trước hết ông phải trả lời cho xuôi mấy câu hỏi trong sách của tôi đã.

Ông nói: "Nếu cho chắc rằng Phật có ăn thịt, sao sư chưa ngã mặn cho rồi, còn chờ chừng nào, là vì Phật kia còn ăn thịt, huống chi là đệ tử Phật còn sợ phạm giới nổi gì?

Tôi chờ chừng nào đã được thành Phật ... nhưng thưa ông, nếu tôi có lòng chờ thành Phật đặng ngã mặn, thì không biết đời nào kiếp nào mà thành Phật được. Bởi còn cố ăn quá!

Ở nước nào thì tôi không biết, chớ trong cỏi Việt Nam nầy, tín đồ ai nấy hình như họ còn nhớ lời Phật dặn Cunda: "Ngươi phải đem chôn hết món thịt dư nầy vì không phải Sa Ma Na, các Bờ Ra Măn, loại trời, loại người được dùng, chỉ có Phật dùng là khỏi hại mà thôi". Cho nên mấy thầy Sa Ma Na có ghé nhà họ lỡ bữa, họ sợ mắc nhân mạng, có dám "dọn mặn" đâu ông!

Mà hiện giờ tôi chưa thành Phật, ông bảo tôi sao không ngã mặn cho rồi, bộ ông muốn giết tôi sao?

Vậy cho ai nấy sáng con mắt: Ông Hiển Huệ là người biết ăn chay niệm Phật đa.

Tôi cũng nghĩ mà cười thầm: Sao ông Huệ Năng chính mình luộc rau trong trách thịt, mà người đạo Phật ai nấy cũng đều sùng bái ổng là vị Tổ thứ sáu của Thiền tôn nước Tàu, lạ thay!

Ông nói "Còn nói Phật ăn thịt đặng, Tăng đồ ăn không đặng, thì thiệt là vô lý. Thí dụ như: Ông quan kia cấm nhân dân chẳng đặng làm điều chi sái luật, nếu phạm luật của ông thì phải bị tù tội, mà chính ông quan đó ổng phạm luật của ổng truyền, vậy ông quan đó có tội cùng chăng?"

Thôi rồi còn chi! Người xưng mình là người đạo Phật, ra bênh vực đạo Phật, mà chính mình lại không biết Phật là gì. Phật pháp là gì, tôi có ngờ đâu! Phải chi tôi có "nước mắt thừa" cũng nhơn công ra mà khóc, khóc mấy chỗ đã chấn hưng Phật giáo, khóc mấy người đã lo chấn hưng Phật giáo!

Phật là người đã sáng suốt trong lòng, không đổi thay theo hoàn cảnh. Cho nên, món ăn thì dỡ hay ngon cũng không tưởng, thân thể thì đau hay mạnh cũng như thường, không gì làm cho thống khổ được.

Phật là một nhà giáo dục, lấy lẽ phải mà khuyên dạy học trò, chớ đâu phải như một ông quan dùng cường quyền mà cấm mà phạt ... đâu, ông lại đem so sánh với Phật? Mà trong bộ Thập Tụng Luật, quyển 37, Phật cho các thầy Bí Xú ăn 3 món "thịt sạch" kia kìa (1- Không thấy giết; 2- Không nghe giết; 3- Không nghi rằng người ta giết cho mình ăn). Ông không tin? Thì ở Trà vinh sẵn có Ðại Tạng đó, chịu khó dỡ mà xem đi.

Hay là ông lại chê luật của Tiểu thừa? Thì ông dỡ kinh Ðại thừa ra xem, sẽ thấy kinh Niết bàn, quyển 4, có nói: "Ca Diếp Bồ tát lại bạch Phật rằng: "Thế tôn! Vì sau Ngài không cho ăn thịt?" -: "Ăn thịt thì dứt giống từ bi" (nghĩa là không thương hết chúng sanh) -: "Vậy sao trước kia Ngài cho các Thầy Tỳ khưu (Bí Xu) ăn 3 món thịt sạch"?

Ông thấy chưa? Từ khi Phật thành đạo cho đến khi gần Niết Bàn 45 năm, các thầy Bí Xu, Phật không bảo ăn chay lúc nào hết!

Hay ông không tin luật Tiểu thừa, mà cũng không tin kinh Ðại thừa nữa, thì thôi, ông không phải người đạo Phật, xin đừng can thiệp đến sách vở của chúng tôi.

Nếu ông tin là có, các thầy Bí xu vẫn ăn thịt từ hồi Phật mới thuyết pháp cho đến khi Phật nhập Niết Bàn, thì tôi lại xin hỏi ông: Sao ông dám chắc rằng Phật không ăn thịt?

Ông có hiểu 2 chữ "Bí Xu" (Tỷ khưu) là gì không? Nếu ông trả lời: Bí Xu nghĩa là: "người xin ăn" thì tôi xin nói: Nếu các thầy Bí Xu có "ăn thịt" thì Phật phải có "ăn thịt". Vì Phật cũng là "Bí Xu" vậy. Ông lại quên sao? Thì trong kinh Kim Cang, đêm nào ông cũng tụng, trong ấy có nói: "Khi bấy giờ, Ðức Thế tôn đến giờ ăn, mang ca sa, bưng bình bát vào thành Xá vệ xin ăn".

Cũng như các thầy Bí Xu khác, Phật là một thầy Bí Xu tuổi cao đức trọng trong hội Tăng già (Sangha) cũng bưng bát xin ăn, duy có lòng được hoàn toàn sáng suốt, rồi ra khai sáng cho đời, nên kêu là Phật, chớ có gì đâu lạ!

Hay là ông tôn trọng Phật thái quá rồi bào chửa như thế nầy: Các thầy Bí Xu tuy có ăn thịt, song Phật vẫn ăn chay? Nếu thật vậy, là ông rủ người ta mắng Phật là ích kỷ! Sao Phật cho các thầy Bí Xu ăn thịt cho bị hại, còn Phật lại ăn chay cho được thoát khổ một mình? Ông có nghĩ đến chỗ đó không?

Ông thường tụng kinh Kim Cang thì phải nhớ: "Như Lai là người nói thật, nói chắc không nói dối, không nói lạ lùng". Vậy ông muốn biết Phật muốn thành Phật, thì phải chừa cái tật nói dối, phải cắn răng mà nói thiệt đi.

Ta tìm kinh luật, tra ở địa lý, cứ theo lịch sử, thì thấy khi Phật còn tại thế, chưa thiệt hành cái chủ nghĩa "ăn chay".

Nhưng sau khi Phật Niết bàn, trong Giáo hội mới chia ra Thượng Tọa Bộ, Ðại Chúng Bộ (hay Tiểu Thừa, Ðại thừa) nên mới phát hiện cái vấn đề "ăn mặn ăn chay". Phái Tiểu Thừa là phái Bảo thủ, cứ dùng "3 món thịt sạch", như Giáo hội ở Tích Lan, Xiêm La, Cao Miên, Miến Ðiện, Ai Lao ... đến nay cũng chưa biết cái "Ăn chay" là gì! Chỉ có phái Ðại thừa suy theo cái lời Phật dặn Cunda (Thuần Ðà) phát huy cái nghĩa "Từ bi bất sác" mới có cái lệ "ăn chay". Vả lại như Trung Quốc, Việt Nam, Cao Ly, Nhựt Bổn không có cái lệ "ăn xin" thì làm sao tìm tại chùa cho có "3 món thịt sạch"?

Không lo giải thoát cứ chấp nhứt mãi trong vòng ăn mặn, ăn chay! Họ tưởng cái ăn chay là chơn tu, là từ bi đúng đắn rồi. Có dè đâu, ta mặc áo lụa, ở nhà ngói, đi xe hơi mà trong đời có nhiều người vì bệnh khổ, vì cơ hàn, vì bị đè nén mà tự sát nguyên sinh; mỗi năm ta đóng góp một số tiền, tưởng đã làm tròn bổn phận, có biết đâu chính mình vô ý mà sắm thêm khí giới giết người. Như vậy, ta tuy không ăn thịt thú vật, nhưng ăn thịt người một cách gián tiếp vậy. Tôi không biết mấy người chấp ăn chay là từ bi đúng đắn đó, có xét đến chỗ ấy không? Ðấy là "Với tinh thần phá chấp"

Ông nói: "Ðức Phật thường lấy lòng từ bi, bác ái tế độ quần sanh. Ngài lập ra 250 giới luật để răn dạy môn đồ đương thời và hậu thế, có lý nào Ngài phạm nhằm điều luật thứ nhứt hay sao?"

Ông lầm rồi! Phật chính mình không giết, không xúi ai giết, cũng không thấy ai giết con heo rừng ấy mà vui mừng. Vậy cái giới "sát sanh" không khép vào ở khoản nầy được. Thôi, bãi nại đi, đừng để người thuộc luật họ bác đơn mà mang xấu!

Nhưng ông cũng chớ nên hiểu lầm rằng giới luật của Phật pháp như tín điều (Dogmes) của các tôn giáo khác, giới luật chẳng qua là một cái phương tiện mượn để đến chỗ cứu cánh là "trí tuệ" mà thôi. Tôi tuy không phải là nhà luật sư chuyên môn, song cũng hiểu được đại khái.

Mục đích cứu cánh của Phật pháp là: Ðộ hết quần sanh đồng lên cỏi sáng suốt. Nhưng trước kia ta chưa mở trí huệ, thì lòng ta cứ loạn động không yên, đổi thay theo hoàn cảnh, thấy cảnh khổ thì chán chê, thấy cảnh vui thì ham muốn, vậy thì đâu dám đâm thuyền ra cứu vớt những kẻ đương lặn hụp ở giữa chốn ba đào, ra tay tháo củi cho đám còn bị lao lung trong địa ngục? Bởi vậy cho nên mới mượn cái phương tiện "giới luật" cho yên tịnh trong lòng, đặng đến cái mục đích "trí huệ" vậy.

Ông dẫn chứng ở kinh Ðại bát Niết bàn: "Ta xem cả thảy chúng sinh như La hầu La chẳng khác" rồi ông nói thêm: "Phật đã nói như vậy, sao Sư cho rằng Phật ăn thịt chúng sanh. Hay là Sư cho con heo là loài thú chẳng phải chúng sinh sao?"

Câu kinh ấy, đáng lẽ ông đừng đăng lên mặt báo, giữa mắt muôn người, mà chỉ nói nhỏ một mình tôi nghe mà thôi. Vì tôi đã biết Phật, cho nên tôi tin bằng lời. Nếu người không tin, có biết chuyện Nhạc dương tử, không khỏi họ nói Phật có ăn thịt, rồi ông mới làm sao? Vì chính miệng ông khai ra cho người ta đủ bằng cớ mà buộc tội đó!

Trong sách tôi, lời đáp câu hỏi 82: "Vì Phật có dặn bảo các thầy Bí Xu rằng chớ nên từ chối một vật gì của người có bụng tốt dâng cho". Ông lấy câu ấy mà nạn tôi rằng: "Bạch sư Thiện Chiếu, Sư là đệ tử của Phật, phải y theo giáo lý của Phật mà tu hành, chí như có người phụ nữ hình dung yểu điệu, cốt cách phương phi, thấy Sư tu hành theo hạnh Phật, cô ấy động lòng cung kĩnh muốn dâng thân ngọc cho Sư, đặng phục thị như Ma đăng già thuở nọ. Không biết lúc đó Sư có phân biệt lời Phật nói đó là nói theo chuyện, chớ chẳng phải lời nhứt định, thì ôi thôi biết bao là khoái lạc cho Sư".

Tôi có mấy lẽ trả lời dưới đây, vậy ông muốn nhận lẽ nào cũng được.

1/ Nếu người dã chán cái khổ gia đình mà đi tu, không ai dại gì liếm lại nước miếng của mình đã nhổ.
2/ Nếu người chưa trải đủ mùi đời, xuất gia cũng chưa hiểu đạo rủi gặp cái "ca" như vậy, tôi tưởng nghiệp ai gây nấy chịu, có mắc mớ gì mình?
3/ Nếu người nào còn thấy người phụ nữ là hình dung yểu điệu, là cốt cách phương phi, thì họ cho là khoái lạc là phải. Nếu như vậy, dẩu "trời đánh" họ cũng chẳng buông, có biết gì Phật nói theo chuyện cùng chẳng theo chuyện!
4/ Nếu người hiểu lý vô thường, đã có huệ nhãn thì cái mà thiên hạ cho là "ngôi sao", trái lại, người ta xem như ngọn đèn leo lét ở giữa gió: Mắt lờ, tai điếc, tóc bạc, da nhăn, một bà già mang lốt phấn son mà gạt người phàm tục! Ðã hết hy vọng rồi, còn gì mà khoái lạc?
5/ Cưu ma la thập pháp sư có gan mà nhận lãnh mười người kỷ nữ của chúa Diêu Tần ban cho, cái đó cũng là thường. Nhưng không hiểu sao Ngài biết được đời sau không ai chê kinh điển của Ngài dịch thuật, ấy mới lạ thay!

Chính ông Hiển Huệ, là người hay chấp nhứt, mà mỗi đêm tụng kinh Kim Cang, trước hết cũng đọc: "Diêu Tần Tam Tạng pháp sư Cưu ma la thập dịch" tỏ lòng biết ơn và cung kính!

Ông nói: "Sư dịch sách không chịu tra cứu để biên càng dịch lúng, dám nói Thuần Ðà (Cunda) là tên thợ rèn làm thịt heo rừng quay mà đãi Phật, thiệt là vô lý quá, ông Thuần Ðà là một vị Bồ tát đâu phải là thợ rèn".

Thật tôi nói không sai! Bây giờ ông đã lòi cái chơn tướng là tín đồ của Bà la môn giáo rồi! Nếu người đạo Phật sao còn cái óc giai cấp? Sao không hiểu cái nghĩa "hết thảy chúng sanh đều thành Phật được" của Phật pháp?

Thợ rèn là cái tên chỉ "nghề nghiệp để nuôi mạng sống", còn "Bồ tát" là cái tên chỉ "người còn thân phàm mà được sáng suốt trong lòng, thế thì cái thân "thợ rèn" cũng được cái lòng "Bồ tát" như ai vậy chớ!

Giã sử như có người hỏi ông: "Phần đông nhơn loại ở cái xã hội hiện tại nầy, đều là hạng nghèo khổ, đem mồ hôi mà đổi bát cơm, có nhiều nghề còn bị cực khổ, bị đày đọa hơn cái nghề thợ rèn nữa". Mà theo như ông nói: "Thuần Ðà là một vị Bồ tát, đâu phải tên thợ rèn" ấy là ông muốn nói nghề thợ rèn là nghề hèn hạ, đâu được làm đến bậc Bồ tát. Hạng nghèo khổ chúng tôi đã không được cái hân hạnh làm Bồ tát, không làm được Bồ tát, thì không thoát được cảnh khổ. Vậy sao nghe nói đạo Phật là đạo cứu khổ? Hay là ông nói cứu khổ cho hạng giàu sang quyền thế? Nhưng hạng ấy họ có khổ gì đâu!"

Người ta hỏi như vậy rồi ông mới trả lời làm sao? Nếu ông cũng nói như tôi: Bồ tát là người còn thân phàm mà lòng đã được sáng suốt. Cái sáng suốt đã ở trong lòng, mà không phải ở nơi nghề nghiệp, vậy sao tôi nói Thuần đà là người thợ rèn mà ông lại cho là vô lý?

Ông còn chua thêm rằng: "Thuần đà là con ông thợ khéo (Xảo công chi tử) chữ Pháp dịch là Orfèvre".

Trong mấy bài trước, tôi giải đáp như vậy, chắc độc giả phân biệt được chánh tà rồi, và ông Hiển Huệ cũng không còn viện lẽ gì mà chối cãi được nữa. Song cuối bài của ông, lại còn dẫn chứng ở kinh Ðại bát Niết bàn, nói rằng người dọn thịt mời Phật tên là Ðại cát sư, không phải Thuần đà, vậy tôi phải cắt nghĩa thêm về khoản ấy.

Ông Hiển Huệ dịch một đoạn ở phẩm Tùy hỷ: "Tại Vương xá thành có tên Ðại cát sư làm thịt loài vật mà cúng dường Ðức Phật và các Tăng đồ, người ấy hết lòng năn nĩ cầu xin Ðức Phật nhận giùm, song Ðức Thế Tôn không dùng lễ đó mà lại nói rằng: "Ta từ thuở nay chưa từng ăn thịt của loài vật bao giờ, là gì Ta xem cả thảy chúng sanh như con Ta chẳng khác".

Thưa ông, đoạn kinh ấy, theo tôi thì chắc hẳn phái Ðại thừa thêm vào. Bởi vì Phật đã nói với Ðại cát sư rằng: "Ta từ thuở nay chưa từng ăn thịt những loài vật bao giờ", ấy đủ biết trong kinh nói Phật ăn chay từ hồi mới xuất gia, hoặc trước khi xuất gia kìa lận. Mà Phật lại thường ở Trúc Viên (Veluvana) tại Vương Xá thành, nhiều lần thuyết pháp. Vậy theo lời ông dẫn chứng, thì Ðại cát sư cũng là người ở Vương Xá thành, sao không biết Phật và Tăng chúng ăn chay, lại làm thịt loài vật mà cúng dường? Hay là ông nói: Ðại cát sư chưa đến Trúc Viên mà nghe pháp, chưa biết Phật, chưa gặp Tăng chúng lần nào, nên không biết Phật và Tăng chúng ăn chay.

Ủa lạ chưa? Ðã chưa từng quen biết, sao lại làm thịt loài vật và cúng dường?

Hay là ông nói: "Tuy chưa quen biết, song cũng nghe người ta nói"? Nếu người ta nói thì Phật và Tăng chúng ăn chay, người ta cũng nói luôn chớ. Có đâu để cho Ðại cát sư giết đến mười con heo, nếu không, thì cũng năm con bò (ấy là theo số đệ tử Phật theo hộ giá phò trì đến 1250 người của ông nói đa), rồi năn nĩ cầu xin cách mấy Phật và Tăng chúng cũng không dùng?

Thưa ông, ông còn đem kinh ra làm chứng nữa thôi? Ông phải biết, ấy chẳng qua phái Ðại thừa thêm vào, để cho vững cái thuyết "ăn chay" của họ mà thôi.

THIỆN CHIẾU


7. PHẬT GIÁO ÐẠI THỪA TÂY TẠNG VÀ SỰ ĂN CHAY

Quyển "Lịch Sử Phật Giáo thế giới"tập Một, của Pháp sư Thánh Nghiêm, nhà xuất bản Hà Nội - 1995, nhóm biên dịch: G.S Nguyễn Ðức Sâm, Mai Xuân Hải, Nguyễn Tá Nhí. Dịch theo cuốn"Thế giới Phật Giáo Thông Sử"do nhà xuất bản Ðông Sơ ấn hành tháng 9 năm 1991, trang 434 - 436 ghi rằng:

"Do tư tưởng không coi trọng xác thịt ấy, mà tuy Tây Tạng cũng cùng là Phật giáo Ðại thừa, nhưng không chủ trương ăn chay như Phật giáo Trung Quốc. Ðiều thứ ba trong khinh giới của Phạm Võng Bồ tát giới qui định trên văn bản rõ ràng: "Mọi thứ thịt không được ăn, làm hư hại hạt giống của tính đại từ bi", không được ăn thịt của mọi thứ chúng sinh, ăn thịt chịu tội vô lượng. Ðiều 20 lại nói: "Giết mà ăn thịt, tức là giết bố mẹ ta". Phật giáo Tây Tạng không thế. Họ cho rằng người tu hành ăn thịt chúng sinh tức là kết duyên với chúng sinh bị ăn thịt, ăn thịt của chúng sinh mà lại tu trì Phật pháp, thịt của chúng sinh ấy tuy bị ăn, nhưng thần thức thì nhờ đó mà được siêu thoát. Vì vậy an thịt không phải là có tội. nhưng tự họ không sát sanh, giết thịt cừu, bò là việc riêng của tiện nhân và những tín đồ Hồi giáo sống ở Tây tạng, đồng thời họ có một lý do khác để làm đầy đủ lý do của thuyết họ, họ ăn thịt bò cừu mà không ăn thịt tôm cá. Họ nói rằng cùng là ăn thịt chúng sinh, một động vật to như bò hoặc cừu, thì có thể nhiều người cùng ăn, còn nếu ăn tôm, cá, sò, ốc thì phải nhiều chúng sinh mới đủ cho một người ăn no, cho nên bất luận tăng tục chỉ ăn thịt động vật to như bò như cừu chứ không ăn tôm cá, thủy sản. Thật ra thì, đấy là do Tây tạng ở cao nguyên, tuy kinh doanh cả trồng trọt chăn nuôi, nhưng sản phẩm trồng trọt không đủ ăn, cũng không đủ để chống rét, gia súc nuôi thì chủ yếu là bò, cừu. Ðúng như Ðạt lai đời thứ 14 đã nói: Ở Tây tạng, phần lớn là những vùng khí hậu giá lạnh, tuy có rất nhiều cái ăn, nhưng chủng loại rất có hạn, không ăn thịt, không hề giữ được sức khỏe, hơn nữa, trước khi Phật giáo truyền vào, từ lâu đã quen với tập quán nầy rồi. Người Tây Tạng cho rằng giết bất cứ một gia súc nào cũng là có tội, bất luận là vì lý do gì, nhưng họ không cho rằng ra chợ mua thịt bất cứ động vật đã chết nào là có tội. Còn người giết thịt giống thú để bán thì cho là người có tội và là kẻ vô lại". Lại nói ở Tây tạng của họ "Chim và dã thú đều đi lại thoải mái, không sợ người, bởi vì nhân dân ta đều là tín đồ Phật giáo, quyết không thể để ý làm hại bất cứ một sinh vật sống nào" ("Hải triều âm" số 45 - 11, bài "Sự chuyển thể của Phật sống" do cư sĩ Khả Hoa dịch).

Có thể thấy, từ bi giới sát cũng là tín ngưỡng của người Tây tạng. Vì vậy sau khi A Ðề La vào Tây tạng thì Tây tạng bỏ tội tử hình. Ðó là việc đã xảy vào thế kỷ 11 Công lịch. Trong những tăng lữ thì Tây tạng cũng có những người ăn chay, như Ðạt Lai Lạt Ma đời 14 hiện nay là một. Vì thế, việc cày đất ở Tây tạng kiêng dùng đồ sắt, sợ làm chết côn trùng dưới đất, đến nổi sản xuất chịu ảnh hưởng lớn. Sau giải phóng, CHND Trung Hoa tiến hành cải cách, gieo trồng bằng thâm canh, nghe nói nông sản phẩm tăng lên nhanh chóng".

Quyển"Sống hạnh phúc chết bình an"Chân Huyền dịch 1999, của tác giả Hisholiness The DALAILAMA, tựa The Joyofliving and Dying in Peaca, trang 97 có ghi rằng:

"Mỗi ngày, cho tới khi chết, ta ăn uống để nuôi dưỡng cái thân. Tôi đã ngoài lục tuần rồi. Suốt hơn 60 năm đó, tôi đã ăn bao nhiêu thực phẩm, ăn bao nhiêu THỊT? BAO NHIÊU SINH VẬT ÐÃ MẤT MẠNG VÌ TÔI? Chúng ta dùng bao sức lực để nuôi cái thân. Nếu mục đích cuộc đời chỉ có thế thôi thì có lẽ ta chỉ nên làm loài thú hay sâu bọ, ít nhứt là ta không làm hại loài khác" [*]

[*] Ðây là lời của Ðạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 nói.

Ðấy là "Một số nước Phật giáo Ðại thừa ... họ cũng không bảo thủ tục ăn chay, nhưng với họ thì "Quân tử ưu đạo bất ưu thực"

Phật giáo Ðại thừa Mông Cổ cũng giống như Tây tạng, ai có đi dự Ðại hội Phật tử Á Châu Vì Hòa Bình thì biết rõ (Phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi dự Ðại hội ấy có H.T Trí Thủ, H.T Minh Châu, Ni sư Huỳnh Liên ... phải mang đồ chay theo để mà dùng).

Phật giáo Tây tạng cũng được truyền đến Cao ly, Nhật bổn ...


8. HÒA THƯỢNG THIỆN HOA VÀ SỰ ĂN CHAY.

Quyển "Phật học phổ thông" bài thứ chín, đề "Ăn chay" Hương Ðạo xuất bản, Ban Hoằng pháp Phật giáo Nam Việt chủ trương, tái bản năm 1966, trang 153 ghi rằng:

"Những lợi ích của sự ăn chay đối với cá nhân rất lớn lao. Người ăn chay không những thâu hoạch được những lợi ích trong hiện tiền mà cả trong đời sống tương lai nữa.

Trong hiện tại, người ăn chay được những lợi ích sau đây:

- Tiết kiệm được tài chánh, vì đồ ăn chay rẽ hơn đồ ăn mặn nhiều.

- Tiết kiệm được ngày giờ và công lao nấu nướng, vì mướp, dưa, bầu, bí, khoai ... cắt rửa mau và ít tốn nước, và khi kho, luộc, nấu nướng lại mau chín, ít hao củi.

- Thân thể được khỏe mạnh, tinh thần được nhẹ nhàng, trong sạch: Trí tuệ được minh mẫn để tu thiền quán ..."

Ðấy là "Không chê đồ chay" (Vì có lợi ích thiết thực).

Trang 151 ghi rằng:
"Những điều cần tránh:
a/ Không nên kiêu mạn. - Người có phúc duyên ăn chay được dễ dàng, không nên sanh lòng kiêu mạn, tự cho mình là hơn người, và khinh người ăn mặn. Làm như thế đã sanh ác cảm với người mà lại còn làm tổn âm đức của mình nữa.
b/ Không háo danh. - Có người mới bước vô đường đạo, họ đã ăn chay trường ngay, cốt để người khác khen ngợi. Ăn chay như thế là do lòng háo danh mà ra; hành động nầy không có lợi cho sự tu hành mà lại còn có hại: Khi không còn ai khen ngợi nữa, thì không thấy hứng thú để tiếp tục ăn chay nữa.
c/ Không nên ép xác. - Có người tưởng lẩm rằng: Ăn chay là để hành hạ thân xác, nên cố ăn một cách cực khổ như chỉ ăn ròng rã tương rau, muối xả ... từ năm nầy sang năm khác. Ăn như thế sẽ hao mòn thân xác và chết yếu trước khi thành đạo.
d/ Không nên giả mặn. - Có nhiều bà nội trợ muốn trổ tài khéo léo của mình bằng cách nấu chay mà giả mặn, rồi đặt tên món ăn mặn hay làm ra những hình thức giống như đồ mặn. Thí dụ như: Củ hủ cao, củ hủ dừa kho mà gọi là cá tra kho, bắp chuối luộc trộn giấm và rau răm lại đặt là thịt gà xé phay; bí đao xắt mỏng cập gắp nướng ăn với bánh hỏi mà lại đặt tên là thịt bò lụi ...

Như thế, là đã vô tình xúi giục người ăn chay nghĩ đến món mặn, miệng ăn rau dưa, mà lòng nhớ đến thịt cá, làm trò cười cho thế gian.

Ðấy là "... nhưng không chấp nhận thành kiến ăn chay" và "Tuy không phải cá thịt nhưng là cá thịt (bởi khi ăn các món chay mà hình thức lẫn tên gọi đều là món ăn mặn như thịt quay, cá kho ... món chay mà tâm mặn)".


BÁT NHÃ PHI BÁT NHÃ?

Bát Nhã Tâm Kinh đoạn đầu: "Quán Tự Tại Bồ tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Ða, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không nhứt thiết độ khổ ách. Xá Lợi Tử, Sắc tức thị không, không tức thị Sắc, Sắc bất dị không, không bất dị Sắc; thọ, tưởng, hành, thức, diệt phục như thị".

Vậy thảo mộc, thịt cá làm thực phẩm có phải là Sắc chăng? Nếu là Sắc, thì "Sắc tức thị không" chẳng phải sao?

- Chữ "không" ở đây, muốn hiểu là "Bát Nhã" cũng được, là "Khái niệm" cũng được.

- Cái tên gọi "là vật thực", "thực phẩm chay", "thực phẩm mặn" không phải là "giả danh, khái niệm, không (Sunnatà)" hay sao?

Ðấy là "Ảnh hưởng tinh thần Bát Nhã"!


LỜI BẠT

Sau khi kiểm tra lại các tài liệu kinh sách Phật giáo trong và ngoài nước thì thấy "Lời giới thiệu của TT Giác Chánh không có chỗ nào kích bác chay mặn, không hề bài bác Nam Tông, Bắc Tông, luôn cả Nho giáo, cũng không hề bôi bác các nước Phật giáo bạn, cũng không hề chỉ trích các tổ Thiền tông...

Những người lên mạng Internet ... phê bình TT Giác Chánh, nhưng họ cũng phải chấp nhận lời TT Giác Chánh là đúng, như cư sĩ Chơn Chánh viết: "Các Ngài hành đạo tùy duyên, không căn cứ vào bất kỳ một pháp nhất định nào để giáo hóa chúng sinh; gặp mặn thuyết mặn, gặp chay thuyết chay" và Liên Tâm cũng viết: "Truyền thống uyển chuyển ấy cũng vẫn còn được chư Tổ sư sau nầy noi theo". Ðấy là "Các vị Tổ sư cũng không quá cố chấp tập quán ăn chay" của TT Giác Chánh.

Chỉ có Cung Ðình Hướng thì phản đối thẳng thừng: "Kính thưa quý vị! Ðang ăn những món "chay giả mặn" xin quý vị cứ việc "ăn chay mà tâm mặn đi" thì Hòa thượng Thích Thiện Hoa quở: "Không nên giả mặn. - Có nhiều bà nội trợ muốn trổ tài khéo léo của mình bằng cách nấu chay mà giả mặn ... như thế, là đã vô tình xúi giục người ăn chay nghĩ đến món mặn, miệng ăn rau dưa, mà lòng nhớ đến thịt cá, làm trò cười cho thế gian" (Phật Học Phổ Thông, bài ăn chay, trang 152).

Mong rằng các Phật tử trên "Diển đàn Phật pháp" hãy giữ "Tâm bình khí hòa" khi biện luận Phật pháp ...


MONG THAY
Nhóm Phật tử Phù Sa
tháng 9-2001
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com