Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Quan niệm Phật giáo Bắc tông về việc ăn chay

05/04/201319:03(Xem: 10050)
3. Quan niệm Phật giáo Bắc tông về việc ăn chay
Vấn Đề Ăn Chay, Ăn Mặn Trong Đạo Phật


Vấn Đề Ẩm Thực Trong Đạo Phật

Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt
Nguyên tác: Jan Sanjivaputta, "
Are you herbivore or carnivore?",
England, 1992


3. Quan niệm Phật giáo Bắc tông về việc ăn chay

Nhiều người cho rằng ăn chay là một phần không thể tách rời của tư tưởng Phật giáo Ðại thừa. Một điều giới luật về việc thực hành ăn chay được ghi rõ trong kinh Bồ-Tát giới: "Một Tỳ khưu ăn thịt từ con thú sống là một điều tội lỗi" [7].

Ðặc biệt trong kinh Níp-bàn (của Ðại thừa), được tìm thấy một lời dạy mạnh mẽ: "Ăn cá, thịt là phá vỡ hạt giống từ bi".

Trong kinh Phạm võng (Brahmajàla sutra) của tạng Sanskrit cũng dạy tương đương: "Một môn đệ của Ðức Phật không nên cố ý ăn cá, thịt của bất cứ loại chúng sinh nào vì nếu hành động như vậy, vị đó đánh mất lòng từ bi, giới hạnh và hạt giống giác ngộ. Ðiều đó cũng là nguyên nhân làm cho các sinh vật gặp người đó sẽ xa lánh. Do đó chư Bồ-Tát xa lánh việc ăn cá, thịt của bất kỳ sinh vật nào. Việc ăn cá, thịt là cội nguồn của tội lỗi vô biên".

Bộ kinh Lăng-nghiêm (Surangama sutra) phê bình nghiêm túc về việc ăn cá, thịt: "Sau khi Như Lai nhập Níp-bàn, thời mạt pháp, ma quỷ sẽ lộng hành khắp thế giới, và sẽ khoe khoang là chúng ăn thịt để đạt giác ngộ. Này Ananda! Như Lai cho phép chư Tỳ khưu ăn năm loại thịt thanh tịnh, là sản phẩm của năng lực phi phàm của Như Lai chứ không phải là thú bị giết chết. Này Bà la môn, sống nơi cây trái không mọc được vì quá ẩm và oi bức và vì toàn sỏi đá, Như Lai sẽ dùng năng lực phi phàm của tình thương để trợ cấp cho các ngươi ăn thịt ảo tưởng để cho các ngươi qua cơn đói khát. Vậy thì, sau khi Như Lai Níp-bàn, các người ăn cá, thịt chúng sinh mà còn dám tự nhận là đệ tử của Như Lai sao? Các người phải biết rằng những ai ăn cá, thịt, dù tâm trí họ mở mang và thực chứng được định tâm thì cũng chỉ là ma quỉ to lớn mà sau kiếp này sẽ bị sinh tử luân hồi và không thể nào là môn đệ của Như Lai. Họ sẽ ăn thịt và giết nhau liên tục; làm sao họ có thể thoát khỏi vòng tam giới này được" [8].

Hơn nữa, trong kinh Lăng-già (Lankavatara sutra) có một chương đặc biệt thảo luận về vấn đề ăn cá, thịt. Ðây là cuộc đàm thoại với vị Bồ-Tát tên là Mahamati. Một phần của cuộc đàm thoại được ghi lại như sau: "Này Mahamati, không đúng khi cho rằng thịt là thực phẩm thích hợp và được phép cho các Tỳ khưu khi thú không bị giết hại do chính người ấy, khi người ấy không ra lệnh giết, khi thực phẩm đó không dành riêng cho người ấy. Thêm nữa, này Mahamati, có thể có người u mê trong đời sau, bắt đầu công việc xuất gia theo giáo lý của Như Lai, được xem như là đệ tử của ta, mặc áo cà sa như là một biểu hiện, tuy nhiên người đó trong tư duy bị ô nhiễm bởi những lý thuyết sai sót. Họ có thể nói về những điều khác biệt nhau mà họ lấy trong giới luật của họ, do bị si mê bởi quan niệm về linh hồn cá thể, do ảnh hưởng thèm khát hương vị thịt, họ đúc kết lại những phương pháp luận khác nhau để biện minh cho việc ăn cá, thịt. Vả lại, chính họ bịa ra một giới luật mười điều học về thịt thú vật được tìm thấy đã chết rồi. Tuy nhiên, trong quyển kinh này với bất cứ hình thức ăn cá, thịt nào, mọi lúc, mọi nơi đều bị nghiêm cấm vô điều kiện và tuyệt đối không cho tất cả... Không có loại thịt nào được xem là thanh tịnh ở ba cách: không cố ý, không đòi hỏi, và không xúi giục, cho nên ngăn cấm ăn cá thịt. Tuyệt đối không ăn cá, thịt, dù ai có nói vấn đề tam tịnh nhục: thấy, nghe và nghi; những nhà lý luận sinh ra trong gia đình ăn cá thịt thì không hiểu điều này." [9]

Chống đối việc ăn cá, thịt và khuyên ăn chay được tìm thấy trong những bản kinh bằng tiếng Sanskrit khác, đó là quyển Hastokakshya, Mahamegha, Nirvana và Anglimalika. Tuy nhiên những bản kinh này không có phần nào tương đương trong Tam tạng Giáo điển được chấp thuận của Phật giáo Truyền thống (Theravàda).

Nơi đây, vấn đề được nghiên cứu là nguồn kinh điển nào đáng tin tưởng hơn? Nguồn kinh điển đó có được xem là nguyên thủy hay không? Phật giáo Nguyên thủy có loại bỏ một số đoạn kinh sách nào không? Hay đó là những điều Phật giáo Ðại thừa thêm vào? Kinh và giới luật đó có thật sự được Ðức Phật dạy và thiết lập hay không? Phật giáo Ðại thừa và Phật giáo Nguyên thủy vẫn cho là quan niệm của các kinh văn của tông phái mình là nguyên thủy. Cần tìm hiểu vấn đề này thật sâu sắc hơn mà không thiên vị Therevàda hay Mahayàna. Phương pháp tìm hiểu chính xác nhất là nghiên cứu giá trị kinh và luật bằng chứng tích lịch sử.

Trong kinh Bồ-Tát giới (Bodhisattva sutra) do ngài Kumarajiva (Cưu-ma-la-thập) dịch, có năm mươi tám điều luật, được phân chia làm hai loại. Mười điều tội nặng (garukapatti), trong đó bốn điều giới luật đầu tiên thì tương đương với bốn điều giới bất cộng trụ (parajika) trong luật tạng Pàli. Tội nhẹ (lahukapatti) có bốn mươi tám điều, trong đó điều giới luật thứ ba đề cập đến ăn chay. Ðiều được phân tích thêm là giới luật thứ tám của phần tội nhẹ có viết: "Một Tỳ khưu mà nói xấu hay lên án Phật pháp Ðại thừa (Mahayàna) thì vi phạm một tội nhẹ" [10].

Sự xuất hiện danh từ "Ðại thừa" trong điều luật có vẻ hơi kỳ dị rõ rệt. "Trong việc nghiên cứu lịch sử về danh từ Ðại thừa và Tiểu thừa (Mahayàna and Hìnayàna) và Phật giáo gốc của Ðại thừa", giảng viên Ryukan Kimura ở trường đại học Calcutta, khoa lịch sử và văn hóa cổ Ấn Ðộ, kết luận rằng danh từ Ðại thừa không được biết đến trong cộng đồng của Phật giáo thời Ðức Phật tổ Gotama còn sinh tiền. Theo Pàli tạng Nikàya [11] và Hán tạng Agama [12] là những tạng đáng tin tưởng nhất về tính chất nguyên thủy, không tìm thấy được danh từ Ðại thừa.

Danh từ Ðại thừa xuất hiện lần đầu sau đại hội kết tập kinh điển lần thứ hai, khoảng một trăm năm sau khi Thế Tôn Níp bàn, là hậu quả của sự chia rẽ trong Tăng già. Những người thuộc phái Ðại chúng bộ tức giận và bị gọi là "Tỳ khưu xấu" và "đệ tử tà giáo" bởi những người theo phái Trưởng lão bộ, trung thành với giáo lý của Ðức Phật Gotama. Chư vị tìm một danh từ mới cho phái của mình để duy trì và xiển dương ý kiến, quan niệm và chân lý của họ, cũng như châm biếm các bộ phái khác. Một số danh từ như Bồ Tát thừa (Bodhisattvayana), Phật thừa (Buddhayana), A la hán thừa (Arahatyàna), Thinh văn thừa (Sravakayàna), Thiên thừa (Dviyàna) đã được họ áp dụng trong một thời gian tương đối ngắn. Nhưng dường như họ không thỏa mãn với những danh từ này bởi vì tất cả đều là chi tiết, duy nhất có thể chỉ ra những sự khác nhau trong những khía cạnh nào đó. Họ cần một danh từ mà sẽ tích hợp, đại diện và bao trùm những ý kiến, quan niệm và giáo điều khác như một đoàn thể. Cuối cùng họ mới chọn danh từ Ðại thừa (Mahayàna), cổ xe lớn, dành cho phái của họ và danh từ Tiểu thừa (Hìnayàna), cổ xe nhỏ, dành cho những tông phái khác.

Từ thời điểm đó cho đến thời luận sư Long Thọ (Nagarjuna), thế kỷ thứ hai sau công nguyên, danh từ Ðại thừa và Tiểu thừa chỉ được sử dụng để ám chỉ những sự khác nhau về giáo lý cơ bản - như được dùng trong kinh Diệu pháp liên hoa (Saddharmapundarika sutra). Thời điểm Long Thọ trở về sau, danh từ này chịu một sự thay đổi có ý nghĩa, nó không những đề cập đến sự khác nhau về giáo lý căn bản, mà còn nói đến sự khác nhau về trường phái - như được viết trong kinh Bát nhã ba la mật đa (Prajnaparamitta sutra). Không những phái Trưởng lão bộ (Theravàda) và Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada) được xếp loại là Tiểu thừa mà còn phái Ðại chúng bộ (Mahàsanghika), tiền thân của phái Ðại thừa, cũng bị cho là Tiểu thừa nữa.

Từ những sự phân tích trên, rõ ràng rằng danh từ Ðại thừa thật sự không được biết đến trong cộng đồng Phật giáo cho đến sau này. Trở lại bài viết này với câu hỏi: Vì sao danh từ Ðại thừa mới có, lại xuất hiện trong một điều luật của kinh Bồ Tát giới? Chắc chắn là người ta không thể trả lời, nhưng người ta kết luận rằng, danh từ này mới thêm vào.

Ðiểm kế tiếp để xem xét là: khi nào họ không cảm thấy "có tội" gì về việc gán danh từ Ðại thừa và dọa nạt những ai hạ thấp và chống đối lại giáo lý của họ, họ có cảm thấy "có tội" về việc gài một giới luật mới là việc ăn chay vào trong kinh Bồ Tát giới và lạm dụng danh nghĩa của Ðức Phật như một người cấm chế điều luật đó? Về danh xưng Bồ Tát giới trong quyển sách này thì không phù hợp cho lắm. Tất cả các giới được đặt ra ở đó, là những giáo điều dành cho các thầy Tỳ khưu. Trong trường hợp này, người biên soạn quyển Bồ Tát giới có thể được xem là dẹp qua một bên sự kiện là chư Bồ Tát không luôn luôn sinh ra làm người, nhưng có thể sinh ra làm các loài khác như súc sinh. Nếu như giới luật trong kinh Bồ Tát giới được áp dụng cho chư vị Bồ Tát sinh ra trong bất kỳ thế giới nào, thì sự thực hành sẽ chắc chắn dị thường và buồn cười lắm. Mà nếu cho Bồ Tát giới là giáo điều áp dụng đặc biệt cho một vị Bồ Tát chào đời như là một Tỳ khưu, thì việc sử dụng thuật ngữ "Bồ Tát" của quyển kinh này có thể được xem là không chuẩn lắm.

Chư vị Tỳ khưu thời của Ðức Phật và cả chính Ngài nữa, có dùng cá thịt hay không, điều đó rất dễ để chứng minh bằng sự kiện lịch sử. Trong quyển luật tạng Pratimoksa sutra bằng tiếng Sanskrit của phái Ðại chúng bộ (Mahàsanghika), tiền thân của phái Ðại thừa (Mahàyàna), tư tưởng Phật giáo, trong giới luật thứ ba mươi chín của Paccattika [13] có một điều luật sau: "Tỳ khưu nào không bệnh mà hỏi xin hay thọ lãnh thực phẩm, được cho là ngon, để mình ăn, thì phạm tội ác". Những thứ thực phẩm được xem ngon (pranitasammatanibho janani) như là sữa, bơ, dầu, mật ong, mật mía, cá và thịt [14]. Một cách chính xác, điều luật này hàm ý là một Tỳ khưu bị bệnh có thể hỏi xin cá hay thịt, còn một Tỳ khưu không bệnh cũng có thể dùng cá và thịt, miễn là Tỳ khưu đó không tự mình hỏi xin. Như vậy, tin chắc rằng thịt và cá là thực phẩm được phép dùng và phổ thông cho các Tỳ khưu trong thời của Ðức Phật [15 ].

Một nhà nghiên cứu Phật giáo nổi tiếng người Nhật, Daisetz Teitaro Suzuki, đã nói đến trong lời giới thiệu bản dịch của kinh Lăng-già (Lankavatara sutra) và cũng nói đến trong quyển sách chú giải của ông ta "Nghiên cứu kinh Lăng già" rằng chương thứ tám của quyển kinh, "Về việc ăn cá thịt", là được cho thêm vào sau này, giống như chương đầu, kể lại cuộc đàm thoại với Ravana - một nhà vua trong thần thoại Ấn Ðộ giáo. Chắc chắn chương thứ tám này đã được thêm vào trong quyển kinh. Chương này cũng đã được sửa đổi nhiều lần. Việc ăn cá thịt chắc chắn đã được thừa nhận trong tín đồ Phật tử thời kinh Lăng-già đã được biên soạn. Rõ ràng Ðức Phật không cấm họ ăn cá thịt, nếu như con vật đó không do chính họ giết. Ðiều này gây ra những lời phê bình không hay của các tôn giáo khác. Do đó giới Phật giáo bị bất mãn với lời phê bình này, điều đó dẫn đến một sự nỗ lực mới là cấm ăn cá thịt trong phái Ðại thừa. Hơn nữa, kinh Lăng-già, là tập hợp những điều được nối lại với nhau một cách không có phương pháp, và không phải là lời thuyết giảng trực tiếp của Ðức Phật, mà được biên soạn ra sau khi Ðức Thế Tôn viên tịch.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu của ngài D.T. Suzuki - như đã kết luận ở trên, tạp chí Pancaran Dhamma Matrodevi, Indonesia, viết: "Nếu quyển kinh nào thuộc Tam tạng Kinh điển, thì quyển đó đúng là lời thuyết giảng của Ðức Phật, như quyển kinh Lăng-già". Ðây là câu nói thiếu tế nhị, không dựa trên sự kiện lịch sử, mà chỉ là đức tin mù quáng và là sự nỗ lực ngây ngô để thống nhất Phật giáo. Trong quyển Dipavamsa nói thẳng rằng các tu sĩ lạc hướng của phái Vajjiputtaka, những người thành lập giáo phái Ðại thừa, họ không hiểu đúng ý nghĩa của giáo pháp thuần túy của Ðức Phật, đã tự ý lượt bớt một phần khá quan trọng trong kinh và luật và biên soạn kinh và luật mới (giả). Ðiều đó cho thấy rằng Phật tử Indonesia ngày nay không tuân hành theo lời dạy của Tỳ khưu Narada: "Ðừng có tin tưởng rằng một quyển kinh bắt đầu bằng một câu giả tạo 'Như vầy tôi nghe, một thời Ðức Phật ngụ ở thành Xá Vệ (Sravasti)...'. Ðây là những lời thuyết giảng của Ngài. Ðối với một số tôn giáo, viết một cụm từ như vậy cũng dễ như viết tiểu thuyết, và gài những quyển kinh mới vào trong Tam tạng dễ như đặt một quyển sách mới vào trong kệ sách thư viện vậy".
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]