Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 4. Khắc phục chướng ngại

13/05/201319:37(Xem: 6396)
Phần 4. Khắc phục chướng ngại

HẠNH PHÚC CHÂN THƯỜNG

THE ART OF HAPPINESS

Đức Đạt Lai Lạt Ma

Bác Sĩ Howard C. Cutler 

Nguyên Dực chuyển ngữ

---o0o---

PHẦN 5. KHẮC PHỤC CHƯỚNG NGẠI

Chương 12

ĐƯA ĐẾN ĐỔI THAY

DIỄN TRÌNH THAY ĐỔI

Tôi hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma: "Chúng ta đã thảo luận về khả năng đạt được hạnh phúc bằng cách loại trừ những cảm xúc và ý hướng tiêu cực. Nói một cách tổng quát, xin Ngài cho biết người ta phải làm thế nào để đạt được khả năng này tức là khai trừ những cảm xúc tiêu cực đồng thời tiến hành những thay đổi tích cực trong cuộc sống?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Bước đầu tiên là học hỏi. Giáo dục, như tôi đã đề cập trước đây, là điều rất hệ trọng ..."

"Có lẽ Ngài định nói về vai trò quan trọng của học hỏi khi chúng ta tìm hiểu về sự tác hại của những cảm xúc và ý hướng tiêu cực trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc cũng như những lợi dưỡng có được từ các cảm xúc tích cực ?"

"Đúng thế, nhưng khi bàn thảo về khuynh hướng đưa đến những thay đổi tích cực trong mỗi cá nhân, học hỏi chỉ là bước đầu. Những dữ kiện khác cần phải nói đến là một niềm tin vững mạnh, cương quyết, hành động và cố gắng. Cho nên sau khi học hỏi, chúng ta cần phát triển một niềm tin vững chắc. Niềm tin này làm cho chúng ta có được quyết tâm; rồi chúng ta chuyển quyết tâm thành hành động, và để hành động có kết quả, chúng ta cần những cố gắng liên tục.

"Hãy lấy thí dụ như khi chúng ta muốn bỏ thuốc lá. Trước hết, chúng ta phải hiểu được rằng thuốc lá có hại cho thể xác và hiểu biết này đến từ giáo dục. Về vấn đề này, tôi thấy truyền thông và giáo dục quần chúng về tác hại của thuốc lá đã thay đổi cảm quan của nhiều người vì hiện nay tại các quốc gia Tây phương, người ta ít hút thuốc lá hơn so với các xứ Cộng sản như Trung quốc chẳng hạn. Hiểu rằng thuốc lá có hại cho sức khoẻ là chuyện cần thiết nhưng chưa đủ, chúng ta phải phát triển sự hiểu biết này để đưa đến niềm tin rằng thuốc lá có những hậu quả tai hại đối với cơ thể. Tin tưởng như vậy rồi chúng ta mới tăng trưởng quyết tâm thay đổi và sau khi đã quyết định thay đổi, chúng ta cần cố gắng để duy trì lối sống mới. Đây là những giai đoạn không thiếu được của những thay đổi nội tại đối với bất cứ vấn đề gì mà chúng ta muốn hoàn tất. "Muốn đổi thay bất luận một loại cảm xúc nào, muốn nhắm đến bất cứ một mục tiêu hay hành động nào, chúng ta cũng cần bắt đầu bằng cách phát huy một ý chí hay ước muốn mạnh mẽ để hoàn tất công việc. Chúng ta cần nhiều nhiệt tâm và trong trường hợp này, ý niệm khẩn cấp rất có hiệu lực. Ý niệm khẩn cấp là một dụng cụ hữu hiệu giúp chúng ta vượt qua những khó khăn. Cũng giống như tính khẩn thiết của bịnh AIDS (SIDA) đã giúp nhiều người xét lại các hoạt động tình dục của mình và cũng như tôi thường nghĩ, nếu có đầy đủ tin tức, người ta thường cẩn trọng và quyết tâm hơn. Ý niệm khẩn cấp cũng là dữ kiện trọng yếu trong việc thay đổi. Nó cung cấp cho chúng ta những năng lực vô cùng lớn lao mà bình thường chúng ta không có. Trong những vận động chính trị cũng thế, càng nguy khốn thì càng tỏ ra khẩn thiết đến nỗi người ta quên cả đói khát, mệt mỏi, kiệt sức trong việc theo đuổi mục tiêu của mình.

"Tính khẩn cấp này không chỉ áp dụng vào việc khắc phục những khó khăn ở tầm mức cá nhân mà ở cấp cộng đồng hay quốc tế cũng vậy. Khi đến thăm St. Louis, tôi có gặp viên Thống đốc và tiểu bang này vừa trải qua một cơn lụt lớn. Viên Thống đốc nói với tôi rằng khi trận lụt xuất hiện, ông ta rất lo ngại về bản chất cá nhân chủ nghĩa của dân chúng vì nghĩ rằng họ sẽ không hợp tác để chống lụt. Nhưng khi trận lụt xảy ra, ông ta đã rất ngạc nhiên trước sự góp sức tích cực của mọi người. Họ đã hợp tác chặt chẽ và quyết tâm cao độ trong công tác chống lụt đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ đối với viên Thống đốc. Cho nên theo tôi thì để hoàn thành một công tác quan trọng, chúng ta cần đến ý niệm khẩn cấp để giúp mọi người tự động nối vòng tay lớn hầu ứng phó với cuộc khủng hoảng." Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp: "Điều bất hạnh là chúng ta thường không có được ý niệm khẩn cấp này".

Tôi lấy làm ngạc nhiên khi nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh đến tính cách quan trọng của ý niệm khẩn cấp vốn đã rập khuôn theo Tây phương vì với quan niệm "Cứ để vậy - không sao đâu" của dân Á châu, người ta cho rằng vì cuộc sống có nhiều kiếp nên nếu không xảy ra trong kiếp này thì sẽ xảy ra trong một kiếp nào đó. Tôi hỏi:

"Nhưng vấn đề ở đây là làm sao người ta có thể khai triển ý niệm khẩn thiết và mối quan tâm cao độ trong đời sống hàng ngày? Liệu Phật giáo có giải pháp gì không?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Đối với hành giả Phật giáo, có một vài kỹ thuật để tăng trưởng quyết tâm. Trong kinh điển, đức Phật đã giải thích về tính quý hiếm của kiếp người, cơ thể chúng ta có vô số tiềm năng, làm sao để sử dụng chúng vào một mục tiêu thích đáng, những lợi dưỡng và ưu thế khi được mang thân người ... Những lời giải thích này nhằm mục đích giúp chúng ta thấm nhuần với ý niệm tự tin, can đảm đồng thời khích lệ quyết tâm sử dụng cơ thể con người của chúng ta vào những cách thế tích cực. Bởi vậy, để gây tạo ý niệm khẩn cấp trong công tác thực hành trí tuệ, hành giả phải luôn luôn nhớ đến tính vô thường của kiếp sống, nhớ đến cái chết. Ý niệm vô thường ở đây được nói đến với một ý nghĩa rất phổ dụng chứ không có tính cách cao siêu thâm thúy. Nói khác đi, hành giả cần nhớ rằng bất cứ khi nào, có thể chúng ta sẽ không còn hiện hữu nữa, chúng ta sẽ chết rất bất ngờ. Ý niệm vô thường đi đôi với tiềm năng bao la của thân người giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta phải tận dụng từng giây từng phút quý báu của cuộc sống.

Tôi hỏi: "Suy ngẫm về vô thường, về cái chết có thể là một kỹ thuật hiệu nghiệm giúp người ta gây tạo ý niệm khẩn cấp để thực hiện những đổi thay tích cực. Liệu những người không phải là Phật tử có thể sử dụng phương pháp này hay không?" Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp với vẻ suy nghĩ: "Chúng ta nên thận trọng khi áp dụng phương pháp này đối với những người không phải là Phật tử. Có thể các hình thức này thích hợp với những người theo Phật giáo hơn. Hơn nữa, người ta vẫn có thể sử dụng một phương pháp vào các mục tiêu hoàn toàn trái ngược nhau." Đức Đạt Lai Lạt Ma cười: "Này, không có gì bảo đảm rằng ngày mai tôi vẫn còn sống, vậy hãy vui thú thật nhiều ngày hôm nay!"

Tôi hỏi tiếp: "Đối với những người không phải là Phật tử, Ngài có đề nghị gì giúp họ gây tạo ý niệm khẩn thiết?" Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:

"Như tôi đã nói, đây là vai trò của tin tức và giáo dục. Như tôi chẳng hạn, trước khi nói chuyện với các chuyên gia, tôi không biết nhiều về những khủng hoảng của môi sinh. Nhưng sau khi nghe họ giải thích về những vấn nạn mà chúng ta đang phải đối diện, tôi mới biết được tính nghiêm trọng của tình thế. Cách thức này có thể áp dụng với những vấn nạn khác mà chúng ta đang phải đối phó.

Tôi tiếp: "Nhưng nhiều khi, dù có đủ tin tức và dữ kiện, người ta vẫn không đủ năng lực để thay đổi. Làm sao để khắc phục được tình trạng này?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ một lúc rồi đáp: "Tôi cho rằng có nhiều cấp độ khác nhau ở đây. Một mặt có thể là do những dữ kiện sinh học làm cho chúng ta thiếu quyết tâm, ít năng lực. Trong trường hợp này, người ta cần thay đổi lối sống bằng cách dùng những thực phẩm lành mạnh, ngủ nhiều, kiêng rượu ... tức là những biện pháp giúp trí óc chúng ta tỉnh táo hơn. Mặt khác, người ta có thể cần đến sự trợ lực của thuốc men hay các phương tiện y học nếu nguyên nhân là bịnh tật. Ngoài ra còn có một dạng khác của tình trạng thờ ơ, thiếu năng lực, dạng này thuần túy do sự ủy mỵ của tâm thức ..."

Tôi ngắt lời: "Vâng, đúng là điều mà tôi muốn nói tới ..."

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: "Để khắc phục tình trạng yếu kém của tâm thức đồng thời gây tạo ý chí và quyết tâm để chế ngự những ý hướng và cảm xúc tiêu cực, tôi nghĩ phương pháp thích hợp nhất (cũng có thể là giải pháp duy nhất) là liên tục suy tưởng về những hậu quả tác hại của các cảm xúc tiêu cực. Chúng ta phải tự nhắc nhở một cách không ngừng nghỉ về những hậu quả tai hại này."

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rất đúng về phương diện tâm lý. Vì là một tâm lý gia, tôi hiểu biết khá tường tận về tình trạng hằn sâu trong tâm tưởng của các hành vi và các ý tưởng tiêu cực mà hậu quả là người ta không làm sao thay đổi được. Vì nghĩ rằng có những động cơ tâm lý rất phức tạp nằm sau các cảm xúc này, tôi đã sử dụng vô số thì giờ để nghiên cứu và phân tích thái độ chống đối đổi thay của bịnh nhân. Với những ý tưởng này lởn vởn trong đầu, tôi hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma: "Người ta rất muốn tạo ra những đổi thay tích cực trong cuộc sống, tập các thói quen tốt nhưng thường khi, người ta có một cảm giác chống đối, một tình trạng ù lì ngăn cản chúng ta. Xin Ngài cho biết ý kiến."

"Cũng dễ hiểu thôi." đức Đạt Lai Lạt Ma đáp.

"DỄỄỄ HIỂỂỂU ? "

"Tại vì chúng ta đã quen thuộc với một lối làm việc nào đó và lâu ngày, nó làm cho chúng ta trở nên giải đãi vì được nuông chiều thái quá. Chúng ta chỉ làm những việc mà chúng ta thích, những việc đã quen thuộc."

"Nhưng làm sao để khắc phục được tình trạng đó?"

"Sử dụng chính thói quen để làm lợi cho chúng ta. Chúng ta chắc chắn sẽ kiến tạo được các khuôn mẫu cảm xúc mới nếu cứ liên tục làm quen với chúng. Hãy nghe thí dụ sau đây: "Tại Dharamsala, tôi thường thức dậy để bắt đầu một ngày vào lúc 3 giờ rưỡi sáng. - Arizona, tôi thức dậy lúc 4 giờ rưỡi. Được ngủ thêm 1 giờ".

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười: "Lúc đầu thì cũng cần một ít cố gắng để làm quen với chuyện này nhưng sau đó ít tháng thì nó trở thành thói quen, không cần phải công sức gì cả. Nhiều đêm đi ngủ trễ, tôi vẫn thức dậy vào lúc 3 giờ rưỡi để bắt đầu công việc của một ngày mới mà không cần phải suy nghĩ gì dù đôi khi tôi cũng muốn ngủ thêm vài phút. Đây là sức mạnh của thói quen.

"Do vậy, nếu cố gắng một cách liên tục, chúng ta có thể chiến thắng bất cứ dạng thức nào của hoàn cảnh tiêu cực để tạo ra những thay đổi tích cực cho đời sống. Nhưng cũng đừng quên rằng thói quen không xảy ra một sớm một chiều. Cá nhân tôi chẳng hạn, so với 20 hay 30 năm về trước, tình trạng tâm thức của tôi bây giờ thật ra rất khác biệt và sự khác biệt này chỉ xảy ra từng bước một."

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười : "Tôi bắt đầu học Phật từ khi lên năm lên sáu, nhưng lúc ấy tôi chẳng thích thú gì dù sự tái sanh của tôi được mọi người coi là ở trạng thái cao cấp nhất. Mãi cho đến năm 16 tuổi, tôi mới bắt đầu có những ý tưởng nghiêm chỉnh về Phật giáo, và từ đó, tôi bắt đầu thực hành một cách nghiêm túc. Nhiều thập niên trôi qua, tôi bắt đầu hiểu đạo và thấm nhập các nguyên tắc. Về các pháp thực hành, mới đầu có vẻ vô kế khả thi và ngược với tự nhiên nhưng dần dà, chúng trở nên quen thuộc. Đây là tính thấm nhập của thói quen hoặc nói theo ngôn ngữ nhân gian là từ từ rồi đâu cũng vào đấy. Cái "từ từ" mà tôi nói ở đây đã kéo dài hơn 40 năm.

"Như vậy, chúng ta thấy sự phát triển tinh thần cần thời gian. Nếu ai đó nói rằng 'Ôi, qua nhiều năm gian khổ, mọi chuyện đã đổi thay' thì tôi rất đồng ý vì những đổi thay chân chính và trường cửu cần phải được thời gian tôi luyện. Nếu ai đó nói rằng 'Mới có hai năm ngắn ngủi mà đã có những thay đổi lớn lao' thì tôi nghĩ rằng không xác thực lắm."

Trong khi khuynh hướng của đức Đạt Lai Lạt Ma về sự thay đổi xem ra có giá trị thuyết phục không chối cãi được thì có một chi tiết mà tôi cho là cần phải được nhất trí:

"Ngài đã đề cập đến ý chí và quyết tâm cao độ để chuyển hóa tâm thức con người, gây tạo những đổi thay tích cực. Cùng lúc đó, chúng ta hiểu rằng những thay đổi chân chính chỉ xảy ra từ từ, cần thời gian. Như vậy, người ta có bị nản lòng nếu những đổi thay xảy ra quá chậm chạp? Có bao giờ Ngài bị thối chí chỉ vì tiến trình huấn luyện tâm thức xảy ra quá chậm rãi hay nản lòng trong những phạm vi khác của cuộc đời?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Có, quả có vậy."

Tôi hỏi: "Rồi Ngài ứng phó như thế nào ?"

"Riêng về công cuộc huấn luyện tâm thức, khi gặp những chướng ngại hay trở lực, tôi thường lùi lại và nhìn vào những mục tiêu dài thay vì ngắn hạn. Về điểm này, tôi thấy đoạn kinh sau đây thường giúp tôi thêm can đảm và giữ vững quyết tâm:

Bao giờ vũ trụ còn trường cửu

Bao giờ chúng sinh còn tồn tại

Nguyện cho tôi vẫn sống còn

Để xóa tan những thống hận trên dương thế.

"Tuy vậy, trong công cuộc giành lại độc lập cho Tây Tạng, nếu tôi ứng dụng những ý tưởng này, nghĩa là sẵn lòng chờ đợi hết vạn kỷ này đến vạn kỷ khác, dài như sự trường cửu của vũ trụ ... thì thật là xuẩn ngốc. Trong hoàn cảnh này, chúng ta cần đến những hành động cấp thời, những tham dự tích cực. Nhiều khi nhìn lại quá khứ, suốt 15 năm trời cố gắng thương thảo mà không đạt được một kết quả nào, 15 năm thất bại và uổng phí, tôi cũng có cảm tưởng mất kiên nhẫn và bực tức. Nhưng không vì thế mà tôi chán nản đến độ mất tin tưởng"

Tôi hỏi thêm: "Nhưng chính xác điều gì đã giúp Ngài không mất hy vọng?"

"Ngay trong trường hợp của Tây Tạng, nhìn sự việc từ một viễn tượng bao quát hơn có thể giúp chúng tôi đỡ khổ. Vì rằng nếu cứ nhìn hiện trạng bằng cảm quan chật hẹp, chỉ chú tâm đến chính vấn đề thì câu chuyện gần như tuyệt vọng. Nhưng nếu sử dụng một cái nhìn tổng thể, nhìn Tây Tạng trên viễn tượng toàn cầu thì những biến động đang xảy ra cho chủ nghĩa Cộng sản và hệ thống cực quyền chuyên chế giúp chúng tôi giữ vững niềm tin. Ngay ở Hoa lục cũng có những phong trào dân chủ. Do đó, tôi không buông xuôi."

Nói về quá trình học tập tư tưởng Phật giáo và thiền quán của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi rất thích thú khi Ngài nhấn mạnh đến vai trò của học hỏi và giáo dục như là bước đầu tiên dẫn đến những chuyển hóa nội tại chứ không phải là những hoạt động tâm linh thần bí và siêu thực. Mặc dù giáo dục được coi là quan trọng trong việc học hỏi những kỹ năng mới và đảm bảo tính an toàn của công việc, nhưng vai trò chính của giáo dục trong việc đem lại hạnh phúc cho con người đã được tìm hiểu kỹ càng. Những cuộc nghiên cứu cho thấy ngay cả hình thức giáo dục thuần túy bác học cũng khiến người ta có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Vô số các cuộc khảo sát cho người ta biết rằng một trình độ giáo dục cao hơn chắc chắn đã mang lại sức khỏe, nâng cao tuổi thọ và giúp người ta tránh được tình trạng suy thoái. Khi tìm hiểu lý do của những ảnh hưởng tốt đẹp này của giáo dục, các khoa học gia đã nhận ra rằng người có trình độ giáo dục cao thường nhận thức đúng đắn hơn về các dữ kiện có hại cho sức khoẻ, có khả năng theo đuổi các lối sống lành mạnh hơn, nhiều năng lực và tự tin, giỏi xoay trở khi gặp những trường hợp khó khăn cũng như ứng xử một cách hiệu quả hơn với cuộc sống. Đấy là những dữ kiện giúp người ta có một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh hơn. Vậy nếu một nền giáo dục thuần lý thuyết đã liên hệ đến cuộc sống hạnh phúc thì cái học hỏi và giáo dục mà đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập đến còn mãnh liệt đến dường nào? Một nền giáo dục nhắm thẳng vào việc thông hiểu và áp dụng toàn bộ dữ kiện để dẫn đến một thứ hạnh phúc trường cửu?

Bước kế tiếp trong đường lối của đức Đạt Lai Lạt Ma về thay đổi là tạo quyết chí và nhiệt tâm. Đây cũng là giai đoạn mà nền khoa học đương đại của Tây phương hoàn toàn chấp nhận, coi đó là điều rất cần thiết để con người đạt được những mục tiêu đề ra. Trong một cuộc khảo cứu, nhà tâm lý giáo dục Benjamin Bloom đã nghiên cứu những cuộc đời rất tài danh của một số nghệ sĩ, vận động viên và khoa học gia Hoa Kỳ. Ông ta khám phá ra rằng khát vọng và quyết tâm, chứ không phải tài năng thiên bẩm, đã là nguyên nhân của sự thành đạt trong những lãnh vực riêng biệt. Và cũng giống như những địa hạt khác, người ta có thể xác quyết rằng những nguyên tắc này cũng được áp dụng trong nghệ thuật thu đạt hạnh phúc.

Các nhà khoa học chuyên về hành vi con người đã nghiên cứu sâu rộng về động cơ thúc đẩy chúng ta khởi xướng, gìn giữ và điều hướng những hành động của chúng ta; họ gọi đây là môn học về những động lực thúc đẩy con người. Các tâm lý gia đã nhận diện 3 loại động cơ chính yếu:

Thứ nhất là những động lực sơ đẳng. Đây là những khát vọng dựa trên các nhu cầu sinh thái để sống còn. Loại này bao gồm những nhu cầu về thực phẩm, nước và không khí. Thứ hai là những động lực bao gồm các nhu cầu của con người về sự kích thích và thông tin. Các nhà nghiên cứu đã giả định rằng đây là những nhu cầu bẩm sinh cần có để con người có thể trưởng thành, phát triển cũng như sự vận hành của hệ thần kinh. Thứ ba là những động lực dựa trên học hỏi và ước muốn, loại động lực nhị đẳng. Người ta cần rất nhiều những động lực thuộc loại này để có được thành công, quyền lực, địa vị tức là những thành đạt trong cuộc sống. Ở cấp độ này, hành vi và khát vọng của con người có thể bị ảnh hưởng bởi hấp lực của xã hội và được điều hướng bởi học hỏi. Chính ở cấp độ này, các lý thuyết của tâm lý học tân tiến đã gặp gỡ những ý niệm về khai triển quyết chí và nhiệt tâm của đức Đạt Lai Lạt Ma. Điểm khác biệt là trong hệ thống của đức Đạt Lai Lạt Ma, khát vọng và quyết tâm của người ta không nhắm vào lợi lộc thế tục nhưng là để thông hiểu một cách thấu đáo những dữ kiện đưa đến hạnh phúc chân thực và chúng được dùng để theo đuổi những mục tiêu cao cả hơn như hòa nhã, từ ái và phát triển tâm thức.

Nỗ lực không ngừng nghỉ mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Tinh Tấn là sự kiện cuối cùng dẫn đến đổi thay. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận diện nỗ lực như là yếu tố cần thiết trong việc thiết lập một hiện trạng mới. Ý tưởng cho rằng chúng ta có thể thay đổi những hành vi và ý hướng tiêu cực của mình không những được chia xẻ bởi các tâm lý gia Tây phương mà trên thực tế, ý tưởng này còn là trọng tâm của môn hành vi trị liệu đương thời. Phương thức trị liệu này dựa trên nguyên tắc căn bản là người ta có thể học tập để trở thành cách thế mà chúng ta muốn, cũng như để tạo lập một hiện trạng mới. Hành vi liệu pháp đã tỏ ra hữu hiệu đối với những rắc rối trong nhiều lãnh vực.

Khoa học cho chúng ta biết rằng tính khí có sẵn do di truyền của con người đóng một vai trò quan trọng trong phương cách mà chúng ta dùng để hành xử trong cuộc sống. Hầu hết các nhà khoa học xã hội và các tâm lý gia đều đồng ý rằng phần lớn cách thế chúng ta hành động, suy diễn và cảm nghĩ là do học tập và các điều kiện sống chung quanh như những hấp lực xã hội và văn hóa. Và khi chúng ta đồng ý rằng hành vi của con người được quyết định bởi các điều kiện chung quanh rồi được củng cố và khuếch đại bởi thói quen và tập tục thì như đức Đạt Lai Lạt Ma đã khẳng định, điều này đã mở ngõ cho một tiềm năng mới là chúng ta có thể xóa bỏ những hiện trạng tiêu cực và tác hại để thay thế bằng một hiện trạng khác hữu ích hơn để tô bồi cho cuộc sống. 

TINH TẤN (nỗ lực không ngừng nghỉ) để thay đổi những ứng xử ngoại vi không chỉ giúp chúng ta khắc phục những thói hư tật xấu mà còn giúp chúng ta thay đổi thái độ và cảm nghĩ. Những cuộc thí nghiệm cho thấy thái độ và các đặc trưng tâm lý không những đã quyết định hành vi của chúng ta (đã được chấp nhận một cách khá phổ quát) nhưng người ta còn biết được rằng hành vi có thể thay đổi được thái độ của con người. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng ngay cả một cái cau mày hay một nụ cười giả tạo cũng có thể dẫn đến cảm giác giận hờn hay vui vẻ của con người. Điều này chứng minh rằng xuyên qua hành động, sự liên tục tiếp cận với những hành vi tích cực có thể dần dà đưa tới những thay đổi nội tại thực sự. Và đây là những ứng dụng rất quan trọng trong khuynh hướng của đức Đạt Lai Lạt Ma nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc hơn ... Nếu bắt đầu bằng những hành động đơn giản như thường xuyên giúp đỡ người khác dù chính mình không thực tình quan tâm đến họ cũng dần dà chuyển hóa chúng ta, dần dà giúp chúng ta phát triển những cảm giác chân thực về từ ái.

NHỮNG MONG CHỜ THỰC TIỄN

Để đưa đến những đổi thay và chuyển hóa nội tại chân chính, đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nỗ lực không ngừng nghỉ (Tinh tấn). Đây là một diễn trình tiệm tiến và nó hoàn toàn trái ngược với một ý niệm đang phát triển nhanh và mạnh tại Tây phương trong vài thập niên vừa qua: Kỹ thuật và liệu pháp 'xử lý nhanh chóng' (quick fix), một kỹ thuật mới bao quát từ 'những xác định tích cực' đến 'khám phá thai nhi'.

Khuynh hướng của đức Đạt Lai Lạt Ma nhắm vào tính trưởng thành, tiệm tiến. Ngài tin tưởng vào sức mạnh vô giới hạn của tâm thức nhưng là một thứ tâm thức được huấn luyện có hệ thống, có chủ đích, có tập trung và được tôi luyện qua những năm dài kinh nghiệm và lý lẽ vững chắc. Chúng ta đã hao tốn những tháng năm dài để làm quen với những thói tật vốn là nguyên nhân của những rắc rối trong đời sống và chúng ta cũng cần những tháng năm dài tương tự để thành hình những tập quán mới hầu có được hạnh phúc. Quyết tâm, tinh tấn và thời gian là những chất liệu hệ trọng không thể cắt xén được, chúng là những bí quyết chân thực của hạnh phúc.

Khi cất bước trên lộ trình thay đổi, điều quan trọng là cần đặt ra những ước vọng thực tiễn, không quá xa vời. Nếu kỳ vọng quá cao, chúng ta sẽ tự làm mình thất vọng. Nếu kỳ vọng quá thấp, nó triệt tiêu ước vọng thử thách khả năng của mình trong việc đạt đến tiềm năng tối đa của chúng ta. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích về tiến trình thay đổi như sau:

"Đừng bao giờ quên tầm quan trọng của thái độ thực tế, cần phải nhạy bén và cẩn trọng với thực trạng của hoàn cảnh mà mình đang sống trước khi bắt đầu hành trình tiến lên mục tiêu tối hậu. Phải nhận thức rằng sẽ có những khó khăn trên đường đi, sẽ cần đến thời gian và sẽ cần nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ. Ý thức chúng ta cần phân biệt một cách rõ ràng giữa lý tưởng và các tiêu chuẩn mà chúng ta dùng để xét đoán các tiến bộ của mình. Giả dụ một Phật tử có thể đặt ra mục tiêu rất cao là phải đạt được giác ngộ. Xem giác ngộ như là cứu cánh sau cùng của mình không phải là một quá độ nhưng nếu nghĩ rằng mình có thể đạt được ước nguyện đó khá nhanh là điều không thực tế. Coi giác ngộ như là tiêu chuẩn thay vì lý tưởng có thể khiến chúng ta chán nản, mất hy vọng nếu mình không đạt được điều này trong thời gian ngắn. Do vậy, người ta cần một khuynh hướng thực tế. Mặt khác, nếu chúng ta cho rằng 'Tôi chỉ nhắm vào chuyện này chuyện kia vì là những thực tiễn chứ không quan tâm đến tương lai, đến Phật quả xa vời ...' thì chúng ta lại rơi vào một quá độ khác. Nói cách khác, chúng ta cần một khuynh hướng dung hòa. Chúng ta cần sự quân bình.

"Đối phó với ước vọng là một vấn đề khá tế nhị vì nếu chúng ta đặt ra những mơ ước quá tầm trong khi không có căn bản vững chắc, chúng ta sẽ gặp rắc rối. Mặt khác, nếu không có ước mơ và kỳ vọng, chúng ta sẽ không thăng tiến. Ước vọng là điều cần thiết nhưng một ước vọng quân bình cũng không phải dễ dàng. Mọi người phải tự mình xét đoán từng hoàn cảnh riêng."

Tôi vẫn có vài nghi ngờ day dứt dù rằng chúng ta phải sửa đổi những cảm xúc và thái độ tiêu cực, cần có thời gian và nỗ lực ... nhưng đến mức độ nào mới đủ để xua tan ý hướng tiêu cực? Tôi đem vấn đề ra trình bày với đức Đạt Lai Lạt Ma:

"Chúng ta đã bàn thảo về sự kiện rằng hạnh phúc tối hậu tùy thuộc vào sự khai trừ các hành vi và tình trạng tinh thần tiêu cực như Tham, Sân, Si. Nhưng đây là những cảm xúc rất tự nhiên của tâm thức con người. Mọi người đều biết đến những ý tưởng đen tối này bằng cách này hay cách khác. Và nếu như vậy thì ganh ghét, chối bỏ, tranh chấp ... là một phần tự nhiên của chúng ta. Tôi có ý nói rằng cố tình xóa bỏ những phần tự nhiên như vậy của con người xem ra có vẻ không thực tế và phản thiên nhiên."

Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu rồi đáp: " Vâng, nhiều người cho rằng giận ghét và các cảm xúc tiêu cực khác là một phần tự nhiên của tâm thức. Họ cho rằng vì là bản tính tự nhiên nên người ta không có cách nào thách thức chúng được - Không đúng như thế - Xin đề cử một ví dụ. Tất cả chúng ta khi sanh ra đều ở trong tình trạng thiếu hiểu biết. Như anh nói thì đây là một bản tính tự nhiên. Tuy rằng khi còn nhỏ dại chúng ta không hiểu biết nhưng khi khôn lớn, do giáo dục và học hỏi ngày này qua ngày khác, chúng ta trở nên có nhận thức và tính ngu dốt bị khai trừ từng phần. Dĩ nhiên là nếu cứ để yên tình trạng u tối, không chịu phát triển học thức thì chúng ta không thể diệt trừ ngu dốt, nghĩa là nếu cứ sống theo bản năng thì giáo dục và học hỏi sẽ không có lợi gì. Cùng một cách thế như vậy, nếu được huấn luyện thích đáng, chúng ta có thể dần dà giảm thiểu các tư tưởng tiêu cực và tăng gia các tư tưởng tích cực như yêu thương, từ ái và tha thứ."

Tôi vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn: "Nhưng nếu những ý tưởng tiêu cực là một phần của tâm thức con người thì làm sao chúng ta có thể thành công trong việc chối bỏ chúng được? Chúng là một phần của chúng ta!"

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Để hiểu tại sao chúng ta có thể đánh phá các cảm giác tiêu cực, chúng ta nên hiểu cách thức hoạt động của tâm thức con người. Tâm thức chúng ta rất phức hợp nhưng cũng rất vi tế. Nó có thể đưa ra nhiều giải pháp cho những tình huống và hoàn cảnh khác nhau. Tâm thức có khả năng chấp nhận nhiều viễn tượng khác nhau để từ đó, ứng xử với từng vấn nạn riêng biệt.

"Trong Phật giáo, khả năng chấp nhận nhiều viễn tượng khác nhau được dùng trong một số các phép quán mà theo đó, hành giả có thể tách rời những nhân tố tinh thần của chính mình và tạo ra một sự đối thoại giữa các nhân tố này với nhau. Trong phép quán về lòng vị tha chẳng hạn, hành giả có thể phân thân để thấy mình vừa là một cá nhân tự tập trung và ích kỷ, vừa là một hành giả tâm linh và hai 'phân thân' này có thể đối thoại với nhau, một hình thức 'tương quan đối thoại'. Tương tự như thế, mặc dù các thiên hướng tiêu cực như giận ghét là một phần của tâm thức, nếu cố công, chúng ta có thể tách rời ra để chống lại chúng như là những mục tiêu khách quan.

"Thêm nữa, do kinh nghiệm sống hàng ngày, chúng ta cũng thường gặp những trường hợp mình tự trách mình, mình tự lên án, chỉ trích mình. Chúng ta vẫn thường nói 'Trong tình cảnh đó, tôi đã thất vọng với chính tôi'. Cũng có khi chúng ta tự trách mình vì đã làm điều sai quấy hoặc lẽ ra phải làm một chuyện gì và sau đó bực tức với chính mình vì đã không làm. Ở đây cũng thế, chúng ta đối thoại với chính mình. Thực tế thì không có hai cái ta khác biệt mà chỉ là tính kế tục, tính tiếp nối của một cá thể. Cho nên vẫn là điều hợp lý khi mình chỉ trích mình, bực tức với chính mình. Điều này ai cũng nhận biết.

"Như vậy trên thực tế, dù chỉ là tính liên tục của một cá thể đơn độc, chúng ta vẫn có thể chấp nhận những viễn tượng khác nhau. Chuyện gì xảy ra khi chúng ta tự trách mình? Cái ta đang lên án là bản ngã tổng thể của chúng ta, còn cái ta bị lên án là bản ngã của chúng ta trong một hoàn cảnh, một biến cố nào đó. Do vậy mà người ta có thể chấp nhận mối tương quan giữa Ta-với-Ta.

"Để khai triển thêm về chuyện này, có thể là một điều hữu ích nếu chúng ta suy xét về những phương diện khác nhau thuộc bản ngã riêng của từng người. Lấy trường hợp một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng làm ví dụ. Người này có thể cho rằng bản sắc riêng biệt của anh ta là một tu sĩ 'Tôi là tu sĩ'. Nhưng anh ta cũng có thể cho rằng bản sắc tu sĩ chưa đầy đủ mà nguồn gốc sắc tộc mới quan trọng, và vì vậy 'Tôi là người Tây Tạng'. Rồi ở một mức độ khác nữa, anh ta cũng có thể nghĩ rằng tu sĩ lẫn Tây Tạng vẫn chưa bao quát mọi bề, và từ đó, anh ta nghĩ 'Tôi là một con người'. Như vậy chúng ta có thể nhận thấy có nhiều viễn ảnh khác nhau ngay trong bản sắc của mỗi người.

"Chuyện này cho thấy khi liên hệ đến một điều gì đó về phương diện suy tưởng, người ta có thể nhìn sự kiện bằng nhiều góc độ khác nhau. Khả năng này lại có tính cách lựa chọn vì chúng ta có thể chú trọng đến một góc cạnh, một phương diện hay một viễn tượng nào đó mà chúng ta thích. Khả năng này trở nên rất quan trọng khi chúng ta muốn nhận diện và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực hay gia tăng các thiên hướng tích cực trong ta. Do khả năng có thể chấp nhận một quan điểm nào đó, chúng ta có thể khu biệt từng phần của chính ta, những phần mà ta muốn loại trừ và chống đối.

"Đến đây, một câu hỏi quan trọng có thể xuất hiện: Mặc dù có thể dấn thân đấu tranh với giận ghét và các tình trạng tiêu cực khác, có gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ giành được thắng lợi?

"Khi nói đến những tình trạng tiêu cực này của tâm thức, tôi có ý nói đến Nyon Mong trong Tạng ngữ hoặc Kleshatrong tiếng Phạn. Theo từ nguyên, những tiếng này có nghĩa là những điều gây ra khổ não bên trong tâm thức. Vì khá dài dòng nên người ta thường dịch là ảo giác (niềm tin hay sự hiểu biết sai lạc). Truy cứu nguồn gốc của chữ Nyon Mong trong Tạng ngữ sẽ cho chúng ta ý niệm rằng chính cảm xúc và các biến cố có được do nhận thức đã cùng lúc tác hại đến tâm thức, phá hủy sự tĩnh lặng của tâm thức cũng như gây ra những rối loạn trong tâm thức. Quan sát tỉ mỉ hơn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra bản chất khổ não của những ảo giác này vì chúng có khuynh hướng phá tan sự tĩnh lặng và hiện hữu của tâm thức. Nhưng tìm xem chúng ta có thể khắc phục được chúng hay không là một vấn đề khó khăn hơn nhiều. Câu hỏi này liên quan trực tiếp đến toàn bộ ý niệm rằng chúng ta có đạt được sự nhận thức toàn diện đối với năng lực tinh thần của chúng ta hay không. Đây là một câu hỏi khó khăn và nghiêm túc.

"Vậy thì dựa trên cơ sở nào để chúng ta nhận thức rằng những cảm xúc khổ não và các biến cố do nhận thức đem lại tức là những ảo giác có thể bị đánh bật gốc rễ và loại trừ khỏi tâm thức? Theo tư tưởng Phật giáo, có ba cơ sở chính:

"Cơ sở thứ nhất là tất cả những tình trạng hiểu biết sai lạc của tâm thức, tất cả những tư tưởng và cảm xúc khổ não đều bị bóp méo, không trung thực, khiến cho người ta nhận biết thực chất của hoàn cảnh một cách sai lạc, không đúng đắn. Cho nên, dù những ý hướng tiêu cực này có mãnh liệt đến đâu thì thực tế, chúng cũng không có căn bản vững chắc. Chúng bắt nguồn từ ngu dốt, từ không hiểu biết, từ VÔ MINH. Đối lại, những ý tưởng hay trạng thái tâm thức tích cực như yêu thương, từ ái, nội tại ... có căn bản đích thực. Khi tâm thức kinh qua những cảm giác tích cực, chúng không bị bóp méo vì rằng những dữ kiện tích cực có căn nguyên từ thực tại đúng đắn. Chúng ta có thể thẩm xét điều này bằng kinh nghiệm của mình vì những cảm xúc tích cực có nguồn gốc và phát triển từ sự hiểu biết chân chính chứ không phải từ những hiểu biết sai lạc như phẫn, hận ... Hơn nữa, những cảm xúc tích cực có một phẩm chất đặc biệt là chúng ta có thể khuếch đại tiềm năng của chúng đến vô tận trong trường hợp chúng ta thực tập và ứng dụng chúng thường xuyên ..."

Tôi ngắt lời đức Đạt Lai Lạt Ma: "Xin Ngài giải thích tường tận hơn tại sao những cảm xúc tích cực có căn bản vững chắc trong khi những cảm xúc tiêu cực lại có căn bản không vững chắc?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma vạch rõ: "Thế này nhé, từ bi được coi là một cảm xúc tích cực để gây tạo từ tâm. Chúng ta bắt đầu bằng nhận thức rằng con người không muốn khổ não, con người có quyền được hạnh phúc và điều này ai cũng có thể thẩm xét và chuẩn nhận bởi kinh nghiệm của chính mình. Rồi chúng ta nhận thức tiếp rằng mọi người, cũng như ta, đều không muốn khổ não, đều có quyền được hạnh phúc. Những nhận thức như vậy trở thành căn nguyên của sự phát triển tâm từ.

"Truy nguyên, có hai loại cảm xúc hoặc hai tình trạng của tâm thức: tích cực và tiêu cực. Người ta có thể phân loại những cảm xúc này bằng một phương pháp khác. Đó là những cảm xúc tích cực đều có thể biện minh còn những cảm xúc tiêu cực thì không. Trở lại một đề tài mà chúng ta đã bàn luận trước đây là lòng ham muốn. Làm sao để biết một ham muốn là tích cực hay tiêu cực? Ước mong có được những nhu cầu căn bản của con người được coi là tích cực, có thể biện minh được vì nó dựa trên căn bản là mỗi người đều hiện hữu và mọi người đều có quyền sống còn. Để sống còn, người ta có một số nhu cầu và phương tiện cần thiết cần được đáp ứng, vì vậy, những ước muốn về nhu cầu và phương tiện căn bản này được coi là có căn bản vững chắc. Chúng ta đã bàn luận tiếp theo rằng những nhu cầu và phương tiện này nếu đi quá độ sẽ trở thành tham lam, dục vọng. Các ước muốn quá độ như vậy không dựa trên những lý do thực tế và thường gây ra phiền lụy trong cuộc đời. Những ham muốn này phát xuất từ tính không thỏa mãn, muốn có nhiều hơn mặc dù những vật chất mà chúng ta chiếm hữu được không cần thiết gì cả. Như vậy những ham muốn này không có các cơ sở vững chắc làm hậu thuẫn. Bằng cách này chúng ta có thể thấy rõ là những cảm xúc tích cực có cơ sở vững chắc còn cảm xúc tiêu cực thì không."

Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục cuộc khảo sát của Ngài về tâm thức con người, phân tích những hoạt động của tâm thức với mức độ tỉ mỉ mà một nhà thực vật học có thể dùng để phân loại những loài hoa quý hiếm:

"Bây giờ chúng ta đề cập đến cơ sở thứ nhì mà theo đó, các cảm giác tiêu cực có thể bị đánh bật gốc rễ và khai trừ khỏi tâm thức con người. Cơ sở này dựa trên sự kiện là những cảm xúc tích cực có thể được sử dụng như là một phản đề đối với các khuynh hướng tiêu cực, tình trạng hiểu biết không chân thực của tâm thức. Vậy cơ sở thứ nhì này có nghĩa là nếu chúng ta gia tăng tiềm lực của các dữ kiện phản đề thì chúng ta làm suy thoái sức mạnh của cảm xúc phiền não, của tâm thức tiêu cực tức là giảm thiểu hiệu năng và ảnh hưởng tác hại của chúng.

"Khi bàn luận về việc loại trừ những cảm xúc tiêu cực ra khỏi tâm thức, có một điểm mà chúng ta nên giữ nằm lòng. Phật giáo quan niệm rằng vun bồi những phẩm chất tích cực của tâm thức như kiên nhẫn, khoan nhượng, tử tế ... có thể coi là những phản đề của các cảm xúc tiêu cực như sân, hận, trói buộc. Ứng dụng các dữ kiện phản đề này sẽ làm suy giảm hiệu năng của cảm xúc phiền não đến một mức độ nào đó. Vì các dữ kiện phản đề chỉ nhắm vào các cảm xúc tiêu cực nào đó nên ảnh hưởng của chúng chỉ có tính cách từng phần mà thôi. Các cảm xúc phiền não như trói buộc, phẫn hận xuất phát từ vô minh, từ nhận thức sai lạc về bản chất chân thực của thực tại. Do vậy mà trong các hệ phái của Phật giáo đã có sự nhất trí rằng để khắc phục hoàn toàn các khuynh hướng tiêu cực, người ta phải sử dụng phản đề của vô minh là HUỆ hay HUỆ GIÁC. Đây là một vấn đề không thể bỏ qua được. Huệ giác là sự hiểu biết chân chính của tâm thức đối với bản thể chân thực của thực tại.

"Trong Phật giáo, không những chúng ta có những phản đề đặc trưng cho từng trạng thái tâm thức riêng biệt - như nhẫn nhục và khoan nhượng là phản đề/đối lực của giận dữ (phẫn) và thù nghịch (hận) - mà chúng ta còn có một phản đề tổng quát cho tất cả các trạng thái tiêu cực của tâm thức: Sự hiểu biết chân chánh đối với bản thể tối hậu của tất cả các PHÁP (bản thể của sự vật). Cũng như để vô hiệu hóa tác hại của cây hoa có độc tính, chúng ta có thể cắt bỏ một số cành lá nhất định nào đó, hoặc triệt hạ toàn thể gốc rễ của cây." 

Để kết luận về tính khả thi của việc loại trừ các trạng thái tâm thức tiêu cực, đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích:

"Cơ sở thứ ba mà chúng ta đề cập đến là tâm thức vốn trong sáng, không bị nhiễm ô. Điều này dựa trên niềm tin rằng tâm thức căn để nhất, thâm diệu nhất của chúng sinh vốn trong sạch, không bị các cảm xúc tiêu cực làm hoen ố. Bản thể chân thực này của tâm thức thường được diễn đạt bằng hình ảnh ánh sáng trong suốt không hề tỳ vết. Tính chất này còn được gọi là Phật tính. Do đó, vì không phải là bản chất, không có tính cách nội tại nên các cảm xúc tiêu cực có khả năng bị loại trừ khi chúng ta thanh lọc tâm.

"Tóm lại, dựa vào ba cơ sở trên đây, chúng ta có thể nói rằng theo quan điểm Phật giáo, người ta có thể loại trừ tất cả các cảm xúc và tình trạng tâm thức tiêu cực bằng cách gây tạo và vun bồi các sức mạnh phản đề như yêu thương, từ ái, khoan nhượng và tha thứ... bằng các hình thức khác nhau như thiền quán".

Ý tưởng cho rằng bản chất căn để của tâm thức là tinh sạch, trong suốt và con người có khả năng khai trừ tận gốc những khuôn mẫu suy tưởng tiêu cực đã được đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập trước kia. Tôi đã nghe Ngài so sánh tâm thức chúng sinh với ly nước bị vẫn đục. Khổ não, tiêu cực cũng giống như bùn nhơ mà người ta có thể lóng cặn để nước trở lại tình trạng ban đầu là tinh khiết. Để không bị phân tán tư tưởng bởi những ý tưởng trừu tượng, tôi quay về với những quan tâm thực tế hơn và ngắt lời đức Đạt Lai Lạt Ma:

"Hãy chấp nhận khả tính của con người là loại trừ được những cảm xúc tiêu cực và người ta đã bắt đầu cuộc hành trình. Nhưng theo những lần bàn luận trước đây, tôi có cảm tưởng là chúng ta cần đến những nỗ lực phi thường để hủy diệt chúng từ học hỏi, quán tưởng, tinh tấn hành trì, liên tục sử dụng các đối lực ... Tất cả những điều này có thể thích hợp với một tu sĩ hay hành giả với một nguyện lực mạnh mẽ, có nhiều thì giờ. Còn đối với một người bình thường với những ràng buộc gia đình vốn không thể nào có đủ thời gian và những cơ hội thuận tiện thì làm sao? Liệu rằng có thích hợp với họ hơn nếu tìm cách sống với những cảm xúc tiêu cực, kiểm soát và đè nén để chúng không phát triển thay vì hủy diệt toàn diện các cảm xúc này? Cũng giống như bịnh tiểu đường, chúng ta không có cách nào tiêu diệt được nó nhưng bằng các hình thức như ăn kiêng, chích Insulin (một hóa chất giúp cơ thể con người tiêu thụ đường)... người ta có thể kiểm soát căn bịnh, không cho những biến chứng tác hại xuất phát và vẫn sống khá yên lành?"

"Vâng, cách này rất hay" Đức Đạt Lai Lạt Ma nồng nhiệt tán thành: "Tôi rất đồng ý với anh. Tất cả những cố gắng dù nhỏ nhoi trong tiến trình làm suy giảm các ảnh hưởng nguy hại của cảm xúc tiêu cực đều rất bổ ích. Chúng đều giúp con người sống thoải mái và hạnh phúc hơn. Tuy vậy, một tín hữu hay một bạn đạo với nghề nghiệp, gia đình bình thường cũng có thể đạt được những mức độ cao hơn của nhận thức tâm linh. Chẳng những vậy, đối với những người chưa từng nghĩ đến vấn đề tâm linh này một cách nghiêm túc cho đến khi đã 50, 60 tuổi, họ vẫn có thể bắt đầu rồi nhanh chóng trở thành những vị thầy khả kính."

Tôi hỏi: "Ngài có thường gặp những cá nhân với đạo hạnh uyên thâm như thế không?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười: "Rất khó mà biết được vì những vị này không bao giờ tỏ lộ những điều như thế để người ta có thể nhận biết."

Ở Tây phương, người ta thường coi tôn giáo là nguồn gốc của hạnh phúc trong khi khuynh hướng của đức Đạt Lai Lạt Ma lại trái với quan điểm này vì Ngài cho rằng hạnh phúc tùy ở tâm thức chúng ta chứ không phải niềm tin tôn giáo. Ở một bình diện nào đó, khuynh hướng của Ngài bao gồm một căn bản khoa học mà người ta có thể ứng dụng rất chân xác trong ngành tâm lý trị liệu. Nhưng các biện giải của Ngài còn đi xa hơn. Sử dụng các kỹ thuật của tâm lý trị liệu như hành vi liệu pháp để chống lại những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, giận dữ bất ngờ ... Tây phương không quen với ý niệm dùng các cảm xúc tích cực như yêu thương, từ ái, kiên nhẫn, hào hiệp ... như là những phương tiện để chống lại trạng thái tiêu cực của tâm hồn. Phương pháp của đức Đạt Lai Lạt Ma để đạt được hạnh phúc dựa trên những tư tưởng cách mạng rằng các cảm xúc tiêu cực không phải là bản chất của tâm thức mà chỉ là những chướng ngại nhất thời khiến người ta không nhận ra bản tính vui vẻ và hạnh phúc của tâm thức mà thôi.

Hầu hết các trường phái truyền thống của tâm lý liệu pháp Tây phương có khuynh hướng chú trọng vào việc điều chỉnh chức năng thần kinh của người bịnh chứ không đại tu toàn bộ quan điểm của họ. Các chuyên viên trị liệu tìm tòi quá khứ, những liên hệ, kinh nghiệm sống hàng ngày (gồm cả các giấc mơ và những hoang tưởng) của người bịnh, kể cả mối tương quan giữa bác sĩ và bịnh nhân để mong tìm ra những phương pháp giải tỏa các xung đột nội tâm, những động lực nằm sâu trong vô thức, những tác động tâm lý vốn cùng nhau gây ra những rối rắm và buồn khổ của người bịnh. Mục đích của lối trị liệu này là để người bịnh có được một phương thức chống đỡ lành mạnh hơn, điều chỉnh và cải thiện các triệu chứng thay vì huấn luyện trực tiếp tâm thức để có được hạnh phúc.

Đặc tính nổi bật nhất trong phương pháp của đức Đạt Lai Lạt Ma nhằm huấn luyện tâm thức là ý niệm cho rằng những tình trạng tích cực có thể được dùng như những đối lực cho các tình trạng tiêu cực của tâm thức. Nếu chúng ta muốn tìm một dạng thức tương đương trong khoa nghiên cứu về hành vi con người đương đại tại Tây phương thì Nhận Thức Liệu Pháp được coi là gần gũi nhất. Phương pháp trị liệu tâm lý này ngày càng trở nên phổ cập trong mấy thập niên vừa qua vì đã chứng tỏ được hiệu năng của nó trong công tác chữa trị những vấn nạn thông dụng thuộc nhiều phương diện khác nhau của đời sống, đặc biệt là tình trạng mất trật tự của tâm thần như trầm cảm, bất an. Nhận thức liệu pháp, do các tâm lý gia Albert Ellis và Aeron Beck khai triển, là một hình thức trị liệu dựa trên ý tưởng cho rằng các cảm xúc không quân bình và không thích nghi của con người là do các biến dạng trong cách thế suy nghĩ (suy nghĩ không chân chính) và những tin tưởng không có sự dẫn dắt của lý trí (tin tưởng sai lạc). Phương pháp chữa trị này nhằm giúp bệnh nhân nhận dạng, thử nghiệm và sửa lại cho đúng những suy nghĩ méo mó của mình. Các tư tưởng sau khi được hiệu đính, bằng một cách nào đó, sẽ có tác động như một đối lực cho các suy nghĩ lệch lạc trước kia vốn dĩ là căn nguyên của bệnh trạng.

Giả thử một người nào đó bị người khác xa lánh và anh ta đã vô cùng đau khổ về chuyện này. Chuyên viên trị liệu ngành nhận thức liệu pháp trước hết sẽ giúp đỡ người bịnh tìm ra lý do đằng sau tình trạng tin tưởng sai lạc như 'Tôi phải được mọi người yêu mến và chấp nhận trong bất cứ lúc nào. Nếu không như vậy, đó là điều kinh khủng và tôi không xứng đáng'. Chuyên viên trị liệu sau đó sẽ cho người bệnh thấy các bằng chứng để thử thách những tin tưởng không thực tế như vậy. Mặc dù phương thức này có vẻ không sâu sắc nhưng những cuộc nghiên cứu cho thấy chúng có hiệu quả. Trong trường hợp bệnh trầm cảm chẳng hạn, nhận thức liệu pháp cho rằng nguyên nhân căn bệnh là những cảm tưởng thất sách, cảm tưởng tự chuốc lấy thất bại của bệnh nhân. Cũng giống như quan niệm của Phật giáo về các cảm xúc khổ não, nhận thức liệu pháp cũng cho rằng các tư tưởng tiêu cực đã gây ra tình trạng suy thoái tâm lý là bị méo mó, không chân chính. Tính chất phổ cập nhất của chứng trầm cảm là người ta nhìn vấn đề từ góc cạnh 'Toàn bộ hay không có gì' hay còn gọi là sự tổng quát hóa quá độ (như khi bị mất việc hay bị thua trong một cuộc xếp hạng nào đó, người ta nghĩ ngay rằng 'tôi hoàn toàn thất bại') hoặc nhận thức sự việc từ những chi tiết đặc thù nào đó (như trong ngày có những việc tốt và xấu cùng xảy ra, người bị suy thoái tâm lý chỉ chú mục vào những việc xấu và cố tình không để ý đến các việc tốt). Để chữa trị, chuyên gia của nhận thức liệu pháp sẽ giúp bệnh nhân nhận diện những tư tưởng tiêu cực (tôi hoàn toàn vô tích sự) rồi sau đó giúp bệnh nhân thu nhặt những bằng chứng đối nghịch với tư tưởng này tức là những tính chất tích cực của họ (tôi đã làm việc cực nhọc để nuôi dưỡng con cái, tôi hát khá hay, tôi có bạn tốt, tôi đã chịu nổi một công việc cực nhọc ...) Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng thay thế lối suy nghĩ méo mó này bởi các bằng chứng hùng hồn, người ta có thể thay đổi cách thế suy nghĩ và cải thiện tình trạng mất trật tự của tâm lý bệnh nhân. Sự kiện rằng chúng ta có thể thay đổi cảm xúc, có thể chống lại những tư tưởng tiêu cực bằng cách áp dụng một lối suy nghĩ khác đã hỗ trợ quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma rằng chúng ta có thể khắc phục khuynh hướng tiêu cực của tâm thức bằng cách sử dụng các đối lực tức là các khuynh hướng tích cực. Phối hợp khuynh hướng này của đức Đạt Lai Lạt Ma và các bằng chứng khoa học của môn nhận thức liệu pháp cho chúng ta tin tưởng rằng người ta có thể thay đổi cấu trúc cũng như chức năng của não bộ bằng cách gây tạo những tư tưởng mới và rằng người ta có thể đạt được hạnh phúc bằng cách huấn luyện tâm thức là một ý tưởng có nhiều khả tính.

Chương 13

ĐỐI PHÓ VỚI GIẬN DỮ VÀ THÙ HẬN

Khi gặp một người sắp chết vì trúng tên, chúng ta sẽ không phí thời giờ để tìm mũi tên đến từ đâu, ai đã bắn mũi tên, mũi tên được làm bằng loại gỗ nào hoặc đầu nhọn của mũi tên đã được thiết kế ra sao. Ngược lại, chúng ta phải chú tâm vào việc nhổ mũi tên ra tức thì để cứu sống nạn nhân.

Đức Thích Ca Mâu Ni

Bây giờ chúng ta nói về những 'mũi tên', những trạng thái tâm thức tiêu cực vẫn thường phá hoại hạnh phúc cũng như những phản đề/đối lực của chúng. Tất cả các trạng thái tâm thức tiêu cực đều là chướng ngại của hạnh phúc và giận dữ là chướng ngại to lớn nhất. Triết gia Seneca thuộc phái Khắc Kỷ đã diễn tả giận dữ là tình trạng ghê tởm và điên cuồng nhất của cảm xúc. Ảnh hưởng tàn hại của giận dữ và thù hận đã được ghi nhận trong những cuộc nghiên cứu khoa học gần đây. Dĩ nhiên là người ta cũng chẳng cần đến các chứng cớ khoa học mới biết rằng những cảm xúc này đã làm mờ mịt sự phán đoán của chúng ta, gây ra những cảm giác vô cùng khó chịu và tạo nên các đổ vỡ to lớn trong những mối liên hệ cá nhân. Kinh nghiệm của mọi người đều cho chúng ta biết như vậy. Nhưng trong những năm gần đây, người ta đã ghi nhận rất nhiều những tác hại vật lý của giận dữ và thù hận. Hàng tá các cuộc nghiên cứu cho thấy giận dữ và thù hận là nguyên nhân chính gây ra bệnh hoạn và tử vong. Các nhà nghiên cứu như bác sĩ Redford Williams tại đại học Duke và Robert Sapolsky thuộc đại học Standford đã thực hiện các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng giận dữ, thịnh nộ và thù hằn đã tác hại mạnh mẽ đến hệ thống tim mạch. Bằng chứng về điều này nhiều đến nỗi mà hiện nay, người ta coi những tác động nguy hại của thù hận là một nguyên nhân chính, ít nhất là tương đương hoặc lớn hơn những nguyên nhân thông thường của các bệnh thuộc về tim như áp huyết cao, nhiều chất béo trong máu (cholesterol) ...

Như vậy, một khi chúng ta đã chấp nhận rằng giận dữ và thù hận có những tác động nguy hại thì câu hỏi kế tiếp là: Làm sao để chế ngự những cảm xúc này?

Ngày đầu tiên khi bắt đầu hành nghề, tôi được một nhân viên bệnh viện đưa đi xem cơ sở mới và khi đi vào hành lang, tôi nghe những tiếng gào thét tưởng như có thể làm máu trong người đông lại...

"Tôi đang bực tức"

"To hơn"

"Tôi đang nổi sùng"

"To hơn, to hơn nữa! Làm cho mọi người thấy rõ cơn giận dữ của anh"

"TÔI ĐANG GIẬN DỮ, ĐANG SÙNG MÁU, TÔI GHÉT ANH, TÔI THÙ ANH!!!"

Tôi hơi lo nên nói với người chỉ dẫn là âm thanh có vẻ nguy cấp, liệu có cần phải can thiệp không. Cô ta mỉm cười trả lời: "Đừng để ý, đang có một lớp học điều trị ở cuối hành lang. Đây là cách giúp bệnh nhân bộc lộ những cảm giác giận dữ của mình".

Cuối ngày hôm đó, tôi có dịp gặp riêng bệnh nhân, bà ta như trút được gánh nặng trong lòng: "Tôi cảm thấy thật thư giãn, thoải mái. Buổi trị liệu rất có hiệu quả, tôi tưởng như đã trút hết tất cả bực tức ra ngoài..." Tuy nhiên, trong buổi trị liệu kế tiếp vào ngày hôm sau, một bệnh nhân khác đã khai báo: "Có lẽ tôi chưa dẹp hết được các cảm giác bực bội. Ngay sau buổi trị liệu, khi vừa ra khỏi chỗ đậu xe, mấy tên cà chớn chèn ngang đầu xe và tôi nổi máu lên ... Tôi đeo sát nó trên suốt chặng đường về nhà. Tôi cần phải tham dự vài buổi trị liệu nữa mới có thể dịu xuống được!"

Để khắc phục giận dữ và thù hận, đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu bằng cách điều nghiên về bản chất của những cảm xúc hủy hoại này, Ngài giải thích:

"Nói một cách tổng quát, có nhiều loại cảm xúc tiêu cực/khổ não như tự phụ, cao ngạo, ganh tỵ, tham dục, khát vọng, tư tưởng gò bó ... Nhưng trên hết, giận dữ và thù hận được coi là độc ác nhất vì chúng là những chướng ngại lớn lao nhất trong việc phát triển từ ái và vị tha, chúng phá hủy phẩm hạnh của con người cũng như sự tĩnh lặng của tâm thức.

"Riêng về giận dữ, ta có thể chia làm hai loại. Tùy vào động lực của chúng ta, một trong hai loại này có thể có tác dụng tích cực. Một vài hình thức giận dữ có thể xuất phát bởi từ tâm và nó có thể được sử dụng như là một tác nhân cho những hành động tích cực. Trong trường hợp này, cảm xúc giận dữ của con người là sức mạnh gây ra những hành động nhanh chóng, một thứ năng lực khiến người ta phản ứng kịp thời và có tính cách quyết định. Đó là một dữ kiện kích động rất mạnh mẽ nên đôi khi các cảm xúc giận dữ được coi là tích cực. Tuy thế, dù được coi là một hình thức phòng thủ và làm người ta tăng thêm năng lực, chúng vẫn là những sức mạnh mù quáng cho nên người ta vẫn không dám đoan chắc rằng cuối cùng, chúng sẽ trở nên xây dựng hay phá hoại.

"Do đó, dù trong những hoàn cảnh khác biệt, một vài cảm xúc giận dữ có thể được coi là tích cực, nói chung thì chúng thường dẫn đến thù hận. Và thù hận thì không khi nào có tính cách tích cực, chúng bao giờ cũng hoàn toàn tiêu cực.

"Chúng ta không thể khắc phục giận dữ và thù hận đơn thuần bằng cách đè nén chúng. Chúng ta phải tích cực vun bồi đối lực của thù hận: Nhẫn nhục và khoan nhượng. Theo những khuôn mẫu mà chúng ta đã đề cập trước đây, để có thể thành công trong việc phát triển nhẫn nhục và khoan nhượng, chúng ta phải có nhiệt tâm và ước muốn cao độ. Lòng nhiệt thành càng mạnh mẽ thì khả năng càng to lớn để đề kháng những khó khăn mà chúng ta có thể gặp phải. Khi bắt đầu công cuộc thực hành nhẫn nhục và khoan nhượng, trong thực tế, là sự chiến đấu chống lại sân hận. Vì là một cuộc chiến đấu nên người ta thường mong chiến thắng nhưng cũng đừng quên là chúng ta có thể thất bại. Cho nên khi bắt đầu tranh đấu, hãy nhớ kỹ rằng chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn và phải dự trù để vượt qua những trở ngại đó. Những ai đã chiến thắng sân hận bằng sự đấu tranh gian khổ là những anh hùng chân chính.

Do những chi tiết này mà chúng ta cần phải có nhiệt tâm cao độ. Nhiệt tâm chỉ có được khi chúng ta học hỏi, suy ngẫm về những ảnh hưởng tốt đẹp của nhẫn nhục và khoan nhượng cũng như những ảnh hưởng tai hại của giận dữ và thù hận. Và chính nhận thức này đã tạo nên tính hấp dẫn và cuốn hút của cảm xúc nhẫn nhục và khoan nhượng đồng thời làm chúng ta cẩn trọng và cảnh giác hơn với cảm xúc giận dữ và thù hận. Thông thường, vì chúng ta không quan tâm đến sân hận nên chúng cứ tự nhiên đến, nhưng nếu chúng ta đề cao cảnh giác thì sự cảnh giác này đã có tác dụng như một biện pháp phòng ngừa cảm xúc sân hận.

Những ảnh hưởng của thù hận rất rõ ràng, dễ nhận biết và có hiệu quả tức thì. Ngay khi cảm giác thù hận dâng lên trong ta, ngay lúc ấy, sức mạnh to lớn của chúng liền tràn ngập và phá hủy sự an bình của tâm thức và hậu quả là chúng ta mất tỉnh thức một cách toàn diện. Khi giận dữ và thù hận cao độ dâng lên, chúng xóa nhòa phần tốt nhất của trí óc chúng ta tức là khả năng phân biệt phải trái, khả năng phân biệt hậu quả dài hạn và ngắn hạn của những hành động mà chúng ta đang theo đuổi. Chúng làm cho sức mạnh của phán đoán không còn hữu hiệu, không hoạt động được nữa, người ta gần như mất trí. Vì thế, giận dữ và thù hận có khuynh hướng làm cho chúng ta rối trí và hậu quả là những khó khăn và rắc rối trở nên tồi tệ hơn.

"Ngay trên bình diện vật lý, cảm giác thù hận cũng làm người ta trở nên xấu xí khó thương. Khi sân hận nổi dậy trong lòng, dù giả vờ hay cố gắng đến mấy, người ta cũng không làm sao che dấu được vẻ nhăn nhó và xấu xí trên gương mặt. Nó diễn đạt một tâm trạng rất khó chịu và người ta có những rung động rất thù nghịch khiến cho ai cũng nhận biết. Người ta có cảm tưởng như thân thể chúng ta tiết ra hơi nóng dữ dội đến độ không chỉ người khác nhận biết mà cả đến súc vật, gia cầm cũng không dám đến gần. Ngoài ra, khi nuôi dưỡng thù hận quá lâu, chúng có khuynh hướng kết tụ bên trong tâm khảm chúng ta và gây ra những triệu chứng như không thấy đói, mất ngủ ... không kể đến cảm giác căng thẳng và bực bội mà ai cũng nhận thấy.

"Vì những lý do vừa nói mà chúng ta thường coi sân hận là kẻ thù của con người. Kẻ thù nội tại này không có nhiệm vụ gì ngoại trừ gây thương tổn nên nó là kẻ thù đích thực, kẻ thù tối hậu của chúng ta. Nhiệm vụ duy nhất của nó là hủy hoại chúng ta vừa tầm ngắn lẫn tầm dài. Nó cũng hoàn toàn khác với một kẻ thù bình thường. Mặc dù một kẻ thù bình thường (hay một người nào đó mà ta coi là kẻ thù) có thể có những hành động gây nguy hại cho chúng ta, người ấy cũng còn những mục tiêu khác như họ vẫn phải ăn, ngủ. Vì có những nhiệm vụ khác nên họ không thể sử dụng cả 24 giờ mỗi ngày vào mục tiêu tác hại chúng ta. Trong lúc đó, sân hận không có bất cứ một nhiệm vụ nào khác nên lúc nào cũng hướng vào mục tiêu duy nhất là hủy hoại chúng ta. Hiểu được như vậy, người ta sẽ không bao giờ để cho sân hận có được một cơ hội nào để trỗi dậy trong ta".

Tôi hỏi: "Trong việc đối phó với giận dữ, Ngài nghĩ thế nào về vài phương pháp của ngành tâm lý trị liệu phương Tây nhằm thúc đẩy người ta bộc lộ cảm xúc này ra ngoài ?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: "Tôi cho rằng đây là một hoàn cảnh khác biệt. Trong nhiều trường hợp, người ta gắn bó với cảm xúc giận dữ và tổn thương vốn đã xảy ra trong quá khứ. Một sự xúc phạm đã bị dồn nén từ lâu chẳng hạn. Ở Tây Tạng, người ta thường nói là nếu có gì làm nghẹt cái tù và thì cứ thổi mạnh để thông nó đi. Tương tự như vậy, có thể là điều hay nếu chúng ta tìm cách bộc lộ ra ngoài một cảm xúc hay một điều gì đó đã bị dồn nén quá lâu. Tuy nhiên, một cách tổng quát thì tôi cho rằng sân hận là loại cảm xúc mà nếu chúng ta không quan tâm và kiểm soát, chúng sẽ có khuynh hướng thêm trầm trọng và tiếp tục gia tăng. Nếu cứ để chúng tự nhiên xảy ra rồi tìm cách bộc lộ, những cảm xúc này sẽ tăng trưởng chứ không suy giảm. Do vậy mà tôi nghĩ rằng nếu chúng ta chấp nhận một thái độ cẩn trọng và tích cực để kiềm chế sức mạnh của loại cảm xúc này thì đấy là một điều tốt."

Tôi hỏi lại: "Nếu bộc lộ những cảm giác sân hận ra ngoài không phải là giải pháp thích hợp thì chúng ta phải làm sao đây?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: "Trước hết, chúng ta nên hiểu giận dữ và thù hận xuất phát từ trạng thái không hài lòng, không thỏa mãn của tâm thức nên chúng ta có thể sửa soạn trước bằng cách thường xuyên gây tạo cảm giác bằng lòng với cuộc sống cũng như vun bồi từ ái và hòa nhã. Làm như vậy chúng ta sẽ có được một trạng thái bình yên trong tâm thức và một tâm thức yên bình thường không phải là nơi xuất phát của thù hận và giận dữ. Và khi một hoàn cảnh nào đó xảy ra khiến mình giận dữ, chúng ta nên trực diện với cảm giác này và tìm cách phân tích chúng tức là tìm hiểu do đâu mà cảm giác giận dữ nổi dậy trong lòng. Rồi phân tích sâu xa hơn xem phản ứng của mình có thích hợp với hoàn cảnh hay không, nó có tính cách xây dựng hay phá hoại. Sau nữa, hãy cố áp dụng một nguyên tắc nội tại nào đó để kiềm chế và chống chọi lại bằng những đối lực: Dùng nhẫn nhục và khoan nhượng để chống lại các cảm xúc tiêu cực."

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc rồi nói tiếp với chủ trương thực dụng quen thuộc của Ngài: "Dĩ nhiên là để khắc phục giận dữ và thù hận, trong giai đoạn đầu, chúng ta vẫn có cảm giác này. Tùy theo cường độ của chúng, nếu chỉ là những cảm xúc vừa phải thì chúng ta có thể trực diện để chống đối lại chúng. Còn nếu là những cảm xúc mãnh liệt thì quả là rất khó mà chống đối hay khắc phục chúng vào ngay lúc đó. Cách tốt nhất trong trường hợp này là cố quên chúng đi bằng cách nghĩ đến một chuyện khác. Sau khi trí óc đã nguội bớt đi, chúng ta mới có thể đối diện và phân tích chúng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp: "Để có thể loại trừ sân hận, vun bồi nhẫn nhục và khoan nhượng là chuyện không thể thiếu được. Chúng ta có thể hiểu được giá trị và sự quan trọng của nhẫn nhục và khoan nhượng bằng các hình thức như sau: không thể dùng bất cứ cái gì để bảo vệ chúng ta khỏi các ảnh hưởng tác hại của sân hận. Dù là triệu phú, chúng ta vẫn bị chúng phá đám, học thức không bảo vệ được chúng ta, luật pháp cũng không giúp đỡ được chúng ta. Ngay cả đến khí giới nguyên tử hoặc các hệ thống phòng thủ tinh vi và phức tạp nhất cũng không ngăn chận được ảnh hưởng của giận dữ và thù hận ..."

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc rồi kết thúc với giọng điệu rõ ràng và xác quyết: "Thực tập nhẫn nhục và khoan nhượng là biện pháp duy nhất để bảo vệ chúng ta tránh khỏi ảnh hưởng tác hại của cảm giác sân hận".

Một lần nữa, sự hiểu biết thâm thúy của đức Đạt Lai Lạt Ma lại hoàn toàn nhất quán với những chứng cớ khoa học. Bác sĩ Dolf Zillman thuộc đại học Alabama đã tiến hành những cuộc thí nghiệm cho thấy các ý tưởng về giận dữ thường tạo ra một tình trạng tâm lý khiến cho con người càng dễ nổi giận. Giận dữ do giận dữ tạo nên và khi tình trạng tâm lý dễ bị kích động này gia tăng thì chúng ta có thể bị kích thích bởi ngay cả khung cảnh chung quanh. Nếu không bị kiểm soát, giận dữ có khuynh hướng gia tăng. Vậy chúng ta phải làm gì để giảm thiểu tình trạng nguy hiểm của cảm xúc giận dữ? Như đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập, trút ra hết hay nói cho đã chỉ có tác dụng rất giới hạn. Phương thức trị liệu bằng cách bộc lộ cảm xúc giận dữ ra ngoài như là một hình thức giải tỏa những dồn nén có lẽ thoát thai từ quan điểm của triết gia Freud về cảm xúc. Freud đã nhìn vấn đề như là nguyên tắc hoạt động của thủy lực: khi áp lực gia tăng thì phải được xả bớt đi. Ý tưởng cho rằng chúng ta có thể buông bỏ cảm xúc giận dữ bằng cách bộc lộ hết ra bên ngoài xem ra có vẻ khá quyến rũ và thích thú nhưng vấn đề là phương pháp này thực ra không có hiệu quả. Nhiều cuộc nghiên cứu trong vòng 40 năm qua đã nhất tề cho thấy phương thức giải tỏa này không làm vơi đi mà thực ra, lại làm gia tăng những cảm xúc này. Bác sĩ Aeron Siegman, một chuyên gia tâm lý đồng thời là một nhà nghiên cứu về cảm giác giận dữ tại đại học Maryland, tin rằng càng bộc lộ những cảm giác này, chúng ta lại càng dễ rơi vào tình trạng bị kích thích, dễ nổi nóng; và đây là nguyên do khiến cho cơ thể tiết ra những hoá chất có ảnh hưởng tác hại đến các động mạch trong cơ thể chúng ta.

Bộc lộ cảm giác giận dữ ra ngoài rõ ràng không phải là phương thức chữa trị hữu hiệu. Làm ngơ chúng hay giả vờ như chúng không hiện hữu cũng không khá gì hơn. Như chúng ta đã nói đến trong chương III, trốn tránh vấn đề không làm chúng biến mất. Vậy thì đâu là biện pháp hữu hiệu nhất? Các cuộc khảo sát về giận dữ của các chuyên gia như bác sĩ Zillman và Williams đã cho chúng ta một câu trả lời rất thú vị là các hình thức tương tự với khuynh hướng của đức Đạt Lai Lạt Ma đã tỏ ra hiệu quả nhất. Vì chứng trầm cảm tổng quát có khuynh hướng giảm thiểu các tác nhân của cảm giác giận dữ, người ta cho rằng ngăn ngừa là hình thức chữa trị đầu tiên như đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng khuyến cáo: Tăng gia sự thỏa mãn nội tại và giữ cho tâm thức được bình an là những điều rất hữu ích. Và khi cảm giác giận dữ xuất hiện, các cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng đối diện với chúng, phân tích chúng, tái thẩm định những lý do đã gây tạo ra chúng... có thể làm tiêu tan cảm giác giận dữ. Ngoài ra, người ta cũng có những bằng chứng cho thấy những kỹ thuật mà chúng ta đã nói đến trong các chương trước như thay đổi tầm nhìn, quan sát vấn đề từ một góc cạnh khác ... cũng giúp ích rất nhiều. Cũng nên nhớ rằng chúng ta có thể áp dụng các phương thức này một cách khá dễ dàng đối với các cảm xúc giận dữ vừa phải, cho nên thực tập cách ngăn ngừa là điều rất quan trọng.

Vì khắc phục giận dữ và thù hận có một tầm quan trọng rất lớn lao nên đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã nói đến vài ý nghĩa và giá trị của nhẫn nhục và khoan nhượng :

"Trong các kinh nghiệm sống thường nhật, khoan nhượng và nhẫn nhục có những lợi ích rất to lớn. Phát triển những cảm xúc này giúp ta giữ vững sự tỉnh thức. Cho nên nếu người ta đạt được tiềm lực của nhẫn nhục và khoan nhượng thì dù ở trong điều kiện sống rất căng thẳng và khắt khe, những cảm xúc này cũng giúp người ta giữ được êm ả và bình an trong tâm hồn. Một lợi ích khác trong việc đối phó với những trường hợp khó khăn bằng nhẫn nhục thay vì để cho sân hận hoành hành là chúng ta có thể tự bảo vệ mình khỏi các hệ lụy không mong muốn vốn dễ xảy ra do tình trạng 'giận mất khôn'. Nếu đối phó với tình huống bằng giận dữ và thù hận, chẳng những mình phải hứng chịu những tác hại xảy ra cho bản thân mà còn tạo ra những nguyên do cho các khổ lụy trong tương lai nữa[1].

_______________________________

Ngược lại, nếu một tình huống tác hại được ứng xử bằng nhẫn nhục và khoan nhượng thì tuy trong cấp thời, chúng ta có thể bị thương tổn hay khó chịu nhưng chắc chắn là trong trường kỳ, chúng ta sẽ tránh được những hệ quả nguy hại.

Bằng cách hy sinh chịu đựng những chuyện nhỏ, chúng ta sẽ không phải nhận lãnh những hậu quả to tát trong tương lai. Nếu một tội nhân phải chịu cắt cánh tay để cứu mạng sống của mình thì người ấy phải tỏ lòng biết ơn sự trao đổi này vì tuy phải gánh chịu nỗi đau đớn nhỏ là bị chặt cánh tay, tội nhân đã không bị mất mạng vốn là một chuyện to lớn hơn nhiều."

Tôi nhận xét: "Theo phong cách suy nghĩ của phương Tây, nhẫn nhục và khoan nhượng tuy được coi là những đức tính cao trọng, nhưng khi bị đe dọa trực tiếp hay bị người khác làm tổn hại đến mình, dùng nhẫn nhục và khoan nhượng để ứng phó xem ra có vẻ yếu đuối và thụ động."

Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý và nói: "Vì nhẫn nhục và khoan nhượng là do khả năng duy trì được tính vững chãi và kiên định cũng như không bị tràn ngập bởi hoàn cảnh trái ngang, người ta không nên coi các cảm xúc này là dấu hiệu của sự yếu đuối hay chịu thua mà ngược lại, nó là dấu hiệu của sức mạnh chỉ có được từ một năng lực tinh thần vững chãi. Đối phó với hoàn cảnh khó chịu bằng kiên nhẫn và khoan nhượng thay vì giận dữ và thù hận, người ta phải có tự chủ cao độ và phẩm chất này chỉ có được từ một tâm thức vững mạnh và khuôn phép.

"Dĩ nhiên là khi bàn về ý niệm kiên nhẫn, cũng giống như hầu hết những chuyện khác, kiên nhẫn có thể là tiêu cực hoặc tích cực. Thiếu kiên nhẫn chưa hẳn là luôn luôn xấu vì nhiều khi nó giúp chúng ta hành động nhanh chóng để hoàn tất công việc. Tỷ như những việc vặt vãnh trong nhà, dọn dẹp phòng ốc ... nếu quá kiên nhẫn sẽ khiến chúng ta trở nên chậm chạp và rồi thì chẳng làm gì xong cả. Hoặc nôn nóng đạt được hòa bình cho nhân loại thì sự nôn nóng này là một điều tích cực. Nhưng trong những hoàn cảnh rất khó khăn và đầy thử thách, kiên nhẫn giúp người ta giữ vững chí nguyện cũng như giúp chúng ta tồn tại".

Càng đi sâu vào việc khảo sát ý nghĩa của nhẫn nhục, đức Đạt Lai Lạt Ma càng trở nên linh động, sôi nổi. Ngài nói: "Theo tôi thì có một sự liên hệ khá gần gũi giữa nhẫn nhục và khiêm tốn. Khiêm nhượng bao gồm một năng lực có thể chống chọi và trả đũa nếu muốn nhưng người ta đã tự ý không sử dụng năng lực này. Đây là tính khiêm nhường chân chính. Khoan nhượng và nhẫn nhục cũng có những yếu tố như tự giác, tự kiềm chế tức là dù có thể hành động, có thể chọn đường lối hung hăng, năng nổ nhưng người ta đã quyết định không làm như vậy. Ngược lại, nếu bị bó buộc phải chấp nhận một hình thức đáp ứng thụ động vì cảm tưởng vô vọng, thiếu khả năng thì đây không phải là tính khiêm cung chân chính. Đây có thể là một hình thức phục tòng chứ không phải khoan nhượng chân thực.

"Bởi thế, khi nói về việc làm sao để phát triển tâm khoan nhượng đối với những người đã hãm hại chúng ta, người ta không nên nhầm lẫn rằng nó có nghĩa là chúng ta phải hoàn toàn tuân phục và chấp nhận tất cả mọi chuyện mà người khác áp đặt cho mình. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại rồi mỉm cười: "Ngược lại, nếu cần, và có thể là phương pháp tốt nhất, là hãy bỏ đi, bỏ đi thật xa ..."

Tôi không đồng ý: "Nhưng chúng ta không thể tránh bị tổn hại bằng cách bỏ đi ..."

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp : "Vâng, anh nói đúng. Nhiều khi chúng ta ở vào những tình huống cần phải được đối phó thật cứng rắn. Tuy nhiên, dù phải sử dụng biện pháp này, chúng ta cũng phải suy xét cẩn thận từ một quan điểm vững chắc dựa trên lòng từ ái, quan tâm đến tha nhân thay vì chỉ làm để thỏa mãn thù hận. Một trong những lý do khiến chúng ta phải dùng biện pháp đối phó mạnh bạo với một người nào là vì nếu không làm như vậy, người ấy có thể quen với lối hành xử tiêu cực mà hậu quả là họ sẽ bị suy thoái và trong trường kỳ, đấy là những ảnh hưởng rất tai hại cho cá nhân họ... Bởi vậy, một biện pháp đối phó cứng rắn là cần thiết nhưng đừng quên rằng chúng ta hành động như vậy là vì từ tâm, vì nghĩ tới tha nhân chứ không phải với mục tiêu làm họ bị thương tổn. Cũng như trong công cuộc đối phó với Hoa lục, mặc dù không thể nào tránh được lòng thù hận, chúng tôi vẫn cố kiềm chế để giảm thiểu cảm giác này, chúng tôi cố gắng bằng tất cả ý thức của mình để phát triển cảm giác từ ái đối với Trung quốc. Và tôi nghĩ rằng biện pháp đối phó này cuối cùng sẽ có hiệu quả hơn vì không dựa trên lòng thù hận và giận dữ.

"Nào, chúng ta đã khảo sát những phương thức phát triển từ ái và khoan nhượng, xóa bỏ thù hận và giận dữ. Những phương thức như dùng suy luận để phân tích tình hình, chấp nhận một viễn tượng rộng rãi hơn, quan sát vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau ... Hậu quả sau cùng hay sản phẩm của nhẫn nhục là LÒNG THA THỨ. Khi chúng ta thực sự nhẫn nhục và khoan nhượng, tha thứ sẽ tự nhiên hiển bày.

"Dù chúng ta đã kinh qua nhiều biến cố tiêu cực trong quá khứ, nếu phát triển nhẫn nhục và khoan nhượng, chúng ta sẽ có thể quên đi những ý tưởng sân hận, thù hằn. Chỉ cần phân tích tình hình, chúng ta sẽ thấy quá khứ đã qua rồi nên nuôi dưỡng hận thù là điều vô ích vì nó không làm cho tình thế thay đổi mà ngược lại, chỉ khiến tâm trí chúng ta bị khuấy động, khiến chúng ta tiếp tục không vui. Dĩ nhiên là chúng ta không quên những biến cố đó. Tha thứ và quên lãng là hai vấn đề khác hẳn nhau. Không có gì sai quấy trong việc nhớ lại những biến cố tiêu cực, vì nếu trí óc bạn minh mẫn, bạn sẽ không quên bất cứ chuyện gì. Đức Đạt Lai Lạt Ma cười: "Tôi nghĩ rằng đức Phật nhớ tất cả mọi chuyện. Phát huy tính nhẫn nhục và khoan nhượng có thể khiến chúng ta bỏ qua được những cảm xúc tiêu cực liên hệ đến những biến cố trong đời".

QUÁN SÂN HẬN

Trong nhiều buổi nói chuyện, phương pháp sơ đẳng của đức Đạt Lai Lạt Ma để chế ngự sân hận là dùng hình thức lý giải và phân tích để khảo sát nguyên do của cảm xúc giận dữ và dùng TRI THỨC để chống đối lại tình trạng tâm thức nguy hại này. Người ta có thể cho rằng khuynh hướng của Ngài là sử dụng suy luận để hóa giải giận dữ và thù hận đồng thời phát huy phản đề của chúng là nhẫn nhục và khoan nhượng. Nhưng đây không phải là phương pháp duy nhất của đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong các buổi diễn thuyết trước công chúng, Ngài thường bổ sung bằng hai phép quán tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả sau đây để giúp mọi người khắc phục cảm giác sân hận:

Bài tập 1 về Quán Sân Hận

"Hãy tưởng tượng đến một hoàn cảnh trong đó, một người mà chúng ta biết rất rõ, một người rất thân thương và gần gũi với chúng ta đã mất bình tĩnh vì một lý do nào đó, có thể là vì một mối liên hệ đã quá căng thẳng hoặc bị xáo trộn lớn lao trong cuộc sống riêng tư. Người này giận dữ đến độ mất đi hoàn toàn sự điềm tĩnh, tạo nên những rung động vô cùng tiêu cực đến nỗi đập phá đồ đạc và tự đánh đập mình.

"Rồi chúng ta hãy nghĩ đến những hậu quả tức thời của cơn giận dữ khủng khiếp này. Chúng ta sẽ thấy những thay đổi vật lý đang xảy ra cho người đó. Con người mà chúng ta từng thân cận yêu mến, con người đã cho chúng ta cảm giác vui thú trong quá khứ bây giờ trở nên xấu xí ngay cả trong lời nói. Lý do mà tôi đề nghị quý vị tưởng tượng điều này xảy ra cho một người nào đó là vì chúng ta dễ nhận ra những lỗi lầm của người khác trong khi rất khó nhận ra những lỗi lầm của chính mình. Vậy hãy dùng trí tưởng tượng để thực hành phép quán này trong ít phút.

"Cuối cùng, hãy phân tích hoàn cảnh này rồi liên tưởng đến trường hợp của chính chúng ta. Hãy tưởng tượng chúng ta đã ở trong hoàn cảnh tương tự như vậy rất nhiều lần. Cuối cùng hãy quyết nghị rằng 'Tôi sẽ không để mình rơi vào tình huống sân hận cao độ như vậy nữa vì nếu không, tôi cũng giống như người ấy. Tôi sẽ bị khổ sở vì những hậu quả, không giữ được điềm tĩnh, trí óc không còn bình an và mặt mày thì xấu xa thô bỉ ...' Sau khi tạo quyết tâm như vậy, hãy dùng những phút cuối cùng của phép quán để tập trung tư tưởng vào quyết nghị này, để tâm trí nằm yên trong ý tưởng rằng mình sẽ không bị rơi vào vòng ảnh hưởng của giận dữ và thù hận"

Bài tập 2 về Quán Sân Hận

"Chúng ta hãy dùng quán sát để thực hành một lối tham thiền khác. Hãy nghĩ đến một người mà bạn không thích, một người làm ta bực mình, thường gây ra những rối rắm và chẳng bao giờ để chúng ta yên. Tiếp đến, hãy tưởng tượng người ấy đang làm bạn nổi cáu, bực bội và cũng bằng trí tưởng tượng, hãy để tự nhiên cho cảm xúc giận dữ dâng tràn. Rồi thì hãy quan sát chính cảm xúc của bạn, xem nhịp tim của bạn đã gia tăng bao nhiêu ... Hãy khảo sát xem bạn có thoải mái hay không, xem bạn có bình tĩnh an lành hay cảm giác khó chịu đang xâm chiếm bạn. Cứ tiếp tục quan sát và xét nghiệm chính mình. Rồi khoảng ba hay bốn phút sau, xét lại tình cảm của mình bây giờ ra sao. Nếu sau khi khảo sát mà bạn nhận thức được rằng: "Vâng, thật không ích lợi gì nếu để cho cảm xúc khó chịu phát triển vì tôi mất hẳn sự bình an trong tâm hồn" thì hãy nhủ thầm với chính mình: "Tôi sẽ không xử sự như vậy nữa trong tương lai". Hãy quyết nghị như vậy. Và với những phút sau cùng của phép quán, hãy chú mục vào quyết nghị đó bằng tất cả sự tỉnh thức. Đấy là thiền quán."

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại một lúc, nhìn mọi người quanh phòng đang sửa soạn để thực tập phép quán, Ngài cười và nói thêm: "Nếu tôi có năng lực nhận thức hoặc có thể đọc được tâm tưởng của người khác thì thật là một quang cảnh đẹp mắt đang diễn ra trong phòng này." Có tiếng cười rúc rích trong giây lát rồi mọi người bắt đầu thực tập phương pháp chế ngự giận dữ và thù hận.

Chương 14

ĐỐI PHÓ VỚI LO LẮNG VÀ TỰ LƯỢNG

Người ta ước đoán rằng trong suốt cuộc đời, cứ trong 4 người Mỹ thì có 1 người bị ảnh hưởng bởi cảm xúc lo lắng ở một mức độ nào đó hoặc ảnh hưởng của cảm xúc này đã trầm trọng đến mức cần phải được bác sĩ chẩn đoán. Nhưng ngay cả những người chưa bao giờ bị thương tổn nặng nề bởi cảm xúc này cũng đã có lần kinh qua tình trạng lo sợ, băn khoăn mà hậu quả là hạnh phúc của họ bị suy thoái cũng như ảnh hưởng đến khả năng hoàn tất những mục tiêu của họ trong đời.

Bộ óc con người có một thiết bị tinh xảo để ghi nhận cảm giác sợ hãi và lo âu. Thiết bị này có một chức năng quan trọng, nó động viên chúng ta để ứng phó với tình trạng nguy hiểm bằng cách gây tạo các biến động sinh hóa và các chức năng sinh học theo một thứ tự rất phức tạp. Phần có thể chấp nhận được của cảm giác lo sợ là nó cho phép chúng ta tiên liệu tình trạng nguy hiểm và tìm biện pháp phòng ngừa. Về phương diện này, một vài cảm xúc sợ hãi và lo âu có tác dụng tốt. Tuy nhiên, những cảm giác này có thể tồn tại và tăng trưởng nếu không có những trị liệu thích đáng; và nếu chúng phát triển quá độ so với mối nguy hiểm thật sự, chúng sẽ trở thành không thích nghi. Sợ hãi và lo âu thái quá, cũng như giận dữ và thù hận, sẽ gây ra những tác hại ghê gớm về tinh thần cũng như thể lực, chúng là nguyên nhân của các khổ não tinh thần cũng như các bệnh tật thể xác.

Về phương diện tinh thần, lo âu trường kỳ có thể làm người ta mất khả năng phán đoán, gia tăng tính cáu kỉnh và ngăn trở hiệu năng toàn bộ của con người. Nó cũng đưa đến những rắc rối vật lý như giảm thiểu chức năng đề kháng, các bệnh liên quan đến tim, rối loạn trật tự tiêu hóa, mệt mỏi và đau nhức bắp thịt. Tình trạng lo âu vô trật tự đã gây ra trạng thái tăng trưởng èo uột ở các thiếu nữ đang tuổi dậy thì.

Trong việc truy tìm những sách lược để ứng đối với lo lắng, đầu tiên chúng ta phải nhận thức rằng, như đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ rõ, cảm giác lo sợ do rất nhiều dữ kiện cấu thành. Đôi khi là do những cấu tạo sinh học của chúng ta. Do cấu trúc thần kinh, một số người như có vẻ rất dễ bị kích động bởi cảm xúc lo lắng, sợ hãi. Các khoa học gia đã phát hiện ra những nhiễm thể vốn là nguyên nhân khiến người ta dễ bị lo sợ và thường có cảm tưởng tiêu cực. Độc tố lo lắng không phải lúc nào cũng do di truyền và người ta đã biết được khá rõ là học hỏi và hoàn cảnh chung quanh giữ một vai trò cốt cán trong việc gây tạo ra cảm xúc này.

Nhưng không cần biết nỗi lo lắng của con người có nguyên thủy từ thể chất hay tâm lý, điều đáng mừng là chúng ta có thể chữa trị được. Trong những trường hợp lo sợ thái quá, thuốc men được coi là hình thức trị liệu cần thiết. Nhưng đối với đa số, lo âu và sợ sệt trong đời sống thường nhật không cần đến sự trợ lực của dược lý. Các chuyên gia trong lãnh vực này thường cho rằng một khuynh hướng đa dạng là biện pháp hữu hiệu nhất. Trước hết, khuynh hướng này loại bỏ ý niệm cho rằng những điều kiện y học là nguyên nhân của cảm giác lo sợ. Các hoạt động nhằm cải thiện thể lực như ăn uống điều độ hay tập thể dục cũng rất hữu ích. Và như đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh, phát triển từ ái và gia tăng mối liên hệ với tha nhân cũng giúp phát triển một tâm hồn lành mạnh, đồng thời giúp chúng ta dễ dàng đối phó với cảm xúc lo âu.

Tuy nhiên, trong số những sách lược được đề ra để khắc phục lo sợ, kỹ thuật có hiệu năng vượt trội là sự can thiệp bằng nhận thức. Đây là phương pháp được đức Đạt Lai Lạt Ma nói đến nhiều nhất trong việc chế ngự cảm xúc lo âu và sợ hãi trong đời sống hàng ngày. Cũng như phương thức được dùng để vượt qua giận dữ và thù hận, kỹ thuật này gồm những phương pháp tích cực để thử thách những ý tưởng vốn là nguyên do của lo sợ rồi kế đó, thay thế chúng bằng các ý tưởng tích cực và thái độ hợp lý.

Bởi tính cách phổ quát của lo âu trong đời sống nhân loại, tôi rất mong được đề cập đến chủ đề này và tìm hiểu xem đức Đạt Lai Lạt Ma đã đối phó ra sao. Ngày hôm ấy đức Đạt Lai Lạt Ma rất bận rộn và tôi cảm thấy nỗi lo lắng tăng lên khi người thư ký của Ngài cho biết rằng buổi nói chuyện có thể bị thâu ngắn lại. Sợ rằng không đủ thì giờ và chúng tôi sẽ không có cơ hội đề cập đến tất cả chi tiết mà tôi muốn bàn thảo, nên vừa ngồi xuống là tôi đã bắt đầu ngay, với hy vọng sẽ tìm ra những giải pháp đơn giản từ đức Đạt Lai Lạt Ma:

"Như Ngài đã biết, lo âu và sợ sệt là những ngăn ngại quan yếu trong việc đạt đến những mục tiêu của con người, bất kể chúng là nội tại hay ngoại vi. Trong ngành tâm lý trị liệu, chúng tôi có rất nhiều phương cách để ứng phó với cảm xúc này, nhưng tôi muốn biết, theo quan điểm của Ngài, biện pháp nào được coi là hữu hiệu nhất?"

Làm như không để tâm đến ý muốn đơn giản hóa vấn đề của tôi, đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời với một khuynh hướng bao quát rất đặc trưng của Ngài:

"Trong việc đối phó với lo sợ, tôi nghĩ là trước hết, chúng ta nên hiểu rằng cảm giác này có nhiều hình thức. Một số là do những lo sợ thực sự với những lý do vững chắc như bạo động, đổ máu chẳng hạn. Ai cũng đồng ý rằng đây là những chuyện xấu xa. Rồi đến những cảm giác như lo âu về những hậu quả về lâu về dài phát xuất từ các hành động tiêu cực của chúng ta, lo sợ bị khổ não và những cảm giác tiêu cực như giận dữ. Theo tôi thì đây là những lo ngại đúng đắn, những sợ hãi khiến chúng ta đi theo con đường trung chính, giúp chúng ta trở nên nồng hậu, nhiệt thành."

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại một lúc như để suy ngẫm rồi nói tiếp với vẻ trầm ngâm: "Dù lo sợ có những hình thái khác nhau, tôi nghĩ rằng có một sự khác biệt nào đó giữa cảm giác lo sợ và sự nhận thức về những hậu quả tàn khốc của những hành động có tính cách hủy hoại." Đức Đạt Lai Lạt Ma lại ngưng một lúc lâu và hình như Ngài cố ý như vậy trong khi tôi liếc trộm đồng hồ tay. Rõ ràng là Ngài không nôn nóng như tôi và sau cùng, đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp với một phong thái thoải mái: "Ngoài ra, một số những hình thức sợ hãi khác là do tâm thức chúng ta tạo ra. Thí dụ như trạng thái lo sợ của trẻ con." Đức Đạt Lai Lạt Ma cười: "Khi còn bé, lúc phải đi qua những chỗ tối, đặc biệt là những căn phòng không có ánh sáng trong Patola, chúng tôi đều khiếp đảm. Thật sự thì đây chỉ là những phóng chiếu tâm lý. Những người dọn dẹp phòng ốc và những người bảo dưỡng tôi vẫn thường dọa rằng có một con cú lúc nào cũng canh chừng để ăn thịt trẻ con và tôi đã thực lòng tin là có thật[2]" Đức Đạt Lai Lạt Ma cười lớn hơn... "Có những loại sợ hãi chỉ do tâm lý chúng ta phóng chiếu ra như trường hợp người ta có những cảm xúc tiêu cực. Do trạng thái tâm lý của mình, chúng ta phóng chiếu những cảm xúc này lên người khác, rồi chúng ta cho rằng người ấy tiêu cực, thù nghịch và hậu quả là chúng ta cảm thấy sợ hãi. Theo tôi thì những hình thức lo sợ này hoàn toàn do tâm trí tưởng tượng ra và thường có liên hệ đến thù hận. Do vậy mà muốn đối phó với sợ hãi, chúng ta phải suy xét rồi phân loại xem những cảm xúc này có căn bản vững chắc hay không. 

Tôi hỏi: "Thông thường thì người ta không có những sợ hãi quá đáng về một cá nhân hay một hoàn cảnh nào đó, nhưng đa số chúng ta bị ám ảnh bởi những lo âu rất phổ thông và không ngớt trong cuộc sống hàng ngày. Xin Ngài cho biết làm sao để ứng xử với chúng?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Một trong những phương pháp mà cá nhân tôi cho là rất hữu hiệu để giảm thiểu lo sợ là phát huy ý tưởng này: Nếu một hoàn cảnh hay vấn nạn nào đó có thể giải quyết được thì không cần phải lo lắng đến chúng. Nghĩa là nếu đã có biện pháp thì đừng bận tâm làm gì. Thái độ thích ứng nhất là hãy truy tìm các giải pháp. Chú tâm vào việc tìm kiếm giải pháp thay vì ngồi đó mà lo lắng là điều rất hợp lý. Ngược lại, nếu không có giải đáp, không thể nào giải quyết được vấn đề thì cũng không có lý do gì để lo sợ, vì chỉ phí công, vô ích mà thôi. Trong trường hợp này, chấp nhận sự việc càng sớm chừng nào càng khỏe cho chúng ta chừng ấy. Chúng ta phải áp dụng công thức này khi trực diện với những khó khăn vì nếu không, người ta sẽ không làm sao biết được là một vấn nạn có thể hay không thể giải quyết được."

Tôi ngắt lời đức Đạt Lai Lạt Ma: "Nhưng nếu nghĩ ngợi về sự việc không giúp chúng ta vơi bớt lo âu thì sao?"

"Có thể chúng ta phải suy ngẫm thêm thật nhiều về ý niệm vừa nói và cứ tiếp tục nhắc nhở mình. Cũng nên nói thêm là tuy phương pháp này giúp chúng ta giảm bớt lo âu và sợ hãi nhưng không có nghĩa là chúng luôn luôn đúng với mọi người. Nếu chúng ta phải đối phó với những lo âu không ngớt thì cần phải xét đến từng trường hợp cá biệt. Lo âu có nhiều hình thức khác nhau và nhiều nguyên nhân khác nhau. Có loại do các nguyên nhân sinh học như mồ hôi tay chẳng hạn. Theo y lý Tây Tạng thì chứng này là do sự thiếu quân bình của các năng lực tiềm ẩn. Hoặc trầm cảm cũng thế. Và những triệu chứng này có thể trị liệu bằng dược phẩm. Cho nên phải tìm hiểu nguyên nhân của những cảm xúc lo âu này nếu muốn chữa trị một cách hiệu quả. Do vậy, lo âu và sợ hãi có nhiều dạng khác nhau. Một cảm xúc lo sợ thông thường mà rất nhiều người mắc phải là không cảm thấy thoải mái trước đám đông, hoặc sợ bị người ta chế nhạo, coi thường mình."

Tôi hỏi: "Có khi nào Ngài bị vướng vào tình trạng này không?" Đức Đạt Lai Lạt Ma phá lên cười và trả lời không một chút do dự: "Có chứ, có chứ ..."

"Xin Ngài cho một ví dụ?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ một lúc rồi đáp: "Vào năm 1954, tôi có dịp hội kiến với chủ tịch Mao Trạch Đông và trong một dịp khác, với Thủ tướng Chu Ân Lai. Vào lúc đó, tôi không biết nhiều về các nghi thức ngoại giao và hội đàm. Trong những dịp như thế, thông thường thì người ta nói chuyện xã giao với nhau trước rồi dần dà chuyển hướng câu chuyện vào mục tiêu chính của buổi họp. Lúc ấy, phần vì không biết phần vì nôn nóng, nên vừa ngồi xuống là tôi đi thẳng vào vấn đề chính của nghị trình." Đức Đạt Lai Lạt Ma lại cười thoải mái với kỷ niệm này. "Sau buổi họp, một thông dịch viên Cộng sản người Tây Tạng, vốn là một người bạn khá thân của tôi, mới nói cho tôi biết và chế nhạo tôi quá chừng! Ngay bây giờ cũng vậy, đôi khi tôi vẫn cảm thấy không mấy bình tâm trước những buổi nói chuyện với công chúng khiến nhiều người đã nói với tôi rằng nếu vậy thì tại sao tôi lại nhận lời mời đi diễn thuyết?"

Tôi hỏi tiếp: "Như vậy thì cá nhân Ngài đã ứng xử với cảm xúc lo sợ như thế nào?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp bằng một giọng không mấy thoải mái: "Tôi cũng không biết nữa ..."

Chúng tôi ngồi yên lặng một lúc lâu và đức Đạt Lai Lạt Ma có vẻ suy ngẫm về vấn đề này một cách khá cẩn trọng. Sau cùng, Ngài nói: "Tôi nghĩ rằng con người có thể khắc phục được cảm giác lo âu và sợ hãi nếu chúng ta có sự thành thật cộng với một động lực chính đáng.

Giả như trước buổi diễn thuyết, nếu không cảm thấy yên tâm, tôi sẽ tự nhủ rằng mục đích chính yếu của buổi nói chuyện là vì lợi dưỡng cho mọi người về một phương diện nào đó chứ không phải để tôi có dịp khoa trương. Nếu chuyện gì tôi biết thì tôi sẽ giải thích rõ ràng và chuyện gì tôi không thấu đáo, tôi sẽ ngay thật trả lời rằng tôi không rõ. Chẳng có gì phải làm bộ dấu giếm hay giả vờ. Với một viễn tượng và động lực như thế (vì lợi ích cho người chứ không phải cho mình) tôi không ngại rằng sẽ làm trò cười cho thiên hạ hay sợ người ta coi thường mình. Tôi khám phá ra rằng một động lực chân chính là phản đề giúp chúng ta vơi bớt lo âu và sợ hãi.

"Nhưng đôi khi, cảm giác lo âu không chỉ đơn giản là sợ làm trò cười trước mặt người khác. Nó còn bao gồm cả ý tưởng sợ thất bại, cảm tưởng vô năng ..." Tôi ngưng lại và cố tìm cách trình bày những ý tưởng cá nhân của mình. Đức Đạt Lai Lạt Ma nghe tôi với vẻ chăm chú và yên lặng gật đầu trong khi tôi nói. Tôi không chắc rằng thái độ này có nghĩa gì, có thể là thói quen thông cảm với người khác của Ngài; nhưng trước khi tôi hiểu ra thì câu chuyện đã chuyển hướng từ những bàn luận tổng quát đến cảm giác lo âu và sợ hãi của riêng tôi:

"Tôi không biết nữa ... thí dụ như đôi khi, một vài bệnh nhân của tôi ... rất khó mà chữa trị cho họ vì không đơn thuần và giản dị là một trường hợp trầm uất hay những bịnh lý thông thường mà dược phẩm có thể được sử dụng một cách dễ dàng. Nhiều người bị mất quân bình trầm trọng về bản năng đến nỗi thuốc men trở thành hoàn toàn vô hiệu quả, hoặc không mảy may phản ứng dù tôi đã áp dụng tất cả các phương thức của ngành tâm lý trị liệu. Nhiều lúc tôi chẳng biết phải làm sao đối với những người này, không biết làm sao để giúp họ. Hình như tôi không động chạm được đến những gì đang hành hạ họ, và cảm tưởng này làm tôi trở nên bất động, vô năng ... Đây là nguyên nhân đã gây tạo ra cảm giác lo âu và sợ hãi trong tôi."

Đức Đạt Lai Lạt Ma nghe tôi với tất cả sự chú tâm rồi hỏi lại bằng một giọng rất ưu ái: "Liệu anh có cho rằng anh đã giúp được khoảng 70% những người đã đến với anh không?"

Tôi đáp: "Vâng, ít nhất là khoảng đó".

Đức Đạt Lai Lạt Ma nhẹ nhàng vỗ lên tay tôi và nói: "Vậy thì không có vấn đề gì ở đây cả. Nếu chỉ chữa trị được độ 30% số bệnh nhân thì anh mới nên tìm cách sửa đổi phương pháp làm việc. Trường hợp anh như vậy là hay lắm rồi. Người ta cũng tìm đến tôi với ước vọng được cứu giúp. Nhiều người nghĩ rằng tôi có phép lạ, trị được những bệnh nan y ... và dĩ nhiên là tôi đâu có làm được những chuyện đó? Nhưng vấn đề là có được một động lực chân chính và nếu động lực này là nguyên nhân đã thúc đẩy chúng ta hành động thì hãy cố hết sức mình chứ chẳng quan tâm đến thành hay bại.

"Nhiều khi tôi gặp những trường hợp vô cùng tế nhị hay nghiêm túc với trách nhiệm quá tầm cỡ. Khi mọi người đặt quá nhiều kỳ vọng và tin tưởng vào tôi, tôi cảm thấy có nhiều chuyện vượt quá tầm tay và đây là những trường hợp mà tôi cảm thấy lo lắng; và tôi chỉ còn cách là trở lại với động lực của chính tôi rồi cố thực hiện với tất cả khả năng và lòng thành. Làm việc với một động lực chân chính, với từ tâm thì dù có thất bại hay lầm lỗi, người ta cũng không có lý do để hối hận. Vì rằng nếu đã tận lực mà vẫn không thành công thì đấy là vì hoàn cảnh đã quá tầm tay, quá giới hạn của mình. Cho nên động lực chân chính làm chúng ta vơi đi nỗi lo âu đồng thời gây tạo lòng tự tin. Ngược lại, nếu động lực là để lừa gạt người khác thì khi thất bại, chúng ta sẽ rất sợ hãi, lo âu và ân hận.

"Cho nên một động lực chân chính có khả năng che chở chúng ta khỏi cảm giác lo âu và sợ hãi. Trên một bình diện nào đó, tất cả mọi hành động của con người đều nhắm đến một xu hướng và sức bật phía sau những hành động này là động lực của mỗi người. Nếu khai triển được một động lực chân chính và thuần khiết, nếu được thúc đẩy bởi ước vọng giúp đỡ tha nhân trên căn bản từ ái, vị tha, tôn kính thì dù bất cứ công việc gì và thuộc bất cứ lãnh vực nào, chúng ta cũng hành động hữu hiệu hơn, không bị cảm giác lo âu hay sợ hãi xâm chiếm, cũng không ngại thiên hạ khen chê và ngay cả việc có đạt được mục tiêu tối hậu hay không cũng chẳng làm chúng ta quan ngại. Rất nhiều người không đạt được ước vọng nhưng vẫn vui vẻ hân hoan vì đã hết lòng cố sức và ngược lại, với ý đồ bất chính, nhiều khi đã đạt được mục tiêu, được thiên hạ tán dương ca ngợi, người ta vẫn không yên ổn trong lòng".

Khi bàn luận đến đối lực của lo âu, đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa ra hai phương thức, mỗi phương thức có hiệu lực trên một bình diện khác nhau. Phương thức thứ nhất nhằm chống lại ưu tư và lo sợ mãn tính một cách hữu hiệu bằng cách áp dụng một tư tưởng phản đề: Tự nhắc nhở mình rằng nếu có một giải pháp cho vấn nạn thì chẳng cần phải ưu tư, còn nếu không có cách nào giải quyết thì ưu tư cũng chẳng ích lợi gì!

Phản đề thứ hai có một hiệu lực bao quát hơn, nó chuyển hóa động lực căn để của chúng ta. Có một sự tương phản thích thú giữa quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma và quan điểm của khoa học cũng như môn tâm lý Tây phương. Như chúng ta đã đề cập trước đây, những nhà nghiên cứu về động lực thúc đẩy hành động của con người đã tìm hiểu những động lực và nhu cầu thông dụng vừa do bẩm sinh vừa bởi kinh nghiệm. Ở mức độ này, đức Đạt Lai Lạt Ma đã chú tâm vào sự phát triển và sử dụng những động lực do học hỏi mà có để phát huy nhiệt tình và quyết tâm của mỗi người. Về nhiều phương diện, khuynh hướng này có điểm tương đồng với quan niệm của rất nhiều chuyên gia Tây phương cho rằng muốn đạt được ước vọng, quyết tâm và nhiệt huyết là những điều không thể thiếu. Điểm khác biệt là quan niệm của đức Đạt Lai Lạt Ma về việc phát huy nhiệt tình và quyết chí nhắm vào những mục tiêu cao đẹp hơn, đồng thời nhằm hủy diệt những ấn chứng tâm lý tiêu cực chứ không phải để đạt được những thành tựu thế tục như tiền tài hay quyền lực. Và điểm khác biệt trọng đại nhất là trong khi các 'phát ngôn viên của động lực tâm lý nhân loại' đang bận rộn để làm nguội bớt cường độ của những động lực vốn đã có sẵn về lợi lộc vật chất và các lý thuyết gia Tây phương đang bù đầu trong việc xếp loại những động lực này thì đức Đạt Lai Lạt Ma lại chú tâm vào việc cải biến và tái tạo những động lực căn để này nhằm vào từ tâm và thân ái.

Trong hệ thống huấn luyện tâm thức để đạt được hạnh phúc của đức Đạt Lai Lạt Ma, càng đến gần những động lực vị tha xả kỷ, người tà càng bớt đi lo âu sợ hãi ngay cả trong những hoàn cảnh kích động nhất. Nhưng nguyên tắc này cũng có thể được áp dụng vào các lãnh vực nhỏ bé hơn, ngay khi động lực của chúng ta không hoàn toàn vì từ ái. Chỉ cần lui lại để nhìn cho rõ, rồi cầm chắc là chúng ta không gây tạo thương tổn cho ai, rằng động lực của chúng ta là chân thật thì cũng đủ để giúp con người vơi bớt những lo âu trong cuộc sống thường ngày.

Sau buổi đàm luận này với đức Đạt Lai Lạt Ma không bao lâu, tôi có dịp ăn trưa với một nhóm người trong đó có một người trẻ mà tôi chưa từng gặp mặt, anh ta là một sinh viên đại học tại địa phương. Trong buổi ăn, một người bạn hỏi tôi về những buổi gặp gỡ với đức Đạt Lai Lạt Ma, và tôi nhắc lại những điều đã được đề cập đến việc khống chế cảm giác băn khoăn lo lắng. Sau khi yên lặng nghe tôi trình bày ý niệm 'động lực chân chính là phản đề của lo âu', cậu sinh viên đã thú nhận rằng anh ta đã khốn đốn rất nhiều về cảm giác này trong những dịp gặp gỡ công cộng ... Trong khi nghĩ cách làm sao để ứng dụng kỹ thuật này nhằm chế ngự cảm giác lo sợ của mình, cậu sinh viên nói như thì thầm: "Vâng, thật là rất thú vị. Nhưng điểm khó là làm sao để lúc nào cũng giữ được cái động lực cao quý đầy vị tha và từ ái này."

Tôi chấp nhận: "Tôi cho rằng điều đó rất đúng".

Chúng tôi nói qua những đề tài khác và kết thúc buổi ăn trưa. Một tuần sau tôi tình cờ gặp lại anh sinh viên này tại tiệm ăn cũ. Anh ta chào hỏi tôi rất niềm nở và nói: "Bác sĩ có nhớ buổi ăn trước đây mà chúng ta đã nói chuyện về động lực tinh thần và cảm giác lo sợ? Tôi đã cố gắng tập luyện và đã thành công! Có một cô gái làm việc cho cửa hàng bách hóa trong khu buôn bán. Tôi thấy cô ta nhiều lần và muốn mời cô ấy đi chơi. Nhưng tôi không quen cô ta và vì nhút nhát nên không làm sao gợi chuyện được. Tuần rồi tôi lại đi vào cửa hiệu, nhưng lần này tôi nghĩ đến động lực chính đáng trong việc mời cô ấy đi chơi. Động lực ấy dĩ nhiên là một cuộc hẹn hò nhưng hơn thế nữa, tôi muốn có một người để yêu và yêu lại tôi. Khi nghĩ đến chuyện ấy tôi thấy không có gì sai trái cả, động cơ thúc đẩy tôi làm quen với cô ấy là đúng đắn và thành thật. Tôi không có ý định gây thương tổn cho cô ấy hoặc chính tôi; chỉ toàn là hảo ý! Giữ vững ý tưởng đó trong lòng, tự nhắc nhở và trấn tĩnh mình đã khiến tôi có đủ can đảm nói những lời đầu tiên với cô ấy. Tim tôi cũng đập loạn xạ cả lên nhưng tôi cảm thấy hân hoan vì đã trấn áp được cảm giác e thẹn ngượng ngùng để gợi chuyện. "

"Rất mừng cho anh! Thế rồi sau đó ra sao? " Tôi hỏi.

"Sau khi nói chuyện, tôi được biết là cô ấy đã có bạn trai. Tôi thất vọng một chút nhưng cũng xong. Tôi hãnh diện vì đã chế ngự được tính nhút nhát của mình. Tôi nhận ra rằng nếu mình không có tâm địa xấu xa sai quấy thì lần tới, tôi có thể may mắn hơn trong hoàn cảnh tương tự".

LƯƠNG THIỆN LÀ ĐỐI LỰC CỦATỰ TY-PHÁT HUY TỰ TÍN

Tự tin là điều kiện căn yếu để đạt được mục tiêu. Điều này đúng dù mục tiêu của chúng ta là một mảnh bằng, xây dựng một doanh nghiệp thành công, vui hưởng một mối liên hệ thỏa đáng hoặc huấn luyện tâm thức để có được một cuộc sống hạnh phúc. Tự lượng giá thấp hay tự ty làm cản trở những cố gắng vượt lên/tiến tới, đối diện với thử thách, chấp nhận những rủi ro nếu cần để theo đuổi mục tiêu. Phát huy tự tín cũng nguy hiểm không kém. Những kẻ đã đau khổ vì phóng đại khả năng và kỹ năng của mình thường liên tục bị bực bội, thất vọng và giận dữ khi thực tế hiện ra phũ phàng và cuộc đời không chuẩn nhận quan điểm lý tưởng của họ. Hậu quả là lúc nào họ cũng gần như chìm đắm trong cảm tưởng trầm uất vì không đạt được mẫu mực lý tưởng mà họ đề ra. Thêm nữa, tính quy mô/tính vĩ đại của họ thường dẫn đến ý tưởng cho mình là hơn người, một loại kiêu căng làm họ xa cách với quần chúng và điều này ngăn cản họ, không cho phép họ có được những liên hệ thỏa đáng với tha nhân. Sau cùng, những ước định quá tầm thường khiến họ dấn thân vào những hiểm tai cao độ. Viên thám tử Harry Callahan (với biệt danh Dirty Harry) trong phim Magnum Force đã phát biểu thật sâu sắc và đầy triết lý khi nhìn thấy kẻ tội đồ quá tự tin đang nổ tung thân xác: "Người ta phải biết những giới hạn của mình."

Trong ngành tâm lý trị liệu của Tây phương, các lý thuyết gia đã liên kết hai trạng thái thiếu tự tin cũng như quá tự tin với những rối loạn cảm xúc và đã tìm tòi nguyên nhân của những rối loạn này của người ta lúc thiếu thời. Nhiều lý thuyết gia đã coi tự ty và tự tôn là hai mặt của cùng một đồng tiền, họ đã khái niệm hóa sự phóng đại hình ảnh chính mình của con người như trong trường hợp tâm lý phòng thủ của vô thức nhằm chống lại những bất ổn căn bản cũng như cảm tưởng tiêu cực của chính họ. Đặc biệt là các chuyên viên trị liệu có khuynh hướng phân tích đã đưa ra những lý thuyết để giải thích tại sao lại có những biến dạng trong hình ảnh chính mình. Họ cho rằng sự thành hình của hình ảnh chính mình là khi con người nội tại hóa các thông tin phản hồi của ngoại cảnh. Các chuyên viên mô tả con người đã phát huy ý niệm 'họ là ai' bằng cách phối hợp những thông điệp rõ rệt cũng như tiềm ẩn từ cha mẹ họ và những rối loạn cảm xúc đã xảy ra như thế nào khi mối tương tác với người bảo hộ vào thưở ấu thơ không được tốt đẹp và không giúp sự phát triển. Khi những rối loạn trong hình ảnh chính mình đủ nghiêm trọng để gây ra những rắc rối lớn lao trong cuộc sống, đa số những người này tìm đến ngành tâm lý trị liệu. Các trị liệu viên chuyên về nội tâm chú trọng vào việc giúp bệnh nhân hiểu rõ các dạng mẫu thiếu chức năng trong các mối liên hệ thưở nhỏ đã gây tạo những rối rắm cho người bệnh, đồng thời, các chuyên viên cũng cung cấp cho người bệnh những thông tin phản hồi và bối cảnh trị liệu thích hợp nhằm giúp người bệnh dần dà tái cấu trúc cũng như sửa đổi những điểm tiêu cực trong hình ảnh chính mình của người bệnh.

Quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma thì khác hẳn. Ngài chú trọng vào việc nhổ mũi tên ra thay vì dùng thì giờ vào việc tìm xem ai đã bắn mũi tên đó. Nghĩa là thay vì tìm hiểu tại sao người ta có khuynh hướng tự lượng giá thấp hoặc tự lượng giá cao, đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa ra phương pháp giúp người ta chiến đấu trực tiếp hầu loại bỏ những tình trạng tiêu cực này của tâm thức. Trong vài thập niên vừa qua, bản chất của 'cái tôi' là một trong những đề tài được nghiên cứu tỉ mỉ nhất trong khoa tâm lý. Những năm khoảng 1980 được tâm lý học mệnh danh là 'Thập Kỷ của Cái Tôi' và mỗi năm đã có hàng ngàn bài tham luận xuất hiện để mổ xẻ những vấn đề liên hệ đến tự tin và tự lượng giá. Với những ý tưởng này trong đầu, tôi trình bày vấn đề với đức Đạt Lai Lạt Ma:

"Trong một buổi bàn luận trước đây, Ngài có đề cập đến tính khiêm nhượng được coi là một thiên hướng tích cực và nó liên hệ nhiều đến việc phát huy nhẫn nhục và khoan nhượng. Trong tâm lý học Tây phương, và trong lối sống Âu tây nói chung, khiêm tốn gần như đã bị bỏ quên, và người ta chỉ chú tâm đến việc phát huy những cá tính như tự lượng giá và tự tin. Đúng ra, Tây phương đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào những cá tính này. Tôi không biết Ngài có cho rằng Tây phương đã quá đề cao, quá nhấn mạnh đến tự tin, một hình thức chỉ còn biết có mình, tự nuông chiều mình quá đáng?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Không hẳn như vậy tuy vấn đề có thể rất phức tạp. Thí dụ như các hành giả tâm linh vĩ đại là những người đã thệ nguyện, đã phát huy quyết tâm nhằm xóa bỏ tất cả các trạng thái tiêu cực của tâm thức với mục tiêu đem lại hạnh phúc trường cửu cho tất cả chúng sinh. Họ có được cái nhìn thâm diệu và nguyện vọng nghiêm túc. Điều này cần đến một loại tự tin vô cùng mãnh liệt để giúp họ có được một tâm thức dũng mãnh hầu hoàn thành các mục tiêu cao cả. Như thế, hình thức này như nhuốm vẻ cao ngạo nhưng không tiêu cực. Vì dựa trên những lý do rất tốt đẹp, tôi nghĩ rằng họ là những người vô cùng can đảm, là những anh hùng chân chính."

Tôi tiếp lời: "Vâng, đối với những vị đạo sư vĩ đại, dáng dấp cao ngạo bên ngoài thật ra là một thứ tự tin và can đảm chân chính, nhưng đối với con người bình thường, trong các điều kiện sống thường nhật, sự việc như có vẻ trái ngược. Những người có nhiều tự tin, tự lượng giá cao thường là những kẻ kiêu kỳ, ngạo mạn. Phật giáo đã coi kiêu mạn là một cảm xúc khổ não căn để. Tôi cũng có dịp được đọc một danh sách của một hệ phái Phật giáo đề cập đến bảy loại kiêu mạn khác nhau[3]. Cho nên chế ngự kiêu mạn là điều rất hệ trọng trong tư tưởng Phật giáo. Nhưng theo tôi thì quá tự tin cũng không khác gì mấy và biên giới giữa hai ý niệm này thật rất mong manh. Xin Ngài cho biết làm sao để phân biệt chúng và làm sao để phát huy tự tin cùng lúc với giảm thiểu kiêu căng?" 

Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý: "Đôi khi rất khó mà phân biệt rõ ràng giữa tự tin và kiêu mạn. Chúng ta có thể phân biệt chúng bằng cách xem những cảm xúc này có dựa trên căn bản đúng đắn/tốt đẹp hay không. Người ta có thể có địa vị ưu đãi đối với người khác trong một mối liên hệ nếu họ có những lý do vững chắc, được biện minh rõ ràng, và ngược lại, cũng có người tìm cách thổi phồng cái tôi mà không có căn bản thích đáng. Cho nên theo hiện tượng luận thì hai cảm xúc này khá gần gũi với nhau ..."

"Nhưng những kẻ kiêu mạn thường tự cho rằng họ có lý do chính đáng ..."

Đức Đạt Lai Lạt Ma thừa nhận: "Đúng, đúng như vậy."

Tôi hỏi tiếp: "Vậy thì làm sao để phân biệt chúng?"

"Tôi cho rằng đôi khi, chúng ta phải dùng hồi quang phản chiếu để biện giải hoặc dùng viễn tượng của nhân vật thứ ba (kẻ bàng quan)." Đức Đạt Lai Lạt Ma cười và nói đùa: "Không chừng chúng ta phải vác chiếu ra tòa để biết đó là tự tin hay kiêu mạn!" Ngài nói tiếp: "Để phân biệt giữa tự tin và kiêu mạn, chúng ta có thể nhìn vào thái độ của con người. Kiêu mạn hay cao ngạo thường dẫn đến những hệ quả tiêu cực trong khi tự tin đưa đến các hệ quả tích cực. Cho nên khi phân tích tự tin, chúng ta phải để ý đến động lực nằm sau ý niệm này mà theo tôi thì có hai loại: Một là cái tôi chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn những ước vọng của mình, những ham muốn ích kỷ và hoàn toàn làm ngơ đối với phúc lợi của tha nhân. Cái tôi thứ hai ngược lại, dựa trên mối quan tâm đến người khác và ước muốn phục vụ. Để thỏa mãn ước nguyện phục vụ tha nhân, người ta cần đến tự tin và ý niệm tự tin này thường là nguyên do của những hậu quả tích cực."

Tôi hỏi: "Trước đây Ngài có nói rằng một trong những phương pháp để giảm bớt kiêu mạn (nếu người ta hiểu rằng kiêu mạn là xấu và muốn khắc phục nó) là quán tưởng về những khổ nạn của chính mình, quán sát tất cả những hình thái khổ não mà chúng ta có thể gặp phải ... Ngoài quán tưởng ra, chúng ta còn có kỹ thuật hay phản đề nào khác để đối trị kiêu mạn không?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: "Một đối lực của kiêu mạn là nghĩ đến tính đa dạng của vấn đề. Thí dụ như trong chế độ học vấn tân tiến ngày nay có vô số những ngành học khác nhau. Chỉ cần xét xem mình hiểu biết được bao nhiêu trong vô số các môn học đó thì cảm giác kiêu mạn có thể suy khuyết bớt." Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc lâu. Nghĩ rằng Ngài không còn gì để nói về đề tài này, tôi nhìn sổ tay và định chuyển sang chủ đề khác thì đức Đạt Lai Lạt Ma bỗng nói tiếp: "Chúng ta đã đề cập đến việc phát huy lòng tự tin một cách lành mạnh. Tôi đoán rằng thành thực và tự tin có liên hệ mật thiết với nhau."

Tôi hỏi: "Ngài định nói về sự thành thực với chính mình về khả năng của chúng ta hay Ngài có ý nói chúng ta phải thành thực với người khác?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Cả hai! Càng thành thực, chúng ta càng cởi mở và ít lo sợ vì không có gì phải dấu diếm nên người ta không có cảm giác e ngại khi mở lòng ra với tha nhân. Vì vậy, càng thành thực chúng ta sẽ càng tự tin."

Tôi ngắt lời: "Xin Ngài cho biết thêm một ít về cá nhân Ngài đã ứng phó thế nào với ý niệm tự tin. Vì trước đây Ngài có cho biết rằng nhiều người đã đến để xin Ngài ban phép lạ. Người ta có vẻ đặt quá nhiều kỳ vọng và do đó tạo ra áp lực nặng nề đối với Ngài. Như vậy, dù được thúc đẩy bởi một động lực chính đáng, liệu những áp lực này có gây ra cảm giác thiếu tự tin trong năng lực của Ngài không?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: "- đây chúng ta nên thận trọng khi quan niệm thế nào về 'thiếu tự tin' và 'thêm tự tin' về một hành động đặc biệt nào đó hay bất cứ điều gì. Để có thể nói 'thiếu tự tin' người ta phải biết chắc chắn rằng chúng ta có khả năng làm một điều gì đó hay chuyện đó nằm trong lãnh vực của chúng ta. Và khi một vấn đề nằm trong giới hạn của mình mà chúng ta không làm được thì cảm giác 'Ô, tôi không đủ khả năng, tôi không làm nổi' bắt đầu xuất hiện. Còn trong trường hợp của tôi, cảm giác không làm được các phép lạ không làm tôi thiếu tự tin, đơn giản chỉ vì tôi không bao giờ có khả năng ấy tự ban đầu. Tôi không bao giờ cho rằng mình có thể làm được những việc mà chỉ có những bậc toàn giác, chư Phật mười phương mới làm được như hiểu thấu mọi chuyện, lĩnh hội mọi thứ, làm đúng mọi điều vào bất cứ lúc nào. Cho nên khi người ta đến xin tôi chữa trị những bệnh nan y, làm các phép lạ ... tôi không cảm thấy thiếu tự tin mà tôi chỉ cảm thấy lúng túng, khó xử.

"Do vậy mà trên bình diện tổng quát, thành thực với mình, với người về khả năng đảm đương công việc có thể khiến chúng ta không bị cảm giác thiếu tự tin.

"Nhưng nói đi rồi nói lại, thí dụ như trong công cuộc đối phó với nhà cầm quyền Hoa lục, đôi khi tôi cảm thấy thiếu tự tin. Tôi vẫn thường hỏi ý kiến của các viên chức nội các lẫn người bên ngoài, tôi hỏi ý kiến của bạn hữu, đàm đạo với họ ... Sau khi đã tham khảo rộng rãi, tôi mới làm các quyết định dựa trên những ý kiến này. Cho nên sau khi quyết định, tôi ít khi hối hận vì đã hấp tấp hay thiếu sót." 

Không lo sợ và tự lượng giá một cách trung thực là một thứ vũ khí hữu hiệu để đối lại với cảm giác nghi ngờ chính mình và thiếu tự tin. Đức Đạt Lai Lạt Ma tin tưởng rằng tính trung thực có thể được coi là một đối lực của các trạng thái tâm thức tiêu cực và điều này được xác định bởi những cuộc nghiên cứu gần đây đã chứng minh khá hùng hồn rằng những người biết nhận thức/lượng giá đúng đắn và chính xác về bản thân họ là loại người hài lòng với chính mình, tự tin nhiều hơn so với những người có những hiểu biết không xác đáng về khả năng của họ.

Qua nhiều năm, tôi có dịp chứng kiến đức Đạt Lai Lạt Ma làm sáng tỏ ý tưởng rằng tự tin là do thành thực và thẳng thắn về khả năng của mình. Lần đầu tiên, khi nghe Ngài thản nhiên nói trước mặt đám đông thính giả "Tôi không biết" tôi đã rất đỗi ngạc nhiên vì trái hẳn với thói quen của các giảng viên đại học hay những người tự coi mình có thẩm quyền. Đức Đạt Lai Lạt Ma chấp nhận sự thiếu hiểu biết của mình không một chút ngượng ngập, không đưa ra những nhận xét cao siêu và không cố tỏ cho mọi người biết là mình thông thái. Ngài thường tỏ ra thích thú khi phải đối diện với một câu hỏi khó mà Ngài không có câu trả lời thích hợp hoặc dùng hình thức khôi hài để đối đáp. Vào một buổi chiều tại Tucson, khi bình giảng một đoạn có những lý luận rất phức tạp trong cuốn Hướng Dẫn Cách Thực Hành Bồ Tát Đạo của Shantideva, đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ ra lúng túng, lẫn lộn rồi phá ra cười và nói: "Tôi rối trí quá, có lẽ chúng ta bỏ qua đoạn này đi. Đoạn kế tiếp là ..."

Nghe thính giả cười thông cảm, đức Đạt Lai Lạt Ma cười lớn hơn và nói: "Trong những trường hợp như thế này, người ta thường nói đến một thành ngữ đặc trưng có nghĩa như sau: Cũng giống như một người già ăn uống, một người già với răng cỏ hom hem, chỉ ăn những thứ mềm, còn cái gì cứng thì để lại. Vậy chúng ta hãy để cái đoạn khó nuốt này ở lại đây vậy." Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn cười vui vẻ và không một chút giao động trong niềm tự tin tối thượng của Ngài.

SUY NGẪM VỀ NĂNG LỰC CỦA CHÚNG TANHƯ LÀ ĐỐI LỰC CỦA TỰ HẬN

Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ vào năm 1991, hai năm trước khi đức Đạt Lai Lạt Ma viếng Arizona, tôi có dịp gặp Ngài tại nhà riêng ở Dharamsala. Tuần lễ đó, Ngài phải hàng ngày gặp gỡ các khoa học gia Tây phương, các nhà vật lý, tâm lý gia cũng như các giáo sư y khoa ... trong cố gắng tìm hiểu mốt liên hệ Tâm-Vật trong con người cũng như sự tương quan giữa cảm xúc tâm lý và sức khỏe thể chất. Tôi gặp đức Đạt Lai Lạt Ma vào một buổi chiều sau khi Ngài nói chuyện với một số khoa học gia. Trong buổi đàm luận, đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi:

"Anh biết là tuần này tôi có dịp gặp gỡ các khoa học gia ?"

"Vâng" tôi đáp.

"Trong tuần này có vài điều làm cho tôi rất ngạc nhiên - Ý niệm tự hận (thù ghét chính mình) - Anh biết ý niệm này chứ?"

"Tôi biết khá rõ. Rất nhiều bệnh nhân của tôi bị dằn vặt về cảm xúc này."

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp: "Khi nghe người ta nói về ý niệm này, đầu tiên tôi có cảm tưởng là tôi hiểu lầm ý nghĩ của họ." Ngài cười và nói tiếp: "Tôi nghĩ rằng ai cũng yêu bản thân, làm sao người ta lại có thể tự ghét mình? Dù có được một ít hiểu biết về phương pháp hoạt động của tâm thức, ý niệm tự hận thật hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Lý do khiến tôi không thể tin được ý niệm này vì rằng thực hành Phật pháp là để khắc phục thái độ ích kỷ, ý tưởng chỉ nghĩ đến mình, cho mình là nhất ... Từ quan điểm này, tôi nghĩ rằng chúng ta yêu thương và chăm sóc mình quá nhiều. Cho nên nói đến chuyện một cá nhân không quan tâm đến mình hoặc hơn nữa, thù ghét chính họ là điều rất khó hiểu. Với tư cách là một tâm lý gia, anh có thể giải thích cho tôi biết vì sao ý niệm này phát khởi trong tâm lý con người?"

Tôi diễn đạt một cách tóm lược quan điểm của ngành tâm lý trị liệu về việc cảm giác tự hận đã xuất hiện bằng cách nào. Tôi cũng giải thích về hình ảnh chính mình của con người đã rập khuôn theo cha mẹ như thế nào trong lúc lớn khôn, chúng ta đã tiếp nhận các thông điệp tiềm ẩn về mình từ cha mẹ trong lúc trưởng thành và phát triển như thế nào, và tôi cũng nói qua về những hoàn cảnh đặc biệt đã tạo nên những nét tiêu cực trong hình ảnh chính mình của con người. Sau đó, tôi đề cập đến các dữ kiện chi tiết đã gây ra cảm giác tự hận như khi hành vi của mình không đáp ứng đúng các hình ảnh đã được lý tưởng hóa. Trong vài trường hợp, cảm giác này được củng cố bởi tập tục và thói quen nhất là đối với phụ nữ và các sắc tộc thiểu số. Khi nghe tôi trình bày những chi tiết này, đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu tỏ vẻ thích thú với những biểu lộ trên nét mặt cho thấy làm như Ngài vẫn chưa chấp nhận hoàn toàn cái ý niệm lạ lùng này.

Groucho Marx đã một lần phát biểu: "Tôi không bao giờ gia nhập một câu lạc bộ nếu họ chỉ muốn có hội viên." Khai triển lối nhìn tiêu cực này về bản chất con người, Mark Twain nói: "Tận cùng trong phần sâu kín nhất của tâm hồn, không một người đàn ông nào cảm thấy chính hắn đáng được tôn trọng". Lối nhìn người bi quan này được nhà tâm lý nhân bản Carl Rogers phối hợp với những lý thuyết tâm lý của ông để cho rằng: "Hầu hết mọi người đều coi thường chính mình, xem mình không có giá trị và không thể yêu thương được."

Có một nhận xét khá phổ dụng trong xã hội chúng ta được hầu hết các tâm lý gia đồng ý là cảm giác thù ghét chính mình đang lan tràn trong lối sống Tây phương. Điều may mắn là mặc dù cảm xúc này hiện hữu thật sự, nó không đến nỗi quá phổ quát như nhiều người tin tưởng. Đây rõ ràng là một vấn nạn khá phổ thông trong số những người tìm đến ngành tâm lý trị liệu. Nhưng lắm khi, các chuyên viên trị liệu tại các dưỡng đường có một cái nhìn thiên lệch, có khuynh hướng áp đặt quan niệm phổ thông của mình về bản chất con người lên những bệnh nhân bước chân qua cửa phòng mạch của họ. Tuy vậy, những bằng chứng dựa vào các dữ kiện thực nghiệm trong các cuộc nghiên cứu về mục tiêu và phẩm chất đời sống đã cho rằng thông thường, người ta có khuynh hướng (hay ít nhất, người ta muốn) xem mình 'khá hơn bình thường', muốn được đối xử khác hơn mọi người.

Bởi đó, tuy tự hận không đến nỗi có tính cách toàn cầu như người ta tưởng, cảm giác này vẫn là chướng ngại khủng khiếp đối với rất nhiều người. Và tôi đã rất ngạc nhiên đối với phản ứng của đức Đạt Lai Lạt Ma về ý niệm này. Chỉ riêng phản ứng này của Ngài cũng giúp người ta bớt nản chí. Có hai điểm cần phải nghiên cứu liên hệ đến phản ứng của đức Đạt Lai Lạt Ma. Điểm thứ nhất là Ngài chưa nghe đến cảm xúc tự hận. Giả thuyết căn bản cho rằng tự hận là cảm xúc phổ thông của nhân loại đã khiến người ta có ấn tượng rằng cảm xúc này đã ăn sâu trong tâm lý con người. Nhưng sự thật là ý niệm này đã không hề được biết đến trong những nền văn hóa khác, trong trường hợp này là nền văn hóa Tây Tạng, và điều này nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ rằng trạng thái tâm thức phiền toái này, giống như những trạng thái tâm lý tiêu cực khác mà chúng ta đã có dịp nói đến trước đây, không có tính cách nội tại tức không phải là bản chất thực của tâm thức con người. Cảm xúc này không hiện hữu khi chúng ta sinh ra, không có tính cách bất khả hủy và cũng không phải là một đặc tính không thể tẩy xóa của bản chất nhân loại. Nó có thể bị hủy diệt. Nhận thức được như vậy đã làm giảm thiểu bớt sức mạnh của cảm xúc tự hận, đã giúp chúng ta hy vọng và gia tăng quyết tâm của mình nhằm triệt tiêu cảm xúc này.

Điểm thứ hai trong phản ứng của đức Đạt Lai Lạt Ma là Ngài đã thốt lên "Thù ghét chính mình ? Tôi tưởng là chúng ta ai cũng yêu thương mình chứ?" Đối với những ai đã bị khổ sở vì cảm xúc tự hận, hoặc biết một người nào đó ở trong hoàn cảnh này, người ta có thể cho phản ứng của đức Đạt Lai Lạt Ma là vô cùng giả tạo. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ, người ta thấy có một sự thật trong phản ứng của Ngài. Thương yêu rất khó định nghĩa và có rất nhiều định nghĩa về yêu thương. Nhưng có một định nghĩa (có thể là định nghĩa thuần khiết và cao vợi nhất) của yêu thương là ước muốn tối hậu, tuyệt đối và hoàn toàn cho hạnh phúc của kẻ khác. Đây là ước vọng với tất cả tấm lòng cho một người nào đó, không kể đến việc họ có thể gây ra thương tổn cho mình hoặc ngay cả đến mình có thích họ hay không. Trong đáy lòng, rõ ràng là ai cũng muốn được hạnh phúc. Vậy nếu định nghĩa của chúng ta về yêu thương dựa trên ước vọng chân chính là hạnh phúc của mọi người thì mọi người trong chúng ta phải yêu thương chính mình, mọi người trong chúng ta phải thật lòng mong cho mình có hạnh phúc (vì mình là một phần của mọi người).Trong nghề nghiệp, đôi khi tôi gặp những bệnh nhân có cảm xúc tự hận quá độ đến nỗi đã nhiều lần có ý định quyên sinh. Nhưng ngay trong những trường hợp quá độ như vậy, ý tưởng chết chóc cũng dựa trên ước vọng giải thoát họ khỏi khổ não chứ không phải gây tạo khổ não cho mình.

Bởi thế, có lẽ đức Đạt Lai Lạt Ma cũng không đi xa lắm với những tin tưởng căn để của Ngài rằng yêu thương chính mình là bản chất căn để của chúng ta. Ý tưởng này có thể được coi là một đối lực cho cảm xúc tự hận: Chúng ta có thể trực tiếp chống đối lại cảm tưởng ghét bỏ chính mình bằng cách tự nhắc nhở rằng có thể chúng ta không ưa thích một vài phương diện nào đó trong bản ngã của mình, nhưng suy cho cùng thì chúng ta vẫn mong mỏi cho mình được hạnh phúc, và đây là một hình thức yêu thương vô cùng sâu xa, vi diệu.

Trong lần viếng thăm Dharamsala kế tiếp, tôi có dịp đề cập cảm xúc tự hận một lần nữa với đức Đạt Lai Lạt Ma. Đến bây giờ thì Ngài đã làm quen với ý niệm này và bắt đầu khai triển những biện pháp để đối phó. Ngài giải thích:

"Theo quan điểm nhà Phật, tình trạng suy thoái và chán nản được coi là những trở lực trong công cuộc đạt đến những mục tiêu của con người. Tình trạng tự hận xem ra còn quá độ hơn nhiều so với cảm xúc nản chí, ngã lòng, và đây là điều rất nguy hiểm. Đối với hành giả Phật giáo, phản đề của tự hận là suy ngẫm đến sự kiện rằng tất cả chúng sinh (kể cả mình) đều có Phật tính - tức là hạt giống hay tiềm năng của sự toàn thiện, của sự giác ngộ hoàn toàn- bất kể đến hiện trạng của chúng ta có yếu đuối, nghèo khổ, bần cùng đến đâu chăng nữa.

"Bởi thế, những Phật tử nào bị phiền não vì cảm xúc tự hận hãy tránh suy nghĩ đến bản chất khổ não và bất như ý của cuộc sinh tồn. Thay vào đó, hãy quan sát những phương diện tích cực của cuộc sống như trân quý tiềm năng vô hạn trong tâm thức con người. Bằng cách quán tưởng đến những tiềm năng và cơ hội quý báu này, người ta có thể phát huy được cảm giác tự tin và biết mình có giá trị." 

Tôi đưa ra một câu hỏi tiêu chuẩn từ viễn tượng của một người không phải là Phật tử: "Vậy thì cái gì có thể được coi là đối lực (cho cảm xúc tự hận) đối với những người chưa từng nghe đến ý niệm Phật tính hay những người không phải là Phật tử?"

"Có một đặc điểm mà mọi người đều nhận biết và ta có thể dùng làm đối lực cho những người không phải là Phật tử, đó là chúng ta có được một tặng phẩm tuyệt vời: Sự thông minh kỳ diệu. Bên cạnh đó, chúng ta còn có khả năng tạo ra quyết tâm và hướng quyết tâm đó vào đường hướng mà chúng ta thích. Không ai có thể nghi ngờ khả năng này của con người. Vì vậy, nếu hiểu rằng chúng ta có những tiềm năng và nếu cứ tự nhắc nhở mình mãi cho đến khi trở thành thói quen trân quý 'thân người' mà mình đang có thì người ta có thể giảm thiểu được cảm xúc chán nản, vô vọng và tự khinh mình".

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc rồi nói tiếp với âm điệu cao thấp khác nhau chứng tỏ Ngài vẫn hăng hái trong việc tìm tòi, khám phá: "Tôi cho rằng ở đây có một sự tương đồng với các phương thức mà người ta dùng để trị liệu những bệnh tật của thể xác. Khi trị bệnh, bác sĩ không chỉ đơn thuần sử dụng thuốc kháng sinh để chữa trị một căn bệnh nào đó mà ông ta còn phải tìm hiểu xem thể chất bệnh nhân có chấp nhận thuốc kháng sinh hay không. Để giúp người bệnh có khả năng thu nhận những kháng tố, bác sĩ cũng phải giúp người ta có các điều kiện thể lực tốt đến một mức độ nào đó bằng cách cho họ dùng thêm sinh tố chẳng hạn. Nếu người bệnh có thể lực khá thì tự thân, họ đã có khả năng chống lại bệnh tật đến một giới hạn nào đó rồi. Tương tự như thế, nếu chúng ta hiểu biết và luôn luôn nhận thức rằng con người được sinh ra với một tặng phẩm cao quý là sự thông minh, rằng chúng ta có khả năng phát triển quyết tâm và sử dụng quyết tâm đó vào những đường hướng tích cực. Nghĩa là ở một phương diện nào đó, chúng ta có một sức mạnh tinh thần căn để, một sức mạnh chỉ có được khi chúng ta mang thân người với những tiềm năng vĩ đại". 

Nhận thức này có thể hoạt động như một kết cấu nội tại giúp chúng ta ứng xử với những hoàn cảnh khó khăn mà không bị mất đi niềm tin hay rơi vào trạng thái tự hận. Tự nhắc nhở mình về những phẩm chất cao trọng mà chúng ta chia xẻ với tất cả nhân quần có thể vô hiệu hóa ý tưởng cho mình là xấu hay không xứng đáng. Rất nhiều người Tây Tạng quán tưởng như vậy mỗi ngày cho nên có thể đấy là lý do tại sao ý niệm tự hận không hiện hữu trong đời sống của họ.



[1]Bàn về sân hận, Khổng Tử có nói "Dằn tâm giận xuống một lúc thì khỏi lo sợ cả trăm ngày. Nên chi việc đáng nhịn thì nhịn, chuyện đáng răn thì răn. Nếu chẳng nhịn chẳng răn thì chuyện nhỏ hóa to. Bao nhiêu chuyện phiền não đều do chẳng nhịn mà ra."

Kinh Phật cũng xác định: "Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai" tức là một niệm sân hận nổi lên thì trăm nghìn cửa nghiệp chướng đều mở; hoặc "Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn" nghĩa là một đốm lửa sân hận nổi lên có thể thiêu đốt ngàn vạn rừng công đức (Phụ chú của người dịch).

[2]Potala là lâu đài mùa đông theo truyền thống của các vị Lạt Ma, đồng thời cũng là biểu tượng tôn giáo và di tích lịch sử của Tây Tạng. Potala được vua Song-Tsen Gampo xây dựng vào thế kỷ thứ 7 và sau đó bị hư hại; mãi cho đến thế kỷ 17, đức Lạt Ma thứ 5 mới khởi sự tái thiết. Kiến trúc hiện tại cao khoảng 150 mét, toạ lạc trên đỉnh đồi Red Hill tại Lhasa, với chiều dài gần 400 mét, gồm 13 tầng với hàng ngàn phòng, sãnh đường, đền thờ, nhà nguyện ... 

[3]Duy thức học Phật giáo gọi là căn bản phiền não tức là những cảm xúc rất khó diệt trừ vì có cội rễ sâu thẳm trong tâm thức. Bảy món kiêu mạn mà tác giả nói đến là mạn, ngã mạn, quá mạn, mạn quá mạn, tăng thượng mạn, ty liệt mạn, tà mạn. (dịch giả phụ chú)

---o0o---


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567