Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Giới luật và tinh thần giới luật

05/04/201317:42(Xem: 6798)
3. Giới luật và tinh thần giới luật
Vấn Đề Bồ Tát Quảng Đức Tự Thiêu
Và Giới Không Sát Sanh Trong Đạo Phật


3. Giới Luật Và Tinh Thần Giới Luật

Thích Hạnh Bình
Nguồn: Thích Hạnh Bình

Thánh điển của Phật giáo bao gồm Kinh Luật và Luận tạng. Luật là những qui định cụ thể, là nguyên tắc sống cho các hang đệ tử xuất gia và tại gia. Hiện nay luật tạng còn để lại là những bộ luật của các bộ phái, được kiết tập sau khi đức Phật nhập diệt. Theo tôi, thật ra trong thời kỳ Phật còn tại thế không có sự phân chia tách biệt thành từng bộ, gọi là kinh luật và luận. Trong lời Phật dạy (kinh) đã ẩn chứa trong đó tinh thần giới luật, từ tinh thần nay về sau, căn cứ từng đoàn thể xuất gia sống theo từng địa phương, hình thành những qui định cụ thể, nhằm gìn giữ nếp sống tu tập cho Tăng đoàn cố định nào đó, cũng từ đó những bộ luật hình thành.. Tính chất và mục đích của giới luật như thế nào như đã được liệt kê trong “Luật Ma ha Tăng kỳ”[5]. Quan điểm này đã được HT. Ấn Thuận giải thích như sau:

“Sau khi đức Thế Tôn thành chánh giác, Ngài đã tuyên dương giáo pháp. Giáo pháp mà đã được đức Phật trình bày chỉ là những điều Ngài chứng ngộ, do vậy Pháp là tất cả Phật pháp. Đức Phật là một vị xuất gia, Ngài thuyết pháp độ sanh bèn có người theo ngài xuất gia. Chúng đệ tử theo ngài xuất gia càng ngày càng nhiều, không thể không có tổ chức, do vậy, y cứ theo chánh pháp để hoá nhiếp tăng già (Y pháp nhiếp tăng) mà hình thành chế độ Tăng già…Nói đến, chế độ nhiếp tăng, nôi dung không giống nhau, nhưng chủ yếu vấn đề là chế độ của một đoàn thể. (1) Vì có một số người xuất gia, có những hành vi không đạo đức, với mục đích tìm cầu kinh tế, điều đó không những làm chướng ngại việc tu chứng cá nhân người đó, còn phá hoại cho đoàn thể Tăng già, do đó đức Phật chế định giới luật, là những qui định mà những người xuất gia cần phải tuân giữ;… (4) Cùng là những người xuất gia trong Phật pháp, cần chế độ thống nhất về những hành vi của tăng già, như những vấn đề đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, khấc thực…”[6]

Tóm lại, mục đích đức Phật thiết lập giới luật không ngoài 2 nhiệm vụ chính là bảo vệ cộng đồng Tăng già sống trong sự hoà họp thanh tịnh bình đẳng và hướng đến giác ngộ và giải thoát. Do vậy, giới luật trong đạo Phật có ý nghĩa cụ thể và thật tế, không phải là những giới điều suông và không có giá trị trên thật tế. Ví dụ, điều thứ 27 trong 30 điều Ni tát kỳ Ba dật đề qui định về việc mặc y tắm mưa, cũng như điều thứ 89 của pháp Ba dật đề qui định về việc làm y tắm mưa.. Điều này không còn giá trị ở xã hội chúng ta, vì đời sống tăng ni của xã hội ngày nay là cuộc sống định cư, mỗi nơi cư trú cho tăng ni đều có phòng tắm, không một tỷ kheo tỷ kheo ni nào đi tắm mưa, không giống như tăng già sống vào thời đức Phật, có cuộc sống di cư, nay chỗ này mai chỗ khác, không có nhà tắm, nhân dịp trời mưa các Tỷ kheo đi tắm mưa, do đó mà có qui định về việc may áo mưa và tắm mưa. Qui định này chỉ có giá trị, khi tăng già sống đời sống di cư, sống trong rừng núi, nó sẽ không có gia trị khi đời sống tăng già đã thay đổi, xã hội thay đổi. Hoàn cảnh xã hội thay đổi thì qui định sống cũng sẽ phải thay đổi. Thế thì cái gì là cái không bị thay đổi ? Theo tôi đó là tinh thần của giới luật. Cái gì gọi là tinh thần giới luật ? Ở đây chúng ta có thể vay mượn một bài kệ số 183 trong “Kinh Pháp cú”[7] lý giải về nghi vấn này.

Không làm các điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch.
Đó là lời chư Phật dạy.

Nội dung và ý nghĩa bài kệ này, đức Phật khuyên chúng ta không nên làm những điều ác, hãy làm những việc lành. Vì theo đức Phật, làm những điều ác là nguyên nhân của khổ đau, là nguồn gốc sanh tử luân hồi, đưa đẩy chúng sanh lặn hụp trong sáu cõi. Đó là ý nghĩa và mục đích giáo dục của đức Phật, cũng là tinh thần đạo đức của Phật giáo. Như vậy, cái gì là ‘điều ác’ ? là những việc sát sanh, trộm cướp, dâm dục, nói lời không thật, uống rượu… là những hành vicụ thể của điều ác; Ngược lại, những gì là việc ‘lành’ ? Đó là từ bỏ những hành vi vừa đề cập. Như vậy, giới luật cơ bản của đức Phật là: (1). Không được sát sanh, (2). Không được trộm cắp, (3). Không được tà dâm (xuất gia không được dâm dục), (4) không được nói láo, (5) Không được uống rượu. Tthế nhưng, nếu như chúng ta có một loại bịnh nào cần đến rượu mới chữa khỏi, người Phật tử có nên uống không ? Theo nhà Phật không phài là vấn đề uống hay không uống, giết hại hay không giết hại, chủ yếu vấn đề là mục dđích hya động cơ của việc uống rượu đó là gì ? mang tâm thiện hay tâm ác ? Đây chính là ý nghĩa được giải thích trong “Kinh Chánh Kiến”[8]

“Chư hiền ! thế nào là bất thiện ? Thế nào là căn bổn bất thiện ? Thế nào là thiện ? Thế nào là căn bổn thiện ? Chư hiền, sát sanh…là ‘bất thiện’ như vậy gọI là bất thiện. Chư hiền, thế nào gọi là ‘căn bổn bất thiện’ ? Tham lam, sân hận và ngu si là căn bổn bất thiện, như vậy gọi là căn bổn bất thiện; Chư hiền, thế nào là ‘thiện ? Từ bỏ sát sanh…là thiện, như vậy gọi là thiện; Chư hiền, thế nào gọi là căn bổn thiện ? Chư hiền, không tham lam, không sân hận và không ngu si là căn bổn thiện, như vậy được gọi là căn bổn thiện.”

Đoạn kinh vừa dẫn trên, đức Phật giải thích 4 vấn đề cơ bản là bất thiện và căn bổn bất thiện, thiện và căn bổn thiện. Ý nghĩa này phân tích cho chúng ta hiểu rõ rằng, nguồn gốc của hành vi bất thiện là lòng tham lam, sân hận và ngu si, cũng vậy nguồn gốc của việc lành chính là lòng không không tham lam, sân hận và si mê. Hay nói một cách khác động cơ dẫn đến hành động mang tính bất thiện được biểu hiện bên ngoài, chính là tham, sân và si và ngược lại hành vi thiện được thể hiện ra bên ngoài nó xuất phát từ lòng không tham lam, sân hận và ngu si. Điều đó cũng gợi ý cho chúng ta hiểu rằng, đôi lúc có những hành vi biểu hiện bên ngoài mang tính thiện, nhưng thật chất với một ý đồ của tâm rất xấu xa và đen tối, những hành vi này theo sự phân tính của đạo Phật cũng không được xem là việc lành, không phù họp lời dạy của đức Phật. Ví dụ có người vay mượn. Phật pháp để làm những việc bất chính, Phật pháp là cái hay cái đẹp, nhưng với tâm của người vay mượn đó thì quá xấu xa, Phật pháp cũng trở thành xấu. Ngược lại, có những hành vi được thể hiện bên ngoài không mấy tốt đẹp, nhưng người làm với tâm trong sạch và sáng suốt, thì hành vi này vẫn được xem là hành vi thiện. Như vậy, tính không tham không sân hận và không ngu si là tinh thần của giới luật. Bất cứ hành vi nào dù đó là hành vi bất chính, nhưng nó lien kết với lòng không tham sân và si thì hành vi đó đước định nghĩa là ‘thiện’. Có thể nói đây là tinh thần cơ bản của giới luật trong Phật giáo.

Giới luật mà đức Phật thiết lập, nó luôn luôn dựa vào tinh thần giác ngộ và giải thoát, điều kiện để được giác ngộ giải thoát, nó luôn luôn gắng liền với đặc tính không tham lam, sân hận và ngu si. Rời bỏ 3 đặc tính này mà thiết lập hay hành trì giới luật đều là ‘phi Phật pháp’.

Căn cứ vào tinh thần này, chúng ta có thể lý giải được sự kiện HT. Quảng Đức tự thiêu và giói ‘Không sát sanh’ trong nhà Phật không bị mâu thuẫn. Lý do vì, Bồ tát Quảng đức tự thiêu không phải lòng tham lam quyền lực, hay bất cứ địa vị danh vọng nào, cũng không phải vì lòng sân hận, càng không phải là hành động si mê, mà ngược lại Ngài rất sáng suốt tỉnh táo, với trái tim muốn được bảo tồn nền văn hóa truyền thống của dân tộc được gìn giữ, tôn giáo được bình đẳng. Với tâm lòng và ý chí đó Ngài đã tự mình đốt thân với mục đích kêu gọi làm thức tỉnh chính quyền kỳ thị tôn giáo và tay sai cho nước ngoài của chính quyền Ngô đình Diệm. Hành vi tự thiêu này, theo đức Phật không khuyến khích, nhưng nó không vi phạm đến tinh thần giới luật của Phật giáo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]