Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3

15/05/201320:16(Xem: 11112)
Phần 3

Kinh Di Giáo lược giải

Phần 3

Thích Viên Giác

Nguồn: Thích Viên Giác Sài gòn 1997

C. Định Học


Phần định học có 3 tiết: tu hạnh tinh tấn, tu tập chánh niệm và tu tập thiền định. Vậy định học được trình bày trong kinh Di Giáo phù hợp với định học trong 8 chi phần của bát chánh đạo: chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định. Thực ra phần Định học có 2 bước chủ yếu là chánh niệm tỉnh giác và đưa tâm vào thiền định. Tinh tấn là năng lực ắt phải có và đủ xuyên suốt lộ trình tâm lý mà thôi.
I. Tu hạnh Tin Tấn
Từ "Các thầy tỳ kheo, nỗ lực tinh tấn... đó là hạnh tinh tấn": Đoạn này nói về tu hạnh tinh tấn, là sự nỗ lực nhiệt tâm để hoàn thành mục đích của mình. Kinh văn dạy:"các thầy tỳ kheo, nỗ lực tinh tấn thì không có việc gì khó khăn. Thế nên các thầy phải thực hành sự nỗ lực tinh tấn". Nếu không có sự nỗ lực tinh tấn thì không có việc gì thành tựu được, vì vậy tinh tấn là đức tính luôn luôn có mặt trên lộ trình tu tập từ bước đầu tiên cho đến đạt được mục tiêu cuối cùng là giải thoát.
Nói chung tinh tấn là nội dung của tứ chánh cần trong 37 phẩm trợ đạo. Tứ chánh cần là 4 sự nỗ lực tinh cần: nỗ lực tinh cần ngăn ngừa không cho sinh khởi các ác bất thiện pháp chưa sinh, đoạn trừ các ác bất thiện pháp đã sinh. Nỗ lực tinh cần làm phát khởi các thiện pháp chưa sinh, làm tăng trưởng những thiện pháp đã sinh. Đó là căn bản của tinh tấn. Trên cơ sở đó, tinh tấn trong phần định học, có tác dụng riêng biệt đối với tâm định. Kinh Tăng Chi đức Phật dạy:"này các tỳ kheo có 4 loại tinh cần: tinh cần chế ngự, tinh cần đoạn tận, tinh cần tu tập và tinh cần hộ trì". Đức Phật giảng thêm tinh cần chế ngự là nỗ lực tu tập chế ngự 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, đừng để cho 6 giác quan bị các đối tượng bất thiện lôi kéo mà khởi lên tham ái, ưu bi. Tinh cần đoạn tận là nỗ lực tu tập đoạn trừ những tư duy bất thiện gồm có tham dục, sân hận và hãm hại khởi lên. Tinh cần tu tập là nỗ lực tu tập các pháp môn như 7 giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xã giác chi. Tinh cần hộ trì là nỗ lực tu tập giữ gìn các định tướng hiền thiện đã có trong tâm. Như vậy là sự tinh cần có mặt trong mọi giai đoạn, mọi pháp môn tu tập. Riêng đối với giai đoạn tu tập thiền định thì tinh tấn chính là tinh cần tu tập để đưa tâm vào định, nghĩa là sự tinh tấn duy trì tâm an trú trên đối tượng, dẫntâm đến hỷ, khinh an định tâm rồi xả tâm.
Nếu sự tu tập của mình không đủ lực, tức là tinh tấn không có thì tâm định sẽ không có như kinh văn dạy: "Nếu người hành đạo mà hay biếng nhác, phế bỏ thì cũng như kéo lửa chưa nóng mà đã ngừng, dầu thiết tha có lửa, lửa cũng khó có được".
Vì vậy người tu tập hạnh tinh tấn trong mọi giai đoạn, nhất là trong giai đoạn thiền định thì cần nỗ lực tinh cần tu tập duy trì, an trú tâm vào thiện pháp (hiện tại đang tu) không ngừng nghỉ như gà ấp trứng, sẽ đạt được một cách nhanh chóng mục đích của mình. Như kinh pháp cú, Phật dạy:
"Tinh cần giữa phóng dật
Tỉnh thức giữa quần mê
Người trí như ngựa phi
Bỏ sau con ngựa què" (PC kệ 29).
II. Tu Tập Chánh Niệm Tĩnh Giác
Từ "Các thầy tỳ kheo, cầu thiện tri thức... đó là hạnh không quên chánh niệm": Đoạn này nói về công đức chánh niệm, là khả năng chính để đạt định và tuệ. Chánh niệm là cơ sở cho chánh định, nó còn làm cơ sở cho các chi phần khác của bát chánh đạo, cho mọi thiện pháp. Tác dụng của chính chánh niệm là làm ngưng bất thiện pháp, làm an trú thiện pháp và làm cơ sở cho Định và Tuệ, một khả năng rất bao quát, như trong kinh 40 pháp (Trung bộ kinh) Phật dạy: "ai chánh niệm đoạn trừ tà tư duy, chánh niệm đạt được và làm an trú chánh tư duy. Như vậy là chánh niệm của vị ấy", với các chi phần cũng như vậy.
Kinh văn Đức Phật dạy: "Các thầy tỳ kheo, cầu thiện tri thức cầu thiện hộ trì, cầu thiện hỗ trợ đều không bằng không quên chánh niệm". Điềâu này xác định rằng chánh niệm là pháp môn quan trọng và có tác dụng lớn. Đoạn này có 2 vấn đề:
1. Cầu thiện tri thức, thiện hộ trì và thiện hỗ trợ. HT. Trí Quang giải rằng: "Cầu người giúp văn pháp (thiện tri thức), cầu người giúp tư pháp (thiện hộ trì), cầu người giúp tu pháp (cầu thiện hỗ trợ). Tức là cầu người giúp mình văn, tư, tu. Chúng ta cũng có thể hiểu theo ý nghĩa của thiện tri thức. Thiện tri thức có 3 loại: giáo thọ thiện tri thức, đồng hạnh thiện tri thức và ngoại hộ thiện tri thức. Cầu thiện tri thức là mong cầu về tri thức, người khác giúp ta hiểu biết về giáo pháp tương đương với giáo thọ thiện tri thức. Cầu thiện hộ trì là mong cầu người khác giúp ta tu tập tương đương đồng hạnh thiện tri thức, cùng tu cùng chia xẻ kinh nghiệm và nâng đỡ mình. Cầu thiện hỗ trợ là mong cầu người khác hỗ trợ ta tu tập tức là tạo điều kiện thuận lợi về mặt vật chất như thực phẩm, áo quần, giường chiếu, dược phẩm..., tiện nghi của đời sống, tương đương với ngoại hộ thiện tri thức. Một người muốn tu tập tốt phải có sự giúp đỡ của 3 hạng thiện tri thức này. Đây là những đối tượng mong cầu của người xuất gia.
2. Không bằng không quên chánh niệm, mong cầu các điều kiện thuận lợi cho sự tu tập chỉ là những trợ duyên bên ngoài, có thể giúp ta đạt được những kết quả nhất định, nhưng không bằng nương tựa vào khả năng chánh niệm của chính mình, năng lực chánh niệm sẽ làm cho định lực và tuệ giác phát huy, năng lực ấy có sẵn trong tự thân của mỗi người. Kinh Trường Ahàm đức Phật dạy: "Này Anan, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác. Hãy tự mình nương tựa chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa một pháp nào khác". Đức Phật dạy thêm: nương tựa với chánh pháp nghĩa là vị tỳ kheo lo quán sát thân thế nơi thân thể, cảm thọ nơi cảm thọ, tâm ý nơi tâm ý, đối tượng tâm ý nơi đối tượng tâm ý. Nghĩa là thực hành quán niệm về 4 lãnh vực tức là tứ niệm xứ. Tứ niệm xứ chính là nội dung của chánh niệm tỉnh giác, đây là bước thứ 5 trong đạo lộ tuần tự tu tập của Phật giáo.
Pháp môn chánh niệm đóng vai trò quan trọng trong lộ trình tu tập. Trong bát chánh đạo, chánh niệm là nền của định tuệ, thất giác chi, chánh niệm được đặt hàng đầu và tứ niệm xứ là đối tượng của chánh niệm. Trước hết mình đừng phóng tâm đuổi theo trần cảnh, mình quay lại chính mình lấy lại quyền tự chủ, tự chủ thân thể, tự làm chủ các cảm thọ, tư duy và đối tượng của tư duy. Nhờ chánh niệm tỉnh giác ta thấy rõ hoạt động của thân thể và của tâm lý, ta có thể chuyển hóa từ thác loạn thành ổn định, vững chãi, từ ô nhiễm thành thanh tịnh, từ đau khổ thành hạnh phúc, từ sanh tử thành niết bàn. Con đường chánh niệm tỉnh giác là con đường duy nhất để đạt được mục tiêu tối hậu, kinh Tứ Niệm Xứ (Trung bộ) Phật dạy: "Đây là con đường duy nhất để giúp chúng sinh thực hiện thanh tịnh, vượt thắng phiền não, tiêu diệt khổ ưu, đạt tới chánh đạo và chứng nhập niêt bàn, đó là con đường của 4 phép an trú trong quán niệm"
Tác dụng của chánh niệm có 3:
1. Nhờ hạnh chánh niệm mà các tâm lý tham dục, sân hận, si mê, đố kỵ được dừng lại, sự kích thích các tâm lý bất thiện không sinh khởi, phiền não khổ ưu không có cơ hội phát triển và xâm nhập như kinh văn dạy: "không quên chánh niệm thì giặc phiền não hết cách xâm nhập tâm trí" có khả năng làm cho phiền não không xâm nhập, kinh pháp cú Phật dạy:
"Như ngôi nhà khéo lợp
Mưa không xâm nhập vào
Cũng vậy tâm khéo tu
Tham dục không xâm nhập" (PC kệ 14)
2. Nhờ chánh niệm mà giữ gìn và an trú các thiện pháp, giữ được các công đức. Kinh văn dạy: "Mất chánh niệm là mất công đức". Công đức do đoạn trừ bất thiện, do phát triển thiện, do tâm thanh tịnh, do định lực viên mãn, đó là những công đức nhờ vào chánh niệm mà được giữ gìn và an trú. Sự tỉnh giác đối với các hoạt động tâm ý không còn thì các công đức ấy tán thất, phóng dật sẽ sinh và bất thiện pháp có mặt.
3. Nhờ chánh niệm mà tâm hồn được vững chãi, được an ổn có thể làm việc, sinh hoạt như mọi người mà không bị ô nhiễm, phiền não tác động chi phối. Kinh văn dạy: "Nếu chánh niệm có sức lực vững mạnh thì dầu vào trong đám giặc ngũ dục cũng không bị chúng sát hại, tựa như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp lát đồng thì không còn sợ hãi gì nữa". Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn là đặc tính của hoa sen, gần ngũ dục phiền não mà không bị ngũ dục và phiền não tác động làm hại là đặc tính của chánh niệm tỉnh giác.
III. Tu Tập Thiền Định
Từ "Này các tỳ kheo, tập trung tâm lại... đó là hạnh thiền định": Đoạn này Phật dạy về công phu tu tập thiền định có 2 phần:
Phần 1. Kinh văn dạy: "Các thầy tỳ kheo, tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định". Câu nói hết sức đơn giản nhưng cô đọng và khái quát phương pháp và mục tiêu của thiền. Thiền định là trái tim của Phật giáo. Tu tập giới để dọn đường cho thiền định, trên cơ sở tâm định, trí tuệ phát triển và đoạn tận lậu hoặc. Thiền định có nhiều phương pháp của các môn phái, học thuyết, tôn giáo, đúng và sai, chánh và tà thiên hình vạn trạng. Đối với Phật giáo, Đức Phật dạy về thánh chánh định như sau: "Này các tỳ kheo, thế nào là thánh chánh định với các cận duyên và tư trợ? Chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm. Này các tỳ kheo, phàm có nhất tâm nào được tư trợ với 7 chi phần này thì gọi là thánh chánh định" (Đại Kinh 40 pháp, Trung Bộ kinh III). Như vậy thiền định truyền thống Phật giáo bao gồm cả đạo đức và tri thức, trên cơ sở ấy thiền định mới đúng hướng.
Phương pháp thiền rất đơn giản mà cũng rất phức tạp. Đơn giản là "tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định", phức tạp là bằng cách nào tâm sẽ được tập trung! Tiếng Phạn gọi thiền định là Samàdhi hay Dhyàna. Samàdhi nghĩa là đình chỉ tâm tán loạn, tập trung vào một đối tượng. Dhyàna nghĩa là tĩnh lự, đình chỉ tâm tán loạn chuyên tâm về một cảnh hay một đối tượng. Thông thường người ta chia làm 2 loại: thiền Chỉ và thiền Quán, thiền chỉ là tâm chuyên chú vào một đối tượng đạt được nhất tâm, thiền quán là tập trung vào các đề mục quán chiếu để thấy rõ bản chất của sự vật. Phương pháp lý tưởng là chỉ quán song tu hay còn gọi chung là thiền định.
Đối tượng của thiền định có thể nói một cách khái quát gồm có 4 lãnh vực: Thân, thọ, tâm, pháp. Sáu tùy niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm từ, và niệm thiện. 4 niệm phạm trú: Từ, Bi, Hỷ, Xã v.v...
Mục tiêu gần của thiền định là đoạn trừ 5 triền cái và thành tựu 5 thiền chi. 5 triền cái là 5 loại trói buộc và che mờ tâm ý, làm tâm rối loạn không an tịnh, gồm có:
1) Tham dục: khi tâm bị tham dục chi phối tức là bị các đối tượng thích ý làm cho thèm muốn khởi lên nên không thể tập trung tâm ý được.
2) Sân hận: khi tâm bị sân hận chi phối tức là bị các đối tượng không thích ý làm cho nóng nảy loạn động không thể tập trung tâm được.
3) Hôn trầm: khi tâm bị hôn trầm tức là bị co rút lại buồn ngủ, tâm mờ tối không tỉnh giác để hướng đến đối tượng.
4) Trạo hối: khi tâm bị trạo hối tức là tâm giao động lăng xăng chập chờn không chú tâm vào đối tượng.
5) Nghi: khi tâm hoài nghi chi phối thì sinh do dự không thể quyết tâm trên đối tượng.
Thành tựu 5 thiền chi là 5 yếu tố đoạn trừ 5 triền cái và thành tựu thiền tâm:
1) Tầm:là trạng thái hướng tâm đến đối tượng, sự xúc chạm đầu tiên của tâm với đối tượng, tác dụng đoạn trừ được hôn trầm.
2) Tứ: dán tâm trên đối tượng, buộc tâm trên đối tượng, tác dụng đoạn trừ tâm hoài nghi.
3) Hỷ: trạng thái vui tươi, mát mẻ , tác dụng đó đối trị được lòng sân hận.
4) Lạc: niềm hạnh phúc, sự thỏa mãn, đối trị tâm trạo hối .
5) Nhất tâm: tâm chuyên chú vào một đối tượng duy nhất đối trị được tâm tham dục.
Mục đích tiếp theo của thiền định là được tứ thiền. Đức Phật dạy: "sau khi đoạn trừ 5 triền cái này, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh có tầm có tứ...Này các tỳ kheo, khi diệt tầm diệt tứ chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm không tứ nội tỉnh nhất tâm... Này các tỳ kheo, khi ly hỷ trú xả chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ gọi là xả niệm lạc trú chứng và trú thiền thứ ba...Này các tỳ kheo khi xả lạc và xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh..."(Đại kinh Xóm ngựa, TBK I).
Thiền định có thể đưa đến các trạng thái vi tế hơn nữa như tứ không định, nhưng mục đích của đạo Phật không phải là định mà là tuệ và giải thoát, nên đạt đến tứ thiền thì sử dụng tâm định hướng tâm quán chiếu phát triển tuệ lực.
Phần 2. Kinh văn dạy: "Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ". Phần này có nghĩa là tác dụng của thiền định là để thấu triệt bản chất của vũ trụ nhân sinh, tức là phát triển trí tuệ. Đức Phật dạy: "với tâm định tỉnh thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc bình tĩnh. Như vậy vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh, vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ từ một đời cho đến nhiều đời, cho đến nhiều thành kiếp, hoại kiếp của chính mình, sự sinh, tử, khổ, lạc...một cách đại nét và chi tiết...vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sinh tử của chúng sinh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống, chết, khổ, lạc, của tất cả chúng sinh...vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đếùn diệt khổ; đây là lậu hoặc, đây là nguyên nhân của lậu hoặc, đây là sự đoạn trừ lậu hoặc, đây là con đường đưa đến đoạn trừ lậu hoặc. Vị ấy thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu" (Đại kinh Xóm ngựa).
Tóm lại như kinh văn, Phật đã dạy: "Thiền định tâm hết tán loạn. Tiếc nước thì phải đắp đê sửa bờ cho khéo, hành giả cũng vậy hãy vì nước trí tuệ, mà thực tập thiền định, để giữ cho nó khỏi chảy mất". Tu tập thiền định là đắp bờ tâm thức, giữ nước trí tuệ, gom tâm vào một chỗå sẽ tạo năng lực nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ ngày càng sắc bén. Phiền não, lậu hoặc ngày càng thu hẹp và được đoạn trừ.
Vâïy thánh chánh định được thành tựu nhờ thành tựu giới hạnh và tuệ giác. Con đường tu tập ấy là con đường tăng thượng tâm. Đây là bước đi cao cả trong 6 bước tu tập trong tuần tự đạo lộ tu tập của Đức Phật, đến cấp độ này định và tuệ là một và viên mãn, trí tuệ đề cập tiếp theo chỉ nói thêm mà thôi.

D. Tuệ Học


Phần tuệ học có 2 tiết: thành tựu công đức trí tuệ và thành tựu công đức không hý luận. Có thể xem 2 phần này tương đương với tuệ học trong bát chánh đạo làchánh kiến và chánh tư duy. Dựa trên cơ sở chánh kiến và chánh tư duy ta có thể thấy rõ hơn về trí tuệ trong Phật giáo và trong kinh Di Giáo này.
I. Thành Tựu Công Đức Trí Tuệ
Từ "Các thầy tỳ kheo, có trí tuệ thì hết đam mê đó là hạnh trí tuệ": Kinh văn dạy: "có trí tuệ thì hết đam mê, luôn tự thức tỉnh và tự dò xét không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong chánh pháp của Như Lai người ấy có khả năng thực hiện giải thoát". Trí tuệ của đạo Phật khác với trí tuệ trong quan niệm thông thường. Trí tuệ có mặt thì có tác dụng đoạn trừ tham đắm si mê, trí tuệ ngược lại của si mê, si mê là đối với sự vật không biết rõ là vô thường, vô ngã, duyên sinh. Trí tuệ là sự thấy biết các định luật ấy do đó không tham đắm và chấp thủ, vì vậy mà kinh văn gọi là "có trí tuệ thì hết đam mê" hết đam mê là giải thoát. Trí tuệ còn gọi là chánh tri kiến. Kinh Chánh Tri Kiến dạy: " Khi vị thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện và căn bản bất thiện, tuệ tri được thiện và căn bản thiện... tuệ tri được thức ăn, sự tập khởi của thức ăn, sự đoạn diệt thức ăn, con đường đưa đến sự đoạn diệt thức ăn...tuệ tri được khổ, sự tập khởi của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến đoạn diệt khổ... tuệ tri già chết, tập khởi của già chết, sự đoạn diệt già chếât và con đường đưa đến sự đoạn diệt già chết (cho đến vô minh, 11 chi phần nhân duyên) khi ấy vị thánh đệ tử có chánh tri kiến". (Trung bộ kinh I). Chánh tri kiến còn được nói đến trong Đại kinh 40 pháp: "Biết được chánh kiến là chánh kiến, tà kiến là tà kiến..." (tương tự đối với 8 chi phần bát chánh đạo ). Như vậy chánh tri kiến là trí tuệ thấy biết sâu sắc đối với các pháp thiện ác, chánh tà. Do sự thấy biết ấy mà không có lầm lỗi xảy ra, như kinh văn dạy: "luôn tự thức tỉnh và tự dò xét không để lầm lỗi có thể có được".
Người có trí tuệ, trước hết là thấy biết rõ ràng các nguyên lý thiện ác, chánh tà, thấy biết được tính chất vô thường, vô ngã, duyên sinh của sinh mệnh và vạn vật. Nhờ thấy biết như vậy mà các tội lỗi không sinh khởi, và hủy diệt.
Kinh văn còn đề cập đến tác dụng sâu sắc hơn nữa của trí tuệ như: "trí tuệ chân thực là chiếc thuyền chắc nhất vượt biển sinh, lão, bệnh, tử; Là ngọn đèn sáng nhất đối với hắc ám vô minh, là thần dược cho mọi kẻ bệnh tật, là búa sắt chặt cây phiền não". Trí tuệ chân thật ở đây chỉ cho trí tuệ vô lậu, Đại kinh 40 pháp Đức Phật dạy: "có 2 loại chánh kiến: chánh kiến hữu lậu có sanh y và chánh kiến vô lậu, siêu thế không có sanh y. Chánh kiến vô lậu thuộc về trí tuệ, đạo chi của một vị tu tập thành thục trong thánh đạo". Chánh kiến hữu lậu có phước báu là sự thấy biết về thiện ác, chánh tà, về các đặc tính vô thường, vô ngã, duyên sinh của vạn vật về mặt tri thức, có thể đưa đến không lỗi lầm nên có phước báo. Chánh kiến vô lậu vượt qua tất cả kiến giải, thuần thục trong thánh đạo tức trong tâm định và tâm tuệ. Đây là trí tuệ chân thật.
Kinh căn bản pháp môn đề cập đến 3 loại nhận thức (TBK I):
1. Tưởng tri: cái thấy biết của tri thức thường nghiệm, cái thấy có hạn cuộc, mang đầy ngã tính, nhị nguyên có phân biệt chủ thể và đối tượng.
2. Thắng tri: cái thấy biết thông qua thiền định, thấy rõ tâm lý và vật lý là một chuỗi duyên sinh vô ngã. Với nhận thức này không có giới hạn, tách biệt, không chủ thể và đối tượng.
3. Liễu tri: trên cơ sở thắng tri dẫn đến đoạn trừ tham ái, sân hận, si mê không còn vướng mắc với tất cả pháp.
Trí tuệ chân thật chính là thắng tri và liễu tri này, kinh văn dùng thí dụ rất chuẩn xác và sinh động như: "Chiếc thuyền vượt qua biển sinh tử, ngọn đèn chiếu phá vô minh, thần dược cho kẻ tật bệnh, búa sắt chặt đứt phiền não tương tự như trên, kinh Đại Phương Quảng (TBK I) cũng định nghĩa trí tuệ: "Trí tuệ có ý nghĩa là thắng tri (Abhinnattha), có nghĩa là liễu tri (Parinnattha), có nghĩa là đoạn tận (Pahanattha).
Làm thế nào để đạt được trí tuệ? Kinh văn dạy: "Các thầy hãy dùng cái tuêï văn, tư, tu, chứng để tự tăng tiến lợi ích" nghĩa là phải lắng nghe, phải tư duy và tu tập đưa đến chứng đắc hay lãnh hội. Nhờ văn tư tu huệ mà trí tuệ được viên mãn. Đại kinh Phương Quảng cũng đưa ra phương pháp: "có hai duyên khiến cho trí tuệ sinh khởi: "tiếng của người khác và như lý tác ý" tiếng của người khác là văn tuệ, như lý tác ý là tư tuệ. Kinh dạy tiếp: "chánh tri kiến phải được hỗ trợ của 5 chi phần để đạt được tâm giải thoát và tuệ giải thoát đó là giới hỗ trợ, văn hỗ trợ, thảo luận hỗ trợ, có chỉ hỗ trợ (samatha), có quán hỗ trợ (samadhi)" (TBK I). Giới hỗ trợ là căn bản đạo đức làm thanh tịnh thân tâm. Văn hỗ trợ là văn tuệ, thảo luận hỗ trợ vừa văn vừa tư tuệ, chỉ và quán là tu tuệ. Nhờ sử dụng văn tư tu nên trí tuệ tăng tiến, có được giải thoát. Đó là tác dụng của trí tuệ cần phải thành tựu.
II Thành Tựu Công Đức, không Hý Luận.
Từ "Các thầy tỳ kheo nếu hý luận đủ thứ... đó là hạnh không hý luận": Kinh văn dạy: "Nếu hý luận đủ thứ thì tâm trí rối loạn". Hý luận nghĩa đen là nói chơi nhưng ý nghĩa của hý luận rộng hơn nhiều, Hoà thượng Trí Quang dạy: "Hý luận diễn biến từ sự bàn cãi chơi đùa đến sự thảo luận vô ích đến vấn đề đặt sai vấn đề, cuối cùng thì chính là sự thảo luận và đặt vấn đề, thực chất đã không như thật. Chính cái nghĩa sau này cho thấy tất cả những gì thuộc phạm vi tư duy, mô tả, nói theo từ ngữ khác thuộc "tâm hành xứ" và "ngôn ngữ đạo" đều là hý luận" (Trí Quang – dịch giải kinh Di Giáo). Kinh Bẩy Mồi Đức Phật nói về 4 hạng sa môn, hạng thứ 3 là hạng bị vướng mắc bởi tư duy hý luận: "Thế giới là thường còn, thế giới là không thường còn, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên, mạng sống và thân thể là một, mạng sống và thân thể là khác, Như Lai sau khi chết có tồn tại, Như Lai sau khi chết không tồn tại, Như Lai sau khi chết có tồn tại, không tồn tại. Như Lai sau khi chết không tồn tại không không tồn tại...hạng sa môn này không thoát khỏi ý lực của ác ma" (TBK I). Bị ràng buộc bởi quan điểm, lý thuyết, tư biện triết học gọi là tà kiến và tà tư duy chi phối không thể giải thoát được, nên kinh văn nói: "Tuy đã xuất gia mà chưa được siêu thoát". Sự giải thoát là sự giải phóng tất cả mọi ràng buộc, trước hết là các đối tượng tham dục, các phiền não và cả sự trói buộc của ngôn ngữ, quan điểm của tư duy.
Chánh tư duy là tư duy về sự giải thoát và sự xã ly, tư duy về sự vượt thoát mọi trói buộc, mọi phạm trù ngã tính, ngay cả chủ thể tư duy. Chân lý tuyệt đối vượt thoát khỏi các thứ ấy. Đức Phật dạy: "Giáo pháp mà Như Lai chứng ngộ, quả thực thậm thâm vi diệu, khó hiểu, khó lãnh hội, vắng lặng cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ có bậc thiện trí mới thấu hiểu" (kinh Thánh cầu, TBK I).
Người có trí dễ dàng vượt qua sự ràng buộc và chấp thủ đối với ngoại cảnh, những cám dỗ của các đối tượng giác quan, nhưng đối với tư duy tư tưởng khó mà vượt thoát, tư tưởng là chỗ bám của tri thức, khả năng của nó là đối chiếu, diễn dịch qua 4 phạm trù gọi là tứ cú: có – không – cũng có – cũng không – không phải có không phải không. Tất cả cái đó đều là hý luận. Hoà thượng Trí Quang gọi là: "Trí tuệ thuộc lãnh vực hý luận này gọi là"trí tứ cú", gọi là phân biệt, là tà kiến không thể gọi là trí tuệ"(sđd). Không thoát ly các khuôn khổ của hý luận thì không thể có giải thoát, nên kinh văn dạy: "các thầy muốn thực hiện cái vui tịch diệt thì chỉ có cách cấp tốc diệt trừ cái họa hý luận".
Chánh kiến vô lậu là vô kiến, là vượt qua tất cả kiến, chánh tư duy vô lậu là vô tư duy, vượt qua tất cả tư duy. Đó là ý nghĩa sự tu tập diệt trừ hý luận để thành tựu mục tiêu tối hậu, kinh Pháp Cú dạy:
"Hư không không dấu chân
Ngoài đây không sa môn
Chúng sinh thích hý luận
Như Lai hý luận trừ" (PC Kệ 254)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]