Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8- A-nậu-lâu-đà sau khi Phật nhập diệt Bài thơ cúng dường Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà

15/05/201316:48(Xem: 8249)
8- A-nậu-lâu-đà sau khi Phật nhập diệt Bài thơ cúng dường Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà

Tu Tập Hạnh Bồ Tát

Cuộc đời Tôn giả A Nậu Lâu Đà (Anuruddha)

8- A-nậu-lâu-đà sau khi Phật nhập diệt
Bài thơ cúng dường Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà

Nguyễn Điều

Nguồn: Tác giả: Hellmuth Hecker, Dịch giả: Nguyễn Điều

Theo Kinh Đại Niết Bàn, trong bộ Trường A Hàm số 16 (Maha( Parinibba(na Sutta - D(gha Nikay(a N. 16) thì Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà đã có mặt bên cạnh Bổn Sư, lúc Đức Phật nhập Niết-bàn.

Khi ấy, đấng Toàn giác biết rõ sự sắp lìa bỏ nhục thân này, Ngài bèn nhập định vi diệu vào các bậc thiền, nhất là các bậc thiền Hữu sắc và Vô sắc. Rồi Phật an trú vào trong một đại Thiền pháp, tên gọi là "Diệt thọ tưởng định" (Tiếng Pa(li gọi là Sanõnõa( Vedaniya Nirodha)...

Sa-môn hầu Phật là Tôn giả A-nan-đà đang buồn rầu, chợt quay hỏi Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà rằng :

– Bạch sư huynh ! Đức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn chưa ?", thì được ông trả lời :

– Này A-nan-đà ! Sư huynh đã nhập định và dùng "Thiên nhãn" theo dõi tâm Phật thì được biết Thần quang của Đức Bổn Sư đang an trú trong Vô sắc thiền, bậc Diệt thọ tưởng định.

– Kính bạch sư huynh ! Sư huynh biết rõ đức Bổn Sư viên tịch, diễn tiến như thế nào, xin sư huynh từ bi thông báo cho.

"Này hiền đệ A-nan-đà ! Để theo dõi Thần quang của Đức Thế Tôn, tệ huynh đã phải nhập hết thiền Hữu sắc (Rùpa( Jha(na) đến thiền Vô sắc (Aru(pa Jha(na), vì trạng thái Phật tịch diệt không nằm trong phạm trù "Ngài muốn sống hay muốn chết", mà sự "nhắm mắt kỳ diệu" ấy hoàn toàn nằm trong diễn tiến tự nhiên của thân nghiệp cuối cùng, trước khi Phật trở thành vô sanh bất tử ! Nghĩa là Phật không chối bỏ xác thân này, nếu những tế bào của sự sống còn hoạt động, đồng thời Ngài cũng không mắc dính, bám víu vào sự sống hữu hạn, phù du, và xoay vần ấy. Ngài an trú ở các bậc thiền, theo thứ tự từ thấp đến cao (Sơ thiền lên Tứ thiền), rồi từ cao đến thấp (Tứ thiền trở lại Sơ thiền). Hết lên đến xuống và hết xuống lại lên như vậy, cốt để giữ cho nhục thân được quân bình, vừa "chờ" cho những tế bào cuối cùng "chủ trương" sự sống, chấm dứt hoạt động.

Và xuyên qua sự thông báo từng giây phút ấy của A-nậu-lâu-đà, mà những đệ tử có mặt bên cạnh nhục thân đấng Toàn giác đã biết được khi nào Đức Phật thực sự viên tịch.

Lúc Đức Thế Tôn xả báo thân, vĩnh viễn an nghỉ Niết-bàn, thì trời Phạm Thiên (Brahma() và Đế Thích (Sakka), chủ tể cõi trời thứ ba mươi ba, đồng thanh cúng dường quả giải thoát của bậc Thiên Nhơn Sư, bằng những câu kệ, nói lên luật Vô thường, bất di bất dịch như sau :

"Tử sanh là luật Vô thường,
Có sanh, ắt tử, trời người không qua".

Rồi người thứ ba tán dương sự nhập Niết-bàn linh diệu của Đức Phật là A-nậu-lâu-đà. Ông ứng khẩu ngâm mấy câu kệ rằng :

"Cao thượng thay là giờ nhập diệt,
Đấng Từ bi thanh khiết khôn lường.<
Buồn, vui, sanh, tử... không còn,
Vượt ra tam giới, mười phương Niết-bàn".

Tuy nhiên, những phàm Tăng, và một số Thánh nhơn bậc thấp (còn tái sanh lại tối đa bảy lần nữa), vì lòng ngưỡng mộ Đức Phật còn "chủng tử" ràng buộc, nên họ buồn khổ khóc than thảm thiết. Nhất là khi họ nghe Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà chính thức công bố sự viên tịch của Đức Phật.

Trước hoàn cảnh như vậy, Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà liền khuyên giải họ. Và bằng tâm từ bi, ông đã làm giảm lòng phiền muộn của các đồng đạo bằng cách lôi kéo họ chú ý đến sự có mặt (nhưng mắt phàm không nhìn thấy) của rất nhiều Thiên chúng tới lễ bái nhục thân Đức Phật lần cuối cùng. A-nậu-lâu-đà nói :

– Này chư huynh đệ ! Các Thiên chúng cũng đang buồn rầu, đau xót, tiếc thương, chẳng khác nào những phàm nhân, khi vừa mất một vị Phật. Nhưng hỡi chư Sa-môn huynh đệ ! Lúc Đức Bổn Sư còn sống, Ngài đã chẳng dạy cho chúng ta pháp Vô thường gây ra khổ não là gì ? Và giờ đây pháp ấy đang được chứng nghiệm trước mắt quý vị, tại sao quý vị không nhớ lại lời Bổn Sư để bình tâm niệm tưởng ân đức của bậc Giải thoát ?

Tiếp theo, Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà và Tôn giả A-nan-đà đã thức trọn đêm hôm ấy để cung hầu nhục thân Đức Phật. Sáng hôm sau, A-nậu-lâu-đà bèn yêu cầu A-nan-đà đi công bố tin Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn đến chư Phật tử trong các làng lân cận, nhất là trong thành phố Kusina(ra(.

Thế là hầu hết dân chúng địa phương, kể cả những người chưa thấm nhuần Phật giáo, chỉ cảm kích đức hạnh của đấng Giải thoát mà thôi, đã tự động tập hợp, rồi dựng lên một lễ đài, và một giàn hỏa vô cùng trang nghiêm lộng lẫy, bằng những loại gỗ quý và trầm hương, để cử hành lễ Trà tỳ Đức Phật.

Có một điều lạ là khi tám người thanh niên lực lưỡng, đồng loạt nâng nhục thân Đức Phật đặt lên giàn hỏa, thì họ dù ráng sức đến đâu cũng không làm được. Bất chợt họ rùng mình kinh cảm, và lập tức đến hỏi Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà, vì sao nhục thân của Đức Thế Tôn lại có một trọng lượng lạ lùng như vậy. A-nậu-lâu-đà vốn biết rõ lý do, bèn nói cho họ biết rằng các hàng Thiên chúng ước muốn cho cuộc lễ hỏa táng được thực hiện dưới một thứ tự khác. Nghĩa là qua trung gian của Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà, chư Thiên đã đề nghị với toàn thể Tăng và tín đồ có mặt, một nghi thức lễ Trà tỳ đúng theo nguyện vọng của các vị vua trời.

Kinh chép : Khi chư Thiên vương "cầu nguyện" xong, thì nhục thân của Đức Phật bỗng trở thành nhẹ nhàng vô cùng. Mọi người chỉ cần để một ngón tay lên kim quan... là thân Phật cùng với mọi vật che chở tự động nâng lên cao, và di chuyển an ngọa ngay ngắn tại trung tâm giàn hỏa.

Nếu về phía Thiên chúng, A-nậu-lâu-đà đã tự động "tiếp xúc" với họ trong suốt cuộc lễ Trà tỳ, thì về phía phàm nhân, Tôn giả A-nan-đà cũng lo việc đôn đốc, cố vấn dân làng, để những vật liệu cúng dường, thiêu đốt nhục thân Đức Phật, được họ chọn lựa tinh khiết, kỹ càng hơn. Nói vắn tắt là hai vị Sa-môn huynh đệ này, mỗi người trách nhiệm một cảnh giới : Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà giao cảm, nghinh đón các hàng Thiên chúng, và Tôn giả A-nan-đà tiếp xúc với cộng đồng phàm nhân (theo Trường A Hàm số 16 : Dìgha Nikàya N. 16).

Sau lễ Trà tỳ, hỏa táng nhục thân đấng Giải thoát, dưới sự chủ tọa của Đệ nhất đệ tử Phật, tức Thánh Tăng Đại Ca-diếp (Maha( Kassapa), A-nậu-lâu-đà tuy ở địa vị một thánh Bất lai A-la-hán, và cũng là thân nhân gần nhất của Phật Tổ, nhưng ngài đã không tự nhận mình ở vai trò thừa kế Bổn Sư, lãnh đạo Tăng-già. Bởi vì khi sanh tiền, Đức Thế Tôn đã không di chúc một giáo quyền đến đệ tử nào hết.

(Quý đạo hữu nào muốn biết do kỳ duyên chi, Trưởng lão Đại Ca-diếp đã đến đúng lúc vào giờ chót, để chủ tọa lễ Trà tỳ nhục thân Đức Phật, xin hãy đọc cuốn Gương Lành Thánh Đại Ca Diếp, đã được dịch ra Việt ngữ và ấn tống.)

Ngay như Thánh Tăng Đại Ca-diếp là vị Thượng thủ có nhiều phẩm hạnh giống Đức Phật nhất, và ông còn được toàn thể Tăng chúng, cũng như tín đồ hiện diện, đồng tâm suy tôn lên ngôi vị chưởng môn, để thay Phật hướng dẫn Tăng chúng, mà ngài cũng thanh tịnh từ chối, huống chi là A-nậu-lâu-đà. Bởi cốt lõi Phật giáo là làm cho người Phật tử phải "độc lập", tự mình hướng dẫn lấy mình, đi theo ánh sáng giải thoát của bậc Toàn giác, chứ không cần một "giáo nhiệm" nào điều khiển cả. (Ý nói không trông chờ tha lực).

Tuy nhiên, Trưởng lão Đại Ca-diếp cũng không phải không ý thức được trách nhiệm vô cùng quan trọng của mình trong thời "hậu Phật". Nên vừa chứng minh xong lễ phân phối Xá lợi Phật cho các hàng vua chúa xây tháp tôn thờ, ngài liền dời gót hướng về phía Vương Xá thành, khởi xướng triệu tập Đại hội năm trăm Thánh nhơn Bất lai (A-la-hán), để nhắc lại tất cả những lời Phật dạy, hầu lưu truyền phúc âm đến các đời sau. Và đó là cuộc kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ nhứt.

Sách chép : Tôn giả A-nan-đà (đại đệ tử hầu cận Phật cho đến giây phút cuối cùng) lúc ấy chưa đắc quả A-la-hán, có thể bị Đại hội không mời dự, nên Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà đã thúc giục ông hãy tinh tấn vượt bực, để mau hội nhập vào Thánh giới Bất lai, mới tham gia đóng góp cuộc kết tập Phật ngôn được.

Kết quả, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Tôn giả A-nan-đà, với sự quyết tâm tinh tấn, đã diệt tận tham sân si phiền não, đắc quả A-la-hán rồi dùng thần thông nương vào một tia sáng, bay vào tham dự hội nghị, trước sự hoan hỷ, tán dương của bốn trăm chín mươi chín vị Thánh nhơn A-la-hán.

Diễn tiến cuộc kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ nhất, dưới sự chủ tọa của Thánh Tăng Đại Ca-diếp, có thể trình bày tóm tắt như sau :

1- Tôn giả A-nan-đà tụng lại tất cả những bài pháp dài ngắn khác nhau, đủ loại chủ đề khuyến thiện và phân tích, rồi sau đó ghi chép, kết tập thành một "rổ", gọi là Tạng Kinh (Sutta Pitaka).

2. Thánh Tăng Upa(li thuật hết những điều Luật, và điển tích mà Đức Thế Tôn đã căn cứ vào đó, để chế ra các phần giới cấm (như Tỳ-kheo giới, Sa-di giới, Tỳ-kheo-ni giới, Sa-di-ni giới cho các bậc xuất gia, và Thập giới, Bát giới hay Ngũ giới cho những hàng Cư sĩ. Toàn thể luật cấm được kết tập chép lại thành một "rổ", gọi là Tạng Luật (Vinaya Pitaka).

Trong kỳ kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ nhất này, năm trăm vị A-la-hán chỉ thuật lại nguyên văn lời Phật nói, rồi lập thành hai Tạng là Tạng Kinh và Tạng Luật mà thôi ! Riêng "Tạng Luận" (Abhidhamma Pitaka) về sau xuất hiện, là nhờ các cuộc kết tập Kinh điển Phật giáo nối tiếp, đã phân tích và xếp loại những Phật ngôn trong Tạng Kinh ra thành hai phần : Phần thứ nhất nặng vần khuyến thiện, được tiếp tục gọi là Tạng Kinh (Sutta Pitaka). Còn phần thứ hai dành phân tích tâm thức, được gọi là Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Pitaka), hay còn gọi là Tạng Luận.

Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng : Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà đã từ bi khuyến khích và tiếp độ vị sư đệ của ông (ám chỉ Tôn giả A-nan-đà), ngay sau khi Đức Thế Tôn tịch diệt, để đưa vị Sa-môn này vào Thánh giới giải thoát, chấm dứt vòng sanh tử luân hồi.

Và Phật giáo được kết tập thành Tam tạng Kinh điển có hệ thống đó, đã lưu truyền cho đến ngày nay, xuyên qua hơn hai mươi lăm thế kỷ, và sẽ còn tiếp tục lưu truyền, gieo phúc lành cho chúng sanh, nhân loại, mãi đến thời mạt pháp, sau năm ngàn năm.

Theo Kinh Trường A Hàm thì trong Đại hội kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ nhất ấy, Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà đã hợp tác một cách tích cực với sư đệ là Tôn giả A-nan-đà, để thuật lại toàn thể bộ Kinh Tăng Chi A Hàm (Anguttara Nika(ya).

Sau cùng, liên quan đến sự viên tịch của A-nậu-lâu-đà, chúng tôi không tìm thấy một chỗ nào trong điển tích Phật giáo, nói rõ tuổi thọ, ngày giờ và địa điểm nhắm mắt chính xác của vị Thánh Tăng này, ngoại trừ những câu kết thúc một loạt hai chục bài kệ, do chính A-nậu-lâu-đà thốt ra. Những câu kết thúc các kệ ngôn ấy, có vẻ gián tiếp nói về nơi nhập diệt của ông. Chúng tôi xin mạn phép phỏng dịch ra văn vần Việt ngữ, để cống hiến chư vị Phật tử xa gần, vài bài kệ ngôn ấy như sau :

"Niềm tin Phật, bần Tăng không lay chuyển,
Và Phật ngôn cũng thực hiện chu toàn
Cái ngã làm người, trời, thú... không còn.
Vòng sanh tử trọn kiếp này là hết.
*
Vườn "Vệ-lữ" (1) miền "Va-chân" (2) sẽ chết,
Xác thân này trả cát bụi, thời gian...
Dưới bóng tre xanh, nơi nhập Niết-bàn.
Sạch phiền não, ấy tận cùng giải thóat".

(Theo hai Tôn Túc Kệ Ngôn số
918, 919 : Theragatha( N. 918-919)



– Hai địa danh "Vệ-lữ"(1) và "Va-chân"(2) trên đây do dịch giả mạo muội "Việt hóa" do hai từ ngữ Pàli là "Veluva" và "Vajjian" để dễ diễn tả ra Kệ Ngôn. Vả lại, khi y cứ nơi bài kệ sau cùng này (do chính Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà nói, thì ông đã nhập diệt trong vườn Veluva, thuộc xứ Vajjian đó.

Ngày nay, nếu chúng ta nhìn vấn đề theo khía cạnh lịch sử địa phương và so sánh cách thức tổ chức xã hội thời cổ Ấn Độ, thì vùng Vajjian nói trên là nơi ngày xưa phát xuất nền "Cộng hòa" đầu tiên trên thế giới. Vì thuở ấy lãnh thổ này đã được quản trị bởi một Hội đồng Bô lão, do toàn dân bầu, dưới sự chủ tọa của một niên trưởng, chứ quốc gia không "được" cai trị bởi một tiểu vương như những nơi khác.

Và với tấm lòng chân thành ngưỡng mộ vị Thánh Tăng có THIÊN NHÃN THÔNG siêu đẳng, có trong các hàng cao đồ đại Thanh-văn, đệ tử của Đức Phật, dịch giả xin kết thúc tập "A-nậu-lâu-đà" độc đáo này.

Dịch xong tại Paris
Ngày 17 tháng 12 năm 1993
NGUYỄN ĐIỀU

Bài thơ
CÚNG DƯỜNG THÁNH ANURUDDHA
(A NẬU LÂU ĐÀ)

Thiền tâm như đá, thân như núi
Núi, đá khôn lay giữa gió ngàn
Thánh định đắc rồi, thông tất cả
Luân hồi dứt nghiệp khổ lang thang.
*
Nhiều kiếp Người làm vua Thiên giới
Lắm khi vương tước cõi trần gian
Hạnh phúc cũng từng hơn xã hội
Nhưng Người không nhiễm tật tham, sân.
*
Đời sống cuối cùng nhờ hướng thượng
Hành theo gương Phật, định tâm thần
Ánh sáng Bồ-đề từ vô lượng
Bừng lên vẹt hết bóng vô minh.
*
Người đã nhập vào trong Thánh giới
Nhãn căn đắc chứng một thần thông
Ba cõi, sáu đường "tâm chỉ gợi"
"Hiện ngay trước mắt", diệu vô cùng !
*
Tuổi thọ hết rồi, Người viên tịch
Trong vườn tre mát, lá mông lung
"Thần nhãn Niết-bàn là ngọc bích
Đưa Người ra khỏi khổ xoay vòng.
*
Đệ tử giờ đây lòng thanh tịnh
Cúng dường Thiền Thánh tánh như không
Người đã là Sen qua sử tích
Hương thơm còn khắp cõi vô cùng.


(Nguyễn Điều cẩn đề)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]