Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Có phải tất cả các Phật tử đều là người ăn chay? (John Bullitt)

05/04/201318:24(Xem: 9155)
Có phải tất cả các Phật tử đều là người ăn chay? (John Bullitt)
Vấn Đề Ăn Chay, Ăn Mặn Trong Đạo Phật


Có Phải Tất Cả Các Phật Tử Đều Là Người Ăn Chay?

John Bullitt


Giới thiệu:Ông John Bullitt là một cư sĩ Phật tử người Mỹ, đã từng thành lập nhiều thư viện điện tử Phật giáo trong 10 năm qua. Trong mấy năm gần đây, ông là chủ biên Thư viện điện tử Phật học Access-to-Insight nổi tiếng trên mạng Internet với rất nhiều tài liệu kinh điển Phật giáo bằng Anh ngữ, và ông là một trong những cư sĩ hộ tăng đắc lực của tu viện Metta (Từ bi), miền nam bang California, Hoa Kỳ.

-ooOoo-

Có phải các Phật tử đều là người ăn chay? Trả lời: Một số ăn chay, một số không ăn chay. Theo những gì tôi biết, không có một chứng cớ nào trong Thánh điển Pàli cho rằng Đức Phật cấm các môn đệ cư sĩ của Ngài không được ăn thịt. Điều giới đầu tiên của ngũ giới có liên quan đến hành động cố ý sát hại, nhưng không có liên quan gì đến việc dùng thịt từ một con vật đã chết. Theo quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy, việc chọn lựa ăn hay không ăn thịt là một sự lựa chọn hoàn toàn có tính cách cá nhân.

Mặc dù các tu sĩ Nam Tông tuân theo điều cấm không ăn một vài loại thịt [1], nhưng không có nghĩa họ là những người ăn chay, vì thức ăn của họ được cung cấp bởi lòng quảng đại của các cư sĩ hộ tăng [2], và chính những người nầy có thể là những người ăn hoặc không ăn chay [3]. Tu sĩ Nam Tông không bắt buộc phải ăn tất cả những gì đã được cúng dường bỏ vào trong bình bát của họ, và vì thế, một vị tu sĩ nào có phát nguyện ăn chay chỉ cần bỏ qua các món thịt cá ở trong bát của mình. Tại nhiều nơi ở Á Châu, khi mà chủ trương ăn chay không bao giờ được nghe nói đến, những vị tu sĩ phát nguyện ăn chay như thế chỉ có một trong hai chọn lựa: ăn thịt hoặc chết đói.

Tham dự vào việc sát hại để có thức ăn (săn bắn, đánh cá, bẫy mồi, v.v...) chắc chắn là không phù hợp với giới cấm thức nhất, và cần nên tránh.

Tuy nhiên, nếu tôi ăn thịt, hoặc mua thịt thì sao? Có phải chăng tôi đã khuyến khích người ta giết hại thay cho tôi? Làm sao sự kiện này lại tương thích với nguyên lý Phật giáo về sự vô hại, là điểm mốc của Chánh Quyết Tâm? [4] Đây là một vấn đề tế nhị. Theo tôi, tôi tin rằng thật là sai quấy khi ta ra lệnh người khác: "Hãy cắt cổ con gà kia cho tôi!", bởi vì làm như thế là vi phạm giới điều đầu tiên [5]. Điều này chắc chắn là tạo nghiệp xấu (Xin hãy nhớ như thế mỗi khi bạn có thèm muốn và đặt món ốc sò tươi sống tại một nhà hàng). Thế nhưng, nếu bạn đi mua một miếng thịt từ con thú đã chết rồi, thì lại là một vấn đề khác. Mặc dù sự mua sắm của tôi có thể giúp người hàng thịt duy trì cơ sở thương mại của ông ta, tôi không đòi ông ta phải giết hại nhân danh tôi. Ông ta có quyết định giết một con bò ngày mai hay không là sự chọn lựa của ông ta, không phải của tôi. Đây là một điểm khó khăn nhưng rất quan trọng, bởi vì nó vạch ra một sự khác biệt căn bản giữa các chọn lựa cá nhân (chọn lựa nhắm đến thay đổi tánh tình của chính mình) và các chọn lựa chính trị (chọn lựa nhắm đến thay đổi tánh tình của những người khác). Mỗi người chúng ta phải tự khám phá đâu là lằn ranh giữa hai vấn đề này. Tuy nhiên, một điều chính yếu cần phải ghi nhớ là các lời dạy của Đức Phật trên cơ bản là những phương tiện giúp chúng ta học để có các chọn lựa tốt cho cá nhân (nghiệp), và những lời dạy đó không phải là những phương thức cho hành động chính trị.

Chúng ta không thể duy trì đời sống của mình trong thế giới này mà lại không gây tổn hại đến những sinh vật khác, bằng cách này hay cách khác. Cho dù chúng ta bước đi hết sức cẩn thận, vô số côn trùng, mối kiến và các sinh vật nhỏ bé khác đã bị giết hại một cách vô ý dưới bàn chân chúng ta trong mỗi bước đi. Như thế, làm thế nào chúng ta vạch được lằn ranh giữa sự tổn hại có thể "chấp nhận được" và "không chấp nhận được"? Câu trả lời của Đức Phật rất rõ ràng và thực tiễn: dùng ngũ giới. Ngài không đòi hỏi các môn đệ của Ngài phải trở thành những người ăn rau đậu (mặc dù có một số sẽ dần dần không còn thèm ăn thịt); Ngài chỉ đơn giản bảo chúng ta nên tuân giữ ngũ giới. Đối với nhiều người trong chúng ta, đây cũng đủ là một thử thách. Đó là nơi chúng ta khởi đầu trên con đường đạo.




CHÚ THÍCH

[1] Tu sĩ Nam Tông tuân theo giới cấm không ăn thịt người, thịt voi, thịt ngưa, thịt chó, rắn, sư tử, cọp, beo, gấu, lang sói. Một vị tu sĩ không được ăn thịt cá sống, hoặc thịt cá từ con vật mà vị ấy thấy, nghe, hoặc nghi ngờ là đã bị giết đặc biệt cho vị ấy (tam tịnh nhục, xem thêm phần mô tả "các loại thức ăn" trong quyển Giới Luật Tu Sĩ Phật Giáo - The Buddhist Monastic Code, của Tỳ kheo Thanissaro). Vị tu sĩ nào ăn cái loại thịt đó là phạm lỗi, và sau đó phải sám hối với Tăng đoàn. Các giới luật nầy không cấm tu sĩ ăn thịt - mà chỉ giúp tu sĩ phải thận trọng khi chọn lựa thịt để ăn.
[2] Xem quyển "Vấn đề kinh tế của các quà cúng dường" (The Economy of Gifts), Tỳ kheo Thanissaro.
[3] Tu sĩ trong một vài trường phái của Bắc Tông hành trì ăn chay trường. Xem quyển "Đạo Phật: Giới thiệu Lịch sử" (The Buddhist Religion: A Historical Introduction) , của R.H Robinson và W.L. Johnson, California 1977.
[4] "Và Chánh Quyết Tâm là gì? Quyết tâm xả ly, quyết tâm không sân hận, và quyết tâm vô hại: Đó gọi là Chánh Quyết Tâm" -- Tương Ưng XL V.8.
[5] Đây là tương thích với luật của tu sĩ cấm không cho họ ăn thịt của con vật mà họ thấy, nghe, hoặc nghi đã giết đặc biệt cho họ (tam tịnh nhục). Xem quyển Giới Luật Tu Sĩ Phật Giáo như trên.


Nguyên tác: "Are Buddhists vegetarians?", John Bullitt.
Bình Anson dịch.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com